Sói hoàng hôn
Truyện ngắn của VĨNH QUYỀN
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
TTCT - Chuyến khảo sát hai tuần trong rừng khộp kết thúc với cuộc họp đoàn bên lửa trại. Nói đoàn theo thói quen chứ lúc này nếu không tính con chó săn luôn theo sát chân anh thì chỉ có anh và Katy - nhà nghiên cứu động vật hoang dã đến từ nước Úc.
Ông tiến sĩ lâm sinh trưởng đoàn phía Việt Nam đã chia tay hai hôm trước để kịp bay đi Nam Phi dự hội thảo gì đó. Nài Y Bham thì từ trưa đã ngược suối tìm voi chuẩn bị chuyến thồ về xuôi vào sáng mai. Mỗi lần đoàn dừng chân, voi Y Tun được thả rông kiếm ăn sau khi bị xiềng lỏng hai chân trước.
Cũng chẳng có gì nhiều để nói đối với một chuyến khảo sát thất bại. Cho đến ngày cuối của kế hoạch, Katy và mấy cái bẫy ảnh của cô đã không “chộp” được con sói đỏ Việt Nam nào ngoài những dấu chân tản mạn hiếm hoi của chúng. Thêm nữa anh chỉ là gã dẫn đường kiêm phiên dịch hợp đồng thời vụ, không can dự tới các thứ tài chính hay đề tài khoa học...
Vàng rơm, vàng nâu của tóc, của da dẻ đàn bà Úc, vàng lấm tấm đen của bộ lông óng mượt của con chó đang chuyển nhẹ nhưng khá nhanh, khi sẫm khi sáng theo ánh chập chờn vàng chanh của trăng, vàng cam của lửa, phối thành bức ảnh gam vàng hoang dã nhiều sắc độ trong trí tưởng dàn dựng của anh. Những ngón tay khẽ co duỗi nhưng anh gần như bất động, máy ảnh nằm im trong túi da đặt trên đùi, bởi anh biết trước mình lại sẽ không có được bức ảnh giống bức ảnh đang có trong đầu và mọi thứ sâu lắng đẹp đẽ trước mắt sẽ biến dạng theo chiều hướng xấu đi trước hoặc sau âm thanh bấm máy.
Ý nghĩ đó dẫn anh đến một ý nghĩ khác, là không biết Katy giữ lại hay đã xóa đoạn phim hôm qua?
Chiều hôm qua, nài Bham chuyển vị trí một trong số ba bẫy ảnh mà quên không báo với Katy. Anh ta đặt máy nhìn ra suối lớn, nơi phát hiện dấu chân thú uống nước, buộc thêm túi muối vào gốc cây nằm sát bờ để tăng phần dụ dẫn. Có lẽ Bham hi vọng sẽ giúp Katy ghi nhận được sự tồn tại của loài sói đỏ đang tuyệt chủng ở đây. Thế rồi sáng nay, sau bữa điểm tâm, Katy và anh kiểm tra kết quả ngày làm việc cuối cùng. Hai người chết ngây khi thấy máy bẫy trúng trường đoạn cô chủ tắm suối, phơi mở thân trần trong ráng chiều rực rỡ. Katy ngượng đến không thể phản ứng gì. Anh chủ động tắt bụp màn hình, nói vu vơ vẫn không thấy sói đâu, rồi bước ra khỏi lều, châm thuốc hút.
Nếu có cơ hội trở lại đây nghiên cứu, tôi mong được ông giúp đỡ, như ông đã làm rất tốt trong nửa tháng qua, Katy bỗng lên tiếng, giọng vừa như biết ơn vừa như có chút gì cố tạo không khí cần thiết cho một buổi tối làm việc.
Anh gật đầu, hàng ria mép dày rậm hơi dãn ra và cong lên theo cái cười mỉm xã giao.
Không bị trở ngại ngôn ngữ trong công việc, ông đúng là mẫu người các đoàn khảo sát quốc tế cần đến, Katy nói tiếp, rồi hỏi sau một lúc im lặng, ông học tiếng Anh ở đâu?
Đại học, anh đáp nhát gừng, nghĩ thầm cô không thể biết những con chữ ấy nhọc nhằn thế nào, ý nghĩa thế nào với tôi đâu.
Ngọn lửa giữa anh và Katy đã yếu, mềm ẻo như mấy mảnh lụa chấp chới chiều thẳng đứng. Tiếng đập cánh phành phạch của con chim lớn ngái ngủ trong lùm cây gần đấy và bản hòa tấu tùy tiện giữa dế, tắc kè, ve rừng vây quanh cũng đang lúc cao trào làm tăng bầu không khí trầm lắng giữa hai người. Và vẻ mặt chờ đợi thật thà đến tội nghiệp của Katy khiến anh phải hắng giọng, nói đôi điều. Rằng anh ôm sách đi học ngoại ngữ ngay những ngày chân ướt chân ráo trở lại đời thường sau mười năm là lính trinh sát vùng biên với một mảnh pháo của bọn phỉ cắm trong đầu.
Giờ nó vẫn ở đây, vừa nói anh vừa vỗ nhẹ bàn tay vào vùng chỏm, lệch về phía sau một chút. Gương mặt Katy lúc ấy là hình ảnh biểu hiện sự chia sẻ trong bất lực. Nó khiến anh chạnh lòng và cũng nhắc anh nhu cầu nghe chuyện đêm khuya của cô.
Hình ảnh đầu tiên tôi lờ mờ nhận ra sau trận đánh là một bóng trắng ngồi ngay dưới chân tôi đang nằm, nó phát ra từng chuỗi rì rầm không hiểu được, như một dạng cầu kinh vậy, anh tiếp. Đường nét, âm thanh rõ dần, cuối cùng tôi nhận ra mình đang ở trong một bệnh viện quân y. Bóng trắng thực ra là cô y tá trong bộ đồng phục, đang lẩm nhẩm đọc một cuốn sách. Về sau cô gái trẻ ấy cho biết tôi đã hôn mê hơn một tuần, đến nỗi cô có thể vừa canh chừng cái xác sống là tôi vừa tranh thủ ôn thi tiếng Anh lớp đêm mà không bị sếp mắng khi bắt gặp. Không ai nghĩ tôi có thể sống sót, họ gọi tình trạng của tôi lúc ấy là gì nhỉ?
Katy nói một từ nào đó. Anh lắc đầu bảo không đủ từ vựng cho chuyện này. Cô kiên nhẫn giải thích, cuối cùng cũng gợi ra được một khái niệm chuyên môn của ngành y. Anh thốt lên bằng tiếng Việt, à, chết lâm sàng.
Cô y tá hỏi tôi có học tiếng Anh không, tôi bảo học một chút thời trung học, vốn từ giờ chỉ đếm được trên mười ngón tay. Cô ta cười kiểu trẻ con, khoe ảnh chụp kỷ niệm cả lớp vào dịp bế giảng khóa trình độ A trước đó. Tôi lặng người khi nhận ra cô giáo chủ nhiệm là ai.
Người yêu? Katy hơi chồm tới trước.
Anh gật đầu, kể tiếp. Tự đi một mình được là tôi ghi danh lớp tiếng Anh. Tôi hồi hộp, nôn nóng gặp lại người yêu thời trung học, tâm trạng căng thẳng như tâm trạng trước giờ nổ súng. Sau đó tôi nhận ra trong mắt người đàn bà đã có gia đình và hai con ấy tôi chỉ còn là thứ kỷ niệm đáng yêu của một thời trẻ dại. Vẫn không thoát được sức cuốn hút của quá khứ, thỉnh thoảng tôi nhận lời mời đến nhà cô giáo ăn cơm tối như một người bà con xa tình cờ gặp lại trên đất khách. Mỗi lần như thế tôi thường phải chịu đựng những ván cờ nhạt với anh chồng nhạt ở phòng khách trong khi chờ cô ấy làm món nhậu dưới bếp.
Vừa qua được kỳ thi trình độ A thì nhận kết quả giám định thương tật, sau đó tôi ra quân như một thương binh. Bỏ lại mối quan hệ buồn tẻ sau lưng, tôi tìm sự thay đổi cần thiết giữa một Sài Gòn bụi bặm náo nhiệt. Nhưng bằng cách nào đó, cái lớp đêm ngớ ngẩn trong mùa mưa Tây nguyên ấy đã đánh thức tôi, khiến tôi quyết định theo học tiếng Anh ở một trường đại học, và quay về với Tây nguyên sau đó.
Anh dừng lại, châm điếu thuốc.
Katy nhìn gương mặt đàn ông rắn rỏi âm thầm sau làn khói, vẻ hài lòng được chia sẻ câu chuyện khá là riêng tư của một người kín tiếng. Cô nghiêng người, vói lấy chai Blue khỏi balô cạnh đấy, rót hai ly cho hai người. Anh nói cảm ơn, vừa nhấp rượu vừa thầm mong cô sẽ không hỏi tiếp là làm thế nào anh thuộc rừng như thuộc bàn tay mình. Nhiều người vẫn hỏi thế khi đồng hành với anh.
Không thích nói dối, nhưng anh cũng không muốn nói thật trong trường hợp này rằng anh vốn là thằng con hoang của rừng. Những năm làm phó giám đốc kỹ thuật lâm trường anh đã góp phần làm cho rừng nghèo đi, và trước đó nữa, thời gian còn là lính trinh sát, anh đã bắn chết bao nhiêu là thú để cải thiện bữa ăn cho tiểu đội, kể cả những con chó rừng lông đỏ mà Katy đã bay từ Úc sang chỉ để mong mỏi ghi nhận sự sống sót của chúng...
Katy định tiếp tục câu chuyện thì dừng lại bởi tiếng khịt mũi liên tục của con chó. Từ tư thế nằm kê mõm lên hai chân trước nó nhổm hẳn dậy, mắt long lanh bắt ánh lửa, mũi hếch cao về hướng đầu nguồn. Dường như hương mùi thoáng qua trong không khí chưa đủ xác tín điều gì, con chó dịu xuống, nhưng vẫn đứng với cái đuôi dài dựng cong.
Nó chưa sinh đẻ lứa nào, phải không? Katy chuyển câu chuyện phiếm từ ông chủ sang con chó cái. Anh gật đầu, biết cô có thể đọc được tiểu sử con vật khá chính xác qua vẻ ngoài và những biểu hiện của nó. Ngoại đạo về động vật học như anh, nhưng với nhiều năm gần gũi với chúng, anh cũng đoán được phần nào tính cách, giá trị của một con chó trông thấy lần đầu.
Ông gọi nó là Lài, nghĩa là gì vậy, bởi tôi biết người Việt đặt tên cho người, cho thú vật phần lớn đều gắn với ý nghĩa nào đó, Katy nói.
Anh bảo thật ra anh đã gọi con chó theo cách của chủ cũ, một người Mông ở Lai Châu đi kinh tế mới Tây nguyên, lúc ấy nó vừa được 3 tháng tuổi. Anh cũng đoán Lài là cách nói trại âm lai, chỉ chung giống chó phối giữa chó săn của đồng bào dân tộc và chó rừng. Loại này bây giờ rất hiếm, vì như cô biết đấy, chó rừng gần như đã tuyệt chủng.
Con Lài vẫy đuôi, mũi hướng phía thượng nguồn hít lấy hít để, rồi rít lên bồn chồn.
Chắc nó đánh hơi Y Tun đang về tới, anh nói.
Katy nhìn con Lài rồi lắc đầu, tôi nghĩ nó bắt được mùi đực, nhìn giữa hai chân sau của nó thì biết, đang cuối xuân mà, bắt đầu mùa động dục của loài chó...
Anh không nhìn con chó mà nhìn vào Katy, cô biết không, tôi cũng có khả năng nhìn là biết đã lâu cô không làm chuyện ấy. Tất nhiên anh không nói ra điều đó, chỉ có hàng ria mép dày rậm khẽ máy động theo nụ cười hóm thoáng qua, và anh lái câu chuyện sang hướng khác.
Hôm họp báo ở Buôn Ma Thuột, khi cô nói đến dã thú hoàng hôn, nếu không có chữ chạy trên màn hình, chắc tôi nghĩ mình nghe nhầm và không tự tin khi phiên dịch, anh nói.
Katy mỉm cười nói vậy hả, sói thuộc loài dã thú hoạt động tích cực vào sáng sớm và hoàng hôn nên các nhà khoa học dùng hình ảnh đó để định danh.
Có phần lãng mạn bất ngờ đối với các nhà khoa học, anh nói và hỏi cô cũng lãng mạn chứ?
Katy lại cười, lần này thành tiếng, tôi không biết nữa. Rồi cô uống cạn phần rượu còn trong ly, đứng lên, nói là còn tiếc con suối, muốn được tắm một lần nữa trước khi rời khỏi chỗ này.
Anh châm điếu thuốc mới, không nói gì.
Canh chừng cho tôi nhé, Katy nói trong khi quay lưng đi về phía bờ suối cách chỗ anh chừng ba bốn bước chân. Sau một thân cây, cô thong thả cởi bỏ áo quần, đặt lên phiến đá. Bóng trăng vỡ tan khi cô nhúng chân xuống nước. Đến chỗ mực nước lên quá bầu ngực, Katy mới quay lại phía anh nói mát lắm, ông thử đi...
Anh cảm ơn nhưng tiếp tục ngồi bên ngọn lửa, hút thuốc.
Khi Katy khuyến khích lần thứ hai, anh chậm rãi nói cô biết không, từ lúc mười tuổi tôi đã không cởi áo trước phụ nữ, kể cả mẹ tôi.
Thật sao, Katy ngạc nhiên và không biết phải nói gì thêm với một câu chuyện không thể lường trước.
Anh ném điếu thuốc hút dở vào bếp khiến ngọn lửa bùng lên một chút, nói trong chiến tranh không thể tính được có bao nhiêu người bị dính bom napalm, nhưng dường như chỉ mỗi Kim Phúc được thế giới biết đến, trở thành đại sứ thiện chí của UNESCO. Tôi kém Kim Phúc hai tuổi nhưng bị chất lân tinh đốt cháy da thịt cùng năm với cô ấy, năm 1972. Vấn đề là Nick Út - phóng viên ảnh của Associated Press - có mặt đúng thời điểm bé Kim Phúc cháy, còn thằng nhóc tôi và hàng nghìn người khác thì không...
Im lặng cho đến khi Katy thì thầm hơn là nói, không sao đâu, không sao đâu, nào, cởi áo đi, xuống đây đi, ông biết không, ánh lửa, ánh trăng, bóng lá và cả bóng nước nữa sẽ làm dịu mọi hình ảnh dữ dội, đau đớn nhất trên đời.
Dưới nước, hai bàn tay Katy run nhẹ, vuốt ve thật khẽ thật chậm như muốn đếm từng vết sẹo trên người anh.
Trên bờ, con Lài lại lên cơn lẩy bẩy, rít nhắng một hồi rồi phóng vụt theo mùi hương dẫn dụ phía thượng nguồn. Anh vội buông Katy, gọi vói con chó đã biến mất. Nhưng Katy mạnh mẽ níu anh lại, thì thầm hãy cho nó tự do.
Lát sau, hai người dừng lại lắng nghe tiếng tru dài hào sảng trong đêm.
Anh nói giọng phấn khích, chó rừng đấy!
Katy áp mặt vào vai anh, ừm, sói hoàng hôn...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)