NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 2.3)
Làng Ngọc Chúc khá vắng vẻ. Thỉnh thoảng có tiếng gà eo óc gáy. Cây cối hai bờ sông vẫn um tùm, xanh ri. Hình như người dân ở đây đi sơ tán hết thì phải. Nhà nào nhà ấy đóng cửa im ỉm. Đi được một đoạn, Huân dừng lại. Anh đưa cặp mắt ngó ngược ngó xuôi nhận dạng con đường. Chỗ này khác trước nhiều quá. Bờ sông lở mãi tận vào trong. Cát khá nhiều. Trông giống đoạn nhà cậu Trọng lắm nhưng sao cứ ngờ ngợ thế nào ấy. Con đường ven sông trước kia cứ bám bờ mà đi sao bây giờ lại quặt vào phía trong nhỉ? Lối xuống bến cát sao lại rộng thế kia? Ngày trước làm gì có bãi cát nào rộng thế?
Đang lơ ngơ như vậy thì có lũ trẻ chạy từ trong làng ra. Huân vội vã túm lấy một đứa hỏi:
- Các cháu cho chú hỏi nhà bà Sự ở chỗ nào? Sắp đến chưa?
Mấy đứa bị hỏi đột ngột, chúng dừng cả lại. Nhìn từ đầu đến chân ba chiến sỹ, một đứa trong bọn lắc đầu. Cả bọn lang lảng quay đi. Tiến vội tóm tay đứa khác lôi lại:
- Chỉ cho chú biết đi! Đến nhà bà Sự còn xa không các cháu?
- Chúng cháu không biết bà Sự ạ. Các chú đi mà hỏi người lớn ấy.
Thằng bé gỡ tay Tiến và nói. Huân vội cố hỏi:
- Nhà bà Sự ở gần gốc duối to ấy. Đi lối nào hả các cháu?
- Chúng cháu cũng không biết ạ.
Nói đoạn, cả mấy đứa kéo nhau đi. Chúng nó thì thầm với nhau cả ba người đều nghe thấy:
- Bộ đội thật chúng mày ạ. Tao thấy các chú ấy có súng, có sao trên mũ mà.
- Đừng vội tin. Nhỡ đâu gián điệp cải trang thì sao? Cô giáo chả dặn là phải thực hiện “ba không” là gì. Bọn gián điệp này tinh vi lắm. Chúng giả dạng đủ kiểu người rồi vào làng dò la, sau đó đánh điện báo về Mỹ đó. Khi máy bay đến, chúng mới ngồi nấp ở một chỗ rồi làm hiệu cho nó thả bom nhé.
- Đúng đấy. Phải cảnh giác. Bố tớ cũng bảo đừng vội tin những người lạ vào làng bất kể đó là ai.
Cả ba người nhìn nhau. Thì ra các cậu nhóc thực hiện “ba không”. Thời chiến có khác, đến trẻ con cũng ngấm sâu tinh thần cảnh giác. Biết không thể làm thế nào khác được, Huân bảo Hiến, Tiến đành chờ xem có ai đó đi qua để hỏi.
Lát sau, phía cuối đường có tiếng mấy cô gái léo nhéo. Đang ngồi nghỉ, Tiến đứng bật dậy:
- Anh Huân để em. Em hỏi chỉ một câu là các cô ấy phải chỉ ngay. Trông đứng đắn, nghiêm túc thế này làm sao mà không tin được? Có khi còn có cảm tình, yêu nữa là đằng khác.
- Thôi đi bố. Đừng có bẻm mép nữa. Tối bố nó đến nơi rồi còn tán phét.
Hiến ngấm ngẳn với Tiến. Mặc, Tiến vẫn vuốt lại quần áo, tóc tai, đội mũ nghiêm chỉnh. Sau đó cậu đứng ra giữa đường nở một nụ cười tươi chờ đợi. Tốp con gái quang gánh thấy người lạ phía trước liền im lặng, không ai nói gì. Họ nhìn ba chàng bộ đội. Khi họ đến gần, Tiến cười hỏi:
- Chào các em. Các em cho bọn anh hỏi thăm đường về nhà bà Sự làng ta đi lối nào em nhỉ?
Một cô gái khá xinh đứng lại. Cô nhìn Tiến chăm chú.
- Anh hỏi nhà bà Sự?
- Vâng, nhà bà Sự em ạ - Tiến vồ vập.
- Nhưng bà Sự nào? Ở làng em có tới bốn, năm bà Sự. Mẹ em cũng là bà Sự, bà cái Tịch đây cũng tên là Sự. Thế các anh có đến không?
Mấy cô gái bấm nhau nhìn cô vừa nói, cười khúc khích. Tiến lúng túng giây lát rồi lại bẻm mép tán:
- À… bà Sự nhà ở gần gốc duối to nhất làng ấy! Bọn anh đến đó rồi sẽ tới thăm bà Sự nhà các em sau. Nhé.
- Nhưng mà các anh tìm nhà bà Sự làm gì? Hay là tìm cái Hà con nhà bà ấy?
Cô gái cũng không vừa, trêu lại.
- Chúng tôi về đây công tác, mong các cô chỉ đường giùm.
Huân sốt ruột nói. Cô gái liếc một cái sắc lẹm lên người Huân. Sao mũ, quân hàm, quân hiệu nghiêm chỉnh gớm. Trẻ thế mà cũng trung uý cơ đấy. Trông cũng khá đẹp trai. Của hiếm đây. Phải trêu cho anh này một trận mới được. Ở gần ngay nhà bà Sự ấy rồi mà không biết lại cứ hỏi. Dứt khoát mình sẽ không nói, không chỉ gì hết. Mặc kệ anh ta xoay xoả. Chắc lại về tăng cường cho đơn vị kho đạn đây. Thể nào mai kia chẳng lại được làm việc với nhau? Thế thì hôm nay hãy cứ đợi đấy đã nhé. Cho nó ấn tượng buổi đầu gặp mặt.
- Nhà bà Sự ấy còn xa lắm, hay là các anh về nhà bà Sự, mẹ em, nghỉ tạm rồi sớm mai chúng em sẽ dẫn các anh đến tận nơi.
Mấy cô gái lại bấm nhau cười. Họ nhao nhao:
- Phải đấy.
- Đừng nghe cái Phương nó nói. Nhà nó xa hơn nhà em. Các anh về nhà em, bà em cũng tên là Sự mà. Ngay cuối xóm kia thôi.
- Nào đưa ba lô đây chúng em gánh cho.
Huân thoáng đỏ mặt:
- Cảm ơn các cô. Bảy giờ tối nay chúng tôi phải có mặt ở nhà bà Sự rồi, không thể tới nhà các em được. Hẹn khi khác nhất định chúng tôi sẽ tới.
- Thế thì buồn quá - Cô tên là Phương tiếp tục.
Chợt lũ trẻ ở đâu đó quay lại ngó nghiêng nhìn mấy chú bộ đội đang bị các cô gái làng quây trêu. Chúng cùng đồng thanh:
- Đường Tuyên Quang đi lối nào em nhỉ? Lấy em rồi em sẽ chỉ đường cho.
Chúng hát theo giai điệu bài hát “Hành quân xa” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Vừa hát chúng vừa vỗ tay. Nghe thấy thế cả Huân, Hiến, Tiến và các cô gái cùng đỏ mặt. Họ thoáng nhìn nhau giây lát. Phương liền lao về phía mấy đứa trẻ. Các cô gái còn lại cũng vùng đuổi theo. Người nọ nắm quanh gánh của người kia léo nhéo. Bọn trẻ con chạy trước, mấy cô gái đuổi theo sau. Tiếng bọn trẻ con hát, tiếng các cô gái cười vang lên trong sắc nắng chiều vàng rực rỡ. Ba chàng lính ngẩn ngơ. Mãi sau Hiến mới nói:
- Thế nào ông Tiến? Chẳng bốc phét nữa đi.
- Nhưng mà hay các cậu ạ - Huân dàn hoà - Công nhận các cô gái ở đây lém thật. Đến cậu Tiến mà cũng phải thua nữa là. Đẹp! Đẹp lắm. Chiều rơi bên bến sông Lô, gặp em một thoáng ngẩn ngơ một đời. Xin đừng bỏ đi người ơi! Để tôi tìm nhặt nụ cười bâng khuâng.
- A! anh Huân lại có thơ rồi! Người đẹp, cảnh đẹp thế chẳng trách nào anh nổi hứng thật. Biết đâu về đây anh lại chẳng tìm được bến đậu ấy chứ.
Tiến và Hiếu cùng reo lên. Họ quên hẳn cái ba lô nặng trên vai và đoạn đường còn lại không biết ngắn dài thế nào. Tiếng cười các cô gái vẫn từ xa vọng lại. Chợt một cụ già từ trong vườn bước ra:
- Các chú hỏi thăm nhà bà Sự cạnh gốc duối phải không?
- Vâng ạ. Ông chỉ cho chúng cháu đường đi tới đó với. Nãy giờ hỏi mấy đứa trẻ và các cô gái chẳng ai bảo cho. Xin ông làm ơn giúp chúng cháu.
- Các chú là bộ đội phải không?
- Vâng ạ. Chúng cháu về đây công tác ạ.
- Tôi biết. Nhìn các chú là tôi đoán ra ngay. Bọn trẻ con nó không chỉ đường cho các chú là chúng nó “ba không” đấy. Còn các cô gái, mấy đứa quỷ sứ ấy chúng nó trêu đấy.
- Dạ, vâng ạ. Chúng cháu biết ạ.
Huân lễ phép đáp lại. Cụ già chỉ tay về phía một con đường:
- Đi theo con đường này này. Đến chỗ ngã ba kia thì rẽ phải lại ra bờ sông. Sau đó cứ theo bờ sông mà đi. Khi nào thấy cây si to đùng ngay bờ sông là đến. Cây duối ở cạnh cây si. Không phải hỏi thăm ai cả.
- Vâng ạ. Chúng cháu cảm ơn cụ ạ.
Huân xúc động. Ba người lại khoác ba lô lên vai và đi theo hướng cụ già chỉ.
- Đúng là gốc duối cạnh cây si ngày xưa các cậu ạ.
- Sao bảo anh thông thuộc ở đây lắm rồi cơ mà? Tiến hỏi Huân.
- Thuộc. Nhưng mà hai chục năm nay rồi các cậu bảo bố ai mà nhớ hết được. Với lại nó còn thay đổi nữa chứ. Cái đoạn lúc nãy là sông lở, họ mở đường khác, trồng cây linh tinh, dân làng sơ tán cả nên tớ không biết đâu mà lần. Rồi các cậu sẽ thấy, ở đây thú vị lắm, nên thơ lắm.
- Chả trách mới về đến đầu làng mà anh đã có thơ rồi. Xem ra cái cô Phương ấy “chết” anh rồi đấy.
Ba người vừa đi chuyện trò vui vẻ. Gió hạ từ sông Lô thổi tới làm cho họ tỉnh người. Chiều dần buông trên sông. Tiếng mõ trâu gõ lốc cốc từ cánh đồng xa vọng lại. Cây duối to đã hiện ra trước mặt. Họ rảo bước nhanh hơn về phía đó.
Xác định đúng ngôi nhà năm xưa, Huân hăm hở dẫn hai chiến sỹ bước vào cổng. Trong nhà vắng lặng. Anh gọi to mấy lần sau đó mới có người thưa. Một bà chừng hơn năm chục tuổi từ góc vườn chạy ra cổng:
- Các chú hỏi ai?
- Cho anh em con hỏi đây có phải nhà bà Sự không ạ?
- Đúng rồi, tôi đây! Thế các chú là ai?
- Dạ, con là … là Huân ạ.
- Huân nào nhỉ?
- Dạ, Huân làm liên lạc trong đơn vị pháo binh năm xưa bắn tàu chiến Pháp đóng ở nhà ta đấy? Bà không nhớ con à?
- Trời ơi! Thằng Huân! Trông chững trạc thế làm sao mà bá nhớ được.
Bà Sự sung sướng reo lên. Rồi bà quay vào trong gọi to:
- Thằng Huân nó về này ông Hiếu ơi! Mau ra mà đón nó!
Một người đàn ông từ phía sau ngôi nhà cũng tất tưởi chạy ra. Ông ôm chầm lấy Huân. Bà Sự nắm lấy tay Huân lắc lắc:
- Lớn quá rồi. Chẳng còn lách chách như cái hồi ấy nữa. Thôi, vào nhà cả đi.
Ba người theo hai ông bà đi vào nhà. Huân vội hỏi:
- Các em nhà ta đâu cả hả bá? Huân đổi cách xưng hô.
- Chúng nó đi làm chưa về.
- Em Hà chắc lớn lắm rồi bá nhỉ?
- Ừ. Thì mày còn như thế này nữa là nó. Thế nhưng nó tồ lắm.
Bà sự cười hở lợi.
- À mà bá ơi! Thế cậu Trọng “bông lau” bây giờ ra sao rồi ạ?
- Nó bị thương ở Khe Lau sau đó giải ngũ bây giờ ở với con trai mãi tận Lào Cai thì phải. Gớm, sao chúng mày nhớ nhau thế?
- Còn cậu Thỉnh con cụ Bái nữa bá?
- Làm giáo viên. Đang dạy ở trong huyện đó. Cậu ấy vẫn hay kể về trận đánh sông Lô cho học sinh nghe lắm. Thế về đợt này ở luôn đây chứ?
- Vâng ạ. Chúng con được lệnh về cắm chốt ở đây để cùng với địa phương lo vận chuyển, bốc dỡ kho đạn bá ạ. Bác bá cho chúng con ở nhà ta nhé!
- Được rồi! Khỏi lo! Ông xã đội cũng vừa ở đây về. Ông ấy đi báo họp gấp. Tối nay họ lấy nhà bá để họp bàn kế hoạch ấy đấy. Mấy tuần nay các anh trên Z cũng đến liên hệ bãi để đạn và nơi ăn nghỉ cho bộ đội. Sắp đánh nhau to rồi phải không?
- Gớm cái bà này. Để cho chúng nó nghỉ ngơi tắm rửa cái đã rồi tối tha hồ mà nói chuyện.
Ông Hiếu xen ngang lời bà Sự.
- Thì cứ để bá cháu tôi nói chuyện tí đã nào. Bao nhiêu năm rồi mà ông cứ vội. Giờ đến tối chỉ có mỗi việc ngủ nghỉ chứ đi đâu mà lo.
- Tối các ông ấy còn họp, bà không nhớ à?
- Ừ nhỉ! Thôi chúng mày cất ba lô vào kia rồi ra giếng mà rửa ráy tắm giặt. Tối bá cháu mình nói chuyện tiếp.
Vừa đi lấy chậu thau, khăn mặt bà Sự vừa hỏi với thêm câu nữa:
- À mà Huân ơi, mày đã vợ con gì chưa?
Huân cười lớn:
- Chưa gì cả bá ạ. Chuyến này bá làm mối cho con một cô nhé!
- Được rồi! Chỉ sợ mày kén thôi!
Bà Sự chỉ chỗ cho ba chiến sỹ ra giếng. Huân, Hiến, Tiến quẳng vội ba lô xuống và đi tắm rửa. Hiến, Tiến vui sướng như được trở về nhà. Còn Huân nhìn ông Hiếu bà Sự cứ bâng khuâng. Anh muốn gọi to lên hai tiếng “Bố ơi!, Mẹ ơi!”. Hoàng hôn đã buông xuống từ lâu. Trời nhá nhem tối. Đàn gà nháo nhác gọi mẹ lên chuồng.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi