Gốc tích và cuộc sống của tổ tiên người Việt
Lời tòa soạn báo Sàigòn Tiếp thị: Bằng niềm đam mê kỳ lạ và tình yêu sâu nặng với lịch sử, những nhà khoa học khảo cổ đã miệt mài trên những chuyến đi ngược về quá khứ, kiếm tìm dấu tích của người Việt cổ xưa. Những phát hiện của họ không chỉ khẳng định vị thế cho ngành khảo cổ học Việt Nam mà còn góp thêm tia sáng soi rọi rõ hơn những giả thiết về gốc tích, cuộc sống của tổ tiên người Việt. Từ số báo này Sài Gòn Tiếp Thị khởi đăng loạt bài chân dung một số nhà khảo cổ học Việt Nam, những người đã có nhiều nghiên cứu ấn tượng được thế giới đánh giá cao.
Kỳ 1: 40 năm phục dựng mặt người Việt cổ
HƯƠNG LAN
Trong giới khảo cổ học, TS Nguyễn Việt được xem là nhân vật độc đáo, chuyên lao vào những “chân trời chưa có người bay”. Nhưng chính nhờ những nghiên cứu đó, người ta mới có dịp tiếp cận nhiều lĩnh vực mới lạ trong khoa học khảo cổ. Đặc biệt, là chân dung của người Việt sống cách đây hàng ngàn năm.
Chàng sinh viên khoái vẽ sọ người
Năm 1971, Nguyễn Việt, khi ấy đang học khoa khảo cổ, trường đại học tổng hợp Hà Nội được GS Hà Văn Tấn cho mượn một cuốn luận án gây chấn động thế giới của Gerasimov về khoa học phục chế mặt người tại Liên Xô. Khi đọc xong trang cuối, cũng là lúc chàng sinh viên Nguyễn Việt tự nhủ, sẽ quyết tâm theo đuổi lĩnh vực mới lạ này. Thời điểm đó, giới khảo cổ học Việt Nam có rất ít người biết đến sự tồn tại của một ngành khoa học mang tên “phục chế mặt người”.
TS Nguyễn Việt đang hoàn
thiện chân dung một phụ nữ Đông Sơn khoảng 20 – 25 tuổi với kiểu tóc nữ
Làng Vạc quấn quanh trán. Ảnh: Nguyễn Việt Thanh
Thấy học trò của mình cứ hí hoáy vẽ chân dung các bạn, rồi lồng dưới da một lớp sọ theo phương pháp của Gerasimov, nhưng đảo lộn trình tự, thầy Tấn vui mừng khích lệ. Cũng chính thầy đề cử Nguyễn Việt sang Liên Xô (cũ) học chuyên ngành phục chế mặt người. Tiếc là đúng thời điểm ấy, Gerasimov qua đời, trong khi các học trò của Gerasimov còn non nớt, chưa đủ sức thay thế. Vậy là Nguyễn Việt lại tiếp tục hành trình tự mày mò nghiên cứu. Càng lĩnh hội được nhiều kiến thức thì càng ngứa ngáy chân tay vì không có sọ thực hành. Viện khoa học hình sự có hẳn một nhà sọ nhưng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Các bảo tàng cũng có sọ, nhưng lại không cho phép thao tác trên hiện vật. Chỉ còn cách đúc khuôn sọ gốc để tiến hành phục chế. Mãi sau này, Nguyễn Việt mới có điều kiện sang Đan Mạch học kỹ thuật đúc khuôn sọ. Trong thời gian chờ đợi, ông rèn luyện tay nghề bằng cách vẽ liên tục. Vẽ sọ, rồi dựng mặt hoặc làm ngược lại. Hầu hết bạn bè của Nguyễn Việt thời ấy đều được ông tặng những bức chân dung đáng sợ là hình… cái sọ của chính họ!
Gương mặt cô gái cổ 2.000 tuổi
“Thực ra, lúc ấy, nếu có sọ người trong tay cũng chưa chắc phục chế thành công. Gerasimov phải bỏ ra nhiều năm trông coi nhà xác, mỗi tối lại dùng kim nhúng dầu luyn châm vào sọ người chết lấy kích thước, sau đó ông còn nhiều lần xin phụ mổ tử thi, dần dần mới xây dựng được lý thuyết phục chế mặt người. Nếu tôi áp dụng hoàn toàn những chỉ số của Gerasimov, sẽ cho ra một khuôn mặt theo kiểu Nga, chứ không phải Việt Nam”, Nguyễn Việt kể. Mất thêm nhiều thời gian nghiên cứu, Nguyễn Việt mới có được một tập hợp số liệu cần thiết của riêng mình theo 21 chỉ tiêu mà các chuyên gia phục chế mặt người trên thế giới thống nhất. Và năm 2004, vấn đề mấu chốt nguồn sọ cũng được giải quyết. Trong khi khai quật khu mộ Động Xá (Hưng Yên), đoàn khảo cổ tìm thấy 60 bộ xương của người Đông Sơn. Bảo tàng Phạm Huy Thông của trung tâm tiền sử Đông Nam Á (Quảng Ninh) được giao nghiên cứu và quản lý những bộ hài cốt quý giá ấy. Dựa trên khối tư liệu xương cốt đó, Nguyễn Việt đã chọn ra năm cái sọ tốt nhất theo tiêu chí: có già, trẻ, nam, nữ. Và có lẽ vì là phái nam, nên cái sọ đầu tiên được ông phục chế là sọ một cô gái!
Chân dung một phụ nữ Đông Sơn khoảng 30 – 35 tuổi, sống cách đây 2.000
năm
“Lúc ấy khoảng 10g30 tối, gương mặt phục chế của người con gái đó dần hiện lên hoàn chỉnh. Tôi chụp vội lấy máy ảnh bấm lia lịa. Cảm giác thật khó tả…”, gần sáu năm sau khoảnh khắc kỳ diệu đó, Nguyễn Việt vẫn chưa hết xúc động khi nhắc đến chân dung người Việt cổ đầu tiên ông phục chế. Đó là một cô gái khoảng chừng 18 tuổi (căn cứ vào những chiếc răng khôn mới nhú). Mặc dù sống cách đây 2.000 năm, ở vào thời Đông Sơn nhưng đường nét trên gương mặt người con gái này lại không khác nhiều so với người Việt đương đại, ngoài hàm trên nhô hơn mà nguyên nhân có thể do ăn thực phẩm thô, cứng... Tổng cộng thời gian tính từ lúc Nguyễn Việt cầm trên tay cuốn sách của Gerasimov cho đến lúc tự tin đặt nét vẽ đầu tiên, tự tin công bố kết quả tại viện Goethe, tự tin đứng trước hội đồng khoa học của hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á, là khoảng... 40 năm!
Sẽ phục chế nguyên người Việt cổ
Những ngày này, Nguyễn Việt đang dồn sức cho một kế hoạch lớn: phục chế chân dung của người Việt thời Trần, bao gồm cả khuôn mặt, thân hình và loại vải dùng may trang phục. Ý tưởng táo bạo của ông bắt nguồn từ những cái cọc xuất lộ tại khu vực nhiều thế kỷ trước đã diễn ra trận thắng Bạch Đằng. Theo suy đoán của Nguyễn Việt và một số nhà khảo cổ khác, những cái cọc này nhiều khả năng là phần còn lại của bãi cọc nổi tiếng năm xưa, vì chỉ có cọc sử dụng trong trận chiến Bạch Đằng mới được chuẩn bị như thế: gỗ lim, chu vi lớn, đẽo có chủ đích... Bốn năm nay, trung tâm tiền sử Đông Nam Á vẫn đặt trạm nghiên cứu tại bãi cọc Bạch Đằng, hy vọng tìm ra hài cốt binh lính chết trận. Kết quả đã thu được năm bộ hài cốt với sự giúp sức của người dân địa phương.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Việt, nhiều dấu hiệu cho thấy đây có thể là hài cốt của binh lính tham gia trận Bạch Đằng. Tuy nhiên để có được kết luận chính xác cũng như giải đáp thắc mắc: “vì sao tìm thấy cọc, thấy hài cốt binh lính nhưng lại chưa thấy binh khí?” có lẽ cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chứ không chỉ nỗ lực của trung tâm tiền sử Đông Nam Á. Trong khi chờ đợi, Nguyễn Việt vẫn quyết định tiến hành phục chế hai bộ hài cốt đời Trần. Một phát hiện ở mộ trên hang núi tại Mộc Châu (Sơn La) và một phát hiện ở độ sâu 3m khu vực miếu Vua Bà (Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh).
Cha đẻ của nhiều
chuyên ngành khảo cổ mới
TS Nguyễn Việt là người sáng lập và là giám
đốc trung tâm tiền sử Đông Nam Á. Ông chuyên nghiên cứu khảo cổ học
thời tiền sử; lịch sử Âu Lạc, Nam Việt và nền văn hoá Giao Chỉ. Ông là
người sáng lập nhiều chuyên ngành khảo cổ mới tại Việt Nam như: khảo cổ
học vi tư liệu; khảo cổ học vải sợi; phục chế mặt người… Ông còn là tác
giả của ba cuốn sách và hơn 100 bài viết (in bằng ba thứ tiếng: tiếng
Việt, tiếng Đức và tiếng Anh) về khảo cổ học.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)