Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỪ KÉP HÁN VIỆT – VIỆT
ĐỒNG NGHĨA-[1]

                                                       
Trong tiếng Việt từ xưa đến nay có một kiểu dùng từ rất đặc biệt và khác thường mà người Việt đã tạo ra và sử dụng, đó là những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa. Chúng là sự kết hợp của hai từ có nguồn gốc khác nhau, một là từ gốc Hán (đọc theo âm Hán Việt) và một là từ (gốc) Việt, nhưng về nghĩa chúnglại giống hoặc gần giống nhau. Thí dụ như: trụ cột, hương thơm, vụ việc, didời…Có thể hiện tượng này rất hiếm xảy ra trong các ngôn ngữ trên thế giới? Ngay trong tiếng Việt cũng còn có một số từ ghép Việt – Việt đồng nghĩa  còn lưu lại như xe cộ, bếp núc, chó má, trong đó gồm một từ Việt ghép cùng với một từ đồng nghĩa là từ Việt cổ nay không còn dùng, hiểu được nghĩa nữa (nhưng từ Việt cổ này (từ tố mất nghĩa) vẫn có thể hiểu được nghĩa qua phương ngữ hoặc các tiếng của dân tộc thiểu số gần gũi với người Việt như cộ, núc, má (xin xem chi tiết trong [41]) hoặc có khi chỉ là sự ghép đôi 2 tiếng địa phương khác nhau nhưng đồng nghĩa như to lớn, bông hoa, màn mùng… dù sao, đây không phải là một dạng từ kép đồng nghĩa có nguồn gốc từ hai dân tộc khác biệt  nhau về địa lý, văn hoá, ngôn ngữ như với loại từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa.

Các nhà nghiên cứu tiếng Việt vẫn chưa thống nhất tên gọi loại từ này nên đã gọi tên khác nhau tuỳ từng quan điểm: là từ ghép đẳng lập [7, 41] (vẫn được dùng trong giới ngữ học trong và ngoài nước), từ đôi Hán – Việt & Nôm [14], từ ghép láy nghĩa [43], hay là từ ghép song tiết đẳng lập [47],… Loại từ này đã gây ngạc nhiên, lúng túng cho các nhà nghiên cứu tiếng Việt (có khi còn bị chế giễu nữa như cách gọichữ đôi“ba rọi” [31], từ ghép” nói lắp” [7]). Cho đến nay, các nhà ngữ học Việt Nam hầu như mới chỉ phân loại, mô tả mà chưa tìm hiểu tường tận và giải thích thoả đáng về nguồn gốc của chúng.

Một trong những ý kiến đáng chú ý về từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa này là ý kiến của Lê Xuân Mậu trong bài viết “Chuyện lai ghép từ Hán-Nôm”, tác giả đã dẫn giải và biện hộ cho từ loại này như sau: “Nhiều người đã phát hiện hình thức lai ghép mà họ coi là “thừa” và “mách qué” vì chữ không ra chữ, nôm không ra nôm. Đó là những hình thức như in ấn, ca hát, lý lẽ. Thật ra ở hình thức lai ghép này có nhiều cái “lý” ngôn ngữ học rất đặc sắc. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng vì chú ý đến âm hưởng, đến nhạc tính khi đặt câu, dùng từ đã tạo ra “từ đôi” chỉ có một âm có nghĩa, âm kia thì không thêm một ý nào. Đó cũng là trường hợp “chắp một âm ta với một chữ nho, mà hai chữ cũng đồng một nghĩa như tuỳ theo, thờ phụng, thì giờ, danh tiếng... chữ đơn âm tiết dễ thoảng qua tri giác, chữ kép dễ gây chú ý hơn, giúp ta dễ hiểu câu hơn”.

Điều đó cũng giải thích việc thêm một âm nôm “dịch” luôn “chữ” đi trước để thành từ kép. Theo tôi, còn phải thêm rằng khi đặt hai âm “nôm” - “chữ” đồng nghĩa bên nhau để tạo thành một từ, người Việt cũng chỉ thực hiện một kiểu ghép đẳng lập: Ghép hai từ gần nghĩa để tạo ra một từ ghép có tính khái quát, tổng hợp. Lý lẽ, ca hát, in ấn không còn giữ nghĩa của các từ đơn tiết nôm, hán nữa...Cũng có khi tạo từ như thế người ta đã tạo ra một sắc thái nghĩa riêng... Hơn nữa đây có thể là do thói quen gắn “nôm” với “chữ” (khi có thể được) để bà con bình dân dễ hiểu.” [31]. Nhưng xem ra cách lý giải này của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Lê Xuân Mậu mới chỉ nhìn thấy những cành ngọn, là những yếu tố phụ (thuận tai, dễ nhớ, tạo sắc thái nghĩa mới) hơn nữa những yếu tố này cũng có thể dùng để giải thích cho những loại từ song âm khác (khuynh hướng song âm tiết phát triển dồi dào hơn đơn âm tiết), thí dụ: từ ghép Hán Việt - Hán Việt đồng nghĩa như oán hận, khảo sát, tranh đấu hay từ ghép Việt - Việt đồng nghĩa như dơ bẩn, đen tối, che chắn chứ chưa tìm ra được gốc rễ, nguyên nhân thực sự đã tạo ra những từ kép Hán Việt -  Việt đồng nghĩa.

Chúng tôi đã tìm hiểu, khảo sát loại từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  trong tiếng Việt qua các văn bản chữ Nôm và Quốc ngữ, các tự điển, tự vị xưa nay rồi so sánh, sắp xếp và phân loại theo từng thời kỳ lịch sử và chúng tôi đã tìm thấy được những sự trùng hợp không ngờ giữa những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  này với những dạng song ngữ Hán – Nôm có trong các sách học chữ Hán bằng văn vần như Tam thiên tự giải âm, Ngũ thiên tự, Thiên tự văn giải âm (Nhất thiên tự)...Làm sao có thể giải thích được hiện tượng này?  

Có rất nhiều chứng cứ cho thấy những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  chỉ xuất hiện sau khi các sách trên ra đời chứ trước đó chúng chưa xuất hiện, điều này chứng tỏ có một mối liên quan mật thiết với việc học chữ Hán từ xưa đến nay, trong quá trình học thuộc lòng chữ Hán thông qua âm Hán Việt và tiếng Việt, người Việt khi nói hay viết đã tự động dùng nguyên dạng song ngữ có sẵn để diễn đạt ý niệm mới nào đó. Đây chính là nguyên nhân sâu xa, quan trọng làm phát sinh, phát triển số lượng từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  trong tiếng Việt ngày càng nhiều hơn qua thời gian. Khi gọi là từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  chúng tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa “kép” để nêu bật kiểu cặp đôi của 2 từ đồng nghĩa Hán Việt và Việt đã hiện diện sẵn trong các bài học từ vựng song ngữ Hán – Việt hay các sách học chữ Hán giải âm được dân chúng khai thác và sử dụng chứ không dùng ý nghĩa “ghép” như một chủ ý kết hợp 2 từ đồng nghĩa không thông qua các dạng song ngữ sẵn có như trên và  để phân biệt, chúng tôi sẽ gọi những kiểu ghép này là từ ghép Hán Việt - Hán Việt đồng nghĩa  và từ ghép Việt - Việt đồng nghĩa.          

Trước khi đi sâu vào khảo sát, chúng ta nên phân biệt một số trường hợp tưởng như là những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  nhưng thật ra lại là những từ ghép Hán Việt -  Hán Việt đồng nghĩa (kết hợp này vần thường thấy trong tiếng Hán như hận thù, tranh đấu, hoan hỉ), thí dụ như : gia thêm = gia thiêm,thẩm xét = thẩm sát, tích chứa = tích trữ...Những trường hợp trên (thiêm = thêm, sát = xét,  trữ = chứa) theo quan điểm ngữ âm lịch sử là do sự biến đổi ngữ âm từ âm Hán Việt sang âm Hán Việt được Việt hoá về âm đọc (đọc trại (chệch) âm, có khi đổi âm vì kỵ huý) hay kể cả những âm tiền (cổ) Hán Việt (có trước khi hình thành âm Hán Việt - trước thời Đường -) [10,30,40,41,43]  nên dễ nhận lầm là từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa.

Đôi khi xảy ra một số trường hợp thú vị như: di dời, mùi vị,  hoá ra sau khi nhận diện, các từ dời, mùi lại chính là âm cổ Hán Việt của chính  di, vị, như thế các từ kép này lại trở thành từ láy Hán Việt: di di, vị vị! Tuy nhiên chúng tôi vẫn thu thập, ghi nhận những từ kép thuộc loại này để vừa làm tiêu chuẩn khảo sát vì xét thấy người Việt xưa chưa có quan niệm gì về ngữ âm lịch sử nên khi dùng một từ để giải âm, giải thích chữ Hán thì có lẽ tiền nhân chỉ biết đó là tiếng Việt, quốc âm (không phải là âm Hán Việt) mà thôi và vừa để chứng minh cho ngay cả những từ ghép Hán Việt - Hán Việt đồng nghĩa  cũng phần nào xuất phát từ viêc học chữ Hán.

Còn một điểm nữa cũng cần lưu ý, đó là hiện tượng từ kép bị đảo lộn qua lại về trật tự các thành tố của từ. Trường hợp này vẫn thường xảy ra trong tiếng Việt với nhiều kiểu loại từ khác nhau, có thể là vì nhu cầu tâm lý muốn “Việt hoá về mặt ngữ pháp” các từ ghép gốc Hán như cáo tố > tố cáo, nhiệt náo > náo nhiệt, lợi quyền > quyền lợi...hay có khi chỉ vì thuận tai, thuận miệng khi nói năng hoặc vì nghệ thuật dùng từ khi viết văn, làm thơ, phú  như: trụ cột = cột trụ, hương quê = quê hương, hiến dâng = dâng hiến... nhưng về mặt ngữ pháp chúng vẫn có ý nghĩa, chức năng như nhau. Do vậy những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩamà chúng tôi đang khảo sát dù ở trật tự nào đi nữa, căn bản vẫn là những hình thức song ngữ Hán - Nôm, từ kép Hán Việt - Việt cho nên chúng tôi sẽ chọn lựa những từ kép có trật tự đảo lộn này để làm bằng chứng có giá trị tương đồng với từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa.

I. Từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa theo các thời kỳ lịch sử
A.  Thời kỳ từ thế kỷ XIII – XVI

Qua sự khảo sát chưa đầy đủ (chúng tôi chưa có đủ điều kiện để có thể thu thập toàn bộ chứng từ liên quan) các văn bản chữ Nôm và Quốc ngữ, ở giai đoạn thế kỷ XIII - XVI (cho đến nay, chỉ còn lưu truyền lại những tác phẩm viết bằng chữ Nôm ở thế kỷ XIII, trước đó chưa tìm thấy một văn bản chữ Nôm nào) trong tiếng Việt đã xuất hiện 2 từ kép Hán Việt -  Việt đồng nghĩa như trong 2 bài phú [21] của Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo có 1 từ kép:  thân mình (H6, c.25) và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca có 1 từ kép: thờ phụng (c.21); sang thế kỷ XV, trong Quốc âm thi tập [70] của Nguyễn Trãi thấy có 3 từ kép: tỏ tường (B79, c.3), nguyện xin (B107, c.7), khiêm nhường (B113, c.7);  trong Hồng Đức quốc âm thi tập [57]  có 2 từ kép: hương quê (Động đình thu nguyệt), sâm(1) họp (Hè ốc); tới thế kỷ XVI, trong Bạch Vân am thi tập [12] của Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy dùng 6 từ kép: đồng tiền (B5), ngu dại (B22), gửi thác (B152), hiềnlành và ngây si (B94), dối trá (B160); trong Tân biên truyền kỳ mạn lục [20] của Nguyễn Thế Nghi  có 3 từ kép: Dấu tích (Nam xương nữ tử truyện), xâmlấn (Lệ nương truyện), quái gở (Tản viên từ phán sự lục).

B. Thời kỳ thế kỷ XVII qua tự điển Việt-Bồ-La [4]
năm 1651 của Alexandro de Rhodes

Cốt xương = xương cốt        Sinh đẻ
Giảm bớt                             Tích vết = vết tích   
Hương thơm                        Thôn làng                
Kỳ hẹn (kỳ hạn)                   Trí khôn
Màu sắc                               Trụ cột                     
Tưởng nhớ                           Nhược bằng

      Riêng 2 từ kép can gián, kiện cáo tuy không thấy có trong Việt-Bồ-La nhưng đã có trong tập “Lịch sử nước Annam” [13]  viết tay năm 1659 của Bento Thiện.

(Lưu ý: Từ đây trở đi, chúng tôi sẽ viết những từ kép đang khảo sát đúng chính tả tiếng Việt hiện đại dù trong các tự điển, tự vị, văn bản chữ Nôm  xưa đã ghi lại theo lối ký âm thời chữ Quốc ngữ sơ kỳ hay theo âm đọc thời xưa)

Nhận xét chung: Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII, số lượng từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ nhưng ngày càng tăng lên theo thời gian. Ở giai doạn này không thấy trong thư tịch Việt Nam nói gì đến các sách học chữ Hán song ngữ Hán - Nôm giải âm (cũng có thể có nhưng đã bị thất truyền? sách Chỉ Nam ngọc âm viết theo thể lục bát có thể ra đời ở thời điểm này nhưng vì nó chú trọng vào sự giải thích dài lời nên không thấy giống với hình thức “giải âm” dễ ghi nhớ như Tam thiên tự: “Thiên trời, địa đất, cử cất, tồncòn...” nên không dùng để tham khảo được) nhưng qua bài hát đồng dao xưa liên quan đến việc học chữ Hán như:  

     “Cục ta cục tác,
Chữ kê là gà.
Giữ cửa giữ nhà,
Chữ khuyển là chó.
Bắt chuột bắt bọ,
Chữ miêu là mèo.
Ăn cám ăn bèo,
Chữ hợi là lợn.
Vừa cao vừa lớn,
Chữ tượng là voi.
Ăn trầu đỏ môi,
       Chữ Phật là Bụt.
        Ngồi cao tột bậc,
       Chữ vương là vua...[48]”
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỪ KÉP HÁN VIỆT - VIỆT
ĐỒNG NGHĨA-[2]


Ta có thể phần nào xác định được nguyên nhân chính của sự xuất hiện từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa ở thời sơ kỳ (trước khi xuất hiện cách sách giải âm như Tam thiên tự) đó là: vai trò quan trọng của việc học chữ Hán với âm Hán Việt thông qua tiếng Việt  bằng cách học thuộc lòng các bài soạn tự vựng Hán – Việt căn bản do các thầy đồ làm ra, hay có thể từ các bài hát đồng dao dạy chữ Hán chủ yếu bằng truyền miệng đã làm phát sinh, phát triển những loại từ đặc biệt này trong tiếng Việt.

C. Thời kỳ sau Việt-Bồ-La  và trước tự điển Anamitico-Latinum của Pigneau de Béhaine [56] năm 1772-1773        

Có một số từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa đã  xuất hiện trong ca dao Việt Nam như: tống đưa, phân chia, tính toán,  sợ hãi,  sum vầy [36] mà tự điển Việt-Bồ-La không ghi nhận, nhưng tự vị Anamitico-Latinum của P.Béhaine lại có. Do ca dao được truyền miệng từ đời này sang đời kia nên rất khó xác định về thời điểm, cho nên chúng tôi tạm cho vào thời kỳ cuối thế kỷ XVII, nửa đầu thế kỷ XVIII. Cũng còn có một số từ kép như: Tụ họp  (tụ hiệp), luận bàn = bàn luận,cảm (cám) mến,  yến Tiệc = Tiệc yến chỉ có trong tự vị của P. Béhaine nhưng trước đó chưa tìm thấy trong các chứng từ hay truyền khẩu và chúng tôi cũng để vào thời kỳ này, dĩ nhiên những từ kép trên đây, chúng phải có trước rồi P. Béhaine mới có thể ghi nhận trong tự vị .    
     
Đặc biệt là trong Chinh phụ ngâm khúc [45]  tương truyền là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748) diễn âm có 2 từ kép tiễn đưa (c.14), cách ngăn (c.55) [dù từ Phan Huy Chiêm (1926) đến Học giả Hoàng Xuân Hãn (1953)[21], Nguyễn Văn Xuân (1972)[51]…đã từng khảo chứng, giành lại tác quyền diễn âm cho Phan Huy Ích nhưng vì đến tận ngày nay nỗ lực trên vẫn chưa được giới nghiên cứu Hán Nôm nhất trí, đồng thuận chứng tỏ còn nhiều khúc mắc chưa thông, nên chúng tôi vẫn tạm chấp nhận là của  Đoàn Thị Điểm] và trong truyện Nôm Hoa tiên [50] của Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) có 2  từ kép bụi trần (C.99) phô bày (C.995),theo Sài Phi Thư Trang trong bài viết “Bốn vấn đề văn bản học của Hoa tiên” tác giả đã nhìn nhận: “Theo kết quả nghiên cứu của nhiều người, thì Nguyễn Huy Tự đã viết tập truyện khoảng giữa thế kỷ XVIII, từ năm 1759 (năm ông tới Thăng Long) đến năm 1768 (năm ông được bổ nhiệm làm quan ở Sơn Tây” [2] những từ kép trên không thấy có trong tự vị của P. Béhaine và  theo chúng tôi chúng cũng thuộc vào thời kỳ nửa đầu thế kỷ XVIII và trước tự vị của P. Béhaine 1772-1773.

D. Thời kỳ xuất hiện sách Tam thiên tự giải âm, Ngũ thiên tự, Thiên văn tự giải âm từ nửa cuối thế kỷ XVIII cho đến cuối thế kỷ XIX             
Mỗi khi nhắc đến các loại sách học chữ Hán thời xưa, dĩ nhiên không thể không kể ra các sách tiêu biểu và trọng yếu, rất phổ biến cho người mới học chữ Hán và được tái bản nhiều lần bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ mãi cho đến cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đó là: Tam thiên tự giải âm, Ngũ thiên tự, Thiên tự văn giải âm (Nhất thiên tự), các sách khác như Nhật dụng thường đàm, Tự Ðức thánh chế tự học giải nghĩa ca, Ðại Nam quốc ngữ... không được phổ biến bằng do đó chúng tôi chỉ dùng những sách này để khảo sát và lấy làm những chứng cứ quan trọng liên quan đến từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa [các sách tham khảo chính: [15, 16, 29, 37, 60, 61, 73]. Trước hết, cần xem xét qua về thời điểm xuất hiện của các sách học chữ Hán giải âm:      
   
Về cuốn Tam thiên tự giải âm, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Hoàng Hồng Cẩm trong bài viết “Về cuốn Tam thiên tự do Ngô Thì Nhậm soạn” đã đưa ra dẫn chứng: “Theo Ngô gia thế phả thì năm 16 tuổi Ngô Thì Nhậm đã soạn sách dưới sự hướng dẫn của cha là Ngô Thì Sĩ” và đi đến nhận định: “Ngô Thì Nhậm đã soạn sách Tự học toản yếu (tức sách Tam thiên tự giải âm) trong thời điểm, chí ít cũng là từ lúc còn trẻ, khoảng năm 16 tuổi như thông tin trong Ngô gia văn phái; rồi lúc vào làm quan trong triều, ông lại có dịp tìm tòi, học hỏi thêm, cả thu nhặt tài liệu lẫn trao đổi trực tiếp với các đồng liêu tiền bối, sau đó mới phiên âm giải nghĩa để soạn thành sách. Số lượng chữ được Ngô Thì Nhậm biên soạn là ba nghìn chữ...

Theo Hoàng Lê nhất thống chí, thì khoảng năm Canh Tý, niên hiệu CảnhHưng 41 (1780), Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm được chúa Trịnh Sâm giao cho làm Tuỳ giảng cho Thế tử Trịnh Tông ở trong phủ Chúa. Như vậy, thì rất có thể, trong khoảng thời gian này, do phải soạn sách để giảng dạy cho Thế tử Tông, Ngô Thì Nhậm đã kết hợp biên soạn và hoàn thành việc đưa in sách Tự học toản yếu (tứcTam thiên tự giải âm) như đã nói trong bài tựa. Và nếu đúng, thì đây cũng chính là thời điểm cuối thế kỷ XVIII như cụ Trần Văn Giáp đã ghi theo truyền văn.“[3]. Như vậy theo nghiên cứu trên, Tam thiên tự đã được chính Ngô Thời Nhiệm (1746- 1803) soạn thảo lần đầu tiên vào năm ông mới 16 tuổi (1762). (Nếu đúng như vậy sách này đã ra đời trước  tự vị Anamitico-Latinum do P.Béhaine viết tay vào năm 1772-1773 khoảng 10 năm, một khoảng thời gian khá dài cho việc du nhập các kiểu song ngữ Hán Nôm giải âm từ Tam thiên tự vào tiếng Việt (chắc hẳn ở thời kỳ đầu Tam thiên tự đã được truyền tay, truyền khẩu trong giới học trò và phổ biến trong dân gian), điều này phù hợp với phát hiện của chúng tôi: Trong tự vị của P.Béhaine đã thấy ghi nhận khoảng 17 từ kép Hán Việt + Việt đồng nghĩa giống nguyên mẫu trong Tam thiên tự (xin xem phần sau) nhưng lại không hề thấy ở giai đoạn trước đó (thế kỷ XIII-XVII)
Về sách Ngũ thiên tự, từ trước tới nay các nhà nghiên cứu Hán Nôm vẫn chưa xác định được tác giả và niên đại. Nói chung chỉ cho sách này ra đời sau Tam thiên tự, khoảng thế kỷ XIX. Nhưng theo Trần Doãn Cương quê tại xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà tĩnh là hậu duệ đời thứ 10 cụ Trần Doãn Tư đã cho biết: “Theo gia phả họ Trần Doãn tại làng Yên Tràng xã Kim Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh thì cụ Trần Doãn Tư là tác giả cuốn Ngũ Thiên Tự. Hiện phần mộ của cụ vẫn an táng tại xã Kim Lộc trên bia mộ vẫn ghi rõ. Ở sách “Lịch sử Hà Tĩnh” tập I, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cũng ghi: Cụ Trần Doãn Tư là tác giả cuốn Ngũ Thiên Tự... Ông Trần Doãn Tư chiêu mộ quan chống Tây Sơn, sau khi thất bại ông bị bắt giam 6 tháng, trong thời gian ở tù ông đã viết cuốn Ngũ Thiên Tự trình lên nhà vua rồi được tha bổng.” [23]. Như vậy, trong giới hạn tài liệu hiện có, ta có thể tạm tin rằng sách Ngũ thiên tự đã được Trần Doãn Tư biên soạn (hoặc biên tập lại) vào  khoảng sau khi nhà Tây Sơn (1788) xuất hiện và sau sách Tam thiên tự (1780).

Còn về sách Thiên tự văn giải âm thì vẫn chưa xác định được ai là tác giả và niên đại ra đời. Theo Kiều Thu Hoạch giới thiệu trong Lý Văn Phức, Ngọc - Kiều Lê Tân truyện [27] đã cho biết Lý Văn Phức (1785 - 1849) từng biên soạn Thiên tự văn diễn âm theo thể lục bát vào đời Nguyễn, Viện nghiên cứu Hán Nôm có lưu trữ, liệt kê sách Thiên tự văn giải âm ký hiệu AB.227, AB.91: in năm Thành Thái Canh Dần (1890) cũng theo thể lục bát, có lẽ đây là bản chữ Nôm sớm nhất còn lại, nhưng không biết có phải là cùng một sách hay không, dù sao thì Thiên tự văn giải âm chỉ xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX , sau sách Ngũ Thiên Tự.

1. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Tam thiên tự và Anamitico-Latinum của Pigneau de Béhaine (2)

Ca hát                                    Lý lẽ
Danh tiếng                            Mưu chước                        
Đoạn đứt = đứt đoạn            Nghi ngờ
Gia thêm  (gia thiêm)            Phức thơm = thơm phức     
Giái (giới) răn                      Tà vạy
Hoàn trả                               Thoát khỏi                         
Kính nể                                 Tư riêng   = riêng tư
Kỵ kiêng = kiêng kỵ             Xướng hát
Mê say = say mê    
       
2. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Tam thiên tự  và Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của [25]

Bạch trắng = trắng bạch                Hiếu thảo                         
Bao bọc                                            Hung dữ     
Dụ dỗ                                               Kỳ lạ = lạ kỳ                   
Dư thừa                                            Nhẫn  nhịn                        
Giả dối = dối giả                              Lao nhọc                                         
Giáng  xuống                                    Lão già                            
Lực sức = sức lực                            Tuỳ theo                               
Phát ra                                             Tụng kiện = kiện tụng    
Quy về                                              Ước mong
Thẩm xét (thẩm sát)                         Xác thật (xác thực)
Thiêu đốt    
                             
3. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Tam thiên tự  và Annamite - Français của Génibrel [26]

Chính ngay = ngay chính
Luyện rèn = rèn luyện
Phụ giúp
Tích chứa  (tích trữ)
Tinh ròng
Thì giờ       (thời giờ)

4. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Ngũ thiên tự  và  Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của  (3)

Binh lính
Đảng bè = bè đảng
Tiến dâng = dâng tiến
Thù hằn (thù hận) = hằn thù (hận thù)
5. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Ngũ thiên tự  và Annamite - Français của Génibrel
Giái (giới) ranh
Tạo dựng
Tiếp nối

6. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Thiên tự văn giải âm (Nhất thiên tự) và  Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của

Ấu thơ = thơ ấu
Thối (thoái) lui

7. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong thiên tự văngiải âm (Nhất thiên tự) và Annamite - Français của Génibrel (4)

Huyền nhiệm
E. Thời kỳ từ thế kỷ XX đến nay

Sau đây là những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa đã có mặt trong Tam thiên tự, Ngũ thiên tự, Thiên tự văn nhưng sau khi khảo sát các văn bản chữ Nôm, Quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, lại không hề thấy hiện diện (5), ngược lại chúng đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX  cho đến nay (6).

1. Trong Tam thiên tự

Nịnh hót                                    (Việt Nam phong tục 1913-1914) [58] (VNPT 1913-1914)
Vị ngôi = ngôi vị                       (Thần Chung 1929) [59]
       Bồi đắp                                      (Tự điển Việt – Hoa – Pháp 1937) [17] (TĐVHP1937)
       Băng giá                                    (TĐVHP 1937)                                                                  
       Cứu xét  (cứu sát)                      (TĐVHP 1937)
       Mộ mến = mến mộ                   (TĐVHP 1937)
       Bái lạy                                      (Việt Nam Văn Hoá Sử Cương 1938)[9] (VNVHSC1938)
       Ám mờ = mờ ám                      (VNVHSC1938)
       Vị mùi = mùi vị                       (Chí Phèo 1941) [33]
Cấp bực (bậc)                         Tự điển Việt – Pháp 1950 (TĐVP 1950) [11]
Phòng ngừa (phòng ngự)       (TĐVP 1950)
Thâm sâu                               (Từ điển Việt Nam 1958 [62] (TĐVN 1958)
Tuyển chọn                            (TĐVN 1958)
Chiếu soi                                (Tăng Triệu và tánh không học Đông phương 1973)[67]
 Khởi dậy                                (Phép lạ của sự tỉnh thức 1975) [53]
 Tu sửa                                    (Từ điển tiếng Việt 1977) [68] (TĐTV 1977)
 Đạc đo =  đo đạc                   (TĐTV 1977)
         Nghinh (nghênh) rước           (Tây Dương Gia Tô bí lục 1981) [35]
 Cổ xưa (Cổ sơ)                       (Từ điển tiếng Việt 1990) [19]  (TĐTV 1990)
 Ẩn giấu                                   (TĐTV 1990)
 Ký gửi                                    (TĐTV 1990)
 Khi dễ                                    (TĐTV 1990)
 Hùng mạnh                            (TĐTV 1990)
 Huyết máu = máu huyết       (TĐTV 1990)
 Tẩy rửa                                (Viện KHXH - bản dịch tiếng Việt Đại Việt sử ký toàn thư       1985-1993 -) [69]
 Song đôi                                 (Núi Đôi 1990) [72]
 Tĩnh lặng                                (Nhà tỉ phú bất hạnh 1996) [18]
 
 Di dời                                      (Sài Gòn Giải Phóng 1996) [6]
 Hoán đổi                                 (Thời báo Kinh Tế Việt Nam 1997) [6]
 Triệu vời                                  (Lược khảo Huỳnh Đình kinh 2001) [28]
 Cương cứng                             (Tự điển Việt Anh 2003) [5]  (TĐVA 2003)
 Ấn in  = in ấn                          (Báo Tuổi Trẻ 2003) [1]
 Khai mở                                  (Lưới trời ai dệt? 2004) [49]
 Manh mống                             (Diễn đàn Lịch sử VN 2009) [55]
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỪ KÉP HÁN VIỆT - VIỆT
ĐỒNG NGHĨA-[3]


2. Trong Ngũ thiên tự

Sự việc                                      (VNPT 1913-1914)
Thấu rõ                                (Vietnamese-English dictionary 1966) (V-E D 1966) [38]
Vụ việc                                     (Công an Nhân dân 1992) [6]
      Huý kiêng = kiêng huý         (Nghiên cứu chữ huý Việt Nam qua các triều đại1996) [34]
Não óc = óc não                     (Vạn Vật Đồng Nhất Thể 2002) [52]
      Hiến dâng                              (TĐVA 2003)

3.Trong thiên tự văn giải âm (Nhất thiên tự):

Văn vẻ                                   (Việt Nam tự điển 1931) [22]
Nghinh (nghênh) đón            (V-E D 1966)
Chỉnh sửa                             (Giáo dục Thời đại 1996) [6]
Tống theo                             (Ba người khác 2006) [64]

II. Nhận định chung về từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa

Qua những khảo sát và dẫn chứng từ các văn bản chữ viết (Nôm, Quốc ngữ) và truyền khẩu theo từng thời kỳ lịch sử liên quan đến từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa, có khả năng chúng tôi đã tìm ra được nguyên nhân về sự phát sinh, tồn tại và phát triển của từ loại đặc biệt này:

