(Tiếp theo)
Một số tình hình diễn biến xã hội Trung Quôc từ sau cải cách mở cửa đến nay (III)
III. CHÊNH LỆCH GIÀU NGHÈO HIỆN NAY Ở TRUNG QUỐC.(Tóm lược Báo cáo của Tiểu tổ điều tra nghiên cứu Tân hoa xã.)
Chênh lệch giàu nghèo ngày càng mở rộng, đang đặt ra nhiều vấn đề, các giới xã hội hết sức lo ngại.
Cách biệt phân phối nổi rõ xu thế “nghèo đi xuống, giàu đi lên”.
Từ hệ số Gini cho thấy, tình hình chênh lệch giàu nghèo đang đến gần sát “chỉ đỏ” chịu đựng của xã hội. Theo
giáo sư Thường Tu Trạch (Viện nghiên cứu vĩ mô - Ủy ban cải cách quốc gia) giới thiệu: Hiện nay có nhiều nhận thức khác nhau về hệ số Gini, nhưng hệ số 0,47 do Ngân hàng thế giới tính toán đưa ra là được các học giả chấp nhận. Hệ số Gini của Trung Quốc 10 năm trước, sau khi đã vượt qua “chỉ đỏ cảnh báo” 0,4 mà quốc tế công nhận, vẫn leo thang hàng năm. Chênh lệch giàu nghèo đã chọc thủng giới hạn hợp lý.
Tô Hải Nam – Sở trưởng Sở nghiên cứu tiền lương lao động thuộc Bộ Nguồn nhân lực và bảo đảm xã hội, Hội trưởng Hội khoa học tiền lương, khoa học lao động cho rằng, chênh lệch thu nhập của Trung Quốc hiện nay đang thể hiện xu thế mở rộng nhiều tầng trong toàn phạm vi. Tỷ số thu nhập thành thị/nông thôn là 3,3 lần, chung trên thế giới cao nhất chỉ + 2 lần; chênh lệch tiền lương công nhân viên chức giữa các ngành nghề càng rõ, chênh nhau đến + 15 lần; chênh lệch giữa các quần thể khác nhau cũng mở rộng nhanh, như tiền lương của người quản lý cao cấp của một doanh nghiệp đưa lên sàn so với tiền lương của một công chức tuyến một chênh nhau + 18 lần; tiền lương cán bộ quản lý xí nghiệp quốc hữu so với bình quân lương xã hội là 128 lần.
Lý Thực – Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu phân phối thu nhập và nghèo khó của trường Đại học sư phạm Bắc Kinh, từ 1980 thế kỷ trước đến nay đã tham gia 4 cuộc điều tra lớn về thu nhập cư dân, thì 10% số người thuộc nhóm có thu nhập cao nhất so với 10% số người thuộc nhòm thu nhập thấp nhất, đã từ 7,3 lần (1988) tăng lên 23 lần (2007).
“Làm nhiều thu được ít” là cảm nhận chung của tầng lớp ăn lương.
Đường Quân - Chánh văn phòng Trung tâm nghiên cứu chính sách xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Trung quốc nói :”theo số liệu thống kê cho thấy, mấy năm nay, thu nhập của người nghèo và người giàu đều tăng, nhưng xét về chênh lệch chi tiêu, phần lớn người nghèo tập trung chi vào thực phẩm và nhu yếu phẩm, là thứ dễ tăng giá nhất, chênh lệch trong phân phối đang hiện rõ sự nguy hiểm, xu hướng mở rộng hai đầu, nghèo càng đi xuống, giàu càng đi lên”.
Nhà đất, khoáng sản, chứng khoán trở thành ngành nghề bùng nổ lợi lộc.Với đà kinh tế phát triển tốc độ cao, 3 yếu tố sản xuất - đất đai, tài nguyên, tiền vốn - đã phát huy sức mạnh điều chỉnh của cải to lớn. Nhà đất, khoáng sản, chứng khoán trở thành ngành nghề “kiếm ra tiền nhất”. Số ít người sau một đêm thức dậy đã leo lên đỉnh điểm của người giàu xã hội.
Theo công bố của Forbes năm 2009, trong 400 phú hào hàng đầu của Trung quốc, kinh doanh nhà đất có 154 (gần 40%). Trong số 40 phú hào cực giàu thì có 19 (gần 50%) là kinh doanh nhà đất. Trong 10 giàu nhất thì có 5 (50%) cũng là kinh doanh nhà đất.
Đường Quân phân tích, yếu tố cơ bản của nhà đất là đất. Mua nhà thực tế là mua đất. Mà đất đai, theo chính sách là quản lý việc sử dụng của đất. Chính quyền và chủ kinh doanh bất động sản vừa là “độc quyền bên bán ” vừa là “độc quyền bên mua”. Một mặt trưng dụng đất từ tay nông dân với giá thấp, mặt khác lại rao bán nhà giá cao ra ngoài công chúng. Siêu lợi nhuận cấp sai của ngành nhà đất, ngoài đưa vào thu nhập tài chính cho chính quyền địa phương ra, còn lại đều rơi vào tay chủ kinh doanh nhà đất. Với đà giá nhà tăng vọt, “người không có nhà”, của cải của mình đã bị vất ra xa để trở thành người đứng ngoài cổng nhà, mà vốn là nhà của mình.
Nguồn khoáng sản không thể tái sinh cũng bị số ít người chiếm cứ, lợi dụng và làm giàu nhanh chóng. Nhiều huyện có mỏ than, ở đó mấy năm nay đã đẻ ra hàng trăm “ông chủ than” với hàng trăm tỷ nhân dân tệ (NDT). Nhưng bình quân thu nhập đầu người của nông dân địa phương ở đó chỉ 4359 NDT, còn thấp hơn bình quân cả nước đến hơn 400 NDT.
“Phân phối tài nguyên bất công, càng tăng độ bất công phân phối của cải xã hội”. Giáo sư Thường Tu Trạch nói, điều này liên quan nhiều đến khiếm khuyết của chế độ quyền tài sản đối với tài nguyên khoáng sản Trung Quốc, thể hiện rõ ở chỗ kết cấu giá thành, giá cả tài nguyên không đầy đủ, mức thuế tài nguyên thấp, không chịu trách nhiệm khôi phục môi trường, …Đây là “bí quyết” của chủ than giàu lên, cũng là “chỗ nghẽn” làm cho biện pháp điều tiết phân phối mất thiêng, giàu nghèo càng chênh lệch.
Nhiêu chuyên gia cho rằng, biểu hiện “nóng” của thị trường vốn, nhất là hành vi đầu tư có tính đầu cơ thịnh hành, cũng làm tăng hiệu ứng tích lũy tư bản, mở rộng khỏang cách thu lợi của các yếu tố tiền vốn, lao động, của thực thể doanh nghiệp, tạo thành tình trạng “người có tiền ngày càng có nhiều tiền, người có ít tiền ngày càng có ít tiền”.
Không chỉ có vậy, mà tiền vốn, đất và tài nguyên, cả 3 cái không tách rời nhau mà liên kết cùng đẩy nhau lên, càng làm tăng cách biệt gìàu nghèo.
Vẫn tồn tại hiện tượng kỳ quái “chỗ ngồi quyết định túi tiền.”
Giáo sư Ngụy Kiệt – Đại học Thanh hoa,
Thạch Anh – Viện phó Viện Khoa học xã hội tỉnh Thiểm Tây nói, trong thời gian dài, lĩnh vực phân phối thu nhập Trung Quốc vẫn cứ tồn tại hiện tượng kỳ quặc “cái mông (tức chỗ ngồi) quyết định túi tiền”. Thu nhập cao thấp không dựa vào thông minh tài trí và cần mãn lao động, mà dựa vào “tranh nhau thân phận” và ”tranh nhau ngành nghề”. Nếu tranh vào được ngành nghề độc quyền như điện lực, điện tín, xăng dầu, ngân hàng tài chính, thuốc lá, hoặc tranh được thân phận công chức, đơn vị sự nghiệp, là coi như tranh được thu nhập cao, phúc lợi cao, tầng cấp xã hội cao. Chính vì vậy, mà mấy năm nay sinh viên tốt nghiệp đại học tranh nhau để được vào ngành độc quyền hoặc công chức nhà nước. Hiện tượng hàng ngàn (không phải hàng trăm, hàng chục) người chọi một, trong thi tuyển công chức ở Bắc Kinh cũng như ở các tỉnh thành khác. Vấn đề tiền lương cao của các ngành độc quyền cũng gây ra không ít nghi hoặc.
Nhiều người tỏ ra rất bất bình với việc phân phối quyền lực lấy “độc quyền” và “thân phận” làm tiêu chí đại diện. Họ cho rằng, nhà nước cần làm nhược hóa vai trò quyền lực trong cung cách phân phối, điều chỉnh hợp lý chênh lệch thu nhập giữa các ngành nghề, quần thể, mới hạ thấp được “điểm cháy” mâu thuẫn xã hội, mới thực hiện được hài hòa ổn định.
Theo thống kê của Bộ Nguồn nhân lực và bảo đảm xã hội, hiện nay lương bình quân công nhân viên chức ngành điện, bưu điện, kim dung, bảo hiểm, thuốc lá cao hơn lương công nhân viên chức các ngành khác 2 đến 3 lần. Nếu cộng thêm thu nhập ngoài lương và đãi ngộ phúc lợi thì chênh lệch càng lớn. Đến cuối 2008, lương nghỉ hưu của công chức cơ quan cao hơn 2,1 lần của xí nghiệp. Tiền dưỡng lão bình quân tháng của đơn vị sự nghiệp cao hơn 1,8 lần của xí nghiệp.
Kiểu “phân phối quyền lực” dựa vào sự bảo hộ của chính sách và độc quyền tài nguyên này, đã đi ngược với nguyên tắc phân phối theo lao động XHCN, xâm hại nghiêm trọng quyền phát triển cá nhân, bóp méo cách thức phân phối thu nhập. Đồng thời với tạo ra quá chênh lệch thu nhập giữa các ngành nghề khác nhau, quần thể khác nhau, cũng tạo ra hố ngăn cách ngày càng sâu về tâm lý giữa mọi người. Điển hình là trong không ít người giàu thế hệ thứ hai luôn tỏ ra hãnh diện, khoe mẻ giàu sang, coi khinh chê bai người nghèo khó. Từ phân hóa hai cực về kinh tế, đang xuất hiện phân hóa hai cực về quan hệ con người với con người.
Thu nhập đủ màu, trắng, đen, xám, huyết, kim đều có. Hiện nay, cư dân Trung Quốc có muôn màu muôn vẻ về nguồn thu nhập. Kênh phân phối thu nhập phức tạp, cộng thêm chế độ ghi chép thu nhập quốc dân cơ sở chưa hoàn thiện. Nhiều chuyên gia, học giả, cán bộ, quần chúng cơ sở ở nhiều địa phương khá đồng tình dùng “5 màu sắc thu nhập” trắng, đen, xám, huyết, kim để khái quát muôn màu thu nhập này. Năm màu thu nhập này không độc lập mà đan xen nhau.
“Thu nhập xám” và “thu nhập đen” tạo thành sự tồn tại lượng lớn
“thu nhập ngầm” quốc dân, làm cho của cải xã hội không rõ ràng. Vương Tiểu Lộ, Phó Sở trưởng Sở nghiên cứu kinh tế quốc dân, năm 2007 đã công bố một nghiên cứu, tính ra lúc đó, mỗi năm ít nhất có trên 4.000 tỷ NDT (+ 600 tỷ USD) là “thu nhập ngầm” không qui phạm. Còn có chuyên gia cho rằng, Trung quốc hiện nay thu nhập tiền lương chỉ chiếm 1/3 tổng thu nhập, nhà nước có thể quản lý được chỉ có “thu nhập trắng”. Chứng tỏ lượng lớn thu nhập thoát khỏi phạm vi điều chỉnh của thuế thu nhập, trôi nổi ngoài sự giám sát quản lý của nhà nước.
“Thu nhập màu trắng” là chỉ thu nhập hợp pháp về tiền lương, phúc lợi bình thường, là thu nhập có căn cứ, có thể thấy, khổng chế, đo đếm kiểm tra được trong lĩnh vực phân phối thu nhập hiện nay, xuất xứ thanh bạch. Đây là kênh chính của chế độ phân phối thu nhập Trung quốc, cần không ngừng nâng cao tỷ trọng phân phối theo lao động trong phân phối lần đầu trong phân phối thu nhập quốc dân. Xây dựng cơ chế tăng tiền lương bình thường và cơ chế chi trả bình thường. Kiện toàn chế độ bảo đảm xã hội, tăng thêm thu nhập có tính chuyển dịch tiền dưỡng lão, để thu nhập màu trắng trở thành gam màu chính của thu nhập, hiện rõ công bằng chính nghĩa, xúc tiến xã hội ổn định hài hòa.
“Thu nhập màu đen” là chỉ thu nhập phi pháp, thông qua các thủ đọan phi pháp của bộ phận người dựa vào quyền lực mà có, như tham ô, nhận hối lộ. Cũng bao gồm thu nhập của hoạt động tội phạm, phi pháp như trộm cắp, lừa đảo, buôn lậu, buôn ma túy, cướp giật, bắt cóc … mà có. Thu nhập đen làm cho lượng lớn của cải chung của xã hội chảy vào túi của kẻ lạm dụng quyền lực, kẻ phạm pháp, phạm tội, cần kiên quyết loại bỏ.
“Thu nhập màu xám” là chỉ thu nhập ở giữa hợp pháp và phi pháp, là khái niệm khó định tính, hiện nay khả phổ biến ở Trung Quốc. Giới học giả chưa thống nhất định nghĩa về thu nhập xám. Có học giả định nghĩa là thu nhập ngầm cá nhân không rõ nguồn gốc, không sổ sách, không nộp thuế, trôi nổi ngoài khai báo của cá nhân. Có học giả cho rằng, thu nhập không “trắng” là “đen”, vô luận đội mũ đàng hoàng thế nào, thì bản chất vẫn là “thu nhập đen” do giao dịch công quyền và tư lợi mà đẻ ra.
Đặng Đình Lựu(còn tiếp)
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư