Môn thi lịch sử và bài học lịch sửBài đăng trên Đại Đoàn Kết (10/08/2012)Lại một lần nữa những điểm 0 môn sử trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng năm nay như một hồi chuông tỉnh thức những nỗi niềm lịch sử. Không là một ngẫu nhiên trong chuyện thi cử, đây là một hiện tượng lặp lại về một nỗi đau không của riêng ngành giáo dục và đào tạo. Cho nên ở đây không nhắc lại cụ thể nỗi đau đó vì hay gì xát thêm muối vào nỗi đau xã hội!
Trao tặng bản đồ " Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”. Ảnh: Hoàng Long
Đừng quên rằng, Đại học, là "cái học để làm người lớn” [Đại học giả, đại nhân chi học dã”]. Và cũng đừng quên, hai chữ "đại nhân” trong Kinh Dịch thường hàm nghĩa người tài đức!
Liệu những "người lớn”, "người tài đức” của đất nước mà sự hiểu biết về lịch sử dân tộc mình như vậy, thì rồi đất nước "vốn xưng văn hiến” này sẽ ra sao đây?
Văn hoá không phải là một hệ thống đóng kín những giá trị loại biệt mà là một tổng hợp đang phát triển của các thành tựu vật chất và tinh thần của một dân tộc. Văn hóa là một cấu trúc có bề sâu. Cuộc sống xã hội được phản chiếu ở bề mặt, dưới bề mặt đó, văn hóa được phân chia theo những tầng khác nhau, thường tiềm ẩn và vô thức. Nói đến "sức mạnh văn hoá”, "bản sắc văn hoá”, chính là nói đến sự tiềm ẩn và vô thức này nằm chìm trong đời sống của dân tộc. Chính cái đó làm nên ý thức dân tộc, tạo ra sức mạnh Việt Nam. Bởi vậy, mới nói rằng lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được. Không có ý thức đó thì không thể có một nền văn hóa dân tộc. Cho nên cách đây năm năm, khi xã hội rung chuông báo động về việc học sinh đang chán học môn sử, điểm thi môn sử quá kém [655 thí sinh bị điểm 0 môn sử], trong thư gửi Hội thảo bàn về thực trạng dạy và học sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc nhở : "Môn lịch sử giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc”. Liệu có cần nhắc lại ở đây một khuyến cáo của ông Mittrrand "
thái độ của giới trẻ với lịch sử là thước đo sự tín nhiệm chính trị với chế độ”. Vị Tổng thống đương nhiệm của nước Pháp vào những năm 80 của thế kỷ XX khi sang thăm Việt Nam, đã đến xem xét tận nơi chiến trường Điện Biên Phủ trước đây, biểu thị một ứng xử văn hóa sâu sắc, thể hiện thái độ sòng phẳng với lịch sử.
Vấn đề giảng dạy và học tập bộ môn lịch sử, vấn đề biên soạn sách giáo khoa lịch sử gắn liền mật thiết với cuộc đấu tranh phức tạp giữa các quốc gia từng có những mối quan hệ lịch sử.
Chưa lúc nào tính trung thực lịch sử lại mang dấu ấn thời sự liên quan đến an nguy của đất nước bằng lúc này.
Cùng với việc triển khai những hạm đội trên Biển Đông, ngang nhiên chia lô mời thầu quốc tế khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được pháp luật quốc tế công nhận, ngang ngược thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa với cả bộ chỉ huy quân sự chốt tại đó để thao túng cả một vùng biển và thềm lục địa rộng lớn có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ồ ạt đưa 23.000 tàu đánh cá tràn khắp Biển Đông theo chiến thuật quen thuộc "lấy thị đè người”, nhà cầm quyền Trung Quốc đã khuyến khích việc ngụy tạo những "công trình” lịch sử để cố chứng minh cái "lưỡi bò” ham hố và ghê tởm đang thè ra định nuốt trọn Biển Đông.
Trong khi chúng ta tuyên truyền phổ biến chưa nhiều về những sự kiện lịch sử khách quan với đầy đủ chứng cứ trên những công trình lịch sử đã tồn tại, những bản đồ do chính người Trung Hoa vẽ, những bằng chứng hiển nhiên ông cha ta đã từng là chủ thể quản lý nhiều đảo trong vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì các học sinh phổ thông Trung Quốc đã được học trong sách giáo khoa do Bộ Giáo dục của họ ấn hành đã ngụy tạo chứng cứ về tham vọng bành trướng lãnh thổ không cần che giấu!
Chuyện này họ làm có bài bản từ rất lâu, không phải chỉ sau chiến tranh biên giới 1979 mà từ xa xưa...Chỉ cần nêu vài ví dụ. Ở thế kỷ XV, Minh Thành Tổ đã trực tiếp ra sắc chỉ gửi viên tướng viễn chinh Chu Năng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu hủy đập phá cho bằng hết. "Việt Kiệu thư” chép: "một mảnh giấy, một chữ viết đều tiêu hủy hết”, đó là về sách vở. Còn các bia do người nước Nam dựng thì "đập phá hết, một chữ chớ để còn”!Ngô Sĩ Liên đã phẫn uất về tội "đốt sạch” ấy: "Binh tung sang, căm lũ giặc Minh, giáo gươm đầy đất. Lửa đốt sạch, thương ôi vận nước, sách vở đi đời. Muốn tìm sự tích sau cơn khói lạnh tro tàn thật rất khổ tâm về nỗi nét sai, chữ sót”. Lê Quý Đôn từng lên án nạn "cướp sạch” kia : "tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường công về Kim Lăng”. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418), nhà Minh còn sai Hạ Thì và Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết! Nhà sử học Phan Huy Ích đã nói lên nỗi đau về chuyện ấy : "Văn chương nảy nở như rừng. Nếu chẳng phải trải qua cướp bóc, đốt phá mà hóa tro tàn, thì hẳn là trâu kéo đến toát mồ hôi, chứa đầy đến tận xà nhà”. Hoàng Đức Lương khi sưu tầm làm nên "Trích Diễm thi tập” đã phải xót xa kêu lên : "những gì thu thập được cũng chỉ là một hai trong trăm ngàn phần”!
Rõ ràng là :
hủy diệt văn hóa của một dân tộc "vốn xưng văn hiến đã lâu”, là chính sách nhất quán của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Đâu phải chỉ Minh Thành Tổ! Trước đó, từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, các thế lực phong kiến phương Bắc đều lựa chọn thời cơ khi nội tình Việt Nam có vấn đề để xua quân đánh chiếm nhằm rộng đường bành trướng về phương Nam.
Một giáo sư mang lon đại tá thuộc Đại học Quốc phòng của Trung Quốc Han Xudong kêu gọi Bắc Kinh thực hiện một chính sách bành trướng về quân sự, địa - chính trị và kinh tế đã viết không úp mở : "
Chỉ khi chúng ta đập tan tư tưởng không bành trướng, Trung Quốc mới có thể tăng tốc độ phát triển từ một cường quốc khu vực tới một đế chế toàn cầu”. Liu Yuan, một tướng "diều hâu” có thế lực đã hung hăng tuyên bố phải "tái khám phá văn hoá quân sự của Trung Hoa”, cho rằng lịch sử "được viết bằng máu và những cuộc chém giết”, còn "quốc gia - nhà nước” chỉ là "bộ máy quyền lực hình thành từ bạo lực” trong khi
chiến tranh chỉ là sự "nới rộng tự nhiên của kinh tế và chính trị”.
Khi truyền thống bất khuất, quật cường của dân tộc
được thường xuyên khởi động, cổ vũ, phát huy thì bộ môn lịch sử
sẽ tìm lại được vị trí của nó trong lòng thế hệ trẻ
Để bảo vệ cho xu thế hiếu chiến này, mạng lưới truyền thông của quân đội Trung Quốc [PLA] và truyền thông nhà nước TQ ["Thời Báo Hoàn Cầu” là một ví dụ] đã vùi dập không thương tiếc những tiếng nói của các học giả có lương tri như giáo sư Chu Shu long thuộc Phân khoa Bang giao Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa khi ông phê phán PLA "quá mạnh mẽ trong việc ra quyết định, đặc biệt là về chính sách đối ngoại”. Theo ông thì những bình luận của giới tướng lĩnh "thiếu thận trọng, được phát ngôn mà không có ủy quyền chính thức, tạo ra rất nhiều nhầm lẫn”, những lời tuyên bố về "lợi ích cốt lõi” hay "PLA đã sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự để chống lại những thách thức chủ quyền” là hồ đồ. Lập tức, "phái diều hâu” quy kết ngay cho học giả này là "Hán gian”! "Trung Quốc có trên một triệu kẻ phản bội, trong đó có một số học giả được Mỹ đào tạo. Họ đọc sách Mỹ, chấp nhận lý tưởng của Mỹ và đang giúp Mỹ để đánh lừa người Trung Quốc”.
Đưa ra vài ví dụ nói trên để nói rằng, không được một chút mơ hồ về sự thật lịch sử oái oăm của cái vị thế địa-chính trị của đất nước ta nằm cạnh người láng giềng phương Bắc. Núi liền núi, sông liền sông, nhân dân ta và nhân dân Trung Quốc đều thiết tha mong muốn sống hòa bình, hữu nghị để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thế nhưng, một số thế lực hiếu chiến ở Trung Quốc thì
từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến hiện nay đều chưa bao giờ từ bỏ tham vọng bành trướng. Vì thế, lại càng không một giây phút lãng quên bản lĩnh của ông cha ta trong cái vị thế "trứng chọi đá”, vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa giữ vững ý chí quật cường đã từng đánh cho tan tác bọn xâm lược, dù chúng đông đến đâu, hung hãn đến thế nào.
Tướng xâm lược Ô Mã Nhi thế kỷ XIII từng khoác lác đe dọa các vua ta "ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời; ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước” để rồi cuối cùng y bị tóm cổ tại cửa sông
Bạch Đằng! Và tấm bia đá trên cánh đồng Mồ chôn 5 vạn quân Minh thuộc xã
Tốt Động (Chương Mỹ-Hà Nội) ghi lại sự tích chiến công trận Tốt Động vẫn còn đó, rồi "
Gò Đống Đa” (Quận Đống Đa-Hà Nôi) vùi xác hàng vạn quân Thanh thế kỷ XVIII vẫn còn đây!
Buổi ấy cách nay gần 600 năm, theo "Lam Sơn thực lục”, 15 vạn quân nhà Minh "dài đến mười dặm, mũ giáp lòa trời, cờ tán rợp nội, tự cho là đánh một trận có thể quét sạch quân ta”, cuối cùng đã tan tác không còn một mảnh giáp, Thượng thư Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng bị chặt đầu, Vương Thông cũng bị thương, phải bỏ chạy thục mạng về Đông Quan, đóng cửa viết thư cầu viện binh. Xác quân giặc chết chồng chất lên nhau khiến cả một vùng cách xa vạn dặm vẫn còn hôi tanh mùi xú uế. "Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm…” như Nguyễn Trãi viết trong "Bình Ngô đại cáo”. Để tỏ lòng nhân nghĩa, Lê Thái Tổ đã xuống chiếu cho làng Tốt Động thu gom hài cốt quân Minh lập chôn thành hàng trăm ngôi đại mộ. Đến năm Bính Dần, 1866 vua Tự Đức lại có chiếu cho làng Tốt Động quy dồn tất cả thành một đại mộ quây bằng đá ong đặt tên là đồng Mồ, trên tấm bia còn lưu giữ cho đến hôm nay được khắc lên dòng chữ "Ta rằng hỡi ôi! Số người thác ở đây trăm đời sau vẫn là ma khách. Nay các ngươi đều được về đây, thi thể các ngươi thoát khỏi cảnh ngâm thây đáy nước, dãi nắng bãi cỏ hoang, ăn gió uống sương hồn phách chập chờn như đom đóm...”. Vào ngày 24 tháng Chạp hằng năm, tại đây có tục cúng cháo cho những con "ma khách”!
Rồi cách nay hơn 300 năm, cùng với việc thần tốc đánh tan tác toàn bộ quân xâm lược nhà Thanh, sau khi vào Thăng Long, Vua Quang Trung đã cho thu nhặt lại xác và xếp thành 12 đống, đắp cao lên thành gò gọi là "kình nghê quán” (gò chôn xác giặc dữ như cá kình, cá nghê ngoài biển) 12 gò này nằm giải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, trên gò các cây đa mọc lên um tùm và tạo thành cái tên gò Đống Đa hiện nay, nhằm biểu dương chiến công của quân dân ta và cảnh báo với bọn xâm lược cướp nước. Vua cho viết bài "Văn tế”, trong đó có đoạn " Nay ta cho thu nhặt xương cốt chôn vùi. Bảo lập đàn bên sông cúng tế. Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc. Xuất của kho đắp điếm đống xương khô. Hồn các ngươi đừng vất vưởng dưới trời Nam. Hãy lên đường quay về nơi hương chỉ ". Cần nhớ thêm rằng, tướng giặc là Sầm Nghi Đống sợ quá phải treo cổ lên cành đa tự tử trên núi Ốc (Loa Sơn) mà vị trí của nó là gần khu chùa Bộc hiện nay. Danh sĩ Nguyễn Văn Siêu khi đến thăm núi Ốc đã có câu thơ "Khả liên tích cốt vô quy nhật. Loạn giữ quần sơn nhất vọng nguy”, tạm dịch là: "Thây chất mong chi ngày trở lại. Thêm cùng gò núi một cồn xương”! Đây chính là những thông điệp cần phải gửi đến những cái đầu hiếu chiến đang hung hăng trên Biển Đông!
Chính vì thế, phải làm sống dậy trong lòng thế hệ trẻ hôm nay những sự kiện lịch sử oai hùng ấy. Thì đó, sức sống mãnh liệt của dân tộc vẫn bừng sáng trên ánh mắt và gương mặt của tuổi trẻ biểu thị lòng yêu nước. Giòng máu Việt Nam vẫn lưu chảy trong huyết quản của họ không gì ngăn chặn được. Và khi viết những dòng này, người viết không nghĩ rằng những thí sinh bị điểm 0 về môn lịch sử lại vô cảm với khí phách của ông cha mình. Tuyệt đối không!
Những điểm 0 này không thể hoàn toàn là lỗi của họ, nếu tỉnh táo và thật sự truy tìm căn nguyên của hiện tượng sẽ thấy ra rất nhiều điều lớn hơn bội phần việc trách cứ những học trò vừa tốt nghiệp phổ thông kia. Bộ môn lịch sử không thể chỉ dạy trong lớp học, mà còn phải dạy ngay trong gia đình, dạy ngay tại đường phố, dạy trong chuyến tàu đang vượt sóng ra khơi. Khi truyền thống bất khuất, quật cường của dân tộc được thường xuyên khởi động, cổ vũ, phát huy thì bộ môn lịch sử sẽ tìm lại được vị trí của nó trong lòng thế hệ trẻ. Đấy chính là vấn đề của vấn đề học lịch sử và dạy lịch sử.
GS. Tương Lai