.
Ray Bradbury là một gương mặt có thẩm quyền trong làng văn chương fiction thế giới. Quan niệm, lối bố cục và hành văn của ông như muốn tách khỏi quỹ đạo các truyện ngắn viễn tưởng cổ điển. Những tác giả theo khuynh hướng cổ điển (như Maupassant với Le Horla) đặt người đọc trước hiện tượng siêu nhiên mà không chứng minh được. Ở đây Bradbury tạo được một “tọa độ” bằng cái nhìn khách quan và thực tế của bà vợ Cora. Cùng với khách quan và thực tế đó, Bradbury đối lại với chủ quan và mộng tưởng, như vợ và chồng, đàn bà với đàn ông, nhà dưới và căn gác, hiện tại và quá khứ, bên trong và bên ngoài, mùa đông và mùa hè, nhẫn chịu và mơ ước, sự kiện và biểu tượng… văn xuôi và thi cú… vv.
Với thủ pháp độc đáo và có lựa chọn, Bradbury không để thừa bất kỳ chi tiết nào, ngay cả những việc có vẻ “phàm tình”, như mất 40 đô-la và rút 500 đô-la từ ngân hàng ra, nếu ta chịu khó suy nghĩ và thưởng thức sẽ phát hiện điều lý thú.
Với truyện ngắn Một mùi hương xá xị được nhiều nhà phê bình đánh giá là một bài thơ bằng văn xuôi, Bradbury dẫn người đọc đi vào một vùng đất cấm, tiềm thức, vô thức và những ước mơ câm nín không được thỏa mãn…Một mùi hương xá xị
* Ray Bradbury
Suốt ba ngày, sáng nào cũng vậy và chiều nào cũng vậy, ông William Finch ở trên căn gác mái âm u và bạt gió. Suốt ba ngày, vào cuối tháng Mười một, ông một mình nghe những nụ mềm và trắng của Thời gian từ bầu trời vô tận, lạnh lẽo và lạnh lùng lặng im rơi, nhẹ nhàng, rắc bông trên mái nhà và rắc bụi lên máng xối, ông đứng nhắm mắt. Đã từ bao ngày dài không nắng, đắm chìm trong biển gió, giờ đây căn gác mái răng rắc xương kêu, làm cho bụi đổ từ xà ngang, rui, mè đã cong vẹo. Chung quanh ông là một khối đau đớn thở dài quay quắt, khi ông đứng ngửi những mùi hương vi tế, để cho tâm hồn mình nhạy cảm với những dấu tích xa xưa. À… à…
Dưới nhà, bà Cora vợ ông ngóng mà không nghe tiếng chân đi, tiếng rục rịch hay chuyển động gì cả. Bà tưởng tượng chỉ có thể nghe thấy tiếng ông hô hấp, hít vào thở ra như cái ống bể bụi bặm, một mình ông trong căn gác mái, trên chóp nhà.
“Kỳ cục”, bà lầm bầm.
Cho đến chiều ngày thứ ba khi vội vã xuống dùng bữa, ông mỉm cười với những bức tường nhạt màu, với những bát sứt dĩa mẻ, muỗng nĩa bằng bạc đã trầy trụa, và ngay cả với vợ ông nữa!
– Tại sao phấn khởi thế? bà hỏi.
– Vui vẻ, thế thôi. Tinh thần tuyệt diệu!
Ông có vẻ điên lên vì vui, không giấu được một sự xôn xao nóng bỏng. Bà vợ cau mày:
- Mùi gì thế kia?
– Mùi, mùi, mùi?
“Mùi lá xá xị, đúng rồi!” Bà hít hít một cách nghi ngờ.
“Ô, không phải đâu!” Niềm vui cuồng nhiệt của ông xìu xuống, nhanh như thể bà thổi phụt ông tắt mất. Oâng có vẻ ngơ ngác, bất ổn và thái độ đột nhiên thận trọng.
– Sáng nay ông đi đâu?
– Bà đã biết là tôi làm vệ sinh căn gác mái!
– Ngồi mơ màng trước một đống đồ hằm bà lằng chứ gì. Tôi đã không nghe một tiếng động nào cả, có lẽ ông đã không có ở trên gác mái. Cái gì đây?” Bà vừa hỏi vừa trỏ.
– Ủa, tại sao những cái này lại có ở đây nhỉ?” Ông vừa tự hỏi một câu trỏng lọng, vừa cúi nhìn cặp kẹp bằng kim khí đen đang kẹp ống quần ông chặt vào đôi ống quyển xương xẩu, loại kẹp mà những người đi xe đạp vẫn thường dùng.
Ông tự trả lời:
– Nhặt được trong gác mái. Cora có nhớ không cách đây 40 năm khi chúng ta đi chung bằng chiếc xe đạp yên đôi trên con đường lạo xạo cát vào buổi sáng tinh mơ, khi mọi thứ hãy còn tươi trẻ và mới lạ?
– Ngày mai mà ông dọn căn gác mái không xong, tôi lên vất hết mọi thứ ra ngoài!
– Ồ, đừng, đừng, mọi thứ trên đó đều như ý tôi muốn.
Bà ném về ông cái nhìn lạnh lùng. Ông phục hồi nhiệt tâm, thư thả, vừa nhai vừa nói:
– Cora có biết những căn gái mái là gì không? Đó là những cỗ máy đi ngược Thời gian, nơi mà những người già tinh thần kém cỏi như tôi có thể trẻ đi 40 năm và tìm lại cái thuở quanh năm đều là mùa hè, thuở mà đám trẻ con vây quanh xe kem, mua như ăn cướp. Cora có nhớ vị kem không nhỉ? Em cho kem vào khăn tay, sau đó giống như mình vừa mút hương vị của lớp vải, vừa mút hương vị của tuyết.
Cora sốt ruột.
Ông vừa lim dim vừa cố gắng tưởng tượng và kiến tạo:
– Điều đó có gì đâu mà không được. Hình dung một căn gác mái, không khí của nó là Thời gian. Nó giao lưu với những năm xa xưa, với cái kén và con nhộng của thế kỷ khác. Ở đấy tất cả các ngăn kéo bàn đều như những chiếc hòm nhỏ, nơi ngủ yên trang trọng hành ngàn cái ngày hôm qua. Ồ, gác mái là một nơi thăm thẳm và thân thiện, đầy ắp Thời gian, và nếu chúng ta đứng ngay ở giữa, khép mắt lại, dang tay ra để sờ thấy Dĩ vãng chìm sâu, thì đấy, nó…
Ông ngừng lại, ý thức rằng mình vừa nói to một hai câu nào đó. Bà Cora đang ăn nhanh. Ông đặt câu hỏi với đường ngôi rẽ tóc vợ mình:
– Nào, nếu du lịch được trong Thời gian thì không thú vị sao? Và còn nơi nào hợp lý hơn, thích hợp hơn là căn gác mái nhà mình nữa nhỉ?
– Dĩ vãng không chỉ là mùa hè, đó chỉ do trí nhớ điên điển của ông thôi. Ông chỉ nhớ những gì tốt mà quên những gì xấu. Không phải lúc nào cũng mùa hè cả đâu.
– Nói theo một cách biểu hiện nào đó, thì được, Cora ạ!
– Không được!
Ông chồm người lên, nhìn bóng mình di chuyển trên vách, ông thì thầm sôi nổi:
–- Điều tôi muốn nói là nếu bà khéo léo lái chiếc xe đạp một bánh, luồn lách được giữa những năm tháng, tay dang ra, thật thăng bằng, phải rất, rất cẩn thận, bà lượt qua từng năm một, nghỉ một tuần vào năm 1909, ở một ngày vào năm 1900, chơi một tháng hoặc nửa tháng đâu đó, 1905, 1898, bà có thể sống hết khoảng còn lại của cuộc đời mình vào mùa hè.
– Xe đạp một bánh?
– Bà nhớ loại xe cao, mạ kền, một bánh một yên ở tiết mục tung hứng trong các chương trình tap kỹ. Phải giữ thăng bằng, rất thăng bằng để khỏi ngã trong khi liên tục tung hứng những đồ vật sáng loáng, đẹp tuyệt, mỗi lúc mỗi cao hơn: một ánh sáng, một ánh chớp, một loáng lóng lánh, một pháo bông đỏ, vàng, lam, lục, trắng, kim, tất cả những tháng sáu tháng bảy tháng tám luôn luôn trong không khí, chung quanh ta, ẩn hiện, cơ hồ chỉ khẽ chạm tay ta, bay bay, lửng lửng, và ta đó, đang mỉm cười. Thăng bằng, Cora ơi, phải thăng bằng.
Bà nói:
– Nhảm… nhảm nhảm…” và kết luận “Nhảm!”
*******
Vừa rùng mình ông vừa trèo lên cầu thang dài và lạnh lẽo đến gác mái.
Vào mùa đông, những đêm ông thức giấc, cảm giác như có sành sứ trong xương, từng hồi chuông lạnh cóng thổi trong tai ông, sương giá thấu hết thần kinh buốt lòa như một chiếc pháo bông cháy sáng trắng, nổ tung và rơi lả tả như tuyết xuống một vùng đất im lặng sâu lắng tận đáy tiềm thức mình. Ông lạnh, lạnh, lạnh và cần phải có những mùa hè vô tận với cây xanh và mặt trời mới có thể làm tan đi cái vỏ bọc băng giá. Ông là một mẩu nước đá mỏng manh và nhạt nhẽo, một người tuyết tối nào cũng ngủ để nằm mơ thấy những giấc mộng đầy confetti của hội hè sôi động. Và, bên ngoài, mùa đông cứ kéo dài cùng với bầu trời tê tái, tàn nhẫn nghiền nát tất cả những màu sống vui và cả bản thân con người, nát như những trái nho trong máy ép rượu.
Ông Finch đội cái nắp đậy cầu thang lối đi lên gác mái lên. Nhưng ở đây, ở đây. Bụi mùa hè tung lên chung quanh ông, sục sôi dư hương những mùa kia để lại. Ông lặng lẽ đậy nắp lại.
Ông bắt đầu mỉm cười.
*******
Căn gác mái yên lặng như đám mây trước cơn bão. Thỉnh thoảng Cora Finch nghe thấy chồng rù rì, rù rì ở trên ấy.
Năm giờ chiều, vừa ca bài “Hòn đảo những giấc mộng vàng của tôi”, ông Finch vừa vẫy cái mũ rơm mới toanh qua cửa nhà bếp:
– Hù!
“Ông ngủ cả buổi trên ấy à?” Bà hỏi cộc lốc. “Tôi gọi bốn lần không ai trả lời!”
“Ngủ à?” Ông suy nghĩ và phá ra cười, rồi vụt lấy ty che miệng. “Ờ, ờ, có lẽ tôi ngủ thì phải.”
Đột nhiên bà như nhìn thấy ông: “ Trời hỡi! Ông lấy cái áo này ở đâu ra thế?”
Ông mặc cái áo vét sọc đỏ kẽo bòn bon, cổ giả hẹp và cao, quần màu kem va-ni. Chiếc mũ bốc thơm mùi rơm mới.
– Tìm thấy trong rương.
Bà ngửi ngửi:
– Không có mùi băng phiến. Mới toanh!
Ông vội vàng đáp trả:
– Ồ không!
Trong khi bà nhìn bộ đồ, ông có vẻ ngượng nghịu sượng sùng. Bà nói:
– Đây không phải là kho quần áo mùa hè đâu nhé!
– Người ta không có quyền bông đùa một tí sao?
– Suốt đời ông chỉ làm rặt có mỗi một việc ấy thôi!” Bà đóng sầm cửa lò lại. “Trong khi tôi ở đây lo vá may thì ông có mặt ở dưới cửa hiệu để đỡ đần cầm nắm tay chân các phụ nữ ra vào.”
Nhưng ông không để bị mất tinh thần. Nhìn vào đáy mũ, ông nói:
– Cora, có thú vị không khi chúng ta cùng đi dạo ngày chủ nhật như xưa kia, em với cây dù bằng lụa và chiếc váy dài xột soạt trên con đường, ta sẽ ngồi ở quày limônát, ngửi mùi tiệm dược phẩm (1) như trước kia. Tại sao ngày nay các hiệu thuốc không còn mùi như ngày ấy nữa nhỉ? Và chúng mình sẽ gọi hai ly xá xị, Cora ạ, chúng ta sẽ lại lên xe Ford 1910 đến bờ đê Hannahan dùng những món ăn nhẹ đựng trong hộp giấy, vừa nghe dàn kèn đồng chơi… Em nghĩ sao?
– Bữa ăn sẵn sàng rồi đây. Làm ơn cởi bỏ bộ đồ kinh khiếp kia ra đi!
– Nếu em được toại điều ước là đi xe dọc theo những con đường rợp bóng cây sồi như trước kia, em có đi không?
– Những chiếc xe cũ kỹ ấy dơ lắm! Về đến nhà, chúng ta cứ y như người Phi châu… À mà, sáng nay tôi để 40 đô-la trong lọ đường này, bây giờ không thấy đâu cả! Có phải ông mua mớ quần áo này ở cửa hàng không, chúng mới cắt chỉ, không phải trong rương ra!
Ông nói “Tôi…”
Bà làm cho ông một chập nửa giờ đồng hồ, nhưng ông không thú nhận điều gì cả. Trong khi bà cằn nhằn, gió tháng mười một thổi lung lay căn nhà, và tuyết mùa đông lại bắt đầu rơi từ bầu trời xám lạnh.
– Trả lời tôi đi! Ông có điên không mà xài tiền như thế, để mua những thứ mà ông không mặc được?
– Căn gác mái…” Ông ấp úng.
Bà bỏ ra phòng ngoài ngồi. Bây giờ tuyết rơi thật nhặt, và buổi tối tháng mười một buồn thiu ảm đạm. Ba nghe ông đang chầm chậm leo nấc cầu thang, lên căn gác mái, chứng nhân bụi bặm của những năm tháng khác, chỗ âm u chứa quần áo, trang phục và Thời gian, ông leo lên một thế giới cách xa thế giới dưới này.
*******
Ông đậy nắp cầu thang lại. Aùnh đèn pin đột ngột bật lên đủ làm bạn với ông rồi. Đúng, ở đây, tất cả Thời gian đều cô đọng trong một chiếc hoa giấy xếp kiểu Nhật.
Chỉ cần chạm khẽ ký ức thì tâm hồn ta sẽ như con sông trong trẻo chở đầy hoài niệm, sẽ tuyệt diệu như hoa nở, như gió thoảng mùa xuân.
Kéo nhè nhẹ từng ngăn của bàn ra, có thể bắt gặp nào là các cô dì, nội ngoại, bà con thân thuộc trang phục bằng lớp bụi thời gian. Vâng, Thời gian hiện diện nơi đây. Ta có thể nghe Thời gian thở, và ước lượng được bằng bầu không khí quanh ta chứ không bằng đồng hồ cơ học.
Bây giờ, nhà cửa ở dưới kia cũng xa vời như một ngày của quá khứ. Ông lim dim nhìn, nhìn quanh căn gác mái đang đợi chờ.
Kìa, những cầu vồng, những buổi sáng và buổi trưa lung linh như những dòng sông mới mải mê đi ngược Thời gian trong một chùm đèn chúc đài muôn sắc khi ông tắt mở ánh đèn pin; các cầu vồng đem lại cho khối âm u những đường cong đượm sắc, có màu như mơ, dâu, nho, có màu như quả chanh cắt đôi và như bầu trời sau cơn bão một khi mây đen đã đi xa và màu xanh vừa trở lại.
Và bụi trên căn gác mái như hương đang cháy, cháy liên tục, ta chỉ cần nhìn ánh lửa. Chắc chắn rằng đây là một cỗ máy Thời gian, ông biết điều đó, ông cảm thấy điều đó, và chắc chắn về điều đó. Và nếu ta sờ những đồ vật của một thời đang vương vải khắp nơi, chẳng hạn như cái ổ khóa đã hỏng, như chiếc tay nắm của đã hư, nếu ta nghe được tiếng người của cái bể thổi lò sưởi để thấy tro bụi của những bếp lò dạo ấy, nếu, nếu thật sự đã sử dụng cái dụng cụ, cái máy nhiều mảnh, nếu ta mơn trớn tất cả những thứ vụn vặt ấy, các đòn bẫy, các cần số và động cơ ấy, thì, thì, thì!
Ông dang tay ra để điều khiển, để chỉ huy, để đánh nhịp. Điệu nhạc ở trong đầu ông, trong miệng ông đang ngậm chặt, và ông bắt đầu chơi cỗ máy Thời gian, dàn đại phong cầm, giọng trầm, giọng ténor, giọng soprano, nhè nhẹ, mành mạnh và sau cùng, sau cùng trỗi lên một hòa âm khiến ông rùng mình đến nỗi phải nhắm mắt lại.
Đêm đó khoảng chín giờ, bà nghe ông gọi “Cora!”. Bà bước lên, ông từ trên mỉm cười nhìn bà. Ông vây vẫy nón: “Tạm biệt, Cora!”
– Ông muốn nói gì?
– Tôi đã suy nghĩ suốt ba ngày và bây giờ tôi tạm biệt bà.
– Xuống ngay, đồ già lẩm cẩm!
– Hôm qua tôi đã rút ở ngân hàng năm trăm đô. Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều này, do đó khi việc ấy đã đến, thì… Cora…” Ông sốt ruột chìa tay cho bà. “Tôi hỏi lần cuối, Cora có theo tôi không?
– Lên gác mái ấy à? William Finch, đưa tôi cái thang, tôi sẽ lên tống khứ ông ra khỏi chỗ dơ dáy đó!
– Tôi sẽ đi ra đê, đến chỗ Hannahan dùng một bát cháo sò. Và tôi sẽ yêu cầu dàn kèn đồng chơi bài Bãi biển dưới ánh trăng. Cora ơi, hãy cùng đi nhé…” Ông vẫy bàn tay đanag chìa ra.
Bà chỉ nhìn chằm chặp gương mặt hiền hòa của ông đang chờ câu trả lời.
– Tạm biệt…!” Bàn tay ông nhẹ vẫy. Sau đó gương mặt ông biến mất, chiếc nón cũng biến mất.
– William!” Bà thét lên.
Căn gác mái tối tăm và im lặng.
Bà vừa la chói lói, vừa chạy tìm cái ghế để leo lên, vừa leo vừa rên rỉ, lên đến miền âm u nặng mùi meo mốc. Bà quơ quơ cây đèn pin:
– William, William!
Những góc tối vắng vẻ, một luồng gió mùa đông giần giật ngôi nhà.
Lúc ấy bà bắt gặp cửa sổ phía Tây hé mở. Bà lò dò đến, hơi do dự, nín thở. Và chầm chậm đẩy cánh cửa ra. Cái thang đặt bên ngoài cửa sổ, tựa trên mái hành lang bên dưới.
Bà bật người ra khỏi khung cửa sổ.
Bên ngoài, đám cây táo mang màu xanh lục rực rỡ, đó là vào buổi hoàng hôn một mùa hè tháng bảy. Bà nghe văng vẳng tiếng pháo nổ đâu đây, xa xa có tiếng nói cười. Pháo bông nổ tung đỏ trắng xanh trường không khí oi bức rồi tắt ngấm.
Bà đóng sầm cửa sổ và lảo đảo: “William!”
Từ phía dưới, qua nắp đậy cầu thang gác mái, sau lưng bà, chút ánh sáng mùa đông tháng mười một hắt lên. Nghiêng mình nhìn xuống, bà thấy tuyết đang thầm thì va vào kính cửa trong suốt và lạnh lẽo, trong cái thế giới của tháng mười một mà 30 năm nữa đây, bà sẽ đốt hết cuộc đời.
Bà không trở lại khung cửa sổ. Ngồi một mình trong gác mái tối tăm, ngửi thấy mùi hương duy nhất dường như chưa chịu phai mờ, dường như nấn ná trong không khí như một hơi thở dài khoan khoái. Bà hít thật sâu, thật sâu…
Một mùi hương cũ, quen thuộc, không thể nào quên của cửa hiệu dược phẩm, một mùi hương xá xị.
Minh Huy dịch
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)