Sự kiện Bạc Hy Lai và vấn đề nhân sự
Đại hội 18 Đảng Cộng Sản Trung Quốc
Phần 6
Nguyễn Văn Lập(tiếp theo)
Về kiến nghị chia phe phái trong đảng để phát triển cạnh tranh chính trịTờ Minh báo của Hồng Công ngày 14/3 cho biết kỳ họp thứ năm Chính hiệp Toàn quốc (MTTQ) Trung Quốc khóa 11 bế mạc và trong bản nghị quyết của kỳ họp, người ta không thấy một chữ nào đề cập tới cải cách thể chế chính trị. Tuy nhiên, theo Ủy viên Chính hiệp Toàn quốc, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một trong những người tham mưu cho Trung ương, ông Trương Lưu Thụ, cải cách thể chế chính trị vẫn là vấn đề quan trọng và khó khăn của cải cách mở cửa tương lai. Hiện nay, nội bộ Trung Quốc còn tồn tại bất đồng lớn về vấn đề cải cách thể chế chính trị, chưa đạt được sự đồng thuận và các nội dung tranh cãi tiếp tục được thảo luận trong nội bộ.
Ông Dương Kế Thằng, nguyên phóng viên cao cấp của Tân Hoa xã, người từng phỏng vấn các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây như Triệu Tử Dương, hiện là Phó Tổng Biên tập “Viêm Hoàng Xuân Thu” cho rằng cải
cách thể chế chính trị ở Trung Quốc có thể bắt đầu từ việc công khai hóa phe phái trong đảng, từng bước tiến hành cạnh tranh chính trị. Theo Dương Kế Thằng, trong thời kỳ “hai đỉnh chính trị” Đặng Tiểu Bình-Trần Vân, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xuất hiện chính trị phe phái, nhưng chưa công khai hóa việc này, các bên chỉ có thể thực hiện những “động tác nhỏ” với nhau. Giờ đây, Trung Quốc nên pháp lý hóa, quy phạm hóa phe phái trong đảng trong Điều lệ đảng, đề ra quy tắc cuộc chơi, nguyên tắc cạnh tranh.
Dương Kế Thằng cho rằng trong những năm qua việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo liên tục đề cập tới cải cách chính trị có thể xem như cơ hội để công khai hóa, hợp pháp hóa phe phái.
Trước đây, giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều nói lời giống nhau, không thể nói những lời khác đi vì như vậy là chia rẽ đảng. Nhưng những năm gần đây, việc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh tới cải cách chính trị đã làm thay đổi nguyên tắc này. Có thể đưa ra quan điểm khác với các vị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác, theo Dương Kế Thằng, là một thay đổi lớn.
Về viễn cảnh cải cách chính trị dưới thời thế hệ lãnh đạo mới thuộc khóa 18, Dương Kế Thằng cho rằng Tập Cận Bình có điều kiện tiến hành cải cách chính trị hơn hai thế hệ lãnh đạo trước là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Một là, trong thời gian Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cầm quyền, cải cách chính trị dường như dừng lại hoàn toàn, “vẫn ở dưới bóng của Đặng Tiểu Bình”, khiến cho nhu cầu cải cách chính trị hiện nay trở nên tương đối bức thiết.
Hai là, kinh tế dân doanh phát triển, tư tưởng đa nguyên hóa trong dân cũng là điều kiện có lợi cho cải cách chính trị. Theo Dương Kế Thằng, những nhà lãnh đạo là con cái của các bậc nguyên lão như Tập Cận Bình có vốn liếng chính trị nhiều hơn lớp lãnh đạo “xuất thân thường dân” như Hồ Cẩm Đào và cải cách chính trị cũng có ưu thế hơn.
Các vấn đề kinh tế xã hội của Trung Quốc hiện nay như tài chính đất đai, doanh nghiệp nhà nước lũng đoạn, tranh chấp tiền lương… đều có thể có nguyên nhân trong thể chế chính trị. Cũng giống như việc “ta không thể nắm tóc ta”, việc kiềm chế một quyền lực, nhất định cần tới một quyền lực tương đương. Do đó, các cơ quan chống tham nhũng như Ủy ban Kỷ luật Trung ương đều không phải là đáp án cuối cùng cho việc kiềm chế quyền lực, sớm muộn gì cũng phải tiến hành dân chủ hiến chính.
Liên quan tới cải cách chính trị, cựu Cục trưởng Thông tin thuộc Ban Tuyên truyền Trung ương Chung Bái Chương cho rằng thế lực quyền quý mưu đồ tư lợi là trở lực chủ yếu đối với cải cách thể chế chính trị. Theo Chung Bái Chương, “quỳ trên mặt đất để mưu cầu phát triển là không thể, phải đứng lên, phải nỗ lực”, lãnh đạo và nhân dân cùng phải thúc đẩy. Sự kiện Ô Khảm ở Quảng Đông là một đột phá rất lớn, là một minh chứng rất tốt, quần chúng thúc đẩy, kết hợp cùng với nhà lãnh đạo sáng suốt mới mang lại kết quả.
Bất đồng chính sách kinh tế bao trùm phiên họp Quốc hội Trung QuốcMạng "Stratford" (Mỹ) ngày 13/3 cho biết, những căng thẳng trong việc đối phó với nền kinh tế suy giảm và các cuộc xung đột xã hội mới nổi đã bao trùm các phiên họp của Quốc hội (NPC) và Hội nghị Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) bắt đầu từ ngày 10/3.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 7,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2004. Những năm qua, ông Ôn Gia Bảo đề ra mục tiêu 8%, được coi là mức tối thiểu để tạo công ăn việc làm nhằm hạn chế tỷ lệ thất nghiệp và mất ổn định xã hội. Mặc dù tăng trưởng thực tế trong thập kỷ qua vượt quá 8%, nhưng mục tiêu dự kiến 7,5% năm 2013 cho thấy Chính phủ đang chuẩn bị chấp nhận mức tăng trưởng giảm. Tăng trưởng chính thức năm 2012 dự kiến 8,5%, giảm so với 9,2% năm 2011 và 10,4% năm 2010. Rõ ràng, Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ sụt giảm kinh tế nghiêm trọng do nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi, đặc biệt các thị trường xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc là châu Âu và Mỹ.
Đồng thời gói kích cầu kinh tế khổng lồ năm 2008 của Trung Quốc đã tạo nên nhiều mâu thuẫn mới, từ quả bóng bất động sản không ổn định đến các khoản nợ xấu của các chính quyền địa phương. Các phe nhóm có ảnh hưởng ở Trung Quốc phản ứng bằng cách dần dần tư nhân hóa các các tài sản do nhà nước kiểm soát còn lại. Dưới khẩu hiệu "chống độc quyền" và "lợi nhuận tối đa", họ tìm cách chuyển việc kiểm soát các tài sản đó vào tay "các ông vua con", con cháu của các nhà lãnh đạo cấp cao, đang lãnh đạo các tập đoàn lớn của nhà nước. Chủ trương của các nhà lãnh đạo Trung Quốc phù hợp với một báo cáo của Ngân hàng Thế giới có nhan đề "Trung Quốc 2030" được công bố tuần trước, trong đó yêu cầu tư nhân hóa các công ty nhà nước trong các khu vực chiến lược và tạo điều kiện cho các công ty tư nhân và nước ngoài tham gia các công ty này dễ dàng hơn.
Một phái, được gọi là "phái tả mới" xuất hiện giữa thập kỷ 2000, phản đối chủ trương trên và khẳng định việc bảo vệ và hỗ trợ của nhà nước, trong đó có các khoản trợ giá, vẫn hết sức quan trọng. Họ đưa ra các rào cản chống lại "nguồn vốn nước ngoài", đồng thời yêu cầu nhà nước hành động mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với các biện pháp bảo hộ của các nước nhằm ngăn cản các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài.
Đa số các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách đề ra kế hoạch chính thức trước khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chuyển giao quyền lực cho các nhà lãnh đạo thuộc "thế hệ thứ 5", đứng đầu là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Đại hội Đảng thứ 18 cuối năm nay. Ông Tập được coi là đại diện hàng đầu của "giới lãnh đạo con ông cháu cha ". Ông Tập được sự ủng hộ của "phái Thượng Hải" thân giới kinh doanh do cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đứng đầu. Mặt khác, ông Lý được sự bảo trợ của các nhà lãnh đạo đương chức Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản đã và đang có ý định cân bằng giữa "phái Thượng Hải" và "phái tả mới".
Phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề nghị giảm bớt ảnh hưởng của "nguồn vốn nhà nước" trong các khu vực như ngân hàng, năng lượng, thông tin liên lạc, giáo dục và y tế. Tiến trình này được sự ủng hộ của các nhà kinh doanh tư nhân có uy tín tại Quốc hội như nhân vật tỷ phú thứ hai của Trung Quốc Zong Qinghou (năm 2011 có số tài sản trị giá 10,7 tỷ USD). Ông Zong, chủ tịch tập đoàn đồ uống Wahaha khổng lồ của Hàng Châu chỉ trích Chính phủ là một "công ty độc quyền đầu tư vào mọi thứ" và mong muốn ông Tập Cận Bình sẽ khích lệ sự phát triển của các công ty tư nhân khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc. Các ông chủ của các công ty tư nhân, quan hệ chặt chẽ với các công ty phương Tây, hy vọng kiếm lời nhờ tư nhân hóa các công ty đầu tư chung trực thuộc nhà nước, được thành lập từ những năm 1990. Trong số 500 công ty hàng đầu ở Trung Quốc, nhà nước có 316 công ty. Thu nhập của các công ty nhà nước chiếm 70% trong tổng số 7,5 nghìn tỷ USD GDP của Trung Quốc. Sáu khu vực độc quyền như thông tin liên lạc và hóa dầu sử dụng 28,3 triệu công nhân.
Xung quanh lời kêu gọi cải cách chính trị của Thủ tướng Ôn Gia BảoTrong báo cáo đọc tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lại một lần nữa lên tiếng hô hào cho việc cải cách thể chế chính trị, nói rằng thể chế kinh tế và chính trị cần phải được sửa đổi để có thể khắc phục các thách thức trước mắt.
Ông Ôn Gia Bảo nói rằng cải cách khai phóng là lựa chọn đúng đắn cho vận mệnh của đất nước. Ông nói: “Chúng ta cần phải tuân theo những đòi hỏi của lý thuyết phát triển khoa học, tôn trọng tinh thần sáng tạo của quần chúng để mạnh dạn tìm kiếm và tiếp tục thúc đẩy toàn diện cho những nỗ lực nhằm cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị để tìm ra giải đáp cho những bài toán của vấn đề phát triển”.
Tiếp đó trong cuộc họp báo sau khi bế mạc kỳ họp toàn thể Quốc hội ngay tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, ngày 14/3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tiếp tục nhấn mạnh phải có những cải cách chính trị “khẩn cấp” ở thượng tầng Nhà nước và đảng Cộng sản để Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển, đồng thời tránh nguy cơ tái diễn lại một “thảm họa” kiểu Cách mạng Văn hóa.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí, có thể là cuối cùng trên cương vị Thủ tướng chính phủ, ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách phải cải cách: “Chúng ta cần phải thúc đẩy đồng thời cải cách cơ cấu kinh tế với chính trị, đặc biệt là cải cách hệ thống lãnh đạo Đảng và đất nước chúng ta”. Ông cũng khẳng định thêm đó là một “nhiệm vụ cấp bách”.
Lần đầu tiên, Thủ tướng Trung Quốc nói rõ: “Một thảm họa lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể tái diễn” tại Trung Quốc, nếu các cải cách chính trị và kinh tế không được tiến hành. Sau khi nhắc đến tình trạng bất bình đẳng xã hội và vấn nạn tham nhũng tại Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đặt trọng tâm vào vấn đề cải cách chính trị, ông nói: “Nếu cải cách chính trị không có kết quả thì cải cách kinh tế cũng sẽ không thể tiến hành tốt được” và “các vấn đề nảy sinh trong xã hội sẽ không không được giải quyết một cách căn bản”.
Về vấn đề dân chủ ở trong nước, ông Ôn Gia Bảo bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ có thể được dân chủ hóa dần dần qua kinh nghiệm ở các cấp địa phương. Ông nói: “Nếu nhân dân có khả năng quản lý một làng, thì họ cũng có thể quản lý công việc của một xã, một huyện. Vì thế chúng ta cần khích lệ nhân dân can đảm theo đuổi hướng đi đó”. Phát biểu này khiến người ta liên tưởng đến cuộc bầu cử dân chủ duy nhất mới đây của dân làng Ô Khảm ở Quảng Đông, sau khi những người ở đây nổi dậy chống lại ban lãnh đạo địa phương tham nhũng.
Cũng bàn về vấn đề dân chủ, khi đề cập đến các cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả Rập, Thủ tướng Trung Quốc khẳng định đó là khát vọng dân chủ của người dân. Làn sóng Mùa xuân Ả Rập không hề bị thao túng bởi một thế lực nào và khát vọng đó phải được tôn trọng.
(còn tiếp)
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư