“Nếu chọn sai lối, tôi đã sa vào địa ngục”
* HIỀN HÒA phỏng vấn
Khi các bản sonate của nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ được trình diễn ở Pháp, có người ví ông như Beethoven của Việt Nam; cũng có khảo sát nhỏ cho biết ông gần như là người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam viết đến chín bản sonate. Tuy nhiên, trong câu chuyện mà ông dành cho độc giả Sài Gòn Tiếp Thị, sau nhiều năm tay run không thể chơi dương cầm hay viết lách, ông hé lộ lý do vì sao những người ở hoàn cảnh như ông chỉ có hai lối rẽ: chọn đúng, sẽ đứng lên thành người, chọn sai, sa đoạ và đi vào địa ngục.
Minh họa của Hoàng Tường
Sonate là chọn con đường độc đạoHẳn nhiên đây là một câu hỏi cũ và có thể nhàm chán, nhưng với một câu chuyện mới, độc giả vẫn muốn biết tại sao ông lại chọn sonate để sáng tác khi tuổi đã chín muồi, mà không tiếp tục với các thể loại khác, ví dụ như ca khúc?Nói ra những điều sau đây, không phải ai cũng cảm thông được, vì không khéo người ta nói mình quá đề cao nhạc không lời, trong khi thực tế thì nhạc không lời xứng đáng được như thế. Nhận thức thế giới, nghệ thuật có một vài điểm căn bản giống nhau, nhạc không lời cũng không ngoại lệ, nhưng cũng có nhiều khác biệt, vì nó quá trừu tượng, không được thiên nhiên cung cấp cho người sáng tác (và cả người nghe) cái gì sẵn có cả. Theo cảm nhận của tôi, sonate có khả năng giúp người ta đi vào sâu trong bản năng và tư duy trừu tượng, bất chấp sự can thiệp của lý trí, giúp ta nhìn thấy được tâm hồn của người khác. Thính giả, đa phần không thể thấy được tâm sự của tôi ở ngoài đời, nhưng khi nghe nhạc thì lại thấy nó qua những khung cảnh trừu tượng của âm thanh.
Tôi từng viết hợp xướng, dạ khúc và một số ca khúc còn được thính giả nhắc đến như Nhớ trăng huyền xưa, Dạ khúc, Bóng chiều, Chiều cô thôn… nhưng đến một ngày, tôi biết mình không thể cứ chạy theo cái tư duy cụ thể – diễn ý và tuyên truyền, mà nên quay lại với tư duy trừu tượng, nó thật là mình hơn. Đây là nhu cầu tự thân, và tôi thấy mình phù hợp với sonate, dù biết rằng chọn sonate là chọn con đường độc đạo và khó khăn, vì ở mình gần như chưa có tiền lệ thành công.
Cũng cần nói thêm, từ nhỏ tôi đã rất yêu âm nhạc, bố tôi là một nghệ nhân chơi đàn bầu rất hay, rành nhiều bài nhạc cổ của Đông Á; ông lại cho tôi học trường dòng, sớm được đứng vào dàn đồng ca, được ngồi vào dương cầm, được nghe vĩ cầm… Ký ức âm nhạc ấu thơ của tôi là một cuộc hoà trộn giữa các bậc thầy Áo, Đức… với âm nhạc tinh tuý của Việt Nam và Đông phương.
Cả chín bản sonate ông đều viết cho việc phối diễn giữa vĩ cầm và dương cầm, nhưng xin hỏi vì sao lại không thấy một cây vĩ cầm nào trong nhà ông?Đúng vậy, trong nhà tôi chẳng có một cây vĩ cầm nào, dù khi còn bé, tôi có được học trong một thời gian ngắn. Với tôi, vĩ cầm là “vua” của các nhạc cụ, không phải vì nó sâu lắng nhất, xót xa nhất và thanh âm cao nhất, mà vì luôn diễn xuất sâu sắc nội tâm và tư tưởng của con người. Khi ngồi vào viết sonate, tôi chỉ có phím dương cầm kế bên, còn tất cả chỉ là hình dung và tưởng tượng, nhất là với thế giới trừu tượng của kỹ thuật vĩ cầm, tôi nhắm mắt lại rồi phiêu du theo cảm tưởng.
Kể thêm một chút về hoàn cảnh cũng chẳng để làm gì, nhưng thực sự lúc nhỏ tôi quá nghèo, năm tuổi mẹ mất, 13 tuổi bố mất, sống một đời mồ côi, làm gì có điều kiện học vĩ cầm hay âm nhạc cho tử tế. Ở đời thiếu cái gì cũng khổ hoặc sẽ làm người ta chết, thiếu thốn tình cảm tuy khó làm người ta chết, nhưng là một thiếu thốn kinh khủng lắm. Tôi nay 85 tuổi rồi, nhìn lại đời mình, tôi nghiệm ra một sự thật phũ phàng rằng: ở hoàn cảnh đơn côi của tôi lúc đó, chỉ có hai chọn lựa, mà chỉ cần chọn sai lối rẽ, tôi đã đi vào địa ngục. Tuy nhiên, tôi không muốn đi vào đó, nên đã cố gắng để đứng dậy thành người, thật chẳng dễ dàng gì.
Nghe câu chuyện ấu thời cơ cực nhưng đầy quyết tâm của ông, trong một giọng nói nhẹ nhàng, thư thái, thân hình ông thì mảnh khảnh… độc giả thật khó đoán biết ông thuộc tính cách nào. Nếu tự mô tả tính cách của mình, ông sẽ nói thế nào?Mấy chục năm đứng trên bục giảng ở trường cao đẳng Sư phạm âm nhạc Hà Nội, có học trò và đồng nghiệp làm chứng, tôi không bao giờ thích la hét, chửi thề hay văng tục. Tử vi chấm tôi thuộc “Khốc hư Tí Ngọ”, nghĩa là người có chí phấn đấu cao, lời nói đanh thép, có uy, lúc trẻ thăng trầm bôn ba, cần gặp Hoá quyền mới khả dĩ xuất thế xưng hùng. Nhìn lại, tôi thấy mình cũng đúng là “anh hùng vô địch” thật, không phải ở chuyện đánh nhau hay làm cách mạng, mà là ở chỗ thích làm những việc khó.
Tôi thuộc típ người nhẹ nhàng và lý trí, ấy là một nhận xét không chỉ đúng với con người, mà đúng với cả tác phẩm. Tất cả các sonate của tôi đều thể hiện điều này qua cấu trúc của nó: chương một – tình cảm, chương hai – sự trong sáng, chương ba – trí tuệ. Theo như nhân sinh quan của tôi, con người cần nhất là những tình cảm tốt đẹp, sự trong sáng ở tâm hồn, thì mới mong làm chủ được trí tuệ và giúp ích được cho bản thân, cộng đồng. Khi xuất phát điểm là tình cảm mà vẩn đục, thủ đoạn, ô uế… thì trí tuệ, hành động kéo theo sẽ chẳng thể nào thanh cao, vị tha.
Nhìn vào nhạc cụ, nếu dương cầm diễn đạt xuất sắc về trí tuệ, thì vĩ cầm lại xuất sắc trong việc diễn tả các cung bậc của tâm hồn, nhất là sự trong sáng. Trong dàn nhạc, tôi không chịu được tiếng kèn đồng, tiếng trống hay tiếng phèng phèng…, chúng quá inh ỏi, nhất là những khi ngồi một mình, nghe nó khiến ta giật mình, bất an và không tự tại. Tôi chỉ thích những nét nhạc đẹp, da diết; không khí âm nhạc thì nhẹ nhàng, sâu lắng.
Âm nhạc là triết lý của triết lýCó nhà trình tấu nhận xét sonate của Nguyễn Văn Quỳ quá khó vì những dấu khoá bất thường, đầy biến âm, nhiều khi bốn – năm biến âm theo nhau; đó là chưa nói ông quá nhuyễn trong cách dùng kỹ thuật âm nhạc Tây phương để diễn tả hồn thơ và tình tự dân tộc. Ông có nghĩ đây là cách trở khiến các nghệ sĩ trình tấu Việt ngại tiếp cận, trong khi các nghệ sĩ trình tấu quốc tế lại thích thú vì được thử thách?Tôi thuộc típ người nghĩ nhiều nhưng viết nhanh, bản sonate đầu tiên hoàn tất năm 1964, nghĩa là đã rất lâu rồi tôi ít còn nghĩ tới chuyện nó có được trình tấu hay không. Cũng trên cây đàn dương cầm này, khoảng nửa thế kỷ qua, các sonate còn lại cũng được hoàn tất, trong các thời điểm khác nhau, không cái nào giống cái nào, nhưng căn bản tôi viết là để cho mình. Với tất cả những ai có quan tâm đến sonate của tôi nói riêng và sonate nói chung, tôi đều hàm ơn, vì âm nhạc thời nào cũng cần sự phong phú, đa dạng, chứ chỉ ca khúc không thôi thì uổng quá.
Còn để trả lời câu hỏi của bạn và nhận xét của các đồng nghiệp, tôi nghĩ thật không tiện khi phải nói về âm nhạc của mình, dù với công việc của một giảng viên, tôi có thể dễ dàng nói ra điều đó. Beethoven từng nói: “Âm nhạc là triết lý của triết lý” – tôi thích câu nói đó.
Tuy nhiên, nhiều khi chợt nghĩ đến tương lai của sonate Việt, tôi thấy chạnh lòng, chẳng khởi đầu và chẳng kế tục, nói kiểu gì cũng khó. “Biết ra sao ngày mai” là một câu hỏi không chỉ với sonate Việt, mà còn cả với nhạc không lời, tuy nhiên cá nhân thì chẳng làm được gì, phân bua, than vãn chỉ thêm mỏi cổ, mệt thân!
Chín bản sonate nhưng chưa có bản nào được thu âm như ý, đúng bài bản, chứ đừng nói tới chuyện ra thị trường. Trong những năm cuối đời, ông có định làm gì cho chúng không?Cũng có người hỏi tôi có muốn viết thêm hay sửa chữa gì không? Tôi nghĩ với người Việt, con số 9 đã là viên mãn; còn sửa chữa, nhiều khi cũng muốn, vì có vài chỗ bản thân thấy chưa như ý, nhưng rồi thời gian qua nhanh quá, bây giờ chẳng còn đủ sức để ngồi vào đàn làm việc. Thôi thì cứ để tuỳ duyên đưa đẩy, cả đời chẳng mong cầu gì, cuối đời bon chen thêm, cũng kỳ.
Tuy nói vậy, nhưng nếu nhìn lại đời mình, ông có hối tiếc điều gì không?Nếu bạn có dịp đọc những bài thơ tiếng Pháp và tiếng Việt của tôi, sẽ thấy tôi là người lạc quan và luôn biết hài lòng với hoàn cảnh của mình. Nhà tôi rộng chừng 50m2 với năm con người ở trong đó, mấy chục năm rồi vẫn vậy, nhưng tôi thấy nó ngày một rộng hơn, vì con cháu ra riêng, đất mẹ thì liền kề. Khi ta ra đi rồi, cái gì cũng rộng rãi hết, vậy khi sống, bi luỵ hay oán hờn làm gì. Có thể khẳng định thế này: tôi hoàn toàn hài lòng với hoàn cảnh của mình, những đau khổ, thiếu thốn, bị chèn ép, sự khinh khi… đã giúp tôi vươn lên trong ý thức và tâm hồn mình. Định mệnh đã sắp bày như thế, tránh né để làm gì.
Nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ sinh năm 1925 tại Hà Nội, hiện sống ở thủ đô. Ông tốt nghiệp hoà âm hệ cao đẳng hàm thụ tại Paris năm 1954 (trường cao đẳng Tổng hợp hàm thụ Paris). Ông từng nhận của hội Nhạc sĩ Việt Nam hai giải nhì cho Sonate số 4 năm 1995, Sonate số 8 năm 2005. Năm 2009, ông nhận giải thưởng Patrimoenia 2009 (Văn hoá di sản 2009) về lĩnh vực âm nhạc – giải này tôn vinh những đóng góp về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá để lại cho đời sau – thuộc quỹ Patrimoenia and Gestion SA (Sản nghiệp để lại và gìn giữ) có trụ sở tại Geneve, Thuỵ Sĩ.Xanh
Tôi vẫn thế
và thấy đời vẫn thế
ngày xanh như chẳng hề
phai đi.
Và tình tôi thì
vẫn còn xanh mãi
cùng nhành cây,
ngọn cỏ… cứ xanh hoài.
Thu có về
rồi thu cũng qua đi
lá úa vàng
thì lá non thay thế
Cỏ xanh rờn, xanh tới tận chân mây,
Xanh của đất trời, xanh của cỏ cây.
Sóng lòng tôi dào dạt một màu xanh
Thật hiền hoà nhưng cũng rất mỏng manh
Sóng tan vỡ
những mảnh lòng tan vỡ,
Thời gian ơi! Xin đừng nỡ
Thờ ơ!
Hà Nội, 8.1998
Nguyễn Văn QuỳIsabelle Durin (nghệ sĩ vĩ cầm, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Île-de-France (Pháp):“Tôi nhận ra được những xúc động của tác giả trong âm nhạc, những sự khác biệt trong cấu trúc và giai điệu so với các sáng tác mà tôi từng biểu diễn. Nó có một chất lượng nghệ thuật nhất định nên tôi thực sự muốn chơi (...). Âm nhạc của ông được sáng tác từ những năm cuối thế kỷ 20, nhưng lại theo trường phái ấn tượng vốn thịnh hành ở châu Âu đầu thế kỷ 20. Đó là một điểm đáng chú ý khi đặt nó trong bối cảnh xã hội đương đại quá tốc độ và pha tạp. Bên cạnh đó, ông đã tạo được phong cách – một sự độc đáo và hết sức cá nhân – ý tôi muốn nói âm nhạc là chính con người ông, khác biệt và không bị lẫn giữa đám đông”.
GS.TS.NSƯT Ngô Văn Thành (giám đốc học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam):“Nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ là người tài năng. Các tác phẩm của ông luôn được thể hiện trong một mạch cảm xúc mãnh liệt, tuy được viết theo cấu trúc âm nhạc Tây phương nhưng lại thể hiện một tâm hồn rất Việt Nam bằng ngôn ngữ âm nhạc rất riêng. Trong những tác phẩm đó, có thể thấy những suy nghĩ, tình cảm của ông được thể hiện qua những chủ đề âm nhạc tương phản: lúc dịu êm, sâu lắng, lúc bi kịch, xung đột. Và đó chính là sự thành công trong sáng tác của ông”.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)