Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [45] [46] [47] [48] [49] [50] [51] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Kiệt tác Champa sắp trình làng



* Nhà nghiên cứu TRẦN KỲ PHƯƠNG

TTCT - Một tin vui cho những người yêu văn hóa nghệ thuật sắp được tận mắt chứng kiến những hiện vật mà lâu nay chỉ “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”: sưu tập điêu khắc Champa sắp được trưng bày lộ thiên tại sân vườn trong giai đoạn 2013-2015.


http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/596/601596.jpg
Tượng chim thần Garuda (khoảng thế kỷ 12-13) sưu tập từ tháp Mẫm, Bình Định - Ảnh do Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế cung cấp



Chúng tôi là những người hiếm hoi được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cấp phép vào tìm hiểu những tác phẩm điêu khắc Champa thuộc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế được lưu kho từ hơn 60 năm nay.

Kho báu Champa bắc Hải Vân
Đập vào mắt là tượng nam thần đứng do cố linh mục Léopold Cadière đưa về từ làng Nham Biều khoảng năm 1917, tỉ lệ như người thật nhưng mất đầu, cao gần 1,3m, đặt trên một bệ ximăng. Thân hình vị thần rất lạ: ngực nở, có núm vú và bụng phệ khác thường, mông nở nang; chiếc thắt lưng vòng quanh bụng “cố định” chiếc “sampốt” (một hình thức y phục) hai lớp chồng lên nhau thõng xuống chân... Bức tượng được nhà nghiên cứu Champa Trần Kỳ Phương đánh giá là một kiệt tác khi nó “bộc lộ một vẻ đẹp thật độc đáo với thủ pháp tạc tượng khá đặc biệt chưa từng xuất hiện trong nghệ thuật Champa...”.

Nằm trong dãy tượng linh thú có bức tượng thủy quái Makara và tượng voi - sư tử (Gajashimha) với vẻ đẹp rất sinh động, tự nhiên. Trong tổng số 88 hiện vật, có đến hơn 15 tượng sư tử với nhiều tư thế như đứng, ngồi, đi... Những tượng chim thần Garuda chạm trổ tỉ mỉ, sinh động; có tượng voi được đeo miễn rất khác lạ; tượng khỉ thì vui nhộn, tinh nghịch...

Ngoài các tượng sinh thực khí, bệ thờ, chóp tháp và các vật trang trí với nét chạm khắc “rất Champa” đặt trên nền, bệ hoặc kệ gỗ, cuốn hút hơn cả là hệ thống tượng và phù điêu hình người, nhân thần lẫn thiên thần, như: phù điêu đạo sư Bà La Môn, tượng và phù điêu Apsara, tượng nam và nữ thần, Bồ tát Quan Thế Âm, Agni, Kinnara... Tất cả đều bằng đá sa thạch, chất liệu điêu khắc chủ yếu của người Champa xưa.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình, nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế) chủ trì thực hiện trong thập niên 2000 cho biết sưu tập điêu khắc này có 14 vật thờ tự trong các đền tháp, 62 vật trang trí trong kiến trúc Champa, số còn lại là chi tiết kiến trúc. Niên đại các hiện vật kéo dài trong hơn 700 năm, từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14, và địa bàn sưu tập trải dài từ Quảng Bình vào tận Bình Định. Hơn 70% số hiện vật cũng bước đầu xác định có xuất xứ từ bắc Hải Vân thuộc các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Có 13 hiện vật ghi rõ gốc gác địa danh ở Thừa Thiên - Huế, chín hiện vật từ Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam) và bốn hiện vật từ tháp Mẫm (An Nhơn, Bình Định)...

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng sưu tập này rất quý ở chỗ sẽ bổ khuyết thêm nhiều kiến thức đối với những ai từng xem sưu tập ở Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng. “Nó mang dấu ấn vùng miền trong văn hóa Champa rất rõ, bởi địa bàn phân bố chủ yếu ở khu vực bắc Hải Vân nguyên xưa thuộc tiểu quốc Indrapura. Do đó, các hiện vật không chỉ góp phần hình dung nghệ thuật - văn hóa Champa nói chung, mà còn giúp hiểu thêm dấu ấn của một vùng cụ thể trong cơ cấu tổ chức của vương quốc Champa xưa” - ông Hải nói.

Theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, các hiện vật có niên đại sớm, mang tính chất nền tảng, định hình rất lớn cho phong cách Champa giai đoạn sau. Mặt khác, sau sưu tập lớn nhất tại Bảo tàng Champa Đà Nẵng thì ở miền Trung đây là sưu tập lớn thứ hai và gồm đủ tất cả các kiểu, các phong cách. “Có những hiện vật sớm mà Bảo tàng Champa ở Đà Nẵng không có. Chỉ tiếc một điều phần lớn là dạng tượng tròn, không có tượng vàng và bạc như giai đoạn sau này” - tiến sĩ Sơn nói.

Hơn 60 năm im ỉm trong kho
Nhắc đến sưu tập nói trên không thể không nhắc đến những người tạo dựng nên nó - những sáng lập viên Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué - AAVH) thành lập ở kinh đô Huế năm 1913. Những cuộc du khảo tại Huế, vùng phụ cận và mở rộng ra khu vực Quảng Trị, Quảng Bình của Edmund Gras, Léopold Cadière và nhiều sáng lập viên AAVH... đã đưa về trụ sở hội (Bảo tàng Cổ vật cung đình ngày nay) rất nhiều hiện vật điêu khắc Champa quý giá.

Trước sự vận động của các hội viên và sự hỗ trợ, tác động của Tòa khâm sứ Trung kỳ, năm 1923 Bảo tàng Khải Định được thành lập theo chỉ dụ của nhà vua, “có nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam”. Bảo tàng tiếp tục được bổ sung tác phẩm Champa từ nguồn sưu tập tại các phế tích đền tháp hoặc được hiến tặng, chuyển nhượng. Đặc biệt là cuộc khai quật do nhà khảo cổ Jean-Yves Claeys tiến hành từ năm 1927 tại di chỉ Trà Kiệu đưa về Huế rất nhiều bức tượng đặc biệt quý giá, nâng sưu tập ở đây lên 88 hiện vật.

Năm 1928, một khu cổ vật Champa (còn gọi Phòng Chàm) được xây dựng ngay sau điện Long An, các hiện vật đã được sắp xếp và trưng bày đúng theo nguyên tắc bảo tàng học đương thời: đặt trên bệ gỗ, một số tượng được gia cố, ghi rõ tên và xuất xứ... phục vụ khách tham quan.

Kể từ khi AAVH chấm dứt hoạt động vào năm 1945, Bảo tàng Khải Định nhiều lần đổi chủ qua nhiều giai đoạn lịch sử, cũng là lúc Phòng Chàm đóng cửa im ỉm cho đến tận bây giờ. Sau năm 1975, khá nhiều lần đơn vị chủ quản bảo tàng có kế hoạch trưng bày và thực hiện một số công việc liên quan đến xuất bản, in ấn hình ảnh thuộc sưu tập này. Song như gặp một rào cản vô hình nên mấy mươi năm chúng vẫn lưu kho bất động, hình thành một “cảm giác thân phận” trong lòng nhiều người.

Về điều này, ông Phan Thanh Hải cho biết có nhiều lý do: “Một thời gian mình quan niệm hiện vật Champa là vấn đề tương đối nhạy cảm về chính trị. Trước đây, một số lãnh đạo của trung tâm và bảo tàng cũng e ngại nhóm hiện vật này không phải chính danh thuộc về nhóm hiện vật cung đình, do đó nếu đem ra trưng bày thì không chính danh mà còn dễ bị nơi khác đòi, không tiện. Mặt khác, người ta cũng chưa biết cách khai thác không gian tối đa của bảo tàng khi đưa ra trưng bày”.

Tuy nhiên ông Hải vẫn khẳng định những hiện vật Champa gắn liền với lịch sử ra đời của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, đồng thời gắn liền với hoạt động của các thành viên chủ chốt của nhóm sáng lập bảo tàng cũng như AAVH. “Sự hình thành Phòng Chàm tại bảo tàng hoàn toàn phù hợp chứ không có vấn đề gì cả!” - ông Hải nói.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/600/601600.jpg
Tượng sư tử đứng (khoảng thế kỷ 10) sưu tập tại khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế hoặc Quảng Trị



Có nên trưng bày ngoài trời?
Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung - giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, đơn vị này sẽ quy hoạch lại hệ thống trưng bày ngoài trời và đưa những hiện vật Champa tiêu biểu ra trưng bày, nhằm có thể khái quát bức tranh đa dạng về lịch sử văn hóa Huế, đồng thời có thể phát huy tốt những hiện vật mà bảo tàng thủ đắc. Ông Phan Thanh Hải cho biết trong năm 2013 sẽ phá dãy nhà làm việc xuống cấp của bảo tàng hiện nay để biến thành nơi trưng bày hiện vật Champa lộ thiên, trở thành không gian chuyển tiếp giữa điện Long An - kiến trúc điện đẹp nhất và ngôi nhà rường phía bên trái - được xem là nhà quan lại điển hình của triều Nguyễn. Ông nói: “Thế mạnh của hiện vật Champa chính là trưng bày lộ thiên mới đẹp. Chất liệu đá sa thạch rất bền vững, cho phép (chịu được điều kiện) trưng bày lộ thiên”.

Trái với quan điểm này, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho rằng đưa hiện vật Champa trưng bày lộ thiên là quá liều lĩnh vì dễ mất và rất dễ hư hỏng. “Hiện vật Champa làm bằng đá sa thạch vốn dễ bị tổn thương, rêu mốc, độ phong hóa cao hơn các loại đá khác nên không thể đưa ra trưng bày lộ thiên được. Đặc biệt với mức độ bảo vệ lỏng lẻo như ở Huế hiện nay sẽ rất dễ mất!” - ông Sơn giải thích.

Mặt khác, theo ông Sơn, sưu tập Champa nói trên chỉ có thể trưng bày dựa trên hai yếu tố là phong cách (đầy đủ) và niên đại (biên độ lớn từ rất sớm đến muộn), chứ không thể trưng bày sưu tập theo chủ đề. Do đó muốn hấp dẫn và an toàn nên chọn giải pháp “kho mở”, chọn lựa một phần trưng bày một gian riêng rồi bán vé phụ thu cùng với vé chính tham quan bảo tàng.

THÁI LỘC
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ăn chay: bạn đang cứu thế giới!



SGTT.VN - Bạn là người ăn chay trường hay thường ăn vào những ngày rằm như tết Nguyên tiêu vừa qua? Nghe có vẻ “thánh thiện” tuy có hơi “âm lịch” so với phần nhân loại còn lại. Thế nhưng, có thể bạn không cổ hủ chút nào như nhiều người đang nghĩ, mà rất hiện đại, bởi bạn đang tham gia “cứu độ” thế giới…

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=193824
Tiệc chay thịnh soạn thua gì tiệc mặn. Ảnh: Hồng Thái



Miếng bíttết cuối cùng
Một ngày thu 1970, anh sinh viên Peter Singer ngồi trong phòng ăn rộng lớn của đại học Oxford và ăn một miếng bíttết. Ngồi bên cạnh anh, một sinh viên khác quyết liệt từ chối miếng bíttết. Tưởng miếng thịt không ngon, anh hỏi thì người bạn học bảo là anh không bao giờ ăn thịt. Sửng sốt tra hỏi bạn thì anh nhận ngay một câu hỏi ngược: “Hãy đưa ra một lý do tử tế về chuyện vì sao con người lại được phép ăn thịt thú vật?” Ăn nốt miếng bíttết còn lại, Peter Singer không biết rằng đó là miếng bíttết cuối cùng của đời mình.

Vốn là một người gốc Do Thái và có người thân bị giết hại trong trại tập trung của Đức quốc xã, Singer rất nhạy cảm với những đề tài như thế. Sau câu hỏi của bạn đồng môn, anh sinh viên khoa triết này bỏ hơn ba năm ròng để nghiền ngẫm đề tài “Con người nên hành xử với loài vật ra sao?” Năm 1975, anh cho ra đời một cuốn sách best-seller có tên Giải phóng loài vật (Animal Liberation).

Tư tưởng lớn gặp nhau
Lập luận để triết gia Singer tạo nên cả một phong trào bảo vệ động vật chính là việc đả phá thuyết “con người là trung tâm”. Với quan niệm con người là loài có lý trí, do vậy có giá trị, còn loài vật thì không, ông đặt ra câu hỏi: Liệu ta có thể cả quyết rằng cuộc sống thông minh có giá trị hơn cuộc sống ít thông minh, và trí thông minh vượt trội có phải là giấy phép vô điều kiện để con người muốn làm gì thì làm?

Trước Singer đã có nhiều bậc tiền bối lẫy lừng. Triết gia Bentham, từ thời cách mạng Pháp 1789, đã viết: “Sẽ đến một ngày mà các tạo vật đang sống sót được nhận những quyền lợi mà người ta vẫn bạo ngược tước đi của chúng. Một ngày nào đó ta sẽ nhận ra rằng số lượng chân và lớp lông trên da không phải là lý do chính đáng để ta bắt một sinh thể mẫn cảm chịu số phận như vậy. Nhưng đặc điểm nào khác có thể giúp vạch đường biên giới bất khả xâm phạm? Khả năng nói chăng? Nhưng một con ngựa trưởng thành hay một con chó biết thể hiện nhiều hơn một đứa trẻ… Câu hỏi không phải là chúng có biết tư duy hay chúng có biết nói không, mà là chúng có biết đau khổ không?”

Và nếu ngược dòng thời gian hơn 2.000 năm nữa, ta sẽ được diện kiến Đức Phật Thích Ca, một trong những người đầu tiên cảm nhận sâu sắc nỗi đau của chúng sinh khi bị giết hại…

Thay búa bằng… điện
Cũng như con người khi xử án đồng loại, việc “xử tử” bò, heo, cừu… đi từ búa tạ cho đến búa điện hay “ghế điện”. Chỉ có điều khác là con người khi bị xử tử thì thường là những kẻ có tội, còn heo bò thì chỉ có mỗi tội là sinh ra làm loài vật. Điều này cho thấy rằng loài người cũng đã cảm nhận sự đau đớn của loài vật khi bị giết thịt và họ muốn giảm thiểu mức độ đó cho chúng.

Có thể lập luận rằng việc giết hại gia súc, gia cầm là cần thiết để loài người sinh tồn. Thế nhưng đối với các loài “sơn hào hải vị” mà việc săn bắt chỉ để “ăn chơi cho biết” thì sao? Chỉ là một loài yếu ớt như “cây sậy” mà Pascal từng nhận định, thế nhưng bằng trí thông minh tai hại của mình, loài người đã săn bắt hầu như không chừa một loài động vật nào dù đó là loài bò, đi, chạy, nhảy, lặn lội hay bay lượn. Như dân nhậu thường nói: “Con gì nhúc nhích được thì ăn”.

Cho đến giờ, pháp luật bảo vệ động vật vẫn hoạt động yếu xìu. Được xem là có quyền lực nhất trên thế giới để bảo vệ giống loài là Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Tuy nhiên, tính kể từ khi CITES thành lập năm 1973 cho đến nay, con người cứ thản nhiên “ăn” mất một nửa số động thực vật có từ thời điểm đó!

Cây, con chết, người cũng chết…
Tốc độ diệt chủng muôn loài của con người không chỉ gói gọn trong việc “thịt” trực tiếp mà còn ở việc tàn phá những “ngôi nhà” của chúng. Hiện nay chỉ còn 2% diện tích rừng nhiệt đới che phủ, là nơi tập trung nhiều giống loài động thực vật “nhất quả đất”. Trong vòng chưa đầy 30 năm, rừng co hẹp quá nửa. Với tốc độ đốn gỗ như hiện nay, đến năm 2045, cây nhiệt đới cuối cùng sẽ bị chặt. Mỗi ngày có vài trăm loài thú tuyệt chủng, đa phần không có tên và chưa bao giờ được khoa học khám phá…

Không cần là nhà tiên tri hay một bác học uyên thâm thì con người cũng có thể biết đến chân lý đơn giản: “Cây chết, sau đó người chết”. Thế nhưng những nỗ lực bảo vệ môi trường của các nhà sinh thái học hiện nay chừng như không khác gì chàng “hiệp sĩ khùng” Don Quixote chống lại cối xay gió. Hầu hết các chính quyền trên thế giới đều lên tiếng mạnh mẽ về việc “bảo vệ môi trường” hay “phát triển bền vững”, kỳ thực đó chỉ là những trò mị dân.

Công bằng mà nói, cũng đã có những nỗ lực từ một vài quốc gia phát triển, như việc đưa môn luân lý học môi trường vào giảng dạy hay đòi mở rộng khái niệm “vật quyền” lên ngang bằng với khái niệm “nhân quyền”, thế nhưng đó cũng chỉ được xem là một thứ “phú quý sinh lễ nghĩa” chứ chưa phải chuyện thiết yếu sinh tồn.

Vậy thì bạn cứ hãy ăn chay để “cứu độ” chúng sinh đi, như con người của hơn 2.000 năm trước, nếu bạn có thể…

Đoàn Đạt
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chiếc nón và mảnh vườn



TTCT - Từ ngày tôi sang làm dâu tại Hà Lan, chiếc nón mẹ tặng được treo trang trọng ở phòng khách như một phần Việt Nam của tôi. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ dùng đến chiếc nón cho đến những ngày hè vừa qua tại Hà Lan.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/421/604421.jpg
Ảnh: Phạm Phương



Nắng rực rỡ và chói chang, nắng nóng làm cho tất cả mũ vải đều chịu thua, và tôi đã nhìn lên chiếc nón, vị cứu tinh của tôi!

Ở Việt Nam gần như tôi không bao giờ dùng nón lá, nếu có cũng chỉ là những lúc dùng nón để “trang trí”, để múa phụ họa cho các bạn hát bài Tà áo em vào ngày lễ hay liên hoan của trường.

Cho đến bây giờ tôi mới có thể cảm nhận được hết sự kỳ diệu của chiếc nón.

Ở một đất nước mà phương tiện di chuyển đi lại chủ yếu là xe đạp, nón là một vật dụng có thể nói là tiện lợi nhất. Tôi đạp xe băng băng, nhìn những người khác vất vả cầm ô đạp xe, hoặc những người mướt mồ hôi vì mũ nóng. Tôi vẫn được nón che nắng, và vẫn cảm nhận được những cơn gió dịu mát lùa qua mái tóc.

Và rồi tôi làm quen được với biết bao cô bác người Việt sống nơi khu tôi ở, tôi biết một số cô bác Việt Nam ở đây nhưng không biết hết; để rồi giờ đây với chiếc nón, thỉnh thoảng tôi lại nghe: chào cháu gái Việt Nam! Người Việt ở đây nhìn nhau vẫn có thể nghi ngờ người kia là người Trung Quốc hay Thái Lan, nhưng với chiếc nón, một “tín hiệu” chỉ rõ tôi đích thị là người Việt Nam.

Tôi có một khu vườn rau nhỏ cạnh nhà, đó là khu vực dành cho những người thích làm vườn, tôi mới đăng ký và được nhận. Tôi trồng đủ loại rau thơm Việt Nam. Với chiếc nón, tôi có thể ngồi cả buổi nhặt cỏ hay chăm sóc cây, còn các cô bác Hà Lan khác thì luôn phải dừng để nghỉ. Họ xin tôi được xem chiếc nón, họ ngắm nghía, sờ mó và bảo: Cứ tưởng nón lá là quà lưu niệm Việt, là một thứ trang sức của phụ nữ Việt với áo dài, hóa ra đó là một phát minh tuyệt vời của người Việt Nam!

Những lúc ngồi nghỉ uống cà phê, không có gió, mọi người kêu ca vì nắng nóng, thế là tôi tạo gió từ chiếc nón trên tay, mọi người nhìn tôi tròn xoe mắt: ơ, đó là cái quạt!

Những lúc được các cô bác cho cà chua hay các sản phẩm từ vườn của họ, không có túi mang theo, tôi chìa chiếc nón ra, mọi người thốt lên kinh ngạc: Nó là cái rổ à? Lại một tác dụng nữa ư?

Những lúc nắng quá nóng, cây con chết và cần gấp nước, tôi không có thời gian để đi lấy xô múc nước mà cầm nón lấy nước từ thùng phuy của khu vườn tưới luôn cho cây, chính tôi cũng ngạc nhiên: nón dùng để múc nước!

Cho đến tận bây giờ, khi mùa hè đã qua đi, những cơn mưa phùn mùa thu ào tới, không vấn đề gì, chiếc nón vẫn là người bạn thân với tôi khi đi làm vườn hay đạp xe đi chợ; che mưa, che nắng và vẫn vô tư trong trời nhiều gió ở Hà Lan. Tôi không bao giờ phải dừng lại lấy áo mưa hay ô, có chiếc nón là tôi yên tâm rồi.

Cả khu yêu quý chiếc nón của tôi, ai cũng xin mua nó, nhưng tôi có một cái thôi và sẽ không bán cho ai đâu. Tôi đã hứa với mọi người vào dịp tết này, về thăm nhà tôi sẽ tặng mỗi người một cái nón khi quay lại đây. Tôi tin chắc đó sẽ là một món quà giá trị và ý nghĩa vào dịp năm mới.

Còn chiếc nón của tôi, sau một mùa mưa nắng đã cũ hơn nhiều rồi, nhưng không bị rách hay hỏng và dùng vẫn tốt. Chiếc nón mà khi mua từ Làng Chuông - Hà Đông, mẹ đã chọn cái dày nhất, đủ bền cho con gái mang đi rất xa...

VŨ THỊ VÂN ANH (Houten, Hà Lan)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chợ Lớn không thể có bụi đời?



SGTT.VN - Việc các bộ phim bị yêu cầu cắt xén trước khi chiếu, thậm chí có phim làm tiền tỉ rồi bị cấm chiếu đều từng xảy ra ở Việt Nam, nhưng hiếm có đoàn phim nào dám công khai nội tình như Bụi đời Chợ Lớn.

Qua Facebook của đồng đạo diễn Bụi đời Chợ Lớn Johnny Trí Nguyễn, có thông tin cục Điện ảnh đã yêu cầu nhà sản xuất là công ty Thiên Ngân và Chánh Phương phải sửa chữa toàn thể bộ phim và trình để thẩm định lại. Johnny trích ý kiến từ cục: “Vì bộ phim chứa đựng yếu tố bạo lực, không phản ánh đúng hiện thực xã hội Việt Nam nên bộ phim không thể phổ biến được”. Anh bình luận: “Vậy nên sửa Bụi đời Chợ Lớn thành thể loại phim tài liệu ư? Vậy thì nếu muốn làm phim về siêu nhân thì phải có siêu nhân thật ở Việt Nam thì mới đúng hiện thực xã hội”.

Bụi đời Chợ Lớn được đầu tư công phu, đánh dấu sự trở lại của cặp đôi hành động, anh em Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn kể từ Dòng máu anh hùng. Theo kế hoạch phim sẽ ra rạp vào ngày 19.4, nhưng với kết quả kiểm duyệt này, hiện lịch phim chưa được xác định.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=196098
Một cảnh quay trong phim Bụi đời chợ Lớn.



Nói về tính bạo lực trong phim, đạo diễn Charlie Nguyễn phát biểu: “Tôi nghĩ không có một bộ phim hành động nào mà không mang tính bạo lực cả. Khán giả là fan của thể loại hành động đòi hỏi rất cao vì họ đã xem quá nhiều phim hành động. Vì vậy khi thực hiện Bụi đời Chợ Lớn, chúng tôi phải động não rất nhiều để mang đến cho các fan phim hành động một tác phẩm xứng đáng với thể loại của nó”.

Với kiểu lý luận “không phản ánh đúng hiện thực xã hội Việt Nam”, hội đồng duyệt phim từng khiến bản chiếu chính thức của Bi, đừng sợ bị cắt nhiều cảnh quan trọng so với bản đoạt giải quốc tế; phim Bẫy cấp ba – sản phẩm của những nhà làm phim Việt kiều phải nằm trong kho dù mức đầu tư tính bằng tiền tỉ. Rõ ràng lối tư duy nghệ thuật bê nguyên xi cuộc sống, cách nhanh nhất để giết chết nghệ thuật sáng tạo, vẫn được sử dụng một cách bền bỉ tại Việt Nam. Người làm phim đều biết nhưng hiếm ai dám la to. Không chỉ Bụi đời Chợ Lớn, một phim hành động khác cũng đang gặp những khó khăn tương tự nhưng không dám lên tiếng. Và như Johnny Trí Nguyễn chia sẻ trên Facebook, nhà sản xuất phim đã yêu cầu anh cắt bớt các bình luận trên mạng để tránh làm phiền lòng hội đồng duyệt.

Đạo diễn Phan Xi Nê có chia sẻ câu chuyện thể hiện sự đồng lòng của người làm phim Hàn Quốc là vào năm 2006, khi chính phủ quyết định tăng quota phim nhập khẩu, người làm phim đã mặc đồ tang xuống đường để phản đối. Chính phủ phải thay đổi quyết định và điện ảnh Hàn Quốc phát triển mạnh từ đó.

Sự đồng lòng giữa nhà làm phim, sự mạnh mẽ bảo vệ cái đúng, lúc này xem ra rất cần thiết. Bởi nhà làm phim đang được khán giả ủng hộ. Hàng ngàn lượt like trên các trang mạng ủng hộ cho Bụi đời Chợ Lớn được công chiếu đã thể hiện điều đó.

Trâm Anh
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Kiểm duyệt: sự hàm hồ của phê bình



Kiểm duyệt là hành vi cấm chỉ một tác phẩm thường được thực hiện bởi nhà cầm quyền, căn cứ trên một đánh giá về ý nghĩa của nó là tiêu cực hay tích cực.

http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2013/04/16/130416070244_1_304x171_bbc_nocredit.jpg
"Bụi Đời Chợ Lớn" đã gây nhiều tranh cãi vì vấn đề kiểm duyệt



Căn cứ này có hai hạn chế cố hữu:

(1) ý nghĩa của tác phẩm phụ thuộc cảm quan riêng của người thưởng thức tác phẩm đó, chẳng hạn, bạo lực trong phim ảnh– có thể kích động tính ác của một người, do đó là tiêu cực, song đồng thời có thể khiến người khác có cảm giác ghê tởm và tránh xa tội ác, bởi vậy là tích cực. Kiểm duyệt, do đó, đồng nhất hóa nhận định, tước bỏ quyền cảm nhận riêng tư của cá nhân – một hình thức bao cấp tư duy của các thể chế phi tự do.

(2) ngay cả khi tất cả những người thưởng thức đồng ý với nhau về một nhận định nào đó đối với tác phẩm, (chẳng hạn, ‘tác phẩm này tiêu cực’) thì không nhất thiết nhận định này phù hợp với điều mà tác giả muốn gửi gắm. Đó là sự hàm hồ của mọi phê bình. Căn cứ trên nhận định chung này để tước bỏ quyền lưu hành tác phẩm là sự áp chế của số đông đối với cá nhân người nghệ sĩ.

Tồn tại một cách phi lý, kiểm duyệt còn giết chết nền nghệ thuật đến hai lần.

Lần thứ nhất là đối với tác giả có tác phẩm bị kiểm duyệt; nó làm thui chột niềm cảm hứng sáng tạo của họ, trong nhiều trường hợp còn dẫn họ đến chán nản và bất mãn.

Lần thứ hai là đối với các tác giả chuẩn bị sáng tác; nó khiến họ luôn ‘sống trong sợ hãi’, mỗi lần sáng tạo lại một lần băn khoăn liệu tác phẩm của mình có bị kiểm duyệt hay không. Kẻ sát nhân này “tròn vo hóa” nghệ sỹ - những người được đòi hỏi phải gai góc, “bình thường hóa” một môi trường luôn cần sự khác biệt.

Kết quả là, sự tầm thường sẽ lên ngôi. Và nghệ thuật, sẽ biến mất.

Kiểm duyệt không ảnh hưởng?
Tuy vậy, có những quan điểm phủ nhận sự ảnh hưởng của kiểm duyệt, hay rộng hơn là môi trường sáng tác đối với chất lượng nền nghệ thuật.

Thiên Lương, trong bài viết “Đừng đổ lỗi chính quyền, đừng tấn công cá nhân, đừng lờ đi là mình ngu dốt”, lập luận: “Nếu Việt Nam chưa có tác phẩm nào ra hồn; thì đó hoàn toàn không phải do lỗi của chính quyền. Từ 4000 năm trước cho đến gần đây, liệu cha ông chúng ta có tác phẩm nào ra hồn không?”

Lập luận này dựa trên giả định rằng cha ông ta đã từng được sống trong môi trường tự do. Nhưng liệu điều này có đúng không?

Kiểm duyệt là một trong những phương cách cai trị phổ biến của các thể chế phi tự do, gồm cả các chế độ quân chủ.

Khó có thể nói cha ông ta đã từng được nếm dư vị của tự do, khi mà Dư địa chí bị triều Lê Nhân Tông tiêu hủy và Tự Đức thì từng thiêu đốt các tác phẩm của Cao Bá Quát.

Nếu có gì đó khác biệt giữa chúng ta với cha ông thì đó là họ đã bị kiểm duyệt một cách khắc nghiệt đến mức tự-kiểm duyệt, bằng giáo điều ‘trung quân’ của Nho giáo và sự răn đe của các hình phạt dã man hơn thời chúng ta đang sống rất nhiều.

Nhìn về quá khứ, giai đoạn nào văn nghệ nước ta đạt nhiều thành tựu nhất? Có phải là giai đoạn Pháp thuộc 1930-1945 và dưới thời Việt Nam Cộng hòa? Hai giai đoạn này, công bằng mà xét, có phải là tự do nhất trong lịch sử nước nhà hay không?

Hỏi cũng chính là trả lời vậy.

Kiểm duyệt – hệ quả của chủ nghĩa gia trưởng
Trong vụ việc “Bụi đời chợ Lớn”, đã có nhiều tranh cãi xoay quanh việc nhận định ý nghĩa của tác phẩm này, là nhân văn hay phản nhân văn.

Đây là một việc làm vô nghĩa, vì như đã nói, nhận định như thế nào thuộc về cảm quan riêng của mỗi người.

Những vị trong Hội đồng Duyệt phim – những người cho rằng phim này phản nhân văn, có quyền bộc lộ thái độ của mình giản đơn bằng cách không đi xem và thuyết phục người thân quen hành động giống họ.

Trong khi những người nhìn thấy được tính nhân văn của bộ phim sẽ hành động ngược lại, xem và giới thiệu cho nhiều người cùng xem. Đó là cách hành xử thông thường giữa những người trưởng thành với nhau – điều có thể diễn đạt nôm na là: Không ai có quyền cao hơn ai trong việc được hay không được xem một thứ gì đó.

Đến đây, câu hỏi đặt ra là: Hà cớ gì tồn tại Hội đồng Duyệt phim như ở nước ta?

Hóa ra, chúng ta không được coi như những cá nhân trưởng thành, do đó, chỉ được quyền xem những gì mà những người tự coi là trường thành và thông thái hơn – Hội đồng Duyệt phim – cho phép.

Trong trường hợp này, nhà nước, thông qua Hội đồng Duyệt phim, đang đóng vai “phụ mẫu” với những con dân của mình.

Chủ nghĩa gia trưởng là thứ đang thống trị chúng ta. Bởi thế, thay vì tranh cãi với Hội đồng Duyệt phim, chúng ta hãy tranh cãi về sự tồn tại của chính nó, trong xã hội của những người trưởng thành.

Nên làm gì với chế độ kiểm duyệt?
Vụ việc “Bụi đời chợ Lớn” phản ánh tương quan quá thiên lệch giữa nhà nước và lực lượng dân sự.

Trong khi nhà nước, ở đây là Hội đồng Duyệt phim, nắm ‘toàn quyền sinh sát’ với mọi tác phẩm điện ảnh thì những người làm phim chỉ có thể phản ứng yếu ớt qua các đoạn phỏng vấn trên báo chí hoặc than vãn trên mạng xã hội.

Quyền lực gần như tuyệt đối này của Hội đồng với giới làm phim, tiềm ẩn nguy cơ lớn về sự lạm quyền của họ.

Vậy, cần làm gì để tạo ra trạng thái cân bằng cần thiết giữa Hội đồng và giới làm phim trong trường hợp này?

Luật Điện ảnh cho phép các nhà làm phim được quyền khiếu nại về quyết định của Hội đồng Duyệt phim nếu cảm thấy không vừa lòng. Nhưng, ở Việt Nam, có lẽ người lạc quan nhất cũng không tin rằng cấp trên của Hội đồng này sẽ đồng tình với nhà làm phim mà bác bỏ quyết định của Hội đồng; cũng như thật khó để thuyết phục ngay cả người thiện tâm nhất rằng Hội đồng sau đó sẽ không ác cảm với nhà làm phim đã “dám” khiếu nại mình.

Trong những trường hợp thế này, chúng ta thấy khó khăn của sự thiếu vắng tinh thần hội đoàn.

Một cuộc ‘treo máy’ của Hội các đạo diễn Việt Nam, một cuộc “treo bút” của Hội các nhà biên kịch Việt Nam, một cuộc biểu tình phản đối của những người yêu phim Việt trước trụ sở của Cục Điện ảnh không chắc sẽ đưa đến giải pháp rốt ráo là giải tán Hội đồng Duyệt phim, nhưng ít nhiều sẽ khiến nó bớt quyết đoán hơn trong mỗi quyết định ‘cắt, hủy’ của mình.

Hôm nay là Charlie Nguyễn với “Bụi đời chợ Lớn”, ngày mai sẽ là ai?

Nguyễn Anh Tuấn  (Hà Nội)


Ghi chú của tác giả: Bài viết bàn về chế độ kiểm duyệt ở Việt Nam, nơi mà Hội đồng Duyệt Phim Quốc gia có quyền cấm phổ biến một tác phẩm đến với mọi thành phần công chúng, chứ không đơn thuần phân loại phim theo độ tuổi như thông lệ ở nhiều quốc gia.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thiếu thầy, thiếu cả người nghe ca trù



TT - Những hàng ghế vắng người, những lời than lớp ca nương trẻ hát sai nhiều quá khiến sân khấu lộng lẫy của Liên hoan ca trù trở nên lạc lõng.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/57/526057.jpg
Ca nương nhí Thu Hà (9 tuổi) đoạt giải triển vọng tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 - Ảnh: Hà Hương



Nghe ca trù tại liên hoan cho người ta cảm giác: sau ba năm trở thành di sản, dường như ca trù vẫn giẫm chân tại chỗ trong nỗ lực tìm lại hào quang của chính mình.

“Chất lượng so với liên hoan mấy năm về trước cũng chẳng có gì thay đổi. Có người chất giọng tốt đấy nhưng hát không ra khuôn khổ của ca trù. Khuôn khổ không phải cái tự nhiên mà có, phải học, phải mài giũa mới nên. Âu cũng chỉ là đi thi để... rút kinh nghiệm thôi”, nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc thở dài nói vậy. Nỗi niềm của người nghệ nhân ca trù già cứ đeo đẳng theo bà suốt những ngày liên hoan. Bà bảo nghề này quý lắm, phải giữ lại cho con cháu nhưng “nhìn bọn trẻ hát ca trù lại lo”. “Người ta còn mải bươn chải kiếm tiền đâu có nhiều thời gian cho ca trù, thành ra cứ gọi là ca nương chứ chỉ biết mấy bài đơn giản, thầy thợ thì chẳng có, chỉ học trên băng đĩa thôi”.

Nỗi lo của bà Chúc cũng dễ nhìn thấy khi hàng loạt ca nương kép đàn tham gia liên hoan đều “nhảy” từ quan họ hay chèo sang. Một ca nương sau buổi thi tất tả thay quần áo chạy xe máy từ Hà Nội xuống tận Hải Dương vì lý do “đã nhận lời ở một buổi biểu diễn chèo, vì mình là diễn viên chèo trong đoàn nghệ thuật của tỉnh”. Thành ra trên sân khấu ca trù thi thoảng lại xuất hiện những vạt áo mớ ba mớ bảy, tóc vấn cao và ca nương thì hát ca trù mà người nghe cứ thấy na ná như... chèo.

Cần mẫn hơn rất nhiều người khác, ba ngày liên hoan, bất kể chiều tối, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ vẫn có mặt dưới hàng ghế khán giả. Nghe nhiều là thế nhưng khi được hỏi, người nghệ nhân già cũng cười buồn: “Bây giờ đi hát, không gian đẹp thế này, quần áo đẹp đẽ thế này, đáng ra phải hát hay hơn mới đúng, đằng này lại dở quá”.

Cái khó của ca trù theo trần tình của những người trong cuộc là thiếu thầy truyền dạy. Nếu như hơn 20 năm trước, thuở ca nương Bạch Vân bắt đầu theo ca trù, vẫn có thể tìm đến nhà nghệ nhân Quách Thị Hồ, NSƯT Kim Đức, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc... xin học thì bây giờ rất khó tìm thầy truyền dạy trực tiếp. Chính nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cũng thừa nhận: cái khó nhất của ca trù là người dạy.

Ngày xưa chỉ học ca trù theo lối chân truyền, nhưng bây giờ còn mấy nghệ nhân để mà truyền dạy? Ca nương Trần Thị Cảnh (CLB ca trù Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết: “Các nghệ nhân phần lớn tuổi đã ngoài 80, sức khỏe yếu nên thời gian dạy trực tiếp cho ca nương trẻ cũng rất ít. Chúng tôi phải bổ sung các buổi học do ca nương lớp trước hướng dẫn, học qua băng đĩa và các ghi chép của các cụ”.

Một nghệ nhân ca trù ở Hà Nội than rằng tìm thầy dạy đã khó, tìm người nghe còn khó hơn. “Một canh hát ca trù quanh đi quẩn lại chỉ một vài người quen và một số khách Tây đến vì tò mò”, nghệ nhân này nói. Xem qua liên hoan ca trù toàn quốc cũng đủ thấy ca trù dường như vẫn là chuyện “trong nhà hát cho nhau nghe”.

Để duy trì sự sống cho ca trù, theo GS Tô Ngọc Thanh - chủ tịch Hội Văn hóa văn nghệ dân gian VN, chúng ta cần phải có một quỹ đào tạo riêng và muốn có người nghe ca trù thì trước hết phải làm cho họ hiểu ca trù thế nào. “Chúng tôi đang đề xuất Đài truyền hình VN nên dành một thời lượng nhất định để các nhà nghiên cứu có thể nói về nhịp phách, về cách “đổ hột” của đào nương”, ông nói.

HÀ HƯƠNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giật mình! người Việt không đọc nổi 1 cuốn sách/năm



Con số chính thức vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đưa ra sáng 12/4 khiến báo giới phải "choáng váng".

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2013/04/12/15/20130412150728-img-7176.jpg
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái (giữa) và bà Nguyễn Thị Thanh Mai



Người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/năm
Chuẩn bị cho Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc 2013 mang tên "Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời", Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã có một bài phát biểu đầy nhiệt huyết về tầm quan trọng của sách trong định hướng mới của Bộ. Đặc biệt, ngoài những công bố về hoạt động trong Ngày hội Sách 20/4, tình hình thống kê, khảo cứu về năng lực tri thức trong cộng đồng cũng được đề ra.

Chất vấn của phóng viên VietNamNet cho rằng, số liệu thống kê về tri thức, sách báo từ các nguồn chính thống như Tổng Cục thống kê là hiếm hoi và chưa chi tiết, cần sự quan tâm nhiều hơn trong thời gian sắp tới. Nhân đó, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Thư Viện cũng chia sẻ về kết quả một cuộc thống kê gần đây của của Bộ VHTTDL. Bà nói: "So với các nước trong khu vực, tỉ lệ đọc sách của người Việt Nam khá thấp".

Theo thống kê hàng năm dựa trên báo cáo của các thư viện gửi về Bộ, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn.

"Nông dân đọc 0 cuốn sách/năm"
Ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng dự án Sách hóa nông thôn cho biết về một cuộc khảo sát cá nhân khác: "Năm 2011 tôi khảo sát 530 phiếu phỏng vấn, trong đó 253 phiếu dành cho nông dân thì câu trả lời về số lượng sách đọc là 0. Với trẻ em, số liệu chênh lệch đọc với thị trấn đến mức tệ hại. Ở các trường vùng thuần nông, các em đọc 0,2-0,8  cuốn/năm (ngoài SGK), ở thị trấn, con số này là 5 cuốn/năm".

Ông Trần Trọng Thành, Chủ tịch HĐQT công ty sách điện tử Alezza chia sẻ "Tại Malaysia cách đây 10 năm, mỗi người dân đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; nhưng vào năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10-20 đầu sách/năm. Tức là gấp gần 10 lần. Và vẫn đang tiếp tục tăng rất nhanh". Ông Thành cũng tỏ ra tin tưởng khi sách được số hóa nhiều hơn, Việt Nam sẽ chỉ mất 5 năm để đạt được mốc này.

Chống sách lậu tiếp tục là đề tài nóng bỏng mà những người làm sách mong muốn được hỗ trợ về mặt pháp lý hoặc kinh phí từ Nhà nước, nhân Ngày hội Sách lần thứ 3.

Diễn ra vào ngày 20/4/2013 tại Văn Miếu Quốc tử giám, Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc năm nay cũng có một số hoạt động mang tính đột phá và gây được sự chú ý như: Giao lưu vói nhóm Cánh buồm (sách giáo dục hiện đại), giao lưu với dịch giả/tác giả Bích Lan - người đã chuyển ngữ và truyền cảm hứng từ cuộc sống của người không tay chân vĩ đại Nick Vujicic (tác phẩm "Cuộc sống không giới hạn", "Đừng từ bỏ khát vọng"), quyên góp và đổi sách điện tử lấy sách in để tặng cho các thư viện, tủ sách ở nông thôn, bán sách giá ưu đãi.

Các hoạt động hỗ trợ cộng đồng về đọc sách và chia sẻ sách cũng sẽ diễn ra tại các tỉnh thành trên cả nước.

Hồ Hương Giang  (Vietnam.net)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ước gì cháu học sách ông



SGTT.VN - Càng cắm đầu vào sách vở trẻ càng dễ trở nên tự kỷ, thụ động và có khi dẫn đến những kết cục bi thảm như phát điên hay tự tử vì không thi đậu một môn nào đó. Sự việc một nhóm học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) xé giấy rải trắng một góc sân trường để thể hiện niềm vui khi nghe tin không thi môn lịch sử (SGTT ngày 10.4), càng cho thấy cách dạy và học hiện nay ở nước ta là vô cùng đáng báo động.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=196328




Nay: nhồi chữ vào ấu thơ
Một nền kinh tế tri thức (theo định hướng) nhưng hỏng từ phần giáo dục, sẽ dẫn đến những thế hệ thảm bại – điều này không cần phải tranh luận. Nhiều năm gần đây, các phụ huynh than phiền con họ học tối tăm mặt mũi, thê thảm nhất là cấp 3 với hàng chục tờ bài tập cô cho về nhà làm đến 1 giờ sáng hôm sau mới xong. Tiểu học cũng đâu có thua kém. Nhà văn Trầm Hương kể lại, hồi con trai chị học lớp 5, một buổi chị lên tầng 2 để thăm con ngủ thì thấy con cắm đầu vào bàn, ngủ gà gật. Chị vỗ vai đánh thức con dậy hỏi sao không vào giường ngủ, thằng bé trả lời “con còn mấy bài tập toán chưa giải xong”. Chị giận quá gọi điện cho thầy giáo nói: “Anh đừng trách tôi vì sao giờ này gọi anh, hãy nghe tôi hỏi anh câu này: vì sao giờ này anh được ngủ mà con tôi phải thức giải bài tập toán?”

Vì sao? Ai sẽ trả lời câu hỏi này một cách rốt ráo cho những bà mẹ, ông bố ngày đêm mong mỏi con mình được có một tuổi thơ hồn nhiên và trong lành? Sáng dậy 5 giờ để chuẩn bị đi học, tối làm bài tập đến nửa đêm, nhiều đứa trẻ mặt mày đờ đẫn, hở ra là ngáp vặt, giờ ngủ còn không có nói gì giờ chơi.

Chưa hết, trẻ vào lớp 1 bây giờ nếu chưa biết đọc (chưa đi học làm sao biết) đã bị coi là... chậm tiến, và vì thế có thể dẫn đến tự kỷ do tâm lý thua kém bạn bè.

Xưa: khai tâm bằng chữ lễ  
Phương pháp sư phạm tối ưu ngày trước là: “Tiên học lễ, hậu học văn” (ngày nay, học sinh đã tự đổi thành “Tiên học dốt, hậu học thêm”). Vậy “Tiên học lễ” là thế nào? Những thế hệ trước nói họ không bao giờ quên được những bài học vỡ lòng từ Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư – hai quyển “kinh điển” khai tâm của nhóm Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận.

Sách này dạy gì vậy? Hãy xem một bài học trong Quốc văn giáo khoa thư, lớp đồng ấu, bài số 10 – Ăn uống có lễ phép: “Đến bữa ăn, tôi thấy cha mẹ, anh chị ngồi đông đủ cả rồi, tôi mới ngồi. Trước khi ăn, tôi mời cha mẹ, anh chị rồi tôi mới ăn. Lúc ăn tôi không nhai nhồm nhoàm, không khua bát, và không đánh rơi, đánh vãi. Cha mẹ cho món gì, tôi ăn món ấy. Không bao giờ tôi dám đòi ăn thứ nọ, thứ kia, hoặc chê ít, chê nhiều. Khi ăn xong, bao giờ tôi cũng nói “xin vô phép” cha mẹ và anh chị, rồi tôi mới đứng dậy”.

Theo bạn, bài học “lễ” thế này có cần thiết không, khi mà giờ đây nhiều đứa trẻ muốn ăn gì thì ăn, thậm chí còn lấy đũa khua khoắng thức ăn để tìm thứ ngon ăn trước, ăn xong chẳng nói chẳng rằng cứ thế bỏ đi chơi game?

Một bài nữa trong Luân lý giáo khoa thư, lớp sơ đẳng, bài Lòng nhân ái: “Các anh đã hiểu rõ những lẽ công bằng, tức là phải trọng tính mệnh, của cải, danh giá của người ta. Nhưng đó chỉ là giữ không làm điều ác mà thôi. Như thế vẫn chưa đủ bổn phận làm người. Phải có lòng nhân ái nữa mới được.

Nhân ái là lòng từ thiện, thương người đói khát, giúp người hoạn nạn. Có lòng nhân ái thì mới làm những việc như bố thí, cứu giúp kẻ nghèo khó, mới biết thân yêu mọi người và quên mình mà làm điều thiện”.

Ngoài những bài học được nêu là những tiểu dẫn, những câu chuyện được kể làm ví dụ. Sau đó là những câu hỏi để học sinh trả lời và cuối cùng là dạy các em thuộc lòng những câu cách ngôn để các em dễ nhớ bài học của mình.

Lời giới thiệu in trong sách nói rõ: “... Vấn đề luân lý, đạo đức và công dân giáo dục không chỉ là một tiết học mà là một nội dung lớn xuyên suốt quá trình phát triển trí óc và tâm hồn trẻ thơ... Với định hướng đó, nhóm soạn giả đã dạy cho lớp thiếu niên nhi đồng những bài học đầu tiên thật ngắn gọn, dễ nhớ và đáng nhớ suốt cả đời người”. Cả hai tập sách đều là những bài học dễ hiểu, dễ thuộc, giúp trẻ có những nhận thức sơ đẳng về đời sống con người. Thay cho những bài học mang tính lý thuyết và rất mơ hồ, đó là những bài học rất thú vị để trả lời câu hỏi đơn giản như “vì sao ta phải yêu thú vật” (dạy biết ơn chúng vì không chỉ những con vật giữ nhà, bắt chuột như chó mèo mà ngay cả con gà, con heo đã “xả thân” biến thành thức ăn nuôi dưỡng con người), đến những bài học về bổn phận đối với xã hội, công bình và nhân ái...

Người lớn nên trả lại cho trẻ em tuổi thơ hồn nhiên, vô tư, được khám phá cuộc sống qua những trò chơi thay vì những bài học cứng nhắc, vô hồn của một lối giáo dục giáo điều, lạnh lùng, vô cảm.

Ngân Hà
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Canh chua “mất đe”



TT - Canh chua là món không thể thiếu trong bữa ăn mùa hè. Với người Huế, canh chua me đất không chỉ là món ăn mà còn gắn liền với tình cảm thân thuộc, gia đình, hàng xóm, làng quê...  

Hầu như ai lớn lên ở Huế đều biết câu đố về cây me đất: Xăm xăm cầm búa tìm quanh/Thợ rèn, thợ bạc thảy đành ngồi chơi (chú giải: me đất - nói lái từ mất đe).

Canh chua me đất vừa thông dụng vừa hợp khẩu vị của dân kinh kỳ. Vị chua của me đất thanh tao, không quá gắt lại thêm cái mùi đặc biệt do nhiều chất hữu cơ phối hợp lại nên me đất có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ cư dân địa phương mà cho cả những ai từng dùng loại canh chua này, nghe đâu ngày xưa vua quan cũng thỉnh thoảng dùng.

Người Huế thường nấu canh me đất với những loại cá tôm nhỏ, vụn vặt như cá mờm, cá cơm trắng, cá bống thệ, cá nhét nhỏ, hến... và đặc biệt là nấu với con tép biển (ruốc), tên địa phương là con khuyết.

Me đất còn có tên chua me đất, chua me hoa vàng hay chua me ba chìa, tên khoa học là Oxalis corniculata L. hay Oxalis repens Thunb., thuộc họ Oxalidaceae (chua me) như cây khế. Họ chua me còn có nhiều loại me đất ăn được khác như me đất hường, me đất đỏ... Me đất là loài rau thân thảo mỏng manh, thường mọc tự nhiên ở các vùng đất ẩm thấp trong góc vườn, ven bờ mương, ao ruộng, dưới gốc cây, trong các chậu cảnh...

Nhờ có vị chua do thân và lá chứa một số axit hữu cơ... nên món canh me đất chính là một thực phẩm giải nhiệt rất tốt. Ngoài ra me đất có chứa các chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lão hóa tế bào. Trong me đất còn có phylloquinon tức là vitamin K (thường do vi khuẩn trong ruột tổng hợp) cùng nhiều loại flavonoid... giúp bền vững các mạch máu, cơ thể. Vì có chứa vitamin C cùng các flavonoid này, ở Ấn Độ và Philippines người ta dùng me đất để chữa bệnh hoại huyết (scorbut), bệnh ngày trước hay gặp ở thủy thủ tàu viễn dương các nước này do họ phải dùng thức ăn quá thiếu rau xanh. Hỗn hợp có oxalic acid cũng có tác dụng khử diệt vi trùng...

Theo đông y, me đất có tính toan (chua), vị hàn (lạnh) nên thường được dùng làm thuốc bù nước (chống khát), thanh nhiệt (mát máu), giải độc, thông tiểu tiện. Me đất có thể dùng trong các bệnh cảm ho, viêm gan mật, viêm ruột, viêm tiết niệu, xích bạch đới, điều kinh, giảm huyết áp... Người ta có thể dùng nước chiết me đất tươi như nước rau má để giải khát, chữa táo bón, nứt hậu môn... Cũng có tài liệu cho thấy nước chiết me đất có tác dụng giảm đường huyết và hạ huyết áp.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/47/630047.jpg
Hái me đất - Ảnh: Trần Bá Thoại




Cách nấu canh chua me đất

Xin giới thiệu hai công thức nấu canh me đất do một đầu bếp người Huế, cô Hoàng Thị Kim Cúc hướng dẫn.

Canh me đất nấu cá cơm: cá cơm rửa sạch, xé đôi con cá, lấy tay tước xương và đầu vứt đi, rửa lại nước muối cho cá cứng, vớt ra, dầm cá vào hành giã nhỏ, tiêu, nước mắm, ớt trộn lại để đó. Nấu nửa xoong nước sôi, đổ cá vào nấu, nếu có thêm tôm xào càng ngon. Sôi vài lần cá chín, nhắc xuống, bỏ me đất đã lặt rửa sạch vô, trộn me cho chín đều, thêm hành ngò xắt nhỏ.

Canh me đất nấu khuyết (tép, ruốc): đổ mỡ vô quánh để nóng, bỏ hành giã nhỏ xào chín, cho khuyết, ớt, tiêu, muối, nước mắm vào xào. Khuyết thấm, đổ thêm một bát nước sôi, nếm vừa, nhắc xuống, bỏ me đất đã lặt rửa sạch vô, trộn me cho chín đều.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đại đồng



Khi tôi đến, “câu lạc bộ” Cây si đang vào tuần thứ ba, không khí có vẻ vẻ trầm lặng. Trên đầu cả nhóm, những chùm rễ si lưa thưa đang ngả sang trăng trắng đung đưa rất khẽ. Lạ nhỉ, có nhẽ nào trời ẩm ướt sắp đổ mưa lại là cái lý để dân nhậu phải lặng lẽ.

        - Barca bị Chelsea hạ rồi. Ba - một! - Một người giải thích cho sự ngơ ngác của tôi.

        - Dù sao còn trận lượt về kia mà - Người khác lên tiếng - Bóng đá tấn công là thế. Thua thì thua vẫn quyến rũ.

        - Nào, thì ta uống mừng bóng đá tấn công!

        Người thứ ba “tổng kết”. Cả bọn ngửa cổ cạn nỗi đắng cay của Barca, một tuần nữa cho hi vọng ở trận lượt về. Nhất trí trăm phần trăm.

        Ở bãi bia , người ta luôn chuộng phong cách tấn công. Sự lãng mạn tuyệt vời hun đúc những người đàn ông, đoàn kết họ lại trong tinh thần đại đồng ghê gớm. Khéo nay mai có bóng đá chuyên nghiệp, các câu lạc bộ cổ động viên tuyển người trước hết phải sở cậy vào bãi bia. Rồi cũng đến lúc có những “bãi Thể Công”, “bãi Đường sắt” như cái quán bar nổi tiếng của đội Olimpic Marseille tít bên trời Tây kia chứ...


        Tôi con nhà gia giáo, lần đầu uống bia là khi Hinh đến tìm. Hinh không hề quen tôi, nhưng thằng bạn thân của tôi đang cưa người yêu hắn. Dù vậy, “vấn đề” được nhất trí nhanh chóng sau khi tôi với Hinh đánh đổ một lũ bia chai Hà Nội. Hai mươi hai tuổi mới uống bia so với bây giờ là quá lạc hậu, so với những cô cậu sành điệu phải là hủ bại rồi. Nhưng sau trận ấy  tôi tỉnh ra hai điều hệ trọng. Một, là bia giúp người ta can trường hẳn, quyết định những việc tày trời rất dễ. Hai, là tôi uống được, không đến nỗi ba say chưa chai.

        Cái thuở chập chững uống ấy, sự bia bọt vừa giản tiện vừa cách rách vô cùng. Đang chiến tranh, ai có tiền mà thả dàn được, có thì cũng nhìn nhau dàn hàng ngang cùng tiến kẻo mang tiếng “hưởng lạc”, “cá nhân”. Bia hơi mậu dịch xếp hàng cắn xèng cả dây dài chục mét, người nọ nối người kia mặt mũi nghiêm trọng không thể tưởng, bao nhiêu công lực vận hết vào cánh tay giữ xèng mà chỉ được mỗi. Dăm đồng gì đó, một vại đủ nửa lít kèm bát bầu dục chần hay đĩa nộm từ thứ tư tuần trước. Mặt mậu dịch khinh khỉnh. Mồ hôi chảy tới đâu biết tới đó, thoát khỏi hàng người, tay bê đĩa, tay khư khư vại Dân Chủ bọt thủy tinh nhiều hơn bọt bia chen ra đến chỗ ngồi là đã hả hê, ngất ngưởng hơn cụ Nguyễn Công Trứ rồi. “Hạnh phúc quá đơn sơ...”, lẽ ra người ta phải sáng tác bài hát ấy từ thuở ấy mới phải chứ. Thế nên khi Thứ, một phiên dịch tiếng Nga - nghĩa là ăn lương “Tây” - bê cả két Hà Nội từ trong kho ra thì cả bọn đờ ra vì cảm động. Thứ ngồi đó phân phát những mắng mỏ, chế giễu mà không ai dám hó hé. Chiều ấy trong quán phở bia Mỹ Kinh, Thứ là ông vua, bạn bè bỗng thành thần dân, cả bàn là một đẳng cấp siêu việt, cảm hứng thăng hoa tới vô cùng.

        Hết chiến tranh, xã hội bước vào thời kỳ bình trị, phát triển theo chiều tăng tiến. Các vận động đưa nữ quyền lên ngôi làm dấy lên nhu cầu giải phóng đàn ông. Không biết có phải vì thế mà sự nghiệp bia bọt phát triển mạnh. Quãng đầu những năm tám mươi, đĩa mỳ xào thịt trâu đã được quyền kèm vại bia vàng óng sủi bọt đứ đừ. Đến giờ thì nhà nhà uống bia, tỉnh tỉnh làm bia xuất khẩu sang nhau. Những HUDA, THADA, VIDA, HALIDA mọc lên như nấm sau mưa. Ấn tượng về đất nước Đan Mạch chuyển từ Andersen sang công nghệ liên kết cho ra thứ cảm hứng tuyệt vời nhất. Lon, chai được nhâm nhi trong phòng lạnh bên các nhân tình nhân bánh chung tình theo giờ, càng tiêu tiền “chùa” càng bôm bốp bật khỏe. Nhiều em ca -ve học được bản lĩnh cứ nhắm mắt nín thở zdô , xong lại vào  toa lét móc họng, hàng giờ thế đi đứng vẫn tỉnh queo. Trong cơn có men có tình  vầy vậy, khách chịu chi tới tiền triệu lắm. Dân chơi ra gì mà!

        Nhưng đa phần đám sành sỏi, không nhiều tiền lắm và cũng không màng tiếng chịu chơi đều thích bia hơi hơn. Nhất là ở Hà Nội, nghe nói nhà máy bia có mỏ nước chứa vi lượng gì gì sản xuất được bia hơi “ngon nhất thế giới”. Chai lọ lon hộp liên kết với Đan Mạch đan miếc cũng không thể bằng bom vại. Và bia hơi phải uống ở bãi mới hả. Chứ dưới một mái nhà hầm hập, nói cứ phải hét lên, ới khản cổ phục vụ bàn mới thủng thì dù mồi đậm thế nào cũng dở mồm. Lãng phí phạm, bằng đem bia đi đổ lỗ dế.

        Thử tưởng xem, xung quanh là bè bạn, bên trên là bầu trời thoáng đãng nó cho phép ta bộc lộ hết những dí dỏm, những lời vô nghĩa vô thức, kỳ thú hơn bao nhiêu. Tứ hải giai huynh đệ, đại đồng, tương thân tương ái mới là đây. Bãi bia là địa chỉ vàng chấp nhận mọi thân phận, túi tiền, tâm trạng. Không có sang hèn, tôn ti, bàn này có thể vắt sang bàn kia những chủ đề vĩ đại cỡ bóng đá hay ông con bà vợ thằng chồng... Dù chỉ dăm ba củ lạc hay bộn bề thức nhắm, bia đã vào là lời  phải ra. Có bao nhiêu mồm thì bấy nhiêu hùng hổ chẳng cần thằng nào nghe, cứ mình mình hùng biện cũng đã lắm. Bao nhiêu cánh tay là bấy nhiêu động tác khoát đạt, hào sảng. Đến lúc uống tới, chỉ mỗi câu càng nhắc đi nhắc lại càng sướng kệ cha thằng nào không hiểu. Bốc nhất là hát được, cả mâm đồng ca “Anh vẫn hành quân”, nhất trí sửa chữa ông Huy Du thành “thôi thế thì thôi, thôi thì thôi thế thì, thế thì thôi thôi thế…”, tình đồng đội sao mà ngấm nghía, mà da diết...

        Uống xong về nhà ăn cơm với gia đình thì chao ôi, kẻ coi vợ bằng vung, người nem nép hối hận. Mà vợ là cái giống nói dối nó còn chả tin nữa là nói thật. Bởi thế, sự dựng dằng ngoài bãi mới dài mãi ra. Không khắt khe quy phạm ba bát bốn đĩa như cỗ truyền thống, không mưu lược cài cắm nhau như ở khách sạn, “khế ngọt” đưa bên a đi hái chùm rượu Tây lúc lỉu. Mà có thể lì lợm bám bàn hoặc cứ ngồi yên trên xe chân ghếch vỉa hè làm đôi vại đỡ khát. Được cái đi “gì” rất dễ, “WC” chỉ là mảnh tôn bình dị dựng hờ cách đấy dăm mét, hương vị dễ thương quyện cả vào món sào. Hình như bãi bia thành phố có gốc gác từ quán nước  dưới gốc đa xưa, nơi ông thợ cầy có thể làm một thôi nước chè xanh rồi rít thuốc lào say ngã ngửa. Lại hình như nó có họ với những hội làng, ai ai cũng được phép dón hòn xôi, tợp chén rượu chèn miếng thịt mỡ luộc rồi ngất ngư xênh tiền với hành vân lưu thủy.

        Bãi bia Hà Nội, mỗi nơi hấp dẫn khách mỗi kiểu. Nhưng tiêu chuẩn đầu tiên vẫn là có ngon không. Bia Ngọc Hà và câu lạc bộ Quân đội uống thả phanh đầu vẫn trong vắt. Bia Hàng Vải đậm, ai cũng bảo ngon nhưng lắm lúc nằng nặng đầu. Lắm chỗ đúng là nước lã có cồn. Dân sành phân rõ bia thứ thiệt, nghĩa là không pha với bia ba - bẩy (ba phần nước với bẩy phần bia), bốn - sáu... Nghe nói trên Bưởi có những lò bia rất đậm, nước lã pha “vô tư đi”, bán thì lãi nhưng thằng uống nhức đầu muốn chết. Lại còn những bia thương binh, bia tàn tật... Sau chất lượng, người ta kén đến địa điểm, thức ăn, cách mời. Những ông chủ béo tốt, thần thái vui tươi thường kéo khách hơn loại da mặt sát tận xương. Mỗi nơi lại có món độc làm của riêng, trưng biển “gia truyền”, như thịt chó chặt, rau cần xào bún, rau dấp cá, mướp đắng... Quán Cây bàng Lý Quốc Sư có cá rô ron rán ròn, tiết canh ngan. Lại một ông lủng lẳng hòm gỗ vẽ chữ Tây cacahouete với địa chỉ Hàng Thiếc đi từ bãi này sang bãi khác rao lạc rang húng lìu ngon chúa sừng, hết hòm thì thôi, nhất định không bán thêm lạc non lạc độn. Vỉa hè đường Láng Hạ rộng mênh mông tha hồ ngồi duỗi dài, lại “trồng” được cả lẩu dê. “Mùi”, “Lan Chín”, “Hoàn Béo”, “Hải Xồm”, “Nghi Râu”, “Đỉnh Hói”... là những cái tên đủ lẫm liệt làm đấng trượng phu động lòng ngay từ câu ới đầu tiên. Cứ dầm dề, rồi quá trưa, khách có thể quên bữa với cơm nắm muối vừng của những người bán rong từ Như Quỳnh, Lạc Đạo sang; giờ khắc của những vại cuối cùng thiêng liêng.

        Theo quan điểm lập trường của các bà thì bãi bia là chỗ chẳng ra gì. Về đạo đức, nó làm bê tha đàn ông, đánh mất điểm để xây dựng gia đình văn hóa mới. Về sức khỏe thì thậm mất vệ sinh, ăn uống gì mà ngay cạnh cống rãnh. Về thẩm mĩ, chân tay đờ đẫn, mặt mũi lão giời còn phải gọi là “cụ” thì không thể chấp nhận được. Và về mặt tâm lí, có quái gì mà các lão chồng không gặp nhau hàng ngày không được nhỉ? Tưng nấy chuyện, nói mãi phải hết chứ. Thế là chàng đi thiếp cũng theo cùng, có bà ra tận bãi hầu chuyện chồng, báo hại mấy ông bạn nhậu phải uống bia pha dấm ớt .

        Nhưng mặc lòng các bà xử theo phương châm của ngành y tế “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đám đàn ông cứ phải quấn quýt nhau. Cú lẽ nữ nhân tầm thường không thể hiểu thế nào là sự hào sảng, là không khí dân chủ, cởi mở, bình quyền bình đẳng. Những quân nhân tháo lon, những công chức đi trốn stresse có thể khẳng định mình, quên đi tư tưởng hèn hạ “nhất vợ nhì giời”. Uống xong đi karaoke khai thác tiềm năng thanh nhạc lại chả hơn ối bọn cờ bạc nghiện hút a? “Cặp phạm trù” bia hơi - bóng đá dứt định lành mạnh hơn cặp nhạc rốc - ma túy, chứ lị!

        Dấy lên một cách tự phát - chứ không tự giác, không có nhân cốt, đội ngũ cán bộ chuyên trách, phong trào uống bia đã có một chiều rộng, bề sâu phong phú với chân đế vững chắc. Sức sống đó cho thấy nhu cầu giải phóng đàn ông là có thật và bức xúc lắm. Được uốn nắn, định hướng, liệu nó có những đóng góp tích cực hơn cho xã hội chăng?

        “Bãi bia là sân nhạc rốc đủ tiết tấu không cần lĩnh xướng , là Lương Sơn Bạc không có đại ca. Uống xong là về đoàn kết, thương yêu gia đình hơn, đừng có eo xèo đây nhá...”

        Một thợ nhậu đã chân thành tổng kết thế trong lúc tỉnh táo. Hỡi một nửa thế giới không có bia bọt, các mợ đã thủng chưa?

Trần Chiến
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [45] [46] [47] [48] [49] [50] [51] ... ›Trang sau »Trang cuối