Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:

UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép đấu giá cao hổ?



H.GIANG
Phàm là người quân tử, bất cứ thứ gì cong queo, mờ ám, đáng nghi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... thì dù tốt đến mấy, dù mình phải chết cũng quyết không động đến, huống hồ là những thứ đã rõ ràng bất minh, khuất tất, phi pháp, xấu xa!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tội phạm ngụy trang

Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) vừa có thông cáo cho biết UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép một số đơn vị trong tỉnh thực hiện đấu giá 2,77kg cao hổ.

ENV nhận định việc các cơ quan chức năng phát hiện và tịch thu các tang vật bị cấm lưu hành là “một thành công”. Tuy nhiên, “khi các tang vật động vật hoang dã bị tịch thu lại được thanh lý, đấu giá để quay trở lại thị trường cho thấy khá rõ vai trò của các cơ quan chức năng ở đây rất giống như một khâu trung gian trong đường dây buôn bán động vật hoang dã (và các sản phẩm từ đó) trái phép” (Tuổi Trẻ số ra ngày 1-12). Nhận định đó rất đáng suy nghĩ.

Có thể đó là khâu trung gian. Có thể đó là một công đoạn trong quy trình đưa các sản phẩm từ động vật hoang dã ra thị trường một cách hợp pháp. Và đây không phải là chiêu thức mới. Có mới chăng thì đó là thêm một loại sản phẩm cấm được lưu hành theo kiểu này.

Một người từng làm việc trong ngành kiểm lâm có lần hỏi cắc cớ: có nên tin hay không khi ở một số nơi, các trùm lâm tặc đem cả xe xúc, xe ủi, cưa máy với hàng trăm nhân công đốn trụi những cánh rừng, sau đó bị truy quét rồi bỏ của chạy lấy người, mất trắng toàn bộ?

Quả là khó tin có kẻ nào dám liều lĩnh như thế, cho dù có dám nuốt mật gấu và coi trời bằng vung! Nhưng điều đó vẫn diễn ra.

Câu chuyện được tiếp diễn: sau đó toàn bộ số gỗ bị tịch thu và cơ quan chức năng sẽ bán đấu giá. Dĩ nhiên theo quy ước làm ăn này, sẽ có người đấu giá và trúng (đấu giá phần nhiều cũng là một màn diễn kịch, kiểu “đấu giá chân gỗ”). Số gỗ lậu từ rừng bị hạ sát sau đó sẽ có dấu búa kiểm lâm và như thế chúng được ngang nhiên đưa ra thị trường.

Toàn bộ kịch bản từ đốn hạ đến bị truy quét, đấu giá chỉ là một quy trình, mà ở đó cơ quan chức năng đóng vai là một khâu. Đây không còn chỉ là khâu trung gian nữa mà là khâu quyết định.

Còn bao nhiêu nữa những trò quỷ quái khi cơ quan chức năng đóng vai trò “tiếp tay cho giặc”, bán mình cho những phi vụ làm ăn ma mãnh mà ở đó có sự tiếp tay của một nhóm người vì lợi ích riêng, bán đứng lợi ích chung?

Sản phẩm bị tịch thu có thể được đấu giá hoặc tiêu hủy, tùy vào tính chất của sản phẩm đó và ích lợi (nếu có) của nó đem lại cho đời sống. Nhưng việc tịch thu, tiêu hủy đó phải có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi phạm pháp tái diễn.

Còn với kiểu một số cơ quan chức năng, một nhóm cán bộ biến chất đứng ra trực tiếp tham gia một khâu hoặc làm trung gian cho hành vi phạm pháp, thì cơ chế này chỉ làm béo bổ cho một số người mà tài nguyên và lợi ích quốc gia càng bị bòn rút, tàn phá và về mặt xã hội, cái giả trá càng lộng hành.

Hành vi buôn bán, vận chuyển cao hổ hay nghiêm trọng hơn là những vụ phá hàng trăm, hàng ngàn hecta rừng suy cho cùng không nguy hiểm bằng trò tội phạm nguỵ trang lộng giả thành chân để trục lợi, bởi nó là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm nương náu và phát triển.

ĐẶNG PHƯƠNG
 (Báo Tuổi Trẻ)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Báo chí nêu đúng đấy. Nhiều người biết rõ cả đấy kể cả những người có chức, có quyền, có trách nhiệm trực tiếp. Thật buồn điều này vẫn liên tiếp xảy ra.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thanh Hóa: sẽ không đấu giá 2,77kg cao hổ



TTO - Ngày 3-12, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa tổ chức họp báo để thông tin rộng rãi việc UBND tỉnh trước đó có ý kiến chỉ đạo giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Kiểm lâm, Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh tổ chức bán đấu giá số lượng 2,77kg cao hổ thành phẩm, sung quỹ nhà nước.


Tại buổi họp báo, ông Lê Thế Long - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa - khẳng định: "Số lượng 2,77kg cao hổ sẽ không đưa ra bán đấu giá nữa, mà giao cho Bệnh viện Y học dân tộc Thanh Hóa quản lý, chỉ sử dụng trong trường hợp đặc biệt. Các ngành liên quan sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xử lý số cao hổ này đúng quy định của pháp luật để phục vụ việc chữa bệnh. Còn bộ da hổ, Chi cục Kiểm lâm đã bàn giao cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa lưu giữ".

Theo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, ngày 13-8 đội kiểm lâm cơ động số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm) đã bắt giữ một xác hổ ướp lạnh vứt từ trên ôtô khách 38N-4497 xuống quốc lộ 1A, đoạn qua xã Quảng Ninh (huyện Quảng Xương).

Ngay sau đó, đội kiểm lâm cơ động số 1 phối hợp với UBND huyện Quảng Xương lập biên bản kiểm tra, niêm phong xác hổ trọng lượng 61kg (cả nước đá lạnh) và ra quyết định tạm giữ, bảo quản. Sau một thời gian điều tra, xác minh không xác định được đối tượng vi phạm, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã ra quyết định tịch thu xác hổ này sung quỹ nhà nước.

Từ xác con hổ này, các cơ quan chức năng đã tiến hành nấu ra được số lượng 2,77kg cao hổ nêu trên.

HÀ ĐỒNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Biến đổi khí hậu - đã khác kịch bản

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Thảm họa chẳng còn xa xôi



TTCT - Nếu nước biển dâng cao thêm 1m, nếu nhiệt độ tăng thêm 2-3ºC sẽ có hàng chục ngàn hecta đất bị xâm nhập mặn, hàng triệu hecta đất trồng lúa bị mất... Những kịch bản tưởng như ở “thì tương lai” ấy lại đang hiện ra ngày một rõ nét...

Ngồi trước cửa nhà, nhìn những đợt sóng biển đánh vào bờ đê, lão nông Tư Ánh (Nguyễn Văn Ánh) lo lắng cho đoạn đê đang trong tình trạng gia cố tạm ở ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Ông nói: “Sóng biển ngày càng dữ, mỗi lần đánh ập vào bờ rút ra lại mang theo từng mảng đất lớn, lâu ngày bờ đê bị xé, có khi bị ăn đứt luôn nên nước mặn tràn vào phá”.

Biển mặn đang nuốt châu thổ sông Cửu Long...
Mùa mưa bão năm 2007, gia đình ông Tư Ánh đã một lần trắng tay vì sóng biển đánh vỡ đê, nước mặn tràn vào làm lúa chết héo, hơn 200 gốc nhãn rụng lá chết đứng, các ao cá nước ngọt thành ao nước mặn.

Tuyến đê dài hàng trăm kilômet ven biển Tây bắt đầu từ Hà Tiên (Kiên Giang) kéo dài đến tận Rạch Chèo (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) như lá chắn ngăn sóng dữ và nước mặn tràn vào đất liền song nay đã “bị thương” nhiều đoạn, có đoạn sạt lở nghiêm trọng, nhất là ở những cửa biển như Hương Mai (U Minh), Ðá Bạc, Sông Ðốc (Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

“Sóng biển đánh đứt dãy rừng phòng hộ rồi ngoạm bờ gây vỡ đê. Khoảng 5km đê đang bị sạt lở, có đoạn 1.200m sạt lở nghiêm trọng phải xử lý khẩn cấp, lực lượng cứu hộ đê phải túc trực thường xuyên” - ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết.

Tình trạng đất bị “hà bá” nuốt không chỉ ở đê biển Tây mà còn diễn ra gay gắt tại các con sông. Đã hơn ba tháng trôi qua nhưng ông Trương Thanh Tuấn (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) vẫn chưa quên được đêm kinh hoàng xảy ra vụ sạt lở bên bờ sông Cửa Lớn cướp đi bốn mạng người, nhà ông và nhiều nhà hàng xóm đổ ùm xuống sông. Những năm gần đây, người dân ở các tuyến sông gần cửa biển luôn nơm nớp lo sợ nhà bị trôi xuống sông thình lình như vậy.

Kết quả quan trắc ba năm gần đây ở Cà Mau cho thấy vào thời điểm cuối tháng 10 và đầu tháng 11, nước sông ngày càng dâng cao. Năm 2007, Cà Mau thiệt hại 4.886ha nuôi trồng thủy sản và lúa, năm 2008 là 10.622ha, năm 2009 là 14.795ha. “Dân sống ven biển phản ảnh nước dâng ngày càng cao. Số liệu quan trắc của chúng tôi cho thấy đỉnh triều đã cao hơn 0,5cm so với năm năm trước” - ông Lai Thanh Ẩn, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho hay.

Ông Nguyễn Hải Châu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bến Tre, khẳng định Bến Tre đã bắt đầu “thấm đòn” khí hậu thay đổi. Mặn xâm nhập nội đồng ngày càng gay gắt vào mùa khô. Còn ông Thái Thành Lượm, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Kiên Giang, lo lắng môi trường sống của quần thể các hệ sinh thái tự nhiên rất phong phú nơi này sẽ “làm mồi” đầu tiên khi nước biển dâng. Kiên Giang được dự báo nằm trong danh sách những tỉnh bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu.

Năm 2009, Bến Tre bắt đầu xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng xu thế nhiễm mặn và chuyển dịch cây trồng. “Nhưng đây là vấn đề lâu dài, tác động cả hiện tại và tiềm tàng. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ và đầu tư để xây dựng chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu. Trước mắt là xây dựng nhà máy và hệ thống cấp nước ngọt, hệ thống đê sông, biển, cống đập ngăn mặn, các dự án trồng rừng thủy lợi phục vụ nông nghiệp” - ông Châu nói.

Ở Kiên Giang, ông Lượm đề xuất xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm với biến đổi khí hậu, nâng cấp hệ thống đê, xây dựng các cống, kênh để phòng xâm nhập mặn, tăng vành đai rừng ngập mặn lên 500-1.000m để đủ sức phòng hộ. Tỉnh cũng đang tìm cách xây dựng mô hình nhà ở, mô hình canh tác, chăn nuôi thích nghi với việc nước biển dâng.

Việt Nam cần một kịch bản biến đổi khí hậu khác?
Hơn một năm trước (tháng 6-2009), Bộ Tài nguyên - môi trường công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. Có thể xem đây là một lời cảnh báo chính thức mang tầm quốc gia về những nguy cơ từ biến đổi khí hậu mà Việt Nam phải đối mặt cho đến cuối thế kỷ 21.

Ba kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các kịch bản phát thải khí nhà kính ở ba mức thấp, trung bình và cao với số liệu tính toán theo từng cột mốc thập kỷ: 2020, 2030, 2040 đến năm 2100.

Theo kịch bản phát thải cao của bộ thì vào cuối thế kỷ 21, lượng mưa hằng năm có thể tăng khoảng 9-10% ở Tây Bắc, Đông Bắc, 10% ở đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ và 4-5% ở Nam Trung bộ, 2% ở Nam bộ và Tây nguyên so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Lượng mưa các tháng cao điểm mùa mưa sẽ tăng 12-19% ở cả các vùng phía Bắc và Nam Trung bộ, trong khi khu vực Nam bộ và Tây nguyên chỉ tăng 1-2%.

Đối với nước biển dâng, một số nghiên cứu gần đây cho rằng mực nước biển toàn cầu có thể tăng 50-140cm vào năm 2100. Riêng các kịch bản cho Việt Nam tính rằng “vào giữa thế kỷ 21 mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 28-33cm và đến cuối thế kỷ mực nước biển có thể dâng thêm 65-100cm so với thời kỳ 1980-1999. Trong tương lai gần, dự báo đến năm 2020 mực nước biển ở nước ta có thể dâng cao thêm 11-12cm và đạt mức tăng 28-33cm vào năm 2050”...

Dựa trên các kịch bản nước biển dâng, bộ đã bước đầu xây dựng bản đồ ngập cho khu vực TP.HCM và ĐBSCL. Theo đó, khi nước biển dâng 65cm (mức thấp), diện tích ngập ở ĐBSCL là 5.144km2 (12,8%), và ở mức 100cm (cao) thì ngập sẽ trải rộng trên 15.116km2, tương đương 37,8% diện tích toàn vùng. Riêng khu vực TP.HCM, theo dự báo với mực nước biển tăng 65cm, diện tích ngập rộng khoảng 128km2 (6,3%) và nhấn chìm 473km2 (23%) nếu dâng mức 100cm.

Thực tại phũ phàng hơn kịch bản
Trên thực tế, những hiểm họa mang tên biến đổi khí hậu không đợi lâu đến thế mà đã và đang đổ ập xuống nhiều vùng, cướp đi nhiều sinh mạng và gây ra vô số thiệt hại nghiêm trọng. Chỉ một trận mưa kéo dài ba ngày vào tháng 10-2008 đã dìm nội thành Hà Nội và một số tỉnh lân cận trong biển nước, làm chết 17 người, gây tê liệt giao thông và hủy hoại nông nghiệp đáng kể. Trong ba ngày đó, lượng mưa đo được tại Hà Nội là hơn 500mm, tại Hà Đông hơn 800mm.

Và khi hai cơn lũ liên tiếp đổ xuống miền Trung đầu tháng 10 vừa qua đã hiển hiện rất rõ sự bàng hoàng, bất ngờ của con người trước những biến cố thiên nhiên chưa từng dữ dội như vậy.

Tuần qua, lũ lụt lại tràn ngập các tỉnh Nam Trung bộ. Đêm 31-10-2010, lượng mưa đo được ở Ninh Thuận từ 100-200mm, Phan Rang lên tới 274mm. TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã hứng một trận mưa hơn 500mm kéo dài nhiều giờ khiến nhiều phường bị nhấn chìm, giao thông đường bộ lẫn đường sắt bị tê liệt.

Đồng thời, tin tức về các dòng sông, suối cạn nước, trơ đáy tại khu vực Tây nguyên liên tiếp xuất hiện. Còn tại Nam bộ - vựa lúa và vựa cá ĐBSCL - người dân miệt đồng khắc khoải chờ lũ về. Mùa nước nổi trắng đồng - một đặc ân mà tạo hóa bao đời nay ưu ái tặng cho cư dân của đất chín rồng - càng lúc càng nhạt nhòa.

Ngày 2-12-2008, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành. Hai bộ Tài nguyên - môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho hay đã có hàng loạt nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch ứng phó... Các địa phương trong cuộc như TP.HCM và Cần Thơ cũng đang lo đầu tư nghiên cứu, tìm giải pháp thích ứng cho từng kịch bản.

Nhưng thực tế phũ phàng cận kề của không ít thảm họa thiên nhiên đã “gõ cửa” ầm ầm, không còn là chuyện của những cột mốc thập kỷ như bộ hình dung. “Nước đã đến đầu gối”, dân Việt Nam ở nhiều vùng đang phải “quẫy đạp” thật sự để chống chọi từng ngày, mỗi thảm họa lại ở mức độ khốc liệt khác nhau với đầy rẫy bất ngờ, bàng hoàng và mất mát.

Trong khi chờ đợi và hi vọng những giải pháp mà kế hoạch dài hạn ứng phó với biến đổi khí hậu phát huy tác dụng, có lẽ cũng nên nghĩ tới những kịch bản và giải pháp ứng phó quyết liệt hơn trong ngắn hạn trước những diễn biến khôn lường của thời tiết, chí ít để không còn cảnh bị động chống chọi và những lời đổ lỗi cho “mưa lịch sử”, cho “lũ bất ngờ”!

NGUYỄN TRIỀU - TẤN THÁI

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=460922
Nước dâng cao làm sạt lở cửa biển phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu - (Ảnh: Thanh Phong)



Nước biển dâng cao ở Bạc Liêu
Từ trung tuần tháng 10 đến nay, tuy mới vào đầu con nước, triều cường và mực nước biển dâng cao tại Bạc Liêu đã gây ngập nhiều nhà dân, nhiều tuyến giao thông, hoa màu.

Theo TTXVN, tại các địa phương giáp cửa biển như huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu, triều cường lên cao tràn qua các bờ bao, đường sá làm nhiều nhà dân ngập sâu. Ở các cửa sông dọc tuyến đê biển Đông, nước biển tràn sâu vào nội đồng gây thiệt hại nặng.

Không chỉ ở các huyện đầu nguồn, triều cường cũng đe dọa diện tích trồng lúa của các huyện vùng sâu, xa các biển như Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân... Nhiều lão nông ở đây cho biết triều cường năm nay về sớm và cao hơn khoảng 50cm so với mọi năm.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Châu Á - Thái Bình Dương:

Thiếu sự chuẩn bị để phòng chống thảm họa



Báo cáo thảm họa châu Á - Thái Bình Dương được Liên Hiệp Quốc nghiên cứu và đưa ra tại hội nghị cấp bộ trưởng về phòng chống thiên tai diễn ra ở Hàn Quốc vừa qua đã nhấn mạnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn “bất ngờ” trước các thảm họa thiên nhiên do thiếu sự chuẩn bị để phòng chống.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=460921
Người dân Philippines chạy nạn khi cơn bão Ketsana tràn qua nước này vào tháng 9 vừa qua - Ảnh: ruw.ul




Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cảnh báo các nước châu Á -Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, về nguy cơ hứng chịu các thảm họa thiên nhiên cao hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Người dân khu vực này có thể bị các thảm họa thiên nhiên tác động cao gấp 4 lần người dân châu Phi và gấp 25 lần người dân châu Âu hoặc Bắc Mỹ.

Đây là lần đầu tiên LHQ đưa ra báo cáo đánh giá về thảm họa thiên nhiên của một khu vực, trong đó nghiêm khắc nhận định châu Á - Thái Bình Dương - nơi có các quốc gia là thành viên ASEAN - thiếu năng lực đánh giá toàn diện về thảm họa thiên nhiên.

Mặc dù sở hữu 1/4 tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu, đóng góp tích cực vào sự phục hồi kinh tế thế giới hiện nay nhưng khu vực này chiếm tới 85% số người chết và 42% thiệt hại kinh tế toàn cầu do thảm họa thiên nhiên.

Theo phó tổng thư ký LHQ Noeleen Heyzer, cái vòng luẩn quẩn đói nghèo mà người dân nơi đây đang gánh chịu cực kỳ khó phá vỡ. Báo cáo nhấn mạnh những mất mát từ thảm họa liên quan tới nghèo đói và càng trầm trọng hơn bởi nghèo đói, người nghèo dễ bị tổn thương là vì những bất cân bằng nhiều mặt của kinh tế - xã hội và môi trường. “Nếu những sự bất bình đẳng không được giải quyết, người nghèo vẫn tiếp tục thường xuyên đối mặt với những nguy cơ thảm họa và họ tiếp tục nghèo hơn, dễ bị tổn thương hơn”.

Ông N. Arambepola, giám đốc Cơ quan quản lý thảm họa đô thị (thuộc Trung tâm chuẩn bị thảm họa châu Á) tại Bangkok, cho rằng: “Với ngày càng nhiều người di cư vào các thành phố, rất nhiều trong số họ sẽ sinh sống ở những nơi dễ bị thảm họa mà không ai muốn sống”. Sự khác biệt giữa thành phố được quy hoạch, xây dựng tốt và giàu có với những thành phố nghèo hơn được báo cáo của LHQ gọi là “khoảng cách về nguy cơ đô thị” đặc biệt nghiêm trọng ở châu Á.

Ước tính một người sống ở Philippines sẽ có nguy cơ chết vì thảm họa thiên nhiên gấp 17 lần so với một người sống ở Nhật Bản, cho dù khả năng xảy ra và tần suất thảm họa ở Nhật Bản cao hơn. Là nơi có 7/10 thành phố đông dân nhất thế giới và dân số đô thị dự kiến sẽ gấp đôi từ 1,36 tỉ người hiện nay lên 2,64 tỉ người vào năm 2030, các chiến dịch giảm thiểu thảm họa của LHQ 2010-2011 tập trung hỗ trợ các thành phố dễ thích nghi hơn trở nên đặc biệt thích hợp ở châu Á.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chi phí toàn cầu cho thế giới thích nghi với nhiệt độ Trái đất ấm lên thêm 2ºC vào năm 2050 là khoảng 75-100 tỉ USD/năm. Đông Á và Thái Bình Dương là khu vực sẽ tốn kém nhất, chi phí tập trung vào phát triển và xây dựng hạ tầng thích ứng, các khu vực bờ biển và nguồn nước cũng như bảo vệ người dân trước bão lũ.

Các chuyên gia cho rằng các thành phố châu Á có thể giảm thiệt hại bằng các chương trình phát triển từ nhu cầu cộng đồng, sử dụng đất hợp lý, đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm và đưa thông tin cảnh báo nguy cơ tới từng người dân.

WB thông báo đã dành khoảng 1,5 tỉ USD cho các dự án quản lý rủi ro thiên tai (DRM) ở Đông Á và Thái Bình Dương. Dù phần lớn số tiền này dành để tái thiết bền vững sau động đất ở Trung Quốc và Indonesia, cũng có các sáng kiến mới bao gồm các khoản vay chính sách phát triển về biến đổi khí hậu tại Việt Nam và Indonesia, lập mô hình rủi ro cho đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất khuôn khổ về tài chính đối với thảm họa ở các đảo Thái Bình Dương.

Hơn 300 triệu USD hiện đang đầu tư vào các chương trình thử nghiệm và nhân rộng các chương trình đã thành công trong việc giúp các cộng đồng nghèo đối phó tốt hơn với thảm họa, xây dựng năng lực quản lý rủi ro thiên tai và các hệ thống cảnh báo sớm.

LHQ ước tính nếu đầu tư 1 USD để giảm tác hại của thảm họa tại các nước đang phát triển thì sẽ giúp giảm được 7 USD thiệt hại. Các chính phủ, cộng đồng và các tổ chức cứu trợ có thể làm rất nhiều thứ chuẩn bị đối phó với tình trạng khẩn cấp và không để tình huống bất ngờ trở thành thảm họa.

Việt Nam và Bangladesh đang trồng rừng đước, Trung Quốc đang đầu tư vào hệ thống kiểm soát lũ và những biện pháp đơn giản nhất mà các cộng đồng nghèo nhất đang thực hiện cũng có thể tạo ra sự thay đổi lớn như hệ thống cảnh báo sớm, sơ tán khẩn cấp hay huấn luyện cứu hộ, sơ cứu.

KHỔNG LOAN


Trong năm 2009, 6/10 quốc gia có số thương vong và thiệt hại GDP nhiều nhất do biến đổi khí hậu là ở châu Á. Châu lục này cũng là nơi có 6/10 thành phố dễ bị tổn thương nhất thế giới trước biến đổi khí hậu, gồm Quảng Châu, Thượng Hải, Mumbai, Kolkata, Osaka và TP.HCM.

(Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

GS.TS Iftekhar Ahmed - chuyên gia về biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á:

Phải thích nghi trước khi quá muộn



Hải Minh, phóng viên báo Tuổi Trẻ, phỏng vấn:

* Liệu những trận bão lụt kinh hoàng tại miền Trung Việt Nam vừa qua có liên quan đến biến đổi khí hậu?

- Tôi cho đó là ảnh hưởng trong ngắn hạn của biến đổi khí hậu. Miền Trung là khu vực nghèo nhất Việt Nam, thiên tai ở đó ảnh hưởng nặng nề đến người nghèo - đối tượng dễ tổn thương nhất. Những vùng trước kia có thể thu hoạch ba vụ giờ chỉ còn hai, nông dân phải đối mặt với tình trạng rủi ro thời tiết lớn hơn.

Tôi xin được nhắc rằng biến đổi khí hậu không phải là sự kiện đơn lẻ, mà là một mạng lưới các hiện tượng thời tiết tác động qua lại với nhau: nhiệt độ tăng làm Trái đất ấm lên khiến nước biển dâng, gây ra các hiện tượng khí hậu cực đoan.

* Trong nghiên cứu của mình, ông đề cập mối liên hệ giữa nhu cầu năng lượng gia tăng mạnh và biến đổi khí hậu, ông có thể nói rõ hơn?

- Dễ thấy tác động trực tiếp của tình trạng này, khi các thành phố trở nên lớn hơn, nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng, khiến tình trạng ngập lụt do triều cường, như ở TP.HCM - nơi mật độ dân cư đang rất cao và tiếp tục tăng - càng khó giải quyết.

Ngoài ra, việc xây đập thủy điện thiếu tính toán ở các dòng sông vì nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn và tăng liên tục cũng làm tăng thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Các đập thủy điện không chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt mà còn khiến đa dạng sinh học ở các dòng sông bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó sông Mekong là một ví dụ điển hình.

* Ông nghĩ Việt Nam có thể tham khảo bài học thực tiễn nào ở các nước bị đe dọa tương tự?

- Đối phó với biến đổi khí hậu có hai cách: hoặc làm giảm bớt các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu (giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế những hành vi của con người làm ảnh hưởng đến tự nhiên); hoặc chúng ta buộc phải thích nghi khi mọi chuyện đã quá muộn.

Trong cách thứ nhất, chúng ta bảo vệ tự nhiên khỏi các hành động xâm hại của con người, còn cách thứ hai, chúng ta bảo vệ xã hội và cộng đồng khỏi những biến đổi của tự nhiên. Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới vẫn chưa đạt được thỏa thuận trong phương án thứ nhất, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ phải hài lòng với phương án thứ hai: thích nghi.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thay đổi để không bất ngờ



“Phải có kế hoạch giảm rủi ro, thảm họa để không chỉ giúp giảm tình trạng dễ bị tổn thương hiện có mà còn không tạo ra các tình trạng dễ bị tổn thương mới” - ông Đặng Văn Tạo, giám đốc Chương trình quản lý thảm họa (Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam), chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó thảm họa.


Ông Đặng Văn Tạo




* Thưa ông, mưa lũ liên tục vừa qua ở miền Trung đã làm ít nhất 142 người thiệt mạng, 25 người mất tích và 156 người bị thương. Thông điệp đằng sau những con số tưởng chừng như lạnh lùng này là gì?

- Đó là những cảnh báo rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu lên các hình thái thiên tai như lũ lụt, bão và hạn hán. Một kịch bản lũ xảy ra trên diện rộng ở hầu hết các huyện, xã, ở mức ngập cao và ngập lâu là một kịch bản mà chúng ta có thể chưa bao giờ nghĩ đến, cho nên các kế hoạch ứng phó (gồm sơ tán, cứu hộ cứu nạn...) đã không thể đáp ứng được nhu cầu.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, thiệt hại về kinh tế rất lớn (2.758 tỉ đồng lũ đợt một và 2.194 tỉ đồng lũ đợt hai) cho thấy phát triển kinh tế rất dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Toàn bộ giao thông đường bộ và đường sắt bị tắc nghẽn dài ngày do lũ, kể cả đường Hồ Chí Minh, cho thấy tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng của Việt Nam cần phải thay đổi lên mức cao hơn để có thể đảm bảo giao thông huyết mạch Bắc - Nam trong mùa mưa bão, khi thiên tai ngày càng xảy ra bất ngờ hơn.


* Là người tham gia nội dung về Việt Nam trong báo cáo về thảm họa thiên nhiên châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc, ông muốn thế giới hiểu rõ những vấn đề gì ở Việt Nam liên quan tới thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu?

- Tôi muốn thế giới hiểu về những công việc đang được tiến hành ở Việt Nam như thực hiện chiến lược phòng chống giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, chương trình phòng ngừa thiên tai dựa vào cộng đồng... Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần được nghiên cứu, đánh giá lại tác động như phát triển thủy điện tại rừng đầu nguồn, trồng đại trà cây công nghiệp, cây cao su...

Quản lý thảm họa không phải là việc chỉ nghiên cứu, dự báo thiên tai mà chính là sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững thân thiện với thiên nhiên, với các tiêu chuẩn giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và nâng cao năng lực. Các thiệt hại khi thiên tai xảy ra đều có nguyên nhân trước tiên từ con người, vì khi thiết kế và xây dựng đã không tính đúng, tính đủ các tác động có thể của thiên nhiên mà còn nặng về lợi ích kinh tế.

Chúng tôi cố gắng kêu gọi từ lãnh đạo đến người dân, từ Nhà nước đến doanh nghiệp và tư nhân rút kinh nghiệm từ các thảm họa đã qua để xây dựng đất nước phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro, nhất là những thảm họa thiên tai liên quan biến đổi khí hậu vì việc dự báo ngày càng trở thành thách thức lớn hơn.


* Việt Nam vẫn thiếu kịch bản ứng phó thảm họa thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tức là chưa có kịch bản cho điều tồi tệ nhất. Chúng tôi cần thay đổi những gì?

- Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra tại Việt Nam - theo kịch bản của Ngân hàng Thế giới - là nước biển dâng cao và làm ngập lụt thường xuyên tại đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Khi đó hàng chục triệu người dân Việt Nam cũng như toàn bộ mạng lưới kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Nhưng những điều tồi tệ khác dễ xảy ra hơn, thường xuyên hơn có thể sẽ gây thiệt hại nhiều hơn như hạn hán kéo dài và ngay sau đó là lũ lụt trên diện rộng, mùa đông nóng lạnh đột ngột, mất điện trầm trọng khi hạn hán và mất mùa khi lũ, rồi dịch bệnh gia súc, gia cầm làm người dân sẽ quay trở lại vòng đói nghèo, nợ nần, làm giảm sút các thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, ở quy mô quốc gia rất cần sự phân bổ ngân sách ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên cho giáo dục và y tế để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trong hai lĩnh vực này.

Theo tôi, ở Việt Nam nói riêng và nhiều nước khu vực châu Á nói chung, việc giảm thiểu rủi ro thảm họa vẫn còn nằm trong sự thao túng của cấp bộ ngành ở trung ương hơn là phân quyền cho địa phương lập kế hoạch và quản lý. Phân quyền đúng sẽ thúc đẩy tính tự chủ của các cấp địa phương.

HẠNH NGUYÊN
(Báo Tuổi Trẻ) phỏng vấn

“Trừ một vài nước phát triển nhất, các nước còn lại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều chưa xây dựng được các cộng đồng an toàn và có khả năng phục hồi nhanh sau thảm họa, nhiều hệ thống cảnh báo sớm không hoạt động tốt. Hệ thống cảnh báo của Việt Nam chưa đạt mức cụ thể hơn, vẫn mang tính bao quát (vài tỉnh hay cả một vùng).

Ở cấp xã, các đội ứng phó vẫn chỉ là các đội không chuyên nghiệp chưa được tập huấn, thực hành hằng năm các kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức sơ tán, cứu hộ cứu nạn, cứu trợ khẩn cấp và điều phối thông tin, để có thể tiến hành tốt công việc của mình khi có thiên tai.

Chính phủ cần liên kết và phân quyền cho các tổ chức trong nước có kinh nghiệm triển khai các hợp phần cần thiết về ứng phó để tránh làm lại từ đầu hay cắt ngắn quy trình để đạt được các kết quả cụ thể”.

Ông ĐẶNG VĂN TẠO
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Khổ vì thủy điện



TT - Để xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 3, hàng trăm hộ dân ở xã Đắk P’Lao (Đắk G’Long, Đắk Nông) buộc phải bỏ làng về khu tái định cư mới. Tuy nhiên bốn tháng đã qua, cuộc sống người dân vẫn trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=469608
Người dân ở xã Đăk P’Lao đi thuyền về làng cũ để trồng mì, làm nương. Dưới mặt nước bị ngập sâu này ngày xưa là nhà cửa, làng mạc - (Ảnh: T.B.D.)




Trong khi đó, hàng chục hộ dân không chịu di dời về khu tái định cư đã vào rừng sâu để lập làng kiếm sống. “Đi không được, ở lại cũng chẳng xong” là tình cảnh mà hàng ngàn người dân xã Đắk P’Lao cũ đang phải gánh chịu từ hệ lụy của dự án thủy điện này.

Bơ vơ ở làng mới
Những ngày này tại khu tái định cư Quảng Khê (Đắk G’Long) đâu đâu cũng thấy cảnh người dân ngồi buồn bã tựa cửa nhìn ra. Đã chuyển về làng mới được gần bốn tháng, nhưng công việc duy nhất của tất cả thành viên trong gia đình anh Yàng A Sú là lên rừng chặt tre về rào chắn hàng rào bao quanh nhà. Vườn tược chưa có cây cối, nhà thì trống không, hỏi dựng hàng rào để làm gì thì anh Sú chỉ còn biết cười: “Không có việc gì làm thì... ra rào cái hàng rào thôi, biết làm gì hơn bây giờ”. Anh Sú nói gia đình anh được Nhà nước đền bù gần 100 triệu đồng, nhưng hai tháng nay cả nhà không biết làm gì, bảy miệng ăn chỉ biết nhìn vào số tiền đó, nay mai khoản tiền này hết rồi gia đình không biết lấy gì mà sống.

Phía bên cạnh nhà anh Sú, đã giữa buổi chiều mà hai người phụ nữ và một người đàn ông vẫn ngồi tựa cửa nhìn ra. Hỏi vì sao không đi làm rẫy, một phụ nữ trả lời: “Nhà nước cấp đất, cấp rẫy mà đất cằn cỗi quá, nương rẫy thì dốc hình bát úp, đến cây măng rừng cũng chỉ mọc lè tè làm sao mà trồng mì, trồng bắp được”.

Anh Sùng A Giáo, thôn 4, nói: “Khi mới chuyển về làng mỗi hộ được cấp 8 sào đất, nhưng số đất này đều không thể trồng nổi cây gì vì quá bạc màu và dốc thẳng đứng, chỉ có măng dại là sống được”. Anh Giáo cũng nói thêm giờ đây người dân phải tìm chỗ khác mua rẫy để làm, ai không có tiền thì bất chấp nguy hiểm tính mạng chèo thu

yền qua đập thủy điện, chạy về làng cũ cách xa hàng chục cây số để trồng trọt kiếm sống. Không những vậy, rất nhiều căn nhà mới được cấp ở khu tái định cư nhưng dân ở chưa được bao lâu thì nay bắt đầu nứt vách, nền bị sụt lún do nằm chênh vênh trên đồi. Trong khi đó, một số người dân cho biết nhiều gia đình khi chuyển về khu tái định cư đã không sử dụng số tiền được đền bù để làm ăn, gửi vào ngân hàng mà dùng tiêu xài, ăn nhậu... Nguy cơ đói là điều không thể tránh khỏi!

Vào rừng sâu lập làng
Cách trung tâm khu tái định cư Quảng Khê khoảng 3km có một quả đồi mà trên đó có hàng chục căn nhà lụp xụp tựa sát vào nhau. Hầu hết những hộ dân này vừa mới chuyển từ làng cũ về để tránh nước lên. Họ cho biết do nhà mới chưa được cấp nên phải ở tạm bợ trong những căn nhà này. Cũng có một số hộ dân không chấp nhận phương án đền bù và những hộ được nhận tiền đền bù quá ít nên không đủ tiền xây nhà mới.

Anh Hà Văn Phan, thôn 4, cho biết hầu hết các hộ này đều đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Không chỉ vậy, theo anh Phan, tới thời điểm hiện tại các công trình phụ phục vụ khu tái định cư này vẫn hoàn toàn trống không, đến nước sạch mà toàn thôn chỉ có một cái bể nước, hàng trăm người dân phải thay nhau đi vác nước về dùng.

Anh Phan cho biết thêm để có thể sống qua ngày, người dân phải chạy ngược về các khu nương rẫy ở làng cũ để trồng trọt.

Để về được làng cũ, nơi có nương rẫy, người dân phải mất 50.000 đồng cho cả người và xe để đi thuyền qua đoạn nước ngập rộng khoảng 1km. Một số người nói dù đắt đỏ và nguy hiểm nhưng họ buộc phải tìm mọi cách về làng cũ để trồng bắp trồng mì, nếu không sẽ chết đói.

Anh Yàng A Lựu cho biết anh được cấp một căn nhà mới và được đền bù một ít tiền, nhưng ở bên làng mới thì không có việc để làm nên anh chị phải bế hai con về làng cũ dựng căn lều nhỏ tại cái chuồng trâu cũ, hằng ngày lên rẫy trồng mì kiếm sống.

Không chỉ vợ chồng anh Lựu mà còn khá nhiều hộ dân dù đã bị dỡ nhà cửa nhưng vẫn quyết tâm dựng lều bám trụ lại làng cũ để ở, để kiếm cái ăn.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất không phải là việc người dân cố bám trụ lại các ngôi làng cũ mà hiện có hàng chục hộ dân đã kéo ngược lên khu vực rừng sâu thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng để lập làng. Một người dân tại đây cho biết do họ không đồng tình với phương án đền bù không hợp lý vì bị thiệt thòi nên không biết đi đâu, về đâu, trong khi đó nước đã ngập hết nhà cửa, vườn tược nên phải đưa nhau vào rừng, nơi ngày xưa cha ông đã làm rẫy để dựng nhà kiếm sống. Việc thiếu ăn, thiếu mặc thì có thể chịu được chứ buồn nhất là việc trẻ con trong làng bỗng nhiên phải nghỉ học vì bị cách biệt hoàn toàn với bên ngoài.

Ông Sùng A Giáo, người dân thôn 4, bức xúc: “Chúng tôi hiểu đây là chủ trương lớn nhằm phục vụ lợi ích chung của đất nước, nhưng chủ đầu tư phải tìm cách giải quyết các vấn đề phát sinh để dân chúng tôi sớm ổn định cuộc sống, không thể mãi như thế này được”.

“Thủy điện Đồng Nai 3 phải chịu trách nhiệm”
Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 được xây dựng trên địa bàn hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, công trình gồm hai tổ máy có công suất 180 mw, sản lượng điện 589 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư gần 3.598 tỉ đồng. Công trình do Ban quản lý dự án thủy điện 6 làm chủ đầu tư. Riêng tại xã Đắk P’Lao, theo tính toán, có tất cả 514 hộ với tổng số 2.113 nhân khẩu buộc phải di dời về các khu tái định cư mới.

Trước những khó khăn mà hàng ngàn người dân xã Đắk P’Lao cũ đang phải đối mặt sau khi nhường đất cho công trình thủy điện Đồng Nai 3, Ban chỉ đạo phòng chống và giảm nhẹ thiên tai Đắk Nông đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, ban chỉ đạo đã đề xuất với UBND tỉnh cần có phương án hỗ trợ về đất canh tác phù hợp tập quán và thói quen của người dân, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng các công trình cung cấp nước sạch để người dân sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, cần có phương án tuyên truyền, hướng dẫn người dân “tiêu tiền” hướng vào các mục đích đầu tư sản xuất, học hành...

Đối với các hộ dân ở khu vực rừng Tà Đùng thì nên có phương án và cách bàn giao đất mà người dân đang sản xuất tại đây hợp lý, thực hiện bản cam kết để người dân có thể sản xuất tạm thời mà không tổn hại đến diện tích rừng trong khu bảo tồn. Nếu tạm thời chấp nhận để người dân ở trong khu bảo tồn thì cần chuẩn bị mọi thứ cần thiết để có thể ứng cứu người dân khi xảy ra sự cố trong quá trình người dân đi thuyền qua sông. Đồng thời chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 3 phải nhận ra trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện dự án để tiếp tục giải quyết quyền lợi để người dân sớm ổn định cuộc sống.

THÁI BÁ DŨNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hàn Quốc quay phim mua mật gấu tại Việt Nam



TTO - Hàng trăm khách du lịch Hàn Quốc và các nước châu Á khác thăm các trang trại gấu và mua mật mỗi tuần tại Quảng Ninh, đó là nội dung đoạn phim điều tra mà Hãng KBS Hàn Quốc vừa quay được và gửi cho Trung tâm giáo dục thiên nhiên VN (ENV).

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=469718
Ảnh và video được ghi lại từ Youtube




Họ được dẫn tới một căn phòng có một người quản lý Hàn Quốc quảng cáo về mật gấu. Một con gấu đã gây mê bị lôi ra khỏi chuồng và đẩy vào phòng, khách vây quanh để xem. Con gấu  bị lật ngửa ra, các nhân viên trại gấu dùng máy siêu âm định vị trước khi chọc kim tiêm. Họ rút ra được một chai mật gấu lỏng, chia vào từng túi nhỏ 1cc và  bán 30USD/1 túi.

Thuyết minh trong phim cho biết một khách bỏ 500USD mua mật gấu. Còn ở một trại khác, khách mua mật gấu 1000USD thì 600USD được trả cho công ty du lịch, còn lại cho chủ trại gấu...

Đoạn phim này được quay vào tháng 10-2010, đã được phát trên truyền hình tại Hàn Quốc. Ngày 15-12-10 ENV đã biên tập, dịch và phát lên youtube.

V.T.B.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] ... ›Trang sau »Trang cuối