Vết sẹo trên cao nguyên đá (Kỳ 2)(xem Kỳ 1
tại đây )
Đổi trăm triệu năm lấy một nhát... búa
TT - Thật ra từ trước khi cao nguyên đá được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, trong quá trình hội thảo, lập hồ sơ, nghiên cứu, thăm thú, vài năm qua tỉnh Hà Giang đã có những kế hoạch tuyên truyền, vận động bà con đừng phá đá với tốc độ “tằm ăn rỗi” nữa.
Xe phá đá ngày đêm “đẽo gọt” công viên địa chất toàn cầu - (Ảnh: Đ.D.H.)
Sự quyết liệt trên... giấyKế hoạch nâng cao nhận thức bảo vệ di sản địa chất cho cộng đồng 230.000 người sống ở khu vực cao nguyên Đồng Văn hiện đang được cơ quan chức năng triển khai làm ba giai đoạn, từ năm 2010-2015.
Các “phát ngôn” được đưa ra rất quyết liệt trên... giấy tờ, tuy nhiên khi chúng tôi đi dọc mấy trăm cây số cảnh quan mỹ miều đang bị đẽo gọt không thương tiếc của bốn huyện vùng cao núi đá phía bắc tỉnh Hà Giang, lúc được hỏi hầu hết bà con đều cho biết chưa nghe thấy “tuyên truyền bảo vệ” bao giờ.
Việc bảo vệ di sản địa chất này là cấp thiết, nhưng các hoang mạc đá tuyệt đẹp ở Cán Chu Phìn, Lũng Pù hay dọc đường từ thị xã lên Mèo Vạc vẫn bị phá trước mắt du khách.
Ngay bản thân ông Ma Ngọc Giang, giám đốc Ban quản lý công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, cũng nói thẳng với nhà báo về quan điểm của “đơn vị chủ nhà” xung quanh việc khai thác đá tràn lan, rằng: “Nếu (tổ chức cá nhân) xin khai thác (đá) thì vẫn được (cấp phép) nhưng phải theo quy hoạch, trước mắt là xa đường giao thông, các điểm khai thác phải cách đường giao thông 2km để tránh làm ảnh hưởng đến mỹ quan của công viên khi khách du lịch nhìn vào”.
Đây là một quan điểm rất mập mờ và thiếu khoa học, bởi xa đường 2km thì không có nghĩa một trái núi trắng hếu, như cái dằm nhức buốt trong mắt người chiêm ngưỡng công viên địa chất, sẽ bị... che khuất. Vả lại, 2km xa tỉnh lộ, nhưng ở vị trí đó núi đá là một kỳ quan kiểu như núi Cô Tiên nức tiếng cả thế giới thì cũng được phá sao?
Quan điểm của các nhà khoa học là phải cấm triệt để hoặc phải có ban bệ xét duyệt cấp phép khai thác đá thật nghiêm khắc, ai ký thì người đó chịu trách nhiệm cụ thể, may ra mới bảo vệ được di sản địa chất triệu năm tuổi.
“Ăn thịt” di sảnCuối tháng 9-2010 (một tháng trước khi UNESCO chính thức vinh danh cao nguyên đá là công viên địa chất toàn cầu) chúng tôi có một chuyến khảo sát. Ngay sát đường Hạnh Phúc (con đường lớn nhất, duy nhất xuyên suốt cao nguyên Đồng Văn), chúng tôi vẫn gặp cảnh phá đá ầm ầm.
Thậm chí ngay gần UBND xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc), nơi được báo cáo là đã họp dân và thống nhất quan điểm bảo vệ di sản địa chất toàn cầu, người ta vẫn ồ ạt đẽo đá. Trận địa đá bị phá tan hoang, trắng lốp.
Nơi đây đã được các nhà địa chất địa mạo cực kỳ chú ý với các rừng đá, hoang mạc đá, đàn thú đá hình thù kỳ dị. Đá được phá bằng máy, vận chuyển bằng ôtô, bị nghiền đóng thành gạch xếp chất ngất ven đường, ngay trong khuôn viên trường tiểu học xã, không thể nói là không ai nhìn thấy.
Ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, chúng tôi còn chứng kiến cảnh ngang nhiên phá đá, nghiền đá, vận chuyển bằng ôtô nhả khói đen kịt. Gần thị trấn Đồng Văn, cách tỉnh lộ 4D khoảng 100m, chúng tôi gặp các công trường phá đá mênh mông, máy nghiền đá mắc điện 3 pha, bà con bảo “phá đá thế này nhiều năm rồi, bỏ nghề thì lấy gì mà sống”.
Đoàn khảo sát choáng váng khi thấy các rừng thú đá, hoang mạc đá, rừng hoa đá xám đen mà tất cả đều được... viền trắng hoặc phần chóp mũi mỗi hình thù đều có màu trắng như đeo khăn tang. Lại gần thì ôi thôi, các “kỳ hoa dị thảo”, “muôn loài hội tụ” bằng đá năm ngoái mình vừa chụp ảnh, năm nay đã bị đẽo sạch.
Có lẽ nhiều bức ảnh lưu trong hồ sơ đề nghị công nhận “công viên địa chất toàn cầu” cho cao nguyên đá, bây giờ mà so lại thì cảnh vật bị biến dạng khá nhiều.
Bà con rất “hồn nhiên”, đá khối hàng triệu tấn từ thuở tạo sơn thì khó đẽo, đá ở xa đường thì khó khiêng về, thế là họ cứ tìm các chỏm chóp nhô lên, xinh xẻo, vừa một vác vai, lại thò ra rất tiện tay... để ghè đẽo. Thế là họ “chặt”.
“Bãi hải cẩu đá” và “rừng hoa đá” là nơi người đẽo đá thích nhất, vừa tay nhất, mỗi cái mõm, cái chân hải cẩu, mỗi cánh hoa đá là đủ để hai người khiêng ra, mang về làm vật liệu. Thế là tất cả đều bị loang lổ, vỡ đổ, sứt mẻ, đá xám ngoét khắp vùng biên cương bây giờ đều trắng lốp.
Đường đi Khâu Vai, Lũng Pù, Cán Chu Phìn, sang Đồng Văn, về Sà Phìn, ngược Lũng Cú, chỗ nào cũng tan hoang.
Có một bài học buồn bã thế này: không ai lên công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn mà không mê mải với cổng trời Quản Bạ. “Đứng trên cổng trời Quản Bạ/ Tưởng mình cưỡi gió ngắm trần gian”.
Từ Quản Bạ, phóng tầm mắt sẽ gặp núi Cô Tiên - Cặp Vú Cô Tiên. Tức là hai trái núi tròn, nhẵn, mơn mởn, đều nhau, so le, “mọc” ở vị trí rất hữu tình, không ai nhìn mà không liên tưởng tới “cặp tuyết lê” của tiên nữ, nhân thế ngàn đời qua bà con, du khách, các nhà khoa học mới đặt thành tên. Cổng trời Quản Bạ/ núi Cô Tiên là hai điểm nhấn “chiến lược” của du lịch công viên địa chất Đồng Văn.
Tuy nhiên, mới đây người ta đã làm đường, đã khoét, bạt, bới, đào ở một mỏm núi bên cạnh “cặp tuyết lê”. Núi trắng hếu, nham nhở, khiến ai đứng trên cổng trời Quản Bạ ngắm Vú Cô Tiên cũng nhăn mặt nhưng sai lầm kia vẫn không tài nào sửa được. Nếu không khéo quản lý, những bài học kiểu này sẽ còn nhiều nhiều nữa.
Nhát búa tạ phá trăm triệu nămTất nhiên, so với di sản thiên nhiên thế giới, các quy định quản lý công viên địa chất toàn cầu có chút ít “nới lỏng” hơn, cho phép khai thác có điều tiết, đồng thời quản lý sử dụng bền vững các sản phẩm địa phương phục vụ dân sinh và du lịch, nghiên cứu.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa để người ta tự do chặt đẽo đá, phá nghiền đá bừa bãi ở mức độ “ăn thịt” di sản như những gì đã và đang diễn ra.
Không phải chờ đến ngày các trái núi biến mất do phá đá bằng máy móc và thuốc nổ, chưa cần đến khi các thủy điện ồ ạt dâng nước vĩnh viễn nhấn chìm các vách núi, hang động, bản làng rộng lớn và kiều diễm của miền biên viễn đá xám kia; chỉ cần vài nhát búa tạ, vài người phu cầm búa ghè đẽo các bông hoa đá, các vườn thú và hoang mạc đá... chỉ chừng đó cũng đủ làm biến mất, biến dạng nhiều giá trị muôn một của trăm triệu năm kiến tạo vỏ trái đất, món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cao nguyên đá.
Một cuộc ra tay hiệu quả, một cuộc thanh kiểm tra các dự án, công trình làm biến dạng, thay đổi cảnh quan, địa mạo cao nguyên đá (cả trong “công viên” và phụ cận liên quan), một sự rà soát các tác động môi trường do ba dự án thủy điện gây ra... là đòi hỏi cấp thiết lúc này.
ĐỖ LÃNG QUÂNMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)