Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [24] [25] [26] [27] [28] [29] [30] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÓ BAO NHIÊU CÁCH GỌI “MẸ”
TRONG TIẾNG VIỆT?


Nếu con số bạn biết là dưới 10 thì cần vào đọc ngay bài viết này!

Ít ai biết rằng, dù là ở quốc gia nào trên thế giới thì khi đứa bé cất tiếng nói đầu tiên - chủ yếu là gọi “Mẹ” - người thân yêu nhất, quan trọng, gần gũi nhất đến sự sống của mỗi bé. Phải chăng, tiếng gọi “mẹ” từ lâu đã trở nên quen thuộc đến mức mà ta đã vô tình lãng quên nguồn cội của tiếng gọi ấy.
Và đã bao giờ bạn tự hỏi, có bao nhiêu cách để gọi “Mẹ” trong tiếng Việt chưa? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời.



Giả thuyết phổ biến lớn nhất về việc những từ để chỉ người phụ nữ có công sinh thành là “mẹ” trong tiếng Việt, “mother” trong tiếng Anh, “mère” trong tiếng Pháp, “妈妈” (māma) trong Tiếng Trung… là “âm môi”.

Âm môi là âm mà chỉ cần mở môi là có thể phát âm được (như “m” hay “b”) - bởi vậy âm này rất dễ được trẻ con “bập bẹ” nói trong những năm tháng đầu đời.



Tiếng Việt là một thứ tiếng tổng hợp từ rất nhiều ngôn ngữ, trong đó đặc biệt chịu sự ảnh hưởng lớn của tiếng Trung Quốc.

Bởi vậy, những từ ngữ đầu tiên, hoặc rất lâu đời có nhiều từ là sự biến hoá, biến âm của tiếng Trung Quốc. Các cách gọi “Mẹ” của người Việt từ trước đến nay cũng vậy.

Thực tế thì “mẹ” là cách gọi hiện đại. Bởi “Mẹ” là từ được biến âm trực tiếp từ từ “mère” trong tiếng Pháp, với nghĩa rất rõ ràng là người phụ nữ có công sinh thành. Nhưng trước khi chúng ta có “mẹ”, thì những cách gọi khác có phần phổ biến hơn.




Đầu tiên phải nói đến đó là “mẫu thân” (cách gọi này chủ yếu xuất hiện trong văn viết, dùng trang trọng), một từ phiên âm trực tiếp từ tiếng Trung Quốc là母親 với phát âm là “mǔqīn”. Nhưng “mǔqīn” là phát âm chính thống, còn đối với tiếng địa phương (vùng phía Nam Trung Quốc – Phúc Kiến, trực hệ của tiếng Việt) thì母親còn được phát âm là “búchhin” , và cách phát âm này ảnh hưởng trực tiếp đến cách gọi “bu” ở phía Bắc Việt Nam.

Hiện nay thì “bu” vẫn được dùng ở một số địa phương như Thái Bình, và do biến âm thì còn có các cách gọi khác như “bầm” (Bắc Ninh) hay “u” (Hà Nam).
Miền Trung và miền Nam thì có những cách gọi gần với tiếng Trung Quốc hơn cả. Cả hai từ “mạ” (Huế), và “má” (Nam Bộ) đều xuất phát trực tiếp từ từ “妈妈” (māma). Biến âm của “mạ” còn có “mệ”.




Ngoài phát âm, các biến thể từ nghĩa cũng ảnh hưởng đến cách gọi mẹ. Ví dụ như cách gọi giống, hay hành động cũng được dùng để chỉ “mẹ”. Miền Bắc còn có cách gọi mẹ là “cái” như trong câu ca dao: “Nàng về nuôi cái cùng con/  Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

Hay “cái” trong “Bố cái” (Sơn Tây), hoặc gọi trực tiếp từ hành động như “đẻ”, mặc dù cách gọi này hiện giờ hầu như không còn.




Ngoài ra, tục lệ cũng là một trong những nhân tố khiến cho xưng hô biến hoá. Người Việt trước đây tin rằng, việc “gọi chệch”, “đặt tên xấu” sẽ khiến cho những đứa trẻ sinh non, yếu ớt lúc bé sống dễ hơn, vì “xấu” nên không bị ma quỷ đụng vào.

Đó là lý do hình thành những cái tên như “thằng cu”, “cái hĩm”, bố mẹ không gọi trực tiếp tên con mà gọi chung chung. Con cái cũng đôi khi bị bắt gọi chệch bố mẹ, để tránh thân thiết quá mà bị ma quỷ quấy nhiễu.

Đây là tục lệ có phần mê tín dị đoan nhưng cho đến hiện tại, một số vùng nông thôn Việt Nam vẫn dùng. Tục này dẫn đến việc gọi chệch bố mẹ thành “anh chị”, “cậu mợ”, “chú thím”, những danh từ vốn chỉ những người thân khác, gần gũi với “bố mẹ”.



Theo thời gian, con cái còn gọi bố mẹ bằng những danh từ khác tuỳ theo thời kỳ. Khi bố mẹ già, nhiều người khi nói về bố mẹ hay sử dụng các từ như “ông cụ”, “bà cụ”.  

Đây là những danh từ để chỉ người lớn tuổi trong gia đình nói chung, và thường được sử dụng với đại từ sở hữu (tôi, anh) để chỉ chính xác bố mẹ của ai đó khi họ về già. Trong gia đình, cách xưng “ông-con”, “bà-con” cũng được con cái dùng khi họ có gia đình riêng. Người Việt gọi đó là “lên chức”.

Trên thực tế, còn rất nhiều cách gọi “mẹ” khác, trên đây chỉ là một vài cách gọi mà tác giả tổng hợp được dựa vào một số nguồn tài liệu tham khảo gồm có:

- Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh
- Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả của Phan Ngọc
- Từ điển tiếng Trung
- Problems in Comparative Chinese Dialectology — the Classification of Miin and Hakka.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHỮNG TỪ NGỮ
“TẾ NHỊ, NHẠY CẢM”


Các nhà báo khi viết bài hãy cẩn thận bởi sức mạnh của ngôn từ nhiều khi “ghê gớm” hơn ta tưởng. Nó có thể làm sai lệch rất xa so với dụng ý của người viết, nhiều khi chính từ những ý hoàn toàn thiện chí.

Trong giao tiếp, ở bất cứ ngôn ngữ nào cũng đều có một lớp từ được coi là “nhạy cảm”. Đó là những từ mà người ta tránh nói hoặc hết sức cẩn trọng khi phát ngôn. Chẳng hạn các từ thông tục, các từ chỉ cơ quan sinh dục hoặc các hoạt động tình dục của con người (và cả động vật có bản năng này nữa). Tất nhiên, đó là một mặt của đời sống xã hội cần phải có và chắc chắn các từ này là một bộ phận không thể thiếu trong vốn từ vựng toàn dân. Dù được coi là cấm kị, nhưng khi miêu tả cuộc sống, dù ít dù nhiều, chúng ta vẫn phải sử dụng tới những từ ấy (nhất là trong các sách vở nghiên cứu về y học, sinh lý học, sức khoẻ sinh sản…).

Trong giao tiếp nói năng giữa đông người hay trên sách báo cho công chúng rộng rãi thì việc nói sao cho “lọt tai”, không gây phản cảm,chuyện đó quả không dễ. Sử dụng các từ ngữ được coi là tế nhị, nhạy cảm như vậy là một vấn đề mang tính văn hoá ngôn ngữ.

Qua thống kê, ta thấy báo chí những năm qua rộ lên cách sử dụng một loạt các từ mang tính khẩu ngữ liên quan tới một loạt từ nhạy cảm này. Từ chỗ “khó nói”, “không nói thẳng ra được” đến việc tìm một cách nói làm sao “nghe được”. Ví dụ các từ: chuyện ấy, chuyện mây mưa, chuyện sinh hoạt tình dục… (để chỉ quan hệ nam nữ); của quý, cậu nhỏ, dụng cụ của chàng, cái đèn cầy… (để chỉ cơ quan sinh dục nam); cái ấy, vùng kín, vùng cấm… (để chỉ cơ quan sinh dục nữ)…

Nếu thế thôi thì cũng chưa có vấn đề gì. Nhưng nhiều báo chí đã đi quá xa khi đặt tít hay tả thực bằng những tổ hợp từ khá lạ tai: Tuyệt chiêu “cậu nhỏ” bằng miệng, 8 lý do “cậu nhỏ” của chàng không thể “chào cờ”, Để “cậu nhỏ” thật to, thật “hoành tráng”, “Cậu nhỏ” có nhỏ? Bí quyết để “cái đèn cầy” lên nòng, Vợ cho “của quý” của chồng vào… thùng rác… Những kiểu nói như vậy càng ngày càng đa dạng, ngay cả trên các báo dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng (vốn cần hết sức cẩn trọng). Nhiều người tỏ ra thích chí khi sáng tạo ra các kiểu nói “tuyệt chiêu” về cái ấy và… chuyện ấy. Nếu có một xì căng đan sexy nào đó thì y như như rằng có khá nhiều bài với không ít cách nói đủ kiểu vào cuộc.

Điều đáng nói và đáng lưu ý hơn cả là gần đây, hội chứng thi nhau dùng chữ “hàng” để chỉ những bộ phận kín đáo của phụ nữ. Nếu vào “Google”, ta sẽ nhặt ra không biết bao nhiêu bài viết có xuất hiện từ “hàng” hấp dẫn này: Những mẫu trang phục vô tư “lộ hàng”, Siêu mẫu H. A - từ lộ hàng đến đụng hàng, Người đẹp “lộ hàng” khoe vòng 1 trên đất Mỹ, Bé X. M lộ hàng trên sân khấu, Ca sĩ Đ.T có cố “lộ hàng”?… Khi nghe nói đến “hàng”, người Việt sẽ có một suy luận tiền giả định “đó là thứ có thể đem ra mua bán, trao đổi” (thực tế, nghĩa 1, nghĩa gốc của hàng (hay hàng hoá) là “sản phẩm để mua bán”). Cho nên, vô hình trung, ta nói tới chuyện “lộ hàng”, “khoe hàng”, “đụng hàng”… là dễ làm cho người khác hiểu sai cử chỉ của cô gái nào đó mà ta đang đề cập tới trong bài.

Họ thường là người mẫu thời trang, ca sĩ, người đẹp và có khi, cả hoa hậu nữa. Rất nhiều chị em, vốn là những nghệ sĩ tài danh, nhân vật nổi tiếng được báo chí gán cho 2 chữ “lộ hàng” (mà có thể họ hoàn toàn vô tình) đã than phiền là những thông tin như vậy không chỉ làm rắc rối vấn đề (không biết giải thích, thanh minh thế nào) mà còn làm cho dư luận hiểu sai về họ. Có ca sĩ đã viết trên blog của mình rằng: “Tôi cảm thấy rất xấu hổ, ê chề khi tấm ảnh hớ hênh do vô ý của mình bị trưng lên mặt báo với lời bình “cố ý chào hàng”. Họ cứ làm như tôi là “gái gọi” không bằng, rằng tôi muốn PR bằng các màn khoe thân kệch cỡm. Họ bêu riếu tôi quá!”.

Ngôn ngữ, đặc biệt là từ vựng, có thể biến đổi, bổ sung sao cho phù hợp với nhu cầu giao tiếp của cuộc sống. Nhưng sự tuỳ tiện, “ứng tác” nhiều khi sẽ đem lại hiệu quả lợi bất cập hại. Các nhà báo khi viết bài hãy cẩn thận bởi sức mạnh của ngôn từ nhiều khi “ghê gớm” hơn ta tưởng. Nó có thể làm sai lệch rất xa so với dụng ý của người viết, nhiều khi chính từ những ý hoàn toàn thiện chí.


TS Phạm Văn Tình
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GỈ SÉT – RỈ SÉT – GÍ và DÍ


Vụ việc 17 tàu cá vỏ thép ở tỉnh Bình Định đóng mới theo nghị định 67 của Chính phủ đưa vào hoạt động chưa được một năm phải nằm bờ do hỏng máy, hư hỏng vỏ thân tàu. Và cụm từ nổi bật là: rỉ sét, hay gỉ sét?

Viết về đề tài này, nhiều bài báo đã giật tít với từ ngữ không thống nhất với nhau:

- Vụ tàu vỏ thép nằm bờ: gỉ sét lòng tin.
- Tàu gần 20 tỉ rỉ sét hay những cái đầu bị rỉ sét.
Vậy, “gỉ sét” và “rỉ sét”, cách viết nào đúng?

“Gỉ sét” thông dụng hơn

Danh từ gỉ có nghĩa là “chất do kim loại tác dụng với không khí ẩm tạo thành, ví dụ: gỉ sắt”. Còn trong trường hợp được sử dụng trong hai tiêu đề báo trên thì nó là một động từ có nghĩa là “bị biến thành gỉ, ví dụ: sắt gỉ”.

Còn rỉ cũng có cùng nghĩa như gỉ, nghĩa là sử dụng từ nào cũng đúng cả.

Về phương diện phát âm, với người thuộc vùng phương ngữ Bắc Bộ thì cả hai âm đầu “r” và “gi” đều phát âm đồng nhất với nhau là /z/, nên cả “gỉ” và “rỉ” đều được phát âm là [zi].

Còn với cư dân thuộc vùng phương ngữ Trung Bộ thì phát âm hai từ trên có phân biệt khác nhau: “gỉ” phát âm thành [zi] (như phương ngữ Bắc Bộ) và “rỉ” phát âm thành (phụ âm đầu quặt lưỡi, không tồn tại trong hệ thống phương ngữ Bắc Bộ).
Nói cách khác, dù viết “dỉ-gỉ-rỉ” thì cư dân Bắc Bộ đều phát âm thành “dỉ”, còn cư dân Trung Bộ thì phân biệt rõ “gỉ-rỉ” (/z-/) khi phát âm.

Ngoài ra, đây còn là ví dụ cho hiện tượng cặp từ lưỡng khả trong từ vựng tiếng Việt. Hiện tượng lưỡng khả có thể diễn ra do trong cặp từ đồng thời được sử dụng có một từ thuộc loại khẩu ngữ, phương ngữ, thông tục, văn chương, trang trọng, kiểu cách, từ cũ, ít dùng...

Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp trong cặp từ lưỡng khả không thể xác định được từ nào thuộc các phong cách, sắc thái tu từ, phạm vi sử dụng nêu trên, mà cả hai từ đều được sử dụng tương đương nhau.

Trong đó các nhà từ điển học khuyến nghị dùng một trong hai từ (từ thứ nhất, in đậm trong cặp từ), ví dụ:

- gạo lức/ gạo lứt,
- đểnh đoảng/ đuểnh đoảng,
- tròng trành/ chòng chành,
- chỏng gọng/ chổng gọng,
- ghế tựa/ ghế dựa,
- gọt giũa/ gọt dũa,
- hằng ngày/ hàng ngày,
- huyên thuyên/ huyên thiên,
- mắc mứu/ mắc míu, rửng mỡ/ dửng mỡ, soong nồi/ xoong nồi, hoen gỉ/ hoen rỉ...

Như vậy, cân nhắc giữa việc lựa chọn sử dụng từ nào trong cặp từ lưỡng khả “gỉ sét” hay “rỉ sét” thì có lẽ nên theo khuyến nghị của các nhà từ điển học: dùng từ “gỉ sét” thông dụng hơn.

“Gí” hay “dí”?

Mở rộng thêm về hiện tượng chuyển âm từ âm đầu “gi” → “d”, ở một trường hợp khác, nhiều bài báo có tiêu đề còn nhầm lẫn giữa từ “gí” và “dí”:

(a) Bị gí súng uy hiếp, người mẹ vẫn lao vào cứu con.
(b) Dí súng vào đầu bạn nhậu giữa quán ăn đêm.

Trong trường hợp này, sử dụng từ “dí” là chưa phù hợp, vì trong từ vựng tiếng Việt không có từ “dí” đứng độc lập (trừ trường hợp duy nhất có tiếng “dí” trong từ “dí dỏm”).

Như vậy, tuy là một hệ thống chữ viết tiến bộ, có nhiều ưu điểm như đơn giản, dễ học, nhưng chữ viết tiếng Việt vẫn còn ít nhiều điều bất hợp lý, mà việc con chữ “g” vốn ghi âm vị //, trong trường hợp từ “gỉ” vừa khảo sát trên lại ghi âm vị /z/, là một ví dụ.

Do đó, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bên cạnh việc chọn từ ngữ chuẩn xác khi sử dụng trong giao tiếp sao cho đạt hiệu quả cao nhất, có lẽ việc khắc phục những nhược điểm của chữ viết, từ ngữ nước nhà cũng cần được đặt ra trong tiến trình cải cách lâu dài, kiên trì, bền bỉ để tiếng mẹ đẻ của chúng ta ngày càng hợp lý, trong sáng và giàu đẹp hơn.

HIỆN TƯỢNG "TAM KHẢ"

Nhân đây, trả lời một trường hợp khác mà khá nhiều người băn khoăn khi sử dụng, trong ba từ “sum sê/ sum suê/ xum xuê”, từ nào viết đúng chính tả?

Xin nói ngay là cả ba từ đều viết đúng chính tả, đều được sử dụng với cùng một nghĩa tương tự là: “(Cây cối) có nhiều cành lá rậm rạp, tươi tốt”, trong đó từ “sum suê” ít dùng hơn hai từ còn lại, và từ các nhà từ điển học khuyến nghị nên dùng là từ “sum sê”.

Đây là một trường hợp thuộc hiện tượng từ tam khả trong từ vựng tiếng Việt, tương tự như các trường hợp “sóng sượt/ sõng soài/ sóng soải”, “đàng hoàng/ đường hoàng/ đình huỳnh”, “giá đắt/ giá mắc/ giá mắt”...

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
----------------------------
Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Phê (1995), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học. 2. Đoàn Thiện Thuật (1999), Ngữ âm tiếng Việt, NXB ĐHQG Hà Nội.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRUY TÌM CÁCH GỌI “BỐ”
TRONG TIẾNG VIỆT


Bạn biết được bao nhiêu cách gọi bố trong tiếng Việt?

Nếu như ở bài trước, chúng ta đã biết được gốc gác của từ Mẹ trong tiếng Việt cũng như cách gọi Mẹ được biến thể qua từng vùng như thế nào, thì ở bài này, ta sẽ hiểu thêm về nguồn gốc của cách gọi “Bố”.

Sách “Lĩnh nam chích quái liệt truyện” có viết:

“Long Quân dạy dân việc cày cấy, cơm ăn áo mặc, đặt ra các cấp quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng. Đôi khi trở về thuỷ phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bô ơi! sao không lại cứu chúng con” thì Long Quân tới ngay. Sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi”.

“Lĩnh Nam chính quái liệt truyện” là tập hợp những câu chuyện vào loại lâu đời nhất của Việt Nam, trong đó có không ít huyền sử.

Nhưng có thể nói rằng đối với người Việt Nam, từ “bô” (có nguồn gốc từ từ “父” với phiên âm địa phương là “pē”, phiên âm chính thống là “Fù” – tương ức với Phụ ) là một trong những từ đầu tiên người Việt Nam dùng để gọi người đàn ông có công sinh thành ra mình, và có một biến âm là “bố” .

Từ “bô” trong “Bô lão”, thời phong kiến, cũng thường để chỉ những người đàn ông ở tầng cao trong dòng tộc, đồng nghĩa còn có “Phụ lão”.

Phần lịch sử sau khi không còn phụ thuộc vào Trung Quốc cũng có ghi lại một vị quân vương lấy hiệu là “Bố Cái Đại Vương”, và “Bố Cái” ở đây đồng nghĩa với “Bố Mẹ”.

Mặc dù giống với “Mẫu thân” - từ tương ứng để gọi cho là “Phụ thân” nhưng bản thân từ “Phụ” ít khi xuất hiện trong tiếng thuần Việt.

Bởi vậy, tiếng gọi “Phụ thân” ở hiện tại thường chỉ dùng trong văn viết với ý trang trọng, hoặc sử dụng bối cảnh cổ xưa.

Biến thể của từ “Bô” ngoài “Bố” còn có “Bọ” (Quảng Bình), hay một từ không có nghĩa là “Bố” nhưng rất gần với “Bố”, là “Bõ” (Vùng đồng bằng Bắc Bộ) chỉ người đầy tớ già, có quan hệ khăng khít với thiếu chủ (người chủ nhỏ) trong gia đình quyền quý trước kia giống như cha vậy.

Đối với từ “Bõ” này khi vào miền Nam lại thành “Cha xứ”, “Cha đỡ đầu”. Người vùng Bắc Bộ trước kia coi trọng việc học, và thời phong kiến có ba mối quan hệ mà người con rất coi trọng: Bố-con, Thầy-trò, và Quân-thần. Bởi vậy mà có tục gọi “Bố” là “Thầy” (vẫn dùng ở Thái Bình).

Lại nói đến từ “Cha” và “Tía” thì hai từ này là biến âm của tiếng Trung Quốc “爹” (với phiên âm là “Diē”). Đây là hai từ dùng phổ biến trong Miền Nam với các cụm như “Cha mẹ”, “Tía má”.

Người Miền Nam cũng gọi cha là Ba, và đây thì lại là biến thể khác của tiếng Trung Quốc hiện đại, xuất phát từ từ爸(với phiên âm là “Bà”).




Đối với người đã “lên chức”, hay con cái của họ đã có gia đình, nhiều người chuyển từ xưng “Bố-con” sang “Ông-con”, và có thể chỉ bố bằng ngôi thứ ba là “Ông cụ”, “Ông lão”, “Ông bố”, “Ông bô”.


Tục tránh gọi trực tiếp bố mẹ do quan niệm “tên xấu” cũng sinh ra việc gọi bố bằng “Chú”, “Cậu”, hay “Anh”.

Trên thực tế, còn rất nhiều cách gọi “Bố” khác, trên đây chỉ là một vài cách gọi mà tác giả tổng hợp được dựa vào một số nguồn tài liệu tham khảo gồm có:
- Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh
- Từ điển Hán Ngữ

NGÔN NGỮ VIỆT
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SAO LẠI GỌI LÀ CHÓ MÁ?


Quay xe lẩm bẩm câu gì
Không ai nghe được, rồi đi về nhà
Tội cho con cún chạy ra
Ăn một nhát đá, thế là hết phim

Cún là con chó, đôi khi chỉ cần gọi cún, mực, vàng, vện, đốm… là rõ nghĩa. Thậm chí khi nghe nói “chim muông” thì muông cũng chính là chó.

Nhà thơ Phan Văn Trị viết:

Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở
Bủa lưới săn nai cũng có ngày

Câu thành ngữ “Lòng muông dạ thú” nhằm chỉ tâm địa độc ác, mất hết tính người, nay có lẽ do từ “muông” ít sử dụng, nên dần dà về sau người ta mới đổi thành “Lòng lang dạ thú”/ “Lòng lang dạ sói”. Lang là loại chó rừng.

Truyện thơ Nôm khuyết danh Trinh Thử có câu:

Nhiều bề cách vật trí tri
Tiếng muông chim lại hay suy nên lời

thì “muông chim” lại nói chung về thú vật và chim chóc; muông thú là thú rừng nói chung.

Thành ngữ xưa có câu “Tiền cột cổ chó”, nay hầu như chẳng mấy ai hiểu nghĩa lý ra làm sao. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Của bỏ, của thí. Ngu tục hiểu là con chó chết rồi, hồn nó xuống giữ cầu âm giái (giới), cho nên phải cột tiền hối lộ mà tống táng, hoạ ngày sau nó đã không cắn mà lại đưa mình qua cầu âm ti”. Do ngày nay chẳng mấy ai tin, làm theo, vì thế, câu thành ngữ này cũng “thất truyền”.

Tương tự “Chó cỏ rồng đất”, dù có nhớ đến nhưng nhiều người cũng khó tường tận. Theo tự điển của Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức: “Người hết được trọng dụng, bị bỏ xó như khi công việc đã xong, như chó bện bằng cỏ và rồng nắn bằng đất dùng trong việc cúng tế, khi đám xong người ta liệng bỏ”. Rõ ràng, chẳng khác gì “Vắt chanh bỏ vỏ”.

Qua đôi ví vụ trên, ta thấy rằng thành ngữ - những cụm từ nêu lên những hình ảnh, những khái niệm còn nhằm phản ánh phong tục, tập quán của một thời. Một khi phong tục, tập quán đó mất đi thì bản thân câu thành ngữ có liên quan cũng rơi rụng dần.

Đọc Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes (1651) không thấy ghi nhận “muông”, chỉ có từ “muôn” như hiện nay ta đã hiểu là vạn; số lượng lớn không xác định như muôn sắc muôn màu, muôn hồng nghìn tía, “Gia Định có ông Thủ Huồng/ Nhà nhiều vàng bạc cả muôn cả ngàn” (Vè Thủ Huồng)…

Thế nhưng lại có từ “buồn muôn” là chán nản, buồn. Do đồng nghĩa với lo, nên trải qua năm tháng buồn không đi chung với muôn nữa, lại se duyên với lo/ buồn lo.
Thời trước, một khi chó sủa còn gọi cắn. “Chó cắn áo rách”, “Nhăng nhẳng như chó cắn ma” - đều cũng nhằm chỉ động tác sủa.

