Sự kiện Bạc Hy Lai và vấn đề nhân sự
Đại hội 18 Đảng Cộng Sản Trung Quốc
Phần 5
Nguyễn Văn Lập(tiếp phần trước)
Vụ Bạc Hy Lai : Phải chăng ban lãnh đạo tương lai sợ bị cản đường?Theo đánh giá của tạp chí "Tin Trung Hoa", đây là sự kiện chính trị bi đát nhất kể từ khi Trần Lương Vũ, Bí thư thành ủy Thượng Hải, bị phế truất vào năm 2006. Cũng như Bạc Hy Lai, Trần Lương Vũ lúc đó cũng là ủy viên Bộ chính trị. Cũng như lần này, vụ bê bối Thượng Hải đã nổ ra trước thềm Đại hội lần thứ 17 Đảng cộng sản Trung Quốc.
Bị cáo buộc tham nhũng, gian lận và lạm quyền, Bí thư thành ủy Thượng Hải bị kết án 18 năm tù vào tháng 4/2008. Nhưng ai cũng biết rằng ngoài những khoản thu nhập trái phép có được từ buôn bán đất đai mà ông để cho người nhà và bạn bè làm, nhân vật thuộc phái Giang Trạch Dân này còn phản đối trực diện tư tưởng của êkíp Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo cầm quyền từ năm 2002.
Từ khi nổ ra vụ Trùng Khánh, tin đồn về Bạc Hy Lai được đăng tải đầy trên các trang mạng ở Trung Quốc, cộng với những câu chuyện đầy tranh cãi về sự nghiệp của một con người trong 20 năm qua khi còn ở Liêu Ninh và Đại Liên, nơi thành tích của Bạc Hy Lai với tư cách là thị trưởng rồi Bí thư tỉnh ủy, được đánh giá theo nhiều cách khác nhau. Người thích phong cách của ông, cho rằng ông làm việc có hiệu quả, là người dễ chịu và có tài diễn thuyết. Người không thích ông, trái lại, coi ông là một chính trị gia thấp hèn, tính cách hời hợt, có năng khiếu để tỏ ra như vậy hơn là để làm việc một cách thực chất hơn. Cũng có người đánh giá ông là kẻ cơ hội và thích tự khuếch trương mình.
Thêm vào đó là những lời cáo buộc hiểm độc vô liêm sỉ trong cuộc chiến chống giáo phái Pháp luân công, cho đến nay vẫn còn rất nặng nề với những lời đồn đại về các vụ ám sát để lấy nội tạng người để ghép.
Năm 2004, trong khi bị cáo buộc tại Canađa vì tội chống lại loài người, Bạc Hy Lai, lúc đó là Bộ trưởng Thương mại, thậm chí bị rút khỏi thành phần đoàn của Ngô Nghi thăm chính thức Canađa.
Tại Trùng Khánh, nơi ông làm Bí thư thành ủy từ năm 2007, sau khi làm Bộ trưởng Thương mại trong 3 năm, chiến dịch chống tham nhũng được tuyên truyền rầm rộ, với những biện pháp vội vàng chống maphia được dư luận quan tâm, song cũng gây ra nghi ngại và ghen tức. Đảng cộng sản Trung Quốc, vốn không thích những gì quá lộ liễu, nói chung vẫn tỏ ra bình thản và dè dặt trước bầu không khí sôi sục do cách làm không hề mặc cảm của Bạc Hy Lai gây ra, trong khi ông trở thành sao trên báo chí quốc tế.
Tuy đạt được những kết quả không thể phủ nhận - với 3.000 vụ bắt người, trong đó có 87 viên chức tòa thị chính thành phố, cộng với 9 vụ kết án tử hình - song phương thức đôi khi tàn bạo và thẳng thừng cộng với hành vi mớm cung và gây sức ép với luật sư, luôn tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng bằng hồi tưởng cách mạng, điều này đã khiến ban lãnh đạo tối cao phật ý và phản ứng trước việc quay lại sử dụng tư tưởng Maoít mang tính mỵ dân.
Bất đồng về chính trịSẽ là chưa đủ nếu nói rằng êkíp cầm quyền, với phong cách kín đáo, khiêm nhường và có phần kiềm chế gò bó, không đánh giá cao cách thức tuyên truyền của Bạc Hy Lai, người dường như sử dụng truyền thông để khuếch trương hình ảnh của mình và thúc ép Đảng để được vào Thường vụ Bộ chính trị tại Đại hội lần thứ 18. Đặc biệt, "cuộc thử nghiệm Trùng Khánh", vốn mang dấu ấn nặng nề của nhãn quan xã hội cực đoan, được nhiều người đánh giá là "bước lùi" đến mức nguy hiểm, hơn nữa lại được hỗ trợ bằng chuẩn mực hướng về Mao Trạch Đông, nhân vật mà Đảng cộng sản không muốn nhắc lại nhiều, gây ra phản ứng tiêu cực mạnh mẽ trong giới lãnh đạo.
Ôn Gia Bảo, người năm 2007 từng phản đối việc bổ nhiệm Bạc Hy Lai vào chức Phó Thủ tướng, cách đây vài tháng lên tiếng phê phán phong trào Maoít mới có nguy cơ gây ra cuộc "Cách mạng văn hóa mới". Cuối tháng Tám 2011, tại một cuộc hội thảo, một số trí thức quá mệt mỏi trước tiến độ cải cách gần như ngưng trệ, đã phê phán kịch liệt "bước lùi" trong các chuẩn mực Maoít. Sự kiện này được coi là dấu hiệu báo trước những chấn động sẽ xảy ra.
Biểu tượng bi đát nhất của những cuộc tranh cãi phê phán phong cách của Bí thư thành ủy Trùng Khánh, người nhắc lại cuộc Cách mạng văn hóa, là cuộc gặp gỡ ngày 5/3 vừa qua tại Quốc hội giữa một Bạc Hy Lai đã co vòi và bên kia là Đặng Phác Phương, người con trai bị liệt hai chân của Đặng Tiểu Bình phải ngồi xe lăn, sau khi bị Hồng vệ binh đẩy từ cửa sổ tầng ba một ngôi nhà trong Trường đại học Bắc Kinh xuống, vào năm 1968.
Đúng là Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn trân trọng những kỷ niệm về Mao, người cứu vớt nước Trung Quốc tủi nhục, song phần lớn đảng viên hiện nay cương quyết chống lại những bước đi sai lệch cực đoan của chủ nghĩa Maoít. Đồng thời, các trí thức theo trường phái tự do tỏ ý lo ngại trước quy mô của phong trào hồi tưởng chủ nghĩa Maoít được ủng hộ bởi một đám đông những người bất mãn bị kích động trước những suy đồi đạo đức trong thời hiện đại hóa, trong khi ở đây đó, một số người thậm chí còn thận trọng chủ trương đặt lại vấn đề đối với tư tưởng Đặng Tiểu Bình.
Một "phần tử tự do" tham vọng và nguy hiểmLà nhân vật sinh ra từ cuộc tranh cãi truyền thống giữa phái cải cách và phái bảo thủ, là người chơi một bản nhạc vừa được lòng dân chúng vừa độc đáo, nhưng không ăn nhập với dòng nhạc tuyền thống, Bạc Hy Lai tạo cảm giác ông là một "phần tử tự do" với phong thái, phong cách và phương pháp hoàn toàn đối lập với đòi hỏi phải kín đáo và thỏa hiệp. Tệ hơn nữa, tham vọng mạnh mẽ của ông khiến người khác nghi ngờ lòng trung thành của ông trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nội bộ, đến mức một số người nghĩ rằng cơn khát quyền lực cá nhân của Bạc Hy Lai khiến ông không thể không chơi trò của riêng mình.
Năm 2007, theo một bức điện của Lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải được Wikileaks tiết lộ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo phản đối việc bổ nhiệm Bạc Hy Lai vào chức Phó Thủ tướng với lý do ông này nhiều lần bị cáo buộc tại Mỹ, Canađa, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga, Rumani và Ba Lan vì ngược đãi thành viên giáo phái Pháp luân công. Những lời cáo buộc trên nói đến chuyện hãm hiếp tập thể, tra tấn và lấy nội tạng của một số thành viên giáo phái này lúc họ còn sống. Các vụ ngược đãi thành viên giáo phái Pháp luân công được Bạc Hy Lai bảo lãnh được đăng tải trong một bài báo của tờ "Epoch Times".
Thăng tiến chính trị không rõ ràngBức điện trên, đồng thời được đăng tải trên "China Uncensored", cũng nói đến một tiết lộ ngày 9/11/2007 của Luo Yi, đại diện Trung Quốc tại nhóm Carlyle, khẳng định việc điều động Bạc Hy Lai đến Trùng Khánh có thể là lần chuyển công tác cuối cùng và đánh dấu đoạn kết sự nghiệp chính trị của ông. Đối với Ôn Gia Bảo, đúng là nguy hiểm nếu bổ nhiệm một nhân vật bị quốc tế xoi xét nhiều như vậy.
"China Uncensored" cũng nói đến một bài báo đăng trên mạng Aboluo của Trung Quốc - hiện nay không còn tồn tại - tiết lộ mối liên hệ giữa Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai, và Giang Trạch Dân cũng như cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Kiều Thạch và Giang Trạch Dân xung quang việc bổ nhiệm Bạc Hy Lai.
Sau năm 1989, trong khi phái bảo thủ nắm quyền ở Bắc Kinh, Kiều Thạch, thuộc phái cải cách và xuất thân từ gia đình có mối quan hệ xa với Tưởng Giới Thạch, ủy viên thường vụ Bộ chính trị và Chủ tịch Quốc hội, bị Bạc Nhất Ba loại khỏi quyền lực vì quá tuổi để đưa Giang Trạch Dân lên và ông này hứa hẹn, để đổi lại, sẽ ủng hộ Bạc Hy Lai.
Sự câu kết giữa Giang Trạch Dân và Bạc Nhất Ba và Bạc Hy Lai càng chặt chẽ hơn khi, vào năm 1995, Bạc Nhất Ba giúp Giang Trạch Dân, lúc đó là Tổng bí thư, loại bỏ Thị trưởng Bắc Kinh là Trần Hy Đồng. Trong một bức thư gửi Đặng Tiểu Bình, Trần Hy Đồng tiết lộ cha của Giang Trạch Dân trước đây từng cộng tác với quân Nhật trong chiến tranh.
Như vậy, có thể giải thích được thái độ khoan dung của Đảng đối với cách hành xử không đúng của các con trai khác của Bạc Nhất Ba, liên quan đến các hành vi buôn lậu ma túy và tham nhũng. Còn Bạc Hy Lai được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Liêu Ninh năm 1998 khi mới 49 tuổi, ít ngày sau khi được bổ nhiệm lần thứ hai làm Thị trưởng Đại Liên. Một năm sau, ông không vào được Ban chấp hành trung ương và chỉ đạt được mục đích này vào năm 2004, khi đang làm Bộ trưởng Thương mại.
Ai muốn tiêu diệt Bạc Hy Lai ?Một bài phân tích trên Đài châu Á tự do xác định Bạc Hy Lai có tới 7 kẻ thù, trong đó có 4 là ủy viên thường vụ Bộ chính trị và một là ủy viên Bộ chính trị, cộng với Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.
Các đối thủ hàng đầu của Bạc Hy Lai có thể là hai người tiền nhiệm của ông ở thành phố tự trị Trùng Khánh là Hạ Quốc Cường và Uông Dương, những người có thành tích dường như quá lu mờ so với chiến dịch đàn áp và tuyên truyền ồn ào chống maphia do Bạc Hy Lai phát động vào năm 2008. Uông Dương, hiện là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông và ủy viên Bộ chính trị, không có lý do gì để tấn công Bạc Hy Lai, song trái lại, Hạ Quốc Cường, ủy viên thường vụ Bộ chính trị, người đứng đầu Ủy ban kỷ luật đầy quyền lực của Đảng, lại là người ở vào vị trí lý tưởng để làm việc này.
Hai ủy viên thường vụ Bộ chính trị khác là Chủ tịch tương lai Tập Cận Bình và Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường có thể cho rằng những hành động mỵ dân của một Bí thư thành ủy, được giới truyền thông nhắc đến nhiều và có sức thuyết phục, lại đang ứng cử vào một ghế thường vụ Bộ chính trị, có thể sẽ đe dọa quyền lực của họ và thậm chí có nguy cơ quấy nhiễu trên con đường họ tiến lên đỉnh cao quyền lực.
Còn Ôn Gia Bảo, hiện là ủy viên thường vụ Bộ chính trị, là đối thủ công khai của Bạc Hy Lai. Ôn Gia Bảo khẳng định hiện nay có hai khuynh hướng ngăn cản việc thể hiện chân lý ở Trung Quốc: di sản của chế độ phong kiến và liều thuốc độc của cuộc cách mạng văn hóa. Dự án chính trị của Bạc Hy Lai quả thực hoàn toàn đi ngược lại dự án của phong trào cải cách mà Ôn Gia Bảo không ngớt lời ca ngợi.
Ngoài số kẻ thù trực tiếp này, Đài phát thanh châu Á tự do còn liệt kê thêm Tăng Khánh Hồng, người từng là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất việc bổ nhiệm Tập Cận Bình vào năm 2007, và Giang Trạch Dân, người có thể muốn trả thù vì sức ép mà Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai, buộc ông phải chịu từ năm 1995 và gần như đến lúc ông chết vào năm 2007.
Trong bối cảnh đó, các đồng minh của Bạc Hy Lai là Giả Khánh Lâm, Lý Trường Xuân, Chu Vĩnh Khang và Ngô Bang Quốc, những người đứng ra bảo vệ cuộc thử nghiệm chính trị của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh, đành chịu bó tay. Chỉ có Chu Vính Khang, với tư cách là người phụ trách các vấn đề chính trị và pháp lý của Đảng và cũng là người đã biến Bạc Hy Lai thành người kế nhiệm tiềm tàng của mình, dường như có hành động can thiệp. Một nguồn tin của Lãnh sự quán Mỹ tại Trùng Khánh cho biết sau vụ Vương Lập Quân định đào tẩu ngày 8/2, Chu Vĩnh Khang dường như đã trực tiếp nắm quyền kiểm soát bộ máy an ninh ở Trùng Khánh để tránh đẩy các cuộc điều tra đi quá xa.
Dẫu sao, vụ Bạc Hy Lai này cũng làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh lý tưởng mà Đảng cộng sản Trung Quốc muốn để cho thế giới thấy về một cuộc chuyển giao êm thấm, có trật tự và không có gì bất ngờ.
(còn tiếp)
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư