Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [21] [22] [23] [24] [25] [26] [27] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHIÊN – CỪU – TRỪU


Về các từ “chiên”, “cừu” và “trừu”, chúng tôi có những phân tích dưới đây cho thấy nghĩa gốc và diễn tiến ngữ nghĩa thú vị trong tiếng Việt.
Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của A. de Rhodes (Roma, 1651) có mục Chien (tức chiên - AC): “ovelha [cừu cái], cordeiro [cừu con], carneiro [cừu đực]: ovis [cừu và cừu hoang nói chung], agnus [cừu con], aries [cừu đực]. Chan chien (tức chăn chiên - AC): pastor de ovelhas [người chăn cừu]: pastor ovium [người chăn cừu]. Chien (tức chiên - AC): pano de laa [chăn len, mền len]: pannus laneus [chăn len, mền len]” (chữ nghiêng in đậm là tiếng Việt, chữ nghiêng in thường là lời dịch tiếng Bồ, chữ đứng có gạch chân là tiếng La tinh).
Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931) giảng chiên “tức là con cừu”. Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng chiên là “đồ dệt bằng lông thú hoặc bằng xơ bông, thường dùng làm chăn, nệm: chăn chiên”. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (1967) thì đầy đủ hơn: “Con cừu. Con chiên. Tín đồ Thiên Chúa giáo. Chăn chiên. Chăn dệt bằng lông cừu”.
Cứ như trên thì chiên có các nghĩa sau đây, diễn tiến theo từ nguyên: 1. Đồ dệt bằng lông cừu (nghĩa gốc); 2. Cừu; 3. Tín đồ Thiên Chúa giáo. Tất cả những chữ chiên trên đây trong tiếng Việt đều là những yếu tố Hán Việt mà chữ Hán là [氊], bắt đầu từ nghĩa gốc (nghĩa 1). Trong tiếng Hán thì chiên [氊] là “đạp, nhồi lông thành tấm, phiến” (nhụ mao thành phiếnb[蹂毛成片]), rồi hệ quả của hành động này là “dạ, nỉ” (felt), tức “[những] tấm do nhồi lông mà có được”. Đây cũng chính là nghĩa gốc của chiên trong tiếng Việt.
Nhưng diễn tiến ngữ nghĩa của chiên trong tiếng Việt còn đi xa hơn nên ta mới có thêm nghĩa 2 là “cừu”, tức “con vật mà lông được dùng để làm thành những tấm chiên” rồi vì chiên (cừu) thường được nuôi thành bầy, đàn nên ta còn có ẩn dụ con chiên ghẻ, dịch từ tiếng Pháp brebis galeuse, để chỉ “[một] cá nhân xấu gây tai tiếng cho tập thể”, tức hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Rồi trong tiếng Việt, chiên còn có thêm nghĩa thứ 3 là “tín đồ Thiên Chúa giáo” do ảnh hưởng của các khái niệm “[con] chiên”, “chăn [cừu]”, “người chăn” trong Kinh Thánh.
Hiện nay, chiên hầu như chỉ dùng để nói về Thiên Chúa giáo còn trong tiếng Việt toàn dân thì để chỉ con vật này, ta lại có danh từ cừu, một từ Hán Việt mà chữ Hán là [裘]. Có người đọc chữ này thành cầu (như Đào Duy Anh trong Hán Việt từ điển) nhưng nó lại thuộc vận mục vưu [尤], mà thiết âm trong Quảng vận là “cự cưu thiết” [巨鳩切]. Vậy c[ự] + [c]ưu = cừu. Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức giảng cừu là “1. Áo lông mặc mùa rét;
2. Tên một loài thú, giống dê, có lông làm áo cừu được, nên mới gọi tên là con cừu”. Lời giảng này đã đồng thời cho ta biết luôn từ nguyên của cừu. Loài cừu còn có một cái tên nữa, cùng vần, là trừu, như đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của và Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức. Từ này đã có một thời thịnh hành tại Nam bộ trước 1954 nên cũng đã được ghi nhận trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Từ điển phương ngữ Nam bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên và Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín. Nhưng trừu lại không phải là biến thể ngữ âm của cừu, mà bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [羜], có âm Hán Việt là trữ, có nghĩa là “cừu, cừu non năm [5] tháng”. Về tương quan Ư « ƯU giữa trữ và trừu, ta còn có một tiền lệ hiển nhiên là chữ trừ [儲] vẫn đọc thành trừu trong tên truyện Hoàng Trừu [皇儲]. Còn hiện tượng dấu ngã của trữ biến thành dấu huyền của trừu thì chỉ là chuyện hoàn toàn bình thường mà thôi.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

OẢN – BÁT – CHÉN


Bát là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [鉢], có nghĩa là đồ dùng để đựng thức ăn của các nhà sư khi các vị đi khất thực.
Hình thức đầy đủ của từ này là bát-đa-la [鉢多羅], phiên âm từ tiếng Sanskrit pātra, có nghĩa như đã nói ở trên. Đi vào tiếng Việt thì, đặc biệt là ở miền Bắc, bát lại dùng để đựng cơm và/hoặc thức ăn của người dân bình thường, còn Tàu thì gọi cái bát (của dân thường) là oản [盌, 椀], đọc theo âm Hán Việt.
Nhưng trong tiếng Việt thì oản không còn có nghĩa là “bát” nữa mà lại là thứ được Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức giảng là “lễ - phẩm làm bằng xôi, đóng vào khuôn thành hình tròn”, với những ví dụ như Giữ bụt thì ăn oản, Đếm bụt mà đóng oản...
Lời giảng của Việt Nam tự điển rất sát với nghĩa gốc của chữ oản trong tiếng Việt, mà trong ví dụ, ta thấy có ngữ vị từ đóng oản.
Đóng oản là “đóng xôi bằng oản (= bát) dùng làm khuôn”, do đó mà oản mới “thành hình tròn”. Nhưng ngày nay thì oản có thể có “hình” khác, mà cũng có thể làm bằng chất liệu khác, như ta thấy trong lời giảng của Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên: “Xôi hoặc bột bánh khảo được nén chặt vào khuôn, đóng thành khối nhỏ hình nón cụt để cúng”. Hiện nay, cái thứ oản “hình nón cụt” và “làm bằng bột bánh khảo” này được quảng cáo khá nhiều trên mạng xã hội nhưng xin nhấn mạnh rằng đây chỉ là hệ quả của một sự “cải biên” mô-đéc chứ cái chất liệu truyền thống chỉ là nếp nấu (đồ) thành xôi còn khuôn thì chỉ là oản, tức cái bát.
Bát, trong Nam gọi là chén, do đó mà ta có danh ngữ đẳng lập chén bát. Chén là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [琖] hoặc [盞], mà âm Hán Việt là trản, có nghĩa gốc là “chung nhỏ dùng để uống rượu”. Về quan hệ TR ↔ CH giữa trản và chén, ta còn có nhiều dẫn chứng: - trà trong trà dư tửu hậu ↔ chè trong rượu chè; - trá [榨], đồ dùng để ép lấy nước ↔ che là dụng cụ dùng để ép mía lấy nước; trá [詐], giả dối ↔ chả trong chả chớt (= nửa đùa nửa thật); - trai trong trai giới ↔ chay trong chay mặn; - trảm trong xử trảm ↔ chém trong chém đầu... Còn về vần AN ↔ EN thì ngay từ năm 1948, Vương Lực đã chứng minh tại thiên Hán Việt ngữ nghiên cứu, về sau in trong Hán ngữ sử luận văn tập (Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.290 - 406), mà chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến.
Ngoài Bắc, người ta vẫn dùng chén theo cái nghĩa “chung nhỏ” nhưng đi vào Nam thì chén đã được “thổi phồng” thành cái bát. Chính vì thế cho nên khi đi hốt thuốc khách hàng được dặn, chẳng hạn “sắc 3 chén, còn 7 phân”, nghĩa là đổ 3 chén nước vào các vị thuốc đã trút vào siêu (ấm) rồi canh chừng còn 7 phần 10 chén thì chắt ra cho người bệnh uống. Chén ở đây là bát chứ không phải cái chung nhỏ xíu.
Cứ như trên thì ngoài Bắc, chén và chung được mặc nhận là đồng nghĩa còn trong Nam nhiều khi người ta lại “cáp đôi” hai từ này với nhau kiểu chính phụ thành chén chung mà Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “Chén nhỏ nguyên bộ bốn hoặc ba cái để cúng trà”. Chung là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [鍾], có nghĩa là “chén nhỏ để uống rượu”.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KHOẮT –  KHUY


Hai tiếng khuya khoắt được Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng là “khuya [nói khái quát]”, có lẽ vì quan niệm rằng khoắt chỉ là một âm tiết láy.
Thực ra, khuya khoắt là điệp thức của hai chữ khuy khuyết [虧缺] trong tiếng Hán. Đây là một cấu trúc đẳng lập, có nghĩa là “thiếu sót, không đầy đủ”(khuyết thiểu; bất túc [缺少;不足]) mà khuya là điệp thức của khuy [虧] còn khoắt là điệp thức của khuyết [缺]. Vậy khoắt là một yếu tố có nghĩa và khoắt ↔ khuyết (ĂT ↔ IÊT) thì cũng giống như: - bặt trong bặt tin ↔ biệt trong biệt ly; - ngặt trong ngặt nghèo ↔ nghiệt [孼] là “xấu, hại, ác”; - quặt trong què quặt ↔ quyết [蹶], thường đọc thành quệ, có nghĩa là “què”.
Nhưng khoắt không được dùng độc lập trong tiếng Việt hiện đại như yếu tố đẳng lập với nó là khuya. Khuya là điệp thức của khuy [虧], có nghĩa là “thiếu, kém, giảm”. Đêm khuya có nghĩa là “đêm đã giảm đi nhiều phần để chuyển về sáng”, rồi đêm khuya thường được nói tắt thành khuya mà kéo theo khoắt thành khuya khoắt để diễn đạt cái ý mà Từ điển tiếng Việt 2020 giảng là “khuya [nói khái quát]”. Về mặt ngữ âm thì khuya xưa hơn khuy, cũng như: - bia trong bia đá, bia miệng xưa hơn bi [碑] trong bi ký, thạch bi; - chia trong chia chác xưa hơn chi [支] trong chi lưu, chi phái; - lìa trong chia lìa xưa hơn ly [離] trong ly khai; - tia trong tia nắng xưa hơn ti [絲] trong tàm ti (tơ tằm); - tía trong đỏ tía xưa hơn tỉ > tử [紫] trong tia tử ngoại; - thìa xưa hơn thì [匙] trong toả thì (= chìa khoá). Có thể có người sẽ bẻ rằng trong tiếng Hán thì cả khuy lẫn khuy khuyết đều không làm gì có cái nghĩa “khuya”. Vâng, tiếng Hán không có nhưng đây là sự vận dụng của tiếng Việt chứ nếu tất cả mọi cái nghĩa cần thiết đều có sẵn trong nguyên từ (etymon) thì người làm từ nguyên sẽ... sướng như lên tiên.
Ấy là nói về từ khuya còn nguyên từ của khoắt là khuyết [缺] thì lại được dùng độc lập trong tiếng Việt miền Bắc với tính cách là một danh từ mà Từ điển tiếng Việt 2020 giảng là “lỗ hoặc vòng để cài khuy trên quần áo”. Cái khuyết này của miền Bắc thì trong Nam kêu là khuy, mà Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “dải kết có vòng vừa gài nút áo”. Động tác mà ngoài Bắc gọi là thùa khuyết thì trong Nam kêu là làm khuy. Ở đây, cả khuyết của miền Bắc lẫn khuy của miền Nam đều chỉ những vật “lõm” (khuyết). Nhưng cái khuy của miền Bắc thì lại là một vật “lồi” nên mới được Từ điển tiếng Việt 2020 giảng là “vật nhỏ làm bằng nhựa, kim loại, thuỷ tinh, xương... thường có hình tròn, dùng đính vào quần áo để cài”, tức là cái nút ở trong Nam. Vậy phải chăng người miền Bắc đã làm một việc vô lý vì đã lấy chữ khuy (vốn chỉ khái niệm “lõm”) để chỉ vật “lồi” là cái nút áo?
Xin thưa là không phải. Ở đây, ta đang có một trường hợp hai từ đồng âm oái oăm là: khuy, mà chữ Hán là [虧], chỉ khái niệm “khuyết lõm” và khuy, danh từ độc lập gốc Hán mà nguyên từ không có liên quan gì đến hiện tượng “khuyết lõm” cả. Vâng, trong khuy áo, khuy quần thì khuy bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [䙡], mà âm Hán Việt là khuỷ/khuý, có nghĩa là “cúc áo, cúc quần, nút quần, nút áo”. Về tương quan thanh điệu giữa khuỷ/khuý và khuy, thì xin nhớ rằng ba thanh “ngang [không] - sắc - hỏi” có thể chuyển biến với nhau, điển hình là trường hợp của ba chữ: kê trong thống kê, kế trong kế toán và kể trong kể chuyện đều bắt nguồn từ chữ [計], mà âm Hán Việt hiện hành là kế. Vậy cũng không có gì lạ nếu khuỷ/khuý ↔ khuy.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHỮ “NI” TRONG “NI CÔ”


Chữ ni trong ni cô bắt nguồn ở sa-di-ni hay tỷ-khưu-ni? Chúng tôi xin giải đáp cho câu hỏi này qua những tìm hiểu, phân tích dưới đây.
Phật Quang đại từ điển (PQĐTĐ) do Sa-môn Thích Quảng Độ dịch cho biết: “Tỷ khưu ni “比丘尼 “Phạm: Bhiksunī (Phạm [Phạn], tức Sanskrit - AC).
“Pāli: Bhikkhnī (Bhikkhunī, in thiếu chữ “u” - AC).
“Cũng gọi: Bật sô ni, Tỉ hô ni, Phức sô ni…
“Hán dịch: Khất sĩ nữ, Trừ nữ, Huân nữ.
“Gọi tắt: Ni (Chúng tôi nhấn mạnh - AC).
“Người nữ được độ xuất gia, thụ giới Cụ túc, gồm 348 giới điều”.
Cứ như trên thì hiển nhiên là chữ ni trong ni cô xuất phát từ tỷ khưu ni (Cũng gọi tì-khiêu-ni, tì-kheo-ni,...) vì tỷ khưu ni là người nữ đã “thụ giới Cụ túc” còn sa-di-ni, cũng theo PQĐTĐ, chỉ là “người nữ mới xuất gia thụ trì 10 giới, chưa thụ giới Cụ túc (Chúng tôi nhấn mạnh - AC)”. Huống chi, từ xưa đã có sách nhận xét rằng “sa-di-ni” là một cách dịch không đúng, như Từ điển Phật học Hán Việt (TĐPHHV) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên cũng đã nêu. Tại mục sa-di-ni 沙彌尼, sách này viết: “Srāmanerika (Thuật ngữ) Cách dịch mới là Thất-la-ma-ni-lí-ca, có nghĩa là sa-di nữ. Câu-xá quang ký, q.14: “Thất-la-ma-ni-lí-ca, tiếng Hán dịch là Cần sách nữ. ‘Lý[sic] (ri) là tiếng chỉ về nữ giới. Trước dịch là Sa-di-ni là sai (Chúng tôi nhấn mạnh - AC)”.
Có lẽ cũng chính vì sự sai này mà quyển The Sanskrit-Chinese Dictionary of Buddhist Technical Terms (Based on the Mahāvyutpatti) by Unrai WOGIHARA (Reprinted by SANKIBO TOKYO 1950) đã đánh dấu chấm than trong ngoặc đơn sau chữ Hán sa-mi [沙彌] tại mục 20 của tr.102, rồi còn ghi thêm hình thức phiên âm được cho là chính xác (là thất la ma noa), như sau: “20. Śramanah 沙彌(!) (室羅摩孥)”
Đúng là sa-di không tương ứng với śramanah mà sa-di-ni cũng không tương ứng với srāmanerika về mặt ngữ âm: Âm tiết thứ hai của hai từ śrāmanah và srāmanerika đều là -ma- chứ không phải -mi- nên không thể ứng với di [彌] trong sa-di và sa-di-ni, mà âm cổ Hán Việt là mi (Trở xuống, chúng tôi sẽ viết sa-mi và sa-mi-ni để biện luận khi cần thiết).
Ở đây, nhà phiên âm (từ xưa bên Trung Quốc) đã nhầm lẫn śrāmanerika của tiếng Sanskrit với svāmini của chính tiếng Sanskrit mà từ tương ứng của tiếng Pali là sāminī. Svāmini và sāminī là giống cái của svāmin và sāmin, có nghĩa là “chủ nhân; chúa tể”. Vậy svāmini và sāminī là “nữ chủ nhân; nữ chúa tể”.
Sa-mi-ni tương ứng với svāmini và sāminī chứ không phải với srāmanerika. Việc phiên âm svāmini và sāminī thành sa-mi-ni [沙彌尼] để chỉ “cần sách nữ” là điều không đúng. Thực ra, liên quan đến khái niệm “cần sách nữ” thì tiếng Pali lại là samanī, chứ không phải sāminī. Samanī có nghĩa là “ni cô, nữ tu sĩ”, nên mới cùng một trường nghĩa với “cần sách nữ”. Đây là nói về ngữ nghĩa. Còn về ngữ âm thì samanī cũng khác sāminī ở hai điểm: ma ≠ mi (về nguyên âm) và nī ≠ nī (về phụ âm).
Rồi sau khi phiên âm sāminī là “nữ chủ nhân” thành sa-mi-ni để chỉ “cần sách nữ” thì nhà phiên âm (hoặc người sử dụng ngôn ngữ) đã lược bỏ âm tiết thứ ba là -ni (do quan niệm rằng ni là yếu tố chỉ giới tính nữ) nên chỉ còn sa-mi để chỉ “cần sách nam”. Trong khi đó, tương ứng với khái niệm “cần sách nam” thì tiếng Sanskrit là śramana còn tiếng Pali là samana, vốn đã được phiên âm thành sa-môn [沙門], mà PQĐTĐ đã ghi rõ là: “SA MÔN
“Phạm: Śramana.
“Pāli: Samana.
“Hán âm: Thất la mạn noa, Xá ra ma noa, Sất ma na noa, Sa ca mãn nang.
“Cũng gọi: Sa môn na, Sa văn na, Tang môn.
“Hán dịch: Cần lao, Công lao, Cù lao, Cần khẩn, Tĩnh chí, Tịnh chí, Tức chỉ, Tức tâm, Tức ác, Cần tức, Tu đạo, Bần đạo, Phạp đạo.
“[…], chỉ chung những người xuất gia, cạo bỏ râu tóc, ngăn dứt các điều ác, siêng tu các việc thiện, điều phục thân tâm, cầu mong đạt đến Niết bàn […]”.
Vậy chỉ có sa-môn mới đích thị là “cần sách nam”, chứ không phải “sa-mi > sa-di”. Chính là căn cứ vào hai tiếng sa-môn mà người ta mới đặt ra cách gọi sa-môn nữ [沙門女] để chỉ ni cô. Còn việc phiên âm sai thành “sa-di-ni” để chỉ cần sách nữ rồi bớt “ni” cho thành “sa-di” để chỉ cần sách nam chỉ là một việc làm tréo ngoe.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“Nhất trí cao’ có ‘cao’ hơn nhất trí?


Cách diễn đạt “nhất trí cao” có đúng không và “nhất trí cao” có thật sự “cao” hơn “nhất trí”?

Gần đây, một phó giáo sư khoe được hội đồng cơ sở “nhất trí cao” trong việc đề nghị hội đồng ngành, liên ngành công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư. Đây cũng là khẩu ngữ quen thuộc của không ít người khi bày tỏ sự đồng ý, đồng tình.

“Nhất trí” trong tiếng Hán và trong từ điển Hán Việt

Đời Hán Tuyên Đế (91-49 TCN) ở Trung Quốc, hai chú cháu Sơ Quảng và Sơ Thụ làm quan đến chức thái phó và thiếu phó. Không tham danh lợi, cả hai đã từ quan cùng lúc và tặng hết của cải vua ban cho bạn bè.

Trong bài “Nhị Sơ cố lý” (Làng cũ của hai ông họ Sơ) được sáng tác bằng chữ Hán khi đi sứ sang Trung Quốc (1813-1814), Nguyễn Du (1766-1820) đã sử dụng từ “nhất trí” ở câu thứ ba: “Quan tòng nhất trí thân năng bảo / Sự cách thiên niên thạch vị khuynh” (Một lòng về nghỉ, thân vẫn giữ / Nghìn năm lưu chuyện, đá còn ghi).

Hán Việt từ điển giản yếu (1932) của Đào Duy Anh (1904-1988) giảng nghĩa “nhất trí” là “toàn thể giống nhau”. Hán Việt tân từ điển (1951) của Hoàng Thúc Trâm (1902-1977) giảng nghĩa “nhất trí” là “hướng theo một chiều giống nhau, không rời rạc, không chia rẽ”.

Như nhiều quyển từ điển Hán Việt khác, từ điển của Đào Duy Anh và Hoàng Thúc Trâm đều in từ “nhất trí” bằng tiếng Hán bên cạnh tiếng Việt. Chữ “nhất” (1 nét, bộ nhất) có nghĩa là một và chữ “trí” (10 nét, bộ chí) mang nghĩa trạng thái, ý hướng, đường lối...

Đây cũng là chữ “nhất trí” trong bài “Nhị Sơ cố lý” và trong thành ngữ “Ngôn hành nhất trí” (lời nói và hành động giống nhau, tức lời nói đi đôi với việc làm).

