Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

DÙNG TỪ THUẦN VIỆT
ĐỂ VỪA DỄ HIỂU, VỪA CHÍNH XÁC


Có lần tôi cảm giác như nhai phải hạt sạn khi đọc cái tít trên báo điện tử Vietnamnet: “Một nam giới tự sát trước nhà quốc hội Mỹ”. Dường như người làm báo viết cho có, chả thèm quan tâm đến tiếng Việt phải dùng thế nào mới chính xác.
Chẳng cần phải giở từ điển, hầu như ai cũng hiểu nam giới là danh từ chỉ giới tính nam, hay còn gọi là giới tính đàn ông, nam, đực. Ngược lại với giới tính này là giới tính nữ, phụ nữ, đàn bà, cái. Khi có chữ giới thì chỉ nhằm chỉ giới tính chứ không chỉ đối tượng cụ thể (một người hoặc nhóm người) nào đó.

“Giới” là danh từ chỉ một loại đối tượng con người nào đó trong xã hội, phân biệt theo đặc điểm riêng, ví dụ đàn ông đàn bà, tuổi tác, nghề nghiệp, lĩnh vực, tính chất..., chẳng hạn: giới nghiên cứu khoa học, giới văn nghệ, giới phụ nữ, giới thanh niên, giới quân sự, giới lý luận... Giới khi đi với danh từ (hoặc cụm danh từ) nào đó thường để chỉ số nhiều chứ không nhằm vào số ít.

Đàn ông (nam) là người có giới tính nam, giống đực; đàn bà (nữ) là người có giới tính nữ, phụ nữ, giống cái. Những từ đàn ông, đàn bà trong tiếng Việt đã phân biệt rất rõ giới tính, rất dễ hiểu, không cần phải dùng từ Hán Việt làm gì. Tuy nhiên, có những mẫu văn bản, để cho trang trọng, gọn gàng, người ta vẫn dùng từ Hán Việt nam, nữ, ví dụ trong bản lý lịch, mục giới tính thì đề sẵn là nam hay nữ.

Truyện Kiều có câu “Đàn bà dễ có mấy tay/Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan”. Ca dao có câu “Khôn ngoan cũng thể đàn bà/Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông”, hoặc “Đàn ông nông nổi giếng khơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”... Cả văn chương bác học lẫn văn chương bình dân đều dùng từ thuần Việt, dễ hiểu. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (tháng 12.1946), để giản dị, dễ hiểu, nhanh chóng truyền tải thông tin kêu gọi tới mọi người, cụ Hồ đã viết “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc; hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu nước”.

Trong trường hợp trích dẫn báo Vietnamnet đã nêu ở trên, chỉ cần viết đơn giản mà chính xác là “Một người đàn ông tự sát trước nhà quốc hội Mỹ”.

Nguyễn Thông

https://1.bp.blogspot.com/-Hn-KPAH8J1E/YMcnfkzSugI/AAAAAAACQZs/HE5FKP1gtt4-5Fg-GBQTNz73CHFzK_OBQCLcBGAsYHQ/w640-h566/11.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHỮNG LỖI SAI PHỔ BIẾN
KHI DÙNG TỪ HÁN VIỆT


Lớp từ Hán Việt thường có sắc thái trang trọng, trong khi lớp từ thuần Việt lại bình dân và sinh động hơn. Nhiều từ Hán Việt đã được Việt hoá thông dụng, có từ đã biến đổi ý nghĩa.

Khi từ gốc Hán được 
Việt hoá

Nhiều người dùng mượn hình thức ngữ âm của từ Hán rồi thay đổi nghĩa, thu hẹp nghĩa, cho thêm nghĩa mới.

Ví dụ, “phương phi” nghĩa Hán là “hoa cỏ thơm tho”, người Việt hiểu sang “béo tốt”.
Tương tự, “khôi ngô” nghĩa “to lớn, cao to” sang nghĩa “mặt mũi sáng sủa, dễ coi”; “bồi hồi” nghĩa “đi đi lại lại” sang nghĩa “sự xúc động”; “đinh ninh” nghĩa “dặn dò” sang nghĩa “tin chắc, yên chí”; “lang bạt kỳ hồ” nghĩa “lúng túng, quanh quẩn tại chỗ” sang nghĩa “lang thang khắp nơi khắp chốn” (Theo Đặng Đức Siêu, Ngữ văn Hán Nôm)...

Từ “khuyến mãi” nay dùng thành “khuyến mại”. Cụm từ “kích thích nhu cầu tiêu dùng” rút thành “kích cầu” - từ này đang dần được chấp nhận. Từ “yêu cầu” là một động từ. Nhưng hiện từ “yêu cầu” hay được dùng với nghĩa danh từ. Ví dụ: “mục đích yêu cầu”...

Từ “đáo để” trong tiếng Hán có nghĩa là “đến đáy”, nhưng khi đi vào tiếng Việt nó lại có nghĩa là cách cư xử không đẹp, khiến người ta khó gần; hoặc có khi nó được dùng làm tiếng đệm nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của tính từ giống như các từ chỉ mức độ “vô cùng”, “rất”, “lắm”... (Theo Hữu Đạt, Sai, đúng trong cách dùng từ Hán Việt và vấn đề “giải pháp”).

Trên thực tế, các từ gốc Hán khi du nhập vào tiếng Việt hầu hết đã bị biến đổi do áp lực của cấu trúc tiếng Việt.

Chỉ sau một thời gian, bản chất Hán của các từ này đã bị tiếng Việt đồng hoá để không còn cái vẻ nguyên dạng ban đầu. Hoặc là nó bị biến đổi về ngữ âm, hoặc là nó bị biến đổi về ngữ nghĩa theo cách tri nhận mới của người Việt Nam qua cái vỏ âm thanh ban đầu. Hoặc nhiều tiếng Hán Việt bị hiểu sai; lâu dần, cái nghĩa hiểu sai được phổ biến hơn nghĩa tinh xác và do đó được công nhận là nghĩa đúng (Theo Bùi Đức Tịnh, Ngữ pháp Việt Nam giản dị và thực dụng).

Những lỗi thường gặp

Nhiều trường hợp người sử dụng chưa nắm được nghĩa của từ Hán Việt, khiến từ trở nên vô nghĩa hoặc dẫn đến sai trầm trọng.

Dùng từ sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt: nhầm lẫn giữa hai từ “khả năng” - năng lực của con người có thể làm được việc gì đó với “khả dĩ”. Từ “quá trình” là đoạn đường đã đi qua: “quá” là đã qua, “trình” là đoạn đường. Nếu viết từ “quá trình” dùng ở thì tương lai “quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi sẽ rất thuận lợi” là sai.

Có thể dùng từ “tiến trình” cho câu trên. Ta có thể viết “hôn lễ” (lễ cưới), “hôn phối” (lấy nhau). Nhưng nếu nói hôn phu, hôn thê, hôn quân lại mang nghĩa là người chồng u mê, người vợ u mê, nhà vua u mê...

Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm): chữ “goá phụ” trong sách báo chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Tính từ “goá” là tiếng Nôm không thể đặt trước danh từ “phụ”. Nên gọi là gái goá (toàn Nôm), hay “quả phụ” (toàn Hán Việt).

Từ “nữ nhà báo” thường được dùng trên các phương tiện truyền thông. Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi là “nhà báo nữ”, hoặc dùng ba từ Hán Việt là “nữ ký giả” hay “nữ phóng viên”.

Lạm dụng và dùng sai từ Hán Việt khá phổ biến khi kết hợp từ “tặc” (ăn cướp) với các từ khác như: tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, đinh tặc... để chỉ những tên ăn trộm.
Cách dùng này sai về ngữ pháp (từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép), sai về nghĩa: tặc là ăn cướp, đạo () là ăn trộm. Thay vì sính dùng từ Hán Việt, ta có thể nói là: bọn ăn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê...
Hiện từ “đinh tặc” đang được nhiều báo chí dùng với tần suất lớn với nghĩa chỉ bọn rải đinh trên đường, trong khi “đinh tặc” chỉ có nghĩa là bọn ăn cướp đinh, chỉ bọn rải đinh trên đường là sai nghĩa...

Nhiều từ Hán Việt hiểu sai nên viết sai: từ “tham quan” nghĩa là đi chơi để ngắm cảnh thay từ “thăm quan”; “chấp bút” viết thành “chắp bút”, “lặp lại” viết thành “lập lại”, “trùng lặp” viết thành “trùng lắp”, “hằng ngày” viết thành “hàng ngày”, “thập niên” viết thành “thập kỷ”, “điểm yếu” thành “yếu điểm”...

Tất nhiên, khi xem xét tới tính sai, đúng của việc dùng từ Hán Việt, việc đối chiếu từ nguyên là việc làm có phần cứng nhắc, dễ dẫn đến việc làm mất đi tính năng động của từ Hán Việt với tư cách là một sự sáng tạo rất linh hoạt của người Việt Nam.
Từ Hán Việt tuy có nguồn gốc từ tiếng Hán, nhưng nó đích thị hoàn toàn là của người Việt Nam, được dùng theo cách của người Việt Nam. Nên hiểu đúng và dùng đúng ngữ nghĩa của từ Hán Việt là chúng ta đang góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bổ sung, làm giàu thêm vốn từ vựng phong phú, nối dài nét đẹp văn hoá và chữ viết của người Việt.

Vai trò của báo chí trong chuẩn hoá và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có ý nghĩa quan trọng. Bởi tiếng Việt là một trong số gần 50 ngôn ngữ đang được sử dụng rộng rãi nhất trái đất. Không phải tự dưng tiếng Việt có thể tồn tại và phát triển, trong khi đã có hàng ngàn ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc bị huỷ diệt theo dòng chảy phát triển của nhân loại.

Nhiều người dùng chưa nắm được nghĩa từ Hán Việt

Từ Hán Việt là một loại từ đặc biệt trong vốn từ vựng tiếng Việt, là một bộ phận rất quan trọng của kho từ vựng tiếng Việt.

Lớp từ Hán Việt có khối lượng lớn, được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, nghệ thuật...

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của khoa ngôn ngữ, có tới 16 hình thức sử dụng sai từ Hán Việt khá phổ biến hiện nay như: sai vì không hiểu gốc Hán Việt, sai vì cố ý sửa gốc của từ, sai vì không hiểu văn phạm giữa Hán Việt và Hán Nôm, sai vì dùng từ thiếu chính xác ngữ cảnh; dùng sai nghĩa từ thuần Việt lại tưởng từ Hán Việt, dùng từ Hán Việt vô nghĩa và lộn xộn, cóp y nguyên tiếng Tàu đang sử dụng và coi đó là từ Hán Việt, đảo ngược ngữ pháp hay cấu trúc từ Hán Việt, đảo từ ghép Hán Việt sai và không đúng cách, thiếu từ cho các thuật ngữ khoa học công nghệ hay chuyển nghĩa từ ngoại ngữ phương Tây sang...
LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỪ HÁN-VIỆT
HAY NHẦM LẪN


Có một số từ gốc Hán Việt mà nhiều người thường nhầm khi sử dụng, cụ thể là là giả thiết - giả thuyết, thập niên - thập kỷ. Nghe qua thấy chúng có vẻ gần nghĩa nhau, nhưng nên dùng chính xác trong mỗi trường hợp thì vẫn hơn.

Trước hết nói về cặp từ GIẢ THIẾT - GIẢ THUYẾT. “Giả thiết” có nghĩa là điều gì đó, một vấn đề gì đó được nêu ra tạm coi như có, rồi có thể căn cứ vào đó mà suy luận, mà tìm ra sự thực. Khi nêu giả thiết nào đó, người ta thường căn cứ vào một số sự vật, hiện tượng có thực nhưng chưa chắc chắn lắm. Đó chỉ là dạng phỏng đoán. Chẳng hạn giả thiết vụ nổ mìn ở tỉnh Q là do mâu thuẫn cá nhân bởi trước đó có biểu hiện mâu thuẫn cá nhân giữa những người liên quan. Nhưng cũng lại có giả thiết khác cho rằng có thể do quan hệ nam nữ bởi nạn nhân từng bị nhắn tin đe doạ này nọ sau khi từ chối tình yêu… Cơ quan điều tra nêu ra nhiều giả thiết từ một vấn đề, vụ việc để từ đó điều tra, loại trừ, tìm ra sự thực.

“Giả thuyết” khác giả thiết ở chỗ nó là cách giải thích một hiện tượng hoặc một vấn đề nào đó, dù chưa phải là đúng nhưng tạm được chấp nhận. Khi nêu giả thuyết, người ta có cơ sở lý luận, sự tìm hiểu, phân tích, lý giải có hệ thống, thậm chí có căn cứ khoa học, chứ không phải chỉ phỏng đoán này nọ. Ví dụ, giả thuyết về cái chết của ông Tạ Thu Thâu lãnh tụ troskist sau CMT8 dù chưa được thừa nhận là đúng nhưng có nhiều cơ sở để tin như vậy; hoặc giả thuyết vụ nổ ghê gớm ở Tunguska (Siberia, Nga) năm 1908 là do thiên thạch bởi các nhà khoa học phát hiện được những vật thể lạ, khác với vật chất trái đất xung quanh nơi phát nổ.

Nói tóm lại, nhiều nhà báo hay nhầm khi dùng từ “giả thuyết” mà lý ra phải là “giả thiết” mới đúng.

Cũng thường thấy trên báo chí và tivi, người ta hay dùng từ THẬP KỶ, với ý để chỉ khoảng thời gian 10 năm. Có người còn diễn giải, thập là 10, kỷ là thế kỷ, thập kỷ tức là 10 năm của thế kỷ. Mà chẳng riêng nhà báo (phóng viên, biên tập viên), ngay cả một số cán bộ to, trí thức lớn cũng vẫn dùng “thập kỷ” theo nghĩa ấy. Tuy nhiên dùng thế là sai. Vì sao?

“Kỷ” là từ Hán Việt, có nhiều nghĩa: Để chỉ thời gian địa chất từ ngàn năm trở lên, ví dụ kỷ phấn trắng, kỷ Jura, kỷ băng hà...; Là khoảng thời gian gồm 12 năm theo quy định tính của người xưa, cứ 12 năm gọi là một kỷ; Kết hợp với một từ nào đó, chỉ thời gian nhất định, ví dụ: thế + kỷ = thế kỷ (100 năm), kỷ nhà Lê, kỷ nhà Nguyễn... Từ điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh cũng giải nghĩa rất rõ: kỷ là 12 năm.

Như vậy, muốn chỉ 10 năm thì phải viết thập niên (niên là năm) chứ không phải thập kỷ, bởi thập kỷ tính ra những 120 năm. Sau đây là một ví dụ về cách viết chính xác của người xưa (tôi trích nguyên đoạn không sai một chữ nào):

“Hoàng tử thứ sáu là Nhật Duật. Trước có đạo sĩ ở cung Thái Thanh tên là Thậm làm lễ cầu tự cho vua. Khi đọc sớ xong, Thậm tâu với vua rằng: Thượng đế đã y lời sớ tâu, sẽ sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế này 4 kỷ. Rồi thì hậu cung có mang, quả nhiên sinh con trai, trên cánh tay có chữ “Chiêu Văn đồng tử”, nét chữ rõ ràng, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (tức Trần Nhật Duật). Đến khi lớn lên chữ mới mất đi. Năm Chiêu Văn vương Nhật Duật 48 tuổi, ốm nặng hơn 1 tháng, các con Duật làm chay, xin giảm bớt tuổi của chúng để cha được sống lâu. Đạo sĩ đọc sớ xong, đứng dậy nói: Thượng đế xem sớ, cười và bảo rằng: “Sao lại quyến luyến trần tục ở lại lâu thế. Song các con thực là có hiếu, vậy cho Duật được sống thêm hơn 2 kỷ nữa”. Rồi khỏi bệnh. Đến khi Duật mất, tuổi 77, được đủ 6 kỷ lẻ 5 năm” (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, kỷ nhà Trần).

Sau này người ta còn sáng tạo ra từ mới, như THIÊN NIÊN KỶ, ví dụ mục tiêu thiên niên kỷ, nhưng viết như vậy cũng không chính xác, đúng ra chỉ cần viết thiên kỷ hoặc thiên niên là được, để áng chừng 1 nghìn năm.

Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHIỀU LỖI LIÊN QUAN
ĐẾN TỪ HÁN-VIỆT


Tôi còn nhớ hồi học đại học, một hôm thầy giáo vào lớp bảo mỗi sinh viên lấy một tờ giấy giải thích những từ sau: báo, chí, báo chí, phóng, viên, phóng viên, phóng, sự, phóng sự... Sinh viên ngành báo chí không phải là dân “ngoại đạo” với chữ nghĩa nhưng hôm ấy đều ngắc ngứ!

Lần khác học môn biên tập báo chí, thầy nhiều lần phê bình lớp chúng tôi bởi rất nhiều trường hợp “lợn lành chữa thành lợn què” mà trong đó có không ít lỗi liên quan đến từ Hán - Việt.

Sự nhầm lẫn chữ nghĩa có liên quan đến từ Hán - Việt xảy ra rất thường xuyên. Có lẽ đây là những ví dụ không xa lạ với tất cả chúng ta:

- “Với nhà thơ Phạm Tiến Duật, cuộc đời anh như một bài thơ dài, những câu thơ của nhà thơ chiến sĩ từng tiếp lửa, sưởi ấm bao tâm hồn trong chiến tranh cũng như hoà bình thì nay lúc nhà thơ nằm xuống, những người yêu anh, trong đó có cả những người chỉ yêu thơ mà chưa được gặp đã đến sưởi ấm nhà thơ phút lâm chung này. (Tang lễ nhà thơ Phạm Tiến Duật: Vĩnh biệt một nhà thơ xuất sắc, báo C, ngày 12-12-2007).

“Lâm chung” là sắp tắt thở, sắp chết. “Phút lâm chung” là thời khắc mà con người sắp từ giã cõi đời, trong khi ở đây phóng viên đang viết về lễ tang nhà thơ Phạm Tiến Duật (mất ngày 4-12-2007, lễ tang tổ chức ngày 11-12-2007) nên không thể nói “phút lâm chung” trong hoàn cảnh này!

- Báo V có bài Cựu thủ tướng Ukraine “thoát y” trang sức trước Quốc hội, đăng ngày 10-10-2006. Bài báo nói về hành động tháo bỏ đồ trang sức đang đeo trên người của cựu thủ tướng Tymoshenko.

Trong bài báo này, tác giả dùng cụm từ thoát y trang sức dù chữ thoát y có được đặt trong ngoặc kép là không chính xác. Thoát y có nghĩa là (tự) cởi quần áo, không thể dùng cho trang sức.

Tiếng Việt hiện nay có rất nhiều từ Hán - Việt. Nhưng không phải ai cũng hiểu và hiểu đúng các từ này. Nhiều trường hợp dùng sai trên báo chí có thể làm một bộ phận người đọc hiểu sai theo và bắt chước.

Trên đây chỉ là vài ví dụ nhỏ.

Rất mong Bộ Giáo dục - đào tạo lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, các nhà giáo về việc nên hay không nên dạy chữ Hán hay từ Hán - Việt trong nhà trường; nếu có thì dạy như thế nào...

Xét cho cùng học chữ Hán hay từ Hán - Việt là để sử dụng tiếng Việt cho đúng (cho hay), góp phần gìn giữ và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt.

TRỊNH MINH GIANG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÂN NHẮC KHI DÙNG
TỪ HÁN VIỆT


Mới đây, người viết bài này nhận được tấm thiệp cưới, ở mục hôn chủ đứng tên mời cưới ghi hai bên ông bà thông gia: “Ông goá vợ - Bà quả phụ”.


Nhiều người cảm thấy buồn cười, bàn luận sôi nổi, cho rằng dùng cụm từ “bà quả phụ” ghi trên thiệp cưới trang trọng như vậy là chuẩn rồi, nhưng dùng cụm từ “ông goá vợ” nôm na quá, chưa phù hợp, chưa đăng đối. Nhưng khi được hỏi: thế phải dùng từ gì cho tương xứng thì tất thảy mọi người có mặt đều lúng túng, không biết chọn từ nào để thay thế.

Thực ra, trong tiếng Việt thì từ “quả phụ” là một từ Hán Việt khá thông dụng, quen thuộc, hầu hết mọi người đều hiểu nghĩa và sử dụng trong trường hợp trang trọng với nghĩa là: “người đàn bà goá”; trong đó, từ “goá” nhằm chỉ người chưa được nhiều tuổi hoặc hãy còn trẻ mà “có chồng hay vợ đã chết”. Nhưng chắc vì tìm trong vốn từ tiếng Việt không có từ Hán Việt nào chỉ người đàn ông mất vợ, tương ứng với từ “quả phụ”, nên người viết đành phải dùng từ “goá vợ” để ghi lên thiệp cưới như trên.

Trong từ vựng tiếng Hán, có từ “quan phu” nghĩa là “người goá vợ”, tương ứng với từ “quả phụ”, khá phù hợp khi dùng trong trường hợp trang trọng. Nhưng có lẽ từ này ít thông dụng trong tiếng Việt, không phổ biến nên ít người biết để sử dụng.

Tương tự, có lần anh trưởng phòng hành chính trường tôi viết thông báo tin buồn trên bảng tin: “Cha chồng cô X. đã mất...” mà lúng túng không tìm ra từ tương ứng với từ “nhạc phụ” (cha vợ), “nhạc mẫu” (mẹ vợ) trong trường hợp cần phải thể hiện sắc thái trang trọng này.

Rõ ràng, vì nhiều lý do (sẽ bàn trong một dịp khác) mà những từ Hán Việt “nhạc phụ”, “quả phụ” trở nên thông dụng, còn những từ tương ứng chỉ cha chồng, người goá vợ lại không phổ dụng trong tiếng Việt.

Cũng về trường hợp dùng từ Hán Việt, mấy hôm nay dư luận dậy sóng phản ứng khi biên tập viên bản tin tài chính - kinh doanh phát trên VTV1 (ngày 17-8) gọi những người bán hàng rong là “sống ký sinh trùng”.

Từ Hán Việt “ký sinh trùng” vốn đơn thuần chỉ những động vật bậc thấp, sống trong cơ thể các sinh vật khác, hút chất dinh dưỡng từ cơ thể các sinh vật ấy, như “ký sinh trùng sốt rét”... Chỉ dùng riêng từ “ký sinh” để chỉ những người bán hàng rong đường phố vốn đã là không phù hợp vì “ký sinh” có hàm nghĩa tiêu cực là “ăn bám” vào cơ thể các sinh vật khác, như kiểu nói mang sắc thái nghĩa âm tính: “giun sán ký sinh trong ruột động vật”.

Chưa bàn đến việc mắc lỗi cơ bản sai ngữ pháp khi sử dụng tổ hợp “sống ký sinh trùng”, mà chỉ riêng việc biên tập viên dùng từ “ký sinh”, “ký sinh trùng” để chỉ những người bán hàng rong trên đường phố không những phạm lỗi dùng từ không đúng phong cách, sai về ngữ nghĩa, mà còn mang nội dung hạ thấp một cộng đồng dân cư mưu sinh lương thiện.

Thực ra, xét về nghĩa gốc, yếu tố Hán Việt “ký” trong các từ trên vốn mang nhiều nghĩa, trong đó có nét nghĩa là “nhờ”: “sinh ký” là sống nhờ, sống gửi, “ký thác” là “gửi nhờ trông nom, giữ gìn”... nhưng nét nghĩa âm tính “ăn bám” đã vượt trội hơn, lấn át các nghĩa khác gây nên phản ứng ngoài mong muốn một cách ầm ĩ từ dư luận mấy hôm nay.

Trong trường hợp trên, thận trọng hơn thì không dùng từ Hán Việt “ký sinh” mà nên dùng cụm từ có sắc thái trung hoà “mưu sinh trên đường phố” sẽ phù hợp hơn.

Cho nên, cần cân nhắc dùng từ thuần Việt hay Hán Việt trong từng ngữ cảnh cụ thể; sử dụng từ Hán Việt sao cho đúng chỗ, đúng lúc, đúng sắc thái, có hiệu quả là điều cần thiết để giữ gìn và tôn vinh sự tinh tế, trong sáng của tiếng Việt. Không nên lạm dụng từ Hán Việt hoặc theo phong trào, hoặc cho ra vẻ “thời thượng”, mà cần cẩn trọng, câu chữ cặn kẽ, thấu đáo để đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất, tránh vô tình gây nên những hiệu ứng ngược từ dư luận không đáng có như trường hợp trên.

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TIẾNG VIỆT
VAY MƯỢN TỪ NGƯỜI TÀU-[1]


Có thể nói, bất kỳ một ngôn ngữ trên trái đất này cũng đều trải qua hình thức vay mượn từ các ngôn ngữ khác. Ảnh hưởng về văn hoá là một trong những tác động chính trong việc vay mượn về ngôn ngữ. Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố khác như địa lý, lịch sử, chính trị và xã hội trong việc hình thành ngôn ngữ vay mượn. Miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng vốn là một “melting pot”, dễ dàng hoà nhập với các nền văn hoá khác từ tiếng Tàu, tiếng Pháp và cuối cùng là tiếng Anh.

Có thể lấy bài hát Gia tài của mẹ của Trịnh Công Sơn để giải thích sự vay mượn của ngôn ngữ Việt: “Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày…” Như vậy, Việt Nam đã trải qua ba thời kỳ ảnh hưởng, lần lượt theo thứ tự thời gian là của Tàu, sau đó đến Pháp và cuối cùng là Mỹ trong những năm chiến tranh gần đây nhất.

Trước hết, xin được bàn về ảnh hưởng của Trung Hoa mà ta thường gọi nôm na là Tàu cùng những biến thể như Người Tàu, Ba Tàu, Các Chú, Khách Trú và Chệt hoặc Chệc. Gia Định Báo (số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16/2/1870) giải thích:

“…An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hoá qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v… Từ Ba-Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn-Chợ Lớn, Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu…”

“…Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy…”

“…Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An-nam ta, thấy người ta tuổi đáng cậu, cô, chú, bác thì kêu tâng là chú là cậu vân vân. Người An-nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc…”


Cách giải thích thuật ngữ nói trên của Gia Định Báo từ thế kỷ thứ 19 được coi là tạm ổn vì đây là một trong những tài liệu xưa có xuất xứ từ miền Nam. Theo Lê ngọc Trụ trong Tầm nguyên Tự điển Việt Nam, chệc hay chệt là tiếng Tiều gọi chữ thúc, nghĩa là “em trai của cha”. Người bình dân gọi Chệc để chỉ chung người Hoa.

Người Quảng Đông cho là gọi như thế có ý miệt thị, người Triều Châu trái lại, chấp nhận vì họ được tôn là chú. Ở miền Nam, “các chú” Quảng làm ăn buôn bán khá hơn “các chú chệc” người Tiều lam lũ trong nghề làm rẫy, tằn tiện nên không biết có phải vì vậy mới có câu:

Quảng Đông ăn cá bỏ đầu
Tiều Châu lượm lấy đem về kho tiêu!

Người Tiều lại chê dân Quảng không biết ăn cá. Họ nói món cháo cá Tiều khi ăn có vị ngọt đặc biệt nhờ chỉ rửa sạch bên ngoài, giữ lại nguyên si vảy, đầu và cả ruột! Dân Tiều ở miền Nam “chuyên trị” những món cá chim hấp, bò viên, tôm viên, ruột heo nấu cải chua… và nhất là món hủ tíu Tiều Châu.

Người ta còn dùng các từ như Khựa, Xẩm, Chú Ba… để chỉ người Tàu, cũng với hàm ý miệt thị, coi thường. Tuy nhiên, có sự phân biệt rõ ràng trong cách gọi: phụ nữ Tàu được gọi là thím xẩm còn nam giới thì lại là chú ba.


Năm 1956, chính phủ Ngô Đình Diệm của nền Đệ nhất Cộng hoà (1955-1963) đã có một quyết định khá táo bạo, buộc tất cả Hoa kiều phải nhập quốc tịch Việt Nam, nếu không sẽ bị trục xuất. Thương nghiệp tại miền Nam sau thời Pháp thuộc phần lớn nằm trong quyền kiểm soát của Hoa kiều. Vì vậy, chính phủ cố tạo sức mạnh cho doanh nhân Việt bằng cách hạn chế quyền lợi của người Hoa.

Đạo luật 53 cấm ngoại kiều (nhắm vào Hoa kiều) tham gia 11 nghề liên quan đến thóc gạo, điền địa, buôn bán thịt cá, than đá, dầu lửa, thu mua sắt vụn… được Chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành vào tháng 9/1956. Đạo luật này đã làm xáo trộn kinh tế trong nước nhưng đã có tác động mạnh đến nền công thương nghiệp của người Việt vào thời kỳ đó. Đa số người Hoa đã nhập tịch Việt, tính đến năm 1961, trong số 1 triệu Hoa kiều ở miền Nam chỉ còn khoảng 2.000 người giữ lại Hoa tịch.

Người Tàu kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hoá chất, luyện kim, điện… và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường. Cũng vì thế, ở Sài Gòn có câu mỉa mai: “Sống phá rối thị trường, chết chật đường chật xá” để ám chỉ người Tàu khi còn sống lũng đoạn nền kinh tế và đến lúc chết lại tổ chức những đám ma một cách rình rang.


Cũng như người Tàu ở Hồng Kông và Macao, người Tàu ở miền Nam đa số nói tiếng Quảng Đông (Cantonese) chứ không nói tiếng Quan Thoại (Mandarin) mà ngày nay gọi là tiếng Phổ Thông. Cũng vì thế, ngôn ngữ Sài Gòn xưa vay mượn từ tiếng Quảng Đông được khoảng 71 triệu người Hoa trên khắp thế giới xử dụng.

Người Sài Gòn thường ví những người “ăn nói không đâu vào đâu” là “nói hoảng, nói tiều” thực ra là “nói tiếng Quảng Đông, nói tiếng Triều Châu”. Điều này cho thấy tiếng Quảng Đông xuất hiện rất nhiều trong ngôn ngữ miền Nam trước năm 1975, kế đến mới là tiếng Triều Châu. Trên thực tế, người Tàu có đến 5 nhóm Hoa kiều, được gọi là Ngũ Bang tại miền Nam: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (người Hẹ).

Trong lĩnh vực ẩm thực của Sài Gòn xưa, ảnh hưởng của người Tàu gốc Quảng Đông rất đậm nét. Người ta thường nói về 4 cái thú: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật Bản, đi xe Huê Kỳ”. Bên Tàu lại ví von: “Thực tại Quảng Châu, Y tại Hàng Châu, Thú tại Tô Châu, Tử tại Liễu Châu” (Cơm ngon ăn tại Quảng Châu, Áo đẹp may vải Hàng Châu, Vợ xinh cưới ở Tô Châu, Hòm chết chôn không bao giờ mục ở Liễu Châu ). Quảng Châu chính là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông.

Kết hợp ý nghĩa của hai câu nói Việt-Trung ở trên ta có thể kết luận: ăn uống theo người Tàu gốc Quảng Đông là hết xảy hay số dzách (số một), những từ ngữ đã quá phổ biến trong xã hội miền Nam. Về sau, vào thời chiến tranh Việt Nam, “số dzách” được cải biên theo kiểu Mỹ thành “nâm-bờ oăn” (number one)! Hành trình của ngôn ngữ xem ra rất thú vị.

Nói cho công bằng, bên cạnh số đông các tửu lầu, cao lâu của người Tàu gốc Quảng Đông, ở Sài Gòn Chợ lớn cũng có lai rai một số tiệm Tàu khác như tiệm Hủ tíu Triều Châu ở đối diện Chợ Lớn Mới, Cơm Gà Hải Nam ở Chợ An Đông hay đường Tôn Thọ Tường.

Theo Bình-nguyên Lộc (1), thời tiền chiến trước 1945, các phổ ky trong tiệm Tàu còn có kiểu kêu vào bếp những món ăn thực khách gọi y như người ta gọi “lô-tô” (bingo), dĩ nhiên bằng tiếng Quảng Đông:

– Bàn số 3, bên Đông, bà lùn, cà phê ít sữa nhiều!
– Bàn số 4, bên Đông, hủ tíu không giá.
– Bàn số 1, bên Tây, thêm bánh bao ngọt thằng nhỏ.
– Bàn số 2, bên Tây, ông già râu, cà phê đen ly lớn, xíu mại to.

Chủ tiệm thường biết rõ tính nết và sở thích ăn uống của mỗi khách quen, nên họ thường đặt cho mỗi người một cái tên thuộc loại… “hỗn danh”. Khi khách ăn xong lại quầy trả tiền thì phổ ky rao những câu hóm hỉnh bằng tiếng Quảng Đông, chẳng hạn như:

– Ông đầu hói mang khăn rằn, một đồng hai cắc.
– Bà hai mập, ba đồng sáu cắc.
– Ông chủ ốm nón nỉ, tám đồng tư, hai bánh bao mang về.

Nổi tiếng tại Sài Gòn xưa có các nhà hàng Đồng Khánh, Arc-en-ciel (sau này đổi tên là Thiên Hồng), Soái Kình Lâm, Bát Đạt, Á Đông, Đại La Thiên, Triều Châu… Tại đây còn phục vụ loại “ăn chơi” theo cung cách nhất dạ đế vương. Quả thật người viết bài này chưa bao giờ được “làm vua một đêm” nên đoán trong những bữa tiệc như thế phải có mỹ nữ hầu tửu, thực đơn chắc chắn phải có nhiều món huyền thoại danh bất hư truyền đi đôi với các thứ rượu quí.

Cơm Tàu thường được để trong những cái thố nhỏ nên được gọi là cơm thố, chỉ là cơm trắng dùng chung với các món ăn nhưng không nấu bằng nồi mà chỉ hấp cách thuỷ để cho chín gạo. Thông thường một người ăn chừng một hoặc hai thố là no. Có người lại ca tụng ăn cơm thố chỉ cần chan chút hắc xì dầu (nước tương đen) pha với dấm Tiều thêm chút ớt là đã thấy ngon rồi.


Nghĩ lại cũng đúng nhưng nếu ăn kiểu này thì những tiệm nổi tiếng như Siu Siu bên hông chợ An Đông hay Siu Siu ở đầu hẻm Nguyễn Duy Dương (hình như ở số nhà 61) chắc đã dẹp tiệm từ lâu rồi! Hình dưới đây là những thố cơm chụp tại Quán Chuyên Ký trong khu Chợ Cũ đường Tôn Thất Đạm. (Những thố cơm ngày xưa nhỏ hơn nhiều, ngày nay tiệm dùng những cái thố quá lớn, không lẽ bao tử của thực khách ngày nay lớn hơn ngày xưa?).

Cơm chiên Dương Châu cũng là món ăn du nhập từ Quảng Đông. Nhiều người rất khoái cơm chiên nhưng ít người biết từ khởi thuỷ đây chỉ là món tổng hợp các thức ăn dư thừa được chế biến lại. Này nhé, cơm vốn là “cơm nguội” nấu dư từ hôm trước, các phụ gia khác như jambon, trứng tráng, đậu Hoà lan, hành lá… còn dư được xắt lát rồi trộn với cơm mà chiên lên!

Cũng thuộc loại thức ăn dư thừa có món tài páo (bánh bao). Ban không tin ư? Nhân bánh bao là thịt vụn được xào lên, trộn với lạp xưởng và trứng (sau này được thay bằng trứng cút kể từ khi dịch cút lan truyền khắp Sài Gòn, nhà nhà nuôi cút, người người ăn trứng cút). Vỏ bánh bao được làm bằng bột mì, sau khi hấp chín bột nở phình ra trông thật hấp dẫn.

Có người bảo cơm chiên Dương Châu và bánh bao thể hiện tính tằn tiện và tiết kiệm của người Tàu, không bỏ phí thức ăn thừa! Nói cho vui vậy thôi chứ từ cơm chiên, bánh bao đến các loại sơn hào hải vị như bào ngư, vi cá, yến sào… đều đòi hỏi cách chế biến, đó là nghệ thuật nấu ăn.


Các tiệm “cà phê hủ tiếu” của Tàu lan rộng ra nhiều nơi chứ không riêng gì trong Chợ Lớn. Khắp Sài Gòn, Gia Định rồi xuống đến Lục Tỉnh đi đâu cũng thấy những xe mì, xe hủ tiếu, chỉ nhìn cách trang trí cũng có thể biết được chủ nhân là người Tàu. Họ có kiểu cách riêng biệt với những chiếc xe bằng gỗ, thiết kế một cách cầu kỳ. Phần trên xe là những tấm kính tráng thuỷ có vẽ hình các nhân vật như Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi, Triệu Tử Long… trong truyện Tam Quốc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TIẾNG VIỆT
VAY MƯỢN TỪ NGƯỜI TÀU-[2]


Ăn điểm tâm thì có mì, hủ tíu, bánh bao, há cảo, xíu mại… Khách thường gọi một ly xây chừng, đó là một ly cà phê đen nhỏ hay tài phế (cà phê đen lớn). Cà phê ngày xưa còn có tên “cá phé vớ (dzớ)”, pha bằng chiếc vợt vải nên còn được gọi là “cà phê vợt” tựa như chiếc vớ (bít tất). Cà phê đựng trong “dzớ” phải được đun nóng trong siêu nên còn có tên là “cà phê kho”, có điều “kho” nước đầu thì có mùi cà phê nhưng những nước sau có vị như… thuốc bắc.


Sang hơn thì gọi phé nại (cà phê sữa) hoặc bạt sửu (nhiều sữa nhưng ít cà phê) với sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ (2) hoặc Con Chim (3). Có người lại dùng bánh tiêu hoặc dầu-cha-quẩy (người miền Bắc gọi là quẩy) nhúng vào cà phê để ăn thay cho các món điểm tâm đắt tiền.

Người bình dân còn có lối uống cà phê trên đĩa. Mỗi tách cà phê thường được để trên một chiếc đĩa nhỏ, khách “sành điệu” đổ cà phê ra đĩa, đốt điếu thuốc Melia chờ cà phê nguội rồi cầm đĩa lên… húp. Nhà văn Bình-nguyên Lộc trong Hồn Ma Cũ mô tả cách uống cà phê của người xưa: “… Người cha đứa bé rót cà phê ra dĩa cho mau nguội, rồi nâng dĩa lên mà uống”. Đây là cách uống của một số người Sài Gòn vào những thập niên 50-60, đa số họ là những người lớn tuổi, “hoài cổ” nên vẫn duy trì cách uống đặc trưng của Sài Gòn xưa.

Vào một quán nước bình dân trong Chợ Lớn ta có thể gọi một ly suỵt xủi và người phục vụ đem ra một ly đá chanh mát lạnh. Có người gọi nước đá chanh là “bất hiếu tử” vì dám cả gan “đánh cha” nhưng nói lái lại là… đá chanh! Tại các tiệm “cà phê hủ tiếu” luôn luôn có bình trà để khách có thể nhâm nhi nhậm xà (uống trà) trước khi gọi phổ ky đến để thảy xu (tính tiền). (Nhậm xà còn có nghĩa là tiền hối lộ, tiền trà nước). Người sành điệu còn “xổ” một tràng “broken Cantonese”: “Hầm bà làng kỵ tố?” (Hết thảy bao nhiêu tiền?).

Những từ ngữ vay mượn của người Tàu dùng lâu hoá quen nên có nhiều người không ngờ mình đã sử dụng ngôn ngữ ngoại lai. Chẳng hạn như ta thường lì xì cho con cháu vào dịp Tết hoặc lì xì cho thầy chú (cảnh sát) để tránh phiền nhiễu, cũng là một hình thức hối lộ.


Lạp xưởng (người miền Bắc gọi là Lạp xường) là một món ăn có nguồn gốc từ bên Tàu, tiếng Quảng Châu là lạp trường: ngày lễ Tất niên và ruột heo khô. Cũng vì thế vào dịp giáp Tết các cửa hàng nổi tiếng như Đồng Khánh, Đông Hưng Viên trưng bày la liệt các loại lạp xưởng, nào là lạp xưởng mai quế lộ, lạp xưởng khô, lạp xưởng tươi…

Chế biến lạp xưởng là nghề của các Chú Ba trong Chợ Lớn. Lạp xưởng được làm từ thịt heo nạc và mỡ, xay nhuyễn, trộn với rượu, đường rồi nhồi vào ruột heo khô để chín bằng cách lên men tự nhiên. Lạp xưởng màu hồng hoặc nâu sậm vì chắc hẳn có thêm chút bột màu.

Lạp xưởng ở Sóc Trăng thuộc miền Lục tỉnh cũng rất nổi tiếng cùng với món bánh pía, một món đặc biệt của người Tiều gốc từ Triều Châu. Đôi khi bánh pía còn được gọi là bánh lột da, thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu theo kiểu Tô Châu nhưng khác với loại bánh trung thu mà ta thường thấy. Đây là loại bánh có nhiều lớp mỏng và nhân bánh có trộn thịt mỡ.


Bánh pía do một số người Minh Hương di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 17 mang theo. Trước đây, việc làm bánh pía hoàn toàn mang tính thủ công và phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình. Bánh pía ngày trước cũng khá đơn giản, vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân, lớp da ngoài dày thường để in chữ, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo chứ không có lòng đỏ trứng muối và các loại thành phần khác như ngày nay.

