Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

CUỘC SĂN ĐUỔI     ( Truyện ngắn của GENE POLLOCK - MỸ- )



   Allen Tipton sợ. Thực vậy, anh ta luôn luôn sợ máy bay, nhưng giờ đây không phải  vì độ cao mà anh ta ngồi ngồi chết cóng xuống ghế. Bề ngoài anh ta ra vẻ dửng dưng, nhưng bên trong ruột gan anh ta đã mềm nhũn ra như sứa.
   Anh ta liếc trộm ông chủ đang ngồi mé bên kia buồng lái. Trên ghế phi công của chiếc phi cơ riêng loại nhỏ, RobertW. Welling ngồi tự tin, thoải mái, bay rất vững lái. Hẳn Welling phải cảm nhận được tia nhìn của Allen nên ông ta quay lại mỉm cười.
   “ Sắp đến rồi” – ông tuên bố - “ Năm,mười phút nữa thôi là chúng ta đã trông thấy túp lều rồi “. Allen thầm cảm ơn trời, ít nhất nếu chuyệng đó xảy ra thì chân anh ta cũng đã được đứng trên đất.
   “Tôi cứ mong cho đến nơi”, Allen  đã nói dối. Nếu có điều gì anh ta dứt khoát mong cho đừng đến thì đó chính là điều này. Suốt năm năm qua, kể từ ngày Allen Tipton đến làm việc cho công ty UnitedElectronics. RobertW. Welling, chủ tịch công ty, đã tỉnh bơ coi như chưa biết đến anh ta. Thế mà bỗng dưng, không một lời báo trước, không một chút lý do, ông ta lại đích thân gửi giấy mời anh ta cùng đi săn với ông. Vậy là Welling đã biết, hoặc đã ngờ vực rồi. Đối với Allen lời mời của Welling chắc chắn phải là một cái lệnh.
   “Nó kìa”, Welling nói, chỉ tay xuống dưới .
    Allen miễn cưỡng nhìn sang bên cạnh. Trong phạm vi tầm mắt anh có thể thấy, vùng đất bên dưới trắng xoá một màu hoang sơ, chỉ thỉnh thoảng được điểm xuyết bằng mấy rặng thông cằn cỗi rồi bị vạch dài phũ phàng bởi con sông băng giá. Ngay phía dưới, thấp thoáng sau lùm thông anh ta đã trông thấy được túp lều.
   “Nó dư chỗ cho năm , sáu người ở thoải mái, nhưng chuyến này không hiểu sao tôi không khoái đám đông”, Welling giải thích, “nên tôi nghĩ hay nhất là loại hết mmấy người kia ra”.
   Allen nghĩ mình hiểu được lý do tại saơ, và lý do đó không phải như ông chủ vừa nói.
   Đi đông chỉ tổ mất thời gian vào mấy chuyện đánh bài, nhậu nhẹt, thức khuya…Tôi thì chỉ muốn được nghỉ ngơi cho giãn  gân giãn cốt một chút thôi. Khi ta lên đến địa vị cao nhất thì mọi việc đâm ra căng thẳng. Thiên hạ luôn theo sát ta bén gót, những mong kéo ta xuống”.
   “Tôi hiểu”, Allen đáp, dù anh ta chẳng thể hiểu gì hết. Anh ta chưa bao giờ phải đương đầu với một tình huống như thế này.
   “Gữi chặt mũ vào”, Welling nhắc nhở với  một nụ cười như biện bạch, “ta đáp xuống đây”.
   Allen cố che giấu nổi sợ , thế nhưng khi Welling bớt tốc độ và tiếng động cơ đang ù ù ngon trớn bỗng lịm dần thành thứ âm thanh khằng khặc rên rỉ, anh ta cuống cuồng bám chặt lấy hai bên thành ghế. Cũng may, Welling mải bận với thao tác hạ cánh nên không để ý thấy, hoặc giả nếu có để ý, ông ta cũng không biểu lộ gì ra bên ngoài.
   Allen cố nhắm mắt để khỏi trông thấy cảnh mặt đất đang lao dần tới thật nhanh nhưng nỗi mê đắm cuốn hút muôn thuở của con người đối với cái chết, đặc biệt là cái chết của chính mình, đã bắt mắt anh ta phải mở to và bắt sự chú ý của anh ta phải dán chặt lấy vùng chao mờ bạc trắng đang lướt qua dưới cánh máy bay. Càng trượt tuyết của máy bay đã tiếp đất, làm bắn tung bụi tuyết mù mịt cả hai bên. Allen thở ra thật sâu, sức ghì vào ghế đã lơi lỏng, và anh ta mỉm cười. Welling cho máy bay trượt đến gần túp lều rồi tắt máy.
   “Tôi sẽ lo buộc máy bay còn anh hãy tháo hành lý xuống đi”, ông ta bảo lúc mở tung cánh cửa ra. Ông ta phải gập đôi người lại mới chui được ra khỏi cửa buồng lái, Cao lớn, to xương và nặng nề, nhưng ông vẫn di chuyển với mộtuy lực và nét ung dung mà Allen không thể không ngưỡng mộ.
   Allen bò toài người xuống vùng đất ngập tuyết một cách vụng về. Cái lạnh buốt cóng khiến toàn thân anh ta thoắt rùng mình. Anh ta đập hai tay vào hai cạnh sườn rồi đi dọc qua ngăn chứa hành lý.
   Đang hí húi làm việc thì chợt anh ta có cảm giác bị theo dõi. Anh ta ngước lên thì trông thấy Welling đang đứng cạnh máy bay nhìn anh chăm chăm. Anh ta há hốc mồm.
   “Xin lỗi đã làm anh giật mình”, Welling nói.
   “Tại tôi bị bất ngờ, Allen giải thích yếu ớt.
   “Tôi sẽ đi lấy bình ga butane và lo nối vào  bếp nấu và lò sưởi, Welling nói, “Chẳng lý do gì chúng ta lại không tận hưởng một bữa ăn nóng sốt ngon lành và một căn lều ấm áp đêm nay. Anh mang mấy túi hành lý vào lều đi”.
   “Vâng, thưa ông Welling”, anh ta đáp.
   “Bỏ cái tiếng thưa ông Welling đó đi. Là bạn săn bắn với nhau, chỉ cần gọi tôi là Bol được rồi”.
   “Vâng , thưa ông, Bol. Tôi hiểu”.
   “Dẹp luôn cái tiếng thưa ông nữa đi”.
   “Được rồi, Bol, Allen vâng lời”.
   Đêm đó, sau bữa ăn nóng sốt ngon lành do Welling nấu nướng một cách xuất sắc, hai người nói chuyện về công ty United Electronics. Allen cố tỏ ra sáng suốt khôn ngoan, nhưng anh ta không sao tỏ ra tập trung được.
   “Nhưng ta đâu có lên đến tận đây để bàn chuyện làm ăn”. Rốt cuộc Welling nói. “Anh cứ tự nhiên dùng rượu bourbon đi, còn tôi đi ngủ đây”. Ông ta đứng dậy, vươn vai, rồi băng ngang phòng đi đến chỗ giá súng. Ông lấy cây súng trường xuống.
   “Chắc phải chùi dầu thằng bé này, biết đâu mai có dịp lại phải dùng đến nó”, ông vừa nói vừa đi về phòng ngủ của của mình rồi đóng cửa lại.
   Allen rót cho mình một ngụm bourbon. Từ  bên kia căn phòng, AliceWelling đang cười với anh ta từ bức ảnh chụp khổ 20x25 đặt trên mặt lò sưởi khổng lồ bằng đá granit. Allen bước tới và nâng ly.
   “Nào hỡi cô Alice bé nhỏ ở xứ thần tiên, xin uống mừng câu chuyện của chúng ta”, anh tanói khẽ rồi nốc cạn ly whisky. Alice vẫn cứ cười. Cô ta có thừa khả năng để cười mà. Chồng cô, chủ tịch công ty United Electronics, rất trung thành tận tuỵ với người vợ trẻ mỹ miều của mình. Ông ta rất ư hào phóng. Mới hôm qua đây, ông vừa tiễn cô ta sang châu Âu để nghỉ mát dài ngày. Cũng chính hôm đó ông ta lại gợi ý rằng Allen Tipton có muốn đi nghỉ cuối tuần tại căn lều săn bắn của ông không.
   Allen rót thêm một ngụm rượu nữa và chế vào rượu một chút nước. đôi tay anh ta run rẩy lúc nâng ly rượu lên, thế rồi một tiếng động lạ chận anh ta lại giũa trớn uống. Anh ta thận trọng ngoái lại nhìn. Phải ngót một phút rồi anh ta mới nhận được tiếng động đó là gì. Welling đang ngáy như sấm ở phòng  kế bên.
   Allen bỏ ly rượu xuống, anh ta cần ngủ, chứ không phải cần rượu. Welling đã lập tâm giết anh và dàn dựng việc đó giống như một tai nạn. Nếu anh ta muốn tiếp tục sống, anh cần phải hết sức tỉnh táo. Con người đang nằm ở phòng kế bên là một tay săn bắn tuyệt luân, đây là vùng sinh sát của ông ta, và Allen phải để ông ta đi bước trước. Dù sao đi nữa, rất có thể là anh ta lầm. Cửa phòng không có khoá nhưng có một then cài lớn. Anh cài chặt then lại. Căn phòng ngột ngạt nên anh ra phía cửa  sổ để  mở hé cửa. Anh thất vọng khi khám phá ra cửa sổ đã được niêm chặt vĩnh viễn, một khung kính dày gấp đôi với một lỗ không khí để cách nhiệt. Anh vặn thấp lò sưởi ga xuống, không còn cách nào khác để có được nguồn không khí tươi mát.
   Anh cởi nhanh quần áo rồi chui vào mền. Vừa nằm trong bóng tối anh ta vừa suy nghĩ. Anh ta không phải là đồ hèn, nhưng mà anh ta sợ. Anh không muốn chết, dù sao thì cũng chưa. Cuộc đời còn đẹp quá. Anh ăn lương cao trong chức vụ kế toán trưởng của công ty United, anh có một căn hộ sang trọng, một xe hơi thể thao…và nhiều đàn bà. Không nhiều lắm, nhưng cũng đủ. Anh đã lầm lỡ một lần, với vợ của Welling.
   Allen có cảm giác mình vừa thiu thiu ngủ thì Welling đã gõ cửa đánh thức anh ta dậy.
   “Dậy đi”, Welling gọi, “tôi đã rán sẵn thịt giăm- bông trong chảo rồi đó”.
   Allen lầu bầu ngồi dậy, cố rứt mắt ra khỏi cơn buồn ngủ. Mùi thịt rán thơm nồng xộc vào mũi anh. Thu hết can đảm để chống lại cái lạnh, anh thòng chân xuống sàn lều, chạy nhanh ra lò sưởi và vặn lửa lên. Trong bóng tối nhá nhem, anh mặc vội quần áo rồi đi ra cửa. Anh cố kéo then cửa cho thật khẽ khàng, nhưng mấy ngón tay tê cóng đã phản bội anh. Then cửa đã mở đánh sầm một tiếng. Lúc anh bước ra khỏi phòng thì Welling đang nhướng mày nhìn anh.
   “Đây , uống cái này đi, nó sẽ giúp anh tỉnh táo”, ông ta bảo sau đó một lúc, vừa rót cà phê nóng bốc khói vào một chiếc tách.
   Allen uống chất nước đắng và đầu óc anh ta bắt đầu tỉnh táo ra. “Trời vẫn còn tối. Mấy giờ rồi” anh ta hỏi.
   “Cần phải vào rừng sớm, Allen ạ”, Welling giải thích, “Cần phải đến được vị trí vào lúc bình minh thì cuộc săn đuổi mới có kết quả tốt nhất”.
   “Vâng tôi cũng nghĩ vậy”, Allen đáp.
   “Bỏ mấy quả trứng này vào bụng, anh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn”, Welling gợi ý.
   Sau bữa điểm tâm, họ xuất phát, chủ nhân dẫn đường băng qua vùng tối. Allen phải theo sát để khỏi bị lạc. Anh nhìn tấm lưng to như cái phản phía trước mặt. Nỗi cám dỗ hãy bắn ông ta thật quá mạnh mẽ, nhưng giết người chỉ là hạ sách, chỉ là biện pháp cuối chẳng đặng đừng mà thôi. Giả thử anh ta lầm thì sao? Giả thử Welling không biết chút gì về chuyện anh và Alice thì sao?
   Bình minh vừa ló dạng  ở phía đông thì Welling ra lệnh ngừng. “Tôi sẽ để anh lại đây”, ông ta nói,”Anh cứ đi tiếp con đường mòn này, khi nào tìm được chỗ nấp tốt thì chiếm lấy ngay. Nếu như đến khoảng, cứ cho là mười giờ đi, mà chúng ta chẳng  săn được gì thì chúng ta trở lại lều, rũ bớt cái lạnh , rồi chiều nay lại tiếp tục”. Welling bỏ đi vào vùng tối nhập nhoạng. Hai mươi thước xa, ông ta chỉ còn là cái bóng mờ, ở khoảng cách năm mươi thước, ông ta mất hút vào bóng tối.
   Allen run lẩy bẩy. Cuộc săn bắt đầu. Anh lơ mơ nhớ lại đã từng đọc câu chuyện về một người lấy chuyện săn đuổi những người khác làm thú tiêu khiển. Anh tất tả đi giũa cảnh vật buổi rạng đông. Những rặng cây, đầy vẻ ma quái dưới áo tuyết trắng, lơ lửng trên đầu anh. Anh thấy được hơi thở mình như những cụm khói lãng đãng trước mũi, lạnh giá. Anh dừng bước, bẻ ngoặt ra góc phải vào một lối mòn rồi cắm đầu chạy. Anh liếc vội ra sau và nhận ra rằng anh đang lưu lại dấu vết mà một kẻ tài tử cũng dư sức theo dõi. Welling thì rõ ràng đâu phải là một tay mơ.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

Bên trên anh, về phía trái, xuất hiện một rặng đá. Anh trèo lên. Khi lên đến chỗ đá nhô ra, anh thận trọng đi dọc theo, đặt chân lên những chỗ trơ trụi nơi gió đã thổi bạt tuyết đi. Năm phút sau anh thấy cái anh đang cần, một thân cây ngã. Từ rặng đá anh nhẩy lên cây, rồi  chạy ngược thân cây lên đến tán cành. Anh ngồi xổm nơi cành cây mọc um tùm nhất rồi nghỉ ngơi chờ đợi. Từ vị trí đó, anh quan sát được rất rõ địa thế xung quanh.
   Anh căng mắt quan sát thật kỹ mọi hướng. Giừ đây anh ngừng di chuyển, cái lạnh buốt cóng lại len  lách dưới y phục, tấn công vào cơ thể anh. Khi mặt trời đã lên cao, Allen trông thấy con mồi đầu tiên. Con vật to lớn đi hiên ngang ra giũa trảng trống cách anh không đầy một trăm thước, và trước khi anh kịp nhận ra mình đang làm gì, anh đã kê súng lên vai chuẩn bị bóp cò.
   Anh thong thả hạ súng xuống, anh đang định làm gì vậy? Muốn tiếp tay cho người ta giết anh sao? Chỉ cần một phát súng cũng đủ cho Welling biết đích xác anh đang ở đâu.
  Con nai đường hoàng , bệ vệ đi xuống triền khe núi, rồi băng qua thềm thung lũng. Ba mươi phút sau đó, Allen mới nghe tiếng súng của Welling. Anh nhìn đồng hồ. Bẩy giờ. Anh trở lại tư thế chờ, bắp thịt căng thẳng, các giác quan cảnh giác.
   Buổi sáng trôi qua chậm chạp. Thêm ba con mồi đi ngang tầm bắn của Allen, nhưng anh chẳng buồn chú ý. Đôi bàn chân anh đau nhức vì lạnh. Anh hà hơi vào đôi tay để giữ hơi ấm cho chúng. Cứ vài phút anh lại nhìn đồng hồ. Đúng chín giờ bốn mươi lăm phút thì tiếng nói của Wlling đã cất lên ngay đằng sau anh.
   “Chỗ nấp của anh thật là tuyệt”, ông ta nói, còn Allen quay đầu lại như một cơn lốc, thất kinh hồn vía. Welling đang ngồi trên thân cây, súng của ông hầu như chĩa thẳng mũi về phía anh. ‘Chắc anh phải là một người săn bắn giỏi hơn chỗ tôi tưởng”.
   “Trông nó giống một vị trí nấp tốt”, Allen nói. Làm sao Welling đến gần sát được như vậy mà anh khônh hề nghe, thấy chút gì?
    “Anh có trông thấy gì không? Welling hỏi.
    “Không, nhưng tôi có nghe thấy một phát súng”, Allen  trả lời
    “À chính tôi bắn đó. Tôi bắn một con mồi đang chạy, nhưng hụt trong gang tấc. có lẽ ta nên về lều kiếm chút gì bỏ bụng đã.
   Allen trườn ra khỏi chỗ nấp và Welling đứng lên. Trên đường về, Welling tìm cách luôn đi sát sau anh ta một, hai bước. Cảm giác về ngày tận số đã đến cứ ám ảnh lấy Allen khiến anh không rứt ra được. Người đàn ông này đang chơi trò mèo vờn chuột với anh đây. Welling muốn thấy anh sụp đổ, ngã gục, đau khổ.
   Đến giờ đi săn buổi chiều, Allen lấy cớ đau đầu để không đi. Anh cần thời gian suy nghĩ. Một cách miễn nhưng vẫn lịch sự, Welling chấp nhận sự thoái thác của anh, rồi ông vui vẻ ra đi săn đuổi con mồi của ông.
   Từ cửa sổ trước nhà, Allen nhìn thấy Welling khuất rạng sau rặng thông. Ngay khi ông ta khuất dạng, anh ta vội lục soát khắp căn lều. Anh không thể nào vào rừng lại được, buổi sáng nay đã chứng tỏ điều ấy. Chắc anh phải giết Welling trong đêm mới sau. Vấn đề là bằng cách nào ? Anh trở lại phòng khách, không tìm ra giải pháp giúp anh giải quyết vấn đề.
   Có thể đơn giản mở tung cửa rồi bắn chết ông ta đang khi ông ta đang ngủ không ? căn phòng tối quá, nhỡ bắn hụt thì sao? Ông ta ngủ ngáy như kéo gỗ, hẳn là một người ngủ ngon giấc. có thể lén đến sát ông trong bóng tối rồi dùng dao đâm chết ông ta không ? Nội nghĩ đến điều đó  anh ta đã sởn cả gai ốc.
  Allen lấy súng xuống khỏi giá, đá mmột cái ghế đến cạnh lò sưởi bằng đá granít. Lần náy anh không dể bị tấn công bất ngờ nữa. Anh đợi suốt buổi chiều. Mãi tối mịt Welling mới bước qua ngưỡng cửa bếp, vào lều.
   “Chả thấy con gì cả”, Welling tuyên bố. Ông đứng phía trong cửa, khẩu súng cắp trên tay. “Cơn nhức đầu của anh ra sao rồi?”
   “Đỡ nhiều rồi”, Allen đáp.
   “Tốt, vậy thì tôi mong là anh không phiền chuyện nấu ăn tối nay chứ ?. Tôi mệt phờ râu rồi”.
   “Tôi làm được mà”, Allen đáp, thận trọng đặt khẩu súng xuống.
    Anh rán khoai tây, nướng thịt bò, rồi mở hộp đậu. Welling ăn ngấu nghiến, Allen chỉ ăn qua quýt mấy cọng đậu, vừa nói chuyện này chuyện nọ cho phải phép. Welling trả lời nhã nhặn, nhưng nói ít.
   “Thịt nướng ngon lắm”. Welling khen sau đó. “Thôi , bây giờ tôi phải đi  viết gấp cho Alice một lá thư rồi đi ngủ đây. Tôi muốn sáng mai ta khởi hành vào rừng sớm rồi sau đó bay về thành phố. Tôi vẫn mong kiếm cho anh được một con mồi đầu tiên”.
   “Có lẽ ngày mai chúng ta gặp may hơn”, Allen thản nhiên trả lời.
   “Mong là như vậy “,Welling đáp lúc ông đứng dậy khỏi bàn ăn. Ông nhặt cây súng lên rồi bước về phòng ngủ. Ông ta ngừng ở cửa và ném về phía Allen một cái nhìn khó hiểu. “Chúc ngủ ngon, Allen”. Ông ta bước vào phòng và Allen nghe thấy tiếng chốt cửa cài chặt lại.
   Anh ta lấy chai bourbon xuống và rót cho mình một ly đúp. Anh thong thả nhấm nháp từng ngụm, suốt lúc đó không ngừng nhìn kẽ sáng nhỏ hắt ra từ phòng của Welling. Sau vài phút khoảng thời gian vừa đủ để viết một lá thư, ánh đèn phụt tắt. Hai mươi phút sau đó, tiếng thở đều đều phát ra qua khung cửa.
   Allen cố suy nghĩ. Mỗi ý nghĩ đều chạy vòng tròn quanh óc anh, rồi rốt cuộc lại trở về chỗ khung cửa đã cài then. Anh không tìm ra cách nào vượt qua cánh cửa âý. Anh có làm gì đi nữa thì dứt khoát điều đó cũng phải trông giống như một tai nạn mới được. Nếu anh phóng hoả túp lều, Welling có thể trốn  thoát. Hơn nữa, làm thế không chừng anh đã bị chết cóng vì lạnh trước khi được tiếp cứu. chắc chắn là anh không thể lái máy bay thoát ra. Không chắc chắn phải tìm cách khác. Anh rùng mình, ớn lạnh. Anh bước lại phía lò sưởi và cúi xuống vặn ngọn lửa lên.
   Anh lưỡng lự, mê man nhìn ngọn lửa. Thay vì vặn ga lên, anh lại tắt đi. Anh trở về phòng mình và tắt lò sưởi trong phòng . Anh bước khẽ đến cửa bếp rồi lách ra ngoài trời đêm .
   Ânh trăng thượng huyền giúp anh tìm thấy bồn chứa ga nằm dưới mặt đất, bên cạnh cửa sau. Anh cúi xuống ngắt ga trong vòng hai giây, vừa đủ thời gian cho ngọn lửa tắt nơi lò sưởi trong phòng Welling. Tiếng ngáy hoà điệu với một âm thanh khác, đó là tiếng hơi ga thoát ra khỏi các vời phun mở ngỏ. Allen mang theo chai rượu bonurbon vào gường với mình. Rượu sẽ cung cấp sức nóng cho anh qua đêm nay.
   Anh nằm trên gường uống rượu. Anh nghe được tiếng ngáy  yếu mỏng cùng tiếng ga thoát ra qua bức vách. nếu mũi ga butane không đánh thức được Welling thì coi như anh đã thực hiện được một tội ác hoàn hảo. Sáng mai anh sẽ phát hiện ra ông chủ anh nằm chết tển gường do tai nạn lò sưởi bị nghẹt. Anh sẽ ngồi yên ở đó cho đến khi được tiếp cứu, cứ như thế mà làm.
   Anh uống thêm ngụm rượu nữa. Anh vẫn còn nghe tiếng ngáy đều đều  từ phòng bên vọng ra. Anh cố không để ý tới những âm thanh đó, nhưng có vẻ như chúng trở nên lớn hơn. Anh chụp chiếc gối trên đầu, âm thanh đó lại xuyên thấu vào óc anh. Anh ngồi dậy. Có gì mà anh phải quan tâm đến Welling chứ ? Há không phải ông ta đã âm mưu đưa anh đến đây để giết anh hay  sao ? Mặc xác ông ta chứ! Thế nhưng rốt cuộc, Allen không còn chịu nổi nữa. Anh nhẩy xuống gường, chạy vào bếp chụp  lấy một cái rìu, chạy lại phía cửa phòng của Welling rồi vung rìu thẳng cánh. Ở nhát  rìu thứ tư cánh cửa bật mở và mùi khí butane bủa chụp lấy anh.
   Anh thối lui vào phòng khách, để cho hơi ga thoát ra. Anh lấy khăn tay che mặt rồi mới bước vào phòng ông chủ. Welling nằm yên trên gường. Trông ông ta như đang ngủ say, chỉ có điều không có tiếng ngáy. Allen kéo tấm ra đắp mặt người chết lại.
   Anh chớm bước ra khỏi phòng thì chợt nhìn thấy bức thư nằm trên bàn giấy của Welling :”Em thân yêu nhất,
                Em nói có lý, cưng à. Gã Tipton đứng là người thích hợp cho chức phó chủ tịch công ty. Theo đề nghị của em, bọn  anh đã bay lên tận túp lều săn bắn này và anh đã được dịp quan sát anh ta trực tiếp. Allen sợ máy bay đến chết khiếp và săn bắn thì cũng chẳng giỏi giang gì, nhưng chắc chắn anh ta có đủ nghị lực để làm bất cứ việc gì. Có lẽ suốt đời anh ta sẽ không bao giờ đi săn bắn nữa, nhưng khi cần có những quyết định sống còn, anh dám mang cả sự nghiệp của anh ra mà đánh cá rằng anh ta có đủ khả năng đảm đương được.
           Anh nhớ em lắm , và ước mong…”
           Nhưng phần thư còn lại chẳng có gì quan trọng nữa.
                                                               
                                                                     PHẠM XUÂN THẢO dịch
.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Một nửa mười tám

* NHÃ VĂN



Hôm nay My bắt gặp Hoàng trên mạng lúc hơn 12 giờ đêm. Cô liến thoắng kể cho Hoàng về những ý nghĩ chưa kịp thành hình trong đầu mình, những câu chuyện hoang sơ và đa nghĩa.

Hoàng nghe My nói, ậm ừ cho qua chuyện, anh thật sự không biết My đang muốn anh hiểu điều gì. Những mớ giấy tờ dịch thuật, những bài báo chạy bùng trong đầu anh. Anh còn một nửa bài viết phải hoàn thành, hạn chót là trưa mai. Đó là lý do Hoàng quen dần với việc làm một con cú đêm, viết lách, dịch thuật và chạy như điên theo những đề án trên trường. Hiện tại và tương lai mờ mịt của Hoàng, My nghe Hoàng kể chuyện, phì cười: “Bận rộn như anh thật là thích nhỉ”.

Hoàng im lặng. Một hồi sau anh nói với My:

“Em đi ăn đi. Có lẽ anh đi ngủ một chút”.

“Ừm, thế nhé” - My hờ hững.

Thế là xong. Hoàng thoát khỏi Y!M và bật thêm cái đèn làm việc nhỏ. Anh bắt đầu viết. Những câu chữ chạy qua đầu anh như quán tính, như một chiếc xe chạy mải miết trong đêm, tự tin, vững chắc dù chẳng biết con đường nào sẽ xuất hiện trước mắt. Lời lẽ của anh thật là khiêm nhường, đầy ngữ điệu, sâu xa và sắc sảo. Mặc dù anh không thể bao biện rằng anh vẫn làm tất cả bằng tình yêu.

Cảm thức sáng tạo đã tắt ngóm trong anh thành một ngọn lửa yếu ớt, xanh xao. Anh chỉ làm những việc anh từng cho là “một khoảng trời trí thức” để đương đầu với tiền học, tiền thuê nhà và những chi tiêu phát sinh hằng ngày. Khi hoàn thành bài viết, anh thở phào nhẹ nhõm. Lòng anh không còn chút say mê rạo rực, cũng không cảm động trước những gì thuộc về mình.

Hai giờ sáng, Hoàng xong việc. Anh vươn vai tiến về phía bancông. Cuộc sống đô thị hối hả của những ngày dài chìm trong yên lặng. Nhưng Hoàng cho đó là sự im lặng ngụy biện. Ô cửa nhà hàng xóm vẫn sáng. Cuộc đời anh trong đêm tối tất bật hơn nhiều so với anh mải miết trong dòng người xô bồ mỗi sáng. Tất cả chỉ là sự bình yên ngụy biện.

Mười hai giờ trưa ở California, có lẽ My đã ăn chút gì đó. Anh và cô yêu nhau suốt ba năm trung học. Sau ngày tốt nghiệp, cuộc đời của My được xếp đặt gọn ghẽ vào một cuộc du học ấm êm. Cô sang Mỹ học đại học, thời gian rảnh cô chơi nhạc, viết lách và làm công tác tình nguyện. Hoàng ở lại Việt Nam, bán thời gian mình cho từng đồng tiền trầy trật. Mặc dù anh cũng bước chân vào một trường đại học tiếng tăm và vẫn giữ cho mình một học bạ hoàn hảo, tận sâu trong thâm tâm, anh biết anh không thể lèo lái cho con đường của My và anh khớp nhau được nữa.

Mỗi khi gặp anh, My vẫn vô tư tíu tít về những khái niệm trí tuệ mà cô vừa được học và đem chúng ra thảo luận. Hoàng chỉ cười trừ, anh không muốn tranh cãi với cô, mặc dù ngày xưa anh từng nghĩ cô thật là thú vị. Hiện tại, Hoàng thấy My giống một đứa trẻ quá quắt hơn. Và mỗi lần mệt mỏi với My, anh chỉ nói:

“Anh đi ngủ đây nhé”.

Và My vui vẻ trả lời: “Em cũng đi đây”.

oOo



My thừa biết là Hoàng chưa ngủ đâu. Cô biết rõ thế từ giọng điệu của anh. Nhưng cô chỉ cười, và để mặc anh muốn làm gì thì làm. Cả anh lẫn cô đều cần tự do.

Trưa ở California. My nằm dài trong bãi cỏ công viên, vùi mình vào sách vở, cảm thấy chùn lòng trước tiếng cười nói của lũ trẻ xung quanh. Cuộc đời cô lâu nay vẫn là một quá trình suôn sẻ và tươi đẹp. So với những người bạn đồng trang lứa, My là một người may mắn, và cô chẳng có gì để phải hối tiếc cả. Nhưng My luôn thấy mình thua kém, khi mọi sự đến với cô quá dễ dàng và không đòi hỏi một chút nỗ lực nào.

Đôi khi My nghĩ sự may mắn của mình là một cái tội. Cô đã hơn mười tám tuổi, đã không còn là những đứa trẻ hồn nhiên kia để được phép sống thong thả. Trách nhiệm của một kẻ đang lớn vẫn như một hằng số đè lên người cô. Và My ghét việc mình đang phải lớn một cách bất lực như thế này.

My biết, người ta sẽ không hiểu cô muốn gì. Ngay cả Hoàng cũng thế, mặc dù có một thời anh từng là tri kỷ của cô. Sáng nay sự im lặng của Hoàng đủ cho cô biết anh thờ ơ thế nào. My ngừng nói, cô cảm thấy việc chia sẻ với Hoàng là một sai lầm. Sự cô độc khiến cô co rúm người lại.

Mỗi ngày qua đi, cảm giác vô dụng và bất an lớn dần trong My. Cô luôn lo lắng về tiền học và chi phí ăn ở của mình và dần xem mình là một gánh nặng. Sau một dạo nỗ lực không thành với số lượng công việc bán thời gian hiếm hoi trong trường học, My nảy ra ý định đi làm chui ở ngoài, nhưng cũng chẳng ai nhận vì cô quá nhỏ con và ốm yếu. Thế là My đành ngồi bó gối chịu trận và mỗi tháng lại nhận tiền ba mẹ gửi. Cô thấy hết sức khổ tâm và cô thèm biết mấy cảm giác được tự do làm những công việc mình thích như Hoàng. Thế nên cô nói với anh:

“Được bận rộn như anh thật là thích”.

Nhưng lần nào Hoàng cũng đáp lại cô trong im lặng. Có lẽ anh cho rằng cô vẫn chỉ là một đứa trẻ không lớn nổi.

o O o



Một buổi tối, Hoàng nhận được tin nhắn của My, vỏn vẹn một dòng:

“Đó là cuộc đời của em và em không muốn ai đụng vào nó”.

Hoàng chết sững trước lời My nói. Anh không ngờ cô lại phản ứng dữ dội như vậy. Cách đó hai ngày, truyện ngắn của Hoàng vừa được đăng trên một tờ báo có tiếng tăm với giới trẻ Việt. Hoàng kể về My và cuộc sống của My tại đất Mỹ. Hoàng kể về mơ ước, hoài bão, những niềm vui lớn của My, cùng cả những hoài vọng của chính anh về một con đường du học. Truyện ngắn nhận được nhiều lời khen và Hoàng nghĩ My sẽ thích nó. Nhưng cô có vẻ bị tổn thương nhiều hơn là hài lòng vì bất ngờ này. Từ sau tin nhắn ấy, cô không nói chuyện với anh nữa.

Sau khoảng vài ngày, Hoàng cảm thấy anh không thể thông cảm cho My nữa. Anh mệt mỏi trước phản ứng thái quá của My khi mọi việc không thể hoàn hảo như ý cô muốn. Anh sợ hãi lăng kính hồng mà cô cố thuyết phục anh đeo vào. Cuộc đời chưa bao giờ màu hồng với Hoàng. Và anh đang trầy trật trong từng ngày dài, để mặc cho con người mình, nhựa sống của mình rơi mãi xuống một hẻm vực khô cằn, chỉ để góp nhặt được một vài đồng tiền sinh sống. My thì khác, cô đã có gia đình khá giả của mình hậu thuẫn, và cuộc sống cô đầy ắp những cánh cửa mở rộng mà bao nhiêu kẻ như anh thèm khát.

My không phải đạp xe chín cây số mỗi ngày để đi học, đi dạy thêm và mỗi đêm ngủ không quá bốn tiếng để viết lách và dịch thuật. My không phải tập quen dần với việc bỏ bữa và cắn bánh mì thay cơm. My không phải sống trong áp lực giữ một học bạ tốt để ráo riết tìm học bổng. Tất cả không phải cuộc đời của My, mà là anh, người My vẫn tìm đến và than thở rằng: “Áp lực cuộc sống ở đây làm em thấy nặng nề quá anh ạ”.

Tại sao My có thể đưa ra một phép so sánh khập khiễng như thế? Tại sao My có thể cho rằng cô thật sự hiểu những cơ cực mà anh đang trải qua?

Tất cả đã rơi khỏi tầm kiểm soát.

o O o



Một tuần lễ sau khi truyện ngắn của Hoàng được đăng báo, My nghĩ cô và Hoàng cần một cuộc nói chuyện thật sự. Nhưng cô không thể thực hiện trọn vẹn cuộc gọi; cô cứ bấm được nửa dãy số và tắt máy. My thấy khoảng cách giữa họ bấy giờ thật là trớ trêu. Chỉ một năm trước thôi, mọi thứ đã hoàn toàn khác biệt. Anh và cô đã từng là những đứa trẻ mơ mộng, hạnh phúc, đầy tin tưởng vào tương lai, đã từng chia sẻ với nhau biết bao dự định khi cả hai tròn mười tám tuổi về một cuộc sống tự do và tự lập. Anh sẽ vừa đi học, vừa làm việc, sẽ viết lách và sáng tác, sẽ trở thành một chỗ dựa cho gia đình. Cô sẽ sống tốt ở xứ sở mới, sẽ ráo riết tìm thêm học bổng, nghiên cứu và tìm hiểu những mảng màu khác nhau của một thế giới đa sắc. Những ước mơ tràn trề và vô ưu.

Nhưng thực tại của cô lẫn anh, của tuổi mười tám đang trượt qua vai cả hai, là những con đường mờ mịt. Là những hoài bão đã phôi phai. Là sự ráo cạn một niềm thông cảm. Cuộc đời và tuổi trẻ đã đẩy anh và cô vào một guồng quay bất định. Anh kiệt sức đuổi chạy với nó, cô bất lực để mặc nó đưa mình đi. Đó là điều cô đã không ngờ tới, rằng hai vòng quay ấy đang đẩy anh với cô đi tới những con đường rất xa, và cả những lựa chọn cô không ngờ sẽ có một ngày mình phải quyết.

My không thể lý giải hết vì sao cô giận Hoàng như thế. Cô cũng không cần anh phải hiểu cặn kẽ ngọn nguồn. Rằng cuộc sống cô không phải là một chân trời hồng lý tưởng như anh đã chăm chăm khẳng định. Rằng cô đang trải qua từng ngày dài với một nỗi hãi sợ u ám. Cô không thể giãi bày với anh, vì anh mãi mãi là một người nằm ngoài thế giới này. Vì cuộc sống này, những mệt mỏi, áp lực và nỗi cô độc chết người này thuộc về riêng cô. Vì nỗi tha thiết cố nắm giữ từng giọt tuổi trẻ trôi miệt mài qua kẽ tay là của riêng cô. Tại sao anh có thể cho rằng chỉ có nỗi vất vả của anh mới được gọi là đau khổ? Tại sao anh có thể đồng hóa cô với hình ảnh một con búp bê trong tủ kính?

Tại sao?

o O o



Chuông điện thoại reo vang lúc nửa đêm, đánh vỡ không gian trầm dịu của một ngày thư thả hiếm hoi. Tín hiệu nhói lên trong đầu Hoàng: có một bài viết đang cần chỉnh sửa chăng? Nhưng thay cho tiếng nói quen thuộc của chị chủ bút, giọng nữ ở đầu dây bên kia thật xa xôi. Hoàng mất vài giây để nhận ra đó là My.

“Anh vẫn đang thức phải không?”, My dè dặt.

“Ừm”.

Đầu dây bên kia im lặng. Hoàng cũng im lặng. Anh không biết phải nói gì với My. Anh cũng không biết từ bao giờ, khi nghe tiếng chuông điện thoại, anh đã không còn nghĩ đến My đầu tiên nữa.

Một phút, hai phút, ba phút... Không ai có đủ can đảm để bắt đầu, hay đơn giản là chấm dứt cuộc gọi. Anh và cô vẫn giữ chặt lấy chiếc điện thoại, căng thẳng chờ đợi tín hiệu từ đối phương. Nhưng đáp lại chỉ có tiếng thở và tiếng xao động của gió đêm tràn qua khe cửa. Hoàng bỗng tự hỏi cái gì đang chờ đợi anh, chờ đợi cô đằng sau cú điện thoại này? Cái gì sẽ tới vào ngày mai của cả hai? Anh biết rồi sẽ chẳng có gì khác biệt. Chỉ có điều, sao anh có thể chấp nhận để mọi thứ tự xoay chuyển mà không tự hỏi, vì đâu mà bây giờ, anh và cô đã thành hai kẻ xa lạ như thế này?

Con đường nào đã đưa anh đến với cô, và con đường nào đã ngăn cách anh và cô, anh không thể nào biết được. Anh trốn tránh nó, đẩy nó vào nhóm quy luật bất biến của cuộc đời. Anh chưa bao giờ bận tâm rằng sự bình thản của anh trước những xa cách này đã hoàn toàn đối lập với con người anh của một năm trước đây.

Hoàng như rơi vào một cõi u mê nào đó, lòng anh đầy ắp những câu hỏi. Chúng tự nảy sinh và tan biến, chưa kịp chờ một hồi đáp. Đây là anh, kia là cô. Tự bao giờ mà anh và cô đã không còn tin vào nhau? Tự bao giờ mà anh và cô đã không còn khoan dung, thứ tha cho nhau được? Tự bao giờ mà anh và cô đã quá xa xôi và không thể hiểu người kia được nữa?

Chiếc điện thoại vẫn im lặng trong tay Hoàng. Anh muốn nói một điều gì nhưng không sao cất thành lời. Bỗng dưng anh chợt nghĩ, những câu hỏi trong đầu anh rồi sẽ được viết thành một bài báo hoàn chỉnh. Một bài viết hay và một khoản nhuận bút vừa phải...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

         Sáng Giáng sinh

                                                               Truyện của FRANK O’CONNOR ( Ireland )



                                                                                Tác giả Frank O’ Connor, tên thật là     
                                                                               Michael O’ Donovan, sinh năm 1903 ở Cork,
                                                                                   Ireland. Ông chuyên viết kịch, nhưng
                                                                           lại nổi tiếng về những truyện ngắn nhẹ nhàng
                                                                                       nhưng sâu sắc, phản ánh tư tưởng
                                                                                 Ireland trong lĩnh vực giáo dục. Những  
                                                                                     truyện ngắn tiêu biểu của ông là :
                                                                                    Christmas Morning, The Early Child…
                                                                                                      Ông mất năm 1966.


       Tôi không sao ưa được thằng Sonny, em trai tôi. Ngay từ lúc còn bé tí, nó cứ như một con chó con, luôn sục tìm Mẹ để mách với Mẹ những lỗi lầm mà tôi mắc phải ; mà tôi thì, bạn biết đấy, không lỗi này cũng lầm nọ, cứ như cơm bữa ấy. Cho đến năm lên chín, lên mười, tôi học hành vẫn còn lẹt đẹt ; và tôi thật sự tin rằng, điều làm tôi cay cú nhất, đó là việc thằng bé tỏ ra khá thông minh ; dường như nó biết rõ kỳ vọng của Mẹ, và nó cố tập đánh vần để lấy lòng Mẹ.
       Chẳng hạn, khi có dịp nó sẽ nói : ‘ Mẹ  ơi, con gọi  anh Larry vào  ăn cờ-ơ-cơ-mờ-cơm nhé!”, hoặc giả : “ Mẹ ơi, cái nờ-ô-nô-i-nôi-huyền - nồi đang sôi kìa!”. Dĩ nhiên, khi nào đánh vần sai, Mẹ sẽ chỉ cho nó sửa lại ; lần sau, gặp lại từ đó, nó đánh vần trơn tru, như thể nó chưa từng biết thế nào là đánh vần sai vậy; sau đó, thế nào nó cũng hỏi : “ Mẹ ơi, con đánh vần giỏi không hả Mẹ?”…Giỏi cái mốc xì; được chỉ vẽ như vậy, ai mà chả giỏi !
      Còn tôi, tôi không đần đâu nhé! Còn khuya à! Tôi vốn hiếu động, không thể chú tâm vào việc gì lâu được. Giá như phải học lại bài vở của năm ngoái, hoặc học trước bài vở cho năm sau, may ra tôi còn học được, chứ bài vở năm nào phải học trong năm ấy thì tôi chịu, không tài nào nuốt trôi được! Tối tối, tôi thường đi chơi với bọn Dohertys – xin nhắc lại, tôi không phải là đứa cứng đầu-, nhưng tôi thích vui nhộn; và thực tình mà nói, tôi không sao hiểu nổi giáo dục thì có cái quái gì là hấp dẫn mà Mẹ cứ phải chăm chăm vào đó cơ chứ?
      Cứ hở ra là Mẹ lại giận, lại gay gắt : ‘Con vào học xong đi rồi hãng chơi, không được sao?...Em con đó; nó đọc còn trôi chảy hơn con nhiều; con không biết mắc cỡ à!”. Mẹ làm như không muốn hiểu là chuyện đó chẳng có gì đáng mắc cỡ cả; đối với tôi, đọc thông viết thạo đâu phải là việc duy nhất đáng tự hào…Nhưng…sao Mẹ lại có thể đem thằng thộn Sonny ra để so sánh với tôi cơ chứ!
     Mẹ rầu rĩ:
     - Có trời mới biết được rồi sẽ ra sao…Có chăm chỉ học hành, may ra mới nên người được…Như bác sỹ , kỹ sư, hay công chức chẳng hạn…
     - Lớn lên con sẽ làm công chức Mẹ ạ!- Thằng Sonny láu táu.
     - Cạo giấy ai mà thèm! – tôi kê tủ đứng vào họng nó; - Tao ấy à? Tao chỉ khoái đi lính thôi!
      Mẹ chán nản :
      - Lạy chúa!...Con chỉ giỏi trò miệng lưỡi!...
      Ngay lúc đó, tôi không hiểu là Mẹ nói chưa hết lời. Dường như Mẹ còn mong mỏi ở tôi một điều gì đó…
      Càng gần đến dịp giáng sinh, ngày càng ngắn hơn và người ta đổ xô nhau đi mua sắm đông hơn. Tôi bắt đầu mơ tưởng đến những món quà mà  Ông già Noel sẽ đem đến cho tôi. Bọn Dohertys thường nói : “Làm gì có Ông già Noel; chỉ có bố Mẹ mình mới là người mua quà cho mình thôi!”, nhưng anh em nhà Dohertys là những đứa ngang ngạnh, làm gì có diễm phúc được Ông già Noel để mắt tới; tụi nó mà biết quái gì….Tôi cố tìm cách chứng thực là có Ông già Noel, nhưng cũng không mấy kết quả. Tôi không ưa bút mực, nhưng nếu một lá thư có thể đem lại chuyện gì tốt lành, tôi sẵn sàng viết cho ông ấy ngay. Có khối chuyện để viết; và tôi cũng biết cách viết thế nào cho thật khôn khéo , thật tế nhị…
     Mẹ tỏ ra lo lắng: “…Không biết năm nay ông ấy có tới không nữa đây; ông ấy còn phải chăm lo cho những đứa trẻ ngoan, chăm chỉ học hành, không mải ham chơi…”
     - Ông ấy chỉ đến tặng quà cho những đứa biết đánh vần giỏi thôi, phải không Mẹ?- Sonny hỏi.
     Vậy là ổn. Tôi đã hết sức cố gắng. Thực đấy, thề có chúa ! Nếu như trước hôm nghỉ lễ bốn ngày, thầy Flogger Dawley đã ra một số bài toán mà chúng tôi làm không nổi, tôi và Peter Doherty đã phải trốn học, thì đó đâu phải là lỗi của tôi ! Thực tình mà nói, tôi đâu muốn trốn học; vào tháng Chạp, trời hay đổ mưa bất thần, và chúng tôi đã phải trú mưa suốt buổi trong một nhà kho ngoài bến cảng. Lỗi lầm duy nhất mà chúng tôi mắc phải , đó là chúng tôi cứ tưởng phải đến sau lễ, thầy mới cho làm bài kiểm tra…Không biết nhìn xa , tai hại thật đấy !
     Tất nhiên là thầy Flogger đã viết thư về nhà báo tin tôi trốn học. Mãi đến lúc trời sụp tối, khi tôi về đến nhà, Mẹ đã nhìn tôi với ánh mắt suốt đời tôi không sao quên được, rồi bảo : “ Vào ăn cơm đi!”. Mẹ chán ngán, không nói thêm một lời. Thấy tôi có ý định phân trần, Mẹ xua tay : “Con không cần nói một lời nào cả!”. Tôi hiểu ngay là Mẹ không muốn nghe những lời dối trá về chuyện tôi trốn học; nhưng điều tôi không thể hiểu được là làm thế nào để có thể trốn học mà không phải nói dối cơ chứ! Suốt hai ngày sau đó, Mẹ chẳng thèm ngó ngàng gì đến tôi. Cho tới lúc đó, tôi cũng vẫn chịu, không sao hiểu nổi giáo dục thì có cái gì đáng để Mẹ phải quan tâm đến như vậy, và tại sao Mẹ laị không để cho tôi lớn lên một cách tự nhiên?
    Không khí đã u ám, thằng ranh Sonny lại còn giở quẻ, khiến càng thêm nặng nề. Đứng bắt chéo chân trước cửa, thọc tay vào túi quần, nó làm ra bộ dạng của Bố, hét toáng lên đến nỗi tít tận ngoài đường người ta cũng có thể nghe thấy :
   - Lary, không được đi chơi. Anh trốn học đi chơi với thằng Peter Doherty. Mẹ không thèm nói chuyện với anh đâu !
    Tối đến, khi đi ngủ nó laị bới chuyện :
     - Năm nay, Ông già Noel không cho quà anh đâu nhé ! Cho mà biết !
     - Sức mấy …-tôi làm tỉnh.
     - Anh mà biết quái gì !
     - Chớ mắc mớ gì ông ấy lại không cho tao?
     - Anh trốn học này nhé, đi chơi với bọn Dohertys nhé…Em thì em chả thèm chơi với bọn Dohertys đâu!
     - Tụi nó mà thèm chơi với mày ấy à?
 - Em không thèm thì có; ai mà thèm chơi với bọn trời đánh ấy…Thế nào rồi cũng có ngày…
   Tôi vớt vát :
   - Sức mấy mà Ông già Noel biết chuyện tao với thằng Peter trốn học !
   - Sức mấy mà không biết ! Mẹ sẽ nói cho ông ấy biết.
   - Sức mấy mà Mẹ nói được! Ông ấy ở tận Bắc Cực chứ bộ!... Với lại, Mẹ không con nít như mày đâu, nhãi nhép à!
   - Em mà nhãi nhép à. Em đánh vần còn giỏi hơn anh nữa cơ đấy! Để rồi coi; Ông già Noel chả cho anh cái  quái gì đâu mà mong !
  - Ừm, để rồi coi ông ấy có cho hay không rồi biết. Tôi làm ra vẻ dửng dưng, không thèm chấp cái thằng ranh con ấy.
   Nhưng thật tình mà nói, thằng ranh ấy đã làm tôi lo lắng. Ai mà dám chắc những bặc cao siêu như Ông già Noel lại không biết rõ những lỗi lầm chúng ta đã gây ra…Tuy nhiên, trong việc tôi trốn học, cái làm tôi lo lắng hơn cả là vẻ lạnh nhạt của Mẹ…
   Chính trong đêm đó, tôi đã đi đến quyết định là phải thổ lộ tất cả với Ông già Noel. Là đàn ông với nhau, hẳn ông ấy sẽ hiểu. … ( Còn nữa )
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

       SÁNG GIÁNG SINH      (Tiếptheo )



     ….hẳn ông ấy sẽ hiểu. Mấy ngày nay, tôi đã tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép. Khi một ông cụ trên đường North Mall cho tôi một penny (*), tôi đã cúi chào cám ơn. Giả dụ gặp ông già Noel, tôi cũng sẽ cúi chào như vậy; hẳn ông ấy sẽ cho tôi một món gì đó đáng giá hơn. Tôi thèm một bộ đồ chơi xe lửa kiểu mới, bộ Rồng - Rắn; thèm đến chết đi được!.

         Thế là tôi tập thức; bằng cách đếm tới 500, rồi đến 1000, tôi cố chờ nghe tiếng đổ 11, rồi 12 tiếng. Tôi linh cảm một cách chắc chắn là vào khoảng nửa đêm, từ phương bắc Ông già Noel sẽ đi vòng qua đây, xuống tận Nam Cực để sắp xếp công việc của ông. Đã bảo tôi là người biết nhìn xa mà! Nhưng, tai hại chính ở chỗ tôi đã nhìn quá xa…

         Mải mê với những toan tính của mình, tôi lơ là với việc chia sẻ những vất vả, nhọc nhằn của Mẹ. Trước đây, tôi và Sonny thường theo Mẹ đi chợ; và trong khi Mẹ bận mua sắm, chúng tôi thường chúi mũi vào các tủ kính của các cửa hiệu ở phố Chính Bắc, bàn tán về những món mà chúng tôi muốn nhận được vào đêm Giáng sinh.

         Trước Giáng sinh một ngày , khi đi làm về, Bố đưa cho Mẹ tiền chợ. Nhìn sững vào món tiền đó, Mẹ rơm rớm nước mắt.

         Bố giận:
         - Sao? Chưa đủ à?
         Mẹ sụt sịt :
         - Không thiếu; nhưng mai đã là Giáng sinh rồi!...
         Bố thọc tay vào túi quần, giữ chặt, giọng bực tức:
         - Bộ em tưởng vào Giáng sinh người ta trả thêm lương à?
         Mẹ chua xót :
         - …Không đèn, không bánh…Trong nhà hết sạch rồi!...
         Bố quát:
         - Cô có im đi không nào!... Đèn…Bánh…Bao nhiêu?
         Mẹ nức nở:
         - Anh vừa đưa tiền, vừa quát trước mặt các con…vậy mà coi được à! Mỗi năm chỉ có một ngày, nỡ nào để các con thiếu thốn…
         - Quỷ tha ma bắt mẹ con em đi! Anh làm quần quật cả năm, còn em thì quẳng tiền vào ba cái trò chơi vớ vẩn ấy!
         Vừa nói Bố vừa dằn hai đồng nửa crown (*) lên bàn:
         - Đây , cầm lấy! Bấy nhiêu thôi đấy!
         Mẹ cay đắng:
         - Anh phủi tay được rồi đấy!

         Lát sau Mẹ đi chợ, nhưng không dẫn chúng tôi theo. Khi về Mẹ mang về một lô một lốc những gói to, gói nhỏ; có cả đền nến để thắp vào đêm Giáng sinh nữa…

         Ăn xong, Mẹ đặt Sonny lên một chiếc ghế cao cho nó thắp nến. Trong ánh sáng lung linh, Mẹ lâm râm cầu nguyện: “Cầu Chúa lòng lành soi sáng tâm hồn chúng con…”. Mẹ có vẻ buồn vì Bố chưa về; một mình Mẹ phải quán xuyến mọi việc…Cho đến lúc chúng tôi mang những chiếc vớ lên thành giường, Bố vẫn chưa về.

         Thời gian lặng lẽ trôi. Tôi buồn ngủ díp mắt, nhưng lại sợ lỡ mất dịp xin Ông già Noel đoàn tàu. Cố chong mắt lên, tôi nhẩm lại những điều sẽ nói với ông, khi ông ấy tới. Phải nói sao cho thật chân thành; mấy cụ già thường thích những đứa trẻ nói năng lưu loát và lễ phép. Cũng có người thích những đứa khôn khéo…Khi đã sắp đặt xong đâu đấy, tôi lay thằng Sonny dậy để nó cùng thức với tôi, nhưng thằng bé ngủ say như chết.

         Chuông đồng hồ gõ 11 tiếng. Có tiếng kẹt cửa, nhưng đó là Bố mới về.
         - Ơ…em! Bố ngạc nhiên khi thấy Mẹ vẫn còn thức đợi. Em thức làm gì khuya quá vậy?
         Mẹ nói , giọng khô khốc:
         - Em dọn cơm cho anh…
         Bố ngăn lại:
         - Thôi , thôi…Anh ăn rồi; lúc về, anh ghé nhà chú Daneen ăn một miếng thịt nọng rồi; anh thèm thịt nọng quá!...Mà này, khuya rồi ấy nhỉ?- Bố xuýt xoa - Phải chi còn sớm anh sẽ đi nhà thờ North Chapel dự lễ nửa đêm; anh thèm nghe bản thánh ca Adeste quá; bài hát hay thật đấy!
         Bố cất cao giọng:
           Adeste Fideles
               Solus damus dagus

         Dù chẳng hiểu gì về lời hát, Bố lại rất thích những bài thánh ca bằng tiếng La Tinh, nhất là khi đã có chút rượu vào, Bố vừa đi vừa hát, làm Mẹ bực mình: “Anh nhạo em đó hả”- Mẹ nói giọng bực bội, rồi vùng vằng bước vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Bố phá lên cười, như thể đó là chuyện buồn cười lắm. Ông nhồi thuốc vào ống điếu, châm lửa rít lên sòng sọc. Khi tẩu thuốc đã tàn, ông lại se sẽ hát:
         Dixe medearo
             Tunum tonum tantum
              Venite adoremus

          
           Giọng của Bố chua loét nhưng cũng đủ làm lòng tôi chùng xuống; tôi thả hồn chìm sâu vào giấc ngủ muộn…
         Gần sáng, tôi chợt thức với linh cảm có chuyện gì đó không hay đã xảy ra. Cả nhà còn ngủ yên, phòng ngủ còn tối hù. Liếc qua cửa sổ, tôi thấy trời chỉ vừa bắt đầu đâm mây ngang. Tôi nhảy xuống giường , rờ vào chiếc vớ của tôi xem điều tồi tệ gì đã xảy ra. Ông già Noel đã đến khi tôi đang ngủ say, và đã ra đi với những ấn tượng không hay về tôi; ông ấy chỉ cho tôi một vài thứ, đại loại như sách, bút,bút chì, vài viên kẹo! Rắn - Rồng – xe lửa - đường ray đâu chẳng thấy! Trong một thoáng, tôi chết lặng. Ai mà tin được, Ông già Noel - một người có thể bay được trên trời, chui vào nhà qua đường ống khói, không một tiếng động - lại không hiểu được lòng tôi!.

         Bất chợt, tôi đảo mắt nhìn chiếc vớ của Sonny…Thằng ranh này được cái gì nhỉ? Không cưỡng được, tôi rón rén bước đến bên giường nó, sừ vào chiếc vớ. Cũng chẳng hơn gì tôi; ngoài mấy viên kẹo, cái mà ông già Noel dành cho nó chỉ là một khẩu súng hơi, loại súng bắn ra cái nút chai cột ở đầu sợi dây, giá đâu khoảng 6 pence (*)…
         …Nhưng dù sao , đó cũng là một khẩu súng. Một khẩu súng còn chơi được , chứ sách thì…Bọn Doherty thường phải đánh nhau với bọn nhóc khu Strawberry
, hà  phải biết! Còn thằng Sonny, nó biết làm gì với khẩu súng nhỉ? Nó có thèm chơi với bọn Doherty đâu!...

         Óc tôi loé lên ý tưởng, sao mình không đổi quyển sách lấy khẩu súng nhỉ? Sonny có bao giờ tham gia vào các trò chơi của bọn tôi đâu! Nó chỉ khoái chúi đầu vào học đánh vần; với một đứa như nó, một quyển sách hay hơn nhiều…Cũng như tôi, nó có gặp Ông già Noel đâu mà biết…Mà tôi có ăn gian ai đâu cơ chứ! Tôi chịu thiệt thì có! Biết được chuyện này, hẳn Sonny còn phải cảm ơn tôi…Tôi là vậy đấy; thiệt một tý cũng chả sao!

         Đặt quyển sách, cây bút chì, và cả cây bút mực nữa, vào vớ của Sonny; lấy khẩu súng hơi bỏ vào vớ của tôi; xong, thở ra một hơi nhẹ nhõm, tôi leo lên giường ngủ tiếp.

         Chính Sonny đã đánh thức tôi dậy. Vừa lay, nó vừa cho tôi hay Ông già Noel đã đến và và đã cho tôi một khẩu súng. Tôi vờ ngạc nhiên, thậm chí còn tỏ ra thất vọng. Để đánh lạc hướng chú ý của Sonny, tôi bảo nó cho tôi xem những món quà của nó, rồi làm bộ chúi mũi vào quyển sách hình…

         Đúng như tôi đã dự đoán, Sonny là đứa cả tin. Chẳng chút nghi ngờ, nó đem mấy món quà vào khoe với Bố Mẹ. Đối với tôi, đây mới chính là lúc gay go nhất. Tôi biết, sau vụ tôi trốn học, Mẹ không còn tin tôi nữa. Tự trấn an mình bằng cái  ý nghĩ cho rằng người duy nhất biết được chuyện tôi tráo quà đang ở tít tận Bắc Cực xa xôi, lấy hết can đảm, tôi cùng Sonny ùa vào phòng của Bố Mẹ, hét toáng lên :
         - Bố Mẹ dậy mà xem này, xem Ông già Noel cho tụi con cái gì này!
         Bố mẹ đã thức. Mẹ mỉm cười, nhưng ánh mắt bỗng nhiên đanh lại, nhìn xoáy vào tôi. Ánh mắt đó, tôi quá hiểu; nó giống hệt ánh mắt Mẹ nhìn tôi lúc tôi trở về nhà sau bữa trốn học…
         Mẹ dằn giọng:
         - Larry, con lấy đâu ra khẩu súng đó vậy?
         Dù trong bụng đang đánh lô lô, tôi cố làm mặt tỉnh:
         - Ở trong vớ của con đấy mẹ ạ. Ông già Noel cho con đấy!
         Mẹ nói gằn từng tiếng, giọng khô đi vì giận:
         - Con đã lấy cắp nó từ trong vớ của em con trong lúc nó đang ngủ…Larry, con làm vậy mà coi được à?
         Bố can:
         - Thôi nào, thôi nào…, hôm nay là Giáng sinh mà!...
         Mẹ gắt:
         - Anh xuề xoà quá đấy! Bộ anh tưởng em có thể để cho con mình trở thành một tên ăn cắp, một thằng nói dối được à?
         Bố nổi cáu:
         - Cái gì mà ăn cắp? Em giữ mồm giữ miệng với chứ!
         Dư vị của bữa ăn tối qua ở nhà chú Daneen làm Bố dịu lại; đặt mấy tờ bạc giấy xuống bàn Bố bảo:
         - Này Larry, cho con và Sonny mỗi đứa 6 pence…Không được để mất đấy!

         Tôi nhìn sâu vào mắt Mẹ, rồi bật khóc. Quẳng khẩu súng xuống sàn tôi chạy vọt ra ngoài đường, lúc ấy còn vắng hoe…Ngã lăn xuống đám cỏ xanh còn ướt hơi sương, tôi ôm mặt nức nở…Tôi đã hiểu ra, và điều đó quá sức chụi đựng của tôi . Đúng như tụi Dohertys đã nói, chẳng có ai là Ông già Noel cả. Chỉ có Bố, Bố xuề xoà, hời hợt; chỉ có Mẹ, Mẹ dè xẻn từng xu tiền chợ…Mẹ đã đặt biết bao hy vọng vào tôi…Trong mắt Mẹ , tôi nhìn thấy nỗi lo, lo cho tôi sa vào vết chân của Bố…

                                                                                     LÊ VY  dịch
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mang vớ cho buổi chiều

* TRỊNH SƠN



Trúc chìa bàn tay ra. Năm ngón tay nhỏ nhắn rơi vào khoảng không trước mặt. Người đàn ông ngồi đối diện đang rất cần một cái gì để níu vào, bám vào, vịn vào nhưng anh ta lại dửng dưng với bàn tay Trúc. Hoặc anh ta có nắm lấy - chỉ bằng một ánh mắt - rồi quay đi tức khắc. Trúc nghĩ năm ngón tay mình rất đẹp, ít nhất là cho tới lúc này. Bao nhiêu người đã theo đuổi chỉ để được một cái nắm tay của Trúc thôi.

Người đàn ông mắt một mí, nhỏ và cạn. Bình thường, thể nào Trúc cũng thầm thì như một cách ghi nhớ để nhận dạng một con người trước mình rằng ti hí mắt lươn. Nhưng ngay lúc này đây, mắt anh ta bỗng trở nên sâu hoắm, một quầng tối hằn rõ như bờ, Trúc thấy vạt tóc mỏng mượt của mình in trong cái vũng ấy. Mà không chỉ có tóc, còn có một đôi mắt lóng lánh tròn, còn có nét mũi dọc dừa bướng bỉnh, còn có làn môi mong mỏng đỏ. Tất cả là của Trúc.

Chắc chắn là của Trúc. Nhưng anh ta vẫn yên lặng, không phản ứng gì. Nỗi hụt hẫng xen kẽ xấu hổ bắt Trúc nghĩ rằng mình là người có lỗi. Áy náy là một cảm giác không dễ chịu lắm. Cho đã khó, cho mà không được chấp nhận càng khổ sở hơn.

Trúc không thể nào rụt tay lại.

Người đàn ông đứng dậy.

- Cảm ơn bàn tay em. Xin lỗi. Tôi về.

Anh ta về thật. Cánh cửa mở ra và khép lại chưa tới nửa phút. Thời gian chỉ vừa một cái quay lưng cũng đủ để Trúc thấy một vệt nắng cuối mùa lem trên nền nhà rồi tắt ngấm. Cái quạt gió cần mẫn rin rít làm phận sự. Thứ bảy. Chuông đồng hồ gọn lên keng một tiếng.

Trúc co chân trên ghế xoay. Một sự trống rỗng ghê gớm đang cố làm đầy căn phòng.

- Alô. Văn phòng tư vấn sức khỏe Thanh Trúc đây. Xin lỗi vì tôi không thể tham dự buổi hội thảo chiều nay được. Rất xin lỗi.

Buông điện thoại, Trúc với tay mở ngăn kéo, đôi vớ tay nằm ngay ngắn trong hộp. Đôi vớ mỏng màu da người trải suông trên mặt bàn, như hai cánh tay bị ép khô. Đôi vớ có lẽ đắt tiền, Trúc xỏ tay vào, vừa vặn và dễ chịu. Trúc úp ngửa hai bàn tay mang vớ để ngắm nghía, lại sờ từng ngón tay mang vớ trên da mặt.  Người đàn ông chắc đã tốn không ít thời gian để chọn mua món quà này, không biết anh ta thử bằng cách nào nhỉ?

Tắt đèn, vén lại mái tóc bằng bàn tay mang vớ, Trúc bước ra ngoài. Đường phố hừng hực bốc hơi. Nắng chát chúa trượt trên nón bảo hiểm đủ loại, dội vào kính chiếu hậu rồi xối lên mặt nhựa. Sài Gòn nắng căng chiều.

Vừa kịp một chiếc xe buýt trờ tới. Trúc tìm được chỗ ngồi khoảng giữa xe. Ngó quanh, thấy chậm chạp nhiều bức tượng biết cử động. Tượng gục đầu vào báo. Tượng chìm sâu trong nhạc. Tượng há mồm ngáy. Tượng lảm nhảm tay ghì điện thoại. Tượng ngó lơ ngoài trời... Hồi còn đi học, Trúc rất ngại phải đi xe buýt chen lấn, ồn ào, chật chội, bơ phờ. Nhưng từ khi mua được xe riêng rồi, Trúc lại thích đi xe buýt. Có những buổi chiều quá mệt mỏi, Trúc bước lên xe buýt, thõng tay ngồi yên nghe thành phố rượt đuổi với mình.

Ở trạm dừng kế tiếp, có thêm hai người khách bước lên. Một phụ nữ và một bé gái chừng bảy, tám tuổi. Bé gái tóc cụt ngủn, da đen nhẻm, hai hàng lông mày cong cớn trên đôi mắt tròn ướt. Người phụ nữ ghé ngồi vào chiếc ghế trống đối diện Trúc, hai tay ôm rịt cái giỏ xách cũ kỹ trên đùi. Bé gái bám tay vào thành ghế cho khỏi ngã.

- Đi tìm chỗ ngồi đi con, rồi ngủ chút. Dì mệt lắm rồi.

Bé gái đứng loay hoay, ngó nghiêng. Trúc gọi:

- Lại đây ngồi với cô nè. Con đi tới đâu?

- Trại cô nhi Bình An - bé gái đáp gọn lỏn.

- Con thăm ai ở đó à?

- Không. Ở đó.

- Cô cũng đang đi tới đó nè. Mình chung đường rồi.

- Cô cũng muốn ở đó sao? - bé gái ngước hỏi.

Trúc cười:

- Con ngủ đi. Tới, cô gọi.

Bé gái ngủ nhanh, đầu dựa hẳn qua cánh tay Trúc, thở đều đều ngon lành. Trúc ngồi im không dám nhúc nhích, nghe mớ tóc hoe hoe vàng của nó nhột nhạt qua áo. Một bàn tay nó bỏ thõng qua đùi Trúc, năm ngón tay nhỏ xíu, cáu bẩn.

Rời xe buýt, đi bộ theo con hẻm đất đỏ nhỏ khoảng ba trăm mét thì tới. Ông già gác cổng sang sảng cười đón Trúc.

- Chà. Mấy đứa nhỏ ở trỏng mừng lắm đây. Bữa giờ tụi nó nhắc cô hoài à. Ủa, còn con bé này, con Ly phải không? Sao lại đi chung với cô Trúc hả? Hơn nửa năm trước nội nó lãnh về nuôi rồi mà!

Trúc không kịp nói. Người phụ nữ dúi giỏ đồ vào vòng tay mảnh khảnh bé gái.

- Vô với mấy bạn đi con. Dì xin lỗi.

Rồi lại quay qua Trúc, người phụ nữ như phân trần:

- Nhờ cô chăm sóc cháu. Thiệt, tôi cũng hết cách rồi. Ba nó mới chết tháng trước. Nội nó già cả không lo nổi.

Người phụ nữ nói gấp và quay lưng cũng gấp. Có thể người ta có đủ lý do để không nán lại với nhau thêm một giây nào nữa.

Trại cô nhi Bình An, quen gọi thế, chứ  thật ra từ hơn ba năm nay đây là nơi tiếp nhận chăm nuôi trẻ em có HIV.

Bọn trẻ quây quần quanh Trúc, không còn vẻ e dè sợ sệt như lần đầu tiên Trúc tới đây nửa năm trước. Đứa bá cổ, đứa quàng vai, đứa chui tọt vào lòng - đứa nào cũng muốn được cọ da thịt mình vào Trúc.

- Bé Na, cu Bin đâu rồi? - Trúc ngó quanh tìm.

Một giọng con nít ong óng:

- Na lên thiên đàng hôm thứ hai rồi. Bữa sau thì Bin đi theo luôn. Mấy viên kẹo hình ngôi sao lần trước cô cho hai đứa ăn chưa hết, vẫn còn.

Trúc quệt mắt vội. Thằng Ti ốm tong vừa chạy vừa thở từ ngoài cửa vào.

- Cô tiên ơi, ôm con đi, cô tiên ơi!

Ti mới 4 tuổi. Khắp mình mẩy nó loang lổ đậm nhạt thuốc đỏ thuốc tím.

- Có đau lắm không Ti?

- Chút xíu thôi. Hôm qua, chú Hoàng nói làm người phải biết đau. Con đau ít quá, có làm người được không cô?

Trúc bối rối trước đôi mắt ngây thơ con trẻ. Hoàng chính là người đàn ông mấy tiếng đồng hồ trước bước ra từ cửa phòng Trúc. Họ đã quen nhau tại nơi này ngay trong lần đầu tiên Trúc tới đây. Lúc đó, Trúc đang vụng về phát kẹo cho mấy đứa trẻ.

- Sao không thể gần gũi bọn trẻ hơn nữa? Nếu còn e ngại lây bệnh, có thể dùng một đôi vớ tay mà!

Đúng là những vết lở loét lem luốc trên da thịt non nớt của bọn trẻ cứ nhòn nhọn như kẽm gai hàng rào ngăn bàn tay Trúc chạm vào chúng, mặc dù lòng Trúc rất muốn nâng niu ấp ôm chúng.

Hoàng chìa ra một đôi vớ tay - hình như anh ta luôn có sẵn những đôi vớ tay trong túi mình.

- Đừng nghĩ rằng như thế này là kỳ thị hay phân biệt đối xử. Có đôi vớ tay như một vách ngăn, cô sẽ cảm thấy thoải mái hơn, và bọn trẻ cũng vậy. Thẳng thắn đối diện với nỗi sợ hãi còn hơn là quanh quẩn lẩn trốn nó. Tin tôi đi.

Khi vớ đã vừa vặn qua khuỷu tay, tự nhiên Trúc đỏ mặt. Nỗi xấu hổ của lần đầu tiên cảm nhận được sự dậy thì lâu lắc nhiều năm trước tưởng không bao giờ còn gặp lại, bỗng trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ. Trúc nhớ tới hai tấm mút cồm cộm cọ vào vú non mình thuở 13 tuổi. Nỗi xấu hổ kỳ lạ ấy ở lại nhiều ngày sau nữa, dần biến thành sự yếu đuối như là cam chịu và dồn nén trong một niềm khát khao chưa từng có.

Trúc gặp Hoàng thêm nhiều lần nữa, đều là những buổi chiều cuối tuần ở trại Bình An. Lần nào gặp nhau, Hoàng cũng có sẵn cho Trúc một đôi vớ tay mới, mặc dù hình như đôi ba tuần sau lần gặp gỡ đầu tiên, Trúc không còn đeo vớ tay nữa.

Thân nhau. Trúc được biết Hoàng là một người đàn ông giỏi kiếm tiền, đã có vợ đẹp con ngoan, sự nghiệp đàng hoàng. Nghe kể, một năm trước trong một lần quá say, Hoàng lè nhè với vợ rằng mình đã có HIV.  Vợ Hoàng khóc hết một đêm, sáng hôm sau vội vàng đem theo con đi xét nghiệm. Kết quả ngược lại. Ly hôn.

Hoàng vẫn là người đàn ông giỏi kiếm tiền, chu cấp nuôi con tử tế - nhưng không còn những cuộc giải trí ngợp ngụa rượu mạnh gái đẹp nữa. Tất cả thời gian rảnh rỗi Hoàng dành cho mấy mươi đứa trẻ ở trại Bình An này. Tiếp xúc với Hoàng, Trúc thường xuyên bắt gặp mình bối rối - điều hiếm có đối với một chuyên viên tư vấn dày dạn kinh nghiệm như Trúc. Trong suốt buổi chiều nay, Trúc đã mấy lần bối rối vì người đàn ông này rồi.

Xơ Hạnh dắt bé Ly vào. Bé gái sau khi được tắm gội sạch sẽ, tóc tai gọn gàng, chìa hai bàn tay thơm tho về phía Trúc. Xơ Hạnh kéo Trúc ra ngoài:

- Bé Ly không nhiễm, cô Trúc à. Mặc dù cả cha mẹ em đều mất vì Aids cả rồi.

Xơ Hạnh trạc tuổi Trúc, nhưng ánh mắt người nữ tu còn trong trẻo lắm.

- Chúng ta cần chuẩn bị cho Ly một cuộc sống khác hơn ở đây để tránh những ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và sức khỏe của em. Cô Trúc có thể liên lạc và bàn bạc với anh Hoàng để giúp đỡ bé Ly thêm nhé. Chiều qua anh ấy mới ở đây. Trầm ngâm và ít nói. Hình như đang có chuyện buồn.

Tạm biệt trại Bình An và những đứa trẻ, Trúc về. Chuyện phiền muộn của người đàn ông tên Hoàng mà xơ Hạnh nhắc tới, Trúc đã biết rồi. Đầu giờ chiều nay, Hoàng gõ cửa văn phòng Trúc. Trên bàn, ngoài đôi vớ tay màu da người mới tinh còn có một mảnh giấy nhỏ. Trúc đọc được: "Pasteur... Phiếu xét nghiệm... Mã số... HIV: âm tính...". Trúc nhìn Hoàng. Chưa bao giờ người đàn ông quen thuộc với nét mặt hồn hậu vui vẻ ấy lại trở nên u uất như thế.

- Giá như kết quả là ngược lại, tôi đã không phải ăn năn vì phép thử điên rồ của mình. Giá như... Tôi phải làm sao đây?

Câu hỏi của Hoàng ong ong trong tâm trí Trúc. Những đứa trẻ nhảy múa trên tâm hồn Trúc. Hai bàn tay gầy guộc của bé Ly vẫy vẫy trước mắt Trúc. Xe buýt dừng đúng chỗ Trúc đã bước lên lúc đầu nắng chiều. Thứ bảy. Sài Gòn ngả về phía tối. Trúc mở điện thoại. Không tin nhắn. Không cuộc gọi nhỡ.

Trước cửa văn phòng Trúc, có một người đứng lóng ngóng. Một phụ nữ rất sang trọng, đẹp - mắt sáng long lanh.

- Cô là Trúc phải không? - người phụ nữ nói luôn, không đợi câu trả lời - Xin lỗi, tôi là vợ  anh Hoàng. Chính xác là vợ cũ. Tôi chỉ muốn biết có phải vì cô mà anh Hoàng đã cố tình bịa đặt mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ để thoát khỏi tôi? Nếu đúng vậy, quả là thủ đoạn cao tay lắm. Chúc mừng hai người.

Kỳ lạ, Trúc không hề cảm thấy tức giận vì sự xúc phạm vô lý đang nhằm vào mình. Xe cộ vẫn chạy. Trúc quệt đôi vớ tay lau bụi trên má, nhủ thầm:

- Mình đã mang vớ suốt buổi chiều nay ư? Không biết trên cuộc đời này còn có bao nhiêu người như Hoàng? Và bao nhiêu người như người phụ nữ này?
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

QUY ĐỊNH  (Truyện ngắn)


RALFF VINER (Đức)


Tôi rất lấy làm tiếc – Bác thợ trong cửa hiệu cắt tóc nhỏ ở ga đường sắt mỉm cười nói với tôi, - nhưng tôi chỉ có quyền cạo râu cho những hành khách có vé đi tàu.

- Bác có thể linh động một chút được không vì ngoài tôi ra, ở đây có ai nữa đâu.
- Không, thưa ông – bác thợ cắt tóc lịch thiệp nhã nhặn từ chối, - chúng tôi phải theo đúng quy định.

Tôi lặng lặng rời hiệu cắt tóc và tiến về phía ô cửa sổ bán vé.
- Cô làm ơn bán cho tôi một vé đi tàu.
- Ông đi đâu?
- Vé đi đâu cũng được, cái chính là rẻ tiền một chút.
- Ông trêu chọc tôi đấy à? – Cô bán vé nghiêm khắc hỏi và định đóng sập ô cửa trước mặt tôi.
- Không phải đâu, thưa cô, - tôi chân thành thú thật, - chẳng qua là tôi cần cạo râu ở cửa hiệu cắt tóc của nhà ga.
- Tôi hiểu, - cô bán vé mỉm cười nhìn cái cằm tua tủa những râu của tôi rồi đưa tôi một cái vé  80 pflennig đi Rebnits.

Tôi đưa cái vé cho bác thợ cắt tóc.
- Thế nào, bây giờ thì bác cạo râu cho tôi chứ?
- Không , chúng tôi chỉ cắt tóc cạo râu cho những người thực sự ngồi lên tàu đi đâu đó, nhưng ông lại không định đi đâu, như chính ông nói với tôi cách đây năm phút. Rất tiếc là tôi không thể giúp gì được ông, à ông chờ tôi một chút!...

Bác thợ cắt tóc sang phòng bên cạnh và vài phút sau, bác ta quay trở lại :
- Mọi chuyện ổn cả rồi! – bác ta cho biết - Vấn đề của ông đã được giải quyết.
- Cám ơn ! Tôi có thể ngồi vào ghế được rồi chứ ?
- Tất nhiên. Ông hãy ngồi vào ghế đúng chỗ của ông trên tàu để đáp tới Rebnits. Tôi vừa nói qua điện thoại với anh thợ cắt tóc ở ga đó. Anh ta vui vẻ đồng ý cạo râu cho ông. Chỉ có điều ông đừng quên giữ cái vé cho đến tận Rebnits, vì đó là quy định…

(ST)
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

CHUYỆN TỜ GIẤY BẠC MỘT ĐỒNG


CỔ HOÀI THANH (Trung Quốc)


 
Một hôm tôi tham dự một pha quay phim do trường quay điện ảnh tổ chức. Nội dung đoạn phim là trong người tôi không mang theo tiền, nhưng lại phải lên được xe buýt với giá vé một đồng. Theo đạo diễn, tôi phải đứng trước xin tiền, người quay phim đứng sau tôi, dùng ống kính têlê theo tình tiết mà quay, cốt sao ghi lại được đủ loại hình ảnh mà tôi gặp phải.

Tôi đến bến xe công cộng, do dự mãi mới cổ vũ được dũng khí nói với bà chị đứng cuối : “Thưa chị! Em bị kẻ cắp móc mất túi tiền, chị có thể cho em một đồng để em đi xe công cộng về nhà được không ạ?”

Chị gái này chẳng thèm ngẩng đầu nói: “Lạ gì trò của chúng mày, kiểu kiếm ăn như mày tao thấy nhiều lắm rồi. Bây giờ mày đến tao xin một đồng, lát nữa đến xin người khác một đồng, cứ như vậy một tháng thu nhập của mày còn cao hơn lương tao nhiều lần…Thôi xéo!”.

Chị gái quả nhiên coi tôi như thằng ăn xin. Trong nháy mắt tôi đã cứng cả cổ họng không nói được lời nào.

Đây là pha thất bại đầu tiên của tôi, tôi hít sâu, lấy lại tinh thần diễn lại pha thứ hai.

Lần này nhằm chuẩn bị vào một bà mẹ hiền từ, mặt đỏ bừng nói: “Thưa mẹ! Con bị kẻ cắp rút mất tiền, không còn xu nào. Mẹ có thể cho con một đồng để con lên xe công cộng về nhà được không ạ?”.

Bà mẹ nhìn tôi một lượt rồi nói: “Con còn trẻ, mẹ nhìn con đúng là một học sinh, một phần tử trí thức. Con nên làm những việc có thể diện một chút. Còn trẻ phải lo đi học, đường đời còn dài, đừng làm kiểu từ sáng đến tối không chịu  suy nghĩ, động não gì hết. Bây giờ mẹ có thể cho con một đồng, nhưng sợ khi con hiểu ra  được sự việc, con lại sẽ trách mẹ sao không giúp đỡ con, để con sa ngã đến bước này”.

Nghe bà mẹ giảng giải, tôi cũng không tìm được lời nào để thanh minh. Tôi nghĩ không thể trách bà mẹ này, bởi vì mẹ cũng gặp nhiều cảnh tương tự. Nhưng lời nói của bà mẹ đã nhắc nhở tôi, nói tôi giống phần tử tri thức. Có lẽ cứ nói thẳng ra là sinh viên, may ra có người đồng tình.

Một tiểu thư xinh xắn đi qua trước mặt tôi, tôi đón đầu nói:”Tiểu thư, tôi là sinh viên, hôm nay đi ra ngoài quên đem tiền, tiểu thư có thể cho tôi một đồng để đi xe về trường được không?” tiểu thư giật nảy mình, ngỡ như tôi muốn trêu ghẹo, lùi lại mấy bước, nhìn chằm chằm vào tôi tìm cách đối phó. Tiểu thư xem tôi như kẻ vô loại, chẳng nói chẳng rằng, lấy tay hua vội một vòng rồi nhanh chân đi sang góc khác.

Ba hồi diễn đều thất bại. Tôi như cảm thấy ớn lạnh trong lòng. Tôi quay đầu nhìn đạo diễn. Ông ta dơ ngón tay cái ra. Đây là ám hiệu bảo tôi cứ tiếp tục. Hiển nhiên thất bại của tôi cũng nằm trong dự kiến. Biết đâu trong những pha như vậy, họ sẽ quay được những hình ảnh đẹp bất ngờ.

Một bạn nhỏ đi gần đến bến xe công cộng. Tôi nghĩ đây là lần diễn tập cuối cùng. Tôi không còn nói bao tiền của mình bị mất cắp nữa. Tôi đi ngang qua em, nói rất lịch sự: “Em bé, có thể cho anh một đồng để anh đi xe công cộng được không?” Em bé vội vàng rút trong túi áo ra một đồng và đưa ngay cho tôi. Tôi hết sức kinh ngạc, không ngờ em bé không hỏi gì mà đưa ngay tiền.

Một lúc sau tôi mới đủ mạnh dạn hỏi em bé: “Tại sao em lại giúp anh?” Em bé trả lời ngay: “Bởi anh không có tiền đi xe. Cô giáo đã dặn, đã giúp ai thì không cần lý do”. Như có một luồng gió ấm áp tràn qua lòng tôi.

Tiết mục kết thúc, đạo diễn tiến lại phỏng vấn tôi : “Tham gia trò diễn xuất này, nhân sinh quan của bạn có được ảnh hưởng gì?” Tôi trả  lời: “Từ nay về sau, tôi sẽ mang rất nhiều tiền một đồng trong túi áo, để tiện giúp đỡ moị người mà không cần lý do”.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Phải lòng

* NGUYỄN NGỌC TƯ



Cha lọm khọm, tóc bạc trắng. Cô con gái kém trí thì có gương mặt vĩnh viễn tuổi lên mười, tóc mỏng nhưng dài, óng mướt.

Hai cha con thường cùng nhau đi ăn sáng, đôi khi ta gặp họ trên đường, bèn chạy theo một quãng, đôi khi ta gặp họ trong quán, bèn dòm lén. Đó là hai thực khách chậm rãi khẽ khàng, và ông cha thỉnh thoảng dừng đũa, vén tóc lên vành tai cho con gái. Ta thấy... phải lòng.

Đã khỏi ngưỡng ba mươi, hết mơ mộng rồi, nhưng ta vẫn rất dễ phải lòng người dưng, đôi khi không vì một nụ cười đẹp, bộ ria hay ánh mắt ấm, dáng cao ráo hay tóc dày... mà chỉ vì cách họ yêu con. Có lần đi với đoàn thăm khám bệnh từ thiện của Hội nạn nhân chất độc da cam, ta thương nhớ một người cha nông dân lam lũ và đen đúa. Ông cõng đứa con tật nguyền tới trạm y tế xã, áo ướt ròng mồ hôi. Vậy mà khi đặt con xuống thềm chờ bác sĩ gọi, ông lau mồ hôi cho nó trước, thằng nhỏ cũng là người uống trước khi ông mua một bịch nước sâm. Chuyến đó, ta nhận ra mình phải lòng cả... đàn bà, khi gặp một bà mẹ ôm con trong lòng mà bàn tay chị lúc nào cũng bọc lấy bàn tay con, lúc xoa nhẹ lúc nắn khẽ, lúc day day ngón cái vẽ lên lòng bàn tay con những bông hoa. Sẽ sàng và trìu mến.

http://www.phunuonline.com.vn/2010/Picture/Hoc/CN17/long.jpg



Một người yêu thương con mình bằng những hành động tinh tế đến vậy thì dứt khoát không phải người xấu. Và dù có xấu bao nhiêu thì cũng không tới mức bỏ đi, ta nghĩ vậy. Ta có anh bạn in sách lần nào cũng với cái bìa dòm chán lắm, hỏi thì anh nói con gái làm cho. Ta tự dưng thấy cái bìa đó cũng... có cá tính quá chớ. Lại có anh bạn khác, tướng tá ra vẻ dân chơi, gặp lần đầu hơi sợ nhưng nghe anh nói chuyện cứ đôi ba câu lại khoe "con gái tớ...", ta bỗng hết e dè. Bạn ta, nhiều anh sẵn sàng bỏ ta ngồi chơ vơ đằng quán để nháo nhào chạy đi đón con đằng nhà trẻ, thấy thương.

Trong đám bạn ta, có chàng "đa tình viên" nổi tiếng "đại đạo hái hoa", bạn hay khoe cô X ấy sinh con vài ba tháng đã dứt sữa để hẹn hò với bạn, và làm những chuyện ai - cũng - biết - là - gì - đấy. Bạn tự hào nói tình yêu X ấy dành cho bạn dữ dội lắm. Nhưng cứ khoe tới đó thì có cãi nhau, ta cười cười nói ông ơi con mình người ta còn không yêu thì họ yêu gì ông. Có chăng họ yêu bản thân mình. Bạn đổ quạu cãi người ta yêu bằng trái tim còn cô yêu tỉnh trân bằng cái đầu, biết gì mà nói.

Sau đó là một khoảng lặng, ta thì đuối lý và bạn dường như suy nghĩ. Có phải không, khi họ không yêu thương máu thịt của mình, sao yêu được những người dưng chỉ ngang qua cuộc đời này, như ta, như bạn? Cái gọi là tình yêu có phải tình yêu?

Giữa cái thời "dò sông dò biển dễ dò..." này, ta chọn cách nhìn người qua cách họ đối đãi với máu mủ, ràng ruột của mình, đương nhiên là không phải lúc nào cũng có độ chính xác cao. Ta vẫn mê những ông bố như chú cá hề Marlin trong phim hoạt hình Đi tìm Nemo, cười đến thắt lòng với Roberto Bengini trong phim Life is beautiful, rơi nước mắt với Will Smith trong The pursuit of happyness... Ta mê cả những người xa lạ, những ông cha hồ hởi nán lại chờ con chơi xích đu trong sân trường mẫu giáo. Những ông cha lo âu ngồi bên ngoài hàng rào trường thi, xong buổi làm bài mệt nhoài thằng nhóc được cha đón con bằng cái xoa đầu và hỏi "Mệt không ông tướng?". Những ông cha lủi thủi lấy cùi tay quẹt nước mắt ngày con gái theo chồng.

Ta hình dung vào một bữa không mưa không nắng, trời xui đất xúi có anh nào cũng phải lòng ta, lâm li bảo "Anh sẽ từ bỏ tất cả vì em..." (chữ "tất cả" này hiển nhiên là gia đình, vợ con của thằng chả, chớ ta năm mươi tuổi nhăn nheo thì bói đâu ra một chàng độc thân vui tính đẹp trai con nhà giàu học giỏi), nhưng nói vậy thì quả là rủi cho anh í rồi. Ta có cần nhiều vậy đâu. Ta cần một người yêu mà ta nhìn thấy ở anh có tình - người. Không phải là ta quảng đại bao la như biển Thái Bình dạt dào, chỉ là cái thời vàng thau lẫn lộn này, ta dựa một điều gì đó để tin.

Dù ta chẳng nhận được nhiều...

Đành vậy...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

Nhà xã hội học thiên tài



HORSOY SUNI (Iran)

Đúng 6 giờ rưỡi chiều, hội trường của câu lạc bộ tri thức trở nên sôi nổi : các nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh xô nhau ra cửa để chụp ảnh, phỏng vấn. Mấy phút sau, nhà xã hội học ăn mặc lịch sự, áo vét xanh, đeo kính, tay cầm can xuất hiện ở hội trường. Ông lần lượt bắt tay các vị khách ở lối vào. Một nhóm thanh niên không biết từ đâu ra, nhào tới xin chữ ký.

Sau mười lăm phút đón chào ồn ã, chủ tịch câu lạc bộ nhanh nhẹn bước lên diễn đàn, thổi mấy lần vào micrôphôn, hướng về phía các thính giả, khai mạc hội nghị :

- Thưa các quý ông, quý bà! Hôm nay, tất cả chúng ta sẽ may mắn – có dịp được làm quen với các thành tựu của một bộ óc thiên tài.

Vị chủ tịch vừa đi xuống, nhà xã hội học đã vội vã bước lên bục để diễn thuyết :

- Thưa các quý ông, quý bà! Tôi tự hào vì xã hội của chúng ta đã đánh giá cao công trình trung thực và sáng tạo phục vụ khoa học của tôi (vỗ tay ran).

Tôi đã dành nhiều ngày đêm đi khắp nơi để nói  chuyện với các đại biểu của cả hai giới ở mọi nơi trong nước. Có thể nói một cách không quá lời là tôi đã thâm nhập vào các ngóc nghách của trái tim họ. Vì sao tôi đã làm việc đó?.

Cử toạ đồng thanh đáp:
-  Vì khoa học!

- Thưa các quý ông, quý bà! Tôi đã phát hiện ra các chân lý của khoa xã hội học: Tôi muốn chứng minh vì sao thế hệ trẻ của chúng ta không thể được giáo dục, trưởng thành trong những điều kiện như thanh niên các nước Thuỵ Điển, Na Uy, Thuỵ Sĩ và các nước Châu Âu phát triển. Các quý vị có biết nguyên nhân là gì không? Xin thưa đó là các phong tục hà khắc, sự thiếu tự do trong quan hệ nam nữ. Tất cả những cái đó là nguyên nhân của sự lạc hậu của xã hội chúng ta. Xin cho phép tôi được đọc một chương trong cuốn sách của tôi. Các cứ liệu khoa học này do chính tôi thu lượm được khi nói chuyện với rất nhiều nam nữ thanh niên Iran. Đó là cơ sở chủ yếu để hội đồng giám khảo tặng cho tôi giải thưởng quốc tế “Cuốn sách tốt nhất của năm” ( vỗ tay ran ).

Nhà xã hội học mở cuốn sách dày ở trang cần đọc, bắt đầu đọc :

“Trang 567. Chương những mối quan hệ giữa nam và nữ thanh niên của xã hội Iran hiện nay. Hôm nay tôi đã đến các trường học của nhiều thành phố với mục đích nói chuyện với các học sinh để tìm hiểu về suy nghĩ nguyện vọng của họ. Để có được tính khách quan, lúc đầu, tôi đứng từ xa quan sát họ.

Ở một trường dành cho nữ sinh, lúc chuông báo hết giờ, các cô gái nhào ra phố, tôi chú ý đến mấy người trẻ, mặc quần hẹp ống, tiến đến gần mấy cô gái để làm quen. Sau đây là cuộc đối thoại của họ:

Chàng trai : Tôi muốn mời bạn đi xem phim.
Cô gái  : Đến mùa quýt.
Chàng trai : Đi uống cà phê vậy.
Cô gái : Đừng hòng ! Nỡm! Tưởng bở!.

Câu chuyện còn dài nữa với những câu hỏi đáp đại loại như vậy. Thậm chí, cô gái còn văng tục. Để khỏi xúc phạm các quý vị, tôi xin phép không đọc thứ ngôn ngữ rác rưởi đó.

Diễn giả đang nói rất hùng hồn, thì bật lên tiếng cười rộ, cắt dứt dòng suy nghĩ của ông. Mọi cái nhìn hướng về phía kẻ dở hơi. Có những tiếng thét “Không biết xấu hổ”, “Cút đi!”, “Đồ càn dở!”…

Một giọng nói to át tất cả :
- Nói dối! Anh chỉ là tên bịp! Đó là do tôi viết, tôi nghĩ ra. Thế mà dám gọi là  công trình nghiên cứu? Tôi sẽ vạch mặt anh!...

Nói tóm lại, cuộc cãi cọ bắt đầu! Nhà xã hội học ngơ ngác, tức tối, tay cầm cuốn sách đứng trên bục, không biết phải làm gì. Một số thính giả đòi tống cổ kẻ quấy rối đi, một số khác muốn anh ta nói tiếp. Nhóm thứ hai thắng thế. Người trẻ tuổi mặt đỏ gay, cà vạt  xộc xệch, thở mạnh, leo lên bục, đứng cạnh nhã xã hội học, nói :

- Thưa các quý vị! Cách đây tám năm, tôi bị thất nghiệp lâu. Cuối cùng, tôi được nhận làm phóng viên của một tờ báo. Sau mấy ngày vào làm, tổng biên tập nói là muốn thử thách tôi. Ông bảo : “Anh hãy viết bài phóng sự về thế hệ đang lớn, về mơ ước của họ. Anh hãy nói chuyện với họ, ghi lại tất cả những điều đã được nghe. Viết xong, ngày mai, mang bài đến đây. nếu bài đạt, tôi sẽ nhận anh vào làm, nếu không thì khỏi.

Từ đó, tôi làm việc ở toà báo. Và hôm nay, tôi đến đây với tư cách phóng viên. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc đoạn văn trên của tôi từ trong cuốn sách của nhà xã hội học, cái đoạn văn mà nhờ nó ông được nhận giải thưởng quốc tế.

Tôi thề là tôi đã nói sự thật. Ngay bây giờ tôi có thể cho các thính giả xem số báo đó.

Nhà xã hội học gầm lên :
- Đồ giả dối! Mày muốn bôi nhọ tao! Cút ngay! Nếu những lời lẽ của tên càn quấy này đúng, thì ban giám khảo đã không tặng giải cho tôi. Tôi đã suốt đời nghiên cứu. Chẳng lẽ các bạn không tin tôi, mà tin tên vô lại này?

Phòng họp trở nên ồn ào. Những người bảo vệ nhà  xã hội học xông vào đánh lộn với những người muốn làm rõ sự thật và bảo vệ người đàn ông trẻ. Cuối cùng, tất cả rời câu lạc bộ.

Hôm sau, tất cả các báo nhất loạt đăng tin :
”Tối qua, ở câu lạc bộ trí thức, có cuộc họp quan trọng để tôn vinh nhà hoạt động khoa học nổi tiếng toàn thế giới, nhà xã hội học, tác giả cuốn sách cực kỳ giá trị : Mối quan hệ giũa các thanh niên nam nữ. Những người hâm mộ tài năng văn học, xã hội đã quàng vào cổ ông những vòng hoa. Sau đó vị chủ tịch của câu lạc bộ đã trịnh trọng trao cho nhà khoa học kỷ niệm chương của bộ giáo dục.

Người đàn ông trẻ giả danh phóng viên của một tờ báo định phá hoại cuộc họp đã lập tức bị những người bảo vệ bắt giữ, nộp cho nhà chức trách”.  

ST
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] ... ›Trang sau »Trang cuối