"
“Nhất trí” trong từ điển tiếng Việt

Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức chưa có mục từ “nhất trí”. Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức (Lê Ngọc Trụ hiệu đính) giảng nghĩa “nhất trí” là “giống nhau, in như nhau”.

Từ điển tiếng Việt (in lần đầu năm 1988) của Viện Ngôn ngữ học giảng nghĩa “nhất trí” là “thống nhất, không mâu thuẫn nhau”.

Dùng “nhất trí cao” có đúng không?

Như vậy, “nhất trí” chỉ tình trạng giống nhau ở mức độ tuyệt đối trên phạm vi toàn thể. Vì vậy, “nhất trí cao” là một cách diễn đạt thừa và không hề “cao” hơn “nhất trí” về mức độ giống nhau, đồng lòng, không chia rẽ.

Tương tự, “tỉ lệ nhất trí đạt 99%” là một cách diễn đạt mâu thuẫn vì “nhất trí” tự nó đã mang nghĩa 100% nên không thể đi kèm với bất kỳ tỉ lệ nào khác.

TRƯỜNG LÂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SÁP NHẬP” HAY “SÁT NHẬP


“Sáp” có một nghĩa
là “cắm vào”
Nhiều người thường băn khoăn, thắc mắc không biết trong hai từ “sáp nhập” và “sát nhập”, từ nào mới là đúng. Thực tế hiện nay đang tồn tại song song hai cách viết, và từ điển cũng ghi nhận cả hai:

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê – Vielex): “sát nhập • 插入 [sáp nhập nói trại] đg. xem sáp nhập”.

-Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): “sát nhập • Biến âm của “Sáp nhập”.

         Tuy nhiên, xét nghĩa từ nguyên, thì viết “sáp nhập” mới chính xác. Bởi “sáp nhập” 插入 là từ ghép đẳng lập Hán Việt (chúng tôi không tìm thấy trong tiếng Hán; đây có thể là từ Hán Việt tạo), trong đó “sáp” 插 (âm khác là “tháp” trong “tháp tùng” 插從) có nghĩa là nhập, cắm, gắn, chen vào. “Sáp nhập” đã được từ điển tiếng Việt ghi nhận trước 1945:

         -Đại Nam Quấc âm tự điển: “sáp .c. Giắt (coi chữ tháp): sáp nhập; sáp về: Nhập lại với nhau (nói về làng xóm); phân tháp: Dời đi, không cho ở chỗ cũ, dời đi ở chỗ khác”.

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức - 1931): “sáp-nhập • Nói về đem đất chỗ này thuộc nhập với chỗ khác <> Lấy hai tổng ở huyện này đem sáp-nhập huyện kia.”.

-Việt Nam tự điển  (Lê Văn Đức):  “sáp nhập • đt. Nhập chung lại: Sáp-nhập thành-phố Chợ-lớn về Sài-gòn, thành Đô-thành Sài-gòn”.

-Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị): “sáp-nhập • đt. Đem nhập chung lại làm một, thường nói đem đất chỗ nầy thuộc nhập với chỗ khác <> Ngày trước Triều-tiên là nước đã bị sáp-nhập với lãnh-thổ Nhựt-bản // Sự sáp-nhập”.

Riêng Việt Nam tự điển  (Lê Văn Đức) xuất bản tại Sài Gòn (trước 1975) còn ghi nhận: “nói sáp nhập • đt. C/g. Nói xấp-nhập, vơ đũa cả nắm, không phân-biệt, không chừa một ai”.

Vì yếu tố Hán Việt “sáp” 插 còn có một âm đọc là “tháp”, nên cũng viết là “tháp nhập”:

- Việt Nam tự điển  (Lê Văn Đức): “tháp nhập • đt. Xen kẽ, chen vô giữa: Tháp-nhập thêm một câu cho có mạch-lạc; mệnh-đề tháp-nhập. • Nh. Sáp-nhập”.

Đôi khi người ta cũng dùng “tháp” với nghĩa là “nhập” để thay cho “tháp nhập”, ví dụ: “Hai cơ quan mới tháp lại với với nhau mấy năm, nay lại tách ra”.

Có lẽ do không hiểu “sáp” trong “sáp nhập” là gì, nên nhiều người viết thành “sát nhập” với nghĩa “sát” là gần lại, tiếp xúc với nhau, lâu dần thành phổ biến; trong khi “sáp nhập” vẫn tồn tại. Theo đây, có thể xem “sáp nhập” và “sát nhập” là trường hợp “lưỡng khả” (hoặc “đa khả” nếu tính cả “tháp nhập”), tất cả đều được chấp nhận, nhưng nên dùng “sáp nhập” hay “tháp nhập” bởi hai cách viết này đúng với nghĩa từ nguyên hơn.

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Ơ mây zing, gút chóp em


“Ơ mây zing, gút chóp em”, “cơm chó”, “người chơi hệ” là những cụm từ đang được dùng nhiều trên mạng xã hội, trở thành câu cửa miệng của giới trẻ.


Vài ngày qua, hình ảnh rapper Binz cùng dòng chữ “Ơ mây zing, gút chóp em” bỗng xuất hiện trên trang cá nhân và phần bình luận của nhiều người dùng mạng xã hội. Cụ thể, đây là câu “Amazing, good job em!” (PV: Thật tuyệt vời, làm tốt lắm em!) - một trong những lời khen thường thấy của ca sĩ Bigcityboi trên sân khấu Rap Việt. Không dừng lại ở một từ khoá xu hướng được đông đảo dân mạng sử dụng, nhiều nghệ sĩ trong showbiz Việt cũng thích thú “đu trend” bằng nhiều phiên bản chế khác.

Ngay sau khi Rap Việt và King of Rap lên sóng, thuật ngữ “fan tháng 8” nhanh chóng trở nên phổ biến. Cụm từ này được sử dụng để chỉ những người mới tiếp cận và yêu thích văn hoá hiphop kể từ sau 2 chương trình trên. Những người hâm mộ lâu năm thường gọi “fan tháng 8” với ý nghĩa tiêu cực, coi họ như “fan phong trào”, không thực sự am hiểu về rap. Do đó, cách gọi tên này đã và đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Bắt nguồn từ video một chú mèo liên tục liếm nước trên mạng xã hội Reddit vào năm 2015 nhưng đến đầu năm nay, “mlem mlem” mới thực sự trở thành từ được dùng nhiều của cộng đồng mạng. Ban đầu, cụm từ này mang nghĩa tương tự “măm măm”, chỉ hành động liếm thức ăn hay làm nũng của những người bạn bốn chân. Sau này, “mlem mlem” có thêm “ẩn ý” mới khi đi cùng những tấm ảnh meme: Thái độ trêu chọc, thèm muốn một thứ gì đó như đồ ăn, quần áo, crush...

Cùng với sự bùng nổ của văn hoá hiphop, cụm từ “người chơi hệ...” cũng được dân mạng hưởng ứng nhiệt liệt. Vốn dùng để chỉ thế mạnh của các rapper như lyrical hay melody, cộng đồng mạng Việt đã biến tấu cụm từ này theo cách của riêng mình như người chơi hệ nhiều tiền, hệ cô độc, hệ học giỏi... Xu hướng “đa hệ” này cũng là cách một người nói về sở thích hay lĩnh vực yêu thích của mình.

Một từ khoá đang là trào lưu khác trên mạng xã hội hiện nay là “cơm chó”, được dịch nghĩa từ cụm “cẩu lương” trong tiếng Trung. Ở phiên bản gốc, thuật ngữ này được biết đến rộng rãi với ý chỉ hành động tình tứ, lãng mạn của các cặp tình nhân. Khi lan tới Việt Nam, “cơm chó” vẫn giữ nguyên lớp nghĩa bóng, trở thành “câu cửa miệng” của hội độc thân trên mạng xã hội, thậm chí là ngoài đời thực.

Gần đây, “xin vía...” trở thành từ xu hướng. Đây là cụm từ thể hiện mong muốn có được may mắn như làm bài thi tốt, phỏng vấn tuyển dụng thành công, chạy xong deadline... Mặt khác, cụm từ này còn mang thêm hàm ý châm biếm, trêu chọc mỗi khi có ai khoe cuộc sống sang chảnh, người yêu, con cái quá nhiều trên mạng.



Là một cụm từ cũ nhưng “xu cà na” bất ngờ được nhiều người sử dụng thời gian gần đây. Cà na là quả của một loại cây mọc dại, thường thấy ở bên bờ kênh rạch, khi ăn sống có vị chua và chát. Còn “xu cà na” chỉ thái độ tiêu cực về một chuyện xui xẻo, không may mắn vừa xảy ra. Vì vậy, nhiều người dùng sử dụng từ này để nói về chuyện chia tay, mất tiền, bực bội...

TRANG MINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Gặm - nhai - nhấm – nhá


Nhân câu chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt của nhóm Cánh diều gây phản ứng trong dư luận, và sắp tới nhóm tác giả sẽ phải thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “chén”...; Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng quanh một số ví dụ cho thấy sự phức tạp (và giàu có) cùng “tính đạo đức” của tiếng Việt.

Tiếng Việt ít từ triết học và khoa học, nhưng từ chỉ các trạng thái hoạt động và phẩm chất của người và vật thì nhiều vô cùng. Lại là một thứ tiếng có họ từ, họ âm, với năm thanh biến đổi, nên lượng từ ngữ có thể phát triển như một kho dự trữ.

Gặm, nhai, nhấm, nhá - đều chỉ hành vi ăn, nhưng đó là một quá trình, bắt đầu từ động vật ăn cỏ và nhai lại. Trâu gặm cỏ, rồi nhai cỏ, nhấm cho đứt và vỡ các hạt, gai, cành, rồi đưa dần vào thóp cỏ bên trong cơ thể. Về chuồng, hoặc nằm nghỉ, chúng đùn cỏ ngược ra miệng nhá lại để nước bọt có men vi sinh giúp cho quá trình tiêu hoá tốt.

Việc nhá chủ yếu ở động vật nhai lại, nhưng động vật ăn thịt cũng có lúc nhá, cho mềm thịt, nhất là ở loài chó hoang, nuốt thịt vào trong rồi về nhè ra cho con ăn.

Người cũng có khi vậy. Bà, mẹ nhá cơm, rồi mớm cho trẻ, cũng là cách dùng men vi sinh trong nước bọt làm cho trẻ dễ tiêu, khi cơm được nghiền nát. Cách thức này được coi là mất vệ sinh, nên không dùng nữa.

Do nhá là việc nhai thong thả, mất thời gian, nên họ từ âm của nó có nhấn nhá, nhẩn nha, nấn ná... rồi từ đám từ này có: thong thả, la cà, sa đà... cứ vậy, từ đẻ ra từ, gắn liền với những hành vi, hành trạng cụ thể.

Trẻ em xưa đều phát triển từ âm bằng trò chơi và đồng dao. Mốt này, mốt nữa, đóng cửa, cài then... Gồng gồng, gánh gánh, gánh sông gánh núi, gánh củi, gánh cành... Nu na, nu nống, đánh trống phất cờ...

Ban đầu nhiều từ chúng chưa hiểu là gì, thậm chí xếp đặt lung tung, nhưng dần trong quá trình sống, chúng tự chỉnh đốn và hiểu được nghĩa từ, cũng như cách đặt vào câu cho đúng.

Việc dùng họ từ âm làm cho tiếng Việt không thể nào bị đồng hoá, dù có du nhập bao nhiêu tiếng Hán.

"
Đó là tiếng Việt, một thứ ngôn ngữ phân biệt rất rõ các hành vi sinh tồn đến chi tiết. Chim kêu, vượn hót, hổ gầm, sư tử hống, chó sủa, gà gáy... chỉ các hành vi phát âm của động vật.

Chim mổ, cá đớp, chó cắn, xé, trâu gặm... đều là hành vi ăn, nhưng cách thức hàm, răng, lưỡi từng loài khác nhau, nên cách tiếp cận thức ăn cũng khác nhau và được tiếng Việt dùng riêng cho từng giống loài.

Tất nhiên cùng một ý nghĩa, hoặc tương tự, có thể dùng chung động từ - chim kêu, chim hót, chim ca, chim hát, chim gọi đều được, cũng do chim là loài có khả năng bách thanh.

Người là “con vật” ăn tạp, nên mọi từ ngữ trên đều dùng được, miễn là đúng trạng thái. Ăn là từ tổng quát, chỉ tất cả các việc đó.

Nhưng từ ăn còn có nghĩa là làm gì đấy, giống từ đả (đánh) trong tiếng Hán, không chỉ có nghĩa là đánh, mà còn là làm cái gì đó, ví dụ đả thuỷ (tả suẩy) - lấy nước, cũng giống động từ to do tiếng Anh. Ăn ở - làm việc, sinh hoạt; ăn nằm - quan hệ tình dục; ăn chơi - việc chơi bời thưởng ngoạn; ăn hút - việc hút sách; ăn cắp, ăn trộm - lấy của người khác mà không được phép.

Dần dà thì từ ngữ mang tính xã hội và đạo đức. Nói mời cụ xơi cơm, chứ ít khi nói mời cụ ăn cơm, lại càng không nói mời cụ chén cơm, mời cụ đớp cơm...

------------------

Đánh chén nhậu nhẹt


Từ chén, có gốc từ đánh chém (trảm), đánh chiếm, sau khi đánh thắng kẻ thù thì mở tiệc (bối cảnh chiến tranh phong kiến), kết hợp với họ từ nhấm (gặm nhấm - ăn hột, quả cứng), nhấp (uống nước từng chút) thành từ nhậu (vừa ăn vừa uống thong thả, có tính chơi bời, đàm tiếu), từ đó có thành ngữ đánh chén nhậu nhẹt.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÁN LÚA HAY BÁN THÓC?


Chẳng cần phải có kiến thức ngôn ngữ học cao siêu gì, thì Ký Phường và nhiều người cùng thời - vốn học hành cẩn thận hơn bây giờ - vẫn phải nhăn mặt như đang ăn mà nhai phải sạn khi liên tục nghe, nhìn vô số những lỗi sai trong nói và viết trên truyền hình và báo chí độ này.

Không trách các phát thanh viên, vì đều phải “nói y bản chính”, nhưng đâu rồi các biên tập viên, các phụ trách đầy mình kinh nghiệm mà để bà con nghe, đọc đến nhức đầu, đến hoang mang với cụm từ “lúa rớt giá”, “giá lúa đang lên”...? Cứ kiểu nói, kiểu viết này thì người ta phải hiểu là chúng ta đang rất túng tiền nên phải “bán lúa non” cho kẻ khác khi lúa đang ngậm đòng, đơm bông (!).

Cây lúa lớn lên từ cây mạ, qua thời kỳ đẻ nhánh, phát triển, lúa ngậm đòng, lên đòng, rồi lên mẩy, uốn câu, chắc hạt. Lúc này người ta gọi là hạt lúa, gặt về, đập hay tuốt lúa, hạt tách khỏi bông, lúc ấy là hạt thóc, xay giã ta được hạt gạo để nấu bát cơm thơm dẻo cho các vị dùng hàng ngày đấy, thưa các vị! Cho nên có bán thì bán thóc bán gạo chứ không ai đi bán lúa!

Ấy thế mà, nghe mãi quen tai, đến nỗi các văn bản chính thức, người ta vẫn không gọi là “giá thóc” mà cứ dùng là “giá lúa”. Hãi thật!

Nói chuyện này kỹ vì thóc, lúa là từ thuần Việt, là có đến 90% người Việt biết cây lúa, hạt thóc thế nào, chứ những từ gốc Hán -  Việt thì sự sai còn kinh khủng hơn nhiều. Lẽ ra khi phê phán ai đó nói dối, thiếu thành thật phải dùng chữ “nguỵ biện”, thì người ta nói phứa đi là “bao biện” (ôm đồm, làm thay), thấy chữ “cứu cánh” có vẻ như sắp “cứu” được một cái gì đấy, thế là dùng luôn chữ này như là một phương tiện, mà không biết “cứu cánh” là mục đích.

Còn nhiều những: bất cập, trầm kha, hồi gia, sáp nhập... được dùng vô tội vạ trong những dòng tin tối mù.

Ngoài thói quen tai quen mắt, mặc dù các nhà ngôn ngữ học ra sức sửa sai, người ta vẫn dùng bừa những chữ sai, còn bởi lẽ nhiều người lười, khi viết không chịu tìm từ tương đương để thay thế. Hoặc giả, vốn liếng chỉ có đôi trăm từ, có muốn thay, tìm từ cũng bí, thế là nhắm mắt theo cái sai.

Riêng Ký Phường, quyết không để đài phường “nhà mình” mắc lỗi ngớ ngẩn. Cố gắng giữ được sự trong sáng của tiếng Việt đến đâu, Ký Phường sẽ cố!         

Ký Thật
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHỦ NHẬT & CHÚA NHẬT


Trong Hán Việt từ điển giản yếu (1932), Đào Duy Anh giải thích: Chúa nhật 主日 Tức là chủ - nhật (chữ chủ, chữ chúa là một).

Có lẽ từ nhận định này mà ngày nay nhiều người không nhận ra sự khác biệt ý nghĩa giữa hai từ chủ nhật và chúa nhật. Chúng tôi xin phép bàn về vấn đề này.

Chủ nhật và Chúa nhật đều là từ Hán Việt, có nguồn gốc từ chữ 主日 (zhǔ rì) trong Hán ngữ. Chữ 主 có phiên thiết là chi dũ thiết = chủ. Chủ là âm Hán Việt tiêu chuẩn, còn chúa là âm Hán - Nôm hoá, do người Việt chế ra. Theo lịch sử, Trung Quốc có 4 cách gọi chính về tuần lễ: Thất diệu là 7 ngày trong tuần, ngày chủ nhật được gọi là Thất diệu nhật; Lễ bái có nghĩa là thờ cúng; Chủ nhật được gọi là Lễ bái nhật; Tinh kỳ có nghĩa là kỳ sao, Chủ nhật được gọi là Tinh kỳ nhật hoặc Tinh kỳ thiên; và Chu: có nghĩa là chu kỳ, Chủ nhật được gọi là Chu nhật. Như vậy, người Trung Quốc không gọi là Chúa nhật - đây chỉ là cách gọi của người Công giáo ở Việt Nam, với nghĩa là Ngày của Chúa.

Có quan điểm cho rằng từ thế kỷ 16 - 17, những giáo sĩ Bồ Đào Nha đến Việt Nam truyền đạo, để phổ biến Tây lịch, họ dựa vào ngôn ngữ nước họ để đặt ra những ngày trong tuần bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, quan điểm này có thể không chính xác, bởi vì trên văn bản chữ quốc ngữ của thời kỳ này vẫn chưa xuất hiện từ Chủ nhật hay Chúa nhật. Trong Từ điển Việt - Bồ - La (1651) của Alexandre de Rhodes chỉ ghi nhận từ chủ, thien chủ, Chúa, đức Chúa blòi đất. Đến thế kỷ 19, Từ điển Taberd (1838) mới ghi nhận cụm từ ngày chúa nhật, còn Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh thì mãi đến năm 1932 mới cho thấy khái niệm Chúa nhật đồng nghĩa với Chủ nhật và cùng gốc từ 主日 của Hán ngữ.

Chúng ta biết rằng từ 主 trong Hán ngữ có 2 âm Hán Việt là chủ và chúa. Hai âm này biểu hiện những nghĩa khác nhau trong tiếng Việt. Chủ và chúa (danh từ) đều có nghĩa là người đứng đầu; ngoài ra, chúa còn có nghĩa là Chúa trong Thiên Chúa giáo; tuy nhiên, chủ (tính từ) lại có nghĩa là chính, chính yếu, căn bản... Như vậy, không thể xem Chủ nhật và Chúa nhật là từ đồng nghĩa. Chủ nhật là ngày chính (chủ là tính từ, bổ nghĩa cho nhật), còn Chúa nhật là Ngày của Chúa - cách dùng từ của người Công giáo Việt Nam.

Hiện nay, thuật ngữ 主日 có 3 nghĩa tương ứng với tiếng Anh như sau:

- Ngày Sa-bát (Sabbath) là ngày nghỉ và ngày thứ bảy trong Do Thái giáo, tuy nhiên, hiện nay, ngày Sa-bát có thể hiểu là thứ bảy hoặc chủ nhật tuỳ theo quan điểm tôn giáo.
- Chủ nhật (Sunday) là ngày đầu tuần, có nghĩa gốc là Ngày của Mặt trời (Sun’s day) trong tiếng Anh.
- Chúa nhật (Lord’s day) là ngày đầu tuần, được xem là Ngày của Chúa trong nhiều nền văn hoá.

Vậy, 主日 có ít nhất là 3 nghĩa. Tuy Chủ nhật và Chúa nhật đều là âm Hán Việt của 主日, song không thể kết luận hai từ này đồng nghĩa, bởi vì Chủ nhật là Ngày chính (từ dùng phổ biến hiện nay), còn Chúa nhật là Ngày của Chúa (sử dụng trong cộng đồng Công giáo).

Ở phương Tây, nhiều nước cũng xem chủ nhật là ngày đầu tuần, song do Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) quy định thứ hai là ngày đầu tuần nên phần lớn các nước trên thế giới hiện nay cũng theo chuẩn này, chủ nhật lại trở thành ngày cuối tuần.

VƯƠNG TRUNG HIẾU
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [21] [22] [23] [24] [25] [26] [27] ... ›Trang sau »Trang cuối