Do thị hiếu của người tiêu dùng mà các lò bánh mới thêm các thành phần hương liệu khác như sầu riêng, khoai môn, lòng đỏ trứng muối… Tại Sóc Trăng hiện có gần 50 lò chuyên sản xuất bánh pía. Tuy nhiên, số lò bánh và cửa hàng buôn bán tập trung đông nhất tại thị tứ Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) nơi được xem là khởi thuỷ của làng nghề bánh pía.

Vịt quay Bắc Kinh và vịt quay Tứ Xuyên là những món “đặc sản” nổi tiếng của Tàu. Đặc trưng của món vịt quay là da vịt mỏng, giòn, màu vàng sậm. Tại miền Nam, vịt quay và thịt heo quay cũng được người Quảng Đông đưa vào danh sách ẩm thực. Bí quyết gia truyền của các món này là ướp ngũ vị hương rồi quay sao cho da giòn tan trong khi phần thịt vừa mềm lại vừa thơm.

Vịt quay hoặc heo quay theo đúng kiểu Tàu là phải ăn với bánh bao chay (không nhân) nhưng người Việt cũng chế thêm món bánh hỏi thịt quay ăn với các loại rau, chấm nước mắm cho hợp với khẩu vị. Ngày xưa, trong Chợ Lớn, nổi tiếng về heo quay, vịt quay có khu vực đường Tôn Thọ Tường, ở Sài Gòn thì khu Chợ Cũ có vài tiệm heo quay của người Tàu. Chuyện kể có một ông cà lăm đi mua thịt quay, khi ông lắp bắp: “Bán… cho tôi… 20 đồng… thịt quay…” thì Chú Ba với tay nghề chặt thịt cũng vừa chặt xong đúng 20 đồng!


Hết “ăn” giờ lại sang đến “chơi” trong ngôn ngữ vay mượn của người Tàu. Chuyện cờ bạc trong ngôn từ của người Sài Gòn xưa đã xuất hiện không ít những từ ngữ từ tiếng Tàu. Tài Xỉu (phiên âm từ tiếng Tàu có nghĩa là Đại – Tiểu) là trò chơi dân gian có từ rất lâu. Chỉ cần 1 cái đĩa, 1 cái bát và 3 hạt xí ngầu cũng có thể lập sòng tài xỉu nên còn có tên là sóc đĩa.

Hột xí ngầu có sáu mặt, mỗi mặt có từ một đến sáu chấm, tương đương từ một đến sáu điểm. Khi ráp sòng, người ta để cả ba hột lên chiếc đĩa sứ, chụp bát lên trên rồi lắc. Tổng số điểm của ba hột từ mười trở xuống gọi là xỉu, trên con số mười là tài. Sau khi chủ sòng lắc đĩa, người chơi đoán hoặc tài hoặc xỉu mà đặt cược. Chuyện thắng thua trong tài xỉu tuỳ thuộc vào tay nghề của người xóc đĩa, còn được gọi là hồ lỳ. Xác suất chủ sòng là từ 60 đến 70% thắng nhưng vì lỡ mang kiếp đỏ đen nên con bạc vẫn bị thu hút vào sòng xóc đĩa.

Các loại bài và hình thức chơi bài cũng có xuất xứ từ tiếng Tàu. Binh xập xám (13 cây) có những thuật ngữ như mậu binh (không cần binh cũng thắng), cù lủ (full house) là 3 con bài cùng số và một cặp đôi, ví dụ như 3 con chín và 2 con K (lớn nhất là cù lủ ách (ace), nhỏ nhất dĩ nhiên là cù lủ hai), thùng (flush) là 5 con cùng nước (suit) mà không theo trật tự liền nhau, ngược lại là sảnh (straight) là 5 con theo trật tự liền nhau nhưng không cùng nước. Kho từ vựng trong xập xám còn có xám chi (3 con cùng loại – three of a kind), thú (two) hay thú phé (two separate pairs) là 2 cặp và 1 con bất kì nào khác. “Thứ nhất tứ quý (4 con bài cùng số) thứ nhì đồng hoa (cùng một nước như cơ, rô, chuồn, bích)” là một trong số cả rừng từ ngữ của dân binh xập xám.

Ở phần trên đã bàn về hai khía cạnh “ăn” và “chơi”, còn một khía cạnh đóng vai trò không kém phần quan trọng là “làm” của người Tàu. Nghề nghiệp được xếp thấp nhất của người Tàu là nghề lạc xoong hay nói theo tiếng Việt là mua ve chai, người miền Bắc gọi là đồng nát.

Chú Hoả (1845-1901), người Phúc Kiến, xuất thân từ nghề này nhưng về sau lại là một trong 4 người giàu nhất Sài Gòn xưa: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hoả”. Bốn triệu phú ngày xưa gồm các ông Huyện Sỹ (Lê Phát Đạt), Tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương), Bá hộ Xường (Lý Tường Quan) và Chú Hoả (Hui Bon Hoa hay Hứa Bổn Hoà).

Một số người Tàu hành nghề bán chạp phô với các mặt hàng thuộc loại tả pín lù nhưng sẵn sàng đáp ứng được mọi nhu cầu hàng ngày của người lao động trong xóm. Tiệm chạp phô chỉ có mục đích lượm bạc cắc từ cây kim, sợi chỉ đến cục xà bông Cô Ba, quả trứng, thẻ đường. Người Tàu kiên trì trong công việc bán tạp hoá, ông chủ ung dung đếm tiền mỗi tối và ẩn dưới tiệm chạp phô là cả một gia tài được tích luỹ. Người ta chỉ phát hiện điều này khi có phong trào vượt biên. Tính rẻ “3 cây một người” thế mà cả gia đình chủ tiệm chạp phô vẫn thừa sức vượt biển để tìm đến bến bờ tự do.


Cao cấp hơn là những xì thẩu, những người thành công trong kinh doanh mà ngày nay ta gọi là đại gia. Điển hình cho giai cấp xì thẩu là Trần Thành, bang trưởng Triều Châu, với hãng bột ngọt Vị Hương Tố rồi các mặt hàng mì gói Hai Con Tôm, nước tương, tàu vị yểu đã chinh phục thị trường miền Nam từ thập niên 60 để trở thành “ông vua không ngai trong vương quốc Chợ Lớn”.

Xì thẩu Lý Long Thân làm chủ 11 ngành sản xuất và dịch vụ, 23 hãng xưởng lớn: hãng dệt Vinatexco, Vimytex, hãng nhuộm Vinatefinco, hãng cán sắt Vicasa, hãng dầu ăn Nakyco, hãng bánh ngọt Lubico, Ngân Hàng Nam Việt, Ngân Hàng Trung Nam, khách sạn Arc en Ciel, hãng tàu Rạng Đông…

Xì thẩu Lâm Huê Hồ được nhiều người gọi là “chủ nợ của các ông chủ”. Ông là người giữ nhiều tiền mặt nhất miền Nam, số tiền ông có trong tay bằng vốn của nhiều ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ như Nam Đô, Trung Việt gộp lại. Lâm Huê Hồ còn nổi tiếng là vua phế liệu, chuyên thầu quân cụ và võ khí phế thải rồi bán lại cho những doanh nhân trong ngành luyện cán sắt hay bán lại cho Nhật Bản. Người Sài Gòn thường nói: “Trần Thành, Lý Long Thân chỉ có Tiếng nhưng Lâm Huê Hồ lại có Miếng”.

Xì thẩu Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng kem Hynos, là một người có óc làm ăn cấp tiến. Ông là người có rất nhiều sáng kiến để quảng cáo sản phẩm trên các cửa hàng ăn uống, chợ búa, hệ thống truyền thanh và truyền hình. Ông cũng là người đầu tiên biết vận dụng phim võ hiệp và tình báo kiểu Hồng Kông vào quảng cáo. Người dân miền Nam không thể quên hình ảnh tài tử Vương Vũ giải thoát các xe hàng do đoàn bảo tiêu hộ tống thoát khỏi quân cướp: mở thùng ra chỉ toàn kem đánh răng Hynos!
https://trithucvn.net/wp-...018/08/Screenshot_2-6.jpg
Có rất nhiều xì thẩu được Sài Gòn xưa phong tặng danh hiệu Vua. Trương Vĩ Nhiên, “vua ciné”, là chủ hãng phim Viễn Đông và gần 20 rạp ciné tại Sài Gòn – Chợ Lớn: Eden, Đại Nam, Opéra, Oscar, Lệ Thanh, Hoàng Cung, Đại Quang, Palace, Thủ Đô…; Lý Hoa, “vua xăng dầu”, là đại diện độc quyền các hãng Esso, Caltex, Shell phân phối nhiên liệu cho thị trường nội địa; Đào Mậu, “vua ngân hàng”, Tổng giám đốc Trung Hoa Ngân Hàng (một trong hai ngân hàng châu Á lớn nhất tại Sài Gòn cùng với Thượng Hải Ngân Hàng).

Bên cạnh đó lại có Lại Kim Dung là “nữ hoàng gạo”. Giá gạo tại miền Nam là do công ty của bà ấn định, chính phủ đã có lúc phải hợp tác với “nữ hoàng gạo” để ổn định giá gạo trên thị trường. Trong các buổi tiếp tân lớn, bà Kim Dung luôn xuất hiện bên cạnh các mệnh phụ phu nhân.

Tạ Vinh là một trường hợp xì thẩu đặc biệt. Năm 1964, Tạ Vinh bị Uỷ Ban Hành Pháp Trung ương của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ xử bắn tại pháp trường cát trước chợ Bến Thành vì tội “gian thương, đầu cơ tích trữ gạo, gây xáo trộn thị trường”. Dân chúng và báo chí gọi Tạ Vinh là “hạm gạo”. Ông Kỳ muốn cảnh cáo giới tài phiệt gốc Hoa không nên quá lạm dụng tình trạng chiến tranh để làm giàu phi pháp, ông đã tổ chức một cuộc họp kín gồm đủ thành phần đại xì thẩu tại Sài Gòn-Chợ Lớn để cảnh cáo.

Nguyễn Ngọc Chính
Chú thích:
(1) Bình- nguyên Lộc là bút hiệu của Tô Văn Tuấn (1914-1987) với cách viết tên rất cầu kỳ: có gạch nối giữa Bình và nguyên, nhưng không có gạch nối giữa nguyên và Lộc, chữ nguyên lại được viết với mẫu tự n không hoa. Nguiễn Ngu-Í trong “Sống và viết với… Bình-nguyên Lộc”, gọi ông là “một trong tam kiệt của miền Nam” bên cạnh Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương. Bình-nguyên Lộc có khoảng 50 truyện dài, 1.000 truyện ngắn và 4 quyển sách nghiên cứu, trong đó quyển Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam chỉ được in phần đầu, phần còn lại khoảng 800 trang viết tay coi như bị thất lạc. Tác phẩm nổi tiếng phải kể đến Đò dọc, Rừng mắm, Cuống rún chưa lìa…
(2) Sữa Ông Thọ là tên gọi của hiệu sữa Longevity trước đây thuộc hãng sữa Foremost. Tên được dùng trước năm 1975 với hình Ông Thọ trong Tam Đa (Phước, Lộc, Thọ) để minh hoạ. Sau năm 1975, Vinamilk sử dụng lại tên Ông Thọ nên khi Foremost quay trở lại Việt Nam kiện đòi lại thương hiệu nhưng thất bại nên phải dùng nhãn hiệu Longevity. Hiện nay Longevity đã được chuyển nhượng cho Dutch Lady VN với cái tên Sữa đặc Trường Sinh.
(3) Sữa Con Chim của hãng Nestlé (Thuỵ Sĩ) đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1916. Trải qua nhiều thập kỷ, các sản phẩm như Guigoz, Lait Mont-Blanc, Maggi đã trở nên thân thuộc với các thế hệ người Việt. Nestlé trở lại Việt Nam vào năm 1990, và mở một văn phòng đại diện vào năm 1993. Vào năm 1995, Công ty Nestlé Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) được thành lập, trực thuộc tập đoàn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SỰ CHUYỂN NGHĨA LÝ THÚ
CỦA TỪ HÁN VIỆT
THEO THỜI GIAN


Trong vốn từ tiếng Việt hiện nay hàng loạt từ ngữ đã không còn được dùng theo nghĩa gốc/nghĩa cơ sở ban đầu/ “nghĩa xưa”, mà được dùng với nghĩa chuyển/nghĩa mới/nghĩa phái sinh/“nghĩa nay”, mà hai phương diện nghĩa này khác xa nhau, thậm chí có trường hợp còn trái ngược nhau.

Trong thời gian gần đây, “khuất tất” là một trong những từ có tần suất xuất hiện trên báo chí khá cao, với nghĩa là “không đường hoàng, không rõ ràng, bị che giấu; ám muội, bất minh, đen tối, mờ ám”, trái nghĩa với “minh bạch”.

Thế nhưng qua tra cứu một số từ điển, chúng tôi nhận thấy “khuất tất” là một từ Hán Việt mang nét nghĩa cơ bản: Quỵ luỵ, luồn cúi; Ví dụ: Không bao giờ chịu khuất tất.

Nghĩa nay trội hơn nghĩa xưa

Rõ ràng, hiện nay nghĩa gốc Hán của từ “khuất tất” hoàn toàn bị tiêu biến, mất đi, không còn được ai hiểu nữa, mà người dùng đã hiểu theo một nghĩa Việt thông dụng hoàn toàn mới.

Tương tự, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong vốn từ tiếng Việt hiện nay hàng loạt từ ngữ đã không còn được dùng theo nghĩa gốc/nghĩa cơ sở ban đầu/ “nghĩa xưa”, mà được dùng với nghĩa chuyển/nghĩa mới/nghĩa phái sinh/“nghĩa nay”, mà hai phương diện nghĩa này khác xa nhau, thậm chí có trường hợp còn trái ngược nhau. Nhiều trường hợp nghĩa xưa đã bị tiêu biến đi, người Việt hiện nay không hề đả động gì đến cái nghĩa xưa ấy nữa, mà tất cả mọi trường hợp nhất loạt đều sử dụng theo nghĩa nay.

Thêm một trường hợp tiêu biểu cho sự mất nghĩa của từ vừa đề cập ở trên là từ “vấn nạn”. Nghĩa nay của “vấn nạn” là “vấn đề khó khăn lớn có tính chất xã hội, đang phải đương đầu đối phó một cách cấp thiết”, được sử dụng trong các trường hợp như: “vấn nạn tham nhũng”, “vấn nạn cờ bạc”, v.v..

Nhưng nghĩa xưa của từ “vấn nạn” trong khá nhiều từ điển khác xa nghĩa nay, nó có nghĩa là: Hỏi để làm khó nhau; ví dụ: Sứ ta qua Tàu thường bị các quan Tàu vấn nạn. Trong khoảng thời gian vài mươi năm trở lại đây, nếu chúng tôi không nhầm thì hình như người Việt tuyệt nhiên không dùng từ “vấn nạn” với nghĩa “hỏi vặn, làm khó” này.

Hoặc như từ “truỵ lạc”, nghĩa hiện nay là “Sa ngã vào lối sống ăn chơi thấp hèn, xấu xa. Sống truỵ lạc. Đi vào con đường truỵ lạc”.

Vậy mà lui lại vài mươi năm trước, chỉ mới ở nửa đầu thế kỷ 20, nhà văn Khái Hưng đã có một truyện ngắn nhan đề Hai cảnh truỵ lạc với nghĩa là “nghèo khổ cùng cực”; truyện miêu tả tình cảnh hai nhân vật vốn con nhà gia thế, danh giá, vì thời cuộc mà gia cảnh dần sa sút đến nghèo khổ, đáng thương.

Ngày nay, nếu nhằm tỏ lòng thương cảm ai đó nghèo khổ, sa sút mà ta trót nhỡ cảm thán thốt lên “cuộc đời anh thật là truỵ lạc!” thì dễ hình dung điều gì “đáng thương” gì sẽ xảy ra cho chính người nói.

Từ “khốn nạn” cũng vậy. Nghĩa nay của “khốn nạn” là “Hèn mạt, không còn chút nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa”, ví dụ: “Đồ khốn nạn”; nhưng nghĩa xưa của nó lại là: Khốn khổ.

Mặc dầu từ điển hiện nay cũng ghi nhận nghĩa này: “Khốn khổ đến mức thảm hại, đáng thương” nhưng chắc chắn hiện nay không còn ai dùng từ “khốn nạn” với nghĩa đó nữa.

Tác phẩm Les Misérables của đại văn hào Pháp Victor Hugo ra đời năm 1862. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng vào hạng bậc nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19 này trước khi định hình tên tiếng Việt Những người khốn khổ như hiện nay đã từng được Nguyễn Văn Vĩnh dịch và xuất bản năm 1926 với nhan đề Những kẻ khốn nạn.

Từ “đểu cáng”, hiện nay có nghĩa là “Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức (thường dùng làm tiếng mắng), ví dụ: Bộ mặt đểu cáng.

Nhưng nghĩa xưa của nó là chỉ những người thuộc giới lao động vận tải, kiểu như xe thồ, xe ôm, xích lô, ba gác hiện nay (gần đây có thêm Uber, Grab): “Phu khiêng cáng, phu gánh”. Có ý kiến cho rằng vì giới này thuở ấy khiêng người, gánh hàng hoá thường thiếu thật thà, hay biển lận tiền bạc, tài sản mà khách bỏ quên hoặc đánh rơi trên cáng, trên võng, nên lâu dần từ “đểu cáng” mất hẳn đi nghĩa gốc ban đầu, chỉ còn dùng duy nhất với nghĩa như hiện nay.

Một số trường hợp tương tự

Dưới đây là một số từ Hán Việt hầu hết được dùng theo nghĩa mới, thoát ly nghĩa cũ. Ở đây chúng tôi chỉ xin cung cấp nghĩa cũ của chúng để bạn đọc tiện đối chiếu, so sánh với nghĩa hiện nay.

Chẳng hạn những từ: “Quyết liệt” - Huỷ hoại, phá hoại; “trụ sở” - người đứng ra gánh vác việc lớn của quốc gia; “phản động” - hành động trái lại với việc khác; “thủ đoạn” - phương pháp làm việc; “lợi dụng” - vật tiện lợi để dùng; “dã tâm” - lòng thích nhàn hạ, ghét chốn phồn hoa; v.v..

Chúng tôi nhận thấy hiện tượng nghĩa của từ được sử dụng hiện nay không đồng nhất với nghĩa gốc của từ trong quá khứ; thậm chí có nhiều trường hợp hai nghĩa này đối lập, trái ngược nhau; trong đó thiên về xu hướng sử dụng từ với nghĩa mới chiếm ngự hoàn toàn, còn nghĩa gốc của từ đã bị tiêu biến hẳn đi.

Đỗ Thành Dương
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỪ HÁN VIỆT, TỪ THUẦN VIỆT
CÓ THỂ VÀ KHÔNG THỂ


Trên báo Văn Nghệ (Hội nhà văn Việt Nam), mục “Nói chuyện chữ nghĩa” có bài “Thay từ Hán-Việt bằng từ thuần Việt” của Phan Điển Ánh. Tác giả đưa ra một số  trường hợp cho rằng không thể thay thế và có thể thay thế từ Hán-Việt bằng từ thuần Việt. Xin có đôi lời trao đổi:

Từ “cá nhân” Phan Điển Ánh xếp vào những từ “không thể dùng từ nào khác thay thế được” là không đúng. Bởi theo tôi, trong từng trường hợp cụ thể vẫn có thể thay thế. Ví dụ “cá nhân” có thể thay bằng một người/một mình (Câu: Lợi ích cá nhân không thể đặt trên lợi ích tập thể = Lợi ích của một người không thể đặt trên lợi ích của nhiều người, hoặc: Cá nhân tôi không thể quyết định = Một mình tôi không thể quyết định; hay: Chiếc giường cá nhân = Chiếc giường một (giường cỡ hai người nằm là “giường đôi”) v.v…Những từ thay thế từ “cá nhân” đều là từ tạm gọi  thuần Việt và có ý nghĩa tương đương, không hề khiên cưỡng.

Với những từ Hán Việt Phan Điển Ánh đề xuất có thể thay thế bằng “từ thuần Việt”cũng không hợp lý, cho dù tác giả lưu ý: “những từ cần thay đi và những từ cần thế vào không hoàn toàn tương đương ở mọi trường hợp” (Đã không thể thay thế hẳn từ Hán Việt bằng từ  thuần Việt trong “mọi trường hợp”, thì đặt ra vấn đề “thay thế” làm gì thêm rắc rối?).

Ví dụ:
- Từ “quan sát” không thể thay bằng “xem xét” . Mặc dù khi giải nghĩa từng từ tố, quan có nghĩa là xem, sát có nghĩa là xét (như giải thích của Đào Duy Anh trong “Từ điển Hán Việt”). Trong thực tế, từ “quan sát” được hiểu là cách nhìn mang tính đại thể, tổng quát, nhìn từ xa, để thấy được, nắm được tình hình hoạt động hay tình trạng (thường là bề ngoài) của một sự vật, hiện tượng nào đó. Trong khi “xem xét” lại có nghĩa tìm hiểu, xét đoán một cách cặn kẽ, thấu đáo sự việc, bản chất vấn đề nào đó (không đơn thuần là bề ngoài) để rút ra nhận xét, kết luận cần thiết. Ví dụ, ta không thể thay thế từ “quan sát” trong “Đài quan sát” = “Đài xem xét”, hoặc “Địch quan sát thấy mục tiêu...” = “Địch xem xét thấy mục tiêu...”.  Ngược lại ta không thể viết: “Toà xem xét lá đơn kêu oan...” = “Toà quan sát lá đơn kêu oan...”. Như vậy, “quan sát” và “xem xét” không phải là hai từ có nghĩa tương đương, không thể hoán đổi vị trí cho nhau trong mọi trường hợp.

-Từ “khiếm thị” , không thể thay thế bằng “kém mắt” như Phan Điển Ánh khẳng định. Bởi “khiếm” 欠 đây có nghĩa là thiếu (trong từ khiếm khuyết), “thị” 視, có nghĩa là “nhìn”, sự cảm nhận của con mắt đối với sự vật (trong từ thị giác, thị lực).  Từ“khiếm thị” 欠視 thường chỉ những người dị tật bẩm sinh, không có khả năng nhìn thấy. Bởi vậy, trong mọi trường hợp, từ “khiếm thị” không thể thay thế bằng  từ “kém mắt”, (hay mắt kém) với nghĩa thị lực kém hoặc mắt không nhìn thấy rõ lắm. Từ“khiếm thị” có thể thay thế bằng một từ khác, đó là  mù (chỉ chung những người không có, hoặc không còn khả năng nhìn thấy, do dị tật bẩm sinh, do tai nạn hoặc lão hoá). Tuy nhiên, cần lưu ý, người ta có thể gọi người khiếm thị là mù, nhưng không phải ngườimù nào cũng có thể gọi là khiếm thị.

-Từ “phát biểu” không thể thay thế bằng từ “nói” trong mọi trường hợp như  Phan Điển Ánh đề xuất. Bởi vì, “phát biểu” thường chỉ ý kiến của người nào đó trước một tập thể, hội nghị, buổi toạ đàm hay cuộc họp, nhằm khẳng định, bày tỏ quan điểm chính thứccủa mình. Trong khi từ “nói” thiên về nghĩa giao tiếp thường ngày nói chung. Sẽ là khiên cưỡng nếu thay thế từ “phát biểu” trong câu: “Phát biểu ý kiến trước Quốc hội” = “Nói ý kiến trước Quốc hội”.

Ngoài ra, còn rất nhiều từ, cụm từ Phan Điển Ánh đề xuất thay thế bằng từ, cụm từ thuần Việt khác, chưa hợp lý. Ví dụ  “người và phương tiện” không thể thay thế bằng“người và xe”, vì phương tiện không nhất thiết phải hiểu là xe, mà có thể là tàu thuyền, ngư cụ hoạt động trên sông biển. Hoặc “người tham gia giao thông” không thể thay thế bằng“người đi đường”, bởi “người đi đường” có khi không bao hàm ý nghĩa “tham gia giao thông”, ví dụ người đi đường một mình, đi bộ trên đường đê, đường mòn vắng vẻ. Trong khi đó, “người tham gia giao thông” được hiểu là đi trên đường có nhiều người và phương tiện giao thông khác, chịu sự ảnh hưởng, tác động qua lại. Hoặc từ “giải thích” không thể thay bằng “phân bua”, vì “phân bua” không chỉ có nghĩa giải thích, mà còn bao hàm ý thanh minh cho một hành động, việc làm hay sự hiểu lầm nào đó (đồng nghĩa “phân trần”). Mặt khác, cơ sở nào để Phan Điển Ánh khẳng định từ “phân bua” là “từ thuần Việt”?,v.v...

Cần thấy rằng, việc thay thế “từ Hán Việt” bằng “từ thuần Việt”, hoặc đã được Việt hoá là để nói và viết hay hơn, chính xác, dễ hiểu và đại chúng hơn... Ví dụ thay thế những từ khó hiểu, tạo hiệu quả rõ rệt trong mọi trường hợp như: thu ngân nên thay bằng thu tiền; đáo hạn nên thay bằng đến hạn; phân ưu nên thay bằng chia buồn... Không có lý do gì bỗng dưng cố tìm từ “thuần Việt” để thay thế cho “từ Hán Việt”, ngay cả khi không cần thiết, hoặc khiên cưỡng. Thậm chí thay thế cả những từ đã được Việt hoá, phổ thông và không có nghĩa tương đương trong mọi trường hợp, như: “cường điệu = thổi phồng; vĩ đại = to lớn; thiếu nhi/nhi đồng = trẻ em/trẻ nhỏ; giải thích = phân bua; chưa chính xác = chưa đúng”, v.v…như cách đề xuất của Phan Điển Ánh. Trong khi đó, những từ thay thế không hay hơn, không ngắn gọn hoặc dễ hiểu hơn, thậm chí trở nên ngô nghê, thô thiển, thiếu chính xác.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGHĨ VỀ VIỆC DẠY
TỪ VIỆT – HÁN TRONG TIẾNG VIỆT


Thời gian qua, vấn đề dạy chữ Hán (tức mảng từ Việt Hán) trong nhà trường được báo chí đề cập nhiều lần và dư luận quan tâm.


Các từ điển – tự điển chữ quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX thể hiện hai dòng chính tả -ngoại nhập và Việt hoá.
Có điều dạy chữ Hán trong trường phổ thông hay đại học thì từ việc đào tạo giáo viên tới xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình v.v sẽ rất tốn tiền, mất nhiều thời gian, mà cung cách nhồi nhét phổ biến trong nhà trường hiện nay chỉ làm công việc ấy trở thành một chuỗi các hành vi bị động, thiếu hứng thú và ít sáng tạo ở phần đông chủ thể tiếp nhận, trong khi đó phải là một quá trình tự nhiên và tự nguyện được nhất hoá vào hoạt động sống của từng cá nhân. Cho nên phải nhìn nhận từ một góc độ khác, hành động theo một cách thức khác.

Là một giá trị văn hoá phi vật thể, ngôn ngữ là một không gian xã hội mang nhiều yếu tố di sản mà mọi người đều phải hội nhập vào, đồng thời là một thực tại xã hội mang nhiều yếu tố đương đại mà mọi người đều tham gia kiến tạo. Dưới mắt người bình thường, thực tại đời sống hằng ngày thường được xem như tồn tại độc lập với ý muốn của mỗi người. Nhưng dưới cái nhìn xã hội học, thực tại ấy không phải là một thứ thực tại tự nó và không hề tồn tại tách rời khỏi cuộc đời của từng con người cá thể mà là một sản phẩm, một công trình được tạo lập bởi đời sống xã hội và trong đời sống xã hội. Nói cách khác, thực tại mà mỗi người chứng kiến và trải nghiệm trong đời sống hằng ngày chính là thực tại được kiến tạo về mặt xã hội.

Tuy nhiên nhiều khi những con người cá nhân trong đời sống thường nhật không nhận ra thực tại ấy là “công trình của mình” nữa. Nói cách khác, con người có khả năng sản xuất ra một thực tại sẽ phủ nhận chính họ (Peter L. Berger và Thomas Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại - Khảo luận về xã hội học nhận thức, bản dịch của nhóm Trần Hữu Quang, NXB Tri thức, Hà Nội, 2015). Nếu ứng dụng nhận định xã hội học nói trên vào việc nhìn nhận tiếng Việt, nhiều người sẽ thấy rõ cái thực tại này đã bị kiến tạo kiểu xuyên tạc tới mức nào. Phương châm, khúc chiết, tham quan bị nhiều người nói và viết thành phương trâm, khúc triết, thăm quan; hay quan ngại (chướng ngại vật), tự vẫn (tự tử bằng dao) được hiểu là lo ngại, tự thắt cổ hay uống thuốc độc v.v phổ biến trên báo đài, đã góp phần làm tiếng Việt mất đi sự trong sáng vốn có chứ chưa nói là cần có.

Cũng cần nhìn qua hệ công cụ của tiếng Việt tức chữ quốc ngữ Latin. Vì nhiều lý do, trước thời Pháp thuộc, Việt Nam về cơ bản không có hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ; một số nghiên cứu lẻ tẻ đầu tiên về tiếng Việt của những người nước ngoài như Alexandre De Rhodes, Taberd cũng chỉ dừng lại ở việc mô tả sơ bộ nhằm dạy tiếng Việt cho các giáo sỹ Thiên chúa giáo phương Tây, chủ yếu để giao tiếp và truyền giáo. Sự xuất hiện của hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ dưới thời Pháp thuộc do đó đáng kể là một bước tiến trên con đường hiện đại hoá, nhưng hoàn cảnh lịch sử đương thời cũng khiến nó rơi vào tình trạng “dĩ Âu vi trung”, và việc du nhập các quan điểm ngôn ngữ học phương Tây đã đưa tới những nhìn nhận không chính xác về tiếng Việt, nhất là thông qua hệ công cụ văn tự mới tức chữ quốc ngữ Latin vốn còn nhiều khiếm khuyết.

Một khảo sát sơ bộ về các từ điển – tự điển chữ quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX đã chỉ ra sự khác biệt giữa hai dòng chính tả được gọi là dòng ngoại nhập và dòng Việt hoá, theo đó đặc trưng của các từ điển thuộc dòng chính tả ngoại nhập là xếp mục vần theo ký tự (vốn được coi là âm vị) và xếp các từ theo âm vị, ví dụ C - Ch, G - Gi, T - Th – Tr… được xếp chung một mục mặc dù là những phụ âm đầu hoàn toàn khác nhau; còn đặc trưng của các từ điển thuộc dòng chính tả Việt hoá là xếp mục vần theo âm vị và xếp các từ theo âm tiết (chẳng hạn Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh tách C và Ch, K và Kh thành những mục khác nhau). Hay một đặc trưng khác của dòng chính tả ngoại nhập là thái độ ít thân thiện, nếu không nói là thường xuyên bài xích đối với âm vị y trong mảng từ Việt Hán, và cần nhấn mạnh rằng sau tháng 4/1975 sự thắng thế của nó đã được khẳng định với hàng loạt từ điển tiếng Việt bên cạnh một số văn bản pháp qui về lối viết i/y (Xem Cao Tự Thanh, I và Y trong chính tả tiếng Việt, NXB Văn hoá Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2014).

Tương tự, trên các phương diện khác cũng có tình hình qui đồng tiếng Việt về mẫu số ngữ pháp và ngữ nghĩa của ngôn ngữ châu Âu, đến nỗi một nhà ngữ học xuất sắc đã phải nhiều lần la làng “về sự khác biệt lớn lao giữa thứ tiếng Việt mà dân ta nói và viết với thứ tiếng Việt được dạy ở nhà trường theo đúng tinh thần của các sách ngữ pháp tiếng Pháp xuất bản vào những năm 1920 - 1930” (xem Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, 1999). Có thể nói sự phát triển ngôn ngữ học ở Việt Nam là một bằng chứng điển hình về khuynh hướng quốc tế hoá1, chỗ khác nhau cơ bản giữa thời Pháp thuộc và sau Cách mạng Tháng Tám chỉ là quốc tế hoá cưỡng bức và quốc tế hoá tự nguyện, nhưng chính vì tự nguyện nên nguy cơ mất gốc càng cao. Có điều chính loại học thuật không tổng kết đủ, không lý giải đúng và do đó cũng không dự báo được về tiếng Việt ấy khi đưa vào nhà trường đã thực sự là một tác nhân đưa tiếng Việt tới chỗ trở thành một vườn ươm cho những mầm mống lai căng.

Một giải pháp trong tầm tay

Thật ra sự suy thoái của tiếng Việt đã diễn ra khá ồ ạt khoảng ba mươi năm nay trong đó nổi bật là việc hiểu sai dùng sai mảng từ Việt Hán. Có điều muốn hiểu đúng dùng đúng thì phải được dạy đúng, mà cho dù được dạy đúng thì vốn liếng tiếng Việt ngay cả của người tốt nghiệp đại học cũng không đủ giúp họ tiến hành được các hoạt động ngôn ngữ - văn tự một cách thuần thục và tự nhiên. Nhà trường không thể là nơi đào luyện năng lực hoàn chỉnh và phù hợp về ngôn ngữ, vả lại ngôn ngữ là một sinh thể luôn vận động và thay đổi, nên đó là một năng lực mà người ta phải tự rèn luyện suốt đời. Cho nên có thể nghĩ tới việc cung cấp điều kiện để mọi người có thể tự học sau khi rời khỏi nhà trường, nói rõ hơn là phải xác lập một hệ thống tiếng Việt có qui chuẩn và có những cách thức phù hợp để xã hội hoá nó. Một Từ điển tiếng Việt tổng hợp online có kèm chữ Hán, chữ Nôm và nguyên ngữ của những từ nước ngoài du nhập được Việt hoá để mọi người tra cứu hay tham khảo miễn phí trong hoàn cảnh mạng internet hiện nay hoàn toàn là một việc trong tầm tay.

Về đại thể, với một từ điển có nội dung tích hợp như thế người không biết chữ Hán cũng có thể thấy rõ hai từ tham quan (quan lại tham lam) và tham quan (tham dự quan sát) có tự hình khác nhau và ít nhất cũng không lầm từ sau thành thăm quan, người không biết tiếng Hoa được giải thích xường sám là trường sam (áo vạt dài) đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông thì sẽ không nói hay viết là sườn xám nữa. Học sinh sẽ viết là giấu diếm chứ không viết là giấu giếm nhờ hiểu sự khác biệt về âm đọc giữa d+iếm và gi+ếm, một số nhà báo cũng sẽ không tiếp tục đưa tin ai đó treo cổ hay nhảy xuống sông tự vẫn vì họ đã biết chữ vẫn có bộ đao tức cắt cổ bằng dao, hai lối tự chết kia là tự ải và tự trầm…

Những người thích tìm hiểu có thể thấy từ nghĩa trang vốn có nghĩa gốc là “điền trang làm việc nghĩa” do một số thương nhân và quan lại Trung Quốc từ thời Tống lập ra để giúp đỡ người trong tông tộc, việc nó được dùng để chỉ nơi chôn cất người chết như ở Việt Nam hiện nay chỉ mới xảy ra trong thế kỷ XX. Hay nhở trong nhắc nhở thật ra là nhớ chuyển thanh theo qui luật thanh điệu (cùng là thanh Phù), sau khi chuyển thanh vì có nét nghĩa qui ước khác với nhắc nhớ nên thành một từ mới, còn vì trong trị vì là vị chuyển thanh (cùng là thanh Trầm), trị vị là xử lý công việc trên ngôi, tức làm vua. Các từ ghép đẳng lập nửa Việt nửa Việt Hán như tôn thờ, nuôi dưỡng sẽ được lý giải, nguồn gốc của hai từ kinh tế (kinh bang tế thế) và kinh tế (economy) sẽ được giải thích rõ ràng.

Những đậm đà điệu đà mặn mà mượt mà nuột nà ruột rà rườm rà thật thà thịt thà, chớn chở nức nở phớn phở trắc trở, gọn ghẽ sạch sẽ mát mẻ mới mẻ màu mè v.v sẽ được giải thích có hệ thống chứ không phải theo những phát kiến riêng lẻ bá láp, quan hệ ngữ âm giữa các cặp từ Việt Hán và Việt hoá loại phàm - buồm, phi - bay, phòng - buồng, phố - búa, phủ - búa, phụ - bố sẽ cho thấy búa trong chợ búa hoàn toàn không phải là bến trong câu Trên bến dưới thuyền… Hẳn hoi, thẩn thơ, vơ vẩn, ngơ ngẩn có quan hệ thế nào với hẳn hòi, thẩn thờ, vớ vẩn, ngớ ngẩn, quá trình biến đổi từ tha thiết tới se sắt, da diết, ra rít sẽ được trình bày mạch lạc.

Thứ tự các phụ âm đầu trong từ điển sẽ được sắp xếp ăn khớp với âm vị và âm tiết của tiếng Việt, ví dụ C và K, G và Gh phải dồn lại làm một; Ch, Kh và Gi phải tách riêng v.v.

Khoảng mươi nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên lập trình có năng lực và kinh nghiệm biên soạn một từ điển như thế nhiều lắm cũng chỉ mất trên dưới bốn năm, so với một biên chế tương tự dạy tiếng Việt và chữ Hán trong trường đại học không mất nhiều thời gian hơn nhưng hiệu quả xã hội trên phương diện phổ biến tiếng Việt đúng qui chuẩn chắc chắn cao hơn. Tất nhiên việc sửa chữa và bổ sung định kỳ trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu mới và sự góp ý của dư luận phải được tiến hành, nhưng cho dù mỗi lần phải sửa chữa thêm bớt tới 10 - 15 % thì chi phí cũng không đáng kể vì không phải in ấn.

Một từ điển kết hợp nhiều lối giải thích như giải thích từ vựng (ý nghĩa từ), giải thích từ nguyên (nguồn gốc từ), giải thích từ pháp (cách tạo từ) như vậy nếu được thực hiện nghiêm túc và có phương pháp không chỉ có tác dụng trong việc dạy từ Việt Hán mà còn ít nhiều giống như tổng kết từ vựng tiếng Việt trước nay trong hoàn cảnh mới, sẽ có tác dụng lâu dài và chắc chắn tới việc tự học tiếng Việt của nhiều cá nhân trong nhiều năm.
***
Nhìn từ góc độ xã hội hoá cá nhân, ngôn ngữ là một không gian xã hội mà mọi người đều phải nhập thân vào, một số người do nghề nghiệp còn phải thực hiện quá trình cá thể hoá nhưng ai cũng phải thực hiện quá trình tiêu chuẩn hoá. Cho nên khi chưa có một hệ thống ngôn ngữ được chuẩn hoá trước hết về từ vựng và chính tả thì quá trình ấy vẫn còn thiếu điều kiện để có thể được thực hiện ở tất cả các cá nhân và nhóm xã hội. Việc giáo dục trong nhà trường là một trong những cách xã hội hoá tiếng Việt chứ không phải là cách duy nhất, tóm lại giao trọn một nhiệm vụ to tát như thế cho những người vốn không thể thực hiện nó thì bất kể thế nào cũng không phải là một hành động khôn ngoan.

Khác với tiến trình quốc tế hoá, tiến trình hiện đại hoá luôn đòi hỏi kiểm điểm lại tất cả những nguồn lực truyền thống, nhìn nhận lại toàn bộ những kinh nghiệm quá khứ, trên cơ sở ấy cụ thể hoá truyền thống thành những bài học mới, những giá trị sống trong sinh hoạt thường nhật của mọi tầng lớp xã hội trên phạm vi toàn quốc gia. Đó chính là xuất phát điểm để nhìn nhận và thực hiện việc dạy tiếng Việt trong đó có mảng từ Việt Hán hiện nay. Dĩ nhiên không thể đòi hỏi một người bình thường có kiến thức, nhận thức và ý thức về các vấn đề ngôn ngữ nói chung hay tiếng Việt nói riêng như các nhà nghiên cứu, nhưng nếu được học một cách đúng hướng và đúng cách thì ai cũng có thể có một tâm thức ngôn ngữ lành mạnh phát huy được tác dụng tích cực trong các hoạt động ngôn ngữ - văn tự, và đó chính là nền tảng văn hoá - xã hội bền vững cho sự phát triển của tiếng Việt ngay cả trên những khúc quanh hiểm nghèo sẽ xuất hiện trong tương lai.

Cao Tự Thanh

-----------------
1 Hai khái niệm quốc tế hoá và hiện đại hoá dùng trong bài viết này dĩ nhiên còn cần có sự thảo luận, song chúng tôi quan niệm hiện đại hoá cơ bản là sự thay đổi các tổ chức, thiết chế, quan hệ trong cấu trúc kinh tế – xã hội theo hướng hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu và xu thế trước hết của các hoạt động sản xuất cả vật chất lẫn tinh thần trong quốc gia, còn quốc tế hoá chủ yếu là sự tiếp thu các mô hình, chuẩn mực, giá trị nước ngoài trên phạm vi rộng và với quy mô lớn để thích ứng trước hết với sự giao dịch thế giới. Xem thêm Cao Tự Thanh, Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, NXB Văn hoá Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2012, tr. 46.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối