Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [48] [49] [50] [51] [52] [53] [54] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vu-lan – chất liệu của yêu thương



Nói đến Vu-lan, bất kỳ người con hiếu thảo nào cũng chợt se lòng. Vì lẽ, trong ngày ấy, niềm hiếu hạnh vốn dĩ trong lòng người con Phật lại thêm một lần được hâm nóng. Tuy nhiên, Vu-lan không đơn thuần chỉ là ngày báo hiếu mà còn hàm chứa nhiều lễ tiết quan trọng của chư Tăng, trở thành một ngày hội lớn nên được gọi là Vu-lan thắng hội.  

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Thi%20-%20van/MotherandchildSandpic_zps0ca38e75.jpg



Vu-lan là tên gọi tắt của Vu-lan-bồn, được phiên âm từ Phạn ngữ Ulambana, dịch nghĩa là Cứu đảo huyền, tức cứu người bị tội treo ngược. Lễ Vu-lan có duyên khởi từ gương hiếu thảo cứu mẹ của tôn giả Mục-kiền-liên. Nhờ thần lực của chư Tăng sau ba tháng tu tập an cư cấm túc nhất tâm chú nguyện trong ngày tự tứ, nên đã tác động và chuyển hóa tâm thức của bà Thanh-đề, mẹ ngài, giúp bà thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ, sanh vào thiên giới. Xuất phát từ nhân duyên ấy, thắng hội Vu-lan bao hàm nhiều lễ tiết với ý nghĩa: ngày Tăng tự tứ, ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng thọ tuế, ngày Vu-lan Báo hiếu, ngày Xá tội vong nhân và là ngày của Mẹ.

Ngày Tăng tự tứ là ngày có ý nghĩa quan trọng đối với chư Tăng, sau ba tháng an cư kiết hạ. Tự tứ có nghĩa là tự mình bày tỏ những thiếu sót, lầm lỗi của tự thân đồng thời thỉnh cầu chư Tăng chỉ cho mình những lỗi lầm nếu có mà mình không thấy để sám hối làm cho thân tâm thanh tịnh. Chính sự hợp lực chú nguyện của chúng Tăng sau khi tự tứ đã tạo ra sức mạnh tâm linh, mới đủ sức chuyển hóa mê lầm, khiến cho chúng sanh trong đường ác tỉnh thức nên được thoát khổ.

Cũng ngày ấy, đức Thế Tôn rất vui và hài lòng với hàng đệ tử của mình khi thấy kết quả tu học tiến bộ cuả đại chúng nên được gọi là ngày Phật hoan hỷ. Nhiều vị Tỷ-kheo đã thành tựu giải thoát, đoạn tận phiền não và đa phần các Tỷ-kheo tân học đều có sự thăng hoa, thanh tịnh vượt bậc sau mỗi kỳ an cư.

Sau ngày tự tứ, chư Tăng được thêm một tuổi hạ, nên gọi là ngày Tăng thọ tuế. Đối với chúng Tăng thì tuổi đời nhiều ít không mấy quan trọng, chỉ căn cứ vào tuổi hạ để phân chia thứ bậc cao thấp. Vì hạ lạp phản ánh sự thành tựu giới đức, thăng hoa tâm linh của mỗi Tỷ-kheo. Thêm một tuổi hạ là niềm hạnh phúc của chư Tăng vì từng bước họ đã trưởng thành hơn trong Chánh pháp.

Lễ tiết quan trọng nhất và để lại dấu ấn hiếu hạnh sâu đậm làm rung động hàng triệu con tim của những người con Phật trong thắng hội Vu-lan là lễ Báo hiếu. Noi gương hiếu hạnh cuả Bồ-tát Mục-kiền-liên, mùa Vu-lan về, lòng những người con Phật vốn dĩ chí hiếu lại dào dạt, trào dâng niềm hiếu kính. Hiếu thảo với cha mẹ, kính thờ ông bà tổ tiên là một nét đẹp rất nhân văn và nhân bản mà những người con Phật đã góp phần để hình thành nên bản sắc văn hoá độc đáo về tinh thần hiếu để của dân tộc Việt Nam. Một trong những biểu hiện cụ thể của người Phật tử trong mùa Vu-lan-Báo hiếu là quán niệm về ân nghĩa sinh thành, sám hối những lỗi lầm thất kính, phát thệ nguyện tận hiếu với song thân và tu dưỡng tự thân đồng thời phát tâm cúng dường Tam bảo, bố thí, phóng sinh để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long, ông bà tổ tiên quá vãng được sanh về tịnh cảnh. Nhờ nguyện lực, gia trì và chú nguyện của chúng Tăng sau ba tháng an cư thanh tịnh nên các chúng sanh trong ba đường ác được tiếp nhận thêm một sức mạnh mới về tỉnh thức. Nhờ sự tỉnh thức ấy, tự thân giải tỏa được những tà kiến, chấp thủ, có niềm tin nơi Chánh pháp nên tâm họ được khai phóng, thăng hoa và được thoát khổ. Vì thế, ngày này được gọi là ngày Xá tội vong nhân. Ngày xưa, vào thời Lý-Trần, vua quan và nhân dân thấm nhuần tinh thần Vu-lan nên ngày Xá tội vong nhân thường là dịp ân xá, đặc xá và cải thiện đời sống cho các tù nhân.

Ngày nay, Vu-lan-Báo hiếu đã vượt ra ngoài lễ nghi Phật giáo, có khuynh hướng phổ biến cho toàn thể dân tộc. Bởi lẽ, hiếu hạnh là một nét đẹp đặc thù đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Cho nên, không ai lấy làm lạ khi người dân Việt hân hoan đến chùa dự lễ Vu-lan-Báo hiếu đông như trẩy hội. Không phân biệt tôn giáo, dân tộc, nghề nghiệp và địa vị xã hội, hễ là người Việt thì đều có chung một điểm, lòng hiếu thảo. Đây là một lợi điểm, một thế mạnh của Phật giáo. Thế nhưng các chùa viện hiện nay chưa vận dụng hết và khai thác triệt để lợi điểm này, đa phần đều nghiêng nặng vào nghi lễ như: Tạ pháp, cúng dường, chẩn tế âm linh... Tất nhiên, những lễ tiết ấy rất quan trọng nhưng Thắng hội Vu-lan sẽ viên mãn hơn khi Phật giáo chuyển tải và trao truyền được chất liệu hiếu kính, đánh thức lòng hiếu hạnh vốn có đang ngày một lãng quên nơi mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ngày Vu-lan còn là một ngày hội của những người có diễm phúc còn cha mẹ sống ở trên đời. Cuộc sống hiện đại và nhịp sống công nghiệp tất bật, hối hả đã góp phần làm phai nhạt, rời rạc mối liên hệ thiết thân giữa các thành viên trong gia đình. Cùng với lối sống thực dụng, tôn sùng vật chất và đề cao cá nhân, sự bất đồng về quan niệm sống và tư tưởng hệ đã làm rạn nứt, băng hoại lòng hiếu thảo của một số người không nhỏ trong xã hội, nhất là giới trẻ đang là những sự kiện đáng báo động. Một đóa hồng xinh xắn cài lên ngực trong ngày Vu-lan sẽ thắp lên ngọn lửa kính thương. Còn cha mẹ sống ở trên đời là một hạnh phúc vô giá nhưng cuộc sống quay cuồng, chạy theo danh lợi đã khiến cho nguồn hạnh phúc vô biên ấy dễ bị nhạt nhòa và quên lãng.

Đừng để một mai quá mệt mỏi, rã rời với cuộc mưu sinh ngoảnh lại thấy tuyết sương đã phủ kín bờ vai cha mẹ. Đừng để một mai, cha mẹ giã từ cuộc đời mới chợt nhận ra mình đã mất đi một điểm tựa vĩ đại trong cuộc đời. Đừng để phải khóc thương và ân hận khi tất cả đều đã muộn. Ngay đây và bây giờ, hãy ý thức rất rõ rằng mình đang còn cha, còn mẹ để thương kính. Hãy chạy đua với thời gian nghiệt ngã và công việc dồn dập để sẻ chia, dâng hiến niềm hiếu hạnh đối với song đường thật trọn vẹn. Những người kém may mắn hơn, cha mẹ không còn hiện hữu trên đời thì hãy biến niềm đau và lòng hiếu thảo thành sự nguyện cầu.
Xin cho tôi, cho bạn một đóa hồng rạng ngời trên ngực để đánh thức và thắp sáng làm rung động hơn nữa con tim trần cháy bỏng hiếu kính trong niềm hạnh phúc ngập tràn hiếu hạnh Vu-lan.


Phước Viên - Quảng Tánh
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những tay underground tiên phong thập niên 1970



SGTT.VN - Có ai ngờ, thập niên 1970, giữa khi cả Hà Nội dâng trào những bài ca cách mạng, lại có những nghệ sĩ say đắm thứ âm nhạc bị xem là “tư bản” lúc bấy giờ: Nhạc ngoại. Ngày ấy, nếu khái niệm underground đã xuất hiện ở Việt Nam, thì cộng đồng chơi nhạc rất đặc biệt này hẳn là những tay underground tiên phong của Hà Nội.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=204333
Vai kề vai trong một dàn hoà tấu ngẫu hứng tại hội ngộ “Các ban nhạc thập niên 1970 – 1980”



Các nhạc sĩ Quyền Văn Minh, Trịnh Lê Văn, Trần Mạnh Tuấn… vai kề vai trong một dàn hoà tấu ngẫu hứng tại hội ngộ “Các ban nhạc thập niên 1970 – 1980”. Không ít gương mặt lớn của nền nghệ thuật Việt Nam hiện thời vốn xuất thân từ mạch ngầm underground mang tên nhạc ngoại. Văn Hạnh từng là tay trống của một ban nhạc “phủi” (tức ban nhạc không tên) kể lại, đầu thập niên 1970, anh nghe nhạc ngoại từ một vài đĩa than ít ỏi do các lưu học sinh mang về, chạy bằng cái máy quay đĩa của Liên Xô (cũ). Một số nhạc công khác thì nhờ mua hộ băng cátxét ở nước ngoài. Nghe đi nghe lại đến nát băng, đĩa, để “vỡ bài”, rồi bắt chước nguyên xi. Nghệ sĩ Quyền Văn Minh vẫn nhớ, ngày đó các nhạc công Hà Nội thấy thế giới có gì mới là cập nhật liền. Suốt một thời, các bản soft-rock và country của Lobo, disco của Boney M, pop của Abba, một số nhạc phẩm của Pháp, và đặc biệt là rock’n roll của The Beatles rất thịnh hành trong cộng đồng chơi nhạc ngoại tại Hà Nội.

Nghệ sĩ trống Văn Hanh ước lượng có chừng mười ban nhạc underground, cả có tên lẫn “phủi”. Còn Hiển “còi”, tay trompet tiếng tăm một thời lý giải: ngày đó ở Hà Nội, dòng nhạc cách mạng mới là chính thống, dĩ nhiên chiếm lĩnh những sân khấu chính thống. Nhạc ngoại chỉ có hai chỗ để “bùng nổ”: một là ở đám cưới, mà cả thủ đô khi ấy chỉ có đôi ba phòng cưới. Những dịp này, khán giả kéo đến nghe nhạc miễn phí có khi còn đông hơn cả quan khách. Hai là biểu diễn cho nhau nghe. Cứ thi thoảng, các ban, cả chính danh lẫn vô danh, lại tụ tập ở nhà một nhạc công chơi cho thoả.

Hiệu ứng của các chương trình biểu diễn nhạc ngoại góp vui đám cưới, rồi đến các sàn khiêu vũ dành cho khách quốc tế cùng một bộ phận nhỏ người Hà Nội, không ngờ đã “châm ngòi” cho một cuộc cách mạng âm nhạc và tai nghe, mà đỉnh điểm là… sự tan rã của các ban nhạc đám cưới. Lý do: họ được các đoàn trung ương nhiệt tình mời gọi. Gây ồn ào nhất hồi ấy có lẽ là sự kiện đoàn ca múa nhạc Hà Nội mạnh dạn “chiêu nạp” ban Hùng – Hào, dù cả hai nhạc công cho đến thời điểm đó đều chưa đọc được nốt nhạc. Dĩ nhiên, cũng như nhiều ban khác, họ vẫn chơi nhạc cực “chất” và là một trong những trụ cột của thế giới underground.

Trong cuộc hội ngộ “Những ban nhạc thập niên 1970 – 1980” lần hai, diễn ra tối 9.8 tại Hà Nội, vắng mặt khá nhiều thành viên gạo cội, có người đã ra đi, có người bận bịu công việc. Nhưng bởi không muốn phụ lòng một nhạc công vừa trải qua cơn bạo bệnh, lại sau nhiều năm xa xứ mới được về thăm quê, nên cuộc hội ngộ cứ thế diễn ra, không vì kém đông mà kém vui, kém hứng khởi. Sau bao năm, họ vẫn là những tay underground chơi nhạc không biết tính toán.

 SONG THAO
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nghe hay mà bỗng chạnh lòng



TT - "Ðoạn ni phải ca, luyến láy như ri nè!". "Chỗ ni thì cần thêm hờ hơ... mới phải". "Bài bản nớ do cụ Ưng Bình đặt lời, sau đó có mấy bác sửa chữa"... Nghệ nhân ca Huế Minh Mẫn và Thanh Hương thường góp ý sau mỗi bài bản do các ca sĩ, nhạc công trình diễn.  

http://tuoitre.vn/Cache/Image/606/650606.jpg
Nghệ nhân Minh Mẫn (88 tuổi, ngồi ghế trái) và Thanh Hương (84 tuổi, ngồi ghế phải) như hai “bộ từ điển sống” trong một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ ca Huế - Ảnh: THÁI LỘC



Ở những bài bản mới các cụ thường ca mẫu, trước khi chỉ bảo cho các nhạc công về nhịp, điệu và âm giai để đệm đàn. Giọng bà Minh Mẫn, ở tuổi 88, dù đã yếu vì bị thương ở khớp xương đùi, nhưng còn quá chuẩn mực, giòn giã và lên rất cao, luyến láy tài tình...

Ðó là buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ ca Huế vừa mở lại ở tư gia nhà nghiên cứu, nhà giáo Bửu Ý (số 9 Phạm Ngũ Lão, TP Huế) vào chiều thứ bảy hằng tuần, sau một thời gian gián đoạn. Câu lạc bộ ca Huế ở đây có gần 20 nghệ sĩ, gồm cả ba thế hệ. Trẻ nhất có tay đàn tranh Thanh Vân tuổi chưa đến 30. Lớn hơn có giọng ca Kim Hồng (đoạt nhiều huy chương vàng toàn quốc), Kim Quy, Diệu Huê, Diệu Bình (ca và ngâm thơ) và các nghệ sĩ Khắc Du (đàn bầu), Tiến Cang (đàn nhị)...

Ngoài ra còn có "cầm thủ" Ngọc Hùng (đàn tì bà) tuổi trên 50 đang là giảng viên Học viện Âm nhạc Huế. Ðặc biệt là sự có mặt của hai "báu vật nhân văn sống" là nghệ nhân ca xướng Minh Mẫn và Thanh Hương (ca và hò). Ngoài những người khách thân quen hoặc nghe danh tìm đến, họ có một thính giả đặc biệt dự không thiếu một buổi nào, đồng thời là người tổ chức, một phần tài trợ..., đó là nhà nghiên cứu Bửu Ý. Họ gặp nhau mỗi tuần để cùng được hát, được nghe những bài bản ca Huế "xịn". Sự góp mặt của hai cây đại thụ trở thành hai "bộ từ điển sống" để thế hệ trẻ hơn học tập, "tra cứu" những ngón nghề.

Từng có nhiều vị khách đến Huế, sau khi thất vọng với ca Huế trên sông Hương, chờ đến chiều thứ bảy đến dự buổi ca Huế thính phòng tại đây. Và họ thật sự thỏa mãn, cho dù thính phòng này không chỉ có mục đích biểu diễn phục vụ. Hay nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Ðắc Xuân: "Muốn hiểu thế nào là ca Huế qua thời gian thì hãy đến nhà Bửu Ý"...

Có lẽ cần nhắc đến mấy tháng gián đoạn sinh hoạt trong sự tiếc rẻ của nhiều người, kể cả những người trong cuộc. Nhà nghiên cứu Bửu Ý cho biết trước khi tạm ngưng, hoạt động của câu lạc bộ có sự tài trợ của một tổ chức nước ngoài, gồm cả việc đưa các nghệ nhân dạy ca và đàn cho một trung tâm mồ côi ở Xuân Phú, Huế. Thế nhưng vì lý do riêng mà sự hỗ trợ này không còn. Lớp học phải đóng cửa. Các buổi sinh hoạt đành tạm ngưng hoạt động. Nhà nghiên cứu Bửu Ý cho biết lý do mở lại vì các thành viên câu lạc bộ, nhất là những nghệ sĩ lớn tuổi, thấy buồn quá, họ có nhu cầu đến đây để được nghe, được ca và được truyền thụ. Ðó cũng là tâm sự của nghệ nhân Minh Mẫn: "Ði trước thì mình có trách nhiệm dìu dắt thế hệ sau chớ. Phải ca để mấy em nghe mà bắt chước, nếu không thì nghề mình mất đi, tiếc lắm!".

Ðây là câu lạc bộ ca Huế duy nhất ở Huế, tồn tại đã hơn 15 năm. Với sự mở cửa trở lại, các nghệ sĩ ca Huế các thế hệ tiếp tục được tụ hội hằng tuần trong cùng mong muốn loại nhạc vừa dân gian vừa bác học này tiếp tục duy trì. Những thính giả khó tính tiếp tục được thỏa mãn vì được thưởng thức những bài bản "xịn" khi tìm đến đây. Song ai biết sự tình sẽ không khỏi chạnh lòng khi nghe sự chia sẻ của nhà nghiên cứu Bửu Ý: "Trước đây có tài trợ, các nghệ sĩ sinh hoạt có thù lao hằng tháng, cho dù mang tính tượng trưng là chính. Nhưng giờ đã không còn. Ðặc biệt, hai nghệ nhân lớn tuổi nhất là Minh Mẫn và Thanh Hương cho đến nay vẫn chưa được hưởng một chế độ đãi ngộ gì. Tôi đang cố tìm nguồn để duy trì nhưng không biết sẽ ra sao nữa!"...

THÁI LỘC
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bùi Giáng: thơ phơi giữa nắng



TT - LTS: Lần đầu tiên kể từ năm 1975, một tọa đàm khoa học về thi sĩ Bùi Giáng được tổ chức, diễn ra lúc 8g hôm nay 14-9 tại Trường đại học KHXH&NV TP.HCM. Tưởng nhớ Bùi Giáng nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông, Tuổi Trẻ trích giới thiệu với bạn đọc tham luận của GS.TS Huỳnh Như Phương.

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Thi%20-%20van/656542_zps4396a91c.jpg
Bùi Giáng - Ảnh: Đào Trung Phụng



Người và thơ Bùi Giáng là sự kết hợp giữa đất đai nguyên sơ, hoang dã và nhịp đời phố thị. Tuổi thơ ông trải qua một vùng thiên nhiên hào phóng ruộng đồng, non nước, cỏ cây dọc sông Thu Bồn, dưới chân núi Cà Tang.

Thơ Bùi Giáng hóa kiếp và cho đầu thai để tái sinh cả những cánh bướm, cánh chuồn chuồn, con kiến, con vi trùng, sâu bọ cùng hoa hoang cỏ dại qua ngôn ngữ hiện đại.

Ông cũng sớm nhập vào cuộc sống đô thị, bắt đầu từ Hội An, Huế, rồi Sài Gòn: Anh đi về đô hội/ Ngó phố thị mơ màng. Bùi Giáng như một cái cây bị bứng khỏi phù sa Thu Bồn, vất giữa đất Sài Gòn, tưởng thung thổ lạ lẫm mà vẫn hút được dưỡng chất phồn hoa để tồn tại.

Ông vừa lạc lõng giữa đô thành lại vừa muốn là một tế bào - tuy là tế bào dị thể - của nó. Thơ ông không dửng dưng với “những chiều hôm phố thị”, “những đèn khuya phố thị”. Có lúc ông tự trách mình: Bây giờ tôi đã quên xưa/ Sài Gòn cám dỗ tôi chưa chịu về.

Ðiều kỳ diệu là Bùi Giáng ngao du sơn thủy mà vẫn như trụ chân một chỗ. Sau 34 năm ông mới trở lại quê nhà, nhưng thật ra ông đã có bao chuyến về tâm thức, đúng hơn, chân ông đi xa mà tâm ông còn ở lại: Hỏi rằng: người ở quê đâu?/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà.

 Trí giả và hiền giả
Trong thế giới sáng tạo của Bùi Giáng, gắn liền với kết hợp Quê - Phố là kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại, Ðông phương và Tây phương. Từ một làng quê xứ Quảng, giã từ bầy dê từng được ông choàng hoa và đặt tên, Bùi Giáng và những trang từ điển của ông mở lối lên thành phố và đi ra nhân loại.

Rồi ra Trung Niên Thi Sĩ không chỉ thân thiết với Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Ðà...; mà còn làm quen với những tâm hồn xứ lạ của Martin Heidegger, Saint-Exupéry, Gérard de Nerval, André Gide, Albert Camus... Ông chơi với cái cổ điển nhất cũng hết mình như chơi với cái tân kỳ nhất.

Ông yêu Thúy Vân trong vẻ đẹp cổ điển nhưng cũng tụng ca Thúy Kiều trên nền nhạc hiện sinh. Nhưng dù là truyền thống hay cách tân, Bùi Giáng vẫn hướng về những giá trị vĩnh cửu. Với ông, cái tĩnh tại uy nghi trường tồn như núi Ngự muôn đời bên bờ sông Hương là đẹp, đồng thời cái biến dịch muôn sắc huy hoàng cũng là đẹp, miễn là nó được vĩnh cửu hóa bằng nghệ thuật.

Nếu làm một thống kê từ vựng trong thơ Bùi Giáng, sẽ thấy bảng pha màu ngôn ngữ của ông đa dạng biết bao: những từ ngữ cổ kính, nghiêm trang đan kết với những từ ngữ tân thời, nghịch ngợm.

Ðể dùng cách nói thời thượng hiện nay, ông nhà quê Bùi Giáng là người “mở cửa”, “hội nhập” sớm hơn ai hết. Việc ông giỏi chữ Hán, tiếng Pháp thì không khó hiểu.

Nhưng chỉ mười năm ở Sài Gòn, không qua trường lớp nào, mà ông thông thạo tiếng Anh, có thể đọc Shakespeare trong nguyên tác, và am hiểu tiếng Ðức một cách chuẩn xác, sâu sắc, khi đọc, dịch, trích dẫn Friedrich Hölderlin, Martin Heidegger, như sự xác nhận qua kiểm chứng trong thực tế của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, thì quả là một năng lực ngôn ngữ thâm hậu.

Một đối cực khác được kết hợp trong tác phẩm và con người Bùi Giáng là sách vở, nhà trường trang nghiêm với cuộc đời nắng gió, bụi bặm, xô bồ.

Ðó cũng là kết hợp giữa quy cách và phá cách. Xuất thân Bùi Giáng là nhà giáo, ông viết những lời trân trọng về các thầy giáo cũ của mình.

Ông vào trường thi, thi rớt, phải thi lại để có tấm bằng. Nhưng ông cũng sẵn sàng bỏ trường mà đi khi thất vọng về nó. Khi viết sách giáo khoa, ông viết mạch lạc, khúc chiết. Khi sáng tác, viết khảo luận và dịch thuật, ông để dòng ý thức của mình lôi ngòi bút đi miên man bất tận.

Sách vở giúp Bùi Giáng trở thành trí giả; cuộc đời và số phận biến ông thành hiền giả. Người trí giả phải chịu lép vế trước người hiền giả trong ông. Người và văn ông không để cho những chuẩn mực câu thúc, ý văn ông tràn ra ngoài những ranh giới của lý trí.

Tư tưởng ông đi theo đường dây riêng biệt của nó, từ Nerval đến Shakespeare, từ Shakespeare đến Nguyễn Du, từ Nguyễn Du đến Gide, rồi lại từ Gide đến Saint-Exupéry... Qua cái bề ngoài phi logic, văn bản của ông thách đố người đọc đi tìm sự mạch lạc nội tại của nó.

“Người nghịch chữ”
Về mặt tâm lý sáng tạo và chức năng biểu hiện của văn bản, tác phẩm Bùi Giáng là sự pha trộn, nhập nhòa giữa thực và mộng, giữa tỉnh và mê. Thực và mộng, tỉnh và mê không có ranh giới rõ ràng mà thực hòa trong mộng, tỉnh hòa trong mê và ngược lại. Có những trang thơ, trang văn Bùi Giáng viết như lên đồng, như viết tự động, viết trong giấc thụy du.

Theo lời kể của người thân, bệnh án Bùi Giáng có ghi ông mắc bệnh “tâm thần phân liệt dạng sáng tạo chữ”. Ðiên là thoát khỏi thế giới thực tại để đi vào một thế giới huyễn ảo của tâm hồn. Nói cách khác, điên là lìa xa chuẩn mực của người, không còn bị gò bó, vướng bận.

Từ khi được/ bị xem là điên, Bùi Giáng thong dong đi tiếp con đường của mình, không phải chiều lụy gia đình, xã hội; không ai và không điều gì có thể níu kéo, làm phiền ông nữa.

Ông có thể nhập thân vào thi giới của mình, một thi giới mang ít nhiều ảnh tượng của hiện thực nhưng lại do chính ông tái tạo và chế biến. Có thể nói ông là đấng toàn năng, là hoàng đế trong thế giới của riêng ông.

Lao động nghệ thuật của Bùi Giáng là sự tương tác giữa nghĩ, viết và chơi. Có lẽ ông không phải là “phu chữ”, như cách nói của Lê Ðạt, mà là “người nghịch chữ”.

Ngay trong khi nghĩ, ông đã nghịch ngợm những từ ngữ và khi viết ra thì thực sự là ông bày trò chơi trên trang giấy. Bao vấn đề suy tư triết học, tư tưởng văn học hóc búa, rối rắm, ông diễn đạt tuy rườm rà mà đọc vẫn thấy vui, nhiều khi ta chưa hiểu hết ý mà không thấy mệt óc.

Ông là bậc kế tục thượng thừa những trò chơi chữ, giễu nhại... của văn hóa dân gian, của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tú Quỳ... và khai thác một cách mạnh mẽ, cuồng nhiệt nhất. Ít thấy trong văn Bùi Giáng vẻ nghiêm nghị, cau có của người tin rằng mình đang nói những điều quan trọng hay đang phát ngôn cho chân lý.

Có thể nói Bùi Giáng là thứ quả mà cây văn chương chỉ kết được một lần. Bùi Giáng phơi mình giữa nắng gió cuộc đời, rong chơi bất tận giữa đám đông mà vẫn là bí ẩn trước mắt thiên hạ, thách thức mọi suy đoán, lý giải. Ai ở Sài Gòn những năm 70, 80, 90 thế kỷ trước mà không một lần gặp Trung Niên Thi Sĩ.

Trên những con đường quanh chợ Trương Minh Giảng. Trước cổng trường Ðại học Vạn Hạnh. Trong sân chùa Già Lam. Giữa các ngõ hẻm quanh co của xóm Gà Gia Ðịnh. Tôi có bốn năm là hàng xóm của ông ở xóm Gà.

Một buổi trưa nắng gắt, tôi chạy xe về hẻm 482 Lê Quang Ðịnh, thấy ông nằm như thiu ngủ trên một đống cát nhà ai đang xây, bóng cây không che hết gương mặt teo tóp đọng nắng của ông. Vài tờ giấy viết dở vương vãi bên cạnh.

Tôi dừng xe lại, chưa biết làm gì: nhặt giúp ông những tờ bản thảo sắp bay đi hay đánh thức gọi ông vô nhà. Giữa lúc tôi còn phân vân, thì Bùi Giáng, mắt vẫn nhắm nghiền, nhưng linh cảm có người bên cạnh, đưa bàn tay lên xua qua xua lại, ngầm bảo rằng: hãy đi chơi chỗ khác đi, đừng quấy rầy ông, hãy để ông yên với cơn mê của ông, thế giới của ông.

Chúng ta nói nhiều, viết nhiều về Bùi Giáng, nhưng có lẽ vẫn là người xa lạ đối với ông. Sau 15 năm, chúng ta thêm một lần đón nhận Bùi Giáng, đón ông về lại với không gian văn hóa này, thậm chí có thể nói một cách nào đó là chuộc lỗi với ông, bởi có lần ta đã lạnh nhạt, nếu không nói là xua đuổi ông.

Thử tưởng tượng một hôm nào đó Bùi Giáng tinh anh nghe nói có tọa đàm về ông ở trường đại học. Chắc ông sẽ lò dò đến đấy, leo lên cầu thang, đứng ngoài cửa ngó vào, nghe lấy đôi câu, rồi hấp háy đôi mắt dưới cặp kính dày cộp mà lẩm bẩm: “Các cháu cứ ở đó mà tọa đàm đi, ông già Bùi rong chơi tiếp đây!”.

Dẫu có như thế, chúng ta cũng đừng phật ý. Ta hãy đáp lại ông bằng ngôn ngữ của chính ông: “Vui thôi mà, thưa Trung Niên Thi Sĩ”.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG


Thiên tài không định nghĩa được
Bùi Giáng thi sĩ là hiện tượng lạ của nền thơ Việt Nam hậu bán thế kỷ 20 bởi sự tích hợp nghệ thuật kỳ bí song hành với cuộc đời kỳ dị, được công chúng yêu thơ mến mộ, truyền tụng và thêu dệt như những giai thoại, đến một ngưỡng nào đó, được xem như huyền thoại.

Nghiên cứu về thơ Bùi Giáng, ngày càng có nhiều công trình công phu và thành tựu ra mắt bạn đọc. Nhưng với một cuộc đời đa dạng và một tài năng thơ đa diện và đa chất như ông, thì không phải mọi kết luận đều đã thống nhất và bình ổn. Vì vậy, sự vẫy gọi từ thế giới thi ca của Bùi Giáng vẫn là khả tính cho những ai quan tâm và muốn đi tìm bản thể cuộc đời và bản mệnh nghệ thuật của thi sĩ tài năng dị biệt này, đúng như nhà văn Sơn Nam đã tâm sự: “Viết đôi lời về Bùi Giáng không bằng đọc về Bùi Giáng. Ðọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thật vui mà thật khó vậy. Ông thuộc vào loại thiên tài không định nghĩa được, là một bí ẩn toàn diện trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái nửa không nửa có, nửa hư nửa thực”.

Những nghịch lý trong sáng tạo nghệ thuật của Bùi Giáng đã làm thành tổng hòa của sự hội tụ chứ không phải là sự phân hóa thi pháp thơ. Nhưng cũng vì vậy mà trong cái bông đùa, cà rỡn có sự thăng hoa của đau xót miên trường; trong cái hồn nhiên có sự uyên uẩn, nhức nhối của trí tuệ; trong điên loạn, cuồng say có sự mộng mơ và mê đắm của cõi tình. Tất cả những nghịch lý trên chính là tâm thức hiện sinh của Bùi Giáng trên từng chặng hành trình sống và hành trình thơ.

Trích tham luận Bản mệnh thơ Bùi Giáng của PGS.TS Hồ Thế Hà


Thế giới có một không hai
Đọc Bùi Giáng như thể là đi lạc vào một thế giới hỗn độn, chập chờn. Thiên la địa võng của ngôn từ tuôn ra từng trận từng cơn, trùng trùng điệp điệp.

Câu thơ “Ngữ ngôn cuồng dại chập chờn” của chính Bùi Giáng trong Ngày tháng ngao du có thể dùng để miêu tả thế giới Bùi Giáng - đó là thế giới của người thật dắt tay người ảo. Các nhân danh địa danh nửa có nửa bịa. Các trích dẫn chương cú hư hư thực thực. Những đối thoại tưởng tượng (với Nguyễn Du, Nietzsche, Trang Tử, Simone Weil, với các “mẫu thân”, với chính mình, với cả châu chấu, chuồn chuồn) thì quá ư tiếu ngạo, trộn lẫn mọi thứ có thể và không thể...

Bùi Giáng tung ngọc vào bùn, chẳng cần quan tâm thị phi, khinh trọng.

Ông trộn nhã và tục trong nói lái, pha điên và tỉnh trong triết lý, lẫn giả và chân trong trò chơi văn bản, chen hay và dở những câu thơ.

Thế giới đó, dẫu sao đi nữa, là có một không hai.

Trích tham luận Bùi Giáng “chơi” của nhà văn Nhật Chiêu
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

LTS. Sáng chủ nhật 22.9, tại khách sạn Rex (TP.HCM) giải thưởng Sách Hay 2013 do viện IRED tổ chức thường niên sẽ được trao. Với mục tiêu góp phần lan toả tri thức từ những cuốn sách hay, sách quý, đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ trong xã hội, nhằm thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển chung của nền tri thức và văn hoá nước nhà, giải Sách Hay đã đóng góp không chỉ cho nền văn hoá đọc mà còn đem lại tinh thần tự học cho mỗi người. Nhân dịp này Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc về văn hoá đọc và tinh thần tự học.

Sách và khai minh



SGTT.VN - Hơn 200 năm trước tại châu Âu, ý niệm về tinh thần đại học được khởi sinh tại nước Đức với triết lý giáo dục của Humbolt. Cũng quãng thời gian trên, tại nước Nhật đã diễn ra cuộc dịch thuật vĩ đại là khởi nguồn cho cuộc cách mạng tư tưởng, văn hoá đọc. Tại Việt Nam, nhiều nhà trí thức trong lịch sử lẫn hiện nay đã và đang nỗ lực thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với đất nước, rằng chúng ta không thể yêu nước trong sự vô minh. Dù rằng, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng công cuộc dịch thuật và phổ biến tri thức là một công việc đầy khó nhọc và không kém phần nguy hiểm.  

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=206125
Bộ sách đoạt giải Sách Hay 2012. Ảnh: vovworld.vn



Tuy nhiên, tri thức tinh hoa là tài sản chung của nhân loại và chúng ta là một phần của thế giới này. Chúng ta phải thoát thai từ sự vô minh đến sự trưởng thành về nhận thức và tư duy. Không còn cách nào khác trong sự nghiệp này là việc đọc. Đọc để khai minh, để trưởng thành từ sự kế thừa thành tựu tinh hoa của nhân loại. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh xã hội phải đối mặt với biết bao suy thoái đạo đức sâu rộng, trầm kha như hiện nay, có lẽ những quyển sách tử tế sẽ là phương tiện tốt giúp chúng ta đến với những cuộc đàm thoại riêng tư của thế giới người hiền.

Những cuộc tranh luận, suy tư về học thuật sẽ diễn ra trong tinh thần cởi mở, học hỏi lẫn nhau từ sách. Những cuộc gặp gỡ giữa những người già và trẻ trong các trao đổi học thuật đã khiến những cuộc sinh hoạt học thuật khởi phát một tinh thần học thuật. Chúng ta cần xây dựng thật nhiều không gian đọc sách – nơi những người yêu mến tri thức nâng niu từng quyển sách tinh hoa, nơi những toan tính đời thường nhường bước cho sự tử tế của việc học. Dẫu biết rằng sách mới chỉ là sự khởi đầu trong cuộc hành trình dài tìm kiếm tri thức của những người đầy ắp niềm đam mê nhưng lại thiếu thốn về tri thức. Dẫu biết rằng bên ngoài cánh cổng của các trường đại học là cuộc mưu sinh đầy khốc liệt trong bối cảnh của một xã hội thị trường vốn đề cao nhiều giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần. Dẫu biết rằng sẽ chẳng có một tháp ngà yên ấm nào để chúng ta mãi ngồi suy tư, nhưng với việc lật giở từng trang sách trong tâm thế của đọc sẽ là cuộc hành trình đầy thú vị của người yêu mến tri thức, yêu mến sách. Bởi “Không có thú vui nào trên thế giới có thể sánh được với thú vui đọc sách. Khi người ta cảm nhận được sự đàm thoại riêng tư với thế giới người hiền, thì đó là thú vui duy nhất không lệ thuộc vào người khác” (Kaibara Ekken).

Có lẽ, đối với những người thao thức với sự nghiệp giáo dục và khai minh nước nhà, chúng ta sẽ phải nhìn nhận với nhau rằng Việt Nam có thể đi sau, đi trễ so với nước Đức, nước Nhật nhưng chúng ta cần phải vững vàng, mạnh mẽ, vượt qua trở lực để cùng bước trên đại lộ tinh hoa tri thức của nhân loại. Chúng ta cần một bước chuyển trong nhận thức của người học theo tinh thần của người Nhật đã từng làm, rằng: “Đọc sách là việc làm của lòng yêu nước, không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà để khai minh và khai sinh một thời đại mới cho đất nước. Đọc sách là thuộc tính của dân tộc văn hoá có ý thức. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ ngu muội vì không đọc” (Nguyễn Xuân Xanh).

NGUYỄN ĐỨC LỘC  
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nguyễn Văn Vĩnh – Lời của một “người nhà quê”



SGTT.VN - Bộ sách Lời người Man di hiện đại tập hợp những bài viết của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên L’Annam Nouveau (Nước Nam mới), tờ báo tiếng Pháp do ông là chủ bút vừa ra mắt hai tập đầu: Nguyễn Văn Vĩnh là ai? và Phong tục và thiết chế của người An Nam. Có chút khác biệt so với kế hoạch xuất bản: từ 9 cuốn tăng lên 16 cuốn, cuốn cuối cùng được đẩy thành cuốn đầu tiên. Tất nhiên là có lý do…  

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=206122



33 bài viết ký tên Nguyễn Văn Vĩnh nằm trong cuốn Phong tục và thiết chế của người An Nam tái hiện một phần nội dung quan trọng nhất của chương mục trường kỳ, vốn là một trong những trọng tâm của tờ Nước Nam mới: Phong tục và thiết chế của người An Nam.

Có một câu hỏi: Vì sao Nguyễn Văn Vĩnh lại dành chừng ấy công sức, thời gian để miêu tả kỹ càng một ngôi làng điển hình “đúng như những gì nó đã tồn tại”? Phải đọc cẩn thận từ trang đầu đến trang cuối của cuốn sách, mới hiểu sâu sa, ngòi bút của ông chủ yếu nhắm đến ai, hàm chứa dụng ý nào.

Trong tất cả các bài viết dưới tiêu đề Làng với người An Nam, Nguyễn Văn Vĩnh đều tự xưng là “người nhà quê chúng tôi”, với ba lý do: ông đích thực là người nhà quê, đã có thời gian dài làm chánh hương hội của một ngôi làng, và đã tường tận đời sống, thiết chế, bản chất, tức là những gì làm nên một ngôi làng Việt.

Người nhà quê ấy có đủ tư cách để truyền tải những hiểu biết, gợi ý và cả cảnh báo của ông đến độc giả, đặc biệt là những người Pháp thực dân đang nóng vội áp đặt chính sách cai trị cùng những cải cách theo công thức Âu châu vào những vùng nông thôn của Việt Nam.

Tuy hướng đến mục tiêu gợi ý và cảnh báo là chính, song những đánh giá đa chiều và khách quan có kèm dẫn chứng sinh động của ông khiến ngay cả những độc giả bị đặt vào tầm ngắm cũng vừa thấy bực bội, vừa thích thú.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=206123
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh và báo L’Annam Nouveau.



Ở chỗ này, Nguyễn Văn Vĩnh phân tích tỉ mỉ thế nào là một cái làng, từ tín ngưỡng cho đến cơ cấu hành chính và những biện pháp chế tài kiểu lệ làng, nhưng lại là một thứ luật pháp uyển chuyển và có sức mạnh kỳ lạ.

Ở chỗ khác, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ ra điểm yếu và sức mạnh của người Việt, từ thói mê tín dị đoan, tính sĩ diện… đến truyền thống trọng học sĩ và tình yêu sâu nặng, bền bỉ với đất đai, có chứa đựng cả lòng tự tôn trong đó. Vẽ nên bức tranh chân dung bao quát và rõ nét về làng quê cũng như con người Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh chủ tâm khiến người Pháp vỡ lẽ: công cuộc cải cách mang ý chí chủ quan và đầy áp đặt của họ đã phá vỡ hệ thống hành chính làng xã, mà đáng ngại nhất là tình trạng loạn mua bán chức danh, loạn sưu thuế, loạn đặc quyền, loạn nhập cư… Dĩ nhiên, gánh chịu hậu quả là những nông dân nghèo, phải vay nặng lãi để có thóc giống canh tác, và phải dành cả đời trả nợ.

Ông đề ra một loạt phương án cải cách về ruộng đất, tiền tệ, hệ thống lưu trữ và thu mua thóc lúa có lợi cho người nông dân. Và điều bất ngờ hơn cả là ngay ở thời đại đó, đã có một “người nhà quê” mang tên Nguyễn Văn Vĩnh nuôi mộng quảng bá ẩm thực Việt, đặc biệt là hạt gạo nước Nam ra thế giới.

Trong buổi hội thảo diễn ra ít tháng trước khi Lời người Man di hiện đại ra mắt hai tập đầu, diễn giả Nguyễn Lân Bình, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và là chủ biên bộ sách đã đón nhận khá nhiều thắc mắc từ cử toạ, như Nguyễn Văn Vĩnh có quan tâm đến chính trị, có mối liên hệ “ngoài luồng” với người Pháp hay không…? Đó là lý do tập cuối cùng Nguyễn Văn Vĩnh là ai? được đảo vị trí thành tập đầu tiên, với mục đích cung cấp cho khán giả một hiểu biết sơ bộ và chính xác về con người có “một sự nghiệp không lỗi lầm và không có vết nhơ”. Cũng trong buổi hội thảo, người ta phát hiện ra, những năm qua, ngoài diễn giả Nguyễn Lân Bình, còn có không ít nhà nghiên cứu không tên, âm thầm tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, và có những đúc kết, phát hiện riêng khá lý thú về con người và tư tưởng Nguyễn Văn Vĩnh. Đó chính là nguyên nhân bộ sách được kéo dài thêm, và có thể, chưa chắc đã dừng lại ở con số 16 tập.

SÔNG THAO
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sống văn hóa  

Cảm ơn cái tình người Sài Gòn



TT - Người Sài Gòn có cách làm từ thiện âm thầm, lặng lẽ mà thấm đẫm tình người. Có những bà mẹ già nhà cửa chừng chục mét vuông, buôn gánh bán bưng mà cứ đến mùa thi tuyển sinh đại học, cao đẳng lại nhận về nhà chục “đứa nhỏ”, đã cho ở miễn phí lại còn mua mì gói để cho các cháu ăn khuya ấm bụng khi học bài.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/196/662196.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Trang - chủ tịch công đoàn, đại diện Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn TNHH MTV - trao tiền giúp đỡ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng thiên tai vừa qua - Ảnh: Thanh Đạm



Đi trên đường phố Sài Gòn, thỉnh thoảng ta lại thấy những thùng nước có ghi dòng chữ “trà đá miễn phí” giúp những đứa trẻ đường phố, người xe ôm, chị ve chai và người đi đường đỡ khát trong những ngày nắng gắt... Và những người làm việc ấy không mong một ngày họ được lên mặt báo, lên tivi..., họ làm vì cái tâm.

Cái cách làm việc thiện của người Sài Gòn sao mà hay đến lạ. Tháng cúng “cô hồn” năm nay tôi đã chứng kiến nhiều chị em của một cơ quan truyền thông rủ nhau mua thật nhiều thịt, rau, cá, tôm... Họ tổ chức cúng thật thịnh soạn và chu đáo, sau đó cho tất cả vào trong hộp và chia nhau đến các bệnh viện để tận tay trao cho thân nhân của người bệnh, giúp họ có bữa cơm ấm lòng trong lúc khó khăn.

Có chị đến công viên để phát cho những người đạp xích lô, ăn xin, vé số... những hộp cơm thơm phức tình người. Và hiện nay ngày ngày vẫn có nhiều thùng cơm miễn phí được mang đến các bệnh viện để phân phát cho gia đình các bệnh nhân...

Xuất phát từ những hình ảnh ấy, tôi xin ý kiến lãnh đạo sẽ thực hiện chủ đề “Người Sài Gòn” trong chương trình Bác Ba Phì thời @ trên sóng truyền hình HTV9.

Kịch bản trong thời gian chuẩn bị bấm máy thì cơn bão số 10 ập đến. Miền Trung lại xơ xác, tiêu điều và oằn mình gánh chịu bao mất mát đau thương. Và những chuyến hàng cứu trợ của người Sài Gòn đã kịp thời đến với người dân vùng bão sớm nhất. Từ những anh chị công nhân vệ sinh môi trường đến các em học sinh, các cụ hưu trí, các cán bộ công nhân viên chức đến các tiểu thương ở chợ... đều đóng góp cho miền Trung.

Những mất mát về con người, về của cải vật chất thì thật khó để người dân vùng lũ tìm lại được ngay trong thời gian tới, nhưng những món quà, những lời động viên và những tình cảm chân thành của lãnh đạo và người dân Sài Gòn cũng như của người dân cả nước đã giúp người dân miền Trung ruột thịt gượng đứng lên để tiếp tục cuộc sống.

Là người miền Trung, gia đình tôi cũng từng nhận được những món quà cứu trợ trong lúc bão lũ trước đây, là người từng nhận được những hộp cơm từ thiện ở bệnh viện ngày nào... xin một lần nữa được cảm ơn người dân cả nước đã quan tâm và giúp đỡ cho người miền Trung và nhất là cảm ơn người Sài Gòn!

Đạo diễn HOÀNG DUẨN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Phục chế tranh Nguyễn Gia Trí trong Lãnh sự quán Pháp



TT - Từ tháng 9 đến đầu tháng 10, một bức tranh quý hiếm vẽ năm 1939 của họa sĩ Nguyễn Gia Trí thuộc sở hữu của Lãnh sự quán (LSQ) Pháp tại TP.HCM đã được phục chế trong vòng âm thầm và bí mật.  

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/685/663685.jpg
Họa sĩ Nguyễn Lâm đang phục chế bề mặt bức tranh - Ảnh: N.L.



Những khách mời từng ghé qua LSQ Pháp tại TP.HCM nếu lưu ý sẽ thấy bức tranh sơn mài này. Bức tranh không đề tên, khổ 3x1,8m, gồm chín phên (bức) sơn mài nhỏ ghép lại, vẽ các đề tài dân gian xưa như bắt cá, rước lễ chùa, phong cảnh làng quê, vườn chùa... Ra đời từ cách đây 74 năm, bức tranh đã có những dấu hiệu hư hại như xuống màu, bụi bám, bong tróc. Từ lâu, LSQ Pháp có ý định phục chế bức tranh này, nhưng việc tìm người thực hiện không phải dễ.

 Ba tháng chờ Chính phủ Pháp phê duyệt

Họa sĩ Nguyễn Lâm, người sau cùng được chọn để phục chế bức tranh, cho biết trước ông thì LSQ Pháp đã làm việc với các chuyên gia phục chế của Pháp, của Nhật và những nghệ nhân phục chế cung đình của Huế. Ông kể: “Người của LSQ Pháp nói với tôi rằng các đối tác của họ hoặc không am hiểu lắm về sơn mài, hoặc không thỏa mãn điều kiện là không được đem bức tranh ra khỏi LSQ. Người Nhật muốn đưa bức tranh về xưởng của họ bên Nhật để phục chế nhưng điều kiện này là không thể được”.

Trong lúc LSQ Pháp đang “bí” người phục chế thì họa sĩ Nguyễn Lâm được “phát hiện” một cách tình cờ. Số là ba năm nay ông có một học trò người Pháp là họa sĩ Remy Jullien học vẽ sơn mài với ông. Mỗi năm, ông Remy Jullien đều tổ chức triển lãm sơn mài ở Pháp một lần mà lần nào cũng bán sạch tranh. Với sự tiến cử của ông Remy Jullien, họa sĩ Nguyễn Lâm đã thuyết phục được LSQ Pháp với bề dày kinh nghiệm lẫn đánh giá hiện trạng, cách phục chế bức tranh. Tuy vậy, phương án phục chế của ông vẫn phải gửi về Pháp chờ phê duyệt vì chi phí dù do LSQ Pháp tự túc, nhưng quyết định vẫn thuộc về Chính phủ Pháp. Phải ba tháng sau, LSQ Pháp mới nhận được sự đồng ý về việc phục chế theo phương án của họa sĩ Nguyễn Lâm.

Một hợp đồng lập tức được đưa ra. Khoản thù lao thỏa thuận không tiết lộ, nhưng điều kiện về bức tranh thì nghiêm ngặt: không được đưa bức tranh ra khỏi LSQ, không được tiết lộ chi tiết toàn bộ bức tranh, không được tiết lộ kích thước thật (dù khổ 3x1,8m nhưng bức tranh vẫn dư ra vài centimet ở mỗi cạnh, đó là chi tiết bí mật của bức tranh)... Khi mà những bức tranh Nguyễn Gia Trí giả đã xuất hiện ở các sàn đấu giá nước ngoài thì những chi tiết này cho thấy LSQ Pháp đã cẩn trọng bảo vệ bức tranh thế nào.

Kinh nghiệm quý cho những lần phục chế khác
Nếu Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là bậc danh họa mà tranh ông đã trở thành tài sản quốc gia, cấm đưa ra nước ngoài thì họa sĩ Nguyễn Lâm cũng là người có hơn 50 năm tay nghề sơn mài. Nguyễn Lâm từng là thành viên sáng lập CLB họa sĩ trẻ Sài Gòn những năm 1960, cùng thời với các họa sĩ như Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung...

Những năm 1980, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đóng cửa ít tiếp xúc người ngoài, nhưng lớp họa sĩ vẽ sơn mài là Nguyễn Lâm, Nghiêu Đề, Hồ Hữu Thủ thì được ông đồng ý gặp vài lần. Họa sĩ Nguyễn Lâm nhớ lại những kỷ niệm trước đây với họa sĩ Nguyễn Gia Trí: “Khi tới nhà thăm, ông giao hẹn không nói chuyện hội họa vì chuyện hội họa dài lắm, nói nhiều dễ... buồn ngủ. Ai đề nghị bái ông làm thầy ông đều từ chối và nói rằng là họa sĩ thì không ai dạy ai. Nhưng với tranh sơn mài ai bí chỗ nào thì ông gỡ chỗ đó”. Phục tài người danh họa, Nguyễn Lâm sưu tập nhiều tài liệu về cuộc đời, tác phẩm của Nguyễn Gia Trí để nghiên cứu, học hỏi. Nhưng ông thật không ngờ có ngày mình lại được vinh hạnh phục chế tranh của bậc khai sinh dòng tranh sơn mài nghệ thuật Việt Nam.

Ròng rã một tháng trời, mỗi ngày tám tiếng, họa sĩ Nguyễn Lâm cùng các con là họa sĩ Huyền Lam, Lâm Huỳnh Sơn, Lâm Lan và nghệ nhân Huyền Ly lao vào việc phục chế. Ông giải thích, khác với tranh sơn dầu phương Tây phục chế từ bề mặt, phục chế tranh sơn mài ở ta phải từ tấm vóc bên trong mà ra, sau đó mới xử lý lại bề mặt. Họa sĩ Nguyễn Lâm ví von phương pháp “chữa bệnh” tranh này cũng giống như Hoa Đà cạo xương trị độc cho Quan Công vậy, ông phải cạo sạch bụi bặm tấm vóc, phun thuốc chống mối mọt, bọc lại vải mới, phết hỗn hợp sơn ta và chu (bột đá núi lửa) dày lên tấm vóc...

Có thể nói sự thành công lần này đã đem đến tín hiệu lạc quan trong việc phục chế, bảo quản, gìn giữ những bức tranh khác của Nguyễn Gia Trí. Hiện nay các bức tranh của Nguyễn Gia Trí sáng tác giai đoạn 1930-1940 như bức Giáng sinh thuộc sở hữu của nhà thờ Mai Khôi (TP.HCM), bức Bên đầm sen thuộc sở hữu của họa sĩ Bùi Quang Ngọc... đều đang có dấu hiệu xuống cấp. Nếu việc phục chế những bức tranh quý hiếm đó diễn ra, lần phục chế này của họa sĩ Nguyễn Lâm sẽ là kinh nghiệm đáng quý để tham khảo. Riêng đối với LSQ Pháp, họ cho biết sẽ có một bữa tiệc nho nhỏ để chào mừng sự thành công của sự kiện này.

QUANG THI  
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sống văn hóa

Thái độ vô văn hóa của Đàm Vĩnh Hưng tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp



Khoảng 15h30 chiều ngày 6/10, trong lúc hàng ngàn người dân nghiêm trang xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để được vào nhà viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 đường Hoàng Diệu thì ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng bất chấp quy định, xộc thẳng vào phòng viếng tạo thành một cảnh tượng lộn xộn, phá vỡ sự trang nghiêm của lễ viếng.

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Chinh%20tri%20va%20thoi%20su/DAMVINHHUNG-VONGUYENGIAP1_zpsdeddbfb0.jpg
Đàm Vĩnh Hưng đi viếng hay đi biểu diễn?!



Trong không khí tiếc thương vô hạn, bày tỏ lòng thành kính của hàng vạn lượt người là những tướng lĩnh, cựu chiến binh, người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc lần lượt xếp hàng vào thắp hương tại nhà Đại tướng thì Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ xuất hiện.

Ca sỹ này đóng bộ trắng quần, áo trắng, đeo kính đen như lên sân khấu, tay ôm một bó hoa trắng và đi cùng cùng một cô gái. Mặc dù được các chiến sỹ cảnh vệ nhắc nhở phải đứng xếp hàng để đảm bảo trật tự, song Đàm Vĩnh Hưng đã phớt lờ đi thẳng vào phòng tưởng niệm Đại tướng.

Đáng chê trách hơn, rất đông các phóng viên đang tác nghiệp khi thấy “ngôi sao” cũng quay sang chen lấn, bám đuổi tranh thủ chụp ảnh tạo thành một cảnh tượng chen lấn lộn xộn gây bức xúc cho rất nhiều người.


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Chinh%20tri%20va%20thoi%20su/IMG_6330_zpsbe7bbcc4.jpg
Cảnh tượng phóng viên bám đuổi, chen lấn chụp ảnh Đàm Vĩnh Hưng trong dòng người nghiêm trang đứng xếp hàng.



Trước thái độ ngạo mạn, bất chấp quy định của Đàm Vĩnh Hưng các chiến sỹ cảnh vệ tại đây đã cương quyết đuổi nam ca sỹ này ra và yêu cầu đứng xếp hàng như một người dân bình thường. Tuy nhiên, lúc ra đến cửa Đàm Vĩnh Hưng lại “tạo dáng” định trả lời phỏng vấn thì lực lượng an ninh một lần nữa phải tỏ thái độ cứng rắn đưa nam ca sỹ này ra khỏi khu vực.

Nhiều người dân chứng kiến cảnh tượng đã vô cùng bức xúc trước thái độ vô văn hóa, ngạo mạn coi thường mọi người của nam ca sỹ này.

Theo  PetroTimes


Nguồn: http://ttxva.org/thai-do-...guyen-giap/#ixzz2hndCjpfz
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nên bỏ chữ 'nhạc sến'



LTS TT&VH: Từ Mỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam Jason Gibbs gửi cho TT&VH Cuối tuần bài viết của anh về “nhạc sến” sau khi theo dõi cuộc tranh cãi về dòng nhạc này trên các trang báo và diễn đàn ở Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một cái nhìn “từ bên ngoài” về “nhạc sến”.  

1. Tôi được nghe đến tên gọi “nhạc sến” lần đầu tiên năm 1995 lúc xếp hàng trước khi vào thính phòng nghe một chương trình nhạc truyền thống Việt Nam ở San Francisco. Tôi đứng cạnh một người đàn ông đứng tuổi lúc đang đợi chương trình bắt đầu. Điều thú vị cho tôi, ông là một người Hà Nội chính gốc sinh năm 1921 và đã suốt đời kiếm sống bằng nghề chơi nhạc.

Chúng tôi chuyện trò về nhạc Việt một cách rất thân mật và thoải mái. Tôi tỏ ý rằng rất thích các ca khúc bolero của miền Nam.   Ông ấy đáp - “À, nhạc sến.  Anh có biết chữ “nhạc sến” không?”,  tôi trả lời “không”.  Ông rằng: “Nhạc ấy cũng gọi là nhạc máy nước”. Ông ấy giải thích: Ngày xưa, trước khi có ống nước vào các nhà, các con sen, con ở phải xếp hàng ở máy nước công cộng để lấy nước mang về nhà. Các cô gái trẻ từ nhà quê ra tập trung chờ đợi lượt của mình thì được nghe như một đàn chim hót líu lo - này là chuyện trêu trọc, ngồi lê mách lẻo. Một nhu cầu nữa là ca hát cho vui, cho giải trí.

Ông ấy kể đến thời gian mà nhạc ấy được gọi nôm na bằng tên “dân ca mam-bô”. Các bài hát của phong trào này nghe rất khác nhạc sáng tác ở miền Bắc trước 1954. Nhạc cải cách vốn là nhạc trữ tình chủ yếu chịu ảnh hưởng của nhạc Pháp, nhạc cổ điển, và nhạc Hawaii. Ông phân biệt nhạc sến với “nhạc sang”, tức là nhạc sang trọng mà hiện nay được gọi là nhạc tiền chiến. Dân ca mam-bô gồm những bài hát của các nhạc sĩ như Hoàng Thi Thơ, Trịnh Hưng, Hoài An, Thu Hồ, Mạnh Phát… Các bài ca ấy viết theo ngũ cung miền Trung và miền Nam với phong cách nhịp nhàng và vui tươi. Loại nhạc này được phát triển thành nhạc bolero rất phổ biến đến bây giờ.

Thị trường nhạc tại miền Nam thời kỳ đó rất đa dạng. Các loại nhạc và tất cả các nghệ sĩ đều được thể hiện trên đài truyền hình. Đặc trưng của các đại nhạc hội của Sài Gòn xưa cũng được kế tiếp bởi các video Paris By Night sau này. Các chương trình phải có cái gì đó cho các lớp khán giả, từ trẻ đến già, từ sang đến… chưa sang.  Và vì thế người nghe nhạc hay phân biệt giữa tân và cổ, ta và Tây, sang và không sang.

2. Khi tôi mới đến Việt Nam trong những năm 1990 nhiều người nói đến nhạc vàng, nhưng người ta rất ít (gần như không) nói về nhạc sến.  Ở miền Bắc “nhạc vàng” là thuật ngữ để nói về tất cả các loại nhạc được phổ biến ở miền Nam (và ở các thành thị miền Bắc dưới thời chính quyền Pháp và Bảo Đại trước 1954). Sau năm 1975 nhạc vàng vẫn là tên gọi của các loại nhạc bị cấm từ trước, rồi các loại nhạc sản xuất ở hải ngoại. Thực ra nhạc vàng là nhạc thị trường theo góc nhìn của một xã hội bao cấp.

Tôi đề cập đến nhạc vàng vì những người chê loại nhạc bị gọi là nhạc sến cũng phê phán những nét “ủy mị”, “sướt mướt” đã từng đổ lỗi tại nhạc vàng. Cách giải nghĩa âm nhạc bằng những tính từ ấy gốc từ chính sách văn hóa Mao Trạch Đông thành phong trào “bài trừ nhạc màu vàng” của thời Hà Nội mới giải phóng và cũng làm ảnh hưởng chính sách văn hóa Việt Nam đến những năm Đổi mới.

Chữ “sến” thì gần như không có trong quyển từ điển nào. Tôi chỉ biết đến một trường hợp là quyển từ điển Vietnamese-English Student Dictionary (Từ điển Sinh viên Việt - Anh) - Southern Illinois University Press, 1971 của Nguyễn Đình Hòa dịch chữ sến là “kind of wood” (một loại gỗ) và “(slang) young woman” - (tiếng lóng - phụ nữ trẻ). Ông Hòa không định nghĩa thêm, nhưng vì biết đến nguồn của từ này thì tôi nghĩ rằng phải giải thích thêm - sến là chữ lóng nói đến phụ nữ trẻ từ nông thôn (lục tỉnh) ra. Dịch chữ sến cho chính xác hơn thì phải nói đến các từ như wench hay hussy. Hai từ ấy đều mô tả phụ nữ trẻ, gốc nông thôn, với phong cách thô tục ít hay nhiều.

Tóm lại thì chữ sến và nhạc sến bao gồm nhiều ý xấu. Chữ này biểu lộ thái độ miệt thị phụ nữ, người nông thôn, và dân lao động. Còn ngữ từ này là của dân miền Bắc tạo ra cũng chứng tỏ thái độ coi khinh văn hóa Nam. Một điều nữa tôi cũng nghĩ rằng từ nhạc sến chứa ít nhiều định kiến “xướng ca vô loài” của ngày xưa.  Nghĩa là nhạc lịch thiệp không dơ tay vào việc chợ búa (là địa vị của phụ nữ), việc buôn bán, việc sinh sống. Như thế là trái với ý nhạc lịch thiệp mà phải được xã hội trợ cấp theo ý các nhà chuyên môn thanh khiết không ăn lương của kinh tế thị trường.

Theo cách nhìn ấy nhạc sến chỉ là đồ rẻ tiền bán ở thị trường. Nếu chữ sến được bỏ thì ý nghĩa đúng của dòng nhạc này sẽ được bộc ra. Cách đây gần 15 năm cố nhạc sĩ Văn Phụng nói cho tôi nghe rằng ông không thích thái độ miệt thị nhạc thịnh hành ở miền Nam và hải ngoại. Ông đề nghị gọi nhạc này bằng “nhạc dân tộc tính phổ thông”. Vài năm sau tôi được nói chuyện với cố danh ca Minh Trang. Bà ấy cũng không chấp nhận thái độ trên và chủ trương gọi nhạc này bằng “nhạc quê hương”.

Tôi nhất trí với bà Minh Trang. Nhạc quê hương bày tỏ một miền quê chung của những người còn sống ở làng quê hay những người vì nhu cầu đời sống phải sống xa quê. Cả lịch sử của Việt Nam trăm năm vừa qua là các chuyến đi của người dân quê vào các thành thị (hay các miền quê của họ bị thành thị hóa). Đời sống của bao thế hệ người nông thôn với những mối quan hệ thân thiết với người cùng xóm và với thiên nhiên bị gián đoạn bởi nhu cầu kiếm sống hay vì chiến tranh. Nhạc này đậm đà các điệu hò, lý miền Nam và điệu vọng cổ. Lời ca của nhạc quê hương nói đến các con sông, những bến đò chiều, những chuyến xe lam, những đường chiều nghiêng nắng, các mùa trái cây chín, mùa hoa nở… Và bao mối tình bị đoạn tuyệt vì các biển đổi trong đời thường của các người Việt Nam.

Bởi vì đa số người Việt còn sống ở nông thôn thì quá trình này sẽ không ngừng nối tiếp. Người đồng quê và từ đồng quê ra cần một luồng âm nhạc riêng bày tỏ nỗi niềm của họ. Trong môi trường mới ở thành thị rất khác với đời sống êm ấm ngày xưa trong trí nhớ, mọi người cần đến một luồng âm nhạc “tri kỷ” thông cảm với hoàn cảnh mình.

Các nhạc sĩ, nhà phê bình hay nhà báo tung ra chữ nhạc sến để tỏ một thái độ không đẹp với dân nghèo Việt Nam. Tất nhiên mỗi người được phép phát biểu ý kiến về chất lượng của tất cả các loại âm nhạc, nhưng họ không nên xúc phạm người nghe nhạc ấy. Tôi đề nghị bỏ chữ nhạc sến trong việc bình luận âm nhạc

Jason Gibbs (Nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [48] [49] [50] [51] [52] [53] [54] ... ›Trang sau »Trang cuối