Nên dừng thủy điện vừa và nhỏ
TT - Trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 22-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã thừa nhận thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung và Tây nguyên không hiệu quả. 90 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ hủy hoại cả ngàn hecta rừng, nhưng chỉ mang lại một nguồn điện nhỏ nhoi bằng 2/3 một nhà máy nhiệt điện!
Có thể nói đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp của Chính phủ thừa nhận điều đó.
Theo số liệu của ông Vũ Huy Hoàng cung cấp, ở khu vực miền Trung và Tây nguyên có đến 230 dự án thủy điện vừa và nhỏ (công suất dưới 30MW). Trong đó đã có 38 dự án bị thu hồi, 90 dự án đã triển khai. Nghĩa là còn đến 102 dự án chưa bắt tay thực hiện. Và chúng ta thử hình dung: chỉ mới 90 dự án triển khai mà miền Trung nước ta mấy năm nay điêu đứng như thế nào vì lũ lụt, thì khi làm hết cả 102 dự án còn lại sẽ như thế nào?
Cũng theo số liệu của ông Vũ Huy Hoàng, tổng công suất của 90 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được thực hiện chỉ đạt 500MW! Trong khi đó, chỉ một nhà máy nhiệt điện tại Cà Mau, tổng công suất đã đạt đến 750MW.
Vẫn biết nhiệt điện không phải là phương án tối ưu hiện nay về mặt môi trường, nhưng nếu đặt bên cạnh các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thì có lẽ không khó lắm để thấy cái giá phải trả cho bên nào lớn hơn. Bởi theo tính toán của các nhà khoa học đưa ra tại cuộc tọa đàm về lũ lụt ở miền Trung và Tây nguyên diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái, “Để tạo ra 1MW điện phải lấy đi ít nhất 10ha rừng. Để có được 1.000ha làm thủy điện, phải san bằng 1.000-2.000ha đất ở thượng nguồn để làm đường vận chuyển...”.
Nếu áp dụng công thức này vào 90 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã triển khai ở miền Trung và Tây nguyên, chúng ta đã mất cả trăm ngàn hecta rừng! Ở đây, không cần tranh luận rằng những cơn đại hồng thủy vừa qua ở miền Trung có phải do thủy điện xả lũ hay không, mà chỉ cần thấy mất rừng nhiều như thế là tác hại lớn như thế nào cho việc giữ nước, giảm lũ - một điều ai cũng phải nhìn nhận rừng đóng vai trò quan trọng.
Hiện nay có một lập luận từ những người ủng hộ làm thủy điện đưa ra, đó là sẽ trồng rừng để đền bù những gì đã mất cho thủy điện. Ông Lương Vĩnh Linh - giám đốc vườn quốc gia Cư Yang Sin - kể với báo chí một chuyện như sau: Một đội khảo sát cho một dự án thủy điện nhỏ đã rầm rộ xông thẳng vào rừng. Họ đưa ra bản cấp phép khảo sát của lãnh đạo tỉnh và nói: “Yên chí, chúng tôi phá đi 1ha sẽ trồng lại cho anh 10ha!”. Ông Linh nổi nóng: “Đừng có hồ đồ, 1ha còn không trồng được chứ đừng nói 10ha!”. Vị chuyên gia tư vấn đỏ mặt tía tai: “Sao coi thường người ta quá thể vậy?”.
Ông Linh chỉ tay lên ngọn núi xanh mờ: “Anh nhìn kia, từ dưới mặt đất trở lên đến hơn 30m là cả một hệ sinh thái vô cùng hoàn chỉnh, từ rêu địa y cho đến hàng chục, hàng trăm tầng lớp giống loài động thực vật. Cả núi tiền cũng chả làm ra được dù chỉ vài mét vuông rừng nguyên sinh hay một thân cổ thụ nghìn năm tuổi, chứ đừng nói tới tiền tấn!”.
Thủy điện vừa và nhỏ không hiệu quả nhưng lại gây hại lớn. Vậy thì cách hay nhất là hãy dừng lại tất cả các nhà máy chưa triển khai.
TR.HUY
Nhà máy thủy điện Krông K’mar nằm trên dòng thác Krông K’mar thuộc vườn quốc gia Cư Yang Sin do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sông Đà làm chủ đầu tư, có công suất 12MW, tổng giá trị đầu tư 245 tỉ đồng - (Ảnh: T.B.D.)
Bài học từ người NhậtHơn ai hết người Nhật thấm thía nhất với câu chuyện trồng rừng. Những ai từng đến Nhật hẳn đều thấy những cánh rừng thông bát ngát, thân to cả người ôm. Họ cho biết những cánh rừng ấy đã trồng được 40-50 năm. Nhưng họ thừa nhận không thể nào trả lại đủ và đúng với thực trạng rừng nguyên sinh do thiên nhiên tạo nên.
Vì 12MW, phá 110ha rừng quốc gia
Cho tới bây giờ nhiều người vẫn không thể lý giải tại sao một công trình thủy điện công suất chẳng thấm vào đâu như Nhà máy thủy điện Krông K’mar (công suất chỉ 12MW) lại được ngang nhiên chắn vào hông rừng quốc gia Cư Yang Sin, gây tác động xấu đến hệ sinh thái, phá vỡ cảnh quan của rừng quốc gia.
Trước đây, thác Krông K’mar được ví như “dải lụa đào vắt dọc giữa rừng thiêng” Cư Yang Sin, thì nay dải lụa đó đã bị cắt ngang! Một cảm giác vừa hụt hẫng, vừa đau xót trong chúng tôi khi tìm về thác Krông K’mar (huyện Krông Bông, Đắk Lắk). Một người bảo vệ tại khu du lịch này cho biết kể từ khi nhà máy thủy điện đi vào hoạt động thì khách du lịch tới thác vắng hẳn.
Nhiều người dân sống tại đây cho biết vào mùa mưa thác còn nhiều nước chứ tới mùa khô là con thác này biến thành “thác chết” vì nhà máy thủy điện chặn dòng để trữ nước.
Giám đốc ban quản lý vườn quốc gia Cư Yang Sin, ông Lương Vĩnh Linh, giọng đầy vẻ bất lực khi nói về công trình thủy điện Krông K’mar: “Lúc biết dự án thủy điện này sẽ động chạm vào rừng thiêng, tôi quyết liệt phản đối nhưng rồi người ta vẫn cứ làm. Điều đau xót nhất là 110ha rừng bị mất để nhường chỗ cho công trình thủy điện chỉ 12MW này, và đặc biệt là hệ thống thủy sinh của gần 8km dòng thác dẫn từ khu vực lòng hồ xuống địa điểm đặt nhà máy thủy điện bị biến đổi hoàn toàn”.
THÁI BÁ DŨNGÝ KIẾN CHUYÊN GIA:* Tiến sĩ Nguyễn Đức Liễn (nguyên thành viên Ủy hội quốc tế lưu vực sông Mekong):
Không hiệu quả, thủy điện lớn cũng nên bỏCần khẩn trương rà soát tất cả dự án thủy điện đã đi vào hoạt động, các dự án đang triển khai lẫn dự án đang nghiên cứu khả thi. Việc rà soát phải có sự phối hợp của nhiều bộ ngành, chứ riêng một mình Bộ Công thương không thể làm nổi. Công việc này cần có sự tham gia của chính quyền, địa phương nơi có dự án thủy điện đã và sẽ triển khai.
Theo tôi, chúng ta không nên xét theo công suất thủy điện, mà bất cứ cái nào gây nguy hại phải loại bỏ ngay. Nếu dự án thủy điện lớn mà hiệu quả kinh tế không cao, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, sinh thái cũng cần loại bỏ. Nếu công việc rà soát các dự án thủy điện nhỏ được giao cho sở công thương các địa phương, tôi chắc chắn họ sẽ không làm nổi vì thiếu cả nhân sự lẫn năng lực.
* Ông Lê Trí Tập (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam):
Chưa thấy hết mặt trái của thủy điệnMiền Trung, Tây nguyên có nhiều nhà máy thủy điện lớn, vừa và nhỏ như thế mà công suất thấp so với các nhà máy điện khí, nhiệt điện thì nên tìm nguồn năng lượng khác thay thế. Chúng ta chỉ nghĩ đến điện, phát điện mà thôi, chỉ việc đầu tư công trình hứng nước phát điện thu tiền là xong. Nếu tính tác động của nó đến môi trường, dân sinh, lũ lụt, tác động xã hội thì rõ ràng thủy điện không rẻ chút nào.
Nói chung, làm theo kiểu chúng ta thì thủy điện quả là rẻ và bằng chứng là người ta lao vào làm thủy điện. Mặt trái của thủy điện rất lớn nhưng khi lập dự án thủy điện, thường người ta đưa các yếu tố thuận lợi, bề nổi, tích cực của thủy điện lên trên và dìm các yếu tố tiêu cực xuống.
* Ông Hoàng Học Kanh (chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế):
Khó hài hòaThường nhà đầu tư một công trình thủy điện bao giờ cũng làm sao để công trình đó có nguồn thu nhiều nhất về thủy điện mà không tính đến lợi ích tổng thể như chống lũ, giao thông, dân sinh ra sao..., vì vậy khó đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và giải pháp kỹ thuật.
Mặt trái của thủy điện chính là không có nhiệm vụ chống lũ, nó không có dung tích phòng lũ (để cắt lũ). Bởi vì muốn cắt lũ thì phải có đập lớn, mức nước chết thấp; đập lớn thì vận tốc lớn, bên dưới phải xử lý cho đàng hoàng, kỹ càng. Nhưng như thế thì chi phí đầu tư phải rất lớn, mâu thuẫn với lợi ích kinh tế của nhà đầu tư. Đấy là tôi chưa nói khi làm thủy điện thì xảy ra tình trạng phá rừng đầu nguồn.
Nước sông Hương cách nay mấy chục năm trong xanh hiền hòa, nay đục ngầu ngầu. Ngày xưa lượng phù sa trong 1m3 nước chỉ khoảng 100gam, nhưng nay có hàng vạn gam phù sa.
NHÓM PV MIỀN TRUNG (Báo Tuổi Trẻ) ghi
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)