Trang trong tổng số 7 trang (67 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Anh yêu em



TT - Nửa đêm nọ sau cơn vượt cạn, người vợ quay sang chồng nói “em đói quá”! Một chốc lát, người chồng bưng lên bát cơm nóng trên đôi tay cụt ngủn, người vợ bất ngờ hỏi chồng làm cách nào nấu được. Người chồng chỉ cười bảo: “Anh yêu em”.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=475675
Bà Phát chăm sóc chồng - Ảnh: Nguyễn Đông



Chuyện rằng hơn 30 năm trước ở vùng quê nghèo Trung Chánh, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế có một chàng trai bị tai nạn mìn nổ phải cắt bỏ hai chân, một cánh tay và một bàn tay. Ngày ngày dùng miệng vẽ tranh, viết chữ để tự nuôi thân. Tiếng lành đồn xa, một hôm có cô giáo Ngô Thị Phát đến nhờ anh vẽ tranh minh họa trong tiết dạy học. Và tình yêu chắp cánh từ đó.

Yêu nhau qua tranh vẽ
Ông - họa sĩ Nguyễn Mậu Tấn, sinh năm 1955 - còn nhớ như in hôm bị tai nạn mìn nổ trong khi cuốc đất. Lúc tỉnh dậy tại Bệnh viện Trung ương Huế, ông Tấn đã khóc ròng khi biết chân, tay của mình bị cắt bỏ, thân người bịt kín băng vải. Nỗi ám ảnh tàn tật sẽ là gánh nặng của gia đình khiến chàng trai 20 tuổi nghĩ quẩn, nhiều lần tìm đến cái chết.

“Tui nhớ nhất lần xuất viện về nhà. Không còn chân tay nên bố và người em trai phải bỏ tui lên võng gánh đưa lên xe. Lên xe, tui định ngồi bên cửa kính để lao ra khi xe đang chạy, tìm lấy cái chết nhanh nhất. Nhưng nghĩ bố gánh mình, mai này bố mất mình đâu có gánh được, vậy thì mình đừng làm cho bố khổ thêm nữa. Chữ hiếu mách bảo tui phải sống!” - ông Tấn kể về ý định tự tử lần thứ ba và lý do ông sống tiếp.

“Không còn tay, chân làm việc nhưng cái miệng lại cứ phải ăn. Miệng ăn được thì phải làm được. Nhưng làm gì khi mình là kẻ tàn phế?”. Đang kể chuyện, ông Tấn dùng phần tay còn lại kết hợp với miệng đưa cho chúng tôi xem những bức tranh, những bức chữ thư pháp do chính ông viết và bảo: “Tôi đã vẽ tranh, viết chữ để bán”.

Ban đầu, ông buộc bút vào một cây đũa, rồi buộc vào cùi tay để nối dài cánh tay, rồi ngậm bút chì tập viết thành thạo 24 chữ cái... Viết được chữ, ông xin viết các bản tin cho đài phát thanh địa phương. Mỗi bản tin được quy ra thóc. Thế là có gạo để ăn. Ông Tấn còn tham gia viết kịch bản về người khuyết tật. Công việc cũng giúp ông có thêm thu nhập. Còn vẽ tranh? “Tui loay hoay tự tập vẽ. Hàng xóm biết, đến nhờ vẽ, tiền công được trả bằng những mớ khoai, củ sắn. Rồi ai thuê gì mình vẽ nấy. Khách đến thuê vẽ ngày một đông”, ông Tấn nhớ lại.

Bà Phát ngồi nghe ông kể chuyện, thỉnh thoảng lấy khăn lau mồ hôi cho chồng, lên tiếng: ngày trước cũng vì mê tranh ông mà bà đem lòng yêu. Yêu, song không dám nói, chỉ biết một ngày không gặp là bà nhớ da diết, tìm đủ cách đến thăm ông. Rồi bà chủ động tỏ tình. Lúc đầu ông Tấn một mực từ chối, nhưng sau đó trong một bức thư ông thổ lộ: Anh cũng yêu em từ lâu lắm nhưng sợ mình không xứng... Họ đến với nhau trong sự ngăn cản của nhiều người. Đó là năm 1986.

Còn cuộc đời ta cứ vui
Cuộc sống vất vả hơn khi những đứa con ra đời. Hai vợ chồng chuyển nơi ở từ thôn Trung Chánh về thôn Ngư Nghiệp. Ông Tấn nhận thêm việc dạy học tại nhà cho những người không biết chữ, tối đến lại chong đèn vẽ tranh. Miệng ngậm bút và phải cúi sát nên mắt ông kém dần, sức khỏe như vơi đi. Nhưng tình cảm vợ chồng giữa ông bà lại càng đầy theo thời gian.

Điều làm vợ chồng ông Tấn vui nhất là bốn cô con gái đều chăm ngoan, học giỏi. Con gái lớn Nguyễn Thị Bích đang học năm cuối đại học, là niềm tự hào của gia đình ông. “Nhà ông bà Tấn sống hạnh phúc lắm! Ở làng này khối nhà mong được như nhà ông ấy” - bà hàng xóm Nguyễn Thị Gái sang góp chuyện.

“Bằng mọi giá tui phải lo cho bốn đứa con ăn học đến nơi đến chốn” - ông Tấn tâm sự, tay che vội cơn ho. Năm 2007, sau những cơn đau dữ dội, ông Tấn đi khám và phát hiện bị ung thư phổi. Căn bệnh khiến ông luôn đau đớn, công việc vẽ tranh vì thế cũng ít dần. Nhưng ông vẫn lạc quan: “Tui chưa chết được vì còn phải sống với vợ con”. Rồi ông ngân nga câu hát trong bài Để gió cuốn đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Còn cuộc đời ta cứ vui”...

NGUYỄN ĐÔNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tiếc thương người thầy tuyệt vời



TT - Không phải chính khách cũng không phải người nổi tiếng, nhưng đám tang thầy Phạm Phú Quý, hiệu trưởng Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình, TP.HCM), đã gây xôn xao cả đoạn đường dài.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=475922
Học sinh John và ba mẹ đến viếng thầy Quý - Ảnh: Hoàng Hương



Rất đông giáo viên, cán bộ ngành giáo dục, học sinh và cả phụ huynh đến đưa tiễn người thầy “Hiền lắm, tốt lắm. Tất cả những gì tốt đẹp nhất thầy đều dành cho học sinh” (câu nói mà chúng tôi nghe được nhiều nhất từ những người dự đám tang).

“Buổi trưa 13-1, khi nhà trường thông báo thầy mất và gõ ba hồi trống tưởng nhớ, cả trường từ giáo viên đến học sinh, phụ huynh đều khóc. Ai ngờ người tốt như thầy lại mất sớm thế. Thầy mới 49 tuổi thôi mà. Cách đây mấy hôm thầy vẫn còn xoa đầu con trai tôi và nói: ốm quá, phải ăn nhiều vô” - bà Lệ Hằng, phụ huynh lớp 2/4, nghẹn ngào.

“Bữa đó thằng cu Nguyên nhà tôi khóc, lau nước mắt hết cả bịch khăn giấy. Rồi cứ nhất định đòi đưa tiễn thầy xuống tận Củ Chi” - bà Hằng kể thêm.

14g30 ngày 15-1, khi chiếc xe tang từ từ đỗ trước cổng Trường Cách Mạng Tháng Tám, hơn 300 phụ huynh, học sinh nhào ra đường, vỡ òa.

“Bây giờ nhiều trường rất ngại nhận học sinh ở các mái ấm, chứ thầy Quý thì nhận hết. Gia đình thầy phải đi ở nhà thuê nhưng thầy vẫn thường bỏ tiền túi mua sách vở tặng học sinh nghèo. Có bữa thầy phải ăn mì gói nhưng năm nào cũng dạy kèm môn toán cho học sinh lớp 5 trước khi kiểm tra học kỳ 2. Thầy dạy mà không lấy tiền của học sinh. Hội cha mẹ học sinh gửi thù lao thầy cũng không nhận. Sau giờ làm việc, thầy phải dạy thêm môn toán cho học sinh THCS đến 23g để có thêm tiền giúp đỡ gia đình” - ông Lê Hùng, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Cách Mạng Tháng Tám, kể.

“Thầy khó khăn thế mà khi biết một giáo viên bị mất xe thầy đã gửi ít tiền giúp đỡ. Thầy ơi, thầy tốt thế sao thầy lại ra đi...” - một giáo viên Trường Cách Mạng Tháng Tám nói trong tiếng nấc, cô xúc động đến mức không nói được tên mình...

Trước giờ động quan, mọi người đặc biệt chú ý đến một cậu bé người nước ngoài tên John, đi cùng bố mẹ đến thắp nhang cho thầy, nhưng thắp nhang xong cậu cứ nấn ná ở lại, không chịu bước ra ngoài. Được mẹ cho phép, cậu chạy đến ôm lấy quan tài thầy giáo.

Chị Princess Kennedy, mẹ bé John, vừa kể vừa ứa nước mắt: “Mình là người Mỹ gốc Việt, sau nhiều năm sống ở Mỹ, đến khi về Việt Nam thì John đã đến tuổi vào lớp 1. Muốn con mình phải được học tiếng mẹ đẻ nhưng gõ cửa trường công lập nào cũng từ chối với lý do John không biết tiếng Việt. Đến khi gặp thầy Quý, thầy bảo: “Không có vấn đề gì. Con nít phải được đến trường, bất kể quốc tịch nào”.

Anh Edward, chồng tôi, kể những lúc anh đến trường vào giờ ra chơi cũng thấy thầy nói chuyện hoặc chơi đùa rất thân thiện với học sinh. Từ bữa thầy mất, John rất buồn, cứ nhắc mãi mong muốn của mình “con muốn thầy sống lại để mỗi ngày đến trường được thầy ôm hôn”.

Chồng tôi bảo chưa bao giờ anh thấy một người thầy tuyệt vời như vậy, cứ sáng sáng đứng ngoài cổng trường đón và xoa đầu từng học sinh, giờ ra về thì đứng dưới cầu thang nhắc nhở các em không chạy kẻo bị ngã. Có bữa thầy còn đích thân cùng với thầy phụ trách Đội làm lá chắn cho học sinh qua đường an toàn”.

HOÀNG HƯƠNG


Thầy Phạm Phú Quý sinh ngày 30-10-1962, là hiệu trưởng Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám (P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM). Thầy bị bệnh từ ngày 7-1, vì lo công việc cuối học kỳ 1 nên vẫn cố gắng đến trường.

Đến ngày 11-1 bệnh trở nặng, lúc 22g30 gia đình đưa thầy vào Bệnh viện Phú Thọ. Sáng 12-1 thầy được chuyển viện sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Do bệnh diễn biến quá nặng nên dù được tập thể y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hết sức cứu chữa nhưng thầy đã từ trần vào ngày 13-1.

Thầy Quý là một trong mười hiệu trưởng tiêu biểu của TP.HCM năm học 2009-2010 do Sở GD-ĐT TP bình chọn.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Viết tiếp những ký ức tốt đẹp về Thầy



TT - Gần 100 ý kiến bày tỏ sự thương tiếc và nể trọng sau sự ra đi đột ngột của thầy Phạm Phú Quý (hiệu trưởng Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã gửi về báo Tuổi Trẻ. Nhiều bạn đọc còn mong muốn đóng góp chia sẻ sự khó khăn của gia đình thầy.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=476535
Học sinh Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám đến viếng thầy Quý - Ảnh: H.Hương



Ngày 18-1, chúng tôi trở lại nhà thầy ở con hẻm đường Tân Hương, Q.Tân Phú, nơi thầy sống cùng mẹ và em gái (thầy chưa lập gia đình). Đã năm ngày sau khi thầy Phạm Phú Quý ra đi, nhưng bà Nguyễn Thị Diên - mẹ thầy Quý, năm nay 74 tuổi - vẫn còn xúc động mạnh khi kể về con mình.

“Tội nghiệp thằng Quý quá! Đó giờ tôi cứ mắng oan nó. Thấy con ngày nào cũng 10g-11g đêm mới về đến nhà, chủ nhật cũng đi tôi mắng nó sao con đi đâu mà để ở nhà má trông vậy Quý, sao mày bất hiếu với má, đi chơi gì khuya khoắt mới về... Mắng vậy mà nó chỉ cười không thanh minh thanh nga gì. Bây giờ nó chết đi tôi mới biết hằng ngày sau giờ làm việc ở trường, nó phải đi dạy kèm toán để có thêm thu nhập nuôi má, nuôi em và trả tiền thuê nhà...”.

“Không biết có phải điềm gở không mà đang thuê nhà bên Bàu Cát cách đây hơn một năm, tự dưng anh Quý nói với má: Cả đời con không lo được cho má cái nhà để ở. Thôi thì con sẽ thuê cái nhà đàng hoàng cho má ở. Thế là chuyển về đây, nhà cao cửa rộng hơn...” - chị Kim Trúc, em gái thầy Quý, nghẹn ngào.

Còn bà Diên kể. “Tôi cứ nhắc miết rằng con phải lấy vợ đi. Nó bảo nhiệm vụ chưa xong, cưới vợ về rồi ở đâu. Bữa nó mất, bạn nó đến kể chuyện với tôi rằng nó đã nhịn ăn sáng hơn một năm nay để có đủ tiền trả tiền thuê nhà. Trời ơi, tôi đau ruột quá! Tôi đâu ngờ con tôi lại sống kham khổ, tiện tặn như thế. Nhiều bữa 10g đêm về đến nhà, tôi hỏi con có ăn cơm không, nó trả lời ngay: Dạ, ăn ăn, con đói lắm. Cứ tưởng nó muốn ăn cùng với má cho vui, đâu ngờ... Nó có hiếu lắm. Sắm cho má đầy đủ giường, nệm nhưng bản thân mình thì từ đó tới giờ toàn nằm đất. Trời nóng thì nằm thẳng xuống gạch, trời lạnh chỉ trải mỗi cái mền. Cả đời nó chỉ biết lo cho má, cho em”.

Chị Trúc bảo rằng đến lúc anh trai chết chị mới hiểu hết anh mình Mặc dù làm hiệu trưởng nhưng ngày lễ, tết ít thấy đồng nghiệp ở trường đến nhà chơi. Chị thắc mắc với anh thì nhận được câu trả lời: “Nghề giáo khổ lắm, không dư dả gì đâu, bắt người ta đến thăm mình tội người ta”.

Đến lúc anh mất mới thấy anh có quá trời người thương. Chị còn kể cách nay mấy năm, có lần một phụ huynh dắt theo hai con đến nhà xin gặp thầy Quý để cảm ơn, rằng ngày xưa gia đình họ khó khăn, đáng lẽ hai đứa con họ phải nghỉ học. Nhưng thầy Quý đã dang tay giúp đỡ, tự bỏ tiền túi đóng học phí cho hai trò. Bây giờ hai học sinh ấy đã được tuyển thẳng vào lớp 10, họ đến để cảm ơn.

“Trời ơi, thầy ở nhà thuê mà ở trường không ai biết. Những ngày lễ, tết anh em trong trường muốn đến nhà thăm, thầy từ chối: Tôi đang ở xa lắm. Mọi người nói muốn đến thăm má thầy thì thầy bảo rằng má tôi về quê. Năm trước, khi tôi đi xác minh lý lịch chuẩn bị kết nạp Đảng cho thầy, lúc đó mới biết địa chỉ nhà thầy. Khi hỏi về việc ở nhà thuê, thầy lại nói là một người bạn cho ở nhờ. Cuộc sống khó khăn nhưng khi đến trường thầy ăn mặc chỉn chu lắm. Thầy chỉn chu trong hết thảy cư xử với cấp dưới, con giáo viên bị bệnh đích thân thầy đi nhờ bác sĩ cứu chữa. Ngày sinh nhật của con tôi, thầy cũng nhớ và tặng hộp bút làm quà...” - cô Nguyễn Thị Dung, hiệu phó Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám, kể.

Ký ức tốt đẹp về thầy Quý chắc vẫn còn rất nhiều, thầy ra đi trong niềm thương tiếc của nhiều người nhưng tấm gương làm người của thầy chắc chắn sẽ còn khắc ghi trong tim nhiều người.

H.HƯƠNG


Mong tấm gương sáng của thầy được nhân rộng
Tôi đã khóc khi đọc bài báo này. Thật đáng trân trọng biết bao tấm lòng thương yêu học sinh của thầy Quý. Mong tấm gương sáng của thầy Quý ngày càng được nhân rộng. Mong mọi người tìm hiểu xem gia đình thầy có khó khăn gì để mọi người cùng chung sức tri ân một phần nhỏ nhoi đến tấm lòng của người thầy đáng kính.

Thảo Lâm (hopevlk@...)

Một trí thức chân chính
Tôi đọc đi đọc lại bài báo viết về thầy, càng đọc càng cảm nhận nhiều về tình thầy trò, về tâm huyết với nghề giáo và sự nhìn xa về tương lai của nước nhà qua hành động của thầy Quý. Muốn phát triển một quốc gia, dân trí là việc đầu tiên cần có. Dân trí, dân chủ, nhân tài và đạo đức là tài sản cao quý nhất mà một đất nước không thể thiếu. Thầy Quý đã thể hiện tình thương trong giáo dục để hướng thế hệ trẻ đam mê học hành, đó là nghĩa cử của một trí thức chân chính, không bị vật chất và đồng tiền chi phối.

Lê Hoan (lehoan77@...)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Những tấm gương sáng...

Những tấm gương sáng...
Hằng ngày ta soi
Noi theo chưa được
Cũng thấy yêu đời.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

ảo ảnh

Chạy chức chạy quyền Nguồn: http://boxitvn.wordpress....%E1%BA%A1y-quy%E1%BB%81n/

Một nhóm lợi ích bị phanh phui bằng giấy trắng mực đen liên quan đến hai công chức cấp cao được nêu đích danh và được đăng tải công khai trên trang web của Văn phòng Luật sư Vì dân (http://luatvidan.vn). Đó là Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Người ta còn nhớ khi bị Quốc hội chất vấn về nạn chạy chức chạy quyền, chính ông Trần Văn Tuấn đã phát biểu rất lạc quan: “Theo tôi, chạy chức, chạy quyền không đến mức thành phổ biến như nhận định của dư luận hiện nay.” Nay, vợ ông được nhận vào biên chế, được hưởng tiền bảo hiểm, được đi công tác nước ngoài bằng tiền nhà nước, mà vẫn không cần đi làm ngày nào; con ông đang du học, được nhà nước thanh toán tiền điện thoại chỉ tính trong một tháng đã lên đến gần 40 triệu đồng. Không lẽ ông hoàn toàn không hay biết chuyện đó? Và không lẽ bỗng dưng bà Đặng Thị Bích Hoà, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện mở rộng hầu bao (nhà nước) để giúp đỡ vợ con ông? Ông ngây thơ nghĩ rằng đó không phải là một biểu hiện của quốc nạn ô nhục chạy chức chạy quyền hay sao?

Ông từng cho rằng: "Khó chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền vì người chạy có báo đâu mà biết" (Vietnamnet.vn). Vâng! Cứ nhìn vào trường hợp ông thì thấy ngay câu nói của ông chí lý đến nhường nào! Chuyện vỡ lở ra là ngoài ý muốn của ông đó chứ!

Hai năm trước Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã từng nói rất hùng hồn giải pháp "Dựa trên kinh nghiệm các nước cộng với ý chí cách mạng tiến công” để chống lại chuyện chạy chức chạy quyền (Vietnamnet.vn). Cái “ý chí cách mạng tiến công” ấy có đủ cho ông tự xấu hổ mà từ chức, hay có đủ cho cấp trên của ông cách chức ông hay không?

Luật sư Trần Đình Triển đưa ra một loạt trường hợp bê bối: vụ nhiều cán bộ mua dâm ở Hà Giang, vụ ông Vũ Văn Hiến – Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, vụ ông Nguyễn Công Ngọ – Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh. Tất cả những vụ nhơ nhuốc ấy đến nay đều chưa được giải quyết rốt ráo.

Chống chạy chức chạy quyền, chống tham nhũng trong điều kiện Đảng cầm quyền, là làm công việc tự mổ xẻ, tự chặt tay chặt chân mình. Đau và sợ chứ, thưa công dân, luật sư Trần Đình Triển!

Bauxite Việt Nam

http://boxitvn.files.wordpress.com/2011/03/clip_image002_thumb16.jpg

http://boxitvn.files.wordpress.com/2011/03/clip_image0121.jpg

http://boxitvn.files.wordpress.com/2011/03/clip_image016_thumb1.jpg

http://boxitvn.files.wordpress.com/2011/03/clip_image018_thumb.jpg

http://boxitvn.files.wordpress.com/2011/03/clip_image020.jpg
Có ai đó rất tự hào về bạn, Có ai đó đang nghĩ đến bạn, Có ai đó quan tâm đến bạn, Có ai đó rất nhớ bạn, Có ai đó muốn nói chuyện với bạn, Có ai đó muốn ở cạnh bạn, Có ai đó luôn mong sự bình yên cho bạn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nghị lực của Quy



TT - Quy chưa bao giờ khóc, Quy không cho phép mình khóc. Kể từ ngày mẹ cho Quy kiếp người, Quy biết mình phải sống bằng nghị lực, dẫu phải lết thân mình dưới đất lạnh, dẫu phải đập đầu bộp bộp vào tường khi lấy chân cầm bút, dẫu phải dùng chút hơi tàn để lắc chiếc xe đi bán nhang nuôi sống bản thân.

Chàng trai 22 tuổi Nguyễn Thế Quy (thôn Xuyên Tây 3, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã cho thấy nghị lực sống đáng trân trọng.

Khát khao chữ nghĩa
Tôi gặp Quy tình cờ như bao người đi trên đường. Hình ảnh chàng trai quặt quẹo, nằm ngửa mặt lên trời dùng đôi chân còng queo yếu ớt lắc chiếc xe lăn chở đầy nhang đi bán luôn nhận được nhiều ánh mắt yêu thương. Nhưng đừng vì lòng thương hại mà cho Quy tiền, Quy không muốn như vậy.

Quy đầy tự tin cũng như tự trọng để sống một cách đàng hoàng bằng chính sức lao động của mình. Đừng làm tổn thương Quy vì ngay từ khi mới lọt lòng Quy đã biết mình phải sống, phải biết không khóc để vươn lên mà sống. Vì thế Quy sẽ luôn cười, nụ cười không bao giờ tròn môi nhưng luôn chân thành và đầy khát vọng sống.

Di chứng của chất độc da cam ở chiến trường Campuchia khiến con trai đầu lòng của gia đình ông Nguyễn Thế Quyền lúc mới sinh ra đã chết lặng hơn 30 phút rồi mới thở.

Niềm tin vào phép mầu vỡ vụn khi đến 30 tháng Quy vẫn chưa biết ngồi, khuôn mặt méo xệch, chân tay cong vòng, gặp lúc trở trời là lên cơn động kinh rút lại đến tận cùng. 6 tuổi, khi mọi đứa bạn cùng trang lứa đến trường thì Quy vẫn là hình hài bất động, cha mẹ đặt đâu ngồi đó.

Rồi một ngày tiếng các bạn đọc bài từ ngôi trường gần nhà như đánh động cả tâm thức Quy. Anh bắt đầu lết, người xoay tròn, trán chảy máu ròng ròng vì đụng đầu vào cửa, vào bàn.

Hành trình lết từ nhà đến Trường tiểu học Trần Phú là cả chặng đường gian nan với khát khao được đọc, được viết như các bạn. Rồi lại tủi lắm khi với thân hình đó Quy không thể nào được cho ngồi cùng lớp với bạn bè, anh mếu máo xin thầy cô cho ngồi ở cửa lớp để được học cái chữ a, b, c, được làm toán.

Những gièm pha, dè bỉu của bạn bè vẫn không ngăn được Quy. “Có hôm trời lạnh lắm nhưng Quy vẫn ngồi tím tái dưới đất để nghe từng lời tôi giảng. Có hôm Quy làm cả lớp nhốn nháo khi lăn đùng ra đất chỉ vì cố gắng lấy chân kẹp cái tay cầm bút. Có hôm đến trường mặt mày Quy sưng húp vì thức cả đêm tập viết. Cả đời dạy học, tôi chưa bao giờ thấy ai kiên nhẫn và khát khao được học chữ như Quy. Khi các bạn đã về hết, Quy vẫn ngồi ở cửa lớp để chờ tôi giảng thêm vài phép tính, và tôi khẳng định Quy là cậu học trò sáng dạ nhất của tôi” - cô Nguyễn Thị Thắm, giáo viên Trường tiểu học số 2 Nam Phước (xưa là Trường tiểu học Trần Phú), nói về cậu học trò đặc biệt của mình.

Chỉ sau hai năm Quy đã thành thạo từng con chữ, từng phép toán, duy chỉ có việc cầm bút để viết với Quy là cả quá trình dài (mỗi lần viết, Quy dùng chân phải cong vòng kẹp tay phải bị co rút để viết. Tay trái của Quy phải đưa sang ngang để giữ thăng bằng cơ thể. Rồi khi không kiểm soát được mình, Quy lăn đùng ra đất hay đập đầu vào tường.

Mở toang cánh cửa cuộc đời nhờ thơ
22 năm, Quy sống một cuộc đời ý nghĩa hơn khi từng con chữ cứ theo Quy làm thành những vần thơ. “Tôi không bao giờ trách ai cả, cũng từng tự hỏi vì sao tạo hóa lại cho tôi thân hình như vậy. Rồi đến khi tôi tìm thấy những vần thơ. Khoảng không gian của tôi không còn ở trong căn nhà tranh chật hẹp mà được mở toang, tôi khát khao được nhìn ngắm thế giới bên ngoài. Tôi làm thơ, tự thấy mình đang yêu, được yêu. Tôi thấy mình là sinh viên, được chạy trên đường bằng chính đôi chân của mình...” - Quy tâm sự trong tập thơ của mình.

Đọc những bài thơ của Quy, ngoài tình yêu dành cho quê hương, gia đình còn có tình yêu đôi lứa mộc mạc chân thành. Tôi hỏi Quy đã yêu chưa? Quy cười bẽn lẽn rồi trả lời: “Không dám yêu vì sợ làm khổ người ta lắm. Mình nuôi thân mình còn chưa xong mà”.

Bà Nguyễn Thị Nhân - cô ruột của Quy, người sống cùng với Quy bây giờ - chặm chặm nước mắt rồi nói: “Cha mẹ nó ly dị, tui sống một mình nên nhận nuôi nó. Nó là cái thằng tình cảm và biết thương cô lắm. Tui cũng chưa bao giờ thấy nó than thở về số phận của mình. Ban ngày đi bán nhang, đêm về chong đèn đọc sách, viết thơ. Khi nào bút chì gãy mũi là tui gọt cho nó, rồi xức dầu cho nó khi cái đầu u một cục vì đập vào tường. Thương nó lắm!”.

Thế giới của Quy là Truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên và những điển tích, lịch sử. Quy khoe anh thuộc làu làu 3.254 câu thơ trong Truyện Kiều, thích tinh thần nhân nghĩa trong truyện Lục Vân Tiên...

Hơn 100 bài thơ của Quy được in trong tập thơ Khát vọng thấm thía tình người, tình yêu và đặc biệt khiến người đọc ngạc nhiên bởi vốn từ rất phong phú. Quy sử dụng từ Hán Việt rất chuẩn và không bao giờ viết sai chính tả. Ve Sầu là bút danh của Quy: “Tôi muốn như con ve dùng hết sức mình để hát rồi chết cũng được. Ve sầu chứ tôi không sầu cho cuộc đời mình bao giờ cả”.

Sống yêu đời và luôn mơ ước
Chính vì không tự ti, Quy đã tự động tìm các bạn khuyết tật để kết bạn. Nghĩ mình là thanh niên không thể ăn bám người cô già nua, Quy suy nghĩ, tìm tòi và vẽ một chiếc xe lăn dành riêng cho mình. Chiếc xe được một người bà con thương tình tài trợ chi phí lắp ráp. Có chiếc xe đó, Quy rong ruổi khắp các ngả đường bán nhang.

Nhang Quy bán có thể không thơm nhưng chính nghị lực của anh đã khiến nhiều người dừng chân lấy một thẻ nhang và bỏ tiền vào ống cho Quy. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, Quy dùng đôi chân yếu ớt của mình để lắc xe đi bán, cái đầu ngoặt qua bên cùng với việc dồn sức cho đôi chân khiến nhiều khi Quy không làm chủ được chiếc xe.

“Có hôm tự dưng thấy Quy cho xe ra giữa đường khiến ai cũng thót tim. Rồi có khi nhìn thấy Quy nằm bất động trên xe giữa trời lạnh buốt. Vì đôi chân yếu quá nên không lắc nổi chiếc xe đi, có khi Quy bị lên cơn động kinh giữa chừng. Khổ cực là vậy nhưng cho tiền Quy không nhận đâu, Quy nói như vậy sẽ khiến Quy thấy mình là người tàn phế, hãy để Quy làm việc bằng chính sức của mình” - anh Nguyễn Đức Cường, chủ quán cà phê Cội Nguồn, người thành lập câu lạc bộ người khuyết tật ở Duy Xuyên, nói về Quy.

Anh Cường cho biết thêm: “Hiện Quy đã tự thiết kế cho mình một chiếc xe lăn chạy bằng điện để giảm thiểu việc dùng sức cho đôi chân. Bản vẽ có rồi nhưng chưa tìm được người nhận làm cũng như tài trợ về chi phí”.

Quy nói: “Chẳng có việc gì là khó khăn cả. Một khi đã vượt qua chính nỗi đau về thể xác, Quy sẽ luôn sống sao cho thật ý nghĩa, sẽ luôn yêu mọi thứ xung quanh mình và luôn mơ ước tương lai tươi đẹp, dẫu chặng đường đó còn lắm gian nan”.

MINH KIỆT

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=487703
Quy bên chiếc xe lắc tay đi bán nhang  Ảnh: Trọng Đài



Mẹ về giữa giấc mơ khuya
Hôn tôi và bón từng thìa cơm ngon
Bàn tay nắng cháy héo hon
Ôm tôi thật chặt thấy còn xa xôi

Tôi ôm mẹ. Mẹ ôm tôi
Mẹ ru mẹ hát như thời ấu thơ
Đêm khuya sương lạnh sao mờ
Thân gầy lặn lội kịp giờ chợ đông

Mồ hôi mẹ đổ ngập đồng
Mẹ là mưa hạ nắng đông ngập trời
Muốn ôm mẹ mãi không rời
Giấc mơ bừng tỉnh vẫn lời dịu êm

Bàn tay gầy như gầy thêm
Ôm tôi thật chặt suốt đêm không rời
Tôi thầm gọi mẹ, mẹ ơi
Mẹ đi biền biệt từ thời còn thơ

Dáng hình mẹ ở trong mơ
Phải chăng đó chính là bờ vai cô
Thân mòn tiều tụy héo khô
Không con sao vẫn lao đao tảo tần

Thay mẹ hôm sớm đỡ đần
Nắng mưa sương gió nhọc nhằn nào than
Tình cô ấm áp chứa chan
Mười ngày chín tháng mẹ mang trong lòng

Nghĩa mẹ rộng lớn mênh mông
Ơn cô tựa núi biển đông tựa trời.


(Thơ Nguyễn Thế Quy)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ong non giữa đời



TT - Chiều nào cũng vậy, trên đường đi học về Nguyễn Thị Mỹ đều ghé vào nhà mình, rưng rưng thắp cho ba mẹ nén nhang rồi quét dọn nhà cửa. Xong đâu đấy em mới lọc cọc đạp xe về nhà dì ăn bữa tối.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=498013
Sau giờ học Mỹ luôn tay làm việc. Em còn quá nhỏ mà đã mất mẹ, mất cha - Ảnh: Hoàng Hải Hiền



Trên chiếc xe đạp trông em càng nhỏ bé vì chỉ mới học lớp 6 (lớp 6/8 Trường THCS Lộc Bổn, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), người lại ốm tong ốm teo.

Ngày ấy gia đình Mỹ sống ở đội 2, thôn An Sơn, xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Cuộc đời đã không mỉm cười với Mỹ bởi tuổi thơ em lớn lên với những bất hạnh cứ bám víu lấy tấm thân thơ dại. Vừa bước vào lớp 1 Mỹ đã mồ côi cha. Không lâu sau mẹ lâm bệnh hiểm nghèo qua đời. Cuộc sống của gia đình em lâm vào ngõ cụt. Anh chị của Mỹ phải lần lượt bỏ học đi làm thuê, ở đợ kiếm sống, để lại em một mình ở nhà.

Thấy Mỹ ở một mình, người cô ruột không đành lòng đã mang em về nuôi. Nhưng cũng chẳng được bao lâu thì vợ chồng người cô vì quá nghèo khó đã phải đùm túm tha phương cầu thực. Ông nội thì già cả ốm yếu, chú thím cũng chẳng hơn gì lại còn lo cho ông nội. Để có miếng cơm ăn học, Mỹ lại phải nương nhờ nhà dì ở đội 8, thôn La Sơn, xã Lộc Sơn.

Dù ở với ai, Mỹ cũng đều ý thức được thân phận của mình, luôn siêng năng, chăm chỉ như chú ong non làm việc suốt ngày. Đi học về Mỹ quét dọn nhà cửa, giặt quần áo, phụ giúp dì cơm nước. Ở và ăn nhờ nhà dì bữa sáng và tối, bữa trưa thì ăn nhờ nhà cậu. Để có được miếng cơm ăn học, mỗi ngày Mỹ phải đi lại gần cả chục cây số nhưng cô bé vẫn cười tươi như không hề thấy vất vả là gì. “Em cố không bỏ học và cố học thật giỏi để ba mẹ yên lòng”, Mỹ nói.

Suốt năm năm qua và học kỳ I của năm lớp 6 vừa rồi Mỹ đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, được thầy cô yêu quý và được các bạn bầu vào ban cán sự của lớp. Cô Nguyễn Thị Phương Linh, chủ nhiệm lớp 6/8, nhận xét: “Trong lớp của tôi trường hợp em Mỹ là đặc biệt nhất. Không cha không mẹ mà học rất giỏi, lại chăm ngoan, lễ phép. Đó là người học trò đáng quý, đáng trân trọng. Tôi cứ nghĩ nếu mình rơi vào hoàn cảnh ấy chưa chắc đã làm được như em”.

HOÀNG HẢI HIỀN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nữ văn sĩ bại não được trao giải văn học uy tín nhất Nepal



SGTT.VN - Cô tên là Jhamak Kumari Ghimire, 30 tuổi, vừa được trao giải văn học Madan Puraskar, giải thưởng uy tín nhất Nepal, cho cuốn tự truyện của mình có tựa "Đời là đóa hoa hay mảnh gai". Quyển sách gồm nhiều câu truyện nhỏ khác nhau, kể về quá trình vươn lên của bản thân Ghimire từ khi sinh ra với cơ thể khuyết tật khiến cô không thể nói hoặc sử dụng đôi tay được.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=154109
Những tác phẩm của Jhamak Kumari Ghimire đều được viết bằng chân. Ảnh: BBC



Vì khiếm khuyết nên cô không được đến trường, mà chỉ tự học viết ở nhà bằng việc lắng nghe người chị gái học bài. Chữ đầu tiên mà cô viết được là kí tự "ka" (क), kí tự đầu tiên trong bảng chữ cái Devanagari, một hệ thống chữ cái của Ấn Độ và Nepal. "Khi đó tôi không thể chia sẻ niềm vui này với ai. Chữ viết đầu tiên của tôi được viết trên mặt đất và tôi có thể phát âm nó từ tim mình. Tôi sung sướng đến nỗi viết đi viết lại chữ "ka" nhiều lần", cô viết trong quyển sách.

Mặc dù cô đã cố gắng tập viết đến nỗi có lần bàn chân bị chảy máu, nhưng những công sức của ngày đầu tiên không được chú ý tới. "Tôi viết chữ lên mặt đất, sau đó có người khác đi tới, giẫm lên và xóa mất". Ngay cả ba mẹ cô ban đầu cũng không công nhận ý chí học hỏi của Ghimire. Họ đánh cô vì cho rằng viết chữ lên mặt đất sẽ mang tới vận xui.

Sinh ra tại một ngôi làng hẻo lánh ở huyện Dhankuta miền đông Nepal, khi đó vai trò của người phụ nữ không được xem trọng, huống hồ là cô Ghimire sinh ra không lành lặn. Cha của cô, ông Krishna Prasad Ghimire, từng được một người hàng xóm xúi hãy giết đứa con tật nguyền này đi, khi Ghimire chỉ mới lên 7, bằng cách quẳng cô xuống sông. "Lúc đó tôi đã rất buồn nhưng không làm thế. Còn hôm nay thì tôi rất hạnh phúc vì con tôi đã làm cả nhà nở mặt nở mày", ông nói.

Ghimire bắt đầu sự nghiệp viết lách khi mới 19 tuổi. Ngoài tập sách được giải thưởng, cô Ghimire đã xuất bản bốn tập thơ, hai tập truyện ngắn và có nhiều bài đăng báo. Cuốn sách mới nhất của cô, "Đời là đóa hoa hay mảnh gai", đã được tái bản 3 lần bằng tiếng Nepal. Sắp tới đây quyển sách sẽ được chuyển ngữ sang tiếng Anh. "Tôi rất hạnh phúc khi được trao giải thưởng này", cô cắm cúi gò nặn con chữ bằng những ngón chân để viết câu trả lời.

NAM LIÊN (Theo BBC, MYREPUBLICA)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những con chữ lấm lem bùn đất



TT - Trước khi khăn gói lên thành phố vào đại học, Dũng và Trung đem trả cái xoong cho bác Năm, cái chảo cho chị Ba, bộ ấm chén cho nhà anh Tú... Đó là những vật dụng mà lâu nay hai anh em mượn từ những hàng xóm tốt bụng để dùng.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=518952
Dũng (trước) và Trung với công việc hằng ngày - Ảnh: MAI VINH



Gia đình cặp song sinh Nguyễn Quốc Dũng - Nguyễn Quốc Trung, sinh năm 1991, ở tận Tiểu Cần, Trà Vinh nhưng chỉ hai anh em lạc lên tới cao nguyên để mưu sinh.

Lạc bước cao nguyên
Nhà chỉ có 2 sào lúa, ba hằng ngày phải đi bốc vác làm thuê, còn má bị bệnh sỏi thận thì giúp việc nhà cho người dân trong vùng kiếm tiền phụ chồng nuôi sống gia đình gồm người chị bị khuyết tật bẩm sinh và hai em.

Khi Dũng - Trung học hết lớp 9 là lúc gia đình càng khó khăn. Vì thế, hai em phải nghỉ học ở nhà đi làm thuê. “Có chị cùng quê rủ đi làm nhà hàng tận Vũng Tàu, thế là hai anh em khăn gói lên đường”, Quốc Dũng kể. Khi ấy cả hai mới 15 tuổi, gầy guộc, nhỏ bé.

Công việc bưng bê tất bật từ sáng đến khuya, cứ thế ngày lại tiếp ngày, cả hai không khi nào dám tin sẽ có ngày trở lại mái trường. Tình cờ có vị khách đến từ Đà Lạt ghé ăn cơm, hỏi thăm gia cảnh và hỏi “hai đứa muốn đi học lại không?”. Ngỡ tưởng chỉ là chuyện qua đường, ai dè đấy là “duyên số”, hai anh em được gửi về nơi lạ hoắc ở vùng rau Ka Đô, Đơn Dương (Lâm Đồng). Thế là từ đấy hai anh em gắn bó với cao nguyên.

Sau hai năm chạy bàn, kiến thức mai một, nhưng cả hai chỉ ôn luyện hai tháng đã thi đậu vào lớp 10 Trường THPT xã P’ró, cách nơi ở 6km.

Con chữ ân tình
Suốt ba năm trung học ở nhà trọ, một buổi đến trường, một buổi hai anh em đi làm thuê cho người dân trong xã, từ hái cà chua, đậu ve đến đánh đất trồng rau, xịt thuốc, bỏ phân... Ai kêu gì cũng làm. Mùa hè làm cật lực để tích góp tiền đóng học phí, mua sách vở, tiền ăn. Nhiều lúc ngặt nghèo đứt gạo lỡ bữa, một người phải nghỉ học đôi ngày để đi kiếm tiền. Hai anh em “tác chiến” qua lại như thế vậy mà năm nào cũng đạt học sinh khá. “Cuối năm lớp 12, học bạ bị cô giáo chủ nhiệm phê nghỉ học hơi nhiều, hơn 20 buổi” - Quốc Dũng cười nói.

Nguyễn Quốc Trung, người em, đậu ngành công nghệ sinh học Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, kể rằng may mà người dân ở đây tốt bụng cưu mang, ai có việc gì cũng kêu, nhiều lúc còn trả công cao hơn ngày công bình thường. Từ cái nồi, cái chảo đến bộ ấm chén cũng do cô bác láng giềng cho mượn. Thỉnh thoảng đi học về thấy bọc cá kho treo trước cửa phòng trọ mà không biết của ai cho để cảm ơn. Còn khi tết đến, không tiền về thăm ba má, hàng xóm ai cũng mời đến nhà ăn tết.

“Nhận tình thương của nhiều người, nhà có chị bị khuyết tật nên em chọn ngành công tác xã hội cộng đồng Trường đại học Đà Lạt theo học, ước muốn mai này chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật để phần nào trả nghĩa cô bác đã từng cưu mang” - Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm.

Quốc Dũng vạch kế hoạch trong thời gian tới chắc chắn phải kiếm việc làm thêm, bất cứ việc gì, còn hè thì về Ka Đô làm nông vì cả xã rau này ai cũng biết, cũng thương hai đứa. Anh Tú, người sống cùng nhà trọ với Dũng - Trung, tin tưởng: bản tính chịu thương chịu khó, không ngại khổ cực cùng với đức tính ham học sẽ là vốn quý để các em vượt khó tiếp bước trên con đường sau này.

HỒ KHẢI NHIÊN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ba câu chuyện về triết lý sống của Steve Jobs



LTS. Steve Jobs được thế giới ca ngợi là thiên tài kỹ thuật, nhà phát minh vĩ đại, một doanh nhân tài ba... Ẩn dưới những bề nổi đó, Steve Jobs là một Phật tử, thực hành thiền định từ thuở thanh niên. Là người sở hữu tài sản rất lớn, nhưng ông luôn sống đơn giản, thiểu dục tri túc, ăn chay. Steve Jobs từng bộc bạch: “Tâm vắng lặng là chìa khóa của mọi sáng tạo”. Ngày Steve Jobs tạm biệt thế giới này, cả thế giới thương tiếc ông, dành những lời tốt đẹp nhất để nói về Steve Jobs.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, 13-10, Câu chuyện trong tuần kỳ này dành nói về những triết lý sống đã hướng đạo cuộc đời Steve Jobs. GN trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của thầy Khải Thiên (Thích Tâm Thiện), sáng lập tu viện Cát Trắng và Cát Sơn, Florida, Hoa Kỳ.

http://www.giacngo.vn/UserImages/2011/10/17/9/3.png
Cuộc đời Steve Jobs - sống vì cái đẹp, vì tình yêu và vì lý tưởng



Người viết bài này chẳng liên hệ gì với Steve Jobs trong mọi lĩnh vực. Mối liên hệ duy nhất với ông ta đơn giản chỉ là một chiếc máy tính Macbook Air mới vừa mua chưa đầy vài tháng... Bao nhiêu niềm vui vì tiện ích kỳ vĩ của chiếc máy tính này trong thoáng chốc đã nhuốm màu u buồn khi hay tin người sáng tạo ra nó đã vĩnh viễn ra đi!

Càng ngậm ngùi hơn khi biết rằng người ấy đã nói về sự ra đi của mình 5 năm trước qua bài thuyết trình nhân lễ tốt nghiệp tại một đại học danh giá bậc nhất thế giới, Stanford University, cũng là nơi tràn đầy kỷ niệm của tác giả. Bài viết như một lời tri ân... không phải vì tôn vinh sự lên ngôi của những chiếc máy tính cực mỏng, iPad, iPhone... mà vì xúc động trước bức thông điệp về triết lý sống “rất Phật” đến bất ngờ của người sáng lập Apple.

Thông điệp ấy đang truyền cảm hứng về một đời sống với lý tưởng cao đẹp đến khắp hành tinh này, nhất là đối với các bạn thanh thiếu niên, những người vốn đang sống vì cái đẹp, vì tình yêu, và vì lý tưởng. Dưới đây là ba câu chuyện và triết lý sống của Steve Jobs đã truyền đạt cho các bạn trẻ tại Đại học Stanford, Polo Alto.

Định nghiệp như những dấu chấm...
Câu chuyện đầu tiên mà Steve Jobs giới thiệu trong diễn văn của mình đó là việc bỏ học nửa chừng của ông ta. Nghe rất cảm động. Ông ta bỏ học không phải vì lười biếng mà vì cảm thấy buồn và xấu hổ khi phải tiêu quá nhiều tiền để dành cả đời của bố mẹ nuôi trong khi bản thân ông lại không thực sự cảm nhận được những điều mà ông cho là có giá trị thật sự. Ông đã quyết định từ giã ngôi trường chỉ sau sáu tháng theo học. Tuy nhiên, môn học viết chữ đẹp (calligraphy) đã lôi kéo sự quan tâm của ông. Ông đã theo học những lớp thư pháp mà ông không hề nghĩ rằng sau này ông đã áp dụng chúng vào trong các mẫu thiết kế của Apple.

Trong thời điểm của những quyết định khó khăn ở tuổi học sinh, Steve Jobs đã chọn lòng hiếu kính với cha mẹ và yêu thích cái đẹp làm động lực dắt dẫn cuộc sống của mình. Nhìn lại những kinh nghiệm thời thơ ấu, Steve Jobs đã khuyên các bạn trẻ trong lễ tốt nghiệp của họ rằng, “... Bạn không thể nối kết những dấu chấm khi nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể nối kết chúng khi nhìn lại đằng sau. Cho nên bạn phải tin tưởng rằng những dấu chấm đó thế nào rồi cũng sẽ nối kết với tương lai của bạn bằng cách này hay cách khác. Bạn hãy tin tưởng vào điều gì đó ở chính mình: bản năng, định mệnh, cuộc sống, nghiệp lực, vân vân. Lối tiếp cận này chưa bao giờ làm cho tôi thất vọng, và nó đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong cuộc sống của tôi”. (... You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future. You have to trust in something - your gut, destiny, life, karma, whatever. This approach has never let me down, and it has made all the difference in my life).

Mười năm sau, khi hồi tưởng lại, Steve Jobs đã nhận ra rằng sự thành công của ông được quyết định bởi những yếu tố quan trọng đó là: ông đã nhìn đời bằng chính đôi mắt của mình; ông đã nói với đời bằng chính tiếng nói từ nội tâm của mình, và ông đã sống giữa đời bằng tình yêu cái đẹp sâu thẳm đến từ trái tim của chính mình. Bạn thử nghĩ đến một chàng thanh niên vừa từ bỏ một con đường đại học danh giá và tham dự vào những lớp học viết chữ đẹp nghe có vẻ viển vông và rõ ràng chẳng thực tế chút nào! Nhưng Chính Steve Jobs, khi nhìn lại, đã khẳng định, “Nó thật là đẹp, thật kỳ vĩ, và tinh tế một cách điệu nghệ trong một cách thức mà khoa học không làm sao nắm bắt được, và tôi đã thấy nó quả thực là quyến rũ.

Tuy nhiên, những điều này thậm chí không hề có chút hy vọng nào đến những ứng dụng thực tế trong đời sống của tôi. Nhưng mười năm sau, khi chúng tôi thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, tất cả đã trở lại với tôi”. (It was beautiful, historical, artistically subtle in a way that science can’t capture, and I found it fascinating. None of this had even a hope of any practical application in my life. But ten years later, when we were designing the first Macintosh computer, it all came back to me.)

Thật vậy, tâm sự của ông là những kinh nghiệm sống quý giá vô bờ. Câu chuyện đầu tiên mà Steve Jobs đã chia sẻ với chúng ta đó chính là những lời khuyên chân tình cho những ai đang bước vào ngưỡng của của cuộc đời: Hãy để tâm chiêm ngưỡng cái đẹp, dù rất bình thường, ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất, vì chính nó sẽ đem lại sự tươi mát để nuôi dưỡng cuộc sống. Và hãy để lòng hiếu kính với cha mẹ, sự quan tâm đến nỗi khó nhọc của những người chung quanh, và lòng yêu thích cái đẹp dắt dẫn bạn trước những quyết định khó khăn nhất. Rõ ràng, đây là một quan điểm, một thái độ sống rất vị tha bên cạnh tình yêu tha thiết đối với cái đẹp.


http://www.giacngo.vn/UserImages/2011/10/17/9/2-2.jpg
Steve Jobs thực tập thiền từ thuở thanh niên, ở độ tuổi thường
chẳng mấy ai quan tâm tới vấn đề sinh, lão, bệnh, tử...



Nhẹ nhàng trong sự thành, bại...
Câu chuyện thứ hai cũng thật là cảm động. Nó nói rõ về ý nghĩa của tình yêu và sự mất mát. Trong căn nhà đậu xe của bố mẹ nuôi, Steve Jobs và người bạn đã lần đầu tiên thành lập Hãng Apple. Lúc ấy ông chỉ vừa 20 tuổi. Đến 10 năm sau, Công ty Apple trong căn nhà để xe của ông đã phát triển thành một đại công ty với tổng trị giá hai tỷ đô la và hơn 4.000 nhân viên làm việc. Nhưng rồi, trong lúc đang ở đỉnh cao của sự thành đạt, lúc ông vừa 30 tuổi, ông đã bị buộc thôi việc vì bất đồng quan điểm về tầm nhìn tương lai với người mà ông đã thuê làm điều hành. Ông phải ra đi vì toàn ban điều hành đứng về phía người ấy.

Ông đã thực sự đau khổ vì thất bại này. Nhưng từ trong đáy thẳm của con tim, ông ta đã nhận ra một phép lạ, đấy là, ông vẫn chưa mất tình yêu đối với công việc của mình. Thế là ông đã khởi sự thành lập một công ty mới là NeXT và tiếp sau đó là Công ty Pixar gắn liền với người phụ nữ, mà sau này trở thành vợ của ông. Điều kỳ thú là chẳng bao lâu sau sự thành đạt của NeXT, chính Apple đã mua lại Công ty NeXT, một công ty đã tạo ra những sản phẩm then chốt cho sự phục hưng của Apple như hiện nay. Thế là Steve Jobs đã trở lại với Apple.

Về sau ông đã phát biểu rằng, “Bị thôi việc ở một công ty do chính mình sáng lập quả là điều tốt đẹp nhất đã đến với tôi. Cái nặng nhọc của thành công được thay thế bằng cái nhẹ nhàng trong trạng thái của người mới khởi sự, ít có bám chắc vào bất cứ cái gì. Nó đã cởi trói cho tôi đi vào một giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời”. (... Getting fired from Apple was the best thing that could have ever happened to me. The heaviness of being successful was replaced by the lightness of being a beginner again, less sure about everything. It freed me to enter one of the most creative periods of my life).

Những gì Steve Jobs nói quả thật là chẳng khác gì giọng điệu của một thiền sư chính thống. Vâng, ông đã nói với chúng ta bằng sự kiện, chứ không phải bằng ngôn ngữ rằng: thất bại không phải là điều đáng sợ mà đánh mất tình yêu vào cuộc sống mới là điều đáng sợ! Trong những lúc thất bại và não nề như thế, ông đã bám lấy tình yêu vào công việc thay vì sống với phiền muộn khổ đau hay tự đồng hóa mình với những cảm giác buồn vui, thương ghét... Là một người Phật tử, Steve Jobs đã rất tinh tế khi sống lời Đức Phật dạy bằng cách cố vượt ra khỏi sự bức bách của tám nhân duyên ám ảnh trần thế - được, mất vui, buồn, khen chê, danh vọng và không danh vọng - để khơi dậy tình yêu và lý tưởng của mình. (Xem Kinh Anguttara Nikaya AN 8.6).

Nếu bạn cứ tiếp tục chạy theo tám nhân duyên này, cho dù bạn được phép sống thêm một trăm năm nữa thì bạn vẫn mải miết trong phập phồng, đau khổ. Vì chân lý của cuộc sống là sự thay đổi không ngừng. Chỉ có cách, hãy tự mình vượt lên trên các nhân duyên đối đãi này và an trú sâu xa trong tĩnh lặng, bạn mới có thể sáng tạo và làm mới cuộc sống của chính mình. Sống như Steve Jobs, tĩnh tâm trước thành hay bại, chắc chắn bạn sẽ được an bình, hạnh phúc.


http://www.giacngo.vn/UserImages/2011/10/17/9/1-2.jpg
Những thông điệp trong bài nói chuyện của Steve Jobs tại ĐH Standford
đã thực sự chạm vào trái tim của nhiều người, những triết lý sống "rất Phật"



Quán niệm về vô thường (sự chết) để sống tốt đẹp hơn...
Câu chuyện thứ ba đã khép lại cuộc đời trần thế của Steve Jobs. Và lạ lùng thay, đây lại là một bài giảng về vô thường, về cái chết cho hàng ngàn sinh viên trong ngày lễ ra trường tại Đại học Stanford. Tất nhiên bài thuyết trình trong một bối cảnh quan trọng như thế được phô diễn trên văn bản với một quan điểm sống rõ ràng chứ không phải là một cảm hứng ngẫu nhiên. Steve Jobs đã giảng về vô thường như thế nào?

Ông bắt đầu câu chuyện: “Mỗi buổi sáng khi soi gương tôi đều hỏi chính tôi rằng “Nếu như hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, thì tôi có muốn làm những gì mà tôi sắp sửa làm hay không?”. Nếu như câu trả lời là ‘Không’ suốt nhiều ngày như vậy, thì tôi biết rằng tôi phải thay đổi một điều gì đó”. (I have looked in the mirror every morning and asked myself: “If today were the last day of my life, would I want to do what I am about to do today?”. And whenever the answer has been “No” for too many days in a row, I know I need to change something).

Một lối sống cẩn thận và có ý thức từng ngày, từng giờ như thế xuất phát từ căn bệnh ung thư tụy tạng (lá lách) mà ông đang cưu mang. Chính căn bệnh của ông cũng đã giúp ông phần nào tỏ ngộ chân lý vô thường. Nhưng căn bệnh đó không giúp ông tìm đến Phật giáo. Vì Steve Jobs đã đến với Phật giáo ở ngay vào độ tuổi thanh xuân, ở một lứa tuổi mà hầu như chẳng ai bận tâm đến chuyện sinh lão bệnh tử.

Mặc dù phải đối diện với bệnh tật nhưng tâm ông đã không hề chùng xuống mà trái lại nó lại sáng suốt và mạnh mẽ hơn bao giờ. Ông nhấn mạnh: “Quán niệm rằng nay mai tôi sẽ chết là một công cụ quan trọng nhất mà tôi đã đương đầu để có thể giúp tôi quyết định những lựa chọn lớn lao. Bởi vì hầu như tất cả mọi thứ - lòng mong đợi từ bên ngoài, niềm kiêu hãnh, nỗi sợ hãi về sự thất bại hay bẽ bàng - những điều này sẽ bị rơi rụng trước cái chết, chỉ còn lại những gì thật sự quan trọng.

Ghi nhớ rằng bạn sẽ phải chết là cách tốt nhất mà tôi biết để có thể tránh được cạm bẫy của ý tưởng rằng bạn có cái gì đó để mất!” (Remembering that I’ll be dead soon is the most important tool I’ve ever encountered to help me make the big choices in life. Because almost everything - all external expectations, all pride, all fear of embarrassment or failure – these things just fall away in the face of death, leaving only what is truly important. Remembering that you are going to die is the best way I know to avoid the trap of thinking you have something to lose).

Dường như Steve Jobs đã rất tâm đắc pháp môn quán niệm về sự chết. Một trong những pháp môn quán niệm mà Đức Phật đã giảng dạy trong mười pháp tùy niệm đó chính là niệm Chết (niệm diệt). Câu chuyện của Steve Jobs dường như vô tình cũng đã mang theo bóng dáng của cô bé quay tơ 16 tuổi, cư dân làng Alavi, được ghi lại trong chuyện tích Kinh Pháp Cú. Cô bé làm nghề quay tơ cũng đã thành tựu về mặt tâm linh nhờ vào pháp niệm này; và cũng đã từ giã thế giới rất sớm...

{Mời đọc phần tiếp theo)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (67 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối