HOÀNG HÔN XANH
(Chương 4 - tiểu thuyết)
Loan đang lúi húi cho lợn ăn ngoài chuồng bỗng giật mình nghe thấy tiếng nói ngay phía sau lưng:
- Cháu chào bá Loan! Bá cho lợn ăn à?
- Cha bố cô! Làm tao giật cả mình!
Cái Hà cười hềnh hệch. Nó ngó nghiêng vào chuồng lợn:
- Gớm, bá nuôi nhiều lợn thế? Chả trách dạo này chẳng thấy bá sang nhà cháu chơi.
- Tao sang phải báo cáo mày à? Đi học suốt ngày, có thấy mặt mày đâu mà mày lại trách.
Loan giơ hai bàn tay dính đầy cám nói với con bé. Hà ngúng nguẩy:
- Bá cứ nói thế. Năm nay cuối cấp cháu bận lắm bá ạ.
- Thì ai bảo sao? Tại mày chưa chi đã... À, thế mày sang chơi hay có việc gì?
Loan hỏi lại cái Hà. Nó vênh mặt lên cong cớn:
- Dễ cứ có việc cháu mới sang với bá được chắc?
Biết mình lỡ lời, Loan hạ giọng:
- Thì bá hỏi thế, chưa chi đã dỗi rồi!
- Cháu đùa với bá tí thôi - Cái Hà cười vô tư - Thực ra cháu sang rủ bá lên thăm chú Việt.
- Thăm chú Việt? Sao mà phải thăm chú ấy? Loan cảnh giác hỏi lại.
- Vâng. Thế bá chưa biết gì à?
- Biết gì? Loan ngơ ngác.
- Giời ạ. Đúng là bá chưa biết gì thật rồi. Chú Việt bị mệt cả tuần nay bá không biết à?
- Không? Ai bảo mày thế? Có nặng lắm không? Loan hỏi dồn dập.
- Mấy đứa chăn trâu nói với cháu. Thật đất! Thế nên cháu mới sang rủ bá đi. Chả biết nặng hay không bá cứ chuẩn bị các thứ lên mà đánh gió cho chú ấy. Mọi lần bá hay hay cạo gió cho chú Việt lắm cơ mà? Rõ khổ, một thân một mình trên nghĩa địa ốm đau chẳng ai biết mà chăm sóc.
Cái Hà ca cẩm như cụ non. Loan vội đổ nốt chậu cám lợn vào phướng rồi tất tả chuẩn bị rượu thuốc, dầu gió và mấy thứ lặt vặt khác. Quả thực, một tuần nay, chị không ra khỏi nhà. Suốt ngày cám bã vỗ cho lũ lợn chuẩn bị xuất chuồng, chị không còn thời gian đâu mà ra đường. Cái Thảo, cái Trang cũng mê mải vào ôn thi học kỳ. Thằng Quân thì tít suốt ngày. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc lũ lợn, chị phải làm bao thứ việc khác nữa phục vụ các con. Mà người đâu cũng tệ thế không biết. Ốm đau cảm cúm chẳng nhắn cho người ta lấy một lời. Đúng là gan cóc tía. Cứ tình trạng này có ngày chết không ai biết cũng nên. Chị thầm trách Việt.
Khoá cửa nhà xong đâu đấy, hai bá cháu lai nhau lên nghĩa địa. Dọc đường, cái Hà luôn mồm hỏi chị đủ thứ chuyện. Con bé thật hồn nhiên. Nó nói nhiều chuyện về Việt, cứ như chú Việt là của nó không bằng. Nào là “chú ấy với bố cháu hợp nhau lắm, chẳng mấy ngày mà chú ấy không đến chuyện trò với bố cháu”. Nào là “chú ấy trông gớm ghiếc thế mà sống tình cảm, nhân hậu đáo để. Bọn trẻ trâu đứa nào cũng thích và quý chú ấy”. Nào là “chú ấy cũng có khiếu văn chương nhé, nghe chú ấy bình văn thơ thì mê ly. Chả thế mà tiểu thuyết của bố cháu chú ấy tham gia nhiều câu, nhiều đoạn không chê vào đâu được. Có hôm đi học về rõ tối mịt rồi mà cháu vẫn thấy hai người tranh luận với nhau về một câu thoại trong đoạn văn đang viết dở. Mãi khi thống nhất rồi, chú ấy mới châm đèn lên, viết lại câu thoại đó xong rồi mới về. Bá bảo thế có buồn cười không? Hình như, bố cháu và chú ấy có vẻ tâm đắc với cuốn tiểu thuyết này lắm bá ạ”.
- Còn hình như gì nữa - Loan ngắt lời cái Hà - Nó là đứa con tinh thần của bố cháu và chú ấy đấy.
- Đứa con tinh thần! Hay quá nhỉ! Ơ... Dưng mà... sao chú ấy không lấy vợ hả bá?
Cái Hà hồn nhiên reo lên một cách vô tư.
- Mày đi mà hỏi chú ấy sao lại hỏi tao?
Loan quay đầu lại nói với cái Hà. Chị đang rối ruột lo về tình hình sức khoẻ của Việt. Thế nên, trong lúc con bé hồn nhiên kể chuyện “chú ấy” thì Loan chỉ ậm ừ. Thỉnh thoảng chị mới bắt lời với nó mỗi khi không thể đừng được. Đôi chân chị guồng nhanh đôi pêđan rướn chiếc xe lao về phía trước.
Hai bá cháu ríu rít chuyện chẳng mấy chốc đã đến ngôi lán của Việt. Cái Hà nhảy phốc ngay xuống vừa chạy vừa gọi toáng tên chú Việt. Loan dựa vội chiếc xe đạp vào bờ rào. Chị bước thấp bước cao như chạy về phía cửa lán.
Trong lán, quanh chiếc giường Việt nằm là mấy đứa trẻ chăn trâu. Chúng đang xúm xít nghe Việt kể chuyện. Thấy hai bá cháu Loan vào, tất cả đều ngoảnh lại. Lũ trẻ nhao nhao chào:
- Bá Loan!
- Cả chị Hà nữa kìa!
Việt ngóc đầu lên rồi anh ngồi hẳn dậy. Cái Hà sán đến bên anh:
- Nghe tin chú mệt, cháu vào rủ bá cháu lên thăm chú. Chú đỡ chưa chú?
- Đỡ rồi, đỡ nhiều rồi! Việt nói gấp trong hơi thở.
Loan lại gần đưa tay lên trán Việt:
- Anh mệt lâu chưa? Sao không nhắn gì cho em thế?
Chẳng để cho Việt trả lời, lũ trẻ tranh nhau nói:
- Chú ấy bị đến tuần nay rồi bá ạ.
- Hôm chúng cháu vào thấy chú ấy nằm ho mới biết đấy.
Việt xua tay:
- Có gì đâu, cảm cúm thôi ấy mà. Chúng nó cứ làm quan trọng hoá vấn đề. Ốm gì mà ốm? Chẳng đang kể chuyện cho mấy đứa nghe đấy là gì!
- Không phải đâu cô ạ. Chú ấy vờ khoẻ đấy. Hôm qua chú ấy vẫn còn sốt cơ đấy.
Tiếng một đứa nào đó banh toe.
- Chẳng sốt mà trán anh vẫn nóng hầm hập đây này - Loan nói với Việt - Thôi, để em cạo gió cho.
Việt xua tay:
- Không! Không cần! Không phải làm gì cả. Tôi có ốm đau gì đâu mà cạo gió với chả cạo máy.
Loan thoáng chút bực mình.
- Anh Việt hay nhỉ! Để em đánh gió một lúc cho nó nhẹ người.
- Bá Loan nói phải đấy. Chú để bá cháu cạo gió cho.
Cái Hà chêm vào. Việt vẫn xua tay vẻ cương quyết:
- Đã bảo không ốm là không ốm. Cô này buồn cười thật.
- Có anh buồn cười thì có - Loan gắt - Hà đâu, cầm cái túi lấy chai rượu thuốc cho bá. Nào, anh cởi áo ra để em làm.
Việt vẫn vùng vằng. Loan quay sang bảo mấy đứa trẻ trâu:
- Các cháu cởi áo giúp chú ấy.
Thế là cả bọn xúm lại giữ chân giữ tay Việt. Chúng lột áo anh, bắt anh nằm sấp xuống giường theo sự chỉ dẫn của Loan. Pha chế thuốc xong, Loan đến ngồi cạnh Việt. Chị lấy tay vã rượu thuốc lên lưng anh và bắt đầu cạo gió. Lũ trẻ chăm chú tò mò nhìn chị làm. Lưng Việt đỏ dần. Những đám máu dọc sống lưng anh tụ lại thâm tím. Có nhiều chỗ như mảng cơm cháy đen sì.
Xem chị cạo gió cho Việt được một lát thì lũ trẻ túa đi bày trò chơi mới. Tiếng mõ trâu lốc cốc hoà với tiếng hò reo của chúng khiến cho Hà ngồi cũng không yên. Nó nói với Loan:
- Cháu ra chơi với chúng nó bá nhé!
Chẳng kịp cho bá nó có đồng ý hay không, Hà đã vù ra khỏi cửa biến vào bãi thả trâu mé đồi bên kia nghĩa địa. Đúng là “Hà tồ”, lớn tướng rồi mà còn như trẻ con. Loan vui vui nghĩ về đứa cháu của mình như vậy.
Còn lại hai người trong lán, Loan nhỏ nhẹ trách Việt:
- Anh tệ lắm. Ốm thế này mà giấu em.
- Mệt xoàng thôi, có đáng gì đâu mà phải nhắn với gửi.
- Anh chỉ được cái chủ quan. Máu tím đen tím đỏ khắp lưng đây này.
- Thằng Quân dạo này thế nào hả Loan?
Việt lảng sang chuyện khác, Loan thở dài:
- Chán lắm anh ạ. Nó đi tối ngày cùng bố nó.
- Sao lại thế được nhỉ? Thế em không bảo nó được à?
- Bảo thế nào được. Dạo con Dung đi, nó đã thẫn thượi mất một thời gian. Sau đó, tưởng nó nguôi ngoai nào ngờ khi bố nó mua xe máy, bảo nó chạy hàng, cho tiền nó ăn chơi thì nó lại hư theo hướng khác. Em lo lắm anh ạ.
- Phải tìm cách giữ con nó lại Loan ạ. Cứ để thế này nguy hiểm lắm.
- Anh bảo giữ bằng cách nào bây giờ? Em cũng nát nước rồi.
- Thế em tham khảo ý kiến của vợ chồng cậu Quang chưa?
- Rồi. Cậu mợ ấy cũng mấy lần gặp thằng bé khuyên giải nó song chỉ được vài hôm rồi đâu lại đóng đó. Bây giờ nó chỉ nghe lời bố nó thôi. Chẳng biết nhà em dạo này thế nào mà lại chiều nó thế không biết!
Loan ca cẩm, ngao ngán. Chị định nói thêm là “nó có vẻ ghét anh thì phải” song chị ghìm lại được. Quả đúng vậy, từ hôm ở viện về, thằng Quân chẳng những không ơn Việt - người đã cho máu nó - mà nó còn có vẻ khing khỉnh anh ra mặt. Cứ nhắc đến tên Việt là mặt nó sa sầm xuống. Loan lo lắm. Không hiểu chuyện gì đã làm cho nó sử xự thế. Một hôm, Loan đã gần xa nói về ơn nghĩa của người đã cứu sống mạng mình thì nó “xì” ra một cái vẻ bất cần. Nó còn buông một câu xanh rờn: “Cũng có giá cả đấy. Mẹ tưởng là vô tư ư?”. Loan nghe vậy điếng người.
Việt ngóc đầu lên:
- Hay là cho nó đi bộ đội?
- Em cũng chưa biết được. Mà anh... anh có lộ chuyện... ấy ra với ai không?
Loan nhìn sâu vào mắt Việt. Việt đăm đắm lắc đầu.
Hai người im lặng một lúc lâu, mãi sau Việt mới lên tiếng:
- Dạo này em với Dụ thế nào?
- Vẫn thế anh ạ.
- Thế là thế nào?
- Thế là bình thường chứ còn thế nào nữa?
- Thôi, em đừng giấu anh - Việt nắm lấy bàn tay Loan và nhìn sâu vào mắt chị - Qua đôi mắt em, anh biết hết cả rồi.
Như chọc đúng vào bong bóng nước, nỗi tủi thân ẩn ức của Loan chợt ào ra. Chị buông chiếc tách đang cạo gió cho Việt, gục đầu ngồi thổn thức.
- Em khổ lắm anh Việt ơi! Anh Dụ nhà em từ ngày ra cửa hàng đến giờ hầu như bỏ bẵng mẹ con em. Cả tháng trời anh ấy chẳng về nhà lấy một lần. Mẹ con em ăn uống no đói thế nào anh ấy cũng không biết. Con cái học hành ra sao anh ấy cũng chẳng quan tâm. Cái đó em chịu được nhưng việc anh ấy lôi kéo thằng Quân thì em không thể chịu được đâu anh Việt ơi! Làm cách nào giữ con nó lại đi anh?
Việt quan sát vội xung quanh. Anh ngồi hẳn dậy vỗ về:
- Thôi, đừng khóc nữa. Nói nhỏ thôi không lũ trẻ nó quay lại bây giờ.
- Nhưng mà em tức lắm. Cực lắm anh ạ.
Loan càng lúc càng khóc to hơn. Chị quên hẳn việc cạo gió gục đầu vào vai anh nức nở. Việt trở thành người dỗ dành Loan.
- Á à! Đây rồi! Bắt được quả tang nhé!
Tiếng ai đó rít qua kẽ răng. Cả hai người giật mình buông vội nhau ra. Họ cùng nhìn ra cửa lán. Dụ đang chống nạnh nghêng ngang đứng giữa cửa. Mặt anh ta hằm hằm:
- Không còn chối cãi gì nữa nhé! Ban ngày ban mặt rõ dơ chưa?
- Anh... anh đừng có mà hàm hồ!
Loan hấp tấp nói.
- Còn cãi hả? Đẹp mặt chưa? Tình xưa nghĩa cũ sâu nặng gớm nhỉ? Thảo nào! Cháy nhà ra mặt chuột nhé!
- Cậu hiểu lầm rồi - Việt phân bua.
- Thôi! Đừng có nhiều lời. Tôi lạ gì các người! Chỉ khéo hoa mĩ. Không qua được thằng này đâu!
Dụ quát ầm ầm. Loan giải thích:
- Anh ấy bị cảm cả tuần nay, cái Hà nó bảo tôi lên cạo gió cho anh ấy chứ có gì mờ ám mà anh phải to tiếng?
- Cạo gió với chả cạo gió. Có mà cô phải gió thì có! Không mờ ám mà sao cô lại khóc. Đừng có bịp tôi!
- Chuyện chỉ có vậy thôi, ông Dụ ạ - Việt vừa khoác áo vừa nói với Dụ - Cây ngay không sợ chết đứng. Ông nghĩ thế nào thì tuỳ ông.
Thấy to tiếng, lũ trẻ trâu chạy xúm lại. Cái Hà đứng im nghe một lúc rồi lên tiếng:
- Đúng đấy bác Dụ ạ. Cháu đến rủ bá Loan lên cạo gió cho chú Việt chứ có việc gì đâu mà bác làm ầm ầm lên thế?
- Câm mồm! Chuyện người lớn, mày biết cái gì mà chõ mõm vào? Nhóc con.
Dụ vằn mắt quát thị uy con Hà. Nó cũng không vừa:
- Nhưng mà nó đúng như thế, cháu nói sai cháu chết.
Cái Hà bướng bỉnh thề thốt. Lũ trẻ mỗi đứa một câu nói vào:
- Chị Hà nói đúng đấy bác ạ.
- Chúng cháu vừa cả đây nghe chú Việt kể chuyện, xem bá Loan cạo gió cho chú ấy mà.
Dụ lọt thỏm giữa vòng vây và những lời của lũ trẻ. Đoạn, anh quay ngoắt ra hằm hằm dắt chiếc xe đạp. Vừa dựng chiếc xe, Dụ vừa quay đầu lại nói:
- Được! Rồi sẽ biết tay tao!
Tất cả nhìn theo bóng Dụ đang đùng đùng bỏ đi. Việt buông tiếng thở dài:
- Tôi làm khổ Loan rồi!
Loan cứng cỏi nói:
- Khổ cái gì mà khổ! Cây ngay không sợ chết đứng. Người ta ốm, đánh gió, bẻ bão là chuyện bình thường. Em làm cho bao nhiêu người còn được nữa là anh. Chỉ được cái kiếm cớ. Nào quay mặt lại đây, em đánh nốt hai bên thái dương cho nó nhẹ người.
Việt xua tay:
- Thôi! Không phải đánh nữa. Tôi khoẻ rồi. Hai bá cháu về đi.
- Anh này hay nhỉ! Cạo gió dở dang để nó nặng thêm à? Không lằng nhằng nữa, để em làm nốt cho.
Lũ trẻ mỗi đứa một câu, cuối cùng, Việt cũng ngoan ngoãn để Loan cạo gió nốt mấy điểm còn lại. Trong đầu anh suy nghĩ mông lung.
Xong đâu đấy, Loan bảo cái Hà cầm cái túi xách cho chị. Chị lôi ra chục quả trứng gà, cân đường rồi để tất những thứ đó lên mặt bàn. Loan dặn:
- Anh nhớ ăn uống tẩm bổ cho chu đáo vào, không thể coi thường được đâu. Hàng ngày, cái Hà sẽ thay em lên chăm sóc anh. Những cháu này nữa, đứa nào rỗi thì lên với chú Việt.
- Vâng ạ. Tối nào cháu cũng lên ngủ với chú ấy đấy.
Thằng Hân này giờ mới lên tiếng.
- Tốt - Loan nhìn nó khích lệ - Cháu thế là rất ngoan. Bổn phận chúng ta là phải chăm sóc giúp đỡ các chú thương binh, huống hồ đây lại là chú Việt, phải không các cháu?
- Đúng ạ. Cô cứ yên trí. Có chúng cháu ở đây rồi.
Bọn trẻ tranh nhau nói. Việt nhìn chúng cảm động. Loan dọn dẹp các thứ đâu đó rồi nói với Việt:
- Bây giờ bá cháu em về. Anh đi nằm nghỉ đi. Không phải suy nghĩ gì cả cho nó mệt người. Đâu khắc có đó. Có gì ngày kia em sẽ lên kiểm tra sức khoẻ cho anh.
Quay sang Hà, Loan giục:
- Về thôi cháu! Lượt về cháu lai bá, được chưa?
- Được! Bá cứ ngồi cho chắc vào!
Hà ngoan ngoãn đáp. Hai người chào Việt và lũ trẻ. Họ lên xe thong thả rời nghĩa địa. Việt nhìn qua cửa sổ theo hút bóng hai người mãi cho đến khi họ khuất dần sau luỹ tre xanh.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi