Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mục lục

(tiếp theo từ trang 8)



79. Giảm thiểu nguy cơ từ khai thác bôxít...  (GS.TS khoa học Đặng Trung Thuận)

80. Một khẳng định không thuyết phục

81. Bùn đỏ có thể gây ung thư

82. Giải pháp môi trường mới chỉ là... dự kiến!  (H. Thiên Nga)

83. Chống bão lũ từ đâu?  (Nguyễn Đỗ Dũng)

84. Tập đoàn Trung quốc bảo đảm thi công nhà máy nhiệt điện Duyên Hải

85. GS. TSKH Đặng Hùng Võ: "Chúng ta tham một chút thì con cháu không còn đất lành để sống!"

86. Bauxite: 'Cú đánh cuối cùng làm tan tành Tây Nguyên'  . . . . .trang 12    

87. Thông tấn xã Việt Nam: Bùn đỏ ở Hunggari có chứa phóng xạ

88. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Tôi lên tiếng vì lợi ích chung của đất nước.”

89. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Việt Nam đã từng từ chối khai thác bô xít Tây Nguyên.”

90. Cho nước ngoài thuê rừng: Giá 1 ha bằng 10 bát phở!

91. Nhìn lại hơn một thập kỷ thực hiện Dung Quất  (Mạnh Quân)

92. TS. Nguyễn Thành Sơn: “Cần quyết định càng sớm càng tốt...”

93. Cơ hội làm phim tài liệu cho các bạn trẻ

94. Ông Ksor Phước, chủ tịch hội đồng Dân tộc của Quốc hội: "Không chắc được công nghệ thì không nên làm!"

95. Đưa lúa giống trữ dưới lòng sông  (Duy Khương)

96. Những "cơn khát" Bôxit - Kỳ 1: Cuộc chiến ở Orissa   . . . . trang 13

97. Than đe doạ an ninh năng lượng  (Mạnh Quân)

98. Thảm họa cạnh Rio de Janeiro

99. Cuộc tìm kiếm Đông - Tây của Trung Quốc

100. Lê Hiếu Đằng: "Kiến nghị dừng khai thác bauxite do các nhà trí thức khởi xướng phải được công bố cho toàn dân và Quốc hội."

101. Đà Lạt  (Nguyễn Vĩnh Nguyên)

102. Trả đồi mồi quý hiếm về biển

103. Nhiên liệu sinh học làm tăng khí thải nhà kính

104. Đập thủy điện sông Mekong: Mối đe dọa lớn  (Lê Kiên)

105. Hoãn xây đập trên dòng chính sông Mekong  (Mai Hương - Việt Anh)   . . . . . .  trang 14



(Mời xem tiếp Mục lục tại trang 14)

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lời cảnh báo cho công nghiệp bôxit



TTCT - Vụ tràn 1 triệu m3 chất thải bùn đỏ ở Hungary cần được nhìn lại ở nhiều góc độ để rút kinh nghiệm xương máu của họ cũng như của vài nước khác.

Tại sao Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhất định quả quyết rằng vụ tràn bùn đỏ này là “một lỗi do con người hơn là do thiên tai”? Thiên tai mà nhiều người đang muốn dựa vào để đổ thừa là mưa to kéo dài khiến bờ bao hồ chứa chất bùn thải không chịu nổi. Thủ tướng Orban nêu vấn đề: “Các bờ bao đâu thể tan rã trong chốc lát. Lẽ ra phải phát hiện trước đó!” (1).

Lợi ích quốc gia trên hết
Khi Thủ tướng Orban nhấn mạnh “lỗi do con người” và “lẽ ra phải phát hiện trước đó”, ông thừa rõ rằng “hai tuần trước thảm họa, một phái đoàn chính phủ đã đến thanh tra nhà máy và bể chứa chất thải nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường nào”.

Những phát biểu như thế cho thấy người đứng đầu Chính phủ Hungary không bao che cả ban giám đốc Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL) lẫn phái đoàn thanh tra đó.

Quốc vụ khanh phụ trách môi trường Illes Zoltan cũng cùng thái độ khi nêu nghi vấn: “Phải chăng lượng bùn đỏ tích thải nhiều hơn mức cho phép hoặc các bồn chứa không đủ sức chứa?” (2). Đúng hay sai, kết quả của đoàn thanh tra hai tuần trước vụ tràn bùn nhất định sẽ được thanh tra lại. Đúng hay sai, khối lượng bùn thải và thể tích bể chứa nhất định sẽ được kiểm tra lại.

Đạo đức cầm quyền mà nói, vụ này cho thấy ở Hungary tham nhũng có thể có như ở mọi nước, song không đến mức trở thành xung đột lợi ích vì nạn bè phái. Trong vụ này, lợi ích quốc gia mà Chính phủ Hungary phải bảo vệ chính là không để đất nước mình bị lên án vô trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, nhất là khi bùn đỏ từ Hungary đã nhanh chóng đổ vào sông Danube chung của một số nước châu Âu. Hủ tục “bí ẩn - không công khai” trước kia đã phải chấm dứt từ sau khi Hungary gia nhập Liên minh châu Âu (EU) ngày 1-5-2004.

Để được kết nạp, Hungary đã phải phấn đấu đuổi kịp các chuẩn mực mà EU đặt ra từ các chỉ tiêu bội chi ngân sách, tỉ lệ lạm phát, thất nghiệp... đến tính công khai, tôn trọng pháp quyền, môi trường, con người...

Trong vụ tràn bùn đỏ này, tính công khai là quan tâm đầu tiên mà cả Chính phủ Hungary cùng các nước EU đặt ra. Nhất là khi chung một dòng sông, càng không thể từ đầu nguồn xả chất thải xuống! Có công khai mới tránh bị lên án, trái lại để được chia sẻ.

Ngày 11-10, một phái đoàn gồm 40 chuyên gia môi trường EU đã đến tận nơi xảy ra thảm họa, đông gấp 10 lần số nhân sự mà Chính phủ Hungary yêu cầu giúp đánh giá tác động và khôi phục môi trường. Tất nhiên trong một cái nhìn nào đó, càng đông “khách lạ” vô nhà, càng khó “đậy đệm”! Vì vậy, khó hình dung Chính phủ Hungary có thể diễn tuồng bao che cho Tập đoàn MAL.

Tự soi
Trong số các nước đang rút kinh nghiệm từ thảm họa bùn đỏ của Hungary, phải kể đến Ấn Độ. Các nhà hoạt động môi trường và tổ chức phi chính phủ nước này đang rung chuông cảnh báo trong bang Andhra Pradesh với hai dự án lọc alumina (nguyên liệu thô để sản xuất nhôm) gần Visakhapatnam.

Các cảnh báo này được đưa ra không phải do tác động dây chuyền “hậu Hungary”, mà do những tự đánh giá rất nghiêm túc: “Ngành công nghiệp alumina ở Hungary mới chỉ 60 năm tuổi, song ngành công nghiệp này của chúng ta lại không có thành tích bằng. Ở Hungary, công nghiệp nhôm là một trong những ngành công nghiệp trưởng thành nhất và tiến triển nhất”.

Quả thật, công nghiệp bôxit - nhôm ở Ấn Độ khởi đầu từ năm 1943, tức nay cũng đã có được 67 năm kinh nghiệm. Song đến năm 1981 Công ty nhôm NALCO vẫn còn nhờ đến kỹ thuật của Tập đoàn sản xuất nhôm Pechiney (Pháp) trong việc khai thác bôxit, luyện nhôm, xây dựng bồn chứa chất thải. NALCO không phải hàng “cắc ké” trong ngành nhôm, công ty này đã đưa cổ phiếu của mình lên sàn chứng khoán London từ thuở nào rồi...

Ấn Độ không chỉ có mỗi NALCO mà còn nhiều công ty khác cũng không kém thâm niên trong lĩnh vực khai thác bôxit, sản xuất nhôm. Vậy mà ở Ấn Độ từng xảy ra thảm họa của Công ty nhôm NALCO năm 1999-2000 ở bang Orissa, khiến con sông Bhrahmani bị ô nhiễm.

Hungary đã khai thác và sản xuất nhôm từ 60 năm qua và nay Ấn Độ cũng thuộc vào hàng khá trong lĩnh vực sản xuất nhôm. Hiểm họa môi trường không chỉ ở bùn đỏ mà còn diễn ra từng ngày, từng giờ ngay trong sản xuất. Người Úc đánh giá như sau về gánh nặng thải khí CO2 giữa Úc và Trung Quốc: để luyện 1 tấn alumina, Úc thải khí CO2 chỉ bằng phân nửa Trung Quốc (3).

Vấn đề của mọi vấn đề ở chỗ nay đã là thế kỷ 21, làm sao có thể trở lại đầu thế kỷ 20, thậm chí thế kỷ 19 để chỉ khai thác quặng mỏ rồi bán khoáng sản hay nguyên liệu thô khi mà ngay tại chính quốc, dân chúng đã không chịu nổi nữa? Giữa tháng 7 năm nay, cả ngàn dân ở một làng tại Tĩnh Tây, một huyện nổi tiếng về sản xuất bôxit và alumina thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), giáp với biên giới Việt Nam, đã xuống đường phản đối tình trạng ô nhiễm từ nhà máy khai thác bôxit và alumina của Tập đoàn nhôm và năng lượng Sơn Đông Tân Phát, vốn là một trong các hãng sản xuất nhôm tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Dân làng đã chặn cổng vào nhà máy và phá một số cơ sở sản xuất vì không chịu nổi ô nhiễm (4).

DANH ĐỨC (Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

__________

(1) http://www. bbc.co.uk/news/business-11501441
(2) http://www.smh.com.au/wor...spill-20101006-167xl.html
(3) “Aluminium industry at risk’, http://www.theage.com.au/...t-risk-20080714-3f4f.html
(4) “Hundreds protest against metals plant in S.China”, Reuters 15-7-2010

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=456344
Bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy dòng lũ bùn đỏ độc hại chảy ra từ bể chứa nhà máy luyện alumina gần Ajka, cách thủ đô Budapest 160km về phía tây nam - (Ảnh: Reuters)



Trong giai đoạn kế hoạch năm năm lần thứ 11, xu hướng chung phát triển công nghiệp nhôm của Trung Quốc là “...sử dụng tài nguyên của nước ngoài... Nhằm hoàn tất sự phát triển bền vững công nghiệp nhôm trong nước, cần tận dụng các tài nguyên của nước ngoài... qua các dự án liên doanh, hợp tác...”.

(trích từ website của Công ty Aluminum Co., Ltd. Weifang Yongchang, công bố ngày 17-10-2009)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trích đoạn bài:

Giảm thiểu nguy cơ từ khai thác bôxít...



SGTT.VN - Sự cố vỡ đập hồ chứa bùn đỏ tại mỏ khai thác và chế biến bôxít ở Hungary tiếp tục thu hút sự quan tâm của mọi giới trong mối liên hệ với các dự án khai thác bôxít của nước ta đang được triển khai ở Tây Nguyên. Sài Gòn Tiếp Thị trao đổi với GS.TS khoa học Đặng Trung Thuận, chủ tịch hội Địa hoá Việt Nam.

* Thưa giáo sư, bùn đỏ thải ra từ các nhà máy alumin có khả năng tác động thế nào đến môi trường?

Thực chất bùn đỏ là một hỗn hợp, gồm các oxit kim loại không hoà tan trong dung dịch xút (NaOH) ở công đoạn hoà tách trong dây chuyền công nghệ Bayer.

Nếu thải trực tiếp ra môi trường sẽ có khả năng gây ra các hậu quả sau đây: thứ nhất, phải sử dụng diện tích đất lớn để lưu trữ, làm mất khả năng sử dụng đất trong thời gian dài. Thứ hai, khối lượng bùn thải lớn, trong mùa mưa có nguy cơ gây ra rửa trôi, lũ bùn làm ô nhiễm môi trường nước mặt trên diện rộng. Thứ ba, lượng xút dư thừa trong bùn đỏ, bùn oxalat thấm vào đất gây ô nhiễm, đồng thời ngấm xuống đất gây ô nhiễm cả nguồn nước ngầm. Thứ tư, kích thước các hạt bùn đỏ rất nhỏ, có khuynh hướng dễ vỡ khi khô, nên trong quá trình làm khô, bụi bùn đỏ có khả năng phát tán vào không khí do gió, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và môi trường sinh thái..


* Nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ liệu có nguy cơ tràn hồ bùn đỏ không?

Tất nhiên! Việc lưu giữ bùn đỏ chỉ đảm bảo khi hệ thống rửa và lọc nước cũng như cân bằng nước được quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Các vùng có mỏ bôxít lớn ở Tây Nguyên là những vùng mưa lớn của Việt Nam.
Các hồ chứa bùn đỏ ở dự án Tân Rai và Nhân Cơ tuy đã được chọn ở những thung lũng có diện tích hứng nước nhỏ, nhưng nếu mưa lớn bất thường, lũ từ các thung lũng khác tràn sang mà vận hành thoát nước không kịp, nước sẽ đẩy bùn đỏ chảy tràn khỏi hồ chứa và phát tán ra môi trường.

Trên thế giới, vấn đề nước chảy tràn bờ hồ chứa bùn đỏ đã từng xảy ra ngay cả với các tập đoàn khai khoáng lớn và diễn ra tại nước phát triển có kinh nghiệm về khai thác chế biến bôxít và bảo vệ môi trường. Các điều tra sau đó cho thấy, nguyên nhân xảy ra sự cố để bùn đỏ chảy tràn hồ chứa là do phương thức vận hành không phù hợp, thiếu thông tin và không được kiểm soát chặt chẽ.


* Trong nhiều báo cáo, TKV trình bày đã tính đến mọi phương án ngăn chặn nguy cơ vỡ đập chứa. Liệu có thể hoàn toàn an tâm với khẳng định ấy không?

Mặc dù chưa có ghi nhận chính thức về động đất nhưng Tây Nguyên từng xảy nhiều trận lũ quét gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trận lũ quét năm 1990 ở Dăk Lăk đã gây ra hiện tượng domino: bốn hồ chứa nước nhỏ ở phía thượng lưu bị vỡ, kéo theo làm vỡ bốn đập thuỷ lợi ở phía hạ lưu. Hay trận lũ quét xuất hiện gần đây nhất vào ngày 11.5.2008 ở Tuy Đức, vùng có mỏ bôxít của tỉnh Dăk Nông.

Theo quy luật xác suất thì dù kiên cố tới đâu, không loại trừ khả năng vỡ bờ bao của hồ bùn đỏ khi có mưa to bất thường ở Tây Nguyên, đặc biệt trong giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay.

Ngoài ra, nguy cơ thẩm thấu chất độc hại xuống mạch nước ngầm và nguy cơ phát tán bụi vào môi trường cũng không thể xem nhẹ.


HOÀNG THIÊN NGA thực hiện phỏng vấn.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang


Một khẳng định không thuyết phục

Đăng bởi bvnpost on 24/10/2010

Trần Minh Quân


Nguồn: http://boxitvn.wordpress....y%E1%BA%BFt-ph%E1%BB%A5c/

Một lần nữa, sự kiện Bô xít Tây Nguyên lại được hâm nóng lên bên hành lang Quốc Hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả bên ngoài xã hội, điển hình là việc kêu gọi ký tên kiến nghị dừng các dự án Bô Xít Tây Nguyên sau sự cố tràn bùn đỏ ở Hungary của các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhân sĩ trí thức.

Bằng chứng là có hàng loạt hành động và ý kiến của những người liên quan được đưa ra sau khi báo chí lên tiếng cảnh báo về tác hại của môi trường tại Việt Nam với tấm gương điển hình đang diễn ra tại Hungary.


Trong các động thái nêu trên của các cá nhân, các cơ quan liên quan, có việc ông Phạm Khôi Nguyên trả lời báo chí đăng trên báo điện tử Dân Trí ngày 22/10/2010. Qua đó, theo ông Phạm Khôi Nguyên thì Bộ Tài nguyên – Môi trường có ba nhiệm vụ chính: Một là hồ bùn đỏ, hai là công nghệ khai thác, khai thác đến đâu phải phục hồi rừng đến đấy và thứ ba là chất thải của nhà máy bô xít. Ông còn khẳng định rằng Chúng tôi bảo đảm hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn, nhưng chỉ an toàn trên lý thuyết. Điều này thực sự đáng để suy nghĩ.

Thứ nhất: Không nắm bắt thông tin

Việc thiết kế hay giám sát các thiết kế các hồ chứa bùn đỏ vẫn nằm trong phần nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên – Môi trường. Tuy nhiên trước đó không lâu, chiều 12/10, Bộ Công Thương đã họp khẩn cấp với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) – chủ đầu tư dự án khai thác bôxit và chế biến alumina ở Tây Nguyên để Rà soát thiết kế các hồ chứa bùn đỏ. Tức là chỉ cách nhau 10 ngày sau khi có quyết định rà soát thiết kế hồ chứa bùn đỏ thì ông Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn. Chẳng lẽ một hạng mục quan trọng là hồ chứa bùn đỏ của hai dự án Bô xít cực lớn lại được rà soát nhanh đến vậy sao?

Thứ hai: Lẫn lộn vai trò

Với vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Tài nguyên – Môi trường, cơ quan có thẩm quyền giám sát các hoạt động của dự án khai thác Bô xít liên quan đến môi trường từ khâu thiết kế các hồ chứa đến quá trình vận hành, khai thác, tái tạo, phục hồi rừng, … có thể thấy rằng khẳng định của ông Phạm Khôi Nguyên không được khách quan hay nói đúng hơn là lẫn lộn vai trò. Với vai trò là cơ quan giám sát như vậy, đáng lý ra sau khi có những băn khoăn của dư luận, đặc biệt là sau sự cố tràn bùn đỏ ở Hungary, ông nên yêu cầu rà soát, kiểm tra lại các thiết kế hay ít ra cũng có những ý kiến lo lắng về mức độ an toàn của dự án. Có thể hiểu sự việc này bằng ví dụ đơn giản hơn là trong một dự án xây dựng, không thể có chuyện đơn vị Giám sát thi công (Bộ Tài nguyên – Môi trường) lại đi bảo vệ cho Đơn vị thi công (Tập đoàn than – khoáng sản VN -Bộ Công thương) sau khi có những lo lắng về chất lượng công trình từ phía Chủ đầu tư (nhân dân).

Thứ ba: Đánh giá vấn đề quá đơn giản

Ông khẳng định rằng hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên đảm bảo an toàn nhưng chỉ trên lý thuyết. Đó là khẳng định dễ dãi, thiếu tính khoa học, quá xem nhẹ vấn đề. Vấn đề an toàn được đặt ra là an toàn tuyệt đối. Sự an toàn của hồ chứa bùn đỏ có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người, ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn, kéo dài hàng trăm năm, đó chắc chắn rằng không phải là một sự việc trong phòng thí nghiệm. Một sự việc hệ trọng như vậy thì cần phải an toàn tuyệt đối cả trong lý thuyết và trong thực tiễn. Điều này thì không ai có thể khẳng định cũng như dám khẳng định chắc chắn. Bởi nếu có sự cố gì đáng tiếc xảy ra, không ai có thể tính toán được mức độ thiệt hại, không ai có thể khắc phục được hậu quả.

Thứ tư: Thiếu tự tin

Vấn đề môi trường được cả thế giới quan tâm, đó là sinh mạng của nhân loại trong thế kỷ 21. Bảo vệ môi trường được nêu lên thường xuyên trên các diễn đàn quốc tế mà Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó dư luận quan tâm đến vấn đề xử lý và các hồ chứa bùn đỏ là điều dễ hiểu. Trước sức ép quá lớn của dư luận, ông Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định một vấn đề rất lớn một cách vội vã nhằm trấn an dư luận. Đúng lý ra, trước sự cố tại Hungary, nên thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề một cách khoa học và toàn diện hơn, sau đó mới đưa ra nhận xét, kết luận.

Với những nhận xét nêu trên, có thể thấy rằng thái độ hời hợt và đơn giản hóa vấn đề của ông Phạm Khôi Nguyên nói riêng và một số người liên quan nói chung.

Một sự việc quá lớn, vượt qua tầm hiểu biết của bất kỳ một vài cá nhân nào, lại có tầm ảnh hưởng đến rất nhiều người, ảnh hưởng đến một vùng đất rộng lớn và những di căn của nó kéo dài đến nhiều thế hệ rất cần những phân tích, nghiên cứu cặn kẽ, đúng về mặt khoa học và đảm bảo tính nhân văn, nhân bản. Không nên kết luận một cách hời hợt, cảm tính.

T. M. Q.
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang

Comment của blogger Gốc Sậy Nguyễn Hồng Kiên:

Ai tin ông Nguyên thì tin. Riêng tôi thì NHẤT ĐỊNH KHÔNG.
Thử nhớ lại trong vụ Vedan VN xem ông đứng về phía ai. Tiếc là các bài về ông này ở blog của tôi đã bị xóa mất. Tôi cũng không còn đủ nhiệt tình và kiên nhẫn để đi trích lục lại những phát biểu của ông này.
Chỉ xin dẫn lại lời ông ở ba thời điểm

1- Bộ trưởng Bộ TNMT: Dứt khoát phải đóng cửa Vedan
“Với Vedan không thể châm chước. Họ lừa dối và xảo quyệt từ năm 1997 khi đổ 1 tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100 nghìn đồng rồi tung tin làm thế có lợi cho cây trồng, tôi lúc đó đã kịch liệt ngăn chặn”, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên chia sẻ bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay (22/10/2008).

2- Trong buổi kiểm tra tình hình khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường tại Cty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), sau khi vốc nước thải lên ngửi, ông Nguyên cho rằng: “Nên giải quyết vấn đề trên theo hình thức thỏa thuận vì sẽ có lợi cho cả phía nông dân và Công ty Vedan”.

3- Đến ngày 28/7/2010, SAU 2 NĂM NHỊN NHỤC nghe ông khuyên, nông dân bị VedanVN chày cối nên cương quyết kiện thì ông lại bảo: “Nếu đưa ra tòa, bên chịu thiệt hại chắc chắn là Vedan. Chúng ta có thừa chứng cứ để vạch tội Vedan, chỉ sợ không sử dụng hết, vì thế, ra tòa là chắc thắng.”

???

NAY, ông Nguyên lại ĐẠI NGÔN VÀ TỰ MÂU THUẪN KHÔNG KÉM, khi trả lời phỏng vấn SGTT:
– Chúng ta đã lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra để ứng phó, thưa ông? Ông – Không ai có thể trả lời câu hỏi này (1). Hội đồng chuyên gia và cả chuyên gia nước ngoài cũng đã tính đến những phương án xấu nhất để tính đến biện pháp khắc phục (2). Từ trước đến nay chúng ta đã tính đến hệ số an toàn cao nhất, như động đất 7 độ richter (3). Về công nghệ cũng được khẳng định (4). Song không ai có thể lường trước những tình huống xấu nhất (5).

Hỏi 1 câu, ông trả lời đến 5 câu. Nhưng câu 1 NGƯỢC câu 2. Còn câu 5 thì PHỦ ĐỊNH TẤT.

- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta nên thử vận hành một nhà máy trước khi mở rộng?
- Hiện 2 nhà máy xây dựng sắp xong, chuẩn bị đi vào hoạt động thì sẽ áp dụng ngay. Đây không phải là toán học để thí điểm hay không thí điểm. Quy mô phòng thí nghiệm đã làm hết trước rồi.

Tôi không hiểu ông học toán thế nào nữa. Chắc phải nhờ GS Ngô Bảo Châu quá !

Tài nói câu sau NGƯỢC câu trước của ông còn được báo Tuổi trẻ hôm nay ghi nhận: “Bộ Tài nguyên – môi trường đảm bảo hai hồ chứa bùn đỏ ở Tây nguyên an toàn. Tuy nhiên vì chưa vận hành nên đảm bảo này chỉ là về lý thuyết, mô hình…”

Theo tôi có nhẽ ông Nguyên nên chuyển nghề làm diễn viên. Ngoài chuyện DIỄN bài ngửi nước thải, ông còn có khuôn mặt CỰC KỲ BIỂU CẢM:
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bùn đỏ có thể gây ung thư



Với công suất 600 ngàn tấn alumin/năm, hai nhà máy thải ra khoảng 1,2 triệu tấn bùn đỏ/năm, tương đương 810.000m3. Lấy tuổi thọ nhà máy tối thiểu là 30 năm thì tổng lượng thải sẽ là 24,3 triệu m3. Nếu diện tích dành cho hồ bùn đỏ của mỗi nhà máy theo quy hoạch là 100ha, với giả thiết chia thành bốn lô để lần lượt xây dựng bốn hồ chứa bùn đỏ với quy mô 1.000 x 250m, thì mỗi hồ phải tích chứa đến hơn sáu triệu m3, lớn hơn nhiều lần so với hồ của Hungary, nguy cơ rủi ro rất lớn.

Nhân Cơ, Gia Nghĩa cũng như Tân Rai, Bảo Lâm ở mức cao địa hình khoảng 600 – 700m so với mực nước biển, đều là đầu nguồn của hệ thống sông Đồng Nai. Trong trường hợp có sự cố, dòng thác bùn đỏ từ Nhân Cơ lập tức theo sông Dăk Nông đổ về sông Đa Dâng, tức sông Đồng Nai, còn từ Tân Rai theo các suối đổ vào sông La Ngà. Cả hai dòng bùn đỏ đều hướng về hồ Trị An, nơi cấp nước cho các nhà máy nước của Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM, hàng triệu người dân hứng chịu nước ô nhiễm, đó là chưa kể thảm hoạ sinh thái trên tuyến Dăk Nông, Lâm Đồng về xuôi.

Về ảnh hưởng trực tiếp đối với con người từ thảm họa bùn đỏ tại Hungary, các nhà hoạt động nhóm bảo vệ môi trường Hungarian Friends of the Earth cho rằng: “chẳng ai có thể sống được tại những ngôi làng này trong 10 năm tới, dù đã được dọn dẹp sạch bùn”. Theo các chuyên gia, nồng độ cao chất thạch tín và thuỷ ngân có trong bùn đỏ có thể gây ung thư nếu phát tán trong không khí và vào hệ thống hô hấp của con người. Bộ trưởng Môi trường của Hungary cũng thừa nhận bùn đỏ chứa một số kim loại nặng có khả năng gây ung thư với người tiếp xúc và cảnh báo người dân đeo mặt nạ tránh hít bụi độc.

HTN – Kim Dung
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giải pháp môi trường mới chỉ là... dự kiến!



SGTT.VN - Thực tế trên hai công trường xây dựng nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ cùng thông tin từ các bên liên quan cho thấy còn nhiều tồn tại, vướng mắc, khiến hai dự án thí điểm này, đặc biệt là dự án Tân Rai khó đạt yêu cầu đề ra theo kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=118890
Lắp đường ống thi công xây hồ bùn đỏ tại Tân Rai.




Theo kế hoạch khi ký kết các hợp đồng, nhà máy alumin Tân Rai sẽ đi vào hoạt động chạy thử vào tháng 10 – 11.2010. Tuy nhiên, do chậm trễ tiến độ và thiếu đồng bộ ở nhiều hạng mục nên thời gian chạy thử đã được lùi lại đến tháng 3.2011.

Chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân
Gói thầu chính EPC nhà máy sản xuất alumin với các hạng mục trong và ngoài nhà máy do nhà thầu Trung Quốc Chalieco thực hiện có khả năng đảm bảo tiến độ đề ra. Tuy nhiên, các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng khác thì kéo dài hơn cam kết tới vài tháng, như công trình cấp nước hồ Cai Bảng, hệ thống điện cao thế 110kV cấp điện cho nhà máy, cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, việc xây dựng hồ bùn đỏ, nhà máy tuyển quặng, băng tải chuyển quặng, trạm quan trắc hồ bùn đỏ, thảm xanh khu vực nhà máy… Lý do chậm trễ, theo giải thích của chủ đầu tư – tập đoàn TKV, là do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, do mưa nhiều, do nhà thầu liên danh chưa huy động đủ nhân lực và thiết bị, do trở ngại về giao thông…

Xây dựng cảng biển Kê Gà và đường vận tải chuyên biệt cho sản xuất alumin là công việc hết sức khó khăn cả về mặt hiệu quả kinh tế lẫn về tiến độ thời gian. Để giải quyết vấn đề vận tải khi bắt đầu có alumin xuất cảng trong năm 2011, phương án vận chuyển hàng được tạm tính là từ Tân Rai theo quốc lộ 20 xuống Đồng Nai đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai) hoặc chuyển về cảng Cam Ranh (Khánh Hoà). Còn alumin của dự án Nhân Cơ sẽ chở bằng đường bộ từ Dăk Nông theo quốc lộ 14 sang Bình Phước, xuôi quốc lộ 51 qua Đồng Nai xuống cảng. Sang giai đoạn 2, alumin sẽ theo quốc lộ 28 sang Lâm Đồng và xuôi quốc lộ 55 xuống cảng Kê Gà – Bình Thuận, rút ngắn 1/3 tuyến đường so với giai đoạn đầu. Các phương án vận chuyển tạm thời này tất yếu gây áp lực rất lớn đến hệ thống giao thông hiện vốn đã xuống cấp mà chưa có nguồn kinh phí tôn tạo.

Về lâu dài, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo bộ Giao thông vận tải và TKV nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Gia Nghĩa – Bảo Lộc – cảng Kê Gà theo hướng đường sắt đa dụng với tổng đầu tư trên 55.000 tỉ đồng. Nếu quyết tâm xây dựng, tuyến đường sắt này chỉ có thể đưa vào vận hành sau năm 2020. Cho dù có vượt qua được mọi thử thách về công nghệ, thì bài toán về khả năng thu hồi vốn vẫn vô cùng nan giải. Hội đồng thẩm định hiệu quả kinh tế dự án alumin Nhân Cơ với sự trợ giúp của viện Kinh tế xây dựng đã gửi ba công văn báo cáo Chính phủ trong tháng 1.2010, đánh giá giá thành sản xuất alumin khoảng 287,55 USD/tấn (chưa tính thuế VAT, tính bình quân cho thời gian của dự án là 30 năm), giá bán sản phẩm bình quân 335 USD/tấn alumin. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, giá bán alumin trên thị trường quốc tế chỉ vào khoảng 300 USD/tấn (do giá nhôm trên thị trường London là 2.200 USD / tấn – giá alumin thường dao động bằng 11 – 14% giá nhôm). Giá thành này chưa được tính kèm những khoản ngân sách khổng lồ buộc phải có để nâng cấp đường bộ hoặc xây dựng đường sắt.

Bảo vệ môi trường còn trong dự kiến
Đến nay đề tài nghiên cứu xử lý bùn đỏ vẫn chỉ dừng lại ở mức thí nghiệm trong phòng về biện pháp trung hoà axit và lựa chọn cây trồng phù hợp. Còn đề tài hoàn nguyên môi trường cũng chỉ dừng lại ở mức độ đề xuất nghiên cứu.

Chiều ngày 12.10.2010, ông Lương Văn Ngự, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án xây dựng trạm quan trắc Tân Rai với kinh phí 20 tỉ đồng thực hiện các thủ tục hành chính từ tháng 4 đến nay vẫn chưa xong, ít nhất qua năm 2011 mới được cấp vốn. Trả lời thắc mắc của phóng viên về sự chậm trễ này, ông Dương Văn Hoà, phó tổng giám đốc TKV giải thích: Vấn đề không phải là nguồn tiền mà là dự án. Tới nay dự án vẫn chưa được bộ Tài nguyên và môi trường và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, làm sao chúng tôi cấp vốn được?

Trong bối cảnh thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo thảm hoạ môi trường, nhiều nhà khoa học cho rằng trước mắt TKV nên tập trung tối đa lực lượng của mình để xây dựng nhà máy Tân Rai, tạm hoãn việc xây dựng nhà máy alumin Nhân Cơ tại Dăk Nông cho đến khi nhà máy Tân Rai đi vào hoạt động ổn định. Cần thận trọng chờ xem dự án khai thác bôxít ở Tân Rai hoạt động xem các yếu tố về an toàn môi trường, hiệu quả kinh tế, hoàn thổ và trồng rừng có đáp ứng được các yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Chính trị hay không.[/b]

Bài và ảnh: H. Thiên Nga

Bộ Công thương chỉ đạo: Đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục hồ chứa bùn đỏ
Thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang, trưởng ban chỉ đạo thực hiện các dự án bôxít Tây Nguyên vừa chỉ đạo: đối với công trình nhà máy tuyển Tân Rai (Lâm Đồng) cần tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục hồ chứa bùn đỏ và nhà ở công nhân, chuẩn bị đủ nguyên liệu, vật tư cung cấp cho việc chạy thử nhà máy alumin Tân Rai (than, tinh quặng…); xây dựng tiến độ thi công cụ thể các công trình ngoài hàng rào để đôn đốc chỉ đạo hoàn thành đồng bộ các dự án. Được biết, đến nay dự án Tân Rai đã hoàn thành khoảng 66% tổng mức đầu tư dự án, riêng nhà máy tuyển quặng bôxít Tân Rai đạt 20% giá trị hợp đồng.

Dự án khai thác bôxít Tân Rai rộng hơn 50ha và khai trường trên 9.000ha. Hiện hồ chứa bùn đỏ mới bắt đầu khởi công đào đắp. Chuỗi bốn hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai được xây bốn phía bờ bao nhưng chìm dưới mặt đất chứ không nổi lên. Mỗi hồ rộng 20ha, trong năm năm sẽ nhận lượng phế thải sản sinh từ nhà máy alumin khoảng 15 triệu tấn bùn đỏ. Khi hồ đầy, sẽ đổ đất hoàn nguyên, trồng cây xanh lên trên rồi lại đào hồ nơi khác theo kiểu cuốn chiếu...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chống bão lũ từ đâu?



Làm sao để miền Trung không còn tang thương vì lũ? Những ngày này câu hỏi quay quắt ấy được không ít người trong chúng ta nghĩ đến.

Nhưng những mùa bão lũ trước cho thấy câu hỏi ấy thường chỉ được nhắc khi nỗi đau ập đến và nhanh chóng rơi vào lãng quên khi nỗi đau qua đi. Đáng lẽ câu hỏi ấy phải được đặt ra và tìm cách trả lời bằng hành động, từ rất lâu rồi, trước khi những diễn biến của biến đổi khí hậu và sự tàn phá môi trường của con người làm lũ lụt miền Trung trở nên tàn khốc hơn.

Nhưng thực tế thì câu hỏi lớn ấy dường như chỉ được quan tâm một cách chừng mực, thậm chí hời hợt. Tại sao? Bởi vì chúng ta không có đủ niềm tin và quyết tâm thay đổi trong cuộc đối đầu với thiên nhiên. Tôi không thể biết hết nỗi lòng và suy nghĩ của tất cả mọi người, nhưng những người tôi đã tiếp xúc, từ quan chức tới thường dân, từ nhà báo tới học giả đều tiếp cận vấn đề bằng một niềm tin rằng chúng ta không thể thay đổi được số phận hoặc tâm lý: “Nói mãi rồi mà có làm được gì đâu”.

Hệ quả của tâm lý là chúng ta bị động và bất lực trước thiên nhiên. Trong những chuyến đi miền Trung, tôi ngạc nhiên khi nhiều cán bộ của một tỉnh nắm kỷ lục về thiệt hại do lũ lụt giải thích việc không có hệ thống đê sông bởi “từ trước đến giờ vẫn thế”.

Một học giả nổi tiếng ở Huế vẫn chỉ giữ kho sách quý của mình bằng cách dùng gạch kê cao hơn những chồng sách theo mực nước ông vạch hằng năm trên tường nhà, cho đến khi cơn lũ lịch sử năm 1999 cuốn trôi tất cả. Trong lúc ấy những cánh rừng đầu nguồn tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, rốn bão của VN, vẫn tiếp tục bị tàn phá và nhiều dự án tái định cư vùng lũ vẫn nằm trên giấy. Hậu quả là mỗi mùa lũ, thành quả lao động của người dân lại bị cuốn trôi bởi dòng nước dữ và những con người can trường ấy lại cần đến tấm lòng tương thân tương ái của đồng bào mình.

Đã có những nỗ lực để sống chung với thiên tai, như việc xây dựng kho thóc dự trữ tại xã A Tiêng (Tây Giang, Quảng Nam) và việc xây dựng một loạt nhà cộng đồng phòng tránh bão lũ do Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung tài trợ. Tuy nhiên những giải pháp này chỉ giúp giảm thiệt hại về người chứ không giúp giảm thiệt hại về tài sản và làm cuộc sống người dân bớt cơ cực sau khi nước rút. Hơn nữa, những nỗ lực như vậy tuy rất đáng trân trọng nhưng chỉ như muối bỏ biển nếu thiếu vai trò của Nhà nước trong việc đưa ra những chiến lược và hành động cụ thể, nhằm giảm thiểu và thích ứng với thiên tai.

Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi “Làm sao để miền Trung không còn tang thương vì lũ?”. Có những giải pháp lớn cần vai trò của chính quyền: bảo vệ và mở rộng diện tích rừng đầu nguồn để giảm sức tàn phá của lũ; lập bản đồ lũ lụt để xác định mức độ rủi ro cho từng khu vực; quy hoạch lại các điểm dân cư theo dạng tập trung và tại các khu vực ít rủi ro; xây dựng các công trình hạ tầng đa chức năng tại các khu vực rủi ro cao nhằm cung cấp nơi tạm trú trong mùa lũ và phúc lợi xã hội khi nước cạn. Cũng có những giải pháp nhỏ cần sự đóng góp của xã hội như cung cấp áo phao cho từng hộ gia đình và dạy bơi cho trẻ em.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng mức độ rủi ro của mỗi quốc gia không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà cả nhận thức, năng lực và nỗ lực của chính quốc gia đó trong việc giảm thiểu và thích ứng với thiên tai. Khi thiên nhiên nổi giận sẽ không phân biệt nông thôn hay thành thị, dân thường hay quan chức, người giàu hay người nghèo.

Chỉ có chúng ta thể hiện trước thiên nhiên một chính quyền có trách nhiệm, một xã hội có tổ chức và mỗi cá nhân có ý thức về một thách thức chung mà chúng ta phải đối mặt. Một điều chắc chắn là chúng ta không thể vượt qua thách thức bằng niềm tin rằng chúng ta sẽ thất bại. Và những gì miền Trung đang gánh chịu có thể là tương lai của những vùng đất khác nếu chúng ta không hành động từ hôm nay.

NGUYỄN ĐỖ DŨNG
 (bạn đọc báo Tuổi Trẻ TP.HCM)

Đất nước nhỏ, nỗ lực lớn
Đó là tên gọi của một phòng triển lãm môi trường trong công trình đập Marina không xa trung tâm Singapore, thể hiện niềm tự hào của đất nước này trong công cuộc cải tạo và thích ứng với thiên nhiên. Cũng như nhiều đảo quốc khác, Singapore đối mặt với thách thức vô cùng to lớn khi nước biển dâng cao cùng với lượng mưa lớn có nguy cơ nhấn chìm khu trung tâm.

Từ tầm nhìn của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu 20 năm trước, vịnh Singapore được ngăn và cải tạo thành một hồ nước ngọt khổng lồ nằm ngay cạnh trung tâm thành phố. Hồ nước có ba chức năng chính: cung cấp nước ngọt cho đảo quốc, thu gom nước mưa và lũ sông rồi bơm ra biển để giải quyết vấn đề ngập lụt cho các khu trũng trong thành phố và là một điểm du lịch đáng chú ý.

Từ khi hoàn thành, dự án đã giành hầu hết giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực kỹ thuật môi trường trên khắp thế giới. Tờ rơi quảng cáo du lịch cho đập Marina có đoạn viết: ”Một quốc gia phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi tư duy và nỗ lực. Quy hoạch và quản lý tài nguyên một cách cẩn trọng đã giúp tối đa hóa tiềm năng của một quốc gia bé nhỏ”.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tập đoàn Trung quốc bảo đảm thi công nhà máy nhiệt điện Duyên Hải



Tập đoàn Điện khí Đông Phương (Trung Quốc) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 tại ấp Mù U (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) sau hơn bảy tháng chuẩn bị.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 có tổng công suất 1.245MW (bao gồm hai tổ máy, mỗi tổ có công suất 622,5MW), là một trong bốn nhà máy nằm trong trung tâm Điện lực Duyên Hải thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015. Tổng kinh phí xây dựng nhà máy trên 29.245 tỉ đồng. Theo cam kết của đơn vị thi công, tổ máy số 1 sẽ vận hành vào tháng 9.2014, tổ máy số 2 vận hành sau đó hai tháng và cung ứng cho lưới điện quốc gia 7,2 tỉ kWh điện/năm.

Tới dự lễ khởi công, phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhắc nhở EVN phải phối hợp chặt chẽ với tập đoàn Điện khí Đông Phương (Trung Quốc) bảo đảm thi công đúng thời gian đã cam kết và đặc biệt, phải đảm bảo chất lượng công trình đúng tiêu chuẩn đã quy định.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chúng ta tham một chút thì con cháu không còn đất lành để sống



Sau thảm hoạ bùn đỏ xảy ra tại Hungary, báo Sài gòn tiếp Thị đã có nhiều bài viết nêu những quan điểm khác nhau của những nhà quản lý, nhà khoa học về hiệu quả kinh tế, sự quan ngại về vấn đề môi trường, công nghệ khai thác bôxít ở các dự án tại Tây Nguyên. Và cũng đã có nhiều ý kiến lên tiếng, kêu gọi Quốc hội, Chính phủ xem xét lại dự án này.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=119473



Vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với sự tồn tại của loài người. Thứ nhất, sự cạn kiệt tài nguyên khoáng sản đang đe doạ cuộc sống của các thế hệ tiếp theo. Ngày nay chúng ta tham lam hơn một chút, thì con cháu sau này sẽ không có điều kiện để sống. Chính vì vậy, hầu hết các nước lớn đều áp dụng chính sách không khai thác tài nguyên khoáng sản trong nước, nhập khẩu khoáng sản thô của các nước nghèo để đáp ứng cho nhu cầu của cuộc sống hiện tại và chôn lấp đi cho con cháu sau này sử dụng. Thứ hai, trình độ công nghệ khai thác khoáng sản hiện này chưa cao, đang đe doạ môi trường sống mà lợi nhuận thu được không đủ chi trả cho việc làm sạch môi trường. Ngày nay chúng ta tham lam hơn một chút, làm ngơ với nạn ô nhiễm môi trường từ khai thác khoáng sản, thì con cháu sau này không còn đất lành để sống. Chính vì vậy, hầu hết các nước lớn áp dụng chính sách đầu tư khai thác khoáng sản sang các nước nghèo.

Vấn đề khai thác bôxít ở nước ta đã được dư luận quan tâm từ vài năm nay với những ý kiến của nhiều trí thức, người dân chưa đồng tình với các dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Đây là những ý kiến hết sức xây dựng, lo lắng cho nỗi lo lắng của nước, trăn trở với nỗi trăn trở của dân. Khai thác ngày hôm nay, khi công nghệ chưa cao thì vừa làm mất đi khoáng sản khi khoáng sản đó không phải là yếu tố quyết định cho con đường phát triển, vừa làm tổn hại quá lớn cho môi trường mà rất nhiều người dân phải gánh chịu.

Trong công nghệ khai thác bôxít hiện nay, không thể không dùng một lượng rất lớn bùn đỏ, một vật liệu tàn phá môi trường khủng khiếp. Trong tương lai, công nghệ thay đổi, có thể có những giải pháp khai thác sạch hơn.

Vừa qua, ở Hungary đã xảy ra tai nạn tràn bùn đỏ ở khu vực mỏ khai thác bôxít, đang là mối đe doạ lớn mang tầm cỡ quốc gia. Nỗi lo không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Hungary mà đã tràn sang nhiều nước láng giềng. Tai nạn này như một lời cảnh báo cho các nước đang khai thác bôxít và đang có kế hoạch khai thác bôxít. Đó cũng là lời cảnh báo cho việc khai thác bôxít ở Tây Nguyên của chúng ta. Các trí thức, người dân nước ta lại phải suy nghĩ thêm để tham vấn mạnh hơn về việc này. Đấy vẫn là những tư duy đầy nhiệt tâm về sự phát triển bền vững của nước nhà. Nước ta hiện nay chưa phải là một quốc gia mạnh về kinh tế trên thế giới nhưng không còn là một nước nghèo. Giai đoạn bán tài nguyên thô đã qua, chúng ta đã bước sang giai đoạn đầu tư tạo giá trị gia tăng trên một số tài nguyên khai thác có lợi. Các doanh nghiệp trong nước cũng đã có vốn, có công nghệ, có tri thức, có kinh nghiệm để chủ động đầu tư theo kế hoạch có lợi nhất về kinh tế, xã hội và môi trường cho đất nước, cho nhân dân.

Tôi hy vọng tiếng nói của mình sẽ đóng góp làm thay đổi quyết định của nhà quản lý

Một quốc gia mạnh cần phải đạt được sự đồng thuận cao, cần có chung một quyết tâm đưa đất nước ngẩng cao đầu bước vào thị trường quốc tế trong quá trình toàn cầu hoá.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ
nguyên là thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] ... ›Trang sau »Trang cuối