Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [22] [23] [24] [25] [26] [27] [28] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

QUI NHƠN & QUY NHƠN


Những ngày qua, trên mạng xã hội và báo chí, nhiều người tranh luận: Qui Nhơn có trước hay Quy Nhơn có trước? Qui Nhơn đúng hay Quy Nhơn đúng? Chúng tôi xin mạo muội có một vài trao đổi xung quanh vấn đề này.

Bảng hiệu sân vận động Quy Nhơn và Qui Nhơn, trên là Y dưới là I-ẢNH: NGUYỄN THANH QUANG
Nguyên do là vào ngày 24.8, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch-Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng điều chỉnh lại tên đơn vị hành chính đã công bố là thành phố Qui Nhơn (Bình Định) thành Quy Nhơn (điều chỉnh i thành y). Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp cập nhật, điều chỉnh tên đơn vị hành chính thành phố Quy Nhơn trên hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung phục vụ công tác cấp giấy tờ hộ tịch cho công dân và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia…

Theo UBND tỉnh Bình Định, ngày 3.7.1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 81/HĐBT về việc mở rộng và nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 8.7.2004 của Thủ tướng về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, tỉnh Bình Định có đơn vị hành chính là thành phố Qui Nhơn.

Từ phủ/tỉnh Qui Nhơn

Năm 1602, chúa Nguyễn đặt dinh Quảng Nam, phủ Hoài Nhơn vẫn thuộc vào dinh này (Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hoá, 2006, tr.388). Cũng trong năm 1602, chúa Nguyễn cho đổi phủ Hoài Nhơn thành Qui Nhơn (Đại Nam nhất thống chí, tập 3, sđd, tr.7), lúc bây giờ chưa có chữ Quốc ngữ (Latin). Đến những năm 1618-1622, chữ Quốc ngữ mới bắt đầu phôi thai ở cảng thị Nước Mặn (ngày nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), và địa danh “Qui Nhơn” là một trong số rất ít tiếng Việt đầu tiên được ký âm bằng mẫu tự Latin.

Trường Nữ trung học Qui Nhơn trước 1975-ẢNH: T.L

Trong Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong, xuất bản bằng tiếng Ý năm 1631, tại Roma, do Linh mục Christoforo Borri viết tại Nước Mặn trong những năm 1618-1622, lần đầu tiên xuất hiện địa danh Qui Nhơn được viết bằng mẫu tự Latin - chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai: “Quignin” (Christoforo Borri, Relatione Della Nouova Delli PP. Della Compagnia Di Giesu Al Regno Delle Cocincina, Roma 1631, trang 8). Bức thư của João Roiz viết ngày 22.8.1623 bằng chữ Bồ có từ “Quinhin” (João Roiz, Annua de Cochinchina de 1623, Archivum Romanum Societatis Iesu - ARSI, Jap-Sin 72, fol.020). Bản phúc trình của Antonio de Fontes viết tại Faifo (Hội An) năm 1626, dài 4 trang trong đó có địa danh “Quinhin” (Antonio de Fontes, Annua da Missão de Anam, a que vulgarmte chamão Cochinchina ; pa ver No Muj Rdo Pe Geral. Mutio Vitelleschi - Arsi. Jap. Sin,72, f. 69r, 80r). Bức thư của Gaspar Luis viết bằng chữ Latin ngày 1.1.1626 tại Nước Mặn gửi Bề Trên Cả M.Vitelleschi tại Roma có từ: “Quinhin” (Gaspar Luis, Cocincinae Missionis annuae Litterae, anni 1625, ad R.P.N. Mutium Vitelleschium Societatis Jesu Proepositum Generalem - Arsi. Jap. Sin,71).

Trong thời gian Alexandre de Rhodes truyền giáo tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, ông đã viết các tác phẩm Hành trình và truyền giáo, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, trong đó xuất hiện địa danh “la Prouince de Quinhyn - tỉnh Quinhyn” (Alexandre de Rhodes, Divers voyages et Mission du P. Alexandre de Rhodes en la Chine…, Cramoisy, Paris 1653, Premiere Partie, trang 74).

Trong Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes - một trong 3 tác phẩm chữ Quốc ngữ đầu tiên in năm 1651 tại Roma (gồm: Phép giảng tám ngày, Văn phạm Việt ngữ, Từ điển Việt - Bồ - La, là những công trình duy nhất áp dụng hệ thống chữ viết Quốc ngữ được in), có tổng cộng 8.000 từ, cột 626, dòng 26 (tính từ trên xuống) có từ: “qui, về” (Từ điển Annam-Lusitan-Latinh, NXB Khoa học Xã hội, 1991; phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - cột 626).

Từ điển Việt - La (Dictionarium Anamitico Latinum) của Pigneau de Béhaine, in năm 1773, trang 493, có chép: “Qui nhơn - tên một tỉnh Đàng Trong” (Pigneau de Béhaine Dictionarium Anamitico Latinum, 1773, tr.493). Từ điển Dictionarium Annamitico – Latinum của Jean-Louis Taberd, in năm 1838, trang 411 có chép: “Qui nhơn, một tỉnh Đàng Trong” (Dictionarium Annamitico - Latinum, 1838, tr.411)…
Đến xã/thị xã/thành phố Qui Nhơn

Bảng hiệu trụ sở Công an P.Trần Hưng Đạo, TP.Qui Nhơn-ẢNH: NGUYỄN THANH QUANG CHỤP NGÀY 28.8.2020

Tư liệu của người Pháp hiện biết, sớm nhất là bức thư của ông Vernévilla - Lãnh sự Pháp ở Qui Nhơn, viết năm 1881 về thủ công nghiệp dệt nhiễu Annam đã có tên Quinhon (Tài liệu Thư viện Quốc gia, ký hiệu M.6484); tiếp đến Hiệp ước Harmand (25.8.1883 - Quí Mùi), điều 7 có ghi: cửa biển Quinhon (Phan Khoan, Việt Nam Pháp thuộc sử, Khai Trí, Sài Gòn,1961, tr.295); năm 1883, Barthe viết cuốn Quinhon et la province de Binhdinh (Quinhon et la province de Binhdinh, Revue Geosgraphie, Paris,1883); năm 1893, Jean Brien xuất bản tác phẩm De Quinhon en Cochinchine (De Quinhon en Cochinchine, Imprimerie, F. Schneider, Hanoi,1893…

Tất cả các loại “Công báo chính thức” (Bulletin officiel) và “Công báo hành chính” (Bulletin administratif) Đông Dương thuộc Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đều viết Quinhon hoặc Qui-nhon là địa phận của hai xã Cẩm Thượng và Chánh Thành, thuộc tỉnh Bình Định. Tên gọi Quinhon xuất hiện sớm nhất trong “Công báo hành chính” hiện biết là Công báo số 5, năm 1876.

