Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

tiếp theo chương 12


Ngược lại với gia đình ông Hùng, bên nhà Loan chuẩn bị Tết như nhà có đám. Bốn mẹ con buồn thỉu buồn thiu. Lúc nào họ cũng nghĩ tới Dụ. Dư luận, điều tiếng đủ thứ bay đến nhà họ. Sau hôm Hiên về, không khí gia đình càng u ám hơn. Mặc dù, không ngày nào là mẹ con cái Hà, rồi thì ông Dẫn, bà Toe, ông Hùng... lại không đến chơi an ủi mẹ con Loan. Cả Việt cũng vậy, anh liên tục đoảng qua hỏi han đủ thứ. Họ đến thì chớ, hễ họ về là mấy mẹ con chẳng ai nói với ai câu nào. Hình như mỗi người đều sợ cả những điều mình sắp nói ra. Càng về đêm càng trống trải. Đêm như dài lê thê đối với họ. Không khí Tết nhất cả làng vui vẻ là thế, thế mà chỉ riêng nhà Loan lại u ám đến vậy.

Đã bụng bảo dạ rằng hãy cứng rắn lên làm chỗ dựa cho các con, ấy vậy mà nhiều lúc Loan cũng phải giấu mặt đi gạt vội những dòng nước mắt. Đến khi nhớ tới việc con trai chuẩn bị nhập ngũ, chị mới sực tỉnh. Không thể cứ giữ bộ mặt mãi như thế này được, hãy vui lên, can đảm lên cho các con nó có chỗ dựa. Mấy ngày giáp Tết, Loan mới xăng xái sắm sửa các thứ. Chị chỉ bảo thằng Quân mọi việc cho nó làm. Nó là người đàn ông duy nhất trong nhà, mẹ con phải dựa vào nhau không thể để mất Tết được. Hơn nữa, cái Tết này rất đáng nhớ đối với nó. Nó sắp sửa xa nhà, xa quê hương đi làm nhiệm vụ rồi phải cho nó hưởng cái Tết đầm ấm chứ. Chị chạy chợ mua sắm. Thịt thà, bánh trái, mứt kẹo... không thiếu thứ gì so với mọi năm. Cái Thảo, cái Trang thấy mẹ và anh thế cũng vui trở lại. Chúng nói cười với nhau xúm vào cùng mẹ và anh lo Tết.

Tối hai tám Tết, sau khi hoàn tất công việc cuối cùng, ăn tối xong, Loan nói với các con:

- Cái Thảo, cái Trang hai đứa ở nhà trông nhà để mẹ với anh Quân đi Tết bác Dẫn.

- Cả con nữa hả mẹ? Quân hỏi lại.

- Ừ, cả con nữa. Năm nay, mẹ đưa con đi Tết bác trưởng, sang năm biết đâu ăn Tết bộ đội lại không đến được bác thì sao? Thay quần áo đi con.

- Cho con đi với mẹ!

Cái Trang nhõng nhẽo. Chị mắng yêu nó:

- Thôi nào! Ở nhà trông nhà với chị. Mẹ với anh đi một lát rồi về.

Chọn cặp bánh chưng đẹp nhất, mươi cái bánh gai, hộp mứt, bao thuốc lá, mấy gói bánh kẹo, chục quả cam cùng với chai rượu, vàng hương, cau trầu... tất cả các thứ chị cho vào chiếc làn nhựa. Hai mẹ con quấy quả lên đường. Lát sau, họ đã có mặt ở nhà ông Dẫn.

- Chào hai bác! Em có chút lễ mọn nhờ hai bác thắp hương cúng bố mẹ và các cụ!

Vừa nói, chị vừa bày các thứ lên chiếc mâm đặt trên bàn uống nước. Ông Dẫn trịnh trọng đón lễ chuyển lên ban thờ. Sau khi thắp ba nén hương khấn vái tổ tiên, ông Dẫn mời mẹ con chị uống nước.

- Thế nào cháu Quân, chuẩn bị nhập ngũ chu đáo chứ? Có gì băn khoăn không?

- Chu đáo rồi bác ạ. Cháu chẳng có gì phải băn khoăn đâu. Chỉ thương mẹ và các em cháu ở nhà thôi. Cả bố cháu nữa, chẳng biết thế nào?

- Thế mà bảo không băn khoăn. Kiên định vững vàng nhé. Cứ yên tâm lên đường, ở nhà đã có bác bá, các anh, các chị, có dân làng. Nghe chưa?

- Dạ, vâng ạ.

- Nhà thím Tết nhất đến đâu rồi?

Ông quay sang hỏi Loan. Loan từ tốn đáp:

- Dạ cũng ổn ổn cả rồi bác ạ. Năm nay, nhà em vậy nên gọi là... Chỉ thương bố cháu...

Loan sụt sịt mếu máo. Ông Dẫn lựa lời:

- Biết rồi! Thôi, thím nhắc chuyện đó làm gì. Bây giờ phải lo cho các con cho chúng nó có Tết, nhất là thằng Quân. Thím cứ sụt sùi vậy, tôi cũng chán.

- Vâng, em xin nghe lời bác. Em có tội với bác, với gia đình nhà mình.

Chẳng những chỉ sụt sùi nước mắt, Loan càng lúc càng khóc to hơn. Quân ngồi đực ra nhìn mẹ. Anh hiểu được tâm trạng của mẹ mình lúc đó. Bà Dẫn nãy giờ ngồi yên bỗng lên tiếng:

- Thím phải can đảm lên. Sông có khúc người có lúc, rồi sẽ qua cả thôi. Vui lên cho cháu Quân nó còn yên tâm lên đường chứ.

Ông Dẫn tiếp lời vợ:

- Việc chú Dụ làm chú ấy chịu. Pháp luật công minh, mình muốn cũng chẳng được. Với lại, từ trước tới nay, tôi với thím đã gàn chú ấy nhiều rồi, chú không nghe thì chú ấy phải chịu. Có thế chú ấy mới mở mắt ra. Máu mủ ruột rà chẳng tin lại cứ nghe người ngoài người ta xu nịnh.

Càng nghe ông Dẫn nói Loan càng thất thần ngơ ngác. Đã mấy lần chị suýt buột miệng kêu lên rằng chính chị đã lừa dối Dụ, đẩy Dụ đến con đường ấy. Chị cố mím chặt môi, không để nước mắt chảy ra thêm nữa. Mãi sau, chị lí nhí xin phép vợ chồng ông bà Dẫn ra về.

Tiễn mẹ con Loan ra đến cổng, ông Dẫn quay vào nhà với khuôn mặt buồn thăm thẳm. Cũng tại ông nên vợ chồng nhà ấy mới nên nông nỗi thế. Nếu ngay từ đầu ông kiên quyết không làm theo lời Dụ, không giấu những lá thư Việt gửi về cho Loan, không phao tin Việt hy sinh để tiếp tay cho Dụ lấy được Loan thì giờ đâu đến nỗi. Mà còn thằng Quân nữa, linh tính mách với ông rằng chắc gì đã phải con của Dụ? Nếu quả đúng vậy thì cả Dụ và Loan đều vừa đáng giận lại vừa đáng thương. Hình như, ban nãy Loan có điều gì ấp úng muốn nói với ông thì phải? Trông ánh mắt của thím ấy ngơ ngác lắm. Hai chục năm làm dâu họ Trần nhà ông, ông không chê trách điều gì ở Loan. Phải, thím ấy đáng thương hơn là đáng giận, đặc biệt thời gian này. Còn Dụ, em trai ông, chú ấy đáng giận hơn là đáng thương...

Càng nghĩ ông Dẫn càng thấy trách nhiệm của mình đối với dòng họ Trần, đối với gia đình Loan lớn hơn lúc nào hết. Dù gì đi chăng nữa, ông phải lo cho cái tổ ấm ấy được yên ấm trở lại như xưa.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH


(tiểu thuyết - chương 13)

http://2.bp.blogspot.com/_4L3LQsigFcM/SoVm5KKKImI/AAAAAAAADrw/GI3jcZX5zoY/s400/boat+house.jpg


Bà Kim mất. Tin đó loang ra xôn xao cả làng La Hương. Bảo đột ngột ư? Không đúng. Vì bà ấy ốm đã lâu rồi, căn bệnh ung thư dạ dày hành hạ bà đã mấy năm nay cho nên việc bà ấy ra đi là một lẽ đương nhiên. Có điều, ai cũng biết bà ấy sẽ chết song không ngờ bà ấy lại chết vào lúc này. Tết xong nửa tháng, hôm qua nguyên tiêu, sáng nay làng xã vừa đưa tiễn tân binh lên đường xong, buổi chiều đã xúm lại lo tang lễ cho bà ấy. Khổ quá! Tội quá! Họ hàng thân thích bà ấy ở cái làng này có ai đâu? Đứa con gái thì ngớ ngẩn, ốc chẳng tha nổi mình ốc lại còn đèo thêm rêu. Đứa cháu ngoại đỏ hỏn, biết gì. Mẹ chết mà cái Ngân mắt cứ thao láo, không được một tiếng khóc nào. Hai mẹ con nó ôm nhau ngồi sát bên xác bà Kim. Mãi đến khi bà Toe đến thấy vậy vào lôi nó ra nó mới chịu rời mẹ nó.

         Ông Dẫn, trưởng thôn xăng xái cắt cử sắp đặt công việc cho đám tang. Việt vừa lo khâu bàn ghế, dựng rạp vừa chỉ đạo lũ thanh niên đào huyệt. Được cái, nhà bà Kim ở gần nghĩa trang nên anh chạy đi chạy lại quán xuyến công việc đâu ra đấy. Loan, Hiền cùng cánh chị em phụ nữ lo bếp núc hậu cần và chăm sóc cho mẹ con Ngân. Nghe tin, Quang cũng bắt Hiền đẩy xe lăn đến đám. Vừa vào đến cổng, anh đã khóc tu tu. Dân làng La Hương ai cũng thương gia cảnh bà Kim nên hầu như không nhà nào là không có mặt. Họ lặng lẽ làm một cách tự giác, không việc nọ thì việc kia. Ngay đến cả “Tư ba toa” bận bịu quán xá như vậy mà cũng đến xắn tay áo vào bếp chỉ đạo đun nấu. Nói là đun nấu cho oai chứ thực ra ai còn có lòng bụng nào mà ăn uống ở cái đám này nữa. Chủ yếu là sắm lấy mâm cơm cúng, còn đâu thì nấu thêm vài mâm nữa cho ban tổ chức, tổ thợ kèn và những người trực tiếp trong ban lễ tang. Nhà bà Kim có gì, nghèo kiết xác ra, lấy đâu mà bày vẽ? Với lại, bà ấy chết đi rồi có ai là chủ nữa đâu mà lo đón tiếp, cảm tạ. Có con Ngân đấy thì vừa ngu ngơ, vừa con nhỏ. Thế nên, đám ma bà Kim thôn phải đứng ra lo tất. Đầu mối là ông Dẫn. Thực phẩm, gà qué Việt mang từ trang trại đến...

     Lúc liệm bà Kim, người ta phải kéo mẹ con Ngân ra chỗ thợ kèn để dễ làm việc. Liệm xong, phát tang... khổ, chỉ có hai chiếc khăn được xé cho mẹ con nó. Thì còn có ai máu mủ ruột rà thân thích với nó đâu? Kèn trống nổi lên, nó bế con cười ngơ ngác. Bà Toe phải dắt tay nó dẫn vào ngồi bên cỗ quan tài. Nó vùng vằng. Bà Toe dỗ dành: “Vào đi cháu. Cho con vào ngồi với mẹ cháu không có mai người ta chôn mẹ cháu đi rồi thì bao giờ mới lại được ngồi với mẹ mày nữa hở con ranh!”. Cuối câu, bà Toe bực mình chì chiết làm bộ cáu với nó. Nó vẫn cười, một cái cười dài dại, ngơ ngác. Nó không hiểu tại sao tự nhiên hôm nay nhà mình có bao nhiêu là người, lại cả kèn trống nữa. Lạ nhỉ? Mọi ngày có thế đâu?

         Đêm. Không khí nhà đám càng lạnh lẽo, u ám. Người đến chia buồn khá đông, ai cũng cố nán lại để được tỏ lòng tiếc thương của mình đối với bà Kim. Không ai nỡ về khi nhìn cảnh mẹ con Ngân ôm nhau ngồi rũ rượi, gục đầu bên chiếc quan tài. Hầu như ai đến đây cũng khóc, nhất là đàn bà. Đến cứng rắn, bặm trợn như “Tư ba toa” mà lão ấy nhiều lúc cũng phải ngoảnh mặt đi để giấu những giọt nước mắt. Không có tiếng gào khóc xé ruột xé gan như các đám khác, đám này chỉ có tiếng sụt sịt của người nọ lan sang người kia. Thi thoảng lắm mới có tiếng nức nở khá to do không cầm được của mấy bà cao tuổi trước tình nghĩa bè bạn, xóm giềng của họ với bà Kim. Riêng cái Ngân không khóc một tí nào. Bà Toe mấy lần giật gấu áo nó bảo: “Khóc mẹ lấy vài tiếng đi cháu. Khóc đi cho mẹ đỡ tủi”. Nó vẫn cứ trơ trơ. Chỉ có thằng bé hơn ba tháng tuổi thi thoảng lại ngằn ngặt khóc. Chẳng biết nó khóc do đói sữa hay là do nhớ bà?

Từng nhóm, kẻ đứng, người ngồi vừa nghe thợ kèn than khóc, vừa rì rầm trò chuyện:

- Thôi, bà ấy đi sớm ngày nào là được giải thoát ngày ấy. Chứ gần đây, mỗi lần lên cơn trông bà ấy tội lắm.

- Thì ung thư giai đoạn cuối mà lị.

- Cũng may, được đứa cháu, đỡ tủi!

- Thì chắc đợi có thằng bé nên bà ấy mới đi đấy.

- Chẳng biết bố nó là ai, có biết đường mà về chịu tang không nhỉ?

- Nhắc gì cái loại người ấy nữa. Nghĩ được như ông thì nó đã về.

- Khổ cái con Ngân. Chẳng biết mai này mẹ con nó sống ra sao?

- Giá đám này ông Dụ mà còn làm thợ kèn thì chỉ có nhất.

- Nói dễ nghe nhỉ? Người ta làm cán bộ rồi ai còn thèm làm cái anh thợ kèn lem nhem nữa.

- Thì thế mới chết. Giờ có muốn thổi kèn cũng còn cũng khó. Ngồi bóc lịch trong nhà đá rồi, nhá!

Họ nói vô tư không hề để ý đến việc Loan đang có mặt ở đó. Chị ngồi nghe lòng như xát muối. Ôi! Cảnh đời sao lại trớ trêu đến vậy! Chiếc khăn mùi xoa của chị ướt đẫm nước mắt. Thương lắm, tội lắm Ngân ơi! Kiếp đàn bà cơ cực là thế đấy!

Mãi khuya, mọi người về vãn, chỉ còn mấy ông bà trong ban lễ tang và hàng xóm của bà Kim ở lại bàn tiếp việc sáng mai. Tổ thợ kèn cũng dọn dẹp đi nghỉ. Không khí đang ồn ào bỗng yên ắng, lặng như tờ. Trống vắng, lạnh lẽo đến rợn người. Loan cùng bà Toe vào dỗ cái Ngân cho nó đi ăn và cho con bú. Suốt từ lúc mẹ nó tắt thở đến giờ, nó có được miếng nào vào bụng đâu. Không nói năng gì, miệng nó câm như hến. Bảo thế nào thì bảo dứt khoát nó cũng không đi. Loan phải pha cốc sữa đến dỗ dành mãi nó mới chịu uống lấy vài ngụm. Bà Toe lấy cái chăn chiên trùm thêm lên cho hai mẹ con nó. Mãi đến lúc đó, nó mới đột ngột rống lên khóc tu tu như trẻ con. “Mẹ ơi! Ới mẹ ơi!”... Nó gào lên nhắc đi nhắc lại mấy tiếng thế ngoài ra không một lời nào khác. Vập đầu vào chiếc quan tài, cái Ngân tức tưởi khóc. Tàn hương bắn vung ra như hoa cà hoa cải. Thằng bé đang thiu thiu ngủ cũng giật mình khóc oe oé hoà với tiếng khóc của mẹ nó. Tưởng chừng như tiếng khóc ấy lạc lõng giữa đêm khuya thanh vắng nhưng không, tất cả những người còn lại không ai cầm nổi được nước mắt. Tiếng khóc được dịp bung ra hoà vào nhau xé toạc màn đêm loang khắp làng La Hương như một cơn ác mộng. Tổ thợ kèn bật dậy bảo nhau dạo khúc “Thập ân”. Kèn hát chói tai, nhị kêu réo rắt, hồ rên ảo não thê lương, tiếng hát như dứt ruột dứt gan hoà cùng tiếng khóc của mọi người đánh thức cả làng La Hương trước nỗi đau nhân thế. Hương khói lập loè. Đèn khuya leo lét. Bóng mọi người nhập nhoà như những hồn ma nhảy múa lung linh.

Sáng hôm sau, bà Kim đã mồ yên mả đẹp, chấm hết một cuộc đời lận đận long đong. Mọi người xúm lại dìu mẹ con Ngân từ nghĩa địa về nhà. Căn nhà lạnh lẽo trống hươ trống hoác. Bấy giờ, ai ở lại với mẹ con Ngân mới là vấn đề. Ông Dẫn đau đầu khó xử. Trước đông đủ ban lễ tang, Việt nói:

- Trước mắt thế này, tôi rảnh rỗi hơn cả, tôi sẽ ở lại với cháu Ngân. Tuy nhiên, cháu Ngân lại có cháu nhỏ, việc đàn bà con cái tôi không biết thế nào đâu. Đề nghị có vị đàn bà nào nữa ở lại cùng với tôi thì tốt quá. Tạm vài hôm thôi, còn đâu tính sau.

- Tôi đồng ý. Tôi xin ở lại với bố Việt.

Bà Toe lên tiếng. Mọi người nhìn bà Toe, nhìn Việt với cái nhìn biết ơn. Hai người vừa gỡ cho họ một thế bí. Loan lặng lẽ nhìn Việt cảm phục. Cuối cùng, ông Dẫn nói:

- Thôi, thế cũng được. Bà Toe với chú Việt ở lại là tôi yên tâm. Sau đó, thôn đội sẽ cắt cử người thay các vị. Quan trọng nhất là thằng bé đây này. Phải để cho vong hồn bà Kim yên nghỉ nơi chín suối.

- Không phải cắt cử cho phức tạp. Ai có lòng, có hảo tâm thì đến giúp mẹ con nó. Tôi thì vô tư.

Việt nói lại. Họ bàn tán thêm một lúc nữa thì ai về nhà nấy. Việt bắt tay sắp đặt dọn dẹp lại nhà cửa. Bà Toe đến bên mẹ con Ngân dỗ dành.

       Quân lên đường, căn nhà vốn đã trống trải giờ lại càng trống trải hơn. Vụ việc của Dụ công an vẫn đang điều tra. Hết lệnh tạm giữ ở công an huyện, Dụ phải nhận lệnh tạm giam của công an tỉnh. Thời gian này, Loan sống trong tâm trạng khá căng thẳng. Chị chạy ngược chạy xuôi thăm nom hỏi han tin tức về chồng. Người ta không cho chị hay bất cứ người nào gặp Dụ. Họ chỉ nhận chuyển giúp quà của chị gửi cho Dụ. Đầu óc chị căng như sợi dây đàn. Vừa lo cho chồng phạm tội như thế không biết sẽ xử ra sao, chị vừa thương con trai những ngày đầu nhập ngũ liệu nó có chịu được gian khó của đời lính? Người chị gầy rộc đi trông thấy.

Sáng nào cũng thế, sau khi hai đứa con gái đi học, Loan lại bần thần hết vào lại ra chẳng biết làm gì. Hồi trong năm, Hiên đã bàn với chị “chạy” cho Dụ. “Chị không ly hôn với anh ấy thì thôi, chị phải chạy cho anh ấy chứ. Chẳng lẽ bây giờ lại cứ khoanh tay ngồi chờ họ phán xử hay sao? Phải chạy chị ạ. Thời buổi bây giờ không chạy là không xong đâu. Chị cứ chạy đi, thiếu đâu vợ chồng em lo”. Nghe đứa em dì nói vậy, Loan thẫn thờ: “Dì bảo tôi chạy bằng cách nào? Chạy ở đâu? Cả đời từ bé đến giờ tôi có đến cửa công đường bao giờ đâu mà biết?”. Hiên gợi ý: “Nhờ bác Hải xem sao. Bác ấy với anh Dụ chẳng gì cũng đã một thời công tác với nhau, bây giờ anh ấy gặp hoạn nạn lẽ nào bác ấy không giúp?”. “Chắc gì người ta giúp. Việc này tế nhị lắm. Ai chứ bác Hải tôi nghĩ chẳng bao giờ bác ấy làm việc này đâu”. Hiên bo trán: “Khó nhỉ? Hay là nhờ anh Việt?”. Loan băn khoăn: “Lần trước anh Việt cũng đã giúp giải thoát cái vụ bè gỗ cho anh ấy rồi, giờ nhờ nữa e ngại lắm. Với lại, lần trước khác, lần này khác. Dính vào luật pháp đâu phải chuyện đơn giản?”. “Thì chị cứ thử nói với anh ấy xem sao? Em sẽ nói với vợ chồng bác Quang nữa, có gì bá Hiền sẽ đi với chị”.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

Tiếp theo chương 13


Theo gợi ý của Hiên, đám ma bà Kim xong, Việt, vợ chồng Quang cùng với Loan cũng đã “khăn gói quả mướp” chạy cửa nọ cửa kia. Bắt đầu là hai chị em Loan Hiền. Suốt cả tuần liền hai người lai nhau gõ cửa các cơ quan, rồi đến cả nhà riêng một số vị chức sắc. Không có kết quả gì. Mệt mỏi, chán nản, Hiền bàn với chị: “Bọn mình đi không ăn thua gì đâu chị ạ. Theo em để cho nhà em với anh Việt đi may ra mới được việc. Họ là thương binh người ta phải nể chứ”. Loan đồng ý theo phương án đó. Thế là, ngay sáng hôm sau Quang ngồi trên chiếc xe lăn, Việt mặt mũi nhăn nhúm bám theo đẩy chiếc xe đó, hai người bắt đầu hành trình gõ cửa đi chạy án. Tuy vậy, đến đâu người ta cũng lắc đầu. Thậm chí, có chỗ họ còn nghiêm mặt bắt họ mang quà cáp phong bì về nếu không sẽ lập biên bản “hối lộ cán bộ”. Thực ra cũng chưa có vị nào nhận của họ một thứ gì. Việt ngao ngán nói với Quang: “Có lẽ làm kiểu này không ổn chú Quang ạ. Tớ thấy nó cứ thế nào ấy. Hai thằng mình đổ máu xương ngoài mặt trận giờ lại đi chạy vạy xin xỏ cho một kẻ phạm tội. Không được. Không đời nào họ giúp đâu chú ạ. Qua vụ này, tớ lại nghĩ khác với cô Hiên đấy. Họ không nhận giúp mình mình đâm ra lại tin tưởng họ mới lạ chứ? Chú thấy đúng không?”. Quang ngoái đầu lại nhìn Việt: “Bác nói chí phải. Anh em mình cũng hết nước rồi. Thôi thì, lão Dụ làm thì lão ấy chịu. Mình cũng phải tin tưởng ở sự công minh của pháp luật chứ”.

Sau đó, họ không đi thêm một chuyến nào nữa. Loan đành nhắm mắt bấm bụng chờ đợi. Những ngày này trở nên dài dằng dặc trong cuộc đời của chị.



*



*       *



         - Này ông! Ông có nghe dân làng người ta nói gì không?

         Sau bữa cơm trưa, bà Hoa bỗng hỏi chồng. Đang tăm răng, thấy vợ thì thào vậy, ông Hùng thoáng ngỡ ngàng:

         - Nói gì? Chắc bà lại nghĩ ra chuyện gì phỏng?

         - Không phải là tôi nghĩ mà là dân làng người ta nói.

         - Nói gì?

         - Thế ông không nghe thấy gì thật à? Họ đồn ầm lên chuyện chú Việt nhà mình với ...

         - Với ai? Ông Hùng trợn mắt - Bà chỉ được cái loe xoe.

         Mặc cho chồng chặn họng, bà Hoa vẫn hồn nhiên:

         - Thật đấy. Với... với cô Loan chứ còn ai nữa!

         - Họ làm sao?

         - Tôi đâu có biết. Dân làng người ta bảo phen này chỉ bở cho chú ấy. Tình xưa nghĩa cũ, lão Dụ bị hạn, thằng Quân lại đi bộ đội, tha hồ cho họ hú hí với nhau. Thì đấy, họ chẳng cặp kè với nhau suốt đấy là gì? Hết lên huyện, lên xã lại thậm thụt với nhau ở nhà con Ngân. Ông chẳng thừa biết lại còn...

         - Bà đừng có ăn nói linh tinh. Nói thì phải suy nghĩ đã chứ. Lúc nào cũng bô lô ba la cái miệng. Chú Việt, chú Quang họ đi chạy cho tay Dụ đấy. Bà đừng có đơm điều đặt chuyện cho họ.

         - Nào tôi có nói. Dân làng họ đồn ầm lên kia kìa - Bà Hoa ấm ức nhắc lại - Họ bảo rằng “chuyến này tay Việt vớ to, được cả người tình cũ lẫn gái tơ”. “Lấy cớ bà Kim chết để đến ở với con Ngân. Khéo thằng bé là con của ông ấy cũng nên”. Họ còn bảo “Cái Ngân đẻ xong người hơ hớ ra thế lo chẳng khối thằng chết”. Đận trước người ta cũng đã đồn ầm lên rằng chú Việt tằng tịu với con Ngân, tôi đã hồ nghi. Giờ đây, chú ấy thế ông bảo tôi không tin sao được. Tôi lo là lo cho anh em nhà ông, nhỡ đâu mang tiếng với dân làng thì còn gì là danh giá họ Phan nữa.

         Bà Hoa nói liền một mạch như giãi bày, như ấm ức. Bà tiếp tục:

         - Không ngờ cái chú Việt nhà mình lại đa mang đến thế. Người ta có chồng đã không được rồi đằng này lại quan hệ cả với đứa bằng tuổi con mình thì thật quá quắt lắm. Cả hai trường hợp đều không thể chấp nhận được. Là dâu của họ Phan, nghe thấy thế tôi hỏi ông ở cương vị tôi liệu ông có chịu được không?

         Đang định cáu với vợ, nghe vậy, ông Hùng lặng đi.

         - Bà nghe dân làng người ta đồn thế thật à?

         - Ông đi mà hỏi dân làng - Bà Hoa cơ dỗi - Bận nào cũng thế hễ định nói chuyện gì là ông toàn chặn họng. Bây giờ chuyện nhà mình đấy, ông không thấy sốt ruột sao?

         - Thì mới chỉ là tin đồn!

         - Tin đồn, tin đồn! Tin đồn mà không chết à?

         - Nhưng hôm đám ma nhà bà Kim chính chú Việt xung phong đề nghị ở lại trông nom cái con Ngân đấy là gì! Chú ấy có thậm thụt, úp mở gì đâu, công khai đàng hoàng đấy chứ. Cả bà Toe nữa.

         - Phải! Đáng lẽ chỉ ở vài hôm thôi cho nó vợi đi, quen dần đi, đằng này chú ấy gần như là ở hẳn nhà nó. Ừ, thì cứ cho là chú ấy nghiêm chỉnh đi nhưng mà tình ngay lý gian ông hiểu chưa?

         - Bà phải thông cảm cho con Ngân chứ! Nó dở người, con lại dại thế đến bình thường như mình còn sợ, còn hoảng nữa là.

         - Thì vưỡn! Mình hiểu nhưng dân làng có hiểu cho đâu? Chỉ tổ ôm rơm nhặm bụng.

         - Thôi được rồi! Để tôi hỏi lại chú ấy xem sao. Cả bà Toe nữa.

         Ông Hùng xuống giọng kết luận.

Quả thật, sau hôm bà Kim mất, ông thấy Việt hay cặp kè với Loan lắm. Chính ông cũng đã có lúc nghĩ hai người này quay lại với nhau chăng. Thì thằng Quân, giọt máu của họ, sợi dây thiêng liêng, nhịp cầu máu mủ của họ, bằng chứng tình yêu bằng xương bằng thịt của họ vẫn hiện hữu đó thôi. Giờ đây, Dụ đã vào tù biết đâu tình cũ của Loan với Việt không rủ vẫn đến thì sao? Ông Hùng nửa vui mừng, nửa lo sợ. Mừng vì cuối cùng em trai ông đã đến được bến bờ hạnh phúc, dòng họ Phan Anh nhà ông đã có người nối dõi. Lo sợ vì nếu hai người như thế thật thì trái với đạo lý quá. Ai lại đợi lúc người ta hoạn nạn để cướp vợ tranh chồng? Chú Việt đã nhịn được đến giờ sao không nhịn tiếp đi mà lại làm như thế? Dẫu gì đi chăng nữa thì Loan đã cho chú ấy một thằng con trai rồi còn gì! Đừng khuấy đảo hạnh phúc nhà người ta như thế. Dư luận lên án là đúng đấy. Nhưng mà, biết đâu chú ấy chạy chọt cho Dụ thì sao? Nếu vậy thì oan cho chú ấy quá.

         Tuy nhiên, chuyện Việt với Loan ông Hùng không tức bằng chuyện Việt với con Ngân. Tưởng đã dẹp xong rồi thế mà dịp này lại bùng lên mới tức chứ. Chẳng lẽ em ông lại hư đốn đến vậy? Giục bao nhiêu lần lấy vợ không lấy, ngỡ tưởng nặng tình nặng nghĩa với cái nhà cô Loan thế mà cuối đời đốc chứng ra lại lòng thòng với con bé dở người để đến nỗi có con với nó thì thật quá thể. Đúng là rồ dại thật rồi. Còn mặt mũi nào với họ hàng, dân làng nữa. Thằng Quân mà biết chuyện này nó còn coi người đẻ ra nó ra gì nữa? Liệu Việt có đáng cho nó gọi bố không? Nhục! Nhục quá! Càng nghĩ ông Hùng càng bực với người em trai của mình. Trong thâm tâm ông vẫn cầu mong đừng xảy ra điều đó.

         Gặp bà Toe, ông Hùng thăm dò:

         - Tình hình mẹ con cái Ngân dạo này thế nào hả bà? Vẫn bình an chứ?

         - Vẫn ổn chú ạ. Tôi thi thoảng đến với nó thôi, chủ yếu nhờ nhà chú Việt. May mà có chú ấy không thì chẳng biết làm sao với mẹ con nó. Được cái, nhà cô Loan cũng hay đến dỗ dành, chăm nom mẹ con con Ngân lắm. Nói trộm mụ, thằng bé ngoan, hay ăn chóng lớn đáo để. Con Ngân, nói bảo nói dại, may mà nó dở người nên việc mẹ nó mất đi đối với nó là chuyện bình thường. Con bé quên ngay, chỉ chú tâm vào thằng bé. Trông nó ngày một xinh ra đấy chú ạ. Mỡ màng, chẳng ai biết là nó dở. Đúng là gái một con trông mòn con mắt.

         Ông Hùng nghe cảm thấy có điều gì bất ổn. Hay là thế mà em trai ông đắm đuối ở đây? Ông lựa lời:

         - Bà có thấy chú Việt nhà tôi nó làm sao không?

         - Làm sao là làm sao? Bà Toe hỏi lại.

         - À, ý tôi nói là chú ấy vẫn bình thường chứ? Ông Hùng ấp úng.

         - Chả bình thường thì sao? Chú ấy khoẻ ra, vui hơn trước khối ấy chứ.

         Nỗi hồ nghi trong ông Hùng lại nhân lên. Cuối cùng, không đừng được, ông Hùng đành hỏi thật bà Toe về cái chuyện mà vợ ông đã hỏi ông. Nghe xong bà Toe trừng mắt:

         - Bố láo! Toàn những đứa bố láo đơm điều đặt chuyện. Làm gì có việc đó! Tôi ở với chú Việt tôi biết chứ. Cả nhà cô Loan nữa. Họ toàn những người đứng đắn nghiêm túc cả đấy. Phỉ phui vào mồm cái đứa nào dựng chuyện nhá! Chẳng thương người ta hoạn nạn lại dỗi hơi đặt chuyện. Đúng là vô công rồi nghề làm tan cửa nát nhà người khác.

         - Có đúng thế thật không hả bà?

         - Chả đúng lại không à? Chuyện khác bảo tôi còn ru ri tí chút chứ chuyện này thì một trăm phần trăm đấy. Tôi nói sai tôi chết. Làng này chẳng có ai tốt như chú Việt nhà chú đâu. Tôi mà nghe được đứa nào nói láo như chú thì tôi đập vỡ miệng nó ra.

         Ông Hùng giật mình. Cái bà này... ăn với nói. Mình nói láo bao giờ. Bất chợt ông nhớ tới những điều vừa kể cho bà ấy. Tự nhiên ông khẽ tủm tỉm cười. Thì ra là thế...
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG

(tiểu thuyết - chương 14)

http://i1171.photobucket.com/albums/r558/xuanthupto/IMG_0293.jpg?t=1342147368




Sau ngày bán tống bán táng đàn lợn bột, tiếp đó là hoá giá nốt đàn lợn nái, rồi tổ chăn nuôi cũng giải thể thì khu trại chăn nuôi của hợp tác vắng lặng hẳn đi. Mấy dãy chuồng trống huơ trống hoác đìu hiu trong gió đông. Không tiếng lợn rít kêu đòi ăn. Không tiếng gà gáy trưa gáy sáng. Cả tiếng con mực của ông Tu cũng không thấy đâu. Mọi ngày khách ra khác vào liên tục nên nó hay nhấm nhẳn sủa hoắng lắm. Giờ đây thì có ma nào đến nữa. Ở trại chỉ còn có ông Tu và Huê.

       Ông Tu vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ. Bảo vệ chó gì mấy cái gian nhà trống đó. Không có hơi người, hơi lợn nên vốn đã xập xệ rồi bây giờ chúng lại càng bễ bã hơn. Thỉnh thoảng những viên ngói cứ tự động rơi xuống nền vỡ tung toé. Cỏ dại thi nhau mọc len lỏi bò lên cả nền xi măng lạnh ngắt. Chuồng lợn, hố phân ẩm mốc hôi hám. Chuột cống, chuột chù đủ loại rinh rích đuổi nhau cả ban ngày. Mèo hoang đêm đêm tụ tập gào khản tiếng nghe mà phát sợ. Khu tập thể phên liếp cũng phập phành. Bọn trẻ trâu tha hồ lấy chỗ làm nơi ẩn nấp chơi trò trốn tìm. Nhiều hôm lão Tu cũng chán cảnh bỏ vào làng chơi. Con mực thấy thế cũng lũn cũn theo chủ nó. Cả khu trại hoang tàn, lạnh lẽo.

         Cùng với ông Tu ở trại còn có Huê. Huê kiên cường bám trụ. Suốt ngày đêm cô quanh quẩn ở trại để chờ ban quản trị thanh lý hoá giá nốt những thứ có thể bán được. Việc này có thể giao cho ông Tu là xong nhưng vì còn một số hoa màu, lại cả ao cá nữa nên Huê không thể đi được. Với lại, trong thâm tâm Huê cô còn lưu luyến khu trại này lắm. Gần chục năm trời gắn bó với nó giờ chẳng lẽ rũ áo về không. Bao kỷ niệm lẽ nào chốc lát mà bỏ đi ngay được. Phải, chính nơi này, ở chính cái gốc cây rơm kia Huê đã trở thành đàn bà. Hai lăm tuổi bước qua ranh giới thiêng liêng của đời người con gái ấy không phải quá sớm cũng không phải là quá muộn song có điều là nó chẳng đi đến đâu, chẳng đem lại kết quả gì. Giờ đây ở vào cái tuổi “đã toan về già” này cộng với sự giải thể của trại làm Huê cảm thấy xót xa quá, chông chênh quá. Khi kịp nhìn lại mình thì...


http://i1171.photobucket.com/albums/r558/xuanthupto/IMG_0255.jpg?t=1342147820


Đã bao lần Huê tự nhủ phải dứt khoát với Dụ thế mà vẫn không dứt nổi. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà Huê đang hụt hẫng thì hơn lúc nào hết cô lại càng cảm thấy cần có Dụ. Khổ nỗi, ở cái nơi vắng vẻ này, giời cũng như tạo điều kiện, tiếp tay cho họ. Hai người lại càng có dịp thoả mãn nhau hơn. Thì có ai vào đây nữa mà sợ? Mấy đứa trại viên đã về làm ruộng. Ông Tu thì cũng đấp đoảng. Cả cái “doanh trại” không người này nằm trong tay Huê. Vừa là trách nhiệm vừa là sự tự do để Huê và Dụ đến với nhau. “Giời sinh ra thế mà lị”, những lúc ân ái với Huê xong, Dụ phởn phơ hay nhắc lại câu nói đó.

         Nhớ lại đêm trăng tháng trước, Huê đang hí húi chuẩn bị bữa cơm tối thì ông Tu đến. Ông dặng hắng:

         - Tối nay cô Huê ở đây chứ?

         - Vâng ạ. Có việc gì vậy bác?

         - Cô trực giúp tôi nhé. Tôi về nhà bàn chuyện vợ con cho thằng cháu.

         Nói xong, chẳng biết Huê có đồng ý hay không, ông Tu đã lóc cóc cùng con chó mực về làng. Thế là cả trại còn trơ lại mỗi mình Huê. Những năm trước phải hoàn cảnh thế này là Huê sợ lắm. Lâu rồi thành quen. Thực ra, cô đã coi đây là nhà của mình. Về nhà cô trong làng ư? Bố mẹ mất rồi, gia đình chỉ có vợ chồng anh chị cả với mấy đứa cháu, Huê về đó cảm thấy như người thừa. Ở trại tự do thoải mái, không làm bận lòng ai. Hơn nữa, có mấy đứa bạn cùng trang lứa đêm hôm cám bã bên nhau tha hồ đùa vui thoả thích. Về nhà bó chân bó cẳng, chán lắm. Thế là trại chăn nuôi hợp tác biến thành nhà của Huê lúc nào cô cũng không biết nữa. Cho nên, khi trại giải thể chị em trong tổ người nào người ấy về nhà mình thì Huê một mình ở lại trại cũng là lẽ đương nhiên. Với lại, tiếng là trại nhưng cũng chỉ cần ới một tiếng là người ở nhà gần nhất với trại có thể nghe thấy rồi.

         Cơm nước xong, Huê sửa soạn đi tắm. Xách ấm nước sôi, cầm cái chậu và bộ quần áo ra giếng, Huê pha nước tắm. Trời mấy ngày nay ấm áp song Huê vẫn cẩn thận pha tí nước sôi vào chậu. Sau đó, cô nhẹ nhàng cởi hết quần áo một mình phô diễn vẻ đẹp dưới trăng. Huê là một phụ nữ vừa xinh lại vừa đẹp. Các chỉ số đo bằng mắt dễ làm người ta hiểu lầm cô là người phố thị. Khi Huê mặc bộ quần áo chẽn nẩy kim tuyến thì những nét thế mạnh của phái đẹp hằn lên trông rất rõ. Khi Huê choàng nhẹ bộ đồ ngủ nhã màu mỏng tang để nguỵ trang cái nõn nà phía bên trong thì những đường con gợi cảm ấy cũng không sao mà giấu được. Cùng nữ giới với nhau mà khối người vẫn tò mò soi kỹ cơ cấu kiến trúc mà trời đã ban cho phái họ ở nơi chị. Còn nam giới thì chẳng ai phớt qua được mỗi khi gặp Huê. Chính vì cái sắc trời cho ấy mà cô đâm ra tự kiêu. Cộng với máu làm kinh tế, làm cán bộ, lao đầu vào chính trường, làm giàu mà giờ đây Huê vẫn phòng không. Đàn ông họ tinh lắm. Loại người như Huê, chơi thì được chứ lấy làm vợ thì... cũng phải tính kỹ cái đã.

         Tấm thân ngọc ngà của Huê rờ rỡ dưới trăng. Trăng rằm đêm nay sáng quá. Mùa đông mà có những đêm trăng như thế này thực hiếm. Tuy hơi lạnh song nhờ có nước ấm lại thoả thích một mình tắm trăng nên Huê cứ đứng ngang nhiên phơi mình trên sân giếng. Thì trại này có ai đâu mà phải vào nhà tắm? Ánh trăng rọi lên người Huê lấp loáng. Thân thể cô đùa rỡn cùng ánh trăng.

         Huê đâu biết rằng, Dụ đã đến tự lúc nào. Dựng khẽ chiếc xe đạp vào bờ rào, Dụ bước vào phòng. Chiếc đài bán dẫn Huê mở vẫn oang oang. Dụ nhìn khắp lượt căn phòng tìm Huê. Không thấy cô đâu. Chợt Dụ nghe thấy tiếng dội nước bì bõm ngoài giếng, anh rón rén bước ra nhẹ êm như con mèo rình mồi. Trước mắt anh, một toà thiên nhiên tuyệt mỹ rờ rỡ dưới trăng. Mặc dù đã nghi ngơ ở quán tay “Tư ba toa” song suýt nữa Dụ kêu lên trước cảnh đó. Đẹp! Đẹp quá! Đẹp vô cùng! Dụ nép vào bụi chuối ngây người ra ngắm Huê. Ba mươi tuổi mà thân hình Huê vẫn bốc lửa thế kia ư? Tất cả phơi bày hiển hiện rõ ràng thế kia ư? Dụi mắt mấy lần để nhìn lại cho rõ, Dụ vẫn thấy đúng như thế. Mọi lần tình tự chớp nhoáng với Huê, Dụ đâu được chiêm ngưỡng toàn phần cái cảnh này như đêm nay được.

       Ngay cả Loan vợ anh, Dụ đã bao giờ có được diễm phúc ấy. Ngỡ tưởng giành được Loan về mình, qua năm tháng chung sống vợ chồng Dụ sẽ đánh thức được tình yêu trong cô ấy, nào ngờ càng ngày Loan càng như vô cảm. Lấy được Loan là cả một kỳ công đối với Dụ. Tấn công mẹ Loan, xun xoe họ hàng nhà Loan, đưa tin thất thiệt về Việt, rồi đến cả việc giấu biệt những lá thư của Việt gửi về cho Loan. Cũng may, ngày đó, ông Dẫn, anh trai Dụ làm bưu tá xã đã ủng hộ Dụ trong cái kế hoạch chiếm đoạt và giữ chặt Loan. Bao nhiêu thư từ của Việt gửi về cho Loan đều được hai anh em đồng lòng giấu biệt. Cho nên khi gặp Việt ở trại thương binh, vợ chồng Dụ lúc đó đã có hai mặt con, Dụ vững tin ở cái gia đình mà anh tạo dựng lắm. Thế mà, từ hôm đó trở đi, Loan như thu người lại, vô cảm với anh trong quan hệ vợ chồng. Trước một “cái xác không hồn” ấy, Dụ cũng mất cả hứng thú. Cái Trang ra đời chỉ là kết quả của quy luật sinh tồn nòi giống tự nhiên chứ chẳng có tí tình yêu nào. Cô ấy lại tỏ ra quan tâm chăm sóc tới Việt, thường xuyên cạo gió cho Việt. Chẳng biết gió máy ở đâu, có cạo gió thật không hay là...? Đến cái vụ lợn đực giống gặp Huê ở gốc cây rơm trại này, Dụ đã tìm được nguồn vui mới. Từ đó, Dụ cũng bất cần, thỉnh thoảng lại thậm thụt với Huê. Thì đẹp thế kia cơ mà, hấp dẫn thế kia cơ mà, ai mà đừng được? Giời sinh ra thế, giời cho được thế mà lỵ.

      Chờ cho Huê kỳ cọ tắm táp xong, đến đoạn lau người, Dụ mới nhón chân bước ra khỏi bụi chuối. Anh lẻn đến phía sau Huê rồi bất ngờ dang rộng hai tay ôm chặt lấy cô. Huê giật bắn mình ú ớ. Dụ nhanh trí:

- Anh đây! Dụ đây! Đừng sợ!

Huê cố cựa mình quay lại:

- Gớm, làm em hết cả hồn. Đến từ lúc nào thế?

- Từ lúc pha nước tắm.

- Dơ! Nhìn hết của người ta rồi còn gì. Buông ra cho người ta mặc quần áo.

- Buông này!

Dụ ghì chặt lấy Huê hôn lấy hôn để lên khắp người cô rồi bế xốc cô lên chạy phăng phăng vào phòng. Quăng Huê lên giường, Dụ đè lên ngấu nghiến. Huê giãy rụa, cười sằng sặc vì buồn.

- Từ từ đã. Xem có ai không nào?

- Mặc kệ. Chẳng có ma nào đâu.

         Dụ vừa nói vừa hấp tấp cởi quần áo. Hai thân thể quấn lấy nhau. Háo hức. Hùng hục. Hổn hển. Họ như tan vào trong nhau.

        Vật vã với nhau một lúc xong, họ buông nhau nằm ườn ra giường. Mãi sau, Huê mới nhỏm dậy vấn tóc và tìm quần áo mặc. Dụ lật người nằm sấp, hai tay chống cằm ngắm Huê.

- Thôi nào. Dậy mặc quần áo vào kẻo ông Tu về lại chết bây giờ.

- Còn lâu nhá. Đêm nay ông Tu về nhà bàn việc cưới cháu.

      Dụ nheo mắt cười thoải mái.

- Sao anh biết?

- Thì người ta lúc chiều ở đó còn gì. Tối nay gia đình ông ấy họp trù bị lo việc, anh vô tình đi qua nên biết. Vì thế, lúc nãy mới tưng bừng thế chứ.

- Chết cái anh này. Đúng là ma xó - Huê dí ngón tay vào trán Dụ.

- Thôi, dậy mặc quần áo vào. Trông thế buồn cười lắm. Không rét à?

- Rét gì? Ở bên em rét thế nào được.

        Nói vậy, Dụ cũng nhỏm người dậy mặc lại áo xống.

- Có gì ăn không cho anh ăn với. Đói quá?

- Tưởng cơm no rượu say nhà tay Tư ba toa rồi cơ mà?

- Phải. Dưng mà lúc nãy quần nhau bây giờ lại đói cha nó rồi - Dụ bỗ bã.

- Ai bắt?

         Hai người lại xì xụp luộc trứng gà. Khoản này ngày trước sẵn lắm. Từ ngày giải thể trại đến giờ tuy không đến nỗi hết sạch song cũng chẳng còn thoải mái như trước. Huê còn mấy con gà dở công dở tư nên vẫn đủ trứng cho cô chưng ăn và bồi bổ cho Dụ. Vừa ăn Huê vừa hỏi Dụ:

         - Anh định để em chết già ở cái trại này à?

         - Chết là chết thế nào? Ban quản trị đang chuyển đổi cơ chế.

         - Chuyển thế nào? Nhanh nhanh lên chứ?

         Dụ trầm ngâm:

         - Chưa biết được. Nhưng anh sẽ tham mưu cho ông Hải giữ lại cơ sở vật chất khu này. Chỉ thanh lý số chuồng hỏng thôi. Còn đất đai, ao hồ, kho trại dứt khoát phải giữ lại.

         - Giữ lại làm gì?

         - Em ngốc lắm. Giữ lại cho em đấy chứ còn làm gì nữa.

         - Anh nói gì em chưa hiểu?

         - Thế mới ngốc - Rồi Dụ giảng giải - Này nhé, giữ lại làm kho hợp tác.

         - Làm kho hợp tác - Huê cắt ngang - Hợp tác xã có gì đâu nữa mà kho với chả quỹ?

         - Đúng là...là.... Hợp tác có thóc lúa, ngô, khoai, có đỗ lạc, rồi đạm, lân, ka ly, thuốc trừ sâu... Bao nhiêu thứ chứ em tưởng. Thì mấy cái kho khu trên chả đầy những thứ đó là gì? Vật tư ở huyện về chở từ dưới này lên nhập vào kho, rồi đến khi xuất cho xã viên khu dưới họ lại phải lên tận kho trên đầu xã để gánh gồng về. Thế có phải bất tiện không? Tại sao không dựa vào cơ sở vật chất của trại này cải tạo nó đi mà làm kho cho nửa hợp tác xã phía dưới?

         - Hay! Hay quá! Anh đúng là nhà thông thái. Thế mà chẳng ai nghĩ ra.

         Huê reo lên tán thưởng. Dụ bình tĩnh phân tích tiếp:

         - Em sẽ làm thủ kho cái kho này. Giả dụ sau này có giải tán hợp tác xã đi chăng nữa thì khi hoá giá khu này, em phải mua được nó chứ còn ai vào đây nữa? Nó phải thành đất, thành nhà của em. Phải lo cho mình sau này chứ, đúng không?

         Huê sững sờ trước sự tính toán của Dụ. Cô lao đến ôm chầm lấy Dụ hôn chùn chụt lên má anh.

         - Anh quả là nhà kinh tế tài ba. Dứt khoát khoá tới em phải giới thiệu anh làm chủ nhiệm.

         - Thôi thôi em ơi! Đừng vội nịnh anh. Anh chỉ làm cấp phó thôi. Cấp phó đỡ phải lo, đỡ phải bị người ta dòm ngó. Và... để dễ được gần em.

         - Ừ thì cấp phó. Dưng mà... bao giờ thì cái dự định của anh thành hiện thực? Liệu ban quản trị họ có nghe không? Ông Hải có duyệt không?

         - Nghe chứ. Duyệt chứ. Hợp lý như thế, kinh tế như thế cơ mà.

         - Nhưng em hỏi là bao giờ?

         - Chắc chỉ  nay mai. Để phiên họp tới anh đề xuất xem sao.

         - Thôi. Không nói chuyện đó nữa. Bây giờ em hỏi anh, chuyện gia đình anh thế nào rồi?

         - Chuyện gì?

         Dụ ngơ ngác hỏi. Huê bực mình:

         - Chuyện vợ anh ấy? Chuyện của em với anh ấy? Chẳng lẽ cứ thế này mãi sao?

         - Khổ lắm. Đã bảo từ từ cho người ta tính.

         - Từ từ. Anh bảo từ từ đến bao giờ nữa? Bốn năm năm rồi cứ thậm thà thậm thụt thế này mãi à? Em không chịu được nữa đâu. Em làm toáng lên đấy.

Huê cáu tuôn ra một tràng. Dụ hốt hoảng xua tay:

         - Anh xin. Bình tĩnh đã. Không hỏng hết việc bây giờ.

         - Em không bình tĩnh được. Mặc xác anh.

         Huê phụng phịu hờn dỗi. Dụ nhỏ nhẹ:

         - Được rồi! Được rồi! Anh hứa sẽ thu xếp sớm. Thì đấy, người ta chả lo đất, lo nhà, lo việc làm cho đấy rồi còn gì. Tương lai ở đấy chứ còn ở đâu? Có phải không lo đâu mà em vội...?

         Dụ buông lửng câu nói. Huê nghe thấy xuôi xuôi. Quả thật những điều Việt nói ban nãy là anh ấy lo cho cô đấy chứ. Cũng phải thông cảm cho anh ấy, việc quan hệ này nó khó lắm, đâu phải nói cái là xong ngay được. Phá bỏ cái cũ, xây dựng cái mới đâu phải chuyện dễ. Đến khu trại này cả tập thể bàn, cả tập thể lo còn nát nước nữa là.

         Còn Dụ cũng đã nghĩ chán đến vấn đề này rồi. Bỏ Loan ư? Có lẽ chẳng bao giờ. Ba mặt con với nhau, cô ấy lại chưa làm điều gì để anh và họ nhà anh phải chê trách. Quan hệ với Việt ư? Chỉ là đồn đại, nghi hoặc vớ vẩn. Thực ra thì cũng chỉ có vài người phao tin thôi. Dụ ghen tức mà thổi lên cho nó ghê ghớm chứ nào đã bắt được tận tay. Thì mình cũng còn thế nữa là. Nhưng cái điều Dụ quan tâm hơn cả, anh không muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình không phải vì ba cái chuyện ghen tuông vớ vẩn nọ mà cái chính là Dụ muốn giữ cho yên ấm gia đình để còn thăng tiến. Cán bộ như anh mà bỏ vợ ư? Thế thì quy hoạch phát triển được nữa không? Anh lại đang trên đà thăng tiến, đang vào “vòng ngắm” của lãnh đạo. Chả lẽ vì gấu váy đàn bà mà tan sự nghiệp? Không đời nào. Mình sẽ tìm cách giãn dần Huê. Mà sao bốn năm năm trời đi lại với Huê mà cô ấy vẫn chẳng có gì nhỉ? Lấy nhau mà không có con với nhau thì lấy làm gì? Nhiều lúc Dụ muốn có con với Huê, thêm thằng cu nữa càng tốt. Lúc khác nghĩ kỹ lại anh lại thấy không cần thiết như thế. Việc Huê không chửa đẻ gì với Dụ vừa không may lại vừa may. Thôi, phải tìm cách dừng lại thôi. Chỉ có cách ấy là sáng suốt. Thương thật đấy nhưng không thể nào khác được. Một bên vợ và gia đình, một bên là người tình và sự nghiệp. Sự nghiệp chỉ có được và phát triển trên cơ sở gia đình bền vững. Đúng rồi, phải chọn cái thứ nhất. Sự nghiệp đang mở cửa chờ đón Dụ ở phía trước.

         Hai người ngồi yên lặng với nhau như thế khá lâu. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Gần chín giờ, Dụ lại lên xe đạp ra về bỏ Huê lại một mình. Lại thêm một đêm thao thức vò võ nữa với Huê. Mùa đông là mùa người ta cần hơn hết là hơi ấm của gia đình. Trong cái buốt lạnh như kim châm thấu xương thấu tuỷ người ta mới có thể hiểu được trọn vẹn giá trị của ngọn lửa ấm toả ra từ ánh mắt yêu thương trìu mến, giá trị của một mái nhà che chở, của một bát cơm nghi ngút khói. Thế mà Huê... Cô buông tiếng thờ dài nhìn hút theo bóng Dụ.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG

(tiểu thuyết- chương 15)

http://i1171.photobucket.com/albums/r558/xuanthupto/IMG_0331.jpg?t=1342147226


Dung gọi Việt bằng chú và là con gái út của ông Hùng. Ông Hùng có năm người con toàn là con gái. Cầu mong mãi một thằng con trai để nói dõi tông đường thì càng cố ông bà lại càng cho tòi ra một lũ vịt giời. Đời ông, anh em nhà ông cũng đông đàn dài lũ đấy chứ. Bảy anh chị em cả thảy. Ấy vậy mà cũng chỉ có hai người con trai. Ông là cả và chú Việt út ít khoá đuôi. Từ ngày bộ đội về bảo thế nào thì bảo cái chú “Việt cồ”, “Việt sẹo” ấy cũng dứt khoát không lấy vợ. Có lẽ chú ấy hận cô Loan. Đời thằng đàn ông chung tình như thế là tốt nhưng chung tình để đến nỗi không lấy vợ nữa, không sinh con đẻ cái nữa thì thật là quá thể. Thế là gánh nặng dòng dõi tổ tiên đổ tất lên đầu ông. Chả nhẽ dòng họ Phan Anh ở cái làng này lại đi đến chỗ tuyệt tự ư? Vô phúc quá! Thế thì phải đẻ. Đẻ cả xuất của chú “Việt sẹo” nữa. Gia đình ông đói kém cũng vì cố đẻ. Vợ chồng ông mệt mỏi cũng vì khát con trai. May mà năm chị em chúng nó hay ăn chóng lớn, đứa nào cũng đẹp, đứa nào cũng xinh. Ba đứa đầu, con Tâm, con Tính, con Tình đã yên bề gia thất. Còn con Hoà thứ tư, đã học hết cấp ba năm ngoái, hiện cũng đang có thằng rập rình tán tỉnh. Con Dung út ít năm nay học lớp chín. Mới mười sáu tuổi đầu cũng đã phổng phao xinh xẻo chẳng kém gì các chị nó. Dân làng kháo nhau không biết cái nhà Hùng Nga ấy ăn gì mà đẻ ra lũ con gái toàn những đứa xinh?

Quả thật cái Dung xinh lắm. Tuổi mười sáu trăng tròn với những đường nét cơ thể hầu như đã cơ bản hoàn thiện cộng với sự hồn nhiên ngây thơ đã làm cho Dung trở thành hoa khôi của lớp. Dung cao khoảng mét rưỡi, mét sáu gì đó. Cặp chân thon dài mặc chiếc quần bò, đi đôi dép Trung Quốc đã tôn thêm chiều cao cho Dung. Dáng đã đẹp thì mặc quần áo nào cũng đẹp. Nhất dáng nhì da, Dung được cả hai thứ đó. Quần áo bò cho Dung khoẻ khoắn, khoe hết các đường cong của cơ thể. Cặp mông tròn lẳn, bộ ngực nhu nhú nhô cao. Tay chân vung vẩy dứt khoát. Dung mặc quần áo bà ba thì nhìn Dung rất mềm mại, yểu điệu. Đặc biệt, hôm nào Dung mặc bộ đồ màu thẫm thì hết chê. Làn da trắng hồng mịn màng nổi bật qua màu áo. Chiếc cổ áo cánh sen khoanh hờ lấy khuôn ngực trắng ngần, đẩy cái cổ cao ba ngấn của Dung như thêm cao hơn. Nó trông như một cái mầm nõn nà làm bằng bột lọc trắng mịn nhú lên đầy sức sống khiến cho người ta có cảm tưởng muốn ăn ngấu nghiến ngay được.

        

          Trên cái cổ kiêu sa ấy là khuôn mặt thánh thiện của Dung. Vừa bầu bĩnh vừa thanh thoát. Nổi bật ở đó là đôi mắt. Đôi mắt Dung to, tròn, đen láy, sâu thăm thẳm. Dung đã nhìn ai thì nhìn thẳng, vừa mơ màng xa xôi, vừa gợi mở rạo rực. Những lúc nói chuyện với ai đó, có điều gì đó chưa hiểu hoặc chưa nhất trí thì Dung ngước mắt lên nhìn sâu vào đôi mắt người nói và cô khẽ “hứ” một tiếng rất ấn tượng. Dung thuộc tuýp người ít nói, hơi buồn. Được cái, Dung lại hay cười, mà cười một mình mới chết chứ. Mái tóc đen, dày, cắt ngắn ngang vai, bồng bềnh ôm lấy khuôn mặt hiền dịu dễ thương đó. Con gái ở quê mà có mái tóc như các cô gái ở phố. Trông Dung lúc nào cũng mơ mơ màng màng tận đâu đó.

Bản thân Dung cũng chưa ý thức được rằng mình đẹp. Cái tuổi của Dung nó thế. Vô tư lắm, hồn nhiên lắm. Đã biết trang điểm thế nào đâu. Quần áo mẹ sắm cho thế nào thì mặc thế ấy. Thậm chí, Dung còn mặc lại những bộ quần áo cũ của các chị. Ấy vậy mà, bộ nào cũng vừa in. Được cái, tính Dung cẩn thận, không cẩu thả. Ở nhà thì chớ chứ hễ đi ra ngoài thì bao giờ Dung cũng ăn mặc tươm tất, chải tóc gọn gàng, kiểm tra gương lược trước lúc ra khỏi nhà. Bọn bạn học cùng với Dung nhiều đứa phải thốt lên: “Mày đẹp thế này sau này đi mà làm người mẫu”.

Dung không chỉ đẹp mà còn học rất giỏi. Trong lớp, Dung thường đứng thứ nhất thứ nhì các môn. Đã thế, trời lại cho Dung giọng hát. Dung hát được các thể loại, bài nào cũng hay. Mấy bài hát thời chống Mỹ chú Việt dạy cho Dung đã làm hàng trang của Dung mỗi khi sinh hoạt chi đoàn, họp lớp, hoặc giao lưu. Dung chơi với tất cả các bạn, không phân biệt đứa nào với đứa nào. Lũ con trai thì tìm cách bâu quanh Dung, cô bí thư chi đoàn 11A xinh đẹp, học giỏi, hát hay. Bao nhiêu anh học lớp 12, cái tuổi choai choai mới lớn lại càng bám Dung hơn. Trong số đó có Quân, con ông Dụ.

Mấy năm trước hồi còn học cấp hai, Dung thường tụ tập các bạn gái thả trâu, chơi chuyền, đánh chắt trên bãi tha ma của chú Việt. Hồi đó, Dung cũng nghịch lắm, chẳng kém gì con trai. Bọn chúng thường bày trò thi hoa hậu. Giám khảo là mấy thằng con trai cùng xóm. Con gái từng đứa một phải diễu qua mặt ban giám khảo để cho bọn chúng chấm điểm. Thằng Quân, con ông Dụ là chúa đầu têu cái trò này. Nó bắt thằng Hân, con ông Thế, thò lò mũi xanh làm nhiệm vụ đo các số đo của bọn con gái cho ban giám khảo. Thằng Hân dứt sợi dây đào tiên, tuốt bỏ lá làm thước. Nó đo và đọc con số để thằng Quân ghi. Vòng ngực, vòng bụng, vòng mông, cứ như thật. Một hôm, nó đo đến Dung, chẳng biết thế nào mà thằng Quân nổi cáu:

- Mày đo thế à? Chính xác chưa?

- Thì vẫn đo như bọn cái Nụ, cái Hường chứ sao. Chả chính xác lại không à?

Thằng Hân quệt mũi cãi lại. Quân nhìn Dung xăm xoi:

- Sao số đo vòng ngực lại lớn thế? Hay mày độn cái gì à?

Quân ngờ vực hỏi Dung. Dung ngây thơ đáp:

- Đâu có. Em có độn cái gì đâu. Không tin anh cứ kiểm tra.

- Được rồi. Để tao xem.

Quân giằng lấy cái dây thằng Hân đang cầm xăm xăm bước đến bên Dung. Nó lấy tay sờ sờ nắn nắn vào người Dung. Sau đó, vòng dây để đo. Đo xong, nó phán:

- Được. Con này khá.

Ban giám khảo hội ý. Tiếng là hội ý nhưng chúng cãi nhau như mổ bò. Cuối cùng, chính thằng Quân quát:

- Hoa hậu thuộc về cái Dung. Không phải cãi nhau nữa. Thằng Hân đâu, mang vương miện lại đây cho tao.

Chẳng chờ cho ban giám khảo có đồng ý hay không, thằng Quân đã quát sai thằng Hân. Thằng Hân le te chạy cầm cái vương miện làm bằng hoa cỏ may kết lại đưa cho thằng Quân. Quân bắt cả bọn đứng thành vòng tròn xung quanh một cái mả xây thật lớn. Nó bắt cái Dung trèo lên trên nấm mộ đó. Cái Dung hoảng hốt xin nó. Thằng Quân trợn mắt quát:

- Đứng lên! Người nhận giải phải đứng ở chỗ cao trang trọng.

- Dưng mà... đây là mộ các cụ - Cái Dung gần như mếu máo.

- Các cụ cũng đứng. Có gì mà sợ?

Thằng Quân nói cứng. Cái Dung đành rón rén đứng nép vào một bên thành mộ. Thằng Quân đứng bên kia, đối diện với cái Dung. Đoạn, nó e hèm như kiểu mấy ông cán bộ xã chuẩn bị đọc báo cáo.

- Thay mặt ban giám khảo, tôi xin tuyên bố cô Phan Thị Kiều Dung...

- Thu Dung chứ!

Đứa nào bậm bực cắt ngang lời nó. Thằng Quân dừng lại ngó:

- Thu hay Kiều cũng được. Ừ, thì Thu. Vâng, thưa các quý vị, cô Phan Thị Thu Dung đã đỗ hoa hậu của làng La Hương trong cuộc thi hôm nay. Sau đây là lễ trao vương miện và quà tặng của ban tổ chức.

Hai tay nó nâng chiếc vương miện được làm bằng những cọng cỏ may và dây đào tiên kết lại. Trên chiếc vương miện này có gắn mấy bông hoa mua tím trông rất ngộ nghĩnh và đẹp. Nó trịnh trọng đặt chiếc vương miện lên đầu cái Dung. Đồng thời tiếp theo đó, nó cầm củ sắn nướng làm quà tặng thưởng đưa cho Dung. Cả bọn reo hò vỗ tay rầm rầm. Cái Dung mặt đỏ bừng cười hớn hở. Sau đó, nó bẻ củ sắn chia cho mỗi đứa một miếng. Chúng ăn nhồm nhoàm, mồm miệng đứa nào đứa ấy đen nhem nhẻm.

Chán trò, lũ con trai toả đi chơi trận giả. Bọn con gái trở thành đội quân hậu cần phục vụ chúng nó. Đứa nào thắng thì được lấy hoa hậu làm vợ. Cái Dung nhiều lần đã phải làm vợ thằng Quân. Chú Việt rào rậu, cuốc xới gần đấy nhiều khi nhìn bọn chúng cũng phải phì cười. Kể cũng vui, có lũ trẻ bãi tha ma đỡ hiu quạnh hẳn. Nhiều hôm, chúng không chơi trò gì mà xúm vào giúp chú Việt nhổ cỏ, trồng hoa. Đứa thì đọc sách, đứa thì đòi chú Việt dạy hát, kể chuyện. Cũng lắm bữa, bọn chúng đùa giãy quá, anh phải quát mỏi cả mồm.

Lên đến cấp ba, những trò tinh nghịch đó đối với Quân và Dung không còn nữa. Bọn nhóc mới lớn trong xóm đã kế thừa những trò ma quỷ đó. Tới lớp 11, lớp 12 thì cả Quân và Dung đều cảm thấy e thẹn, xấu hổ và ngượng ngùng khi nhắc tới chuyện cũ. Hai đứa rất ngại gần nhau. Gặp nhau, chúng chỉ đưa mắt cho nhau. Ánh mắt ấy nói hộ chúng bao điều. Riêng Quân, sang học kỳ hai của lớp 11, khi giọng nói của nó đã vỡ ra, trên mép nó đã xuất hiện lớp lông tơ lún phún như râu thì nó cảm thấy bạo dạn trở lại. Nó hay tìm cách tiếp cận Dung. Còn Dung, trái tim thiếu nữ tuổi mười sáu cũng đã bắt đầu rung động thực sự . Nó hay vẩn vơ nhớ tới thuở chăn trâu cắt cỏ, nhớ đến Quân. Chúng đã ngầm thư từ cho nhau. Đứa học sáng, đứa học chiều, hộp thư là cái hốc trong gốc cây phượng già ở góc sân trường.

Mặc dù là khác lớp, Quân lớp 12 học sáng, Dung lớp 11 học chiều song tất cả ánh mắt, việc làm của hai đứa đều không qua được con mắt của lũ bạn cùng lớp. Chúng gán ghép hai đứa với nhau. Sức học của chúng giảm sút hẳn. Nghe được tin này, Việt thẫn thờ nửa mừng vui, nửa lo lắng. Một bên là cháu ruột, một bên là con của người yêu cũ. Vui vì nếu chúng nó thương yêu nhau thực thì tốt quá, thành con cháu một nhà. Lo vì chúng còn trẻ quá, lại đang học, lao vào yêu đương sớm thế bỏ hết cả sự nghiệp. Anh chưa biết xử trí ra sao.

Một hôm, anh gọi Dung đến:

- Chú hỏi điều này, cháu phải nói thật với chú.

- Gì vậy chú? Sao chú rào đón ghê thế làm cháu lo lo là.

Dung ngơ ngác ngước mắt nhìn chú nó chờ đợi.

- Có phải cháu với thằng Quân tình ý với nhau không?

Mặt Dung đỏ bừng. Nó bặm môi im lặng.

- Có không?

Việt sốt ruột hỏi lại. Mãi sau Dung mới lí nhí:

- Dạ, chúng cháu chỉ mến nhau thôi ạ.

- Được. Nhưng nghe chú đây. Các cháu còn trẻ, lại đang đi học. Yêu đương sớm nó hư người ra đấy. Hãy giữ lấy tình bạn tốt đẹp để mà tập trung vào học hành, mai kia lớn hãy hay.

Anh còn nói khá dài với Dung. Con bé chỉ im lặng đứng nghe. Cuối cùng, Việt đe cháu:

- Chấm dứt ngay việc yêu đương vớ vẩn trẻ con ấy đi nhé. Tập trung vào mà học. Không có chú đánh cho nhừ đòn đấy. Được chưa?

- Dạ, vâng ạ! Dung ngoan ngoãn đáp lời.

- Nhớ đấy nhé. Phải nghe lời chú - Việt nhắc lại.

Từ hôm đó trở đi, Việt luôn để mắt đến hai đứa. Anh luôn tìm cách tách chúng ra. Việt còn nói gần nói xa cho Quân biết. Quân cũng lang lảng chẳng dám đến gần với Việt nữa.



         - Chú Việt ơi! Chú Việt!

         - Cái gì thế?

         Việt đang lúi húi dặm lại mấy cây duối hàng rào thì có tiếng gọi giật giọng của cái Hường. Anh vội dừng tay quay lại. Cái Hường lắp bắp:

         - Ch..u...chú ơi! A...n...A...nh... Quân bị ...bị... tai nạn ôtô!

         - Sao?

         Việt trợn mắt hỏi lại. Cái Hường mếu máo:

         - Anh Quân bị... bị... ôtô nó... nó đâm vào rồi!

         - Ở đâu? Lâu chưa?

         - Ngoài kia kìa chú. Vừa mới xong.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

Tiếp trang 15


Việt quẳng con dao, bỏ mặc cái Hường đứng ở đó và chạy vù đi. Từ nghĩa địa ra đường quốc lộ không xa lắm nên chỉ mấy phút sau anh đã có mặt ở hiện trường. Mấy đứa học sinh cùng lớp với Quân đang xúm xít quanh chiếc ôtô. Việt rẽ bọn chúng lao tới. Thằng Quân nằm ngay đầu xe. Người nó bê bết máu. Chiếc xe đạp rúm ró. Tiếng bọn trẻ nhao nhao:

         - Sợ quá! Tao thấy đánh nhoằng một cái, ngoảnh lại đã thấy thằng Quân nằm còng queo rồi.

         - Mả bố cái thằng lái xe chứ. Thằng Quân đã tránh vào đến tận đây rồi mà nó còn đâm vào.

         - Đứa nào vào bế nó lên đi.

         - Chớ! Giữ nguyên hiện trường!

         - Giữ gì mà giữ! Phải cứu lấy người đã! Cứ để nguyên chiếc xe đạp ở vị trí cũ đấy là được.

         Mỗi người mỗi ý xi xao. Người xe ùn tắc cả lại. Việt lao vào ôm lấy thằng Quân. Người nó mềm nhũn trên tay anh. Có một chiếc xe gíp đi tới. Anh bế Quân đứng chắn ngay đầu xe. Lái xe ngoái cổ ra:

         - Tai nạn à?

         - Vâng! Nhờ bác tài đưa cháu nó đi bệnh viện giúp cái.

         - Xa không?

         - Chục cây số. Bác làm ơn...

         - Ơn huệ gì. Lên xe nhanh lên.

         Vừa nói, bác tài vừa mở cửa xe. Việt bế thằng Quân lựa thế chui vào. Anh ngoái cổ ra nói với mấy đứa học sinh:

         - Đứa nào về báo cho bố mẹ Quân biết ngay nhé. Chú đưa nó lên bệnh viện huyện. À, cử người giám sát, trông nom chiếc ôtô đấy. Nhớ giữ nguyên hiện trường.

         Chiếc xe quay đầu lại mang Việt và Quân vù đi. Mọi người vẫn không khỏi nhốn nháo.

         Lên tới bệnh viện huyện, Việt ôm Quân chạy thẳng vào phòng cấp cứu. Các bác sỹ xúm lại. Mỗi người mỗi việc triển khai. Áo Việt bê bết máu. Ngồi ở phòng chờ mà ruột gan anh như lửa đốt. Thỉnh thoảng anh lại ghé mắt nhìn qua khe cửa kính vào xem các bác sỹ xử lý. Căn phòng sực mùi ê te xông lên mũi anh. Tiếng dao kéo lách cách. Ở trong phòng, mấy vị bác sỹ áo trắng bịt khăn kín mặt ra hiệu cho nhau. Việt cố phán đoán tình hình song cũng chịu.

         Lát sau, một bà bác sỹ từ trong phòng đi ra. Bà ta rút chiếc găng tay và gọi:

         - Ai là người nhà bệnh nhân đây?

         Việt chạy tới:

         - Tô...tôi. Tình hình thế nào hả chị?

         - Gãy xương sườn. Mất nhiều máu lắm. Có khi phải mổ đấy.

         Vừa lúc đó thì tiếng kêu khóc ở ngoài cổng bệnh viện:

         - Ới Quân ơi là Quân ơi! Con đi đứng thế nào mà đến nông nỗi này thế hả?

         Việt ngoảnh ra. Loan và mấy người nữa hớt hải chạy tới. Trông thấy Việt, Loan kêu lên:

         - Thằng Quân đâu anh Việt? Khổ thân con tôi!

         Bà bác sỹ nhắc nhở:

         - Đề nghị chị bình tĩnh. Cháu nó không sao đâu.

         Loan nức nở:

         - Trăm sự nhờ các bác sỹ. Cho em vào thăm cháu một tí.

         Nói xong, Loan xăm xăm bước lại cửa phòng cấp cứu. Bà bác sỹ nói với Việt:

         - Anh ra giữ chị nhà lại. Đừng làm ồn. Để chúng tôi làm việc.

         Việt ra dìu Loan.

         - Bình tĩnh Loan. Không sao đâu.

         Loan ngước mắt nhìn Việt. Đôi mắt chị đỏ hoe, nước mắt ràn rụa. Việt dìu Loan ra chiếc ghế nhà ga dài dựng ở hành lang phòng cấp cứu. Mấy người nhà Loan đang hí húi ghé mắt qua khe cửa nhìn Quân. Phía đằng này, Việt vẫn đang cố sức ghì giữ Loan. Loan rũ rượi nức nở. Chị gục đầu vào vai Việt rên rỉ:

         - Anh Việt ơi! Cứu lấy con.

         - Được rồi! Em phải bình tĩnh chứ!

         Loan ngoái nhìn mọi người đang bâu lại cửa phòng khám. Chị ơ hờ vào tai Việt thổn thức:

         - Anh Việt ơi! Cứu lấy thằng Quân! Nó là... con... con của... chúng ta đấy!

         - Sao? Loan bảo sao? Việt ôm lấy hai vai Loan lắc mạnh.

         - Nó...nó... là... con... con anh đấy!

         Loan nhắc lại. Tai Việt ù đi. Người anh chênh chao. Có cái gì đó rất lạ buôn buốt chạy dọc theo sống lưng. Vẫn không tin ở tai mình, Việt hỏi lại:

         - Cái gì? Loan nói lại cho tôi nghe đi!

         Loan rũ ra ơ hờ:

         - Nó là con... của... chúng ta đấy, anh Việt ơi!

- Thật không? Việt ôm lấy hai vai Loan lắc mạnh.

Loan ngước nhìn anh gật đầu và thì thầm rên rỉ:

- Anh lo việc cứu nó đi. Đừng hé ra cho ai biết điều em vừa nói vội, nghe anh.

         - Thế Dụ đâu?

         - Nhà em đi họp huyện.

         - Đã có ai báo cho cậu ấy chưa?

         - Rồi anh ạ.

         - Người nhà bệnh nhân đâu rồi?

         Tiếng bác sỹ hỏi. Một người trong nhóm chỉ vào Loan:

         - Kia, mẹ cháu kia ạ.

         Việt dìu Loan chạy lại.

         - Thế còn anh là bố cháu?

         Vị bác sỹ chỉ vào Việt. Việt ấp úng:

         - Dạ. Vâng. À không? Tôi... Tôi là người nhà của cháu thôi ạ.

         - Cháu bị gãy xương sườn - Vị bác sỹ nói - Chúng tôi sẽ phải mổ cho cháu. Có điều cháu mất nhiều máu quá, phải tiếp máu. Máu của cháu thuộc nhóm máu AB. Hiện tại bệnh viện chúng tôi không có loại máu này. Vậy gia đình ai có nhóm máu cùng với cháu thì chuẩn bị để tiếp máu cho cháu.

         - Đâu? Thằng Quân đâu rồi? Con ơi!

         Vừa lúc đó, Dụ cũng hớt hải chạy tới. Mọi người xúm lại kể vắn tắt sự việc cho Dụ nghe. Dụ cho biết tan cuộc họp xong, vừa dắt xe ra cổng huyện để về thì nhận được tin dữ, anh liền chạy ngay sang đây. Bà bác sỹ nói qua tình hình của Quân và yêu cầu người nhà chuẩn bị kiểm tra máu để tìm nhóm máu hợp truyền cho Quân. Mấy người nhà của Dụ hăng hái theo một vị bác sỹ lên phòng xét nghiệm. Chợt nhìn thấy Việt, Dụ lại gần chào.

         - Chào ông Việt! Ông chứng kiến từ đầu à?

- Không. Tôi... chỉ bế cháu lên đây thôi.

- Nó có nặng lắm không hả ông?

- Thì ông chẳng nghe bác sỹ họ nói đấy là gì.

Việt nhẹ nhàng nhắc lại. Dụ cáu cẳn:

- Mẹ cha nó chứ. Phen này thì ông cho rũ tù. Xe với chả cộ.

Việt thoáng giật mình. Tưởng hắn quát mình thì ra hắn chửi thằng lái xe.

- Không có ai hợp nhóm máu với cháu. Bố cháu đâu, lên kiểm tra xem nào?

Tiếng ông bác sỹ xét nghiệm gọi tới. Loan giục Dụ:

- Anh lên kiểm tra đi.

Dụ vội vã lên phòng xét nghiệm. Còn lại hai người, Việt nhìn sâu vào mắt Loan. Loan vẫn tỏ vẻ lo lắng. Chị vẫn rên rỉ:

- Khổ thân con tôi! Lạy giời cho con tôi qua khỏi!

Một lát sau, Dụ thất thểu đi xuống:

- Vẫn không hợp Loan ạ. Biết làm sao bây giờ?

- Để tôi đi xem sao?

Việt hăng hái lên phòng xét nghiệm. Thâm tâm anh muốn cứu Quân và tận sâu xa hơn nữa anh muốn kiểm tra thông tin của Loan.

Đám người nhà Loan Dụ túm tụm với nhau thì thầm lo lắng. Những giây phút đợi chờ căng thẳng đến nghẹt thở. Anh Việt mà không cùng nhóm máu với nó nữa thì phải về gọi thêm người lên vậy. Thế nhưng, vẫn không có thì sao? Chuyển lên tuyến trên liệu có ổn? Tám chín giờ tối rồi, đêm hôm biết sao đây? Bao nhiêu câu hỏi xoáy vào tim óc mọi người. Không khí thật căng thẳng.

Mãi một lúc lâu sau, vị bác sỹ xét nghiệm mới ra khỏi phòng. Mọi người xúm lại:

- Có được không bác sỹ?

- Tình hình thế nào hả bác sỹ?

Vị bác sỹ tháo khẩu trang ra và nói:

- Phúc tổ cho nhà các vị, anh ấy có nhóm máu AB hợp với nhóm máu của cháu. Loại này hiếm lắm đấy. Chúng tôi đang cho lấy máu của anh ấy để chuẩn bị cho ca mổ. Rõ khổ! Thương binh mặt mũi nhăn nheo còn tí máu giờ lại phải hiến cho cháu.

Mọi người thở phào. Dụ kêu lên nho nhỏ:

- Ông Việt ơi! Tôi phải cảm ơn ông nhiều lắm!

Ca mổ được tiến hành nhanh chóng. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Quân đã qua cơn hiểm nghèo. Nó đang chìm trong giấc ngủ sau mổ. Sau khi cảm ơn kíp mổ, Dụ nói với đám người nhà:

- Thôi bây giờ để mẹ cháu ở đây. Các bác, các chú về đi. Về kẻo ở nhà lại sốt ruột - Quay sang Việt, Dụ nói - Cảm ơn ông Việt nhiều lắm. Ông cũng về tắm giặt đi, cả ông Hào nữa.

Loan cắt ngang lời chồng:

- Cả anh cũng về đi. Về xem người ta giải quyết thế nào. Em với mợ Hiền ở đây là được rồi. Bác Hào đèo bác Việt về với kẻo bác ấy vừa mất máu nhỡ sao lại khổ. Đêm nay bác sang trông cậu Quang giúp em để cho mợ Hiền ở trên này với cháu.

Loan nhìn xoáy vào mắt Việt ý nhị. Việt như một cái máy. Người anh lâng lâng. Lâng lâng vì mất máu. Lâng lâng vì  một sự thật quá thiêng liêng vừa mới đến với anh. Kể cũng lạ, mọi ngày khi vết thương tái phát lên cơn anh đã đuội đi rồi thế mà hôm nay anh chỉ chênh chao một tí gọi là.

Theo chân số người nhà Loan Dụ, anh cùng Dụ đến bên Quân. Mọi người lặng lẽ ngắm nhìn Quân. Nó đang thiêm thiếp ngủ.

Việt lấy tay vén mấy sợi tóc buông loà xoà trên trán Quân. Anh nhìn như thôi miên vào gương mặt nó. Chưa bao giờ anh nhìn kỹ tận chân tơ kẽ tóc nó như bây giờ. Chẳng lẽ đây là kết quả của cái đêm trăng trên bến sông mười bảy năm về trước đó ư? Đúng rồi! Năm nay nó mười bảy tuổi. Đúng bằng cái tuổi của đêm trăng thần diệu ấy. Đúng rồi! Bà Toe chẳng đã bảo “cái thằng Quân đẻ thiếu tháng mà sao khoẻ khoắn khôi ngô tuấn tú thế” là gì. Thì dân làng chẳng đã bảo “thằng này giống mẹ, khó ba đời đây” đấy thôi. Sao mình lại chằng để ý đến những lời đó nhỉ? Và khuôn mặt nó kìa, đâu có giống Dụ? Tóc Dụ xoăn cơ mà. Đằng này tóc nó mượt mà như tóc của bác nó. Cả khuôn mặt nữa kìa! Y hệt bác Hùng và mấy chị em con bác ấy. Trời ơi! Con tôi đây ư? Sao bây giờ ta mới nhận ra được nhỉ? Mà sao Loan giữ bí mật mãi đến tận bây giờ? Con ơi! Cục vàng, cục bạc của bố ơi! Hãy ngủ ngoan con nhé. Bố về đây. Bố về, hôm nào bố sẽ nói chuyện với con sau. Uớc gì, bố được gào to lên, gọi tên con, ôm con ngay bây giờ, Quân ơi!

Tự nhiên những giọt nước mắt cứ chảy tràn trên khuôn mặt nhăn nhúm, nham nhở của Việt. Bước chân Việt bâng lâng như bay. Mọi tế bào trong cơ thể anh hầu như đang thức dậy bừng bừng sức sống như chẳng có cái việc lấy máu vừa rồi. Việt chỉ muốn chạy ngay về lao vào ông Hùng mà kêu to lên rằng: “Anh ơi! Dòng họ Phan Anh nhà ta vẫn còn! Thằng Quân là giọt máu của em đấy anh ơi!”.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

Chương 16.1

Dụ ra trại đã được gần ba tháng. Ba tháng ở nhà tính tình Dụ thay đổi hẳn. Anh lầm lì ít nói và tránh gặp mặt mọi người. Mặc cảm về những tháng ngày ở tù khá nặng nề trong anh. Ngay hôm đầu tiên Dụ về nhà, được tin, anh em họ hàng, làng xóm, bạn bè thân thích của anh kéo đến khá đông. Họ đến động viên anh là chính chứ rất ít người hỏi thăm chuyện những ngày qua. Kể cũng đúng thôi, ai lại hỏi thăm những ngày Dụ ở tù? Người ta đang cố quên chẳng được lại cứ xới mãi lên. Có hoạ là đồ vô duyên, kẻ dở người mới thế. Đến loe xoe như bà Toe còn ý thức được điều đó nữa là.
Mặc cho mọi người vui vẻ xởi lởi với mình, Dụ vẫn cứ lảng tránh. Anh thu mình lại. Loan bắt anh nghỉ ngơi, tẩm bổ. Gà hầm cách thuỷ, trứng vịt lộn, rượu thập toàn đại bổ, thịt cá, đường sữa... thôi thì đủ thứ chị mua về, nấu nướng, pha chế bắt anh ăn uống cho lại sức. Cái Thảo đã vào đại học, nhà còn có ba người, điều kiện kinh tế không đến nỗi khó khăn lắm nên việc chị lo cho chồng là hoàn toàn có thể. Nắm bắt tin tức vợ con, anh em ở nhà trong những ngày anh đi trại, Dụ càng cảm phục và hiểu Loan hơn. Anh ân hận với những gì mình đã gây cho Loan trong quá khứ.
Đêm về, nằm cạnh vợ, Dụ thủ thỉ: “Thời gian qua, tôi có tội với Loan để Loan và các con mất thể diện danh dự vì tôi, phải khổ nhiều vì tôi. Nay tôi xin được làm lại từ đầu, xin Loan hãy tha thứ”. Loan nhìn anh thông cảm: “Anh đừng nghĩ nhiều về điều đó nữa. Qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau anh ạ. Chúng ta ai cũng có lỗi. Có điều khi đã nhận ra lỗi rồi thì hãy cố gắng mà sửa chữa. Quên những ngày cũ đi. Hãy nhìn về phía trước và hãy sống cho xứng đáng với nhau hơn”. Chị biết không cần nói nhiều với Dụ, anh cũng đã ngấm, đã hiểu rồi. Ngay từ hôm về, Việt gặp Dụ, lúc chỉ có hai người, Việt nói: “Ông xoàng lắm. Ông đã không bảo vệ và không mang lại hạnh phúc được cho Loan. Giờ đây, ông phải làm được điều đó. Nếu không là không xong với tôi đâu. Đời người chỉ sống có một lần phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận với những năm tháng đã sống hoài sống phí, với những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của đời mình. Ông nhớ chưa? Tôi vẫn luôn ở bên ông đấy”. Anh còn mượn cả lời Paven ra để nói với Dụ. Dụ lặng im thay cho câu trả lời.
Nghỉ ngơi được được ít ngày, anh bắt tay vào công việc. Loan bàn với Dụ: “Theo em, anh cứ nghề cũ mà làm. Nghề thú y đấy. Bây giờ chăn nuôi phát triển, nghề của anh là cần lắm. Dắt lợn giống, chữa bệnh gia súc, bán thuốc thú y, hoạn lợn... anh thấy hợp cái nào thì làm. Đừng có mặc cảm, em bảo thật đấy. Làm giàu chính đáng không ai chê cười đâu”.
Nghe lời vợ, Dụ mua một con đực giống và treo biển “bán tinh lợn ngoại”. Đồng thời với việc dắt lợn giống anh còn lên trung tâm khuyến nông tỉnh lấy tinh lợn ngoại về phục vụ bà con làng xã. Sẵn có tiếng từ trước nên khi vợ chồng anh vừa loan báo như thế đã có nhiều người đến nhờ vả. Trâu bò ốm, lợn gà dịch, lợn nái đến kỳ phối giống... họ đều gọi anh. Thời buổi khoán hộ, dịch vụ chưa phát triển, đặc biệt nghề thú y của anh lại chưa ai làm nên việc của anh khá nhiều. Đầu làng cuối xã gọi anh. Chẳng nề hà khuya sớm hay mưa gió, gần xa, hễ có người gọi là anh đều có mặt kịp thời. Với trình độ chuyên môn như anh, hầu như các ca anh đều xử lý gọn gàng. Công việc đã đem lại cho anh niềm vui, không còn mặc cảm rụt rè như những ngày đầu mới ra trại nữa.
Sáng nay, Dụ vừa lên trung tâm khuyến nông lấy tinh lợn về đang cùng Loan lúi húi tắm rửa cho con nòi thì chợt nghe tiếng kêu thất thanh của ai đó:
- Đắm đò! Đắm đò rồi làng nước ơi!
- Trời ơi! Đắm đò bà con ơi!
Tiếng người nọ gọi người kia, những bước chân chạy rầm rập, làng xóm nhớn nhác, náo loạn. Dụ quẳng vội túi đồ nghề ba chân bốn cẳng lao ra đường. Anh túm lấy một thanh niên đang chạy qua cổng hỏi gấp:
- Đắm đò à? Ở đâu? Có thật không?
- Bến gốc đa! Thật chứ bỡn à?
Thế là chạy. Người nọ tiếp bước người kia chạy ra bến.
Trên bờ mọi người đứng đông nghịt. Tiếng gọi nhau, kêu gào nhốn nháo. Người chỉ tay, kẻ dậm chân, miệng quát tháo inh ỏi. Người không biết bơi thì hết chạy lên lại chạy xuống chẳng biết làm gì. Một số người vừa ra tới bến chẳng nói chẳng rằng cứ để nguyên quần áo lao xuống sông bơi ra chỗ những cái đầu đang nhấp nhô, những cánh tay đang chới với. Dòng sông bị khấy đảo bì bõm loạn xì ngầu đông đặc những người là người.
Dụ cũng để nguyên quần áo lao xuống sông. Anh nhìn thấy Việt đang túm tóc một người lôi vào bờ.
- Đón lấy, đưa lên bờ cấp cứu ngay.
Việt chỉ kịp nói thế rồi đẩy cái người đó cho Dụ. Anh quay trở lại chỗ con đò bị đắm. Lát sau, người ta lại thấy anh đội một người nữa vào bờ. Cứ thế, anh quay đi quay lại không biết bao nhiêu lần. Một số đàn ông bơi khoẻ cùng hỗ trợ giúp anh. Họ lặn ngụp, mò vớt. Họ bơi sấp ngửa đủ các tư thế. Có lúc Việt xé nước lao đi. Lúc khác người ta lại thấy anh mất tăm mãi sau mới thấy nhô đầu lên giữa sông. Việt vật lộn với sông nước, vật lộn cả với những người đang “chết đuối vớ được cọc” là anh. Đưa hết người nọ người kia vào bờ vẫn không thấy Ngân đâu. Khổ quá, con bé dạo này ngu ngơ quá. Mấy hôm nay lại đến chu kỳ dở người của nó, nó cứ bỏ thằng bé để đi lang thang tha thẩn một mình. Đêm qua, anh vừa cáu với nó một trận. Sáng nay, lừa lúc bà Toe đến chơi nó để thằng bé chơi với bà ấy rồi cũng biến đi đâu mất. Việt mải làm chẳng để ý, mãi gần trưa có người kêu đắm đò anh giật mình nghĩ ngay đến Ngân. Ba chân bốn cẳng anh tá hoả phóng ra bến. Mà sao con bé lên đò làm gì cơ chứ?
Mấy người trên đò biết bơi bơi được vào bờ cho biết con thuyền cũ nát chở đến ba chục người, nước mấp mí mạn thuyền ra đến giữa sông thì đắm. Người ta bảo chính cái Ngân là nguyên nhân của vụ đắm đò này. Nó đang ngồi ở mép thuyền tự dưng tự lành lại nhoài người ra nghịch nước làm con đò bị nghiêng, thế là lật.
Việt quào cấu, vùng vẫy trong nước. Miệng anh gào lên: “Ngân ơi! Ngân! Cháu ở đâu?”. Không còn cái đầu hay cánh tay nào trên sông nữa, Việt cùng mọi người ngụp lặn mò mẫm. Người anh bã bượi mệt nhoài. Mãi lúc sau, anh phát hiện ra Ngân đang lập lờ ở giữa dòng. Việt lao tới. Anh dùng đầu đội Ngân lên thì bất ngờ hai tay Ngân ôm chặt lấy anh làm cho anh không tài nào mà cử động được. Chuột rút. Người anh cứng đơ, co quắp. Rồi cứ thế họ chìm nghỉm trôi theo dòng nước.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

Chương 16.2

Trên bờ, Dụ cùng mọi người cuống quít làm hô hấp nhân tạo cứu những người đang ngắc ngoải. Ông Dẫn cùng công an xã cũng đã có mặt. Họ đôn đốc chỉ đạo việc cứu chữa nạn nhân. Người nhà nạn nhân kéo đến khá đông. Tiếng khóc cười xuýt xoa, tiếng gọi nhau ơ ới, tìm nhau rối rít. Có hai đứa trẻ không thể cứu được khiến cho tiếng gào khóc ở bến càng náo loạn hơn. Mãi đến khi ổn ổn đâu ra đấy người ta mới sực nhớ ra Việt. Rồi cả “Ngân ngơ” nữa. “Còn cái Ngân. Nó cũng xuống đò đấy!”. Tiếng người nào sốt ruột lo lắng. Dòng sông thì đã phẳng lặng nhưng con người lại bắt đầu nhốn nháo. Mọi phỏng đoán được đưa ra. Các tay bơi kỳ cựu, cánh thuyền chài được triệu tập. Công việc mò vớt tìm kiếm lại bắt đầu. Vợ chồng ông Hùng Hoa hay tin chạy tới kêu gào khóc lóc. Loan thất thần, đôi mắt chị đỏ hoe. Bà Toe cũng bế cả thằng bé ra bờ sông nghe ngóng. Loan đón nó từ tay bà Toe nựng nịu dỗ dành.
Dụ lặn ngụp lên xuống khá nhiều lần. Đội thuyền chài chia cắt dòng sông ra câu vớt. Trưa, ai nấy đều đói mềm song không một ai bỏ cuộc. Bà Toe rên rỉ: “Ối Việt ơi là Việt ơi! Sao mày khổ thế hả Việt? Cả con Ngân nữa? Bố con chúng mày sao không thương thằng bé mà lại rủ nhau bỏ đi thế?”. Mấy mẹ con bà Hoa cũng sụt sùi kêu khóc. Ông Hùng bặm môi câm lặng, mắt trân trân nhìn dòng sông.
Mãi đến chiều người ta mới vớt được Việt và Ngân. Hai người co quắp ôm chặt lấy nhau chết chìm ở đoạn sông cách đó không xa. Dụ phải gỡ mãi mới tách được hai người. Cánh thuyền chài tập trung đưa xác hai người vào bờ. Ngồi giữa hai cái xác, Dụ trân trân ngơ ngác. Ông Hùng chạy tới ôm lấy xác Việt, còn Dụ ôm xác Ngân. Hai người nâng hai cái xác chuệnh choạng bước đi trên bờ cát. Cả nhà ông Hùng Hoa, rồi Loan cùng lao tới. Tiếng khóc vỡ ra náo động cả một đoạn sông.
Ông Dẫn lại được một phen vất vả. Làng La Hương có tới ba đám ma cùng một lúc: Việt, Ngân và thằng Nghĩa con nhà Ngãi cuối làng. Còn một cháu nữa thuộc làng Đại Lâm mãi tận trên đầu xã. Sau khi hoàn tất các thủ tục khám nghiệm chính quyền xã đã giao các nạn nhân lại cho thôn và các gia đình lo việc tang lễ. Bốn cỗ quan tài đỏ chót được đưa ra bến sông.
Nghe tin Việt chết đuối, Quang kêu lên rền rĩ bắt Hiền phải đưa anh ra bến. Ra tới bến, anh rọ roạy cào cấu trên chiếc xe lăn. Người ta bắt đầu lau rửa các thi thể và liệm xác họ. Trên bờ, Quang cuống cuồng rên rỉ đòi được đưa xuống nhìn Việt lần cuối. Nghe lời Hiền, mấy thanh niên xúm lại bế Quang xuống lại gần xác Việt. Mọi người xúm đen xúm đỏ quanh các thi thể gào khóc. Mấy người đàn ông phụ giúp Dụ trong việc lau rửa, tẩm liệm các thi thể. Lúc thay quần áo cho Việt, Dụ cùng mọi người sững sờ không tin vào mắt mình. Bộ hạ của Việt không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại đúng có một mẩu thịt ngắn tũn làm nhiệm vụ tiểu tiện. Trăm con mắt cùng đổ xô đến. Ông Hùng tức tưởi: “Phải thế này không mà em không lấy vợ Việt ơi! Thế mà còn có kẻ ngứa mồm vẫn đặt điều ác cho em đấy. Thôi, em sống khôn thác thiêng phù hộ cho anh chị và các cháu”. Ông nói vậy và mặc chiếc quần bộ đội mới tinh cho Việt. Hai tay choàng qua cổ người thanh niên bế mình, Quang khóc không thành tiếng: “Anh Việt ơi! Em đã giữ điều bí mật cho anh mãi đến tận lúc này đây, ngay cả lúc sóng gió nhất em cũng chưa hé răng nói nửa lời dẫu biết anh bị oan! Sao anh vội ra đi thế hả anh?”. Loan, bà Hoa cùng con cháu dòng họ Phan Anh xúm xít bên gào khóc kể lể.
Sau khi hoàn tất việc đưa thi thể nạn nhân và các quan tài, người ta chuyển họ về gia đình. Riêng Ngân, ông Dẫn cùng thôn xóm lại phải đứng ra lo việc chôn cất. Không khí tang tóc u ám bao trùm lên khắp làng La Hương.
Vợ chồng Loan Dụ tranh thủ tạt qua nhà. Dụ nói với Loan:
- Phải báo cho thằng Quân biết tin này ngay, xin cho nó về gặp mặt bố nó không sau này nó oán mình đấy. Để bố con nó gặp nhau giây phút cuối cho phải đạo, Loan ạ.
Loan thoáng ngỡ ngàng. Chị đã nghĩ đến điều này song chưa biết nên xử lý thế nào. Dụ nói tiếp:
- Em không phải ngại. Điều gì đến sẽ đến. Cái quan trọng nhất là vợ chồng mình thôi. Không còn thời gian nữa đâu. Nhanh lên kẻo sau này ân hận lắm.
- Còn bác Dẫn? Loan dè dặt hỏi.
- Để anh nói với bác. Mà hình như bác ấy cũng đoán được rồi thì phải.
- Không, để em trực tiếp nói cơ.
- Thôi thì tuỳ em.
Vừa lúc đó thì ông Dẫn ở đâu chạy đến:
- Chú thím vẫn ở nhà à. Ăn uống cái gì đi rồi vào đám con Ngân tập trung với thôn lo việc chôn cất cho nó.
- Bác vào đây uống nước đã. Em có... có điều muốn thưa chuyện với bác.
Loan ấp úng nói và rót nước mời ông Dẫn. Ông Dẫn bưng chén nước ngạc nhiên. Ông vừa đưa chén nước lên miệng thì Loan chắp hai tay quỳ ngay trước mặt ông Dẫn:
- Em lạy bác, em xin bác, em có tội với bác và họ nhà ta.
Ông Dẫn tròn mắt hết nhìn Loan lại nhìn Dụ. Dụ vẫn đứng đực như trời trồng.
- Có... có việc gì thế thím? Đứng dậy đi! Sao lại làm thế?
- Em lạy bác, em xin bác - Loan nhắc lại - Bác cho em gọi thằng Quân về chịu tang bố nó!
- Hả? Cái gì?
- Nhà em xin bác cho gọi thằng Quân về chịu tang bố nó!
Dụ nhắc lại. Ông Dẫn ngây người, há hốc mồm ngạc nhiên hết nhìn Loan lại nhìn Dụ. Loan lại tiếp tục  vái ông. Mãi sau, trấn tĩnh lại, ông Dẫn hiểu ra vấn đề. Ông lại cầm tay Loan đứng lên. Vừa lúc, Dụ lại lên tiếng:
- Bác... bác tha lỗi cho cả em nữa. Em có tội với hai bác, với nhà em.
- Sao? Cái gì nữa đây?
Loan cũng ngạc nhiên nhìn chồng. Dụ lấy hết can đảm nói liền một mạch:
- Con của cái Ngân chính là... con em!
- Trời! Loạn hết cả rồi!
Ông Dẫn bo đầu kêu lên. Căn nhà lặng phắc đi giây lát.
Sau khi bình tâm trở lại, ông Dẫn phán:
- Sự việc đã như thế bây giờ chú thím mới cho tôi biết. Trước mắt hãy tập trung lo việc chôn cất chú Việt và con Ngân đi đã. Phải báo cho thằng Quân nó về. Thím Loan sang chịu tang nhà chú Việt. Chú Dụ lên cùng tôi lo việc cho con Ngân. Việc của thím Loan với họ nhà ông Hùng cứ công khai đàng hoàng, tôi sẽ nói thêm cho. Còn việc chú Dụ với con Ngân hãy tạm giữ bí mật đã. Bí mật tuyệt đối. Rõ chưa?
Loan lí nhí:
- Em đội ơn bác, đội ơn nhà em. Bác đã cho phép thế em xin phép bác với nhà em cho em được sang chịu tang anh Việt ạ.
- Được rồi! Chờ thằng Quân về tôi sẽ dẫn mẹ con thím sang!
Ông Dẫn nói dứt khoát. Loan lại đề nghị:
- Em có ý kiến thế này: sau khi chôn cất con Ngân xong, em xin phép mọi người đón thằng bé về nuôi. Em sẽ làm đúng những điều bác Dẫn dạy.
Dụ nhìn vợ biết ơn.
Đích thân Dụ lên bưu điện huyện gọi điện thẳng về đơn vị Quân. Không biết Dụ nói thế nào mà nghe điện xong, Quân tức tốc về quê. Nhá nhem tối anh đã có mặt tại nhà. Ông Dẫn đón hai mẹ con họ đưa sang nhà ông Hùng. Đứng trước linh cữu của Việt và họ hàng ông Hùng cùng toàn thể dân làng La Hương, ông Dẫn dõng dạc nói:
- Kính thưa vong hồn chú Việt! Thưa các cụ, các ông, các bà dòng họ Phan Anh! Thưa toàn thể bà con! Tôi xin được phép thông báo ngắn gọn rằng chú Việt mất đi là một tổn thất to lớn của dòng họ Phan Anh, của cả dân làng chúng ta. Suốt đời chú chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên của quê hương. Do vết thương đặc biệt của chiến tranh mà chú ấy đã không lấy vợ. Tuy nhiên, trước lúc lên đường chú Việt đã kịp gửi lại giọt máu của mình cho người yêu đó là thím Loan đây. Vâng, cháu Quân chính là kết quả của tình yêu đó, là con của chú Việt và thím Loan. Việc này, gia đình tôi đã biết. Chính thím Loan đã nói trước khi về làm dâu nhà chúng tôi. Vậy thể trước lúc biệt ly với người quá cố, xin phép các cụ dòng họ Phan Anh cho phép cháu Quân nó được nhận bố và được làm con cháu chính thức của các cụ. Chúng tôi cũng xin trao cháu Quân để các cụ bên này cùng có trách nhiệm. Tất cả mọi việc gia đình chúng tôi đã thu xếp ổn thoả. Mong vong linh chú Việt và các cụ, các ông, các bà bên này vui lòng đón nhận. Xin cảm ơn mọi người.
Ông Dẫn ngừng lời, tiếng xì xầm nổi lên. Một số người ngơ ngác. Mãi một lúc sau, ông Hùng mới lên tiếng:
- Kính thưa bà con! Thưa ông Dẫn! Gia đình tôi rất đau lòng trước cái chết của chú Việt và cũng rất xúc động khi được ông Dẫn thông báo tin này. Quả thực, họ hàng nhà chúng tôi không biết nói gì hơn chỉ biết cảm ơn họ Trần nhà các ông, cảm ơn thím Loan đã nuôi nấng, dạy dỗ cháu Quân nên người hôm nay. Chúng tôi thật không ngờ lại có được phúc lớn như thế. Thay mặt vong linh em tôi, tôi xin đón nhận cháu Quân và xin phép các cụ, các ông, các bà trong họ, ngoài làng cho phép chúng tôi được phát khăn tang cho hai mẹ con cháu. Một lần nữa xin cảm ơn ông Dẫn và mong được sự đoàn kết bền chặt hơn nữa giữa hai họ chúng ta.
Ông Dẫn dẫn hai mẹ con Loan đến trước linh sàng. Bà Hoa xé thêm hai chiếc khăn đưa cho họ. Nắp quan tài được nhích ra để cho hai mẹ con Loan nhìn mặt Việt. Mãi đến lúc đó, Quân mới gào to được hai câu “Bố ơi!”. Tiếng nó khóc khàn khàn ông ổng nghe não ruột. Loan ôm lấy cỗ quan tài nức nở. Tiếng khóc được dịp lại rộ lên.
Ngoài sân, mọi người xi xao bàn tán. “Phúc tổ dòng họ Phan Anh quá. Ngỡ tuyệt tự giờ bỗng nhiên lại có thằng con trai là sỹ quan quân đội tương lai lù lù thế kia”. “Thì ở hiền gặp lành mà lị”. “Cái nhà anh Việt chết cũng mát mặt”. “Công nhận ông Dẫn xử lý đại lượng bao dung quá. Không chê vào đâu được”. “Mà sao họ kín thế không biết”. “Nhà Dụ bắt tép nuôi cò, cò ăn cò lớn cò dò lên cây”. Tiếng ai đó lạc lõng chen vào. Một số người khác lên tiếng phản đối. Không khí đám tang Việt vui buồn trộn lẫn rất khó tả.
Bên đám “Ngân ngơ” lặng phắc, chẳng có tiếng khóc nào. Thì còn ai thân thích ruột thịt với nó đâu mà khóc. Thằng bé con nó mới hơn ba tuổi đầu biết gì. Toàn hàng xóm với hội viên các đoàn thể thôn đến xúm vào lo việc nhà đám. Chi hội phụ nữ cắt cử nhau trông dỗ thằng bé. Dụ đứng ra quán xuyến toàn bộ công việc. Ông Dẫn xong việc bên đám Việt chạy đi chạy lại đôn đốc chỉ đạo các đám.
Vợ chồng Quang Hiền hết ở bên đám Việt lại sang đám Ngân. Khổ thế! Sao lại chết vào giữa lúc này được cơ chứ? Bảo việc vui của cháu bác phải là một tay đắc lực thế mà đã đi rồi. Tuần tới con Hà dẫn người yêu và người nhà của họ đến ra mắt, làm thủ tục ăn hỏi vậy mà bác Việt, đồng tác giả tập tiểu thuyết với bố cháu lại bỏ đi rồi. Sao bao nhiêu người thân của Quang lại tìm cách ra đi hết cả thế? Mà cái thân tàn ma dại này thì cứ sống nhơn nhơn mãi vậy? Nhiều lúc nghĩ quẩn, Quang cào cấu tự hành hạ mình.
Sáng sau cả làng La Hương cùng đổ ra đường hoà vào dòng người đưa tiễn Việt, Ngân và thằng Nghĩa về nơi an nghỉ cuối cùng. Không đủ xe tang, ông Dẫn phải cho người sang làng bên mượn về cho đủ mỗi người một cái. Ba chiếc xe tang nối đuôi nhau rồng rắn cùng tiếng trống kèn inh ỏi, tiếng khóc than rền rĩ kéo lên nghĩa địa. Không còn Việt ra mở cổng nghĩa trang như các đám khác, lần này cửa nghĩa trang toang hoác, lạnh ngắt. Túp lều của anh vô chủ tiêu điều. Con vện, người bạn chí cốt của Việt từ hôm qua đến giờ mất tăm. Khi mọi người khiêng linh cữu của anh ra hố thì con vện đã nằm đó tự lúc nào. Nó tru lên mấy tiếng rồi lủi lên đồi. Không khí tang tóc u ám bao trùm lên khắp làng La Hương.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH (Chương 17.1)

Dụ chính thức thay Việt giữ chân quản trang. Việc này phù hợp với ý nguyện của anh và được lãnh đạo làng xã chấp thuận. Ngay hôm sau đám ma của Việt, anh đã nói điều đó với ông Dẫn và được ông Dẫn đồng ý liền. “Chú nghĩ thế là phải. Tôi cũng đang chưa biết cắt cử ai làm cái chân đó đây. Chú thay chú Việt vừa trông coi nghĩa trang vừa làm tốt công tác thú y là được. Nghĩa trang làng này không có tay chú Việt thì đâu được như thế này. Chú cố mà duy trì giữ lấy nề nếp quy củ ấy. Mà này, chú xem gây dựng lại đội nhạc hiếu đi, lâu nay xem ra chuệch choạc lắm!”.
Dụ nghe ông anh của mình nói vậy lắc đầu quầy quậy: “Bác bảo em trông coi nghĩa trang thì được chứ bảo em đi thổi kèn đám ma thì... nó thế nào ấy. Với lại... em cũng quên hết rồi!”. Ông Dẫn cự lại: “Thế nào là thế nào? Chú vẫn tư tưởng coi thường cái nghề ấy chứ gì? Phong kiến, cổ hủ, lạc hậu. Chú không thấy các đội nhạc hiếu bây giờ đang lên ngôi đấy ư? Họ thi nhau trang bị phương tiện, toàn đồ điện tử chính hiệu nhé, thi nhau may sắm quần áo. Nguyên làng mình cũng đã hình thành hai nhóm. Nhiều thế nhưng mà nhố nhăng lắm. Cổ chẳng ra cổ, kim chẳng ra kim, quần áo xanh đỏ loè loẹt, cúng khấn linh tinh bịp bợm, gọi hết người nọ người kia nhà người ta ra để mà moi tiền. Khóc mướn nhưng mà không có cái tâm chú ạ. Tôi không bảo chú theo loại người ấy. Tôi muốn chú lập đội nhạc hiếu đời sống mới cơ. Làng mình đang xây dựng đời sống văn hoá, việc này cũng phải có văn hoá chứ. Chú bảo quên hết ngọn kèn rồi ư? Không đúng. Đám chú Việt, con Ngân đấy, tiếng kèn chú đau buồn thê thảm lắm, day dứt nguồn cơn lắm, tôi nghe cũng muốn khóc nữa là”.
Ông Dẫn nói một thôi một hồi. Dụ không ngờ ông anh mình mới có mấy năm tham gia công tác xã hội lại trưởng thành ăn nói lưu loát đến thế. Thực tình, hôm đám ma Việt và Ngân, thấy mấy tay thợ kèn làng “phô” quá, anh mới nhảy vào thế chân. Không ngờ khi bập ngọn kèn vào rồi, cộng với bao nỗi niềm cần giãi bày khiến cho tiếng kèn của anh thê lương ảo não đến vô cùng. Nợ tình, nợ nghĩa với nhau chưa trả, thương cho kiếp người có hạn, lại lận đận long đong, có bao điều lúc sống muốn nói với nhau mà chẳng nói được đành mượn ngọn kèn để khóc nhau lúc ly biệt âm dương. Tiếng kèn của anh hôm ấy như xé ruột xé lòng khiến mọi người trong đám không ai cầm được nước mắt. Dễ phải đến gần chục năm anh mới lại cầm đến ngọn kèn của đội nhạc hiếu. Giờ nghe anh trai mình nói vậy, Dụ cảm thấy phân vân: “Bác... để từ từ cho em suy nghĩ ít ngày đã”. Ông Dẫn nói như đóng đinh vào cột: “Không phải suy nghĩ gì nữa, chú cứ làm cho tôi. Vừa được cho chú và được cả cho tôi nữa đấy”. Dụ hơi ngạc nhiên trước thái độ dứt khoát của ông Dẫn. Chẳng bù cho dạo trước anh đến vận động ông ấy giữ chân tổ trưởng tổ xe trâu.
Từ hôm biết Quân không phải là con của Dụ, thằng bé hơn ba tuổi con Ngân mới chính là con Dụ tâm trạng ông Dẫn rất khó tả. Về thằng Quân ông đã nghi nghi từ lâu rồi. Ngày trước, chính ông đã tiếp tay tiếp sức cho Dụ có được Loan. Khi Loan đẻ thằng Quân thiếu tháng, đặc biệt khi nó lớn lên chẳng giống dòng giống nhà ông tí nào thì nỗi hồ nghi trong ông càng lớn dần. Tuy nhiên, vì hạnh phúc vợ chồng Loan Dụ, hơn nữa gia đình ấy sống đầm ấm, yên ổn nên ông lờ đi cho qua. Cho nên khi nghe được tin rõ ràng về nguồn gốc thằng Quân ông không ngỡ ngàng nhiều lắm. Điều ông ngỡ ngàng hơn cả, phải nói là rất “choáng” là khi nghe tin thằng bé con cái “Ngân ngơ” lại chính là con của Dụ. Thật rõ xấu hổ. Và ông đành chôn chặt điều bí mật ấy trong lòng chưa biết xử lý ra sao. Tình thực, ông cũng vớt vát chút mừng vui về dòng giống nhà mình. Thôi, đành tặc lưỡi chấp nhận hoàn cảnh. Hơn nữa, Loan cũng rất vị tha, nhân hậu, đón nuôi thằng bé như con đẻ. Điều ông quan tâm bây giờ là vẽ việc cho Dụ, lấy lao động để cải tạo Dụ, tạo điều kiện cho Dụ chuộc lỗi sống tốt với dân làng.
Đêm ấy, nằm bên Loan, Dụ nói lại điều ông Dẫn, Loan ý tứ: “Tuỳ anh. Anh thấy làm được thì làm. Em nghĩ đấy cũng là một việc làm phúc. Hơn nữa, như ý bác Dẫn nói làng mình đang xây dựng đời sống văn hoá, mình cũng nên hỗ trợ với bác Dẫn”. Dụ hiểu ý Loan, anh phải làm một cái gì đó để chuộc tội với dân làng, để chứng tỏ mình vẫn còn có ích với xã hội. Trong thâm tâm Dụ, anh thầm cảm ơn lòng nhân hậu vị tha của Loan. Từ hôm đón thằng bé con Ngân về, Loan chăm bẵm nâng niu nó thực sự như một người mẹ. Họ hàng, làng xóm không hề ai biết đó là con của Dụ, trừ ông Dẫn. Cái Thảo đi học xa, nhà còn lại có ba người đều coi thằng bé kháu khỉnh bụ bẫm ấy như cục vàng. Hai mẹ con Loan tranh nhau bế hãm, nô đùa với nó. Nhà có tiếng trẻ con cười khóc vui hẳn lên. Dụ xoá dần mặc cảm, sống chan hoà trong vòng tay của vợ con, họ hàng, làng xóm.
Sáng nay, vợ chồng cái con nhà Loan Dụ kéo tất cả sang nhà Quang Hiền để lo một việc quan trọng: ăn hỏi cái Hà. Cả Quân về chịu tang Việt chưa hết phép cũng sang cùng. Cái Hà thật tốt duyên tốt số, mới hai chục tuổi đầu, vừa đi làm được mấy năm đã có người đặt vấn đề xây dựng gia đình. Bao nhiêu chàng trai săn đuổi đưa đón cuối cùng nó chấm vào cái anh ở mãi tận Quảng Ninh. Hoàn cảnh chàng trai này khá đặc biệt, một mẹ một con, kinh tế chẳng lấy gì làm phong lưu cho lắm. Mẹ mở quán bán hàng nuôi cậu ta học hết lớp 12 rồi đi làm thợ. Được cái, Vinh, (tên cậu ta) chịu khó, có chí nên chỉ mấy năm làm thợ do có tinh thần trách nhiệm với tập thể và tay nghề chuyên môn cao, cậu được ban lãnh đạo xí nghiệp đề bạt lên giữ chức tổ trưởng tổ thợ may. Gặp Hà, cô nhân viên mới đẹp nết đẹp người Vinh đã bị tiếng sét ái tình đánh gục và họ xoắn lấy nhau không dứt ra được. Mấy lần Hà đã đưa Vinh về ra mắt bố mẹ, cả bá Loan nữa. Nói chung, mọi người đều quý mến Vinh và ủng hộ mối tình đó. Bố mẹ đẻ của Hà cũng vậy. Họ nói với vợ chồng Quang Hiền: “Tuỳ chú dì. Vợ chồng tôi đẻ ra cháu nhưng chú dì lại có công nuôi cháu, việc trăm năm của cháu do chú dì quyết định”.
Thực tình, chẳng những vợ chồng Quang mà cả Loan và Dụ nữa, mọi người đều chưa muốn cho Hà đi lấy chồng ở tuổi ấy song khuyên mãi, gàn mãi chúng nó từ từ không được, hơn nữa nhà trai lại thúc ép quá nên cuối cùng họ cũng đành đồng ý chiều theo nguyện vọng hai đứa. Hôm nay, mặc dù vừa mới sau đám tang của Việt và Ngân chưa được tuần lễ song do đã nhận lời với phía nhà trai nên công việc ăn hỏi của Hà vẫn diễn ra đúng kế hoạch.
Nhà Quang Hiền tấp nập hơn mọi ngày. Vợ chồng bố mẹ cái Hà về, vợ chồng Hiên từ Hải Dương lên, thêm cả nhà Loan Dụ nữa, rồi lại cả bà Toe cùng với mấy bà hàng xóm khác đang ngồi têm trầu cau làm cho căn nhà của Quang Hiền như bị chật lại. Tiếng trẻ con đùa ghẹo nhau chí choé. Quang mặc bộ quần áo bộ đội mới (bộ này anh chỉ mặc vào những ngày lễ tết hoặc khi có việc trọng) nên trông anh khoẻ hẳn ra. Cái Hà thì khỏi nói, diện xinh đẹp ngất trời. Nó cười nói, chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia, sà vào lòng mọi người. Thấy Loan dắt thằng bé lũn cũn đến, nó chạy ra:
- Ôi! Thắng cu tí! Xinh quá! Ra chị bế tẹo nào!  
Loan cốc vào đầu cái Hà:
- Láo nào! Nó là anh mày đấy.
Cái Hà không chịu:
- Bá nói thế nào ấy chứ? Anh cháu thế nào được.
- Chả anh mày lại không ư? Bây giờ nó về làm con nuôi bá thì chẳng là anh mày chứ còn gì? Nó bé nhưng dé nó to, hiểu chưa?
- Mẹ cháu nói phải đấy - Bà Toe chêm vào - Gọi anh cho quen đi.
Cái Hà vừa dắt tay thằng bé vừa vênh mặt lên:
- Còn lâu nhá!
- Cái con này - Quang quát - Không được hỗn. Lớn xác đi lấy chồng rồi mà vẫn còn ngố lắm.
- Bố em nói phải đấy. Gọi là anh đi - Quân cười nửa nói thật nửa trêu Hà.
Mỗi người mỗi ý, cái Hà đuối lý vớt vát:
- Vâng. Cháu xin nghe các bá, các dì. Cháu gọi là anh cu. Anh cu nhỉ!
Hà vừa nói vừa đưa tay đón lấy thằng Giang. Nó nhe nhẻn cười bi bô:  
- Anh cu! Em là anh cu chị!
Hà chọc nách thằng Giang. Nó ưỡn người cười ré lên. Tất cả cùng cười theo đứa bé. Dụ đang ngồi uống nước ở bàn giữa nghe thấy vậy xôn xang. Anh liếc vội sang Loan. Loan ý nhị mỉm cười.
Mấy người đàn bà xuống bếp chuẩn bị cỗ bàn. Quân cũng xăng xái xuống giúp họ. Trên nhà còn lại mấy bà ngồi têm trầu, cánh đàn ông và lũ trẻ con. Sau một hồi hỏi thăm chuyện ông Thịnh, Dụ quay sang Quang:
- Nghe bảo cậu có quyền tiểu thuyết, cậu cho tôi xem tí được không?
- Vâng. Bác lấy hộ em với. Em để nó ở trong tủ kính trên ban thờ đó.
Quang nói với Dụ. Dụ ngó lên ban thờ và với tay lấy quyển sách xuống. Ông Thịnh cũng xán lại cùng Dụ ngắm nghía quyển sách. Hai người lật giở từng trang, Dụ xuýt xoa:
- Đẹp! Đẹp quá! Cậu tài thật!
- Đâu có! Em và bác Việt viết chung đấy. Cả nhà em nữa, rồi cả cái Hà. Nói chung cả nhà em đấy các bác ạ.
Nhắc đến Việt, mọi người bỗng ngẩn ngơ. Bà Toe chép miệng:
- Rõ khổ cái nhà anh ấy, giá hôm nay còn sống có phải vui không!
- Em cứ nghĩ như chú ấy vẫn quanh quẩn đâu đó, bận việc gì đó chưa đến các bà ạ.
- Tôi cũng thế!
Không khí đang vui bỗng trầm hẳn xuống. Thấy vậy, ông Thịnh nói:
- Thôi, tôi xin các bà, xin các chú. Hôm nay ngày vui của cháu đừng ai nhắc đến chuyện ấy nữa. Chú Việt mất thì đã mất rồi, ta phải nghĩ đến ngày mai chứ. Cả chú Quang nữa. Xin mọi người chớ gợi lại nỗi đau của thím Loan và cháu Quân. Hãy nén nỗi đau ấy lại và đừng làm cho cháu Hà hôm nay mất vui. Tất cả phải tươi tỉnh “quân dung” để đón họ nhà người ta. Ơ! Mà sao bây giờ vẫn chưa thấy họ đến nhỉ? Chú Quang, chú hẹn họ mấy giờ?
Ông Thịnh đã kéo mọi người về với hiện tại.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối