Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [18] [19] [20] [21] [22] [23] [24] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mục lục

(tiếp theo trang 16)




70. Âm bản chiến tranh  (Vũ Ngọc Tiến) . . . . . . . . . . . . trang 18

71. Đảo chìm  (Trần Đăng Khoa)  . .. . . . . . . . . . . . . . trang 19

72. Bên bờ nước  (Robert Bloch)

73. Khói nắng  (Nguyễn Ngọc Tư)

74. Nắng trong ta (Nhã Đa)

75. Hà Nội và những khúc mưa (Trần Ngọc Tuấn)

76. Mưa tháng 10 (Vô Đoan)

77. Truyện về cái chết  (Phan Ý Yên)

78. Lưỡi bướm  (Không đề tên tác giả)

79. Mùi cỏ  (Nguyễn Kim Châu) . . . . . . . . . . . . . . . . trang 20

80. Người chăn kiến  (Bùi Ngọc Tấn)

81. "Bâng khuâng chiều 30"  (Chính Anh)

82. Kịch ở làng  (Nguyễn Ngọc Tư)

83. Suối bạc  (Trần Thùy Mai)

84. Và nhiều năm sau nữa...  (Nguyễn Thị Hậu)

85. Sợi dây  (Khuyết danh)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Âm hồn ngụ tại nhân gian

Truyện ngắn của NHỤY NGUYÊN


http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/936/575936.jpg
Minh họa: Hoàng Tường



TTCT - Miếu âm hồn trong truyện này không phải là Đàn Âm hồn ở Huế do nhà Nguyễn lập sau ngày thất thủ kinh đô (1885) khoảng chục năm, mà là một ngôi miếu cũng được dựng để thờ chiến sĩ trận vong ngày 23-5 âm lịch ở một địa điểm khác.

Dân tập trung đến đây cúng bái một thời gian, miếu ngang nhiên bị kẻ xấu phá bỏ phân nửa; gia đình ở từ phải di dời. Rồi một ngôi nhà được xây ngay cạnh miếu nhưng vài tháng sau, trận hỏa hoạn không rõ nguyên nhân đã thiêu rụi! Miếu âm hồn được công nhận di tích, người ta muốn tham vấn gia đình ở từ để phục dựng song mấy chục năm rồi không ai biết họ ở đâu, còn sống hay đã chết...

***


Bà Vi nãy giờ vẫn ngồi dựa cửa nách ngôi nhà ở từ nhìn qua miếu âm hồn. Có lần Ngọ về lúc nhập nhoạng, bước vào bỗng vấp phải mẹ tại đó. Bà như đang quan sát âm khí bốc lên từ đất một cách chi tiết hết sức chậm.

Ngọ nối nghiệp cha tới miếu ở từ lúc đứa đầu bốn tuổi, nay vợ sinh thêm một trai nữa. Bà Vi già yếu, chỉ chống gậy loanh quanh trong nhà ngoài sân và trong miếu. Ở vùng đất thiền kinh này dân lập miếu thờ người tử nạn ngày thất thủ kinh đô tính không hết. Miếu âm hồn gia đình Ngọ “ở từ” hiện lớn nhất. Nhà Ngọ nằm phía xa góc khuôn viên miếu; gần như vô sản nên thường đêm không đóng cửa. Phòng ngoài rộng, tiếp đến là buồng ngủ, sâu hơn nữa là bếp thưng bằng tôn mè. Bà Vi đặt giường tre ở bên cửa chính, một bên móc cái võng.

Chiều nay trời âm âm, lâu lâu có vài giọt nước vừa lao xuống thềm đã khô rốc. Bức. Đứa nhỏ khóc ngặt. Dường như nó ý thức được sự khóc của mình. Lúc tỉnh bơ nhìn mẹ, nhìn quanh rồi đột nhiên ré lên, một kiểu khóc giả tinh ranh. Vợ Ngọ bồng con từ trong buồng ra đặt vào võng. À ơi... Khoan khoan ơi mụ chèo đò, ơi ông cặm lái dặn dò trước sau. Khoan khoan ơi mụ hái dâu, xin đừng ngứt đọt mà dâu quặn lòng... Trong nhà sẩm tối. Điện chưa thắp. Muỗi vo ve. Bà Vi chống gậy bước tới bên vợ Ngọ, chỉ tay về phía ngoài.

- Con ơi con đuổi o nớ đi giùm mẹ. O cứ đứng đó hoài.

Vợ Ngọ nghe tiếng mẹ chồng mới hay bà ở bên mình. Cô không để ý mấy, chịu khó tới cửa nách nhìn ra. Chẳng có ai. Chắc đứa nào trong xóm, đi rồi. Thấy mẹ chồng quạt đuổi muỗi cho cháu nên cô thẳng ra miếu thắp điện. Bà Vi gấp chéo cái khăn đen vuông vấn lại đầu, ru cháu: Mưa như mưa trên trời mưa xuống, gió như gió ngoài Hà Nội thổi vô. (Chơ) kể từ ngày thất thủ kinh đô, ông Tây qua giăng dây thép (mà) họa địa đồ nước Nam... Tiếng ru buồn thảm, héo rũ, lặng lờ trôi dạt mênh mang.

Miếu âm hồn đây cũng là vua cho lập thờ chiến sĩ trận vong ngày hai ba tháng năm âm lịch. Từ đời ông đến đời cha Ngọ đều ở từ. Con cháu sinh sôi, ông bà Vi mua thêm mảnh đất trong làng. Ngọ đến ở khá bất ngờ. Cha tai biến nhẹ, từ viện về thẳng nhà mới an dưỡng, việc hương đèn bê trễ. Ngọ là người hiểu mọi nghi lễ trong miếu, dâng hương như thế nào, thắp chỗ nào trước chỗ nào sau... Quyết tâm thay cha ở từ, Ngọ nhận được niềm an ủi mãnh liệt của mẹ. Bà Vi nhất thiết không rời miếu, bảo ở đến chết kỳ thôi.

Đứa cháu đầu thích nằm với bà nội, vợ chồng Ngọ ngủ cùng con dại trong buồng, giường rộng mét tư tha hồ lăn lê bò toài. Cha nằm ngoài mẹ nằm đàng trong. Chiếc quạt điện cổ lỗ, trục mòn bi rỗ dầu khô kêu như máy xay xát. Ngọ chưa muốn thay cái mới, nó vẫn có tác dụng át những tiếng động khác. Còn bà Vi bao giờ cũng cái quạt trong tay, hằng đêm nóng lạnh gì cũng phe phẩy.

Vợ Ngọ nhắc chồng tắt bóng điện chính ngoài miếu kẻo tốn tiền vô duyên, anh ậm ự, liu riu ngủ.

- Mẹ dạo này hình như lẩn thẩn. Cả chiều nằng nặc con ơi ra đuổi o nớ o kia đi chứ họ cứ đứng đó hoài. Em ra có ai mô.

Ngọ tỉnh ngủ ngóc đầu lên. Bóng tối. Ngọ lại đặt nhẹ đầu xuống, bảo vợ “ngủ!”, nhưng chính anh đang trăn trở. Lâu nay Ngọ cũng ít để ý đến mẹ, ngoại trừ cái hôm vấp phải bà ngồi im, không chịu lên tiếng làm anh thấy cái gì không ổn. Đúng là mẹ anh đã chậm chạp hơn, ít nói hơn và hầu như không phản ứng giận hờn. Ngọ là con út, được mẹ thương. Ngoài việc muốn ở lại bên miếu, thực tế bà chẳng ưa chung sống với ai trong số anh em Ngọ. Vợ Ngọ cũng hợp tính mẹ chồng, xem ra đối đãi không thua ruột rà bao lăm. Thế nên lời nhận xét của vợ về mẹ mình đảm bảo cho nỗi lo trong Ngọ gợn sóng.

Giấc ngủ rồi cũng đến. Hai thế giới âm dương dường như được xóa, và giấc ngủ của Ngọ chập chờn giữa lằn ranh mờ nhòa ấy. Thể trạng như mềm, nhão nhoẹt dần, Ngọ chới với trong cảm giác vừa êm dịu vừa lún sâu vào địa phủ... Có làn gió lạnh rất mỏng, rất nhẹ nhàng phớt qua; hay trận mưa rào trong đêm rền rĩ hàng giờ mới len được vào tâm thức người. Bắt đầu là sự biết mình đang dần rời giấc ngủ, rồi hơi hé mắt. Mở mắt. Ngọ giật tung mình lên co rút, tim văng ra ngoài sân. Thằng bé đứng im đó một khối đen đặc tự bao giờ.

- Trời ơi... con, răng con không ngủ với nội!

Câu nói gần như Ngọ phải xiết chặt hàm răng.

Vợ Ngọ tỉnh, dụi mắt chẳng hay gì, ngoắt tay bảo đứa bé “con vào ngủ với mẹ cũng được, lên đây...”. Thằng bé không nói năng, cứ thế quay đầu bước ra ngoài, Ngọ thấy nó lại leo lên giường tre nằm bên bà nội. Ngọ cúi gục, mãi mới ngả lưng kéo chăn trùm đầu, chân co như một người chết cháy.

Ngủ được quãng bốn giờ sáng, hơn sáu giờ thì Ngọ dậy. Anh vào miếu tắt ngọn điện để quên hồi đêm. Mặt trời đang lên, vùng mây sáng quắc kẻ sọc những bậc thang trong một hình tam giác khổng lồ phía trên mái âm hồn. Bà Vi chống gậy đứng ngoài đường nhai trầu, cái dáng cong cong khiến Ngọ nghĩ nếu mình cứ đứng với tư thế như vầy có phải cực hình. Chợt nhớ thằng bé, anh vào thấy nó nằm nghiêng tay ấp má ngủ ngon lành. Ngọ rửa mặt đánh răng, quay vào thì gặp mẹ chặn lại.

- Con ơi xúc ít gạo cho người ta, họ đứng ngoài cửa miếu mai chừ không chịu đi.

Ngọ ngó ra, mông lung...

- Mẹ cứ nhìn gà hóa cuốc. Bữa ni đừng có bước lên bước xuống thềm miếu nữa rồi ngã gãy chân lại khổ.

Đứa con u oe trong buồng, vợ Ngọ à ơi... ngồi buồn lại dụp thêm buồn, mưa dông chưa tạnh (mà) nước nguồn về thêm. Bà Vi ngồi vào võng, với tay quạt cho đứa cháu đầu. Ngọ gần tới cửa miếu thì tiếng mẹ ru mình thuở xưa vọng tới... Hai hàng nước mắt tuôn rơi... Ai xui Tây tặc... (mà) ai xui Tây tặc hại người trung lương. Oan oan vạn kiếp còn oan, nguyện xin đốt thẻ nhang tàn hồn hoa...

Quét dọn. Biết vợ mình đang trong giai đoạn “đến tháng” nên Ngọ tự làm lấy. Gian phía trong cùng thờ âm hồn, gian ngoài có bàn thờ ngài Địa Tạng, đủ dọn ba mâm theo chiều ngang. Nền ximăng đen láng, trước mỗi hương án đều có trải chiếc chiếu vuông. Quét đến giữa miếu, Ngọ chợt thấy... Lạ quá chừng, sáng sớm anh vào đây tắt điện, mới vừa cũng nhìn ngó sao bây giờ mới phát hiện...

Chờn chợn, Ngọ chống chổi lần dỡ trong trí nhớ, có thể mình không để ý thật. Mà để ý hay không có liên quan gì đến cái sự thể: bộ bài vương vãi con ngả con sấp; tay nào dường như còn bị “oác” nên hạ quạt bài... tất cả còn nguyên dấu vết của một sòng bài cả bọn vừa phủi đít. Ngọ run run khẽ chạm tay vào bài, thận trọng, cứ nghĩ sẽ có con bài “sống lại” cắn vào tay.

Phải giấu biệt chuyện này, không thể vợ biết. Vợ mà biết chắc sẽ bồng con về ngoại mất, anh phải ở một mình giữa hơn ngàn mét vuông đất trống... Ngọ sắp lại bộ bài gác lên giá chuông. Ngó nhà, đứa đầu đã dậy đứng đái trước hiên. A... có khách! Một cô gái môi son đỏ chót. Làm Ngọ quên mọi sự vừa diễn. Quên nỗi lo âu sợ hãi. Quên tư thế trang nghiêm vốn có của một “ông từ” những lúc khách viếng miếu. Ngọ bước ra tiếp đón.

- Em muốn xin xăm...

Ngọ “ờ”, bảo “cô đợi chút...”. Xăm cất trong nhà. Ống xăm này xuất phát từ trong cung; triều đình cáo chung, hoàng hậu đem tới miếu âm hồn cúng dường để muôn dân được soi chiếu vận mệnh. Rất quý. Ngọ mặc thêm áo, thấy vợ gọn ghẽ liền hỏi đi đâu?

- Mẹ bảo ra chợ sớm mua cho được bông đẹp chiều cúng hăm ba tháng năm.

Ngọ ngớ người, bữa nay mới... Phải rồi, hôm nay là hăm hai, Ngọ quên lửng mất. May không ngày mai các cụ ghé miếu không thấy sửa soạn cúng bái lại khiển trách.

Ống xăm bày lên chiếu. Vợ Ngọ xách làn đứng giữa sân ngó vào. Khách nào xin xăm sớm vậy nhỉ. Cô gái đẹp nhường ấy cùng Ngọ ở trong nhà chắc chắn vợ anh chưa vội ra chợ. Ngọ bốn mốt tuổi mới lập thất, hơn vợ chín xuân. Chần chừ, rồi vợ Ngọ cũng bước.

Gái ở xứ khác đến, Ngọ chưa tiện hỏi, cô ta đã cầm ống xăm lắc thuần thục, chậm, nhanh dần đều. Một thẻ xăm vung ra, thêm một nữa, hai thẻ tiếp cùng văng theo. Cô gái trẻ đẹp dừng tay, tự biết nhặt lấy thẻ xăm đầu tiên. Ngọ đón lấy xem và dở sách, đặt dọc cái thẻ vào giữa trang đúng với số ghi trên thẻ và đưa cô gái tự đọc: “Quyện tận phù vân kiến thái dương. Cửu châu tứ hải cộng thanh quang. Tư quân cầm vấn công danh lợi. Tranh tụng hôn nhân sự sự xương”.

Cô gái chả cần Ngọ chú dịch, mà hỏi:

- Nếu em lại lắc ống, nhận được thẻ xăm khác chẳng hóa ra...

Ngọ nhăn mặt. Chưa ai xin xăm hỏi Ngọ điều tương tự. Cái con này không tin xăm lại mang xác đến đây?

- Mà cô xin gì?

- Cưới.

Ngọ chùm hum vào trang “thơ”.

- Thì đấy, chẳng phải xăm nói trúng điều cô muốn xin là gì.

Cô gái cười. Như vừa rồi chỉ đùa tí ti. Cô đặt vào dĩa tờ bạc mới cứng. Ngọ râm ran cả người. Từ ngày việc giải xăm chuyển từ ra giá sang tùy lòng hảo tâm, chưa ai đặt tờ bạc màu xanh ấy cả. Mãn nguyện lắm, vẻ mặt cô gái rạng như thẻ xăm đã giải thông thế bí cuộc đời.

Cô gái xin phép về. Vị đứng ngẩn ra trong miếu chống mi mắt trông cái dáng uyển chuyển nuột nà làm sao. Một trường đoạn khác thế nào: bà Vi từ cửa bếp gọi cô gái, rồi chống gậy theo. Ngọ không rời mắt được. Ngưa ngứa. Đứng xa Ngọ vẫn có cảm giác mẹ mình đang nói thầm điều hệ trọng... Cô gái vừa nghe vừa nhìn vào miếu. Rồi nhẹ nhàng như mây trôi. Chỉ chờ có vậy, Ngọ bước ra.

Ngay trước thềm miếu, Ngọ dằn hỏi: “Mẹ nói gì cô ta?”.

- Thì mẹ bảo cổ từ nay đừng tới nữa.

- Mẹ...

Ngọ định phụt ra miệng “...mẹ biết tiền giải xăm mua từng mô sữa từng mô thuốc rồi không?”. Mặt bà Vi không gợn mà phẳng lặng hòa ái. Sự không kháng cự ấy khiến Ngọ mất hứng, dập tắt lửa tâm. Cảm giác về tờ bạc màu xanh nằm trên dĩa râm ran trở lại, cuộn trào lạch máu. Ngọ vào. “Cộp” - hai gối sụp xuống nền miếu. Gì thế này?! Ngọ trợn mắt. Rợn sống lưng: tờ bạc âm phủ.

Vọt ra đường, Ngọ nhìn bên phải bên trái. Đường vắng tanh. Cô gái chỉ có thể rúc bụi hoặc xộc vào nhà ai đó mới biến nhanh đến vậy.

Cảm giác kiệt sức, Ngọ phờ phạc lê chân vào nhà. Bà Vi quay lại với công việc chính: ru cháu. Thằng cu đầu đã lại leo lên giường ngủ tiếp. Đứa nhỏ nằm trong võng... à ôi... Ai gây nên cớ sự này? Sa cơ ly tán... (mà) sa cơ ly tán dân oan rày hỡi oan... Ngọ đứng trơ ở cửa, bóng anh xuyên sâu vào trong nhà. Bà Vi vẫn nhìn ngược ra phía mặt trời đang nhô khỏi lưng miếu. Mẹ không nhìn thấy anh? Như là anh thuộc về cõi khác.

NHỤY NGUYÊN

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Baba Yaga

.


Nhu Nhược

Anton Pavlovich Tchekhov




Một hôm tôi gọi cô Iulia Vasilievna - gia sư của bọn trẻ đến phòng làm việc. Đã đến hạn thanh toán tiền công cho cô ấy.

Cô ngồi xuống đi, cô Iulia Vasilievna - tôi nói - tôi sẽ thanh toán tiền công cho cô. Tôi chắc cô cũng cần tiền, nhưng là một người tự trọng nên chắc cô không tiện hỏi, đúng không? Chúng ta đã thoả thuận với nhau là 30 rúp một tháng nhỉ.

40 rúp chứ ạ...

Không, chỉ 30 rúp thôi. Tôi có ghi vào sổ rồi mà. Bao giờ tôi cũng chỉ trả cho gia sư 30 rúp một tháng thôi. Xem nào, cô đã làm cho chúng tôi hai tháng rồi nhỉ.

Hai tháng 5 ngày ạ....

Không chính xác hai tháng. Tôi có ghi đây mà. Vậy là phải trả cho cô 60 rúp... trừ đi 9 ngày chủ nhật... Các chủ nhật cô chỉ đưa thằng Koha đi dạo thôi mà, có học hành gì đâu... cộng 3 ngày lễ...

Cô Iulia Vasilevna mặt đỏ bừng, tay mân mê gấu áo, nhưng vẫn không nói gì.

9 chủ nhật, 3 ngày lễ vị chi là 12 rúp. Thằng Kolia bị ốm mất 4 hôm, không học, cô chỉ trông mỗi con Va ria... 3 ngày cô bị đau răng vợ tôi cho cô nghỉ buổi chiều... 12 với 7 là 19. Sáu mươi rúp trừ đi 19 rúp, vậy chỉ còn 41 rúp, đúng không cô?

Mắt trái của cô Iuìia đỏ ngầu và ngân ngấn nước mắt, cằm cô run lên bần bật. Nhưng chỉ thấy cô ho và xì mũi, tuyệt nhiên không nói lời nào!

Đêm giao thừa cô đánh vỡ cái tách uống trà với các đĩa cùng bộ. Tôi sẽ trừ tiền lương của cô đi 2 rúp nữa... Thực ra cái tách ấy đắt hơn kia, vì đó là đồ gia bảo mà, nhưng thôi! Cũng không nên so đo quá với cô.

Một lần do cô không cẩn thận đã để thằng Kolia trèo lên cây làm rách mất chiếc áo khoác... Trừ thêm 10 rúp nữa... Rồi cũng vì cô lơ là nên con hầu đã ăn cắp mất đôi giày của con Varia. Cô phải trông nom chúng cẩn thận chứ. Tôi trả lương để cô dạy dỗ và trông chúng nó cơ mà...Vậy trừ tiếp 5 rúp... Hôm mồng 10 tháng giêng cô mượn của tôi 10 rúp...

Tôi có mượn đâu ạ... Giọng cô Iulia nghèn nghẹn.

Tôi đã ghi cả đây mà lị.

Vâng, thế cũng được ạ.

Vậy là 41 trừ đi 27 còn lại 14.

Lúc này thì hai mắt cô giáo trẻ đã đầy nước... Trên chiếc mũi thanh, cao của cô đã lấm tấm mồ hôi. Thật tội nghiệp!

Tôi chỉ vay vợ ông có 3 rúp - giọng cô run run - Đúng có một lần 3 rúp mà thôi.

Thế à? Vậy mà tôi không hề biết gì cả. Thảo nào trong sổ tôi không thấy ghi. 14 rúp trừ 3 còn 11. Đây, tiền lương của cô đây, cô giáo thân mến ạ! 3 này, 3 này, 8 này, 1 rúp, 1rúp. Xin cô nhận cho?

Và tôi đưa cho cô 11 rúp. Cô nhận lấy chúng bằng những ngón tay run rẩy rồi nhét vào túi.

Cám ơn ông - cô nói thì thầm.

Tôi đứng dậy và tiến lại phía cô. Một sự tức giận xâm chiếm lấy tôi.

Tôi cáu phát điên lên.

Cô cám ơn cái gì? - Tôi sẵng giọng.

Vì ông đã trả lương cho tôi...

Nhưng cô không thấy là tôi ăn chặn của cô, bóc lột cô hay sao? Cô còn cám ơn cái nỗi gì?

Ở những nơi khác người ta còn chẳng trả cho tôi đồng nào kia.

Không trả ư? Cũng dễ hiểu thôi! Thì tôi cũng vừa đùa cô đấy thôi. Tôi muốn dạy cho cô một bài học. Nhưng xin cô cứ yên tâm, tôi sẽ trả đủ 80 rúp cho cô. Chúng ở trong chiếc phong bì kia kìa, tôi đã chuẩn bị sẵn rồi. Nhưng tôi không hiểu tại sao cô lại có thể nhẫn nhức đến thế? Sao cô không cãi lại tôi? Sao cô cứ ngồi im như thóc thế. Chẳng lẽ có thể nhu nhược đến thế sao?

Cô giáo mỉm cười rầu rĩ và tôi đã đọc được trên mặt cô hai chữ "có thể". Tôi đã xin lỗi cô gia sư vì bài học tàn nhẫn vừa rồi và đưa cho cô cả 80 rúp mà cô đáng được nhận trong sự ngạc nhiên đến tột độ của cô. Cô ngượng nghịu cảm ơn và lui ra. Tôi nhìn theo cô hồi lâu và chợt nghĩ: "Trên đời này làm kẻ mạnh mới dễ làm sao!"
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Cảm ơn BaBa Yaga, câu chuyện có đoạn kết bất ngờ và rất hay.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Cảm ơn BaBa Yaga, câu chuyện có đoạn kết bất ngờ và rất hay.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Baba Yaga

Dạ không có gì! em tình cờ đọc được và mang về Thi Viện chia sẻ cùng mọi người thôi ạ!
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Baba Yaga

.


Người đàn ông băng

Haruki Murakami




Lời giới thiệu của người dịch: Cùng với Banana Yoshimoto, Haruki Murakami là tác gia triển vọng nhất trong nền văn học Nhật Bản hiện đại. Sau những tiểu thuyết thành công vang dội như Rừng Na Uy, Kafka trên bờ biển… nhà văn Nhật Bản 52 tuổi này vẫn sáng tác miệt mài. Từ tác phẩm nổi tiếng đầu tiên Rừng Na Uy, chúng ta đã có dịp chiêm ngưỡng văn phong và những ám ảnh của tác giả về tình yêu, nỗi cô đơn và cái chết. Để giúp người đọc tiếp cận với văn phong Murakami, chúng tôi xin dịch tác phẩm Người đàn ông băng với mong muốn giới thiệu một gương mặt sáng giá trong dòng văn học thế giới hiện đại.

Câu chuyện là một ẩn dụ nên chúng ta chỉ có thể đọc bằng các biểu tượng. Ẩn dụ này lại được viết theo văn phong hậu hiện đại. Từ một cảm thức cổ xưa, sự cô đơn của con người đi lang thang trên mặt đất. Giọng văn Murakami tưng tửng, đùa cợt, không chú ý vào bất cứ sự kiện nào. Nói theo ngôn ngữ của Krishnamurti là “đời không tâm điểm”. Vì thế, rất khó tóm tắt truyện của Murakami cũng như các tác phẩm hậu hiện đại.

Biểu tượng lớn nhất của truyện là người đàn ông băng và thế giới băng. Nó nói lên sự xa cách giữa con người và tha nhân, sự vắng mặt của hơi ấm người nên tuy “đồng sàng” mà “dị mộng”. Dù gần gũi về xác thân nhưng chỉ còn lại sự lạnh toát vô hồn. Chúng ta thử đọc đoạn nói về cảnh làm tình với người băng: “Khi người đàn ông băng làm tình với tôi, tôi thấy trong tâm trí mình một tảng băng mà tôi chắc là nó hiện hữu ở một nơi cô tịch. Tôi nghĩ chắc anh biết tảng băng đó nằm ở đâu. Nó đông cứng, cứng đến mức tôi nghĩ rằng không gì có thể cứng hơn. Nó là tảng băng lớn nhất trên thế giới. Tảng băng nằm ở một nơi nào xa xôi và người đàn ông băng vượt qua ký ức của tảng băng đó để đến với tôi, đến với thế giới”. Tôi hình dung nhân vật đang miêu tả “kim quy tháp” của người đàn ông băng. Và con người mãi cô đơn trong thế giới riêng mình, rợn ngợp, đi qua thế giới này băng tuyết.

Trong văn Murakami, chủ đề thường cũ. Chỉ cách viết là mới lạ. Không phải việc bị bỏ rơi trong thế giới băng là tiền đề hàng đầu của thuyết hiện sinh sao? Con người hiện hữu trong thế giới chỉ để hiện hữu, không có một căn nguyên nào; chính vì thế mà y lo âu, xao xuyến và cô đơn. Chiếc máy bay định mệnh đưa ta đến vùng băng tuyết, rồi bỏ đi, mặc ta sống hết mùa đông cuộc đời. Phải chăng đó là sự phi lý của Albert Camus? Nhân gian nói cười một ngữ ngôn ta không hiểu. Ta không thể nhập cuộc. Chỉ có thể dấn thân?

Nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục qua hình tượng bào thai. Ta cũng biết rằng những thế hệ sau cũng cô đơn như người đi trước. Niềm cô đơn không mới nhưng khác ở cách thể hiện. Mùa đông của cuộc đời cũng chính là “một mùa địa ngục” của Arthur Rimbaud?

Một điều chúng tôi nhận thấy trong tác phẩm của Murakami là tình yêu luôn gắn với tình dục. Nhưng ông viết về điều này một cách rất vô tư hồn nhiên như thiền sư đắc đạo trong động điếm. Ai làm chuyện nấy. Ai làm tình cứ làm còn ta tu cứ tu. Thiền chẳng qua cũng chỉ là một sự tập trung cao độ, chuyên chú vào việc làm của mình. Khi đói thì ăn, khi lạnh thì mặc áo. Theo Murakami, “tình dục cũng chỉ là một loại thể thao”, và ông viết về tình dục nhưng văn phong lại không mang dục tính. Trong Đĩa bay đáp xuống Kushiro, nhà văn cho hai người vừa làm tình vừa lắc chuông leng keng vì sợ gấu đến. Trong Rừng Na Uy, đôi tình nhân vào rạp xem phim sex và lấy làm vui khi hình dung những chiếc “kim quy tháp” dựng đứng lên. Chẳng có gì là cấm kỵ trong văn Murakami. Ngay từ "tác phẩm mẹ" của nền văn học Nhật Bản là Genji monogatari, nữ sĩ Murasaki đã để nhân vật Genji yêu người mẹ kế của mình và có một đứa con. Sau đến Tanizaki trong Cầu mộng, ông cũng dựng một cảnh tương tự. Còn đối với Kawabata, trong Tiếng rền của núi, người cha già mang mặc cảm phạm tội với con dâu… Đối diện, không né tránh những điều hiển nhiên của cuộc sống, trong đó có đời sống tính dục là một đặc điểm nổi bật của văn học Nhật Bản hiện đại.

Con người sẽ quen với sự giá lạnh. Cũng như gen băng tuyết được kết hợp với gen của người để tạo thành đứa con. Nhưng nỗi niềm riêng không chia sẻ được và ta mặc nhiên chấp nhận, “có những niềm riêng làm sao nói hết, như mây như mưa như cát biển khơi”. Truyện khép lại bằng hơi sương lạnh giá đưa ta về quá khứ. Con người ta bị đóng băng trong quá khứ của chính mình. Những gì ta cưu mang cũng sẽ là quá khứ khi ta lìa bỏ nơi này tìm về một mùa xuân xa xôi? Dù là “mùa xuân đen”[1] bất tận của cái chết.

Tôi chợt nhớ một câu của Jorge Luis Borges: “Lịch sử thế giới có lẽ là lịch sử của một vài ẩn ngữ”. Liệu ẩn ngữ này có biểu hiện nơi Murakami? Chúng ta có quyền hy vọng như Matt Thompson hy vọng khi viết về Murakami: “Liệu giải Nobel văn chương đang chờ đón ông?”. Chúng ta hãy chờ xem.


còn nữa
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Baba Yaga

.


Người đàn ông băng





Tôi đã cưới một người đàn ông băng. Tôi gặp anh lần đầu nơi một khách sạn trong khu trượt tuyết. Đó có lẽ là nơi lý tưởng để gặp người đàn ông băng. Tiền sảnh khách sạn náo nhiệt bởi các cô cậu trẻ tuổi nhưng người đàn ông băng ngồi một mình trong góc xa nhất lò sưởi, đang chậm rãi đọc sách. Mặc dù đã gần trưa nhưng ánh sáng giá lạnh của buổi sớm mùa đông dường như kéo dài xung quanh anh ta.

- Nhìn xem kìa. Người băng đấy, - bạn tôi thì thầm.

Lúc ấy, tôi hoàn toàn không có ý tưởng gì về người đàn ông băng. Bạn tôi cũng vậy. “Anh ta chắc hẳn được làm từ băng tuyết. Đó là lý do mà người ta gọi là người băng”. Bạn tôi phát biểu ý kiến vẻ rất nghiêm trọng, nhưng thể cô ấy đang nói chuyện với một bóng ma hay ai đó đang mắc bệnh truyền nhiễm.

Người đàn ông băng cao lớn, có vẻ như còn trẻ nhưng mớ tóc đinh rậm ngắn lại có những mảng trắng như những cái túi tuyết đông. Xương gò má nhô ra nhọn hoắt giống như tảng băng. Nhưng ngón tay sương muối giá lạnh như thể chẳng bao giờ tan. Tuy nhiên, ngoài những cái đó ra, người băng trông có vẻ bình thường. Anh ta không thể gọi là đẹp trai nhưng trông hấp dẫn, cái đó còn tùy cách nhìn của bạn. Trong mọi trường hợp, có điều gì đó ở anh ta xuyên thủng tim tôi, và tôi cảm thấy, hơn bất cứ cái gì khác, đó là đôi mắt anh ta. Cái nhìn câm lặng và trong suốt như những mảnh vụn của ánh sáng xuyên qua những cột băng trong buổi sáng mùa đông. Nó như một tia sáng đơn độc của cuộc sống phản chiếu trên một hình hài nhân tạo.

Tôi đứng đó ngắm người đàn ông băng từ xa. Anh ta không nhìn lên. Anh ta chỉ ngồi yên không động đậy, cứ mê mải đọc sách như thể không có ai xung quanh.

Sáng hôm sau, người đàn ông băng vẫn ở chỗ cũ, đọc sách với tư thế chính xác như hôm qua đến ngạc nhiên. Khi tôi đến phòng ăn dùng bữa trưa, và khi tôi đi trượt tuyết trở về cùng với những người bạn vào buổi tối, anh ta vẫn ngồi đó, chiếu những tia nhìn không đổi lên quyển sách hôm qua. Việc đó cứ tiếp tục cho đến ngày hôm sau nữa. Ngay cả khi mặt trời đã lặn, ngay khi đêm đã về khuya, người băng vẫn ngồi trên ghế, im lặng như quang cảnh mùa đông ngoài cửa sổ.

Vào buổi chiều ngày thứ tư, tôi kiếm cớ không đi ra chỗ dốc trượt. Tôi ở lại khách sạn một mình, lang thang một hồi nơi tiền sảnh vắng lạnh như một thành phố ma. Không khí ấm áp và ẩm ướt, căn phòng thoảng mùi buồn chán lạ lùng - cái mùi của tuyết đọng nơi đế giày của những người trượt tuyết giờ đang tan chảy trước lò sưởi. Tôi nhìn ra cửa sổ, lật qua vài trang báo rồi đi đến chỗ người đàn ông băng, tập trung tinh thần mà nói chuyện.

Tôi hay e dè trước mặt người lạ, và nếu như không có lý do chính đáng, tôi thường không nói chuyện với những người tôi không quen biết. Nhưng chẳng hiểu sao tôi cảm thấy mình buộc phải nói chuyện với người đàn ông băng. Đó là đêm cuối cùng của tôi ở khách sạn, và nếu để dịp này trôi qua thì tôi sợ mình sẽ chẳng bao giờ được nói chuyện với người băng nữa.

- Ông không trượt tuyết sao? - Tôi hỏi, làm ra vẻ tình cờ.
Anh ta chậm rãi quay mặt về phía tôi, như thể vừa nghe một tiếng ồn phía xa, và anh ta nhìn chằm chằm vào tôi bằng đôi mắt đó. Rồi anh điềm tĩnh lắc đầu. “Tôi không trượt tuyết”. Lời nói của anh ta biến thành những đám mây trắng lơ lửng trên đầu anh, như lời thoại của nhân vật trong truyện tranh. Tôi đã thực sự nhìn thấy những từ bay trong không khí, cho đến khi anh lau sạch chúng bằng những ngón tay sương muối giá lạnh.

Tôi không còn gì để nói nữa. Chỉ đỏ mặt và đứng đó. Người đàn ông băng nhìn sâu vào mắt tôi và dường như khẽ mỉm cười.

- Em có muốn ngồi xuống đây không? Em thấy tôi quyến rũ chứ gì? Và em muốn biết người đàn ông băng như thế nào đúng không? - Rồi anh ta cười lớn. - Thư giãn đi nào. Không có gì phải lo lắng. Em chẳng bị cảm vì nói chuyện với tôi đâu.

Chúng tôi ngồi cạnh nhau trên chiếc trường kỷ trong góc tiền sảnh khách sạn và nhìn những bông tuyết nhảy múa ngoài cửa sổ. Tôi gọi một ly ca cao nóng và uống, nhưng người đàn ông băng chẳng uống gì. Anh ta dường như chẳng hay chuyện hơn tôi là mấy. Không những thế, chúng tôi dường như không có bất cứ cái gì chung để nói với nhau. Đầu tiên, chúng tôi nói về thời tiết. Rồi chúng tôi nói về khách sạn. "Anh ở đây có một mình sao?", Tôi hỏi người đàn ông băng. "Đúng", anh ta trả lời. Và anh hỏi tôi có thích trượt tuyết không? “Không thích lắm”, tôi đáp. “Tôi chỉ đi vì đám bạn khăng khăng rủ tôi đi. Thật ra, tôi rất hiếm khi trượt tuyết”.

Có quá nhiều điều tôi muốn biết. Phải thân hình anh ta được làm từ băng tuyết không? Anh ta ăn cái gì? Anh ta sống ở đâu trong mùa hè? Anh ta có gia đình không? Và những điều tương tự vậy. Nhưng người đàn ông băng không nói gì về mình cả và tôi phải tự ngăn mình không hỏi những câu hỏi cá nhân.

Thay vào đó, người băng nói về tôi. Thật khó tin, bằng cách nào đó anh ta đã biết mọi điều về tôi. Anh ta biết số thành viên trong gia đình tôi, biết tuổi tác của tôi, tôi thích cái gì và ghét cái gì, tình trạng sức khỏe tôi thế nào, những ngôi trường tôi đã học qua, những người bạn tôi đã gặp. Anh ta thậm chí còn biết những điều xảy ra trong đời tôi từ thuở xa lơ xa lắc mà tôi đã quên lâu rồi.

- Tôi không hiểu, - tôi nói, vẻ bối rối. Tôi cảm thấy mình như bị lột trần trước mặt người lạ. “Làm thế nào anh biết quá nhiều về tôi? Anh có thể đọc suy nghĩ của người khác à?”.

- Không, tôi không thể đọc tâm trí người khác hay những điều tương tự vậy. Tôi chỉ biết thôi, - người đàn ông băng đáp, - Tôi chỉ biết thôi. Như thể tôi nhìn sâu vào một tảng băng, và khi tôi nhìn em như thế, mọi thứ về em trở nên rõ ràng và thấy được.

- Thế anh có thể nói về tương lai của tôi không? - tôi hỏi.

- Tôi không thể nhìn thấy tương lai, - anh ta nói chậm rãi. - Tôi không có chút hứng thú gì đối với chuyện tương lai. Chính xác hơn, tôi chẳng có khái niệm gì về tương lai cả. Bởi vì băng đá không có tương lai. Tất cả những gì nó có là quá khứ ẩn tàng trong đó. Băng đá giữ gìn mọi vật theo cách này - rất rõ ràng sạch sẽ và sinh động như thể chúng còn sống. Đó là thể tính của băng.

- Điều đó tuyệt vời đấy chứ, - tôi nói và mỉm cười. - Tôi tin những điều anh nói. Cuối cùng, thực sự tôi chẳng muốn biết tương lai mình sẽ đi về đâu.
*
Chúng tôi gặp lại nhau chỉ một vài giờ sau khi trở về thành phố. Cuối cùng, chúng tôi đã bắt đầu hẹn hò. Chúng tôi không đi xem phim cũng không la cà ở quán cà phê. Thậm chí chúng tôi không đi nhà hàng. Người băng rất hiếm khi ăn cái gì đó để lấy sức nói chuyện. Thay vào đó, chúng tôi luôn ngồi ở ghế đá công viên và nói chuyện về mọi thứ trên đời trừ chính bản thân anh.

- Tại sao vậy? - Một lần tôi hỏi anh. - Tại sao anh không nói về mình? Em muốn biết đôi chút về anh. Anh sinh ra ở đâu? Ba mẹ anh như thế nào? Làm thế nào mà anh trở thành người băng?

Người băng nhìn tôi một chốc, rồi anh lắc đầu. “Tôi cũng không biết”. Anh nói chậm rãi và rõ ràng, phả ra những từ ngữ trắng trong không gian. “Tôi biết quá khứ của mọi thứ khác. Nhưng tôi không có quá khứ. Tôi không biết nơi tôi sinh ra, hay cha mẹ tôi trông như thế nào. Tôi cũng không biết gì về tuổi tác của tôi. Tôi không biết mình có tuổi hay không”.

Người đàn ông băng cô đơn như một tảng băng trôi trong đêm tối.

*
Tôi thấy mình đã quá yêu người đàn ông băng. Người băng cũng yêu tôi như tôi yêu anh - chỉ biết hiện tại, không màng tới tương lai. Đổi lại, tôi cũng yêu anh như anh yêu tôi - chỉ biết hiện tại, không biết gì quá khứ. Chúng tôi thậm chí bắt đầu nói đến chuyện cưới xin.

Tôi chỉ mới hai mươi, và người đàn ông băng là người đầu tiên tôi thực sự yêu thương trong đời. Vào thời gian đó, tôi không thể hình dung việc yêu người đàn ông băng là như thế nào. Nhưng ngay cả khi tôi yêu một người đàn ông bình thường, vị tất tôi đã có một ý tưởng rõ ràng hơn về khái niệm tình yêu.

Mẹ và chị tôi phản đối quyết liệt việc kết hôn với người băng.
"Mi còn quá trẻ để có thể lập gia đình”, họ nói vậy. “Ngoài ra, mi không biết một tí gì về hắn. Mi thậm chí còn không biết hắn sinh ra khi nào và ở đâu. Bọn tau biết ăn nói làm sao với họ hàng nếu mi lấy một người như vậy làm chồng? Hơn nữa, mi sẽ làm gì nếu như người đàn ông băng đó thình lình bị tan chảy đi mất? Mi có hiểu rằng hôn nhân đòi hỏi phải có sự ràng buộc thực sự với nhau không?”.

Những nỗi lo lắng của họ quả là thừa. Bởi thật ra người băng không được tạo thành từ băng đá. Anh chẳng bao giờ bị tan chảy, dù nóng đến đâu đi nữa. Anh bị gọi là “người băng” bởi cơ thể anh lạnh như một tảng băng vậy. Nhưng cái thứ tạo tác nên cơ thể anh khác với băng đá, và đó không phải là thứ hơi lạnh lấy đi thân nhiệt của những người khác.

Và chúng tôi cưới nhau. Không ai ban phúc cho đám cưới. Không bạn bè hay người thân vui mừng cho đám cưới chúng tôi. Chúng tôi không tổ chức lễ cưới, và khi tôi phải điền tên mình vào phả hệ của gia đình anh thì hóa ra người băng không có người thân nào cả. Chúng tôi quyết định làm đám cưới giữa hai đứa với nhau. Chúng tôi mua một cái bánh nhỏ, ăn cùng nhau và đó là đám cưới khiêm nhường nhất của chúng tôi.

Chúng tôi thuê một căn hộ nhỏ, người băng kiếm sống bằng việc làm ở kho thịt đông lạnh. Anh có thể mang bất cứ khối thịt lạnh nào và chẳng bao giờ biết mệt dù làm việc nặng đến đâu. Vì thế người chủ rất thích, trả anh số tiền lương cao hơn những người làm khác. Chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc, chẳng quấy rầy ai và cũng chẳng ai quấy rầy mình.

Khi người đàn ông băng làm tình với tôi, tôi thấy trong tâm trí mình một tảng băng mà tôi chắc là nó hiện hữu ở một nơi cô tịch. Tôi nghĩ chắc anh biết tảng băng đó nằm ở đâu. Nó đông cứng, cứng đến mức tôi nghĩ rằng không gì có thể cứng hơn. Nó là tảng băng lớn nhất trên thế giới. Tảng băng nằm ở một nơi nào xa xôi và người đàn ông băng vượt qua ký ức của tảng băng đó để đến với tôi, đến với thế giới. Đầu tiên tôi cảm thấy ngại ngùng khi người băng làm tình với tôi. Nhưng sau đó, tôi đã quen. Thậm chí tôi bắt đầu thích làm tình với người băng. Trong đêm tối, chúng tôi lặng im chia sẻ cùng nhau những miếng băng lớn, nơi tàng trữ hàng trăm triệu năm - mọi quá khứ của thế giới này.

Không có gì để nói về đời sống hôn nhân của chúng tôi. Chúng tôi yêu nhau say đắm và không có gì chen vào giữa chúng tôi. Chúng tôi muốn có con nhưng dường như điều đó là không thể. Có vẻ như giữa gene của người và gene của băng khó có thể kết hợp được. Trong trường hợp nào đi nữa, bởi một phần chúng tôi không có con nên tôi có khá nhiều thời gian rảnh. Chỉ nội trong buổi sáng là tôi làm xong mọi việc nhà, sau đó thì chẳng có gì để làm. Tôi không có người bạn nào để nói chuyện hay đi chơi. Và tôi cũng không có nhiều điều để làm với những người hàng xóm. Mẹ và chị tôi vẫn còn giận chuyện tôi cưới người băng và chẳng có dấu hiệu gì cho thấy họ muốn gặp mặt tôi lần nữa. Dù vậy, sau vài tháng trôi qua, những người quanh chúng tôi thỉnh thoảng bắt đầu nói chuyện với anh. Trong sâu thẳm tim mình, họ vẫn không chấp nhận được anh hay tôi, người đã cưới người băng. Chúng tôi khác họ và không có thời gian nào có thể lấp đi hố sâu cách ngăn giữa tha nhân với chúng tôi.
Vì thế, khi anh đi làm việc, tôi ở nhà một mình, đọc sách và nghe nhạc. Tôi thích ở nhà hơn và dù sao tôi cũng cảm thấy không cô đơn lắm. Nhưng tôi còn trẻ và việc tiếp tục những công việc đơn điệu ngày qua ngày cuối cùng làm tôi chán ngán. Nhưng tôi khó chịu không phải vì sự chán ngán. Mà vì sự lặp lại.

Đó là lý do tôi nói với anh: - Tại sao hai chúng ta không đi du lịch đây đó nhỉ. Để thay đổi không khí?

- Đi chơi hả? - Anh cau mày nhìn chằm chằm vào tôi. - Chúng ta đi chơi vì cái quái gì chứ? Em không vui khi ở bên anh sao?

- Không phải thế, - tôi đáp. - Em vui lắm. Nhưng em chán. Em thích đi chơi đâu đó xa xôi để nhìn những điều em chưa thấy. Em muốn thở làn không khí mới. Anh hiểu không? Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa có tuần trăng mật mà? Chúng ta có một ít tiền tiết kiệm anh đang nghỉ phép. Đây là lúc thuận tiện để chúng ta đi chơi đây đó.

Người băng nặng nề thở dài băng giá. Hơi thở kết tinh trong không khí với một thanh âm trong trẻo. Anh đặt những ngón tay dài lên đầu gối. "À, nếu thật sự em muốn đi chơi đến vậy thì anh chẳng có gì phản đối. Anh sẽ đi bất cứ nơi nào nếu nơi đó làm em vui. Nhưng em có biết chúng ta sẽ đi đâu không?".

- Sao chúng ta không đến Nam Cực? - tôi nói. Tôi chọn Nam Cực vì tôi chắc người băng sẽ thích đi nơi nào giá lạnh. Và thực ra mà nói, tôi luôn muốn đi du lịch đến đó. Tôi muốn mặc chiếc áo choàng lông có mũ trùm đầu, tôi muốn ngắm nhìn bình minh phương Nam và đàn chim cánh cụt.
Khi tôi nói vậy, chồng tôi lạ lùng nhìn vào mắt tôi, không chớp mắt, và tôi có cảm giác như một lưỡi băng sắc nhọn xuyên thủng đầu tôi. Anh yên lặng một hồi lâu, và cuối cùng bằng những thanh âm lấp lánh, anh nói: “Được thôi, nếu đó là điều em muốn. Chúng ta sẽ đi Nam Cực. Em chắc chắn là mình muốn đi chứ?”

Tôi không thể trả lời ngay. Anh nhìn sâu vào tôi lâu đến mức tôi bị tê liệt. Và tôi gục xuống.

còn nữa
*
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Baba Yaga

.

Người đàn ông băng


Tiếp theo và hết





Dù vậy, càng ngày tôi càng thấy hối tiếc vì ý tưởng đi Nam Cực. Tôi không biết tại sao, nhưng dường như ngay khi tôi nói từ “Nam Cực”, với chồng tôi, có điều gì đó đã thay đổi trong anh. Mắt anh trở nên sắc hơn, hơi thở trở nên trắng hơn, những ngón tay giá lạnh hơn. Anh không nói gì với tôi nữa và hoàn toàn không ăn tí gì nữa. Tất cả những điều đó làm tôi cảm thấy bất an.

Năm ngày trước khi đi, tôi lấy hết can đảm nói: “Hãy quên chuyện đi Nam Cực đi. Khi em nghĩ về nơi đó, em thấy đó là một nơi quá lạnh lẽo, và dường như không tốt cho sức khỏe chúng ta. Em chợt nghĩ hay mình đi đến nơi nào tốt hơn cho chúng ta? Châu Âu thì sao? Chúng ta hãy đi nghỉ ở Tây Ban Nha. Chúng ta có thể uống rượu, ăn cơm thập cẩm, xem đấu bò hay cái gì tương tự vậy”.

Nhưng chồng tôi tôi không để ý gì đến điều tôi nói. Anh nhìn sâu vào không khoảng không vài phút rồi tuyên bố: “Anh hoàn toàn không muốn đi Tây Ban Nha. Nơi đó quá nóng đối với anh. Tây Ban Nha quá bụi bặm và thức ăn thì quá cay. Ngoài ra, anh cũng đã mua vé đi Nam Cực rồi. Chúng ta cũng đã có áo choàng lông và giày ống cho em. Chúng ta không thể lãng phí tất cả. Bây giờ chúng ta phải đi xa. Chúng ta không thể không đi”.

Sự thực đó làm tôi sợ hãi. Tôi linh cảm khi đến Nam Cực sẽ có điều gì xảy ra cho chúng tôi mà không thể cứu vãn được. Tôi gặp ác mộng triền miên. Lần nào cũng giống lần nào. Tôi đang đi bộ thì bị rơi xuống một kẽ nứt trên mặt đất. Không ai tìm thấy tôi và tôi bị đông lạnh ở đó. Câm lặng bên trong tảng băng, tôi trừng mắt nhìn lên trời xanh. Tôi vẫn còn ý thức, nhưng không thể di chuyển, dù là cựa quậy ngón tay. Tôi nhận ra mình dần bị trôi vào quá khứ. Khi người ta nhìn vào tôi, nhìn vào cái mà tôi đã biến thành, người ta đang nhìn vào quá khứ. Quang cảnh lùi dần về phía sau, xa mãi.

Khi tỉnh dậy tôi thấy người băng đang ngủ cạnh tôi. Anh luôn ngủ mà không thở, như một xác chết vậy.

Nhưng tôi yêu người đàn ông băng. Tôi khóc, và nước mắt tôi rơi trên gò má anh. Anh tỉnh giấc và ôm tôi trong tay. “Em gặp ác mộng”, tôi nói.
- Chỉ là mơ thôi mà, - anh nói. - Những giấc mơ đến từ quá khứ, không phải tương lai. Em không bị giấc mơ ràng buộc, mà là giấc mơ bị ràng buộc vào em. Bé cưng hiểu điều đó không?

- Vâng, - tôi nói, dù không tin.

Tôi chẳng tìm ra được lý do nào hay ho để hủy bỏ chuyến đi nên cuối cùng tôi và chồng tôi đáp máy bay đi Nam Cực. Những nữ tiếp viên đều không thân thiện. Tôi muốn nhìn quang cảnh ngoài cửa sổ nhưng mây dày đến nỗi tôi không thấy gì. Trong thoáng chốc, cửa sổ bị băng đóng thành từng lớp. Chồng tôi yên lặng đọc sách. Tôi chẳng thấy hứng thú gì với chuyến đi nghỉ này. Tôi chỉ làm bộ vui vẻ làm những gì đã được quyết định rồi.

Khi chúng tôi xuống cầu thang máy bay và bước trên nền đất Nam Cực, tôi cảm thấy cơ thể anh lắc lư. Điều này kéo dài chưa đầy cái chớp mắt, chỉ khoảng nửa giây. Anh không biểu lộ gì về sự thay đổi, nhưng tôi biết nó đã xảy ra. Có điều gì bên trong người băng rúng động một cách bí mật, dữ dội. Anh dừng lại, nhìn trời và nhìn đôi tay mình. Anh hắt ra một hơi thở mạnh. Sau đó anh nhìn tôi và nhe răng cười. Anh nói: “Đây quả thực là nơi em muốn viếng thăm ư?”.

- Vâng. Đúng vậy, - tôi nói.

Nam Cực cô đơn hơn bất cứ thứ gì mà tôi tưởng tượng. Hầu như không có ai sống ở đây. Chỉ có một thành phố nhỏ đơn điệu. Trong thành phố có một khách sạn. Dĩ nhiên cũng nhỏ và đơn điệu. Nam Cực không phải là nơi để đi du lịch. Không có một con chim cánh cụt lẻ bầy. Và cũng không thấy Nam cực quang. Không cây cối, không hoa, không sống ngòi, không ao hồ. Bất cứ nơi nào tôi đến cũng chỉ toàn băng là băng. Nhìn xa đến đâu đi nữa cũng chỉ thấy vùng hoang vu băng đá kéo dài.

Ngược lại, chồng tôi rất hăng hái đi từ nơi này đến nơi khác như không biết đủ là gì. Anh học rất nhanh ngôn ngữ địa phương và nói chuyện với những người trong thành phố bằng giọng ầm ầm tuyết lở. Anh nói chuyện với họ hàng giờ liền với vẻ hết sức nghiêm trọng nhưng tôi không cách nào biết họ đang nói chuyện gì. Tôi có cảm giác như chồng tôi đã phụ bạc tôi, để mặc tôi tự chăm sóc mình.

Ở đó, nơi cái thế giới vô thanh bị những tảng băng dày bao bọc ấy, tôi cuối cùng đánh mất sức mạnh của mình. Từng chút từng chút một. Cuối cùng tôi không còn đủ sức để tức giận nữa. Như thể tôi đã đánh mất cảm xúc của mình ở nơi nào đó. Tôi đánh mất dấu vết nơi tôi đang hướng đến, đánh mất dấu thời gian, đánh mất mọi xúc cảm về chính mình. Tôi không biết điều này bắt đầu và chấm dứt khi nào, nhưng khi tôi lấy lại ý thức thì tôi đang hiện tồn trong một thế giới băng, một mùa đông vĩnh cửu khô kiệt mọi sắc màu, khép chặt trong chính nó.

Ngay cả sau khi hầu hết cảm giác đã biến mất, tôi vẫn biết điều này. Chồng tôi ở Nam Cực không còn là người đàn ông trước kia nữa. Anh vẫn đưa mắt tìm tôi giống như xưa kia, anh nói chuyện với tôi dịu dàng. Tôi muốn nói rằng những gì anh nói với tôi là thật lòng anh. Nhưng tôi cũng biết, anh không còn là người đàn ông băng mà tôi đã gặp trong khách sạn ở khu trượt tuyết.

Dù vậy, không có cách nào để tôi gây sự chú ý cho bất kỳ ai. Mọi người ở Nam Cực đều rất thích anh, nhưng dù vậy họ không thể hiểu lấy một từ tôi nói. Phà hơi thở trắng, họ kể chuyện cười rồi cãi nhau và hát những bài hát bằng ngôn ngữ của họ trong khi tôi ngồi một mình trong phòng, nhìn ra bầu trời xám xịt mà chắc hẳn hàng tháng nữa cũng không mong quang đãng ra được. Chiếc máy bay mang chúng tôi đến đây và đã bay đi lâu rồi, chỉ sau chốc lát đường băng đã phủ một lớp băng dày, như trái tim tôi vậy.

“Mùa đông đã đến", chồng tôi nói. “Mùa đông sẽ kéo dài lắm và không có máy bay hay tàu thuyền gì đâu. Mọi thứ đóng băng cả. Có vẻ như chúng ta phải ở lại đây đến mùa xuân năm sau”.

Ba tháng sau khi đến Nam Cực, tôi nhận ra mình đã có thai. Tôi biết rằng đứa bé con tôi sẽ trở nên một người băng bé nhỏ. Tử cung tôi đã đông cứng lại, còn nước ối của tôi là thứ nước tuyết tan. Tôi cảm thấy sự giá lạnh của nó ở trong người. Đứa con tôi sẽ như cha nó, có đôi mắt như lưỡi băng và những ngón tay sương giá. Và gia đình mới của chúng tôi sẽ chẳng bao giờ rời chân khỏi Nam Cực. Quá khứ vĩnh cửu nặng nề trùm lên mọi nhận thức, ghì siết lấy chúng tôi. Và chúng tôi sẽ chẳng bao giờ giũ bỏ được.

Giờ đây, dường như trong người tôi không còn trái tim nữa. Hơi ấm đã bỏ tôi mà đi xa. Đôi khi tôi quên mất rằng hơi ấm đó đã từng tồn tại. Ở nơi này, tôi cô độc hơn bất cứ ai trên trái đất. Khi tôi khóc, người băng hôn vào má tôi và những giọt nước mắt tôi biến thành đá. Anh làm đông cứng những giọt nước mắt tôi trên tay anh và đặt chúng trên lưỡi anh. “Hãy xem anh yêu em biết chừng nào”, anh nói. Anh đang nói thật. Nhưng một cơn gió từ hư không quét qua thổi những từ trắng xóa của anh bay, bay mãi vào quá khứ.

Hoàng Long dịch từ bản tiếng Anh của Richard L.Peterson


[1] Tên tác phẩm của Henry Miller.


Nguồn: vnexpress.net
Được bạn: mickey đưa lên Việt Nam Thư Quán
vào ngày: 28 tháng 8 năm 2004
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những nốt nhạc đen trắng

* Truyện ngắn của THÁI BÁ TÂN


http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/827/584827.jpg
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN



TTCT - Căn phòng nằm trên tầng cao nhất một chung cư mới xây ở Vũng Tàu, nên dẫu xa bờ vẫn có thể nhìn thấy biển, nhưng lúc này biển chẳng có gì để nhìn vì trời đang mưa.

Trong phòng có ba người. Nửa nằm nửa ngồi trên chiếc đi-văng là một ông già gầy khô, tóc trắng, hai bàn tay nhăn nheo đặt lên đầu gối, với những chiếc ngón dài như ngón tay Chúa trong tranh của El Greco. Ông ngồi như thế đã lâu, hoàn toàn bất động. Đôi mắt cũng bất động nhưng không nhắm. Có vẻ ông đang ngủ thiếp. Nhiều người già vẫn hay ngủ thiếp cách ấy.

Hai người kia là anh con chưa đến bốn mươi, béo mập và mút hai đầu như chiếc bánh mì căng phồng, tóc húi cua lởm chởm, và đứa con gái mười tuổi dài ngoẵng như nhiều đứa khác ở cái tuổi ấy. Nó đang học đàn với bố. Những ngón tay nhỏ và ngắn lóng ngóng lướt trên phím đàn piano. Thỉnh thoáng gặp chỗ khó, nó ngừng đàn ngước nhìn bố vẻ xin lỗi. Anh kia nói điều gì đấy rồi ngồi yên chờ con chơi tiếp. Khác với vẻ ngoài đồ sộ, thậm chí hơi dữ dằn, anh ta có giọng nói nhỏ nhẹ. Cả cách nói cũng nhỏ nhẹ.

Cách đây nửa tháng, đang đêm, ông bố gọi điện từ Hà Nội vào:

- Lúc nãy con thổi bài Hành khúc của Verdi à?

Anh con giật mình:

- Vâng, làm sao bố biết ạ?

Ông bố không đáp, mãi lúc sau mới nói:

- Nó làm bố nhức đau nhói trong ngực.

Đó là bản Hành khúc thắng lợi Ai Cập trong vở ôpera Aida nổi tiếng của Verdi. Anh vốn là nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, chơi kèn trompette. Cũng ở dàn nhạc này, trước bố anh chơi đàn violon bè một, sau mắc chứng suy tim nên thôi.

Nghe bố nói thế anh thấy lo. Ông là người rất nhạy cảm, anh biết, nhưng ở cách hàng ngàn cây số mà nghe được con thổi kèn, lại còn đau trong ngực thì quả có cái gì đấy không ổn. Mấy ngày sau, thấy bố lại gọi điện kêu đau đầu khi anh thổi một bài nhạc buồn chuyển thể của Chopin, anh lập tức bay ra Hà Nội đưa ông vào ở cùng, dù vẫn như trước, ông thích sống một mình.

- Con bé tập piano có làm phiền bố không ạ? - anh hỏi. Từ hôm có bố trong nhà, anh không thổi kèn nữa.

- Không - ông đáp - Ngược lại, còn thích.

Thế là hôm nay tự ông vào phòng cháu rồi ngồi bất động trên ghế suốt từ nãy đến giờ.

Anh con đang nhẹ nhàng giải thích tính chất một đoạn nhạc khó:

- Con chơi đúng nốt, đúng nhịp đấy, nhưng chưa có nhạc. Nhạc là hồn, là tình cảm, con biết rồi mà. Như chỗ này chẳng hạn - anh cúi xuống gí ngón tay quả chuối vào mấy dòng nhạc - Phải dịu dàng hơn, đặc biệt các phím đen. Phím đen không chỉ có màu sắc mà tình cảm cũng khác phím trắng. Biết nói thế nào được nhỉ?... Như ngày và đêm vậy, như niềm vui và nỗi buồn...

- Con không thích phím đêm - cô bé lí nhí đáp.

- Nhưng đó là cuộc sống. Có ngày phải có đêm. Có vui ắt có buồn. Rốt cục bản nhạc cuộc đời nào cũng chỉ hai nốt đen trắng ấy và chúng đang ở trong tay con. Con phải xử lý chúng cho đúng, phải làm sao để thành dòng chảy, mượt mà và tương phản. Đằng này con chơi khô khan, các nốt nhạc cứ như va vào nhau rơi tung tóe xuống đất. Con không thấy thế à? Nào chơi lại bố nghe.

Dẫu chưa lĩnh hội hết những lời triết lý kia của bố, cô bé ngoan ngoãn chơi lại cả bản nhạc, nét mặt căng thẳng như người lớn. Cả lần này nó vẫn chưa kết hợp nhuần nhuyễn được các nốt trắng đen ngày đêm, hạnh phúc và nỗi buồn ấy. Và chúng vẫn tiếp tục “va vào nhau rơi tung tóe xuống đất” như bố nó nói.

Lúc này bên ngoài mưa ngớt tự lúc nào. Thậm chí mặt trời chui khỏi đám mây, chiếu những tia nắng ẩm ướt vào phòng, làm các nốt nhạc đen trắng rơi vãi trong đó bỗng ánh lên rực rỡ.

Hai bố con học xong ra khỏi phòng từ lâu, ông già vẫn ngồi yên. Cuối cùng ông gượng dậy, đi về phía chiếc đàn rồi bò lổm ngổm trên sàn gỗ, cố nhặt những nốt nhạc rơi của đứa cháu. Thỉnh thoảng ông giơ một vài nốt lên soi dưới ánh mặt trời.

*


Tối ấy, khi vào phòng mời ông xuống ăn cơm, người ta thấy ông già đã chết, trên chiếc đi-văng vẫn ngồi. Hôm sau, khi liệm bố vào quan tài, anh con dùng hết sức mới gỡ được hai bàn tay nắm chặt của ông. Từ đấy hai dòng kim cương đen nhánh chảy ra, lấp lánh như những vì sao giữa sàn nhà sẫm tối.

Mãi sau này, khi lên mười bảy tuổi và chuẩn bị đi New York theo học piano tại Nhạc viện Juilliard, cô cháu “không thích phím đêm” của ông tình cờ thấy trong vali một gói lớn những viên kim cương trắng muốt được gói cẩn thận trong tấm vải cũ bằng nỉ người ta thường dùng để phủ lên đàn violon.

.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [18] [19] [20] [21] [22] [23] [24] ... ›Trang sau »Trang cuối