Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH (Chương 17.2)

Gần trưa, một chiếc ôtô con tám chỗ đỗ sịch trước cổng. Mọi người đều ngó cả ra ngoài ngõ. Cửa xe mở. Một người đàn bà trung tuổi bước ra. Tiếp theo chị là một người đàn ông tóc hoa râm và Vinh cùng bốn thanh niên khác đội lễ. Quang quay đầu xe lăn nghển cổ lên ngó ra. Cái Hà chạy lại mấy vị khách xăm xoe phụ giúp xách đồ. Dụ cùng ông Thịnh vồn vã đón khách. Mọi người tíu tít bắt tay chào hỏi. Lũ trẻ con chạy đi chạy lại quấn lấy chân người lớn cười đùa rinh rích.
Dụ hướng dẫn đội bưng lễ nhà trai để tạm lễ xuống cái phản gian bên. Gian giữa bố trí dãy bàn ghế, họ nhà trai một bên, họ nhà gái một bên. Chiếc xe lăn của Quang đặt chếch bên phía nhà gái, ngay lối cửa vào. Hai bên giới thiệu thành phần đoàn. Phía nhà Quang, ông Thịnh, bố đẻ Hà đứng ra đàm đạo. Phía nhà trai, vị đàn ông tóc hoa râm, anh trai của mẹ Vinh làm trưởng đoàn. Vinh, Hà cùng nhau rót nước mời hai họ.
- Kính thưa các cụ, các ông, các bà hai họ! Kính thưa ông bà ông Quang! Kính thưa ông bà ông Thịnh! Vị trưởng đoàn nhà trai đứng dậy lên tiếng - Sau quá trình tìm hiểu yêu đương nhau đến nay tình cảm hai cháu Vinh và Hà đã chín muồi. Các cháu đã báo cáo hai gia đình để đi đến hôn nhân. Hôm nay, ngày lành tháng tốt, chúng tôi đại diện họ nhà trai có cơi trầu xin được các cụ, các ông, các bà họ nhà gái cho phép cháu Vinh được làm tôi con nhà ông bà Quang đây, làm tôi con các cụ. Chúng tôi lòng thành đã chuẩn bị ít lễ mọn theo phong tục xin được các cụ, các ông, các bà họ nhà gái chấp nhận.
Bốn thanh niên trong đội bưng lễ họ nhà trai trong trang phục quần đen, áo trắng sơ vin đóng bộ nghiêm chỉnh cùng đồng loạt đứng dậy bê những chiếc mâm phủ vải đỏ. Họ đứng xếp hàng ngay ngắn ngay cửa chính trước dãy bàn của các vị quan khách hai họ như một đội tiêu binh, một hàng quân danh dự.
Đợi cho vị đại diện họ nhà trai dừng lời ngồi xuống, ông Thịnh đứng lên đáp từ. Ông cảm ơn thịnh tình của họ nhà trai và đồng ý nhận lễ. Bốn cô gái áo dài đỏ thắm do Hà chuẩn bị liền bước ra đứng đối diện thành từng cặp với từng chàng trai của đội bưng lễ. Hai bên chuyển những chiếc mâm lễ cho nhau. Bốn cô gái trịnh trọng bê lễ đến đặt trên một chiếc bàn ngay trước ban thờ. Thủ tục này chưa có bao giờ ở làng La Hương vì đây là đám lấy chồng lấy vợ thiên hạ nên hai bên đều muốn cho nề nếp, bài bản, làm sang trước dân làng.  Ông Thịnh xin phép mọi người mở lễ và sắp đặt trầu cau, chè thuốc, bánh kẹo... lên bàn thờ. Đoạn, ông làm thủ tục thắp hương khấn vái.
Người đàn bà từ lúc đến đến giờ vẫn lặng lẽ quan sát căn nhà và ý tứ trò chuyện với mọi người. Trong lúc ông Thịnh sắp lễ, chị chợt nhìn thấy cuốn tiểu thuyết “Đồng vọng” đặt rất trang trọng trong tủ kính. Chị thoáng giật mình. Phải, cuốn tiểu thuyết này chị đã được đọc, do chính cái Hà và thằng Vinh mang đến cho chị tháng trước. Chị thấy như tác giả viết về một quãng đời của chị. Chị đã nâng niu quyển sách đó, gối nó ở đầu giường và đọc đi đọc lại nó không biết bao nhiêu lần. Không biết tác giả là ai mà lại viết hay đến thế. Thằng Vinh, con chị đã nói với chị rằng: chính bố Hà là người viết quyển sách này. Chị chưa tin định bụng lúc nào đó sẽ hỏi lại các con cho rõ thì bất ngờ hôm nay, quyển sách ấy lại nằm trịnh trọng trên ban thờ kia khiến cho trí tò mò của chị càng lúc càng dâng cao. Chị chăm chăm nhìn quyển sách. Rồi chị lướt nhìn mấy cái khung ảnh treo trong nhà. Chợt chị dừng lại ở tấm bằng huân chương chiến công. Vũ Vinh Quang! Trời! Cả ảnh anh ấy nữa kìa! Có đúng Quang không? Chị không tin ở mắt mình nữa! Chả lẽ đây là nhà của anh? Chị chớp mắt mấy lần cố nhìn lại cho rõ. Đúng anh rồi! Mà sao không thấy bằng Tổ quốc ghi công đâu nhỉ? Chị ngơ ngác.
Từ lúc phát hiện ra người mà chị mòn mỏi kiếm tìm hơn hai chục năm nay đang ở chính trong ngôi nhà này đã khiến cho chị như người mất hồn. Chị chẳng biết mọi người xung quanh đang nói, đang làm gì nữa. Đầu óc chị mụ lên. Nhịp tim đập loạn xạ. Bao câu hỏi xoáy lên trong óc chị. Lần lượt quan sát từng người phía nhà gái chị dừng lại hồi lâu, nhìn như dán mắt vào người đàn ông đang nằm trên chiếc xe lăn. Bốn mắt họ chợt gặp nhau. Như có luồng điện giật, một cảm giác lạnh toát chạy dọc sống lưng chị. Khuôn mặt chị bỗng tái nhợt. Chị lả đi gục xuống bàn. Mọi người hốt hoảng chạy đến bên chị. Họ ngỡ chị bị say xe. Loan dìu chị sang giường bên và lấy dầu gió xoa khắp người cho chị. Lát sau, tỉnh lại, chị chỉ vào Quang:
- Anh đây là...
Quang giật mình cố ngóc đầu dậy. Loan đáp:
- Cậu ấy là em tôi, bố cháu Hà đấy. Lúc nãy, bác Thịnh, bố cháu chẳng đã giới thiệu rồi là gì!
- Có phải... anh... anh là... Vũ Vinh.... Vũ Vinh Quang, tác giả cuốn tiểu thuyết “Đồng vọng” không? Có đúng không?
Mọi người tò mò ngơ ngác theo dõi cử chỉ của mẹ Vinh. Hiền lên tiếng:
- Vâng! Nhà tôi đấy! Nhà tôi viết cuốn tiểu thuyết âý đấy.
Cái Hà líu ríu tiếp lời mẹ:
- Đúng đấy mẹ ạ. Đấy là bố con, tác giả cuốn tiểu thuyết mà con đưa cho mẹ đọc đấy!
Người đàn bà vụt đứng dậy chạy đến bên chiếc xe lăn, vòng tay qua chiếc xe ôm lấy Quang và gọi:
- Anh Qu...a....ng!
Dứt lời chị xỉu hẳn. Trên xe lăn, Quang gần như ngồi hẳn dậy:
- An! Phải An không?
Tất cả sững sờ chết lặng. Không ai nói được câu nào trước cảnh tượng ấy. Mấy người đàn bà lại day ngực, bấm huyệt và làm những động tác cấp cứu mẹ của Vinh. Phải đến gần chục phút sau, chị ta mới tỉnh hẳn. Chị ngồi dựa vào chiếc xe lăn, đầu tóc rũ rượi. Hiền, Loan, Hiên, ba chị em họ cùng vuốt lại tóc và chỉnh lại áo xống cho chị. Chờ cho chị nguôi nguôi, Hiền khẽ hỏi:
- Có việc gì khiến chị xúc động vậy?
- Anh Quang đây trước cùng đơn vị với em...
Chị vừa mới cất được ngần ấy tiếng thì Quang kêu lên:
- An! Trời ơi! Đúng An thật rồi!
- Cuối cùng thì em đã tìm được anh!
Vai người đàn bà rung lên. Lại đến lượt Quang ngất xỉu. Mọi người lại cuống cuồng cấp cứu anh.
Mãi sau, khi hai người đã bình phục trở lại, An thay Quang kể lại câu chuyện của họ đúng như một số chương trong cuốn tiểu thuyết “Đồng vọng”. Tất cả đều xúc động trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Chẳng còn ai nghĩ đến nghi lễ của một buổi ăn hỏi nữa. Quay sang Quang, An gần như nói riêng với anh:
- Anh biết không, chiến tranh kết thúc em đã tìm anh khắp nơi khắp chốn. Dạo ở chiến trường, anh chỉ nói với em rằng anh ở tỉnh Vĩnh Phú, quê hương Đất Tổ Vua Hùng. Em cũng đoảng, chẳng rõ anh ở huyện nào nên việc kiếm tìm vơ với quá. Năm nào em cũng về dự Hội Đền Hùng những mong được gặp anh nhưng giữa ngàn ngạt rừng người ấy biết ai mà tìm. Cả chục năm trời đều vô vọng như vậy. Sau đó nghe tin anh đã hy sinh, em không tin nhưng cũng đành chấp nhận với hoàn cảnh. Khi cháu Hà đưa em cuốn tiểu thuyết em đọc đã thấy nghi nghi song tác giả lại ghi là Thanh Quang, không phải tên anh. Em nghĩ chắc người ấy phải rõ về Trường Sơn, rõ về chúng mình lắm mới viết được như vậy. Không ngờ hôm nay em được gặp anh ở đây. Sao anh bỏ mặc em như thế, anh Quang?
Người đàn bà nấc lên. Tay Quang rờ rẫm nắm lấy đôi bàn tay của chị:
- An à! Không phải anh bỏ mặc em đâu mà chính anh muốn cho em được hạnh phúc. Anh bị thương tưởng chết, như bây giờ em thấy đấy. Đến gia đình anh anh còn giấu nữa là.
- Đúng đấy - Loan tiếp lời - Cậu ấy còn định không cho chị em chúng tôi biết nữa cơ. Về trại thương binh Nam Hà mấy năm trời mà ở nhà chúng tôi nào có biết. Xã thì đã báo tử. Mãi sau này có anh Việt  cùng làng, cùng thương binh ở trại với cậu ấy viết thư về chúng tôi mới biết đấy. Cậu ấy không muốn mọi người phải khổ vì mình. Thế có dở không cơ chứ. Thôi, thế là mừng rồi. Bây giờ gặp nhau, lại thông gia với nhau. Thật chẳng có gì hơn nữa. Ông trời có mắt đấy.
- Thông gia! Anh Quang ơi! Mọi người ơi! Thằng Vinh... Thằng Vinh chính là... là con trai của anh ấy đấy!
Tất cả há hốc mồm, tròn xoe mắt khi chị đưa ra thông tin ấy. Mọi con mắt đổ xô vào nhìn Vinh. Vinh, Hà cùng nhìn nhau và đứng như trời trồng. Quang chống hai tay gần như ngồi hẳn dậy. Anh trân trân nhìn Vinh từ đầu đến chân. Hiền tái mặt rỉ tai Loan nói đứt quãng:
- Ngay từ phút gặp đầu tiên em đã thấy thằng bé giống nhà em quá.
Loan cũng thú nhận:
- Chị cũng thế. Nào ngờ...
- Vâng, nó là con anh đấy - Người đàn bà nhắc lại - Cái đêm Trường Sơn năm ấy, giữa bão đạn mưa bom anh đã kịp để lại cho em một giọt máu trong mình. Lúc anh vào tuyến trong, anh đã dặn với em rằng nếu đêm ấy cho ta mầm sống thì em hãy cỗ giữ lấy cho anh. Là con trai thì đặt tên là Vinh, Quang Vinh vần với tên đệm của anh, còn là con gái thì đặt tên là Hoà, An Hoà vần với em. Đúng không?
An nhắc lại và nhìn xoáy vào mắt Quang. Chị kể tiếp:
- Nghe lời anh, tìm anh hơn chục năm trời không thấy, em ở vậy nuôi con. Bây giờ nó đây, con trai của chúng mình đây anh. Vinh, lại chào bố đi con!
Nhân vừa nói vừa kéo Vinh lại bên chiếc xe lăn. Thằng bé ngộc nghệch đứng đực ra như phỗng. Hai tay Quang lần sờ cầm lấy đôi tay của Vinh;
- Con! Bố có lỗi...! Hiền... ơ...ơi!
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH (Chương 17.2)

Quang cất tiếng gọi và đưa ánh mắt tìm Hiền. Từ nãy đến giờ, Hiền không còn cảm thấy trời đất là gì nữa. Chị như u mê. Trong đầu chị tiếng gọi đó như cất lên từ xa thẳm. Hai tay chị bo đầu chạy vào buồng. Bà Toe, Hiên cùng vào chăm sóc Hiền.
- Em xin lỗi mọi người về chuyện này - An ấp úng bối rối.
- Không! Chị không có lỗi gì cả - Loan quay ra nói - Nếu đúng vậy thì đó là hồng phúc gia đình tôi.
- Đúng đấy - Dụ tiếp lời - Chiến tranh mà. Hôm nay, cô đã đem đến cho gia đình chúng tôi một niềm vui quá lớn. Chúng ta là một nhà. Việc hạnh phúc trăm năm của các cháu không có gì thay đổi.
Tiếp lời của Dụ mọi người xi xao bàn tán. Hà, Vinh cũng chạy xuống bếp tự lúc nào. Cái Hà dựa vách bếp khóc rưng rức. Mặt thằng Vinh nghệt ra. Quân đến bên hai đứa an ủi.
Trên nhà, các ông các bà thi nhau bàn luận:
- Phúc đức cho nhà Quang quá. Tự nhiên lại có người nối dõi rồi còn gì!
- Hai đứa chúng vẫn lấy nhau được các ông, các bà nhỉ?
- Được chứ! Theo Luật hôn nhân và gia đình không phải ba đời cùng huyết thống thì vẫn lấy nhau được.
- Quan trọng nhất là các cháu chúng nó yêu thương nhau thực sự - Ông bố đẻ của Hà nói -  Chứ theo Luật thì không có gì phải bàn cả các vị ạ.
- Đúng quá rồi còn gì!
- Thì chúng thương yêu nhau thật lòng mới có ngày hôm nay đấy chứ.
Thế là mọi người tự nhiên quên việc ăn hỏi Vinh Hà quay sang bàn việc hai đứa có lấy nhau được không. Không khí trong nhà Quang ồn ào tiếng cười nói. Lũ trẻ con thấy vậy lại đuổi nhau chạy lung tung, đùa ghẹo nhau chí choé. Niềm vui tràn ra chật cứng cả ngôi nhà. Vinh, Hà tuy thút thít khóc vậy song vẫn không bỏ sót một lời bàn tán nào của các vị người lớn.
