Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trong cơn khát bôxit để phục vụ nền kinh tế đang phát triển nóng, nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá về môi trường cũng như các vấn đề xã hội.

Những "cơn khát" Bôxit - Kỳ 1: Cuộc chiến ở Orissa



TT - Trong nhiều thế kỷ, người dân vùng Lanjigarh và Rangapoli (tỉnh Orissa, Ấn Độ) sống chan hòa với thiên nhiên, rừng núi. Nhưng kể từ năm 2007, khi Tập đoàn nhôm Anh Vedanta (VAL) đến Rangapoli để khai thác bôxit, cuộc sống người dân địa phương bắt đầu chìm trong nghèo đói, dịch bệnh, ô nhiễm...

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=460800
Công trường khai thác mỏ bôxit ở Orissa - (Ảnh: Orissadiary.com)




Môi trường bị hủy hoại
Năm 2002, Tập đoàn Vedanta tiếp cận cộng đồng người dân ở Lanjigarh và thông báo hãng này sẽ xây một nhà máy tinh luyện nhôm trong vùng. Vedanta cam kết sẽ tạo công ăn việc làm cho tất cả mọi người và đảm bảo sẽ chỉ có một ngôi làng bị di dời. Năm 2003, Vedanta buộc người dân nhiều ngôi làng phải di dời và ép họ bán đất với mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Những người có đầy đủ giấy tờ đất đai chỉ được trả 2.300 USD/acre (0,4ha), trong khi những người không có giấy tờ chỉ được nhận 1.100 USD/acre. Hiện nay Vedanta đang sở hữu hơn 1.200ha đất ở Lanjigarh. Theo luật quốc tế, các nhà máy tinh luyện nhôm phải cách xa làng dân cư ít nhất 10km, nhưng Vedanta đã xây nhà máy với công suất 1 triệu tấn nhôm/năm ngay giữa khu vực dân cư, cách ngôi làng gần nhất chỉ vỏn vẹn 200m. Tại đây, Vedanta xây hai hồ chứa bùn đỏ, mỗi hồ có diện tích bằng bốn sân bóng đá.

Theo người dân Lanjigarh và Rangapoli, nhà máy của Vedanta thường xuyên thải hơi độc và bụi ô nhiễm. “Giờ ở đây không chỉ nóng nực vào ban ngày mà cả ban đêm vì nhà máy nhôm hoạt động 24/24 - cô Lutni Majhi, một người dân ở Lanjigarh, than phiền - Trước đây rừng cây bao quanh làng chúng tôi, không khí rất mát mẻ. Nay chúng tôi chưa bao giờ thấy nóng nực và nhiều ruồi muỗi đến vậy”. Một trưởng bản, ông Saindri Batra, giận dữ: “Khi Vedanta đến đây, cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Họ hứa tạo công ăn việc làm nhưng chúng tôi có được thuê mướn gì đâu mà đất nông nghiệp thì bị bụi và chất độc hủy hoại”.

Theo khảo sát của Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Ấn Độ, nguồn nước ngầm của bang Orissa nói chung, vùng Lanjigarh và Rangapoli nói riêng đang cạn kiệt dần và bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân do việc khai thác và tinh luyện bôxit tốn rất nhiều nước. Các con sông Mahanadi, Bramhani, Rusikulyaa, Nagabali, Subarnarekhaa và Basitarani đều bị ô nhiễm trầm trọng, mất khả năng làm sạch tự nhiên.

“Nước của tất cả các con sông thậm chí còn không đạt loại C, nghĩa là không thể uống được nữa”, giám đốc Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Nadan Kanan cho biết. Với người dân trong vùng, các căn bệnh về phổi, da và mắt đã trở nên phổ biến do bụi độc. Báo cáo của Bộ Môi trường Ấn Độ cho biết trong hai năm qua đã có hàng chục người cùng 250 gia súc ở Lanjigarh và Rangapoli chết vì bệnh lao phổi.

Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), ngay từ khi nhà máy của Vedanta bắt đầu hoạt động, người dân địa phương đã mắc nhiều căn bệnh. Các triệu chứng bao gồm bỏng rộp, sưng da sau khi tắm ở sông, thở khó, ho. Các chuyên gia AI nhận định nguyên nhân là do bụi, khí độc phát ra từ nhà máy và nước sông bị nhiễm nước thải chứa nồng độ kiềm cao.

“Người dân địa phương phải sống dưới cái bóng của nhà máy khổng lồ, hít thở không khí nhiễm độc, e sợ việc sử dụng nước sông - chuyên gia nghiên cứu Ramesh Gopalakrishnan của AI cho biết - Điều gây sốc nhất là những người bị ảnh hưởng nặng nề lại không được cung cấp bất cứ thông tin gì”. AI xác định việc quản lý chất thải yếu kém của Nhà máy Vedanta đã đe dọa trực tiếp cuộc sống của ít nhất 5.000 người trong vùng.

Mỏ bôxit của Vedanta và các khu mỏ khác ở Orissa còn đe dọa sự tồn tại của loài voi. Hơn 90% tổng số voi ở miền đông Ấn Độ tập trung tại Orissa. Trước sự vận động dữ dội của ngành công nghiệp mỏ, chính quyền bang Orissa đã rút bỏ hai đề xuất bảo tồn loài voi. Mỏ bôxit của Vedanta và một số khu mỏ khác đã xâm phạm các hành lang di chuyển của voi. Trong khi đó loài cá sấu Gharial quý hiếm cũng đang biến mất dần khỏi các con sông ở Orissa.

Cuộc chiến pháp lý
Người dân Lanjigarh và Rangapoli không chấp nhận đầu hàng. Khi Vedanta bắt đầu phá rừng để xây nhà máy, khoảng 400 người dân địa phương đã tổ chức biểu tình tại công trường xây dựng. Cảnh sát bắt giữ tất cả những người biểu tình là nam giới, giam họ trong bảy ngày và khi thả thì trục xuất họ đi nơi khác. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn liên tục diễn ra.

“Chúng tôi không muốn nhà máy của Vedanta tồn tại ở đây - ông Siddharth Nayak, một người dân địa phương khẳng định - Nó làm môi trường ô nhiễm, do đó nó phải bị dỡ bỏ”. Sự phản đối càng dâng lên mãnh liệt khi hồi đầu năm, Vedanta đề nghị mở rộng hoạt động sản xuất nhôm ở Lanjigarh từ mức 1 triệu tấn/năm hiện tại lên tới 6 triệu tấn/năm.

Các tổ chức phi chính phủ đã đâm đơn khiếu nại lên Ủy ban Tòa án tối cao về tác động việc khai thác bôxit tại Orissa. Qua điều tra, Ủy ban Tòa án tối cao xác định Vedanta đã “xâm phạm nghiêm trọng” các quy định về môi trường, và bày tỏ sự lo ngại về tác động của dự án bôxit đối với hệ sinh thái của Orissa cũng như đối với sức khỏe của người dân địa phương. Trước sức ép từ dư luận, tháng 8-2010 Bộ Môi trường Ấn Độ đã bác bỏ kế hoạch mở rộng sản xuất nhôm của Vedanta tại vùng Lanjigarh.

“Công ty đã có những xâm phạm nghiêm trọng luật bảo vệ môi trường - Bộ trưởng môi trường Jairam Ramesh khẳng định - Quyết định của Bộ Môi trường hoàn toàn phụ thuộc các quy định pháp lý”.

Trước đó, hồi tháng 10-2009, chính quyền Anh đã chỉ trích Vedanta vì cách đối xử với cộng đồng người dân địa phương ở Orissa. Tuy nhiên, công ty này đã từ chối hợp tác với chính quyền Anh và cản trở một cuộc điều tra của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Các quan chức Vedanta tuyên bố nhà máy ở Lanjigarh không hề tạo ra bụi ô nhiễm và việc môi trường khu vực bị hủy hoại là “do nông dân sử dụng quá nhiều phân bón”.

Dù vậy, cuộc chiến chống Vedanta cũng có những thành công nhất định, ngoài quyết định của Bộ Môi trường Ấn Độ. Một số quỹ đầu tư từ Anh, Na Uy đã rút tiền đầu tư khỏi Vedanta do các cáo buộc xâm hại môi trường và đối xử tàn tệ với người dân địa phương ở Lanjigarh.

Dù Vedanta không được phép mở rộng hoạt động ở Lanjigarh, người dân địa phương vẫn không hài lòng vì nhà máy hiện tại vẫn được phép hoạt động. “Nhà máy này phải bị đóng cửa, nếu không Vedanta sẽ còn tiếp tục tìm cách chiếm đất đai của chúng tôi”, trưởng bản Kumuti Majhi ở Lanjigarh khẳng định.

HIẾU TRUNG tổng hợp
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:

Đưa lúa giống trữ dưới lòng sông



TTO - Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ nghiên cứu sản xuất giống cây trồng Bình Minh (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, An Giang), có cách trữ lúa giống ở lòng sông kéo dài độ nảy mầm hạt giống lên gần 48 tháng thay vì từ 6-12 tháng như hiện nay.

...
Theo PGS. TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng viện lúa ĐBSCL thì cách giữ lúa giống của ông Tâm là cách làm hay khiến lúa giống cách ly với môi trường, đảm bảo cất giữ lúa giống được lâu mà độ nảy mầm của hạt lúa vẫn đạt tỉ lệ cao.

DUY KHƯƠNG
Từ thực tế đơn giản
Tạo nên lợi ích to
Hơn trăm ngàn luận án
Để mục nát đầy kho.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Than đe doạ an ninh năng lượng



SGTT.VN - Trong khi tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn đang hối hả xuất khẩu than để hoàn thành kế hoạch năm 2010 (18 triệu tấn), nhiều nhà máy ximăng trong nước đã tạm thời đóng cửa do thiếu than. Các nhà máy của tổng công ty Ximăng Việt Nam cần 5.000 tấn than cám/ngày để hoạt động nhưng hiện TKV chỉ cung cấp được hơn một nửa. Cho nên, hiện đã có hai lò nung của tổng công ty này đã ngừng hoạt động, nhiều nhà máy khác có nguy cơ ngừng sản xuất. Công ty cổ phần ximăng Bút Sơn phải đóng cửa một lò nung, lò còn lại “ăn đong” than từng ngày. Hàng loạt nhà máy ximăng khác: Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Tam Điệp, Hoàng Mai, Hải Phòng, Hà Tiên... cũng trong tình trạng tương tự.

Nhìn thấy viễn cảnh nhà máy của mình cũng đến ngày phải đắp chiếu nếu không còn mua được than của TKV, mấy tháng qua, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác đã sang Úc, Indonesia… lùng sục tìm kiếm đối tác để mua than. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp ký được hợp đồng nhập than nhưng thực tế đang nảy sinh nhiều vấn đề cho thấy, Việt Nam không dễ dàng nhập được than dài hạn, giá rẻ trong thời gian tới nếu các doanh nghiệp không có sự phối hợp tốt với nhau.

Hiện đã có một số doanh nghiệp tìm các cách khác nhau để nhập được than như công ty PV Coal (thuộc tập đoàn Dầu khí) đã sang Úc ký hợp tác đầu tư khai mỏ, ngay cả TKV cũng đã phải tìm đường sang Nga mua than… Đáng lưu ý, trong khi các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước còn đang rối trí trong việc nhập than ở đâu thì có những doanh nghiệp tư nhân đã ký được hợp đồng nhập than 20 – 30 năm. Ví dụ như công ty An Khánh (Thái Nguyên) đã nhanh tay ký hợp đồng nhập than với thời hạn trên 20 năm.

Việc các doanh nghiệp phải tự mình đi tìm hàng thay vì trông chờ mua than trong nước của TKV hay nhờ TKV đứng ra tìm nguồn nhập giúp là chuyện chẳng đặng đừng. Bởi, ngay chính TKV, sau khi độc quyền khai thác than, xuất đi gần hết thì chính tập đoàn này cũng đang tính tìm nơi nhập than cho các nhà máy điện của mình. Thân mình còn chẳng lo nổi, nên thật dễ hiểu, tập đoàn này đã ba lần từ chối gánh vác nhiệm vụ “độc quyền nhập than” mà bộ Công thương giao cho. Thực tế, dường như đã quá thất vọng với TKV, đến thời điểm này, không còn một doanh nghiệp nào nhờ vả TKV nhập than, bán lại cho. Duy nhất trước đây có tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có nhờ TKV nhập than cho nhà máy Điện Duyên Hải 3 nhưng mới đây EVN báo: “thôi”. Cho nên, một cán bộ của TKV phải nói rằng: “TKV không đi nhập than được vì không có người mua”.

Nhưng ngay từ thời điểm này, người ta đã lo ngại quanh chuyện nhập than sau sẽ sớm xảy ra chuyện tranh giành hợp đồng với nhau giữa một số doanh nghiệp. Lo ngại điều này là đúng bởi hậu quả lớn có thể xảy ra là nếu phía Việt Nam tranh mua, dĩ nhiên, phía nước ngoài sẽ gây sức ép, tăng giá bán than. Nếu các chủ mỏ nước ngoài dùng dằng, gây khó dễ, thậm chí không tiếp tục bán than (như Indonesia) để phục vụ nhu cầu trong nước họ thì an ninh năng lượng của Việt Nam sẽ đặt trước một thách thức lớn.

Cuối năm 2009, bộ Công thương cho rằng, năm 2015 mới nhập than. Nhưng hiện nay, các chuyên gia ngành điện tính toán rằng, một nhà máy nhiệt điện chạy than mà có công suất 1.200MW thì thời gian xây dựng không thể dưới bốn năm. Nếu muốn có một nhà máy hoạt động từ năm 2015 thì ngay từ cuối năm nay hoặc muộn nhất đầu năm sau đã phải có hợp đồng mua than để còn thiết kế công nghệ đốt lò. Cho nên, một số trung tâm điện lực lớn như Quảng Trạch, Long Phú, Sông Hậu… đang chuẩn bị đầu tư, khởi công trong năm nay và 1 – 2 năm tới đang cần phải có những hợp đồng như vậy nhưng đến giờ này vẫn chưa chính thức có nguồn than.
Tệ hơn nữa là các cảng nhập than, tàu nhập than cỡ lớn cần đầu tư lớn, triển khai nhanh để chuẩn bị nhập than cho đến nay cũng chưa đâu vào đâu.

Tất cả cho thấy, tình hình đang rất cấp bách. Cho nên, từ giữa tuần trước, bộ Công thương đã phải tổ chức một cuộc họp giữa các cục, vụ liên quan của bộ này với đại diện các bộ: Công thương, Tài chính, các tập đoàn: TKV, EVN, Dầu khí… để bàn hướng nhập than. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Sài Gòn Tiếp Thị, cuộc họp này cũng không đi đến vấn đề cụ thể nào, như thống nhất cho những doanh nghiệp nào làm đầu mối nhập than, chính thức bao giờ nhập, đầu tư các cảng nhập, tàu chở than ở đâu…

Hậu quả của tình trạng xuất khẩu, xuất lậu than quá bừa bãi trong suốt hàng chục năm qua đến giờ đã thấy nhãn tiền. Một sự chậm trễ trong việc tổ chức nhập than rồi đây có thể gây ra những hậu quả xấu nữa như: giá than tăng nhanh, gặp phải cạnh tranh quyết liệt với các nước (Thái Lan, Trung Quốc…) trong việc mua than, các nước xuất khẩu than có xu hướng thu hẹp lại, không xuất than để phục vụ trong nước.

Nhưng đáng tiếc, đến giờ, chuyện nhập than mới chỉ dừng lại ở bàn bạc, thậm chí bàn lùi (một số tập đoàn vẫn tưởng TKV còn nhiều than, chưa cần nhập). Trong khi đó, dù dự tính từ năm 2015, lượng than phải nhập đã lên đến 30 triệu tấn, dù biết rằng, nhiều nhà máy trong nước đã “đói” than thì từ nay đến năm 2014, TKV vẫn xuất khẩu nốt những triệu tấn “vàng đen” còn lại của đất nước.

MẠNH QUÂN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những "cơn khát" bôxit - Kỳ 3:

Thảm họa cạnh Rio de Janeiro



TT - Đã gần hai tuần kể từ những ngày ăn mừng năm mới 2007 của người dân Brazil. Nhưng đợt mưa lớn kéo dài từ đầu năm ở bang Minas Gerais, một trong 26 bang của Brazil, bang đông dân thứ hai và giàu có thứ hai của Brazil, đang khiến họ đứng ngồi không yên. Đã có hơn 10 người thiệt mạng vì lở đất do mưa lớn tính tới lúc đó.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=461257
Một lượng bùn đỏ rất lớn đã lan tới các con sông của Minas Gerais và Rio de Janeiro - (Ảnh: oglobo.globo.com)




Hai tỉ lít bùn...
Thảm họa thật sự đến vào ngày 10-1-2007. Mưa quá lớn, chiếc đập ngăn bùn đỏ ở hồ chứa tại mỏ khai thác bôxit Mineracao Rio Pomba đã không thể chịu nổi. Dù nó được thiết kế và thi công với sự tính toán kỹ càng về thông số hoặc dự báo về thảm họa thiên nhiên, chiếc đập cao 30m vẫn bục. Ước tính 2 tỉ lít bùn đỏ đã trào khỏi hồ chứa. Dù đơn vị đang khai thác bôxit là Công ty khai thác mỏ Industrias Quimicas Cataguases khẳng định không có chất độc trong bùn, nhưng lượng bùn trào ra quá lớn khiến nhà chức trách và lực lượng xử lý khẩn cấp không kịp trở tay.

Tai nạn trở thành không thể kiểm soát được do mưa quá lớn. Báo mạng O Globo dẫn lời các nhân viên thuộc lực lượng cứu hỏa cho biết chất thải từ mỏ đã chảy vào sông Muriae, tràn qua bờ, làm ngập lụt nhiều phần của thành phố Mirai và Muriae thuộc bang Minas Gerais.

Có tới 8.000 người trở nên vô gia cư, của nả trong nhà mất sạch, lượng người thiệt mạng lên tới 37. Bang Minas Gerais ngay lập tức tuyên bố đóng cửa và dừng hoạt động mỏ Mineracao Rio Pomba. Ban đầu người phát ngôn bang cho biết chính phủ đã quyết định chờ đến khi thiết bị hồ chứa phục hồi mới bắt đầu cho hoạt động lại. Mỗi năm nơi đây sản xuất 1,15 triệu tấn bôxit.

Nhưng thiệt hại không dừng lại đó. Chính phủ phải khẩn cấp điều động những xe tải lớn chở nước uống tới thành phố Mirai và Mueriae. Người dân đã bất an khi toàn bộ nguồn nước bị cắt và họ chỉ còn nước uống được gửi tới bằng thùng nhờ những chiếc xe bồn lớn. Nơi đây người dân không có nước sạch để dùng vì toàn bộ nguồn nước bị nhiễm bẩn và không có cách nào xử lý dùng làm nước sinh hoạt.

Người phát ngôn của mỏ Rio Pomba, Domingos Ciribelli, cho biết mỏ vừa gây họa nằm ở phía đông của tỉnh Minas Gerais, có kích thước trung bình và là một trong những nơi khai thác bôxit của Brazil.

Hai tỉ lít bùn đã đổ vào các con sông là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho một số thành phố gần Rio de Janeiro tiếp giáp với Minas Gerais. Một kế hoạch khẩn cấp đã được công ty cấp thoát nước của Rio (Cedae) thực hiện để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo nguồn cấp nước cho các thành phố San Jose de Uba, Italva, Cardoso Moreira, Itaperuna vẫn được duy trì.

Đường phố, nhà cửa ở thành phố Mirai và Muriae bị chìm dưới bùn đỏ vài mét. Cây cối và động vật bị hư hại nghiêm trọng. Hơn 12.000 người phải di tản khỏi Minas. Cedae đã phải căng mình để đánh giá trước việc nguồn nước bị ô nhiễm chảy vào các thành phố như Laje do Muriaé, São José de Ubá và Itaperuna. 27 ủy ban thành phố khác bỗng nhiên gặp ách từ trên trời rơi xuống, tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Và 200 lần nhiễm bẩn
Thị trưởng Laje do Muriaé tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chính quyền Rio gấp rút gửi các xe thùng chở nước sạch tới cho người dân. Theo phân tích của Cedae, nước sông đã bẩn hơn 200 lần so với bình thường. Ô nhiễm kinh khủng tới mức không thể xử lý phục vụ nhu cầu của con người. Lượng cá chết quá nhiều khiến người ta lo ngại nước bị nhiễm độc nhiều hơn dù nhà máy khẳng định không có độc hại.

Xe tải và xe ủi từ Quỹ Nông thôn Minas Gerais giúp dọn dẹp. Người dân mất nhiều công sức để làm sạch nơi họ sinh sống, nhưng cũng không hi vọng mọi thứ trở lại như trước. Cơ quan vệ sinh môi trường huy động lực lượng làm sạch nhà cửa, các con phố và xây dựng lại cầu cống do con đập ngăn bùn đỏ vỡ.

Bộ trưởng môi trường Minas Gerais, José Carlos Carvalho, sau đó tuyên bố Rio Pomba không được phép xây lại con đập và sẽ bị phạt 35 triệu USD (75 triệu reais). Wagner Victer, chủ tịch Cedae, hoan nghênh quyết định đóng cửa mỏ và yêu cầu phạt thêm chủ sở hữu. Ông Wagner Victer đề nghị chính quyền trước khi đóng cửa công ty khai thác mỏ gây tai nạn lớn cho môi trường thì phải cho những người chủ công ty coi thường pháp luật vào tù. Sau đó, chính phủ đã quyết định cấm vô thời hạn hoạt động của mỏ.

Đó không phải là lần đầu tiên con đập bị vỡ. Trước đó, vào tháng 6-2006, vụ rò rỉ đã diễn ra trong ba ngày. Khi đó, 400 triệu gallon chất thải bùn đỏ đã tới con sông ở khu vực và đến tận thủ đô Rio de Janeiro. Người dân vùng Muriaé đã phải bị ngưng cấp nước sinh hoạt vì lo ngại ô nhiễm.

Trước đó, con đập do Công ty Odessa Odessa Paper và Forestry sở hữu cũng bị bục khiến 1,2 triệu lít nước thải độc hại chảy ra sông Dove và Paraiba do Sul, lan tới tận miền bắc và tây bắc Rio de Janeiro. Đây là hai con sông quan trọng nhất ở phía bắc bang Rio de Janeiro. Đó là chưa tính tới các con sông ô nhiễm chảy về Đại Tây Dương, có thể ảnh hưởng tới khu vực bắc và tây bắc của bang.

HẠNH NGUYÊN tổng hợp


Tên bôxit đến từ đâu?
Bôxit là tên ngôi làng Les Baux ở miền nam nước Pháp, nơi đầu tiên được tìm thấy có chứa aluminium. Nhà địa chất học và kỹ sư mỏ Pierre Berthier (1782-1861) trở thành trưởng phòng thí nghiệm của Đại học Mỏ Pháp vào năm 1816.

Năm 1821, khi đang làm việc ở làng Les Baux ông đã phát hiện khoáng chất và đặt tên nó theo nơi đã phát hiện. Ngoài ra, ông còn phát hiện khoáng chất Berthierite (được đặt theo tên ông). Vì những đóng góp to lớn cho ngành mỏ, hiện nay nếu lên tháp Eiffel ở thủ đô Paris, bạn sẽ thấy tên ông là một trong 72 cái tên của các nhà khoa học, kỹ sư và những con người đặc biệt được khắc trên tháp theo thiết kế của Gustave Eiffel.

Những vết khắc này bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 và được phục hồi vào năm 1986-1987 do công ty phụ trách khai thác kinh doanh những gì liên quan tới ngọn tháp đảm trách. Những tên khắc này bằng vàng và cao 60cm. Năm 2007, Úc là một trong những nước sản xuất bôxit hàng đầu thế giới, với gần 1/3 sản lượng, sau đó là Trung Quốc, Brazil, Guinea, và Ấn Độ.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những "cơn khát" bôxit:

Cuộc tìm kiếm Đông - Tây của Trung Quốc



TT - Báo The Chinanews dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Sản xuất nhôm Trung Quốc (Chinalco) cho biết nhằm đáp ứng nguồn cung ổn định cho các công ty sản xuất nhôm nội địa, hằng năm Trung Quốc phải nhập một lượng bôxit khá lớn, chiếm 1/3 tổng trữ lượng bôxit trong nước.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=461524
Một nông dân ở huyện Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) bên ruộng lúa xơ xác vì nguồn nước đã bị ô nhiễm do chất thải từ Nhà máy khai thác bôxit Tín Phát ở nơi này - (Ảnh: bbs.163.com)




Quốc tế hóa chiến lược kinh doanh
Bôxit được dùng để sản xuất nhôm, hiện Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ nhôm lớn nhất thế giới. Tuy vậy, nguồn dự trữ bôxit của nước này chỉ chiếm 2% trong trữ lượng toàn cầu và hơn 1/3 nguồn cung cấp bôxit hằng năm cho Trung Quốc là từ nhập khẩu.
Chỉ trong năm 2009, như Hãng tin Bloomberg đưa tin, các công ty Trung Quốc đầu tư 32 tỉ USD, một số tiền kỷ lục để mua lại quyền khai thác các nguồn năng lượng và tài nguyên khắp thế giới. Trong năm 2010 không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh dừng lại trong cuộc trường chinh này.

Chính vì nhu cầu tiêu thụ quá lớn nên ngay từ năm 2006, Chính phủ Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp sản xuất nhôm đổ bộ khai thác bôxit ở nước ngoài theo kế hoạch “quốc tế hóa chiến lược kinh doanh” cho các doanh nghiệp.

Năm 2006, Nhật báo Trung Quốc cho biết Chinalco đã giành được hợp đồng trị giá 3 tỉ USD đầu tư phát triển mỏ bôxit ở vùng Aurukun phía bắc Cape York, Úc. Mỏ này có trữ lượng lên đến hàng trăm triệu tấn. Trung Quốc để mắt đến Úc bởi đất nước này có trữ lượng bôxit chiếm 22% trữ lượng của thế giới.

Sau đó một năm (2007), Công ty nhôm Chalco là thành viên của Chinalco đã được hỗ trợ để tiến sang các nước Nam Mỹ. Chalco đạt được thỏa thuận xây dựng một nhà máy luyện nhôm ở Companhia Vale de Rio Doce của Brazil trị giá 1 tỉ USD, để mở rộng khai thác nguồn nguyên liệu bôxit sang các nước Nam Mỹ. Song song chiến lược tìm kiếm bôxit ở Nam Mỹ, Trung Quốc đã vươn xa đến cả lục địa đen châu Phi, nơi còn nhiều nguồn khoáng sản nguyên sơ.

Chi tiền đổi quyền khai thác mỏ
Ở lục địa đen châu Phi, Trung Quốc đã đổ những khoản tiền rất lớn vào để đầu tư cơ sở hạ tầng bất chấp những bất ổn về chính trị, điều kiện khai thác khó khăn ở đây vốn dĩ đã làm cho các nhà đầu tư phương Tây rút đi trong gần 20 năm qua.

Nhật báo Bissau của Guinea - Bissau ngày 25-10-2010 cho biết các dự án thăm dò khai thác khoáng sản, đặc biệt là bôxit của nước này có thể sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc, bởi phía Trung Quốc đang đổ một số tiền khá lớn để hậu thuẫn về “khả năng kỹ thuật và tài chính” cho một số lĩnh vực của Guinea - Bissau, đây được xem là đòn “tranh thủ” tình cảm với Chính phủ Guinea - Bissau, một quốc gia giàu bôxit vào hàng bậc nhất thế giới.

Tập đoàn sản xuất nhôm Chinalco là một trong những tập đoàn nghiên cứu khai thác bôxit ở nước ngoài mạnh nhất và đang manh nha đầu tư vào đây. Theo nhật báo Bissau, đầu năm 2010 Bắc Kinh đã hỗ trợ Guinea - Bissau hơn 1 triệu USD để trang bị cho dinh thự chính phủ do liên doanh của Trung Quốc xây dựng.

Bên cạnh đó còn nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng có bóng dáng của Trung Quốc hỗ trợ về tài chính trị giá hàng triệu USD. Adelino Mano Queta, ngoại trưởng Guinea - Bissau, cho biết “nước này mong muốn ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác hơn nữa với Trung Quốc trước khi kết thúc năm 2010”.

Trước đó Bộ trưởng khoáng sản Guinea Mohamed Thiam cho biết trong năm năm, từ năm 2009, Trung Quốc sẽ đầu tư 7-9 tỉ USD để giúp nước này xây dựng cơ sở hạ tầng ở các hạng mục giao thông chính, xây dựng hệ thống mạng lưới điện quốc gia và hệ thống dẫn nước sạch.

Ông Thiam khẳng định đổi lại các gói hỗ trợ khổng lồ trên, Trung Quốc được nhận quyền khai thác mỏ khoáng sản tại Guinea. Hãng Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã ký gửi 150 triệu USD ở Ngân hàng Trung ương Guinea nhằm đầu tư xây dựng hai trạm phát điện ở nước này. Điện là một trong những nguồn năng lượng chủ yếu để khai thác bôxit. Được biết, hơn một nửa khoáng sản bôxit của thế giới tập trung ở Guinea.

Mới đây, trong tháng 10-2010 tờ báo ngành nhôm Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước nên liên kết lại và tận dụng các nguồn tài nguyên bôxit của các nước gần với Trung Quốc. Trong đó, đặc biệt chú ý đến con số 125 triệu tấn bôxit vẫn gần như nguyên vẹn mà Bộ Tài nguyên khoáng sản Lào vừa công bố trong tháng 10-2010 vừa qua.

Trong cuộc trường chinh tìm kiếm bôxit ở các nước láng giềng, Trung Quốc dường như đã chuẩn bị lót đường cho cuộc tìm kiếm này bằng những gói đầu tư ưu đãi và linh hoạt thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu vực Nam Lào, nơi mà tài nguyên bôxit tập trung nhiều ở cao nguyên Bolaven (Nam Lào). Ngoài ra, nguồn bôxit ở tỉnh Mondulkiri (Campuchia) cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Trong quá trình khai thác bôxit tại các quốc gia thì Trung Quốc phải “nhập gia tùy tục”, cụ thể là dự án của Chinalco ở mỏ bôxit Aurukun (Úc). Khi dự án trên được triển khai, Chinalco đã gặp nhiều sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường của Úc.

Trong quá trình xây dựng, Chinalco phải chịu sự giám sát của cơ quan môi trường Queensland về sự phát triển của hệ động thực vật xung quanh. Tại thời điểm đó, như báo Australian đưa tin, các nhà quan sát đánh giá nếu hệ sinh thái xung quanh công trường Aurukun suy giảm thì ngay lập tức dự án phải dừng lại, và Chinalco phần nào đã tuân thủ nghiêm luật của nước sở tại để hoạt động.

Mới đây, ngày 30-6-2010, chính quyền bang Queensland đã chấp thuận cho Tổng công ty nhôm Trung Quốc Chinalco rút khỏi dự án khai thác bôxit ở mỏ Aurukun tại bang Queensland sau gần ba năm khai thác ở đây.

Lý do rút khỏi dự án này như Chinalco cho biết là do dự án Aurukun có quá nhiều bất lợi trong việc mở rộng khai thác. Tuy nhiên theo đánh giá của giới phân tích, Chinalco rút khỏi dự án trị giá 2,58 tỉ USD này là do biến động của thị trường nhôm thế giới.

MỸ LOAN  tổng hợp
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang

Kiến nghị dừng khai thác bauxite do các nhà trí thức khởi xướng phải được công bố cho toàn dân và Quốc hội

Lê Hiếu Đằng

Nguồn: http://boxitvn.wordpress....BB%A3c-cng-b%E1%BB%91-ch/

http://boxitvn.files.wordpress.com/2010/11/clip_image001.gif
Luật gia, nguyên Phó Tổng Thư ký UB TƯ Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình VN, nguyên Phó Chủ tịch MTTQVN TPHCM. Hiện là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc UBTƯMTTQVN

Tôi xin thẳng thắn đặt câu hỏi: Có ai đã ngăn cản các phương tiện truyền thông công bố kiến nghị trên? Nếu có, thì đó là tước quyền được thông tin của nhân dân – quyền được hiến pháp và pháp luật bảo hộ, như thế người ngăn cản đã vi phạm pháp luật của nước CHXHCNVN.

Nếu không phải như thế, thì tôi xin hỏi giới nhà báo nước ta: Tại sao các bạn phải sợ mà không dám đăng tải một kiến nghị có tầm quan yếu đến vận mệnh dân tộc, đã được lưu truyền khá lâu trên nhiều mạng, đã được chính thức gửi tới Quốc hội? Như thế có phải các bạn đã từ bỏ cái quyền quan trọng nhất của mình và cũng là yêu cầu cao nhất của nhân dân với các bạn: thông tin trung thực những gì liên quan đến lợi ích của người dân? Tôi tin rằng tờ báo nào mạnh dạn đăng tải Kiến nghị nói trên sẽ chẳng bị ai bắt tù, ngược lại sẽ được nhân dân quý trọng.
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đà Lạt



(TBKTSG) - Những ngày Sài Gòn trở rét bất thường làm hắn không thể cưỡng nổi cơn nhớ Đà Lạt cồn cào trong máu thịt. Có lẽ ai từng gắn bó với cái thành phố ấy thời trẻ cũng dễ bị con virus nhớ ấy phát tán, di căn trong tâm hồn. Và rồi con virus hoang dại ấy gây bệnh theo mùa.

Cứ mỗi khi nghe ở đâu đó chút nắng vàng lạnh se hay những buổi chiều đông mây xám chùng thấp, hoặc thấy đâu đó một thoáng sa mù… thì Đà Lạt lại ùa về trong tâm tưởng, khiến kẻ đa mang kia bị quật ngã không ngờ.

Cơn nhớ dẫn dụ hắn tìm về cái thành phố bé nhỏ kia. Tìm về không phải để gom nhặt lại những gì đã mất, để tắm trong những dư ảnh và huyễn tưởng bồng bềnh, mà đối diện với một thực tại mới, thực tại của những gì không thể trở lại, thực tại của “thời gian đã mất”, theo cách nói của Marcel Proust.


Về Đà Lạt, để thấy mọi tấc đất cỏ cây, rừng rú bị cào phẳng, phủ kín bởi những khối bê tông trơ lạnh, giữa trùng vây của những bức tường nhà ống lạnh lùng. Về, để thấy sự trương nở của đô thị, sự chật chội, bị xé vụn của không gian sống không là vấn đề riêng của một đô thị nào, cái tâm thế quẩn quanh và tầm nhìn rộng bị tước mất nào phải vấn đề riêng của cư dân một thành phố nào.

Đà Lạt tự ban đầu đã là đất mộng của người tứ chiếng. Chính vì hào phóng gieo vào nội tâm mỗi cá nhân một bầu trời mộng mơ và suy tưởng, kỷ niệm và phũ phàng, nên nó trở thành cái xứ sở của những hoài niệm riêng tư và những chuyện kể bất tận gần như huyền thoại khói sương trong từng cuộc đời. Đà Lạt trong mỗi người, vì thế, vừa là chốn để mơ tưởng, vừa là nơi phô bày sự mất mát và hụt hẫng của hiện tại.

Cảnh cũ không còn, người xưa hút bóng. Ta chợt nghĩ Đà Lạt của hiện tại đang chối bỏ ta như một cách trả thù, giáng cho ký ức một đòn thật nặng vì cái lỗi lầm mà hôm qua, hay hôm kia, ta ngoảnh mặt bỏ rơi thành phố, theo đòi những toan tính chọn lựa thiệt, hơn.

Và, cái đòn ấy thật đau đớn. Có người trở về rồi thấy lạc lõng khi góc quán cũ ngày trước quây quần bè bạn văn chương nay là tụ điểm của mấy bác xe ôm mê bài bạc, cá độ, nói năng tục tằn văng mạng. Có người thề không trở lại vì con người ở đây không còn thân thiện và lịch thiệp, kín đáo và nhỏ nhẹ nữa mà đã khoác lên mình vẻ khôn lanh lọc lõi, thực dụng theo xu thế nhà nhà kéo ra đường với một cung cách bình dân dịch vụ.

Nhưng cũng lạ. Cái kẻ tình si kia đã biết thành phố sẽ ruồng rẫy và xa lạ, sao vẫn hoài đắm đuối với giấc mộng cũ? Nhiều lần vấp phải câu hỏi đó, dặn lòng không trở về nữa nhưng rồi hắn vẫn trở về. Vì con virus hoang dại ấy đã gieo vào trong máu hắn một triệu chứng trầm kha, với những trận lên cơn cuồng nhiệt, đủ làm lòng trí hắn bao dung một cách thơ ngây và sẵn sàng bỏ quên những câu trả lời lý trí phía bên kia đường biên thực tại. Về để tự đày đọa, để thỏa mãn sự thèm thuồng được mất mát như một thú đau thương, để ban phát cho hoài niệm một sự nấn ná, nuông chiều vô vọng.

Hắn rong ruổi trên những con hẻm cũ, lần tìm gốc thông xưa hò hẹn giờ là một khoảng sân biệt thự màu sơn sặc sỡ. Hắn lang thang từng giờ trên lối về giảng đường cũ chìm khuất để tìm lại tiếng cười của người tình cũ. Hắn đi tìm bè bạn xưa trong một khu phố sinh viên xộc xệch, xa lạ xập xình thứ nhạc trẻ thời thừa mứa sáo rỗng. Hắn dừng lại hỏi han những người năm xưa ai còn ai mất. Hắn len lỏi trên những lối đi lát đá lên ngọn đồi xưa nhìn xuống một mặt hồ cạn nước… Những lối đi bị bủa kín bởi trùng trùng tường thành, nối kết bởi vô vàn những nhà ống vươn lên theo chiều thẳng đứng. Giữa những chật hẹp đó, hắn nhận ra cái mất mát lớn nhất của thành phố và của cõi lòng hắn trong cuộc đối thoại này chính là sự thoáng đãng và tầm ngắm những chân trời: hắn chật hẹp với ký ức còn thành phố thì chật hẹp trong thực tại. Những chân trời đẹp nhất đã bị đẩy về mãi mãi hôm qua.

Tất cả đã bị thời gian lấy mất. Đà Lạt của riêng hắn là thành phố không ngừng đánh mất những chân trời hoài niệm, là xúc cảm buồn bã gần như bất khoan dung với hiện tại và tương lai. Rồi đây, Đà Lạt cũng sẽ như bao thành phố khác đang tìm mình trong chiều thẳng đứng và những chật chội. Những cánh rừng, góc quán, những dư ảnh tốt đẹp hôm qua, những ý tưởng về một chốn thiên đường và cả sương mù, tán thông, hoa cỏ, người thân… sẽ vĩnh viễn mất hút. Rồi đây, ký ức trong hắn cũng sáo rỗng, phai tàn, không nương theo con virus xúc cảm nữa mà theo sự nghiệt ngã của quy luật hóa sinh. Thời gian rồi sẽ bào mòn tất cả. Chẳng còn ai, chẳng còn chuyện gì để kể lại ngày mai.

Ả nhân tình tàn tạ vẫn cười hả hê hoang dại dưới bóng trăng cũ. Gã lụy tình mê lạc mắc chứng tự huyễn kia thoát khỏi cơn mộng du lại dứt áo quay đi, thề không trở lại. Hắn ôm trong lồng ngực thêm một cơn nấc nghẹn, một vết thương cứ đợi trời lập đông lại trở chứng chống lại ý chí của chính hắn. Giữa cái trường đoạn buồn thảm đó, hắn thấy thân phận kẻ lụy tình vô tri, cứ mùa đông sang lại trở về thành phố nhỏ, rồi ôm con trăng tàn tạ mà thổn thức, xuôi đèo.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trả đồi mồi quý hiếm về biển



TT - Ngày 11-11, Thanh tra Sở NN&PTNT Bạc Liêu phối hợp với Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã thả con đồi mồi (nặng gần 30kg, dài 0,63m) đang nuôi giữ tại nhà hàng hải sản phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) về lại biển.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=462189
Con đồi mồi quý hiếm được thả về biển ngày 11-11 - (Ảnh: P.T.Cường)




Con đồi mồi vừa được thả do ngư dân bắt được trên vùng biển Bạc Liêu, chủ nhà hàng kể trên đã mua lại nuôi giữ để phục vụ khách du lịch đến nhà hàng tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Theo ông Võ Thanh Hải - chánh thanh tra Sở NN&PTNT Bạc Liêu, đây là đồi mồi quý hiếm, tên khoa học là Eretmochelys imbricata, có nguy cơ tuyệt chủng ở VN, cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

PHan THANH CƯỜNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhiên liệu sinh học làm tăng khí thải nhà kính



TTO - Nhiêu liệu sinh học không giúp giảm khí thải nhà kính mà ngược lại còn làm lượng khí thải nguy hiểm này tăng lên, theo phân tích mới đây của Viện Chính sách môi trường châu Âu (IEEP).

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=462951
Theo Viện Chính sách môi trường châu Âu, nhiên liệu sinh học sẽ làm tăng khí thải nhà kính - Ảnh: generatorsunlimited.com




Báo cáo của IEEP cho biết để có đủ nhiên liệu sinh học cho châu Âu, sẽ có tới 4,1-6,9 triệu ha đất được phát quang để trồng các loại cây cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Theo News Scientist, việc làm này sẽ khiến lượng khí carbon thải ra cao gấp hai lần so với lượng khí do các ôtô chạy xăng thải ra. “Để phát quang, các khu rừng sẽ bị đốn hạ, các đồng cỏ sẽ bị cày nát và khí carbon thải ra sẽ được giữ lại trong đất và cây cối”, IEEP phân tích.

Năm 2007, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 20% vào năm 2020, và thay 10% nhiên liệu xe bằng nhiên liệu sinh học. Các tổ chức bảo vệ môi trường đã phản đối, nói điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới diện tích đất trồng cây lương thực.

Còn theo tính toán mới đây của IEEP, từ năm 2011-2020, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng 90-167% nếu EU hạn chế dùng nhiên liệu hóa thạch và thay bằng nhiên liệu sinh học. Con số này tương đương với việc có thêm 12-26 triệu ôtô lưu thông trên đường.

Catherine Bowyer, tác giả báo cáo, nói thế hệ kế tiếp của nhiên liệu sinh học - làm từ chất thải hay từ gỗ - sẽ ít gây ảnh hưởng tới đất đai hơn, nhưng chính sách nhiên liệu sinh học cũng không đủ hiệu quả để EU đạt được mục tiêu giảm khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường.

MINH ANH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đập thủy điện sông Mekong: Mối đe dọa lớn



TT - Vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đến nghe các nhà khoa học, chuyên gia trình bày chủ đề “Phát triển đập thủy điện trên sông Mekong và thách thức đối với VN”. Đây là chủ đề do Trung tâm Con người và thiên nhiên (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN) cùng Mạng lưới sông ngòi VN tổ chức.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=461268
Mùa nước nổi năm nay ở ĐBSCL mực nước thấp hơn cùng kỳ các năm 1,1m (Ảnh: Đ.Vịnh)




Dự án thủy điện như nấm
Với chiều dài gần 5.000km, tạo ra lưu vực rộng gần 800.000km2, Mekong là dòng sông lớn nhất Đông Nam Á có tiềm năng thủy điện dồi dào. Theo TS Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký ủy hội sông Mekong, với 31% diện tích lưu vực, 16% lưu lượng nước, 2.000km chiều dài và cao 4,5km so với mực nước biển, dòng Mekong thượng lưu phía Trung Quốc tạo ra 23.000 MW điện tiềm năng. Hiện Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thủy điện trên thượng nguồn, họ đã và đang xây dựng bốn đập lớn: Mạn Loan, Tiểu Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng.

Theo ông Tứ, Trung Quốc tuyên bố việc xây dựng các đập thủy điện của họ không ảnh hưởng đến vùng hạ lưu, Trung Quốc và Myanmar đến nay vẫn từ chối tham gia ủy hội sông Mekong (ủy hội hiện nay gồm bốn nước VN, Lào, Campuchia, Thái Lan).

Tiềm năng thủy điện dòng Mekong mang lại cho bốn nước hạ lưu cũng lên tới 30.000 MW, tập trung chủ yếu ở Lào. “Từ năm 2007 đến nay thủy điện là vấn đề nóng bỏng ở khu vực hạ lưu. Lào dự kiến xây tám bậc thang, Thái Lan hai và Campuchia hai. Đó là chưa kể gần 60 đập thủy điện được xây trên các dòng nhánh của Mekong. Rõ ràng thủy điện dày đặc đang làm chúng ta hốt hoảng” - ông Tứ cho hay.

Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu sông Mekong, TS Jeremy Carew - Raid, giám đốc Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường, chuyên gia dự án đánh giá môi trường khu vực hạ lưu sông Mekong, cho biết: nếu các dự án trên được hiện thực thì 55% tổng chiều dài của sông sẽ biến thành các hồ chứa nước.

Ai được lợi?
“Nếu cả 12 dự án của khu vực hạ lưu được triển khai và vận hành cũng chỉ cung cấp 6-8% nhu cầu đỉnh (thời điểm sử dụng điện cao nhất) năm 2025 của bốn nước VN, Thái Lan, Lào và Campuchia. Vì vậy, sự đóng góp của 12 đập này chỉ đúng bằng mức tăng trưởng điện một năm. Nước Lào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án này. Lào có thể thu được 2,6 tỉ USD mỗi năm do bán điện.

Đương nhiên các nhà xây dựng, các nhà đầu tư sẽ chia sẻ với Lào trong số 2,6 tỉ USD đó. Điều đáng lưu ý là Lào dự kiến xây dựng thủy điện mật độ dày đặc nhưng chỉ sử dụng 4%, 96% còn lại được xuất khẩu chủ yếu sang Thái Lan và VN” - TS Jeremy cho biết.

Tác động xấu của nó thì thế nào? TS Jeremy nói: “Hạ lưu sông Mekong sẽ không còn thời gian chuyển mùa trong năm, lượng phù sa sẽ thay đổi, độ phì nhiêu sẽ giảm rất nhiều. Các con đập sẽ tích một lượng nước khổng lồ nhất trong lịch sử. Giả định các con đập cùng xả nước, xả lũ khẩn cấp thì trong vòng 1-2 giờ, mực nước vùng hạ lưu có thể dâng lên 3-6m. Như vậy, chúng ta có thể thấy tác động kinh hoàng của nó trong trường hợp xấu. Vậy mà chưa thấy ai đề cập việc xây đập điều tiết ở phía hạ lưu. Nếu 12 đập thủy điện được xây dựng thì chúng ta cần ba con đập để điều tiết nước. Ai sẽ xây ba con đập, vận hành và chi trả kinh phí cho nó: Lào, Thái Lan hay VN?”.

Theo tính toán, các đập thủy điện sẽ khiến các hạt phù sa thô và trung bình lắng đọng hết tại các hồ chứa, các loại phù sa mịn giàu dưỡng chất về đến đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng 25% so với hiện nay. Và đồng bằng trù phú nhất VN này sẽ bị mất 42% lượng thủy sản. Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu vấn đề này, cung cấp số liệu: nguồn thủy sản tự nhiên cung cấp cho đồng bằng sông Cửu Long là 220.000-440.000 tấn/năm.

Nếu mất nguồn thủy sản này mỗi năm có thể mất 1 tỉ USD. Còn việc mất 75% lượng phù sa chưa tính được bằng tiền. Chúng ta chưa đánh giá cụ thể được tác động của các đập phía thượng nguồn mà Trung Quốc đã xây dựng, nhưng ảnh hưởng của việc đói lũ ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay đã thấy rõ: nguồn cá thiên nhiên cạn kiệt, dân phải bơm nước vào đồng, nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở, biển xâm lấn đất liền...

“VN sẽ được mua điện từ các dự án trên, nhưng xin lưu ý rằng chỉ đáp ứng 4,4% nhu cầu điện của ta. Trong khi đó mối đe dọa là quá lớn, các dự án thủy điện chủ yếu là của tư nhân, thật khó để điều phối 12 ông chủ xả nước thế nào để có lợi nhất cho vùng hạ lưu” - ông Thiện phân tích.

Kiến nghị điều trần trước Quốc hội
Các đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy (Bạc Liêu), Nguyễn Danh (Gia Lai), Hà Thanh Toàn (Cần Thơ) đều nhận định các chứng cứ được nêu trên là rất đáng lo ngại. “Nhưng ai sẽ hành động” - ông Toàn nêu câu hỏi. “Có nên có công ước về chuyển nguồn nước hay không?” - ông Danh phân vân. Theo GS Nguyễn Ngọc Trân, mặc dù hiệp định sông Mekong đã được ký từ năm 1995, nhưng vì các lợi ích quốc gia khác nhau nên các quốc gia vẫn trong tình trạng “đồng sàng dị mộng”. Vì vậy, biện pháp tốt nhất vẫn là đối thoại và kiên trì thuyết phục nhau.

Ở khía cạnh khác, Phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế Lê Quốc Dung đặt vấn đề: Người thiệt hại nhất là VN, trong khi chúng ta đang thiếu điện nhất và mong muốn đầu tư thủy điện ở Lào. Vậy nếu không trì hoãn được thì VN vẫn phải vào cuộc đầu tư vì không vào thì người khác vào và mình phải mua điện? TS Jeremy cho rằng các lực lượng của thị trường hiện nay đang quyết định đến việc khai thác, phát triển dòng sông Mekong như thế nào.

Các nhà đầu tư liên tục đến, hình thành các dự án và quyết định tương lai của sông Mekong. Đây là vấn đề nóng và khó. Tuy nhiên, VN và Thái Lan mới là những quốc gia quyết định đến việc có hay không xây các dự án thủy điện ở Lào, nếu VN và Thái Lan tuyên bố không mua điện thì các dự án trên có lẽ sẽ không được triển khai.

Ông Trần Văn Tư - chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Cần Thơ - lên tiếng: Đề nghị Quốc hội dứt khoát không đồng tình việc xây thủy điện và không mua điện từ các dự án đó. Sau này nếu có vấn đề gì chúng ta đấu tranh, kiện các nước phía trên.

Thứ hai, hậu quả rõ ràng đã lường trước được như vậy rồi thì chúng ta chuẩn bị gì cho đồng bằng sông Cửu Long, có cần tích nước không, thay đổi cây trồng, vật nuôi thế nào cần phải chuẩn bị ngay. “VN không mua điện nữa? - đó là câu hỏi không phải đơn giản vì chúng ta đang thiếu điện. Nhưng câu trả lời chúng ta phải nói là: không. Chúng ta phải tìm các nguồn khác” - đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đồng tình.

Kết thúc thảo luận, các nhà khoa học và các đại biểu Quốc hội nhất trí để vấn đề nhận được sự hiểu biết, quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ hơn, xin kiến nghị ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường tổ chức phiên điều trần trước các đại biểu Quốc hội.

LÊ KIÊN


Dự án chuyển nước khổng lồ
Ngoài các dự án thủy điện, TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cảnh báo các dự án chuyển nước của Trung Quốc và Thái Lan sẽ khiến đồng bằng sông Cửu Long kiệt nước. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cũng bày tỏ sự lo ngại đặc biệt trước các dự án chuyển nước: Hiện nay Thái Lan có hai dự án chuyển nước từ sông Mekong để phục vụ phát triển các vùng khác.

Nhưng đáng ngại nhất là dự án chuyển nước khổng lồ của Trung Quốc khi mỗi năm 17 tỉ m3 nước ở phía thượng nguồn Mekong được chuyển sang sông Hoàng Hà qua hệ thống đường ống, kênh mương. Khi Trung Quốc làm các đập để dâng nước lên nữa thì việc chuyển nước càng nhiều hơn. “Đồng thời với xây đập, nạn phá rừng sẽ biến hệ thống hồ đập thành những lưỡi kiếm treo trên đầu người dân hạ lưu” - GS Trân cảnh báo.

15 bậc thang thủy điện đã được Trung Quốc, 12 bậc thang đã được Lào, Thái Lan, Campuchia quy hoạch thành các dự án thủy điện. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu những thiệt hại khổng lồ bởi các dự án trên và bị đe dọa nghiêm trọng nếu một trong số các đập thủy điện gặp sự cố.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] ... ›Trang sau »Trang cuối