Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

VIẾT VĂN CÓ HÌNH ẢNH


Bài nghị luận hay là bài văn vừa giàu sức thuyết phục luận lý, vừa giàu hình ảnh. Hình ảnh làm tăng sức thuyết phục, làm cho chân lý vừa sáng tỏ, vừa thấm thía.
Biện pháp cơ bản nhất để tạo nên bài viết có hình ảnh là dùng phép so sánh, liên hệ, đối chiếu.

Ở đây, những tư tưởng trừu tượng khái quát, khô khan được minh hoạ, diễn đạt bằng cách so sánh với hàng loạt  hình ảnh cụ thể sinh động tạo nên khoái cảm cho người đọc không kém gì văn sáng tác.

-So sánh trong văn nghị luận cũng tuân thủ những yêu cầu và cách thức chung của phép tỉ dụ tu từ học. Những so sánh hay phải là những so sánh vừa chính xác đích đáng, vừa bất ngờ thú vị. So sánh bao giờ cũng có sức gợi cảm, gợi trí tưởng tượng phong phú trong lòng người đọc.
Ví dụ:
Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như ngôi sao chổi xẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi loà chói rực rỡ của mình.
(Chế Lan Viên)

-Có khi cũng là liên hệ nhưng được trình bày như một ẩn dụ nghệ thuật.
Ví dụ:
Người đọc lắm lúc có cảm giác như đứa trẻ trong rạp xiếc lo lắng nhìn bước chân người tài tử diễn trò leo dây giữa khoảng không. Nam Cao không làm xiếc ngôn từ, không làm trò kỹ thuật, anh tự thử thách mình về tư tưởng bằng cách buộc mình đi lại một cách mạo hiểm bên bờ vực thẳm. Trên này là chủ nghĩa nhân đạo, dưới kia là chủ nghĩa tự nhiên. Đúng là nhiều phen Nam Cao đã tỏ ra nghiêng ngả, thậm chí muốn sa chân thụt bước. Nhưng người đọc, sau những phút giây hồi hộp căng thẳng, càng cảm thấy khoan khoái, thấy anh cuối cùng vẫn đứng vững được trên bờ.
(Nguyễn Tuân)

-Đôi lúc người viết dựng lại, mô tả lại cảnh vật mà tác phẩm văn học gợi ra.
Tuy vậy, phải thật có mức độ trong kiểu viết này. Nếu lạm dụng và vụng về, bài văn sẽ trở thành bài diễn xuôi các tác phẩm văn học một cách nhạt nhẽo.

HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SO SÁNH VĂN HỌC


So sánh văn học được xem như là một phương pháp, một cách thức trình bày khi viết bài nghị luận văn học.

So sánh là một biện pháp hết sức cần thiết trong văn nghị luận. Một mặt nó làm sáng tỏ ngay vấn đề đang nghị luận, mặt khác nó chứng tỏ người viết có kiến thức rộng rãi, phong phú.

Không chỉ có các nhà phê bình nổi tiếng mới hay “liên hệ so sánh” mà bất kỳ một ai, muốn bài viết của mình sinh động, phong phú và có sức thuyết phục… thì cũng phải vận dụng cách thức này. Nhiều khi chỉ cần so sánh là đã nổi bật vấn đề.

Những liên hệ so sánh hay là những so sánh khiến cho người đọc cảm thấy rất tự nhiên mà vấn đề lại nổi bật được các góc cạnh và màu sắc của nó.

So sánh để thấy chỗ giống nhau, chỗ khác nhau nhằm soi sáng mặt kế thừa truyền thống và mặt đổi mới của tác phẩm, hoặc đánh giá những chuyển biến, hoặc tài năng biến hoá phong phú của một cây bút trong những tác phẩm viết chung một đề tài, một hình ảnh ở nhiều thời điểm khác nhau. Có khi chỉ cốt để làm nổi bật một vài chi tiết nào đó của tác phẩm.

Về nguyên tắc, có thể so sánh văn học trên mọi cấp độ: So sánh 2 nền văn học, 2 giai đoạn văn học, 2 thời kỳ, 2 tác giả, 2 khuynh hướng, 2 tác phẩm, 2 phong cách, 2 chi tiêt nghệ thuật…

Người viết văn nghị luận cần phải vận dụng so sánh văn học thường xuyên như một biện pháp “lợi hại” có tác dụng rất lớn trong việc diễn đạt và làm sáng tỏ vấn đề mình cần “nghị luận”.

Để liên hệ, so sánh văn học, người viết phải có một vốn tri thức rất rộng rãi về văn chương. Tuy vậy, cần luôn luôn nhớ so sánh cốt là để làm nổi bật cái hay, cái đẹp của tác phẩm được phân tích, bình giảng chứ không phải để phô trương kiến thức lan man, mất trọng tâm, bài viết trở nên tản mạn, lạc đề, gây cảm giác rất khó chịu cho người đọc.

*********************
VÍ DỤ MINH HOẠ
*********************
-Xuân Diệu bình rất hay niềm vui khoẻ khoắn của Huy Cận trong bài Mưa xuân trên biển (1959), đã so sánh tâm sự về mưa trong loạt bài thơ mưa của cùng tác giả như: Điệu buồn, Mưa, Buồn đêm mưa (Lửa thiêng), Mưa mười năm sau (1949). Đây chưa kể ông còn so sánh với mưa trong thơ Đỗ Phủ, Nguyễn Du, trong ca dao, dân ca, trong bài hát Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong.

-Bình giảng Tống biệt hành của Thâm Tâm, có thể liên hệ đến đề tài chia tay - tiễn biệt rất phổ biến trong văn học: chia tay trong ca dao, chia ly trong Truyện Kiều, chia tay trong Chinh phụ ngâm…

-Bình giảng bài Thuật hoài của Đặng Dung, một học sinh đã biết liên hệ so sánh với bài thơ của Ngu Cơ viết về Hạng Vũ:

Hán binh dỉ lược địa
Tứ diện Sở thanh ca
Đại vương chí khí tận
Tiện thiếp hà liêu sinh
(Quân Hán cướp hết đất
Khúc Sở vang bốn bề
Đại vương chí khí cạn
Tiện thiếp sống làm chi)

Hai bài thơ có nét giống nhau, đó là cái nhìn hào hùng và bất lực. Cái đẹp của kẻ sỹ, cái hùng tâm tráng chí của kẻ trượng phu, cái hiên ngang, bất khuất của người anh hùng chỉ còn đọng lại trong hình ảnh cuối cùng “Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma”.

HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VIẾT CÂU ĐOẠN CHUYỂN TIẾP


Câu đoạn chuyển tiếp giúp tăng cường sự kết dính các đoạn phần bài viết với nhau được chặt chẽ hơn.

I. VỊ TRÍ CHUYỂN TIẾP
1.
Giữa các phần bố cục chính: Mở bài – Thân bài, Thân bài – Kết bài.
2.
Giữa các phần trong nội dung bài, nếu nội dung bài đó có các phần:
Phần phân tích – Phần liên hệ, vận dụng.
Phần chính thức theo logic nội tại của vấn đề đó, nội dung đó – Phần phát triển, mở rộng…
3.
Giữa đoạn ý với đoạn ý
4.
Giữa trình bày luận điểm, lập luận với luận cứ

II. CÁCH CHUYỂN TIẾP
1.
CÁCH NỐI
Dùng kết từ hoặc ngữ tương đương với kết từ và dùng câu chuyển đoạn.
Tức dùng từ nối, câu nối, đoạn nối để nối ý này với ý kia; phần, đoạn này với phần, đoạn kia nhằm chuyển tiếp chúng qua “cái cầu” này.
Ví dụ:
-Qua các phần trên kia, chúng ta đã thấy những ý nghĩa của thơ Hồ Xuân Hương, những ý nghĩa đó luôn có một điểm này đi kèm: Là thơ Hồ Xuân Hương rất sống. Chính cái “rất sống” đó làm cho thơ Hồ Xuân Hương ở mãi trong lòng nhân dân.
(Xuân Diệu)
Sau đoạn nối này XD chuyển sang trình bày cái “rất sống” trong thơ HXH.

-Trở lên, tôi đã đứng vế phía người đọc, người nghe mà nhìn nhận tác dụng của phê bình. Cũng có thể đứng về phía người sáng tác mà nhìn nhận vấn đề.
(Hoài Thanh)
2.
CÁCH ĐẶT CÂU HỎI
Ví dụ:
-Nhưng số mệnh ở đây lại hiện ra dưới hình thức những con người. Bọn người ấy khá đông? Đầy đoạ Kiều không chỉ có một người như trường hợp Thạch Sanh hay Ngọc Hoa, Phạm Tài. Đầy đạo Kiều là cả một xã hội.
Ta thấy gì trong xã hội ấy?
(Hoài Thanh)
Phần sau HT chuyển sang nói về “Bộ mặt xã hội phong kiến trong Truyện Kiều”.

-Cũng trong bài viết này, trong phần phân tích “Bộ mặt xã hội phong kiến trong Truyện Kiều” sau khi trình bày bộ mặt ấy,HT muốn trình bày, lý giải một ý nữa để khoan sâu vấn đề đặt ra, ông lại dùng tiếp một loạt các câu hỏi để chuyển tiếp.

Cái xã hội Nguyễn Du tố cáo là xã hội nào? Là xã hội Trung Quốc thời Gia Tĩnh triều Minh? Hay xã hội Việt Nam cuối Lê đầu Nguyễn?
(Hoài Thanh)
Tiếp theo HT đã luận giải để khẳng định “hiện thực mà Nguyễn Du tố cáo chính là cái hiện thực đương thời ở Việt Nam.
3.
DÙNG PHÉP LẶP
Ví dụ:
Nhớ Nguyễn Trãi chúng ta nhớ người anh hùng cứu nước, người cùng Lê Lợi làm nên sự nghiệp bình Ngô, người thảo “Bình Ngô đại cáo”.
Nhớ Nguyễn Trãi là nhớ người anh hùng cứu nước, đồng thời là nhớ nhà văn lớn, nhà thơ lớn của nước ta.
(Phan Văn Đồng)
Với cách này, bạn cần có sự “nhắc lại” chủ đề đã giải quyết ở phần trên. Bởi nếu không “nhắc lại” thì sự chuyển tiếp vẫn được thực hiện nhưng sự liên kết có thể không chặt, vì ghép lặp chuyển tiếp được thực hiện ở khoảng cách quá xa (khoảng cách gần trong chuyển tiếp không cần làm như thế).
4.
TIỂU KẾT
Khẳng định ngắn gọn nội dung đã trình bày: Đưa ra luận cứ, luận điểm đáng tin cậy, hoặc luận giải một khía cạnh có liên quan giữa 2 luận điểm (đã trình bày và sẽ trình bày) để chuyển tiếp.
Ví dụ:
-Bọn quan lại, bọn lưu manh đều là hiện thân của của số mệnh, cái số mệnh cay nghiệt nó dày vò Thuý Kiều. Nhưng nói đến lực lượng bạo tàn của số mệnh không thể không nói đến thế lực của đồng tiền.
(Hoài Thanh)

-Nhà văn Tô Hoài còn gọi Đôi mắt là một thứi tuyên ngôn nghệ thuật chung của lớp nghệ sỹ các anh hồi ấy.
(Nguyễn Đăng Mạnh)
5.
TẠO THẾ TƯƠNG ỨNG
Chẳng hạn thế đối ngược, thế hô ứng, so sánh.
Ví dụ:
-Tôi vẫn nghĩ rằng, không phải đến Đôi mắt, Nam Cao mới đặt vấn đề “đôi mắt…”
(Nguyễn Đăng Mạnh)

-Nếu như các nhà văn hiện thực phê phán muốn tiểu thuyết (văn học) là sự thực ở đời,như Vũ Trọng Phụng từng tuyên ngôn, thì các nhà văn lãng mạn chủ trương thoát ra khỏi hiện tại…”
(Một học sinh)
6.
BẰNG TRỮ TÌNH NGOẠI ĐỀ
Ví dụ:
Tôi nghĩ rằng, nếu cần cho thêm một cái nhan đề thứ hai cho Tắt đèn, thì riêng tôi, tôi sẽ gọi nó là cuốn Cái thẻ sưu.
(Nguyễn Tuân)

HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LẬP LUẬN
SẮC SẢO CHẶT CHẼ


Lập luận là dùng những lý lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề, để người đọc hiểu, tin và đồng tình với mình.
Lập luận có một ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn trong văn nghị luận.

Để có được lý lẽ, cần vận dụng các thao tác tư duy như phân tích tổng hợp, tam đoạn luận, loại suy, tương phản, so sánh…

Muốn cho lập luận chặt chẽ, kín cạnh, người viết cần đặt mình vào vị trí người đọc, nhận người đọc không cùng một ý với mình, rồi giả định những lời phản bác có thể có từ độc giả ấy để lập luận cho hết ý và kín kẽ.

Vì thế,  lập luận trong một bài văn nghị luận thường chứa đựng một nội dung đối thoại ngầm về một vấn để nào đó.

Để làm nổi bật ý nghĩa và giá trị của chi tiết  trong thơ, người viết “lật đi lật lại”, “rào trước đón sau”, tạo nên sự chặt chẽ trong lập luận và làm sáng tỏ vấn đề đã nêu.

Do đặc điểm và tính chất của nó, văn nghị luận ít dùng câu mô tả, trần thuật “kể lể” sự việc mà chủ yếu dùng loại câu khẳng định và phủ định với nội dung hầu hết là các phán đoán hoặc những nhận xét, phán đoán sâu sắc.

Làm nên cái hay của văn nghị luận chủ yếu là đưa ra được một chuỗi phán đoán sắc sảo diễn đạt bằng một loạt câu khẳng định có góc cạnh.

Do nhu cầu lập luận, văn nghị luận thường phỉa dùng đến những từ như:
Thật vậy, Tuy thế, Cho nên, Vì vậy, Không chỉ… mà còn, Có nghĩa là, Giả sử, Nếu như, Trước hết, Sau cùng, Một mặt, Mặt khác, Nói chung, Tóm lại, Tuy nhiên, Bên cạnh đó…
có thể gọi chung là hệ thống Từ lập luận.

Cố gắng tránh một số lỗi thường mắc:
Lập luận thiếu lôgíc, Luận điểm không rõ ràng, Không hệ thống, Luận cứ thiếu chính xác, không đáng tin cậy…

***************
VÍ DỤ MINH HOẠ
***************
-Thơ là tình cảm, là cảm xúc. Thơ không lấy việc tả làm chính, không cạnh tranh với văn xuôi về lượng chi tiết, nhưng thơ không thể không cần đến chi tiết, có điều chi tiết trong thơ phải là những chi tiết chọn lọc ở mức nghiệt ngã nhất. Nó cần cái tính chất của cuộc sống.
Sự chọn lọc này, chủ yếu là sự chọn lọc của trái tim. Chi tiết trong thơ phải là những chi tiết giàu sức biểu hiện nhất, có khả năng rung động được lòng người, gợi được những liên tưởng sâu xa…
(Ninh Thị Hoàng Anh)

-Cuộc sống với những hiện thực phong phú, phức tạp vừa là đối tượng hướng tới, vừa là nguồn mạch nuôi dưỡng văn học. Quay lưng lại với cuộc sống, mải mê chuyện đúc chữ luyện câu, mọi giá trị văn chương chỉ là một thứ kỷ xảo, vờn vẽ.
Lục Du, người đã viết hàng ngàn câu thơ, lúc sắp mất trối lại cho con, lời trăng   trối mang sức nặng chiêm nghiệm của một hồn thơ tài năng, đi trọn cuộc đời mới thấu hiểu nổi cái lẽ: “CÔNG PHU CỦA THƠ LÀ Ở NGOÀI THƠ”.
Thì ra, sức nặng của trang thơ, của những con chữ lại chính là ở cuộc đời đầy nắng gió ngoài kia. Nhà thơ phải đến đó, phải tìm đến đó để ngòi bút viết lên từ thứ mực chưng cất từ chính cuộc đời đầy phức tạp, bộn bề bao âm thanh của mọi số phận. Văn học ra đời từ cuộc sống một cách tự nhiên như đã trở thành quy luật, thông lệ, nó quay trở về để khám phá, thể hiện lại cuộc sống.
(Trần Văn Toàn)

-Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết cứ cựa quậy, phập phồng. Một thứ văn bám riết lấy cuộc đời, quấn quýt lấy con người. Người ta thường nói nhà thơ, nhà văn cần có ba yếu tố chủ quan: Tài, Trí và Tâm. Có cây bút chỉ mạnh về tài và trí. Đọc Nguyên Hồng thấy tài và tâm, nhất là tâm nổi lên hàng đầu. Mà “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Ở những nhà văn chân chính xưa nay, tâm bao giờ cũng là cái gốc.
Tài và trí chỉ là cành, là ngọn. Nguyên Hồng viết văn như là đặt luôn cái tâm nóng hổi của mình lên trang sách. Nếu cần nói thật khái quát nhất một cái gì chung nhất chomoi5 chủ đề của tác phẩm của Nguyên Hồng, thì đó chính là lòng nhân đạo, một chủ nghĩa nhân đạo bao giờ cũng thống thiết mãnh liệt.
(Nguyễn Đăng Mạnh)

HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

DẪN CHỨNG
và TRÌNH BÀY DẪN CHỨNG


Nội dung bài văn nghị luận được tạo nên bởi những lý lẽ và dẫn chứng, cả hai đều có mục đích rất quan trọng là làm sáng tỏ vấn đề cần nghị luận.

Lý lẽ là giúp cho người đọc hiểu.
Dẫn chứng là làm cho người ta tin.
Một khi đã hiểu và tin tức là đã bị thuyết phục.

Những điểm cơ bản và cần thiết cho kỹ năng này là:
-Chọn dẫn chứng
-Sắp xếp dẫn chứng
-Các hình thức nêu dẫn chứng
-Tránh một số kiểu lỗi về dẫn chứng
1.
PHÂN BIỆT 2 LOẠI DẪN CHỨNG:
-Dẫn chứng bắt buộc (DCBB)
-Dẫn chứng mở rộng (DCMR)

Dẫn chứng bắt buộc  là dẫn chứng nằm trong phạm vi yêu cầu của đề về tư liệu. Còn dẫn chứng mở rộng là loại dẫn chứng ngoài phạm vi trên do người viết viện dẫn ra làm liên hệ, đối chiếu, so sánh nhằm làm sáng tỏ thêm ý đang được bàn bạc.

Ví dụ 1:
Có ý kiến cho rằng Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ đặc sắc của làng cảnh Việt Nam. Anh (chị) hãy chứng minh điều đó qua chùm thơ mùa thu của ông.

Ở đề này, chùm thơ mua thu của NK là phạm vi tư liệu mà bạn buộc phải trích dẫn. Đó là những DCBB.

Tuy vậy, trong quá trình viết, bạn có thể liên hệ với nhiều nhà thơ khác cùng viết về mùa thu để so sánh, đối chiếu, làm nổi rõ những nét đặc sắc của mùa thu trong thơ NK. Đó là những TDMR.

Ví dụ 2:
Nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua chương Hạnh phúc của một tang gia trong Số đỏ.

Ở đề này, DCBB phải lấy từ đoạn trích HPCMTG. Nhưng bạn cũng có thể mở rộng ra lấy một số dẫn chứng khác trong các chương khác của tiểu thuyết SĐ. Hoặc cao hơn nữa là lấy 1 số dẫn chứng của các tác giả khác cùng thời như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… để làm nổi bật nghệ thuật trào phúng của VTP.

Như vậy, CDMR này có thể ở nhiều cấp độ. Nếu DCBB là 1 đoạn trích, thì DCMR có thể là những đoạn khác trong tác phẩm ấy, những tác phẩm khác của cùng 1 nhà văn, những tác phẩm khác của nhà văn khác (cùng thời, trước đó, sau đó, trong nước, ngoài nước, văn học dân gian, văn học viết…)

Dẫn chứng cần tuân thủ quy tắc sau:
-Phải tôn trọng và tập trung vào những DCBB, tránh tình trạng DCMR lại nhiều hơn, coi trọng hơn, làm át cả DCBB.
DCMR chỉ là để làm sáng tỏ thêm DCBB mà thôi.
2.
CHÚ Ý TỶ LỆ GIỮA DẪN CHỨNG VÀ LÝ LẼ

-Bài viết chỉ có lý lẽ (hoặc dẫn chứng quá ít) sẽ trở nên khô khan… tạo cảm giác nặng nề cho người đọc.
Còn bài viết chỉ toàn dẫn chứng (hoặc lý lẽ quá ít) sẽ trở nên hời hợt và nhạt nhẽo, gây cho người đọc cảm giác bài viết rỗng, thiếu sâu sắc.

-Không nên hiểu 1 cách máy móc rằng:
Chứng minh là dùng dẫn chứng nhiều, lý lẽ ít.
Giải thích là dùng lý lẽ nhiều, dẫn chứng ít.
Lý lẽ và dẫn chứng nhiều hay ít phụ thuộc vào từng nội dung vấn đề cần nghị luận.

-Phải linh hoạt trong việc xác định dẫn chứng cũng như cách đưa ra dẫn chứng:
Khi nào thì trích nguyên văn, khi nào chỉ cần tóm tắt dẫn chứng và khi nào trích một số từ ngữ, chi tiết tiêu biểu

-Cần có 1 gia tài dẫn chứng giàu có, phong phú, đa dạng. Phải có trong đầu hàng trăm câu thơ thì may ra mới trích trong 1 bài viết nào đó được vài ba câu phù hợp, đúng và trúng vấn đề đang bàn bạc.
Muốn vậy, phải cần tích luỹ chúng theo 1 hệ thống kiểu như tích luỹ theo để tài, chủ đề, hình tượng, kiểu sáng tác, cách nói, cách miêu tả hay theo hệ thống chi tiết, nhân vật… cùng loại nào đó.
3.
DẪN CHỨNG PHẢI ĐƯỢC PHÂN TÍCH HAY VÀ GẮN VỚI LÝ LẼ

Một bài viết có nhiều dẫn chứng la liệt chỉ mới chứng tỏ bạn chăm học và có trí nhớ (nếu dẫn chứng chính xác) chứ chưa nói gì về trình độ nhận thức, năng khiếu thẩm mỹ và tài hoa.

Người đọc nhận biết được năng lực này nhờ những lời phân tích, bình giảng, bình luận dẫn chứng của bạn. Có khi, vì bạn không phân tích dẫn chứng mà người đọc hầu như không hiểu được dẫn chứng nhằm phục vụ gì cho lý lẽ, có ý nghĩa gì với lý lẽ.

-Như vậy, phân tích dẫn chứng còn quan trọng hơn cả bản thân dẫn chứng. Vì thế, khi lựa chọn dẫn chứng, ngoài yêu cầu chính xác, đa dạng cần chú ý đến những dẫn chứng mà tự mình thấy có khả năng phân tích được sắc sảo và hay.

HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MỘT SỐ CÁCH
BÌNH GIẢNG VĂN HỌC


Có nhiều cách diễn ý trong một bài văn nghị luận, nhưng tựu trung thường theo những nguyên tắc chung sau:
Phải nói lý lẽ gắn với tình cảm, cảm xúc vì đó là quy luật nhận thức thẩm mỹ. Phải nói nội dung gắn với hình thức, nói chi tiết hay bộ phận gắn với tổng thể, chỉnh thể nghệ thuật vì đó là đặc điểm của tác phẩm văn học.
1.
DIỄN TẢ TRỰC TIẾP NHỮNG ẤN TƯỢNG VÀ CẢM XÚC VỀ TÁC PHẨM

Diễn tả trực tiếp là diễn tả thẳng những ý nghĩ, những ấn tượng, những tình cảm và những điều tưởng tượng thú vị của mình khi đọc tác phẩm văn học.

Lối bình này đơn giản nhất vì không chú ý phân tích bình luận gì, chỉ diễn tả những cảm nghĩ chủ quan của mình trước một đoạn văn, một câu thơ hay.

Sức thuyết phục không ở lý lẽ phân tích bàn luận sắc sảo, mà ở chỗ cảm nghĩ có chân thật, chính xác và sâu sắc không và lời diễn tả có đạt không.

Ví dụ:
Hoài Thanh chỉ bình vắn tắt và đơn giản thế này về đoạn thơ sau:
Nửa đêm sương gội mái đầu
Chòi cao phần phật mấy tàu lá khô
“Không biết có gì trong cái cảnh “Chòi cao phần phật mấy tàu lá khô” mà câu thơ hay thế”.

Cái tài ở đây chỉ là phát hiện đúng chi tiết hay, và chỉ ra cho người ta chú ý. Người thẩm văn tinh tế, sắc sảo và giàu cảm xúc mới có thể bình hay theo lối này được.
2.
DIỄN Ý PHÂN TÍCH RA THÀNH HÌNH ẢNH

Lối bình này đi đôi với khả năng thiết kế hình ảnh, vừa gợi lại bức tranh của người sáng tác, vừa làm sáng tỏ lý lẽ của nhà phê bình.  
Đây cũng là cách để làm rõ, làm nổi bật một đặc sắc của tác phẩm.

Ví dụ:
Bình bài ca dao Lính thú thời xưa, Hoài Thanh dựng lên rất đạt hình ảnh con người giả và con người thực của anh lính phải đi trấn thủ lưu đồn. Con người giả tức con người công cụ cồng kềnh đè nặng lên con người thực.

“Đến khi con người thực vụt hiện ra được ở cuối bài thơ thì câu thơ bỗng khóc oà lên và người ta không trông thấy gì ngoài những dòng nước mắt”.

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa
(Lính thú thời xưa)
3.
PHÂN TÍCH DỰA VÀO QUY LUẬT TÂM LÝ

Lối bình này đòi hỏi phải có vốn sống lịch lãm. Bình văn chương mà gắn với đời sống thì bao giờ cũng gần gũi, dễ hiểu và tươi mát.

Cách viết là phân tích quy luật tâm lý của con người ta trong cuộc sống bình thường để soi sáng quy luật của tình cảm, cảm xúc trong văn thơ. Hoặc có khi cũng để làm nổi cái khác thường của tính cách nhân vật.

Ví dụ:
Hoài Thanh viết về cách nổi giận của Từ Hải:
”Một người phi thường như Từ Hải không thể trong lúc giận dữ ném một cái chai, một cái bát, hay đập bàn, đập ghế như cái bọn tầm thường là chúng ta. Từ Hải mà giận dữ hẳn phải kinh khủng như trời đang lặng lẽ bỗng nỗi giông tố, sấm sét:
Từ Công nghe nói thuỷ chung
Bất bình nổi giận, đùng đùng sấm vang”.
4.
PHÂN TÍCH DỰA VÀO MỘT TIÊU CHUẨN GIÁ TRỊ NÀO ĐẤY CỦA NGHỆ THUẬT

Lối bình này đòi hỏi phải thông hiểu lý thuyết trong nhiều lĩnh vực của nghệ thuật và khoa học để vận dụng một cách sáng tạo.

Đây là cách viết dựa vào một tiêu chuẩn nào đó về giá trị nghệ thuật, để dẫn đến chỗ đánh giá cao một chi tiết hay của tác phẩm.

Ví dụ:
-Để khẳng định giá trị nghệ thuật cao của nhân vật văn sỹ Hoàng trong truyện Đôi mắt của Nam Cao, có người đưa ra tiêu chuẩn chung của những nhân vật có phẩm chất nghệ thuật độc đáo:
”Những nhân vật như thế thường giống nhau ở đặcđiểm này: Có những chi tiết có vẻ rất ngẫu nhiên,  thậm chí vô nghĩa nữa, vậy mà không thể hình dung ra nhân vật ấy đúng như bản chất của nó nếu như gạt bỏ những chi tiết ấy. Nghĩa là rất ngẫu nhiên mà rất tất yếu. Có vẻ vô nghĩa ấy nhưng không cò không được”.

-Để bình cái không khí im lặng to lớn và trang nghiêm trong một đoạn thơ, Xuân Diệu đã bàn về giá trị tạo “ngôn ngoại” của cái gọi là “bút pháp im lặng” trong thơ.

-Hoài Thanh thì vận dụng khái niệm về “độ” của triết học biền chứng để nói cái ranh giới cheo leo giữa 2 trạng thái cảm giác, cảm xúc thuộc 2 nhân sinh quan tích cực và tiêu cực của con người.

-Theo lối này, Nguyễn Tuân còn thề hiện cái độc đáo cũa mình bằng cách vận dụng cả những hiểu biết về nhiều ngành nghệ thuật khác nhau như điện ảnh chẳng hạn, thậm chí cả những quy luật về đạo lý học, sinh vật học… để làm nổi những giá trị văn học mà mình phát hiện.

***
Tóm lại, mỗi lối bình yêu cầu một vốn tri thức khác nhau, một cách tư duy và năng lực diễn đạt khác nhau.
Nhưng cần nhắc lại điều này:

Cái quyết định cuối cùng không phải là lối bình này hay lối bình khác, mà ở chỗ cái hay, cái đẹp của tác phẩm mà ta muốn làm nổi lên có đúng là cái hay, cái đẹp thật không. Và người bình có thật sự cảm thấy cái hay cái đẹp đó không.

HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÁCH BÌNH MỘT BÀI THƠ


Cái duyên bình thơ cũng giống như sự duyên dáng ở người phụ nữ. Có người năm mươi vẫn trẻ trung, có người chưa ba mươi tuổi đã “toan về già”.

Trong các hoạt động văn học yêu thích của mình, tôi bắt đầu bình thơ từ khi ở Liên xô về lại khoa Văn ĐHSP Việt Bắc. Bài thơ đầu tiên tôi bình là bài ca dao chỉ có hai câu:

Con dao vàng rọc lá trầu vàng
Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa

Bài bình được trình bày tại buổi dạ hội văn học của sinh viên và được hoan nghênh. Thế là tôi bắt đầu lao vào bình thơ. Với người khác thế nào không rõ, còn tôi, vì là nhà giáo nên rất chú ý đến phương pháp. Để bình thơ, tôi tìm đọc các bài bình của Hoài Thanh, Xuân Diệu, Lê Trí Viễn, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Quyền,… Đọc, nghiền ngẫm, tôi tự rút ra kết luận là mỗi người bình một cách riêng, một phương pháp riêng và một giọng điệu riêng không thể bắt chước nổi. Nhưng hầu như ở mỗi một người bình thơ, ở mỗi bài thơ, tôi đều học được một điều gì đó. Ví như ở Hoài Thanh là sự nhạy cảm, ở Xuân Diệu là sự uyên bác, sâu sắc, ở Lê Trí Viễn là sự tinh tế, tài hoa, ở Vũ Quần Phương là sự duyên dáng mặn mà,… Cứ vừa học lỏm vừa làm việc, dần dần tôi in được hai tập sách bình thơ với 65 bài và một số bài lẻ chưa đưa vào sách. Ngẫm lại việc làm, tôi nêu lên một số điều kiện để có thể bình một bài thơ (cũng có nghĩa là làm một bài văn bình giảng thơ). Những kinh nghiệm này có tính chất cá nhân, nhưng chắc là cũng có điểm nào đấy tìm được sự đồng điệu, đồng tình.

Muốn bình một bài thơ trước hết cần phải thấu hiểu bài thơ. Cũng giống như một cuộc nói chuyện, người nói phải hiểu được, nắm chắc được nội dung điều mình nói thì mới mong được người nghe đồng tình. Hiểu thấu bài thơ cần các việc làm sau đây:

- Đọc và hiểu tất cả từ ngữ của bài.
- Nắm chắc cảm xúc chính và “nỗi niềm” mà tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ.

Để tạo điều kiện cho hai việc đó, phải làm hai việc khác rất cần thiết là:

- Tìm hiểu tác giả bài thơ, những sự kiện về cuộc đời, về tâm trạng, những kỉ niệm riêng dẫn đến thành thơ.

- Sau khi nắm chắc được nội dung thơ, tôi bắt đầu chú ý đến các biện pháp tu từ, cách sử dụng âm thanh, nhịp điệu… Đây là một bước cực kì quan trọng vì suy cho cùng, bình giá một bài thơ (được coi là thơ hay) chính là tìm ra và biểu dương những cái mới, những nét độc đáo về nội dung tư tưởng và hình thức diễn tả của tác giả bài thơ đó.

Mỗi bài thơ được bình phải đọc đi đọc lại không dưới mười lần để thấm và khám phá những nét riêng của nó. Chỉ khi đã tương đối “chín” mới bắt đầu viết ra.

Khi viết thường là viết liền một mạch tất cả những gì đã suy nghĩ và nghiền ngẫm. Viết xong, bao giờ cũng phải đọc lại. Vì những bài bình không bị hạn chế và thúc bách về thời gian nộp bài nên một ngày sau đọc lại, vài ngày sau đọc lại, một tuần sau đọc lại. Mỗi lần đọc đều cân nhắc, sửa chữa, bổ sung các ý và nhất là làm cho lời văn thanh thoát, trau chuốt. Câu văn bình thơ cũng cần phải có nhạc, phải tao nhã và có chất thơ.

Điều quan trọng khi bình thơ là phải trân trọng, yêu mến, cảm thông với tác giả. Nói như kinh nghiệm của Hoài Thanh là “ lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Bất cứ tác giả nào, khi bình thơ của họ, cũng cố gắng để khám phá “tấc lòng” trong đó. E.Eptusenko có viết rằng mỗi con người là một vũ trụ riêng không lặp lại bao giờ. Cũng có thể lấy đó để áp dụng cho mỗi bài thơ hay.

Một điểm khó luôn luôn thách thức người bình thơ – đó là tìm cho ra giọng bình thích hợp với nội dung của bài thơ mình bình. Việc mở đề do đó rất công phu và khó khăn. Cả việc viết kết thúc cũng thế. Khi đã viết khoảng vài chục bài bình thì việc vào đề và kết thúc ấn tượng sẽ là một công việc cực kì khó khăn. Có được một mở đề phù hợp và hấp dẫn là đã đảm bảo được một nửa sự thành công. Có được một kết thúc như ý sẽ nâng cao giá trị của bài viết. Điều cuối cùng là muốn bình được thơ của người khác thì người viết lời bình cũng phải là một thi sĩ, ít nhất cũng là thi sĩ trong suy nghĩ, trong xúc cảm. Nếu như người bình có làm thơ (dù chỉ là thơ để ở sổ tay) thì càng tốt.

Sự thành công của bài viết phụ thuộc vào sự lịch lãm và kinh nghiệm cá nhân. Có những bài thơ khi ta càng nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm thì bình sẽ thâm thuý, sâu sắc hơn. Nhưng có thể sự tươi tắn, sống động trong lời bình cũng sẽ không còn nữa.Cái duyên bình thơ cũng giống như sự duyên dáng ở người phụ nữ. Có người năm mươi vẫn trẻ trung, có người chưa ba mươi tuổi đã “toan về già”.

Kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm cá nhân, chỉ là một cái gì để tham khảo mà thôi.

VŨ NHO
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VÀI SUY NGHĨ
VỀ VIỆC BÌNH THƠ


Công việc bình thơ là một công việc tuy khó nhưng hết sức lý thú. Mỗi khi phát hiện được vẻ đẹp ẩn chứa trong những câu thơ, bài thơ mà mình ưa thích và nói được những điều mình cảm, mình nghĩ để mọi người cùng chia sẻ là niềm hạnh phúc lớn lao đối với người bình thơ.

Bình thơ là công việc đòi hỏi có vốn sống, có trình độ, có khiếu thẫm mỹ, tinh tế và nhạy cảm. Bình thơ còn phải có phát hiện và giọng riêng. Nó là một công trình vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật. Nhà thơ thì nhiều nhưng những người bình thơ tài năng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ở Việt Nam có một vài người bình thơ khá hay trong đó tôi hết sức khâm phục Hoài Thanh và Xuân Diệu.

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của một bài bình thơ là sự phát hiện. Đọc một số bài bình thơ gần đây được đăng tải trên một số tờ báo, tạp chí tôi cứ thầy đều đều, bằng lặng ít gây được ấn tượng mạnh có lẽ là vì thiếu tính phát hiện chăng? Những phát hiện độc đáo của người bình thơ khiến cho bạn đọc đặc biệt thích thú và khắc ghi vào trí nhớ chẳng thua gì những câu thơ, tứ thơ, bài thơ hay. Xuân Diệu từng nói vui: phê bình như bà mối đưa nàng thơ đến với công chúng. Đôi khi bà mối “tán” hay đến mức công chúng yêu bà mối hơn cả nàng thơ. Tôi đã đọc những bài bình của Hoài Thanh và Xuân Diệu cách đây mấy chục năm nhưng đến nay vẫn nhớ như in. Với Hoài Thanh là trường hợp ông bình bài ca dao Đi lính thú: Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài, một tay thì cắp hoả mai/ Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền/ Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa. Trước khi chưa đọc lời bình của Hoài Thanh tôi không hề để ý đến con người giả và con người thật trong bài ca dao. Con người thật chỉ hé lộ ra trong bốn chữ cuối bài mà làm đảo lộn tất cả. Thì ra bao nhiêu thứ mà triều đình phong kiến trang bị, nào là bao vàng, nón dấu, súng dài, hoả mai, giáo… vẫn không che giấu được cái tâm trạng thực của anh ta. Đây là một phát hiện hết sức tinh tế của Hoài Thanh. Qua đó, chúng ta càng hiểu hơn cái thật, cái giả trong cuộc đời. Cái giả dù có nguỵ trang đến mấy cũng không che giấu được sự thật. Khi bình đoạn Trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoài Thanh cũng có những phát hiện hết sức bất ngờ. Đang đang cầu xin Thuý Vân “cậy em, em có chịu lời”, đang kể cho Thuý Vân nghe câu chuyện tình sâu nặng của mình… đột nhiên Thuý Vân biến mất. Trước mắt Kiều giờ là Kim Trọng. Và nàng thổn thức: Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang! Thôi, thôi thiếp đã phụ chàng từ đây. Phát hiện này giúp chúng ta càng hiểu hơn sự biến hoá tài tình của ngòi bút Nguyễn Du. Xuân Diệu cũng phát hiện khá nhiều điều thú vị trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…

Khi “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa xuất hiện, có thể nói Xuân Diệu là một trong những quảng bá nhiệt tình nhất, hăng hái nhất. Xuân Diệu viết bài bình, nói chuyện thơ Trần Đăng Khoa trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ở cơ quan, trường học, xí nghiệp. Thơ Trần Đăng Khoa vốn đã hay đọc và nghe Xuân Diệu bình càng thấy hay hơn. Tôi nhớ mãi buổi Xuân Diệu nói chuyện với sinh viên khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Vinh ở rừng núi Thạch Thành (1968). Khi nhà thơ đọc bài Con bướm vàng– được xem là một trong những bài thơ đầu tiên của Khoa. Trước khi nghe Xuân Diệu bình tôi từng đọc bài thơ này và thấy không có gì thật đặc sắc:

Con bướm vàng
Con bướm vàng
Bay nhẹ nhàng
Trên bờ cỏ
Em thích quá
Em đuổi theo
Nó vỗ cánh
Vút lên cao
Em nhìn theo
Con bướm vàng
Con bướm vàng…

Tôi nhớ hôm ấy Xuân Diệu hỏi: Các bạn có biết phải đọc hai câu đầu và hai câu cuối bài thơ Con bướm vàng như thế nào cho đúng với ý đồ nghệ thuật của Trần Đăng Khoa không? Tất cả im lặng. Tôi cố tìm câu trả lời nhưng nghĩ mãi chẳng ra. Ngừng một lúc, Xuân Diệu cất tiếng: Ở phần đầu phải đọc câu trước nhỏ hơn câu sau. Còn ở phần cuối thì ngược lại. Ông hỏi tiếp: Các bạn có biết vì sao phải đọc như thế không? Tất cả vẫn im lặng. Xuân Diệu giải thích: Con bướm vàng ở phần đầu là con bướm vàng bay từ xa đến, nó lớn dần. Con bướm vàng ở phần cuối là con bướm đang bay xa dần, nhỏ dần. Cả hội trường vỗ tay rào rào vì phát hiện độc đáo ấy của nhà thơ. Tôi thầm nghĩ cậu bé Khoa thuở ấy chỉ mới tám tuổi mà đã có cái “ý đồ nghệ thuật” như thế thật thì quả là “thần đồng”! Bình bài Sao không về vàng ơi, Xuân Diệu so sánh hai đoạn thơ Trần Đăng Khoa tả con chó vàng trước và sau khi mất. Ở đoạn trước:

Tao đi học về
Là mày chạy xồ ra
Đầu tiên mày rối rít
Cái đuôi mừng ngoáy tít
Rồi mày lắc cái đầu
Khịt khịt mũi, rung râu

Còn đoạn sau, Trần Đăng Khoa cố ý thêm vào hai tính từ chỉ màu sắc: vàng và đen:

Không thấy mày đón tao
Cái đuôi vàng ngoáy tít
Cái mũi đen khịt khịt

Nếu là một cậu bé khác sẽ làm ngược lại vì đoạn trước con chó đang hiện hữu trước mắt, quan sát cụ thể hơn. Ở đoạn sau là con chó trong trí nhớ không cụ thể bằng. Nhưng Trần Đăng Khoa có cái lý riêng của mình. Vì quá thương tiếc con chó vàng nên khí nhớ về nó thì nó hiện về rõ hơn cả khi nó đang đứng trước mặt. Thơ trung bình và thơ hay đôi khi chỉ hơn nhau một chút như vậy! Xuân Diệu kết luận. Nếu không có lời bình của Xuân Diệu chắc ít ai để ý hai tính từ chỉ màu sắc ở đoạn sau và “cái lý riêng” của cậu bé Trần Đăng Khoa.

Tôi cũng có tham gia bình một số bài thơ. Trong khi bình tôi tập trung làm rõ những phát hiện riêng của mình. Những phát hiện của tôi tuy chưa có gì đặc sắc nhưng cũng mạn phép được chép ra đây vài đoạn để bạn đọc tham khảo. Về hai câu kết trong bài Thương vợ của Trần Tế Xương “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không” nhiều người cho là tác giả mượn lời bà Tú để chửi đời. Tôi không nghĩ như vậy. Theo tôi, Trần Tế Xương không chỉ thương cái vất vả, lam lũ của bà Tú: “lặn lội thân cò”, “eo sèo mặt nước”… mà còn thương sự hụt hẫng trong đời sống tình cảm của bà. Phải thành thật đến mức nào, phải hiểu nỗi niềm bà Tú đến mức nào nhà thơ mới hạ được hai câu “độc chiêu” như vậy. Sức nặng của bài thơ dồn nén ở hai câu kết này. Với bà Tú, mọi vất vả khó khăn trong việc buôn bán làm ăn bà đều chấp nhận. Cả việc nuôi con, nuôi chồng bà cũng “âu đành phận”. Bà không than phiền, trách cứ gì ông. Điều mà nhà thơ ân hận nhất, day dứt nhất, cắn rứt lương tâm nhất phải chăng là ông tự thấy có khi, có lúc mình quả “hờ hững” với bà Tú, “hờ hững” với người đang “lặn lội thân cò”, “eo sèo mặt nước” để nuôi con, để nuôi cả chính mình. Cái “hờ hững” ấy quả thật là đáng trách. Nhà thơ hiểu rằng cái sự “hờ hững” ấy của ông đã làm cho bà Tú phải bao đêm trằn trọc, thao thức, đau khổ… Chính sự “hờ hững” này mà ông Tú cảm thấy mình “ăn ở bạc” với bà. Người ta đầu tắt mặt tối nuôi mình, nuôi con mà mình lại vẩn vơ tơ tưởng đến người khác là “ăn ở bạc” chứ còn gì nữa! Từ “hờ hững” là từ đắt nhất trong toàn bộ bài thơ vì nó chứa đựng rất nhiều tầng nghĩa .“Có chồng hờ hững cũng như không” đâu chỉ là tiếng lòng của bà Tú mà đó cũng là tiếng lòng của tất cả những người phụ nữ có chồng trên thế gian này.

Còn đây là phát hiện nhỏ của tôi về người đưa tiễn trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm. Khi bình Tống biệt hành,các bài viết thường quan tâm đặc biệt đến người ra đi. Trong khi đó theo tôi mấu chốt bài thơ chính lại nằm ở người đưa tiễn. Người ra đi chủ yếu được thể hiện qua lời độc thoại nội tâm của người đưa tiễn. “Ta” đang nói với chính mình. Kiểu xưng “ta” và “người” đã phần nào giúp tôi đoán được mối quan hệ đặc biệt của họ. Trần Tế Xương đã từng nhắn gửi với người mình yêu: “Ta nhớ người xa cách núi sông…”; Nguyễn Du cũng từng để nàng Kiều tự dằn vặt mình: “Vì ta khăng khít cho người dở dang…”. Qua giọng thơ trữ tình, qua cách xưng hô và chủ yếu là qua sự bộc bạch nội tâm trong Tống biệt hành cho tôi tin chắc rằng Thâm Tâm đã nhập vai bạn gái của người ra đi. Nàng rất hiểu, rất yêu chàng trai nhưng tình yêu đang còn dồn nén trong lòng. Chính sự dồn nén ấy đã tạo ra chất giọng trữ tình, sâu lắng rất khó nhận diện trong suốt bài thơ.

Hãy thử đọc lại bốn câu mở đầu:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

“Tiếng sóng lòng” và “hoàng hôn” chỉ có “ta” nghe, “ta” thấy, “ta” ngạc nhiên và “ta” tự đặt câu hỏi với chính mình. Đó chính là nỗi vấn vương, nỗi buồn mênh mông của người đưa tiễn. Nàng ngạc nhiên chính vì mãi đến lúc đưa tiễn nàng mới cảm hết nỗi trống vắng trong tâm hồn khi biết rằng người mà mình thầm yêu, trộm nhớ ra đi không hẹn ngày trở lại. Nàng tự thú với lòng:

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…

“Ta chỉ đưa người ấy” là một cách nói tránh rất tế nhị, rất kín đáo. Điều nàng muốn khẳng định với mình là: ta yêu người ấy! Có điều giữa ta và chàng chưa ai dám thể hiện ra bên ngoài. Cả hai cố làm ra vẻ “dửng dưng”.
Khổ kết bài thơ vẫn là lời độc thoại của người đưa tiễn:

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.

“Người ấy” đã ra đi mà nàng vẫn không tin. Nhưng sự thực vẫn là sự thực! Sự thực ấy làm lòng nàng quặn thắt. Câu thơ chứa đựng nỗi niềm đầy luyến tiếc, đầy day dứt của người đưa tiễn. Tất cả những trạng thái tình cảm đó nàng dồn nén vào bên trong, nàng tự biết với lòng mình. Không tìm hiểu mối quan hệ đặc biệt giữa người ra đi với người đưa tiễn, không đi sâu phân tích nội tâm của người đưa tiễn thì rất khó lí giải được một số câu thơ có vẻ khó hiểu trong Tống biệt hành.

Mai Văn Hoan
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÁCH BÌNH GIẢNG
THƠ TRỮ TÌNH


a)
Phải nhận ra được những tín hiệu nghệ thuật độc đáo, khác lạ, đặc sắc mà ta chưa từng gặp trong thơ ca. Trong một câu thơ, chỉ có một tín hiệu, có khi lại có vài ba tín hiệu cùng lúc. Thường là ở những câu thơ hay, xuất hiện nhiều tín hiệu nghệ thuật.

Ví dụ hai câu thơ:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều

Ít nhất phải để ý những tín hiệu nghệ thuật sau: cảm thán từ “ôi”, “cánh đồng quê chảy máu” là hình ảnh nhân hoá, “Dây thép gai đâm nát trời chiều" vừa bao gồm thủ pháp nhân hoá, vừa mang tính tạo hình; sự phối hợp hai câu thơ: mặt đất thì máu đỏ, trời chiều thì bị cào xé rách nát... tạo nên một cảnh tượng bi tráng.

b)
Sau khi nhận ra những tín hiệu nghệ thuật quan trọng như vậy, phải tiến hành giảng giải (cắt nghĩa, giải thích) cho mạch lạc ý tứ mà câu thơ biểu hiện. Khi giảng giải cần thuyết phục người đọc ở cái nghĩa lí của sự phân tích, làm cho người đọc tin cậy.

Cần tránh diễn nôm đơn giản hoặc thô thiển ý của câu thơ, hình ảnh thơ. Tránh liệt kê các cách hiểu khác nhau về cùng một chi tiết nghệ thuật nào đó, mà không bày tỏ thái độ đồng tình hay không đồng tình với một cách hiểu nào.

Phải đặt các đoạn, khổ, câu thơ vào trong toàn bài; và đến lượt nó, lại phải đặt vào trong toàn bộ sáng tạo của tác giả, có khi đặt vào bối cảnh lịch sử - văn hoá mà bài thơ ra đời để hiểu đúng ý nghĩa của thơ.

c)
Cùng với thao tác giảng là bình.
Ở đây có rất nhiều cách:
-Bộc lộ cách đánh giá trực tiếp của người viết, mượn lời người khác để đánh giá, nhập vào tác giả mà suy luận, nhập vào nhân vật trữ tình mà tưởng tượng.

-Liên hệ với các câu thơ, bài thơ khác để thấy những nét độc đáo riêng…

Giảng có sâu sắc thì bình mới tâm đắc. Nếu giáng hời hợt, chưa tới thì dù có bình tâm huyết đến mấy cũng sẽ thiếu sức thuyết phục, người đọc sẽ không tin vào những lời bình “rỗng” như thế. Lời bình thể hiện rõ nhất giọng điệu, thái độ, cảm xúc, độ tinh nhạy của mỹ cảm. Cho nên nó mang đậm dấu ấn cá nhân của người viết rất đậm.

Dưới đây là lời bình thật tài hoa và tinh tế của Hoài Thanh về bài thơ Duyên:

“Xuân Diệu có hai câu thơ thiệt hay:

Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang, nắng trở chiều

Chính là hai câu tả cảnh. Nhưng cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng”.

(Sưu tầm)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐIỀU KIỆN BÌNH THƠ


Vậy điều kiện để có những lời bình thơ hay ra sao? Sáng tạo nên những vần thơ hay được nhiều người thừa nhận thật không mấy dễ dàng. Ngay những bậc danh nho đầu óc thông thái hơn người cũng không dám xem thường người làm thơ. Phẩm bình cố nhiên phải có khen có chê. Khen, chê cũng đặt ra cả với thưởng ngoạn. Có những sản phẩm nào hoàn thiện tới mức không còn những sơ sót, khuyết tật? Song khen chê thì dễ, làm mới khó. Lê Hữu Trác và Bùi Huy Bích cùng xác nhận sự thật này. Lê Hữu Trác viết: “Nói thì d64 nh7ng làm lại khó” [41, 101]. Còn Bùi Huy Bích thì nói: “Hay làm đâu dễ hơn hay nói”. Ở phương diện khác, ý kiến sau của Trần Cao Đệ không phải không có cơ sở: “Người viết đã khó người đọc lại càng khó... Phương chi kẻ vừa đọc lại vừa bình. Liệu có đúng như vậy chăng?” [17, 222]. Trần Cao Đệ luôn nói tới sự đọc đúng, sự bình hay. Đòi hỏi đâu ít và thấp. Cái khó của bình duyệt thơ là thế.

Để có những lời bình thuyết phục, người xưa cho rằng cần lấy lòng để cảm hiểu lòng. Đọc thơ là chuyện “ý hợp tâm đầu” (Lương Khê), là duyên “bèo nước gặp nhau” (Đỗ Tuấn Đại). Cần có “con mắt xanh” giao cảm giữa người viết và người bình. Cả Bùi Dương Lịch lẫn Trúc đào Chủ nhân Tôn Hành Thị đều dùng hình ảnh sát thực này khi bàn về điều kiện của việc thưởng thơ, bình thơ. Hết thảy đều chì một mong mỏi “hiểu lòng nhau”, “thương tài nhau”, bởi lẽ “kẻ sĩ quý ở chỗ hiểu lòng nhau mà thôi”. Không cảm thông được với nhau sẽ không cảm hiểu được thi ca. Đó là lẽ cơ bản, bất di bất dịch. “Tôi – Trần Cao Đệ viết – ý niệm thiết tha nên hiểu được Hàn, tâm tư nồng cháy nên trông chờ ở Lý” [17, 234]. Ông còn nói phê bình là “bình duyệt” nhưng quan trọng là “tâm cùng nhau gặp gỡ... chứ nói gì tới duyệt và không duyệt” [17, 223].

Cái lẽ cơ bản này của đạo bàn luận gắn liền với điển cố quen thuộc về Bá Nha với Tử Kỳ. “Tri âm” có từ đấy và luôn được nhắc đến khi bàn về mối quan hệ giữa sáng tác và cảm thụ, phê bình. Thời trước và thời nay cũng vậy, người sáng tác rất khó tìm được kẽ “tri âm”. Đường Tăng đời Đường có câu: An năng đắc hoàng kim/ Chú tác Chung Tử Kỳ (Sao có được vàng/ Mà đúc làm Chung Tử Kỳ).
Dựa vào ý thơ này, trong bài thơ “Đề Bá Nha cổ cầm đồ” (Đề bức hoạ Bá Nha đánh đàn cầm), Nguyễn Trãi viết: “Chung Kỳ bất tác chú kim nan” (Không làm được Chung Tử Kỳ vì đúc vàng khó). Vì vậy, nói đến “tri âm”, Ngô Thì Sỹ cho là điều “may mắn”, “còn như nhắc chi ly đối với cái nhỏ nhoi của chữ nghĩa, cũng là tìm quẩn dẫn quanh... đó không phải là điều mong muốn của tôi” [17, 20]. Cũng có thể nói, đấy không chỉ là mong muốn của riêng Ngô Thì Sỹ đối với việc bình thơ. Ngô Thì Nhậm viết rất tâm đắc rằng: “Chỗ thần diệu (của thơ) là cốt ở tấm lòng để hiểu lòng mà thôi. Bởi vậy nếu tâm hồn và tâm hồn gần nhau, thì tất có cơ sở để nương tựa”. Có nơi “nương tựa”, lời bình sẽ dễ thấu lý đạt tình.
Sự cảm thông giúp người đọc “tưởng như chính mình bước chân đến tận nơi ấy” để rồi “các bậc Thánh Hiền hào kiệt cùng đi lại với ta và trở thành bạn tri kỷ cả” (Cao Bá Quát). Đấy là đối với cảnh và người trong thơ. Còn với cái tình của thi nhân? Một tác giả vô danh viết: “Đặt mình vào hoàn cảnh của họ... thì như đích thân nghe thấy tiếng dặng ho của họ”. Đấy là cái mà ngày nay ta gọi là “nhập thân”. Để tạo nên những trang sống động, người viết phải “hoá thân”, còn để tạo nên những trang bình sát thực, người đọc phải “nhập thân”. Tương tự, không chỉ nhà thơ mới cần “hứng” để sáng tạo. Hứng cần cho cả người bàn luận thơ. Miên Thẩm viết: Khi hứng tới một mình dạo bước ngoài cửa Nam thành/ Cùng tôi bàn thơ như duyên xưa hò hẹn.

Đó là chỗ khác biệt chính yếu của phê bình thi ca – một sản phẩm tinh thần đặc thù, với việc đánh giá các sản vật khác. Đã có nhiều bài học phản diện. Phạm Nguyễn Du từng giận Hoàng Phác “lượng hẹp hòi” mà “tình đơn độc”. Kết cục thật đáng trách: “Tình đơn độc cho nên không thể dung nổi người xưa; lượng hẹp hòi nên gặp ai là “mục hạ vô nhân”” (Tạp chí Văn học, Số 1/1980, tr. 152). Đây là căn bệnh trầm kha của không ít kẻ làm thơ làm văn. “Văn nhân coi rẻ lẫn nhau, từ xưa vẫn thế” (Trần Cao Đệ). Bên cạnh tâm lý “trọng mình rẻ người” là tâm lý “quý xưa rẻ nay”. Miên Thẩm thẳng thắn phê phán: “Thơ của người đời nay không bằng xưa, việc làm của người đời nay lại càng chẳng bằng xưa, phải chăng đấy là trọng xa khinh gần... Tại sao lại cho rằng thơ nay không bằng thơ xưa”.

Cần thoát ra khỏi lối mòn chật hẹp từng ngáng trở người đọc đến với  những vẩn thơ bay bổng, để rồi có thể sống tràn ngập trong cảm xúc buồn vui do tác phẩm văn chương đem lại. Một tác giả vô danh yêu cầu: “Đọc thơ nên có một phép tắc nhất định” [17, 53]. Phép tắc của đọc thơ phải phù hợp với phép tắc của làm thơ. Mà sáng tạo là “khạc máu làm câu, xé lòng làm chữ” (Phạm Nguyễn Du), “hoặc kêu hoặc gào, hoặc ca hoặc khóc” (Ngô Thì Sỹ). Do vậy, tác giả vô danh nọ kết luận: “Thơ làm rung động con người là như vậy đó. Người xưa sành đọc thơ cũng như vậy đó”. “Sành đọc thơ” cần như Quân Bác: Vỗ án khen tài bởi những câu làm kinh động lòng người [17, 105].

Cũng như Nguyễn Văn Lý đọc xong “Cao Chu Thần thi tập” thì “ngồi như ngây dại” và như Phạm Nguyễn Du đọc “Tập thơ nỗi nhớ buồn đằng đẵng” “như thấy ông (chỉ tác giả) đang khóc gào nức nở, vỗ ngực dậm chân, như thấy ông đang cười nói miên man, ôn tồn âu yếm, như thấy ông đang trải qua cái ngày gương vỡ” (Tạp chí Văn học, Số 1/1981, tr. 151).

Quy luật cảm thụ văn chương là thế: Từ cảm thông đến rung động, càng rung động càng tăng cảm thông. Tuy nhiên, bình thơ không đơn thuần là hoạt động cảm tính. Nguyễn Văn Siêu viết: “Học vấn còn nông cạn nên những lời thu thập không được xác đáng. Thu thập không được xác đáng thì sự nắm vững không được chuyên nhất. Sự nắm vững không được chuyên nhất thì lời người luận không tinh” (Tạp chí Văn học, Số 1/1976, tr. 146). Với Nguyễn Văn Siêu, “nghị luận” thi ca cũng là một nghề đòi hỏi sự “chuyên nhất”. Đã là một nghề thì phải trau dồi học hỏi. Mà thi pháp lại là một lĩnh vực nan giải. Một đầu óc uyên thâm như Bùi Huy Bích, với thơ, vẫn luôn cảm thấy “mờ mịt” do “chưa từng đi vào nghiền ngẫm dùi mài”. Rèn luyện có khi không đến đích, nhưng muốn tới đích lại không thể không rèn luyện.

Một khi đã có sở trường nhờ sở học thì cái quyết định lại là ý thức và thái độ của người nghị luận. Trước hết cần đọc cho kỹ, nghĩ cho sâu. Không thể “gãi ngứa qua giày”, “cưỡi ngựa xem đèn”, vì theo Trần Cao Đệ, “như vậy là chuốc lấy cái cười của người học rộng” [17, 223]. Ông còn nhắc lại câu nói của cổ nhân để củng cố lại quan niệm của bản thân: “Kẻ đọc sách của người xưa, xem một lượt là xong, tức là phủ nhận áng văn hay”. Với thơ người xưa thi kẻ bình duyệt dễ sơ sài, còn với thơ đương thời thì lại dễ tán tụng vô căn cứ.          Nguyễn Văn Siêu đã cảnh tỉnh: “Được nửa vế, một câu nghe được, đã đề cao nhau, lại tâng bốc rằng: “Tiếc cho đời nay không có thấy!”. Dù thấy Khổng, thầy Mạnh bây giờ có sống lại đi nữa, phỏng có ích gì cho bọn ấy?” (Tạp chí Văn học, Số 4/1976, tr. 146). Nên nhớ, những người cầm bút có lương tri cũng sẽ cảm thấy hổ thẹn khi đọc những lời tán tụng quá đáng thơ mình. Ví như Miên Trinh. Ông đã “bất giác thẹn thùng” khi đọc lời bình “hết ý khen ngợi” từ khúc của mình do Tử Dụ viết. Ông “đoán là Tử Dụ quá yêu... nên tạm thêm lời bình luận” [17, 220-221]. Những lời bàn luận kiểu ấy không có lợi, chỉ có hại. May là người   làm thơ đã không đến mức tự mãn. Gặp những nhà thơ ưa nghe những lời phỉnh nịnh thì cái hại của những lời bình kiểu đó thật không lường. Nhưng muốn cho lời nghị luận có chừng có mực thì lòng người phải sáng. Bùi Huy Bích rất có lý khi viết rằng: Chưa bàn tới sự chê khen đúng đắn sau tấm thân này/ Hãy hỏi xem sự phải trái rõ ràng ngay nơi trong dạ [17, 66].

Cuối cùng rồi lại trở về với cái “tâm” của người viết phê bình. Lòng phải sáng, tâm phải thuần nhất – đó là bí quyết của những lời phẩm bình thấm thía xưa nay.

PHẠM QUANG TRUNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] ... ›Trang sau »Trang cuối