Từ điển Việt - Pháp Dictionnaire Vietnamien-Francais của Gesnibrel cộng tác với các nhà ngôn ngữ học Quốc tế, nhà in Tân Định, Sài Gòn, in năm 1898. Trang 639, cột 1, dòng 27 có từ: “QUI.1.(lại, về); cột 2, dòng 8 và 9 có giải thích: “2 - nhơn, Ville et port de la province de Bình định, en Annam”. Tạm dịch: Qui Nhơn là thành phố và là cảng ở tỉnh Bình Định, Trung kỳ, Việt Nam (Dictionnaire Vietnamien-Francais. Imprimerie de la mission à Tân Định, Sài Gòn, 1898. tr.639).

Ngày 20.10.1898, Cơ Mật Viện của triều đình Huế đề nghị thành lập thị xã Qui Nhơn (Le centre Urbain de Qui Nhon) ở Trung kỳ và được vua Thành Thái ra đạo dụ công nhận chính thức vào ngày 12.7.1899. Ngày 30.8.1899, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer ra Quyết định chuẩn y. Theo Nghị định ngày 14.3.1900, thị xã Qui Nhơn bao gồm đất của hai làng Chánh Thành và Cẩm Thượng, thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, có diện tích khoảng 7 km2. Ngày 30.4.1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier ra Nghị định nâng cấp thị xã Qui Nhơn (Centre Urbain de Qui Nhon) lên thành phố Qui Nhơn (Commune de Qui Nhon) do Công sứ tỉnh Bình Định kiêm giữ chức Đốc lý và Chủ tịch Uỷ ban thành phố (Lịch sử thành phố Quy Nhơn, sđd, tr.96).

Ngày 22.8.1960, Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định có văn bản số 10191/BĐ/NC/I, gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Việt Nam Cộng hoà) về việc thành lập thị xã Qui Nhơn, lấy tên xã Châu Thành Qui Nhơn. Ngày 30.8.1960, Bộ Nội vụ có văn bản phúc đáp số 6634-BNV/NC/8, gửi ông Tỉnh trưởng Bình Định, không phê duyệt thay đổi mà vẫn giữ thị xã Qui Nhơn (văn bản số 10191/BĐ/NC/I ngày 22.8.1960, của Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thành lập thị xã Qui Nhơn và văn bản phúc đáp số 6634-BNV/NC/8 ngày 30.8.1960 do Bộ Nội vụ gửi Tỉnh trưởng Bình Định - hiện lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV).

Sau năm 1975, khoảng những năm trước và sau thập niên 1980, các văn bản hành chính của Nhà nước lúc thì Qui Nhơn, khi thì Quy Nhơn, các bảng hiệu cơ quan nơi viết i nơi viết y, thậm chí có cơ quan các bảng hiệu, vừa i vừa y. Dần dần trong văn bản hành chính và báo chí, chữ Qui Nhơn biến mất thay vào đó là Quy Nhơn, nhưng không có quyết định hay văn bản chỉ đạo của cấp thẩm quyền phải viết Qui Nhơn là i hoặc y.

Qui Nhơn - tên riêng vốn có

Hiện nay, một số tên đơn vị hành chính có cấu trúc từ không đúng chính tả tiếng Việt, nhưng vì đó là tên riêng vốn có, Nhà nước không chỉnh sửa, như: Kon Tum, Bắc Kạn.

Công ty cổ phần container Qui Nhơn vẫn dùng chữ Qui Nhơn để giao dịch với đối tác-ẢNH: NGUYỄN THANH QUANG

Từ điển Larousse in năm 1969 (Atlas moderne Larousse), xuất bản tại Paris, trang 24 phần Index des noms (tức phụ lục địa dư các địa danh trên thế giới) ở cột 4, dòng 2 tính từ dưới lên có ghi: Qui Nhon. Người nước ngoài cần giao dịch, ký hợp đồng, chuyển giao tiền, hàng hoá… chỉ căn cứ vào từ điển Larousse. Nếu một đơn vị hành chính hay doanh nghiệp nào chuyển tiền hay hàng hoá ghi chữ Quy Nhơn, đối tác ở nước ngoài không nhận được và ngược lại. Địa danh Qui Nhon đã được quốc tế mặc định từ lâu, do vậy cho đến hiện nay, các công ty vận chuyển hàng hoá đi nước ngoài bằng đường hàng không và hàng hải đều phải giữ tên Qui Nhon, như Công ty cổ phần container Qui Nhơn (Viconship Qui Nhon)… Giáo phận Qui Nhơn, từ xưa đến nay chưa bao giờ thay đổi y mà vẫn giữ nguyên i.

Tra các từ điển, từ bản đầu tiên in năm 1651 đến những bản in trước năm 1975 và tìm lại các văn bản hành chính, công báo trước năm 1975, dù là tên gọi của phủ/tỉnh hay xã/thị xã/thành phố, hầu như đều viết i - Qui Nhơn, không viết y - Quy Nhơn (Collège de Qui Nhơn - Trường Quốc học Qui Nhơn; Imprimerie de la Mission de Qui Nhơn - Nhà in Qui Nhơn, Trường Cường Để Qui Nhơn, Trường Nữ trung học Qui Nhơn…).

Thiết nghĩ, Qui Nhơn là địa danh một vùng đất, tên riêng đã ra đời và tồn tại ổn định gần 400 năm đối với phủ/tỉnh và trên 100 năm đối với thị xã/thành phố, muốn thay đổi cần phải dựa trên yếu tố lịch sử và truyền thống; cần tổ chức Hội thảo khoa học và được sự đồng thuận; được Quốc hội thông qua và Nhà nước có thông báo chính thức đối với trong và ngoài nước về việc thay đổi chứ không thể tuỳ tiện thay đổi.
-------------------------
Theo sách Tiếng Việt lớp 5, tập 2 (NXB Giáo dục, 2001, Lê Cận chủ biên), về quy tắc viết chính tả, chữ cái Q không thể đứng riêng một mình, mà luôn luôn kết hợp với U thành QU, đọc là quờ (cũng như chữ P luôn đi kèm với H, đọc thành phờ - PH), QU đứng trước hầu hết các chữ cái nguyên âm (trừ các nguyên âm: o, u, ư).
QU là một trong 11 vần phụ âm của tiếng Việt, vần phụ âm luôn luôn bắt đầu từ một phụ âm, gồm 2 hoặc 3 chữ cái phụ âm như: KH, GH, NGH…; hoặc phụ âm + nguyên âm như: G+I, Q+U,… nhưng chưa tròn âm tiếng Việt. Vần phụ âm luôn luôn đứng trước một nguyên âm độc lập như: QU+A = QUA, QU+I = QUI…; hoặc bốn chữ cái: NGH+I = NGHI, NGH+E = NGHE…
Do vậy, chữ QUI nếu đọc q…u…i…ui là sai, mà phải đọc đúng là quờ …i…qui. Cả QUI và QUY đều đọc âm giống nhau quờ…i/y…qui/quy.

NGUYỄN THANH QUANG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THẤP ĐIỂM


Thấp điểm đã được Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên công nhận và giảng là: ‘thời điểm có lượng hoạt động diễn ra thấp nhất, ít căng thẳng nhất trong ngày’.


Danh ngữ này đã được dùng một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và cả trong văn bản của cơ quan nhà nước, chẳng hạn trong thông báo “Giá bán điện theo giờ” của Tập đoàn điện lực VN. Thông báo này chia giờ bán theo 3 mức: giờ bình thường, giờ cao điểm và giờ thấp điểm.

Danh ngữ thấp điểm đã gây phản ứng ở một số người thuộc phái thuần tuý (purism) quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt. Họ cho rằng đây là một cấu trúc không chuẩn so với cao điểm. Trong cao điểm thì cả hai thành tố đều là - và theo họ thì phải là - những yếu tố Hán Việt mà yếu tố đứng trước (cao) là định ngữ còn yếu tố đứng sau (điểm) là bị định ngữ, tức cũng là trung tâm của danh ngữ. Thấp điểm thì lại không như thế: thấp bị xem là “thuần Việt” nên không thể “cặp kè” với cao là Hán Việt trong kiểu cấu trúc này. Vậy thấp có phải là một yếu tố Hán Việt hay không? Chữ này có liên quan đến hai chữ Hán sau đây.

Một là chữ thấp [濕, cũng viết 溼] mà Giáo dục bộ dị thể tự tự điển (dict2.variants.moe.edu.tw) giảng là “trước đê thấp đích địa phương” [着低溼的地方], nghĩa là chỗ thấp và ẩm ướt. Hai là chữ tập [隰], mà trang từ điển trên cũng giảng là [低溼的地方], cũng nghĩa là chỗ thấp và ẩm ướt.

Trong tiếng Việt, chữ tập [隰] này thường đọc thành thấp (Hán Việt tự điển của Thiều Chửu - ảnh, Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng). Đỗ Văn Đáp còn giảng thẳng rằng thấp [隰] là chỗ thấp. Hai chữ thấp trên đây là những đồng nguyên tự (chữ cùng gốc), như Vương Lực đã chứng minh trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.593). Hiển nhiên là chữ thấp trong thấp điểm bắt nguồn từ hai chữ thấp trên đây (mà ban đầu chỉ là một), xuất phát từ nét nghĩa “thấp” của nó.

Trong tiếng Hán, chữ thấp [濕]còn đi chung với chữ ấm [蔭] để tạo thành từ tổ đẳng lập ấm thấp [蔭濕], nghĩa là mát và ẩm, thường được dùng trong thực vật học để miêu tả những loài thực vật chịu điều kiện khí hậu và đất đai ẩm mát, chẳng hạn cây mộc tú cầu (tú cầu thân gỗ) thì “hỉ ấm thấp, bất nại hàn” [喜蔭湿,不耐寒] nghĩa là “ưa chỗ mát ẩm, không chịu rét”. Ấm thấp đã trở thành ẩm thấp trong tiếng Việt với tư cách là một đơn vị từ vựng độc lập, mà riêng ẩm (trong ẩm ướt) thì lại là một biến thể thanh điệu của ấm [荫], vốn có nghĩa là râm mát.

Nhưng với diễn tiến như trên thì ta cũng khó mà nói rằng thấp vẫn còn là một yếu tố Hán Việt. Theo một cách gọi vẫn còn được dùng thì nó chỉ là một từ “Hán Việt Việt hoá” mà thôi. Còn với người bình thường thì nó là một từ “thuần Việt”.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐĂNG QUANG
hay
ĐĂNG CƠ


Liên quan tới sự kiện thái tử Nhật và Thái Lan lên ngôi vua, nhiều tờ báo dùng chữ ‘đăng cơ’ chứ không phải ‘đăng quang’, nhiều ý kiến thắc mắc: Tại sao không dùng từ ‘đăng quang’, hoặc ‘lên ngôi’ mà lại dùng từ “đăng cơ?

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako vẫy chào người dân trong buổi xuất hiện đầu tiên của họ trước công chúng trên cương vị mới tại cung điện hoàng gia ở Tokyo ngày 4-5 - Ảnh: Reuters

Theo cuốn Từ điển tiếng Việt (của nhóm Hoàng Phê), “đăng quang” là một động từ cũ, được dùng với tính chất trang trọng, có nghĩa là “lên ngôi vua”, ví dụ: Lễ đăng quang.

Đồng nghĩa với từ “đăng quang” - cũng trong cuốn từ điển trên - có thêm động từ “tức vị” (lên ngôi vua) và động từ “lên ngôi” (lên làm vua).

Tra tìm thêm trong một số từ điển Hán Việt, chúng tôi thấy có một số từ cùng chỉ nghĩa “lên ngôi vua” như: đăng cực (lên ngôi vua), đăng vị (lên ngôi), đăng cơ (lên ngôi), tiễn cực (vua lên ngôi),...

“Đăng quang” phổ dụng hơn “đăng cơ”

Có ý kiến cho rằng từ “đăng cơ” du nhập vào tiếng nước ta thời gian gần đây qua các bộ phim Hoa ngữ lồng tiếng Việt, và hóm hỉnh nhận xét: “Các báo, đài viết/nói “đăng cơ” chắc do xem nhiều phim cổ trang Trung Quốc như Hậu cung Như ý, Diên hi công lược... toàn thấy diễn viên lồng tiếng nói “đăng cơ”, chứ không nói đăng quang, đăng cực gì hết...”.

Ý kiến khác nhận xét: “Có thể dùng từ khai cơ, nhưng với một triều đại hoàn toàn mới, ví dụ nhà Đường thay nhà Tuỳ. Đăng cơ hoặc đăng cực là nghi thức nhậm chức đặc biệt của người cai trị mới”; “Cơ là gốc rễ, cơ sở, nền móng. Đăng cơ là phát triển, nối dõi truyền thống (gia tộc).

Đăng cơ thường dùng khi thái tử lên ngôi. Đăng quang thường dùng khi vua khác tộc họ lên ngôi. Tuy nhiên đăng quang qua quá trình sử dụng, hiện nay cũng có thể dùng cho thái tử lên ngôi. Còn vua mới không phải thái tử thì không dùng đăng cơ”.

Đành rằng, dùng từ đăng cơ không sai, nhưng chúng tôi thiển nghĩ, báo chí nên dùng từ ngữ đã được Việt hoá quen thuộc, phổ dụng hiện nay là từ “đăng quang” là phù hợp hơn, không nhất thiết phân biệt trường hợp vua mới lên ngôi là đồng tộc hay dị tộc với cựu vương.

Cân nhắc khi sử dụng “từ mới”

Thực ra, từ “đăng quang” hiện ở nước ta được dùng trong nhiều trường hợp, chứ không chỉ trong trường hợp nhà vua lên ngôi, như những tít bài báo gần đây: Người đẹp Philippines đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018, Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2018: Hoàng Cường đăng quang quán quân, Trịnh Bảo của Việt Nam xuất sắc đăng quang Nam vương Quốc tế 2019,..

Lại cá biệt có cuốn từ điển có mục từ đăng quang (燈光) với nghĩa duy nhất là: “ánh sáng của đèn” [Nguyễn Văn Khôn (1960), Hán Việt từ điển, Nhà sách Khai Trí], chứ không hề có mục từ đăng quang (登光) đồng âm với nghĩa là lên ngôi vua như chúng ta đang đề cập.

Trong cuốn từ điển tiếng Việt nêu trên còn có động từ “tức vị” đồng nghĩa với từ đăng quang, đăng cơ, nhưng lâu nay không thấy ai dùng.

Ở thế kỷ XIV, nhà văn hoá lớn, từng làm quan dưới 4 đời vua nhà Trần là danh sĩ Trương Hán Siêu, trong tác phẩm Dục Thuý sơn Linh Tế tháp ký đã dùng từ này để chỉ sự lên ngôi của vua nhà Trần: “Kim thượng tức vị chi nhị niên đông, dư tại kinh sư...” (Vào mùa đông năm thứ hai sau khi đức vua lên ngôi, ta đang ở kinh đô...).

Như vậy, dù có mặt trong nhiều cuốn từ điển tiếng Việt hiện hành, nhưng “tức vị” là một từ cổ, hiện nay không thấy xuất hiện, không còn phổ dụng nữa và dần đi vào quên lãng. Còn “đăng cơ” không phải là từ mới, nhưng vì lâu nay ít dùng, nên khi được sử dụng đã gây nên cảm giác lạ lẫm cho người đọc.

Cuối cùng, chúng ta dùng từ Hán Việt (kể cả từ cũ) đúng chỗ, đúng lúc, đúng sắc thái, có hiệu quả là điều cần thiết để giữ gìn và tôn vinh sự tinh tế, trong sáng của tiếng Việt; không nên chỉ với dụng ý là một cách sử dụng ngôn ngữ theo phong trào, mang tính “thời thượng”, mà cần cân nhắc cặn kẽ, thấu đáo để đạt được hiệu quả giao tiếp tối ưu.
…………………………..

Sắc thái trang trọng, cổ kính

Ngoài ra còn có ý kiến: “Tại sao không dùng lên ngôi, một từ rất dễ hiểu, do người Việt đặt ra và đã dùng quen thay cho đăng cơ, đăng quang?”.

Với câu hỏi này, có lẽ chúng ta cần lưu tâm đến sắc thái trang trọng, tao nhã, cổ kính của từ Hán Việt (cũng chính là từ tiếng Việt chứ không phải từ ngoại lai như nhiều người quan niệm sai lầm) khi sử dụng nhằm biểu thị thái độ tôn kính, trân trọng, làm nổi bật ý nghĩa lớn lao của sự vật, sự việc..., dù cho từ thuần Việt đã có từ tương đương, cũng vẫn cần thiết phải dùng từ Hán Việt, như các trường hợp quen thuộc trước đây: dùng nữ ca sĩ thay cho người đàn bà hát, phu nhân thủ tướng chứ không ai viết vợ/ bà xã thủ tướng, hội kiến tổng thống chứ không nói gặp mặt tổng thống, Hội Nhi đồng cứu quốc chứ không nói Hội trẻ em cứu nước, Hội Phụ nữ chứ không phải Hội đàn bà,...

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TÀI CÔNG và TÀI XẾ


Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng tài công là '(Đà công) Lái phụ, kẻ coi chèo bánh’ nhưng không hề nêu quan hệ từ nguyên giữa đà và tài.

Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì giảng rằng tài là “bánh lái (tức đà đọc theo giọng Quảng Đông)” và tài-công là “đà-công, người lái thuyền”. Riêng về hai tiếng tài xế thì có tác giả cho rằng “tài xế tương đương với từ Hán Việt tải xa”.

Ngoài từ điển của Lê Văn Đức, không thấy sách nào khác quy “tài” về “đà” [舵]. Đây cũng là chuyện dễ hiểu vì hai hình vị này tuyệt nhiên không hề có quan hệ gì với nhau về mặt từ nguyên, nhất là vì âm của chữ “đà” [舵] trong tiếng Quảng Đông không phải là “tài” như Lê Văn Đức đã nêu. Quảng Châu âm tự điển do Nhiêu Bỉnh Tài chủ biên (Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, 1997, tr.438) ghi cho nó âm “to4”, mà nếu ghi theo chữ quốc ngữ của tiếng Việt thì sẽ là “thò”. Đồng thời nó cũng chỉ được dùng với tính cách danh từ (chứ không phải động từ) nên người Trung Quốc cũng không bao giờ nói “đà xa” để chỉ thao tác lái xe! Riêng “đà công” [舵工] thì quả nhiên là một danh ngữ có nghĩa là người lái tàu (thuỷ), là “kẻ coi chèo bánh”, như Huình-Tịnh Paulus Của đã giảng, nhưng “đà” thì không bao giờ cho ra “tài” được!

Còn nói rằng “tài xế” tương đương với hai tiếng Hán Việt “tải xa”, như có tác giả đã nêu thì đó chẳng qua cũng chỉ là chuyện ráp chữ cho ra nghĩa mà thôi chứ Trung Quốc không bao giờ nói “tải xa” để chỉ “tài xế”. Và “tải xa” cũng không hề là một từ tổ cố định trong tiếng Hán. Mà nếu có thì nó cũng chỉ có thể có nghĩa là “chở một/những cái xe [trên một phương tiện vận tải nào đó]” (nếu là ngữ vị từ) hoặc “xe dùng để chở” (nếu là danh ngữ) chứ dứt khoát không có nghĩa là “tài xế”. Vậy thì Trung Quốc gọi “tài xế” là gì? Thưa rằng “tài xế”, tiếng Trung Quốc là “tư cơ” [司機], âm Bắc Kinh (ghi theo pinyin) là sījī, còn âm Quảng Đông thì được Quảng Châu âm tự điển ghi là xi1 géi1.

Nhưng có lẽ nào “tài xế” lại là hai tiếng đã thật sự mất gia phả? Thưa không, “tài xế” chẳng qua chỉ do hai tiếng “đại xa” [大車] đọc theo âm Quảng Đông mà ra. Quảng Châu âm tự điển ghi âm của hai chữ này là dai6 cé1, đọc theo tiếng Việt thì gần như là “tài sé”. Có điều là ở đây, “đại xa” (“tài sé”) không có nghĩa là “xe to”. Nghĩa của danh ngữ này đã được Mathews’Chinese English Dictionary đối dịch là “chief engineer”, nghĩa là trưởng máy. Đương đại Hán ngữ từ điển của nhóm Lý Quốc Viêm (Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2001) giảng (phiên theo âm Hán Việt) là “đối hoả xa tư cơ hoặc luân thuyền thượng phụ trách quản lý cơ khí đích nhân đích tôn xưng”, nghĩa là “tiếng tôn xưng đối với người lái tàu hoả hoặc người phụ trách việc quản lý máy móc trên tàu chạy bằng hơi nước”. Hiện đại Hán ngữ từ điển của Phòng Biên tập từ điển, Sở Nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1992) thì cũng giảng với 20 chữ y chang. Cứ như trên thì, chỉ với một sự “nhích nghĩa” không lớn lắm, “đại xa”, đọc theo âm Quảng Đông “tài sé”, hiển nhiên là nguồn gốc của hai tiếng “tài xế” trong tiếng Việt. Ngoài nó ra, sẽ không thể có nguyên từ (etymon) nào khác. Còn tài công thì chỉ là đà công bị đan xen hình thức với tài xế nên đà mới hoá thành tài mà thôi.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BA TÀU


Chữ Xa 車, âm Hán Việt có nguồn gốc từ Hoa Nam (ở Nam Xương và Mai Huyện – Quảng Đông ngày nay người ta vẫn đọc là [cha]). Âm Xe của nó lại gần với âm Quảng Châu nhất [čhɛ]. Chữ Tàu của Việt ngữ xuất phát từ chữ Tào bộ thuỷ 漕 có từ thời Chiến Quốc, nghĩa là vận tải bằng đường thuỷ. Hán âm [ʒ(h)ǝ̄w], Minh âm [ʒâw].

Từ đó sinh ra từ “Tàu xe” ở Việt ngữ là phương tiện vận chuyển nói chung, đôi khi nó đơn âm hoá chỉ còn mỗi chữ Tàu hoặc Xe như trong Tàu bay, Tàu lửa, Xe lửa… hoặc hoán chuyển thành Xe Đò chính là Xe Tàu.

Do đó hẳn nhiên từ Người Tàu là để chỉ các nhóm dân Hoa Nam di cư đến Việt Nam bằng đường thuỷ. Còn Ba Tàu theo chúng tôi chữ Hán là 番漕, âm đọc lên thành Ba Tào. Chữ Ba 番 còn có âm khác là Phiên, ở Hán ngữ chúng chỉ những dân tộc vùng biên giới (phiên rợ, phiên di 番夷) hoặc các nhóm thiểu số từ ngoại quốc đến. Thế kỷ 18 và 19, bộ ngoại giao Anh đã tốn rất nhiều giấy mực để phản bác chữ “phiên” trong các công văn của nhà Thanh. Nó thường được dùng để chỉ nước Anh nói riêng và các nước Âu – Mỹ nói chung. Sự miệt thị của từ Ba Tàu nằm ở chữ Ba và khá kín đáo.
Từ Ba Tàu nhìn từ góc độ dân tộc học, sẽ bổ sung cho chúng ta thời điểm mà người Việt củng cố ý thức về bản sắc riêng biệt của mình, sau khi đã khẳng định ở Bình Ngô Đại Cáo về cương vực, văn hiến và các triều đại độc lập lâu đời.

Dựa vào đặc điểm và quá trình hình thành dân tộc Kinh, từ Ba Tàu có niên đại sớm nhất là ở đầu triều Lê mà thôi. Bởi vì về bản chất, hoàng gia Lý – Trần cũng là một dạng Ba Tàu, đến Việt Nam từ Hoa Nam. Họ không thể tự miệt thị mình bằng từ ngữ ấy.
Tiện đây, chúng tôi cũng xin bác bỏ giải thích cũ của tác giả An Chi mà nhiều người từng cho là đúng.

Trương Thái Du
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LỐP – TANH – TA LÔNG


Hai thứ phụ tùng lắp vào vành để giúp xe chạy cho êm, dân Nam dùng nguyên vật liệu sẵn có mà kêu là vỏ ruột, còn người Bắc thì phiên âm từ tiếng Pháp gọi là săm lốp: săm do chambre à air còn lốp thì do enveloppe.

Nhưng có ý kiến lại cho rằng lốp có thể do thương hiệu Dunlop mà ra chứ không phải từ danh từ enveloppe của tiếng Pháp vì người Pháp không dùng enveloppe để chỉ lốp xe (Dunlop là một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới về chế tạo lốp xe). Có đúng thế không?

Không đúng. Trước nhất, săm và lốp là một cặp song sinh thì tại sao săm là do chambre à air của tiếng Pháp mà ra còn lốp lại bắt nguồn từ thương hiệu Dunlop của Anh? Thứ đến, cái sai hiển nhiên của ý kiến trên đây là ở chỗ người Pháp vẫn dùng từ enveloppe để chỉ lốp xe, vỏ xe. Đây mới là điểm căn bản.

Cái lốp xe đầu tiên được Robert William Thomson chế ra vào năm 1845 nhưng chuyện đã chìm vào quên lãng. Phải đợi đến năm 1888 thì một bác sĩ thú y người Scotland tên John Boyd Dunlop (1840 - 1921) mới đăng ký tấm bằng sáng chế lốp xe rồi xây dựng xưởng chế tạo lốp vào năm 1889. 3 năm sau (1892) đã thấy danh từ enveloppe của tiếng Pháp cũng dùng để chỉ lốp xe, vỏ xe, như được ghi nhận trong Le Petit Robert (Paris, ấn bản năm 1993): enveloppe d’une chambre à air (vỏ bọc của ruột/săm xe). Một bằng chứng điển hình cho cái nghĩa này là sự hiện diện của danh từ enveloppe trên một tờ quảng cáo lốp xe đạp của Hãng Michelin (ảnh): “ENVELOPPE VÉLO MICHELIN” (Lốp xe đạp Michelin).

Xin nhấn mạnh rằng tuy hiện nay đã được thay thế bằng pneu, dạng tắt của pneumatique, hiện đại hơn, nhưng enveloppe vẫn có thể dùng để chỉ khái niệm “lốp xe”, “vỏ xe”.

Vậy lốp trong săm lốp là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở danh từ enveloppe chứ chẳng có liên quan gì với thương hiệu “Dunlop” cả.

Bây giờ, xin nói về tanh và ta-lông. Tanh, với cái nghĩa “vòng dây thép chịu lực nằm trong mép lốp xe đạp” (Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên) cũng là một từ Việt gốc Pháp bắt nguồn ở từ tringle. Trước 1975 (hoặc 1954), trong Nam không có từ tanh với nghĩa này (mà chỉ có ở miền Bắc); ngược lại, cái mép lốp, mà tiếng Pháp là talon, đã được dân miền Nam phiên thành ta-lông thì không thấy ở miền Bắc. Cái hiện tượng mà miền Bắc gọi là đứt tanh thì trong Nam kêu là banh ta-lông. Sở dĩ có cách gọi đồng nghĩa này là vì cái tanh nằm trong cái ta-lông nên hễ cái tanh mà đứt thì cái ta-lông cũng bung luôn. Khác nhau về cách dùng là ở chỗ đứt tanh không/chưa thấy dùng theo nghĩa bóng còn banh ta-lông thì, ngoài cái nghĩa chuyên môn liên quan đến lốp xe, vỏ xe, còn dùng để diễn cái ý “hư hỏng tan tành”.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỪ NGUYÊN CỦA VIP


Hiện nay, VIP đã trở thành một từ khá quen thuộc trong tiếng Việt. Nhưng, may thay, nó vẫn còn mang 'quốc tịch' Anh chứ chưa phải là một đơn vị từ vựng 'hợp thức' của tiếng Việt.

Đây là một acronym mà thực ra, cho đến nay, tiếng Việt cũng chưa có một thuật ngữ tương ứng thực sự thích hợp để đối dịch. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu Anh-Việt Việt-Anh của Cao Xuân Hạo - Hoàng Dũng (NXB Khoa học xã hội, 2005) đã dịch nó là “tên gọi tắt (bằng chữ đầu)”. Dân Tàu cũng không có một đơn vị từ vựng xứng đáng được gọi là thuật ngữ để đối dịch acronym nên họ hầu như đều nhất trí diễn ý của khái niệm này bằng sáu chữ “thủ tự mẫu súc lược từ”[首字母缩略词]. Sáu chữ này thực ra cũng chỉ có nghĩa là “tên gọi tắt (bằng chữ đầu)”, như trong từ điển của Cao Xuân Hạo và Hoàng Dũng mà thôi. Tuy hiếm hơn nhiều nhưng ở bên Tàu, cũng có người gọi nó là “đầu tự ngữ”[頭字語]. Chúng tôi thì mạn phép theo sát cấu tạo của từ acronym mà dịch nó một cách ngắn gọn thành “đỉnh danh”. Acro là một hình vị gốc Hy Lạp, có nghĩa là “trên cao”, là “đỉnh”; còn nym, cũng gốc Hy Lạp (< onym),="" có="" nghĩa="" là="" tên="" (danh).="" vậy="" acronym="" là="" đỉnh="">

Đỉnh danh là một từ viết tắt bằng những chữ cái khởi đầu của từng thành tố trong một danh ngữ; những chữ này được viết hoa. NASA, chẳng hạn, là đỉnh danh viết tắt từ “National Aeronautics and Space Administration” (Cơ quan Quốc gia Quản lý Hàng không và Vũ trụ [của Mỹ]); còn NATO là đỉnh danh của “North Atlantic Treaty Organization” (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương)... VIP là đỉnh danh của “Very Important Person”, nghĩa là “nhân vật rất quan trọng”. Nó thường dùng để chỉ những nguyên thủ quốc gia, những người đứng đầu chính phủ, các chính trị gia, những người nổi tiếng trong đó có các doanh nhân, những đại gia, nói chung là những người được dư luận và giới truyền thông xem như những nhân vật quan trọng cần có một sự đối xử đặc biệt so với người bình thường.

Tuy đa số người sử dụng đều có thể biết rằng danh từ VIP đi vào tiếng Việt từ tiếng Anh nhưng chắc là rất nhiều người, dĩ nhiên là kể cả người Anh, lại không biết rằng VIP là một acronym mà tiếng Anh đã mượn từ tiếng Nga ВИП (chuyển sang chữ cái La tinh thì chữ В của Nga là V, И là I và П là P). Còn ВИП thì lại là đỉnh danh của “Весьма Именитая Персона” (Ves’ma Imenitaya Persona). “Весьма” là một phó từ, có nghĩa là “rất”; “Именитая” là một tính từ, có nghĩa là “cao sang”, “nổi tiếng” còn “Персона” là một danh từ, có nghĩa là “nhân vật”. Vậy, nếu dịch sát nghĩa thì ВИП là “nhân vật cực kỳ nổi tiếng”. Và, cứ như trên, thì ta có thể khẳng định rằng VIP là một acronym mà người Anh đã mượn “thẳng” từ акроним (đỉnh từ) ВИП của tiếng Nga rồi vừa căn cứ theo nghĩa gốc vừa nương theo tiếng Anh mà “diễn nghĩa” của nó thành “Very Important Person”.

Người ta đã truy nguyên ra rằng đỉnh danh VIP ra đời trong tiếng Anh khoảng từ đầu thập niên 1920 đến đầu thập niên 1930 theo phong trào nhập cư vào nước Anh của người Nga. Còn bây giờ, khi đã đi vào tiếng Việt, thì hình như nó đã bắt đầu bị lạm dụng, vì ở một số nơi ăn uống xô bồ, không phải nhà hàng hay khách sạn sang trọng, ta cũng thấy có phòng... VIP!

Vậy VIP là một từ tiếng Nga đã đi vào tiếng Việt thông qua tiếng Anh.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐĂNG CƠ


Báo motthegioi.vn ngày 2.5.2019 có bài Làm gì có đăng cơ của Nguyễn Thông. Tác giả viết: ‘[...] không biết xuất phát, xuất xứ từ đâu, mà rất nhiều báo, kể cả những tờ lớn có uy tín hoặc đông đảo bạn đọc như Thanh Niên, Zing, Thế Giới, Dân Trí, Ngôi Sao... đều tường thuật, miêu tả sự lên ngôi của thái tử Naruhito bằng từ ‘đăng cơ’. ‘Lật giở các loại từ điển Hán Việt, không thấy từ ‘đăng cơ’. Tẩn mẩn tìm trong những từ điển thuần Việt, cũng không có ‘đăng cơ’. Vậy các nhà báo lấy nó từ đâu để dùng trong trường hợp này? Chịu’.

Rồi tác giả kết luận: “Không ai dùng từ “đăng cơ” để nói về vua lên ngôi, trừ mấy tờ báo thời nay. “Cơ” là từ Hán Việt, có nghĩa nền nhà, cái gốc, cái then cài, bộ phận trọng yếu của thứ gì đó... Không hề có nghĩa nào liên quan tới nhà vua, ngôi vua”. Nguyễn Thông khẳng định rằng: “Cơ là từ Hán Việt, có nghĩa nền nhà, cái gốc, cái then cài, bộ phận trọng yếu của thứ gì đó...”. Thực ra, ở đây, ta có hai chữ/từ cơ khác nhau. Chữ cơ [基] bộ thổ [土] thì mới có nghĩa là “nền nhà”, là “cái gốc” còn “then cài” và “bộ phận trọng yếu” thì thuộc về chữ cơ [機, giản thể là 机] bộ mộc [木]. Vì vậy nên không thể gộp chung các nghĩa đó mà coi là của một chữ/từ được.

Còn cái sai chính của Nguyễn Thông là tác giả này đã khẳng định rằng: “Lật giở các loại từ điển Hán Việt, không thấy từ đăng cơ”. Chẳng qua là tác giả lật giở chưa đủ các loại chứ Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh (NXB Trẻ, TP.HCM, 1999, tr.1393) ghi nhận rõ ràng: - [登基] đăng cơ [dēngji]: Lên ngôi (vua) Từ điển Hán - Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2008, tr.329) thì ghi: - [登基] dēng//ji (Vua) Lên ngôi.

Còn từ điển đơn ngữ tiếng Hán thì khỏi nói. Tiếng Hán có từ tổ đăng cơ đại điển [登基大典], để chỉ nghi thức lên ngôi (của tân hoàng đế). Trong tiếng Hán, ngoài hai tiếng đăng cơ, “lên ngôi” còn gọi là tức vị [即位], tiễn tộ [踐祚], đăng cực [登極] nhưng đăng quang thì không thấy. Dĩ nhiên là hai tiếng đăng cơ [登基] vẫn còn thông dụng trong tiếng Hán hiện đại, như có thể thấy trong những lời tường thuật trên báo chí về lễ đăng quang của tân thiên hoàng ở Nhật Bản hoặc tân quốc vương ở Thái Lan mới đây, mà dẫn chứng thì đầy rẫy trên mạng nên chúng tôi không cần dẫn ra. Chỉ xin nêu một bằng chứng điển hình là tên quyển tiểu thuyết ngôn tình của Tiêu Tương Bích Ảnh [潇湘碧影] trên trang Tấn Giang văn học thành [晋江文学城] là Lão công tử liễu ngã đăng cơ [老公死了我登基] (ảnh), có nghĩa: “Ông chồng chết rồi, ta lên ngôi”.

Còn đăng quang là một cấu trúc do người VN đặt ra bằng hai yếu tố Hán Việt đăng [登] và quang [光] để chỉ sự lên ngôi. Nó không được ghi nhận trong từ điển Hán ngữ nhưng lại được ghi nhận trong từ điển Hán Việt, như Việt - Hán thông thoại tự - vị của Đỗ Văn Đáp (phụ trong mục đăng cực), Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng và dĩ nhiên là trong các quyển từ điển tiếng Việt.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“KÍNH” TRONG “CỔ KÍNH”


Trong tiếng Việt, “cổ kính” là từ khá thông dụng. Tuy nhiên, việc giải nghĩa từ, từ tố của “cổ kính” trong các sách từ điển tiếng Việt còn thiếu thống nhất.

         Từ điển tiếng Việt (New Era) giải thích: “Cổ kính: Cổ xưa và đáng kính • Những truyền thống cổ kính của dân tộc.”

Từ điển từ và ngữ Hán Việt(GS Nguyễn Lân): “Cổ kính (cổ: xưa cũ; kính: tôn trọng) Lâu đời rồi, nhưng còn đáng tôn trọng: Những công trình kiến trúc cổ kính của ông cha để lại.”

-Từ điển tiếng Việt (Nguyễn Tôn Nhan-Phú Văn Hẳn) “Cổ kính: Xưa và có vẻ trang nghiêm”.

         Từ điển tiếng Việt (Vietlex) “Cổ kính古敬 [tính từ] cổ và có vẻ trang nghiêm •toà lâu đài rêu phong và cổ kính; cây đa cổ kính.”

        Như vậy, các sách từ điển trên đây, hoặc giải thích rõ nghĩa từ tố “kính”, hoặc giải nghĩa từ “cổ kính” theo hướng “kính” nghĩa là kính trọng, trang nghiêm. Riêng Từ điển tiếng Việt (Vietlex, bản có chú chữ Hán-2015) ghi rõ mặt chữ “kính”, trong “cổ kính” là敬 (nghĩa là cung kính).

    Vậy, có đúng “kính” trong “cổ kính” nghĩa là “kính trọng”, cung kính không? Xin lại trích dẫn cách giải thích của một số từ điển khác.

        -Hán Điển giảng nghĩa từ “cổ kính” như sau: “古勁 [simple and vigorous] [書法,繪畵等] 古朴而雄健有力•篆書古勁” Nghĩa là: “Cổ kính [có vẻ chất phác mà hùng hồn, đầy khí lực] [chỉ về thư pháp, hội hoạ] Có vẻ cổ phác mà hùng kiện, bút lực già dặn• Ví dụ: triện thư cổ kính”.

        -Từ điển Việt Hán (GS Đinh Gia Khánh hiệu đính): “Cổ kính 1.古勁, 健勁 • nét bút cổ kính. • 沉郁頓挫 (指書法)  2.古老的.” Phiên âm phần chữ Hán: “Cổ kính: 1.Cổ kính, kiện kính • nét bút cổ kính • trầm úc đốn toả (chỉ thư pháp) 2. Cổ lão đích”. Dịch nghĩa phần chữ Hán: Cổ kính: 1.Cổ kính, cứng mạnh • nét bút cổ kính • thâm hậu, hùng hồn (chỉ thư pháp) 2. Cổ xưa”.

        -Quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của): “Cổ kính: Sành sỏi, cứng cáp theo điệu xưa (văn chương)”.

        -Việt Nam tự điển (Hội Khai trí tiến đức): “Cổ kính古勁 già giặn, cứng mạnh:Nét bút cổ kính.”

        -Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ): “Cổ kính • [tính từ]. Già-giặn, mạnh-mẽ. • [danh từ]. Cái kiếng soi cũ : Đập cổ-kính ra tìm thấy bóng-Tự-Đức”.

        Như vậy, “kính” trong “cổ kính” 古勁 có tự hình là 勁, nghĩa là cứng mạnh, chứ không phải chữ “kính” 敬nghĩa là “tôn trọng”. Trong Hán ngữ, từ “cổ kính” 古勁 thường dùng để chỉ vẻ đẹp cổ điển, thể hiện sự già dặn, hùng hồn, rắn rỏi, đặc biệt là trong thư pháp, hội hoạ. Với tiếng Việt, nghĩa của “cổ kính” 古勁 rộng hơn, hiện nay chủ yếu dùng để mô tả những sự vật, công trình kiến trúc cổ có dáng vẻ già nua, rêu phong, trầm mặc.

          Còn “cổ kính” 古鏡 (danh từ), nghĩa là “gương xưa”, trong thơ của vua Tự Đức:“Đập cổ kính ra tìm thấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi”, tự hình là kính 鏡 khác với hai chữ “kính” 勁 trong “cổ kính” 古勁, và kính 敬trong cung kính 恭敬.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TẠI SAO NGƯỜI HOA
ĐƯỢC GỌI LÀ “BA TÀU”


Thông thường, người Hoa ở Việt Nam được gọi là người Việt gốc Hoa để tránh trường hợp gây tranh cãi về thuật ngữ và thái độ kỳ thị.

Vào khoảng năm 1679, quân Mãn-Thanh từ biên cương tràn vào và lật đổ triều đình nhà Minh.

Khi đó, quan tổng binh của tỉnh Quảng-Đông là Trần-thượng-Xuyên và quan tổng binh của tỉnh Quảng-Tây là Dương-ngạn-Địch đã dẫn theo 2 phó tướng của bọn họ, cộng thêm gia-quyến cùng tuỳ tùng, để kết làm một đoàn khoảng 3000 người chạy sang nước Việt xin quy phục.

Bọn họ chạy theo đường biển để cập cảng nước Việt trên 3 chiếc tàu lớn (và khoảng 50 thuyền nhỏ phục vụ cho chiến đấu).

Từ Ba Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn Chợ Lớn, Hà Tiên; từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam.

Còn có cách giải thích khác: Người Việt thường xưng hô theo thứ tự như anh Hai (con cả) anh Ba (con thứ)… Vì lý do đó mà người Tàu thường lễ phép gọi thân mật người Việt đang làm ở các cơ quan Pháp thời đó là anh Hai (cậu Hai) và xem mình là em (anh Ba). Từ đó người Việt mới gọi anh Ba (Tàu) là vậy.

Nguồn: Cholon Downtown


NGƯỜI HOA VÙNG CHOLON TRƯỚC 1975
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [22] [23] [24] [25] [26] [27] [28] ... ›Trang sau »Trang cuối