Chú bé cứu tình yêu
* Minh Huy dịch từ Reader's Digest
John dừng xe ở phía bờ thấp của con đường nhỏ hẹp, trước một nông trại cũ bỏ hoang. Đám bụi mờ nãy giờ vẫn bám theo xe, hiện bao phủ lấy chúng tôi. Quá bực bội, tôi chụp cái bản đồ lộ trình, dùng làm quạt để phe phẩy. Mặt trời nóng bỏng. John nói với tôi:
“Đây rồi, chỗ này đây. Chúng ta hãy vào xem cảnh hoang tàn.”
“Thôi, trời nóng quá. Anh vào đi. Tôi đợi anh.”
“Nhưng em cứ vào đi. Anh sẽ chỉ em chỗ ngày xưa anh treo chiếc vớ để ông già Noel bỏ quà vào đấy.”
“Anh biến đi!” Tôi la lên, không còn kiên nhẫn nữa “Và giải quyết dứt điểm vụ này đi!”
John bước đi một cách khó khăn giữa đám cỏ cao đến đầu gối, tiến về phía ngôi nhà xưa. Trong khi anh ta một mình đi tìm về quá khứ, tôi trụ lại trong không khí chao đảo và ngột ngạt của hiện tại.
Chúng tôi vừa trở về sau chuyến du lịch kéo dài một tháng, chuyến du lịch theo kiểu “còn nước còn tát” để mong mỏi cứu lấy cuộc sống chung, vốn đang rạn nứt trầm trọng. Chúng tôi đã ngầm quyết định rằng nếu vẫn chưa giảng hòa được trước khi về đến nhà, thì đường ai nấy đi. Trong suốt thời kỳ du lịch, chúng tôi không ngớt cãi nhau. Ba tuần lễ trở lại đây, chúng tôi không chạm xúc vào nhau, dù chỉ một lần. Trong ô-tô, chúng tôi cứ như người không quen biết: mỗi đứa một góc riêng.
John đã đặt cho mình một mục đích trong đời sống và đạt được mục đích ấy bằng nỗ lực bản thân. Khi anh đã thành công rồi, tôi bắt đầu cảm thấy bị hờ hững, bỏ rơi. Tôi cần nhận được sự dịu dàng và muốn mình trở nên cần thiết với một ai đó. Quá thất vọng vì không được như ý, tôi đau khổ vô cùng.
“Em vào đây đi!” John nói to cho tôi nghe, từ phía sau khung cửa sổ đã vỡ kính. “Anh vừa thấy hồn ma của ông nội đang đi xuống cầu thang đây nè! Biết đâu em sẽ có cuộc gặp gỡ kỳ thú!”
Anh ta ra bộ vui vẻ. Tôi giả vờ không nghe thấy.
Cuối cùng John cũng trở ra xe. Anh mang theo một tấm bảng đề chữ CẤM VÀO, tấm bảng lúc nãy nằm lẫn trong cỏ.
“Tôi mong là anh đừng mang cái của nả ấy về nhà đấy nhé!”
Không trả lời, anh ta viết cái gì đó vào tấm bảng, rồi quay đi, đặt tấm bảng trước ngôi nhà. Tôi đọc được: CẬU BÉ JOHNNY ĐÃ NẰM Ở ĐÂY. Và anh biến mất vào trong nhà.
“Bên trong ấy có cái gì nhỉ?”. Ngồi trong xe mãi, tôi sẽ chín nhừ vì nóng. Bước xuống xe, tôi vạch một lối đi giữa đám cỏ cao.
Khi bước vào, tôi thấy John đứng đấy, giữa đám bụi bặm, mạng nhện và vôi vữa rơi xuống từ trần nhà.
“Căn phòng này xưa kia là phòng khách. Nhưng nếu lúc nào có quá nhiều khách đến ở qua đêm, anh phải ra đây ngủ. Đó, trong góc đó, trước kia có cái giường, đầu giường cao gần bằng ông nội anh. Gối nằm lúc nào cũng được vỗ tròn và mặc áo cẩn thận, bên ngoài còn có bao vuông vức, lại thêu hình con công bằng mũi chữ thập.”
Chúng tôi bước sang nhà bếp. Anh chỉ cho tôi chỗ đặt bếp lò và thùng đựng gỗ đun. Anh thường xuyên chất đầy gỗ vào đây giúp bà nội.
“Xưa kia ở đây là cái bàn, trên mặt phủ vải dầu có hình hoa pensée. Chưa bao giờ anh thấy loại nào hoa đẹp như thế.”
Ở tầng một, chúng tôi bước vào một căn phòng lớn có vẻ ảm đạm, chỉ được soi sáng bằng một cửa sổ duy nhất, cửa sổ rất cao.
“Xưa kia khi anh nằm ở giường, nhìn cửa sổ anh tưởng tượng nó cao tới trời.”
“Tôi hiểu vì sao anh lại ao ước trở lại đây đến như thế! Trước kia, trong ngôi nhà này, là anh ở nhà mình...”
“Không, không phải nhà mình. Hôm nay ở đây, ngày mai đã chỗ khác. Ông bà cô bác có lẽ đã mệt mỏi về anh. Anh ở đây vài tuần, sau đó một ông chú hay bà cô mang anh đi khỏi một thời gian. Cho dù xưa kia anh có ngụ chỗ nào, thì luôn luôn dưới gầm giường là chiếc va-li lúc nào cũng sẵn sàng, chờ cho đến ngày mà người ta đã chán cái sự hiện diện của mình. Có lẽ trước đây anh cũng khó chịu lắm.
“Ngày kia anh đang trọ trong nhà của mấy người anh em họ. Anh thấy một dãy móc áo gắn trên tường, đúng tầm tay bọn trẻ chúng anh. Mỗi móc áo có gắn tên từng người, và không ai dám sử dụng móc áo của người khác. Anh tự nhủ:’Ồ! Phải chi mình có riêng một cái cho mình, cũng giống như mấy đứa con của bác vậy!’. Tìm mãi cũng ra được một cái. Anh hỏi bác:
'Bác cho phép con đề tên mình vào cái móc trống đó, bác nhé?'
'Ồ, không cần thiết đâu. Trong vòng tám ngày nữa, cháu sẽ không còn ở đây.'
“Lúc ấy anh chạy ra ngoài hành lang và bắt đầu rống lên, cho đến khi bà bác làm cho anh im.
“Một lần khác, đứa em họ bị thương ở chân. Bà bác bế em ngồi vào lòng để băng ngón chân cái, rồi ôm em dỗ dành một lúc, vì em khóc. Đến bây giờ anh vẫn nhớ: lúc đó anh đứng gần cửa và nhìn cảnh tượng ấy. Đối với anh, điều kỳ diệu nhất trên đời là có được một bà mẹ, để bà bế vào lòng khi băng ngón chân cho mình, và còn nói với mình: ‘Chẳng sao đâu con. Hết đau ngay ấy mà!’.
“Anh tin rằng trong đời anh, đó là điều thiếu thốn nhất. Thiếu một người đặt mình vào lòng khi mình bị đau hoặc khi cảm thấy cô đơn. Thiếu một chỗ để anh cảm thấy đó là nhà của mình, cho tuần này, cho tuần sau và mãi mãi. Và thiếu một chiếc móc áo của riêng anh, để anh treo những thứ của riêng mình.”
John đang ngồi trên khung cửa sổ bụi bặm. Anh kéo tôi đến ngồi gần bên.
Những lời tâm sự ấy, anh thuật cho tôi nghe với một giọng điệu gần như là thờ ơ, nhưng cái hình ảnh dấy lên từ đó lại khiến tôi xé lòng, và giật tôi ra khỏi cái tâm trạng mà tôi vẫn thường xuyên ôm ấp: ta quá tội nghiệp cho bản thân ta.
Trước mắt tôi là đứa bé trai sáu tuổi, cô đơn và thiếu tình mẫu tử, đang ở trong chính căn phòng này cách nay lâu lắm rồi. Và đột nhiên, tim tôi như mềm ra, hồn tôi như chùng xuống.
Tôi nghe, cũng như trước đây cậu bé đã nghe, ngoài kia gió mùa đông thổi rung kính cửa sổ của ngôi trang trại già nua. Qua khung kính phủ giá, tôi nhìn thấy mặt trăng, vốn từng đem đến cho sinh vật nhỏ nhoi bé bỏng ấy ánh sáng duy nhất ủi an trong căn phòng tối tăm và lạnh buốt. Mặt trăng hình như là người bạn duy nhất.
Minh họa: Độ Nhật
Tối hôm ấy, ông nội nói với bà bác Alice: “Nội sáng mai, ba sẽ dẫn thằng bé đến cho con. Nó đủ sức vóc để chất củi đun. Và tuần tới ba đến lấy con nghé.”
Thì ra người ta đổi mình lấy một con nghé! Vậy thì không bao giờ cậu bé lại còn dịp ngồi hàng giờ trong chiếc xe ngựa màu đen rất đẹp của ông nội, ngồi mà cứ tưởng tượng mình đang điều khiển một đoàn tuấn mã. Lúc nào chiếc xe ấy cũng có một chỗ cho riêng nó, giữa nơi chứa bắp và ngăn gia súc. Chiếc xe cũng còn có một mái ấm. Và chỉ có những cậu bé con, thì người ta mới đem đi đổi lấy nghé mà thôi.
Thùng thình trong bộ áo ngủ của ông bác, cậu bé tụt xuống giường, rón rén bước trên sàn gỗ trần trụi lạnh lẽo, tiến đến cửa sổ. Cậu ngậm ngón tay trỏ cho ấm và ướt, đoạn chà xát lên kính để làm tan một tí giá băng, hầu có chỗ nhìn ra ngoài trời. Và cái thân thể nhỏ xíu ấy run rẩy.
“Hỡi Ông tốt bụng đang ở trên cung trăng, con van ông, hãy khiến sao cho ông nội con đừng mang con đi đổi lấy con nghé. Hãy làm cách nào cho con được ở lại!”
* * *
Người đàn ông ngồi cạnh tôi nói tiếp: ”Đêm ấy, anh nức nở cho đến lúc thiếp đi”.
Và anh cười nhẹ, như thể sự việc đáng cười.
Khi anh ngừng kể, tôi nhận ra rằng tay tôi đã nắm tay anh và siết mạnh. Nhưng đó không chỉ là bàn tay của chồng tôi, mà tôi ân cần như thế kia. Đó là bàn tay của một đứa trẻ, đang sợ hãi và buồn tủi.
Từ ấy về sau, không bao giờ tôi nhìn John mà không thấy hình ảnh của một cậu bé chỉ muốn có cái móc để treo áo quần, muốn có một chỗ để cảm thấy là nhà mình và có ai đó để vỗ về khi lỡ ngã đau. Bây giờ, tôi mới hiểu rằng mình không phải là người duy nhất trên đời mà biết là cần được yêu thương và an ủi. Tôi khám phá ra John, và với một lòng thanh thản hoàn toàn mới, tôi nắm bắt được tâm ý thật tình của anh: chính điều ấy mới thật sự đáng kể.
Khi anh nói:”Em trang điểm một tí rồi ra xe đi một vòng”, tôi biết rằng anh ngụ ý: ”Anh yêu em. Chúng ta hãy vào rừng đi dạo”. Hoặc giả, khi tối hôm đó đã lên kế hoạch đi thăm bạn bè, đột xuất anh lại bảo: ”Tốt hơn nên ngồi dưới mái hiên nhà nghe mưa rơi”, tôi hiểu ngay là: ”Anh thích ở nhà một mình với em, còn hơn là bất kỳ nơi nào trên thế gian này”.
Sau khi rời khỏi ngôi nhà xưa, xe lăn bánh trên đường gió bụi, chúng tôi đã men theo khúc quanh để bắt gặp một cuộc sống khác hẳn. Mấy năm sau đó, sự thân mật và tình thương yêu êm đềm đã tăng trưởng giữa vợ chồng tôi. Khi nào tôi cảm thấy sắp mất bình tĩnh, khi nào biết rằng anh ấy sa cơ, tôi nhẹ nhàng luồn tay mình vào tay chồng. “Chẳng sao cả. Rồi đâu sẽ lại vào đấy thôi”. Cho dù hoàn cảnh có trầm trọng như thế nào, phản ứng của anh luôn luôn là siết chặt bàn tay tôi.
Và rồi một ngày kia, John bị huyết khối não dạng nặng. Không thể cử động tí xíu nào, dường như anh bị hôn mê. Ngồi trên xe cấp cứu trên đường đến bệnh viện, tôi siết chặt tay anh trong tay tôi và nói cho anh nghe từng chữ thật rõ ràng:
“Không sao đâu mình! Rồi đâu cũng vào đấy thôi!”
Tia nhìn cứng đờ của anh tập trung vào khuôn mặt tôi, và tay anh siết tay tôi rất nhẹ.
Đó là một thoáng ý thức hay đơn thuần chỉ là phản xạ? Tôi không biết. Nhưng tôi muốn tin rằng vào lúc ấy, dù chỉ phút chốc ấy thôi, chồng tôi phải cảm thấy ước nguyện của mình được thành tựu, chồng tôi, người mà suốt đời luôn cần được thương yêu và an ủi.
.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)