Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [46] [47] [48] [49] [50] [51] [52] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Công viên không chỉ có ghế đá



TTCT - Nếu chương trình trò chơi truyền hình “Chung sức” của MC Tạ Minh Tâm có đề mục yêu cầu liệt kê những gì gắn liền với công viên, chắc chắn sẽ có đáp án là “ghế đá”.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/42/527042.jpg
“Góc nói” trong khuôn viên Hong Lim Park ở Singapore - Ảnh: T.V.T.



Bởi từ lâu, hình ảnh những chiếc ghế đá đặt dưới tán hàng cây xanh được xem là biểu tượng của công viên, là thứ “tiện nghi” tối thiểu để mọi người tận hưởng thú vui nhàn hạ sau khi bách bộ hay kết thúc các hoạt động tại đây.

Nhưng công viên đương nhiên không chỉ có ghế đá, mà hiện diện ở đó trước hết và chủ yếu là cây xanh. Nếu không kỳ vọng nhiều hơn thì hai yếu tố vừa kể đủ để tạo nên một nơi chốn thư giãn công cộng luôn được coi trọng ở những đô thị bất kể lớn nhỏ.

MC chương trình “Chung sức” sẽ tiếp tục thử thách một trong hai đội chơi, và các thành viên trong đội sẽ lần lượt kể thêm nào là chim, thú, tượng đá, nhà nghỉ chân… Nếu bạn tham gia trò chơi truyền hình quen thuộc này, như thế là tạm đủ, có thể lấy điểm và lãnh giải ngon lành.

Nhưng còn một liệt kê nữa có thể không nằm trong đáp án lại chiếm vị trí quan trọng, đến 50% khi ta nghĩ về công viên. Đó là “giao thức nhân văn”, là thực thể văn hóa, tinh thần được xác lập giữa người với người và cách hành xử giữa người với cái nền bối cảnh tự nhiên ở nơi được gọi là công viên. Đó chính là môi trường nhân văn bên cạnh không gian thiên tạo, không gian của tự nhiên.

Nói thế bởi chỉ cần nhìn vào cách sử dụng công viên và cách hành xử trong công viên của một người nào đó, ta có thể đoán biết được ngưỡng văn hóa của họ. Đó là văn hóa hành vi trong giao tiếp nơi công cộng. Không ít người vào công viên để nhận, để tận hưởng không khí trong lành - thứ khí sạch quý giá không phải mất tiền mua - nhưng sau đó lại thải rác ngay chỗ mình vừa ngồi hay vứt bừa những thứ người khác không muốn nhìn thấy.

Đối với những người này, công viên là “thiên đường” của họ nhưng lại là “địa ngục” đối với những người biết trân quý môi trường xanh - sạch, hay trực diện hơn là những người lao công.

Ở một nơi đất chật người đông, đường sá lúc nào cũng đầy xe cộ kèm theo khói bụi mịt mù như Sài Gòn, công viên còn có thêm một công năng nữa đó là nơi đi bộ lý tưởng và là giải pháp đi bộ khả thi nhất với những ai yêu môi trường. Đi vào lối dành cho người đi bộ là đi vào cái ổ ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn, thế nên an toàn nhất là bách bộ trong công viên.

Hình ảnh ai đó đi bộ trong công viên nhắc ta nhớ rằng những nơi công cộng ở thành phố này đang thiếu xanh, ngoại trừ… công viên. Nhưng gần đây, người ta cũng tìm mọi cách, mọi lý do để thu hẹp dần cả những cung đường đi bộ lý tưởng và có thể xem là sự lựa chọn cuối cùng của khách bộ hành.

Cũng bởi thành phố đang thiếu xanh nên các nhà kinh doanh địa ốc hiện chuộng sử dụng ngay yếu tố này như một thế mạnh tiếp thị cho dự án bất động sản của mình. Thậm chí, để tạo sự khác biệt với những dự án khác cùng quy mô và tương đồng về phong cách kiến trúc, họ luôn yêu cầu người copywriter đầu tư công sức sáng tạo những đoạn văn thật thăng hoa khi viết về phần “mảng xanh” cho các ấn phẩm quảng cáo dự án của mình.

Công viên nhiều khi còn là nơi thể hiện trạng thái xã hội. Trong lần du lịch đến đảo quốc sư tử Singapore cách đây hai năm, khi tra cứu thông tin trước chuyến đi, tôi bị hấp dẫn bởi một cái góc rất lạ có tên là “góc nói” (Speakers’ Corner) nằm trong khuôn viên Hong Lim Park. Đó là một công viên hết sức bình thường nằm gần khu Trung tâm Cộng đồng xanh Telok Ayer Hong Lim và nó chỉ trở nên bất thường trong mắt một du khách quốc tế như tôi khi ở một góc nhỏ công viên có đặt tấm bảng “Speakers’ Corner”.

Tại đây, theo quy định, mọi người dân Singapore được phép tụ họp vào một số giờ nhất định trong ngày, thoải mái bày tỏ chính kiến của mình về mọi vấn đề xã hội đang diễn ra hằng ngày, miễn là không được khích động, phát ngôn vô lối.

Những ngày lang thang trong công viên, tôi nghiệm ra rằng sở dĩ người ta yêu công viên là bởi chốn thiên nhiên pha chút nhân tạo này gieo vào lòng người - ở một môi trường đô thị hóa cao độ - tâm thức đặc biệt: tâm thức xanh.

TRẦN VĂN THƯỞNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thành phố “không giống ai”



SGTT.VN - Tôi có anh bạn Hàn Quốc đến làm ăn ở TP.HCM được dăm năm, nhưng hễ ai hỏi thì anh ta nói “Tôi là người Sài Gòn” với vẻ tự hào không giấu giếm. Nhiều người đến lập nghiệp ở đây từ khắp mọi miền đất nước cũng không hề bối rối khi xưng mình là người Sài Gòn. Vậy là “người Sài Gòn” nghiễm nhiên trở thành một danh xưng có tính quốc gia và quốc tế.  

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=196932
Ảnh: Thanh Hảo



Ba trong một
Đã có lúc các nhà học giả tranh luận với nhau rằng ai là người “Tràng An”, ai là người Sài Gòn chính gốc. Sinh thời, GS Trần Văn Giàu có lần nói người Sài Gòn cố cựu nào có được mấy ai, nhất là ở cái mảnh đất mới toàn là dân tứ xứ tụ lại. Vậy “người Sài Gòn” không hẳn là danh xưng để gọi ai đó sống thật lâu trên mảnh đất này, mà có lẽ để chỉ những tính cách mà người ta nhiễm phải sau một thời gian sống đủ lâu để thấm vào mình, rồi đeo đẳng họ cho đến khi lìa bỏ trần gian. Thật ra cái chất “người Sài Gòn” không phải là cái gì khác lạ mà chính là sự kết hợp của ba trong một. Đó là con người bản địa, con người Sài Gòn hoá và con người quốc tế hoá.

Thành phố này vốn nổi danh là nơi “đất lành chim đậu”, là vùng đất “tứ hải giai huynh đệ”, nơi hội tụ đủ mặt anh hào đất nước. Mọi người đến đây, mang theo trong hành trang của mình đặc sản văn hoá bản địa nơi mình sinh ra. Lịch sử mảnh đất này cho thấy từ thiết chế nhà nước, đến con người từ xưa đến nay chưa bao giờ tẩy chay ai, miễn họ có tấm lòng và thiện chí. So với các vùng miền khác thì đây là nơi đa dạng văn hoá, đa dạng dân tộc, tôn giáo nhất cả nước. Ai mang gì đến đây cũng được, muốn giữ điều gì cũng được miễn là điều đó không làm phương hại cộng đồng và bản thân không thấy “kỳ” là được. Nặng như tiếng Quảng, nhẹ như tiếng Hà Nội, trau chuốt như tiếng Huế, đồ ăn cay nồng như miền Trung, ngọt như miền Tây, mặn như miền Bắc đều được hoan nghênh ở đất này. Chỉ ở xứ này mới có thể tìm thấy những thứ mà ở nơi khác bị coi là kỳ dị, kỳ quặc, không giống ai...

Đất lành của mọi giấc mơ  
Khí hậu thời tiết, truyền thống cư trú, và cơ chế chuyển động xã hội của mảnh đất này cũng góp phần tạo nên một phần khác trong con người ở đây. Mảnh đất này có cái lạ là chính bản thân đời sống và quan hệ xã hội của nó làm cho con người thay đổi tính cách một cách tự nhiên. Những ai cực đoan quá đến đây sẽ bớt thái quá, những ai bủn xỉn quá đến đây sẽ bớt keo kiệt, những ai ù lỳ, chậm chạp đến đây sẽ năng động, linh hoạt hơn và có một điều ai cũng thấy là nếu ai đó sống ở đây chỉ dăm năm thôi thì nhất định sẽ bị lây nhiễm một thứ “căn tính” được truyền từ đời này qua đời khác là mọi người đều tỏ ra cởi mở hơn, chân thật hơn, phóng khoáng hơn, bớt hẳn đi những thứ phô trương hình thức, màu mè mang từ nơi khác đến. GS.KTS Hoàng Đạo Kính có một nhận xét chí lý là “Chơi với người Sài Gòn có cái sướng là không cần mang mặt nạ, không phải đóng kịch”. Thật ra những sự thay đổi đó diễn ra trong mỗi “người Sài Gòn hai quê” một cách tự nhiên, như nhiên. Khi còn ở quê, có những ước mơ chỉ là ước mơ, những “cá tính” phải giấu đi thì khi sống ở mảnh đất này người ta có thể thực hiện được ước mơ đó, và có điều kiện “bùng nổ tính cách” trở thành những con người vượt trội.

Một Sài Gòn quốc tế hoá
Do hội tụ được tất cả các điều kiện thuận lợi mà Sài Gòn – TP.HCM luôn là nơi tiếp xúc, cọ xát với với thế giới văn minh phương Tây không chỉ sớm nhất cả nước mà còn liên tục chưa bao giờ bị đứt đoạn kể cả khi chiến tranh và bị cấm vận. Chính điều này đã hình thành trong con người Sài Gòn một phần không nhỏ của lối sống quốc tế hoá. Những đặc tính năng động, nhạy bén, sáng tạo, táo bạo không phải là sản phẩm của bao cấp mà chính là sản phẩm của nền kinh tế thị trường và nền công nghiệp tiên tiến.

Người Sài Gòn không bảo thủ, chấp nhận từ bỏ cái cũ cho dù còn tác dụng nhưng hiệu quả thấp, dám thử nghiệm cái mới cho dù mạo hiểm và có cả phiêu lưu. Những cái mới (bền vững hay có tính thời trang) cũng đều xuất phát từ thành phố này. Thật không quá khi nói rằng hầu hết những cái được gọi là đầu tiên sau năm 1975 đều bắt đầu từ thành phố này: khu chế xuất đầu tiên (Tân Thuận, 1991); siêu thị đầu tiên (Maximark, 1996); khu công nghệ cao đầu tiên (SHP, 2000), khu công viên phần mềm đầu tiên (Quang Trung, 2001); bệnh viện tư đầu tiên (Phụ sản quốc tế Sài Gòn, 1996); đại học dân lập đầu tiên (Mở bán công, 1993); hãng phim tư nhân đầu tiên (Phước Sang); sàn chứng khoán đầu tiên (trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, 2007); nhà hát tư nhân đầu tiên (5B Võ Văn Tần, Kịch Phú Nhuận, Idecaf); cao ốc hiện đại đầu tiên (toà nhà Imexco Building 1989); khách sạn 5 sao đầu tiên (New World, 1994)...

Hình như với người Sài Gòn thì không quy trình, sản phẩm nào được coi là hoàn hảo, vì khi đến tay người Sài Gòn rồi chúng cũng bị thêm thắt, cải tiến. Người Nhật kinh ngạc khi thấy những chiếc xe máy được coi là tuyệt hảo đến từng chi tiết, nhưng đến tay người Sài Gòn còn được gắn thêm hàng chục thứ khác nữa.

Đến giữa thế kỷ này, dân số Sài Gòn chắc sẽ lên đến 15 triệu người, người nhập cư, người nước ngoài sẽ nhiều hơn, khi ấy phần nào trong “người Sài Gòn” sẽ tăng lên, phần nào sẽ giảm đi: địa phương hoá, Sài Gòn hoá hay quốc tế hoá? Câu hỏi thật không dễ trả lời.

 Nguyễn Minh Hòa
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

 Nhạc Trịnh, Remarque, chiếc áo dài đầu tiên, và mưa…



SGTT.VN - Những ngày tháng tư, giữa nóng bức và ngột ngạt, tôi bỗng nhớ da diết một Sài Gòn xa lắc xa lơ thời tuổi trẻ, một chân trời mới ngỡ ngàng giữa những cơn đói và những giấc mộng…

Tốt nghiệp lớp 10 ở Hà Nội, tôi theo cha vào TP.HCM năm 1976. Khi ấy chưa có tàu hoả, cha con tôi đã trải qua một “chuyến đi bão táp” kéo dài cả tuần lễ. Thành phố đón tôi bằng những cơn mưa chiều tháng sáu. Những cơn mưa xối xả như bị ức chế lâu ngày, cứ giội xuống mái tôn nhà chị họ tôi như thác đổ, hết ngày này sang ngày khác như không bao giờ có thể dứt. Cha đi gặp bạn bè, để mặc tôi trong căn gác nhỏ, với một tủ sách mà chị họ tôi may mắn còn giấu lại được sau những đợt tiêu huỷ sách cũ ngày mới giải phóng. Và thế là tôi, với một nỗi trống trải đến kinh hoàng trong tim và nỗi nhớ Hà Nội quay quắt, đã tự lấp đầy mình bằng một nỗi cô đơn khác, sâu thẳm hơn, cùng cực hơn trong Một thời để yêu và một thời để chết, Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống…

http://sgtt.vn/Uploads/Images/e/bf8/ebf8408ff8e13f40151b8c39605db689.jpg
Ảnh: Trần Việt Đức



Erich Maria Remarque và những tiểu thuyết về tình yêu đẫm nước mắt của ông đã mở ra cho tôi một khoảng trời mới lạ. Từ cái bìa sách đến từng con chữ, tôi ngấu nghiến, mê mải, khóc ròng, và như bừng tỉnh trong một niềm hoan lạc. Lần đầu tiên được mở mắt với những dòng văn học, những tác phẩm không ngần ngại khi nói đến tình yêu, đến chiến tranh, sự bi thảm, dồn đuổi tới cùng của thân phận… Rồi sau đó là Henry Miller, Rimbaud, rồi đến Alexis Zorba – con người hoan lạc (Nikos Kazantzaki)… Không thể diễn tả hết nỗi u sầu của tôi ngày đó trên căn gác nhỏ Sài Gòn, nỗi u sầu có thể dẫn tôi đến những vùng tối, những vùng cấm, để lần đầu tiên khám phá bản thân mình, lắng nghe tiếng nói bên trong của mình. Remarque, Henry Miller, Nikos Kazantzaki… và những cơn mưa tháng sáu ấy dường như còn rả rích trong tôi đến tận bây giờ…

Sài Gòn còn làm tôi ngạc nhiên bởi những thứ không đâu trên trái đất này có được. Lần đầu tiên nghe Khánh Ly hát nhạc phản chiến, trái tim tôi muốn vỡ. Những mảnh vỡ lạnh và sắc, ủ ê, xiêu đổ, tan hoang. Một thiếu nữ Hà Nội chẳng hề biết mùi đời lại ập ngay vào chất giọng “ma tuý” đó thì làm sao chống đỡ nổi. Tôi cứ ủ ê suốt một mùa hè với pho sách, mưa, và Khánh Ly của Trịnh Công Sơn, để rồi biết vượt qua nỗi nhớ Hà Nội quắt quay, để rồi phải lòng Sài Gòn, phải lòng con trai Sài Gòn lúc nào không biết nữa…

Ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học Văn khoa, chị họ tôi đã dẫn tôi đến tủ quần áo của chị, và nói tôi muốn chọn bộ nào cũng được. Với cô gái Hà Nội nghèo chỉ có vài bộ quần áo thay đổi, sang nhất là chiếc sơmi màu xanh hoà bình và chiếc quần đen, thì tủ quần áo của chị tôi là một “thiên đường”! Lần đầu tiên tôi thấy lạ lẫm vô cùng, vì sao một người đàn bà lại có thể sở hữu nhiều đến thế những chiếc áo dài lộng lẫy mà có nằm mơ tôi cũng không hình dung nổi. Ấp úng mãi, tôi mới dám xin chị chiếc áo dài màu hồng phấn, nhưng cũng chẳng dám mặc ngay. Để dành đúng ngày hội khoa, tôi đã mặc chiếc áo dài đầu tiên để đọc bài thơ Con gái khoa văn do chính mình viết. Không biết chiếc áo hay những vần thơ đã làm các chàng run rẩy, mà sau đó tôi đã nhận được… mấy lời tỏ tình!

Thành phố này đã biến tôi thành một con người khác, cởi mở, tự tin, năng động hơn, hay chính tôi đã được sinh ra một lần nữa nhờ vùng đất hào sảng mà chân tình này, tôi cũng không biết nữa. Nhưng bây giờ, nửa đời nhìn lại, tôi hiểu rất rõ rằng nếu không có mùa hè đầu tiên và những cơn mưa tháng sáu ấy, không có nhạc phản chiến và Remarque, hẳn đời tôi đã rẽ sang một hướng khác.

Kim Yến
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

'Món nợ' với giáo sư Trần Đức Thảo



Gần nửa thế kỷ từ khi có chủ trương "quét sạch những nọc độc của Trần Đức Thảo trong việc giảng dạy triết học", ngày 7/5, lớp hậu sinh ngồi lại nơi ngày xưa ông làm Phó Giám đốc, nhắc tới những “món nợ” mà ngày hôm nay cần trả.  

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2013/05/08/13/20130508135638-tdt.jpg
Ngày 7/5, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo”.Ảnh: Lê Văn Long



Một con người đặc biệt
GS Trần Đức Thảo thuộc “thế hệ vàng một đi không trở lại” trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 20:  học hành bài bản ở nước ngoài và trở về tham gia cách mạng.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông được đánh dấu bằng những sự kiện tinh thần và chính trị đặc biệt: từ cuộc tranh luận với nhà văn nổi tiếng Jean Paul Sartre 1949 đến việc trở về Việt Nam tham gia cách mạng 1951/1952, từ sự hiện diện trong vụ ánNhân Văn-Giai Phẩm 1956đến việc trở lại và qua đời trong âm thầm tại Pháp 1993, và cuối cùng là việc tác phẩmTìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thứcđược tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" đợt II, năm 2000.

Trong tham luận của mình,GS văn học Nguyễn Đình Chú đã phác họa “con người – sự nghiệp” của Trần Đức Thảo với 5 khía cạnh cơ bản:

Là người con ưu tú của Kinh Bắc – Bắc Ninh, cái nôi của người Việt, văn hóa Việt; là một trí thức trọn đời yêu nước với nhiều biểu hiện;là một lưu học sinh đã làm vẻ vang cho tổ quốc trên đất Pháp với tấm bằng thủ khoa thạc sĩ triết học đến nay chưa có người thứ hai; là triết gia duy nhất của Việt Nam trên trường quốc tế với những hành động, tác phẩm nổi trội, có ý nghĩa phát triển chủ nghĩa Mác theo hướng “duy vật biện chứng nhân bản” và người khai sinh bộ môn Lịch sử tư tưởng triết học cho giáo dục Việt Nam.

GS Phạm Thành Hưng (cùng biên soạn 2 công trình nổi tiếng trong số di sản đồ sộ của GS Thảo), nhìn nhận: Ông là hiện tượng tiêu biểu của người trí thức Việt Nam thế kỷ 20, người vừa là sản phẩm, vừa là nạn nhân của thời đại; đồng thời cũng là người góp phần tạo ra thời đại. Ông không thể thành thiên tài mà chỉ là môt "thần đồng triết học", vì đã chấp nhận làm một trí thức hiến thân cho cách mạng.

Các tác phẩm của Trần Đức Thảo được nghiên cứu nhiều ở nước ngoài.Một số tác phẩm nổi tiếng của ông đã được nhắc tới ở Việt Nam như:Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức, Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không con người,v.v...

Trước đó, Trường CĐ Sư phạm phố Ulm - Pháp (nơi GS Thảo tốt nghiệp thủ khoa lúc 26 tuổi) cũng đã dành hẳn 2 ngày tổ chức hội thảo về Trần Đức Thảo và dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức vào năm 2013. GS Trần Văn Đoàn (ĐH Đài Loan, ủy viên liên đoàn triết học thế giới) nói, Trần Đức Thảo là “nhà triết học có một vị trí đặc biệt” khi phản ánh về vị trí của ông trong giới triết học quốc tế.

Sửa sai lối làm khoa học "mờ, nhòe"
Được nhìn nhận là danh giá nhất trong "những ôm trùm văn hóa sáng danh của đất nước", nhưng số phận của Trần Đức Thảo nghiệt ngã chẳng ai bằng. Ông đã gặp bi kịchsuốt cuộc đời làm triết học trong hoàn cảnh phi triết học, hoàn cảnh mà người ta chỉ cần minh họa và phổ biến những luận điểm triết học có sẵn, không cần sự nghiên cứu, khám phá.

Sau khi qua đời,  giá trị của GS Trần Đức Thảo được Nhà nước nhìn nhận lại với những truy tặng: huân chương Độc lập, giải thưởng Hồ Chí Minh. Một phần nhỏ trong số di sản đồ sộ của ông đã được tập hợp, dịch sang tiếng Việt và xuất bản. Tiến sĩ Cù Huy Chữ đã bỏ công lưu trữ di sản bề thế của ông với gần 200 tác phẩm bằng tiếng Việt, Pháp và Đức với khoảng 15 ngàn trang, mà chỉ riêng danh mục để liệt kê về  "di sản Trần Đức Thảo" đã dày hơn 500 trang.

Cho rằng"một đất nước hùng cường, sánh với với năm châu không thể không có triết học",GS Nguyễn Đình Chú đặt vấn đề: cần nghiên cứu, khám phá toàn diện và thấu đáo giá trị tư tưởng triết học Trần Đức Thảo, để từ đó thúc đẩy triết học Việt Nam.

Tuy nhiên, vị giáo sư cao tuổi cũng nhận thấy "điều này không dễ" bởi đòi hỏi người làm phải  có trình độ tiếng Pháp, đặc biệt là tiếng Đức thật giỏi; có trình độ hiểu biết nhất định về triết học thế giới; có hiểu biết về khoa học tự nhiên như vật lý học hiện đại, sinh vật học, khoa học nhân văn (nhân chủng học, sử học, tâm lý học, ngôn ngữ học, logic học) và quan trọng nhất là năng lực tư duy trừu tượng khoa học, trong khi thế mạnh của người Việt lại là tự duy cụ thể.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, GS Hoàng Chí Bảo phân tích, lâu nay việc nghiên cứu triết học ở Việt Nam bị mờ, nhòe vì lẫn với lý luận chính trị. Vị ủy viên Hội đồng lý luận trung ương này đề xuất cần sửa sai; trả lại cho triết học vị trí độc lập, tách hẳn nghiên cứu triết học độc lập với lý luận chính trị, nếu không thì nghiên cứu khoa học sẽ tiếp tục lạc hậu.

Bài học "siêu sư phạm"
Tiếp thu những bài học từ di sản đồ sộ của GS Trần Đức Thảo là điều không dễ với đa số người Việt Nam. Tuy nhiên những học trò, trực tiếp hoặc gián tiếp, đã thụ giáo được ít nhiều tinh thần cao đẹp từ nhà khoa học chân chính này.

Một số học trò khóa 1 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn còn nhớ tới hình ảnh người thầy  đến lớp không một mẩu giáo án, không ngồi ở ghế mà ngồi lên bàn, không hề nhìn sinh viên, chỉ ngước lên trần giảng đường, nói thì lúng túng, thỉnh thoảng tự mỉm cười.  Giờ giảng cho sinh viên sư phạm nhưng sinh viên y dược học chung sân cũng sang nghe, đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông từ phòng chính đến chuồng gà chật ních người nghe và tĩnh lặng.

Theo GS Nguyễn Đình Chú, người thầy tưởng như "phản sư phạm" ấy chính là một bậc "siêu sư phạm" vì đã gieo vào lòng ông mộtám ảnh suốt đờivề phải đeo đẳng và phấn đấu thèm khát suy nghĩ, thèm khát một năng lực tư duy trừu tượng khoa học.

Còn PGS Phạm Thành Hưng đúc kết, việc nghiên cứu và xuất bản di sản triết học của Trần Đức Thảo để lại hai bài học. Bài học về phương pháp tư duy và bài học "không kém phần quan trọng, đồng thời dễ có nhất", là bài học về nhân cách của người trí thức, cũng là bài học làm người.

GS Hưng cũng đem tới hội thảo một câu chuyện ông quan sát bấy nay.

Do điều kiện sống thiếu thông tin trầm trọng, phải đợi đến khi xuất bản sách Trần Đức Thảo, PGS Hưng mới có trong tay trọn vẹn văn bản "Nội dung xã hội truyện Kiều" mà GS Thảo viết cho Tập san ĐH Sư phạm. Bài phê bình văn học sử này khiến ông có cảm giác như đã đọc ở đâu rồi, những ý kiến này có vẻ trùng lặp với một số quan niệm, luận điểm trong các chuyên luận hay giáo trình đại học nào đó. Đọc lại nhiều lần, đưa ra so sánh, PGS Hưng mới biết các tác giả chuyên luận và một số nhà phê bình đàn em đã thực sự kế thừa các luận điểm của Trần Đức Thảo mà không hề chú thích nguồn, xuất xứ.

"Tôi nghĩ, chắc các tác giả đó cũng không có điều kiện, hoặc không có đủ dũng khí đến gặp mà "có nhời" với cụ. Giai phẩm Tập san... chắc chắn thuộc số tư liệu kín, độc giả phổ thông rất khó có điều kiện tiếp xúc. Hơn nữa, việc chú thích một nhân vật hàng đầu của phong trào Nhân văn - Giai phẩm sẽ để những hệ lụy khó lường" - PGS Hưng phỏng đoán.

Nghỉ mà chưa an  
Sau khi nghỉ ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cuộc đời GS Thảo là chuỗi cô đơn, với những câu chuyện rớt nước mắt về một lối sống không thể giản tiện hơn (bỏ gạo lẫn nước mắm nấu cơm, bán dần đồ đạc, sách vở để sống, đi trên vỉa hè thường lẩm bẩm một mình...).

Trong những năm cuối đời, GS thiết tha một điều là sau khi mất, sẽ được về an giấc ngàn thu nơi quê cha đất tổ ở làng Song Tháp.

GS Nguyễn Đình Chú không giấu nổi nước mắt khi nhắc nhớ: "Triết gia không vợ con, lại xa quê họ tổ, chỉ có một người cháu ruột đã cao tuổi và sống trong Nam. Hài cốt của ông được nhà nước lệnh cho sứ quán đưa từ nghĩa tang Pere Lachaise về Văn Điển, nhưng ông nghỉ mà chưa an. Mong quê nhà đón ông về yên nghỉ".

   Hạ Anh

GS Trần Đức Thảo sinh tại làng Song Tháp, Châu Khê, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, năm 1917.

Năm 1936, ông được nhận học bổng sang Paris, Pháp để thi vào trường Đại học Sư phạm Paris. Ông tốt nghiệp thạc sĩ triết học hạng nhất tại Pháp lúc mới 26 tuổi (1942).
Thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học ở Pháp, Trần Đức Thảo đã viết thư gửi về Tổ quốc, bày tỏ tình yêu nước nồng nàn.

Năm 1952 ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.

Sau 1954 về Hà Nội, ông kết hôn, đến năm 1967 thì ly hôn.

Năm 1955, ông trở thành giáo sư Triết học và là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ông bị quy tội dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giật mình khi ông 'thấy nhục', thưa giáo sư!



(Petrotimes) – Trong khi nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải có quốc phục thì mới đây một vị GS, TSKH hùng hồn tuyến bố: Không quốc phục, đi họp quốc tế… thấy nhục.

http://petrotimes.vn/stores/news_dataimages/letruc/052013/07/13/GS_To_Ngoc_Thanh_8_hoang_tuan.jpg
Ông Tô Ngọc Thanh



Giáo sư nọ chính là ông Tô Ngọc Thanh, cũng là tiến sĩ khoa học ngành Âm nhạc dân tộc học, hiện là Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Ông Thanh được mệnh danh là một “pho tự điển sống”, có kiến thức uyên bác, là cây đại thụ về âm nhạc dân tộc, văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông cũng là người có tên trong “nhân tài đất Việt, là “Nguyên khí quốc gia”.

Vài ngày trước, trả lời báo chí về vấn đề quốc phục, lễ phục, một vấn đề đang được Bộ VHTT&DL lấy ý kiến rộng rãi, ông Thanh cho biết đó là điều cần thiết, đặc biệt ông nói bản thân mình thấy nhục khi đi họp quốc tế lại mặc veston.

Ông Thanh nói: “Tôi là người thường xuyên tham gia các cuộc họp, các sự kiện liên quan đến quốc tế như APEC, nhiều lần thấy nhục khi các đại biểu quốc gia khác mặc quốc phục mang đặc trưng văn hóa của nước họ thì mình lại mặc áo veston. Ví như, Indonexia, các tiểu vương quốc Ả rập, Hàn Quốc… họ vẫn mặc trang phục riêng của họ, trong khi nước mình cũng có những trang phục riêng mang bản sắc văn hóa thì mình vẫn phải mặc veston đi họp…”

Chưa bàn đến chuyện quốc phục có cần thiết hay không nhưng phát ngôn “thấy nhục” của ông Thanh khiến nhiều người sẽ phải giật mình, thảng thốt. Có thể, các đại biểu Việt Nam tham dự các sự kiện mang tính chất ngoại giao “đều thấy được sự cần thiết của những bộ lễ phục vì nó mang tính chất biểu trưng cho tinh thần và văn hóa Việt Nam” như lời ông Thanh nói đi chăng nữa thì chuyện “thấy nhục” của ông cũng hết sức đáng nói!

Bởi nói như ông thì hàng ngàn năm nay chúng ta đều thấy xấu xa đau khổ chỉ vì chuyện không có quốc phục hay sao?

Quốc phục, thực chất đó là đặc trưng của người Việt trong cái sự mặc của dân tộc. Và đặc trưng văn hóa của một dân tộc chắc chắn không phải là thứ mà ta có thể khiên cưỡng, gò ép mà thành. Thử hỏi hiện tại, trang phục nào không thể thiếu trong tủ quần áo mỗi gia đình? Rất tiếc, trong kho tàng trang phục của 54 dân tộc nước ta không có trang phục nào quan trọng đến thế!

Đóng góp ý kiến vào việc chọn quốc phục như ông Thanh là điều đáng hoan nghênh, song thay vì nêu lên luận điểm để tranh luận, chứng minh cần có hay không có quốc phục thì ông lại bày tỏ cảm xúc kiểu dằn vặt tự kỷ không đáng có.

Thưa giáo sư Thanh, gần 70 năm sau ngày độc lập xã hội hiện tại của chúng ta có rất nhiều thứ đáng để cảm thấy xót xa, đáng để quan tâm hơn nhiều lần so với chuyện “vẫn phải mặc áo veston đi họp”! Đó là những chuyện quốc kế dân sinh hay ở lĩnh vực của ông, đó là chuyện làm sao bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa dân tộc dân gian đang ngày mai một; hay là chuyện xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân trước khi họ từ giả cõi đời…

Hơn nữa, không phải đất nước nào trên thế giới này cũng đều có quốc phục để một ai đó phải nhục vì ta… khác người! Trái lại có nhiều nước trên thế giới này dù không hề có quốc phục nhưng họ vẫn có thể rất tự hào vì sự phát triển trong các lĩnh vực, nhất là vấn đề dân sinh.

Và nói gì đi nữa thì việc một GS-TSKH lại “thấy nhục” khi thiếu một bộ quốc phục cũng là điều khiến người ta phải giật mình; nhất là trong lúc công chúng đang lưu tâm đến những chuyện dân sinh, hay các chuyện quyên sinh vì túng quẫn xuất hiện trên báo chí thời gian qua...

Trúc Vân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

 Cả làng không nhà nào… có cửa



DT - Ở vùng Đất Mũi Cà Mau có một ngôi làng toàn những ngôi nhà không cửa. Điều kỳ lạ là ngôi làng thân thiện này chưa từng bị… trộm “thăm viếng” bao giờ.

Chiếc xuồng máy lượn vòng vèo trên sông rạch, giữa rừng đước bạt ngàn. Mùi cá tôm phơi khô đặc trưng của làng chài lưới Đất Mũi Cà Mau cứ phảng phất, mặn nồng. Nhà không cửa nối tiếp nhau, tựa lưng vào rừng, quay mặt ra sông rạch. Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển - Cà Mau, nói: “Ở xứ này, nhà không cửa mới quý hơn nhà có cửa”.

http://dantri4.vcmedia.vn/I3KdHJtU0B3ELPKGaTLe/Image/2013/01/kocua1-60c8b.jpg
Nhà không cửa tiện lợi cho sinh hoạt và lao động của người dân Xóm Mũi



Cởi mở, chân thành, phóng khoáng
Do quá trình đô thị hóa, những ngôi nhà xây khang trang ngày càng mọc lên nhiều hơn nên nhà không cửa ở Đất Mũi cũng vơi dần theo năm tháng. Hiện chỉ còn duy nhất ấp Xóm Mũi, mảnh đất cuối cùng trên dải đất hình chữ S có hơn 80% nhà không cửa.

Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng ấp Xóm Mũi, cho biết: “Ấp Xóm Mũi có 341 hộ thì có khoảng 300 ngôi nhà không cửa. Khoảng năm 1995 trở về trước thì số nhà không cửa ở ấp này là 100%. Còn khoảng trước năm 1990 thì cả xã Đất Mũi hầu như là nhà không cửa”.Ngôi nhà sàn lợp lá dừa nước nép bên con lộ nhựa mới toanh dẫn vào Khu Du lịch Mũi Cà Mau của gia đình ngư dân Nguyễn Văn Đá (Tám Đá) trống tênh hênh, lộ rõ cả khu rừng phía sau nhà. Vợ chồng ông Tám Đá tươi cười, mời khách ngồi xuống sàn nhà làm bằng ván đước đen nhánh: “Hơn 4 đời nhà tôi ở đây, ông nội ở nhà không cửa, cha mẹ tôi sinh cả chục anh em tôi cũng ở nhà không cửa. Tám đứa con tôi đã lập gia đình ra ở riêng cũng vậy, toàn nhà không cửa”.

Cơn gió nhẹ từ biển thổi vào, mát tận ruột gan, tôi cảm nhận rõ sự dễ chịu của những ngôi nhà không cửa nơi miền cuối đất này. Tuy nhiên, điều thú vị là tài sản của gia chủ từ trước ra sau, ti vi, tủ lạnh, xe máy, tủ quần áo...  phơi bày ra hết giữa ngôi nhà không cửa như sự cởi mở và phóng khoáng của con người nơi đây.

Từ nhà ông Tám Đá, men theo con đường đất nhỏ xíu dẫn xuống xóm nhà ôm hai bờ con lạch nhỏ nối liền ra bãi biển, chúng tôi không khỏi kinh ngạc với hàng chục ngôi nhà san sát nhau đều không cửa. Đứng từ bên ngoài nhìn vào có thể thấy xuyên qua xóm bên kia sông, gió lùa thông thống.

Anh Nguyễn Văn Ngọt nói vui: “Do nghèo quá, cất xong nhà rồi mà không có tiền làm cửa nên để vậy đó!”. Do nhà không cửa nên tôi dễ dàng nhận thấy nhà nào cũng có tivi, dàn máy karaoke, tủ lạnh… và đầy ắp tiếng cười. Tôi hỏi anh Ngọt nhà có xe máy không? Anh bảo nhà nào cũng có nhưng do đường vào xóm nước dâng lầy lội nên gửi hết ở những nhà người quen bên ngoài lộ nhựa.

“Nói là gửi nhưng chỉ để tạm ngoài sân thôi vì nhà người ta cũng không được rộng rãi lắm đâu”- anh Ngọt giải thích thêm. Tôi hỏi: “Để vậy luôn cả đêm à?”. Anh Ngọt đáp tỉnh rụi: “Nhằm nhò gì. Để cả tuần hay cả tháng cũng chẳng sao!”. Theo nhiều người, do Đất Mũi chỉ có một con đường nên dù có muốn lấy trộm xe máy thì kẻ trộm cũng không có đường tẩu tán nên chẳng lo mất. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Tùng, Trưởng ấp Xóm Mũi, đó chỉ là một phần nhỏ của lý do. Cái chính là do bà con ở đây không có tính tham lam.

“Nếu nói đường độc đạo không thể tẩu tán đồ gian là chưa chính xác vì nơi đây sông nước mênh mông và sát cửa biển, kẻ trộm hoàn toàn có thể mang đồ đi bằng đường thủy. Hơn nữa, những thứ dễ che giấu hơn như máy nổ, xe đạp, vật dụng trong nhà để trơ trơ ra đó mà có thấy ai bị mất đâu. Thậm chí chưa có ai kêu ca bị mất tiền, vàng…” - ông Tùng quả quyết.

Công an “thất nghiệp”
Ông Tùng cho biết từng làm công an ấp rồi đến trưởng ấp suốt 10 năm mà chưa ghi nhận một vụ trộm nào đáng kể. Nếu có thì chỉ có vài vụ giải quyết mấy đứa trẻ phá phách bắt trộm vài con tôm, con cá mà thôi.

Ngôi nhà sàn nơi cuối ấp là vựa tôm cá của ông Nguyễn Hoàng Phúc. Ông Phúc quê ở Bạc Liêu, xuống đây cưới vợ, lập nghiệp gần 20 năm. “Xứ này dễ kiếm sống và chẳng có trộm cắp gì hết”- ông Phúc nói rồi chỉ vào chiếc giường đặt cạnh lối đi: “Tui không làm phách đâu, lúc nào trong nhà cũng có vài chục đến hàng trăm triệu, đồng để trên đầu giường. Khách khứa mua bán vô ra nườm nượp nhưng chưa mất cắp đồng nào!”.

Ông Mã Công Toại, từng làm công an xã Đất Mũi, tâm đắc: “Mấy năm tui làm công an, không giải quyết vụ mất cắp nào. Gần đây, Khu Du lịch Đất Mũi hoạt động, có vài kẻ xấu từ nơi khác kéo đến kiếm chác nhưng không đối tượng nào thoát được. Bà con mình hay lắm, khi phát hiện thì giải quyết ngay, không cần đến công an”.

Cuộc đời làm công an của ông Toại có giải quyết duy nhất vụ “mất cắp”. Tết năm 2010, anh ngư dân trong làng tên Đen để xe máy trước nhà rồi đi ngủ, chìa khóa vẫn cắm trong ổ. Sáng ra, khi thức giấc, anh không thấy chiếc xe mới tá hỏa đi báo công an.

Không ngờ, mới thất thểu đi được 1 đoạn thì anh Đen đã thấy chiếc xe máy của mình ngay trước trung tâm chợ xã. Thấy lạ, vì lần đầu tiên trong đời nghe có người mất trộm xe máy nên người dân tự tổ chức điều tra, lần hỏi xung quanh. Khi hỏi đến anh Năm bán cà phê ở gần nhà lồng chợ Đất Mũi thì mới biết được nguyên nhân vụ việc.

Anh Năm tỉnh bơ: “Trộm đạo gì, bữa ấy tao đi nhậu với mấy thằng bạn, say quá. Trên đường lội bộ về mỏi chân, thấy thằng cha nào đậu xe ngoài sân, để nguyên chìa khóa, tao leo lên đề máy, chạy về cho đỡ mỏi chân, rồi để xe ở ngoài chợ cho nó dễ tìm đấy mà”.

Đêm xuống, chúng tôi ngủ lại một nhà ngư dân nơi Xóm Mũi. Anh bạn đồng nghiệp ôm khư khư chiếc túi đồ nghề, trằn trọc không dám ngủ. Thấy vậy, bác Tám chủ nhà bảo: “Mấy chú cứ yên tâm mà ngủ đi, sáng ra có mất gì tôi đền cho”. Nghe vậy anh bạn tôi vứt túi đồ nghề sang một bên, đánh thẳng một giấc cho tới sáng.

Duy Nhân
(Báo Người lao động)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ông Thủ Huồng



Người dân Nam bộ, hầu như ai cũng từng nghe qua câu ca dao Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về. Không chỉ địa danh Nhà Bè, mà cả chùa Chúc Thọ ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) đều gắn với những giai thoại rất thú vị về Thủ Huồng...

“Bó tre lên cất nhà bè”  

Tương truyền ngày xưa ở Cù Lao Phố có ông Võ Thủ Hoằng, làm chức nha lại (chạy giấy tờ cho quan quân sở tại) nhưng rất giàu có nhờ chuyên cho vay nặng lãi. Đã cho vay nặng lãi thì y đâu ngại những việc làm thất đức để gia sản của mình ngày một bành trướng. Uy lực của Võ Thủ Hoằng bao trùm thiên hạ khiến người dân địa phương không dám gọi y bằng tên thật mà gọi trại là “Thủ Huồng”.

Một hôm Thủ Huồng nằm mơ thấy mình lạc xuống địa ngục, chứng kiến những màn tra tấn, khảo hình rất rùng rợn. Đến nơi kia, thấy giữa rừng người bị gông xiềng, đánh đập bỗng nổi lên một chiếc gông rất to, nhưng chưa có người (bị gông). Hỏi đám âm binh thì được trả lời: “Chiếc gông này là để dành cho một người có tên là Thủ Huồng, vì những điều ác đức xưa nay hắn đã làm!”. Bủn rủn chân tay, mồ hôi vã ra như tắm, Thủ Huồng hỏi: “Có cách gì thay đổi được không?”. Đáp: “Có thể được, nếu hắn bỏ điều ác, tu thân tích đức”.

http://www.thanhnien.com.vn/Pictures201212/mangxahoi/tuongphat2.jpg
Ba bức tượng Phật tại Cù Lao Phố - Ảnh: Tư liệu



Tỉnh dậy, Thủ Huồng thay đổi hẳn cách sống. Ông thường hay bố thí cho người nghèo và làm những việc nghĩa, mà điển hình là việc tạo nên địa danh Nhà Bè. Thuở ấy, miệt Đồng Nai - Gia Định còn rất hoang vu, dưới sông sấu lội, trên bờ cọp vây. Ở đoạn qua phà Bình Khánh bây giờ, dòng sông chia làm hai nhánh, một chảy về Nhơn Trạch (Đồng Nai), một chảy về Cần Giờ (TP.HCM). Vùng này đầm lầy nước mặn, không có ruộng (gạo), không có nước ngọt, lên bờ lấy củi thì sợ sấu ngoạm, cọp vồ. Thấy sự khốn khó của dân tình, Thủ Huồng đã cho người lấy tre kết thành một mảng bè lớn neo gần ngã ba sông, phía trên làm nhà lợp mái, trong nhà để sẵn gạo, muối, nước ngọt, củi để ai cần đều có thể lấy sử dụng, hết thứ nào ông lại cho ghe chở ra tiếp tế...

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có chép: “Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè. Sau này đường thủy, đường bộ lưu thông, dân cư đông đúc, người qua lại đều dùng ghe nhà nên đò dọc phải dẹp bỏ... Cầu Thủ Huồng giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) tương truyền do Võ Thủ Huồng xây dựng đến nay vẫn còn”.

Chuyện ông Thủ Huồng làm bè tre cất nhà còn được ghi trong một cuốn sách cổ: “Phú hộ là ông Thủ Hoằng/Thương người khổ não lăng xăng trăm bề/Bó tre lên cất nhà bè/Sắp đồ thập vật ê hề làm ơn/Để mà tế cấp hành nhơn/Chẳng thèm tính thiệt, so hơn lằng xằng/Dân bèn bắt chước Thủ Hoằng/Nhà bè sắm sửa giăng giăng chất đều/Nhóm lên chợ nước dập dều/Nay còn để tiếng tục kêu Nhà Bè...” (Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, xuất bản ở Sài Gòn 1906).

Hàng trăm năm trôi qua, ngôi nhà “làm phước” của Thủ Huồng không còn nữa nhưng cái tên Nhà Bè thì đã ở lại với cư dân Nam bộ nói chung và miền đất Đồng Nai - Gia Định nói riêng...


http://www.thanhnien.com.vn/Pictures201212/mangxahoi/tuongphat3.jpg
Chùa Chúc Thọ



Dựng chùa và... đầu thai
Lại nói về Thủ Huồng, sau một thời gian tự tu sửa, làm lành lánh ác: bố thí cho người nghèo, dựng nhà bè trên sông vắng... Một đêm kia ông lại nằm mơ, thấy mình trở lại thăm “chốn cũ”, thấy cái gông (dành cho mình) vẫn còn đó nhưng đã nhỏ đi nhiều phần. Tỉnh dậy, ông đem tất cả gia sản phân phát cho người nghèo đồng thời dựng trên đất Cù Lao Phố một ngôi chùa rồi lánh mình vào đó, xuất gia thờ Phật; tên gọi ngày nay là chùa Chúc Thọ, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Thủ Huồng.

Liên quan đến Thủ Huồng, còn có chuyện ông được đầu thai vào địa vị cực kỳ cao quý (xin nhắc, đây chỉ là những giai thoại do dân gian truyền khẩu). Dân gian đồn rằng, khi vua Đạo Quang (1782 - 1850), của nhà Thanh bên Tàu mới chào đời, người ta phát hiện trong lòng mỗi bàn tay của ngài có một chữ viết, nhưng họ chỉ đọc được chữ “Thủ” (là chữ Hán) ở một bàn tay, còn chữ ở bàn tay kia thì không đọc được, nên vẫn còn là một dấu hỏi, tồn tại nhiều năm. Đến khi vua Đạo Quang lên ngôi, có sai sứ sang bang giao với nước ta. Thấy dân bản xứ tuy cũng dùng chữ Hán nhưng lại còn có một thứ chữ “quen quen”, hỏi mới biết là chữ Nôm. Lại gợi chuyện hỏi về cái chữ “nghi án” còn nằm trong lòng bàn tay của “thiên tử”, mới biết đó là chữ “Huồng” của người nước Nam. Sứ thần cho điều tra, biết rằng ở Cù Lao Phố miền Lộc Dã, Trấn Biên của nước sở tại có một người tên là Thủ Huồng, trước là một tài phiệt, sau tu thân tích đức, dựng chùa đi tu... Tuy ông chết đã lâu nhưng hiện vẫn còn ngôi chùa mang tên ông ở nơi chôn nhau cắt rốn.

Sứ thần về tâu lại, vua Đạo Quang mới biết rằng “tiền kiếp” của mình vốn là... ông Thủ Huồng nào đó ở An Nam quốc. Vua bèn sai thợ chế tác 3 tượng Phật “Tam thế” bằng gỗ trầm hương, chở sang Cù Lao Phố dâng cúng ngôi chùa có “duyên nợ” với vận mệnh của mình.

Trước năm 1975, nhà giáo Nguyễn Tài Năng ở Phong Dinh (nay là Cần Thơ) có làm bài thơ: “Luân hồi nhân quả trả vay luôn/Đáng kể làm gương có Thủ Huồng/Cho nợ nhiều lời, Diêm chúa giận/Hốt tiền kém nghĩa, thế nhân buồn/Bắc cầu, sửa lộ, ơn ngàn ức/Vét rạch, xây chùa, đức vạn muôn/Còn có Đạo Quang, Tam-Thế-Phật/Làm giàu chánh đáng, mới vuông tròn”.

Ba bức tượng Phật (tương truyền của vua nhà Thanh dâng cúng) hiện vẫn còn được lưu giữ tại chùa Chúc Thọ (sau lưng Đại Giác cổ tự) thuộc ấp Nhị Bình, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

Hà Đình Nguyên  (Báo Thanh Niên)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhà văn “danh gia vọng tộc” Lê Văn Thảo: Sống như anh Hai Sàigòn



LĐĐS - Với những người sơ giao với Lê Văn Thảo, họ chỉ biết rằng ông từng làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM và Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng ngoài chức vụ và các giải thưởng văn chương, tác phẩm của ông còn dựng thành phim được đông đảo người xem yêu thích.  

http://laodong.com.vn/Uploaded/vudangthanhhai/2013_06_07/le-van-thao.jpg?width=440&height=293&crop=auto&speed=0
Nhà văn Lê Văn Thảo



Đọc văn của Lê Văn Thảo, thấy rõ ông là người nhiều mơ mộng, truyện của ông rất giàu chất thơ. Tập truyện mới nhất “Lên núi thả mây” (NXB Văn học và Nhã Nam) của Lê Văn Thảo cũng giàu chất thơ như vậy, dù vẻ bề ngoài của ông rất “khó tính”.

Ông “quan văn” chịu chơi bậc nhất Nam Bộ
Tôi và một số nhà văn trẻ có nhiều dịp “lang thang” cùng nhà văn Lê Văn Thảo trên khắp nẻo đường Bắc-Trung-Nam. Lê Văn Thảo là người “hay đi”, gần như ông đi “ngoài đường” nhiều hơn ở Sài Gòn. Gần gũi với ông, mới thấy ông rất dễ thương và chịu chơi kiểu “anh Hai Sài Gòn” thứ xịn. Trong các cuộc “lang thang” này, mọi chi phí đều từ tiền túi của Lê Văn Thảo, trong khi ông có quyền dùng tiền của Hội Nhà văn TPHCM dưới danh nghĩa “đi sáng tác”.

Mới đây, tôi gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe của ông thế nào, vì nghe anh em văn nghệ nói ông đang mắc bệnh nan y do tuổi già sinh ra. Giọng ông trong điện thoại vẫn vang lên đều đều như vốn vậy: “Mày có biết tao đang ở đâu không?”. Thì ra ông dẫn bạn văn vong niên Trần Nhã Thụy và một vài người của Đài Truyền hình TPHCM đi ra quần đảo Nam Du ở tỉnh Kiên Giang để làm phim. Lúc tôi gọi điện thoại, Lê Văn Thảo nằm ở nhà khách một mình trên đảo, còn Trần Nhã Thụy đang cùng các bạn truyền hình đi leo núi. Tôi nói vui: “Ai chứ Trần Nhã Thụy đi tán gái chớ không leo núi đâu chú, cháu biết tính Thụy mà?”. Lê Văn Thảo nói ngay: “Thì thằng Thụy nó vừa leo núi vừa tán gái. Ở ngoài đảo này có nhiều cô đẹp lắm à! Tao thấy còn muốn tán huống gì thằng Thụy!”.

Thông qua rất nhiều lần giao tiếp trên những chuyến đi với Lê Văn Thảo và đọc tác phẩm của ông, tôi tin rằng ông là một trong số ít nhà văn Nam Bộ am tường mảnh đất này và viết rất hay về nó. Tôi từng đọc tác phẩm “Đêm Tháp Mười” của Lê Văn Thảo viết vào thời chiến tranh những năm 1960. Đọc tác phẩm này tôi thực sự kinh ngạc vì nó có một chi tiết rất “điện ảnh” giống như phim “Cánh đồng hoang” do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản. Phim “Cánh đồng hoang” xuất hiện sau ngày hòa bình, “Đêm Tháp Mười” có từ thời chiến tranh, không lẽ nào Lê Văn Thảo “mượn ý tưởng” của Nguyễn Quang Sáng? Đem thắc mắc này hỏi Lê Văn Thảo, ông chỉ cười: “Ông Sáng là đàn anh của tao, mãi mãi là đàn anh của tao. “Cánh đồng hoang” là phim còn “Đêm Tháp Mười” là truyện, giống nhau cũng có sao đâu!”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và Lê Văn Thảo đều lần lượt làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM. Trong mắt một kẻ hậu sinh “thích rượu” như tôi, Nguyễn Quang Sáng và Lê Văn Thảo khác nhau ở một điểm cơ bản dựa trên “hệ quy chiếu… rượu”. Đó là nhà văn Nguyễn Quang Sáng chỉ đi uống rượu do các “fan” của ông mời. Còn Lê Văn Thảo đi đâu cũng đem theo cả đống rượu để mời những người ông yêu quý. Nguyễn Quang Sáng lớn hơn Lê Văn Thảo một vài tuổi, nhưng ông Sáng vẫn uống tốt, còn Lê Văn Thảo giờ chỉ uống rượu vang. Tuy uống rượu vang, nhưng đi đâu ông Thảo cũng mang theo một balô rượu loại chai 50ml bé như viên kẹo để mời bạn bè. Có chuyện vui thế này đã khiến nhà văn Lê Văn Thảo gọi tôi là “thằng ba xạo”. Ấy là có lần đang ngồi uống “rượu chùa” của Lê Văn Thảo, một người bạn rủ tôi đi nhậu. Tôi nói đang uống rượu với “ba Thảo”: “Tao uống hết 5 chai Chivas rồi!”. Ông Thảo nói: “Thằng ba xạo. 5 chai chút xíu, mày nói vậy người khác nghe tưởng mày là bợm rượu”.

Giữa năm 2010, Lê Văn Thảo chỉ dùng nửa số tiền ngân sách cấp cho Hội Nhà văn TPHCM, nửa còn lại ông để dành cho ban lãnh đạo hội nhiệm kỳ sau, vì cuối năm đó ông sẽ về hưu. Người rành mạch về tiền bạc, lại “chịu chơi” như Lê Văn Thảo thật rõ tính cách “anh Hai Sài Gòn” trong ông. Vậy mà có người trong Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ mới không biết, lại nghĩ oan ông Thảo đã xài hết tiền nên giờ họ không còn đồng nào để hoạt động. Sự thực thì nhà văn Lê Văn Thảo không bao giờ thiếu tiền. Ông có một khoản thừa kế cả ngàn lượng vàng, nhưng ông đều dành hết cho các người em của mình mà không đụng đến một xu nào.

http://laodong.com.vn/Uploaded/vudangthanhhai/2013_06_07/le-vu-cau.jpg
Diễn viên quá cố Lê Vũ Cầu từng diễn trong phim “Ông cá hô” - chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Lê Văn Thảo.




Dòng họ Dương “kỳ lạ” trong lịch sử Việt Nam hiện đại
Lê Văn Thảo vốn học đại học khoa học tự nhiên tại Sài Gòn, năm 1962 ông rủ em ruột là đạo diễn Lê Văn Duy vào chiến khu. Mãi đến năm 1965 ông mới bắt đầu viết lách, lúc đó ông viết ký chiến trường. Lê Văn Thảo vào chiến khu, xuất phát từ việc cha của ông là nhà giáo Dương Văn Diêu đã tập kết ra Hà Nội trước đó. Cụ Dương Văn Diêu từng làm hiệu trưởng một trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Nhắc đến cụ Dương Văn Diêu, nhà văn Lê Văn Thảo rất tự hào, vì rằng nhà giáo Dương Văn Diêu đã đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh sau này đều thành đạt, có người trở thành nguyên thủ của quốc gia.

Có lẽ bạn đọc sẽ thắc mắc vì sao cha họ Dương mà con lại họ Lê? Đơn giản vì chàng thanh niên Dương Ngọc Huy và em trai khi vào chiến khu đổi tên thành Lê Văn Thảo và Lê Văn Duy để giữ bí mật. Cũng xin nói thêm, dòng họ Dương của nhà văn Lê Văn Thảo có nhiều người rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Lê Văn Thảo gọi Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và tướng “Việt cộng” Dương Văn Nhật là bác. Vì ông Dương Văn Minh, Dương Văn Nhật và cha của Lê Văn Thảo - cụ Dương Văn Diêu là anh em chú bác ruột.

Dòng họ Dương của Lê Văn Thảo quả là rất “kỳ lạ”, vì dù ở phía “bên này” hay “bên kia” chiến tuyến đều làm quan to, đều góp phần vào vòng quay của lịch sử Việt Nam hiện đại. Trong lĩnh vực nghệ thuật, gia đình Lê Văn Thảo có ba anh em ruột đều làm “quan văn nghệ”, gồm: Lê Văn Thảo (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM), Lê Văn Duy (nguyên Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), Dương Cẩm Thúy (Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM).

Trong năm 2010, tôi có dịp cùng nhà văn Lê Văn Thảo, Đoàn Thạch Biền, Thái Bá Lợi, Nguyễn Hoàng Thu, Nguyễn Thanh, Trung Trung Đỉnh… làm một chuyến “lang thang” Tây Bắc. Đến bất cứ tỉnh nào trong tất cả các cuộc giao tiếp, nhà văn Thái Bá Lợi đều giới thiệu: “Đây là nhà văn Lê Văn Thảo, một người rất đặc biệt, tiếng Campuchia gọi là “xăm-đét” dịch ra tiếng Việt nghĩa là Hoàng thân - Lê Văn Thảo”.

Thái Bá Lợi giới thiệu như vậy, vì trước đó trong một hội thảo văn học ba nước Đông Dương, các nhà văn Campuchia xuất thân trong hoàng tộc có mặt rất nhiều. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - giới thiệu các nhà văn trong hoàng tộc Campuchia là “xăm-đét” liên tục. Thái Bá Lợi nói với Hữu Thỉnh: “Đoàn Việt Nam cũng có “xăm-đét” sao Thỉnh không giới thiệu?”. Hữu Thỉnh hỏi “Ai là hoàng thân?”. Thái Bá Lợi chỉ vào Lê Văn Thảo: “Ông Thảo gọi Tổng thống Dương Văn Minh là bác, vậy cháu cùng họ với “Quốc trưởng” có phải là hoàng thân không?”.
[...]

TRẦN HOÀNG NHÂN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dịch thuật và phê bình dịch thuật



TT - Thiếu những nhà phê bình "ném đá", những dịch giả bị "ném đá" và hoàn toàn vắng mặt các dịch giả miền Nam, đó là nhận xét của dịch giả Trần Thiện Ðạo và cũng là của hầu hết cử tọa tham gia cuộc tọa đàm với chủ đề đang rất thời sự "Dịch thuật trong đời sống xuất bản hiện nay".

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/177/632177.jpg
Các dịch giả tham gia tọa đàm (từ trái qua): Trần Lê Thùy Linh, Đào Bạch Liên, Phạm Xuân Nguyên, Lê Hồng Sâm, Trịnh Lữ, Lương Việt Dũng -  Ảnh: Xuân Minh



Tuy nhiên, cuộc tọa đàm được L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp) và Nhã Nam tổ chức vẫn thu hút khoảng 400 người đến dự. Ngoài các dịch giả chuyên nghiệp và nghiệp dư, các sinh viên và độc giả yêu văn chương thuần túy chiếm số đông áp đảo, dù được tổ chức ngay trong giờ hành chính. Ðiều đó thêm một lần chứng tỏ sức nóng của chủ đề này không chỉ ở trên mạng.

Cốt lõi vẫn là văn hóa của người dịch
"Ngày xưa các đồng nghiệp đàn anh của chúng tôi như anh Huỳnh Lý, anh Ðỗ Ðức Hiểu... không có điều kiện ra nước ngoài, nhưng khi đọc bản dịch của các anh ta vẫn thấy được cái không khí, cái chất của tác giả, của nền văn hóa đó..." - dịch giả Lê Hồng Sâm, một chuyên gia về văn học Pháp, đã nói như vậy về các tác phẩm dịch của thế hệ mình. Theo bà, "hỏi là có lỗi dịch sai không? Chắc chắn là có. Nhưng không nhiều, không ảnh hưởng đến chất lượng chung của tác phẩm. Qua tác phẩm dịch, người đọc thấy được trình độ, trách nhiệm và thậm chí cả quỹ thời gian mà người dịch bỏ ra cho tác phẩm. Ngày xưa làm gì có điều kiện in nhiều, 3-4 năm chăm chút kỹ càng cho một tác phẩm thì chất lượng cũng phải khác dịch ào ào".

Ðẩy vấn đề gần hơn với những tác phẩm dịch hiện đại đang gây tranh cãi, dịch giả Trịnh Lữ - người đã dịch rất thành công Cuộc đời của Pi và giờ đây cũng đang chấp nhận bị mổ xẻ vì táo bạo dịch lại Gatsby vĩ đại thành Ðại gia Gatsby - cho rằng: "Các nhà làm sách và các dịch giả hiện nay nhiều khi bị chi phối bởi những giá trị khác ngôn ngữ, cho nên những tranh cãi hay phê phán với các bản dịch hiện nay tưởng là tranh cãi về ngôn ngữ nhưng thật ra là về văn hóa".

Ông Lữ cũng cho rằng: cùng một tác phẩm, bà Lê Hồng Sâm chắc chắn dịch khác hẳn ông Dương Tường, khác từ giọng điệu, cách chọn lựa cấu trúc, ngôn ngữ. Theo ông Lữ, khái niệm dịch đúng nên dành cho văn bản hành chính pháp luật, tài liệu lưu trữ. Bản dịch văn chương không chỉ gồm những từ đúng xếp cạnh nhau, theo dịch giả, nhà phê bình văn học George Steiner: bản dịch tạo ra một ngôn ngữ thuần túy, ở giữa hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa.

Cần một nền phê bình dịch thuật
Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng: các dịch giả thế hệ tiền bối sở dĩ có những bản dịch hay là vì không khí của văn hóa Pháp tràn ngập xã hội, học sinh phổ thông cũng có thể nói chuyện và đọc sách bằng tiếng Pháp, nên việc tiếp cận văn chương sẽ trở nên dễ dàng hơn. Người đọc ngày đó cũng ít hơn, vì xã hội ít người biết chữ hơn, nhưng nền giáo dục ngày đó đảm bảo đã biết chữ là có văn hóa, nên độc giả ngày đó thưởng thức tác phẩm một cách văn hóa hơn. Người đọc ngày nay đông hơn, có chữ nhưng chưa chắc có văn hóa, vì vậy phản ứng đa dạng từ khen, chê đến "ném đá" cũng là bình thường và cần phải có ứng xử thận trọng chứ không nên quá lo lắng. Cũng vì thế, mới thật sự cần đến vai trò của một nền phê bình dịch thuật.

Dịch giả trẻ Lương Việt Dũng cung cấp một thông tin rất đáng suy nghĩ: đầu thế kỷ 20, với một thị trường chưa mấy rộng lớn, bản dịch đầu tiên của Tuyển tập văn học châu Âu đã bán được 150.000 bản ở Nhật. Sau rất nhiều thăng trầm của sách in và của văn học dịch, sau nhiều tranh cãi về hai phong cách dịch: mô phỏng và chính xác, mới cách đây hai năm bản dịch Anh em nhà Karamazov đã được ấn hành với số lượng... 1 triệu bản. Một điều tra xã hội học cho biết: độc giả Nhật hiện đại thích bản dịch này vì... dễ đọc hơn. Trong khi đó, cách dịch mô phỏng hầu như đã không tồn tại ở VN mấy chục năm nay. Các nhà phê bình dịch thuật hoàn toàn vắng bóng trong những phân tích "thị trường" cần thiết như thế này.

Không khí của khán phòng nóng hẳn lên khi dịch giả Nguyễn Bích Lan đặt câu hỏi: "Có dịch giả nào đã và đang có bản dịch sai lỗi bị "ném đá" có mặt ở đây có thể chia sẻ cho chúng tôi, những người bắt đầu bước vào chặng đường chông gai của nghiệp dịch giả, một vài kinh nghiệm để đối phó và vượt qua?". Không ai đứng lên trả lời câu hỏi của chị. Tất cả những tên tuổi đã được nhắc đến hoặc tế nhị tránh nhắc đến đều không có mặt. Chỉ có một cử tọa đứng lên tự nhận là một dịch giả nghiệp dư chưa kịp có tên tuổi, trả lời mà như tự nói với mình: "Chẳng có cách nào khác, chúng ta đã chọn nghề này, chúng ta phải chấp nhận. Không ai có thể thành nghệ nhân mà không qua giai đoạn học việc. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế để vượt qua thôi, kể cả là mưa đá".


THU HÀ  lược ghi
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bài học từ những bữa cơm của mẹ



SGTT.VN - Ngày Gia đình Việt Nam năm nay cũng là ngày chuyên mục Giá trị sống (GTS) tròn bốn tuổi. Trùng hợp ấy do ngẫu nhiên, nhưng những bạn đọc trung thành với chuyên mục này ắt đã thấy hầu hết các nhân vật của GTS đều xem gia đình là thành phần quan trọng nhất trong công thức tạo lập hạnh phúc của họ. Nhớ lại gợi ý của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhân vật của GTS số đầu tiên bốn năm trước: “Những người đàn ông hãy trở về nhà vào những bữa cơm chiều, và những người phụ nữ hãy vào bếp để nấu những món ăn của tình yêu thương cho chồng con…”, chủ đề kỳ này là “bữa cơm chiều”.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=202024
Bữa cơm của gia đình người Việt đầu thế kỷ 20. Ảnh: TL SGTT



Trong nhiều năm bôn ba du học, rồi hành nghề tại nước ngoài, tôi vẫn thường nhớ đến những bữa cơm gia đình của mẹ tôi, cho dù người mất đi lúc tôi chỉ khoảng 15 tuổi.

Bữa cơm gia đình cho tôi bài học đầu tiên về tình mẹ hy sinh cho gia đình. Mẹ thường nhường miếng ngon nhất cho cha tôi, rồi đến chúng tôi. Tôi còn nhớ rõ một lần mẹ đãi cả nhà ăn tôm luộc chấm muối tiêu chanh; thấy cả nhà ăn ngon quá, mẹ nói mẹ thích ăn đầu tôm nhất. Chúng tôi thật ngốc khi tin là thật, và nghe lời mẹ “đổi” đầu lấy mình tôm từ mẹ. Hình ảnh mẹ tôi cười vui ăn một dĩa toàn đầu tôm, là một trong những hình ảnh ấm áp nhất mà tôi không bao giờ quên.

Bữa cơm gia đình cũng là lúc mẹ đóng vai trò một người nội tướng có “uy quyền” thật sự trong gia đình, khi mà cả nhà, bao gồm cha tôi, đều phải có mặt vào giờ ăn, sau khi mẹ tôi từ bếp bấm ba tiếng chuông, báo là đã dọn ăn xong. Cha tôi thường “chấp hành” rất nghiêm túc, hiếm khi vắng nhà vào bữa ăn gia đình, nhưng cũng có khi càu nhàu, vì đang đọc dở đoạn truyện hay cũng phải để đó xuống ăn cơm cùng gia đình. Nhờ vào thói quen đó, mọi người trong nhà gắn bó với nhau hơn, tâm tình và chia sẻ cuộc sống hàng ngày cho nhau. Nhất là cha tôi, ngày thường rất nghiêm khắc và khó gần, nhưng trong những bữa cơm vui vẻ với gia đình, cũng trở nên hoàn toàn khác, nhu hoà và thân tình với các con hơn.

Bữa cơm gia đình có khi lại giúp chúng tôi vượt qua được tai hoạ một cách thần kỳ. Vào năm 1968, vào đỉnh điểm của cuộc chiến tại miền Nam, cha tôi mua một số bao cát để làm hầm trú ẩn, nhưng để ngoài sân một thời gian mà chưa làm được vì bận việc. Một hôm, có một số em bà con của cha tôi cùng vài người bạn tới thăm, mẹ tôi hiếu khách mời họ ở lại dùng cơm. Trong khi mẹ tôi lo chuyện nấu ăn, các chú thấy đống bao cát chất ngoài sân, nên tình nguyện cùng nhau giúp cha tôi chất bao quanh tường một căn phòng ở tầng trệt để làm hầm trú ẩn. Chúng tôi ham vui nên xin phép cha mẹ vào chơi với các chú, rồi ngủ quên trong căn “hầm” mới làm. Tối hôm đó, ngôi nhà bị trúng pháo kích sập gần hết căn lầu trên, nơi anh em chúng tôi thường ngủ! Không có bữa cơm gia đình thân tình với các chú tối hôm đó, thì có thể tôi không còn ngồi đây để kể chuyện cho các bạn.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn  
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [46] [47] [48] [49] [50] [51] [52] ... ›Trang sau »Trang cuối