Lát sau, Hiền từ trong buồng bước ra. Chị ăn mặc gọn gàng, sửa sang lại đầu tóc. Tuy ngoài bốn mươi tuổi nhưng nét đẹp của thời con gái vẫn hiện rõ trên khuôn mặt phúc hậu, rất nữ tính của chị. Chị đến đứng bên cạnh Quang. Phía bên kia chiếc xe lăn là An và bên này là chị. Tất cả ánh mắt đều đổ dồn về phía chị.
- Kính thưa các cụ ông, các cụ bà! Thưa các bác, các chú và toàn thể gia đình hai họ! Nãy giờ các cụ, các ông, các bà, các cô, các chú đã nói nhiều về việc của hai cháu. Bây giờ xin phép cả nhà cho em được có ý kiến đôi điều. Hôm nay là ngày đại hỉ chẳng những của riêng gia đình chúng em mà cả hai họ. Vợ chồng em kén rể lại được cả con trai. Chị An đây tìm dâu lại thấy được cả chồng. Một ngày nên nghĩa phải không chị. Hai họ chúng ta tuy hai mà lại là một. Đó là đại hồng phúc đấy chứ ạ? Việc trăm năm của hai cháu chẳng có gì phải bàn nữa. Vừa đúng Luật lại vừa hợp đạo lý. Việc còn lại là bàn ngày tổ chức đám cưới cho các cháu. Em nói thế có phải không ạ?
Mọi người xi xao tiếng cười nói. Không khí mừng vui hoà hợp hiện rõ trên từng khuôn mặt.
- Về phần em - Hiền tiếp tục - Hai chục năm trời em làm vợ anh Quang, làm dâu con gia đình ta đây, đó là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc của em. Mặc dù, đã không dưới bốn lần anh Quang tìm cách hắt hủi em, muốn cho em rời bỏ anh để đi tìm hạnh phúc mới. Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu em đã nguyện sống chết cùng anh bởi trong em không chỉ có tình yêu với anh mà trên hết đó là niềm cảm phục, lòng kính trọng ở sự hy sinh rất lớn của anh cho quê hương, cho Tổ quốc. Em thấy mình làm được điều gì tốt cho anh thì phải làm bằng được. Em sống hạnh phúc bên anh bằng Tình yêu và bằng cả lòng cảm phục kính trọng đó. Cháu Hà vừa là cháu của em vừa là con của chúng em. Bây giờ thêm cháu Vinh nữa cũng là con của chúng em. Các cháu phải được hưởng hạnh phúc mà cha mẹ các cháu đã hy sinh để đem lại cho các cháu. Em chẳng có gì phải ân hận cả.
Hiền dừng lại giây lát nhìn khắp lượt mọi người. Tất cả vẫn lặng yên chờ nghe chị nói tiếp.
- Còn về chị - Hiền nói với An - Chị đã tìm được anh ấy. Chị có quyền sống nốt quãng đời với anh ấy. Cả tôi nữa. Hai chúng ta đều có trách nhiệm, nghĩa vụ chăm sóc cuộc đời cho Quang.
- Chị!
An ngẩng lên nắm chặt tay Hiền. Quang cũng xúc động nghẹn ngào:
- Hiền! Cảm ơn em! Anh chịu ơn em nhiều quá!
- Đừng nói gì ơn huệ ở đây anh - Hiền khẽ khàng - Chúng em luôn ở bên anh và các con. Vinh, Hà! Các con thấy mẹ nói có đúng không?
Hai đứa nhìn nhau rồi cùng lí nhí:
- Chúng con... xin cảm ơn mẹ.
- Đấy, ý của em là như vậy. Bây giờ xin nhường lời các cụ, các bác.
- Dì đã nói thế chúng tôi còn biết ý kiến thế nào nữa - Ông Thịnh cười lớn.
- Tôi thấy có mợ là một - Dụ lên tiếng - Hy sinh tất cả cho chồng con.
Mỗi người mỗi ý quay sang chủ đề về Hiền. Quang, An xúc động quá chỉ nhìn Hiền mà không nói thêm được một lời nào nữa.
Trưa ấy, nhà Quang Hiền rôm rả còn hơn cả đại tiệc. Chưa thấy có một đám ăn hỏi nào ở làng La Hương lại tưng bừng như thế. Tiếng lành đồn xa, bữa tiệc nội bộ của gia đình Quang Hiền chưa tàn mà dân làng đã kéo đến chia vui chật ních cả ngôi nhà.

Mãi chiều muộn, công việc đám hỏi cái Hà mới xong. Đúng nghĩa đen hai họ giờ đã là một nhà. Niềm vui nhân lên gấp bội.
Thu dọn công việc xong đâu đấy, Loan nói nhỏ với Dụ:
- Mình tranh thủ về cho đàn lợn nó ăn, tối lại sang. Với lại cũng sắp xếp để mai cho con nó trả phép.
Dụ gật đầu trong ngà ngà men say:
- Được rồi! Mình cứ về trước đi, tí nữa tôi tạt lên nghĩa địa xem trâu bò thế nào đã.
Dặn Trang trông thằng Giang xong, Loan gọi Quân đèo chị về. Hai mẹ con thong thả đạp xe trên đê về phía bến gốc đa. Tới ruộng rau nhà mình, chị bảo Quân dừng xe.
- Con dựa xe vào rệ đê chờ mẹ lấy ít rau cải bắp già về cho lợn.
Không để cho mẹ làm một mình, Quân cũng xắn quần áo xuống bãi. Cả tràn soi suốt từ chân đê ra đến bờ sông rau các loại xanh mơn mởn. Cải bắp, su hào, cải canh, sup lơ... mỗi loại mỗi vẻ đều cố khoe hết độ non tơ của mình trong nắng chiều thu vàng  rực rỡ. Đẹp nhất có lẽ là những luống cải canh. Hơn hẳn các loại rau khác là nó đang độ lên ngồng, duy nhất chỉ có nó là có hoa. Những bông cải vàng li ti rung rinh trong gió gọi bướm mời nắng về dệt gấm thêu hoa cho cả cánh bãi. Mùi hưong cải nồng nồng ngai ngái Quân cố hít hà cho căng lồng ngực. Mải mê bắt sâu, tỉa lá rau già, chợt Quân ngẩng đầu lên bắt gặp dáng mẹ mình liêu xiêu đổ bóng theo ánh nắng chiều dọc cánh bãi. Từ góc nhìn ngược sáng, dáng mẹ như tạc trên bến sông. Quân ngây người. Giá mình biết vẽ nhỉ, mình sẽ ký hoạ bức tranh này. Đẹp quá! Thân thương quá! Có lẽ hình ảnh này sẽ in đậm mãi trong tâm trí Quân.
Ra đến bờ sông, Loan gọi Quân lại:
- Con biết không, bến sông này, bãi cát kia, gốc đa nọ đã lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa mẹ và bố Việt. Trước lúc bố con lên đường nhập ngũ, tại bến sông này, bố mẹ đã có con. Thế mà cũng chính bến sông này, bố con đã bỏ mẹ con mình để đi xa mãi mãi. Ngày mai con trả phép, mẹ muốn đưa con ra bến sông này để nói với con một điều rằng con hãy sống xứng đáng với bố con và đừng bao giờ phụ công nuôi nấng dạy dỗ của bố Dụ. Bố Dụ con tuy có lỗi lầm song cơ bản là người tốt. Con hiểu chứ?
Giọng Loan thì thầm. Ánh mắt chị xa xăm, lúc như vô định xuôi theo dòng nước chảy lúc lại trầm tư ngược về phía sắc vàng hoa cải trải dài trên bến sông. Quân khẽ nói:
- Con hiểu ý mẹ. Xin mẹ hãy tin ở con. Ngày mai con đi rồi, mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khoẻ, chăm sóc hai em và chú ý đến bố con. Con sẽ tiếp bước và xứng đáng với bố Việt. Bây giờ mẹ con mình lên nghĩa địa thắp hương cho bố Việt của con đi.
Loan sực tỉnh, chị lặng lẽ gật đầu. Hai mẹ con lại đèo nhau với bó rau lợn to tướng lên nghĩa địa.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH (Chương cuối)

Cổng nghĩa điạ đây rồi. “Ngôi nhà” của Việt vẫn còn kia. Loan như thấy hình bóng anh vẫn còn đâu đó, y như mọi lần chị vẫn còn lên cạo gió cho anh. Cả đời anh gần như gắn bó với “ngôi nhà” ấy ngay cả mấy năm qua anh có chuyển xuống nhà Ngân để tiện trông nom chăm sóc mẹ con nó thì chị vẫn không thể nào quên được bóng dáng anh thấp thoáng lụi cụi ngày đêm, khuya sớm chăm sóc cho từng gốc cây, ngọn cỏ, từng nấm mộ trên cái nghĩa trang này. Những kỷ niệm nơi đây thời ấu thơ của Quân và cả cái hôm nào anh cầm côn vụt vào đầu Việt, vụt vào bố đẻ anh mà không biết bỗng ùa về. Anh cảm thấy ân hận quá chừng. “Bố ơi! Hãy tha lỗi cho con! Con nông nổi quá! Cả đời bố vất vả mà con nào có biết!”.
Hai mẹ con chợt phát hiện ai đó đang ngồi trước hai nấm mộ mới. Người đó ngồi gục đầu. Trên hai nấm mộ mới và tất cả những ngôi mộ xung quanh đều nghi ngút khói hương. Đặc biệt trên nấm mộ của Việt còn có cả một bó hoa tươi và một đĩa hoa quả nữa. Hai mẹ con rón rén lại gần và nhận ra người đàn ông đang ngồi đó chính là Dụ. Anh vẫn ngồi gục đầu bất động.
- Bố! Sao bố lại ngồi đây?
Quân lên tiếng gọi. Dụ giật mình choàng tỉnh. Anh thoáng chút ngỡ ngàng nhìn hai mẹ con.
- Bố tranh thủ lên kiểm tra trâu bò xem có đứa nào nghịch ngợm hoặc để trâu phá hoại không. À, cái Dung vừa dẫn người yêu lên viếng bố con đó.
- Thật thế hả bố? Nó về hồi nào vậy?
- Nó vừa mới về xong lên đây ngay. Nhận được điện, đường xa mãi hôm nay mới về được. Rõ khổ! Con bé cứ lăn lóc kêu gào gọi mãi tên chú nó. Bà Hoa rồi thằng người yêu nó dỗ dành mãi nó mới chịu về. Hoa và lễ của nó kia kìa!
Dụ chỉ tay lên chốc nấm mồ. Nước mắt Loan cứ tự nhiên trào ra. Dụ quay về lán lấy thêm thẻ hương mới. Hai mẹ con Loan tranh thủ sắp xếp lại những vòng hoa héo trên mộ và nhặt những rác rưởi vương vãi xung quanh.
- Mẹ ở nhà nhớ trồng cho bố con nhiều hoa trên mộ mẹ nhé! Bố con thích hoa lắm đấy.
Quân nói với mẹ. Loan sụt sùi:
- Ừ! Mẹ biết!
Dụ cầm bó hương tới. Anh đốt cả bó hương lên và chia cho hai mẹ con. Họ cùng cắm những nén hương lên mộ Việt, Ngân và những ngồi mộ xung quanh. Cả nghĩa trang nghi ngút khói.
Làm theo mẹ, Quân chắp hai tay trước ngực đứng trước mộ bố lầm rầm khấn vái. Không gian lặng như tờ. Chiều thu buông chầm chậm. Dụ ý tứ cũng đứng lặng trước mộ Ngân. Mắt anh cay xè với những giọt lệ ân hận muộn màng.
Mãi sau, Dụ lên tiếng:
- Thôi! Mình về nhà cậu Quang đi kẻo cậu mợ nó chờ.
- Anh với Quân đến đó trước đi, em mang rau về cho lợn ăn ù một lát rồi em sang.
- Ừ. Nhớ sang ngay đấy! Cả con Dung cũng đưa người yêu đến đó đó.
- Thế hả bố?
Quân vội hỏi lại. Dụ vừa gật đầu vừa nói:
- Bố vừa kể vắn tắt cho nó nghe về việc ăn hỏi cái Hà và sự thật về người yêu của nó, con bé bừng tỉnh ngỡ ngàng bảo nhất định nó sẽ sang ngay để chúc mừng.  
Hai bố con lên xe đèo nhau về trước. Loan vừa buộc lại bó rau vừa nhìn theo dáng họ ra khỏi nghĩa trang. Đằng tây, mặt trời dùng dằng chưa muốn xuống núi hắt những tia nắng yếu ớt thành những rẻ quạt đủ sắc mầu lên bầu trời. Khung cảnh chiều nghĩa trang trở nên thâm u tịch mịch. Chị bần thần dựa xe vào gốc đa và quay lại đứng trước mộ Việt. Nước mắt chị trào ra. Chị khẽ gọi tên anh một lần nữa, dùng dằng mãi sau mới quyết định ra về.
Loan bươn bả đạp xe. Chị chợt nhớ đến thằng Giang. Thằng bé khéo đang mỏi mắt chờ chị. Cả vợ chồng Quang Hiền, cái Hà, cái Dung và người đàn bà tên An nữa. Thôi, phải vui lên. Vui để mà sống. Tin yêu để mà sống. Như Việt, người yêu chị khi còn sống, như Quang, như Hiền, như các em của chị đấy. Cả đến cái Ngân ngày trước cũng vậy nữa là. Cuộc đời còn dài lắm, đẹp lắm.
Dưới chân chị, những vòng quay của hai chiếc bánh xe đạp vẫn đều đều bon bon trên đường quê thân thuộc. Loan chợt thấy làng La Hương của mình chiều nay hình như không tắt nắng, hoàng hôn không đỏ rực như mọi ngày mà nó tím xanh hình rẻ quạt phía trời tây. Quay đầu lại phía nghĩa địa Loan thấy nén hương đang cháy dở lập loè trên mộ của Việt và trên trời một vì sao mọc sớm đang nhấp nháy. Bất chợt chị nhớ tới bài hát “Ngôi sao ban chiều” mà khi còn sống Việt rất thích. Phải rồi! Ngôi sao ban chiều đang lấp ló đầu thôn rồi kia kìa, Việt ơi! Hoàng hôn xanh! Hoàng hôn xanh! Chiều sẽ không tắt nắng phải không anh?

      Việt Trì tháng 6-2007
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 1)
(Tiểu thuyết của Xuân Thu - Nxb Thanh Niên 2005)


Nhận được lệnh điều động của cấp trên, Huân cùng Hiến, Tiến hăm hở lên đường. Ba người súng ống, ba lô, quân tư trang nghiêm chỉnh từ Bắc Thái vượt đèo Khế, qua Tuyên Quang, theo quốc lộ 2 về Đoan Hùng. Kể từ cái hôm đơn vị Huân tháo pháo rút khỏi trận địa bên bờ sông Lô đến giờ thấm thoắt đã hai mươi năm. Hai mươi năm biết bao nhiêu thay đổi. Huân từ một cậu bé liên lạc loắt choắt nay đã là trung uý sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Ba mươi mốt tuổi rồi còn gì. Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp chưa được bao năm, dân tộc ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ở miền Bắc còn được mấy năm hoà bình nhưng miền Nam thì chưa một ngày ngơi tiếng súng. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh, Huân chưa kịp nghỉ ngơi, chưa kịp chuyển ngành thì anh được quân đội giữ lại. Tốt nghiệp trường sỹ quan anh lại tiếp tục theo con đường binh nghiệp. Hôm nay, về nơi sông xưa bến cũ lòng Huân cảm thấy hồi hộp vô cùng.
Bấy giờ là mùa hạ năm 1967. Giặc Mỹ đang mở rộng chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc. Mục tiêu của chúng là làm suy yếu hậu phương của ta, cắt đứt các tuyến đường giao thông tiếp tế cho miền Nam. Cho nên cầu, phà, đường bộ, đường sắt, cả đường sông nữa đều là mục tiêu đánh phá hàng đầu của chúng.
Đoan Hùng là một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Phú Thọ, là điểm nút giao thông quan trọng cả đường sông và đường bộ nối liền thủ đô và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh trung du, miền núi Việt Bắc, Tây Bắc. Về đường bộ có quốc lộ 70 từ Lào Cai về gặp quốc lộ số 2 tại trung tâm của huyện. Về đường sông, Đoan Hùng là nơi gặp gỡ của hai con sông: sông Lô và sông Chảy. Trên địa bàn huyện có nhiều nhà máy và đơn vị quân đội đóng quân. Hơn nữa, tiếp giáp với huyện về phía bắc có nhà máy  Z2 của quân đội chuyên sản xuất và kiểm định vũ khí. Cho nên, Đoan Hùng trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Quốc lộ 2, bến phà, cầu treo không ngày nào là không bị chúng oanh tạc, ném bom. Việc vận chuyển vũ khí về nhà máy Z2 để kiểm định và rồi từ đó lại toả ra các chiến trường theo đường bộ gặp không ít khó khăn. Do đó, quân khu đã quyết định lấy sông Lô làm con đường chở đạn dược vũ khí. Vận chuyển đường sông vừa rẻ, vừa được nhiều lại an toàn hơn đường bộ. Xã Chí Đám nằm bên bờ ngã ba sông đã được chọn để làm nơi tập kết vũ khí. Hơn một năm nay, kế hoạch trung chuyển này được thực hiện khá tốt đẹp. Hàng ngàn tấn đạn dược đã được người dân Tiên Phong và các xã lân cận vận chuyển bốc dỡ an toàn, bảo đảm bí mật. Đây là kho trung chuyển ngoài trời lớn nhất của quân khu. Huân được giao nhiệm vụ về tăng cường cho cái kho đặc biệt đó. Một nhiệm vụ vô cùng mới mẻ và nặng nề đối với anh.
Nhận lệnh xong, trung uý Huân cùng hai chiến sỹ trẻ cấp tốc hành quân. Đường qua Đèo Khế đã khá hơn thời đánh Pháp nhưng rừng núi hai bên vẫn rậm rạp, âm u. Thỉnh thoảng họ mới gặp vài người dân tộc vào rừng lấy củi, làm rẫy. Khách đi đường như họ thật hiếm. Huân nói với hai anh em: “Ta cứ hành quân thế này gặp chiếc xe ô tô nào qua thì vẫy. Nó cho đi được đoạn nào hay đoạn ấy. Đồng ý chứ?”. Hiến và Tiến nhất trí liền.
Trên lưng mỗi người là chiếc ba lô, nào chăn, chiếu, quần áo, nào bao gạo, chiếc xẻng con, lại còn khẩu súng, bao đạn và cái bi đông nước nữa chứ… Tất cả các thứ đó nai nịt gọn ghẽ quanh người. Đang là mùa hạ lại mang vác nặng cộng với leo đèo ngược dốc nên ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi. Luyện tập hành quân dã ngoại như thế thế mà chưa thấm gì so với hôm nay họ đi. Riêng Huân lính già còn khá. Anh đã quen cảnh này suốt mười tám năm quân ngũ. Hết chiến dịch này lại đến chiến dịch khác, có lệnh là đi, vượt núi, trèo đèo, băng rừng, lội suối chẳng có là gì với anh nữa. Đặc biệt, lần này về Đoan Hùng, Huân được trở lại chiến khu xưa, nơi mà đơn vị anh đã cùng với quân và dân Đoan Hùng lập nên một chiến công lịch sử vang dội: chiến thắng thu đông năm 1947 trên sông Lô. Mặc dù mệt nhưng Huân rất vui. Anh háo hức gặp lại cảnh cũ người xưa nơi xứ bưởi.
Hai chiến sỹ trẻ Hiến, Tiến lụi cụi cố bám sát chỉ huy của họ. Đây là chuyến hành quân dã ngoại xa nhất đối với hai anh kể từ khi họ trở thành chiến sỹ. Anh nào anh ấy chỉ ngóng xem có chiếc xe ôtô nào đi cùng chiều để vẫy, thế mà suốt từ sáng đến giờ cấm thấy có cái nào. Thời chiến có khác, xe toàn chạy về đêm. Thỉnh thoảng có vài chiếc ôtô tải cắm đầy lá nguỵ trang vụt qua nhưng lại là xe chạy ngược chiều với họ. Thế có tức không cơ chứ. Huân động viên anh em. Vừa đi anh vừa tán chuyện khiến Hiến và Tiến lắm lúc phải phì cười quên cả mệt nhọc.
Gần trưa, họ bắt được một chiếc xe quân sự. May quá chiếc xe này lại đi qua Đoan Hùng. Khỏi phải nói họ vui mừng đến mức nào, nhất là Hiến và Tiến. Cậu lái xe đang buồn khi một mình một “ngựa” đường vắng, rừng sâu nên khi có ba chàng lính vẫy xe này, anh dừng lại ngay. Cùng cảnh lính tráng, cùng về Đoan Hùng dọc đường họ chuyện trò như pháo nổ. Tiến bẻm mép nói với cậu lái xe:
- Số chúng tớ nó sướng lắm. Đi đâu có xe đưa xe đón đàng hoàng. Ở hiền gặp lành anh Huân nhỉ?
- Sao giờ lại bốc phét thế, chẳng bù cho lúc nãy. Nhăn nhăn nhó nhó tưởng nằm lại dọc đường.
Huân nói tỉ Tiến. Hắn chẳng tự ái lại còn ba hoa tiếp:
- Anh tưởng em tụt tạt chắc? Còn lâu nhá. Chẳng qua là em vừa đi vừa đợi xe thôi. Đấy, anh xem, chẳng phí mất cả đoạn đi trước là gì? Giá cứ ngồi nghỉ, đợi ở dưới chân đèo thì có phải đỡ mệt bao nhiêu không? Em đoán thế nào cũng có xe quân sự cánh mình đi mà. Thời chiến bây giờ chỉ có cánh lái xe ấy mới dám đi.
- Đừng nghe mồm cậu ấy. Nó nịnh cậu đấy.
Huân nói với người lái xe rồi anh quay sang nói tiếp với Tiến:
- Thế giả sử cả ngày hôm nay ngồi đợi mà không có xe qua thì có phải chúng ta bỏ nhiệm vụ không nào? Dưới kia, người ta đã nhận được thông báo rằng nội nhật ngày và đêm nay sẽ có người về đó, thế mà người ta chờ không thấy, có phải là phức tạp không?
- Em vẫn biết vậy, nhưng mà… làm gì đến nỗi không có cái xe nào.
- Thôi đừng có chống chế nữa ông tướng. Dầu sao cũng phải cảm ơn anh bạn lái xe. Về đơn vị mới thế này chắc là may lắm, phải không Hiến, Tiến?
- Phải ạ. Đi với anh Huân thì khỏi lo, nhất là lại về địa điểm chiến đấu xưa của anh nữa thì chỉ có nhất.
Hiến từ nãy đến giờ im tiếng đã bật lên nói câu đó. Chợt cậu lái xe hỏi:
- Các anh về Đoan Hùng thì xuống chỗ nào? Bến phà, cầu phao hay ngã ba Đầu Lô?
Hiến và Tiến nhìn Huân. Huân vội trả lời:
- Xuống xã Tiên Phong. À quên, xã Chí Đám. Nó đã được đổi tên thành xã Chí Đám vừa mới từ tháng tư năm nay. Cái xã ở bên này sông ấy mà, cậu biết chứ? Cứ đến đó cậu cho bọn mình xuống.
- Thế thì bến phà Đền Mom rồi. Nếu về tối thì đi cầu phao, các anh sẽ xuống ở đầu cầu bên này. Vì ban ngày, người ta phải tháo cầu phao giấu đi tránh máy bay Mỹ, đêm về mới lại khớp nối vào cho xe qua. Ban ngày đi phà. Tuy nguy hiểm nhưng cứ tránh giờ cao điểm là ổn. Thế nhưng cũng có hôm, phà vừa ra đến giữa sông thì bọn máy bay Mỹ tới phải tăng tốc dạt vội vào bờ đấy. Nó cũng ném bom mấy lần rồi nhưng cũng may không bị lần nào cả.
Người lái xe tỏ vẻ thành thạo về quy luật cầu, phà trên tuyến đường này. Nhắc đến Đền Mom, Huân lại hình dung ra nơi mà đơn vị anh trước kia đã lập trận địa pháo đón lõng tàu chiến Pháp. Không biết bến ấy bây giờ có gì khác xưa không? Ngôi đền có còn đó không hay đã bị giặc phá, lũ cuốn mất rồi? Cả cây si cạnh ngôi đền nữa, chắc vẫn xanh tốt quanh năm như xưa? Từ bến Mom lên nhà bà Sự gần một cây số, cái làng nhỏ bên sông này chắc cũng phải thay đổi nhiều lắm? Thì cũng đã gần hai mươi năm rồi còn gì? Huân náo nức, hồi hộp chỉ muốn xe chạy nhanh hơn để được sớm về nơi đó.
- Các cậu biết không, bến Đền Mom chính là nơi bắt đầu chiến tuyến của ta trong chiến dịch thu đông năm bốn bảy đấy. Suốt gần chục cây số bờ sông, đơn vị tớ đã cùng với du kích xã Tiên Phong mai phục chờ tàu chiến Pháp. Hồi đó tớ còn ngây ngô lắm. Mười một tuổi các cậu bảo đã biết gì. Ở trong tổ liên lạc, tớ chạy đầu xã, cuối xã truyền đạt mệnh lệnh. Làm gì có vô tuyến, hữu tuyến như bây giờ. Bằng chân, bằng miệng hết.
Huân say sưa kể lại những kỷ niệm trong những ngày chiến dịch sông Lô năm xưa. Vừa kể anh vừa quan sát phong cảnh hai bên đường tìm lại những dấu tích cũ, nhất là khi cậu lái xe bảo đã gần về tới bến phà. Không có gì thay đổi nhiều lắm, có chăng thì đường quang hơn. Hai bên ta luy thỉnh thoảng thấy những cái hầm khoét vào vách núi. Bụi đất đỏ cuốn sau xe mù mịt.
Khoảng hơn hai giờ chiều thì xe của họ đã đến bến Đền Mom. Huân nhảy xuống xe trước. Anh thả tầm mắt ngắm nhìn dòng Lô. Đây rồi ngã ba sông! Đây rồi làng Ngọc Chúc! Tất cả vẫn như xưa. Ngồi đền cổ kính vẫn im lìm dưới bóng cây si cổ thụ, có điều hình như rễ si nhiều hơn, dài hơn và vỏ cây si già ấy hình như cũng mốc thếch và nhăn nheo hơn thì phải.
- Xe nào kia, xuống phà đi! Khẩn trương không máy bay nó lại đến bây giờ?
Tiếng người trưởng bến quát lên làm cho Huân sực tỉnh. Anh nhắc Tiến và Hiến chuyển ba lô các thứ xuống. Ba người bắt chặt tay người lái xe:
- Cảm ơn nhé. Chúc cậu tiếp tục cuộc hành trình an toàn. Hẹn ngày gặp lại.
- Chào anh Huân và hai cậu nhé. Đi nhé!
Người lái xe ngồi trên ca bin thò đầu ra và giơ tay vẫy chào ba người.
- À này, cậu lái xe ơi, tên cậu là gì thế?
Huân vội quay lại quát to lên phía ca bin. Người lái xe thò đầu ra khỏi cửa xe cười và nói:
- Cứ gọi tôi là Dương, “Dương ba cầu”. Thế nhé. Đi nhé!
Chiếc ô tô nổ máy bò dần xuống phà. Ba người đợi cho nó lên hẳn phà mới xốc lại ba lô để đi tiếp.
- Bây giờ đi đâu hả anh Huân? Hiến xách khẩu súng lên và hỏi.
- Về nhà bà Sự. Trước kia, ban chỉ huy chiến dịch cũng đóng ở nhà bà ấy, ta cứ về đó rồi liệu sau.
- Từ đây về đó có xa không hả anh?
- Không xa lắm, trên dưới một cây số gì đó. Tớ cũng chỉ nhớ mang máng thế thôi. Cứ đi khắc đến. Đường ở miệng ấy, lo gì! Lên gốc cây si kia nghỉ tí đã.
Huân nói với ba người. Họ cùng kéo đến cây si hạ ba lô xuống và lấy lương khô ra ăn. Bây giờ cơn đói mới hành hạ họ. Thế là cũng vượt kế hoạch rồi, đến nơi trước dự kiến. Ăn uống nghỉ ngơi xong thì tìm nơi tập kết. Cái nắng chiều hè lọt qua kẽ lá của cây si như những sợi tơ mật vàng óng. Huân ngả mình nằm lên thảm cỏ, gối đầu lên chiếc ba lô nghĩ miên man. Anh tưởng tượng ra giây phút gặp lại bà Sự. Không biết bà ấy có nhận ra mình không? Cả ông Hiếu nữa? Gió từ sông Lô thổi tới khiến lòng anh mơn man. Sông Lô ơi, ta đã lại về! Bến sông xưa đây rồi sao mà thân thiết thế!
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (CHƯƠNG 2.1)

- Huân, cháu chạy lên làng Đám xem việc chuẩn bị trận địa thuỷ lôi giả của du kích xã đến đâu rồi về báo cáo ngay cho chú nhé. Gặp anh Diệm chủ tịch mặt trận Việt Minh ấy, nghe chưa?
Ông Doãn Tuế ra lệnh cho Huân. Huân đứng nghiêm, một tay cậu đưa lên ngang đầu chào theo kiểu nhà binh:
- Báo cáo thủ trưởng, rõ!
Ông Doãn Tuế cười, xoa đầu Huân:
- Ra dáng gớm nhỉ? Nhanh nhanh về báo cáo cho chú biết ngay nghe.
Huân ba chân bốn cẳng chạy ù đi. Cậu ta vui lắm. Từ ngày theo các chú bộ đội, giữ chân liên lạc đến đợt này là Huân vui nhất. Huân vui vì được trực tiếp tham gia chiến đấu trả thù cho gia đình, cho làng bản. Lòng căm thù giặc đến cháy bỏng của cậu sắp được biến thành hiện thực. Nghĩ đến cái ngày giặc Pháp đốt làng, giết hết những người thân của Huân mà Huân cảm thấy uất nghẹn lên tận cổ.
Hôm ấy cũng như bao ngày khác, cái bản nhỏ của Huân nằm cheo leo trên sườn núi vẫn bình yên đón một ngày mới. Khi Huân chuẩn bị lên rừng thả trâu thì bất ngờ  lù lù một đoàn xe tăng thiết giáp của giặc kéo lên. Chúng chia quân lùng sục bắt bớ dồn tất cả những người trong bản ra tập trung tại gốc si giữa làng. Trẻ già, trai gái một xâu một xốc mấy chục con người sợ hãi bước đi trước mũi súng kẻ thù. Chúng tra khảo tìm kiếm cán bộ cách mạng. Không ai hé răng nửa lời. Bọn chúng điên tiết đốt phá hơn chục ngôi nhà trong bản. Vẫn không ai nhúc nhích. Cuối cùng, lũ chó săn ấy đã điên cuồng nổ súng vào đoàn người. Bố, mẹ, anh em, người thân, hàng xóm của Huân trúng đạn ngã xuống. Huân cũng bị một viên đạn vào đùi gục xuống trong vòng tay của mẹ. Huân mê man bất tỉnh. Mãi đến đêm, Huân mới tỉnh lại. Cậu ngơ ngác giữa các chú bộ đội xung quanh. “Sống rồi!”. Tiếng ai đó cất lên. Về sau, Huân được biết bản của cậu đã bị giặc Pháp đốt sạch, giết sạch, may mà cậu được mẹ chở che nên vẫn còn sống sót. Và Huân, cậu bé mười một tuổi ấy đã mất hết cha mẹ, người thân, mất cả bản làng yêu dấu bước chân vào bộ đội đi kháng chiến với một mối thù giặc hơn bất cứ một người nào. Huân được các chú bộ đội cưu mang, dạy dỗ quý như con, như em của họ. Lần này theo đơn vị về Tiên Phong triển khai kế hoạch đánh Pháp, chặn bước chân của chúng lên chiến khu Việt Bắc, Huân cảm thấy hăng hái vô cùng. Phải đem hết sức mình vào trận đánh này để trả thù cho cha mẹ, cho quê hương. Huân không nề hà một việc gì khi chỉ huy đơn vị giao cho.
Mấy hôm nay không khí chuẩn bị chiến dịch của xã này rậm rịch hẳn lên. Đi đến chỗ nào người ta cũng bàn tán chuyện đánh Pháp. Đơn vị Huân chuyển pháo mấy bận cuối cùng đã về đặt ngay tại bờ sông trên bến gần nhà ông Hiếu. Mấy trung đội kéo pháo rải dọc bờ sông làng Ngọc Chúc đón lõng tàu địch. Hôm bọn chúng ngược Tuyên Quang, đơn vị Huân được lệnh nhả đạn. Kết quả chẳng ăn thua gì. Bọn chúng mở hết tốc lực chạy thoát. Ban chỉ huy đơn vị rút kinh nghiệm thấy pháo ta đặt xa sông quá, kỹ thuật bắn pháo của bộ đội chưa tốt, lần đầu tiên ra trận nên chưa bắn trúng được tàu giặc. Từ đó, đơn vị quyết tâm mai phục chờ bọn giặc quay xuôi sẽ chiến đấu trả thù. Kế hoạch tác chiến được chuẩn bị khá tỉ mỉ. Pháo được kéo ra đặt dọc theo bờ sông ngay sát mép nước. Dưới các lùm cây um tùm là những khẩu pháo của đơn vị Huân. Các bộ phận làm trận địa giả cũng tích cực khẩn trương vào cuộc.
Trên bờ phía xã Tiên Phong bộ đội cùng du kích làm trận địa pháo giả. Người ta lấy những đoạn tre, đoạn vàu quấn rơm xung quanh rồi dựng ngược nó lên chĩa lên trời. Xung quanh cũng đắp ụ đất, cũng cắm cây lá nguỵ trang. Những thằng bù nhìn rơm đứng như những pháo phủ. Các ụ pháo đó được bố trí khá dày đặc ở khu đồng Guốc, trên Gò Nhỏ trông xa như một trận địa pháo thực thụ. Bọn máy bay Pháp chắc chắn phải hoảng sợ trước một trận địa pháo như thế này. Phía bên kia sông, du kích hai xã Hữu Đô, Đại Nghĩa có nhiệm vụ lấy củi đuốc, rơm rạ, nứa tép tươi chất lên thành từng đống dọc theo bờ sông. Tất cả có hai mươi ba đống cả thảy. Trên từng đống đó họ còn bố trí thùng phi chứa thuốc nổ và chất dễ cháy để khi có lệnh sẽ đồng loạt phát hoả. Lửa khói ngút trời. Tiếng nổ của nứa tép tươi, của thùng phi khi bị đốt sẽ rền vang, liên thanh như tiếng súng. Phía Tiên Phong pháo bắn, phía Hữu Đô, Đại Nghĩa súng nổ cùng với toàn bộ chuông nhà thờ, kẻng, mõ của nhân dân hai bên bờ đồng loạt nổi lên. Khói lửa mù trời sẽ kéo quân địch vào một trận đồ bát quái.
Dưới sông, đoạn chảy qua xã Sóc Đăng, du kích đã bố trí kè chắn tàu chiến Pháp. Mấy chục chiếc thuyền nan của dân được họ tự nguyện đánh đắm. Tre, gỗ, sắt, đá được huy động. Một bờ kè ngầm đã được hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Trên đoạn chảy qua xã Tiên Phong về phía ngược, một trận địa thuỷ lôi giả được thiết kế. Phải nói rằng đây thực sự là một sáng tạo của quân và dân ta. Những quả bưởi được người ta gọt vỏ rồi dùng nhọ nồi trộn với dầu luyn bôi đen thả trên sông nổi lập lờ như những quả thuỷ lôi thật. Mấy ngàn quả bưởi được nhân dân Tiên Phong tới tấp gánh ra bến sông giao nộp cho tổ du kích làm thuỷ lôi giả. Phương án là tàu Pháp gặp “thuỷ lôi” sẽ phải chạy dạt vào bờ Tiên Phong. Lúc đó pháo ta với phương châm “đặt gần bắn thẳng” sẽ phát huy tác dụng.
Trong chương trình làm trận địa giả thì vấn đề “thuỷ lôi” là phức tạp nhất. Làm sao cho bọn địch phải thấy đó là những quả thuỷ lôi thật? Bôi đen như thế nào để khi xuống nước quả bưởi vẫn có một màu đen sì? Lúc đầu người ta dùng nhọ nồi trộn mỡ quét vào vỏ xanh của quả bưởi nhưng khi thả những quả bưởi này xuống nước thì nhọ nồi trôi tuột đi hết trơ lại nguyên xi quả bưởi ban đầu. Sau đó, người ta gọt bỏ vỏ trước khi bôi nhọ nồi nhưng kết quả cũng không khá được bao nhiêu. Quả bưởi vẫn bị lộ ra. Cuối cùng, người ta dùng nhọ nồi trộn dầu luyn quét lên vỏ trắng của quả bưởi và phơi nó ra nắng vài ngày. Cứ trộn, bôi, phơi mấy lần như thế sau đó mới thả “thuỷ lôi” xuống sông. Kết quả rất rất tốt. Tuy nhiên, “thuỷ lôi” trôi lung tung trên khắp mặt sông. Như vậy chưa thể đánh lừa được bọn địch và chưa nhử địch vào trận địa của ta được. Lại một câu hỏi nữa làm đau đầu những “kiến trúc sư” trận thuỷ lôi chiến dịch.
Ông Doãn Tuế sốt ruột lắm. Theo tin từ trên xuống thì bọn tàu Pháp kéo xuôi sắp sửa qua đây. Chúng không thể tiến công được vào căn cứ địa kháng chiến của ta. Đi đến đâu cũng bị bộ đội và du kích ta bủa vây đánh chặn buộc chúng phải rút lui, huỷ bỏ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của chúng. Thế mà trận địa giả trên sông của ta vẫn chưa xong. Theo phương án tác chiến, bọn tàu Pháp gặp thuỷ lôi bên bờ Hữu Đô sẽ dạt sang bên bờ Tiên Phong. Khẩu pháo đặt dưới gốc duối, cạnh cây si bến ông Hiếu, chỗ đoạn sông cong nhất, có thể phát hiện sớm nhất tàu địch sẽ nổ phát súng đầu tiên cho chiến dịch. Muốn bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu thì tàu địch phải đi sát khẩu pháo của ta. Phát hoả đầu tiên có ý nghĩa quyết định cho cả trận đánh. Làm thế nào để kéo tàu Pháp đến trước họng pháo để mà nhả đạn? Chỉ có trận địa thuỷ lôi mới làm cho chúng hoảng sợ mà chạy dạt sang bờ bên này. “Chế tạo” được “thuỷ lôi” rồi nhưng bố trí nó thì chưa đúng dự định. Ông Doãn Tuế sốt ruột vì ý đó.
Huân gặp được anh Diệm ngay tại bến Gành. Tổ du kích xã đang tất bật chế tác thuỷ lôi. Huân truyền đạt mệnh lệnh của ông Doãn Tuế. Anh Diệm tươi cười nói với Huân:
- Chú mày về nói với chỉ huy cứ yên tâm. Tìm được cách cố định thuỷ lôi rồi. Từ giờ đến chiều sẽ xong.
- Cách gì thế hả anh?
Huân sốt ruột hỏi lại. Diệm chỉ vào số du kích đang thao tác:
- Chú em nhìn thì rõ. Đấy chốc! Chúng tớ dùng dây thép nhỏ xiên qua từng quả bưởi xâu chúng lại thành từng xâu. Mỗi xâu bốn, năm quả. Mỗi quả cách nhau ba bốn mét. Sau đó, chúng tớ dùng thuyền chở chúng sang bờ bên kia, cho người lặn xuống găm từng xâu lại. Chúng sẽ nổi lập lờ như thuỷ lôi thật. Đấy chú xem, ổn chưa.
Diệm chỉ tay ra sông. Mấy con thuyền đang rập rờn trên sông phía bờ Hữu Đô. Huân ngớn mãi người lên để nhìn:
- Xa quá, em chẳng nhìn rõ gì cả.
- Thế có thấy thuyền chở “thuỷ lôi” không?
- Có. Em thấy cả mấy anh đang rải bưởi nữa nhưng thuỷ lôi thì em chẳng thấy đâu hết?
- Thấy thế nào được - Diệm ôn tồn giải thích -  Chú làm cứ như bom tấn không bằng . Ở đây mà nhìn thấy được “thuỷ lôi” thì có hoạ là mắt thánh. Quả bưởi bé thế kia làm sao mà thấy được. Hơn nữa nó lại nổi lập lờ trên mặt nước. Chỉ có ngồi trên thuyền mới thấy thôi chú ạ.
- Thế thì tôi với anh Diệm phải xuống sông “mục sở thị” mới được.
Một tiếng nói vang lên cắt ngang cuộc trao đổi giữa Huân và Diệm. Hai người quay lại thì gặp ông Doãn Tuế. Họ chào nhau. Ông Doãn Tuế nói:
- Cử cậu Huân đi rồi nhưng tôi không yên tâm lại phải lên ngay chỗ anh xem các anh chuẩn bị đến đâu rồi. Sốt ruột quá. Trên báo về là ngày mai bọn nó sẽ qua đây đấy anh Diệm ạ.
- Thế hả? May quá, chúng tôi cũng vừa tìm ra được cách cố định thuỷ lôi sáng nay xong. Hiện giờ anh em đang rải chúng. Mời anh xuống thuyền ta đi kiểm tra lần cuối.
Diệm bắc loa tay gọi một chiếc thuyền gần đó đưa ông Doãn Tuế đi kiểm tra trận địa. Huân cũng được đi cùng.
Ông Doãn Tuế rất hài lòng với trận địa thuỷ lôi do du kích xã Tiên Phong thiết kế. Nắm chặt tay Diệm, ông nói:
- Chuẩn bị sẵn sàng nhé! Quyết chiến thắng! Đồng ý chứ?
- Đồng ý!
Hai vị chỉ huy cười và nhìn thẳng vào mắt nhau một cách ý nhị. Ông Doãn Tuế cùng Huân trở lại trận địa pháo dưới làng Ngọc Chúc. Diệm cũng tất tưởi đi đốc thúc kiểm tra các tổ trực chiến của du kích xã. Họ hồi hộp chờ đón giờ phút phát hoả trận đánh.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 2.2)
       
      10 giờ 30 phút ngày 24 tháng 10 năm 1947. Tin báo tàu Pháp xuôi đã vào đến địa phận xã Tiên Phong từ trạm gác Đầu Mầu chuyển về. Tổ liên lạc chạy tất bật. Trạm nó báo cho trạm kia. Đồng thời với việc chạy chân của tổ liên lạc, những tín hiệu riêng như gõ kẻng, đốt lửa đã kịp thời loan báo vị trí của tàu Pháp trên sông Lô. Lệnh chuẩn bị chiến đấu được phát ra. Mọi người căng mắt nhìn ra sông. Huân theo sát ông Doãn Tuế.
Kia rồi! Chúng đã vào đến trận địa “thuỷ lôi” của ta rồi! Chiếc đầu tiên đột ngột rẽ ngoặt sang bờ làng Lã Hoàng. Cả đoàn tàu bốn chiếc cùng dẫn xác vào trận địa. Đúng dự định của ta rồi! Ông Doãn Tuế reo thầm trong bụng. Huân ngớn mãi người lên để nhìn. Tim Huân đập thình thịch. Chưa bao giờ Huân cảm thấy hồi hộp như lúc này. Hình như những chiến sỹ xung quanh Huân cũng cùng một tâm trạng đó. Mọi người như nín thở theo dõi lũ tàu giặc.
Nòng pháo rê theo sự di chuyển của chiếc tàu đi đầu. Một phút. Hai phút trôi qua. Nó hiện ra rõ quá ngay trước nòng pháo. Cả thân tàu lọt trong vòng ngắm. Không khí căng thẳng im lìm bao trùm lên khắp trận địa. Chỉ nghe có tiếng ca nô địch rì rì trên sông. Đã trông rõ cả thằng Pháp đang cởi trần trùng trục đi lại trên tàu. Chúng không hay biết gì về trận địa mai phục của ta.
Trên bờ, tất cả đang chờ lệnh của ông Doãn Tuế. Ông Doãn Tuế cũng căng mắt hồi hộp không kém. Không thể để nó chạy thoát như hôm chúng nó ngược. Chờ nó gần thêm chút nữa. Một chút nữa. Chợt tay ông phất xuống một cách dứt khoát. Khẩu pháo gầm lên. Quả đạn vút đi. Một tiếng nổ vang trời lộng óc phát ra. Huân rùng mình bịt chặt hai tai. Mắt anh hơi nhắm lại. Rồi tiếng reo hò dậy đất vang lên:
- Trúng rồi! Hoan hô bộ đội! Trúng rồi.
Tiếng chuông nhà thờ Lã Hoàng dồn dập vang lên. Theo đó là tiếng mõ, tiếng kẻng, tiếng thanh la từ đầu xã đến cuối xã khắp hai bên bờ sông đồng loạt nổi lên. Những đống lửa bờ bên kia cũng đồng loạt bốc cháy. Tiếng nứa tép nổ đôm đốp. Tiếng thùng phuy chứa thuốc súng nổ ình oàng hoà cùng tiếng pháo của bộ đội ran lên. Khói lửa mù trời. Tiếng hò reo hai bên bờ dậy đất. Quân Pháp trên tàu hoảng loạn tột độ. Chúng hoàn toàn lọt vào trận đồ bát quái của ta.
Chiếc tàu đầu tiên chìm dần xuống sông. Ba chiếc khác cũng bị trúng đạn. Quan quân Pháp lóp ngóp bơi. Có đứa chìm nghỉm theo chiếc tàu xuống cùng Hà Bá. Máu giặc loang đỏ cả một đoạn sông. Một chiếc tàu bị thương dạt vào bờ Hữu Đô. Một số lính nhảy vội lên bờ hòng tháo thân. Du kích hai xã bên đó liền truy đuổi chúng sát nút. Lửa khói của trận địa giả càng làm cho bọn chúng kinh hoàng. Chiếc tàu đi cuối cùng thấy vậy quay đầu tháo chạy lên Tuyên Quang. Bọn máy bay trên trời cũng nháo nhác không biết đâu mà lần.
Pháo ta tiếp tục nhả đạn truy kích địch. Du kích nhiều người sướng quá nhảy cẫng lên khỏi giao thông hào để reo hò. Họ ôm nhau. Họ vỗ tay, làm đủ các động tác để chào mừng chiến thắng. Trong làng, tiếng chuông, tiếng kẻng, tiếng trống vẫn dồn dập thúc giục. Huân cũng hô to:
- Bắn. Bắn nữa đi.
Cậu ta vung tay chém mạnh xuống như ông Doãn Tuế khi ra lệnh phát hoả.
- Ái. Anh làm cái gì thế?
Chợt có người vỗ mạnh vào người Huân, anh giật mình tỉnh giấc. Cậu Tiến đang nhăn nhó vì cú chém tay của Huân ban nãy. Thì ra anh đang nằm mơ. Cơn mơ tan biến. Huân giụi mắt nhìn quanh. Mặt trời đã chếch về phía tây, ngay trên đỉnh gò Đồn phía bên kia sông. Ánh nắng chiều lọt qua kẽ lá cây si dọi vào mắt anh khiến cho Huân phải lấy tay che mắt lại. Ngoài kia dòng sông lấp loáng. Dưới bến phà khá im ắng. Nhà phà đã lên bờ nghỉ hết cả. Huân giơ tay nhìn đồng hồ. Thế mà đã ba giờ chiều. Anh đã chợp mắt được gần một tiếng đồng hồ. Giờ này là giờ “cao điểm” máy bay oanh tạc buổi chiều nên không có cái ôtô nào qua.
- Chúng ta đi chứ anh, kẻo tối mất? Hiến giục Huân.
- Ừ. Nào mang ba lô đi các cậu.
Huân nhắc hai chiến sỹ trẻ và xăm xăm đi trước.
- Các cậu biết không - Huân tiếp tục mạch hồi tưởng trong giấc mơ ban nãy - Hồi năm bốn bảy, vào khoảng cuối tháng mười thì phải, đơn vị tớ rải quân từ bến phà này cho mãi lên tới tận đầu xã. Cứ bờ sông mà ém. Một đường hào giao thông dài hơn chín cây số đã được dân xã này đào xong chỉ trong có hai ngày hai đêm. Tớ làm nhiệm vụ liên lạc, chạy suốt từ đầu xã đến cuối xã. Mỏi nhừ chân nhưng mà vui lắm. Bộ đội ta kéo pháo ra sát mép nước bờ sông. Các bố hồi ấy táo bạo lắm. Lần đầu pháo binh ra trận đã có kinh nghiệm gì đâu. Pháo lại toàn loại thần công cổ lỗ sỹ chứ được như bây giờ? Ấy vậy mà dám đặt pháo như thế để bắn tàu Pháp mới ác chứ. Lát nữa tớ chỉ các cậu xem chỗ đặt khẩu pháo phát hoả đầu tiên cho trận đánh ngày đó.
Huân vừa đi vừa kể cho Hiến và Tiến nghe về trận đánh năm xưa.
- Anh có vẻ say sưa và rất nhớ về trận đánh đó nhỉ?
Tiến xốc lại chiếc ba lô trên vai hỏi Huân.
- Đúng. Đó là trận đánh đầu tiên của đời mình mà. Mới mười ba tuổi tớ đã ra trận các cậu bảo không nhớ sao được? Rồi các cậu cũng thế ấn tượng trận đánh đầu tiên sâu sắc lắm. Giờ lại đi trên chiến trường cũ, tớ có cảm giác như đang sống lại cái  thời oanh liệt ấy. Các cậu biết không, chiến thắng sông Lô thu đông năm “bốn bảy” có ý nghĩa quan trọng lắm. Nó đánh tan âm mưu của thực dân Pháp định “đánh nhanh thắng nhanh” để chiếm hoàn toàn nước ta đấy. Nhờ chiến thắng này chúng ta đã chuyển được thế chiến lược từ cầm cự sang tích cực phản công, bảo vệ an toàn chiến khu Việt Bắc, căn cứ địa kháng chiến của ta. Tuyến vận chuyển đường sông Lô của địch bị cắt đứt hoàn toàn. Máy bay địch phải thả dù tiếp tế cho Tuyên Quang. Nhân dân cả nước nức lòng có thêm sức mạnh bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi như lời Bác Hồ kêu gọi. Và đối với bộ đội chúng mình, nhất là pháo binh lại càng tự tin để chiến thắng. Báo chí của Pháp gọi trận đánh sông Lô ấy là “thảm hoạ Đoan Hùng” .
- Và nhạc sỹ Văn Cao sau chiến thắng ấy đã có bài hát “Sông Lô”, một trường ca bất hủ phải không anh?
Hiến xen ngang lời của Huân. Huân gật đầu xác nhận:
- Đúng vậy. Chuyến đi của Văn Cao lên Việt Bắc đúng vào lúc giặc Pháp thua trận đang trên đường rút quân trở về. Đi đến đâu bọn địch cũng đốt phá cướp bóc đến đó. Văn Cao đã nhìn thấy những xóm làng bên sông bị đốt trụi, trong đó cả làng Ngọc Chúc chúng ta đang đi này. Những nền “nhà khô trơ than xám” cùng với niềm vui trên những khuôn mặt của dân chúng sau chiến thắng sông Lô trở về dựng lại nhà cửa trong bóng đêm gió rét và “từng sân bao bóng người quanh lửa hồng”. Văn Cao đã dừng chân chứng kiến những “thây giặc trôi trở về ngập bờ” trên nhiều khúc sông mà ông đã đi qua. Âm hưởng chiến thắng bừng sáng trong những gương mặt của các cụ già, của những bé thơ, của những “đoàn quân thời chinh chiến” mà ông gặp gỡ trên đường lên chiến khu. Dòng sông Lô bình dị từ ngàn xưa không còn nữa. Trước mặt ông nó đã trở nên hùng vĩ, bao la, tràn trề sức sống. Văn Cao đã tìm gặp ông Doãn Tuế là người chỉ huy trận đánh này. Hai người đi dọc theo bờ sông Lô nơi trận đánh xảy ra. Những vạt lau cháy còn loang lổ khói súng. Rồi ông lại xuôi bè dọc theo dòng sông tìm hiểu những sự thay đổi của dòng chảy, cảm nhận hơi thở, nhịp đập ẩn chứa trong lòng con sông. Ông lặng ngắm những xóm làng ẩn hiện giữa một màu xanh ngát của núi rừng dọc hai bên sông trong những buổi chiều khói lam phảng phất thanh bình và thơ mộng. Và âm hưởng giai điệu của bản trường cả vút lên. Tác phẩm này đã được in trang trọng trên Tạp chí Văn nghệ đầu tiên tháng 3 năm 1948 đó.
Huân nói say sưa như một cán bộ tuyên giáo. Bao nhiêu kỷ niệm cũ ùa về. Anh cảm thấy tự hào đặt bước chân lên chiến trường cũ năm xưa bên những đồng đội mới của mình. Tiến mơ màng huýt sáo bản trường ca “Sông Lô”.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 2.3)

     Làng Ngọc Chúc khá vắng vẻ. Thỉnh thoảng có tiếng gà eo óc gáy. Cây cối hai bờ sông vẫn um tùm, xanh ri. Hình như người dân ở đây đi sơ tán hết thì phải. Nhà nào nhà ấy đóng cửa im ỉm. Đi được một đoạn, Huân dừng lại. Anh đưa cặp mắt ngó ngược ngó xuôi nhận dạng con đường. Chỗ này khác trước nhiều quá. Bờ sông lở mãi tận vào trong. Cát khá nhiều. Trông giống đoạn nhà cậu Trọng lắm nhưng sao cứ ngờ ngợ thế nào ấy. Con đường ven sông trước kia cứ bám bờ mà đi sao bây giờ lại quặt vào phía trong nhỉ? Lối xuống bến cát sao lại rộng thế kia? Ngày trước làm gì có bãi cát nào rộng thế?
Đang lơ ngơ như vậy thì có lũ trẻ chạy từ trong làng ra. Huân vội vã túm lấy một đứa hỏi:
- Các cháu cho chú hỏi nhà bà Sự ở chỗ nào? Sắp đến chưa?
Mấy đứa bị hỏi đột ngột, chúng dừng cả lại. Nhìn từ đầu đến chân ba chiến sỹ, một đứa trong bọn lắc đầu. Cả bọn lang lảng quay đi. Tiến vội tóm tay đứa khác lôi lại:
- Chỉ cho chú biết đi! Đến nhà bà Sự còn xa không các cháu?
- Chúng cháu không biết bà Sự ạ. Các chú đi mà hỏi người lớn ấy.
 Thằng bé gỡ tay Tiến và nói. Huân vội cố hỏi:
- Nhà bà Sự ở gần gốc duối to ấy. Đi lối nào hả các cháu?
- Chúng cháu cũng không biết ạ.
Nói đoạn, cả mấy đứa kéo nhau đi. Chúng nó thì thầm với nhau cả ba người đều nghe thấy:
- Bộ đội thật chúng mày ạ. Tao thấy các chú ấy có súng, có sao trên mũ mà.
- Đừng vội tin. Nhỡ đâu gián điệp cải trang thì sao? Cô giáo chả dặn là phải thực hiện “ba không” là gì. Bọn gián điệp này tinh vi lắm. Chúng giả dạng đủ kiểu người rồi vào làng dò la, sau đó đánh điện báo về Mỹ đó. Khi máy bay đến, chúng mới ngồi nấp ở một chỗ rồi làm hiệu cho nó thả bom nhé.
- Đúng đấy. Phải cảnh giác. Bố tớ cũng bảo đừng vội tin những người lạ vào làng bất kể đó là ai.
Cả ba người nhìn nhau. Thì ra các cậu nhóc thực hiện “ba không”. Thời chiến có khác, đến trẻ con cũng ngấm sâu tinh thần cảnh giác. Biết không thể làm thế nào khác được, Huân bảo Hiến, Tiến đành chờ xem có ai đó đi qua để hỏi.
Lát sau, phía cuối đường có tiếng mấy cô gái léo nhéo. Đang ngồi nghỉ, Tiến đứng bật dậy:
- Anh Huân để em. Em hỏi chỉ một câu là các cô ấy phải chỉ ngay. Trông đứng đắn, nghiêm túc thế này làm sao mà không tin được? Có khi còn có cảm tình, yêu nữa là đằng khác.
- Thôi đi bố. Đừng có bẻm mép nữa. Tối bố nó đến nơi rồi còn tán phét.
Hiến ngấm ngẳn với Tiến. Mặc, Tiến vẫn vuốt lại quần áo, tóc tai, đội mũ nghiêm chỉnh. Sau đó cậu đứng ra giữa đường nở một nụ cười tươi chờ đợi. Tốp con gái quang gánh thấy người lạ phía trước liền im lặng, không ai nói gì. Họ nhìn ba chàng bộ đội. Khi họ đến gần, Tiến cười hỏi:
- Chào các em. Các em cho bọn anh hỏi thăm đường về nhà bà Sự làng ta đi lối nào em nhỉ?
Một cô gái khá xinh đứng lại. Cô nhìn Tiến chăm chú.
- Anh hỏi nhà bà Sự?
- Vâng, nhà bà Sự em ạ - Tiến vồ vập.
- Nhưng bà Sự nào? Ở làng em có tới bốn, năm bà Sự. Mẹ em cũng là bà Sự, bà cái Tịch đây cũng tên là Sự. Thế các anh có đến không?
Mấy cô gái bấm nhau nhìn cô vừa nói, cười khúc khích. Tiến lúng túng giây lát rồi lại bẻm mép tán:
- À… bà Sự nhà ở gần gốc duối to nhất làng ấy! Bọn anh đến đó rồi sẽ tới thăm bà Sự nhà các em sau. Nhé.
- Nhưng mà các anh tìm nhà bà Sự làm gì? Hay là tìm cái Hà con nhà bà ấy?
Cô gái cũng không vừa, trêu lại.
- Chúng tôi về đây công tác, mong các cô chỉ đường giùm.
Huân sốt ruột nói. Cô gái liếc một cái sắc lẹm lên người Huân. Sao mũ, quân hàm, quân hiệu nghiêm chỉnh gớm. Trẻ thế mà cũng trung uý cơ đấy. Trông cũng khá đẹp trai. Của hiếm đây. Phải trêu cho anh này một trận mới được. Ở gần ngay nhà bà Sự ấy rồi mà không biết lại cứ hỏi. Dứt khoát mình sẽ không nói, không chỉ gì hết. Mặc kệ anh ta xoay xoả. Chắc lại về tăng cường cho đơn vị kho đạn đây. Thể nào mai kia chẳng lại được làm việc với nhau? Thế thì hôm nay hãy cứ đợi đấy đã nhé. Cho nó ấn tượng buổi đầu gặp mặt.
- Nhà bà Sự ấy còn xa lắm, hay là các anh về nhà bà Sự, mẹ em, nghỉ tạm rồi sớm mai chúng em sẽ dẫn các anh đến tận nơi.
Mấy cô gái lại bấm nhau cười. Họ nhao nhao:
- Phải đấy.
- Đừng nghe cái Phương nó nói. Nhà nó xa hơn nhà em. Các anh về nhà em, bà em cũng tên là Sự mà. Ngay cuối xóm kia thôi.
- Nào đưa ba lô đây chúng em gánh cho.
Huân thoáng đỏ mặt:
- Cảm ơn các cô. Bảy giờ tối nay chúng tôi phải có mặt ở nhà bà Sự rồi, không thể tới nhà các em được. Hẹn khi khác nhất định chúng tôi sẽ tới.
- Thế thì buồn quá - Cô tên là Phương tiếp tục.
Chợt lũ trẻ ở đâu đó quay lại ngó nghiêng nhìn mấy chú bộ đội đang bị các cô gái làng quây trêu. Chúng cùng đồng thanh:
- Đường Tuyên Quang đi lối nào em nhỉ? Lấy em rồi em sẽ chỉ đường cho.
Chúng hát theo giai điệu bài hát “Hành quân xa” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Vừa hát chúng vừa vỗ tay. Nghe thấy thế cả Huân, Hiến, Tiến và các cô gái cùng đỏ mặt. Họ thoáng nhìn nhau giây lát. Phương liền lao về phía mấy đứa trẻ. Các cô gái còn lại cũng vùng đuổi theo. Người nọ nắm quanh gánh của người kia léo nhéo. Bọn trẻ con chạy trước, mấy cô gái đuổi theo sau. Tiếng bọn trẻ con hát, tiếng các cô gái cười vang lên trong sắc nắng chiều vàng rực rỡ. Ba chàng lính ngẩn ngơ. Mãi sau Hiến mới nói:
- Thế nào ông Tiến? Chẳng bốc phét nữa đi.
- Nhưng mà hay các cậu ạ - Huân dàn hoà - Công nhận các cô gái ở đây lém thật. Đến cậu Tiến mà cũng phải thua nữa là. Đẹp! Đẹp lắm. Chiều rơi bên bến sông Lô, gặp em một thoáng ngẩn ngơ một đời. Xin đừng bỏ đi người ơi! Để tôi tìm nhặt nụ cười bâng khuâng.
- A! anh Huân lại có thơ rồi! Người đẹp, cảnh đẹp thế chẳng trách nào anh nổi hứng thật. Biết đâu về đây anh lại chẳng tìm được bến đậu ấy chứ.
Tiến và Hiếu cùng reo lên. Họ quên hẳn cái ba lô nặng trên vai và đoạn đường còn lại không biết ngắn dài thế nào. Tiếng cười các cô gái vẫn từ xa vọng lại. Chợt một cụ già từ trong vườn bước ra:
- Các chú hỏi thăm nhà bà Sự cạnh gốc duối phải không?
- Vâng ạ. Ông chỉ cho chúng cháu đường đi tới đó với. Nãy giờ hỏi mấy đứa trẻ và các cô gái chẳng ai bảo cho. Xin ông làm ơn giúp chúng cháu.
- Các chú là bộ đội phải không?
- Vâng ạ. Chúng cháu về đây công tác ạ.
- Tôi biết. Nhìn các chú là tôi đoán ra ngay. Bọn trẻ con nó không chỉ đường cho các chú là chúng nó “ba không” đấy. Còn các cô gái, mấy đứa quỷ sứ ấy chúng nó trêu đấy.
- Dạ, vâng ạ. Chúng cháu biết ạ.
Huân lễ phép đáp lại. Cụ già chỉ tay về phía một con đường:
- Đi theo con đường này này. Đến chỗ ngã ba kia thì rẽ phải lại ra bờ sông. Sau đó cứ theo bờ sông mà đi. Khi nào thấy cây si to đùng ngay bờ sông là đến. Cây duối ở cạnh cây si. Không phải hỏi thăm ai cả.
- Vâng ạ. Chúng cháu cảm ơn cụ ạ.
Huân xúc động. Ba người lại khoác ba lô lên vai và đi theo hướng cụ già chỉ.
- Đúng là gốc duối cạnh cây si ngày xưa các cậu ạ.
- Sao bảo anh thông thuộc ở đây lắm rồi cơ mà? Tiến hỏi Huân.
- Thuộc. Nhưng mà hai chục năm nay rồi các cậu bảo bố ai mà nhớ hết được. Với lại nó còn thay đổi nữa chứ. Cái đoạn lúc nãy là sông lở, họ mở đường khác, trồng cây linh tinh, dân làng sơ tán cả nên tớ không biết đâu mà lần. Rồi các cậu sẽ thấy, ở đây thú vị lắm, nên thơ lắm.
- Chả trách mới về đến đầu làng mà anh đã có thơ rồi. Xem ra cái cô Phương ấy “chết” anh rồi đấy.
Ba người vừa đi chuyện trò vui vẻ. Gió hạ từ sông Lô thổi tới làm cho họ tỉnh người. Chiều dần buông trên sông. Tiếng mõ trâu gõ lốc cốc từ cánh đồng xa vọng lại. Cây duối to đã hiện ra trước mặt. Họ rảo bước nhanh hơn về phía đó.
Xác định đúng ngôi nhà năm xưa, Huân hăm hở dẫn hai chiến sỹ bước vào cổng. Trong nhà vắng lặng. Anh gọi to mấy lần sau đó mới có người thưa. Một bà chừng hơn năm chục tuổi từ góc vườn chạy ra cổng:
- Các chú hỏi ai?
- Cho anh em con hỏi đây có phải nhà bà Sự không ạ?
- Đúng rồi, tôi đây! Thế các chú là ai?
- Dạ, con là … là Huân ạ.
- Huân nào nhỉ?
- Dạ, Huân làm liên lạc trong đơn vị pháo binh năm xưa bắn tàu chiến Pháp đóng ở nhà ta đấy? Bà không nhớ con à?
- Trời ơi! Thằng Huân! Trông chững trạc thế làm sao mà bá nhớ được.
Bà Sự sung sướng reo lên. Rồi bà quay vào trong gọi to:
- Thằng Huân nó về này ông Hiếu ơi! Mau ra mà đón nó!
Một người đàn ông từ phía sau ngôi nhà cũng tất tưởi chạy ra. Ông ôm chầm lấy Huân. Bà Sự nắm lấy tay Huân lắc lắc:
- Lớn quá rồi. Chẳng còn lách chách như cái hồi ấy nữa. Thôi, vào nhà cả đi.
Ba người theo hai ông bà đi vào nhà. Huân vội hỏi:
- Các em nhà ta đâu cả hả bá? Huân đổi cách xưng hô.
- Chúng nó đi làm chưa về.
- Em Hà chắc lớn lắm rồi bá nhỉ?
- Ừ. Thì mày còn như thế này nữa là nó. Thế nhưng nó tồ lắm.
Bà sự cười hở lợi.
- À mà bá ơi! Thế cậu Trọng “bông lau” bây giờ ra sao rồi ạ?
- Nó bị thương ở Khe Lau sau đó giải ngũ bây giờ ở với con trai mãi tận Lào Cai thì phải. Gớm, sao chúng mày nhớ nhau thế?
- Còn cậu Thỉnh con cụ Bái nữa bá?
- Làm giáo viên. Đang dạy ở trong huyện đó. Cậu ấy vẫn hay kể về trận đánh sông Lô cho học sinh nghe lắm. Thế về đợt này ở luôn đây chứ?
- Vâng ạ. Chúng con được lệnh về cắm chốt ở đây để cùng với địa phương lo vận chuyển, bốc dỡ kho đạn bá ạ. Bác bá cho chúng con ở nhà ta nhé!
- Được rồi! Khỏi lo! Ông xã đội cũng vừa ở đây về. Ông ấy đi báo họp gấp. Tối nay họ lấy nhà bá để họp bàn kế hoạch ấy đấy. Mấy tuần nay các anh trên Z cũng đến liên hệ bãi để đạn và nơi ăn nghỉ cho bộ đội. Sắp đánh nhau to rồi phải không?
- Gớm cái bà này. Để cho chúng nó nghỉ ngơi tắm rửa cái đã rồi tối tha hồ mà nói chuyện.
Ông Hiếu xen ngang lời bà Sự.
- Thì cứ để bá cháu tôi nói chuyện tí đã nào. Bao nhiêu năm rồi mà ông cứ vội. Giờ đến tối chỉ có mỗi việc ngủ nghỉ chứ đi đâu mà lo.
- Tối các ông ấy còn họp, bà không nhớ à?
- Ừ nhỉ! Thôi chúng mày cất ba lô vào kia rồi ra giếng mà rửa ráy tắm giặt. Tối bá cháu mình nói chuyện tiếp.
Vừa đi lấy chậu thau, khăn mặt bà Sự vừa hỏi với thêm câu nữa:
- À mà Huân ơi, mày đã vợ con gì chưa?
Huân cười lớn:
- Chưa gì cả bá ạ. Chuyến này bá làm mối cho con một cô nhé!
- Được rồi! Chỉ sợ mày kén thôi!
Bà Sự chỉ chỗ cho ba chiến sỹ ra giếng. Huân, Hiến, Tiến quẳng vội ba lô xuống và đi tắm rửa. Hiến, Tiến vui sướng như được trở về nhà. Còn Huân nhìn ông Hiếu bà Sự cứ bâng khuâng. Anh muốn gọi to lên hai tiếng “Bố ơi!, Mẹ ơi!”. Hoàng hôn đã buông xuống từ lâu. Trời nhá nhem tối. Đàn gà nháo nhác gọi mẹ lên chuồng.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 3.1)

Cuộc họp đột xuất của ban chỉ huy quân sự xã tối nay được tổ chức ngay tại nhà bà Sự. Người đầu tiên đến là ông Thạc. Ông dựng chiếc xe đạp “Stec ling” đầu vênh của mình ngay trước sân rồi vào nhà. Ông Hiếu rót nước mời ông Thạc:
- Có việc gì quan trọng mà họp gấp thế hả ông xã đội?
- Vâng. Có việc quan trọng thì mới họp chứ. Gấp lắm ông ạ. Công việc thời gian tới sẽ bù đầu cho mà xem. À, thế bảo có mấy chú bộ đội về ở nhà mình đã về chưa hả ông?
- Về rồi. Các chú ấy đang tắm ngoài giếng ấy.
- May quá. Trên thông báo là sẽ có người bổ sung, thế mà đúng thật. Quân đội có khác. Tác phong ghê.
Ông Thạc móc túi lấy bao thuốc lá. Ông nghiện thuốc lá nặng. Ông lấy ra một điếu rồi bẻ nó làm đôi. Đút nửa điếu vào bao, còn nửa điếu kia ông châm lửa hút. Thuốc lá hiếm, sổ nghiện ông hút cũng không đủ phải mua thêm thuốc ngoài. Bình quân mỗi ngày ông Thạc phải hút hết một bao Trường Sơn. Loại Trường Sơn đen thôi. Mỗi lần hút ông chỉ hút có nửa điếu. Thèm lắm nhưng cũng phải chia nó ra cho đều trong ngày. Hai đầu ngón tay (ngón cái và ngón trỏ) của ông cháy xém, vàng khè. Nhìn ông rít thuốc đến người không nghiện cũng phải phát thèm, nhất là khi điếu thuốc chỉ còn có một đoạn cháy đỏ đến đầu ngón tay. Ông bóp hai đầu ngón tay mím điếu thuốc lại bẹp dí rồi cho nó vào miệng, roe môi ra và rít lấy rít để. Hai má ông tóp lại. Miệng ông vẩu ra. Điếu thuốc đỏ lừ đến nỗi không còn gì để cháy thêm nữa thì ông mới vứt bỏ nó. Thậm chí có bận, ông còn cố tình lấy giấy cuốn nối thêm vào điếu thuốc để rít cho bằng hết thuốc mới thôi. Ông Thạc có kiểu thả khói thuốc lá rất điệu nghệ, những chữ o vòng trên vòng dưới cuốn vào nhau bay lên lượn lờ như rồng múa. Hai mắt ông lờ đờ nhìn theo làn khói bay một cách khoan khoái. Cánh thanh niên một số đứa ti toe học theo nhưng không được.
Huân, Hiến, Tiến đã tắm xong. Ba người bước vào nhà chào ông Thạc. Ông Hiếu giới thiệu:
- Đây là ông Thạc xã đội trưởng. Còn đây là ba chú bộ đội mới về chiều nay.
Ông Thạc bắt tay từng người. Huân nhanh nhảu:
- Chúng cháu chào bác ạ. May quá, anh em chúng cháu đang định ngày mai sẽ đến báo cáo các bác ở xã.
- Khỏi no. Có phải các cậu được Quân khu điều về đây không? Chúng tớ đã được phổ biến kế hoạch tác chiến trong thời gian tới và được biết sẽ có tăng cường một số bộ đội về phối hợp với xã. Nếu đúng vậy thì tốt quá. Coi như nà gặp nhau. Tối nay tớ có cuộc họp xã đội để bàn về việc đó đây. Mời các cậu dự luôn.
- Vâng ạ. Anh em cháu được cấp trên điều về tăng cường cho kho đạn xã ta đấy bác ạ.
Huân vui vẻ đáp rồi giới thiệu tên từng người cho ông Thạc. Ông Thạc lấy bao thuốc lá đặt xuống bàn. Hiếm khi ông có cử chỉ này. Thường thì ông chỉ lấy từng điếu một ở túi ra thôi. Có cậu thanh niên nào trêu xin thuốc ông thì ông bảo : “Cậu thông cảm, tớ còn mỗi điếu này. Với lại các cậu hút làm gì, chỉ tổ bệnh tật. Tớ nghiện cai không được mới phải chịu”. Mấy thằng liền cười: “Bác lúc nào chẳng còn điếu thứ hai mốt”.
- Các cậu hút đi. Về đây vất vả đấy.
- Dạ, anh em cháu không hút thuốc ạ - Huân cảm ơn ông Thạc.
Lát sau thì ông Khang, bí thư đảng uỷ xã, ông Duyên, chủ tịch xã cũng đến. Ông Khang ở làng Chí mãi tận đầu xã. Để tiện cho việc chỉ đạo tuyến đầu, ông về ăn nghỉ luôn ở nhà bà Cơ làng Ngọc Chúc. Được ông Thạc giới thiệu ba chiến sỹ với hai ông, ông Duyên bắt tay họ:
- Chà chà… Trông rắn rỏi gớm nhỉ? Quê ở đâu ta cả thế?
Ông Duyên có tính là hễ gặp ai, dù người đó là lần đầu, khi nói bao giờ ông cũng đánh lưỡi kêu “chà chà” nghe rất thân mật. Huân thay mặt anh em giới thiệu tên, tuổi quê quán từng người cho bí thư, chủ tịch xã biết.
- Cậu Huân này trước đã tham gia chiến dịch sông Lô thu đônng năm “bốn bảy”, cùng tổ liên lạc với cậu Trọng “bông lau” đấy.
Ông Hiếu chỉ vào Huân và nói với các vị ở xã. Ông Duyên tròn xoe mắt:
- Chà chà… Thế hả? Thảo nào tớ nhìn thấy quen quen. Hồi đó tớ phụ trách cụm đầu xã nên có gặp các cậu trong tổ liên lạc đôi lần. Có phải cậu là liên lạc của đơn vị ông Doãn Tuế không?
- Vâng ạ. Lúc ấy cháu mới mười ba tuổi. Cháu thường chạy chân truyền đạt thông tin mệnh lệnh của đơn vị cháu cho các bác ở xã, lúc đó xã mình hình như là bác Diệm phụ trách thì phải.
- Đúng rồi! Ông ấy giờ lên huyện công tác rồi!
Ông Khang ôm chầm lấy Huân:
- Hai mươi năm, cậu lớn và tiến bộ quá. Không ngờ chúng ta lại gặp nhau. Số cậu nặng tình với đất bưởi lắm đấy.
- Vâng ạ. Thế cũng là vinh dự cho cháu.
Mọi người lục tục kéo đến họp. Các B trưởng của các trung đội dân quân, du kích trong toàn xã. Có đến già nửa số đó là nữ. Huân, Hiếu, Tiến được mời dự họp luôn. Ba anh ngồi chính gian giữa cùng với ông Thạc, ông Khang và ông Duyên. Ánh đèn hoa kỳ soi tỏ khuôn mặt họ. Mặc dù đi đường cả ngày mệt nhưng cả ba anh đều rất vui vì được bắt tay ngay vào việc. Thế mà dọc đường đi, Huân cứ lo phải làm công tác dân vận.
Trong số người đến họp, ba anh giật mình vì có Phương ở trong đó. Cô ấy nhìn Huân, Hiến rồi Tiến khẽ nháy mắt cười tinh nghịch. Chẳng biết Tiến và Hiếu thế nào chứ Huân cảm thấy người mình như lâng lâng. Tất cả mọi bí ẩn vẫn còn đang phía trước.
Bà Sự vào buồng bê ra một ôm quạt lá cọ phát cho mỗi người một chiếc. Mọi người thi nhau phành phạch vừa quạt mát vừa xua muỗi. Gớm sao đêm nay trời lại oi bức thế.
Mở đầu cuộc họp, ông Thạc đứng dậy giới thiệu Huân, Tiến, Hiến với mọi người và từng người trong ban xã đội cho ba chiến sỹ biết. Ông Thạc chỉ vào Phương:
- Giới thiệu với ba đồng chí, coi như nà đồng chí Phương ngồi kia, trung đội trưởng dân quân nàng Ngọc Chúc, nàng mà các đồng chí đang ngồi đây. Đề nghị đồng chí Phương đứng dậy để các đồng chí ấy nhìn cho rõ.
- Dạ, rõ nắm rồi ạ!
Phương nhại tiếng ông Thạc và cười khúc khích. Ba chiến sỹ cũng cùng cười.
- Ơ thế các đồng chí biết nhau rồi à?
Huân nhìn Phương và nói:
- Dạ, đúng cô gái này chiều anh em cháu đã gặp rồi ạ. Hỏi thăm đường đến đây nhưng cô ấy “ba không” lại còn trêu lại anh em cháu nữa đấy.
- Thế hả? Coi như nà quen nhau. Các cậu theo thế nào được cô ấy. B trưởng cứng của chúng tôi đấy.
Mọi người cùng cười vui vẻ. Ông Thạc tiếp tục:
- Kính thưa đồng chí bí thư, đồng chí chủ tịch. Kính thưa ba đồng chí bộ đội cùng toàn thể các đồng chí trong hội nghị. Sở dĩ ta phải họp gấp tối nay vì tình hình rất gấp rồi. Coi như nà tôi và đồng chí Duyên, chủ tịch, vừa đi họp trên huyện về. Báo cáo đồng chí bí thư, báo cáo các đồng chí, hiện nay giặc Mỹ đang tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc. Mấy ngày nay, khắp nơi trên miền Bắc đều bị máy bay Mỹ oanh tạc, ném bom. Chúng đánh phá coi như nà rất ác liệt. Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Tây rồi Việt Trì, thị xã Phú Thọ trong tỉnh ta nữa cũng đều bị chúng sờ tới rồi. Hàng ngày các đồng chí đều đã nghe thấy tiếng máy bay oanh tạc nượn nờ trên đầu, tiếng bom nổ từ phía đó vọng tới đấy. Trên yêu cầu chúng ta phải triển khai gấp hai việc. Một nà sơ tán gấp nhân dân và hai nà cùng với bộ đội bảo đảm an toàn, bốc dỡ giải phóng kho vũ khí đạn dược một cách an toàn nhất. Để cụ thể tôi xin trình bày phương án tác chiến như sau.
Trước hết về công tác sơ tán. Coi như nà việc này chúng ta đã nàm nhưng chưa triệt để. Một số người vẫn chủ quan không chịu đi. Đặc biệt, công tác hầm hào nhiều hộ vẫn chưa nàm đúng quy cách. Một vài thanh niên vẫn còn mặc quần áo màu sáng đi ra đường. Có người vẫn cố nàm trong “giờ cao điểm”. Do đó, chúng ta phải tổ chức nại việc này. Kiểm tra hướng dẫn mọi người mọi nhà đào thêm hầm hào trú ẩn. Các gia đình đều phải đào hầm cho người và cho tài sản. Thóc thiếc, quần áo cho tất xuống hầm. Tính sao cho cách xa nhà để nhỡ nhà cháy thì vẫn còn thóc mà ăn, quần áo mà mặc. Trước mắt đội 202 tạm nghỉ đào mương để đi đào thêm hầm ở hai ven đường quốc nộ 2. Coi như nà cứ 5 mét một hầm. Công tác sản xuất phải tăng cường nàm đêm. Khả năng sắp tới nó sẽ đánh vào ta đấy. Cho nên ta phải chủ động phòng tránh trước. Người già, phụ nữ, trẻ em cho đi sơ tán hết. B cơ động sẽ tuần tra niên tục nhắc nhở mọi người. Tổ phòng không trên đỉnh Hang Khay và núi Đám phải thường trực 24 trên 24 giờ để gõ kẻng báo động kịp thời cho nhân dân biết khi máy bay Mỹ đến.
Vấn đề thứ hai nà vận chuyển bốc dỡ vũ khí. Sắp tới, Quân khu sẽ tăng cường số nượng vũ khí tập kết tại bến ông Hiếu đây. Nực nượng bộ đội không thể đảm đương hết được. Cấp trên yêu cầu xã ta phải cử người thay phiên nhau ra để bốc dỡ giải phóng nhanh số vũ khí đó, cất giấu, bảo quản thật an toàn. Nưu nượng sẽ hàng trăm tấn hàng cần giải phóng trong ngày. Coi như nà nực nượng chính nà ta. Ta phải chủ động hết. Đơn vị bộ đội chỉ nàm nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn chúng ta bốc dỡ thôi, có phải không các đồng chí?
Ông Thạc đột ngột ngắt câu và nhìn về Huân, Hiến, Tiến. Chưa kịp để cho ba chiến sỹ trả lời, ông Thạc tiếp luôn:
- Tôi dự kiến bố trí thế này. Tất cả thanh niên, nam cũng như nữ, ăn cơm chiều xong thì tập trung tại bến để tiến hành bốc đạn. Mỗi tối một B. Cứ nần nượt như thế. Từ đầu xã đến cuối xã. Các B trưởng chịu trách nhiệm đôn đốc anh em thực hiện. Ban quân sự xã coi như nà sẽ theo dõi, trực chiến. Bốc đến khi nào hết hàng thì nghỉ. Việc sản xuất các ông đội trưởng, thư ký phải no. Điều động nhân nực thế nào đấy tạo điều kiện cho anh em thanh niên tối còn đi vác đạn. Bắt đầu từ tối mai sẽ có hàng tăng cường về.
- Thì hơn năm nay mình vẫn làm thế là gì? Có gì mới đâu mà lo?
Có tiếng ai đó xen ngang lời ông Thạc. Ông Thạc vẫn bình tĩnh triển khai:
- Vẫn biết nà hơn năm nay ta đã bốc dỡ đạn dược an toàn, không có gì phải bàn những nần này nưu nượng nó nhiều, có cả hàng đặc biệt nữa nên các đồng chí phải tập trung cao độ hơn. B sở tại của đồng chí Phương sẽ vất vả hơn rất nhiều. Đấy, kế hoạch tác chiến trong thời gian tới coi như nà tôi đã trình bày xong. Mời đồng chí bí thư, chủ tịch, các đồng chí bộ đội và anh em chúng ta tham gia.
Ông Thạc nói xong ngồi xuống. Chiêu một ngụm nước ông nhìn Huân:
- Cậu phát biểu tí chứ?
- Dạ, để các bác ở xã đã. Anh em chúng cháu chưa nắm được địa bàn cụ thể có gì sẽ tham gia sau ạ.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 3.2)

Hội nghị lắng đi giây lát rồi mọi người tranh nhau phát biểu. Bao nhiêu khó khăn được đưa ra. Nào là dân ta vừa phải đi sơ tán vừa phải đảm bảo sản xuất cấy hái lấy thời gian đâu mà đi vác đạn? Nào là việc đào hầm ngoài đường quốc lộ đáng ra phải do bên giao thông họ làm chứ? Rồi thì đi vác đạn thế thì công sá tính toán thế nào? Vân vân và vân vân…
Chờ cho các ý kiến vãn vãn, ông Duyên chủ tịch xã phát biểu:
- Các đồng chí nãy giờ đã phát biểu nhiều. Thuận lợi, khó khăn đều được đưa ra cụ thể. Hôm nay, tôi và đồng chí Thạc họp ở trên huyện về mới biết tình hình ngày càng diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, đế quốc Mỹ liên tục mở rộng chiến tranh trên vùng trời miền Bắc. Ngày 24 tháng 6 chúng bắn phá khu công nghiệp Việt Trì, nhà ga xe lửa Tiên Kiên, nhà máy Su pe phốt phát và hoá chất Lâm Thao. Tháng 7 này chúng đã đánh lên tới huyện ta. Các xã Nghinh Xuyên, Phương Trung, Hán Đà, Bằng Luân, và Ngọc Quan đều đã bị bom Mỹ dội. Cấp trên nhận định xã ta sẽ là trọng điểm đánh phá của chúng. Chưa biết lúc nào nó sẽ đánh ta. Cho nên chúng ta phải nâng cao tinh thần cảnh giác chuẩn bị đối phó. Cần đào thêm nhiều hầm hào trú ẩn. Cả hầm cố định và giao thông hào để cơ động. Người đi cấy, gặt, đi làm đồng đều phải đội mũ rơm để chống mảnh đạn, hạn chế thương vong do bom địch gây ra. Những thôn ở ven quốc lộ 2 gồm Ngọc Chúc, Gò Măng và Phượng Hùng phải sơ tán người già và trẻ em vào các khu gò đồi chỉ để lại đàn ông, thanh niên ở lại bám trụ duy trì sản xuất và phục vụ chiến đấu. Chuyển tất cả mọi sinh hoạt về ban đêm. Riêng vấn đề bốc dỡ đạn dược, đồng chí Thạc đã nói rõ, tôi chỉ nhấn mạnh thêm rằng đây là nhiệm vụ phục vụ chiến đấu quan trọng số một của xã ta. Cấp trên giao cho bất cứ tình huống nào phải hoàn thành và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và vũ khí. Không có công sá gì ở đây cả. Chống Mỹ cứu nước ai lại tính công sá. Theo kế hoạch của Ban chỉ huy xã đội, tôi yêu cầu các đồng chí phân công người theo dõi, đôn đốc cắt lượt các B, các đội sản xuất hàng tối đi vác đạn.Bắt đầu từ ngày mai, ban chỉ huy xã đội phải trực chiến cả ngày lẫn đêm, đặc biệt là các trạm gác phòng không. Lệnh cho toàn dân sẵn sàng bước vào cuộc chiến mới.
Ông Duyên nói chắc nịch, dứt khoát. Giọng ông sang sảng. Mọi người ngồi nghe nổi da gà như sắp sửa vào trận đánh thực sự.
Cuối cùng ông Khang, bí thư đảng uỷ, chính trị viên xã đội lên tóm tắt hội nghị:
- Các đồng chí đã vừa nghe kế hoạch tác chiến trong thời gian tới của xã ta. Tình hình rất cấp bách. Đế quốc Mỹ không từ một thủ đoạn nào để đánh phá ta. Do những thất bại liên tiếp ở miền Nam và ở Lào, chúng đã điên cuồng leo thang mở rộng chiến tranh ra phá hoại miền Bắc. Phá hoại miền Bắc có nghĩa là chúng phá hoại chủ nghĩa xã hội, đánh vào hậu phương lớn của cả nước. Chúng muốn đưa nước ta trở lại thời kỳ đồ đá. Biết trước được tình hình đó, ngay từ tháng 3 năm 1965, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết 11 quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền Bắc sang thời chiến. Thi hành nghị quyết này, tỉnh uỷ Phú Thọ đã có nghị quyết 09 về tình hình, nhiệm vụ của đảng bộ tỉnh trong thời kỳ mới, trong đó nói rõ chúng ta phải vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bác Hồ đã ra lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cho nên chúng ta phải thực sự chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Toàn dân thực hiện thi đua 2 giỏi “Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”, thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”. Tình hình rất khẩn trương đòi hỏi mỗi chúng ta phải chủ động đối phó với địch. Những ngày gần đây, các đồng chí thấy mức độ hoạt động của máy bay Mỹ tăng nhanh trên bầu trời huyện ta. Xã ta có bến phà, cầu treo, cầu phao, có quốc lộ 2 đi qua, có đơn vị quân đội đóng quân, gần nhà máy Z2… cho nên là mục tiêu, là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Vì thế chúng ta phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đối phó với địch trong mọi tình huống. Tất cả các đồng chí đảng viên, đoàn viên, thanh niên phải gương mẫu sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Ban chỉ huy xã đội phối hợp chặt chẽ với anh em bộ đội để tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đã đề ra. Phát huy truyền thống sông Lô lịch sử, đất bưởi anh hùng, tôi đề nghị chúng ta mở chiến dịch thi đua mới mang tên “Sông Lô quyết thắng”. Các đồng chí còn ý kiến nào khác không?
Ông Khang vừa dứt lời thì mọi người đồng thanh đáp:
- Không! Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với kế hoạch của các đồng chí.
- Vâng. Nếu các đồng chí không có ý kiến gì nữa thì chúng ta về nghỉ, ngày mai chính thức bắt tay vào cuộc chiến.
Ông Khang kết luận và giải tán hội nghị. Huân, Hiến, Tiến tiễn mọi người ra tận cổng. Phương đi sau cùng. Cô nói với ba chiến sỹ:
- Lúc chiều bọn em đùa tí mong các anh thông cảm nhé. Lúc nào rỗi mời các anh đến nhà em chơi.
- Vâng. Không có gì đâu em ơi. Nhất định anh sẽ đến thăm mẹ Sự chứ. Chúc ngủ ngon nhé.
Tiến bẻm mép nói thay cả ba người.
Về khuya cái nóng đã dịu hơn. Ánh trăng soi xuống dòng Lô lấp lánh. Sóng nước vỗ vào bờ thành những âm thanh rì rầm mênh mang… Huân vươn vai hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành của đêm hè xứ bưởi. Đằng xa, phía Việt Trì vẫn sáng rực ánh pháo sáng của máy bay Mỹ. Hình như có cả tiếng bom nổ. Có lẽ bọn giặc trời vẫn đang oanh tạc. Tình hình sắp tới sẽ là gay go phức tạp đây.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 4)

Trung đội dân quân làng Ngọc Chúc do Phương làm B trưởng đa số là thanh nữ và một vài ông trung niên. Cánh thanh niên đều đi bộ đội và ra mặt trận hết. Mấy năm nay trai làng thi nhau nhập ngũ. Làng bây giờ còn lại toàn đàn bà và trẻ em. Cho nên mọi việc lớn bé trong làng đều do phụ nữ và một số đàn ông trung niên đảm nhận. Mấy tay thanh niên còn lại ở làng thì một là đối tượng miễn hoãn nghĩa vụ quân sự, hai là có tật bệnh gì đấy mà quân đội không thể tuyển được. Một số rất ít khác thì vì những lý do “tế nhị” mà qua các đợt tuyển quân họ vẫn ở nhà. Tất cả số này là của “quý hiếm” trong làng. Có việc gì nặng nhọc là người ta vẫn gọi đến họ. Dù sao thì “yếu trâu vẫn còn hơn khoẻ bò”.
Phương là con liệt sỹ. Bố cô đã hy sinh ở Điện biên năm 1954 để lại người vợ trẻ và một đứa con gái. Mẹ cô đứng vậy nuôi con từ lúc Gái mới mười một tuổi. Vào lứa tuổi dậy thì, Phương càng phô bày vẻ đẹp. Phương không đẹp rực rỡ, kiêu sa như một số cô gái khác, cô đẹp một cách chân quê, dịu dàng, thầm kín. Dáng người đậm đà. Gương mặt trái xoan. Tuy lam lũ sông nước, ruộng đồng nhưng nước da của Phương bao giờ cũng trắng hồng. Do mồ côi bố từ nhỏ nên Phương vừa có sự cứng rắn như một đấng nam nhi, mặt khác ở cô cũng có cả sự dịu dàng duyên dáng rất nữ tính. Nếu bị kẻ nào sàm sỡ, trêu chọc Phương sẵn sàng lên lớp cho người đó biết mặt. Ngược lại, khi ai đó có đùa bỡn một câu bóng gió xa xôi thì Phương e thẹn cúi đầu, đôi má ửng đỏ.
Năm nay Phương đã hai mươi hai, cái tuổi khá “cứng” của đời người con gái làng Ngọc Chúc. Xinh đẹp, giỏi giang như vậy mà tại sao Phương vẫn chưa đi lấy chồng? Hơn nữa, Phương hoạt động xã hội rất sôi nổi? Phải nói cô rất có khiếu về lĩnh vực này. Chả thế mà cô được đảng uỷ, uỷ ban xã giao cho cái chức B trưởng dân quân một B đầu sóng ngọn gió, trong khi đó có đến ba, bốn thanh niên trai tráng khoẻ mạnh khác ở nhà. Nhiều người đến làng, nhất là mấy anh bộ đội trên nhà máy Z vẫn thường đặt câu hỏi như thế về Phương.
Thực ra, rất nhiều trai làng để ý đến cô gái có cá tính này từ lúc Phương mới ở tuổi mười sáu, mười bảy. Họ tán tỉnh cô. Cái thời làm tổ đổi công, khối chàng chỉ muốn đổi công cho nhà bà Thinh có cô con gái đẹp là Phương. Phương ăn mặc giản dị nhưng vẫn không giấu nổi vẻ đẹp tự nhiên của mình. Đến tên gọi của cô cũng rất dễ hoà vào nhiều người khác, thế mà trong đám đông, Phương vẫn nổi lên như một đoá hoa rừng. Khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, dáng người cao ráo thon thả, khuôn ngực của cô căng tràn sức sống khiến cho các chàng phải chết mê chết mẩn vì nàng. Đôi mắt Phương lúc nào cũng mở to, nhìn thẳng thu hút mọi người. Phương hay cười, hay nói và trong giao tiếp cô rất thông minh, chủ động. Ẩn giấu bên trong vẻ thuỳ mị ấy là một cô gái tinh nghịch. Cô thường bày ra những trò trêu lại mọi người, nhất là cánh thanh niên háu gái. Chả thế mà hôm anh chàng Tiến, bộ đội trong tổ của Huân về làng mới gặp nhau lần đầu đã bị Phương trêu chọc cho rồi. Vô tư như vậy nên trông Phương càng trẻ trung phơi phới đầy sức sống.
Nhiều đám ướm hỏi, Phương đều từ chối. Không phải Phương làm cao hay chê họ điểm gì, Phương chỉ có một điều rằng không thể xa mẹ được. Bà Thinh hết lời khuyên con nhưng Phương vẫn một mực như thế. Phong trào đoàn, đội cuốn hút cô. Rồi công việc hợp tác xã, nào bèo hoa dâu, nào cấy thẳng hàng, nào làm phân xanh… việc nào Phương cũng hăm hở đi đầu. Càng thế Phương càng nổi lên giữa đám thiếu nữ làng Ngọc Chúc.
Khi bọn Mỹ đánh ra miền Bắc, trai làng lên đường tòng quân, Phương dần đảm đương gánh vác các công việc thay cho họ. Những cuộc tiễn đưa diễn ra vô cùng lưu luyến. Một số thanh niên đem lòng yêu Phương chưa nói được lên lời, lúc chia tay họ cứ nhìn đăm đắm vào đôi mắt của cô gửi bao nhiêu niềm hy vọng. Gái vô tư mỉm cười vẫy tay chào họ. Khi họ đi cả rồi lúc đó Phương mới cảm thấy trống vắng. Cô ngoảnh mặt giấu đi những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Hết đợt này đến đợt khác, làng rỗng hẳn thanh niên. Thương họ quá! Chiến tranh sao mà tàn khốc thế! Liệu ai trong số họ sẽ không trở về như bố cô? Càng nghĩ Phương lại càng thương mẹ hơn. Cô vẫn vô tư cùng chị em lăn lộn cho phong trào của xã.
Trong số những người theo đuổi Phương còn lại ở làng có Hoàn và Thân. Hai người này đều không nhập ngũ và tính cách gần như trái ngược nhau. Thân lầm lì ít nói bao nhiêu thì Hoàn càng “ba hoa sít tốc” bấy nhiêu. Thân cục tính, Hoàn mềm dẻo, bay bướm. Thân chịu thương chịu khó cặm cụi với công việc còn Hoàn thì nhởn nhơ tối ngày. Hoàn cảnh của hai người cũng khá khác nhau. Thân là lao động độc nhất trong gia đình. Bố mẹ Thân già cả. Hai anh của Thân thì một người là liệt sỹ và một người vẫn còn đang tại ngũ. Mấy lần Thân viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội nhưng cấp trên không duyệt. Còn Hoàn thì khác hẳn. Nhà Hoàn có sáu anh em tất cả, trong đó có bốn người là trai. Anh cả của Hoàn là bộ đội. Một anh và một đứa em của Hoàn đều đi làm thợ mộc ở xa. Ở nhà còn mỗi mình Hoàn là trai. Thế nhưng không hiểu sao cứ sắp đến đợt tuyển quân là Hoàn lại đi vắng. Chẳng ai hỏi gì nhưng bố Hoàn đi đến đâu cũng cứ nói với dân làng rằng: “Cháu nó lên chỗ anh nó đang bị ốm”. Xã đội mấy lần nhắc nhở ông Phơ, bố của Hoàn, về việc tham gia nghĩa vụ ngày công, nghĩa vụ quân sự của gia đình ông. Ông chỉ ừ ào cho qua.
Hoàn và Thân cùng một vài trai làng khác nữa là của hiếm, là đối tượng cho các chị em phụ nữ làng vây quanh. Đối với Phương, cô đều quý trọng cả Thân và Hoàn. Cô đối xử đúng mực với họ. Mặc dù Hoàn là bí thư chi đoàn, thư ký đội sản xuất luôn có điều kiện gần cô, người B trưởng dân quân của làng nhưng Phương vẫn giữ một khoảng cách nhất định. Quan hệ công tác và quan hệ tình cảm của Phương rất rõ ràng. Trái tim của cô chưa hề rung động. Đã vậy, Hoàn lại càng ngày càng xoắn xuýt bên cô. Trái lại Thân thì lặng lẽ không nói. Anh chỉ đứng từ xa ngắm nhìn cô. Khi giáp mặt nhau hoặc lúc chỉ có hai người, Thân cũng chỉ nhìn sâu vào đôi mắt của Phương với bao điều ẩn ý trông chờ.
Từ tối hôm họp ban xã đội đột xuất về Phương linh cảm được một điều rằng sẽ sắp đánh nhau to. Nhà có hai mẹ con, phận đàn bà con gái nên cô đã bàn với mẹ chủ động thực hiện kế hoạch của xã đội. Khi nhắc đến việc đi sơ tán vào khu Minh Cầm mẹ cô gạt luôn:
- Không đi đâu cả. Cứ bám làng mà ở. Giặc nó mãi tận trên trời, lo gì. Thời Tây đồn bốt, quân lính nhan nhản còn chẳng sợ nữa là. Có hai mẹ con lại mẹ nơi con nơi. Chị ở đâu tôi ở đấy.
- Không được đâu mẹ ơi. Thời Tây ngày xưa khác, bây giờ khác. Ngày xưa đồn bốt quân lính nhan nhản thật đấy nhưng nó không ác liệt như bây giờ. Bây giờ máy bay phản lực, bom lớn bom nhỏ, rốc két nó cứ thả bừa, bắn bừa xuống biết đằng nào mà tránh. Thằng Mỹ giàu có, nó vãi bom đạn như mưa chứ “tắc bọp tắc bọp” như thằng Tây ngày xưa đâu mà mẹ tưởng? Cấp trên người ta yêu cầu thế chắc phải ác liệt lắm đấy mẹ ạ.
- Cha bố cô. Đừng có coi thường thằng Tây. Cũng ác liệt lắm đấy. Mình hồi đó cũng phải chạy tản cư tứ tung đấy là gì?
- Vâng, con biết vậy. Thế cho nên mình bây giờ cũng phải tính đến việc sơ tán. Làng mình ngay đường ô tô, ngay bến phà, gần ngã ba sông lại có kho đạn quốc phòng nữa nên bọn Mỹ nó đánh hơi ghê lắm. Nó sẽ tập trung đánh phá ác liệt đấy mẹ ạ. Mình phải chủ động sơ tán trước.
- Bao giờ làng đi thì tao đi. Mày đừng có tuyên huấn cho tao. Với lại tao lo cho mày lắm.
- Mẹ cứ yên tâm. Không phải lo cho con. Mạnh chân khoẻ tay thế này, sợ gì. Máy bay đến chúng con có hầm trú ẩn.
- Hầm tao cũng không yên tâm.
Bà Thinh vẫn khăng khăng. Phương ôm lấy mẹ:
- Cũng chỉ sơ tán một thời gian thôi mà mẹ. Với lại từ đây vào đấy có bốn, năm cây số chứ xa đâu mà lo. Ngày nào mẹ con mình chẳng gặp nhau.
- Thế còn việc đồng áng? Bỏ cho ai?
- Làm đêm mẹ ạ. Mình đi sơ tán ban ngày nhưng ban đêm thì lại về cày cấy bình thường. Trung đội dân quân chúng con vừa canh gác máy bay vừa sản xuất nữa. Với lại, con ở trong ban chỉ huy xã đội, đêm nào cũng phải tổ chức chị em người ta vác đạn. Việc này quan trọng lắm. Càng đánh nhau to càng cần đạn mẹ ạ. Ngày mai, mẹ con mình sẽ vào ở nhờ nhà bá Thi. Chỉ mang những thứ đồ đạc sinh hoạt thôi, còn lại các thứ khác cho xuống hầm hết.
- Không sợ mất trộm à?
- Mất thế nào được hả mẹ? Bọn con cử người tuần tra canh gác suốt ngày đêm, lo gì? Với lại dân mình ai có bụng dạ đó!
Bà Thinh chép miệng thở dài:
- Lại chiến tranh. Mả bố nó chứ, quân cướp nước. Chưa yên được bao năm giờ lại bom với chả đạn. Nhà người ta đủ vợ đủ chồng còn khả dĩ đằng này mẹ goá con côi. Rõ khổ.
- Mẹ lại ca cẩm rồi. Như thế là mắc bệnh tự ti tư tưởng đấy. Mẹ đừng nghĩ con là con gái mà mặc cảm nhé. B trưởng dân quân chỉ huy cả mấy chục người chứ mẹ tưởng?
- Phải! Nhưng mà “không có trâu mới phải bắt ngựa đi cày”. Cứ liều liệu đấy. Bom đạn nó chẳng chừa ai đâu.
- Vâng. Mẹ khỏi lo. Thế là mẹ đồng ý đi sơ tán rồi nhé.
- Phải. Chẳng đồng ý cũng chẳng được. Chị là cán bộ mà.
Phương ôm lưng mẹ cười rúc rích:
- Thì cấp trên người ta biết trước tình hình, người ta lo cho dân, được cho mình chứ được cho ai.
Bất ngờ tiếng máy bay rẹt qua trên đầu. Bà Thinh chửi đổng:
- Mẹ bố nó chứ, đêm hôm này còn mò mẫm gì nữa?
- Đấy, mẹ thấy chưa, nó rình rập mình để thả bom lúc nào cũng không biết chừng.
Đêm ấy, cả làng Ngọc Chúc hầu như không ai ngủ. Nhà nào nhà ấy đều bàn tính chuyện đi sơ tán. Người ta lo sắp xếp công việc, bố trí tổ chức trong gia đình. Ai đi ai ở, đi như thế nào, hầm hố đào ra sao, con lợn, con gà mang đi hay để lại..? Bao nhiêu câu hỏi cần phải quyết đáp trả lời trong chốc lát. Những người lớn tuổi, nhất là những người già đã qua thời chống Pháp thì vừa có tâm trạng bình tĩnh vì ít nhiều đã có kinh nghiệm trong chiến tranh nhưng cũng lại vừa có tâm trạng bồn chồn lo lắng. Đang yên đang lành thì lũ chó ấy lại cắn càn đánh phá miền Bắc.
Chỉ có những đứa trẻ là vẫn vô tư ngủ ngon lành. Chúng đâu biết chiến tranh đang rình rập xung quanh giấc ngủ của chúng.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối