LỜI DẶN CUỐI CÙNG
Truyện ngắn của Trương Cường
" Mình mệt, rất mong gặp cậu "
Bính đọc lá thư chỉ có một dòng của của Thăng. Dòng chữ choán gần hết khổ giấy học trò. Bính vội ra hành lang, bảo người thư ký vừa cầm thư vào, đang đứng chờ :
- Mình đến phát điên lên được. Cậu lấy xe đến ngay nhà anh Thăng, Cần giúp gì cậu toàn quyền thay mình lo.
Bính đang chủ trì cuộc hội thảo về hàng công nghiệp nhẹ với mấy hãng Đức và Đài Loan. Triển vọng ký được hợp đồng đang ở trong tầm tay. Hơn hai nghìn con người trong Liên Hiệp của anh sẽ có công ăn việc làm lâu dài. Dù phải làm việc căng thẳng, gương mặt Thăng vẫn lấp loáng đâu đó nhắc nhở Bính. Anh tự nhủ : Bằng giá nào cũng phải đến ngay với Thăng.
Song cũng như bao lần khác, Bính không làm theo được ý mình. Anh phải đưa các nhà kinh doanh vào làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngồi trên máy bay, Bính mới kịp hỏi người thư ký về Thăng. Nghe báo cáo tỉ mỉ, Bính hơi yên tâm. Thăng đã qua cơn nguy kịch. Cậu thư ký của anh thật tháo vát. Cậu ta dùng danh thiếp của anh, mời được một giáo sư nổi tiếng đến tận nhà chạy chữa cho Thăng, mua thuốc quý, đủ bồi dưỡng đủ cho Thăng dùng cả tháng. Lại còn tìm cách dúi thêm cho vợ Thăng hai trăm ngàn, ngoái số tiền hàng tháng vẫn gởi qua bưu điện.
Nhiều lần bay vào Nam ra Bắc, song cứ đến vùng trời Quảng Trị, Bính lại bồn chồn. Chưa một lần từ máy bay anh nhìn thấy dấu tích Thành cổ, song vẫn cảm thấy nó. Anh và Thăng ở đai đội được bổ sung đợt năm cho toà thành không còn một viên gạch nguyên vẹn. Cả đại đội chỉ còn hai đứa sống sót, Bính hầu như không còn biết gì sau khi bị thương. Thăng băng tạm, cõng Bính qua lửa đạn. Bị một đợt pháo dập, Thăng nằm che cho anh.
Hai đứa được cứu sống nhưng Thăng bị mất đôi chân, hỏng cột sống. Điều dưỡng lại sức, Bính ra Hà Nội học nốt chương trình đại học, rồi đi tu nghiệp ở nước ngoài . Về nước anh làm phó, rồi tổng giám đốc một trong các liên hiệp xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ, Bình tốn nhiều công sức tìm ra Thăng ở một trại thương binh nặng. Anh gõ các cửa , xin được cho vợ chồng Thăng căn hộ tầng một ở khu tập thể thanh xuân bắc . Từ đó đều đều, anh bảo thư ký trích lương của mình, cầm đến hoặc gủi bưu điện cho vợ chồng Thăng.
Đơn vị càng phát đạt, Bính càng bận. Bù lại ,gia đình anh sống khá sung túc, lại có thể cưu mang chút ít cho những người thân thiết lâm vào cảnh cùng quẫn, trong đó có Thăng. Bính mãn nguyện , thành đạt trong cuộc sống, anh vẫn không quên những ân tình một thửa hàn vi, một thời bom đạn. có nhiều bữa tiệc sang trọng buộc phải dự đôi khi đang ăn, Bính chợt nghĩ : Giá mình nhịn được bữa này. Thăng no cả năm…
Nửa năm sau ngày nhận được dòng chữ của Thăng, Bính mới dứt được công việc, đến thăm bạn. Bính ý tứ cho xe dừng từ lô nhà bên, đi bộ sang.
Như những nhà có thương binh nặng, căn hộ của Thăng cũng bỏ bức tường mặt tiền, làm đường láng xi măng lượn thẳng vào phòng ở. Thoáng thấy người ngồi trên xe lăn quen thuộc, Bính sững lại. Bính nhìn một lần nữa số nhà : Đúng là một trăm lẻ ba. Chợt người trên xe lăn hỏi to :
- Anh tìm nhà anh Thăng ? Đúng rồi đấy !
Người chủ lạ mặt chỉ còn một tay. Phía dưới là đôi chân phủ thỏng tấm chăn mỏng. Anh ta chỉ chiếc ghế đẩu kề bên, mời Bính ngồi và bảo :
- Tôi đang đợi anh.
Đoán được Bính nghĩ gì sau câu nói của mình, anh ta phác một nụ cười mơ hồ :
- Còn Thăng không đợi được. Sắp đến bốn chín ngày anh âýy rồi. Thăng kể nhiều về anh , đến mức tôi nhận ra anh ngay.
Tưởng người thương binh còn nói tiếp, Bính sững sờ cúi đầu nghe, song anh ta đột ngột im lặng, không dấu diếm cái nhìn soi mói, ít thiện cảm.
Mình thế đấy. Mình thế đấy…Bính thầm đay trong ý nghĩ. Bính ngơ ngác nhìn quanh, vấp phải chiếc bàn thờ mới đóng, trên đặt ảnh Thăng viền băng đen. Bát hương đang toả khói. Vẫn có người ngày ngày thắp hương cho Thăng. Thế mà ngay từ lúc vào anh không thấy.
Sự im lặng thật khó chịu. Bính không muốn hỏi gì, biết gì thêm : Thăng đã chết. Lúc này bính mới thật nghiêm túc nhận ra là anh có cả chục cơ hội đến với bạn. Không có ai, dù là nguyên thủ quốc gia, bận 24 giờ mỗi ngày, trong suốt cả năm. Anh lo cho Thăng, cưu mang Thăng và để cho Thăng chết trong lạnh lẽo…
Chờ bính thắp hương cho bạn xong., người thương binh dùng cánh tay duy nhất vẫy :
- Anh làm ơn lại gần đây, tôi nhờ một chút.
Bính bước đến bên xe. Khá vất vả, người thương binh mới lấy được mấy gói nhỏ trong đệm xe . Anh nhứ nhứ một gói trước mặt :
- Dù nghĩ gì về anh, tôi cũng phải nói rõ vì sao tôi lại ở căn hộ anh xin cho Thăng. Bác ruột tôi có nhà ở trong xóm, đón tôi từ trại điều dưỡng về. Đôi lúc muốn thấy mình còn là người, tôi tự lăn xe đi chơi và gặp Thăng. Chúng tôi kết bạn cùng cảnh. Lúc gần mất, Thăng nhớ đến tôi, cho người gọi. Anh buộc tôi phải nhận căn hộ này và…
Nói đến đây, anh bỗng đỏ mặt, rồi nóng nảy tiếp :
- Chi Hoan, vợ anh ấy không còn ai thân thích. Anh bảo cả tôi cả chị hãy vì nghĩa, vui lòng ở với nhau, để anh thanh thản nhắm mắt.
Đôi mắt người thương binh hoe đỏ.
- Xin anh đưa tay ra phía này ! Bình tĩnh lại. Người thương binh bảo.
Anh đặt vào tay Bính từng gói giấy một, giải thích :
- Đây là số tiền từ ngày anh không đến, chỉ cho thư ký đưa hoặc gửi bưu điện, anh Thăng bảo gửi lại anh. Đây là những lá thư không phải chữ anh. Còn gói này, là tiền nhận sau khi Thăng mất, xin hoàn lại anh. Muốn gặp mặt anh một lần nữa là tất cả mong muốn cuối cùng của Thăng.
Cao lớn, sang trọng bên con người không còn khả năng làm người bình thường, Bỉnh cảm thấy như mình đã lấy cắp thứ gì đó quý giá của anh ta. Bính đặt cả mấy gói lên lòng người thương binh, bàng hoàng khi mấy ngón tay mình hụt hẫng vào vùng chăn trông rỗng. Bính chào và vội quay ra.
- Anh Bính!
Đến gần nơi xe đỗ, Bính dừng lại vì có tiếng gọi. Nhận ra người đang đi tới, đôi chân Bính như bị hút chặt xuống mặt đất. Đó chính là Hoan, cô gái đẹp năm xưa ở phố Khâm Thiên. Đám cưới của Thăng và Hoan, Bính cũng có mặt. Họ lấy nhau được một tuần, Thăng nhập ngũ. Hoan sau đó đi thanh niên xung phong.
Trước mặt Bính giờ đây là người đàn bà sớm tàn tạ, mới ngoài bốn mươi tuổi đã không còn một sợi tóc đen. Hoan mất cả gia đình trong một trận bom B.52, giờ mất nốt Thăng. Hơn hai năm nay, Bính chưa gặp lại chị. Gương mặt còn lưu giữ đôi nét thanh tú đanh lại. Trong giây phút, Bính sững sờ như đang đối diện với Thăng : cũng vẻ mặt ấy, vào lúc tưởng như không còn hy vọng sống sót ở thành cổ Quảng Trị. Hoan nhẹ nhàng nói :
- Tôi không mời anh quay lại đâu. Anh Thăng tôi dặn thế nào cũng tìm cách gặp anh, để nói rằng anh ấy chỉ mong gặp anh lần cuối, thay cho những khoản tiền gửi qua bưu điện và những lá thư nhờ người khác viết. Anh ấy nói là anh tha thứ cho anh…
Chi thả gói tiền đã được buộc gọn lại qua cửa kính vào ghế xe, khẽ gật đầu chào Bính và quay đi rất nhanh.
7/1992
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________