Mây tre giữa chợ
TTCT - Nắng tích tre nâu
Dần sàng hun khói
Nia ngủ góc sân
Gánh vừa đi khỏi...
Minh họa: Đức Trí
Mộc mạc. Tròn đầy. Hình ảnh thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng vành vạnh gợi những vầng trăng rằm... đang bày ra nơi một góc chợ dưới chân núi Tà Cú sáng nay làm tôi lặng vui say ngắm. Tôi lâng lâng gặp được hồn quê thân thuộc riêng mình.
Giữa ngập tràn hàng nhựa đủ sắc, giữa những ồn tạp tiếng loa “mười ngàn ba món”, “năm ngàn một món”, giữa những vung tay múa chân, giữa những nụ cười cầu tài suồng sã... cái góc hàng nem nép mây tre nâu khói, nâu nắng trầm mặc, dung dị của anh Hoàng Văn Hùng như những gì còn lại của một thời. Nó chống chọi bình thản, nó vững chãi hồn vía sống như đã từng sống một cách khiêm cung trong lòng làng quê. Chính nét văn hóa đặc trưng lúa nước mây tre chất chứa thần thái hồn quê ấy níu chôn chân tôi, níu giữ mắt tôi.
Có điều gì đó vừa làm trĩu tâm hồn với miên man ưu tư chợt hiện. Anh Hùng chủ động tâm sự kéo tôi về thực tại: chủ yếu là có tâm với nghề ông bà để lại, cái cốt người Việt mình là vậy. Phải, người sống chú trọng cái tâm thì bình thản, sống thật đời người, thiếu đi cái tâm thì dù của cải có nứt đố đổ vách người cũng chẳng ra người, đừng nói chi đến ý nghĩa cuộc sống. Vậy nên tôi không lạ khi nhìn cái cách mua bán nhẹ nhàng, vui vẻ của anh bạn mang hồn quê đi khắp xứ này.
Hùng quê Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, một xứ sở làm nghề đan lát nổi tiếng của đồng bằng Bắc bộ hàng trăm năm nay. Sản phẩm mây tre của nơi này đã có mặt khắp các vùng trong nước, xuất khẩu sang Nhật, Hàn, Đài Loan và cả thị trường Đông Âu. Tôi ngồi ngắm hồi lâu từng đường nét nong mốt nong hai ẩn hiện, uốn lượn; cách cấy mối, gút mối, bện đai có đôi nét khác nhau nhưng hình dáng, hồn cốt vật dụng thì trong Nam ngoài Bắc giống hệt.
Ở quê tôi, ngày trước mọi người quý đồ dùng mây tre lắm, xài xong gác lên giàn cạnh bếp cho khói thấm vào khỏi sâu mọt nên những nia, những dần, những sàng cứ mòn nhẵn, bóng lộn được giữ bền truyền chuyển qua nhiều thế hệ. Con gái về làm dâu, mẹ chồng cứ nhìn cái cách cầm sàng, cầm dần, cái cách xoay, lắc hất thóc ra ngoài mà biết công, dung, ngôn, hạnh, “gia giáo bên nhà” tới đâu. Con trai làm rể, cha vợ cứ nhìn cái cách uốn đai, vót mây khéo léo, siêng năng mà biết, mà tin mình đã gả con đúng chỗ, đúng nơi.
Thời đó đàn bà, con gái đi chợ thướt tha, yểu điệu với đòn gánh mấu đồng, gióng sáu, gióng tám mây chuốc thanh tao hoặc cắp rổ, cắp mủng cũng phải vừa tay, vừa hông, dáng ôm cong lượn nhẹ nhàng... Áo bà ba vải thô, sang lắm là nin-phăng, là Mỹ A... nhưng đi chợ cốt cách người phải thong dong, phải duyên dáng, phải ăn nói mặn mà chớ không cắm cúi, mặt bưng mày bít, lom lom hai con mắt bí hiểm như thích khách, như người máy của thời bây giờ.
Má tôi lúc sa cơ túng bấn vào cuối đời có chạy vạy bằng nghề hàng xáo nên những dần, sàng, thúng, mủng sáng nay của Hùng đã đánh thức trong tôi một vùng ký ức đẹp đẽ lạ thường mà cũng buồn thương quá đỗi.
Tôi nhớ lúc ấy ánh mắt má tôi đã héo lạnh vì trải qua quá nhiều bất hạnh, khổ đau, nhưng hai bàn tay bám vào cái đai sàng vẫn dẻo lắm, dường như những hạt gạo xoáy tròn trên mặt sàng kia đang cuốn hai bàn tay đầy gân xanh của má tôi theo những cuộn sóng, những cuộn sóng vận mệnh đời người mà dù cho mệt mỏi cách mấy, hiu hắt cách mấy, cô đơn cách mấy cũng không được tuyệt vọng, phải đẩy đẩy đưa đưa, tay làm hàm nhai lương thiện cho trọn kiếp con người.
Chẳng có gì cao sâu huyền bí thế mà lòng tôi chợt rưng rưng. Phải chăng những câu chuyện tâm thức thật khó cắt nghĩa?! Chỉ dần, sàng, mủng, nia mộc mạc mà sao đọng sâu tâm tình. Nó là chuyện đời, chuyện đời truân chuyên của má tôi, chuyện đời ăm ắp hoài niệm của tôi, chuyện đời mang hồn quê tha phương của Hùng và của những ai đó nữa lớn lên từ làng mạc quê hương Việt Nam.
NGUYỄN HIỆPMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)