THỬ TÌM HIỂU
THẤ NÀO LÀ 1 BÀI THƠ HAY-[2]
Vì đặt mình vào hoàn cảnh các cung phi bị thất sủng, thi nhân đã cực tả được những đau xót của các cung phi:
Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào...
Trở lại ý hướng mượn cảnh tả tình của thi nhân, chúng ta hãy đọc lại hai bài thơ (Đường luật) sau đây, của Bà huyện Thanh Quan và Cụ Nguyễn Khuyến:
CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn !
THU ÐIẾU
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Hai bài thơ này cùng làm theo thể Ðường luật, thơ bảy chữ tám câu, rất phổ thông từ đầu thế kỷ thứ XIX. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng là một trong những nhà thơ sử dụng thể thơ này nhiều nhất.
Bài “Chiều hôm nhớ nhà” có dăm tiếng Hán -Việt như: hoàng hôn, ngư ông, viễn phố, mục tử, chương đài, lữ thứ nhưng không phải là những chữ quá khó. Sáu câu đầu tả cảnh để làm nền cho hai câu cuối tả tình. Bạn để ý cặp câu:”Gác mái... và Gõ sừng...”; cặp “Ngàn mai... và Dặm liễu...”, (động tự đối với động tự, danh tự đối với danh tự) làm theo thể biền ngẫu nghĩa là mỗi chữ đối nhau, nét đặc thù của thơ Ðường luật. Ðọc xong bài thơ ta thấy tâm hồn ta cũng chìm lắng vào nỗi buồn của “kẻ chốn chương đài, người lữ thứ” một nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng thấm thía của hai tâm hồn xa nhau.
Như bài Thu Ðiếu, hay Mùa Thu câu cá, cặp câu “thực” và “luận”: “Sóng biếc...” đối với “Lá vàng...” và “Từng mây...” đối với “Ngõ trúc...”.Toàn bài không có một chữ Hán, một điển cố, vẽ ra bức tranh thu êm đềm, tịch mịch trong đó chỉ có một động vật duy nhất là nhà thơ đang thả hồn vào thiên nhiên với lá vàng rơi rụng, với từng mây xanh ngắt, với ngõ trúc quanh co. Tất cả đã toát ra mùi vị Thiền và bức tranh:” Vạn vật đồng nhất thể” vô cùng sâu sắc.
Hai bài thơ trên, cùng một số bài thơ khác của hai tác giả này và nhiều tác giả khác như Nguyễn công Trứ, Cao bá Quát, Hồ xuân Hương v.v…đã được đa số chúng ta học thuộc lòng từ hồi còn ngồi lớp 8, lớp 9 trong phần Cổ văn.
Tuy nhiên, vì thơ Đường luật phải tuân theo niêm, luật, vần và biền ngẫu như thế nên từ thế hệ 1932, các nhà thơ đã than là thể thơ này quá khó so với những thể thơ lục bát, song thất lục bát, nhất là thơ mới và thơ tự do ra đời trong khoảng thời gian đó. Các cụ nói: “Khó cho thiên hạ đến bao giờ...” để nói về thể thơ Đường luật này. Hơn nữa, khi phải diễn tả một tình cảm phức tạp, dài dòng thơ Đường không đáp ứng nổi như song thất lục bát và lục bát.Và cũng kể từ đó, các thể thơ tự do, thơ mới 8, 9 chữ hay thơ 7 chữ, mỗi đoạn bốn câu, gồm nhiều đoạn, vần cuối ở các câu 1, 2, và 4 rất được thịnh hành. Thể thơ Đường chỉ còn thấy thưa thớt nơi các cụ đồ nặng lòng với thơ cổ khi xưa và những tác giả không thích thơ mới. Cũng nên lưu ý, thơ mới có âm điệu, tiết tấu và cách diễn tả hùng mạnh mà thơ Đường không thể. Thơ tự do cho người làm thơ diễn đạt ý tưởng không giới hạn nhưng cũng không phải dễ để sáng tác một bài thơ tự do hay.
Để có một cái nhìn xuyên suốt về Thơ, nguyên tắc chung cho hầu hết các môn khoa học là: hợp lý = dễ hiểu = dễ nhớ, dù là toán học hay nhân văn. Từ những bài thơ cổ này, chúng ta cũng suy ra, để hiểu thơ cũng như để sáng tác thơ, chúng ta cần một ít chữ Hán-Việt, hiểu nghĩa và cách sử dụng chúng mới dễ quay trở khi làm thơ.
A-THƠ HAY RẤT DỄ THUỘC DỄ NHỚ
Từ đó ta thấy, thơ hay là thơ có thể học thuộc lòng một cách dễ dàng. Một học sinh có trí nhớ trung bình chỉ cần ngâm nga hai bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến và bà huyện Thanh Quan nói ở trên vài lần là thuộc lòng. Thơ đọc trúc trắc, khó hiểu, vô nghĩa, không dễ dàng học thuộc, chắc chắn không phải thơ hay. Cũng nên lưu ý, thơ đọc trúc trắc chính vì tác giả của nó không am tường luật bằng trắc hoặc không sử dụng đúng qui luật bằng, trắc và vần.
Ðể kiểm chứng điều này, quí bạn đọc thử nhớ tên một nhà thơ, ông A, bà B v.v…cố nhớ lấy một bài thơ hay vài câu thơ của họ mà quí vị đã đọc, xem có thuộc được bài nào không, câu nào không. Không có, ấy là thơ ra sao quí vị đã biết. Nhưng có nhiều tác giả thời nay lại nghĩ cứ làm thơ khó hiểu, tối nghĩa hay vô nghĩa, cao kỳ, dùng những từ cho kêu là được quần chúng ái mộ. Sự thực không phải thế. Thơ kêu nhưng rỗng thì không khác một cái thùng phuy, càng rỗng càng kêu to.
Trước đây, rất nhiều người, ngay cả ở nông thôn Việt nam, đã học thuộc lòng Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Nhị Ðộ Mai, Cung oán ngâm khúc, Tì bà hành, Trinh thử, Trê cóc, Ngư tiều vấn đáp, Lục súc tranh công, Bích câu kỳ ngô v.v…lúc rảnh rang, đọc vanh vách cho nhau nghe dù có nhiều người không có sách hoặc không biết chữ, chỉ học lóm bạn bè. Sở dĩ họ thích, họ say mê vì lời Thơ gần gũi với họ, tả cái tâm lý chung của họ hay người xung quanh họ như Jacques Prévert, một Thi sĩ Pháp có viết:” Ðọc Thơ lại thấy có mình ở trong” cũng là ý nghĩa đó. Người nông dân học thuộc lòng dễ dàng như vậy vì những câu Thơ này giản dị, dễ hiểu, hợp lý, vần vò. Chính bởi thế, nguời ta còn gọi Thơ là văn vần để phân biệt với văn xuôi.
Trước 4-1975, ở miền Nam Việt Nam, có một số tác giả làm Thơ đăng trên các báo, tạp chí, nguyệt san, cả những nguyệt san được coi là thời thượng, nổi tiếng lúc đó mà nguời viết không tiện hài tên, bạn bè những tác giả này cũng ca tụng họ hết mình như hàng thi bá (một nhược điểm của giới làm Văn học Nghệ thuật cận và hiện đại, hay dở gì khen bừa); nhưng bây giờ hỏi còn ai nhớ được một bài Thơ của họ hoặc ít nhất là tinh thần những bài thơ đó không ? Chúng nói lên cái gì? Chúng ca tụng hay đả phá cái gì? Ðủ biết Thơ phải gần gũi với dân gian mới có thể tồn tại với thời gian. Thơ xa rời thực tế là chỉ để trang điểm nhất thời, dù Thơ bác học (Hán văn), cao xa đi nữa.
B-PHẢI GÂY ÐƯỢC SỰ XÚC ÐỘNG
Thơ là văn xuôi đã gạn lọc, cô đọng lấy phần tinh tuý sâu sắc của văn chương nên Thơ phải súc tích và truyền cảm nghĩa là gây được sự xúc động, xao xuyến từ tác giả sang người đọc.
Người đọc phải có được sự rung động của tác giả , dù cường độ kém hơn, mới được gọi là thơ hay. Thơ đọc lên trơ trơ trích trích, không chuyển động được một “thớ thịt đường gân” nào của người đọc, đó là Thơ kém giá trị. Ngưòi ta đọc Chinh phụ ngâm mà tưởng rằng mình là người chinh phụ, có chồng sắp ra ngoài quan ải đánh giặc, giữ nước. Người ta đọc Cung Oán mà cứ ngỡ mình là người cung phi bị thất sủng, nhà vua không đoái hoài tới.
Ðó là sự thành công của tác giả.
C-THƠ PHẢI NÓI LÊN MỌI KHÍA CẠNH CỦA ÐỜI SỐNG
Ðành rằng Thơ tình ái là loại Thơ nhiều người làm, nhiều người đọc nhất và cũng dễ làm hơn nhiều loại khác, nhưng một tác giả cả đời chỉ viết được những bài thơ tình ái hoặc ca tụng đàn bà như nhà thơ Ðinh Hùng là một (Ðường vào Tình sử, chính ông thú nhận), thì chưa thể gọi được là đã quán xuyến về Thơ.
Hầu hết những bài Thơ hay của những tác giả như Nguyễn bỉnh Khiêm, Nguyễn công Trứ, Trần tế Xương, Cao bá Quát, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Tản Ðà, Nguyễn Trãi v.v…đều là Thơ về Thiền, Thơ yếm thế, luận bàn thế sự, nhân tình thế thái, Thơ đạo lý, triết lý cuộc đời, thơ nhàn v.v… mà rất ít hoặc không có Thơ tình.
Nguyễn Du tả Kiều trong thanh lâu, Kiều tiếp khách, Kiều tắm… vì Kim Vân Kiều là một cuốn tiểu thuyết Nguyễn Du phỏng theo cốt truyện của một tác giả Trung hoa (Thanh Tâm tài nhân) trước tác ra và đặt tên là Ðoạn trường Tân Thanh. Là tiểu thuyết, vả lại trung thành với nguyên tác, Ðoạn trường Tân Thanh cần phải có đủ tình tiết, hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, người đọc mới thấy hết được những khiá cạnh của nhân vật chính trong truyện. Chứ không phải ông có ý tả chân để khiêu dâm như một số người đã gán cho ông (Huỳnh thúc Kháng, Ngô đức Kế: ai, dâm, sầu oán, đạo, dục, tăng, bi) hay như Nguyễn công Trứ: “Bán mình trong mấy mươi năm, Ðố đem chữ hiếu mà lầm được ai.”)
Quan niệm coi Kim Vân Kiều là một cuốn tiểu thuyết dâm ô đã quá lỗi thời. Trái lại người ta có thể tìm trong đó những vần thơ bất hủ được lưu truyền mãi mãi. Chúng ta chỉ nên coi Kiều là một tác phẩm văn chương mà thôi. Càng không nên đưa Kiều ra làm mẫu mực về đạo đức, luân lý (như có tác giả đã làm) mặc dù nhân vật Kiều rất nhân bản, chứa đựng đầy đủ tâm lý của con người bình thường.
Theo thiển ý, chỉ có một điều tiếc: Nguyễn Du không sáng tác mà nhờ vào một cốt truyện Tàu, dĩ nhiên thuộc thời đại vua Tàu, nhân vật Tàu, phong tục, văn hoá Tàu..., tuy cũng tương cận với chúng ta nhưng không thể bằng tất cả đều là Việt Nam.
D-CUỘC ÐỜI: ÐỀ TÀI VÔ TẬN CHO THI NHÂN
Cõi nhân sinh này còn rất nhiều điều cần đến nhà thơ, nhà văn ghé mắt đến. Nào là tôn giáo, gia đình, xã hội, đất nước, quê hương, dân tộc, tự do, dân chủ, bình đẳng, nào là công bằng, bác ái, vị tha, hi sinh cứu giúp kẻ khốn cùng… Ngay như thiên nhiên, cây cỏ, thú vật, chim muông, gia cầm, gia súc cũng là những đề tài vô tận.
Học giả Phạm Quỳnh trong báo Nam Phong xuất bản năm 1921 có viết:”...Làm một bộ tiểu thuyết, cốt là đặt cho hay, viết cho khéo, cho người đọc có hứng thú, ...có lẽ ở những nước văn minh có thể nghĩ như thế được; nhưng ở những dân còn bán khai như dân ta thời văn chương rất là quan hệ cho đời lắm, nhà làm văn có cái trách nhiệm duy trì cho xã hội, dìu dắt cho quốc dân, nếu làm sai trách nhiệm ấy thời dẫu văn chương hay đến đâu cũng có tội với quốc gia, với danh giáo vậy. Các nhà tiểu thuyết ta há không nên cẩn thận lắm ru?” (Hết trích)
Tác giả Tô Hoài thời tiền chiến chỉ tả mấy con dế mèn phiêu lưu mà cũng được học sinh đua nhau đọc, nổi tiếng một thời. Vậy không phải chỉ Thơ tình ái mới ăn khách. Yêu đương, nhớ nhung, dang dở, chia phôi …chỉ bấy nhiêu, không phải lúc nào độc giả cũng “tiêu hoá “được. Viết lắm sẽ nhàm. Cứ một loại Thơ đó chỉ chứng tỏ tác giả không thể viết và nghĩ đa dạng mà thôi. Có nghĩa là tác giả không đủ tài. Mà cuộc đời hiện đại lại quá đa dạng, đa phương. Sự biến hoá của cuộc đời làm ta chóng mặt. Một vị Tổng Thống Mỹ, ông Franklin Roosevelt bảo với mọi người, trước khi ông đọc diễn văn trước quốc dân:” Vỗ tay nhiều không có nghĩa là diễn văn hay” Ta cũng có thể lấy câu đó áp dụng cho một số tác giả trước đây ở miền Nam và ngày nay ở hải ngoại, thơ, văn rất nghèo nàn nhưng bè bạn, theo cái mốt, dùng ống đu đủ thổi phồng và vỗ tay quá lố. Và đó cũng là lý do làm mất niềm tin của đa số độc giả có trình độ.
Đ-LÀM THƠ PHẢI TUÂN THEO NIÊM LUẬT, BẰNG TRẮC
Ngoại trừ Thơ tự do, không cần vần, không niêm luật bằng trắc, không giới hạn số câu, số chữ trong câu (Xin đọc bài Thương tiếc Columbia của người viết bài này), còn các thể thơ khác như lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn (Ðường luật), Thơ Mới … đều phải theo luật Thơ (vần, bằng trắc) Thơ mới hay. Vần dùng gượng ép, mất hay một phần. Chữ đúng ra phải vần mà không vần, không hay.
Ngoài ra, cũng để nhắc lại, cách dùng chữ, gieo vần thật quan trọng. Có nhiều từ kép, cụm từ có thể dùng xuôi ngược sao cũng cùng nghĩa. TD: đớn đau hay đau đớn, trôi nổi hay nổi trôi, phiền muộn hay muộn phiền, nghĩa đều như nhau. Nhưng không thể viết xa xót thay vì xót xa, loài lạc thay vì lạc loài, nhiên tự thay vì tự nhiên v.v... Những chữ bị đảo ngược như vậy hoặc có nghĩa khác hoặc vô nghĩa. Cần nhất là tránh làm Thơ vô nghĩa hoặc tối nghĩa dù đọc lên đầy hán tự có vẻ bác học.
E-Ý QUAN TRỌNG HƠN LỜI
Ðiều chót, dù còn nhiều điều chưa nói do giới hạn của bài này. Nếu ta không thể thoả mãn được cả hai phương diện hiệp vận (vần) và ý thì nên dùng chữ nào cho rõ ý còn hơn là dùng chữ hiệp được vần mà ý sai lạc hoặc vô nghĩa. TD: Bốn câu của cụ Yên Ðổ.
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang
Tất cả đều hiệp vận ngoại trừ “leo” và “chiều”. Tuy nhiên, “chiều” mới đúng nghĩa. Nếu dùng “chèo” thì hiệp vận nhưng sai nghĩa.