Năm dự án nhiệt điện chậm trễ và các nhà thầu Trung Quốc
SGTT.VN - Trong khi việc cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng khó khăn, các dự án nguồn điện do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu lại triển khai rất chậm.
Sự chậm trễ rất đáng lo ngại ở các công trình này đang đặt ra vấn đề: có tiếp tục để cho các nhà thầu đó tham gia vào các gói thầu tiếp theo. Bởi nếu tình trạng này lặp lại sẽ gây khó khăn lớn không chỉ là cho các chủ đầu tư của Việt Nam như tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV)… mà có hậu quả không nhỏ về kinh tế – xã hội.
Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1, một trong năm dự án nhiệt điện chậm trễ. Ảnh: TTO
Với năm dự án nhiệt điện chạy than do các nhà thầu Trung Quốc hiện nay, là các công trình có quy mô khá lớn, trên 4.400MW, chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng công suất nguồn điện hiện có (khoảng 18.000MW). Có thể kể tên rõ năm dự án này gồm: dự án nhiệt điện Hải Phòng (bao gồm nhiệt điện Hải Phòng 1 và nhiệt điện Hải Phòng 2 có tổng công suất 1.200MW), dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (1 và 2, tổng công suất 1.200MW), nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả (Quảng Ninh) có tổng công suất 600MW, nhà máy nhiệt điện Sơn Động (2 x 110MW), dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (2 x 622MW). Với công suất lắp đặt lớn như vậy, sự chậm trễ của bất cứ một công trình nào cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình cung ứng điện của cả nước.
Nhưng vấn đề tệ hại ở chỗ, cả năm công trình có số vốn đầu tư lên tới trên 56.000 tỉ đồng này đều chậm cho nên, mức độ ảnh hưởng của nó đến khả năng cung ứng điện cho nền kinh tế không thể nói là nhỏ. Trong số các nhà máy này, có hai nhà máy chậm tiến độ đến hai năm như nhiệt điện Hải Phòng 1 và nhà máy nhiệt điện Sơn Động. Một nhà máy có quy mô như thuỷ điện Hoà Bình (1.200MW), đôi khi chỉ trục trặc một vài tổ máy, ảnh hưởng của nó đến cung cấp điện cho miền Bắc là rất đáng kể. Nhưng có quy mô như nhiệt điện Hải Phòng 1 (tổ hợp Dongfang Electric company – DEC và Marubeni Corporation trúng thầu), với hai tổ máy, công suất lên tới 600MW mà bị chậm hai năm, hậu quả của sự chậm trễ ấy là khá lớn.
Nhưng điều đáng lưu ý nữa là các dự án có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc đều có vấn đề. Theo nguồn tin riêng của Sài Gòn Tiếp Thị, tất cả năm công trình trên đến nay đều không vận hành được ở chế độ tự động. Các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng thường gặp trục trặc ở ống sinh hơi, quá nhiệt, quạt khói, gió, máy nghiền, hệ thống cung cấp, chế biến than. Nhà máy Cẩm Phả thường “có chuyện” ở thiết bị phụ hoặc hệ thống thải tro xỉ hay gặp sự cố. Dự án nhà máy nhiệt điện Sơn Động không điều chỉnh được nhiệt độ khói thoát và nhiệt độ hơi quá nhiệt…
Nhưng nguyên nhân nào khiến các nhà thầu rõ ràng có dấu hiệu yếu kém về năng lực như vậy lại trúng thầu? Thậm chí có nhà thầu như tập đoàn điện khí Thượng Hải Trung Quốc (SEC) còn trúng tới hai dự án đặc biệt lớn: như nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (giá trị gói thầu 884 triệu USD), nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2 (giá trị hai gói thầu 870 triệu USD). Theo thông tin từ bộ Công thương thì do các nhà thầu này bỏ giá thầu thấp. Trung bình, các dự án trên, giá gói thầu EPC giao động từ 750 – 850 USD/kW đặt thấp hơn giá bình quân chung là 1.000 – 1.100 USD/kW nếu tính vào thời điểm các năm 2005, 2006 với các thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Sự chậm trễ của các công trình có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc do các nhà thầu Trung Quốc thu xếp vốn quá chậm như các dự án Quảng Ninh 2, Hải Phòng 2 đều bị kéo dài trên hai năm. Một lý do khác, thuộc cả về phía nhà thầu Việt Nam là những năm 2007 – 2008, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, tỷ giá thay đổi, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao nên nhiều nhà thầu phụ trong đó có cả thầu phụ Việt Nam khó khăn, bỏ tham gia dự án, chịu phạt, mất tiền cọc. Còn về phía nhà thầu Trung Quốc, do nhiều nhà thầu chưa nhiều kinh nghiệm làm tổng thầu EPC ở nước ngoài nên khi triển khai các dự án ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Một câu chuyện thực tế khác là các nhà thầu Trung Quốc hầu như không thuê lao động Việt Nam, kể cả lao động thủ công, nên họ thường bị thiếu người làm. Do đó, vì lợi ích của nền kinh tế, đến nay không thể không xem lại tất cả các công trình do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện, kể cả các công trình thuỷ điện… để đánh giá hiệu quả, thực tế triển khai của các nhà thầu. Dù không phân biệt đối xử nhà thầu theo quy định của WTO nhưng không lẽ, với những nhà thầu yếu kém về kinh nghiệm, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các chủ đầu tư lại tiếp tục để cho họ trúng thầu ở các công trình quan trọng khác chỉ vì lý do giá rẻ? Với các quy định về đấu thầu hiện nay thì việc chọn nhà thầu không chỉ có tiêu chí giá mà còn cả vấn đề chất lượng, kỹ thuật, kinh nghiệm. Nên hoàn toàn có cơ sở để loại bỏ các nhà thầu yếu kém kinh nghiệm, chuyên môn. Hơn nữa, một điều đáng lưu ý, các nhà thầu Trung Quốc thường không sử dụng thiết bị, máy móc do Việt Nam sản xuất.
MẠNH QUÂNDù không phân biệt đối xử nhà thầu theo quy định của WTO nhưng không lẽ, với những nhà thầu yếu kém về kinh nghiệm, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các chủ đầu tư lại tiếp tục để cho họ trúng thầu ở các công trình quan trọng khác chỉ vì lý do giá rẻ ?Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)