Nay, ta hiểu chó cắn là nó nhe răng ra ngoạm một phát, chứ không chỉ há mồm phát ra âm thanh. “Chó sủa là chó không cắn”. Cắn và sủa đã phân biệt rạch ròi. Thử hỏi, có “cắn” có “g” hay không? Trong tiếng Việt chỉ có một từ “cắng” nhằm gọi tên một loại chim câu.

Hiểu như thế, ta mới rõ bài đồng dao của trẻ em:

Vừa mưa vừa nắng
Cái cắng đánh nhau
Bồ câu ra gỡ
Chốc nữa lại tạnh

Do quen thuộc trong mỗi nhà, vì thế, con chó đã đi vào lời ăn tiếng nói của người Việt cực kỳ phong phú. Câu mắng những ai dù nghe lời hay lẽ phải nhưng vẫn không thay đổi được so sánh “Nước đổ đầu vịt”, “Trơ như đầu chó đá”. Có bao giờ “Chó đá vẫy đuôi”? Câu này nhằm chỉ điều vô lý không thể xảy ra.

Đã từng nghe đến nhiều loại chó như phèn, mực, ngao, luốc, đốm… nhưng không ngờ lại còn có cả… chó lửa. Con chó mà khạc ra lửa? Vâng, là tiếng lóng chỉ khẩu súng côn, ru-lô.

“Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”, điều này cho thấy chúng rất nhớ đường, có thể nhờ dắt về nhà, về ngõ. Nhưng “chó dắt” cũng ngụ ý chỉ sự thành công của ai đó do may mắn, tình cờ chẳng khác gì “Chó ngáp phải ruồi”.

Một khi mắng chửi, khinh bỉ ai, người ta dùng từ “chó má”. Vậy má là gì?

Câu hỏi đơn giản này đã khiến nhiều nhà nghiên cứu phải nhọc công lắm đây. “Chó má”: Người Tày gọi con chó là “tu ma”, cái thành từ “chó má” của ta, tiếng “má” ấy có lẽ bởi tiếng “ma” của Tày mà ra; có một số danh từ của Tày giống của ta lắm” (Phan Khôi); nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tuỵ lại cho rằng: “má gốc tiếng Thái cùng có nghĩa là chó” (dẫn theo Việt ngữ tinh hoa từ điển của Long Điền - NXB Hoa Tiên - 1952).

Trong khi đó, đã có một thời “chó má” lại là “Bộ ngộ nghĩnh, dễ thương. Nói về con nít” - từ điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895), Génibrel (1898) đã giải thích. Thế thì, từ bao giờ chó má lại hàm nghĩa như nay ta đã hiểu?

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRĂM KIỂU XƯNG HÔ
TRONG TIẾNG VIỆT


Xưng hô, tiếng Việt của người Việt

Người phương Tây khi học tiếng Việt, hầu hết đều nói khó nhất là các đại từ nhân xưng. Ngôi thứ phù hợp với tôn ti trật tự. Biểu hiện rõ nhất của việc ngôn ngữ phản ánh đặc tính xã hội, chính là cách thức xưng hô. Một nước ảnh hưởng Nho giáo nặng nề, thì không thể có một từ “I” như của tiếng Anh dùng cho ngôi thứ nhất, một từ “you” dành cho ngôi thứ 2. Không những thế, còn rất nhiều từ địa phương nữa chứ.

Từ khi ra đời, đứa bé gọi “mẹ” rồi gọi “bố”. Từ “bố” có lẽ là từ cổ. “Bố” có từ thời Phùng Hưng. “Bố cái đại vương” có thể là một tổ hợp ghép từ Nôm và Nôm gốc Hán. “Bố cái”, có thể là người bố lớn, chứ không phải là “bố mẹ”, và là nhà vua lớn (đại vương). Có nhiều người cho rằng “cái” là mẹ, rất có thể nhầm, vì “cái” là “to lớn” mới đúng. Nhưng chuyện “cái” không phải chủ đề của bài này.

Các địa phương từ Bắc vào Nam, nhiều bộ phận cư dân dùng từ có nghĩa như “bố, mẹ” khác nhau. Miền Trung có “bọ, mạ”, miền Nam có “ba, má”, “tía, má”. Nông thôn miền Bắc phần nhiều gọi “thày, u” hoặc “thày, bu”. Trung du gọi mẹ là bầm, bủ. Có một số địa phương miền núi phía bắc gọi bố là “bác”. Bố mẹ tôi hồi kháng chiến chống Pháp tản cư lên một huyện ở Thái Nguyên, kể rằng người địa phương thì con gọi bố là bác. Có thể câu ca dao này xuất phát từ vùng gần xứ Lạng: “Ai lên xứ Lạng cùng anh, bõ công bác mẹ sinh thành ra em”. Tôi biết “bác” ở đây là “bố”. Nhưng chắc rất nhiều người không biết điều ấy, mà cho là câu ca dao nói về ông anh của bố và mẹ, ngẫm ra rất vô duyên.

Thời Pháp thuộc, các thành phố miền Bắc gọi bố, mẹ là “cậu, mợ”. Con nhà giàu thì người ở cũng gọi luôn là “cậu nhỏ”. Chả hiểu gốc tích chuyện xưng hô này ở đâu.
Tôi đọc tư liệu về Võ Nguyên Giáp, thấy nói quê ông Giáp gọi bố, mẹ là “thày, thím”. Đến khi viết kịch bản liên quan đến ông Giáp, quá nhiều người phản đối, sau lại đọc có tư liệu bảo vùng đó gọi là “thày, đẻ”. Bây giờ người già chắc còn nhớ, còn lớp trẻ chắc gọi khác đi rồi.

Nhà tôi, có bà mẹ già (vợ cả của bố) thì chúng tôi gọi là “mẹ”, còn mẹ mình thì gọi là “đẻ”. Người lớn ngày xưa quy định thế, gọi lên thấy thân thương, nhưng người khác không quen thì thấy buồn cười.

Các từ chỉ họ hàng ở vùng đồng bằng sông Hồng từ xưa cũng phản ánh thiết chế xã hội. Họ hàng nhà bố thì con trai phân biệt chú, bác, nhưng con gái thì chị hay em bố cũng gọi là cô. Đó là vì xã hội phụ quyền. Ghi gia phả chỉ ghi con trai, còn con gái là theo nhà chồng. Phân biệt chị hay em bố phải gọi kèm theo chồng mới biết. Cô - bác là cô chị bố, cô - chú là cô em bố. Cũng là một kiểu phản ánh xã hội lấy người đàn ông làm chuẩn mực, đàn bà chỉ ăn theo.

Phía họ mẹ thì rất rành rọt: anh em trai mẹ gọi là bác (giống gọi anh của bố), cậu, nhưng chị em gái mẹ gọi là bá, dì. Những vùng Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội), chị mẹ không gọi “bá” mà gọi là “già” (hay “dà”?). Gọi thế hơi bất tiện khi người còn trẻ mà gọi là “già”.

Nông thôn miền Bắc truyền thống có tục người đối thoại thay con hay cháu. Khi chưa có vợ, chồng thì gọi nhau anh chị, mày tao chi tớ. Khi có con, có cháu thì tuỳ con mình gọi người đó là gì, mình gọi thế. Ví dụ có bạn, khi trẻ thì mày tao, anh chị; khi có con phải gọi người đó là bác, chú, cô, tuỳ theo tuổi, khi có cháu thì gọi nhau là ông, bà. Tương tự, với người già cũng vậy, cứ có con hay cháu thì trong xưng hô gọi nhau lại nâng cấp một bậc, còn về phía mình thì có thể xưng thay con cháu, hay vẫn xưng ở ngôi mình. Ví dụ, gọi bạn bè là ông, không cần xưng cháu, mà vẫn xưng tôi, xưng em… Hồi xưa xưng hô rất đúng tôn ty và thứ bậc. Ngày nay không nhất thiết như vậy, nên khi nghe hai người xưng hô, không thể đoán được vai bậc của họ trong xã hội.

Khi người ta đến trường học, thời Pháp thuộc còn có vai trò của các cụ đồ dạy chữ nho, nhất nhất học trò gọi thày và xưng con. Rồi đến thời kỳ, ở nhà trường gọi là thày cô, học sinh xưng em. Tôi đã lớn lên trong thời kỳ nhà trường xưng em với thày cô giáo, bây giờ vẫn không sao quen được cách mà con cháu xưng hô ở trường. Bây giờ học mẫu giáo, các cô nhất loạt xưng là mẹ, gọi học trò là con, cũng không phải là hay. Mục tiêu của nhà trường chắc là muốn tỏ ra các cô giáo như mẹ hiền.”Như” thì nên gọi là cô cũng được. Một đứa trẻ dù có nhiều người xưng là mẹ, nó vẫn biết không phải mẹ nó, mà người lớn khó xưng hô. Đứa trẻ mẫu giáo xưng con cũng được, còn đến tiểu học cũng có thể chấp nhận khiên cưỡng, nhưng từ phổ thông cơ sở, lớp 6-7 đến lớn 12 mà các thày cô U30 gọi bọn 15-16 là con, có vẻ không hợp cho lắm. Mà gọi thế chỉ có tăng khoảng cách xa xôi, dễ áp dụng biện pháp trại lính, bố mẹ nói là con cấm cãi. Cải cách giáo dục, có lẽ phải cải cách chính cách xưng hô trong nhà trường.

Một thời ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nơi công cộng người ta nhất loạt gọi nhau là đồng chí, cũng buồn cười. Trẻ già đồng chí tuốt. Rồi đến thời, công sở cũng như họ hàng, cứ chú bác, cô dì loạn cả lên, khi kiểm điểm sắp choảng nhau mới gọi nhau đồng chí. Cũng là một kiểu tự do vô lối. Công sở nên xưng ngôi thứ nhất là tôi. Chỉ có tôi mà thôi. Còn người đối thoại chỉ có 2 từ: trẻ thì anh-chị, già thì ông-bà. Thế là chuẩn mực mà sao không thể áp dụng được? Mới thấy cái sự xưng hô tưởng dễ mà khó.

Nói về chuyện cung đình phong kiến thời xưa, chuyện xưng hô được quy ước chặt chẽ, xưng hô nhầm có thể bị tội đánh roi hoặc phạt tiền, như kiểu phạt vi phạm giao thông. Chức gì tước gì thì xưng thế nào. Ví dụ Luật Hồng Đức quy định: “Thân vương xưng hô là điện hạ; tự thân vương xưng là phủ hạ; tước công, tước hầu, tước bá, phò mã và viên quan hàm nhất phẩm xưng là các hạ; viên quan hàm nhị tam phẩm xưng là môn hạ; viên quan hàm tứ, ngũ và lục phẩm xưng là đại phu; viên quan hàm thất, bát và cửu phẩm xưng là quan trưởng. Nếu người nào dám xưng hô tiếm lạm càn rỡ cùng người nhận lời xưng hô không chính đáng ấy, đều sẽ phải phạt 50 roi và 10 quan tiền”. Bây giờ có các nhà văn hẳn hoi, viết truyện lịch sử thời kỳ nhà Lê, cho nhân vật xưng hô lung tung beng, độc giả không biết, người viết cũng tưởng thế là hay.

Xưng hô thời hiện đại của Việt Nam bắt đầu đang có sự thay đổi, ngay trên tivi, ở đâu cũng gọi “quý vị”, lại còn kêu rõ to “quý vị ơi, xyz… có phải không ạ?” Thế thì “quý vị” chỉ có nghĩa như… trẻ nhỏ.

Tôi vẫn tin rằng, xưng hô là một biểu hiện văn hoá xã hội. Nếu có bề dày truyền thống, có sự đa đạng văn hoá địa phương, sao không thể kế thừa?  Chính quyền có cơ quan văn hoá làm gì, nếu không làm luật xưng hô. Vua Lê Thánh Tôn không rỗi hơi quy định xưng hô trong một bộ luật của vương quốc thịnh vượng thời đó. Hoặc là vì thế mà nước cường thịnh?

Nguyễn Xuân Hưng

(nhà văn)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NỤ và HOA


Đối với từ “hoa”, trước hết những người sử dụng tiếng Việt đã đặc biệt chú ý đến vẻ quyến rũ của thứ sự vật thường có màu sắc và hương thơm mà từ này biểu thị. Ngoài ra người ta cũng quan tâm tới hình thức, tức hình dạng thường gặp của hoa: chính giữa là nhuỵ, và những cánh hoa mở ra xung quanh đều đặn như một sự bày đặt khéo léo của tạo hoá.

Đây cũng là điểm xuất phát chung trong văn hoá nhân loại: Ở rất nhiều nước trên thế giới, hoa được coi là biểu tượng của sự toàn hảo, sự thanh tao và toả sáng, của tình yêu và cả sự bấp bênh thoáng qua vẻ đẹp nơi trần thế. Đồng thời, hoa cúc thường gợi nhớ đến mùa thu và những kỷ niệm, hoa hướng dương là biểu tượng của lòng khát khao lý tưởng, hoa mẫu đơn tượng trưng cho sự phú quý, hoa sen là biểu tượng của sự thuần khiết giữa bụi trần tục luỵ, hoa hồng là lời ngợi ca sự toàn mỹ, còn hoa đào tượng trưng cho mùa xuân…

Trong tiếng Việt, hoa được dùng để ví von với vẻ tươi đẹp: mặt hoa da phấn, tươi (đẹp) như hoa. Trong văn nghệ, từ “hoa” thường được dùng khi nói về người con gái đẹp (còn “bướm” và “ong” là những chàng trai si tình). Cũng theo hướng suy tưởng như thế, hoa được sử dụng trong các từ ghép chỉ người con gái đẹp nhất (trong cuộc thi người đẹp ở một vùng, hoặc một lĩnh vực nào đó) là hoa hậu và hoa khôi. Hoặc khi để chỉ tính chất đẹp đẽ lộng lẫy thì người ta nói là hoa lệ, biểu thị vẻ bên ngoài đẹp nhờ trau chuốt thì nói là hoa mỹ, ví von tuổi trẻ tươi đẹp của đời người thì gọi là hoa niên (hay tuổi hoa)…

Bằng sự cảm nhận trực tiếp, những người dùng tiếng Việt đã so sánh hình dạng thường gặp của hoa với nhiều sự vật khác (trông cũng từa tựa hoa), để từ đó lấy hoa làm tên gọi chung cho các sự vật khác này (theo cách ẩn dụ) hoặc chỉ tính chất của chúng: hoa lửa, hoa tuyết, hoa đèn, hoa tai, hoa tay, pháo hoa, cháo hoa, rỗ hoa… Người ta thậm chí còn nói vải hoa và chiếu hoa (chỉ loại vải và chiếu có hình trang trí, nhưng không nhất thiết bằng những hình hoa), chữ hoa (chỉ dạng chữ to thường dùng ở đầu câu và đầu danh từ riêng)… Như thế là từ “hoa” đã được mở rộng về nghĩa: Thoạt đầu nó chỉ hoa, rồi hình hoa, rồi hình trang trí tựa bông hoa, và rồi chỉ hình trang trí nói chung (trong vải hoa, chiếu hoa…). Về chữ hoa, chúng ta nhớ rằng trước đây dạng chữ này không chỉ to, mà còn được trang trí khá cầu kỳ bằng những nét và những móc, rất đẹp…

Ta hãy trở lại với từ “nụ”. Đây là một từ bản thân nó đã khiêm nhường và hình như vẻn vẹn như chính sự vật được nó biểu thị (nụ): Đó là sự vật có hình viên tròn như cái khuy, không có gì đặc biệt về hương thơm và màu sắc, lại thường bị bao bọc trong chiếc đài màu xanh nên hay bị lẫn vào trong cành lá (trừ khi trên cành trơ trụi lá). Nhưng không phải ngẫu nhiên mà nhân gian lại thích chọn cành đào với những nụ lấm tấm làm biểu tượng cho mùa xuân: Người ta chú ý rằng nó chưa phải là hoa nhưng rồi sẽ là hoa, và trong cái hình dạng kín đáo hay rụt rè cam phận kia đang hứa hẹn một sự mỹ miều quyến rũ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

I CỤT, Y DÀI, Y CÀ LẾT


Thuở bình minh của chữ quốc ngữ, các nhà làm từ điển còn xếp I và Y chung một mục. Chưa tách biệt ra như hiện nay.

Từ điển Việt Bồ La (1651) ghi nhận sự đại tiện bằng 2 cách: yả hoặc yẻ; nay chỉ còn gọn lỏn: ị. Và thật bất ngờ khi từ iẻ cũng là cách gọi của gẻ. Gẻ là gì? Có 2 nghĩa: “Miếng giẻ, lấy gẻ mà vá áo; Bản chất của loại tơ hoặc sợi như vải tốt gẻ: bản chất của loại vải này tốt”.

Với câu “Tốt mã dẻ cùi”, ai cũng hiểu rằng nhìn bề ngoài (tốt mã: mã là vẻ/dáng vẻ) nhưng bên trong lại xấu xa, bẩn thỉu như (con chim) giẻ cùi: “Giẻ cùi tốt mã dài đuôi/ Hay ăn cứt chó ai nuôi giẻ cùi”.

Ngộ thay, từ giẻ trong thành ngữ ấy, trong tiếng Việt lại chấp nhận cả 2 cách ghi: giẻ/dẻ. Nếu ở XVII phải là cách viết jẻ chăng? Từ điển Việt Bồ La cho biết: “jì” tức “gì” hoặc “jà” tức “già”…

Với từ y cũng có vài từ thông dụng, phổ biến một thời, bằng chứng từ điển có ghi nhận nhưng nay đã “bỏ cuộc chơi”.

Chẳng hạn, “Yếc: Ngặt, bức. Nói yếc là nói cho ngặt, nói cho tức, nói cho quá. Ở yếc là ở hiểm, ở bất nhơn”. Lại còn có “Ym: Mát mẽ, tư nhuận; để lâu, để trễ; Ym ẩn: giấu giếm, che đậy. Ym ẩn đưa gian”.

Đọc qua thấy lạ mắt quá, thật ra đó là cách mà ông Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích từ Im. Mà “im” thời thế kỷ XVII lại có nghĩa: “Đất tốt thích hợp để gieo giống” như A de Rhodes đã cho biết. Tưởng rằng đã mất, nào ngờ hiện nay người miền Nam vẫn còn sử dụng, một người nông dân dặn con: “Không sao đâu. Chỗ đất này im không cần tưới quá nhiều nước”.

I và Y rất ư gần gũi với nhau. Đôi lúc còn có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Vậy, thử hỏi có bao giờ y đi chung với i không? Có đấy.

Trong hồi ký Núi Mộng gương Hồ (NXB Trẻ-1998), nhà thơ Mộng Tuyết cho biết vào dịp Tết năm Canh Thìn (1940) nhà thơ Đông Hồ có khai trương cửa hàng bách hoá mà bảng hiệu ghi rành rành “Yiễm Yiễm thương điếm”, sau đó, mở thêm ngành phát hành sách lấy tên Yiễm Yiễm thư trang (tr.105). Ấy là cách ghi âm “Diễm Diễm” đấy thôi.

Nhưng y cũng là một cách tự nhận, tự nói về mình một cách khách quan như đang nói về người khác. Đọc truyện dài Sống mòn của nhà văn Nam Cao, ta thấy rất rõ điều này, thí dụ: “Người ta chỉ được hưởng những cái gì mình đáng hưởng thôi. Y đã làm gì chưa?” - đó là câu thầy giáo Thứ nói với chính bản thân mình.
Y dài, ta vẫn thường gọi là “y cờ rét”. Nếu có câu hỏi vì sao gọi như thế, ắt không ít người ngắc ngứ chăng?

Bèn sử dụng phương pháp “cần cù bù thông minh”, khi tra Pháp Việt từ điển của Đào Duy Anh, thấy rõ ràng ràng, “cờ rét” là cách phiên âm từ tiếng Pháp: “Grec: thuộc về Hy Lạp”. Hiểu rằng, y nằm trong bản mẫu tự của người Hy Lạp, người Việt vay mượn trong quá trình ghi âm và gọi “y cờ rét”.

Dần dà, “y cờ rét” lại biến âm thành… “y cà lết”.

Thiết nghĩ, sở dĩ “y cờ rét” không phổ biến bằng “y cà lết” là do người ta chọn lấy cách phát âm mà từ đó, họ có thể hiểu rõ nghĩa.

Hiện tượng này đã phản ánh tính chất khi tiếp một/nhiều từ nước ngoài, người Việt buộc nó phải “nhập gia tuỳ tục”. Cà lết là chuyển dịch khó khăn, chậm chạm bằng cách kéo lê chân, không nhắc lên được hoặc phần dưới cơ thể chạm đất.

Từ nghĩa này, y cà lết một khi “gia nhập” vào dòng tiếng lóng, nó lại còn dùng ám chỉ người tàn tật, hai chân không bình thường. Cách nói này, nhằm làm nhẹ đi khiếm khuyết của người đó.

Chẳng hạn, người này hỏi: “Cô nàng sắp lên xe hoa cùng bạn thế nào?”. Người kia đáp: “Nhan sắc thì tuyệt, chỉ mỗi tội nàng y cà lết”. Cách gọi i và y không chỉ có thế, i được gọi i ngắn/ i cụt; y còn được gọi y dài.

I, tờ ( i, t) giống móc cả hai
I ngắn có chấm, tờ dài có ngang

Thời xoá nạn mù chữ trong phong trào Bình dân học vụ, có lẽ i, tờ quen thuộc nhất, bởi lẽ đó là những mẫu tự được dạy trước nhất. “Sách i tờ phát không cho học/ Liệu cô nàng đã đọc được chưa?”. “Lão ấy mà tiến sĩ à? I tờ thì có” là câu nhận xét người đó học hành chẳng bao nhiêu, chữ nghĩa chưa đầy lá mít, chỉ mới biết đọc biết viết.
Qua những dẫn chứng trên đây, ta nhận ra rằng từ thuở bình minh của chữ quốc ngữ, sự phân biệt giữa I và Y chưa thật rạch ròi. Trải dài theo năm tháng, người ta tự điều chỉnh lại cho phù hợp với cách ghi âm, miễn sao đạt đến sự chuẩn xác nhất, hạn chế sự hiểu nhầm qua nghĩa khác. Sự điều chỉnh này sở dĩ thành công vì nó xuất phát từ nhu cầu có thật trong giao tiếp và cả trong quá trình hoàn thiện cách ghi âm bằng chữ quốc ngữ.
…………………………
Một khi “đơn thân độc mã”, đứng riêng biệt “mình ên”, i chẳng có nghĩa gì cả. Thế nhưng với y lại khác. Chẳng hạn, “Tớ với vừa nói chuyện với y”. Y là nó, hắn, chỉ ngôi thứ 3. Truyện Kiều có câu: “Tư gia nghỉ cũng thường thường bậc trung”; hoặc một người hất mặt kênh kiệu hỏi: “Thế nào? va có nhà không?” thì nghỉ/ va cũng hàm nghĩa như y.
------------------------------
LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MỘT SỐ TỪ, CỤM TỪ TIỀNG VIỆT
THƯỜNG BỊ DÙNG SAI (2)


Trong bài trước chúng tôi đã nhặt ra một số từ, cụm từ thường bị dùng sai trong cả văn nói lẫn văn viết, ví dụ “thí sinh”, “người dân tộc”, “khuyết tật”… Bài này tiếp tục nêu một số trường hợp cũng hay bị sai, nhất là trên báo in và báo điện tử.

Khá nhiều phóng viên khi tường thuật vụ tai nạn giao thông nào đó đã dùng cụm từ “chạy ngược chiều”. Đành rằng hai chiếc xe đâm vào nhau luôn là hai chiếc chạy ngược chiều nhau nhưng sau khi mô tả chiếc thứ nhất rồi, phóng viên nói về chiếc thứ hai và hầu như luôn viết rằng chiếc xe thứ hai chạy ngược chiều. Về nguyên tắc, theo Luật Giao thông đường bộ, mọi phương tiện giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành luật, chạy đúng tuyến, đúng làn đã được luật quy định. Khi nói chiếc xe nào đó chạy ngược chiều tức là phản ánh nó đã vi phạm luật, lấn sang làn, tuyến của xe khác.

Trong khá nhiều vụ tai nạn giao thông, khi cơ quan chức năng còn đang điều tra xác định nguyên nhân gây tai nạn, ai phải ai trái, để từ đó có sự xử lý theo quy định của pháp luật thì có những bài báo đã vô tình gán tội cho đương sự bằng cụm từ “chạy ngược chiều”. Tất nhiên trên thực tế cũng có những vụ việc xe gây tai nạn là xe chạy ngược chiều, vi phạm luật, nhưng hầu hết vụ tai nạn giao thông là do nguyên cớ, lý do khác. Điều rất may là cơ quan công an không bao giờ căn cứ vào sự “kết tội” của báo chí để đưa ra kết luận điều tra. Trong trường hợp nói trên, khi chưa nắm rõ thì cách tốt nhất là viết “xe chạy chiều ngược lại” hoặc “xe chạy theo hướng ngược lại”.

Có những bản tin về an ninh, trật tự xã hội, toà án… đôi lúc bạn đọc thấy người viết không chuẩn khi dùng từ “khai” và “khai nhận”. “Khai” vốn là từ gốc Hán Việt có nghĩa là mở, khai hội là mở hội, khai mạc là mở màn (trước kia để bắt đầu một chương trình nào đó trên sân khấu, việc đầu tiên là phải mở/kéo cái màn (mạc) ra, nên gọi là khai mạc); khai cũng có nghĩa là bắt đầu, khai bút là bắt đầu viết (thường vào dịp đầu năm), khai xuân là bắt đầu mùa xuân, khai hoả là bắt đầu nổ súng, món khai vị là món bắt đầu, đầu tiên trong bữa tiệc để kích thích khẩu vị.

Tuy nhiên, trong mấy bản tin nói trên thì khai có nghĩa là nói ra, viết ra điều hoặc những điều gì đó, thường là có liên quan ít nhiều tới bản thân. Từ “khai” này có quan hệ gần nghĩa với những từ cung khai, khai báo. Khi cơ quan pháp luật (công an, toà án, viện kiểm sát) yêu cầu thì ai đó phải chấp hành khai những gì mình biết, mình chứng kiến, nắm được, giúp nhà chức trách làm rõ vụ việc, sự việc. Nhưng khai, khai báo là một chuyện, còn khai nhận lại là chuyện khác. Bản khai không có nghĩa là bản thừa nhận. Khi ai đã khai nhận điều gì đó tức là tự mình buộc mình vào vụ việc, chứ không phải chỉ là khai bình thường. Nhà báo chớ thấy người ta ngồi trong cơ quan công an, ngồi trước nhà chức việc làm cái việc khai báo mà vội dùng chữ “khai nhận” để áp cho người ta.

Cũng có liên quan tới những bản tin thuật về những vụ cướp giật, trộm cướp, có phóng viên viết “tên cướp táo bạo”. Trong tiếng Việt, cả táo bạo lẫn táo tợn đều có nghĩa chung là liều, nhưng mỗi từ cũng có đặc điểm riêng, dùng cho đối tượng riêng. “Táo bạo” để nói về sự quả quyết, không e ngại để làm cái việc mà người bình thường không dám làm, không sợ nguy hiểm đến bản thân mình. Có những hành động táo bạo, quyết định táo bạo trong những thời điểm quan trọng để xoay chuyển tình thế. Từ này thường được dùng để chỉ những hành động có ý nghĩa cao đẹp của những người tốt, tích cực, ví dụ người lính công binh đã táo bạo áp sát quả bom gắn khối thuốc nổ vào để phá nó mặc dù biết nó có thể nổ bất cứ khi nào.

Còn “táo tợn” cũng là sự liều nhưng liều lĩnh, coi thường người khác, bất chấp tất cả để thực hiện mục đích cá nhân mình. Táo tợn là hành vi của kẻ liều, thường làm những việc xấu, không được mọi người tán đồng, ví dụ người cha mắng con “mày táo tợn nó vừa vừa chứ”, tức là mày đừng có liều, không tốt đâu. Với những tên cướp, trộm cắp, tất nhiên chỉ nên dành cho chúng từ “táo tợn” chứ không phải “táo bạo”.


Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

I và Y[1]


  Đó là những điều có thể thấy được trong cuốn sách I và Y trong chính tả tiếng Việt của Cao Tự Thanh, một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp rất quen thuộc trong giới Hán Nôm hiện nay, do NXB Văn hoá Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành vào quý 3 năm 2014.

Cầm trên tay, đọc tên sách, chúng tôi tưởng cuốn sách chỉ bàn thảo về hai con chữ này, nhưng không phải vậy, mà câu chuyện phong phú, lí thú hơn nhiều. Sách không đặt tên chương, phần chính khoảng 200 trang, gồm 4 mục lớn có thể coi như 4 chương: I và Y trong chính tả tiếng Việt hiện nay, I và Y trong từ điển và tài liệu chữ Quốc ngữ, I và Y theo vận thư chữ Hán, I và Y qua chữ Nôm. Sau đó là Kết luận và một Phụ lục.

I và Y trong chính tả tiếng Việt của Cao Tự Thanh không nhằm thảo luận sự hợp lí - bất hợp lí của I/Y hay trình bày ý kiến tán thành - không tán thành cải cách chính tả, xử lí vấn đề I, Y… thế nào, mà tập trung vào việc khảo xét các nguồn ngữ liệu hữu quan, làm sáng tỏ sự xuất hiện, hoạt động của con chữ I và Y trong chính tả Việt ngữ từ thế kỉ XVII đến nay, quá trình lịch sử của chúng trong hệ thống chính tả Việt ngữ đã diễn ra như thế nào, vai trò của chúng ra sao, chúng đã có những “xuất xứ” như thế nào, và việc đồng quy chúng về I trong hầu hết các trường hợp như một số văn bản quy định cách viết hiện nay… là kết quả của cái gì… Qua các miêu tả và phân tích thực tiễn tiến trình ngôn ngữ - văn tự, ta có thể tự hình dung ra được những gì là hơn, thiệt. Theo tác giả, “lịch sử chính tả của chữ Quốc ngữ không song hành với lịch sử chữ Quốc ngữ, hay nói khác đi, lịch sử chữ Quốc ngữ mang trong nó nhiều lịch sử chính tả” (tr. 28); và cách viết i/y trong chữ Quốc ngữ “có nguồn gốc và diễn trình phức tạp hơn rất nhiều so với quan niệm của những người đưa ra cải cách i và y trong Quy định 1980 và Quy định 2002 (tr. 28).

Đọc xong I và Y trong chính tả tiếng Việt, người đọc có thể dễ dàng nhận ra những nội dung chính đã được trình bày, khảo luận trong sách như dưới đây.



1.
Sau khi phác thảo một số nét về tình trạng chính tả Việt ngữ nói chung và cách viết I, Y nói riêng hiện nay, sách khảo luận về thực trạng viết I, Y trong nhiều từ điển và tài liệu chữ quốc ngữ từ thời Dictionarium Annnamiticum Lusitanum et Latinum ope (Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin) của A. de Rhodes năm 1651 đến nay. Mười bốn cuốn từ/tự điển, một bản thảo Truyện nước An Nam Đàng Trong đã được khảo sát và 3 từ điển, nhiều tài liệu, văn bản khác đã được tham khảo. Thông tin quan trọng, rất đáng được chú ý mà kết quả khảo luận các nguồn ngữ liệu đó cho thấy: việc đồng quy, ghi tất cả là I hay ghi phân biệt I, Y nhưng không nhất quán trong các từ/tự điển và các văn bản viết bằng chữ quốc ngữ trước đây không chỉ đơn giản là quy ước về trật tự con chữ trong các từ/tự điển đó chưa được thống nhất (như chúng ta vẫn tưởng là thế); mà là một câu chuyện khác, liên quan đến nguồn gốc cách đọc, âm đọc Hán Việt (tác giả sách I và Y trong chính tả tiếng Việt gọi là cách đọc, âm đọc Việt Hán).

Đặc biệt, tác giả phát hiện và xác định trong chữ quốc ngữ trước nay có hai dòng chính tả chủ yếu mà anh gọi là dòng ngoại nhập và dòng Việt hoá (tr. 71). Các từ/tự điển như Dictionarium Annnamiticum Lusitanum et Latinum ope (Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin, 1651) của A. De Rhodes, Dictionarium Annamitico-Latinum (Tự vị Annam - Latin, 1773) của Pigneaux de Béhaine, Dictionarium Annamitico-Latinum (Nam Việt dương hiệp tự vị, 1838 ) của J. B. L. Taberd, Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896) của Huình Tịnh Paulus Của, Từ điển Annam - Pháp (Đại Nam quốc âm tự vựng hợp giải Đại Pháp quốc âm, 1899-1900) của J. Bonet, Chữ Nôm tự điển (1988) của Yonosuke Takeuchi… (những từ/tự điển duy trì cách viết chính tả theo con chữ Latin và sắp xếp các mục theo thứ tự trong bảng chữ cái Latin) là đại diện cho dòng chính tả ngoại nhập. Ngược lại, các từ điển như Dictionaire Élémentaire Annamite - Français (Từ điển giản yếu Annam - Pháp, 1868) của L. G. de La Liraye, Dictionaire Annamite - Français (Từ điển Annam - Pháp, 1898) của F. J. Genibrel, Dictionaire Annamite - Français (Từ điển Annam - Pháp, 1930) của G. Cordier, Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai trí Tiến đức, Giản yếu Hán Việt tự điển (1932) của Đào Duy Anh, Dictionaire Vietnamien - Chinois - Français (Từ điển Việt - Hán - Pháp, 1957) của E. Gouin… “lấy thực tế ngữ âm và từ vựng tiếng Việt làm cơ sở và xử lí chính tả trên nguyên tắc ghi theo âm tiết” [thực ra là kết hợp thứ tự chữ cái Latin với thứ tự phụ âm đầu của âm tiết để sắp xếp từ ngữ trong từ/tự điển - VĐN] (tr. 74) là đại diện cho dòng chính tả Việt hoá.

Đây là một phân loại khá tinh tế và thực tế, vừa là nhân, vừa là quả của những sự kiện ngôn ngữ, văn tự, từ điển học khác nhau (đã được phân tích trong công trình của anh). Tuy nhiên, ở chỗ này có lẽ tác giả nên phân tích và trình bày kĩ hơn một chút thì tốt hơn. Chính tả là câu chuyện của quy định phép tắc về cách viết chữ; còn việc sắp xếp tổ chức các mục từ trong từ/tự điển là việc gắn liền, nhưng không phải là một. Các từ điển đại diện cho dòng chính tả ngoại nhập (theo phân loại của anh) sắp xếp các mục từ thuần tuý theo thứ tự trong bảng chữ cái Latin (tức là theo kiểu của châu Âu hoàn toàn), còn các từ điển đại diện cho dòng chính tả Việt hoá thì thực ra là kết hợp trật tự chữ cái trong bảng chữ cái Latin với ngữ âm, âm vị trong hệ thống âm vị tiếng Việt để sắp xếp thứ tự các mục từ. Ví dụ, nếu như dòng ngoại nhập xếp các từ được viết với chữ C mở đầu vào chung vần C, tất nhiên là kể cả CH thì dòng Việt hoá tách những từ được viết với CH ở đầu ra thành một vần riêng, độc lập với “vần C”. Vần C chỉ gồm những từ có phụ âm đầu C là phụ âm /k/; còn vần CH trong từ điển là tập hợp của các từ có phụ âm /c/ với chữ cái đầu tiên là C. Ở vần T với TH và TR, vần K với KH cũng tách ra tương tự như vậy.

Phân biệt hai dòng từ điển như thế, ứng với hai cách sắp xếp mục từ khác nhau, là hoàn toàn chính xác. Hai cách sắp xếp mục từ khác nhau ở hai dòng từ điển phản ánh sự nhận thức khác nhau, cách xử lí chính tả - ngữ âm khác nhau đối với thực tiễn ngữ âm, từ điển học và từ tiếng Việt. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ và tán đồng tư tưởng này của tác giả. Nhưng nói rằng hai dòng từ điển này đại diện cho hai dòng chính tả ngoại nhập và Việt hoá thì có lẽ tác giả nên có những phân tích và giải thích thêm cho cặn kẽ hơn để tránh làm cho người đọc có thể hơi quá đơn giản trong cách hiểu vấn đề.

2.
Nội dung thứ hai, rất quan trọng mà I và Y trong chính tả tiếng Việt đã khảo sát và trình bày, cho thấy sau những văn bản viết bằng chữ Quốc ngữ (1651) của A. de Rhodes, khởi đầu chính thức là Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin, Phép giảng tám ngày… nhất loạt ghi âm /i/ trong các từ Hán Việt bằng I cả, thì từ năm 1659, khởi đầu là văn bản (viết bằng chữ Quốc ngữ) Lịch sử nước Annam [1] của Bento Thiện, rồi về sau, trong các từ điển, văn bản khác của nhiều học giả, trí thức, người viết nói chung, lại có ý thức phân biệt (với những mức độ nhất quán khác nhau) trong cách viết I và Y ở các từ Hán Việt. Cụ thể là, trong Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh, các nguyên âm /i/ đều viết bằng I (i, í, ích, jì, im, in, ỉnh ương, ít), còn khi thể hiện thành phần I trong nguyên âm đôi /ie/ thì viết với Y (yả, yểm, yên, yến, yết hầu, yêu, yếu, yểu); trong Phép giảng tám ngày Rhodes viết “sinh là kí dã, tử là qui dã”, “thờ ma khấn quỉ” …

Đối với các tiếng Hán Việt, Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh và Phép giảng tám ngày… nhất loạt viết nguyên âm /i/ bằng I cả trong tiếng “không có phụ âm đầu” (kí hiệu 0 + i/y) lẫn trong tiếng có phụ âm đầu (kí hiệu x + i/y).

Có thể tóm tắt cách viết I, Y cho các tiếng / âm tiết / từ đơn tiết Hán Việt có phần vần là I/Y trong các nguồn văn bản mà tác giả đã khảo sát như sau:

a) Loại nhất quán viết cả 0 + i/y lẫn x + i/y bằng I, chỉ có Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin (1651, Rhodes)

b) Loại nhất quán viết 0 + i/y bằng Y, viết x + i/y bằng I, có: Tự vị Annam Latinh (1773,de Béhaine), Truyện nước An nam Đàng Trong (1822. P.Bỉnh), Từ điển Việt - Hán - Pháp (1957,E. Gouin), Nam Việt Dương hiệp tự vị (1838, Taberd, viết x + i/y chủ yếu bằng I, có một vài ngoại lệ), Từ điển giản yếu Annam-Pháp (1868, de La Liraye; viết x + i/y chủ yếu bằng I, một số tiếng đã viết Y), Chinois-Annamite Latin-Français (1867, G. Pauthier; một số tiếng loại 0 + i/y viết bằng Y, loại x + i/y nhất quán viết I).

c) Loại nhất quán viết 0 + i/y bằng Y còn tiếng x + i/y được viết không nhất quán, có: Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896, Huình Tịnh Paulus Của): một số tiếng có âm đầu K, L viết với Y, tất cả còn lại viết với I. Từ điển Annam – Pháp (1898, F. J. Genibrel): I hoặc Y khi đi với âm đầu L, một tiếng có âm đầu K: kí/kí. Đại Nam quốc âm tự vựng hợp giải Đại Pháp quốc âm (1899-1900,J. Bonet): I/Y khi đi với âm đầu K, L. Còn lại, viết I. Từ điển Annam – Pháp (1930, G. Cordier): Viết Y khi đi với âm đầu K, L. Việt Nam tự điển (1931, Hội Khai trí Tiến đức): I. Đi với âm đầu K nhất loạt viết Y. Phụ trươngTự vựng của Nam Phong tạp chí (1917 -18): Đi với âm đầu K nhất loạt viết Y. Đi với âm đầu L, viết I hoặc Y. Giản yếu Hán Việt tự điển (1932, Đào Duy Anh): I hoặc Y nhất quán tuỳ theo phụ âm đầu mà nó đi cùng. Việt Hán thông thoại tự vị (1933, Đỗ Văn Đáp): I/Y nhất quán hoặc không nhất quán tuỳ theo từng phụ âm đầu mà nó đi cùng. Hán Việt tự điển (Thiều Chửu): I/Y không nhất quán, tuỳ theo từng phụ âm đầu mà nó đi cùng.
Theo Cao Tự Thanh, việc viết I hay Y cho nguyên âm /i/ có lí do ở ý muốn phân biệt tiếng/từ (đơn tiết) thuần Việt hay Hán Việt. Cách viết “y dài” trong những từ như y, ý trong văn bản Lịch sử nước Annam (năm 1659) của Bento Thiện là những chứng tích sớm nhất mà chúng ta có được hiện nay về cách viết này cho những tiếng/từ Hán Việt loại 0 + i/y, để phân biệt với cách viết tương ứng I ở những tiếng/từ không phải là Hán Việt.

3.
I và Y trong chính tả tiếng Việt đã phân tích một cách mạch lạc, cho thấy sự tồn tại song song I/Y trong chính tả chữ quốc ngữ là do việc viết các từ Hán Việt có lai nguyên từ những tiếng/từ có âm vị I vốn xuất thân từ hai nguồn gốc khác nhau (tức là hai âm vị I khác nhau). Chính tả chữ Quốc ngữ từ thế kỉ XVII đến nay, nhất quán viết nguyên âm I của các tiếng thuần Việt bằng I, chỉ riêng trong các tiếng Hán Việt thì nó mới có thể viết với song thức I/Y, bởi vì nguyên âm I Hán Việt đó vốn xuất thân từ hai nguồn gốc: I Tam đẳng Khai khẩu và I Tam đẳng Hợp khẩu. Kết quả khảo sát các bộ vận thư, đặc biệt là bộ Bội văn vận phủ [2] biên soạn và ấn hành đầu thế kỉ XVIII thời Thanh cho thấy rõ vần trong các bộ vần Bình thanh Tứ chy ngũ vi, các bộ vần Thượng thanh Tứ chỉ Ngũ vĩ, các bộ vần Khứ thanh Tứ chí Ngũ vị có hai nguyên âm I khác nhau, tuy cùng thuộc Tam đẳng nhưng một là I Hợp khẩu và một là I Khai khẩu, trong đó, nhiều tiếng Hán Việt thuộc Tam đẳng Khai khẩu được viết với Y.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [24] [25] [26] [27] [28] [29] [30] ... ›Trang sau »Trang cuối