Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 11.2)

Lão Phia ngơ ngác nhìn hai ông. Chưa bao giờ thấy ông Luân nghiêm trọng đến thế. Có thể ông ấy đùa. Cũng có thể ông ấy dở đùa dở thật thử ông Chi chăng? Làng Đám này vừa mới hôm nọ có mấy quả bom bi rơi vãi đến nên người ta sợ là phải chứ như dưới Ngọc Chúc làng ông thì quá bình thường. Lão Phia quan sát xem ông Chi phản ứng thế nào. Ông Luân lại dám thử cả “con ma bom” này nữa cơ? “Liệu đồng chí có dám xử lý không?”. Kích ghê quá.
- Đâu? Nó ở chỗ nào? Đồng chí dẫn tôi đi!
Ông Chi nói với ông Luân.
- Mãi ngoài soi giáp bờ sông kia kìa!
Ông Luân chỉ tay ra phía quả bom. Ông Chi dựng chiếc xe đạp vào vệ đê rồi cởi quần áo dài vắt lên ghi đông xe, tháo chiếc đồng hồ đang đeo đưa cho lão Phia cầm hộ và nói với ông Luân:
- Đồng chí dẫn tôi đi.
Ông Luân mừng ra mặt xăm xắn dẫn ông Chi đi. Mọi người tò mò cùng theo hai ông. Lão Phia quên cả bán hàng cũng chăm chăm nhìn theo họ. Đoàn người men theo bờ sông ngược lên soi cát. Đến bụi tre, họ dừng lại. Ông Luân chỉ vào gốc cây ké giữa bãi soi. lão Phia nghe rõ tiếng ông Luân nói với ông Chi:
- Kia, nó nằm ngay ở gốc ké đó. May mà hôm nọ cậu Đỗ đi làm phát hiện kịp không thì…
Ông Chi quần đùi áo lót tiến về phía quả bom. Cánh đi theo núp sau ông Luân. Họ đứng mãi từ xa chăm chú theo dõi. Một phút. Hai phút. Rồi ba phút trôi qua. Ông Chi khom người vạch từng cây cỏ. Mọi người phía sau nín thở hồi hộp. Ông Chi ngồi hẳn xuống ngó tìm. Rồi bất chợt ông đứng dậy, tay giơ cao về phía mọi người:
- Có phải quả bom này không?
Chẳng kịp nhìn rõ cái vật mà ông Chi đang cầm trên tay, ông Luân và mọi người cùng ù té chạy về phía sau. Lão Phia cũng chờn chờn. Mình ở trên đê xa ông ấy thật đấy nhưng biết đâu bom nó nổ, bi nó lại chẳng văng tới? Lão Phia vứt vội cái xe đạp cho nó đổ ra rệ đê rồi cũng khom khom lui dần xuống vệ đê phía trong đồng. Mắt lão vẫn không rời ông Chi. Số người theo ông Luân chạy tán loạn. Chợt lão Phia thấy ông Chi vung cao tay cầm bom và một tiếng nổ rất đanh dội tới. Lão nhắm mắt bịt tai ngã dúi dụi xuống rệ đê. Đoàn người ven bờ sông kêu lên:
- Ông Chi chết rồi!
- Bom nổ chết mất ông Chi rồi làng nước ơi!
Lão Phia mở choàng mắt nhìn về phía tiếng nổ. Ông Chi đang chạy lại đuổi theo mọi người. Vừa chạy ông vừa cười vang. Rồi ông hét to:
- Chết thế chó nào được tôi. Ông Luân ơi, khao đi!
Số người chạy theo ông Luân chợt dừng cả lại. Có người dụi mắt nhìn về phía tiếng quát. Đúng rồi! Đúng ông Chi kia thật rồi! Ông ấy đang chạy về phía mình đấy chốc.
Họ lập tức chạy trở lại. Lão Phia nhìn thấy ông Chi và ông Luân ôm nhau. Mọi người cười nói vui vẻ bước lên đê. Thì ra lúc nhặt được quả bom bi, ông Chi đã cầm nó ra bờ sông. Trông thấy hòn đá nổi gần mép nước ông đã liệng quả bom xuống trúng hòn đá đó. Cho mày nổ vô vị ở đó để cho lão Luân biết tay Chi này chẳng có sợ bom gì sất. Đừng có thách nhà giàu húp tương.
Mọi người xúm quanh ông Chi hỏi đủ thứ chuyện. Nào là cảm giác của ông khi nhặt được quả bom ấy thế nào? Có sợ không? Sao ông lại ném xuống sông? Nhỡ nó nổ trên tay hoặc chưa kịp xuống sông nó đã nổ rồi thì làm sao? Vân vân và vân vân… Ông Chi vừa mặc lại quần áo vừa trả lời các câu hỏi của họ. Lão Phia nhìn ông một cách khâm phục. Đúng là “con ma bom”.
Hôm nay lại gặp con quỷ Phương này nữa. Phải công nhận bọn họ gan dạ thật. Chứ cứ như ông và cái lão Phơ thì… có cóc đất để mà đi, mà làm nữa. Mình còn khá, còn dám đi buôn chứ lão Phơ thì chỉ có ru rú ở trong nơi sơ tán. Cấm thấy lão ấy ló mặt về làng bao giờ kể từ khi lão ấy vào đây. Người gì mà nhát như cáy. Hơi tí đã sợ vãi đái ra rồi. Ờ, dưng mà nếu không có mấy đồng lãi có khi mình cũng giống lão ấy cũng nên? Tự nhiên lão lại nhớ cái hôm đi phát bờ ở cánh đồng Sảng. Lúc gần trưa hôm ấy, đột nhiên nghe thấy tiếng kẻng thế là lão vọt vội lên bờ chui ngay vào cái hầm gần đó. Ngồi trong hầm chờ mãi chẳng thấy máy bay hay bom biếc gì, lão mới lóp ngóp chui ra. Nhìn thấy mọi người đang lục tục kéo nhau về, lão ngơ ngác không hiểu. Mấy đứa thanh niên trông thấy lão chúng cười hô hố. Có đứa ôm bụng mà cười. Cười đến nỗi suýt nữa thì ngã ra cả ruộng. Lúc đó lão mới hiểu rằng tiếng kẻng lúc nãy là tiếng kẻng của ông đội trưởng báo hết giờ làm việc chứ không phải tiếng kẻng báo động máy bay. Thần hồn nát thần tính, vừa mới nghe thấy tiếng “keng” đầu tiên, hoảng quá, lão đã chạy rồi. Bây giờ nghĩ lại vẫn cứ thấy buồn cười.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 12.1)

Đang trong khu sơ tán thì Phương nghe thấy tiếng kẻng. Theo phản xạ, cô dỏng tai nghe ngóng. Không phải kẻng của trạm gác phòng không trên đỉnh Hang Khay. Tiếng kẻng này từ làng Ngọc Chúc vọng tới. Phương chăm chú lắng nghe. Vừa dứt một hồi thì tiếng kẻng trở lên dồn dập. Báo động! Đúng là tiếng kẻng báo động rồi! “Keng… keng keng, keng… keng keng…”. Nhịp đánh ngũ liên này đích thị là báo động thật rồi! Nhưng mà báo động cái gì nhỉ? Hay là cháy nhà ai? Bà Thinh cũng nhớn nhác.
Phương nói với mẹ:
- Con phải về trước đây mẹ ạ. Không biết họ báo động cái gì cơ chứ?
Bà Thinh lo lắng:
- Con phải cẩn thận đấy.
- Mẹ yên tâm. Không phải báo động máy bay đâu. Chắc có việc gì gấp nên xã đội người ta mới gõ kẻng đấy. Thôi, tối nay mẹ ở với bá Thi, đừng về nữa. Một mình con về cũng được.
Phương vừa quay đầu chiếc xe đạp vừa nói với mẹ. Chiều nay, lúc ở dưới đồng lên, cô đạp vội xe vào đây để đón mẹ về nhà. Mấy ngày nay nó đánh dữ quá nên mọi người đều phải đi sơ tán. Riêng B dân quân và chi đoàn thanh niên vẫn bám làng trực chiến và sản xuất. Bà Thinh nhớ nhà quá chỉ muốn về. Bà nhắn mấy người bảo Phương vào đón bà, cho bà về nhà một đêm. Thế mà chưa kịp về đã lại báo động.
- Con Phương nó nói phải đấy. Dì đừng có về làng bây giờ, nguy hiểm lắm. Dì về chỉ vướng cẳng nó thôi. Cứ ở đây với vợ chồng tôi. Có gì nó sẽ thông tin cho sau.
Bà Thi tiếp lời Phương, gàn bà Thinh. Bà Thinh cầm cái đãy đựng quần áo, nhìn về làng Ngọc Chúc bần thần. Hoàng hôn đang sập xuống. Mặt trời đã lặn ở phía sau dãy núi Hang Khay. Phương sốt ruột:
- Thôi mẹ vào đi để con về.
- Thì mày cứ đi đi - Bà Thinh hơi cáu - Nhớ cẩn thận đấy nhé.
- Được rồi! Mẹ yên tâm.
Phương nói vậy rồi nhảy lên xe đạp phóng đi. Cô đạp hối hả. Hai chân guồng hết tốc lực. Không biết báo động gì cơ chứ? Là B trưởng, cô phải có mặt tại sân kho hợp tác trước tiên mỗi khi có báo động.
Về tới nơi, Phương đã thấy ông Thạc, ông Chi, Huân, Hiến, Tiến đang ở sân kho.
- Có việc gì thế các bác? Phương vừa thở vừa hỏi.
- Cô hỏi chú Huân thì biết - Ông Thạc úp mở.
Phương quay sang Huân:
- Có việc gì quan trọng mà báo động vậy anh?
- Một chuyến hàng đặc biệt đang lên - Huân nói với Phương - Cấp trên yêu cầu chúng ta giải phóng hàng ngay đêm nay tuyệt đối không để qua đêm, rất nguy hiểm.
- Thì đêm nào chả giải phóng hàng. Có hôm nào để hàng tồn trên xà lan đâu?
Phương thắc mắc. Huân lại gần Phương, nói nhỏ:
- Nhưng đây là loại hàng đặc biệt. Bốc dỡ từ xà lan lên rồi xếp ngay cho ôtô chở đi luôn. Hàng rất bí mật và độ nguy hiểm cao. Việc này chỉ trong mấy người chúng ta biết thôi. Lát nữa anh em tập trung, chúng ta sẽ quán triệt họ theo cách khác. Coi như việc bốc hàng bình thường như mọi hôm chỉ có điều là phải chuyển đi luôn nên mới phải báo động như thế.
- Coi như nà bí mật quân sự. Nhiệm vụ cấp trên giao chúng ta phải cố mà hoàn thành.
Ông Thạc với bộ mặt nghiêm trọng nhắc lại.
- Chả thế lại không ư!
Ông Chi cũng khẳng định.
Anh chị em dân quân đã kéo đến khá đông. Phương hô khẩu lệnh tập hợp anh em. Mọi người đều thắc mắc không biết có việc gì quan trọng mà lại báo động gấp gáp thế? Có người vẫn cởi trần trùng trục. Có đứa con gái tóc tai bù xù, ướt át dính đầy lá chanh trên đầu. Chắc cô nàng đang gội đầu hoặc đang tắm? Đến cẩn thận như cái Tịch kia cũng cài khuy áo cái nọ vào cái kia làm cho hai vạt áo xộc xệch trông rất buồn cười.
Đội hình chỉnh tề đâu đấy, ông Thạc bước lên phía trước hàng quân. Ông e hèm:
- Các đồng chí chú ý. Vừa rồi các đồng chí đã nghe tiếng kẻng báo động. Coi như nà chúng ta đã có mặt rất đông đủ và kịp thời. Thay mặt ban chỉ huy xã đội tôi xin biểu dương tinh thần của các đồng chí. Sau đây nà nhiệm vụ mới của chúng ta. Đêm nay chúng ta sẽ bốc hàng dưới sông nên rồi xếp ngay nên ôtô chuyển đi nuôn. Thời gian rất gấp, do đó chúng tôi phải báo động để tập hợp các đồng chí triển khai sớm. Mọi đêm chúng ta có thể thong thả nhưng đêm nay yêu cầu các đồng chí phải thật khẩn trương vì chúng ta vừa phải dỡ hàng nại vừa xếp hàng. Dỡ đầu dưới, xếp đầu trên. Ôtô hợp đồng rất khít về thời gian. Coi như nà chính xác đến từng phút đấy. Các đồng chí rõ cả chứ?
- Rõ!
Mọi người dõng dạc hô vang. Không ai hỏi thêm điều gì vì công việc này quá quen đối với họ. Vừa lúc một đoàn ô tô cài đầy lá nguỵ trang xuất hiện. Đoàn xe rẽ vào bến ông Hiếu. Huân chạy lại đoàn xe. Anh ra hiệu cho đoàn xe dừng lại chờ lực lượng dân quân của xã. Sau đó, Huân bám vào ca bin chiếc xe đi đầu dẫn đường. Ông Thạc, ông Chi cũng bám theo. Hiến, Tiến cùng B dân quân của Phương toả ra nhảy lên các xe. Mấy người chưa kịp ăn cơm tối cũng quên cả cái đói để đi vác đạn. Tiếng cười đùa vang lên. Trời đã nhá nhem tối. Mấy bụi tre ven đường vươn cành ra mắc vào tóc, vào áo mấy cô gái ngồi trên xe khiến họ kêu oai oái. Bọn con trai thấy vậy cũng ré lên cười một cách thích thú.
Ra đến bến, xe dừng lại. Mọi người nhảy xuống. Đã thấy lố nhố bao nhiêu người ở đó. Thì ra dân quân làng Đám, làng Lã Hoàng cũng được huy động. Tiếng chào hỏi nhau lao xao. Trời tối quá, chẳng nhìn rõ mặt nhau nhưng giọng nói của ai cũng rôm rả lắm. Chẳng mấy khi họ được vác đạn cùng nhau như đêm nay. Mọi tối, chỉ có một đến hai B là cùng. Luân phiên cắt lượt nhau. Thế mà đêm nay cả xã cùng nhau đi vác đạn. Chả trách ôtô về nhiều thế là phải.
Hoàn kéo Hiến, Tiến xuống bến sông. Một chiếc xà lan chất đầy hàng to lù lù đậu ngay sát bến. Anh nhìn nó kêu lên:
- Đầy hàng thế kia bốc xong thế chó nào được?
- Phải đến vài trăm tấn đấy chúng mày nhỉ?
Đã thấy tiếng con gái trên xà lan rồi. Đứa nào mà nhanh chân thế? Hoàn nghĩ bụng.
- Xong chứ lại không xong! Cả xã bốc cơ mà!
Hiến nói lại với Hoàn.
- Nhưng mà còn cả xếp lên ôtô nữa cơ? Hoàn cự nự.
- Thì vưỡn. Tôi bảo xong là xong mà - Hiến vẫn khăng khăng.
- Các đồng chí chú ý! Tiếng ông Thạc vang lên - Mỗi B một cầu hàng. Yêu cầu các đồng chí B trưởng sắp xếp quân số của mình về vị trí để tiến hành bốc dỡ. Coi như nà chúng ta phải bốc hết số hàng trên chiếc xà nan này và chuyển xong nó nên ôtô trong đêm nay. Nần nượt  B Đầu Mầu ở đầu xà nan rồi đến các B nàng Chí, nàng Đám, nàng Nã Hoàng, nàng Ngọc Chúc, cuối cùng nà nàng Phượng Hùng. B nào no B ấy. Đồng chí Chi và đồng chí Huân sẽ ở dưới xà nan kiểm tra đôn đốc các đồng chí. Tôi, đồng chí Ngân bí thư xã đoàn cùng hai đồng chí Tiến và đồng chí Hiến bộ đội sẽ no xếp hàng nên xe ôtô. Thôi, chúng ta bắt đầu tiến hành đi.
- Các đồng chí no thế còn chúng tôi đói à? Coi như nà phân biệt đối xử nhé.
Có tiếng cười khúc khích phát ra phía tiếng nói. Nại con “Xuân xóc”. Chỉ được cái nhại giọng ông nà tài. Ông Thạc vừa quay về phía ôtô vừa nghĩ vậy. Con Xuân bé lách chách nhưng cứ hễ gặp ông Thạc ở đâu là nó lại trêu. “Bác coi như nà” ơi, hợp tác mình trồng cây gì, nuôi con gì thì nhất hả bác? Có phải núa, nang, nạc, nợn nồng nuồn nà nãi nớn phải không bác? Thế sao chúng cháu nàm cật nực mà vẫn đói còn bác thì núc nào cũng no thế?”. Nói xong, nó ré lên cười và chạy biến vào đám đông. Ông Thạc chỉ còn biết hậm hừ ở miệng: “Con này náo quá” và cười trừ cùng Xuân.  
Các tấm ván bắc làm cầu tàu nối từ xà lan lên bờ được các B vứt xuống rình rình. Trời đã hơi sáng ra một tí vì bầu trời đầy sao. Tiếng lội nước bì bõm kê cầu, bắc ván. Tiếng kêu oai oái vì trượt chân, vì cấu véo. Bến sông mọi tối rộng như thế thế mà tối nay đâm ra lại quá chật. Mặc dù đã được ông Thạc phân chỗ bốc dỡ nhưng B nọ vẫn tranh chỗ của B kia. B nào cũng muốn chỗ thuận tiện lên bờ nhanh.
Những hòm đạn đầu tiên đã được lên vai mọi người.
- Này, hôm nay hòm đạn có vẻ nặng hơn hay sao ấy chúng mày ạ?
- Hòm lại to và dài nữa.
- Hay là bom?
- Bom gì mà bom. Mình có máy bay ném bom đâu mà có bom.
- Hòm này phải hai người khiêng. Ai đấy mó với tôi một tay nào.
- Đốt đèn lên cho nó sáng một tí. Mò mẫm khó làm quá.
- Đốt cái gì mà đốt. Muốn gọi máy bay à?
Tiếng mọi người râm ran trên xà lan. Không khí thật nhộn nhịp. Có người vác cả hòm đạn to tướng chạy băng băng. Có cặp ì ạch khiêng một chiếc hòm to dài như chiếc bàn uống nước. Có đôi dựng nghiêng một hòm đạn trên vai vác cùng. Chết cái trời nhá nhem chẳng ai nhìn rõ ai nên mỗi người vác một vai làm cho họ đi chuệnh choạng như sắp ngã. Mấy chiếc cầu tàu rung bần bật không lúc nào nghỉ. Đường lên bến chật ních người. Tiếng những bước chân nghe thình thịch vội vã. Mặt đất như rung chuyển. Mấy dòng người chuyển động từ xà lan dưới sông lên nối với mấy chiếc ôtô đang đậu rải rác trước cổng nhà bà Sự. Trong ánh đêm nhờ nhờ nhìn họ như những đàn kiến đang tha mồi về tổ.
- Các đồng chí cẩn thận nhé. Đừng để ngã mà gãy chân què tay thì khổ. Nhớ là đừng để rơi hòm nào xuống đất. Nó mà vỡ ra thì nguy hiểm lắm.
- Bom hả bố?
- Tớ cũng không biết.
- Bố cứ bí mật. Con biết thừa rồi.
- Biết rồi sao cậu còn hỏi?
Ông Chi vẫn úp mở.
- Bác Chi ơi, bác nhắc chị em hộ cháu là bốc đều hai mạn xà lan kẻo nó mà lệch chìm xà lan thì chết.
Tiến kéo áo ông Chi nói.
- Thế sao cậu không nhắc mà cứ phải tôi?
- Cháu có nhắc nhưng các cô ấy cứ trêu cháu, bực lắm bác ạ.
- Họ trêu vui ấy mà - Ông Chi động viên.
- Chúng cháu nói thật đấy. Nghiêng thế nào được xà lan. Mà có nghiêng thì cả ba anh bộ đội đứng về phía nổi là nó cân ngay ấy mà.
Lại rinh rích tiếng cười. Tiến phản lại:
- Phải sáu người mới cân được. Ba chúng tôi với ba cô nữa. Đôi nào đôi ấy dàn đều trên xà lan thì nó mới khỏi chìm.
- Thế anh nhận ai nào?
- Anh nhận em đấy.
- Thế còn em?
- Cũng nhận.
- Tham thế? Chúng mình chết chìm ở sông Lô này mất.
- Chìm anh cũng chiều.
- Tiến ơi! Đừng tin bọn họ. Lúc xà lan chìm là họ nhảy lên bờ luôn đấy.
Hoàn đang vác hòm đạn trên vai cũng chêm vào. Lũ con gái nhao nhao:
- Chưa biết ai đâu nhé.
- Em là em ôm bí thư trước tiên.
- Thôi đi các cô. Tập trung vào mà vác không lại lăn tòm xuống sông chìm thật chứ chẳng bỡn.
Phương vừa nhấc một đầu hòm đạn lên vai cho Thân vừa đôn đốc chị em làm việc.
- Á à? Sợ mất bí thư hả?
- B trưởng mình sợ bí thư chi đoàn chết chìm chúng mày ơi!
Đặt hòm đạn lên vai cho Thân xong, Phương chạy ngay đến túm tóc người vừa nói. Thì ra là cái Tịch. Tiếng cấu véo cười đùa lại vang lên. Hoàn cảm thấy lâng lâng. Hòm đạn trên vai như nhẹ đi đến một nửa.
- Thôi nào! Mấy cái cô này! Có tập trung vào làm không đấy?
Ông Chi quát lên. Tịch bám lấy áo ông:
- Bác xem, cháu mới nói có thế mà cái Phương cứ dồn cháu. Bí thư với B trưởng chèn ép anh em quá bác ạ.
- Không biết nó chèn cô hay là cô chèn nó. À mà trên Hang Khay tối nay đứa nào trực thế?
- Cái Côi với cái Đắn bác ạ.
- Liệu chúng nó có thức để canh máy bay hay lại ngủ chỏng tĩ ra, nó mà đến thì chết cả nút.
- Bác cứ yên tâm đi. Chị em chúng cháu cảnh giác lắm. Với lại ở trên đỉnh núi đèo heo hút gió thế, lợn rừng, khỉ độc xung quanh bố chúng cháu chả dám ngủ chứ tưởng.
- Được. Hôm nào tôi lên kiểm tra đột xuất khắc biết.
- Vâng, xin mời thủ trưởng.
Trên bờ, không khí chuyển đạn lên xe cũng không kém phần tất bật. Người ta giục nhau, chen nhau. Kẻ lên, người xuống. Mấy tay thanh niên trên ôtô xếp hàng không kịp văng tục loạn xạ. Huân, Hiến cùng các lái xe kiểm tra việc xếp hàng. Họ kê, đệm những hòm đạn lại cho ngay ngắn, xít chặt vào nhau. Đầy hàng nọ rồi lại xếp tiếp hàng kia, thứ tự từ trong đầu xe đến cuối xe. Những cành lá nguỵ trang vướng vào họ lằng nhằng. Xe vừa đầy hàng là nổ máy đi ngay. Chiếc khác ra, chiếc kia lại vào. Bước chân người rầm rập, tiếng máy ôtô  rú ga, quay đầu ầm ầm. Cả làng Ngọc Chúc náo động.
)
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 12.2)

Hơn mười giờ đêm, xem chừng mọi người đã thấm mệt. Không thấy bóng dáng Hoàn đâu. Tiếng trêu chọc nhau vãn hẳn. Người nào người nấy lầm lì bấm chân, gồng vai để vác hàng. Đã thấy những tiếng thở mệt nhọc. Trên xà lan, hàng bốc mới được già nửa. Vừa lúc đó thì ông Thạc phát lệnh giải lao. Mọi người ùa lên bờ túm năm tụm ba ngồi nghỉ. Cánh hậu cần do chủ nhiệm các hợp tác xã đích thân chỉ huy gánh xôi và nước uống ra. Bốn nữ tướng chủ nhiệm của bốn hợp tác xã ơi ới gọi anh em đến nghỉ.
Bà Út, chủ nhiệm hợp tác xã Phượng Hùng còn cho người vác cả mấy vác mía ra phục vụ dân quân. Bà Giáp, bà Thi chủ nhiệm các hợp tác xã Hợp Công, Thống Nhất cũng mang xuống bao nhiêu là bưởi. Riêng bà Sự, chủ nhiệm hợp tác xã Tân Hoà sở tại thì luộc hẳn mấy nồi sắn non cùng với mấy xoong mật phục vụ. Đội tiếp tế toàn các bà trung tuổi tất bật chia xôi, chia sắn cùng với mía, bưởi cho anh em. Cánh nữ vừa ăn vừa trêu nhau. Mấy tay thanh niên lúc chiều chưa kịp cơm  nước gì, đói quá, đang cầm những nắm xôi to tướng ngấu nghiến ăn. Của đáng tội nếu mà ban ngày thì nhìn các tướng này buồn cười phải biết. Tiếng rước mía nghe lốp rốp. Lũ con trai ném những bã mía vào lưng các cô gái. Tiếng cười đùa lại nổi lên rôm rả.
Chợt có tiếng của Ngân, bí thư xã đoàn:
- Đề nghị các chi đoàn hát hò cho vui đi.
- Phải đấy. No rồi, ngọt giọng rồi, hát đi!
- Hát cái gì mà hát? Khuya rồi để nàng xóm người ta ngủ.
Tiếng ông Thạc cắt ngang. Mọi người đang cụt hứng thì bà Sự lên tiếng:
- Có còn ai ở làng nữa đâu mà lo họ mất ngủ. Tất cả trong nơi sơ tán, ông không nhớ à? Cứ cho chúng nó hát. Đứa nào khoẻ giọng hát hay mở màn cho bá xem nào?
- Cái Xuân.
- Cái Tịch nhé!
- Song ca nam nữ đi.
- Cái Phương với anh Huân song ca đi.
Mọi người nhao nhao sau lời của bà Sự. Hoàn đang nhồm nhoàm nhai khẩu mía nghe nhắc đến Phương giật thót mình.
- Đề nghị bí thư xã đoàn mở đài lên hát cho sướng.
- Lấy ngay thùng xe ôtô kia mà làm sân khấu.
- Phải đấy.
- Hát đi anh em ơi!
Ngân vội vã lấy chiếc đài ORIONTON đấu dây loa, treo chiếc loa lên cành si và nhảy lên thùng xe ôtô. Trên thùng xe những hòm đạn đang xếp dở cao ngất nghểu. Hai tay nâng chiếc đài, anh ghé miệng vào nó, nói to:
- A lô! Loa đài tốt rồi, xin mời các chi đoàn cử người lên tham gia văn nghệ.
Phương đang ăn dở củ sắn vội tách mọi người bước lên thùng xe:
- Tôi, chi đoàn sở tại xin mở màn.
- Hoan hô đồng chí Phương.
- Hoan hô chi đoàn đồng chí Hoàn!
- Đúng là thanh niên làng Ngọc Chúc.
Ngân trao chiếc đài cho Phương. Cô đưa hai tay đón lấy và sửa soạn tư thế để hát. Phương e hèm hắng giọng mấy lượt. Tiếng vọng của những cái e hèm đó cùng với hơi thở của Phương dội vào loa vọng vào đêm khuy nghe rõ mồn một. Hoàn đứng tim theo dõi. Đâu đó có tiếng rúc rích cười. Cánh các bà tiếp tân cũng bồn chồn háo hức nghe Phương hát. Mấy chiến sỹ dưới xà lan nói vọng lên:
- Bắt đầu đi. Sao lâu thế?
- “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về…”
Mọi người đang xi xao bỗng im bặt. Tiếng hát của Phương vút lên trong không trung, tan vào đêm khuya tĩnh mịch. Ai nấy đều thả hồn mình theo câu hát. Làng quê yên ắng đến lạ lùng. Không tiếng chó sủa. Không tiếng gà gáy. Vừa mới ầm ầm tiếng xe ôtô, râm rinh tiếng nói cười đùa trêu nhau ban nãy thế mà bây giờ tất cả nhường lại cho tiếng hát của Phương. Lời hát vút lên. Chỉ còn tiếng sóng sông Lô vỗ vào bờ dào dạt làm nền cho tiếng hát của Phương. Gió khuya mát lạnh chắp cánh cho tiếng hát vang xa. Làng chài bên kia sông như cũng bồng bềnh trong câu hát. Rặng tre, khóm chuối, mấy cây đa, cây si ven sông đang mơ màng ngủ như cũng bừng tỉnh giấc rì rào nghe Phương hát.
Mấy chàng lái xe gần đo thò cổ ra khỏi ca bin để nghe. Tay lái xe của chiếc “ôtô sân khấu” nhẹ nhàng mở cửa ca bin, nhoài hẳn người ra, ngóng cổ lên ngoái lại để xem cô gái đang hát. Huân đang ngồi phải nhổm người dậy đứng lên. Anh như uống từng câu hát. “Rẽ mây cho tới trăng vàng, cho sông tới bến cho nàng về anh”… Phương nhả giọng, buông lời khúc cao trào của bài hát thành một âm thanh mỏng như tơ rung trong khuya vắng. Mọi người ai nấy đều như sởn gai ốc. Mệt nhọc đều như tiêu tan hết. Sao hôm nay Phương lại hát hay thế? Cái hôm đầu tiên về làng này sinh hoạt chi đoàn mình có thấy Phương hát đâu? Cô gái này tiềm ẩn nhiều điều lạ quá. Huân đứng như trời trồng trong đêm nghe Phương hát và nghĩ về cô.
Không chỉ có Huân như thế, cả Hoàn cũng bị mất hồn. Và rất nhiều người khác nữa. Mọi ngày Gái rất ít hát. Nếu ai không biết thì sẽ bảo cô Phương này khá khô khan. Ây vậy mà đêm nay, Phương hát hết mình. Có điều gì xao động trong tim của cô gái này chăng? Rất nhiều trai làng và cả mấy chiến sỹ nữa, đặc biệt là Huân, là Tiến, là Hiến đều hy vọng như vậy.
Phương hát xong từ lâu mà mọi người vẫn lặng đi. Mãi một lúc sau tiếng vỗ tay mới nổi lên rầm rầm. Mấy chàng quá khích hú lên đòi Phương hát lại. Bà Sự bỏm bẻm nhai trầu nói:
- Cha bố con nhà Thinh, sao nó hát hay thế.
- Làng mình mà bá. Chỉ có Ngọc Chúc mới có giọng hát này thôi bá ạ.
Hoàn xen vào.
- Thôi. Đừng có vơ vào.
Ông Chi chấn chỉnh.
- Coi như nà văn công. Con bé thế mà khá.
Ông Thạc ca ngợi.
- Tiếp đến chi đoàn khác nào? Phượng Hùng? Thống Nhất hay Hợp Công đây? Khẩn trương không Ngọc Chúc lại hát tiếp bây giờ.
Ngân giục trên loa.
- Tôi xin góp vui một bài.
- Ai đấy? Ngân hỏi.
- Tịch. Tịch Phượng Hùng đây.
- Hoan hô Phượng Hùng! Hoan hô đồng chí Tịch.
Cứ thế mọi người thay nhau hát. Hết chi đoàn nọ đến chi đoàn kia. Cả mấy tay lái xe cũng lao lên hát. Chẳng ai thấy mệt và buồn ngủ nữa.
Hàng dưới sông vẫn còn nhiều, không lẽ cắt ngang cuộc vui, mãi sau ông Thạc đề nghị:
- Chúng ta vừa vác hàng vừa văn nghệ. Đề nghị các B tiếp tục nàm việc. Đồng chí Ngân phụ trách khâu văn nghệ.
Tất cả lại vui vẻ đứng dậy. Ai vào vị trí đó. Tiếng nói cười trêu đùa lại rộn lên. Ô tô ầm ầm nổ máy. Chiếc loa trên cành si vẫn vang lên những câu hát, điệu hò giục giã mọi người làm việc.
Mãi đến hơn hai giờ sáng toàn bộ công việc mới xong. Xà lan nhổ neo xuôi dòng. Chiếc ôtô cuối cùng rời khỏi bến. Mọi người toả ra về. Lúc này họ mới cảm thấy thấm mệt. Hoàn bước thấp bước cao bám theo Gái. Tiếng chó sủa râm ran khắp làng Ngọc Chúc. Tiếng gà gáy sáng cất lên. Huân, Hiến, Tiến cùng với ông Thạc, ông Chi và Ngân về nhà bà Sự rút kinh nghiệm buổi báo động bốc dỡ hàng đầu tiên. Ai cũng phấn khởi vì đã hoàn thành toàn bộ kế hoạch cấp trên giao.
Một đêm đầy ấn tượng với Huân. Còn gì vui hơn khi mình hoàn thành nhiệm vụ có bao nhiêu người cùng chung lưng gánh vác. Trong đầu anh như vẫn ngân nga tiếng hát của mọi người, trong đó có Gái.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 13.1)

Thấm thoắt thế mà Huân và tổ công tác đã về Chí Đám được hơn 6 tháng. Mùa mưa bão đã qua. Rất may là vụ lũ lụt năm nay nước sông Lô không có gì ghê gớm lắm. Kế hoạch bốc dỡ đạn dược diễn ra suôn sẻ, kể cả những hôm có hàng “đặc biệt”. Suốt từ ngày về xã đến nay công việc cuốn hút anh bù đầu. Bọn Mỹ không ngày nào là không cho máy bay dội bom xuống làng Ngọc Chúc, Phượng Hùng. Đánh hơi được đây là điểm chu chuyển vũ khí quan trọng của ta, chúng cứ nhè quốc lộ số 2, bến phà, cầu phao, dãy núi Gò Cả, Hang Khay, đồng Guốc, đồng Sảng, làng Phượng Hùng, xóm Gò Măng mà ném bom. Trong khi đó hàng của ta xếp sờ sờ hàng chục đống, chất cao như mái nhà, nằm rải rác trong làng Ngọc Chúc ven sông Lô, nơi mà chúng không ngờ tới nhất thì vẫn an toàn vô sự. Kỳ lạ nhất là bao nhiêu đạn dược xếp cao mấy đống xung quanh ngôi đền cổ sát ngay bến phà cũng vô can. Phải chăng thần thánh cũng phù hộ cho dân làng Ngọc Chúc nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta nói chung?
Ngày Huân chỉ huy tránh bom Mỹ, tối lại cùng dân quân vác đạn. Không tối nào được nghỉ. Đêm về lăn lưng ra là ngủ. Có đêm anh ngủ trong nhà bà Sự. Có đêm Huân lại chui ngay vào trong lều bạt, nằm lăn ra trên hòm đạn mà ngủ. Thói quen ghi nhật ký, làm thơ của anh chẳng duy trì được nữa.
Không ngờ làng Ngọc Chúc lại gắn bó với đời anh như thế. Mười ba tuổi mất mẹ, mất cha, mất hết cả những người thân thích vì bọn giặc Pháp man rợ, anh theo bộ đội tham gia trận đánh đầu đời ngay trên làng Ngọc Chúc. Hai mươi năm sau, trở thành một sỹ quan quân đội anh lại được trở về làng Ngọc Chúc để sát cánh với mọi người ở đây đánh Mỹ. Bao gương mặt người dân nơi đây đã ăn sâu vào tâm trí của anh thân thiết đến lạ kỳ. Cụ Bái, ông Hiếu, bà Sự, ông Chi, ông Thạc rồi là Gái, Xuân, Liên, Tịch, là Hoàn, là Thân, là Lý… tất cả như người thân trong gia đình của anh (mặc dù anh chỉ có cảm nhận được 11 năm sống trong tình thương yêu của gia đình). Họ dũng cảm, kiên cường quá. Họ vô tư lạc quan quá. Đặc biệt, Phương đã chiếm hẳn một vị trí quan trọng trong trái tim anh. Dáng người ấy, nụ cười ấy cùng giọng hát da diết du dương đêm nào tự nhiên đã ngự trị trong anh. Với Gái anh trân trọng, cảm phục ý chí và tinh thần của em trước công việc, tấm lòng của em đối với tất cả mọi người. Em nết na hiền thảo. Em dịu dàng duyên dáng nhưng kiên quyết và rắn rỏi. Em là một cô gái đầy cá tính. Chả thế mà em là một B trưởng cứng của xã. Nhiều người, thậm chí có lúc cả anh nữa, cảm thấy em có vẻ kiêu kiêu thế nào ấy. Nhưng qua tiếp xúc và công việc mới thấy em đáng yêu biết chừng nào. Chả trách anh bạn Hoàn, bí thư chi đoàn say em như điếu đổ. Đến mình nhiều lúc cũng ngẩn ngơ nữa là.
Có hôm, chả biết vô tình hay cố ý, ông Hiếu bà Sự cùng gợi ý:
- Huân này, xem ưng ý cô nào ở làng này thì lấy vợ đi. Hơn ba chục tuổi rồi đấy. Cái Phương, con Tịch, cái Xuân… chúng tao thấy đều được cả. Mạnh dạn lên tao làm mối cho.
Huân chỉ cười trừ:
- Con thì ai người ta thèm lấy?
- Cha bố anh. Làm như của bỏ đi ấy. Làng này còn đứa con trai ra hồn nào đâu. Anh là cục vàng của chúng nó đấy.
- Nhưng mà…
- Nhưng mà làm sao?
Huân ấp úng. Mắt anh buồn rười rượi nhìn xa xăm. Bắt gặp ánh nhìn ấy bà Sự nói luôn:
- Lại mặc cảm về gia đình chứ gì? Sao lạc hậu thế? Chúng tao lo cho. Cả đơn vị của anh nữa.
- Dạ, con… con chưa nghĩ đến chuyện đó ạ.
Thực tình Huân rất mặc cảm về mình. Không gia đình, không quê hương bản quán, anh lấy đơn vị quân đội là nhà, đi đến đâu là quê hương ở đó. Hơn nữa Huân đã bị một lần lỡ dở. Ngày Huân ra trường, là một sỹ quan trẻ anh đã có khối cô gái theo đuổi. Huân để ý và yêu một người con gái tên là Oanh. Huân yêu Oanh say đắm. Oanh cũng đáp lại tình yêu ấy qua những buổi hẹn hò. Nhưng về sau anh phát hiện ra là mình bị Oanh lợi dụng. Cô ta không những chỉ yêu anh mà còn cặp bồ với khá nhiều người, trong số đó có một người cùng cơ quan mà họ tự nhận với nhau là anh em họ hàng. Người kia đã có vợ con, gia đình khá hạnh phúc. Anh ta kiếm được khá nhiều tiền và trở thành cái mỏ cho Oanh khai thác. Bề ngoài quan hệ của họ là anh em nhưng bên trong là cả một sự lợi dụng. Huân ghê tởm cái mối quan hệ ký sinh đó. Anh đã cắt đứt với Oanh. Từ đó trở đi ngoài mặc cảm về thân phận gia đình mình anh còn mặc cảm khá lớn cả với phụ nữ nữa. Chẳng còn ai làm anh rung động được. Cánh cửa trái tim anh đã đóng lại mất rồi.
Từ ngày về làng Ngọc Chúc đóng quân, anh gặp bao con người thân thuộc đã cùng anh sống chết với nhiệm vụ, với quê hương. Mới chỉ hơn 6 tháng thôi anh cảm thấy thực sự như đã gắn bó với mảnh đất này như đã từ lâu. Và Phương, cô gái đầy cá tính đã để lại trong lòng Huân nhiều kỷ niệm và rất ấn tượng. Anh cảm thấy bâng khuâng mỗi ngày khi không được gặp Phương. Hay là anh đã yêu? Không. Mình không có quyền làm việc đó. Em còn trẻ lắm. Ta đã hơn ba mươi tuổi rồi. Ta không gia đình, cha mẹ. Ta chỉ là người chiến sỹ bình thường. Trong khi đó em còn rất trẻ, rất nhiều trai làng vây quanh, trong đó có Hoàn. Hình như cả Thân nữa. Qua ánh mắt họ, Huân nhận ra điều đó. Anh không được phép nghĩ khác về Phương. Hãy giữ đúng phận mình, Huân nhé! Anh tự nhủ lòng mình như vậy. Ôi làng Ngọc Chúc nhỏ bé thân yêu đã để lại trong lòng anh những cảm xúc thật lạ lùng!
Hôm đến nhà cụ Bái chơi anh được cụ kể cho nghe khá kỹ về làng Ngọc Chúc. Hai ông cháu ngồi dưới tán cây bưởi ngay cửa hầm trò chuyện. Cụ Bái kiên quyết không đi sơ tán. Cụ bảo: “Tôi già rồi, có chết cũng không ân hận gì. Nhà mình đây, vườn tược của mình đây, suốt đời mình gắn bó không nỡ bỏ nó mà đi được. Thôi, tôi cứ ở nhà lúc nào có máy bay thì tôi xuống hầm. Đừng ai lo cho tôi cả”. Bảo thế nào cũng không lay chuyển được ý định của cụ. Con cháu cụ đành để cụ ở nhà trông nhà. Tối tối thỉnh thoảng có người về thăm cụ, có hôm ngủ lại với cụ. Ngày ngày, một mình cụ quanh quẩn với mấy cây bưởi, mấy khóm chuối phơi, dăm đõ ong, sấy, xao chế thuốc nam, thuốc bắc. Cụ có nghề bốc thuốc nổi tiếng cả vùng. Ai ốm đau cũng tìm đến cụ chạy chữa. Cụ ra tay làm phúc cứu giúp bao người.
Hai ông cháu ngồi cả buổi trò chuyện. Cụ Bái vui lắm vì đã lâu không có ai để hàn huyên tâm sự. Cụ vừa xao tẩm thuốc vừa dẫn dắt Huân tìm đến nguồn cội của cái làng này.
Theo như cụ kể thì làng Ngọc Chúc là một làng cổ, là trung tâm của tổng Ngọc Chúc ngày xưa. Tổng Ngọc Chúc thuộc phủ Đoan. Cả cái tỉnh Phú Thọ xưa chỉ có hai phủ lớn đó là Phủ Lâm và Phủ Đoan. Tổng Ngọc Chúc này rộng mãi lên tận Khe Cua, Kỳ Giãm về phía đông, lên đến giáp Nghinh Xuyên, Nhữ Hán về phía tây bắc. Cả hai phía đều cách đây hàng hai ba chục cây số. Do nằm ở trục đường giao thông, bên bờ ngã ba sông nên làng Ngọc Chúc ngay từ xa xưa đã khá sầm uất. Làng có chợ từ rất lâu. Dấu tích chính là khu đồng Ao Chợ ngay bờ sông cạnh khu đền Mom bây giờ. Chùa làng Ngọc Chúc to nhất tổng, bằng cả một quả gò. Quả gò có ngôi chùa ấy gọi là gò Chùa. Gò Chùa có hình dáng như một con hổ. Đuôi con hổ là cánh đồng Giàn. Cánh đồng này lúa tốt quanh năm. Có năm lúa nếp hoa vàng tốt ngập đầu thằng Tây chủ đồn điền, toả hương lúa mới thơm ngào ngạt. Đây là những thửa ruộng cái cơm của làng. Thân con hổ chính là khu nhà cụ Bái ở. Chả thế mà nhà cụ chẳng bao giờ bị đói. Các con cháu của cụ đều thành đạt, giúp ích cho xã hội. Ngôi chùa nằm ở đầu con hổ. Đằng sau rệ đồi có một cái giếng nước rất trong. Nước giếng này chỉ để dùng vào việc làng vào các ngày rằm và mùng một  chỉ trai thanh gái tú  mới được ra giếng lấy nước về. Trước cửa chùa có hai ông hộ pháp to như hai cái cót quây. Cạnh ngôi chùa có cây gạo to mấy người ôm không xuể. Thế nhưng thế kỷ mười tám, giặc nhà Thanh đã đốt phá huỷ hoại ngôi chùa. Di tích còn lại chỉ là những viên gạch, những hòn đá kê chân cột lang vải khắp đó đây trên gò Chùa và những câu chuyện huyền thoại về ngôi chùa mà người già truyền kể lại từ thế hệ nọ sang thế hệ kia.
Thời giặc Thanh tràn sang ta, chúng đóng quân trên khu đồi phía đông của làng. Nơi đó bây giờ gọi là khu gò Thanh cũng chính là ở cái nghĩa ấy. Bao nhiêu của cải quý hoá như mâm đồng, vàng, bạc dân Ngọc Chúc ném cả xuống hồ dưới chân núi Hang Khay. Đó chính là đầm Sen bây giờ. Đầm Sen nằm giữa ba quả gò to nhất của làng đó là Gò Hang Khay, Gò Mâu và Gò Chè. Khu đầm này không bao giờ hết nước và cũng chẳng ai dò được độ sâu của nó là bao nhiêu mét. Thỉnh thoảng những ngày đổi trời người ta lại thấy những con rùa ngoi đầu lên bơi lội giữa đầm. Một số người đánh cá đã vớt được những chiếc mâm đồng, đỉnh đồng thời cổ từ dưới đáy hồ. Xung quanh đầm cỏ rôm, cỏ lác rậm rì xanh tốt quanh năm, là “thủ đô” của chim cò khắp cả vùng. Giữa đầm là sen. Mùa sen nở hương hoa toả ra thơm ngát ngào ngạt cả vùng đồi. Bao nhiêu câu chuyện ly kỳ từ khu đầm này. Có đêm người ta còn thấy những nàng tiên trắng toát thoắt ẩn, thoắt hiện, bay lượn giữa lòng hồ.
Giặc Thanh tàn phá xóm thôn. Dân làng sợ quá kéo cả vào hang đá của dãy núi gần đó. Lũ giặc man rợ phát hiện thấy đã cho chất củi đốt phía cửa hang. Không ai sống sót nổi. Vì thế khu này mới có tên gọi là khu Hang Ma. Trẻ chăn trâu một vài đứa bạo gan đã chui vào hang và nhặt được một số xương người. Hang này có rất nhiều dơi. Cửa hang lạnh toát mùi âm khí.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 13.2)

Những câu chuyện hư hư thực thực đó truyền từ đời nọ sang đời kia của người dân làng Ngọc Chúc. Huân cảm thấy những địa danh đó có thể đúng tới tám, chín mươi phần trăm. Thì cái ao đơn vị anh đóng quân ngày trước cũng được bà con ở đây gọi ngay là ao Pháo Binh đấy là gì? Phải có những dấu ấn sâu sắc lắm mới được dân làng nơi đây đặt tên cho địa danh của làng mình như thế.
Cụ Bái còn cho biết: ngày trước nghề gốm của làng Ngọc Chúc khá phát triển. Khu ấy nằm ở ngay đầu cầu treo, phía xã Vân Du. Người ta làm ruộng cày cuốc được khá nhiều mảnh vỡ của đồ gốm. Nhiều nhà còn nhặt được cả một chiếc bình gốm cổ khá đẹp trên đó chạm trổ nhiều nét hoa văn một cách tinh xảo…Khu này được gọi tên là khu Gò Nồi, nó ở ngay đầu cầu phao bây giờ đấy.
Như thế đủ biết Ngọc Chúc sầm uất và phát triển như thế nào. Những thiết chế kinh tế văn hoá đủ cả. Đình, chùa, đền, miếu, chợ, lò gốm, bến, sông… thật phong phú. Hiện tại chỉ còn lại duy nhất một ngôi đền là đền Mom là khá nguyên vẹn với thời gian. Chợ Ngọc Chúc chuyển nhiều chỗ nhưng vẫn được duy trì. Đặc biệt con người Ngọc Chúc thì rất thuỷ chung với quê hương. Bao nhiêu lần bị giặc đốt nhà từ giặc Thanh cho đến giặc Pháp và bọn Mỹ bây giờ nhưng không người Ngọc Chúc nào lại chịu cúi đầu khuất phục. Sơ tán để bám trụ. Bám trụ để làm tâm, làm cốt cho sơ tán.
Câu chuyện của cụ Bái càng làm cho Huân hiểu và yêu hơn mảnh đất và con người nơi đây. Anh cảm thấy hạnh phúc và may mắn được công tác và chiến đấu ngay trên mảnh đất lịch sử ngã ba sông này.
Cụ Bái đã gợi anh nhớ lại lần giặc Pháp đốt cả làng Ngọc Chúc vào năm 1947.
Ngày ấy, sau cái hôm quân ta thắng lớn trên sông Lô, hai chiếc tàu của Pháp bị chìm sâu dưới đáy, một chiếc bị thương tháo chạy lên mạn ngược. Bộ đội, nhân dân hai bên bờ Chí Đám, Hữu Đô vô cùng phấn khởi. Các chiến sỹ pháo binh hân hoan tưng bừng. Lần đầu tiên xuất trận đã giành được thắng lợi, ai mà không mừng? Đi đâu cũng thấy tưng bừng không khí chiến thắng. Các trung đội vừa vui chiến thắng vừa tiếp tục củng cố lại trận địa sẵn sàng chiến đấu khi bọn tàu thuỷ Pháp quay lại.
Gần trưa, có một người đàn ông tìm đến trận địa pháo. Anh ta cứ đòi gặp chỉ huy đơn vị. Nói thế nào anh ấy cũng không nghe. Anh ta nói rằng việc rất gấp, chỉ có chỉ huy mới giải quyết được. Thấy ồn ào ngoài cổng, ông Chi ra thì biết được người đàn ông đó tên là Trác. Trác chăn trâu thuê cho một nhà giàu ở làng Đám. Tay anh cầm một tờ giấy dính đầy máu. Thấy thế, ông Chi liền dẫn Trác đến gặp ông Doãn Tuế. Anh Trác vội nói:
- Báo cáo đồng chí chỉ huy, tôi đang thả trâu trên cây số hai mươi thì nghe thấy tiếng người rên trong bụi rậm. Tôi liền vạch cây tìm đến và gặp ngay một thanh niên bị thương máu me đầy mình. Anh ta ra hiệu cho tôi lại gần và nói với tôi: “Bác cầm giúp tôi tờ giấy này chuyển gấp ngay cho chỉ huy đơn vị pháo đang đóng quân ở bờ sông. Bằng mọi giá bác phải giúp tôi. Tôi là bộ đội đang làm nhiệm vụ không may về đến đây thì bị dính mìn phục kích của bọn giặc. Tình hình gấp lắm rồi, bác đi ngay đi”. Tôi chần chừ lo cho vết thương của anh thì anh ấy cứ gạt tay tôi yêu cầu tôi phải đi gấp. Đây, tờ giấy ấy đây. Xin gửi lại đồng chí.
Ông Doãn Tuế cầm tờ giấy bê bết máu và mở ra đọc. Mặt ông tái dần. Môi ông bặm lại. Sau đó ông nói với mọi người:
- Lũ giặc thua đau hôm qua, hôm nay chúng cho quân tiến theo quốc lộ số 2 để đánh úp chúng ta. Cấp trên nắm được tình hình này nên đã cử liên lạc chạy bộ về báo gấp. Trên yêu cầu chúng ta tìm mọi cách rút lui ngay. Bọn Pháp quỷ quyệt thật. Chúng định đánh tập hậu, hất chúng ta ra sông đây. Hiện nay chúng chỉ cách chúng ta gần chục cây số.
Ông đăm chiêu chắp hai tay sau lưng đi đi lại lại. Sau mấy vòng như thế, ông dừng lại phất tay quyết đoán:
- Lệnh cho các trung đội tháo pháo rút lui theo hai đường. Một đường theo giao thông hào chạy ngược lên phía đầu xã. Một cánh khác rút vào phía trong rừng cách xa lộ 2. Chú ý hết sức bí mật. Tất cả thi hành ngay mệnh lệnh của tôi!
Quay lại Trác ông niềm nở bắt tay anh:
- Cảm ơn đồng chí đã cho chúng tôi biết kịp tin này. Đấy là may mắn lớn cho chúng tôi không thì thiệt hại không biết đấu mà lường.
Trác mân mê vạt áo, nhỏ nhẹ:
- Có gì đâu ạ. Ai thấy vậy mà chẳng làm như tôi.
Huân tức tốc chạy đến từng ụ pháo báo tin dữ đó. Ông Chi nói với ông Doãn Tuế:
- Các đồng chí cứ yên tâm rút đi. Việc đồng chí bộ đội bị thương trên kia để chúng tôi lo.
- Vâng. Nhờ các đồng chí địa phương xử lý giúp chúng tôi trường hợp này. Trăm sự trông vào các đồng chí.
Ông Doãn Tuế bắt chặt tay ông Chi rồi trở lại chỉ huy đơn vị. Ông Chi trao đổi cùng ông Diệm và họ chia nhau mỗi người mỗi ngả lo việc đối phó với lũ giặc.   Ông Chi đi thông báo cho dân làng sơ tán. Ông Diệm trở về làng Đám bố trí du kích sẵn sàng chiến đấu, cử người lên cây số “hai mươi” để cứu chữa người thương binh nọ. Dưới bờ sông bộ đội khẩn trương tháo pháo. Khẩu pháo kềnh càng ấy bây giờ đâm ra lại vướng víu. Gấp quá. Cuối cùng ông Doãn Tuế hạ lệnh chỉ tháo dỡ lấy bộ cò súng mang đi, các bộ phận còn lại vứt giấu vào gốc cây, bụi rậm ven sông. Bộ đội ngậm tăm rút theo hai hướng dưới sự chỉ huy của ông Doãn Tuế. Dân làng Ngọc Chúc bồng bế nhau chạy cả lên rừng.
Khi người chiến sỹ cuối cùng vừa đi khỏi trận địa thì quân Pháp đã lố nhố ở trên đường quốc lộ. Chúng ngó nghiêng tìm đường ra bến sông. Tiếng “xì là xì lồ” nhộn nhạo cả một vùng. Cuối cùng chúng cũng tìm được đến Bến Xưởng, đến nhà bà Hiếu. Phát hiện ra hào giao thông, chúng bủa vây lùng sục. Bờ sông của làng Ngọc Chúc suốt từ đầu làng đến cuối làng dày đặc lính Pháp. Không phát hiện được gì chúng toả vào làng sục sạo từng nhà dân. Cũng chẳng thấy gì, chẳng có ai cả. Điên tiết, chúng đã châm lửa đốt tất cả những ngôi nhà của làng Ngọc Chúc để trả thù cho đồng bọn đã tan thây ngày hôm qua. Lửa cháy ngùn ngụt ngút trời. Tiếng đòn tay tre nứa nổ đôm đốp. Tàn tro bay trắng trời. Chim cò nháo nhác loạn xạ.
Dân làng từ trên rừng nhìn về thấy nhà cửa mình bị giặc đốt có người kêu khóc vì tiếc. Thế là trắng tay. Bao năm ki cóp được gian nhà lá cũng bị lũ giặc đốt. Huân chạy lẽo đẽo bám theo đơn vị. Anh vẫn nghe thấy tiếng nhà cháy, tiếng người kêu khóc phía sau lưng. Lòng căm thù lũ giặc chất chứa trong anh.
Cụ Bái trầm tư:
- Cái đận ấy, làng tôi cháy sạch sẽ không còn cái nhà nào cả anh ạ. Khi lũ giặc đi rồi, chúng tôi về nhìn lại mảnh đất nền nhà mình ai nấy đều vô cùng căm tức. Xót của nhưng tịnh không một người nào khóc nữa. Nhớ về chiến thắng hôm trước mọi người đều cảm thấy hả hê. Tất cả lại lên rừng đẵn gỗ, cắt tranh, hạ lá cọ dựng lại nhà mới. Chín năm kháng chiến, làng này cũng thêm mấy lần bị đốt nữa đấy anh ạ. Đến bây giờ bọn Mỹ… Nhằm nhò gì anh. Giặc phá thì ta xây lại. Đất của ta, trời của ta mà.
- Vâng. Đúng thế - Huân tham gia - Dạo ấy đơn vị cháu về đến nơi tập kết an toàn, ông Doãn Tuế đã khóc vì nghĩ đến làng mình bị cháy. Không hiểu có ai bị gì không? Cả đơn vị bần thần mất mấy ngày. Mọi người ai cũng thầm hứa sẽ chiến đấu trả thù cho làng Ngọc Chúc. May mà ngày ấy có anh Trác báo kịp thời không thì đơn vị cháu sẽ thiệt hại ghê gớm.
- Chứ lại không. Cái cậu Trác trông lù đù thế mà cũng dũng cảm đáo để.
- Bây giờ bác Trác còn không hả ông?
- Còn. Nhưng không phải đi làm thuê nữa. Vợ con khá lắm. Chỉ tiếc là người thương binh ấy khi chúng tôi đến thì anh đã tắt thở. Du kích xã đã chôn cất chu đáo cho anh. Phải ghi nhớ công ơn người liệt sỹ này. Anh ấy đã cứu sống cả đơn vị, cả làng Ngọc Chúc phải không cháu?
Lúc gọi Huân là anh, lúc khác cụ Bái lại kêu Huân là cháu. Cụ mơ màng thả hồn theo câu chuyện kể. Kể xong sự kiện này, cụ Bái nhìn sâu vào mắt Huân. Huân cũng lặng lẽ ngắm nhìn lại cụ. Trông cụ đáng yêu quá chừng. Mùi thuốc bắc, thuốc nam thơm nồng dễ chịu. Mặt trời đã lên khá cao. Cụ Bái bê nia thuốc ra sân phơi và nói với Huân:
- Lại sắp đến giờ lũ máy bay nó đến rồi đó. Cháu nhớ nhắc anh em cảnh giác cẩn thận nhé.
- Vâng ạ. Cả ông nữa cũng phải xuống hầm ngay đấy.
- Được rồi! Không phải lo cho thân già này đâu.
Huân chạy vội về bãi đạn. Anh dang tay đón gió sông Lô như muốn ôm cả làng Ngọc Chúc vào lòng.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 14.1)

- Đứa nào kia? Mặc áo trắng thế để làm mồi cho máy bay à? Điếc hay sao mà không nghe kẻng báo động? Có xuống hầm ngay không chết bây giờ?
Hoàn đang luống cuống ngó trước nhìn sau để tìm hầm trú ẩn thì tiếng ai đó từ mé đồi bên kia quát sang. Thực ra anh đã nghe thấy tiếng kẻng báo động và đã vứt vội chiếc xe đạp vào vệ đường rồi nhưng tìm mãi vẫn chẳng thấy cái hầm nào cả. Tiếng máy bay đã vút qua trên dầu. Hoàn lom khom chạy. Kinh nghiệm cho anh biết chỉ lát nữa thôi lũ máy bay này sẽ quay lại và thi nhau ném bom. Tổ cha chúng nó ngày nào cũng thế, từ 8-9 giờ sáng lại quần đảo cái làng này ven sông này.
- Máy bay nó quay lại đấy. Thằng áo trắng kia, mày là gián điệp hay sao mà không tìm nơi trú ẩn? Định cho cả làng này chết cả à?
Tiếng quát lại vang lên. Hoàn hoảng quá. Chân anh ríu lại. Hoàn lấy tay giật tung hàng cúc áo, cởi nó ra vứt vào bụi rậm. Tiếng máy bay rít lên to dần. Anh có cảm giác là nó đang nhằm mình lao xuống. Người anh run cầm cập. Vẫn không thấy cái hầm nào đâu cả. Cả cái làng Ngọc Chúc này lặng phắc. Chỉ còn lại tiếng máy bay đang gầm rú trên đầu.
Kia rồi! Chiếc hầm chống chéo kia rồi. Hoàn thầm kêu lên và lao người tới đó. Anh quăng mình rơi đánh bịch một cái xuống miệng hầm vừa lúc tiếng rít xé trời nhức óc của chiếc máy bay đang chúi đầu xuống cắt bom. Hai tay Hoàn ôm đầu, bịt tai. Miệng anh há ra chờ đợi bom nổ. Kinh nghiệm trên phổ biến, anh làm thế để khỏi bị sức ép. Bất chợt mặt đất tung lên. Căn hầm chao đảo nghiêng ngả. Hoàn như ngồi trên võng. Tiếng bom nổ thành dây thành dãy oành oành. Đất đá rơi rào rào.
Tốp máy bay trước vừa góc đầu lên thì tốp khác lại chúi đầu xuống cắt bom. Ghê nhất là nghe tiếng chúng rú rít những lúc này. Bằng những người điếc đặc như lão Huấn, ông Hời cũng phải nghiến răng bịt tai mà chịu đựng. Bầu trời như rách ra. Mặt đất cũng bị âm thanh này xé toạc. Chẳng biết bom đạn, rốc két thế nào nguyên tiếng máy bay gầm rú này đã phát khiếp lên rồi. Bầu trời bị xé ngang dọc bởi những vệt khói máy bay trắng xốp. Nó lao thẳng xuống thả bom. Người ta phải bịt tai, nhắm mắt, há miệng, nín thở một cách căng thẳng cho qua cái giây phút đó.
Một loạt bom nữa lại nổ. Gần lắm. Hoàn cảm thấy tức ngực. Mùi khói bom khét nẹt. Có tiếng nổ đôm đốp. Hình như có cả tiếng lửa reo? Cháy nhà ai rồi? Anh thoáng nghĩ vậy và ngồi lui thêm vào phía trong. Tiếng máy bay quần đảo, gầm rít vẫn liên tục không dứt. Mặt đất rung lên từng đợt.
Bỗng đánh bịch một cái ngay cửa hầm. Theo phản xạ Hoàn mở bừng đôi mắt. Trong bóng tối nhờ nhờ, anh nhìn thấy một bóng đen lù lù ngay trước mặt. Bom! Trời ơi! Bom! Thế là hết! Hoàn nhắm mắt, bịt tai chờ tiếng nổ. Một giây, hai giây. Ba giây rồi bốn giây. Tan xác đến nơi rồi! Tim Hoàn như ngừng đập. Không gian lặng phắc. Hoàn cảm thấy như thế chứ thực ra bên ngoài tiếng ùng oàng vẫn dữ dội không ngớt.
Vẫn không thấy nó nổ. Hay là bom từ trường hẹn giờ? Nếu vậy phải tìm cách thoát ra khỏi đây ngay. Nhưng…nếu vừa bước qua nó mà nó nổ thì sao? Thì thịt nát, xương tan. Thì thành cát bụi chứ sao nữa? Mà có qua được nó thì ngoài kia đầy bom ra đấy liệu có thoát? Thôi, không nghĩ thêm nữa. Mặc cho số phận đến đâu thì đến. Ra cũng chết mà ở lại cũng chết. Nhưng ở lại… Nếu là bom từ trường thật thì chưa chắc nó đã nổ ngay. Lúc nào máy bay nó cút mình thoát ra cũng được. Và Hoàn ôm đầu bó gối chờ đợi.
Chợt Hoàn thấy vật gì chạm vào người. Anh giật bắn mình ngã bổ ra phía sau. Thế là hết! Thần chết đã sờ đến ta rồi! Chưa kịp định thần thì Hoàn nghe thấy tiếng con gái.
- Ai ? Ai đang ở trong hầm đấy?
- Tôi..tô…ôi…tôi đây? Hoà…Hoàn đây!
Hoàn ríu lưỡi lắp bắp. Không hiểu anh sợ quá hay vui quá vì có tiếng người.
- Anh Hoàn à? Em, Phương đây!
- Phương! Trời ơi! Làm tôi cứ tưởng…
Hoàn đang định nói “Làm tôi cứ tưởng bom” nhưng ngượng quá anh kịp dừng lại.
- Làm tôi cứ tưởng ai cơ? Sao giờ cô mới xuống hầm.
- Em trú ở hầm phía đồi bên kia. Lúc nãy nghe tiếng lốp bốp nổ đoán là cháy nhà, em mới nhô đầu lên xem nhà ai. Thì ra nhà bà Năm anh ạ. Em mới nhoi lên, chạy sang đây để tìm cách cứu chữa. Nhưng mà bọn chó nó đông quá, nó vẫn bu lại ném bom tiếp mới ức chứ. Em vội lao xuống hầm này. Thế anh không nghe tiếng gì à?
- Có. Chỉ tiếng thấy bom nổ thôi.
- Không, tiếng nhà cháy cơ mà.
- Thếa à? Không nghe thấy tiếng gì cả. Với lại tôi bịt kín hai tai sợ sức ép.
Hoàn lúng túng tìm cách chống chế. Thực ra anh nghe thấy tiếng cháy nhà rất rõ, cả tiếng lửa phần phật reo nữa. Nhưng Hoàn sợ, không dám ngóc đầu lên. Giờ mà nói ra điều đó thì xấu hổ quá. Thế mà là đàn ông?
Tốp máy bay khác lại rít lên. Một quả bom nổ rất gần hầm trú ẩn của họ. Vách hầm chao đảo. Đất hai bên vách hầm rơi lả tả. Máy hòn đá nhỡ rơi xuống miệng hầm lịch bịch. Hoàn hoảng quá thu người lại, lách mãi vào trong. Bom nổ. Hoàn ôm chầm lấy Phương. Hai tay Hoàn nắm chặt hai bả vai Phương. Ngực anh áp vào lưng Phương. Thế mà người vẫn run cầm cập. Hai hàm răng và vào nhau lập cập. Phương cũng thoáng co người lại. Đợi cho ngớt tiếng bom cô khẽ gỡ tay Hoàn ra . Hoàn chợt hiểu và lí nhí.
- Anh xin lỗi? Sao hôm nay nó đánh lắm thế không biết.
- Anh Hoàn lên đậy nắp hầm lại đi để thế này nguy hiểm lắm.
Phương nói với Hoàn. Hoàn lúng túng. Bây giờ mà nhô đầu lên biết đâu bom khác nó phạt ngang thi chết. Anh cũng biết xuống hầm là phải đậy nắp hầm cho an toàn ngay từ lúc mới lăn xuống cơ nhưng mà nó đánh rát quá, đánh cứ ngồi tít mãi vào trong. Thế mà lúc này tình hình vẫn đang ác liệt Phương lại bảo mình làm việc đó ư? Ôi, nhỡ đâu..? Nhưng mà chẳng lẽ để con gái làm việc đó.
- Lên đi anh. Nhanh không có nó quay lại bây giờ.
Phương lại giục. Hoàn lóng ngóng lách ra khỏi cửa. Anh vừa thò đầu lên thì “đoành đoành”,  “ục… oàng…” ngay trước mặt. Hoàn ngã bật trở lại. Phương bò ra.
- Có làm sao không anh Hoàn?
Hoàn co rúm, không nói. Phương lấy tay sờ khắp người Hoàn. Mấy hòn đá lại rơi lịch bịch xuống. Có hòn rơi cả vào người anh và Phương. Hoàn bật dậy lồm cồm bò vào trong.
- Không….khô.. không… sao… cả. Chỉ hơi bị choáng thôi.
Hoàn vội nói và anh lách qua người Phương vào sâu thêm phía trong. Gái lo lắng hỏi lại
- Có thật không sao không hả anh Hoàn?
- Không. Tôi không bận gì đâu.
Không thể không đạy nắp hầm được. Cứ tình hình này dai dẳng biết đâu một quả bom bi con lăn xuống thì chết ráo. Nghĩ vậy, đợi cho dứt loạt bom, Phương len ra nhô hẳn người lên khỏi miệng hầm. Cô nhanh nhẹn với tay lôi lên cái nắp hầm bện rơm đạy kín miệng hầm lại. Căn hầm tối om. Phương khom người đi tới bên Hoàn. Cô quờ quạng mãi vẫn không thấy Hoàn đâu. Thì ra anh đã ngồi nép mãi vào tận góc trong cùng của hầm.
- Sao người anh run thế? Phương hỏi khi cô quờ tay thấy Hoàn.
- Tô… tôi bị đau bụng - Hoàn lập bập đáp.
- Rõ khổ! Chắc sáng nay vẫn chưa ăn gì chứ gì? Phương thật thà.
- Chưa. Tôi có cái tính xấu đó. Háu đói lắm.
Hoàn được dịp chống chế. Thực ra thì anh sợ. Sao mà hôm nay bọn chó ấy quần lâu thế? Gần tiếng đồng hồ rồi còn gì? Hoàn chỉ mong cho nhanh qua cái thời khắc chết tiệt này. Mọi ngày, giờ cao điểm anh chỉ ở trong khu sơ tán. Chả thế mà bọn Mỹ đánh gần tháng nay rồi những anh có trực tiếp chứng kiến trạn nào đâu. Ngay cái hôm nó đánh trận đầu tiên, Hoàn cũng chỉ ở mãi tận ngoài bến. Hôm nay, anh ở giữa vùng lửa. Hoảng quá. May mà có Phương không thì chỉ những lo sợ cũng đã chết rồi chứ chưa nói đến chuyện đạy nắp hầm. Nhưng mà… lỡ Phương biết mình sợ thì xấu hổ quá?
- Tổ cha chúng nó. Không cút đi để mình còn lên cứu chữa nhà bà Năm.
Phương chép miệng chửi đổng. Cô ngồi rọ roạy, xoay ngửa xoay nghiêng lòng sốt ruột. Thế này thì còn gì nhà của người ta nữa cơ chứ! Bom hôm nay nhiều thế! Không biết có ai bị gì không? Rồi mấy đứa trên đỉnh Hang Khay nữa? Liệu có bị rốc két nó hỏi thăm không? Phương như ngồi trên đống lửa. Mắt cô thao láo. Tai cô căng ra nghe ngóng. Trong khi đó Hoàn vẫn ôm đầu, bịt tai ngồi bất động.
- Hình như có tiếng kẻng?
Phương ngóng ra phía cửa hầm. Đất trời đột nhiên im ắng. Chỉ còn nghe tiếng nổ đôm đốp của đòn tay nhà cháy, tiếng ràn rạt của lửa reo. Hình như bọn nó cút rồi? Phương lom khom đi gần ra phía cửa hầm nghe ngóng.
- Đúng kẻng báo yên thật. Anh Hoàn có nghe thấy không?
Phương hỏi vọng vào trong. Hoàn vẫn hai tay bịt tai không nghe thấy Phương hỏi.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 14.2)

Tiếng kẻng báo yên một hồi dài vang lên từ đỉnh Hang Khay. Phương tức tốc đội nắp hầm nhảy lên. Cô nhanh chóng nhằm hướng nhà bà Năm cháy lao đến. Ngọn lửa đã trùm gần nửa ngôi nhà.
Căn hầm đột ngột sáng. ánh sáng ùa vào làm cho Hoàn bừng tỉnh. Anh bỏ hai tay bo đầu. Không nghe thấy gì cả. Phương đâu? Ngơ ngác mất một lúc, định thần xong, Hoàn rón rén ra cửa. Trước khi ra, Hoàn thấy đất dưới chân mình ươn ướt. Anh sờ khắp người mình kiểm tra. Không hề gì. Duy chỉ có chỗ đũng quần anh là bị ướt sũng. Thoáng có mùi khai. Hoàn nhăn mặt.
Dừng lại ở cửa ít phút, Hoàn quay đầu bốn phía nghe ngóng. Cút rồi. Chúng nó cút rồi! Nhưng sao không không nghe thấy tiếng kẻng báo yên đâu nhỉ? Hoàn vừa mừng lại vừa lo. Không. Nhất định yên rồi. Phương đã ra khỏi hầm từ lúc nào rồi cơ mà. Sao cô ấy không gọi mình nhỉ? Đắn đo lúc nữa, cuối cùng Hoàn mới quyết định bước lên khỏi hầm.
Anh lơ ngơ đứng trên miệng hầm. Lúc này, Hoàn mới có dịp nhìn rõ đũng quần của mình. Nó ướt thật. Người anh trần trùng trục, lấm lem. Chẳng nhớ khi trước mình vứt cái áo trắng ở đâu? Xung quanh khói bom mù mịt, khét lẹt. Ngọn lửa phía nhà bà Năm đang cháy gặp gió phần phật. Tiếng người ta kêu khóc í ới gọi thăm nhau vang lên khắp xóm.
- Anh Hoàn! Lại cứu nhà bà Năm. Nhanh lên!
Tiếng Phương từ phía đó vọng lại. Hoàn sực tỉnh nhìn. Phương đang hai tay hai thùng nước xách từ ao lên dội vào đám cháy. Yên trí không còn máy bay nữa, Hoàn tỉnh táo trở lại. Anh chạy đến bên Phương:
- Để anh! Em tìm hầm bà Năm ở đâu xem có ai bị gì không?
Nói đoạn, Hoàn vớ lấy hai thúng nước. Anh nhanh trí trút luôn vào người mình một thùng.
- Ấy chết, ướt hết cả quần anh rồi.
Phương tưởng mình lóng ngóng làm cho Hoàn vướng tay đánh đổ thùng nước. Hoàn gạt đi:
- Không sao đâu. Em đi tìm hầm đi. Cứ để đấy mặc anh.
- Vâng. Vội quá, quên mất cả việc cứu người.
Hoàn trút nốt thúng nước lên mái. Chẳng ăn thua gì. Ngọn lửa như lưỡi mụ phù thuỷ vẫn đang phừng phừng liếm dần lên mái lá. Đòn tay nổ đôm đốp. Rui, mè rơi xuống lả tả. Tàn tro tung lên như hoa cà hoa cải trên không. Hoàn phăm phăm chạy đi chạy lại xách nước trút vào cái khối lửa đang ngùn ngụt ấy.
- Anh Hoàn! Bỏ đấy lại đây giúp em với!
Phương gọi giật giọng từ phía góc vườn. Hoàn bỏ hai thúng nước chạy lại.
- Thấy hầm rồi à? Có ai không?
- Vâng! Nhanh lên!
Hoàn phi đến. Phương đang loay hoay bới đất, cạy nắp hầm. Một hố bom sâu hoắm cách đó không xa đã hất khá nhiều đất ấp lên nắp hầm. Hai người hì hục đào bới. Tiếng người dưới hầm rên rỉ. Còn sống. Cố lên. Không ai bảo ai cả Phương và Hoàn đều lấy hết sức mình cùng bẩy chiếc nắp hầm đầy đất lên. Họ hất nó sang một phía. Cửa hầm lộ ra. Tiếng khóc dưới hầm oà ra. Hoàn nhanh chân nhảy xuống. Một lúc sau, anh bế bà Năm ra phía cửa hầm. Tóc tai bà rũ rượi. Phương ở trên đón lấy hai tay bà Năm lôi lên. Hoàn ở dưới đun bà lên. Sau đó anh đu người lên nốt.
- Có sao không hả bà?
Hoàn hỏi và quan sát khắp người bà. Phương xoa xoa nắn nắn chân tay bà. Bà Năm run lập cập. Miệng ú ớ nói không lên lời. Khi nhìn thấy nhà mình đang cháy, bà gần như ngất xỉu. Phương bế bà lên tiếp tục xoa nắn. May quá, không hề gì. Bà chỉ bị sức ép một tí thôi. May mà bà đã kịp đạy nắp hầm, không thì…
- Để em ở đây chăm sóc bà Năm, anh về xem có chạy được gì cho bà ấy thì chạy. Nhanh lên!
Phương lại giục Hoàn. Anh quay lại tìm hai cái thùng để xách nước. Dân làng kéo đến ứng cứu ngày một đông.
- Câu niêm đâu rồi? Đồng chí Khang giật tung đám cháy trên kia đi.
- Nước đâu? Hất tất cả vào chỗ đó. Không cho nửa nó nan ra. Nhanh nên!
- Chỗ kia nữa! Mấy đồng chí vào chạy cho bà ấy cái chum thóc. Đồng chí Xuân, tháo ngay văng chuồng nợn cho nó ra không chết cháy bây giờ. Khẩn trương nên.
- Đồng chí Ný đỡ thùng nước cho đồng chí Hoàn. Hất lên! Thế!
Những khẩu lệnh của ông Thạc liên tục được phát ra. Ông là người chạy đến đây sớm nhất. Lúc đó chỉ có Hoàn đang trần trùng trục xách nước từ ao lên. Ông không biết Phương đang bế bà Năm ở góc vườn.
Người kéo đến chữa cháy cho nhà bà Năm ngày càng đông. Tiếng gọi nhau ơi ới. Bức chân chạy rình rịch. Người chui từ hầm lên. Kẻ từ ngoài đồng tới. Một số từ nơi sơ tán sốt ruột quá cũng lao về. Người tay xô, tay chậu. Kẻ bủi nhùi, câu liêm… Vừa chạy họ vừa hỏi xem hôm nay có ai bị gì không?
Do trận này chỉ có một mình nhà bà Năm bị trúng bom cháy lại được gần như cả làng tập trung cứu chữa nên chỉ một lúc sau họ đã dập tắt được ngọn lửa. Tuy vậy, cũng chỉ cứu được có một phần còn già nửa nhà là cháy hết. Mấy cái cột đen thui, nham nhở. Than tro đỏ lừ, xèo xèo. Khói xanh lượn lờ trêu ngươi. Lúc này mọi người mời kịp nhìn nhau. Mặt mũi người nào người ấy lọ lem, nhem nhuốc. Riêng Hoàn, tấm lưng trần của anh bóng nhẫy, tro than bám vào loang lỗ chẳng khác gì cái cột nhà cháy. Quần anh ống thấp ống cao ướt sũng. Mọi người nhìn Hoàn vừa buồn cười vừa nể phục. Mọi ngày cậu ấy nhút nhát thế mà hôm nay xông xáo đáo để.
Đám đông đang bàn tán xôn xao thì Phương dìu bà Năm về. Mọi người xúm lại sờ nắn chân tay bà. Bà Năm nhìn căn nhà cháy trụi khóc rưng rức.
- Thôi. Bà không phải khóc nữa. Coi như nà của đi thay người. Hôm nay bom nó mà dội trúng căn hầm của bà thì chẳng còn ngồi đây mà khóc nữa đâu bà ạ.
Ông Thạc an ủi. Bà Năm nghẹn ngào:
- Vâng. Cảm ơn các ông, các bà. Nếu không có cô Phương và chú Hoàn đây thì tôi cũng đã chết ngạt trong hầm rồi. Lại các ông các bà cứu chữa cho ngôi nhà nữa. Thôi thì người còn của còn.
- Bà ơi! Tiếng một cô gái gọi xen vào - Lợn chúng cháu tháo chuồng cho nó ra  rồi. Lát nữa em Tý đi học về bà bảo nó lùa vào, bà nhé.
- Quần áo chúng cháu khuân hết để ra chỗ gốc bưởi kia kìa.
- Mấy tải thóc nữa, cũng xếp cạnh chỗ đó đó, bà ạ!
Các cô thanh niên tranh nhau kéo tay bà chỉ trỏ các thứ đã khuân vác được từ trong nhà ra cho bà Năm biết. Ông Thạc khoát tay:
- Bà cứ yên tâm. Chúng tôi sẽ tổ chức dựng tạm cái nán cho bà. Coi như nà xong. Ngày mai, ngày kia đâu khắc có đó. Trước mắt bảo các cháu nó dọn dẹp tạm vào chỗ nào đó. Mà bà phải đi sơ tán đi.
- Vâng. Cảm ơn các ông các bà.
Bà Năm xúc động nói với mọi người. Ông Thạc quay về phía các thanh niên:
- Còn các đồng chí. Đề nghị giải tán, ai về việc đó. Coi như nà ổn. Các mũi nhớ kiểm tra xem xóm mình có ai bị gì không? Nợn, gà, trâu, bò có con nào chết không? Sau đó báo ngay cho tôi biết. Đồng chí Phương đôn đốc anh em tối nay vẫn vác đạn bình thường. Coi như nà không có việc gì xảy ra. Thôi, ai về việc đó đi.
Mọi người lục tục kéo nhau ra về. Hoàn chạy lên đường tìm lại cái áo và chiếc xe đạp. Tất cả vẫn nguyên vẹn. Anh mặc áo và đạp xe vội về khu sơ tán. Vừa đi, Hoàn vừa nhớ lại lúc ở dưới hầm. Ôi, cái lúc Phương ôm mình sao chẳng kịp có cảm giác gì nhỉ? Tiếc quá đi mất. Giá mà bây giờ lặp lại? Nhưng nghĩ đến cái đũng quần ướt Hoàn lại cảm thấy vô cùng xấu hổ. Không hiểu Phương có biết gì không? Được cái, mọi người nhìn anh mình trần, chân đất, quần ướt sũng lao vào cứu hoả thế mà lại hay. Trong con mắt họ mình vẫn là một người dũng cảm. Chỉ nhìn thoáng qua thái độ của ông Thạc đối với mình thì đã rõ. Cả bà Năm nữa. Mà cũng có thấy Gái có biểu hiện gì đâu? Một điều anh Hoàn, hai điều anh Hoàn, cùng nhau xách nước dập lửa, cùng nhau bới đất cứu bà Năm hơi đâu mà cô ấy để ý. May mà có thùng nước không thì… Nghĩ vậy, Hoàn tự cười thầm và nhấn pê-đan xe đạp tăng tốc.
Mặt trời đã lên gần đến đỉnh đầu. Bầu trời trong xanh lồng lộng gió. Thời tiết này dễ bị bọn máy bay hoạt động lắm. Dạo này chúng chẳng có quy luật nào cả. Có hôm giữa trưa nó cũng lao xoẹt cái qua đầu. Thôi, về nhanh chỗ sơ tán cho an toàn.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 15)

Con đường về khu sơ tán khá xóc. Hai ven đường rặt những ổ bom bi. Cứ cách 5, 6 mét lại có một cái hố sâu như cái nón. Phải công nhận bọn Mỹ rải bom khá chuẩn. Cứ con đường nào cụt là chúng nhè vào thả bom. Có lẽ chúng đoán con đường ấy dẫn đến khu quân sự, kho tàng chăng? Hai cái làng nhỏ Ngọc Chúc, Phượng Hùng này ngoài quốc lộ 2 và bến phà ra không có đoạn đường nào mà chúng không rải bom.
Hoàn xắn quần, phanh áo cắm cúi đạp xe. Đầu anh nghiêng bên nọ, bên kia, mông cong lên phởn chí đạp. Mái tóc khá rậm bờm lên bay trong gió. Vừa lượn xe tránh ổ gà Hoàn vừa huýt sáo. Thì có hôm nào anh cảm thấy tự hào như hôm nay đâu. Mình cũng được việc đấy chứ. Bí thư chi đoàn phải thế chứ. Thế mà bố mình lại cứ lo xa vớ vẩn. Cụ đúng là cổ quá. Thương con chẳng phải đường.
- Cứu tôi với! Có ai ở trên đường không? Cứ…cứu!
Hoàn thoáng giật mình nghe tiếng kêu. Anh chùng chân đạp nghiêng đầu nghe ngóng. Tiếng người kêu lại vọng tới:
- Cứu tôi với! Làng nước ơi!
Hoàn phát hiện đằng trước mặt, rệ đường phía cánh đồng một cây mít bị bom phạt cụt ngọn. Ngọn mít văng ra cành lá trùm cả ra đường. Tiếng người kêu cứu từ giữa đám cành lá mít rậm rạp đó. Hoàn lại vứt vội chiếc xe đạp ra giữa đường xăm xăm bước đến.
- Ai? Ai kêu đó?
- Tôi! Phia đây! Cứu tôi với!
- Ông Phia à? Ông ở chỗ nào đấy?
- Đây. Ở dưới hầm đây! Nhanh lên!
Hoàn quan sát thấy đám cành lá mít phía tiếng ông Phia rung rung. Anh vội gạt mấy cành nhỏ, vạch lá bước tới.
- Ấy, đau quá! Đừng… đừng dẫm chân lên cành mít!
Ông Phia kêu oai oái. Hoàn vội nhảy xuống đất hỏi tới:
- Sao? Có bị thương ở chỗ nào không ông?
- Không. Những mà đau quá! Cậu làm ơn kéo những cành mít ra chỗ khác thì tớ mới lên được. Nó đang đè vào tớ đây này.
- Thế hả? Cố chịu đựng tí nữa nhé. Cháu kéo lên bây giờ đây.
Hoàn nói và lấy hết sức bình sinh lôi ngọn mít nhưng không được. Nặng quá. Cành nọ chống cành kia không làm sao mà nhúc nhích được. Tóm mấy cành nhỏ để lôi thì vừa mới kéo nó đã gãy rời ra rồi. Cái cành to nhất vẫn nằm chềnh ềnh và chìm trong đám lá. Hoàn vạch lá ngó xuống. Dưới đó là chiếc xe Phượng Hoàng xích hộp màu cánh chả của lão Phia. Nó hở ra một nửa, còn một nửa thì nằm kẹt giữa cửa hầm chống chéo. Thành ra chiếc xe đạp cùng với cành mít đã bịt kín cửa hầm làm cho lão Phia không tài nào mà ra được. Không thấy lão Phia đâu.
- Làm sao mà cái xe đạp của ông lại ở đây?
Hoàn hỏi vọng xuống.
- Tớ tránh máy bay cho luôn cả nó xuống hầm.
- Giời ạ! Cho xe đạp xuống hầm. Đúng là là…
- Tớ sợ để trên bom nó thả trúng thì toi. Nhanh lên cậu. Cái ghi đông đang cắm vào ngực tớ đây. Đau quá!
Lão Phia nói vọng từ dưới hầm lên. Hoàn loanh quanh.
- Cố chịu đựng tí nữa, cháu còn đang tìm cách. Cái ngọn mít to quá, một mình cháu không lôi được.
- Giời ơi! Đau quá! Lão Phia tiếp tục rên rỉ.
Chợt Hoàn nghe thấy tiếng nói:
- Cậu Hoàn làm gì dưới đó mà vứt xe ra giữa đường này?
Hoàn quay mặt nhìn lên đường:
- A, bác Thạc! May quá! Bác xuống đây cùng cháu lôi ngọn mít này ra cho ông Phia lên cái.
- Ai nàm sao vậy? Ông Thạc hỏi lại.
- Ông Phia! Ông ấy đang bị kẹt dưới hầm bác ạ.
- Thế hả? Có sao không?
- Không. Coi như nà không bác ạ.
Hoàn nhại tiếng ông Thạc. Ông Thạc không để ý xăm xăm bước tới.
- Ông Thạc đấy à? Cứu tôi với!
Lão Phia nói vọng lên. Giọng lão ư ử làm bộ. Quan sát một lượt địa hình, ông Thạc vẫy Hoàn ra. Hai bác cháu đi vòng xuống phía ruộng. Ông Thạc chỉ vào phần gốc của cái cành to nhất:
- Bây giờ tôi với cậu tóm vào chỗ này. Tóm thật chặt vào. Coi như nà buộc chạc vào đó mà kéo trực tiếp. Hiểu chưa?
Hoàn gật đầu. Hai người khoá tay vào cành mít. Họ cùng dạng chân ở tư thế chuẩn bị kéo. Ông Thạc nhắc:
- Núc nào tớ hô “hai, ba” thì cùng kéo nhé! Từ từ đã. Coi như nà dự nệnh.
Ông Thạc nói to xuống hầm:
- Chúng tôi chuẩn bị nôi đấy! Ngồi cho vững! Nghe rõ chửa, ông Phia?
- Vâng! Rõ rồi! Ông Phia đáp lại.
- Nào! Hai…Ba!
Hai người mím môi, ghì chân, ra sức lôi ngọn mít. Do kéo xuôi cành và xuôi thế đất nên chỉ mấy lần “hai, ba” là họ đã lôi được ngọn mít đó ra khỏi cửa hầm. Chả bù cho lúc nãy Hoàn lại cứ nắm cái ngọn kéo ngược cho nên nó không nhúc nhích là phải. Đúng là khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già. Hoàn gạt gạt mấy cái cành gãy còn sót lại trên miệng hầm. Chiếc xe đạp Phượng Hoàng hở trơ ra. Cái bánh sau của nó vướng vào cành mít quay tít. Đùi đĩa, xích líp cũng quay theo. Râu tôm nổ tanh tách. Thì ra lúc nãy cái ngọn mít đè vào cái cọc yên làm cho cái xe cắm đầu xuống hầm tì một bên ghi đông vào ngực lão Phia thật.
Hoàn nhấc chiếc xe lên khỏi hầm rồi đưa tay lôi lão Phia lên theo. Phia nhăn nhó hết xoa ngực lại nắn chân, nắn tay. Mắt lão không rời chiếc xe đạp. Đoạn, lão đến bên nó tay nắm lấy một bên ghi đông lắc lắc. Lão sờ hết bánh trước, bánh sau rồi đến chuông, phanh, yên, khoá…
- May quá! Không hề gì! Chỉ bị tróc mất tí sơn. Rõ tiếc!
Khi biết ông Phia cho cả xe đạp xuống hầm tránh máy bay, ông Thạc nói:
- Ông đúng nà nẩm cẩm. Người không no nại đi no cho cái xe đạp. May mà hôm nay nó không thả bom từ trường chứ nó mà thả thì ông đi đời nhà ma chứ chẳng xe với chả cộ.
- Thế hả? Lão Phia ngạc nhiên.
- Chứ sao nữa! Hoàn mau miệng - Bom từ trường gặp kim loại là nó nổ. Ông đem xe đạp xuống hầm khác nào làm mồi cho bom nổ.
- Thật thế hả? Lão Phia tròn xoe mắt - Thế mà tôi lại cứ lo cho chiếc xe đạp. Thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào. Hôm nay thế là phúc cho tôi lắm rồi. Cảm ơn ông Thạc và chú Hoàn nhé.
- Có gì mà ơn với huệ - Ông Thạc nói - Coi như nà bài học cho ông đấy nhé. Thôi, hai người về đi. Tôi nại phải ra bến Mom đã.
Ông Thạc lên xe quay ra phía bờ sông. Lão Phia nhìn theo:
- Ông ấy trông lách chách thế mà nhanh thật. Cán bộ thời chiến được như ông ấy thật quý.
Hoàn giúp lão Phia vác chiếc xe đạp lên đường. Lão Phia bước thấp bước cao đi theo. Đến nơi, Hoàn giao xe lại cho lão Phia và quay ra dắt chiếc xe của mình. Lúc này, lão Phia mới để ý đến Hoàn:
- Sao áo cậu đứt tung hết cả cúc ra thế? Cả người nữa? Toàn tro với than trông ghê chết lên được.
- À, tôi vừa chiến đấu với giặc lửa chữa cháy cho nhà bà Năm đấy.
- Nhà bà Năm bị cháy à?
- Vâng.
- Bà ấy có sao không?
- Cũng bị sập hầm như ông nhưng nặng hơn.
- Thế hả? Bận gì không?
- Không. May mà tôi đến kịp moi lên, không thì…
Hoàn ba hoa kể lại toàn bộ sự việc ban nãy cho lão Phia nghe, trong đó anh nhấn mạnh vai trò của mình. Riêng chuyện ngồi dưới hầm thì Hoàn giấu biệt. Hai người vừa đạp xe vừa nói chuyện. Lão Phia thỉnh thoảng nhìn Hoàn như một anh hùng.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 16.1)

Sáng tháng mười, sương mù dày đặc. Cách nhau mấy bước chân cũng không nhìn rõ mặt. Từng hạt sương li ti bay lượn lờ, luồn lách cả vào những khe cửa mang theo hơi lạnh buốt giá. Màu sương đục trắng như sữa. Năm nay rét sớm. Sương muối buốt thon thót. Ai nấy đều co ro cúm rúm vì rét. Hơi thở phả ra đến đâu đóng băng lại thành sương đến đó. Mỗi khi nói ta có cảm tưởng như có một luồng khói đang phả ra từ miệng. Tiếng nói nghe méo mó, không thật. Chúng như bị đông cứng lại khi vừa mới thoát ra khỏi miệng. Đêm sương ngày nắng, công việc thu hoạch vụ mùa bận túi bụi. Vừa gặt lúa, trục tuốt lúa lại vừa làm rau màu vụ đông. Riêng tổ khoa học của Gái còn phải chăm sóc thêm mấy thửa ruộng bèo hoa dâu giống nữa. Mọi người như căng ra cùng rét và công việc.
Sáng nay, Phương cùng Khang, Hà và mấy người nữa cho bèo dâu ăn. Mấy ngày vừa qua rét quá, bèo hoa dâu đỏ quạch. Đã xuất hiện những đám bèo chết đỏ. Họ phải gánh tro bếp ra quãi đều trên mặt ruộng để chống rét cho chúng. Cầm cây sào nứa trên tay, Phương xuýt xoa mấy bận vẫn chưa thò được đôi chân xuống ruộng. Bờ cỏ trắng sũng hơi sương. Đặt bước chân vào chỗ nào là thành vệt chỗ đó. Những cánh bèo dâu cũng như xúm xít lại với nhau để chống rét. Mặt nước như đóng băng trông thấy mà rùng mình. Hà, Liên ôm nhau rúm ró vì rét. Hai hàm răng của họ đánh vào nhau lập cập như nhịp đàn. Bờ bên kia cả Khang cũng thế. Anh gọi với sang:
- Buốt lắm Phương à? Hay để lát nữa nắng lên, tan sương rồi hãy xuống?
- Không được đâu anh ạ. Lúc ấy máy bay nó đến phơi lưng ra cho nó bắn mình à? Cứ nhảy xuống. Rồi sẽ quen.
Nói đoạn, Phương mắm môi nhảy xuống ruộng trước. Cô khẽ rùng mình. Ngàn mũi kim đâm vào hai bắp chân trần của Phương buốt thon thót. Cầm cây sào nứa trên tay cô khẽ dập dập đều lên những cánh bèo dâu nhỏ xíu. Tro tan ra. Dập đến đâu, mặt ruộng bèo dâu sáng ra đến đó. Mười ngón tay Phương đỏ rần vì buốt giá. Theo Phương, Khang, Hà rồi Xuân cũng cùng ào xuống ruộng. Tiếng dập bèo hoa dâu vang lên “lắp sắp” nghe rất vui tai. Mọi người vừa làm vừa nói cười để quên đi cái rét.
- Tịch ơ…ơi! Có Tịch ở ngoài đấy không đơ… đới?
Có tiếng người đàn ông từ trên đường gọi với xuống. Xuân nhanh nhảu:
- Co…có. Nó ở dưới này này.
Khang nhìn Xuân ngơ ngác. Phương cũng dừng sào ngó sang. Làm gì có cái Tịch ở đây mà con bé Xuân nó lại mau mồm bảo có cơ chứ? Xuân rúc rích:
- Anh Chất đấy. Để em trêu anh ấy một mẻ.
Cả bọn cùng cười đồng tình.
- Em ở đâu, Tịch ơi?
Đúng tiếng Chất, lính công binh tỉnh đội thật. Nghe có vẻ dồn dập lắm.
- Đơ…đơi. Em ở đơi, anh Chất ơi!
Xuân lại dẻo mỏ bắc tay lên miệng làm loa gọi to. Một bóng người nhập nhoà trong sương lật đật bước thấp bước cao nhảy qua các bờ ruộng đến chỗ họ. Khi đã nhìn rõ bóng những người trên ruộng bèo, Chất dừng lại thở trong hơi sương:
- Chào các bạn! Cho mình gặp Tịch một lát.
- Anh Chất hả? Anh tìm Tịch làm gì mà gấp gáp thế?
Lại tiếng Xuân rào đón.
- Tôi… tôi tìm cô ấy có chút việc riêng mà. Tịch làm ở ruộng nào hả em?
- Kia kìa. Nó đang cho bèo dâu ăn ở phía ruộng đó đó.
Xuân chỉ sang ruộng của Phương. Chất lật đật đi tới. Qua màn sương Chất nhìn thấy một cô gái đội nón, bịt khăn tùm hụp che kín mặt.
- Tịch! Lên anh nhờ cái đã!
Phía sau, Xuân phá ra cười. Đằng này, Phương cũng không nhịn được nữa, bật cười theo. Chất trên bờ ngơ ngác. Lúc này, Khang mới lên tiếng:
- Không có Tịch ở đây đâu, các cô ấy đùa đấy.
- Khô… không có Tịch ở đây hả các bạn?
- Không. Mà cậu tìm cô ấy có việc gì? Khang hỏi lại.
- Tôi tìm Tịch để chào cô ấy về đơn vị. Tiện đây tôi cũng xin chào các bạn, tôi có lệnh phải về đơn vị ngay ngày nay rồi.
Cả bọn dừng cười và nhao nhao cùng lên bờ:
- Sao? Chuyển đi hả anh Chất?
- Tưởng anh vẫn ở bên Hữu Đô cơ mà?
- Anh đi hẳn hay chỉ về đơn vị thời gian rồi lại lên?
Những câu hỏi rối rít ríu vào nhau làm cho Chất lúng túng. Phần vì rét, phần vì mong được gặp Tịch, lại ngập giữa những câu hỏi dồn dập đó làm cho người anh run lên.
- Mình tập huấn phá bom cho bên Hữu Đô xong thì có lệnh của tỉnh đội gọi về. Không biết về hẳn hay chỉ một thời gian. Quân đội khó mà nói trước được. Bọn Mỹ dạo này đánh phá tỉnh mình ghê quá. Có khi mình về lại được điều sang huyện khác cũng nên. Thế hôm nay Tịch không làm bèo hoa dâu hả các bạn?
- Không - Phương đáp - Nó đến phiên trực gác máy bay. Giờ đang ngồi trên đỉnh đồi Hang Khay kia kìa. Anh muốn gặp nó thì phải lên đó.
Phương giơ tay chỉ về bóng núi mờ sẫm trong sương phía trước mặt. Chất nhìn theo thoáng buồn. Xuân loe xoe:
- Thế anh có lên đó không? Khá cao đấy.
- Có. Tôi phải gặp Tịch trước lúc chia tay mới được.
- Đúng đấy. Cậu nên gặp cô ấy.
Khang hùa theo. Chất hỏi tiếp mọi người:
- Thế lên đó bằng lối nào hả các bạn?
- Anh cứ qua cổng nhà ông Thạc rồi theo lối mòn trên vách lô đá mà lên. Dốc lắm. Cẩn thận không trượt chân ngã xuống Đầm Sen thì khổ.
Phương sốt sắng nói với Chất. Chất vội vàng:
-  Vậy hả? Thế thì chào các bạn, tôi phải đi đây. Chúc tất cả ở lại mạnh giỏi quyết thắng nhé.
Nói đoạn, Chất nắm chặt tay từng người rồi ù chạy đi. Bóng anh nhoà dần trong màn sương. Phương, Khang, Hà, Xuân nhìn hút theo mãi Chất.
- Đúng là tình yêu có khác - Xuân loe xoe - Các cụ nói cấm có câu nào sai Liên nhỉ?
- Chứ lại không? “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua” mà.  Liên ra vẻ hiểu biết đáp lại.
- Còn cái Phương nữa? Mai kia anh Huân mà đi thì có lẽ nó khóc mấy ngày chứ chẳng bỡn.
Phương giơ tay đấm Xuân thùm thụp. Mọi người lại tiếp tục xuống ruộng dập nốt chỗ bèo còn lại. Vừa làm Phương vừa nghĩ đến câu nói của Xuân. Con ranh ấy cái gì cũng biết. Nó là con ma xó cũng chừng? Thực lòng Phương có cảm tình với Huân từ lâu rồi, nhất là cái hôm anh lấy thân mình che chắn bom cho Gái.
Hôm ấy, Phương và Huân vừa họp xã đội xong đang trên đường đi về thì bất ngờ máy bay nó đến. Không như mọi lần, lượt về chúng mới ném bom, lần này chúng lao đến và cắt bom luôn. Máy bay bay thấp quá. Tưởng chừng như nó ở sát ngay trên đầu. Phương đang luống cuống tìm hầm thì cô thấy Huân lao đến dìm người mình xuống. Một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên. Đất đá bay rào rào. Hai người nằm đè lên nhau cắm mặt xuống đất. Xung quanh bom nổ ầm ầm. Mãi sau, lũ máy bay cút họ mới lồm ngồm ngồi dậy. Mặt người nào người ấy đen sạm vì khói bom và bụi đất. Huân nhăn nhó có vẻ đau đớn. Phương quên cả ngượng ngùng vội vã hỏi: “Có sao không anh”. Huân sờ khắp người mình, lắc đầu: “Không sao cả. Mấy hòn đá to rơi vào người chỉ đau một tí thôi. May mà nó không rơi vào đầu, không bị mảnh bom nào văng tới, không thì…”. Lúc đó, cả hai người mới nhìn nhau ngượng ngập. Mặt Huân đỏ lựng lên: “Thông cảm cho anh nhé”. Phương ngúng nguẩy chạy ù đi.
Cái cảm giác khi Huân nằm đè lên mình và hơi thở của anh, mặc dù giữa bom rơi đạn nổ, vẫn còn ngây ngất với Phương mãi tới tận bây giờ. Người gì mọi ngày nhát gái thế, thế mà hôm ấy lại liều đến vậy! May mà có anh ấy không thì mình bị ăn mấy cồ đá rồi cũng nên. Phương để ý đến Huân từ dạo đó. Còn Huân sau “vụ” ấy lại càng bẽn lẽn hơn. Những tối vác đạn, những ngày họp xã đội, gặp Phương, anh cứ lóng nga lóng ngóng thế nào ấy. Chẳng bù cho Chất, về sau Huân mấy tháng, lại đấp đoảng công việc với xã (anh chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn phá bom thôi) nhưng khi yêu Tịch là yêu dữ dội  luôn.
Chất vừa đi vừa chạy đến cổng ông Thạc. Sương đã dần tan. Rét thế mà áo anh đẫm mồ hôi. Anh vào chào ông Thạc, tiện thể gửi luôn chiếc ba lô để leo núi.
Chất hăm hở trèo dốc. Rừng Hang Khay rậm rịt, cây cối um tùm đẫm hơi sương. Sương núi trên những cành lá quệt vào người anh làm cho áo anh đã ướt vì mỗ hôi lại càng ướt đẫm thêm. Hơi lạnh từ núi đá toát ra làm cho Chất có cảm giác mát dịu. Nhiều đoạn, anh phải bám lấy sợi dây rừng theo lối mòn mà leo lên. Dốc quá. Chênh vênh quá. Thăm thẳm dưới kia là Đầm Sen. Sơ sểnh một tí là trượt chân ngã như bỡn. Thế mà ngày nào tổ gác máy bay trên trạm phòng không này cũng phải lên xuống để lấy nước sinh hoạt.
- Ơ! Anh Chất! Anh đi đâu thế này?
Chất một tay đang chống lên đầu gối, một tay tóm lấy đoạn dây rừng để leo lên thì nghe thấy tiếng nói từ phía trên. Anh dừng lại thở và ngước nhìn lên. Một cô gái đang xuống dốc. Chất thoáng chút ngỡ ngàng.
- Anh không nhận ra em à? Em là Đắn đây. Hôm anh chả hướng dẫn em nhặt bom bi mãi là gì!
- Đắn à! Anh nhớ rồi. Thế em đi đâu đấy?
- Em xuống núi lấy nước. Anh tìm cái Tịch phải không?
- Ừ. Anh vừa lên tìm Tịch vừa chào các em trong tổ phòng không luôn.
- Thế anh đi đâu?
Chưa để cho Chất kịp nói hết câu, Đắn vội vàng hỏi lại.
- Anh về tỉnh đội. Anh phải đi ngay sáng nay.
- Sao vội thế anh?
- Lệnh cấp trên mà.
Hai người đứng nói chuyện với nhau một lúc thì chia tay. Đắn nói với Chất:
- Thôi, anh lên đó đi. Trên ấy đang có cái Tịch và cái Côi trực đấy. Em phải đi lấy nước đây, trưa em mới lên.
- Thế hả? Cảm ơn Đắn nhé. Chúc em ở lại mạnh giỏi nghe.
- Vâng. Anh nhớ chăm sóc cái Tịch đấy. Đừng quên bọn em nghe anh.
Đắn nháy mắt cười với Chất đầy ý nhị. Cô lách qua người anh xuống núi. Hai cái ống bương to tướng trên lưng Đắn như vít cô ở lại. Chất bần thần nhìn Đắn một lát rồi tiếp tục leo lên. Sương trên đỉnh núi hình như loãng hơn. Đã thấy le lói ánh mặt trời phía đằng đông rọi tới.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 16.2)

Trạm phòng không Hang khay đặt ngay trên đỉnh núi. Một túp lều lợp lá mía tuềnh toàng hở bốn phía. Lán nằm nửa chìm nửa nổi trong đất, xung quanh tán cây xanh che kín. Chất nhảy vào một đoạn giao thông hào tiến lại gần. Anh thấy Tịch và Côi đang ngồi sưởi giữa lán. Họ đang đun nấu cái gì đó. Chiếc nồi trên bếp sôi ùng ục toả hơi ra nắp vung. Một chiếc phản ghép kê bên cạnh. Trên chiếc phản đó là mấy quyển sách, cái lược, cái gương và những đồ dùng của con gái. Ba khẩu súng K44 dựng ngay cạnh thành phản. Khẩu 12 ly 7 đặt ở góc hầm phía bên kia. Nòng nó được nguỵ trang khá kỹ ngóc lên trời trông như một gốc cây quấn đầy dây leo xung quanh. Hai cô gái không biết có một người đang quan sát họ.
- Chào các em!
Chất lên tiếng. Hai cô gái giật bắn mình. Họ suýt nữa thì kêu lên. Khi trấn tĩnh lại cả hai cùng ngơ ngác vì sự xuất hiện khá đường đột của Chất. Riêng Tịch càng không ngờ Chất lại có mặt trên đỉnh đồi này.
- Gác sách như các em thế này thì chết. Địch đến nó bắt sống chứ chẳng bỡn.
Chất đùa tiếp. Côi đáp lại:
- Bọn em gác giặc trời chứ có gác giặc đất đâu mà lo.
- Giặc nào mà chẳng là giặc.
- Nhưng giặc trời bọn em chỉ có việc nghe và gõ kẻng báo động thôi, cần gì phải cảnh giác với xung quanh hả anh. Bọn này thì chỉ có tiếng ì ì từ xa hay bên trạm khác gõ kẻng thì chúng em phát hiện ngay được mà. Có chăng chỉ coi chừng lũ lợn rừng, khỉ độc thì có.
Quả thực núi Hang Khay này rất rậm rạp và có nhiều thú rừng sinh sống. Từ lợn rừng, gà cỏ, đến chim chóc các loại. Riêng khỉ thì nhiều vô kể. Chúng có hàng đàn. Một phía là Đầm Sen, một phía là bềnh sậy. Trên rừng cây cối đan xen nhau, dưới thung sậy, sặt, lau lác chen chúc nhau mọc. Có hôm, lũ khỉ tinh nghịch kéo cả đàn đến vây quanh lán phòng không trêu ghẹo các cô gái. Đêm đến, các cô phân nhau thức gác máy bay. Những người được ngủ có đêm không ngủ được, nhất là những đêm đầu lên đây. Tiếng tắc kè kêu, tiếng lợn rừng đi ràn rạt ngay cạnh lán ngủ. Về sau quen dần, họ cũng dạn với cả những âm thanh đó.
Từ lúc Chất xuất hiện, Tịch lúng túng như gà mắc tóc. Tim cô đập thình thịch. Không hiểu anh ấy lên đây có việc gì gấp thế. Hai người ngầm hỏi nhau qua ánh mắt nhưng Tịch vẫn hồi hộp quá. Côi thấy vậy hỏi Chất:
- Có việc gì mà anh lên đây sớm vậy? Anh có gặp cái Côi nó xuống núi không?
- Có. Anh lên đây chào các em để về đơn vị.
- Về đơn vị?
Tịch tròn xoe mắt nhìn anh. Chất gật đầu.
- Thế mới phải lên sớm chứ. Anh phải đi ngay sáng nay.
Đoán được ý định của Chất, Côi tế nhị:
- Anh Chất ở đây nói chuyện với Tịch nhé. Em ra phía núi đằng kia dọn nốt số đất đoạn giao thông hào hôm qua bị bom nó ném trúng.
Côi tìm cái xẻng và chui ra khỏi lán. Tịch nói với theo:
- Thế không ở lại ăn sắn đã à?
- Không. Hai người cứ ăn đi. Tí nữa tớ về ăn sau cũng được.
Tiếng Côi hút dần phía cuối giao thông hào.
Còn lại hai người, Tịch nhìn Chất lí nhí:
- Anh đi thật à?
- Ừ.
- Anh ngồi xuống đây cho ấm đã. Mà làm sao áo anh ướt hết cả thế này?
- Sương đấy. Gớm, sáng nay sương mù nhiều quá.
Chất ngồi xuống bên bếp lửa cạnh Tịch. Anh giấu không cho Tịch biết áo anh ướt còn do cả mồ hôi anh chạy bộ và leo dốc lên đây nữa. Anh chẳng cảm thấy rét một chút nào cả. Hai người ngồi yên lặng bên nhau. Tịch cầm que củi cời than trong bếp lửa. Tiếng củi ốt ết cháy nổ lép bép. Tàn than bắn ra như hoa cà hoa cải. Nồi sắn trên bếp sôi lịch bịch toả một mùi thơm thật dễ chịu.
Mãi sau, Chất phá tan bầu không khí im lặng:
- Sao không làm phên liếp che chắn xung quanh cho đỡ rét hả em?
- Che thế nào được anh - Tịch nói - Bọn em cần thoáng đãng để nghe tiếng máy bay từ xa, nghe tiếng kẻng báo động chuyển tiếp từ các trạm khác trong huyện tới chứ. Bịt kín hết thì nghe thế nào được.
- Thế thì mùa rét rét lắm em nhỉ?
- Vâng. Rét ghê gớm ấy anh ạ. Nhất là hôm nào gió mùa đông bắc tràn về hoặc mưa phùn gió bấc thì khổ phải biết. Trên đỉnh cao này tha hồ cho gió nó hoành hành. Bọn em không đứa nào ngủ được đâu. Phần vì lo máy bay nó đến. Phần vì rét nữa. Cứ phải trùm chăn kín quanh người mà ngồi.
- Cơm nước ra sao hả em?
- Nấu nướng tại chỗ. Gạo em có cả một thùng dự trữ kia. Chỉ có khoản nước là khổ. Hôm nào cũng phải phân công nhau xuống núi đèo lên được ba, bốn bắng để dùng. Tắm giặt phải thay phiên nhau về nhà vậy.
- Đúng là gian khổ còn hơn cả bộ đội bọn anh. Thương lắm Tịch à.
Chất cầm tay Tịch nói và nhìn sâu vào mắt cô. Hai người lặng ngắm nhau và không nói gì nữa. Ánh lửa hắt lên làm cho khuôn mặt họ hồng hào hẳn. Một khoảng lặng giữa chừng câu chuyện.
- Bố mẹ dạo này thế nào hả em? Hai cụ vẫn khoẻ cả chứ?
- Vâng. Các cụ vẫn ở trong nơi sơ tán.
- Còn Tuyên, em trai em thế nào?
- Cu cậu vẫn nghịch lắm. Nó nhắc tới anh luôn. Nó bảo sau này lớn lên nhất định nó sẽ đi bộ đội giống anh Chất.
- Thế hả? Ngộ ghê. Em cho anh gửi lời chào bố mẹ và các em nhé.
Tịch đang vui bỗng buồn hẳn xuống. Trong lòng cô rộn lên bao điều khó tả. Bao giờ lại được gặp anh? Liệu Chất có giữ lời yêu mình không? Chiến tranh bom đạn thế biết có còn được gặp nhau? Tịch ngập ngừng hỏi Chất.
- Anh đi có nhớ gì không?
- Nhớ chứ. Nhớ nhiều nữa là đằng khác.
- Anh nhớ gì?
- Thế mà còn hỏi.
Cả hai lại lặng yên. Bao kỷ niệm từ ngày quen biết rồi yêu nhau của họ dồn dập hiện về. Có thể nói tình yêu sét đánh đã đến với họ ngay từ ánh mắt đầu tiên gặp nhau. Và cả hai đều đi vào tình yêu một cách rất tự nhiên y như là nó phải như thế.
Chất liếc vội chiếc đồng hồ đeo tay. Sắp đến giờ phải xa Tịch rồi. Trời đã tan hết sương. Mặt trời đã lên khá cao. Anh nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của Tịch nói vội vã:
- Chờ anh Tịch nhé. Nhất định chờ anh nghe.
Tịch nhìn anh khẽ gật đầu. Cô nói trong ngàn ngạt nước mắt:
- Anh đi nhớ giữ gìn sức khoẻ. Ở đâu thư về cho em đấy. Em sẽ chờ anh.
Họ đắm đuối nhìn nhau. Bất ngờ, Tịch gục đầu vào ngực Chất. Chất vòng tay ôm chặt Tịch vào lòng. Hai cặp môi tìm đến nhau quấn quýt. Nụ hôn đầu đời đến với họ mới tự nhiên làm sao. Chất bế hẳn Tịch lên lòng mình. Tịch ngửa mặt ra ngắm Chất. Chiếc cúc ngực áo Tịch bật ra để hở khuôn ngực trắng ngần của cô. Cặp vú thây lẩy của Tịch áp sát vào người Chất. Họ lại đắm đuối quấn quýt hôn nhau… Nồi sắn trên bếp sôi bậm bục.
Côi đang xúc đất dưới giao thông hào thì cô nghe thấy tiếng ì ì từ xa. Hình như tiếng máy bay. Côi chống xẻng nghe ngóng. Tiếng ì ì rõ dần. Tiếng kẻng từ Gò Củi phía Vân Du rộ lên. Côi gào to về phía lán:
- Máy bay đến đấy. Gõ kẻng báo động đi Tịch ơi!
Một phút rồi hai phút trôi qua. Vẫn không thấy Tịch động tĩnh gì. Quái, cái con này làm gì mà không gõ kẻng cơ chứ? Côi lại quát to:
- Máy bay. Gõ kẻng báo động đi, Tịch ơi!
Vẫn không có tín hiệu gì. Tiếng máy bay to dần. Côi vứt vội chiếc xẻng, lao theo đường hầm về phía lán. Chợt cô sững người lại tròn xoe mắt. Chất và Tịch vẫn đang quấn quýt hôn nhau. Mặc. Cô lao đến cầm lấy chiếc búa gõ vào vỏ quả bom treo trên miệng hầm. “Keng… keng keng, keng… keng keng…”.
Chất và Tịch bị tiếng kẻng ngay bên cạnh gõ chói tai liền buông nhau ra. Họ sực tỉnh. Tiếng máy bay đã gầm rú ngay trên đầu. Tịch bỏ Chất lại vớ vòng nguỵ trang đeo vào người rồi nhảy vội lên miệng hầm. Cô đã trở lại vị trí chiến đấu. Theo phản xạ, Chất cũng lao đến bên giá súng cầm lấy một khẩu chạy về phía giao thông hào bên cạnh.
- Tịch! Côi! Sao các em lại đứng trên đó?
Chất lo lắng hỏi hai cô gái. Tịch quay về phía Chất:
- Anh yên tâm. Bọn em đứng ở đây còn để quan sát máy bay và đếm bom.
Thì ra thế. Trong lòng Chất dội lên một sự cảm phục và càng yêu thêm những cô gái này hơn. Giữa cái nắng mùa đông, trên đỉnh núi cao hiện rõ hai cô gái đang lồng lộng đứng canh trời bất chấp sự hiểm nguy của bom đạn đã làm cho anh ao ước trở thành người hoạ sỹ để vẽ nhanh hình ảnh đẹp đẽ đáng yêu này.
Bọn máy bay Mỹ bắt đầu chúi xuống để cắt bom. Trên cao nhìn những chiếc máy bay lừng lững quần đảo. Chúng lao xuống về phía ngã ba sông. Bọn này lại đánh phá bến phà rồi. Từng chùm bom bắt đầu rơi. Những quả bom lúc lỉu thằng lẵng chen chúc nhau rơi trong không trung. Tịch, Côi quên cả Chất đang ở đó căng mắt dõi theo những quả bom đó.
- Nhiều bom quá! Không đếm được đâu Tịch ơi!
Tiếng Côi vang lên trong tiếng gào thét của bọn giặc trời.
- Cố mà đếm. Không đếm được bom thì đếm số máy bay lao xuống rồi suy ra. Nhớ nghe cả tiếng nổ của bom nữa nhé!
Dưới giao thông hào hơn ai hết, là chiến sỹ công binh Chất rất hiểu ý đó của Tịch. Cô làm như vậy để tính ra được tổng số bom, đặc biệt là số bom chưa nổ để có kế hoạch phá huỷ.
Có chiếc máy bay liều lĩnh sà xuống rất thấp. Chúng bay lách ngay lưng chừng núi, dưới chân mọi người trông to như con cá mập lừng lững đen sì vút qua. Tưởng chừng nếu như có cây sào là có thể ngáng chúng lại được. Nó rú lên điên loạn. Cây cối ngả nghiêng. Chim chóc, thú rừng cũng im thít, chạy trốn đâu hết cả. Tiếng gào rú của những chiếc máy bay thốc vào giao thông hào đặc quánh. Tiếng bom nổ từ phía bến phà rung lên đến tận đây. Tai Chất ù đi. Hai cô gái vẫn hiên ngang đứng giữa trời.
Lũ giặc quần đảo đến gần tiếng đồng hồ rồi chúng cút. Bầu trời yên ắng trở lại như không có chuyện gì xảy ra. Tịch, Côi quay mặt nhìn bốn hướng lắng nghe. Không có dấu hiệu gì là bọn chúng quay trở lại.
- Tớ gõ kẻng báo yên nhé?
Côi hỏi Tịch.
- Chờ tí đã. Xem trạm núi Đám thế nào - Tịch nói.
Trạm núi Đám là trạm phòng không của bộ đội. Trạm này có phương tiện quan sat, nghe ngóng tốt hơn và giữ nhiệm vụ trạm chính của cả khu vực. Nó nằm cách trạm Hang Khay 5 cây số đường chim bay. Tiếng kẻng của nó vọng tới khá nhỏ, phải căng tai ra mới nghe được. Nhiều hôm, bọn Tịch và Côi gõ kẻng báo động rồi mới nghe thấy trạm đó phát tín hiệu. Thường thì bọn máy bay từ Thái Lan sang hoặc ở hạm đội 7 phía biển Đông lên cho nên bao giờ trạm Hang Khay cũng phát hiện ra trước.
Tiếng kẻng báo yên từ Gò Củi (Vân Du) vọng tới. Tịch gật đầu ra hiệu cho Côi. Côi cầm chiếc búa dõng dạc gõ những tiếng kẻng kéo dài báo hiệu sự bình yên trở lại cho làng quê. Chất vội vã nói với hai cô gái:
- Thôi, anh phải đi đây. Các em ở lại mạnh giỏi nhé!
Tịch chạy đến bên Chất:
- Anh đi vội quá, em chẳng có gì kỷ niệm.
- Không cần đâu Tịch ạ. Em ở trong này rồi này.
Chất vỗ vỗ tay vào ngực mình. Họ đắm đuối nhìn nhau giây lát. Chất nắm lấy bàn tay Tịch đặt lên ngực mình:
- Nhớ chờ anh, em nhé!
Tịch khẽ gật đầu. Hai khoé mắt cô ươn ướt. Chất dùng dằng mãi mới dứt khoát quay đi. Côi nói với Chất:
- Anh Chất đi mạnh khoẻ nhé. Nhớ viết thư về cho bọn em nghe!
- Ừ. Yên trí. Nhất định anh sẽ trở lại.
- Anh Chất! Đợi em đã.
Côi nhanh nhảu đến bên nồi sắn mở vung. Nó đã cạn nước từ bao giờ. Mấy củ sắn dưới đáy nồi cháy đen, thơm phức. Cô nhanh tay chọn mấy củ ngon nhất nóng hôi hổi đưa cho Tịch:
- Mày cầm đưa cho anh ấy.
Tịch lấy vội cái khăn mùi xoa của mình gói mấy củ sắn đó dúi vào tay Chất.
- Anh cầm đi ăn cho đỡ đói. Nhớ cẩn thận giữ gìn nghe anh!
Chất lao vội xuống núi. Hai cô gái nhìn theo hút mãi bóng anh. Lúc này Tịch mới oà lên khóc nức nở.
- Hay nhỉ! Mày đúng chẳng ra làm sao cả. Anh ấy sẽ trở về cơ mà.
- Nhưng mà anh ấy đi đột ngột quá, tao chẳng có gì làm kỷ niệm.
- Vẽ chuyện. Cái việc mày làm lúc nãy còn bằng chán vạn những thứ kỷ niệm theo kiểu tiểu thư, tiểu thuyết ấy nhé. Mày là đứa hạnh phúc nhất đấy.
Côi an ủi bạn. Tịch gục đầu vào ngực Côi. Người cô rung lên theo tiếng nấc nghẹn ngào. Trong tiếng khóc ấy có cả niềm hạnh phúc vị ngọt ngào của cái hôn đầu đời ban nãy còn đọng lại trên môi cô.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối