Bao giờ người Hà Nội lại thanh lịch?
(Petrotimes) - Điều quan trọng nhất hiện nay là người Hà Nội cần hình thành ý thức và phong cách sống của người thị dân đích thực, trước hết là tự giác tuân thủ pháp luật và những quy ước chung của cộng đồng. Có thể thấy nét thanh lịch của người Hà Nội đang dần mai một. Vì thế, việc cố gắng khái quát hóa, trừu tượng hóa danh hiệu “Người Hà Nội” xem chừng ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp.
Liệu tính cách người Hà Nội có còn là mẫu số chung cho mọi kiểu người nhắc đến tính thanh lịch không?
Người Hà Nội xưa nay vẫn nổi tiếng mặc đẹp, cái đẹp thể hiện ở sự gọn gàng, chỉnh tề và trang nhã
Dấu ấn ngày xưaNói đến tính thanh lịch của người Hà Nội, người ta lại nhớ tới câu ca dao cũ: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ngụ ý đặt “người Tràng An” bên cạnh “hoa nhài”, “thơm” sánh với “thanh lịch”. Đây quả là một sự liên tưởng độc đáo! Hoa nhài màu trắng mọc thành cụm, nở về đêm, có mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng và quyến rũ. Có thể những đặc điểm này mà người xưa đã dùng để so sánh với nét đẹp của người Hà Nội.
“Thanh lịch”, thanh nhã và lịch sự, là một phẩm chất đáng quý. Người thanh lịch không chỉ có cử chỉ tao nhã, lịch sự mà phải là một người có hiểu biết sâu sắc, có cách ứng xử đúng mực, duyên dáng, đáng yêu, tức là người đó phải hội đủ các yếu tố về nội dung và hình thức.
Đó chính là dấu ấn phong cách người Hà Nội được lưu giữ bền bỉ trong tâm hồn, tính cách của chị bất kể sự khắc nghiệt của chiến tranh. Người Hà Nội luôn có lối ứng xử rất đặc biệt. Cách nói chuyện “thưa gửi, vâng dạ” với đôi chút rào đón, lời xin lỗi “nói vô phép” trước khi có thể làm phiền ai, lời cám ơn “quý hóa quá” khi nhận được chút ít quan tâm giúp đỡ… thường bị người vùng khác nhận xét là khách sáo, thiếu chân tình, kiểu “thoang thoảng hoa nhài”.
Đó có phải là nét riêng không, nếu có, phải chăng là nét thanh lịch của họ trong giao tiếp ứng xử với tự nhiên và giữa cộng đồng?
Người Hà Nội biết tiếp thu có sàng lọc tiếng nói của mọi miền đất nước, giữ lại những gì tinh túy nhất nên lời nói lưu loát, nhã nhặn lại ý nhị, tôn trọng người đối thoại. Mặt khác, người Hà Nội rất sành ăn uống, họ đã nâng việc nấu ăn lên thành nghệ thuật ẩm thực.
Món ăn Hà Nội ngon từ cách chế biến, từ chút gia vị, nước chấm cho đến cách bày biện đẹp mắt, gợi cảm mà không phàm tục và khi ăn cảm thấy thích thú. Người Hà Nội thích ăn uống thanh cảnh, nhưng không quá cầu kỳ. Miếng thịt nên xắn nhỏ, khi gắp thì vừa bát. Trứng cũng thế, ít ai bỏ cả quả trứng vào bát cơm mà không cắt nó ra làm đôi, vì hình ảnh “bát cơm quả trứng” chỉ dành cho người đã khuất.
Đặc biệt, người phụ nữ Hà thành càng phải cẩn trọng trong cách ăn uống, ăn quả chuối, hay bắp ngô thì cũng bẻ làm đôi, tách thành hạt ăn trong miệng một cách từ tốn. Chỉ một dẫn chứng nhỏ này cho thấy ngày xưa hoàn toàn khác với cách ăn uống của một số người ở Hà Nội hiện nay như ăn chuối thì bóc cả quả. Ăn thịt thì cứ “nhằm miếng to, so miếng bé”, ăn uống nhồm nhoàm, ồn ào, vừa ăn vừa văng tục, nói phét.
Thường thấy ở các bữa nhậu, chỗ ngồi ăn thì trên xương xẩu, dưới đất giấy ăn trắng xóa, trông rác rưởi, bề bộn cứ điềm nhiên ngồi ăn uống một cách ngon lành như trên… một đống rác.
Người Hà Nội thường ngày vốn đã cầu kỳ trong chuyện ăn uống. Vào các dịp lễ tết hay khi nhà có việc, mâm cỗ càng được chú trọng bởi nó không đơn thuần chỉ là chuyện ăn mà cao hơn nó thể hiện bộ mặt của gia đình, dòng tộc. Vào khoảng đầu những năm 20 của thế kỷ trước, khi xã hội có sự phân cấp giàu nghèo rõ ràng thì cũng là lúc xung quanh bữa ăn của người Hà Nội có nhiều chuyện để nói nhất từ cỗ bàn, hiếu hỷ cho đến những bữa cơm thường ngày.
Ngày xưa, người Hà Nội quan niệm rằng: “Thịt thái không vuông vắn thì không ăn, chiếu trải không ngay ngắn thì không ngồi”. Như một quy ước ngầm, phong cách ăn uống của người Hà Nội được gắn với sự giáo dục, gìn giữ cho nết người điềm đạm mà từ tốn.
Bên cạnh đó, tính cách thanh lịch đó thể hiện ở cách ứng xử văn hóa mà cụ thể là trong cách nói năng, giao tiếp… Người Hà Nội xưa ăn mặc giản dị và thanh nhã lắm. Khi ra đường hoặc khi có khách đến nhà, đàn ông thường mặc áo sơmi (thay cho áo cánh), âu phục thay cho áo dài, khăn xếp truyền thống ở những dịp lễ trọng.
Phụ nữ khá giả thì mặc áo dài nền nã mà kín đáo, người nghèo áo dù có rách nhưng miếng vá rất ngay ngắn, đúng màu vải, màu chỉ và luôn sạch sẽ, thế nên mới có câu “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Trong giao tiếp, người Hà Nội xưa có đặc điểm cách ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép:
Hào hoa mà không kênh kiệu, khoe vẻ giàu sang.
Phong nhã mà không lề mề, chậm chạp, lù dù.
Linh hoạt mà không xấc xược, láu lỉnh, kệch cỡm.
Vui tươi duyên dáng mà không suồng sã, lẳng lơ.
Vừa thông minh, lịch thiệp mà không ba hoa, hời hợt.
Có thể thấy sự chững chạc, khiêm nhường, vừa ân cần, tế nhị... khiến cho ai đó mỗi khi gặp gỡ, giao thiệp đều cảm thấy hài lòng, quý trọng và cảm kích những giây phút hội ngộ đầy thoải mái. Khi ra về vẫn luyến tiếc và mong sao có dịp tái ngộ, hàn huyên. Khi gặp người quen thì tươi cười chào hỏi, dù người đó ít tuổi hơn, vai vế trong họ hàng và xã hội có kém hơn... Lại càng chủ động hỏi han ân cần để kẻ dưới khỏi tủi thân hoặc chê trách.
Hay, đối với các vị đáng bậc cha chú, người Hà Nội thanh lịch phải ngả mũ chào, tỏ lòng tôn kính với mong muốn được phụ giúp việc gì đó có ích để các bậc trên được hài lòng về con cháu.
Tiếc cho thanh lịchNhưng nay đã khác, có một câu mong ước cửa miệng của không ít thế hệ trước nuối tiếc về một thời: “Bao giờ cho đến ngày xưa”, tiếc cho tính thanh lịch của người Tràng An. Có thể, trong cuộc sống hiện đại, gấp gáp, để chê một Hà Nội hiện nay có nhiều cái kém cỏi, chướng tai gai mắt, người ta thường so sánh sự chuẩn mực của thời xưa cũ với ngày nay.
Trước hết, cần hiểu “người Tràng An” bao gồm những ai và tại sao người Hà Nội - Tràng An lại được đề cao đến vậy? Thật khó mà xác định được điểm mốc nào để gọi là người Hà Nội gốc. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hay có ông bà cha mẹ ở Hà Nội Người Hà Nội là những người đã sống ở đây từ trước năm 1945 hay trước 1954, 1975?
Hà Nội thay đổi rất nhiều so với trước kia, gặp người Hà Nội chính gốc thì khó vô cùng, phần lớn là “Hà lội”, ở Hà Nội một vài năm cũng đã thành “mác” người Hà Nội, không lại sợ mình mang tiếng “quê”. Khách quan mà nói tính thanh lịch mai một cũng vì sự thiếu ý thức của một bộ phận người mà thôi.
Ở Thủ đô, bất cứ có hình ảnh phản cảm nào là người ta lại mỉa mai người Hà Nội thế này, người Hà Nội thế kia… gây tiếng xấu, hình ảnh của người thủ đô cứ thế mà mất dần. Ngoài phố không khó bắt gặp những người cởi trần, ăn mặc hở hang, đi vệ sinh bừa bãi, đi xe máy rất nghênh ngang coi thường pháp luật. Trong cách giao tiếp của người ở thủ đô đã khác xưa rất nhiều, rất ít khi thấy được tính đối nhân xử thế có văn hóa giữa đường.
Tất cả chỉ nói lên một điều là cốt lõi trong cái văn hóa này vẫn là sự hoang dã, sơ khai, không khó thể bắt gặp những hình ảnh phản cảm nơi công cộng tất cả được giải quyết trực tiếp bằng miệng, bằng vũ lực, thậm chí là thù hằn đến giết nhau, chỉ vì một cái nhìn vu vơ, một cú va chạm nhỏ…
Bàn về văn hóa và phong cách sống của người Hà Nội xưa và nay, họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, đời sống văn hóa của thủ đô đã kém đi một cách nghiêm trọng, kể từ sau khi Hà Nội đổi mới, phong cách sống thanh lịch, ăn uống nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, ăn mặc thì giản dị, kín đáo mà tinh tế của người Hà Nội thì chỉ có từ thời trước chiến tranh phá hoại năm 1965 - cái thời mà Hà Nội chỉ nhỏ bé với vài vạn người ở thành phố và bốn huyện ngoại thành.
Do quá trình nhập cư, đô thị hóa nhanh chóng cũng là nguyên nhân của sự “đồng hóa” lẫn nhau bởi thói quen luộm thuộm, dung tục trong giao tiếp của một bộ phận người lao động không có điều kiện học hành, rèn giũa đến nơi đến chốn. Một phần vì những định hướng văn hóa về lối sống trong xã hội với con người dường như chẳng có mấy sức thuyết phục. Một phần vì giáo dục của nhà trường, yếu tố dạy người kém cỏi quá.
Một phần nữa do sự tác động của những văn hóa phẩm lai căng, thô thiển, thô lậu mà tiếc thay, người ta cứ ảo tưởng đó mới là văn minh, hiện đại...
Người Hà Nội hôm nay nói đến thanh lịch, trước hết cần tạo được nếp sống có văn hóa từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ sinh hoạt cá nhân đến ứng xử nơi công cộng. Làm sao loại bỏ được lối sống tùy tiện theo thói quen ở địa phương khác và từng bước tự giác tuân thủ pháp luật và những quy ước của cộng đồng như một thị dân đích thực.
Xây dựng “Nếp sống văn hóa người Hà Nội” đã được xã hội quan tâm từ nhiều năm nay nhưng kết quả nghiên cứu vẫn chưa được như mong muốn, thật tâm đắc với ý kiến của một nhà nghiên cứu văn hóa: “Trong cách ăn mặc, nói năng, giao tiếp ứng xử… nếu như mỗi người “biết sợ”, “biết nể”, “biết nhịn” và đặc biệt “biết ngượng” thì có lẽ cũng đủ cho người Hà Nội tạo được ấn tượng tốt đẹp lắm rồi trong lòng bè bạn.
M.KMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)