Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đảo chìm

Tiểu thuyết mi-ni của Trần Đăng Khoa

Phần thứ nhất

(tiếp theo và hết)



XIV. Bão biển

Buổi chiều, không hiểu sao, bầy chim biển chui cả vào lều bạt. Chúng rúc vào chăn, chen lấn với lính. Căn lều bạt trở nên chật chội, ướt át và hôi mù như ổ chó đẻ. Trên tầng giường, Hai ùm nằm ngáy như sấm. Có lẽ mấy hôm liền căng thẳng vì chuyện con lợn, cu cậu mệt rã rượi. Tôi cũng thấy buồn ngủ. Hai mắt nặng trĩu, cứ luôn chực nhíp lại.

Tiếng động lịch kịch dưới chân sàn làm tôi thức giấc. Hình như có ai gõ gõ mái chèo vào cột lều. Tôi nhìn qua mặt sàn. Hoá ra là chính trị viên Thuận. Anh vừa đánh xuồng vào.

- Này, ra tàu ngay! Ra tàu ngay đi!

- Có chuyện gì thế, bố Thuận?

- Không thấy gì cả à? Nhìn kia kìa!

Nói rồi, Thuận chỉ mống ra biển. Mặt biển lặng tờ như cái ao làng. Phía chân trời ậc lên một tầng mây đỏ sọc như màu máu chó. Biển tanh ngặt. Chết cha. Bão rồi! Thảo nào mà lũ chim biển chui hết vào lều, rúc cả vào chăn lính để ẩn nấp. Vậy mà sao mình lại không để ý nhỉ?

Cánh lính vận chuyển vũ khí, đồ đạc ra tàu. Căn lều vẫn tồng tềnh, trống hoác, nhưng đến khi di chuyển mới hay lính ta cũng giàu có lắm, chứ chẳng phải ít của. Ngổn ngang trăm thứ bà giằn, cứ lỉnh cà lỉnh kỉnh. Nhặt cái này lại thấy tiếc cái kia. Không rõ đến chuyến xuồng thứ mấy thì biển đã cuồn lên những đợt sóng lớn. Mái chèo nặng trịch, bì ra. Dường như cái xuồng không còn tuân theo mái chèo của lính nữa. Khi mũi xuồng vừa chạm thành tàu, Hai ùm chợt bàng hoàng kêu lên:

- Thôi chết tôi rồi! Chết rồi!

- Có chuyện gì thế?

- Còn ba-lô và đồ đạc của thằng Thiêm!

Ừ, phải rồi! Đúng là còn “tài sản” của Thiêm. Vậy mà tại sao cả mấy thằng đều không để ý. Mà cũng phải thôi. Cái bát sắt, đôi đũa và chiếc ba lô lại treo mãi trên nóc bạt. Trong lúc cuống cuồng vội vã, ai còn để ý đến cái nóc bạt làm gì. Tôi bảo Hai:

- Không sao đâu, Hai ạ. Mình thấy mọi thứ chằng buộc cẩn thận lắm!

- Đâu có. Em ngoắc cái ba-lô lên con sỏ sắt cọc lều chứ nào có buộc chằng gì. Thằng Thiêm chỉ có mỗi chút đó thôi. Nếu mất, biết nói gì với mẹ nó, cực thế. Vả lại, còn một tí tư trang ấy, cũng có thể cho vào cái tiểu sành, đắp cho nó ngôi mộ. Vẫn còn chút gì của nó để có thể thắp cho nó một nén hương - Hai nói như van vỉ. - Anh lên tàu đi. Em quay lại...

- Không được đâu. Không kịp nữa rồi!

- Thôi, đừng lằng nhằng nữa! Anh lên tàu đi!

- Hay để mình cùng quay lại...

- Không được! - Hai quắc mắt lên, mặt tím ngắt. - Đã bảo đừng có lằng nhằng nữa. Có ông anh chỉ nặng gánh thêm chứ béo bở gì. Lên tàu!

Hai nói như ra lệnh, rồi ghì xuồng cao-su. Con tàu chao lắc. Chiếc xuồng lại càng chao lắc dữ dội. Nhễ nhại lắm, tôi mới bám được chiếc thang dây, leo lên tàu.

- Hai, lên tàu đi! - Tôi nói như khóc.

- Không được! Không thể được! Nhanh thôi mà. Em sẽ quay lại ngay. Không sao đâu!

Nói rồi, Hai chém nước lao đi. Biển đã cuồn lên những đợt sóng lừng lững như những tấm lưng trâu. Chiếc xuồng cao-su của Hai mất hút trong sóng. Con tàu bắt đầu òng ọc nhổ neo. Tôi gào lên:

- Còn thằng Hai. Anh Thuận ơi, còn thằng Hai nữa!

- Còn người! Còn một người nữa!

Tiếng lính nhao nhao. Gương mặt Thuận bỗng trắng bệch như bụng cá chết. Anh khoát tay ra hiệu cho thuyền trưởng dừng lại. Nhưng con tàu không thể dừng được, vẫn phải nhổ neo, bởi chỉ chậm chút nữa, con tàu sẽ rứt đứt neo và nó có thể sẽ bị sóng ném vào ghềnh đá san hô như một viên sỏi. Biển tối mù mịt. Bây giờ thì không chỉ chiếc xuồng của Hai mà cả cái lều bạt cũng không còn thấy đâu nữa. Con tàu quần lượn quanh đảo để tìm Hai. Nhưng rồi vô vọng và bất lực. Với sức sóng này, làm sao Hai có thể đánh xuồng đi được. Ngay cả con tàu mấy ngàn tấn này cũng chỉ như một chiếc lá tre mỏng mảnh. Loanh quanh một hồi, rồi con tàu cũng đành phải gối sóng để tránh bão. Tránh ngay trên biển bão. Thuận trực tiếp cầm lái bên cạnh thuyền trưởng Hoà. Anh vừa lái, vừa ồ ồ khóc như một đứa trẻ. Kinh nghiệm bao nhiêu năm đi biển cho anh biết số phận bi thảm của Hai ùm sẽ kết cục ra sao? Anh vừa tránh sóng, vừa cố lượn qua những vùng biển mà anh đoán cái xuồng của Hai có thể trôi dạt tới. Từng đợt sóng bạc đầu đổ tràn qua mặt boong. Có trận sóng phủ lên cả nóc đài chỉ huy. Chân vịt khua reng rẻng trong không khí. Mặt biển tối sầm. Gió đánh thốc từng đám mây trắng đục xuống mặt nước đen sịt. Tôi lăn lông lốc trên sàn tàu. Đám lính trẻ cũng nhào lộn trong những bãi nôn tanh lợm. Rồi rầm một tiếng dữ dội. Tôi thấy mình bay vút như một viên đạn, đầu lao choác vào thành tàu tê dại. Nước biển mặn chát trùm lên người tôi. Vỡ tàu rồi! Trong đầu tôi chợt loé lên một ý nghĩ kinh hoàng như vậy. Thế là hết. Hết tất thảy. Tôi thấy mình mụ đi. Trong khoảnh khắc âm âm u u, tôi còn kịp nhận ra mình cùng với con tàu lao hun hút xuống đáy biển tối thẳm, trơn lầy và lạnh ngắt...


XV. Biển mặn

- Ồ, anh ấy đã tỉnh rồi kìa!

- Tỉnh rồi! May quá! Chút nữa lại mang tiếng đảo chìm giết chết một thi sĩ tài năng đang hứa hẹn! - Tư Xồm cười dủm dỉm. - Huy này, mày xem vết thương anh ấy có nguy hiểm không?

- Không sao. Bố ấy chỉ bị choáng khi va đập mạnh. Còn xa ruột lắm!

- Bây giờ thì ông anh có muốn chết cũng đếch chết được. - Tư Xồm lại cười. - Này, mà giá như ông anh ngỏm béng luôn ở đảo chìm này có khi lại hay đấy nhé. Biết đâu có người lại thấy tiếc ông anh, lại nói ông anh là một tài năng đang phát triển rực rỡ. Còn ông anh sống ý à... em nói thật, đại ca đừng tự ái nhé, ông anh cũng nhem nhuốc lắm, hoàn cảnh lắm, chẳng hơn đếch gì lính nhọ đít chúng em...

Tôi chống tay vào sàn tàu, ngồi dậy. Đầu óc cứ ong ong, váng vất. Bụng vẫn cồn cào, thoáng đặc, thoáng rỗng. May mà con tàu không bị vỡ. Có lẽ chiều qua nó lao vào một vách sóng nào đó chăng.

- Hai đâu? - Tôi hỏi.

- Tàu đang đi tìm nó mà! Đang về đảo chìm đấy.

- Thế hôm qua đi những đâu?

- Xa. Tàu tránh bão thì cứ phải gối sóng, chạy ngoắt ngoéo chữ chi. Chạy xa lắm, cách đảo hàng trăm dặm biển.

- Hai ơi! - Tôi thoáng kêu lên.

- Không sao đâu, anh Khoa ạ! Có lẽ nó về lều bạt rồi. Bố Thuận bảo, nếu nó tới được lều, cột chặt mình vào cọc lều thì may ra có thể thoát!

- Nhưng đã chắc gì nó vào được lều bạt?

- Thì chính anh bảo chiều qua nó đánh xuồng vào lều bạt mà...

- Không! Nó trở lại lều để cứu đồ đạc của thằng Thiêm. Ừ, mà tại sao chiều qua mình lại không kiên quyết giữ nó lại...

- Không sao đâu anh Khoa ạ. Thằng này như quỷ biển. Nó bơi bợm lắm. Giả sử chiều qua, cu cậu không vào được lều, thì cứ ôm chặt cái xuồng cao-su, quấn người vào dây xuồng là cũng không thể chết được. Chúng ta sẽ tìm thấy nó...

Tôi gượng leo lên boong. Mặt biển bạc phếch. Những đám mây bị chẻ tướp đuôi ngựa, bay vun vút như khói. Áp thấp nhiệt đới nảy sinh từ quần đảo bão tố này thường xảy ra bất ngờ và kết thúc cũng rất nhanh. Khi vào đến đất liền, có thể nó quẫy lên thành những trận bão lớn. Còn ở đây, biển đang dần trở lại cái dáng vẻ âm u bí hiểm muôn đời của nó. Con tàu vẫn đang xé sóng lao về phía đảo chìm. ở chân trời xa, đã thấy thấp thoáng những bóng chim biển bay nháo nhác.

Mãi đến sâm sẩm tối, con tàu mới buông được neo. Chính trị viên Thuận và tôi cùng với Tư Xồm đánh xuồng dìu nhau vào lều bạt. Nhễ nhại lắm, chúng tôi mới vượt qua được mép san hô. Vùng đảo hoang lạnh một màu khai thiên lập địa. Chiếc lều bị gió cuốn mất tấm bạt, tua tủa giương lên nền trời xám đục những rảnh xương sắt cong queo, nom rờn rợn như một con cá voi khổng lồ đã bị rỉa hết thịt.

- Có người! Thằng Hai! Đúng là thằng Hai kia rồi! Anh nhìn rõ không?

Tư Xồm reo to, hồ hởi như người bắt được của. Chúng tôi thấy nhẹ bẫng người, nhìn theo ngón tay Tư. Trong ráng chiều nhập nhoạng, một bóng đen trùi trũi đang lom khom ngồi trước cửa lều. Hình như cu cậu đang ỉa. Mà ỉa bậy. Đấy có phải chỗ ỉa đâu. Phải cho thằng cha này một chưởng mới được. Đây là chỗ anh em vẫn thường tắm táp, vẫn thường rửa bát đũa xoong chảo. Hừ, cái thằng! Tư quát lên:

- Này, sao lại bĩnh ở đó, hả!

Bóng đen thoáng rùng mình quay lại. Tôi bỗng sởn tóc gáy. Có tiếng đập đánh rào một cái. Rồi bóng đen bay chéo qua đầu chúng tôi, thả xuống đảo chìm một tiếng kêu khàn đặc, khê rợn:

- Goà...goà...

Thì ra đó chỉ là một con ó biển. Tôi lập bập bám thang dây, leo lên lều. Căn lều trống hoác, ướt nhoẹt. Đũa bát của Thiêm đã bị gió ném đi. Nhưng chiếc ba-lô lép kẹp sũng nước thì vẫn lủng lẳng chao lắc trên cái kèo sắt cột lều. Như thế có nghĩa là Hai không vào được lều bạt.

- Hai ơi!

Tư Xồm bỗng nấc lên. Thế là lại thêm một người lính nữa chết ở đảo chìm. Người đó tại sao không phải tôi, mà lại là Hai, con cá kình của đảo? Cầu mong trước khi nước khép mặt, Hai được nhìn thấy cánh chim hải âu. Tôi bỗng thấy chóng mặt. Chính trị viên Thuận vội chạy tới đỡ vai tôi. Tôi níu tay Tư. Còn Tư thì ôm lấy cột lều. Sóng vẫn hắt qua mấy khung giường sắt, phủ lên đầu chúng tôi từng đợt nước mặn chát. Lần đầu tiên, tôi mới hiểu vì sao nước biển lại mặn đến thế. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở đảo chìm. Mặn như máu...

TRẦN ĐĂNG KHOA


Trường Sa tháng 7 năm 1980
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bên bờ nước

Tác giả: Robert Bloch


http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/VHVN/Nature%20and%20panorama/753adcda.jpg




Gã bước vào quán ăn. Tấm cửa kiếng bẩn thỉu đóng lại sau lưng gã. Có rất đông khách hàng quanh một cái quầy dài. Gã đi qua và ngồi xuống phía trong cùng. Gã chăm chú nhìn ba cô phục vụ, hai cô khá xinh, còn cô kia trông quá sồ sề.

- Thưa ông, ông cần gì ạ?

Gã lơ đãng: “Một côca côla.”

Khi cô phục vụ mang nước đến, gã kéo tấm thực đơn và không thèm nhìn cô, gã hỏi: “Cô có biết cô Hélène Krauss làm việc ở đây không?”

- Tôi là Hélène đây.

Gã ngẩng lên. Ồ, không thể được. Cái cô sồ sề này mà là người vợ tuyệt đẹp của Mike sao? Người vợ mà đêm nào trong xà-lim, Mike cũng thường nhắc đến với bao ngưỡng mộ. Gã nhìn kỹ cô nàng. Đó là một người đàn bà tóc hung đỏ, gương mặt bóng láng dầu mỡ rất vô duyên, thân hình đồ sộ, dễ đến gần 70 kí. Cô mang cặp kiếng cận dày cộm, sau lớp kiếng, đôi mắt xanh của cô đẫm nước đang nhìn thẳng vào mặt gã một cách lãnh đạm.
- Tôi tìm cô Hélène Krauss, ngày trước sống ở Norton Center. Cô ấy đã kết hôn với một người tên Mike.

- Chính là tôi. Anh quen biết thế nào với Mike?

- Tôi mang tin chồng chị đến.

- Mike? Anh ấy chết rồi.

- Tôi biết. Tôi đã có mặt cạnh Mike trong giờ hấp hối. Tên tôi là Rusty Connos, chúng tôi đã sống chung xà-lim gần hai năm.

Giọng người đàn bà thấp xuống:
- Có chuyện gì thế?

- Tôi không thể nói tại đây. Mấy giờ chị hết ca?

- Bảy rưỡi.

- Tốt, tôi sẽ chờ chị trước cửa.

Gã đứng dậy, bước thẳng, chán nản không muốn nói thêm tiếng nào nữa. Trước khi đến đây, gã cứ nghĩ hoài đến người vợ góa xinh đẹp của Mike. Theo lời Mike miêu tả thì đó là một người đàn bà rất quyến rũ và gợi cảm. Hy vọng nhiều, đến giờ thấy mặt con nỡm, gã cảm thấy mình bị lừa. Đúng là thằng Mike có mắt không tròng.

Làn gió mát buổi chiều mơn man trên người làm gã bớt bực tức. Xét cho cùng thì Mike cũng có lý. Suốt hai năm trong tù không ai thăm viếng, chỉ một mình Hélène lui tới, thì cô ta trở thành người trong mộng của hắn là điều đương nhiên. Thôi đừng thèm trách ai cả, vấn đề chính là tìm cho được chỗ giấu 56.000 đô-la.

Họ gặp nhau tại chiếc ghế đá trong công viên, khi trời tối hẳn. Không ai thấy họ cả và họ cũng không trông rõ mặt nhau. Gã đưa cho cô điếu xì-gà.

- Cảm ơn anh, tôi không hút thuốc.

- Đúng, Mike đã nói với tôi là chị không biết hút thuốc, anh ta đã nói rất nhiều về chị.

- Hình như trong thư gởi về, anh ấy cũng thường nhắc đến anh.
Rusty vào đề ngay:
- Tôi không tin là một người lương thiện như Mike lại giết bạn mình để đoạt số tiền phát lương.

- Tôi van anh, đừng nhắc đến chuyện này nữa.

- Tôi hiểu tình cảm của chị, Hélène.

Rusty cố gắng gọi tên Hélène thật êm dịu, rụt rè cầm tay cô. Gã rùng mình khi nhận ra bàn tay mềm và mập như một miếng thịt nóng. Hélène hơi xúc động:
- Trước hôm Pete mất tích, một vài người đã thấy Mike đưa Pete đi bằng chiếc xe của anh ấy. Hình như Pete làm mất chìa khóa xe nên nhờ Mike hộ tống đến nhà máy để phát lương. Sau đó, Pete đi đâu thì có trời mà biết, tôi thề rằng Mike đã ở bên tôi suốt buổi xế trưa hôm đó. Nhưng cảnh sát không muốn thừa nhận lời khai của tôi nên Mike bị kêu án mười năm.

- Mới có hai năm, Mike đã chết. Tội nghiệp, trước khi chết, anh ấy nhắc đến Pete, đến số tiền, đến chị... Hình như anh ấy lỡ tay làm chết Pete... và trời ạ, anh đã không kịp nói với tôi chỗ cất giấu số tiền.

Gã rít một hơi thuốc: “Mike có nói gì với chị không?”

Hélène lắc đầu. Gã nhìn sát vào mặt cô:
- Chị sẽ làm gì khi tìm thấy số tiền đó?

- Tôi sẽ nói với bọn cảnh sát rằng, chồng tôi không bị sưng phổi gì cả, họ đã giết anh ấy, làm cho tôi góa bụa. Số tiền đó là của tôi.

"Của chúng ta”, Rusty nói.

Người đàn bà ấn những ngón tay vào lòng bàn tay của người đàn ông:
- Anh ấy đã nói với anh chỗ giấu tiền phải không?

- Anh ấy có nói nhưng không rõ ràng lắm. Tôi nghĩ rằng, phải đến gặp chị để cùng nhau tìm cho được chỗ giấu tiền. Nơi đây, tôi là người lạ, dễ làm cho cảnh sát nghi ngờ. Nếu có chị giúp đỡ, chúng ta sẽ thành công nhanh hơn. 56.000 đô-la là một gia tài lớn, chúng ta cùng chia nhau.

- Đây là một áp-phe chăng?

Rusty búng đầu tàn thuốc, mắt lấp lánh:
- Không phải đâu, Hélène. Đây là vấn đề tình cảm – Gã tiếp tục bằng giọng ngắt quảng – Có thể... tôi hơi bị sốc... hai năm trong tù, hai năm không có đàn bà. Chị nghĩ sao, với một người đàn ông đầy sinh lực như tôi...?

- Tôi cũng đã trải qua hai năm như anh.

Gã quàng tay qua người cô ta, siết chặt vào lòng. Môi họ tìm nhau.

- Em có phòng riêng chứ!

- Vâng, Rusty.

Họ cùng đứng lên, dìu nhau đi về cuối đường. Những mẩu tàn thuốc rơi vãi trên nền cát, lập lòe...

***


Gã bật hộp quẹt mồi điếu thuốc, cố ngăn cảm giác buồn nôn đang dâng lên. Thật là chán ngấy khi phải ân ái với một đống thịt sồ sề. Nhưng phải chịu đựng. Phải chịu đựng thôi. Cho tới bây giờ, mọi việc đang diễn ra tốt đẹp. Trở thành bạn thân với Mike trong tù, gã đã lần dò được sự liên hệ của hắn ta và vợ, gã mang máng biết rằng Mike đã giết người và đang cất giấu một số tiền lớn. Giờ thì Mike đã chết vì bệnh sưng phổi, nhưng gã dại gì nói cho Hélène biết điều đó, gã đã đổ thừa cho cảnh sát để gây lòng căm thù nơi Hélène. Có như vậy, cô ta mới nhiệt tình cộng tác với gã. Cho nên, sau khi ra tù, gã đã thuê xe đến ngay Haisesville, vì theo lời Mike, Hélène đang làm việc trong một tiệm rượu tại đấy.

Giai đoạn đầu của kế hoạch, gã đã thực hiện xong. Nhưng qua phần hai thì chắc là gã phải thay đổi: Đó là dự định sống chung với người vợ góa của Mike sau khi lấy được số tiền. Gã nhăn nhó trong bóng tối khi Hélène quàng tay qua cổ gã và tựa tấm thân nái xề nhão nhoẹt vào phiến ngực trần rắn chắc của gã, kèm theo tiếng thở hồng hộc như bị hen suyễn. Thật tởm. Không, không thể tiếp tục như thế này mãi được.

- Anh yêu, anh đã dậy rồi hở?

Trời ạ, nghe hai tiếng "anh yêu", gã nổi cả gai ốc.

- Anh ơi.

Gã dụi điếu thuốc vào góc tường:
- Em cần nói bây giờ phải không?
- Chắc chắn là vậy.

- Anh nghĩ rằng, tốt hơn hết là chúng ta nên hoạch định chương trình rõ ràng.

- Anh thật có lý, con búp bê của em.

Gã gỡ tay Hélène ra, ngồi dậy:
- Trước khi chết, Mike đã nói với anh rằng, không ai tìm thấy số tiền ấy đâu, vì Pete đã luôn luôn giữ nó bên mình.

- Chừng đó thôi à?

- Em muốn gì hơn nữa? Thật rõ ràng như nước chảy trên đá. Tiền đã được chôn cùng thi thể Pete Taylor.

Gã cảm thấy hơi thở của Hélène phả lên gáy gã:
- Em biết ở đó có đất và cả nước nữa. Nhưng từ hai năm nay, cảnh sát đã đào xới khắp nơi, trong vựa thóc, trại bỏ hoang, vét cả hồ nước... nhưng không tìm ra Pete.

Rusty trầm ngâm một lát:
- Pete và chồng em là bạn thân phải không?

- Vâng.

- Họ thường nhậu nhẹt, chơi bài cùng nhau chứ?

- Không, họ chỉ đi săn hoặc đi câu cùng nhau. Pete có một cái nhà nhỏ gần hồ.

- Gần Norton Center?

- Như em đã nói với anh là người ta đã đào xới khắp chung quanh đó rồi.

- Cả nơi để thuyền à?
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bên bờ nước

(tiếp theo và hết)



Hélène thở dài:
- Pete không có thuyền. Thường họ mượn thuyền của người láng giềng để đi câu. Từ hai năm nay, em cũng đã thử tìm mà không phát hiện.

- Em hãy nhớ lại xem, có gì lạ xảy ra trong ngày Pete bị giết không?

- Tất cả đều là ngẫu nhiên thôi. Nhưng người ta lại buộc tội Mike đã phá xe của Pete khiến hắn phải nhờ Mike đưa đi làm. Khi Mike trở lại một mình và Pete biến mất cùng với số tiền, họ đã bắt giam Mike.

- Khi Mike trở lại, anh ta nói gì với em?

- Anh ấy không có thời gian. Vì hai phút sau đó, xe cảnh sát đến dẫn anh ta đi.

- Trên người anh ta, có gì lạ không?

- Bàn tay của anh ấy rất dơ và dính máu, anh ấy lầm bầm nguyền rủa loài chuột cống. Trước toà án, anh ấy nói anh ấy bị một mảnh kính cứa đứt tay, nên máu dính vào xe. Nhưng khi phân tích, máu đó lại cùng nhóm với Petẹ Đó chính là lý do Mike lãnh án.

- Rất tốt. Mike đã nhắc đến những con chuột cống, có thể là anh bị chuột cắn khi chôn giấu thi hài. Nếu cảnh sát biết được điều này, họ sẽ tìm đến những nơi có nhiều chuột... cho nên anh ta phải nói dối là đã bị đứt tay.

- Nhưng điều đó sẽ dẫn anh đi đến đâu? Anh có thể đào xới hết tất cả những chỗ có chuột chung quanh Norton Center ư?

Rusty búng ngón tay:
- Em đã nói rằng, khi Mike và Pete đi câu, họ thường mượn thuyền hàng xóm. Vậy thì người hàng xóm đó có nhà để thuyền chứ?

- Họ để trong nhà kho.

- Cảnh sát đã lục ở đó chưa?

- Em không biết.

- Có thể cảnh sát đã bỏ sót một vài chỗ. Nhà kho ấy giờ còn dùng được nữa không?

- Người láng giềng đã đi xa rồi. Bây giờ, nhà kho đó bỏ trống, kể cả căn nhà của Pete vì hắn không có vợ con gì cả.

- Rất hy vọng tìm thấy số tiền ở đó. Tối mai chúng ta bắt đầu nhé.
Hélène lại ngã vào lòng gã. Gã vuốt ve bộ ngực nhão của cô, cố gắng nghĩ đến số tiền sắp tìm được để khỏi lợm giọng. Thế nào cũng phải tống cổ cô ả này đi thôi.

***

Họ đi đến hồ bằng một con đường nhiều cát, vòng quanh Norton Center. Đêm cuối năm, quang cảnh hồ tối tăm hoang vắng.
- Tắt đèn pha đi em.

- Yên chí. Ở đây chả có ma nào đâu.

Họ cho xe vào phía sau căn nhà nhỏ của Pete. Căn nhà bỏ hoang đã lâu, trống huơ trống hoác.

- Ở đây có lẽ không có gì đâu. Chúng ta ra chỗ nhà kho để thuyền đi.

Nhà kho đứng sừng sững sau một cái đập nhỏ, trước hồ. Không khí ẩm ướt, đầy bóng tối và bùn lầy. Hélène đi trước, Rusty đi sau với ý nghĩ nhặt một cục đá đập thẳng vào sọ cô ta. Không, nên chờ dịp khác tốt hơn, phải tìm cho ra số tiền đã.
Cánh cửa nhà kho đóng im ỉm với một ổ khóa to tướng đã mục rỉ. Rusty dùng một tảng đá đập ra dễ dàng.

- Chúng ta vào đi.

Họ giật mình dội ngược khi trông thấy hàng trăm đốm đỏ di động trên nền nhà. Mắt của lũ chuột. Chúng đang chạy trốn luồng ánh sáng từ cây đèn bấm trên tay Rusty. Gã thì thầm:
- Lũ chuột đã đến đây. Giả thuyết cúa chúng ta rất đúng.

Tia đèn lia trên nền xi măng, nơi đây, đất đá đã bị cào xới.

- Em đã nói với anh rồi, họ đã lùng sục khắp hết.

Rusty rọi đèn lên trần nhà. Trần làm bằng giấy tráng dầu, cách biệt với mái.
- Em không lưu ý gì cả ư?

- Gì cơ?

- Mái nhà quá cao so với trần nhà.

- ...

- Có thể... có một chỗ trên ấy. Hãy lắng nghe xem.

Cả hai im bặt. Trong sự yên lặng, họ nghe như có tiếng mưa rơi lộp độp trên mái. Ồ không, không phải mưa và tiếng động cũng không phát ra từ trên mái. Đó là tiếng khua của những bàn chân nhỏ chạy giữa trần và mái nhà. Lũ chuột. Chúng vẫn còn đông đảo ở đó.

- Đưa cho anh cái thang.

Hélène tìm thấy cái móc sắt, cô đưa cho Rusty khi gã tìm nơi tựa cái thang vào tường. Gã chọc thủng tấm giấy tráng dầu và đu người lên trần nhà dễ dàng. Lũ chuột đã chạy trốn hết trong các kẽ nứt. Gã bật đèn bấm. Khỏi cần nhìn xa. Chiếc hộp bằng kim loại đen ở ngay trong tầm mắt gã, bên cạnh có một vật thể lờ mờ. Rusty biết đó là Pete. Chỉ có thể là Pete chứ không ai vào đây được, dù lũ chuột đã biến hắn thành bộ xương khô khốc, không một rẻo vải, một mảnh thịt nào còn sót lại. Gã ngửi thấy mùi tiền bốc lên, chế ngự hẳn bầu không khí hôi hám tù hãm đang bao quanh gã. Lòng gã rộn lên. Một cuộc sống huy hoàng đang chờ đợi gã, nhà lầu, xe hơi, làn da mềm mại của những người đàn bà đẹp sắp quỳ xuống bên chân gã...

- Anh có thấy gì không? Hélène hỏi.

- Hãy giữ lấy cái thang, anh xuống đây.

Gã đưa cho cô gái cái móc và cây đèn nhưng giữ chiếc hộp kim loại lại. Thời gian hành động đã đến. Nhưng gã chưa kịp xác định vị trí của đỉnh đầu Hélène thì chân gã như bị hụt hẫng. Gã té nhào xuống đất, đầu va vào một cạnh sắc, gã ngất đi.

Khi tỉnh dậy, gã cảm thấy đau ở cổ tay và mắt cá chân vì bị dây thừng siết chặt. Gã mở miệng và tiếng kêu tắt nghẹn trong cổ họng: Hélène đã tọng vào miệng gã một cái khăn mù-soa.

Dưới ánh đèn, gương mặt Hélène trở nên lạ lẫm, cô không còn đeo mắt kiếng nữa và trở nên nhanh nhẹn khác thường. Cô cúi xuống nhặt chiếc hộp kim loại ôm vào lòng, giọng cô the thé:
- Tôi không cần dàn cảnh nữa. Anh đã bắt đầu hiểu chưa? Mike đã giết Pete vì ghen tuông mà thôi. Chưa kịp chỉ chỗ giấu tiền cho tôi, thì Mike đã bị bắt. Trong nhà tù, anh ấy càng không thể tiết lộ chuyện này nên đành bảo tôi hãy chờ anh ấy về hoặc một người nào đó sẽ đến.

Hélène cười khẽ: “Tại sao tôi lại hại anh? Xin lỗi nhé, tôi chỉ tự vệ thôi vì anh định giết tôi, đúng không nào?” Giọng cô trở nên dịu dàng: “Tôi thông cảm sức chịu đựng của một tù nhân, nhưng trong hai năm qua tôi cũng như đang bị tù. Bị tù vì lớp mỡ bao bọc quanh thân, vì mái tóc hung gớm ghiếc, vì cặp kiếng cận không cần thiết... Để làm gì ư? Tôi cố tạo ra vẻ như thế vì một người đàn bà xấu xí sẽ không còn bị ai dòm ngó. Bây giờ thì tôi sẽ ra đi. Với số tiền này, tôi sẽ vào mỹ viện làm mất 20 ký thịt dư, sẽ nhuộm lại tóc... và trở thành Hélène Krauss tuyệt vời của những ngày tháng cũ. Cuộc sống tươi đẹp đang mỉm cười với tôi."

Rusty ú ớ.

“Đừng lo ngại, không ai tìm thấy chúng ta đâu. Tôi sẽ khóa cửa để anh được yên tĩnh cùng bầy chuột. Giữa chúng ta không có hợp đồng nào cả. Thật rõ ràng như nước chảy trên đá.” Giọng Hélène vọng lại từ cửa.

Hélène quay lưng về phía Rusty. Trong một giây, gã cong người bật dậy, tống hai chân bị trói về phía trước, Hélène ngã lăn ra. Điên cuồng, Rusty dộng tiếp vào mặt ả. Ngọn đèn rơi vỡ tắt ngấm, gã vẫn không ngừng đạp vào nơi phát ra tiếng rên la... Rồi tất cả chìm vào yên lặng.
Gã lắng tai nghe một hơi thở dù chỉ thoảng qua, nhưng không hề có. Gã lăn về phía trước, bàn tay chạm phải một thi thể cứng đờ, nóng và nhầy nhụa. Gã rùng mình, lùi trở lại. Bóng tối trở nên dày đặc.

Gã cọ mạnh đôi tay vào một vật cứng vừa chạm vào lưng gã. Cườm tay gã tuôn máu nhưng sợi dây vẫn giữ chặt. Tuyệt vọng, gã húc đầu vào cánh cửa đóng kín, gã muốn đẩy Hélène về một bên để được ra ngoài. Nhưng vô ích. Thân hình cô ta quá nặng nề thô kệch, ôi quỷ tha ma bắt tất cả đi cho rồi.

Chiếc khăn mù-soa vẫn đè mạnh cổ họng gã. Gã muốn hét to lên rằng, Hélène ơi, hãy tránh ra để gã đi, rằng cả hai đứa đang bị cầm tù đấy và tiền bạc bây giờ không còn quan trọng nữa. Đây chỉ là sự hiểu lầm mà thôi, gã không bao giờ làm điều xấu cho cô và cho bất cứ một ai. Đơn giản là gã muốn thoát khỏi nơi này.

Gã cảm thấy đau nhói ở đầu ngón chân cái. Lũ chuột đã đến.

Tác giả: ROBERT BLOCH

Người dịch: ĐỘ NHẬT
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Khói nắng

* NGUYỄN NGỌC TƯ



http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=520052
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần




Chị vợ nói nấu nướng đã xong rồi, chừng nào muốn cúng thì kêu người trong bếp dọn ra. Anh ngóng ra con đường vắng ngắt chạy vắt ngang nhà, kêu chờ thêm chút nữa, “còn sớm...”. Giọng anh lẩy bẩy, vì cái vạt nắng sáng xiên vào hàng ba đã sắp đứng dậy thẳng lưng đi ra khỏi đó rồi.

Nghĩa là đã sắp trưa. Chắc con Ba Hạnh đã chèo xuồng qua khỏi doi Chà Là, thằng Tư Thạnh cố vét thêm cuốc xe ôm nữa, chắc là sắp ghé qua. Năm Vui biết đâu đón xe đò ở đầu lộ thứ Mười, hoặc đã lên xe rồi nhưng xe chết máy dọc đường. Mọi người sẽ về đủ mặt, anh tin vậy.

Hôm nay là giỗ bà già. Năm nào vợ anh cũng lẳng lặng chuẩn bị nấu sáu mâm. Sáng qua chị bỗng hỏi năm nay mình có tính làm gọn không. Anh nạt, “nấu vậy ai ăn ai nhịn, bà con cười tui thúi đầu...”, rồi đùng đùng đá sập giàn củi, đi te te ra mé đìa, ạch đụi quăng chài. Lưới chài cứ vướng lại đâu đó, anh nhảy ào xuống, người đầm đìa nước. Vợ tần ngần ngó theo chồng, chụm thêm củi vào nồi bánh tét, nghe cay sè mắt mũi, dù gió đã mang khói ngược phía khác. Chị nhớ giỗ năm ngoái dư đến mấy mâm, dọn dẹp xong cả nhà buồn rũ như con chù ụ.

Giỗ đó anh không uống giọt rượu nào, lắc võng suốt buổi chiều như đã chìm lút không dậy được nữa. Cả nhà vẫn nhớ lần say cuối của anh là vào mùng ba tháng sáu năm kia. Họ nhớ cả quang cảnh hôm đó: trời rất thấp, gió cồn cào và trong nhà nghẽn đặc không khí bệnh tật. Mùi lá xông giải cảm, mùi dầu cù là, mùi chiếu gối ẩm ướt... ám lên gương mặt của những người lượn lờ quanh cái giường tối, nơi tía anh nằm thoi thóp. Cuối chiều anh đi nhậu về, hơi thở anh góp vào cái không khí vốn không mấy dễ chịu thêm cái mùi hèm lộn mửa. Khi loạng choạng ngang qua chỗ ông già, anh lè nhè vỗ vai xương xẩu của tía cười khơ khớ, chiến hữu bữa nay ngồi uống vài ly đi chớ, chân anh đá trúng bô nước tiểu làm nó văng tung tóe. Ông già nhợt nhạt, đấm ngực nói “thằng trời đánh này không phải con tao”. Nói xong ông già cấm khẩu, ba bữa sau ông qua đời.

Mày không phải con tao. Câu nói hụt hơi chống gậy đi từ miệng của một ông già đau sát chiếu, lại mạnh mẽ đến mức xuyên qua vách, qua tai, va đập vào não của dân Xẻo Quao. Người ta nói hèn chi cặp chân mày rậm rịt của anh không giống ông bà già xíu nào. Họ nhận ra anh cao ráo hơn mấy đứa em. Họ nhắc nhau đận đó ông già thằng Sáng đi buôn đường mía mỗi chuyến chừng năm bảy bữa mới đáo qua thăm nhà. Họ nhớ anh là đứa bị ông già đánh đòn nhiều nhất, có lần ông còn trói anh vô gốc ổi bỏ đói cả buổi. Má anh hay bị chồng nặng nhẹ, “bà đội con bà lên đầu nên nó sanh hư...”, cái chữ “con bà” có ẩn ý, biết đâu. Mọi người gật gù kết luận, nguyên cả gánh chỉ có thằng đó là phá của, ham chơi, suốt ngày say xỉn.

“Tía giận thì ổng nói vậy thôi”, anh nói với khắp láng giềng, với mấy đứa em, lượm mót từng cái gật đầu. Đứa con ngỗ ngược thường bị cha mẹ chửi té tát là nó không giống họ, không phải con họ, con họ thì đâu có tệ hệ nông nỗi vậy... kiểu nói đó thiên hạ thiếu chi.

Nhưng thiên hạ không nói câu đó như những lời trăng trối cuối cùng, họ chỉ chửi với theo trong lúc cầm roi rượt thằng ngỗ ngược chạy ngời ngời ngoài ruộng, hoặc lúc nó đang nằm sấp chờ đánh đòn trên bộ ngựa, hoặc nó đang trốn trên tuốt đọt cây dừa. Tía anh thì nói như thể vét hết bao nhiêu tàn hơi để nhắn một thông điệp tối quan trọng. Và ông già dùng cái chết của mình để làm một cái dấu chấm. Chính xác, là dấu chấm hết.

Bà Út nói tội nghiệp, thằng Hai bị cắt chảy máu. Bà già mù này dường như là người họ hàng bên nội duy nhất chẳng nghi ngờ thân phận anh. Chắc vì bà không nhìn thấy những dấu hiệu nào đó trên người anh, được cho là lạc loài. Mỗi lần anh ghé chơi, bà lại bâng quơ, có thứ lưỡi gì bén bằng lưỡi người đâu con. Tía con giận thì nói vậy thôi - anh trả lời trong lúc ngó vào cái kiếng soi trên tủ áo, tự hỏi sao vành tai anh hơi méo và cẳng chân mảnh khảnh. Sao tóc mình lại hơi ngả nâu, cả dòng họ có ai vậy đâu?

Câu hỏi đó chỉ có hai người có thể trả lời, nhưng đã về đất cả rồi. Mỗi tối anh vẫn thường nhìn những thân nhang cháy, mong nó uốn cong thành một tín hiệu gì đó, có thể chứng minh được thân phận của mình. Nhưng tàn nhang thản nhiên rơi vãi, rời rạc và tẻ nhạt.

Đám em anh chắc cũng không nhận được cuộc báo mộng nào, tụi nó dần lợt lạt. Nhiều bữa anh thấy Tư Thạnh chở khách ngang nhà và không hề phóng mắt qua khoảng sân mọc đầy lúa rày. Lần gần nhất là trước giỗ đầu của ông già hai ngày, Tư Thạnh ghé nhà, thắp nhang khấn vái rầm rì rồi che cái nón lá lên lư hương tía đem đi, bảo “Tía tôi thì tôi thờ...”. Chiếc xe cà tàng vọt đi vẽ nên một đường bay tán loạn của tàn nhang.

Bữa đó anh đang bận bộ áo túi xám được may theo kiểu tía thường mặc hồi còn sống, và râu anh cũng lởm chởm như râu ông già. Chỉ cần cây gậy nữa thôi, anh sẽ thành bản sao của người cha trong ảnh, nhưng thằng Tư Thạnh không đếm xỉa. Chỉ cần nó kêu “ui là trời anh Hai y hệt tía...”, anh cho nó mấy chỉ vàng luôn cũng đáng. Nhưng rốt cuộc chỉ bọn trẻ nhà anh là hay được tiền mua kẹo, mỗi khi thảng thốt ba giống ông nội quá chừng.

Giờ coi kiếng cho kỹ, anh thấy mặt mình chỉ thiếu vài nếp nhăn, thứ đó muốn có phải cần có thời gian. Râu tóc thì cũng đã bạc rồi, chỉ sau một lần giỗ má, nhìn nhà trống hoác, thưa vắng họ hàng, mấy đứa em kêu mắc công chuyện không tới... Chị vợ xót quá, ấm ức xui chồng đâu đi thử cái di truyền gì đó cho người ta sáng mắt ra. Anh đang châm rượu cúng, quay mặt vô vách nạt, thôi đừng có tào lao, tía giận thì nói vậy... Anh sợ chị vợ bắt gặp cái ý nghĩ lỡ như lời ông già là sự thật?!

- Giỗ năm sau cũng nấu đủ sáu mâm cho tui - anh cố gằn giọng, tiếng vang ra ngoài thinh không.

Ngoài đường toàn khói nắng là khói nắng, họa nên một thứ ảo ảnh gờn gợn. Thế giới sao mà vắng tanh.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nắng trong ta

Tác giả: Nhã Đa


http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/Decorated%20images/3971601d.jpg



Tưởng chừng như sẽ chẳng bao giờ tôi trở về đây, thành phố biển có rất nhiều khóm muồng hoa vàng nghệ.

Buổi chiều rời xa ấy, cũng muốn làm dáng một chút, bắt chước cổ nhân để không ngoái lại. Rồi rốt cuộc cũng chẳng thể nào không nhìn lần cuối khu thị tứ có dáng vẻ như cam phận dịu dàng của một tiểu thư tỉnh lẻ, bên ngoài khoác từng mảng mệt mỏi buông xuôi, pha lẫn chút gì đó hoang mang hy vọng. Một thị tứ xôn xao trong nỗi buồn tênh câm nín.

Theo từng vòng bánh xe lui, theo từng câu ca chênh chao của bài Năm trăm dặm, theo từng cây số dần xa cái nơi chốn mà tôi vẫn băn khoăn liệu mình có để lại đấy trái tim côi, điều ghi nhớ nhiều vẫn là về sắc nắng. Nắng muôn mặt, nhiều cung độ. Nắng có thể chìu theo tâm trạng ta, mà cũng có thể đối chọi một chút như để tự khẳng định. Vừa tưng bừng hân hoan thật chân thành ủ ấm khi ta ngước mặt để hít đầy gió biển, ngay sau đó, chỉ cần qua góc phố bên kia, nắng có thể đay nghiến vai áo sờn da. Ta có thể rảo bước nhặt một chút để nhanh chóng đến đoạn đường có những tàng cây nhưng nắng chẳng dễ buông tha. Tuy nhiên khi ta tự vỗ về nhẫn nại, thì kìa, vừa qua cái talus kè đá nhà ai, nắng bỗng chùng xuống, thật ngơ ngác như chưa bao giờ quấy phá.

Màu nắng ấy, nếu dịu đi và buồn bã thêm một thoáng, sẽ là màu nắng đồng hành với ta qua vài khúc quanh, dẫn vào ngõ nhỏ đìu hiu nơi em ở. Vừa thật ồn ã đấy, chỉ cách chục bước chân là nắng sẽ ủ ê trên rào giậu bụi, sẽ biếng nhác trên lối đi bê-tông hóa thật vô duyên, đến mức con gà không muốn gáy buổi trưa, và con chó nằm phơi không buồn ngẩng lên nhìn khách lạ.

Câm nín suốt hai bên con dốc nhẹ ấy, là nhiều ngôi nhà mà ta không hiểu là phía sau vẻ ngái ngủ kia có những linh hồn nào. Chưa đến mức ảm đạm, nhưng lũ tường vôi đậm nhạt kia vẫn không thể kết hợp được với mớ lá khô queo quắt trơ gân trên đường, nhằm dấy lên chút hứng thú biết đánh lừa. Ta cứ như muốn lột tách từng lớp nắng ra, hòng tìm một thoáng dịu ngọt dỗ êm cơn khát.

Sự dịu ngọt ấy xuất hiện thật đột ngột, ngay sau khúc quanh dẫn vào chỗ của em. Như vô tình bước chân vào một thế giới song song, ta ngỡ ngàng trước nắng màu mật ong, đậu trên mỗi lá cây sứ đại, dát từng lớp mật thật dầy đến mức gần như muốn đọng giọt ở đầu cành. Ngay cả khóm rêu biếc đang ẩn núp giữa khe đá cũng phải rùng mình vì sung sướng.

Chỗ của em không có thời gian. Bao lần chạm ngõ, bao lần ta đặt chân lên các phiến lát, lũ đá xanh vẫn dường như đóng một đoạn kịch vô tri để ngụy trang thần thái. Không có thời gian, không có tiếng động, mà nói đúng hơn, đó là một biển cả những tiếng động không ngừng của vô thanh.

Bao lần tôi đến, cửa nhà em hình như không bao giờ chốt. Khung gỗ hồn nhiên ấy dường như không có cánh cửa. Cứ mặc nhiên bước vào, đừng do dự, thì nắng sẽ nán lại ngoài sân. Ở chỗ em, cũng như em, đồ vật dường như không có tuổi. Cái bàn nhỏ xíu màu nâu lục gần cửa vẫn đứng đấy im lìm, cố gắng che giấu chút đon đả chấp chới khởi lên. Đừng nấn ná gì cả, hãy bước tới bên kia, nơi đóa cúc vàng duy nhất ở độc bình đang điềm nhiên vàng óng trong vùng nhạt nhòa sáng tối. Cúc cho ta loại ánh sáng vĩnh tịch, không đến từ đâu cả nhưng hiện diện muôn nơi. Thật giản dị, không chút cố gắng, chẳng mời ta nghĩ suy gì, cúc cứ nghiễm nhiên vàng trong khoảnh khắc thiên thu ấy.

Không chừa thời cơ cho ta mê muội, một mùi gì đó nhẹ nhàng, thâm nghiêm yểu điệu như mùi trầm len khẽ, nhưng cũng không quá tôn nghiêm khiến ta e dè chiêm ngưỡng. Lẫn vào đấy là một chút hơi trần thế, thật thiết tha im ắng, nép mình thật kỹ chẳng muốn khuấy động, rất mượt mà nhưng cũng không thể không làm vướng tâm tư. Giống như cái đôn bé nhỏ cũ kỹ kia, tuy khôn khéo thu mình giữa bộ xa-lông to lớn mộng mị, nhưng vẫn bất chợt níu lấy chéo áo của em, nếu em không chú ý. Vài sợi hương trần thế nọ là mùi tóc con gái, mùi áo của em.

Bao lần tôi đến, vẫn hương tóc ấy, vẫn mùi áo, vẫn màu áo ấy, tím thật khẽ, pha chút xanh đen, phủ lấy vai mềm, vừa đủ để đón nhận mớ tóc xòa hờ hững. Những lần tôi đến, em vừa xuất hiện ở cuối phòng, gần ô cửa sổ nhỏ, quay nhìn tôi thật chậm, khẽ mím làn môi mọng, chẳng thốt lời nào, dành tất cả phần nói năng kia cho đôi mắt. Thời gian có lẽ cũng bất lực với tia nhìn ấy: một chút đón chào, một thoáng dửng dưng, hai sợi trách móc, vài giọt ủ ê thật đàn bà, một khoé ngơ ngác rất con gái, tất cả được trộn lẫn nung nấu bằng nhiệt lượng hồng hoang.

Mong em đừng cúi đầu làm gì, sẽ khiến ta bâng khuâng, bao lần tự hỏi đó là sự trở về hay chỉ là lần thăm viếng.



Trở về lần này, ngõ vẫn nhỏ nhắn im lìm trong mớ nắng xế bất định. Tôi biết, rồi những chiếc lá sứ đại vẫn sẽ được dát đều mật ong vàng lịm, rồi khe rêu biếc vẫn sẽ rùng mình thật liêu trai, và các phiến đá lát vẫn sẽ giả vờ trơ ra, quay mặt vào vĩnh cửu. Khung cửa kia vẫn sẽ không là quan ải, cúc trong lọ vẫn thản nhiên vàng, chỗ của em vẫn thách thức thời gian. Nói đúng hơn, cho dù không trống vắng điều gì, chỗ ấy vẫn sẽ nhẫn nhận mọi thứ thật chan hòa trong cơn bất biến.

Thế đấy. Lách qua khung cửa trống, tôi đồ rằng một lần nữa, mình sẽ chân thấp chân cao trong tâm thế tự hỏi liệu ta là khách viếng hay là kẻ quen thuộc trăm năm, khi tất cả mọi thứ vẫn luôn yên vị tịch liêu.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Đọc "Nắng trong ta" cho ta cảm giác thật buồn, nhưng cái buồn dịu ngọt và thánh thiện. Một bài viết sâu lắng, chạm tới chốn sâu thẳm làm rung lòng người. Cảm ơn tác giả Nhã Đa, cảm ơn anh Vodanhthi đã chọn đăng. Một chút cảm xúc của Thanh Ngọc khi bị các cung bậc của sắc nắng dẫn dụ:


Sự trở về hay chỉ là thăm viếng
Nắng rung lòng những cung bậc hồn ta
Cõi tịch liêu hay vô thanh ngàn tiếng
Nắng bên kia khung cửa trống nhạt nhoà

Xin đừng bóc nắng thành từng lớp
Nơi thời gian bất biến chan hoà
Một lần cũng trăm năm vĩnh viễn
Cháy lòng người mãi mãi nắng trong ta!


                                    
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hà Nội và những khúc mưa


Tác giả: TRẦN NGỌC TUẤN


http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/Xa%20hoi%20va%20cuoc%20song/8b6c9eaf.jpg



Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa nhỏ …

Tối hôm qua cả phố ầm ĩ vì một việc rất xoàng. Thằng Du lên cơn nghiện trói mẹ lại lấy giây chuyền mang bán. Chẳng ai dám can, đụng vào nó không ra Văn Điển thì cũng thành phế nhân.

Chị Thanh (người nghiên cứu mỹ học) lẩm bẩm: Các giá trị nhân bản đang bị hành quyết.

Mẹ tôi hỏi: Bộ môn của cô không có định hướng phần này?

Thưa bà! Hiện tượng này liên quan tới tôn giáo và chính trị.

Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa như người đái rắt.

Tới nhà rủ An đi chơi. Tôi mặc bộ quần áo bộ đội của bố. An đi giày Italia, áo phông Thái, váy màu đen. An bảo: Anh chẳng chú ý gì đến hình thức. Tôi nói: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. An bĩm môi: Anh là loại gỗ mục.

Đang đi gặp thằng Long, tôi hỏi: Mày định đi đâu? Nó bảo: Cũng không biết nữa. Đưa mắt nhìn An, nó lơ lửng một câu: Hà Nội bây giờ có mốt, lũ con gái mặc váy ngắn dắt chó ra ngoài đường phóng uế đó là dấu hiệu phồn thịnh của thủ đô ta.

Quay sang An, nó hỏi: Váy em là hàng Trung Quốc?

An trả lời: Sao anh biết?

- Nhà anh buôn đồ vải, thứ này rẻ, chất lượng tương đối khá, giá phải chăng. Trong cuộc Bắc Thuộc lần này hàng hóa xứ An Nam xem chừng bị tiêu diệt.
Tôi mời nó lên xe, chở ba người, đứa nào đứa nấy cũng lấm lét như kẻ cắp chợ Đồng Xuân, gặp công an là mất toi một chầu bia liên doanh.

Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa lèm nhèm, mưa như trêu tức người ta.

Ba chúng tôi ngồi ăn bánh tôm ở Hồ Tây. Long bảo: Cách đây mấy năm bánh tôm là đặc quyền cho kẻ lắm tiền, bây giờ đã trở thành đại chúng, đấy là cuộc “cách mạng ẩm thực vĩ đại” và giai cấp vô sản đã giành lại vị trí của mình. Tôi nói vuốt đuôi: Chẳng mấy chốc mà khá!

Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa cò con vừa đủ hôi quần áo.

Gió – bụi mù – hình như có cát trong bát nước chấm. Mấy đứa trẻ ở tổ bán báo “Tình thương” bâu lại: Mua đi anh chị, tin mới nhất về vụ buôn ma túy, vợ giết chồng chặt đầu vất xuống ao, băm xác cho vào nồi cám lợn …

Long gắt: Thôi xin các tướng, để chúng tôi ăn cho ngon miệng, mấy việc này có gì là lạ, xảy ra như cơm bữa.

An co người lí nhí: Khiếp! Hết cả tính người.

Long dịu dàng: Em đa cảm, như vậy rất đáng yêu đó là dấu hiệu sự phục sinh nhân cách của người Thăng Long.

… Long về, tôi rủ An ra ven hồ ngồi ngắm mặt trời đang lặn, nước hồ bốc mùi thum thủm, mấy con bọ cỏ đậu vào tay rin rít rất khó chịu. An hỏi: Anh Long có cách nói chuyện sâu sắc và hóm hỉnh. Tôi nói: Nó rất nổi tiếng, cả Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo đều biết tên …

An nhỏ nhẹ: Chắc anh ấy học giỏi? Tôi trả lời: Nó nổi tiếng không phải vì học giỏi mà có dũng khí ăn hết bãi cứt gà. Sinh viên thách đố nhau ấy mà, phần thưởng là một chầu thịt chó Nhật Tân. Sự việc vỡ ra kẻ thách đố bị đuổi học, còn nó chịu án kỷ luật đình chỉ học tập một năm, cải tạo lao động, cảnh cáo toàn trường và ghi vào lý lịch sinh viên: … “Tự hạ thấp nhân cách người trí thức Xã Hội Chủ Nghĩa, bị sa ngã vì những ham muốn vật chất tầm thường dung tục …” Nó yêu Hà Nội khủng khiếp từng tuyên bố công khai: Không đi bất cứ đâu khi ra trường, thà uống nước cống Hà Nội còn hơn uống nước máy ở các địa phương khác.

An bảo: Đất Thăng Long tự hào vì có một tín đồ trung liệt.

Trời nhập nhoạng, tôi hôn An và luồn tay sờ vú. Vú An căng cứng, An oằn người rên rỉ: Giữ cho em anh nhé, em vẫn còn trinh. Tôi bảo: Trước sau rồi cũng mất, cho anh đi chúng mình yêu nhau mà. An trả lời: Để lúc khác, em không thích nơi bờ bụi, hôm nay là ngày không an toàn. Tôi bảo:  Anh nghe lời em, nhớ nhé! Đừng nuốt lời để tìm kế hoãn binh.
An cười: Anh đa nghi như Tào Tháo, tin em đi.

Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa như khiêu khích.



Nóng, khó ngủ, muỗi chiều. Tôi ra đầu phố xem ông Tràng đánh cờ thế. Ông Tràng nổi danh trong làng cờ được phong là Đế Thích. Liên Đoàn Cờ Tướng Việt Nam mời ông làm huấn luyện viên, xong ông từ chối. Vốn kinh doanh của ông có lẽ rẻ nhất thế giới, mảnh bìa và bộ cờ gỗ, cứ tà tà mỗi ngày ông kiếm vài trăm nghìn ngon ơ, chẳng thuế má gì cả.
Ông Tràng ngồi xổm tay thò vào trong quần gãi sồn sột, tay kia dí tốt vượt sông, giọng ông đắc thắng: Hai nước nữa cậu thua! Chơi cờ với ông là một gã trai mới lớn, nhẫn vàng đeo đầy tay, mắt trái bị chột đục nhờ như có người vừa khạc vào đấy một bãi đờm. Cộp! con xe đã nhập cung … Gã trai xỉa ra tờ 50 nghìn miệng làu bàu: Đen hết chỗ nói, tối hôm qua chơi em nhà quê bướm không có lông, thiên hạ nói chẳng sai “âm hộ vô mao bần chí tử”.

Hà Nội vào tháng này rất ít mưa, nếu có chỉ là những cơn mưa lí nhí, mưa như bố thí.

Nhà ông Thăng lại có “nội chiến”, tiếng bát đĩa bị đập vỡ, giọng ông Thăng rít lên: Im mồm ngay con đĩ! Vợ ông tru tréo: Tao làm được bao nhiêu tiền mày mang đi trai gái bồ bịch, thế mà cũng là đảng viên, ông nhà nước lầm rồi.

Tiếng đứa con gái: Con xin bố mẹ, hàng xóm người ta cười cho. Ông Thăng hét: Sĩ diện hão, mày dạy dỗ học sinh của mày cho tốt vào, chúng nó còn tụt quần mày ngay giữa lớp chứ hay hớm gì mà lên giọng dạy đời …

Gặp thằng Nội đi mua phở cho chó ăn đêm. Nó phàn nàn với tôi: Tối nào cũng một bát phở 5 nghìn, đập vào hai quả trứng, nửa cân thịt bò ngày, không kể xương, sữa, cà rốt, khoai tây … thế mà con chó nhà tao lông cứ rụng hết. Tôi bảo: Nó không thiếu dinh dưỡng đâu, chắc tại khí hậu nước mình.

- Tới nhà tao, xong hai đứa mình đi lượn – nó rủ rê.

Bố thằng Nội là tiến sĩ đầu tiên của ngành giao thông. Mẹ nó tốt nghiệp đại học thể dục thể thao bên Trung Quốc thời Cách Mạng Văn Hóa. Một gia đình “có chữ” (nói theo kiểu hàng phố). Họ sống khép kín, tế nhị trong các mối quan hệ.

Nhà thằng Nội thoáng mát, nhiều sách, cách bài trí đơn giản nhưng có gu thẩm mỹ. Mẹ nó hỏi tôi: Cháu uống gì?

- Dạ! Cô cho cháu xin ly nước đá …

Mẹ thằng Nội cầm quyển sách dày cộp chăm chú xem rồi đột nhiên hỏi bố nó: Anh ơi! Thánh nhạc là gì, có khác với thánh ca không?

- Khác chứ! Về mặt ngữ học thánh nhạc tương ứng với từ “Musicasacra” (tiếng Latinh) trong tiếng Anh là “Sacred music”, tiếng Pháp là “Musicque sacrée”. Thánh nhạc có trước, thánh ca chỉ là một loại hình được chia làm hai nhóm chính “Thánh ca phục vụ”, “Thánh ca tôn giáo” …

Tôi nói khẽ với thằng Nội: Bố mày hiểu biết nhiều lĩnh vực quá!

Bố thằng Nội quay sang nói với nó: Ngày mai con ngắt giây chuông. Bố đang làm đề tài cấp “nhà nước” mà ăn xin, ăn mày cứ bấm chuông liên tục không tập trung tư tưởng được.

Mẹ nó hỏi: Sao bây giờ nhiều người ăn xin thế? Bố thằng Nội trả lời: Đó là “cơn sốt vỡ da của tiền kinh tế tư bản”, hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của nước mình. Nước Mỹ đã làm giàu trên xương máu, ruộng đất người da đỏ, nô lệ da đen. Nước Anh đã thay thế công nghệ sản xuất khiến bao thợ thủ công phải chết đói. Ngày nay, ai dám bảo hai quốc gia trên là chậm phát triển.

Mẹ thằng Nội nói: Thế thì còn nhiều điếm nhục.

Bố thằng Nội hùng hồn: Sau sự điếm nhục đó các giá trị nhân văn lại tái hiện, những kẻ giết người, buôn lậu, tham nhũng, rửa tiền … sẽ đi chùa, đi nhà thờ cầu nguyện cho chúng sinh, họ sẽ mở ra các tổ chức từ thiện.

- Thời gian là bao lâu? Mẹ thằng Nội hỏi.

- Điều này phụ thuộc vào sự tử tế, lòng nhân hậu và trí thông minh của người lãnh đạo …

Thằng Nội đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn của nó ngầm bảo: Ra khỏi nhà cho khỏi nhức đầu.

… Hai đứa chúng tôi ngồi uống sen dừa trên phố Thuyền Quang. Một cô gái tới hỏi: Các anh thích đi “tàu nhanh” hay “tàu chậm”? Thằng Nội quát: Biến ngay! Con phò … nó lắc đầu nói với tôi: Phò phạch bây giờ nhiều hơn người lương thiện. Tôi bảo: Nói như bố mày từ lúc nãy đó cũng là “cơn sốt vỡ da của tiền kinh tế tư bản”.

Hai đứa chúng tôi lên xe ra về, ánh điện lọc qua lùm cây loang lổ như da rắn. Tiếng ai thất thanh: Bà con ơi! Bắt hộ tôi cái thằng đi xe Dream màu đỏ, nó giật mất đồng hồ của tôi.

Tiếng kêu bị rơi vào sự im lặng ở con người. Và sự ồn ào của phố xá …

Tôi về tới nhà, bố mẹ đã ngủ. Chiếc vô tuyến chưa tắt đang phát bản tin dự báo thời tiết Hà Nội ngày mai:

Khu vực Hà Nội ngày mai ít mây, có mưa, lượng mưa không đáng kể.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Mưa tháng 10

Tác giả: VÔ ĐOAN


Ba của con gái kể rằng hồi ba còn nhỏ, nghe mấy ông già Nam bộ nói tháng 10 “mưa thúi đất”. Nhưng ba cũng nói thêm là việc này tuy ba có chứng kiến, lúc ông còn trẻ, chứ những năm sau này chẳng thấy mưa nhiều. Hoặc là có mưa ở đâu đó, chứ ở đây thì quá ít mưa.

Chính vì vậy mà suốt cả tháng 10 này, đặc biệt là chiều nay, vào khoảng cuối tháng, khi trời vần vũ và nặng nước, con gái lại ra khoảng trống ở sau nhà để ngóng mưa với ba.

Rót cho ba một ngụm trà đặc, cô lại rót cho mình một ngụm. Bạn bè đồng nghiệp thường nói giỡn rằng con gái còn trẻ mà ghiền trà đặc là con gái vừa hâm vừa khó tính. Nhớ lại, cô mỉm cười. Rồi lại tắt ngay nụ cười để nhìn lom lom con ễnh ương vừa xuất hiện phía sau tượng một con ếch bằng đất nung tráng men Bình Dương xanh và lục. Có khó tính hay không, sẽ xét sau, nhưng cô đủ hâm để ngồi hàng giờ mà quan sát loài lưỡng cư.

Phần sau nhà cô cũng được nhiều thuận lợi. Mới về ở chưa lâu, cô đã khám phá ra điều này. Theo quy hoạch thì phía hậu mỗi nhà phải xây tường bít lại. Nhưng hiện nay vì dân cư còn rất thưa thớt, nên chưa ai xây, chừa lại sân sau thông thoáng mát. Thuận lợi là sau nhà có một rừng trúc xanh mơn chạy dài hết cả phần đất phân lô bán nền.

Thuận lợi nữa là những buổi chiều vắng, mát, và êm như thế này, cô có thể ngồi nghe muôn vật thầm thì màu tím. Nghe mà chẳng cần lắng. Chứ không phải như ba nói “có bao giờ con lắng mà lại không nghe?”

Thuận lợi kế tiếp là ngay sau tiếng kêu của con chim gì chao chác nhói lên, là y như rằng gió sẽ thổi luồn qua thật thâm sâu, dậy mùi đất mát. Buổi chiều đang vừa mới viễn tuyệt như thế, như thể nghe được bụi nhỏ chuyển mình, thì bỗng chốc đã sung mãn với bao âm thanh rộn rịp, đến theo từng lớp, như là sóng biển từ xa.

A, cuối cùng rồi mưa cũng tới để chìu lòng chiều tà chừng như muốn lạnh lẽo một tị. Lá trúc của khu rừng trồng này càng xanh mơn. Con gái rót cho ba một ngụm trà nữa, đặt cái bình tích mẻ nắp xuống bàn nhỏ, rồi nhướng mắt, cố nhìn xuyên màn mưa bụi, muốn thấy tận phía bên kia rừng trúc. Cô hỏi ba: ở mút rìa bên kia, khi không còn trúc, thì bên đó là gì. Bạn bè bảo cô hâm là bởi những câu hỏi vớ vẩn như thế.

Mưa bụi thành mưa hạt. Những hạt nặng đè cong lá trúc, rơi xuống lá thấp hơn, rồi lá thấp hơn nữa. Những con vật bé xíu nào may mắn được gốc trúc che chở thì không bị mưa làm hề hấn gì, chỉ được mát mẻ thôi. Chúng cứ mặc kệ, thậm chí vui vẻ với mưa sa. Trong khi đó, những con nào một mình, lại ở chỗ không có tán trúc thì không thể. Bị hạt mưa nặng rơi trúng mõm, con ễnh ương giật mình đau, lùi lại hai bước.

Một lúc sau trông hắn thật thảm thương bởi mưa đã lớn hơn nữa, nước cuộn thành dòng, đục màu vữa và đất, toan cuốn hắn theo luôn. Hắn định leo lên khối đất nung tráng men, nhưng không thể, vì lớp men trơn trợt. Hắn rơi tòm xuống dòng chảy và chới với, may sao vướng vào phần nổi của cục gạch ống nhô lên từ con đường mòn. Ráng hết sức bám vào đấy leo lên, rồi ngồi chịu trận dưới mưa, nom thật thê lương. Những con vật khác ở dưới tán trúc đã yên vị trên chùm rễ chắc chắn, dường như đang điềm nhiên quan sát ễnh ương mà không bị mưa làm phiền chút nào.

Dòng nước đục ngầu vàng nâu nổi bọt giờ đây đang tải những bông hoa rụng từ giàn mướp nhà ai. Con gái ngồi ngắm mưa cũng không biết tại sao bông mướp trôi từng nạm từng nạm rất đông đảo, nhưng lại làm cho lòng cô cảm thấy cô đơn đến như vậy. Cảm thấy tiếc nuối điều gì mà không biết rõ là điều gì. Hơi bất an một chút mà chẳng biết tại sao bất an. Chung quanh cô đều là bạn bè thân thiết. Gần nhất là ba, rồi là chiều tím, rồi là cơn mưa, rồi là bông mướp, kể cả ễnh ương, kể cả khung cảnh nhá nhem tối. “Hello darkness my old friend, I’ve come to talk with you again…” Nếu là vài năm trước, cô đã lặng lẽ ứa lệ trong hoàn cảnh ấy, một mình. Về sau, cô tập dửng dưng. Ngay thời điểm này, cô cố tình chuyển chú ý sang miếng phân nửa còn lại của tấm ngói cong, đang làm nơi trú ẩn cho con dế nhủi. Mớ lá môn, hay lá gì đó, vẫn gục gặc trong mưa. Mưa tháng 10 trễ nãi vẫn như khắc khoải một chút, trông ngóng một chút, hứa hẹn viễn vông điều gì vừa chợt thoáng quá, nhưng không thể nào nắm bắt được…

Bây giờ con gái đã cảm thấy se lạnh, khẽ rùng mình. Mưa tháng 10 dù sao cũng buốt. Cô rót cho ba ngụm trà cuối cùng đọng lại trong bình tích mẻ nắp. Không còn phần cho cô. Thật ra mỗi run rẩy tí chút, cô thích hớp một ít rượu, ít thôi, chỉ đủ để tạm ấm lòng. Nhưng cô đã hứa với ba là không bao giờ uống rượu một mình. Vả chăng, một tợp rượu sẽ làm cô nhớ đến đậu phọng rang muối.

Bởi vì xưa kia, ba rất thích uống rượu với đậu phọng rang muối.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Truyện về cái chết


* PHAN Ý YÊN


http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=161660
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần




“Cái chết hẳn phải đẹp lắm. Bạn sẽ nằm đấy, trong lớp đất nâu mềm, cỏ xanh ở trên đầu, lắng nghe khúc nhạc của thinh không. Không có quá khứ lẫn hiện tại. Ta sẽ quên đi thời gian, quên đi cuộc sống này và hoà mình với an nhiên” – Oscar Wilde

Vinh bỏ tôi đi vào một ngày tháng sáu. Sài Gòn phủ đầy những trận mưa giông, gió quật ngang rít thành những hồi dài bên ngoài cửa sổ. Vinh ra đến cửa, bấm thang máy rồi mà vẫn còn quay lại, hôn lên môi tôi, vòng tay siết ngang hông vững chãi. Vinh cười: “Anh sẽ nhớ em mất!”

Đến tầm tối, người ta dùng điện thoại của Vinh gọi cho tôi thông báo rằng anh đã gặp tai nạn trên đường Nguyễn Trãi. Gió to, mưa lớn, một thân cây rơi xuống ngang đường khiến Vinh trượt dài trên phố, chấn thương sọ não và chết ngay tại chỗ. Tất cả những lời này, những câu tường thuật này tôi đều nhớ rõ, kể cả nụ cười của Vinh và lời cuối cùng anh nói “Anh sẽ nhớ em mất!”

Tôi đã không khóc. Không hề rơi một giọt nước mắt nào. Có mặt lúc nhận xác Vinh về nhà. Ở bên quan tài anh cho đến khi an táng xong. Tuần nào cũng chạy xe ba mươi cây số lên mộ anh và quay trở về trong yên lặng. Tôi đã không khóc, không than vãn, không trách cứ. Tôi khiến những người xung quanh tôi sợ hãi lẫn nghi kỵ.

Bạn phải có một lòng dũng cảm nhất định để tồn tại giữa thành phố. Trước khi gặp Vinh, tôi hoàn toàn đơn độc cho dù có hội hè, sự kiện, gặp gỡ, hẹn hò, tán tỉnh. Tôi vẫn hoàn toàn đơn độc. Vinh cũng vậy. Cho đến một buổi chiều, chúng tôi tìm thấy nhau. Thành phố vẫn sầm sập vòng xoay của mình, chỉ duy nhất một điều khác biệt mà tôi biết. Từ nay đã có Vinh bên mình. Từ nay đã có Vinh nắm tay tôi lúc băng qua phố, có nỗi nhớ Vinh để mong được trở về nhà mỗi cuối ngày, có hơi ấm Vinh mỗi khi tỉnh giấc vào buổi sáng, có nụ cười Vinh khi cả thế gian chỉ nhăm nhe bắt nạt. Tôi chưa từng nghĩ điều kỳ diệu này có thể xảy ra. Một người hoàn toàn xa lạ bước chân vào cuộc sống và mọi thứ thay đổi. Nhưng bạn cũng không hề chuẩn bị tình cảm lẫn nhận thức để chấp nhận khả năng người đó sẽ ra đi mãi mãi. Giống như lúc này. Giống như hiện tại. Tôi lại quay trở về làm người phụ nữ đơn độc giữa lòng thành phố. Và là người phụ nữ với trái tim hun hút một lỗ hổng lớn lao.

Tôi vẫn tiếp tục những lịch trình như khi Vinh còn bên cạnh. Thứ hai, thứ ba, thứ năm chúng tôi chỉ kịp ăn sáng cùng nhau và gặp lại lúc mười một giờ tối ở nhà. Thứ tư, cả hai cùng có hai giờ nghỉ trưa để ăn trưa cùng nhau ở một tiệm bún bò trên đường Mạc Đĩnh Chi. Thứ sáu Vinh sẽ đón tôi tan sở, hai đứa có thể đi nghe nhạc hoặc mua một vài cái đĩa DVD mang về nhà xem đến khuya. Những buổi sáng cuối tuần chậm rãi. Tôi pha trà cho Vinh, nằm cuộn tròn trong lòng anh kể lể vụn vặt, lắng nghe tình cảm của chúng tôi nhẹ nhàng thở vào không khí và hơi ấm của Vinh làm rạng rỡ cả khung trời đằng sau ô cửa sổ màu xanh lam cũ kỹ. Cuộc sống nối tiếp giản dị. Chỉ có điều, đôi lúc tôi thèm được nghe Vinh quay đầu lại và nói “Anh sẽ nhớ em mất!” đến ngột ngạt. Những lúc ấy, tôi đặt tay lên ngực mình, hít thở vội vã để hiện thực này, sự mất mát này không thể xâm chiếm được mình. Tôi cố tìm cách tránh xa nó một cách tuyệt vọng.

Mẹ đến thăm tôi mỗi tuần một lần. Lần nào bà cũng im lặng lau chùi dọn dẹp, mua ít trái cây để vào tủ lạnh, nấu cho tôi một ấm trà gạo đỏ rồi lặng lẽ ra về. Thỉnh thoảng bà nhắn tin hay để lại một mảnh giấy trên bàn khách “Cố mà khóc đi con!” Nỗi lòng của mẹ khiến tôi muốn ôm chầm lấy bà, gục đầu vào lòng bà và thổn thức rằng tôi nhớ Vinh đến nhường nào. Nhưng tôi không dám. Tôi không đủ sức lực và tự tin để thừa nhận với bà rằng tôi biết chuyện gì đã xảy ra và nó hiện hữu rõ rệt như thế nào đối với sự tồn tại của tôi. Mẹ hiểu. Và có lẽ sẽ là người duy nhất hiểu.

Ngày sinh nhật Vinh. Tôi làm một chiếc bánh sôcôla lớn. Tự mình mày mò thu âm một bản tình ca nhè nhẹ tặng anh. Trời đổ mưa lớn, tôi đến Igor, ngồi ở góc phòng tầng áp mái, chỗ ngồi nơi lần đầu tiên chúng tôi hẹn hò. Mưa gõ mạnh vào cửa kính tạo ra những âm thanh mạnh mẽ. Igor buổi trưa yên ắng, chỉ có tiếng mưa đều đặn. Tôi ngồi ôm gối yên lặng, mắt nhìn chăm chú về hướng cầu thang. Y như lần đầu tiên. Vinh sẽ xuất hiện ở đó với cái nhìn ấm áp, bờ vai rộng và nụ cười có thể xua tan mọi nhỏ nhen tầm thường. Tôi cứ ngồi mãi như thế cho đến lúc có tiếng bước chân lên cầu thang. Vào một buổi trưa thứ ba trời mưa như thế này, việc Igor có khách là điều cực kỳ hiếm hoi. Anh ta mặc áo polo màu ghi xám, tóc cắt cao và hiền lành. Anh ta nhìn thấy tôi. Và mỉm cười. Người đàn ông đó xuất hiện ở chỗ tôi đang cố hình dung sẽ thấy lại Vinh. Anh ta ngồi xuống ở bàn song song bên cạnh. Lấy từ trong túi ra một chiếc nến, gọi hai ly latte và một miếng cheesecake. “Có lẽ anh ta cũng đang đợi người yêu đến” – tôi thầm nghĩ. Nhưng không phải. Anh ta hát. Một âm điệu quen thuộc. Anh ta thắp nến và hình như là bài Happy birthday. Khi bài hát kết thúc, tôi nghe anh ta khẽ khàng nói “Chúc mừng sinh nhật em!”

– Hôm nay là sinh nhật vợ tôi – người lạ quay sang và nói.

– Chúc mừng sinh nhật chị ấy – tôi mỉm cười. Người xa lạ cũng mỉm cười.

– Đây là nơi lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt. Cô ấy rất thích ngồi đúng chỗ này vào những ngày mưa – người lạ không ngại ngần bộc bạch.

– Chị ấy giận anh à?

Anh ta lại cười hiền từ, ánh nhìn có những vết nheo dài nơi đuôi mắt. Như Vinh.

– Cô ấy mất rồi.

Tôi thấy lồng ngực mình bị ép chặt. Sự mất mát của người đối diện ồ ạt như lũ lớn. Những ngón tay run lên dữ dội, chới với. Nước mắt cứ vậy mà trào ra không thể kiểm soát.

– Cô không sao chứ?

Người lạ ái ngại. Mà tôi hầu như hoàn toàn mất kiểm soát, không thể ngăn mình lại. Tôi nấc lên từng chặng liên hồi như thể bao kìm nén bấy lâu đang cố tìm cách bung ra hết thảy.

– Tôi xin lỗi. Tôi không nghĩ chuyện buồn của mình có thể khiến cô đau lòng đến vậy.

Người lạ e dè, xích lại gần hơn và đưa cho tôi một khăn giấy nhỏ. Ngoài trời vẫn mưa rũ rượi. Hai chúng tôi ngồi yên lặng và không nói với nhau thêm lời nào nữa trong một khoảng thời gian dài vô tận. Ngọn nến thắp lên đã sắp đến hồi tàn. Căn phòng lập loè những hơi thở buồn bã đan xen.

– Người yêu tôi tên Vinh. Anh ấy là... một người ấm áp.

Lần đầu tiên sau một năm rưỡi mất Vinh, tôi mới nhắc đến anh với một người nào đó. Người lạ ngước mắt nhìn tôi. Hình như anh ta đã hiểu ra điều gì đó đằng sau những giọt nước mắt cứ không ngừng tuôn ra khỏi khoé mắt tôi.

– Tôi... không dám tin... không dám nghĩ rằng... Vinh sẽ vĩnh viễn không bao giờ quay về nữa...

Người lạ quay sang, ôm tôi vào lòng. Những ngón tay anh nhẹ nhàng vuốt tóc tôi. Tình cảm này, nỗi đau này, chúng tôi đang san sẻ cho nhau một cách vô hình. Buổi chiều kéo dài cùng những trận mưa hoài không dứt. Người lạ tên Duy. Anh ấy kể với tôi về vợ mình, về khoảng thời gian dài anh ấy cũng như tôi, không dám đối mặt với một cuộc sống mất mát. Đan, vợ anh ấy, là một người phụ nữ ngọt ngào, luôn biết cách làm những việc nhỏ âm thầm khiến chồng mình cảm thấy được ủng hộ và yêu thương. Ngay cả đến lúc sắp phải ra đi, cô ấy vẫn luôn nghĩ cho Duy.

– Cô ấy nắm tay anh thật chặt, và nói với anh rằng “Đấy nhé, em sẽ được đến một nơi yên lành trước anh, ngày ngày không còn phải sợ kẹt xe nữa! Anh không được lo và nhớ em nhiều đâu đấy!” Cô ấy đã nói như thế.

Duy kể về nỗi đau lớn nhất cuộc đời mình một cách bình tĩnh. Anh bảo yêu thương sẽ luôn còn đó không thể mất đi được. Đó là những gì mà anh nghĩ là Đan và Vinh đều mong muốn anh và tôi hiểu để đủ can đảm đối diện với cuộc sống của chính mình, tiếp tục hy vọng và vun đắp cho chúng.

Lúc chúng tôi chia tay, bầu trời cao vút. Những tàn mây xanh ngắt sau mưa vẽ thành những dải vòng cung lớn. Duy nhét vào tay tôi số điện thoại của anh ấy và dặn nếu muốn nói chuyện với anh thì hãy gọi.

Lúc tuần mới bắt đầu, tôi thay váy mới, gọi điện cho mẹ và mỉm cười. Những chuyện cũ đã qua, và tôi sẽ vẫn luôn có Vinh trong trái tim mình.

Mùa hè bắt đầu rộn rã, đầy nắng.

Một buổi chiều không vội vã, tôi nhìn thấy Duy phía bên kia đèn đỏ. Anh vẫn mặc áo polo màu ghi xám, nháy mắt với tôi và chầm chậm băng qua đường.

Những yêu thương mà cả tôi cả bạn đều mong muốn đều bắt đầu lớn lên từ hy vọng.


6.2011
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Truyện ngắn: Lưỡi bướm

- Này, Chim Sẻ, năm nay thầy trò mình chắc chắn sẽ được chiêm ngưỡng lưỡi bướm. Đã lâu chúng tôi vẫn chờ Bộ Giáo dục gửi tới chiếc kính hiển vi họ từng hứa. Ông giáo giải thích rằng nhìn qua dụng cụ đó những vật thể bé tí tẹo, nhỏ tới độ gần như vô hình, sẽ được phóng to cho dễ xem.
Ông nói nhiều tới độ bọn trẻ con chúng tôi hình như đã nhìn thấy những vật thể nhỏ xíu ấy thật.
- Lưỡi bướm giống như vòi voi cuộn tròn. Nếu con bướm thích bông hoa nào đó, nó liền duỗi thẳng lưỡi, chích vào đài hoa hút mật. Khi các em thò ngón tay ướt vào lọ đường, các em liền cảm giác ngón tay mình chính là đầu lưỡi. Đúng không nào? Lưỡi bướm cũng như ngón tay của các em vậy.
Dạo đó chúng tôi đâm ra ghen tị với lũ bướm. Chúng sống sướng như tiên! Được mặc sức bay khắp cõi trời trong bộ cánh hội hè, bay chán lại đậu lên những luống hoa, hệt như người ta ghé quán ăn. Ở đấy, những thùng gỗ đầy tràn mật hoa đang chờ đợi chúng.
Tôi rất thích ông giáo dạy tôi. Ban đầu, cha mẹ tôi không dám tin chuyện đó. Chính xác hơn, ông bà không thể hiểu tại sao tôi lại có thể thích ông giáo. Từ hồi tôi học nói còn chưa sõi, người ta đã đem trường học ra để hù tôi:
- Mai mốt đi học, rồi mày sẽ biết!
Mới lên sáu tuổi tôi đã có biệt danh Chim Sẻ. Ở quê tôi trẻ con tuổi ấy đã phụ cha mẹ kiếm ăn. Nhưng cha tôi làm thợ may, ông không hề có đất đai hay gia súc. Ông lại không thích tôi quanh quẩn dưới chân trong xưởng may chật chội. Tôi nên tránh xa chỗ ông làm thì tốt hơn - cha tôi muốn vậy. Thế là ngày qua ngày tôi chạy rông khắp ngôi làng ven thị trấn Alameda. Bác hốt rác Cordeiro là người nghĩ ra biệt danh của tôi. Vừa cào lá khô rơi thành đống, bác vừa lầm bầm: “Chú mày giống hệt con se sẻ vậy”.
Hình như chưa khi nào trong đời tôi chạy nhiều như trong cái mùa hè trước khi lần đầu tới trường. Tôi chạy lồng lên như thằng điên, thỉnh thoảng lại vượt khỏi ranh giới thị trấn. Tôi chạy xa hơn nữa, phóng tầm mắt lên đỉnh núi Sinai và ao ước mọc đôi cánh để tôi có thể bay tới tận Buenos Aires. Nhưng rốt cục tôi vẫn chưa một lần đến được đỉnh núi thần kỳ đó.
- Mai mốt đi học, rồi mày sẽ biết!
Nếu cha tôi muốn dọa tôi thì ông đã thành công quá mức. Suốt đêm trước ngày đầu tiên đi học tôi không nhắm mắt nổi. Tôi nằm co quắp trên đống chăn nệm, lắng nghe tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường vẳng lại từ gian phòng khách với nỗi buồn của kẻ tử tội. Và rồi ngày đầu tôi đi học - một ngày đầy ánh sáng trắng bạch tang tóc như chiếc tạp dề của bác hàng thịt - đã tới. Nếu tôi khai với cha mẹ rằng tôi ngã bệnh thì quả tôi đã không hề nói dối.
Nỗi khiếp sợ, giống như con chuột, gặm nhấm bên trong cơ thể tôi. Và tôi đã tè ra quần, không phải ở nhà mà ở trường. Sau ngần ấy năm nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác ướt át và nóng hổi của dòng nước chảy dọc hai ống chân. Lúc đó, tôi ngồi sau chiếc bàn học cuối lớp, gục mặt xuống và cố nín thở, hi vọng không ai nhận ra sự có mặt của tôi cho tới khi tôi thoát khỏi nơi này đến với tự do và mặc sức chạy rông trên mảnh đất Alameda.
- Nào, mời trò đứng lên.
Thế là chẳng chạy đâu cho thoát khỏi số phận. Tôi ngước mắt lên và dù cho toàn thân đang chết cứng vì sợ hãi, may thay tôi vẫn còn hiểu được rằng lệnh vừa ban ra nhắm vào tôi. Ông giáo - trông xấu xí thậm tệ, hệt như con bù nhìn gác vườn rau - cầm cây thước chỉ vào tôi.
- Tên trò là gì?
- Chim Sẻ.
Cả lớp cười khúc khích, còn tôi như bị ngọn roi quất vào mặt.
- Chim Sẻ?
Tôi đã quên ráo mọi thứ, kể cả tên của chính mình. Tôi là gì trước đây đều đã bay sạch khỏi đầu tôi. Cha mẹ tôi biến thành hai mảng mây lờ mờ trong trí nhớ của tôi và hình như chúng cũng đang tan vỡ. Tôi nhìn ra cửa sổ, cố dùng ánh mắt tuyệt vọng tìm lại những xóm nhỏ của Alameda.
Đúng lúc đó tôi tè ra quần.
Khi bọn con trai phát hiện sự cố với tôi, tiếng khúc khích to hơn và trong đó tôi nghe thấy tiếng rít gió của ngọn roi.
Tôi bỏ chạy. Tôi lao đi như thể lưng tôi đã mọc ra đôi cánh. Tôi chạy, chạy bán sống bán chết, giống như bị ma đuổi trong mộng. Tôi tin là ông giáo đang dí theo tôi. Tôi cảm thấy hơi thở của ông ta sau gáy tôi, tôi cảm thấy hơi thở của lũ con trai cùng lớp - như bầy chó săn đang bám theo con cáo. Nhưng khi chạy đến sân khấu ngoài trời dành cho các ban nhạc rong biểu diễn mỗi khi họp chợ, tôi ngoảnh cổ lại và chợt hiểu sau lưng không có ai hết. Chỉ có mình tôi với nỗi sợ hãi thấm đẫm mồ hôi và nước tiểu. Sân khấu vắng tanh. Có lẽ không ai xung quanh chú ý đến tôi, dù chỉ một mảy may, thế nhưng tôi có cảm giác là người ta giả vờ, còn thực tế là hàng chục con mắt từ sau những ô cửa sổ đang theo dõi tôi và những cái lưỡi ác độc sẽ hối hả tố cáo chuyện xấu hổ này với cha mẹ tôi.
Hai chân tôi đang tự chọn đường đi. Chúng rảo bước quả quyết hơn bao giờ hết về hướng rặng núi Sinai. Lần này tôi chắc chắn phải tới được Coruna và bí mật trốn xuống tàu vượt biển qua Buenos Aires.
Trên rặng Sinai không thể nhìn thấy biển, chỉ thấy những đỉnh núi cao hơn, vách đá của chúng giống những ngọn tháp quanh các pháo đài bất khả xâm phạm. Bây giờ nhớ lại kỳ tích của mình, tôi vừa ngạc nhiên vừa nuối tiếc. Dưới bầu trời sao đêm chi chít, tôi ngồi chễm chệ trên một phiến đá to bên sườn ngọn núi cao nhất, như thể một ông vua ngự trên ngai vàng. Tít mãi phía dưới xa thấp thoáng ánh lửa. Đấy là người lớn đang đi tìm tôi. Trong đêm tối tiếng gọi tên tôi bay lập lờ trên nền tiếng chó tru từng hồi. Nhưng tôi bất cần. Tôi dường như đã bước qua ranh giới của sợ hãi. Vì thế tôi không khóc cũng không chống cự khi cái bóng khổng lồ của Cordeiro bất ngờ mọc lên cạnh tôi. Ông trùm áo khoác của ông lên người tôi và nắm lấy tay tôi.
- Yên nào, Chim Sẻ, chuyện đã qua rồi.
Đêm đó, như một đứa con ngoan ngoãn, tôi rúc sát vào lòng mẹ ngủ ngon lành. Không ai mắng mỏ tôi cả. Cha tôi ngồi rất lâu trong bếp hút thuốc, ông chống hai tay lên mặt bàn trải tấm vải sơn, con ốc biển dùng làm chiếc gạt tàn đầy mẩu thuốc cháy dở. Ông từng ngồi hệt như vậy khi bà nội tôi qua đời.
Tôi có cảm tưởng là cả đêm mẹ không hề buông tay tôi. Sáng hôm sau, bà xốc nách lôi tôi như lôi một bó củi tới trường. Và chỉ lúc đó, khi đã bình tĩnh lại, tôi mới ngắm kỹ ông giáo. Mặt ông giống con cóc.
Con cóc mỉm cười. Còn ông giáo vỗ nhẹ má tôi.
- Ta thích cái tên Chim Sẻ của cậu.
Nghe ông giáo nói vậy, một cảm giác cay cay ứa trong miệng tôi. Nhưng điều bất ngờ nhất xảy ra ngay sau đó: trong sự yên lặng khó ngờ của lớp học, ông giáo nắm tay dắt tôi tới bàn học và ấn tôi ngồi xuống ghế. Đứng ngay cạnh tôi ông nói với cả lớp:
- Chúng ta có bạn mới. Đây là niềm vui lớn. Nào, chúng ta vỗ tay chào mừng bạn ấy.
Tôi lo sợ sẽ lại làm ướt quần nhưng may thay chỉ có mắt tôi ướt nhem.
- Tuyệt. Bây giờ chúng ta đọc thơ. Đến lượt ai? Romualdo? Mời trò Romualdo bước lên. Trò nhớ kỹ nhé: đừng vội, cứ đọc thong thả và to giọng.
Romualdo mặc chiếc quần ngắn cũn cỡn nên trông nó rất buồn cười.
- Chiều đông u ám và lạnh lẽo...
Tôi biết rõ Romualdo. Như mọi cậu bé khác xuất thân từ vùng Altamira, suốt đời nó sẽ phải đi nhặt quả thông. Nhưng giờ đây nó đang đằng hắng như một ông già nghiện thuốc lá trước khi cất giọng hay chưa từng thấy - có thể nhầm là giọng đó phát ra từ một máy thu thanh đang phát chương trình của Manolo Suares, một indiano của xứ Montevideo.
Chiều đông u ám và lạnh lẽo
Lũ học trò ngồi sau những dãy bàn
Mưa rơi tí tách ngoài cửa sổ
Giờ học đang trôi. Trên bức tranh
Cain đang chạy bên xác Abel
Vệt máu đó...
- Rất tốt, Romualdo. Theo ý trò, nên hiểu “Mưa rơi tí tách” ra sao?
- Thưa thầy Grigorio, nghĩa là đừng mong được mùa, nếu mưa rơi kiểu đó.
***

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] ... ›Trang sau »Trang cuối