Lòng trắc ẩn đang bị thử thách
* KIM YẾN thực hiện
SGTT.VN - Có một phụ nữ đi khắp thế gian để học cách giúp người khuyết tật được sống đúng như một con người, đó là Võ Thị Hoàng Yến. Với bản lĩnh cương cường và một tình yêu cuộc sống mãnh liệt, chị từng đoạt giải Kazuo Itoga Memorial – giải thưởng tôn vinh những cá nhân ở châu Á – Thái Bình Dương có đóng góp nổi bật cho cuộc sống của người khuyết tật. Hoàng Yến đã vượt qua bao nghịch cảnh, để biến DRD trở thành một “doanh nghiệp xã hội” với ý nghĩa đẹp nhất của nó.
“Tôi muốn DRD là nơi chốn giúp người khuyết tật cùng nhau hát lên bài ca khát vọng”. (Ảnh: DRD)
Mỗi sáng thức dậy, điều gì thôi thúc chị nhất, để có thể tiếp tục chống đôi nạng gỗ, đi lang thang khắp mọi miền đất nước, gầy dựng và duy trì trung tâm Khuyết tật và phát triển (Disability Research and Capacity Development – DRD)?Khi tôi lập DRD, nhiều người cho tôi… điên! Có người còn ái ngại: “Một người con gái yếu đuối, tật nguyền như em, lo cho bản thân chưa xong, còn bày đặt đàn đúm hội họp làm gì cho khổ?”… Nhưng tôi nghĩ muốn giúp người khuyết tật thì phải thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân với cộng đồng, và với chính mình, giúp cộng đồng và người khuyết tật nhận rõ quyền được sống, được đối xử bình đẳng.
Có ai hiểu người khuyết tật cô đơn và tuyệt vọng như thế nào, bởi họ nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Họ cũng là con người với tất cả khát khao được học tập, được làm việc và cống hiến, được yêu thương và có mái ấm riêng, được thụ hưởng các dịch vụ xã hội như thư viện, nhà hát, xe buýt, quán xá… Tôi muốn DRD là nơi chốn giúp người khuyết tật cùng nhau hát lên bài ca khát vọng. Ở đây, mỗi người khuyết tật sẽ thấy mình có một giá trị cá nhân sâu sắc và cuộc sống đẹp đẽ hơn chính là nhờ sự đa dạng, sự khác biệt – cái mà họ có thừa.
Kinh doanh với tinh thần xả thân vì cộng đồng, chị thực sự tạo ra một hiệu ứng lan toả rất đẹp trong giới doanh nhân…
Xét về lợi ích xã hội thì DRD có lời, nhưng về kinh doanh thì còn bấp bênh lắm, nhưng thật may mắn là không khí ở đây lúc nào cũng ấm cúng bởi những tấm lòng. Tôi quan niệm mỗi tác phẩm hội hoạ, mỗi bức tranh thêu, đến từng ly nước, từng món ăn ở đây đều phải đẹp, chất lượng, phục vụ tốt, giá cả cạnh tranh. Có như vậy người khuyết tật mới nhận ra giá trị của mình để có thể tự hào về bản thân. Tôi rất chú trọng khơi gợi tinh thần khởi nghiệp doanh nhân cho người khuyết tật. Một doanh nhân xã hội theo tôi phải hội đủ nhiều phẩm chất: người tiên phong, sáng tạo, liều lĩnh, dám đối diện với thử thách, bền chí, nhìn thấy cơ hội mà người khác không thấy… để làm kinh doanh vì mục đích cộng đồng. Làm kinh doanh tất yếu phải có lãi, nhưng với một doanh nghiệp xã hội, cái lãi lớn nhất chính là tạo ra những thay đổi trong thang giá trị cho xã hội.
Là “thủ lĩnh” của DRD, chị nghĩ gì khi những cộng đồng nhỏ như nhóm những người khuyết tật DRD và nhiều nhóm hoạt động phi lợi nhuận khác đang trở thành một lực đẩy lặng lẽ tác động lại xã hội, để gìn giữ và bảo vệ những giá trị đáng quý của cộng đồng?Cộng đồng thực chất được tạo ra bởi những nhóm nhỏ, người khuyết tật có thể là những người xây dựng cộng đồng hiệu quả. Mục tiêu của DRD là nâng cao nhận thức của chính người khuyết tật và các thành viên khác trong cộng đồng về các vấn đề khuyết tật, xây dựng năng lực cho các cá nhân và các nhóm, tổ chức của người khuyết tật, để phát triển chuyên ngành công tác xã hội với người khuyết tật. Phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ từ bên ngoài sẽ làm mất đi lòng tự hào về mảnh đất mình đang sống, mà lòng tự hào là động lực của sự gắn bó và đóng góp cho cộng đồng. Phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ từ bên ngoài cũng tác hại rất lớn đến vấn đề phát triển bền vững. Nếu chúng ta bắt đầu từ những gì mà cộng đồng đã từng tự hào, những gì cộng đồng đang sẵn có rồi tìm cách phát triển chúng thì tiềm lực sẽ lớn dần lên, và những khó khăn sẽ nhỏ dần, nhường chỗ cho niềm tin mới, năng lực mới.
Là thạc sĩ về phát triển con người, theo chị, giá trị sống nào là quý giá nhất? Để nuôi dưỡng điều đó, nhà trường cần phải làm gì?Chỉ có tình yêu thương mới giúp con người vượt qua được chính mình. Giới trẻ bây giờ mất phương hướng, lạc lõng, nhưng khổ nhất là mất niềm tin. Trăn trở của cô Nguyễn Thị Oanh cũng là trăn trở của riêng tôi, trường học của chúng ta cần có nhân viên xã hội thực thụ để sẵn sàng giúp các em giải toả mọi ưu phiền. Ngoài việc học tập, các em phải đối mặt với rất nhiều vấn đề của cuộc sống như đói nghèo, ma tuý, bị bắt nạt, lạm dụng tình dục, gia đình tan vỡ… Nhân viên xã hội chuyên nghiệp sẽ giúp các em vượt qua những khó khăn ấy và học tốt hơn.
Đối với học sinh cuối cấp trung học, còn có những chương trình chuyển giai đoạn, giúp các em bước vào môi trường sống lớn hơn, với nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ hơn như vào đại học, học nghề, hoặc đi làm kiếm sống… Ở các nước, không chỉ trong trường học, mà cả bệnh viện, cộng đồng đều có nhân viên xã hội.
Với chị, giá trị sống nào bị thử thách nhiều nhất?Lòng tin. Lòng tin giống như một vốn xã hội, đang bị “thất” vô cùng. Mối quan hệ giữa con người và con người phải được xây dựng trên cơ sở niềm tin, nhưng bọn trẻ luôn cảm giác bị phản bội, không được lắng nghe, bị quay lưng, và không còn tin vào ai nữa. Một lần, cách đây cũng lâu rồi, tôi xin được 100 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, lo nhất của tôi là làm sao có tiền chuyên chở tới cảng. Một chị ở tổ chức quốc tế đã hứa giúp số tiền ấy. Thế là tôi lặn lội khắp các miền quê để tìm ra những người cần xe lăn nhất. Nhưng khi xong xuôi rồi thì chị ấy trở mặt, nói là đâu có hứa hẹn gì với tôi.
Lần đầu tiên tôi oà khóc vì cảm giác mình đang phản bội lại lòng tin của 100 con người. Tôi cầu cứu khắp bạn bè, vận động mua được 15 chiếc xe trong nước, nhưng vẫn còn đó món nợ đau lòng là hai trong số 100 người đó đã mất trước khi nhận được xe lăn. Đó là một em bé bại não, nhà rất nghèo, mẹ em chỉ mong có được chiếc xe lăn để đưa con ra đồng; và một bà cụ già nằm liệt giường chỉ mong có ngày được nhìn thấy bầu trời…
Có hai bằng đại học (kinh tế và ngoại ngữ), tốt nghiệp thạc sĩ ngành khoa học hành vi tại đại học Kansas, Hoa Kỳ với khoá luận xuất sắc, từng nhận giải thưởng của nhiều tổ chức quốc tế về hoạt động nghiên cứu và cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, và đang là giảng viên đại học Mở TP.HCM… chị đã trải qua những gian khổ như thế nào trong cuộc chinh phục tri thức?Cơn sốt bại liệt từ khi mới hai tuổi đã đẩy tôi vào một góc tối tưởng chừng không gượng dậy nổi, nhưng trong tôi luôn có một tình yêu cuộc sống mạnh mẽ. Nhưng chính thái độ của những người bên ngoài mới làm tôi cảm nhận mình là người khuyết tật. Điều đó làm tôi đau, càng nỗ lực học thật giỏi. Ngôi trường làng cách nhà hai cây số, hằng ngày tôi phải đi bộ đến trường, phải chịu đựng sự chế giễu của bạn bè, có đứa còn ác miệng gọi tôi là Quách Hoè vì dáng đi tập tễnh, nhưng tôi gan lì lắm, chẳng khóc bao giờ.
Đau đớn nhất với tôi là tấm bằng cử nhân kinh tế và bằng A Anh văn cũng không giúp tôi xin được việc làm. Tôi chạy khắp nơi gần như tuyệt vọng, may sao một công ty liên doanh nhận tôi vào chức kế toán trưởng. Khấp khởi mừng, nào ngờ ngày đầu tiên đi làm, ông giám đốc trốn biệt, chỉ sai thư ký nói với tôi rằng hãy về đi, vì công ty đang có sự thay đổi, sẽ báo lại sau! Thì ra khi phỏng vấn, ông không nhận ra tôi là người khuyết tật.
Sau cú sốc đó tôi mất ngủ mấy tháng trời. Tôi nghĩ rất nhiều, phải làm gì đó không chỉ cho mình, mà cho cả người khuyết tật. Những ngày học ở Mỹ đã cho tôi một cái nhìn mới. Đề tài khoa học “Giúp phát triển kỹ năng vận động và biện hộ cho sinh viên khuyết tật” của tôi được ngân hàng Thế giới mời báo cáo tại trụ sở chính của ngân hàng Thế giới ở Washington D.C hè 2004.
Sau khi ra trường, nhiều lời mời gọi hấp dẫn cho tôi ở Mỹ, nhưng tôi vẫn quyết định trở về và lập DRD. Tôi nghĩ sống quan trọng là phải có niềm tin và biết nắm lấy cơ hội. Với người làm công tác xã hội, càng phải tin vào con người, vào cuộc đời.
Chị suy nghĩ như thế nào về sự giàu có, sự cho đi mà không cần nhận lại?Bạn bè hồi học chung đại học Kinh tế giờ gặp lại ai cũng giàu có, riêng tôi vẫn… vô sản, nhưng các bạn ấy lại “ganh tị”, bảo tôi là giàu có nhất. Tôi nghĩ giàu có phải đi đôi với hạnh phúc, làm được điều tốt đẹp cho mọi người.
Tôi cũng đã từng bị đồng tiền hành hạ, nhất là khi những dự án cho người khuyết tật phải ngưng giữa chừng vì hết tiền tài trợ. Chính vì thế tôi muốn DRD trở thành công ty tồn tại hàng trăm năm, để con cháu mình được cống hiến cho cộng đồng một cách bền vững. Muốn thế, chắc chắn phải rất mệt mỏi, và có khi rất đau lòng, vì lần đầu tiên khi các em bước ra đời mà bị vùi dập, bị phản bội, dễ dẫn đến tuyệt vọng lắm. Đào tạo cho các em một nghề, nhưng quan trọng hơn là giúp các em có cái nhìn tích cực về cuộc sống, để các em vững chãi bước vào đời. Phải vững chãi, tự tin, mới có thể làm giàu, và biết cho đi.
Ở các nước, ngành khoa học ứng dụng phân tích hành vi giúp cho việc phát triển nhân cách con người, phát triển cộng đồng. Người ta chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực với nhau thật lòng, còn ở ta chậm vì ít ai biết chia sẻ. Lòng trắc ẩn, lòng từ bi của con người đang bị thử thách rất lớn bởi sự thực dụng. Chúng ta đừng đổ lỗi hết cho nhà trường; nhưng trong gia đình, khi giáo dục con cái, chúng ta luôn sợ con mình bị thiệt thòi, nên chỉ chăm bẵm cho cá nhân, ít dạy con quan tâm đến người khác, khiến bản thân các em tính toán ngay từ nhỏ, làm sao mở lòng ra được. Giáo dục ban đầu mà ích kỷ như thế thì các em đâu còn tin vào lòng tốt, và làm sao đem lòng tốt đến với mọi người.
Âm nhạc cũng là “vũ khí đắc lực” của DRD. Làm thế nào để chị gìn giữ tình yêu âm nhạc, tình yêu cuộc sống mạnh mẽ như thế?Tôi là người ham vui. Hồi nhỏ có bao nhiêu tiền cũng để dành mua sách hết. Cuốn sách khiến tôi khóc nhiều nhất là Vô gia đình. Sách mở ra cho cô bé bên con đường đầy bụi đỏ cả một chân trời. Mê âm nhạc, tôi tự học đàn, học hát, học nhiếp ảnh, quay phim… và còn viết báo, làm thơ… Có những lúc quá mệt mỏi, tôi ngồi lặng lẽ trong nhà nghe nhạc. Nghe nhạc cũng là một cách học, học sự đẹp đẽ. Nhờ thế mà tôi dễ cảm thông hơn với mọi người.
Chính tình yêu thương của gia đình và những khó khăn trên đường đời đã làm cho bản lĩnh của tôi mỗi ngày một sắt lại. Tôi nhớ mãi hình ảnh của má đêm đêm thức bóp chân cho tôi bên ánh đèn cầy với đôi mắt đau đáu lo âu. Tình yêu thương của má khiến tôi không thể làm điều gì sai trái, không thể phản bội lòng tin của mọi người, biết mở lòng ra với người khác. Khi người ta có tình yêu, sẽ muốn san sẻ thật nhiều.
Chị đã tìm thấy tình yêu cho riêng mình chưa?Tôi vốn là người lãng mạn, nên cũng ao ước tìm một nơi yên ả để sống, sáng tác, nhưng mình không chịu được khi thấy mọi người cần mình, và rồi lại đối đầu với áp lực, lại cuốn theo. Tôi yêu thích cuộc sống vì mọi người, và tôi tin mọi vấn đề đều luôn luôn có giải pháp (cười hạnh phúc).
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)