NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 20)
Tịch nhảy chân sáo ra khỏi nhà để lên núi Hang Khay thay gác cho Côi. Mấy hôm xuống núi đi làm “202” đào xúc đất, đẩy xe cải tiến làm cho cô mệt nhoài. Ông Niên Tính, đội trưởng đội 202 nói với mọi người trong đội:
- Cái Tịch từ ngày lên núi làm gián tiếp gác phòng không hình như nó ươn người ra thì phải. Tao trông nó phờ phạc như là ốm nghén ấy.
- Cái ông này. Nghén cái gì mà nghén? Ông chỉ được cái tầm bậy.
- Nó nhớ anh Chất đấy.
- Thì là nghén tương tư. Ông ấy nói cũng có phần đúng đấy. Ông Niên nhỉ?
Mấy đứa con gái đứa bênh Tịch, đứa ủng hộ ông Niên. Họ chĩa vào Tịch lao nhao. Xuân quẳng xẻng chống nạnh nói với đội trưởng:
- Ông tưởng gác máy bay làm gián tiếp là nhàn lắm phỏng? Ông thử lên một buổi xem sao? Nguyên chuyện rét mướt, mất ngủ đã ốm người ra rồi chứ chưa nói gì đến vác nước lên núi, đến đếm bom, đào tăng sê đâu nhé. Đấy, hôm máy bay nó nện cho cả ngày tưởng chúng nó đi toi hết chứ tưởng “gián tiếp” à? Gián, có mà gián cái khỉ gió. Còn trực tiếp hơn cả chúng ta ấy.
Khẩu khí của Xuân làm cả đội bật cười.
Đúng là tháng trước, không hiểu sao bọn Mỹ lại đốc chứng ra đánh một ngày liên miên. Bom thả xuống như sung rụng. Rốc két bắn rạch trời, xuyên đất. Các loại bom được trút xuống gần nửa xã Chí Đám. Núi Hang Khay mù mịt khói bom. Mấy quả đồi xung quanh ràn rạt tiếng bom nổ. Không như mọi ngày chúng chỉ quay đi quay lại thả bom vài lượt là cút nhưng hôm đó chúng đánh nê rỉa rói đến quá chiều vẫn chưa thôi. Khi chúng đi rồi, tiếng bom nổ chậm vẫn ì oành không dứt. Bầu trời thì yên ắng mà mặt đất vẫn dậy tiếng bom. Kẻng báo yên từ các ngả dội đến nhưng trạm Hang Khay vẫn im bặt. Có người nói: “Được hay chúng nó bị bom vùi cả rồi?”. Ông Thạc phải cử người bám núi leo lên. Mấy mũi theo các ngả tiếp cận chân núi để lên mà không được. Bom nổ tới tấp xung quanh. Bom nổ oành oành trên đỉnh núi. Bom nổ tanh bành dưới khu bềnh sậy. Khói mù mịt. Đất đá bay rào rào. Cây cối gãy răng rắc, đổ nghiêng ngả. Chim cò bay loạn xạ. Dân Ngọc Chúc, Phượng Hùng cứ thắt ruột đứng ở làng mà nhìn lên. Bà Nhâm, mẹ của Tịch gào khóc gọi mãi tên con. Mấy người trầm tính nhất, cẩn thận nhất cũng đã phải thốt lên lời: “Có lẽ chúng nó đi cả rồi!”. Không khí tang tóc bao trùm cả làng. Mãi đến gần chiều tối, ngớt tiếng bom thì bất ngờ tiếng kẻng báo yên đĩnh đạc vang lên trên đỉnh núi Hang Khay. Mọi người ôm lấy nhau: “Chúng nó còn sống”. “Sống rồi! bà con ơi!”.
Cánh lên núi và người xuống núi gặp nhau lưng chừng dốc. Người nào người ấy bụi đất lấm lem, mặt sạm lại vì khói bom, thuốc súng. Họ ôm nhau trong tiếng cười và cả tiếng khóc. Thì ra, bom nổ rát quá, mấy lần tổ phòng không cử người lên gõ kẻng báo yên thế mà hễ cứ nhô đầu ra khỏi hầm là bom nổ nên đành chịu. Biết là người ở dưới núi rất lo nhưng không làm thế nào để mà báo hiệu được. Bây giờ nhớ lại cái hôm ấy, đến Tịch cũng phải rùng mình.
Mặc cho mọi người bàn tán, Tịch vẫn cứ lơ ngơ để cười. Ông Niên chống cuốc thanh minh:
- Ấy là tao nói thế. Chứ tao mà còn trẻ như chúng mày thì đừng có thách. Hồi đánh tây còn gian khổ gấp vạn ấy, các cô tưởng à? Thôi, giải lao. Cái Tịch hát đi. Hát cho cánh thợ cấy dưới kia biết khí thế của đội 202 chúng ta.
- Phải đấy. Hát đi!
- Tiếng hát át tiếng bom! Hôm nào phải đề xuất với bí thư Ngân và ông Thạc cấp cho trạm phòng không Hang Khay một bộ ORIONTON cho cái Tịch lên đấy tha hồ mà hát.
- Nếu vậy thì cả khu vực ngã ba sông này sẽ vang tiếng hát cho mà xem.
- Chứ không? Theo tao phải hát cả lúc nó ném bom nữa. Có thế mới oách.
- Phải đấy. Nếu có cái ORIONTON thì hôm nọ cái Tịch chỉ cần cất tiếng hát là dưới này khỏi phải lo nữa rồi.
- Thôi, hát đi.
- Mày hát đi. Hát cho anh Chất ở xa cũng nghe thấy.
Xuân cầm cái ORIONTON mà ông Niên vừa rọ roạy lắp ấn vào tay Tịch. Nhắc đến Chất, Tịch phấn chấn hẳn lên. Cô cầm chiếc đài ngang mặt và cất tiếng hát. Cô như thấy có Chất ở bên đang lặng yên ngồi nghe hát.
Vừa đi, Tịch vừa giở lá thư của Chất ra để đọc lại. Không biết cô đã đọc đi đọc lại lá thư này bao nhiêu lần rồi. Tờ giấy đã nhàu cả ra. Cô thuộc lòng, nhớ mặt từng con chữ. Trong thư Chất viết “Tịch em thương yêu!”. Ôi, những ngôn từ sao mà yêu đến thế! “Anh về đến đơn vị mới là viết thư cho em luôn. Em vẫn khoẻ chứ? Có nhớ anh không? (Lại còn phải hỏi). Còn anh không lúc nào là anh không nhớ về em. Dáng người em, ánh mắt em, nụ cười của em nữa cứ hiển hiện mồn một trước mắt anh. Cả giọng nói ngọt ngào của em như cũng vẫn cứ văng vẳng bên tai anh. (Gớm, tán dóc thế? Tịch khẽ mỉm cười một mình). Em biết không, về đến tỉnh đội là anh được điều ngay về huyện Tam Nông. Bên đó bọn giặc Mỹ cũng đã ném loại bom mới giống ở bên mình. Thế là anh vẫn ở trong tỉnh, vẫn ở ngay gần em thôi. Đừng lo nhiều cho anh cưng nhé. Em nhớ phải giữ gìn sức khoẻ đấy. Đừng cố mà ốm thì khổ. Thương lắm. Nhớ mặc thêm áo ấm lên núi kẻo mùa này vẫn còn lạnh nhiều nghe em. Nếu có vác đạn thì vác những hòm vừa vừa thôi. Các cụ bảo nhẹ gàu mau tát mà. (Thế vác những hòm vừa vừa thôi thì những hòm to nặng ai vác? Anh chỉ được cái khôn lỏi. Giá mà có ở đây thì người ta đấm cho một trận). Thế nhé. Cho anh gửi lời thăm bố mẹ và các em cùng ông Thạc, ông Chi, bà Sự và các bạn Phương, Xuân, Côi, Huân, Tiến, Hiến nữa nhé. À mà Côi có nói gì hôm chúng mình ở đỉnh núi Hang Khay không? Thông cảm cho anh, Tịch nhé! Hôn em nhiều”.
Tịch phì cười vì Chất nhắc đến cái hôm ở đỉnh Hang Khay. Gớm! Xấu hổ chết đi được lại còn nhắc với nhở. Cái Côi nó chẳng ôm mình, cù mình để hỏi mãi về cái cảm giác lúc đó là gì. Được cái con bé nó cũng kín tiếng chứ như con Xuân thì loa khắp cả làng. Nhưng mà không hiểu tại sao cái Phương nó cũng biết được cơ chứ. Nó bảo cái hôm anh Huân đè lên người nó cũng làm cho nó ngây ngất mãi. Ai lại bom đạn như thế mà nó chẳng hay biết gì nữa. Tim nó đập thình thịch. Người nó nóng ran. Nó bảo lúc ấy nó như ngừng thở. Một cảm giác chưa từng thấy bao giờ đến với nó. Đến khi anh Huân dậy rồi mà nó vẫn còn cứ nằm nguyên như thế mãi. Buồn cười thật. Cái lúc ấy mình cũng thế. May mà cái Côi nó đến không thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Tịch lâng lâng mỉm cười một mình. Cô đưa lá thư lên môi. Nào chúng mình hôn nhau anh Chất nhé.
Bỗng đánh rầm một cái. Tịch có cảm giác đau điếng ở chân.
- Ơ… cái con này? Đi đứng thế nào mà lao vào cả đầu xe ông thế?
Tịch choàng tỉnh. Cô ngẩng mặt lên thì thấy bánh trước xe đạp của lão Phia đã húc vào chân mình. Tịch lóng ngóng đứng giữa đường.
- Cháu xin lỗi!
Cô vừa lí nhí nói vừa xuýt xoa.
- Có sao không? Tao bóp chuông từ xa, mở đài oang oang mà mày cứ đâm đầu vào là thế nào? May mà tao phanh kịp, không thì…
- Dạ, không sao ạ. Tại cháu mải xem bài hát quá. Ông có bận gì không?
- Không. Suýt nữa thì đổ xe hỏng cái đài thì chết.
Tịch vội quan sát xe của lão Phia. Đằng sau là cái sọt to tướng. Chắc lại hàng họ chở vào khu sơ tán.
- Cái Xuân nó đang tìm mày đấy.
Lão Phia vừa chỉnh lại cái xe đạp vừa nói.
- Thế ạ? Nó tìm cháu có việc gì thế ông?
- Tao không biết. Thấy nó đang hỏi nhặng mãi ở đằng kia kìa.
Lão Phia chỉ tay về phía quốc lộ 2. Tịch nhìn theo hướng tay lão chỉ. Bỏ mặc Tịch đứng đó, lão Phia lên xe tiếp tục chở hàng vào khu sơ tán.
Tịch cất lá thư vào chiếc túi xách. Hình ảnh của Chất vẫn đọng mãi trong đầu cô. Đi một đoạn thì Xuân le te tới.
- Gớm, mày làm tao tìm hết cả hơi. Hôm nay lại đến phiên trực à?
- Ừ. Mày tìm tao có việc gì thế?
- Anh Hoàn anh ấy bảo có gặp mày và cái Phương đâu thì bảo ngay cả hai đứa đến bãi đạn cuối làng anh ấy trao đổi công việc.
- Việc gì?
- Tao không biết. Nhưng xem ra quan trọng lắm. Thấy anh ấy có vẻ bừng bực thì phải?
- Lại thế kia nữa? Dưng mà gặp lúc nào?
- Trước lúc vác đạn tối nay.
- Được rồi, tao sẽ rủ cái Phương đi sớm. Trên núi sẽ giao cho cái Côi và cái Liên trực.
Hai người líu ríu bên nhau. Xuân bám lấy Tịch tuôn tuồn tuột chuyện của mình với Thân:
- Mày biết không, hôm lão Thân nhập ngũ ấy mà, nghe lời cái Phương tao đã chủ động tấn công hắn.
- Mày tấn công thế nào?
- Thì tặng quà này. Thì viết thư này.
- Viết thư. Đấy với đấy mà phải thư với từ. Vẽ chuyện.
- Nhưng mà nó khó nói lắm.
- Tao tưởng mày mạnh bạo lắm cơ mà?
- Thì vưỡn. Dưng chuyện này bố ai mà mạnh bạo được.
- Thế cũng là mạnh bạo rồi đấy. Tỏ tình trước chẳng mạnh bạo là gì?
- Thì mày tính, cái Phương nó bảo bây giờ không nói thì biết bao giờ mới nói được nữa. Phải học tập cái Tịch kia kìa.
- Á à. Mẹ con Phương chứ. Nó lại nối giáo cho giặc à? Tao khác. Nó chỉ giỏi xui người ta còn bản thân nó thì nhùng nhà nhùng nhằng ra chứ tưởng. Nhưng mà thế có… có… xong không?
Tịch xoáy lại hỏi Xuân. Xuân mở to đôi mắt ngời sáng. Cô ậm ừ:
- Chẳng biết được.
- Thế hắn có nhận quà và thư của mày không?
- Có. Lúc nhận, hắn cứ nhìn xoáy mãi vào mắt tao làm tao rõ hoảng ở đâu ấy.
- Thế là được rồi. Tay Thân lù lì thế nhưng mà tốt nết lắm đấy. Hắn được cái có duyên ngầm. Trước kia hình như hắn mê cái Phương thì phải nhưng rồi cái Phương lại ngả về anh Huân nên tao thấy một dạo hắn buồn lắm. Gần đây thấy hắn lại nghiêng về mày. Mày cứ vô tư chẳng để ý chứ tao thấy hắn toàn nhìn trộm mày thôi. Tao cũng biết tỏng mày cũng để ý đến hắn nhưng cứ làm bộ, đúng không?
- Mày rõ là… Chỉ được cái đoán mò.
Xuân véo vào má Tịch.
- À, mới nhận được thư của anh Chất phải không?
Tịch gật đầu hớn hở.
- Tay ấy trông có vẻ bạo liệt thế nhưng viết thư cũng lãng mạn lắm nhé.
- Đâu, cho tao đọc với?
- Đọc thế nào được. Đọc để mày loa ra cho cả làng Ngọc Chúc này biết à?
- Gớm! Cái con này. Cho tao học kinh nghiệm với.
Hai người giằng nhau cái túi xách. Họ cùng bấm véo nhau rinh rích. Mấy con chim sâu đang lích chích trong vườn bưởi nhà bà Kế bỗng im bặt nhìn họ ngơ ngác.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi