Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [19] [20] [21] [22] [23] [24] [25] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Baba Yaga

.


Trăn Và Thỏ

Anton Tsekhov



Gần như là sự ngạo mạn bỉ ổi, ấy thế mà gã Sở Khanh già trong truyện ngắn này lại có thể làm đau trái tim người tử tế. Nhưng đó là cuộc sống, sự tàn nhẫn trong đời thường... hình như Anton Tsekhov đã cười buồn buồn nói như vậy.

Pyotr Semyonych, một tay chơi đã đến thời kỳ mệt mỏi, đầu bị hói, mặc chiếc áo ngủ bằng nhung có núm tua màu đỏ sẫm, tay đang mân mê những sợi tóc mai mềm mại, tiếp tục nói:
- Này mon cher (bạn thân mến), nếu bạn thích đây là một phương pháp khác - một phương pháp tinh vi nhất, khôn khéo nhất, độc địa nhất và cũng là một phương pháp nguy hiểm nhất cho các ông chồng. Chỉ có các nhà tâm lý học và các tay sành sỏi tâm lý phụ nữ mới có thể đem ra áp dụng. Trong khi sử dụng phương pháp này, the conditio sine qua non (điều kiện không thể thiếu) là phải kiên trì hết mực. Phương pháp không thích hợp với những ai không biết cách chờ đợi và kiên nhẫn. Theo đó, nếu bạn đang tìm cách chài mồi vợ của người đàn ông nào đó, thì bạn phải giữ một khoảng cách xa nàng chừng nào tốt chừng đấy. Vừa khi bạn thấy nàng quá đỗi quyến rũ thì hãy chấm dứt ngay việc thăm viếng, càng ít gặp càng hay và chính lúc ấy buộc lòng bạn phải từ bỏ thú vui được chuyện trò với nàng. Bạn gây ảnh hưởng với nàng từ đằng xa. Chẳng qua toàn bộ vấn đề là một cách thôi miên vậy thôi. Hẳn nhiên là nàng không nhìn thấy bạn nhưng nàng vẫn chịu ảnh hưởng của bạn, cũng giống như con thỏ cảm nhận được tia nhìn chăm chăm của con trăn. Bạn thôi miên nàng không phải bằng đôi mắt nhưng bằng cái lưỡi khôn khéo của bạn. Và con đường tốt nhất không gì bằng, là thông qua người chồng của nàng.
Chẳng hạn tôi say đắm yêu N.N và tôi muốn chiếm đoạt nàng. Đâu đấy, ở câu lạc bộ hoặc ở nhà hát, tình cờ tôi gặp chồng nàng.
- Vợ anh thế nào? - Tôi làm như vô tình hỏi anh ta - Này, chị ấy là một phụ nữ thật duyên dáng. Tôi
vô cùng ngưỡng mộ chị, anh ạ.
- Ở... nàng có gì mà mê hoặc cậu đến vậy hả? - người chồng hả hê đó buột miệng hỏi.
- Chị ấy đẹp nhất, thanh tú nhất. Chị có thể làm cho đá cũng phải động lòng yêu chị. Các anh là những ông chồng u mê đến lạ. Chỉ trong thời gian hưởng tuần trăng mật các anh mới nhận ra được giá trị của các bà vợ. Anh không thấy vợ anh là một phụ nữ lý tưởng sao? Này này, hãy mở mắt ra mà nhìn, mà tận hưởng số phận đã dâng tặng cho anh một người vợ như thế. Chỉ có những người đàn bà loại ấy mới thật sự cần thiết cho thời buổi này, thế hệ này.
- Ở nàng có gì mà anh cho là khác thường chứ? - người chồng gạn hỏi.
- Chị kiều diêm, chị duyên dáng, tràn đầy sức sống, chân thật, ngây thơ, thẳng thắn, đồng thời cũng rất chi là khó hiểu.

Và chuyện như thế còn đẩy xa hơn nữa. Ngay đêm đó, người chồng trước khi ngủ, chắc chắn sẽ thủ thỉ với vợ:
- Này em, anh mới gặp Pyotr. Hắn ca tụng em hết mực. Hắn mê mẩn vì em. Theo lời hắn thì em là một người đàn bà tuyệt đẹp, vô cùng yểu điệu và lại khó hiểu nữa. Rằng em có thể yêu một cách lạ lùng. Tất nhiên hắn nói rất nhiều về em... ha ha...
Sau đấy, vẫn không gặp nàng nhưng tôi vẫn nhắm tìm chồng nàng.
- Tiện thể, anh bạn già này... - tôi nói với anh - hôm qua một hoạ sĩ tôi quen đã đến tìm gặp tôi. Một ông hoàng nào đấy đã ra lệnh hắn phải vẽ chân dung có vẻ đẹp đặc biệt Nga. Vẽ như vậy hắn sẽ được thưởng hai ngàn. Hắn nhờ tôi tìm giùm một người mẫu. Tôi có ý định giới thiệu vợ anh với hắn nhưng bản thân tôi không thể làm được. Tuy nhiên chị ấy chính là mẫu người hắn đang cần. Khuôn mặt chị thật đáng yêu. Một người mẫu tuyệt vời như vậy mà thoát khỏi đôi mắt của nhà nghệ sĩ thì thật là tủi hổ. Quá là tủi hổ!

Ông chồng nào cũng đều nịnh vợ nên nhất định là sẽ lặp lại những lời ấy cho vợ mình nghe. Buổi sáng, người vợ sẽ ngồi rất lâu trước gương, săm soi nhan sắc của mình và thầm nghĩ: Do đâu anh ấy lại cho rằng khuôn mặt mình tiêu biểu người Nga nhỉ?
Vậy mà mỗi lần soi gương là nàng lại nghĩ đến tôi. Trong thời gian ấy, tôi vẫn làm như vô tình gặp gỡ chồng nàng. Sau mỗi lần gặp mặt ấy, người chồng khi trở về nhà cứ trân trân nhìn mặt vợ.
- Tại sao anh nhìn em như thế?
- Cái thằng cha Pyotr lại phát hiện là con mắt này của em thì đen hơn con mắt kia. Cả đời anh, anh có thấy gì đâu.

Người vợ lại ngồi trước gương, săm soi nhìn mình hồi lâu, suy nghĩ:
- Ừ, mắt trái hình như hơi đen hơn mắt phải... Không, mắt phải đen hơn mắt trái... Nhưng có lẽ với anh ấy thì như thế.
Sau lần gặp thứ tám hoặc thứ chín, người chồng nói với vợ:
- Anh gặp Pyotr tại nhà hát. Hắn xin lỗi đã không đến thăm em, lý do là không có thì giờ. Hắn nói hắn bận bù đầu. Hình như anh thấy khoảng bốn tháng nay hắn không đến thăm hai vợ chồng mình. Anh trách hắn chuyện này nhưng hắn rối rít xin lỗi, hẹn xong việc sẽ đến thăm.
- Nhưng đến khi nào công việc mới xong?
- Theo hắn nói, ít nhất phải một hoặc hai năm. Chẳng hiểu hắn làm cái quái quỷ gì. Ôi thằng cha thật lạ lùng! Hắn quấy rầy anh hoài như một tên khùng, lải nhải đủ điều: "Này, tại sao vợ anh lại không lên sân khấu nhỉ? Với một ngoại hình hấp dẫn như thế, với sự thông minh và đa cảm như thế mà ru rú làm người đàn bà nội trợ thì là một cái tội đối với chị. Chị ấy phải rũ bỏ mọi thứ. Hãy đi đến nơi nào mà tiếng nói bên trong thôi thúc. Những đòi hỏi tầm thường không thể dành cho những người đàn bà như thế bao giờ. Những phẩm chất như chị ấy thì không thể bị trói buộc trong thời gian và không gian".

Tất nhiên người vợ chỉ có ý tưởng mơ hồ về những gì câu chuyện thổi phồng kia muốn nói đến, tuy nhiên nàng mền nhũn cả người vì nỗi ngất ngây đến nghẹt thở ấy.
- Thật vô lý! - Nàng thốt lên, làm ra vẻ hững hờ - anh ta còn nói gì nữa không?
- Hắn nói là nếu hắn không bận rộn thì hắn bứng em ra khỏi anh ngay. Anh trả lời với hắn là, thích bứng thì cứ bứng đi, anh không vì em mà đọ kiếm với hắn đâu. Hắn liền la lên: "Ồ, anh không hiểu chị ấy. Điều quan trọng là phải hiểu chị ấy. Chị ấy là một người khác thường, dữ dội, sẽ tìm lối thoát cho xem. Thật đáng tiếc tôi không phải là Turgenev, bằng không tôi sẽ đưa chị ấy vào tiểu thuyết ngay". Anh không sao cười được. Em à, hắn mê mệt vì em đấy. Anh mới nghĩ thầm: Ờ giá như người anh em sống với nàng hai, ba năm thì người anh em sẽ ca cẩm một giọng khác thôi. Một thằng cha quái gở!

Người vợ khốn khổ ấy kết thúc bằng một nỗi giày vò khao khát mong được gặp mặt tôi. Tôi là người duy nhất hiểu được nàng, chỉ với tôi nàng mới thổ lộ hết tâm can. Song lẽ tôi vẫn bướng bỉnh không đến thăm nàng. Đã lâu rồi nàng không gặp tôi. Người chồng vừa ngáp vừa truyền đạt những lời nhận xét của tôi và dường như nàng nghe được chính giọng nói của tôi, nhìn thấy rõ đôi mắt long lanh của tôi.

Thời gian tâm lý đã điểm. Một buổi tối, người chồng về nhà, mở miệng nói:
- Anh mới gặp Pyotr Semyonych. Hắn trông đờ đẫn, ủ rũ, chán chường.
- Sao thế? Anh ta có chuyện gì à?
- Anh không rõ. Hắn than là chán quá. Hắn nói: "Tôi cô độc. Không bà con thân thích. Không bạn bè. Không một ai hiểu tôi. Không một ai để tâm tình. Không ai hiểu tôi cả. Tôi chỉ mong có mỗi một điều: chết quách cho xong!".
- Đồ điên rồ! - người vợ bật thốt lên, nhưng trong thâm tâm thì nàng nghĩ: Đáng thương thật! Mình hoàn toàn hiểu anh ấy! Mình cũng cô độc. Cũng không có ai để hiểu mình trừ anh ấy ra. Còn ai ngoài mình để thấu hiểu tâm trạng của anh ấy?
- Đúng là một thằng cha quái gở! - người chồng tiếp tục - Hắn còn nói thế này: "Quá chán chường tôi không sao ở nhà được. Suốt đêm tôi đi thơ thẩn trong công viên".

Người vợ sốt vó cả lên. Nàng ngắc ngoải muốn chạy vụt đến công viên để thấy - dù chỉ bằng một mắt thôi - người đàn ông hiểu được nàng mà giờ đây đang mang tâm trạng thất vọng đến thế. Ai biết được chứ? Nếu mình nói chuyện với anh ấy, nếu mình nói một vài lời để an ủi anh ấy thì may ra anh ấy khoẻ khoắn hơn. Nếu mình nói rằng anh đã có một người bạn hiểu anh, đánh giá được anh thì có có lẽ anh sẽ tỉnh người lại. Nhưng mà điều này không thể... Phi lý quá. Thậm chí mình không được có ý nghĩ như thế nữa kia. Nếu mình không lưu ý, mình sẽ yêu anh ấy mất, mà như vậy quả là xuẩn ngốc và buồn cười biết bao.

Khi chồng nàng ngủ say, nàng liền ngẩng cao đầu, nó nóng như lửa đốt ấy, ngón tay ép chặt lên môi, suy nghĩ: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bây giờ mình liều lĩnh ra khỏi nhà. Rồi sau đó, mình sẽ bịa ra chuyện đến quầy thuốc, đến nha sĩ. Mình phải đi thôi. Nàng quyết định.
Kế hoạch của nàng đã sắp sẵn: Mình đi theo cửa phía sau ra khỏi nhà, đáp taxi đến công viên; một khi đến đấy, mình sẽ đi bộ ngang qua anh ấy, liếc mắt nhìn anh rồi quay về nhà. Như thế nàng sẽ không làm tổn thương nàng và cho cả người chồng của nàng.
Nàng mặc quần áo, vội vã rời khỏi nhà, lao vút đến công viên. Công viên tối đen, vắng vẻ. Những thân cây trơ trụi yên giấc. Không thấy một bóng người. Nhưng nàng chợt thấy có bóng người. Chắc chắn là người đó rồi. Toàn thân nàng run rẩy, chầm chậm nàng tiến về phía tôi... và tôi tiến về phía nàng. Trong giây lát cả hai chúng tôi đều đứng bất động, nhìn sâu vào mắt nhau. Một khoảnh khắc khác lại trôi qua lặng lẽ và... con thỏ bất lực chui vào mõm con trăn.
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Baba Yaga

.

Một chuyện đùa

Anton Tsekhov



Một buổi trưa mùa đông trong sáng... Trời giá lạnh, rét cóng. Nađia khoác tay tôi. Những hạt bụi tuyết nhỏ trắng xóa bám lên mấy món tóc xoăn vòng rủ hai bên thái dương nàng, lên hàng lông tơ mịn phía trên môi. Nàng và tôi đứng trên một ngọn đồi cao. Từ chỗ chúng tôi đứng, sườn đồi đổ dài thoai thoải xuống lấp loáng dưới ánh nắng, như một tấm gương. Bên cạnh chúng tôi là một chiếc xe trượt tuyết nhỏ bọc một lớp dạ màu đỏ tươi.
- Chúng ta cùng trượt xuống dưới đi, Nađia! - tôi van nài nàng - Một lần thôi! Tôi cam đoan với cô là chúng ta sẽ chẳng hề gì đâu.
Nhưng Nađia sợ. Cả khoảng gian từ đôi giày cao su nhỏ nhắn của nàng đến chân quả đồi phủ băng này đối với nàng thật ghê sợ, tưởng như là một vực sâu vô tận. Đứng đây, nàng chỉ mới đưa mắt nhìn xuống dưới, hay tôi chỉ mới gợi ý bảo nàng ngồi vào xe trượt tuyết là nàng đã sợ hết hồn, không thở được nữa, huống hồ nếu nàng liều mạng lao xuống cái vực sâu kia thì không biết rồi ra sao! Nàng sẽ chết mất, sẽ phát điên mất.
- Ta trượt đi cô! - Tôi cố nài. - Việc gì mà sợ! Cô phải biết sợ thế là nhát gan, xoàng lắm cô ạ!
Cuối cùng, Nađia cũng ưng thuận, nhưng qua nét mặt nàng, tôi biết rằng nàng liều mạng mà nghe lời tôi. Tôi đỡ nàng vào xe trượt; nàng run rẩy, gương mặt nàng tái nhợt. Tôi vòng tay qua giữ lấy Nađia và cùng nhau lao xuống.
Chiếc xe lao đi vun vút như một viên đạn. Làn không khí bị xé ra quật vào mặt, gào rít bên tai dữ tợn đâm vào da buốt nhói, gió như muốn giật phăng đầu ra khỏi vai. Gió ép mạnh, đến nghẹt thở. Tưởng chừng như có một con quỷ nào đang giơ tay nắm lấy chúng tôi và vừa rú lên vừa kéo xuống địa ngục. Mọi vật chung quanh nhập lại thành một vệt dài vun vút lao về phía sau... Chỉ một giây lát nữa thôi có lẽ chúng tôi sẽ chêt!
- Nađia, anh yêu em! - tôi thì thào nói.
Chiếc xe trượt dần dần chạy chậm lại, tiếng gió gào và tiếng càng trượt xe rít lúc này đã không còn đáng ghê sợ, ngực đã thấy dễ thở, và thế là chúng tôi đã xuống đến chân đồi. Nađia sợ tưởng chết đi được, gương mặt tái nhợt, nàng thở không ra hơi... Tôi đỡ nàng đứng dậy.
- Các vàng tôi cũng không trượt lần nữa đâu! - nàng nói và đưa cặp mắt mở to đầy sợ hãi, nhìn tôi. - Các vàng tôi cũng chịu! Chỉ thiếu chút nữa là tôi chết!
Một lát sau, nàng dần dần hết sợ và đã bắt đầu nhìn vào mắt tôi với vẻ dò xét: có phải tôi đã nói bốn tiếng ấy, hay chỉ là trong tiếng gió gào rít nàng nghe thấy như vậy? Còn tôi, tôi đứng bên cạnh nàng, lấy thuốc lá ra hút và chăm chú nhìn chiếc găng tay của mình.
Nàng khoác tay tôi và chúng tôi cùng nhau dạo chơi hồi lâu bên đồi tuyết. Hình như điều bí ẩn làm nàng thấy trong lòng băn khoăn. Có phải anh nói ra những lời đó không? Có những lời đó hay không? Có hay không? Đó là một câu hỏi của lòng tự trọng, của danh dự, của cuộc đời và niềm hạnh phúc - một câu hỏi rất hệ trọng, hệ trọng nhất trên đời này. Nađia chăm chăm nhìn tôi bằng cặp mắt buồn rầu nôn nóng bồn chồn. Nàng chậm rãi do dự trả lời những câu hỏi của tôi như chờ mong tôi sẽ tự nói ra cái điều bí ẩn ấy. Ôi, khuôn mặt nàng lúc ấy đáng yêu biết bao, ý nhị biết bao! Tôi thấy rõ nàng đang tự day dứt với mình, nàng cần nói một điều gì, cần hỏi một điều gì, nhưng nàng không tìm được lời, nàng cảm thấy rụt rè kinh sợ, một niềm vui nào đang ngăn trở nàng nói...
- Này anh... - Nàng nói, mắt không nhìn tôi.
- Cái gì vậy? - tôi hỏi.
- Chúng ta cùng nhau... lao dốc lần nữa đi.
Chúng tôi lần theo những bậc thang trèo lên đồi. Tôi lại đỡ Nađia lên xe, mặt nàng tái nhợt, và toàn thân run run. Chúng tôi lại lao xe về phía vực thẳm khủng khiếp và, gió lại gào, tiếng xe lại rít lên. Và cũng đúng vào lúc chiếc xe lao nhanh nhất, tiếng gió gào rít ghê gớm nhất, tôi lại nói:
- Nađia, anh yêu em!
Khi chiếc xe dừng lại, Nađia vội đưa mắt nhìn quanh quả đồi mà chúng tôi vừa trượt xuống, rồi nhìn đăm đăm vào mặt tôi, lắng nghe giọng nói thờ ơ lãnh đạm của tôi và toàn thân nàng, cả từ cái mũ, cái bao tay và dáng người nàng nữa, đều toát lên một cái gì hồ nghi khó hiểu. Trên gương mặt nàng như hiện lên các câu hỏi:
"Điều gì đã xảy ra? Ai nói những lời ấy? Anh ấy hay là chỉ do ta nghe được?"
Điều bí ẩn ấy làm nàng không yên lòng chút nào, nàng không chịu được nữa. Cô bé đáng thương ấy không trả lời nổi những câu hỏi, nét mặt rầu rĩ như muốn khóc.
- Chúng ta về nhà thôi nhé? - tôi hỏi.
- Không, không... tôi thích... trượt xe thế này, - nàng nói, mặt ửng đỏ lên. - Hay là chúng ta cùng nhau trượt lần nữa đi?
Nađia nói rằng nàng "thích" cái trò trượt này, thế mà khi ngồi lên xe, nàng vẫn run, gương mặt nàng vẫn tái nhợt, hơi thở vẫn ngắt quãng vì sợ hãi như những lần trước.
Lần thứ ba chúng tôi trượt xuống. Tôi thấy nàng đăm đăm nhìn lên mặt tôi. theo dõi đôi môi tôi. Nhưng tôi lấy chiếc khăn tay che miệng đi rồi khẽ đằng hắng lên mấy tiếng, và khi xe lao xuống lưng chừng đồi, tôi còn kịp nói:
- Nađia, anh yêu em!
Điều bí ẩn vẫn là điều bí ẩn! Nađia im lặng, nàng đang nghĩ ngợi điều gì... Tôi tiễn nàng từ sân trượt về nhà. Nàng cố đi chậm lại, chờ xem tôi có nói với nàng những lời ấy không. Tôi cảm thấy tâm hồn nàng đang đau khổ, nàng đang cố dằn lòng để khỏi phải thốt lên:
- Không, gió không thể nói được những lời ấy! Mà tôi cũng không muốn tin rằng gió đã nói những lời ấy!
Sáng hôm sau, tôi nhận được một mảnh giấy của nàng: "Nếu hôm nay anh có đi trượt tuyết, đến rủ tôi cùng đi nhé! Nađia". Từ hôm đó, ngày nào tôi và Nađia cũng lên đồi và mỗi lần lao xe từ trên đồi xuống, tôi lại thì thào nhắc lại những lời đó:
- Nađia, anh yêu em!
Chẳng bao lâu sau, Nađia quen nghe những lời ấy như quen uống rượu, hay dùng moócphin. Nàng không thể sống thiếu những lời đó nữa. Thực ra, lao xe từ trên đồi xuống vẫn đáng sợ như xưa, nhưng giờ đây chính cái nguy hiểm, cái kinh sợ đó lại đem đến một cái gì đặc biệt đắm say cho những lời yêu đương ấy, những lời vẫn là điều bí ẩn và dằn vặt lòng người như trước... Kẻ bị nghi ngờ vẫn là gió và tôi... Ai, gió hay là tôi, đã thổ lộ với nàng những lời yêu đương ấy, nàng không biết được; nhưng hình như nàng không để ý đến điều đó nữa bởi vì tục ngữ nói uống rượu từ bình nào, có gì đáng bận tâm dâu, chỉ cốt sao say được thôi.
Có lần vào một buổi trưa, tôi đến sân trượt một mình; đi lẫn trong đám đông. tôi bỗng nhìn thấy Nađia đang đi về phía đồi và đưa mắt tìm tôi... Rồi nàng chậm chạp bước theo bậc thang trèo lên đỉnh đồi... Trượt xe một mình thật đáng ghê sợ biết bao, ôi, thật đáng ghê sợ! Mặt nàng tái nhợt, trắng như tuyết, toàn thân run rẩy, nàng bước đi hệt như đến nơi chịu án tử hình, nhưng nàng vẫn xăm xăm đi, đầu không ngoái lại. Chắc là cuối cùng nàng quyết định thử xem: nàng có còn nghe thấy những lời ngọt ngào say đắm ấy nữa không, khi không có tôi bên cạnh? Tôi nhìn thấy nàng tái nhợt, miệng há ra vì sợ hãi; ngồi lên xe, nhắm mắt lại và, sau khi vĩnh biệt trái đất, bắt đầu lao xuống chân đồi... Tiếng càng trượt xe rít lên... Nađia có nghe thấy những lời đó nữa không, tôi không biết... Tôi chỉ thấy nàng bước ra khỏi xe một cách mệt nhọc, gần như kiệt sức. Qua nét mặt nàng có thể thấy rằng chính nàng cũng không biết nàng có nghe được những lời đó hay không. Nỗi sợ hãi khi xe lao xuống đồi đã làm nàng không còn khả năng nghe được, phân biệt được các âm thanh, không còn khả năng hiểu nữa...
Thế rồi những ngày xuân tháng Ba đã tới... Mặt trời như trở nên dịu dàng hơn. Quả đồi tuyết của chúng tôi bắt đầu sẫm lại, dần mất đi cái vẻ óng ánh của nó, và cuối cùng thì tan đi. Chúng tôi thôi không trượt xe nữa. Nađia đáng thương cũng không còn nơi nào để nghe những lời ấy nữa, bởi vì gió thì không còn thổi nữa, mà tôi thì sửa soạn đi Pêterburg - đi rất lâu, có lẽ là suốt đời.
Có lần khoảng hai ngày trước khi đi Pêtérburg vào một buổi chiều tà, tôi ngồi trong khu vườn nhỏ. Một hàng rào cao có đinh nhọn ngăn cách khu vườn ấy với sân nhà Nađia... Trời hãy còn lạnh, tuyết hãy còn đọng lại dưới đám phân cây cối vẫn trơ trụi, nhưng hương vị mùa xuân đã đến, từng đàn quạ bay về tổ, trú đêm kêu lên quàng quạc. Tôi đến bên hàng rào và ghé nhìn qua khe hở. Tôi thấy Nađia bước ra thềm và đưa mắt nhìn lên trời buồn bã... Làn gió xuân nhẹ thổi qua khuôn mặt nhợt nhạt rầu rĩ của nàng... Làn gió xuân gợi lại cho nàng cái tiếng gió rít trên đồi tuyết, khi nàng nghe thấy bốn tiếng ấy, và gương mặt nàng trở nên buồn bã lạ thường, nước mắt lặng lẽ chảy trên má... Nàng đáng thương đưa hai tay mình về phía trước như muốn cầu xin làn gió đem đến cho nàng những lời yêu đương đó một lần nữa. Và tôi, chờ khi có làn gió đến, thì thào nói:
- Nađia, anh yêu em!
Trời, điều gì đã xảy ra với nàng lúc ấy! Nađia khẽ kêu kên và khuôn mặt nàng bỗng chan hoà một nụ cười rạng rỡ. Nađia đưa hai tay lên đón lấy gió, trông nàng lúc ấy thật là mừng rỡ, đẹp xinh và hạnh phúc.
Còn tôi, tôi trở vào nhà và đi thu xếp đồ đạc...
Chuyện ấy đã qua lâu rồi. Bây giờ Nađia đã có chồng, gia đình nàng gả chồng cho nàng hay nàng tự nguyện lấy? - điều ấy cũng chẳng có gì đáng bận tâm. Chồng nàng là thư ký hội đồng giám hộ trẻ con quý tộc. Nađia đã có ba con. Nhưng chút kỷ niệm cùng nhau trượt băng và gió lúc ấy đem đến cho nàng bốn tiếng: "Nađia, anh yêu em!" thì nàng không quên được; đối với nàng, điều ấy đã trở thành kỷ niệm hạnh phúc nhất, xúc động nhất, đẹp đẽ nhất trong đời nàng...
Còn tôi, bây giờ tôi đã đứng tuổi, tôi không hiểu nổi vì lẽ gì tôi đã nói những lời đó, làm sao tôi đã đùa như thế.../.
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bà già đi bụi

* Truyện ngắn của NGUYỄN NGỌC TƯ



Ngồi ở ngoài hiên có thể ngửi được mùi biển cả. Hoa cúc dại mọc liếm lên thềm. Ngôi nhà của tụi mình không cần rộng, chỉ cần kê vừa một cái giường và gian bếp. Ở đó có ông già hơi lãng đãng, đôi khi lấy điện thoại di động khuấy cà phê, hay ngồi nhìn mây những khi ti vi hết chương trình thế giới động vật. Ở đó có bà già hí húi cọ nồi, lâu lâu vói tay ra sau tự đấm lưng. Radio mở rọt rẹt chương trình ca cải lương cuối chiều, miệng bà cằn nhằn tối qua không ngủ được vì ông già ngáy dữ quá. Đêm nay tôi sẽ thủ cục muối hột, cứ hả họng ra ngáy là tôi thả vô miệng cho mặn thấy mồ tổ. Mặt ông già tê mê, khoái chí nói bà cằn nhằn cũng có duyên, y như hồi xưa vậy, thiệt chẳng bõ công tôi bỏ xứ theo bà.

Bức tranh đó hai mươi năm trước ngoại và bồ cùng tô vẽ, mỗi khi hẹn hò. Viễn tượng đào được hủ vàng cũng không gây say ngây bằng nằm cạnh nhau thêu dệt một tổ ấm cuối đời. Ngoại hồi ấy mới bốn mươi, cứ tủm tỉm cười hình dung mùi dầu gió trên bâu áo bồ những ngày trở lạnh. Bồ nói bao giờ già sẽ về sống với ngoại (lúc ấy cũng già), ở đâu cũng được, nhà là nơi có người thương. Gần biển thì thích hơn vì khí trời ở đó tốt cho lá phổi rệu rã của thằng từng nghiện thuốc lá. Ngoại sẽ nấu những món ăn bồ thích, sáng bắc nước pha trà chiều pha vào chậu cho bồ tắm. Thỉnh thoảng bồ hé cửa nhà tắm ngoắc tay, bảo ê bà kỳ lưng giùm tôi coi. Vài lúc bồ quên gội đầu, ngoại sẽ rầy rà đàn ông gì mà hôi rình. Dĩ nhiên đàn bà tuổi đó sẽ cằn nhằn rỉ rả suốt ngày. Cằn nhằn gió, cằn nhằn gạo lên giá và nhất là cằn nhằn ông bồ lơ ngơ, vô tâm.

   - Ui trời, giao việc cho người ta nhiều vậy. Ngộp thở. Lúc đó anh sẽ làm gì?

   - Làm gì nữa?! Anh ho.

Ngoại nhét sổ tiết kiệm vào ngăn trong túi xách, hơi thắt ngực khi nhớ lại mình đã dùng chân khóa chặt bồ như thế nào, lúc bồ nói chỉ việc ho thôi là đã cực thân lắm rồi. Cái ý nghĩ hồi đó mình mạnh thiệt làm ngoại có chút bùi ngùi. Lần gần nhất quắp bồ ngoại nghe như mấy cái khớp xương mình long ra.

Ngó nghiêng lại hành lý lần nữa, ngoại nghĩ chắc là không bỏ sót gì. Dầu gió, thuốc huyết áp, áo ấm, mấy cuốn sách… vẫn còn nguyên trong giỏ xách từ chuyến đi bụi không thành lần trước. Hôm đó ngoại ra khỏi nhà từ mờ sáng, xe chạy ba chục cây số mới sực nhớ bỏ quên giấy tờ tùy thân, ngoại quay lại lấy thì chồng con Hai đã dậy ra tưới cây. Thằng rễ nói vói qua rào, vợ con đau bụng từ khuya giờ, chút má nấu cháo cho nó ăn với. Con đi đám tang ông già thằng bạn dưới quê, chiều má chạy lại nhà trẻ đón bé Chút Chít luôn nghen. Ngoại mở cửa vào vo nắm gạo bắc nồi cháo lên bếp, lúc đem cất túi xách vào ngăn tủ, thấy hơi tan nát. Nhắn cho bồ hay, bồ nói tôi cũng đang không biết nói sao với em. Tụi nhỏ biết ba nó sắp đi chơi, nên cũng giấu biệt chòm răng giả rồi, sao dám đi ra đường đây. Giọng nói của bồ, không biết có phải vì mất mấy cái răng giả hay không, có chút mếu máo. Ngoại nói, thôi, lần sau, em hứa.

   - Nghi lắm! Bồ nói, nhấn trọng âm “lắm” cho ra vẻ hài hước, sao nghe như một tiếng thở dài.

Chính ngoại cũng hồ nghi lời hẹn của mình, bởi cái tính chất bất định của nó. Lần sau là bao lâu? Những chuyến đi không thành dạy ngoại chẳng nên cược vào nhiều hy vọng. Có lần ngoại gọi cho bồ bảo chậm lắm là chiều mai em sẽ nấu cơm cho anh. Chiều mai tụi mình sẽ thuê một căn nhà ở Đậu Phố, bắt đầu sống như một gia đình mới ra riêng. Bồ nói em sắm chén bát ít thôi, vài tháng là chúng ta trả nhà đi lang thang chỗ khác. Bữa đó ngoại chưa đi qua khỏi cây cầu ranh giới giữa Sầu Đâu và tỉnh bạn thì phải quay về. Gái Út gọi điện thoại hớt hãi nói má ơi thằng Bi bị đứt tay. Ngoại hít thở một hơi dài nói vậy con băng bó cho nó đi, má đi xóm rồi. Nó kêu trời, hỏi bông băng để ở đâu. Ngoại lại nuốt nước bọt, cố nhớ coi chỗ mình cất thuốc nhưng không sao nhớ được bởi đầu dây bên kia là tiếng thằng nhỏ Bi kêu gào thảm thiết, gọi ngoại ơi ngoại à, đau quá.

Xe đò dừng ở bên đường trả khách. Bà ngoại về tới nhà thì thằng Bi cũng nín khóc, ngón trỏ quấn chặt vào vạt áo, tay kia cầm que kem mút ngon lành. Út thấy hành lý ngoại phồng lên, kêu chói lói má tính đi đâu vậy, lỡ con trực đêm thì thằng Bi ngủ với ai?

Con em méc con chị, ba đứa con gái phát hiện ra âm mưu bỏ nhà đi bụi của bà già. Tụi nó thay nhau canh giữ bà mẹ bằng cách dúi cho bà mấy đứa trẻ, nhờ bà đan áo len cho mùa đông tới. Tấm muốn đi chơi hội thì phải xong việc đã, cũng may tụi nhỏ không đến nỗi trộn lẫn đậu xanh và đậu đỏ để bắt mình nhặt ra đậu… xanh, ngoại nói với bồ, cố cười giòn trong điện thoại, mà cay mắt.

Mấy đứa con gái siêng nịnh nọt hơn, thường xoa bóp vai ngoại mơn trớn, “không có má tụi con không biết sống sao”. Gái Lớn biết ngoại có mối tình ở đâu đó rất xa, vài tháng lại hẹn hò một lần, và những chiều nắng đẹp ngoại hay đờ đẫn. Con nhỏ giả bộ như không biết. Giống như Gái Giữa vẫn nhớ má đã từng nói muốn dành những năm tháng cuối đời để sống cho mình, nhưng nó lơ luôn khi nghĩ tới sau mỗi chuyến công tác dài ngày nhà cửa sẽ mọc lông. Có ngoại thì đi bao lâu nhà nó vẫn ngăn nắp như mới, chiếu gối được giặt thơm tho. Và mỗi lần ngoại đi sưu tầm thêm túi xách du lịch vô ngăn tủ đã lủ khủ túi xách, hay bỗng lặng người nghe tiếng máy bay qua, Gái Út biết mộng giang hồ của bà già đang trỗi dậy. Nó cắt cúc áo đem qua nói má ơi khâu lại giùm con, cuối tháng này con đi tập huấn tới cuối tháng sau, má nấu cơm cho cha con cu Bi ăn với.

Ngoại lại có bộ sưu tập mới : bản đồ. Mỗi năm họ cập nhật một lần, ngoại dò ra mỗi năm xuất hiện một vài con đường mới, riêng con đường mình thèm cất bước sao cứ khép dần. Trải bản đồ ra coi trong lúc canh chừng mấy đứa cháu ngoại chạy quanh, ngoại di ngón tay tìm lại những nơi quen thuộc. Đây đèo Gió, bồ bảo chúng ta sẽ đến đây mượn một căn nhà sàn của người Nùng, tụi mình làm nương tỉa bắp. Chừng bẻ đợt bắp đầu tiên mình đốt lửa nướng ăn một bữa no nê, rồi gói gém hành lý ra đi. Mình trồng nhãn, mít ở những nơi mình đến mà không chờ hái trái. Mình đi sâu vào đồng bãi ghi lại những câu hát hồi xưa, nếm thử những món ăn quê xứ người. Cũng có thể mình nhận chăn thả một bầy dê chừng chục ngoài con, hoặc đi chăn vịt chạy đồng. Ta bà đây đó, làm lụng cho vui, cho cơ thể vận động thôi, vì sẽ sống bằng tiền dành dụm từ bây giờ.

   - Ừ, nghe mà thèm quá đi. Biết tới chừng nào, hén?

   - Chờ tụi nhỏ lớn. Bồ nói, chắc như đinh đóng cột.

Hồi ấy cả ngoại và bồ đều ngây thơ. Cái khái niệm lớn của những đứa con thật ra không dừng lại ở tuổi mười tám, hay ở cái ngày tụi nó dựng vợ gã chồng. Con cái mãi mãi không lớn. Ngoại dạy cho Gái Lớn cách mặc tả cho con nó thì Gái Út chết hụt vì thất tình. Bồ ở chỗ cách Sầu Đâu một ngàn ba trăm cây số cũng không khá hơn, con gái yêu nhằm thằng nghiện, con trai du học cần rất nhiều tiền. Gặp nhau vội vàng được vài ba bữa, lại gối đầu lên đùi mơ ngôi nhà tranh vách đất có ông già khó tính sống với bà già càm ràm.

Ngoại nhìn quanh nhà mình lần nữa, nghĩ phải đi thôi, đến lúc dứt rồi. Lúc khóa cỗng ngoại đặt chìa khóa dưới chậu lan đất. Tụi nhỏ sẽ biết chỗ lấy để vào nhà đốt nhang ba chúng, mỗi chạng vạng. Đi đến cây cầu cửa ngõ thành phố ngoại sực nhớ chưa tắt điện thoại, cũng may chưa có đứa con nào gọi để hỏi thuốc nhức răng đâu, má ơi.

Cơn mưa lúc gần sáng làm con đường loang ướt. Nắng lên, ánh sáng nhuộm nó thành một dòng sông sáng lóa. Rực rỡ, kiêu bạc mà hết sức dịu dàng. Ngoại nghĩ đường đến thiên đàng không biết có giống vầy không. Ngoại ngây ngất uống lấy dòng sông vàng chảy tràn trước mặt, biết rằng khoảnh khắc này sẽ không gặp lại lần nữa, trong đời.

Bạn đường hỏi dì đi chừng nào về. Ngoại bảo chưa biết nữa, đi bụi mà, tới đâu hay tới đó. Nhưng chắc chắn có ghé biển. Bồ đã chờ sẵn. Hải lưu chắc đưa tro của bồ đi khắp góc biển chân trời.

Sực nhớ cuốn sách viết về chợ Việt đã để quên ở nhà. Ngoại muốn tra coi chợ Ngâu họp phiên vào ngày nào sau Tết. Hình như mùng bốn, phiên ấy người dương sẽ gặp người âm. Không biết bồ có nhớ chỗ đó không, có đến kịp không. Nghi lắm!

Nguyễn Ngọc Tư
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mây nơi góc núi

Tùy bút của HOA NGHIÊM


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Thi%20-%20van/Maynoigocnui_zps5ee0bc9b.jpg
Minh họa: Minh Huy



Đồi chè dưới ánh nắng chói chang này không thể nào gọi là buồn. Nhưng bảo là vui, hẳn cũng không phải. Tháng hạ sắp mưa, chiều đang chuẩn bị tới, trời tà còn hắt từng tia từ thảm lá lên gương mặt chần chừ của thiếu phụ những thoáng thay đổi và thay thế lần lượt sáng tối, tùy theo các khóm thực vật có rung động hay không. Căn nhà gỗ ọp ẹp bé xíu lọt thỏm giữa đồi nương, với mái ngói hài lòng màu yên ắng, vừa đủ để tạo thành một khối nâu đen nổi bật trong gam sắc thái xanh, từ tươi đến ủ. Nhà tựa vào cây mít cổ thụ để đứng vững. Có lẽ thế. Bằng chứng là vuông cửa sổ nhỏ nhưng cao cũng nghiêng nghiêng, vừa đủ để làm duyên cho ai đó muốn làm họa sĩ.

Phía bên trong vuông cửa ấy, như mọi thiếu phụ, cô đang ngóng chờ. Từ đây, cô có thể nhìn xuống con đường đất ngoằn ngoèo ẩn hiện sau từng khúc quanh, và tùy theo từng mùa thay lá thay hoa, cô sẽ nhìn thấy anh suốt một thôi dài, hay là vừa đấy mất đấy, như là chơi trốn tìm. Trước kia xuân thu nhị kỳ anh lên thăm cô thật bất chợt, khiến cô tuy ngỡ ngàng vui nhưng vẫn lúng túng, khi trái tim thổn thức pha với ít nhiều tự trọng cứ muốn cho không gian này thật đẹp đẽ gọn ghẽ, thật nữ tính, sao cho xứng với chuyến hành trình vất vả hàng nghìn cây số. Thời gian gần đây, mỗi lần anh lên, cô được báo trước, nên mọi thứ đều đâu vào đấy cả, nhưng đổi lại, sự chờ đợi khiến thiếu phụ cháy bỏng cả tâm can. Không mặc áo thun quần bò như vài năm trước, dạo sau này cô đã diện những bộ dịu dàng hơn, mặc dù hơi quá mượt mà khi so với khung cảnh sống. Cô muốn anh cảm thấy đây là chốn ấm êm, mặc dù chỉ ấm êm vài lần trong năm, vào những dịp như hè, lễ tết, và càng về sau này, là vào những dịp mà cả hai đều cố vin vào để có nhau. Bởi vì anh vẫn phải gánh những bổn phận riêng.

Cô bâng quơ nhìn những thứ đã sắp sẵn, ngăn nắp như trong một bức tranh. Biết là anh sẽ bảo rằng cô đừng sắp xếp gì cả, cứ để mọi thứ trong sự bộn bề của chúng, mà anh gọi là sự bộn bề rất nghệ thuật. Ba năm trước ở lần thăm đột xuất, anh lù lù vào lối cửa nhà bếp khiến cô giật phắt người. Mặt bàn bằng gỗ thật dày ở góc gian bếp đang la liệt vài củ khoai, bắp ngô, con dao cùn, cái bát sứt, bên cạnh chiếc đèn bão dấy bùn màu da ngựa. Anh cười cười bảo “bọn chúng rất đẹp, chúng khiến anh liên tưởng đến một bức tranh của Cézanne…”


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Tao%20hinh/Paul_CC3A9zanne_193_zps155e6e01.jpg
Minh họa: Cézanne



Vì thế hôm nay cô cũng không vun vén quá khéo, e rằng sự chỉn chu khiến căn nhà nhỏ có thể thêm nét lạnh lùng hay khắc khổ. Bày bừa một tí, như thể có bóng dáng đàn ông.
Vì cái bóng dáng ấy mà cô chưa bao giờ tận hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn. Vắng, đã đành là phải trống trải, nhớ nhung như thiết như tha. Nhưng như thế vẫn còn dễ chịu hơn là khi có nhau mà đã phải nghĩ đến lúc anh ra về, lầm lũi xuống hết triền đồi. Buổi trưa của hôm trước chưa kịp trôi qua mà trong lòng cô đã hừng đông. Để rồi ngày hôm sau, nhìn quẩn nhìn quanh nơi đâu trong căn nhà vắng lạnh cũng thấy bóng dáng anh như ma ám. Ngẩn ngơ nhớ chỗ anh ngồi cạnh chiếc bàn gỗ cũ đến sờn cả mép, vì đó là chỗ anh ngồi lâu nhất. Hẫng hụt tại bìa giường này, nơi tựa vào nhau mà nghe hết cả buổi chiều xuống đầy hương. Mủi lòng khi nhìn ra ngạch cửa, nơi cô ngồi luồn tay vào mái tóc dày của anh, vạch tóc ra để nghịch vết chàm nơi mé trán. Những hình ảnh êm đềm ấy chính là giây phút đáng sợ nhất. Hơn cả nỗi chờ trông.



Bây giờ cô thẫn thờ nhìn cái bàn cũ có đôi quả mọng lẩn giữa mớ rau đang héo dần. Xuyên qua ô gió, nắng xiên thêm một chút và vãi một loạt trứng gà lốm đốm trên mớ rau khiến đôi quả chừng như phập phồng thổn thức cứ như muốn gào lên. Nhưng không phải thế. Cô lại thở dài quay nhìn ra ngoài, thấy cặp cây si đực cái, chúng từng rải hàng đợt lá phì nhiêu căng nhựa xuống mặt đất trước thềm nhà, biến thành tấm thảm, đủ dày để cho cô soi lấy đời mình.

Mỗi lần nghĩ đến đôi si, cô hơi cáu cho bản thân. Sống lặng lẽ qua xuân hạ thu đông, cô điềm nhiên đến độ có lần phải vỗ về anh, khi tự ví mình như mây núi, nhàn nhã vô tư, trong khi anh lại như dòng nước dưới khe kia, tuy sống động nhưng quá rộn ràng. Song dường như đã có sự đổi ngôi, khi dần dà mây núi biết chờ mong, và dòng suối đã từ từ chảy chậm. Giờ đây, thời gian giữa hai lần gặp nhau đã khó có thể chịu đựng hơn, vào lúc cô không còn kịp nhìn thấy con chim chào mào bay qua cửa sổ, mà chỉ đau đáu xót xa với tiếng hót vang vọng những tụ tan khi bóng nó đã khuất tự bao giờ.

Nhẩm lại những gì đã diễn ra, lúc khoan lúc nhặt, nhiều khi cô không biết là mình tỉnh hay mơ. Cái khung cảnh mà anh gọi là thần tiên này, biết đâu chỉ như là cung quế nhung lụa ấm êm, nhưng sẽ đọa đày ta suốt cả quãng đời còn lại, trong khi cô lại còn quá trẻ. Nhưng thôi, cũng chẳng tiếc rẻ, cứ điềm nhiên như thế mà sống. Vả chăng, anh từng thì thầm rằng anh yêu cô cũng vì nét hời hợt ấy. Vả chăng hiện nay cô cũng chẳng còn thảnh thơi để lo nghĩ thêm. Ở góc giường, thằng bé đã đạp tung chăn. Cô rướn người lên kéo kín lại, nhân tiện vuốt ve mấy sợi tóc tơ lòa xòa đang che phủ vết chàm nơi mé trán.

.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mệnh đào hoa

Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN HƯNG


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Thi%20-%20van/dao_zpsdadeef16.jpg



Mùa xuân năm đó đúng là mùa tang tóc của kinh thành Thăng Long. Quân Trịnh kéo ra, nghe nói khí thế ngất trời, có voi và cả hổ báo nữa. Đại học sĩ Văn Quận công Nguyễn Tính nghe tin vua thân chinh đốc chiến ở sông Nhị Hà, vội lật đật đi từ Quốc tử giám vào hoàng cung. Tại cửa Huyền Nga, Văn Quận công gặp Trung quan Mạc Ký đang ung ung ngắm hoa đào, bèn hốt hoảng bảo: “Này ông Tý, tôi vào chầu hầu…”

Mạc Ký vốn có tên tục là Tý, khi tịnh thân vào cung đổi là Mạc Ký, nghe thấy Văn Quận công réo tên tục mình, có vẻ không bằng lòng, bèn nói sẵng: “Bệ hạ thân chinh, nhà ông không biết à?”

Văn Quận công nói: “Tôi biết, nhưng tưởng bệ hạ chưa vội đi, tôi xin can gián. Bệ hạ không nên đi.”

Mạc Tý cười khẩy: “Đại học sĩ các ông nhiều lời. Việc nước lâm nguy, vua còn ra trận, các ông mang chữ ra làm tên bắn giặc ư?”

Văn Quận công vội nói: “Ngoài cửa Dền, đã có Thạch Quận công mai phục, thủy quân có Sơn Quận công chỉ huy. Hai cha con các ông ấy là dũng tướng. Phía Tây thành có Đà Quận công trấn giữ. Bệ hạ nên thủ kinh thành, còn để bách tính cậy nhờ…”

Mạc Tý chỉ cây đào đang nụ, nói: “Đào năm nay ngậm nụ rất lâu, người ta nói đó là điềm lành cho ngôi chủ. Ông thấy thế nào?”

Văn Quận công giậm chân: “Nước sôi lửa bỏng, còn hoa hoét làm gì…”

Văn Quận công vừa về đến thư phòng, thì thấy người chạy nháo nhác. Phố xá chạy như ong vỡ tổ. Hỏi ra thì biết, quân Trịnh đã đánh đến, vua tôi vỡ trận, phiêu bạt cả. Đang bấn lên, thì có tiểu đồng báo: “Thưa ông, có bà phu nhân rất đẹp đến.”

Văn Quận công vừa bối rối, vừa bực, gắt: “Ta đã bảo, người đến phải hỏi rõ tước vị, tên tuổi, sao lại nói vung lên như thế? Bà ấy tên là Rất Đẹp à?”

Tiểu đồng cúi gằm mặt. Văn Quận công thoắt thấy sự vô lý trong lúc bấn loạn, bèn phẩy tay, rồi đi ra, đã thấy lọng tía vào đến sân. Thì ra Sơn Quận công phu nhân đến. Theo bà, kéo theo một nhóm phụ nữ, trẻ con. Sơn Quận công phu nhân nói ngay: “Chúng tôi đến đây tá túc. Quân Trịnh vào thành rồi. Văn miếu Quốc tử giám là chốn thiêng từ tiên triều, chắc chúng nó không dám động đến.”

Văn Quận công hỏi: “Tôi tưởng phu nhân đi theo Hoàng hậu?”
Phu nhân lắc đầu, chán nản: “Nó vào nhanh quá, đến cụ Thạch và ông Sơn nhà tôi còn chả biết đi đâu. Hoàng thượng bỏ hoàng cung, không biết chị tôi có theo kịp không?”

Bà Phu nhân nước mắt lã chã. Bấy giờ Văn Quận công mới hoàn hồn nhìn rõ mặt bà. Quả thật thằng tiểu đồng tinh tường, lúc kinh thành nhiễu loạn, lọng tía vào ngõ, sao có thể hỏi han, chỉ thấy đúng là một bà Rất Đẹp. Văn Quận công biết rõ bà là ái nữ nhà Thạch Quận công Nguyễn Quyện, là phu nhân của Sơn Quận công Bùi Văn Khuê. Chị của phu nhân được tiến cung, đương kim hoàng hậu. Đám văn nhân kinh thành nức nở nhả ngọc phun châu ca tụng sắc đẹp của hai chị em bà, ví nhà Thạch Quận công Nguyễn Quyện như nhà họ Kiều ở Đông Ngô tam quốc. Sơn Quận công có lần bực tức gắt ầm lên: “Mẹ kiếp, ví von Kiều công cái cục cứt. Nhà Mạc ta ngôi chính thống, mà Ngô chỉ là một thuộc quốc chư hầu. Ta mà lại như thằng Chu Du ấy à?”

Chí khí của Sơn Quận công được đám văn nhân tung hô. Tiếng tăm của hai bà họ Nguyễn càng lừng lẫy.

Bây giờ bà Sơn Quận công phu nhân ngồi trước mặt Văn Quận công, gương mặt bà đẫm nước mắt. Bà nức nở mà vẻ đẹp càng thánh thiện. Tiểu đồng hoảng hốt chạy vào: “Bẩm ông, quân Trịnh đã vào thành, đốt phá thành lũy. Mạn nam thành cháy to lắm ạ.”

Phu nhân gạt nước mắt, gương mặt bừng đỏ, cái nhìn như có lửa: “Đi, tôi với ông. Phải biết xa giá ở đâu.”

Phu nhân thay áo, mặc như dân thường. Dáng điệu bà nhanh nhẹn, cả quyết. Bà cắt đặt người nhà ở lại, dặn mọi người yên ổn, rồi cùng Văn Quận công ra đi. Văn Quận công đã cho dò hỏi, biết Mạc Tý chạy sang bên kia sông, đoán xa giá chạy theo phía ấy. Văn Quận công và Sơn Quận công phu nhân sang đò, nhằm hành cung Bồ Đề tiến tới.

*  *  *



Hành cung Bồ Đề bình thường thì trang nghiêm vắng lặng, bây giờ cũng nhao nhác người là người. Vượt qua mấy lớp canh phòng, Văn Quận công và bà Phu nhân đến cửa Dương Minh. Văn Quận công mừng rỡ thấy Mạc Ký đứng lim dim ở cửa cùng với hai tên lính. Nào ngờ, Mạc Ký nhận thấy ông quan văn đi với một người đàn bà nhà quê, thì phớt lờ đi. Mạc Ký mặc cho vị quan văn nói năng, nói tỉnh bơ: “Bệ hạ ngự thiện.”

Văn Quận công bực: “Bây giờ mấy giờ rồi mà còn nói dối ta. Ta là Đông các Đại học sĩ Văn Quận công vào bẩm việc nước.”

Mạc Ký cũng gân cổ: “Tôi là Đô chỉ huy sứ ngự lâm quân Vệ Kim Ngô, phụng mệnh hoàng thượng, kẻ nào muốn chết bước qua xác tôi.”

Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, bà phu nhân đĩnh đạc đi đến: “Ta vào xem chị ta thế nào?”

Mạc Ký nhìn tận mặt người đàn bà, rồi chợt cúi thụp xuống: “Đa tạ phu nhân. Xin phu nhân tha tội. Hoàng hậu bình an rồi, ở bên cung Diên Hoa. Bây giờ bệ hạ đang ngự thiện.”

Phu nhân Sơn Quận công cau mày, mắt long lanh, giận dữ gạt tên hoạn quan ra, phăm phăm bước vào. Mạc Ký lo sợ chới với tay, chạy theo. Văn Quận công đi theo, thì bị hai tên lính cầm giáo ngăn lại. Phu nhân đi thẳng vào hậu cung, tên Mạc Ký bối rối chạy theo lắp bắp nói gì không rõ, nhưng không dám động vào bà.

Nơi này sơ sài, không có lớp lang như hậu cung ở kinh thành. Phu nhân Sơn Quận công chợt đứng sững lại khi bà nhìn thấy màu vàng chói một góc. Đó là long sàng. Trên long sàng là một người đàn ông và hai người đàn bà da thịt lõa lồ. Màu hoan lạc còn in rõ trên gương mặt họ. Người đàn ông trẻ trung trên long sàng nghển cổ ra, ngạc nhiên tột độ. Ông ta nhìn thấy một người đàn bà đứng uy nghi, gương mặt lung linh như tiên nữ, đằng sau là tên hoạn quan đang run rẩy. Một thoáng lưỡng lự trên gương mặt bà phu nhân. Sự giận dữ chuyển dần sang lãnh đạm. Bà quỳ xuống, cúi mặt: “Tâu bệ hạ, thần lo tính mạng bệ hạ và hoàng hậu nên đường đột đến. Xin tha tội.”

Vua trần truồng ngồi dậy, vớ lấy chăn che phần dưới, rồi phất tay ra hiệu cho hai cung nữ khiến họ vội vã bỏ đi. Bà phu nhân vội nói rồi đứng lên, bước lui hai bước, quay lưng lại. Nhà vua vội giơ tay: “Ấy, ái khanh!”

Bà phu nhân đứng im. Vua đứng lên, xốc quần, khoác hờ áo lụa, nói: “Ái khanh quay lại đây.”

Bà phu nhân quay lại. Gương mặt bà vô cảm. Vua bước xuống đất, cố hoan hỉ nói: “Lâu quá rồi dì không vào chơi, hôm nay thấy mặt ta cứ ngỡ Hằng Nga giáng trần.”

Bà phu nhân nói: “Tâu bệ hạ, xin cho thần sang thăm chị…”

Vua gật: “Ừ, thôi được… Ái khanh ăn mặc quê mùa vẫn sang trọng. Thật lạ. Ta chưa bao giờ thấy ai đẹp như vậy.”

Phu nhân bước vội ra. Tên Mạc Ký quỳ mọp dưới chân vua. Nhà vua hẩy chân, như đá một con chó. Vua thoắt cáu giận, hầm hừ: “Ngu, ngu quá!”
Mạc Ký run rẩy, bò dưới chân vua, lạy lấy lạy để: “Bẩm bệ hạ tha tội chết. Bà ấy cứ xông vào…”

Vua ngồi xuống long sàng, nguôi giận, nói gằn giọng: “Nuôi mày phí cơm. Mà sao hôm nay nó đẹp thế. Đẹp quá. Hoàng hậu của ta chỉ đáng một phần mười. Mày có mắt như mù?”

Mạc Ký thấy tình hình bình yên, nghển cổ dậy: “Bẩm bệ hạ, mọi người ai cũng bảo, gái kinh thành không ai bằng Sơn Quận công phu nhân ạ.”
Vua gật gật, mắt lim dim. Mạc Ký ra hiệu, hai thị nữ lại xuất hiện đằng sau vua. Nhưng bất ngờ nhà vua đập tay xuống long sàng: “Lui, lui hết!”

Rồi nhà vua than: “Toàn bọn hoa cứt lợn. Hoa đào nở ở đâu rồi!”
Mạc Ký giật thót…

Bên ngoài, Văn Quận công nhìn thấy Phu nhân, vẻ mặt bà lạnh lùng, bí ẩn. Bà đi qua không nhìn ai, không nhìn ông. Đi như mặc kệ mọi người. Văn Quận công cun cút đi theo. Ra khỏi hậu cung, hai người nhìn thấy sông Hồng. Bên kia sông kinh thành lửa cháy ngun ngút. Khói lên đen rầm một góc trời. Bà Phu nhân quay sang Văn Quận công, giọng bà run rẩy: “Giả dối. Ông có thấy thời nào giả dối như bây giờ không? Bách tính khốn đốn, tướng sĩ phí thân ra trận, còn chúng nó chỉ hành lạc.”

Văn Quận công thoạt nghe bối rối quá, không biết nói gì. Điều phạm thượng chỉ có lá ngọc cành vàng dám nói. Ông mới tìm cách an ủi: “Đây là hành cung năm xưa Lê Thái tổ vây thành Đông Quan. Đất này là đất lành. Hoàng thượng chạy đến đây là còn phúc.”

Phu nhân quay ngoắt, nhìn ông quan văn như có ánh lửa phóng vào mặt: “Phúc ư? Quan lại các ông cũng giả dối như đui như điếc? Thế thì phúc ở đâu?”

Văn Quận công thở dài… Chợt có cung nhân chạy đến, bẩm báo: “Nghe tin phu nhân đến, hoàng hậu cho tìm gấp.”

Hai người lật đật đến cung Diên Hoa. Hoàng hậu tóc tai xõa xượi, than khóc vật vã, kêu la thảm thiết: “Bố ơi, bố ơi…”

Văn Quận công hỏi ra, mới biết Thạch Quận công Nguyễn Quyện chống giặc phía đông thành Thăng Long, bị quân Trịnh đánh tan và bắt rồi. Phu nhân Sơn Quận công thấy chị than khóc, bặm môi nói: “Thôi mà chị, bố mình đã ngoại bát tuần, quá già rồi, tướng chết ở sa trường có gì mà buồn lắm. Vả lại, ông cụ mới bị sa cơ, còn chưa biết thế nào. Nhà Trịnh chưa chắc bức ông cụ chết.”

Hoàng hậu buồn, rên hừ hừ: “Dì đúng là kiên gan. Nghe nói chú Sơn Quận công cũng phải chạy không biết đi đâu.”

*  *  *


{Còn tiếp)

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mệnh đào hoa

(tiếp theo và hết)


Trận chiến hồi đầu năm đó, nhà Mạc đại bại, quân Trịnh Tùng vào Thăng Long đốt phá, nhưng biết không giữ được đành lui quân về Tây Đô. Vua nhà Mạc từ hành cung Bồ Đề trở về hoàng cung, luận công tội các tướng. Vua phán: “Quân ngụy Trịnh hung hăng vô đạo, may nhờ oai linh tiên tổ mà chúng sợ mất vía, vào dễ mà ở lại không được. Đà Quận công thế cô phải rút là phải. Chỉ tiếc Thạch Quận công một lão đại thần, vào sinh ra tử cả đời đánh dư trăm trận mà phút chốc sa vào tay ngụy giặc. Thương thay. Các khanh xét xem nên phong thưởng thế nào?”

Một đại thần nói: “Thạch Quận công Nguyễn Quyện là tướng lỗi lạc, mà lại bị bắt dễ thế. Nay ông ấy đang ở trong tay ngụy Trịnh, không biết có theo hay không theo như năm xưa. Chi bằng cứ tạm để đấy. Lão thần bẩm xin hoàng thượng có thưởng thì thưởng cho Sơn Quận công đang nắm giữ thủy quân của ta.”

Văn Quận công biết vị đại thần kia nói cạnh khóe chuyện nhà Nguyễn Quyện. Cách đây 42 năm, phụ thân Thạch Quận công là Nguyễn Thiến hiềm khích với đại thần họ Phạm, thế cô nên sang hàng quân Lê-Trịnh. Tuy rằng sau đó, Nguyễn Quyện đã trở về, nhưng chuyện đó không mấy ai quên.
Vua có vẻ trầm tư, phán: “Sơn Quận công nắm thủy quân, trẫm giao cho hàng trăm chiến thuyền, cố thủ cầu Dền, đánh chác thế nào mà bỏ chạy tan tác. Cái đầu ông ấy trẫm còn để trên cổ. Các khanh nói xem nên trị tội thế nào?”

Văn Quận công vội bước ra, nói: “Sơn Quận công có ân nghĩa với hoàng gia, vừa qua thế quân ngụy Trịnh quá to nên phải như vậy, thần liều chết xin với bệ hạ để ông ấy lập công. Thăng Long mới gượng dậy, bệ hạ nên lấy ân đức phủ dụ dân chúng cố gắng dựng lại kinh thành là hơn."

Quần thần gật gù hùa vào, vua bãi triều, vào hậu điện và ra lệnh giữ Văn Quận công lại để hỏi chuyện. Văn Quận công run sợ, quỳ mọp dưới thềm hai canh giờ. Đầu gối tê rát, hoa mắt ù tai. Ông ghé mắt thấy chập chờn Mạc Ký đưa thị nữ ríu rít vào hậu cung, đi qua chỗ ông, coi như không thấy một viên quan văn đang chịu nhục. Hồi lâu sau, một tên lính bước tới, quất roi vào đầu Văn Quận công, khệnh khạng nói: “Ai là Văn Quận công? Hoàng thượng lo việc quân cơ có dụ cấm ai hầu chầu.”

* * *



Vết thương đánh gậy ở đầu Văn Quận công khiến ông khổ sở. Ngoài da thì không ai nhìn thấy, không có sưng tấy. Trong đầu thì đau nhức, ung loạn. Thày thuốc bấm huyệt, nói ông bị choáng từ não bộ, di chứng vào thanh quản, khiến cho triệu chứng không thể nói được những điều định nói. Thành ra, lời thốt ra miệng, đều là những lời hão huyền, không thật. Từ mùa xuân, qua hạ, sang thu bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Bỗng một hôm, có ngự xa từ hoàng cung đến thư phủ của Văn Quận công. Mạc Ký quỳ dưới thềm, nói với Văn Quận công: “Bẩm Quận công Đông các Đại học sĩ. Lính vệ Kim Ngô chót động tay nhầm, nên ông bị tổn thương. Bệ hạ đã giết tên lính, lại sai ngự y ban ngự dược và dụ cho kẻ hèn mọn là Ký đến xin ông tha tội chết.”

Văn Quận công xua tay, nghĩ “Thằng chó này”, nhưng thốt ra lời: “Ta với mi cũng vì nước.”

Tên Ký đứng dậy, hoan hỉ lăng xăng đưa thuốc, rồi chắp tay nói: “Bệ hạ dụ rằng, đại thần chỉ có Văn Quận công là tận trung, dám nói thật. Lâu rồi, bệ hạ rất nhớ ông, nên muốn khẩu dụ ông vào chầu.”

Văn Quận công định từ chối, nghĩ ngay là có âm mưu gì, nhưng ông lại quỳ xuống, nói: “Xin tạ ơn bệ hạ.”

Văn Quận công đi rồi, thì trong đoàn xe của Mạc Ký, có một chiếc tách ra khỏi đoàn, nhằm hướng phủ Sơn Quận công. Tên lính ngự lâm lon ton đi vào phủ. Vừa trông thấy lính vệ Kim Ngô, Phu nhân cười nói ngay: “Vua lại vời ta đến vấn an hoàng hậu à? Chị ta có hoàng cung lo, ta bận lắm.”

Tên lính ra vẻ lo lắng: “Không ạ. Lần này tôi có tin nhắn của Văn Quận công. Ông ấy được vời vào chầu, không biết an nguy thế nào, nhờ Phu nhân cứu xét.”

Bà Phu nhân nghĩ bụng, hồi trước Văn Quận công khẳng khái can vua, nên ông Sơn Quận công qua nạn gièm pha, giờ lẽ nào bỏ mặc ông ấy.
Phu nhân lên xe. Người đánh xe cho xe chạy thẳng đến hoàng cung. Khi bà Phu nhân đến thềm nội điện, thì có bốn tên lính vệ Kim Ngô lực lưỡng dẫn bà thẳng đến hậu cung, đi qua ngự thư phòng, hướng đến hạnh cung. Phu nhân ngờ ngợ, thì bốn tên lính ốp hai bên, gần như đẩy vào. Nhà vua tươi cười giơ tay đón Phu nhân: “Ái khanh đây rồi. Ta ngày đêm trông ngóng.”

Phu nhân ngạc nhiên: “Bệ hạ cho mời Văn Quận công đến có việc bảo ban gì ạ?”

Vua xua tay: “Chuyện đó đâu có đó. Quan lại vào triều có gì khác đâu.”

Phu nhân e dè: “Tâu bệ hạ, xin cho thần sang vấn an hoàng hậu.”

“Hoàng hậu bình an,” vua lắc đầu. “Ta cứ trách ông trời, sao lại nỡ thiên lệch. Giá ngày xưa nàng vào cung chứ không phải chị nàng, thì phúc nhà ta dày hơn.”

“Ối, xin bệ hạ xá tội!” Phu nhân cúi đầu. “Thần không dám nghĩ đến.”

“Ta muốn nàng làm hoàng hậu, nàng nghĩ sao?”

Vua tiến đến, quàng tay vào cổ Phu nhân, nhưng bà giật mình, né tránh, nói: “Thần không dám làm đảo lộn cương thường, phép nước.”

Vua lại bước đến, đẩy người đàn bà xuống, lẩm bẩm: “Ta là cương thường, ta là phép nước, có gì mà phải sợ.”

Trong gọng kìm của người đàn ông thanh niên, người phụ nữ vẫn cố tìm cách thoát: “Nhưng thần là gái có chồng, thưa bệ hạ. Thần không dám làm ô uế ngọc thể.”

Tiếng đàn ông phì phò như bễ rỗng: “Ta sẽ làm cho chồng nàng biến mất. Ôi chao, nàng làm cho ngọc thể ta sáng choang lên…”

Phu nhân bất lực, nức nở: “Thần có tội, thần có tội, xin bệ hạ tha cho…”

Tiếng rên cất lên: “Tha này, tha này… Tha cho nàng tội nàng rất đẹp…”

* * *



Lại nói Văn Quận công đến hoàng cung, ngồi mấy canh giờ, đầu óc như mụ mị. Chờ đợi hồi lâu mới thấy long nhan. Vua ban khẩu dụ: “Văn Quận công có công, ta ban ngự dược, ông hãy về thuốc thang cho tốt. Là quan văn có nhiều chữ nghĩa, hãy vì Thiên tử mà ra sức phò trợ.”

Văn Quận công định tạ ơn và trần tình rằng từ xưa mình vẫn ra sức khuyển mã phò giá, cũng là vì nước vì dân, nhưng lại nói: “Chữ nghĩa của thần là do ơn huệ của bệ hạ.”

Vua rất ưng ý, vui vẻ bảo: “Ông thông lý số, hãy khuyên nhủ ái khanh Thị Niên hầu hạ Thiên tử. Nàng đức lớn, dung hạnh, xứng đáng ở ngôi cao, ta sẽ trị tội tên Sơn Quận công, đưa nàng đến địa vị ngang với chị nàng.”

Văn Quận công nghe như sét đánh ngang tai, vội khấu đầu, không dám ngẩng lên. Trong đầu Văn Quận công nghĩ, nguy cơ đến nơi rồi, hôn quân dâm đãng, sao không sửa đức lo chính sự, giặc còn ngấp nghé cửa ngõ kinh thành, lại chết vì da thịt đàn bà?”

Nghĩ thế, Văn Quận công vội nói: “Muôn tâu bệ hạ, thần sẽ cố gắng khuyên bảo.”

Vua đẹp lòng, hoan hỉ: “Vậy nhân ông vào cung, hãy đến thư phủ viết chữ, xem tranh.”

Văn Quận công được đưa ra khỏi nội cung, đến thư phủ gần cửa Huyền Nga. Đó là nơi các quan văn dâng tặng nhà vua tranh vẽ, và lưu bút dâng thư pháp. Văn Quận công nhìn những bức họa muôn hoa đua nở, bỗng chốc cảm hứng dâng trào, cũng muốn vẽ một bức tranh người đẹp bằng họa pháp mực Nho. Trong đầu Văn Quận công, còn sáng rõ hình bóng Phu nhân Sơn Quận, vì có nàng trên đời mà ông đến nơi này. Bỗng mạch cảm hứng bị cắt ngang… Người đàn bà xuất hiện như ở trong tranh bước ra. Đôi mắt nàng long lanh quyết liệt, nét môi màu má đỏ rực lên như bị đốt cháy, như là nàng sắp bùng lửa lên. Nhìn thấy dung nhan rực rỡ của bà phu nhân, như có ánh sáng chiếu rọi vào tâm trí, chợt Văn Quận công tâm trí thanh thoát, cơn đau đầu biến mất, lời nói lại trôi chảy, nghĩ gì nói đúng như vậy. Văn Quận công nói: “Thưa phu nhân, bà định thế nào?”

Phu nhân cảm thán: “Ta định làm sen trong bùn, nhưng không thoát được mệnh Đào Hoa. Quân vương ư? Khanh tướng ư?”

Văn Quận công kinh hãi: “Sơn Quận công nguy mất.”

Phu nhân nhíu mày, cả quyết: “Ông hãy giúp tôi chạy đến tướng phủ Sơn Quận công… Bây giờ lính còn chưa đến, ông để tôi đi trước.”

Phu nhân lên cái xe ngựa đang chờ Văn Quận công đỗ ngay cửa Huyền Nga, phóng đi. Lát sau, Mạc Ký phát hiện Phu nhân Sơn Quận công bỏ trốn, thì bà đã mất hút. Văn Quận công bị đuổi ra khỏi hoàng cung. Ông lập tức tìm đường đến tướng phủ Sơn Quận công. Vừa nghe Văn Quận công kể lại câu chuyện ở trong cung, Sơn Quận công giậm chân kêu lên: “Tổ sư thằng Mậu Hợp. Nước mạt vận rồi.”

Sơn Quận công bèn án binh bất động toàn bộ thủy quân, cho người cấp báo xin hàng với Trịnh Tùng. Văn Quận công nói: “Tôi báo tin cho ông để ông tìm đường ẩn náu, đợi quần thần khuyên can bệ hạ tỉnh ngộ, chứ không muốn ông làm phản theo ngụy Trịnh.”

Sơn Quận công tức giận nói: “Nó chính là thằng phản nước. Chính thống đâu phải ở ngôi cao dâm loạn. Nó mới là ngụy đấy.”

Văn Quận công vẫn ương ngạnh: “Nước cũ của Mạc Thái tổ xây đắp đã hơn một hoa giáp, Mạc Thái tông làm cho dân thịnh trị, thời Hồng Đức cũng không sánh được. Bây giờ chỉ có chuyện nhỏ này…”

Sơn Quận công không nghe: “Trời cho Mạc Thái tổ, Thái tông dựng nghiệp, nhưng trời cũng hãm chết thằng Mậu Hợp. Lòng dân là trời, ông biết không?”

Văn Quận công lắc đầu: “Tôi và ông đều chưa biết thật sự lòng dân thế nào?”

Sơn Quận công cười nhạt: “Tôi là dân đây. Lòng tôi đang chua xót. Ông cũng là dân. Ông hãy cùng tôi từ bỏ thói đạo đức giả đi.”

Văn Quận công vẫn trở về Thăng Long. Sơn Quận công Bùi Văn Khuê mang thủy quân cùng với hơn mười ông tướng khác quy phục Tiết chế Trịnh Tùng, quay lại tiến quân đánh Thăng Long.

* * *



Tháng đông chí, quân Trịnh lại đánh tới Thăng Long. Kinh thành bấy giờ dân quen thấy loạn lạc, không hoảng hốt, chỉ truyền nhau quân Trịnh tiến đến đâu, đến đâu. Duy hoàng cung là nhao nhác, quan quân tháo chạy qua sông Nhị, chạy qua cả hành cung Bồ Đề, về Dương Kinh. Văn Quận công chạy vào hoàng cung xem động tĩnh thế nào. Hoàng cung trống vắng, đồ đạc vứt lỏng chỏng. Vừa lúc đó quân Trịnh tiến vào. Văn Quận công xưng là Đông các đại học sĩ, được cho về. Quân Trịnh chỉ lùng bắt cung nhân và trung quan. Song, Văn Quận công mới đi mấy bước, bị gọi giật lại. Viên tiểu tướng nói: “Ông giúp chúng tôi nhận mặt tên này?”

Một người đàn ông bị lôi ra. Đó là Mạc Tý. Mặt hắn tái xám, thất thần. Quần áo hắn tơi tả. Văn Quận công giật thót như bị giáng một cú gậy nữa vào đầu. Lấp ló trong cái quần rách của hắn, một dải vải buộc quanh rốn vòng qua háng bị mấy tên lính giật tung ra. Bộ sinh dục nam của hắn nguyên vẹn, rũ rượi. Văn Quận công nhìn vào tận mắt hắn, lưỡng lự.

Viên tiểu tướng giục: “Ông hãy nói sự thật.”

Văn Quận công gật, kiên quyết chỉ vào Mạc Tý nói: “Đây là trung quan Mạc Ký, Đô chỉ huy vệ Kim Ngô,  kẻ thù của Sơn Quận công phu nhân.”

Viên tiểu tướng và đám lính Nam triều cười sặc lên, nhìn dưới thắt lưng tên Tý: “Trung quan có chim. Ô hô…”

Lúc đó, Tiết chế Trịnh Tùng vừa vào đến hoàng cung. Văn Quận công và Mạc Tý cùng bị giải đến. Nghe xong câu chuyện, Trịnh Tùng cũng cười hê hê: “Đại thần nhà Mạc khôi hài thật. Học sĩ này hoặc là dối trá, hoặc là phát cuồng.”

Trịnh Tùng bèn ra lệnh giam Văn Quận công vào ngục, hậu xét. Mạc Tý khai là người giữ ngựa, được tha.

Việc quân cơ ổn ổn, mùa Xuân năm đó, người ta đồn ầm lên hoàng cung có cây đào lạ, cứ ngậm nụ không bao giờ nở, bởi vì có người tù chết dưới gốc cây, một đêm mối đùn lên thành ụ lớn. Tra xét ra, mới biết người tù chết đó là Nguyễn Tính, tước Văn Quận công, Đông các đại học sĩ. Hai ông bà Sơn Quận công tìm đến, ngắm cây đào lạ. Phu nhân Sơn Quận công buồn lắm, mắt ngấn lệ, cứ đứng mãi không muốn về. Ông Quận công khuyên can vợ, thì Phu nhân thưa rằng: “Ông ấy vì thiếp mà chọn cách nói thật, nên mới vạ vào thân. Ông trời không có mắt. Kiếp sau xin là đứa xấu xí hoặc là kẻ dối trá.”

Có thám mã báo với Sơn Quận công, Mậu Hợp bị bắt, bị bức tử rồi. Phu nhân nghe thấy tin ấy, lặng lẽ rơi nước mắt. Giọt nước mắt người đàn bà rơi xuống, bỗng chốc những nụ đào trổ hoa, rực rỡ.
.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

72 giờ sau

Truyện ngắn của KHÔI VŨ


http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/284/596284.jpg
Minh họa: Trần Ngọc Sinh



TT - 1. X nửa mê nửa tỉnh. Khi tỉnh, X biết hết mọi chuyện đang diễn ra trong phòng anh. Chỉ tiếc là anh không cất được lời nói nào. Mọi người bàn với nhau sẽ làm theo lời anh dặn. Không chôn mà thiêu.

Tro cốt khỏi gửi nhà chùa, cứ đem rải hết xuống sông. Mà phải đứng trên cây cầu sắt nhiều kỷ niệm của đời anh để rải. Phòng của anh nhỏ, chỉ có mười hai mét vuông, có ở thì cũng chỉ được một người nên cứ để trống. Vả lại, cũng không nên để bất cứ ai trong nhà ở phòng anh, kẻo họ sợ. Nhất là đám con nít. Ảnh thờ của anh thì cứ để ở bàn thờ chung nơi phòng khách. Biến căn phòng của anh thành phòng lưu niệm là tốt nhất.

X cho rằng mình đã hoàn thành tốt đẹp một đời người. Dù anh mới chỉ bốn mươi tuổi! Bốn mươi thì đã sao? Chẳng thiếu gì người sống đến bảy, tám mươi mà có đạt được ước mơ đời mình đâu. Ông D rời bỏ quân ngũ để theo nghề viết báo, đến tận lúc về hưu cũng không thành nhà báo nổi tiếng. Đồng ngũ không xem ông là cựu chiến binh đã đành, mà cánh nhà báo trẻ cũng coi thường ông. Ông P bỏ nghề giáo ra làm kinh tế. Ba chục năm lặn ngụp trong chốn thương trường, cuối cùng vẫn ở trong căn nhà cấp bốn ngày nào. Còn may là không bị nợ nần. Còn ông H mới đáng buồn. Sống thọ tám mươi sáu tuổi, cả đời không dám ăn bát phở cho bõ thèm vì "tiền bát phở được một ngày đi chợ, ăn tiếc lắm!". Đến những ngày cuối đời, thập tử nhất sinh rồi mới sai con cháu mua cho bát phở đặc biệt thì không còn ăn được nữa, chỉ ngửi mùi phở mà chết!

X khác. Anh làm được điều mình ao ước từ khi còn là một chú bé. Anh cũng đã "hưởng" mọi thứ trên đời, kể cả việc đôi ba lần lén vợ đi "ăn bánh trả tiền". Vậy thì anh còn lý do gì để ân hận khi phải vĩnh biệt cõi hồng trần ở tuổi bốn mươi nữa...

2. Đại đức chùa ĐG bảo chỉ để bảy mươi hai giờ là động quan. Thế mới được giờ tốt. Thôi cũng được, ba ngày cũng đủ để người thân, người quen đến viếng tang. Như vậy là đúng sáu giờ sáng thứ hai, cậu X sẽ được đưa đến nghĩa trang thành phố hỏa thiêu. Đầu tuần lắm việc, chắc cơ quan cậu ấy chỉ cử vài người đại diện đi tiễn. Bạn bè cánh công chức các cơ quan khác chắc cũng chỉ những ai thân nhất mới xin phép nghỉ buổi sáng. Nhưng bà con làng xóm thì chắc không đến nỗi.

Thế là sướng rồi! Cuộc đời cậu X dường như được lập trình sẵn theo một kiểu mẫu. Học hành vào loại khá từ bậc tiểu học, trung học đến đại học. Trở thành công chức mẫn cán, làm việc đúng ngành nghề được đào tạo. Cứ ba năm lên một bậc lương. Rồi cưới vợ, rồi có con, một trai một gái, đúng chỉ tiêu; cả hai đứa cùng dễ thương, ngoan ngoãn, học hành bằng chúng bằng bạn. Vợ là cô giáo dạy một trường khá nổi tiếng ở địa phương, là vợ đảm, mẹ hiền, dâu thảo. Bà con lối xóm chưa bao giờ nghe vợ chồng cậu X to tiếng với nhau. Trái lại, cứ cuối tuần là mọi người lại thấy vợ chồng con cái họ chở nhau trên hai chiếc xe máy đi ăn sáng ở đâu đó. Thỉnh thoảng cả nhà dẫn nhau đi siêu thị, đi nhà sách.

Cuộc đời cậu X như thế chẳng có gì phải phàn nàn! Chắc chắn thế!

3. Khi chỉ còn là một linh hồn, X theo dõi những gì xảy ra cho phần xác của anh. Mọi việc đều đúng như lời anh dặn. Thiêu. Vợ con đem bình tro cốt ra cây cầu sắt, rải tất cả xuống dòng sông.

Vợ X không khóc nhiều. Hai đứa con của anh cũng không khóc nhiều. Đúng như lời anh dặn. Nhưng mẹ anh thì rũ người ra trong nước mắt và tâm trạng "tre già khóc măng non". Anh hiểu lòng mẹ.

Coi như cả khi anh ra đi, mọi chuyện đều tốt đẹp.

4. Ở quán cơm tấm ven sông, vào buổi sáng ngày tro cốt của X được rải trôi theo con nước của dòng sông, có người nhắc chuyện mới ba ngày trước mình còn ngồi ăn cơm tấm bì cùng bàn với X rồi tắc lưỡi: “Nó đi lẹ quá!”. Bà bán quán góp chuyện: “Nghe nói đang trên đường từ cơ quan về nhà, vừa dừng xe trước đèn đỏ thì bị chiếc tải nhỏ chạy phía sau với tốc độ khá nhanh tông vô. Tới bệnh viện vẫn còn tỉnh táo, dặn dò vợ con đủ chuyện. Vậy mà chỉ mấy tiếng sau đã đi rồi...”.

5. Vẫn ở quán cơm tấm ven sông, những buổi sáng sau đó nhiều tháng vẫn có những người đến ăn như mọi ngày. Không nghe ai nhắc đến X nữa.

Cuộc đời anh chẳng có gì để nhắc. Trừ chuyện anh bị chiếc xe tải nhỏ không chịu dừng đèn đỏ tông chết.

Nhưng chuyện ấy thì bà bán quán đã nói một lần rồi! Mà ai cũng biết!

.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vỡ

Truyện ngắn của LÊ MINH PHONG


http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/633/593633.jpg
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần



Anh nhắm mắt lại, anh cảm nhận được những dòng máu đang lưu thông trong thân thể của anh, trong từng tế bào của anh. Khi nhắm mắt anh nghe tiếng gió.

Không phải gió hôm nay mà gió của mấy năm về trước, gió từ trên những ngọn thông thổi xuống mái tóc của cô.

Anh nghe cả tiếng cười trong trẻo của cô lúc ấy hòa vào tiếng vi vu của rừng thông. Ngày ấy anh nói đó là bản đàn tuyệt nhất mà anh từng nghe. Anh không dám mở mắt ra bởi có thể sự dịu dàng này sẽ tan biến vào hư không và anh lại phải đối mặt với thực tại. Nhưng rồi anh mở mắt ra.

Có một cái gì đó vỡ.

Từ cô.

Từ anh.

“Nhặt nó lên”. Anh nói.

“Gió làm đấy, không phải tôi”. Cô nói.

“Nhưng cứ nhặt nó lên”. Anh nói.

Cô cúi xuống và nhặt những mảnh vụn thủy tinh. Có một chiếc lọ hoa bằng thủy tinh đã vỡ.

“Vì gió”. Cô nói.

“Để vào cái thùng rác ấy. Bên phải cánh cửa”. Anh nói.

Anh nhìn chằm chằm vào cô. Anh đứng dậy và cố hết sức bưng cái thùng rác ra ngoài. Anh bỏ cái thùng rác ngoài sân. Một lần nữa anh lại nhắm mắt. Khi nhắm anh thấy nắng đang chiếu vào tâm hồn anh, anh không nhận thức được sự bừng sáng này. Bản đàn trên rừng thông ngày đó lại réo gọi anh, anh nhìn thấy cô đang chạy phía trước. Vẫn chiếc váy trắng diệu kỳ đó. Anh đã cài hoa lên tóc của cô khi cô và anh băng qua đám hoa cỏ dại ấy. Ngày đó anh nói hoa dại trắng là những đứa con được sinh ra từ một đám mây. Khi mây bay về trời chúng để lại những đứa con của mình dưới mặt đất. Rồi anh lại mở mắt ra.

Có một cái gì đó vỡ.

Từ cô.

Từ anh.

“Nhặt nó lên”. Anh nói.

“Gió làm nó rơi xuống đấy”. Cô nói.

Cô cúi xuống và nhặt những mảnh thủy tinh trên nền nhà.

Rồi mắt anh lại dính vào màn hình tivi. Anh xem đá bóng. Cô lấy điều khiển tivi bấm nút chuyển kênh. Cô đang đợi để xem phim Bản tình ca mùa đông. Anh giành lấy điều khiển tivi rồi chuyển kênh. Anh muốn xem bóng đá. Anh giả vờ hò hét cổ vũ trong khi không đáng phải làm như thế.

Không thể chịu đựng sự tra tấn này thêm được nữa, trong khoảnh khắc anh lại nhắm mắt. Anh mong rằng bản đàn diệu kỳ đó lại hiện về trong anh. Ngày đó trên đồi thông anh đã bảo cô là trinh nữ. Anh hát bài Hoa trinh nữ cho cô nghe và cô nói nếu được là ông hoàng anh phải gom hết hoa trinh nữ về cho cô để cô cài lên tóc. Anh kể cho cô nghe ở đồi Thiên An có những nàng tiên thường thức dậy muộn và họ có những đôi gót đỏ trông như những cánh hoa. Những nàng tiên thường đi dạo trên những đám mây và họ nhảy múa trên chiếc cầu vồng lấp lánh đó.

Nhưng bây giờ anh lại mở mắt. Anh cảm nhận được hơi nóng của không khí đang bủa vây lấy anh. Chúng như những con kiến lửa đang rúc vào da thịt anh. Gặm lấy da anh và thôi thúc anh bỏ chạy. Anh thấy khó thở, anh ngồi xuống trên chiếc ghế cũ kỹ đó. Anh ngắm nhìn bức tường phía trước mặt anh. Anh thấy trên tường là những hình ảnh thân thuộc, chúng thân thuộc như chính những giọt máu trong huyết quản của anh. Anh nhìn thấy váy cưới của cô trong khi cô đang tung những cánh hoa lên trời. Cô cười rạng ngời bên anh trong ngày cưới. Rồi từ trên tường anh nhìn thấy khuôn mặt nhăn nhó của anh vì áp lực công việc, vì sự toan tính cho sự tồn tại của anh, của cô và của những đứa trẻ. Ngay trên tường anh nghe thấy những tiếng cười trong trẻo của con gái anh xen lẫn với tiếng thét của cô khi con trai anh làm rách một chiếc áo mới. Anh nhìn thấy trên tường hai gò má nhô cao và những ngón tay gầy guộc, xơ cứng của cô khi cô đang ngắt từng cọng rau muống. Cũng ngay tại vị trí đó anh nhìn thấy những chai rượu của mình.

Anh biết có một cái gì đó đang vỡ ra. Anh không biết là cái gì. Nhưng anh dám chắc đó không phải là một chiếc lọ thủy tinh như cô nói. Anh không ý thức được tiếng vỡ đó vọng đến từ đâu, xuất phát ở chỗ nào nhưng chắc chắn là có một cái gì đó đã vỡ.

Có một cái gì đó vỡ.

Từ anh.

Từ cô.

“Gió đấy”. Cô nói.

“Bỏ vào thùng rác ấy”. Anh nói.

Cô lại cúi xuống nhặt những mảnh thủy tinh. Một cái gì đó vỡ, bằng thủy tinh.

Cô ngắm chúng. Những mảnh vụn thủy tinh lấp lánh.

Rồi cô bỏ những mảnh vụn thủy tinh vào thùng rác như đang bỏ đi một kỷ niệm của mình.“Kỷ niệm”. Cô nói. Cô không biết là kỷ niệm có thể vỡ không nhưng chiếc lọ thủy tinh mà anh tặng cô đã vỡ. Cô không nhắm mắt lại. Cô luôn đối mặt bởi cô là người thực tế. Cô không trốn mình vào những điều huyễn hoặc đánh lừa lương tri. Cô đã héo mòn vì cuộc sống, vì sự bê tha của anh, vì những đứa trẻ, những đứa trẻ thay nhau vắt kiệt hai bầu vú của cô. Anh không biết nỗi đau đớn ngày cô sinh những đứa trẻ. Anh không hề biết những đêm cô ôm con chờ đợi sự trở về của anh.

Trong đêm tối con hỏi đến tên anh, cô đã chỉ lên bóng mình trên tường và nói đó là ba con. Nhưng con trai cô đã không ngây thơ như con trai của nàng Vũ Nương trong truyện cổ. Chiếc bóng của cô biến mất cùng với những âu lo và những nỗi cay đắng tủi nhục của thân phận khi hai mẹ con cô chìm vào những giấc mộng. Trong giấc mơ cô kể cho con trai nghe về những chiến binh dũng cảm và về những nàng tiên bước đi trên các đám mây, về một ông hoàng xa xưa nào đó đã gom hết những đóa hoa trinh nữ trên trần gian để cài lên tóc của hoàng hậu.

Có một cái gì đó đã vỡ.

Từ anh.

Từ cô.

“Chiếc lọ đã vỡ”. Cô nói.

“Không phải chiếc lọ thủy tinh cũ kỹ đó”. Anh nói.

“Đúng, không phải, không bao giờ là chiếc lọ, một cái gì đó đã vỡ tan đi. Một cái gì đó đã vỡ”. Cô nói.

“Vứt đi”. Anh nói.

.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Miếng cháy

Truyện ngắn của LÊ THIẾT CƯƠNG


http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=154287



SGTT.VN - Nhân lúc không ai để ý, tôi lao xẻng vào thành chảo, xúc ra một tảng cháy, hất xuống cái mũ cối để ngửa sẵn, ung dung đội lên đầu đi ra sau bếp. Chậm vài giây cậu phụ bếp đổ nước vào để ngâm chảo thì hỏng bét cả. Anh bạn tôi đã đợi sẵn ở đó, theo lệ. Anh thoáng thất vọng khi thấy tôi tay không. Bước đến trước mặt anh, tôi làm động tác chào, gập người, cái mũ rơi xuống, tôi đỡ bằng mu bàn chân rồi hất lên, anh ôm gọn cái mũ cháy, cười tươi, bẻ ngay một miếng nhai ngon lành. Tôi đang vội chạy về bếp để bê cơm lên nhà ăn cho kịp giờ đánh kẻng mà anh còn cố níu lại đùa một câu: “Kẻ địch tớ cũng chả sợ, chỉ sợ mỗi đói thôi”.

Những kỷ niệm lúc đói khổ thì sao lại nhớ dai và dễ làm người ta gắn bó đến thế?

Tôi ra quân trước anh, về đến nhà được phường gọi lên, ưu tiên cho đi xuất khẩu lao động ở Bulgari. Ba năm đánh vèo cái đã hết mà chả học được nghề gì cụ thể. Đủ sống và đủ tiền khi về mua ít bánh kẹo làm quà cho gia đình.

Thế là lại nhẩn nha kiếm cơm, kiếm cháo qua ngày. Phụ giúp mẹ làm nhang và in tiền âm phủ, phụ em làm kẹo lạc, bánh đậu xanh đi giao ở mấy quán trà xu vỉa hè.

Hôm đó là rằm tháng bảy, tôi khoác một bị tiền vàng, hương nhang, oản đi bán rong loanh quanh chùa Quán Sứ. Chừng hơn mười giờ đêm, khi đã vơi non nửa bị thì tôi vớ được một khách hàng đặc biệt, anh bạn cũ hồi bộ đội.

Mừng mừng tủi tủi, người bán không thiết bán mà người mua cũng chả buồn mua nữa. Anh lôi tôi vào một cái quán ở gần đó. Tha hương ngộ cố tri. Chúng tôi cạn chén mừng ngày gặp lại.

Sau khi tôi ra quân, anh chuyển đến một đơn vị khác trên Nghĩa Lộ. Vừa mau mồm, vừa láu lỉnh, anh là người quan hệ rộng. Anh kể: “Trước khi xuất ngũ, mình có chơi với một đám lục lâm thảo khấu ở vùng đó. Lũ này kiêm thêm chạy đá đỏ. Biết tin mình sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự, tụi nó nhờ làm chân đại diện tại Hà Nội. Lúc đầu mình cũng chỉ định kiếm chút để đủ cơm ăn, học tiếp đại học thế mà không ngờ tiền vào lúc nào mà nhanh thế. Thực ra thì vốn liếng của mình chỉ là ở ba tấc lưỡi thôi. Chẳng có gì đắt, cũng chẳng có gì rẻ, dụng khẩu làm sao để khách thấy hợp lý là thắng”. Tôi đã hơi ngà ngà nhưng vẫn cố gắng nhập tâm câu này để ứng dụng vào việc bán hàng giúp mẹ. “Nói để cậu mừng, bây giờ mình đang làm chủ một cơ sở buôn bán, chế tác đá quý. Chẳng nhỏ mà cũng chẳng to. Việc lễ bái cầu xin là trách nhiệm của tay phó nhưng hôm nay cậu ta về quê đưa đám ông chú, mình đi thay hoá ra may mắn được gặp lại cậu”. Anh vừa bốc đồ nhắm, vừa nhắc lại chuyện miếng cháy rồi cười ngặt nghẽo, “bọn mình thật có lỗi với tổ chăn nuôi của trung đoàn”. Khi chia tay anh bảo: “Ngày mai cậu rẽ qua chỗ mình, nếu ưng thì ở lại làm”.

Thế là làm, công việc cũng chẳng có gì nặng nhọc, chỉ giao hàng rồi nhận tiền chứ chuyện chuyên môn thì quả là rối rắm. Tôi không thể phân biệt được đá nào màu máu bồ câu, thế nào là màu hoa mười giờ. Chưa kể một vài thao tác chuyên ngành khác.

Hôm nọ chúng tôi đi công vụ đặc biệt, khi anh nháy mắt ra hiệu cho khách xem hàng thì tôi mới giật mình. Đáng lẽ khi lấy hàng từ két, tôi phải nhét ngay mấy viên xanh xanh đỏ đỏ của nợ đó vào mồm, giấu dưới lưỡi chứ không phải để trong túi áo ngực, và khi được lệnh thì nhè ra. Đơn giản đến vậy mà tôi không thuộc. Loanh quanh vẫn chuyện miệng lưỡi. Tôi bắt đầu chán nghề đá quý. Thuyết phục mất tuần lễ anh mới để tôi nghỉ.

Cuối năm, bánh kẹo bán chạy, lúc nào chân cũng vắt lên cổ. Bẵng đi ba tháng không gặp nhau. Một hôm, tự nhiên thấy sốt ruột, tôi chạy lại thăm, hoá ra anh bị ốm. Anh thò đầu ra khỏi chăn thều thào: “Không hiểu mình bị bệnh gì. Mấy tay bác sĩ quen, khám xong lắc đầu quầy quậy, kê một đơn toàn thuốc bổ bảng A. Mình lên phố Lãn Ông bắt mạch, cụ lang Tuất phán: trong người có quá nhiều chất độc, thận hư, tâm hoả suy. Cụ ép mỗi ngày mình phải uống ba lít nước râu ngô luộc”. Tôi ngồi tào lao, động viên anh quá trưa mới về. Đi đến đầu phố, nghĩ thế nào, tôi quay ngoắt lại, nháy nháy mắt rồi nói: “Còn một loại thuốc nữa chưa dùng”.

Anh bạn tôi vốn là người vô thần nhưng nước cùng cũng đành tặc lưỡi theo tôi đi xem bói. Vị thầy bói này khá nổi tiếng cả trong giới bác học lẫn bình dân. Cánh bình dân thích vì thù lao tuỳ tâm, cánh bác học thích vì được kéo về đời sống. Chúng tôi đến nơi phải xếp hàng một lúc lâu mới tới lượt. Mỗi lượt là ba người vào, tuần tự, ai đến trước xem trước, không chen lấn xô đẩy. Lượt của bạn tôi gồm hai người nữa, một cô gái trẻ và một ông trung niên đội mũ bêrê màu tím than. Tôi ngồi chầu rìa nghe câu được câu chăng, cô gái hỏi dài dòng về chuyện tình duyên, ông trung niên sốt ruột chuyện tài lộc.

Đến lượt bệnh nhân của tôi, anh được chỉ dẫn nắm chặt ba đồng tiền Khải Định trong tay một lát rồi gieo sáu lần được quẻ Sơn lôi di, động hào sơ biến thành quẻ Sơn địa bác. Thầy trầm ngâm giây lát rồi phán: “Ngũ âm át nhất dương, khốn nhưng không tận. Ông đang kinh doanh tinh hoa của đất giời. Trời làm cho ốm nhẹ để cảnh báo. Nên chuyển sang gom đá trên mạn ngược về bán cho bọn nung vôi hoặc một nghề gì tương tự, bệnh sẽ tự rút”.

Bạn tôi rút một phong bì dày cộp trong túi áo vét ra đặt lên đĩa, cảm ơn thầy bói rối rít. Ông ta lẩm bẩm: Ơn huệ gì, phúc chủ lộc thầy thôi.

Lời phán của ông thầy bói đúng vào lúc thị trường đá quý xuống dốc. Những viên đẹp đã hết, còn lại toàn những viên xấu, vụn, nứt hoặc là hàng chế bằng đá rải đường nhuộm phẩm hồng, bán cho các cơ sở làm tranh đá quý. Loại tranh này chả biết xấu đẹp thế nào nhưng thấy mấy tay sành chơi ở trên phố rỉ tai nhau: “Quá cả giới hạn của chủ nghĩa suy đồi các ngài ạ”.

Hơn tháng sau, anh chạy đến khoe với tôi đã bán tống, bán tháo được toàn bộ cơ sở đá quý. Anh bảo: “Mua vải bán áo, cũng lỗ kha khá nhưng thôi của đi thay người”. Anh rủ tôi bát ngát vào Nam một chuyến, vừa nghỉ ngơi vừa học tập cách làm ăn của các doanh nhân trong đó. Tôi cáo bận vì còn phải lo hàng cho vụ đông xuân.

Thế là lại bẵng đi nửa năm không gặp. Một buổi chiều anh hớt hải chạy đến phân trần: “Công việc ngập đầu thở cả bằng tai, đã chọn ngày rồi, mai cậu qua khai trương quán của mình nhé”.

Anh kể: “Các khái niệm thị trường, cạnh tranh, độc quyền, gây dựng thương hiệu trước đây mình rất mù mờ nhưng sau khi đi Sài Gòn một chuyến thì nắm được ngay và quyết định mở cái quán này. Sáng ra chợ mua ít cá, ít tôm về luộc lên bán cho khách nhậu, kiếm tí lãi còm. Thực ra là lấy công làm lãi. Vơ bèo gạt tép, tích tiểu thành đại. Lớn bùi bé mềm. Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ. Cò con nhưng an toàn. Vả lại nghỉ ngơi, chơi bời mãi cũng chán, chưa kể… miệng ăn núi lở”. Tôi nâng vại bia trào bọt lên chúc mừng anh. Ăn uống xong đứng dậy mà thức ăn vẫn còn già nửa. Tôi thấy mắt anh nhìn xa xăm. Bỗng anh quay lại toét miệng cười: “Mình nhớ miếng cháy”.

Một lần nữa anh rủ tôi ở lại làm cùng. Nhưng công việc của tôi cũng đã đều đặn hơn trước. Ngoài bánh đậu xanh, kẹo lạc, kẹo vừng, tôi làm thêm cả bánh quế, bánh chả. Đã thế tiền âm phủ in không kịp bán, tôi phải “cày” cả đêm lẫn ngày.

Thỉnh thoảng tranh thủ lúc đi giao hàng, tôi ghé vào thăm bạn. Mới có mấy tháng mà thấy thay đổi nhiều quá. Anh thuê thêm nhà bên cạnh, cơi nới quán gấp đôi, khách khứa chen chúc. Anh vừa chỉ huy quân cán vừa nói chuyện với tôi: “Kinh nghiệm hai năm làm tiểu đội trưởng hồi bộ đội và kinh nghiệm làm ăn học được ở chuyến đi thực tế Sài Gòn vừa rồi mình mang ra áp dụng triệt để. Tháng đầu mỗi ngày tiêu thụ hết một yến tôm, hai yến cá thế mà bây giờ tất cả đều phải tăng gấp mười mới đủ phục vụ bà con. Tôm hay cá đều phải tươi roi rói, nấu nướng gia giảm vừa miệng thực khách, lãi ít, số lượng lớn. Bí quyết chỉ có thế. Mình mới mở rộng thêm món ốc luộc với thuốc bắc cũng rất được các bà các cô đi theo chồng hưởng ứng”.

Quãng độ sáu tháng sau tính từ bữa đó, một hôm cậu quản lý của anh đến đưa tôi lá thư, vẻn vẹn có mấy chữ: “Mình ốm…”

Bệnh của anh lần này có phần khó hiểu hơn lần trước. Không nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt, mắt vẫn sáng, răng vẫn chắc, đầu óc vẫn minh mẫn thậm chí không cả đau bụng đi ngoài. Chỉ có buồn nôn thôi, ngủ thì mơ thấy mình đang nôn, thức thì lúc nào cũng buồn nôn, phải nhổ nước bọt mới đỡ. Thế là anh nhổ nước bọt suốt ngày, phì phì như máy bơm. Lúc tôi mở cửa bước vào, anh đang ngồi xổm trên một cái ghế đẩu sơn đỏ, toàn bộ nền nhà nhầy nhụa, ngập ngụa, nhơ nhớp, lênh láng, nhoe nhoét nước bọt anh nhổ ra trong suốt tuần lễ vừa qua. Thương bạn nhưng lực bất tòng tâm. Bỗng dưng trong óc tôi loé lên hình ảnh mấy đồng tiền xấp ngửa. Tôi chạy ngược ra cửa, anh nói với theo: “Đừng mời bác sĩ nữa, chữa được bệnh chứ làm sao chữa được mệnh”.

Tôi đến nhà ông thầy bói dạo nọ, vẫn kẻ vào người ra như trẩy hội. Một tiếng sau mới tới lượt. Nhóm của tôi gồm ba người: một cậu thanh niên, tôi và một bà ngoài bốn chục. Bà ta thắc mắc gì đó về hạnh phúc gia đình, còn anh chàng trẻ tuổi hỏi về chuyện tiền bạc. Đến lượt tôi, ông cụ hỏi luôn, bạn cậu sao rồi. Tôi kể sơ qua bệnh tình, mới được vài câu, ông ta ngắt lời, xua tay Thôi thôi, bảo đi buôn đá bán cho bọn nung vôi không đi lại mở quán. Thế là quẻ bĩ chứ cần gì phải gieo nữa. Mỗi tháng tiêu thụ hết mấy chục yến cả tôm, cá, ốc, một năm là mấy tấn sinh linh bị chết oan, sát sinh nhiều thì ốm nặng, sát sinh ít thì chết. Theo kinh nghiệm của tôi thì những trường hợp như bạn anh sẽ gặp thuỷ hạn. Tôi rùng mình, nghĩ đến cảnh anh bạn thân bị chìm trong cái buồng đầy nước bọt của anh ấy.

Cho đến tận hôm nay, tôi cũng không lý giải nổi tại sao bạn tôi lại khỏi bệnh. Sau khi nghe tôi thuật lại câu chuyện xem bói. Anh thốt lên: Xong rồi. Biết cũng chết, không biết cũng chết. Mình vừa biết vừa không thì sẽ sống. Anh tức tốc gọi người quản lý đến, đề nghị thay biển hiệu của quán: “Quán Ăn” thành “Quán Uống”. Chỉ uống suông thôi, các loại rượu gạo nguyên chất, không đồ nhắm. Phải nói bạn tôi may đủ đường. Khỏi bệnh là một. Hai là quán uống không những không vãn khách mà lại có phần nhộn nhịp hơn. Cả Hà Nội có mỗi mình quán của anh chỉ bán đồ uống, tuyệt nhiên không có một chút gì để đưa cay cả, khỏi cạnh tranh, khỏi quảng cáo lôi thôi.

Chỉ có một điều phiền hà nho nhỏ là không thấy các cặp vợ chồng nắm tay nhau hoặc các đại gia đình rồng rắn kéo đến như thời trước, mà toàn khách đàn ông đã đứng tuổi và người già. Họ lại đi lẻ nên bàn ghế phải gọi thợ mộc tới cưa cắt cho nhỏ đi, chữa các ghế băng thành ghế đơn thấp, có tay vịn, mặt và lưng ghế có nệm, một bàn đi với một ghế và khoảng cách giữa các bàn khá xa nhau. Sẵn thợ, anh làm thêm cho tôi một cái giá góc nhiều ngăn để kết hợp bày bán vàng mã, hương nhang của tôi (anh muốn bắt chước mô hình nhượng quyền?) Anh thủ thỉ bảo: “Tuy không thanh khiết bằng nghề của cậu nhưng hình như có mỗi bọn mình là đang được làm cái nghề vừa kinh doanh, vừa đạo đức lại đủ sống”. Tôi ngần ngừ giây lát rồi mới nói: “Cũng chưa biết thế nào. Hôm qua khi mình đến lễ tạ ông thầy bói tốt bụng năm mươi thẻ hương trầm loại đặc biệt, ông ấy dặn: Đúng sai khó lắm. Mà này, hay là bọn mình đi thửa một cái chảo quân dụng để chuyên thổi cơm cháy bán thêm cho tửu khách được không nhỉ?”

.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chân lý

Truyện ngắn của S. ANTOV


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Nhung%20buc%20anh%20biet%20noi/obedience_1_zps965d2f14.jpg



TTC -  Chiếc tàu điện đỏ sọc trắng mới toanh đang chạy đến bến đỗ. Phía trên - nơi thường cài số tàu - mọi người nhìn thấy con số 49 và ở góc trái phía dưới lại thấy cài con số 25.

Mọi người chen nhau lên tàu điện, nhao nhao hỏi:

- Tàu này đi theo đường của tàu 49 hay 25?
- Mù à? Số 49 treo tổ bố không thấy hả?
- Ngu thế, có thể hôm qua là tàu 49 nhưng hôm nay lại thành tàu 25.
- Lên đi, tàu 49 đấy.
- Lên nhanh đi, tàu 25 sắp chạy!

Chẳng mấy chốc tàu điện đã chật cứng. Các cánh cửa đóng lại. Tàu rời bến.
Tàu chạy. Mọi người lại nhao nhao:

- Các bác ơi, chúng ta đang đi tàu 49 hay 25?
- Tôi đi tàu 49 đấy!
- Tôi cũng đi tàu 49!
- Tôi thì đi tàu 25!
- Tôi cũng đi tàu 25!
- Hay chúng ta hỏi bác tài xem, bác ấy phải biết đưa tàu đến đâu chớ?
- Bác tài đóng cửa cabin rồi, lại còn bật đài rõ to nữa, làm sao mà hỏi được.
- Hay là thế này, chúng ta sẽ biểu quyết, nếu số đông đi đâu thì tàu đi đấy. Mọi người đồng ý không?

Mọi người đồng thanh:
- Đồng ý…
- Những ai đi tàu 49 đến Kuzmiki thì giơ tay lên! 55 người. Thế còn những ai đi Manôvô thì giơ tay lên! …cũng 55 người.
- Này này, đừng có mà chỉ vào mặt tôi như thế. Tôi chỉ biết từ giờ đến cầu treo là tàu 49 và tàu 25 đi theo lộ trình này, sau đó rẽ trái.
- Trái là thế nào? Rẽ phải!
- Rẽ trái!
- Rẽ phải!
- Thôi, thôi, xin các ông các bà, làm gì có con tàu vừa rẽ trái lại vừa rẽ phải. Tàu này đi theo đường của tàu điện số 8 đến công viên trung tâm.
- Vô lý quá! Sao ông biết?
- Vì tôi đã nhét tiền vào túi bác tài, bác tài hứa sẽ đưa tôi đến đó.

Mọi người lại nhao nhao:
- Nếu thế thì cho lão lái tàu một trận!
- Nhưng… nếu đánh ông ta thì tàu sẽ chệch đường ray.
- Thà đổ tàu còn hơn không biết mình đang đi đâu!
- Không được, thà không biết mình đi đâu còn hơn mất mạng!

Lúc tàu điện đi qua cầu treo, tất cả mọi người nín thở chờ. Tàu điện không rẽ phải. Một nửa xe sung sướng nhảy cẩng lên, nhìn những người còn lại, vẻ hả hê đắc thắng. Nhưng rồi tàu cũng không rẽ trái.

Chiếc tàu đỏ sọc trắng vẫn tiếp tục đi thẳng tới một nơi chẳng ai cần đến. Tuy nhiên, tất cả 110 người trên chiếc tàu điện kỳ lạ ấy đều hỉ hả mãn nguyện, bởi cuối cùng họ đều chạm tay đến sự công bằng.

THẦY ĐỀ rút gọn

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [19] [20] [21] [22] [23] [24] [25] ... ›Trang sau »Trang cuối