Khởi đầu từ lịch sử dân tộc Việt Nam cổ đại với triều đại nhà Đinh (Đại Việt sử ký toàn thư đã đặt nhà Đinh mở đầu Bản kỷ) [69] đã thống nhất đất nước, giành lại độc lập sau 1000 năm lệ thuộc Trung Hoa về mọi mặt và dẫn đến sự hưng thịnh của triều đại Lý – Trần cũng chính là thời điểm của sự hình thành  và ổn định âm đọc Hán Việt của chữ Hán (khoảng Đường – Tống)[10,30,44] và sự truyền dạy chữ Hán như một tử ngữ - không còn nói và đọc chữ Hán theo âm Trường An (Bắc Kinh) của Trung Hoa nữa – các nhà Nho, thầy đồ Việt xưa đã giảng dạy chữ Hán với âm đọc Hán Việt và giải thích chữ Hán bằng Quốc âm (tiếng Việt) cho người học chữ Hán thông qua truyền miệng những tự vựng kiểu Hán – Việt, có thể lúc đầu để giúp học trò dễ nhớ dễ học, các thầy đồ đã sử dụng văn vần như kiểu đồng dao phổ biến ở lớp học và trong dân gian rồi từ khi chữ Nôm xuất hiện và phát triển mới bắt đầu xuất hiện những sách học song ngữ Hán – Nôm như Tam thiên tự giải âm, Ngũ Thiên tự, Thiên tự văn giải âm…

Sau khi người học chữ Hán đã học thuộc lòng, qua giao tiếp khi nói hay viết đã tự nhiên một cách vô thức du nhập nguyên mẫu song ngữ Hán – Việt hay Hán – Nôm từ các bài học tự vựng, đồng dao, sách học chữ Hán giải âm bằng văn vần vào trong tiếng Việt theo từng thời kỳ lịch sử. Mục đích chính là nhằm xác định, bổ sung thêm ý nghĩa cho người nghe, đọc dễ hiểu (với người biết và  không biết chữ Hán) cộng hưởng với quy luật phát triển ngữ âm ngày càng hướng về song tiết, đa âm tiết và nhu cầu nội tại thuộc tâm lý: thuận tai, dễ nhớ và kể cả thói quen khoe chữ, sính dùng chữ Hán. Nếu như ở các thời kỳ trước khi chữ Nôm hình thành vào thời Trần (theo lưu truyền và chứng cứ văn tự sớm nhất còn lại) chúng ta không có gì chắc chắn để chứng minh những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa đã ra đời vào thời kỳ này do quá trình học chữ Hán ngoài sự đoán định dựa vào truyền khẩu (như qua đồng dao) ra thì sau khi chữ Nôm phát triển và đặc biệt là kể từ khi các sách học chữ Hán như Tam thiên tự xuất hiện sau đó là Ngũ thiên tự, Thiên tự văn… đã là những chứng cứ rất quan trọng để chứng minh một cách xác đáng:

Vào thời kỳ xuất hiện Tam thiên tự, có một số dạng song ngữ Hán – Nôm của Tam thiên tự trùng hợp với  những  từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa nhưng không thấy có trong các văn bản chữ Nôm, chữ Quốc ngữ trước và trong tự vị Anamitico-Latinum (1772-1773) của P.Béhaine mà lại thấy xuất hiện trong Đại Nam Quốc âm tự vị (1895-1896) của Huỳnh Tịnh Paulus Của và  tự điển Annamite - Français của J.F.M Génibrel (1898). Ngay ở thời hiện tại, số lượng khá nhiều các dạng song ngữ Hán – Nôm  giống với những từ kép đồng nghĩa Hán Việt - Việt có mặt trong các sách Tam thiên tự, Ngũ thiên tự, Thiên tự văn đã không hề xuất hiện trước khi chúng  ra đời  và cả trong  thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX nhưng lại hiện diện trong thế kỷ XX và hiện nay, chẳng hạn như những từ kép: duyệt xem, ẩn giấu, di dời, vụ việc, in ấn, kiêng huý, óc não…. Thực trạng này gắn liền với sự tái bản nhiều lần các sách trên bằng chữ Quốc ngữ, qua nhiều lần hiệu chỉnh, thay đổi, bổ sung: Tam thiên tự những năm 1915, 1959, 1969, 1999, 2008…Ngũ thiên tự những năm 1909, 1915, 1929, 1934-1935, 1939, 1940, 1997, 1999, 2004, 2007… Thiên tự văn (Nhất thiên tự) những năm 1909, 1914, 2002…

Đối với các thành kiến khinh chê, giễu cợt kiểu từ loại này, theo quan điểm của chúng tôi như vậy là cực đoan, hẹp hòi bởi vì nếu tìm hiểu sâu rộng hơn về từ Hán Việt, thực ra những từ Hán Việt trong phạm vi đang khảo sát, tuy có gốc tiếng Hán nhưng chỉ khi nào chúng được sử dụng trong viết văn, làm thơ bằng chữ Hán theo ngữ pháp Hán mới được gọi là chữ Hán thuần tuý còn khi ở trong tiếng Việt, những từ Hán Việt này đã được Việt hoá cả về âm đọc (âm Hán Việt và âm Hán Việt bị biến âm), ý nghĩa và chức năng ngữ pháp. Cho nên ở góc độ này, chúng ta vẫn có thể gọi những từ Hán Việt tuy có gốc Hán cũng là những từ ngữ nằm trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Do đó, kiểu từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa xét đến cùng cũng có vai trò tương đương với loại từ ghép Việt - Việt đồng nghĩa.

Từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa, dù được khen hay chê  nhưng không ai có thể phủ nhận được một sự thật: Từ xưa đến nay nhân dân ta đã sử dụng loại từ đặc biệt này và qua chứng cứ văn tự chỉ còn lại từ nhà Trần ta có thể tạm xác định sớm nhất vào khoảng từ thế kỷ XIII  cho đến ngày nay, những từ kép này đã được “nhập thể” vào tiếng nói hằng ngày lẫn trong ca dao và thơ văn chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, làm phong phú thêm tiếng Việt và tạo nên một bản sắc, một nét riêng của ngôn ngữ dân tộc Việt Nam.  

ĐINH VĂN TUẤN
Chú thích
Các nhà phiên Nôm vẫn đọc là sum họp nhưng như vậy là không đúng vì thời Hồng Đức chữ Hán sâm không thể là chữ huý của Trịnh Sâm để đọc biến âm là sum được.
Trong Tam thiên tự có một số dạng song ngữ Hán – Nôm bị trùng với các từ kép Hán Việt – Việt đồng nghĩa đã xuất hiện khoảng thời Trần đến thế kỷ XVII  nên chúng tôi sẽ không dùng để khảo sát ở thời kỳ này (thế kỷ XVIII cho đến cuối thế kỷ XIX).
Trong Ngũ thiên tự có một số dạng song ngữ Hán – Nôm  bị trùng với nhũng từ kép Hán Việt – Việt đồng nghĩa đã có trong thời kỳ từ thời Trần đến tự vị của Béhaine nên chúng tôi sẽ không dùng để khảo sát ở thời kỳ này (thế kỷ XIX).
Trong Thiên tự văn giải âm (Nhất thiên tự) có khá nhiều dạng song ngữ Hán – Nôm bị trùng với những từ kép Hán Việt – Việt đồng nghĩa đã  có trong khoảng thời kỳ từ thời Trần đến tự vị của Béhaine nên chúng tôi sẽ không dùng để khảo sát ở thời kỳ này (thế kỷ XIX).
Chúng tôi đã thử xem  trong Tự điển chữ Nôm, Nguyễn Quang Hồng (chủ biên),  Nxb Giáo Dục, Hà Nội  2006 và Tự điển chữ Nôm trích dẫn  do Viện Việt Học ấn hành 2009, nhưng đã không tìm ra  (Nhân đây xin  chân thành cảm ơn anh Nguyễn Doãn Vượng, đồng tác giả TĐCNTD  đã có hảo ý tặng sách cũng như cùng với anh Lân ở VVH tận tình giúp tài liệu Nhất Thiên Tự).
Những thời điểm xuất hiện của các từ kép Hán Việt – Việt đồng nghĩa được dẫn ra từ các sách báo tham khảo (kể cả trên các website)  trên chỉ tương đối vì do chúng tôi chưa đủ  điều kiện thu thập, khảo sát toàn bộ các tài liệu, chứng từ  trong thế kỷ XX, nên có thể có một số từ kép có khả năng xuất hiện sớm hơn thời điểm tìm thấy.
Tài liệu tham khảo
1.          Bố cáo thành lập và giải thể công ty (Mục Dịch vụ du lịch), Tuổi Trẻ online, thứ  năm 25/9/2003 (tuoitre.vn)
2.          Bốn vấn đề văn bản học của Hoa tiên, Sài Phi Thư Trang, T/c Hán Nôm số 1(10) năm 1991
3.          Về cuốn Tam thiên tự do Ngô Thì Nhậm soạn, Hoàng Hồng Cẩm, T/c Hán Nôm, Số 1 (80) 2007
4.          Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch  tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb Khoa học Xã hội, 1991.
5.          Bùi Phụng, Từ điển Việt – Anh, Nxb Thế giới, 2003.
6.          Chu Bích Thu (chủ biên), Từ điển từ mới tiếng Việt, Nxb Phương Đông, 2008.
7.          Đàm Trung Pháp (Điểm sách) “Vietnamese/ Tiếng Việt không son phấn”, nguồn từ http://www.viethoc.com/Ti...mesetiengvietkhongsonphan
8.          Đào Duy Anh, Giản yếu Hán Việt từ điển, Nxb Tiếng Dân, Huế 1932, (songhuong.com.vn).
9.          Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hoá Sử Cương, Quan Hải tùng thư xuất bản, Huế, 1938, Xuất bản Bốn phương, Viện giáo khoa - Hiên Tân Biên tái bản, Sài Gòn 1951.
10.       Đào Duy Anh, Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1975.
11.       Đào Văn Tập, Tự điển Việt – Pháp,  Nhà Sách Vĩnh Hảo, Sài Gòn, 1950
12.       Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Hồ Như Sơn, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, 1983.
13.       Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659, Tủ Sách Ra Khơi xuất bản, Sài Gòn 1972.
14.       Đỗ Thông Minh, Chữ ghép âm Hán Việt & Nôm (chữ Nôm dạng Gothic, chữ Hán-Việt dạng Time), nguồn: http://www.phiem-dam.com /1chuhan100.pdf
15.       Đoàn Trung Còn (biên soạn), Ngũ thiên tự, Nxb Thanh niên, tái bản 1999.
16.       Đoàn Trung Còn (biên soạn), Tam thiên tự, , nguồn: sachxua.net
17.       Gustave Hue,  Tự điển Việt – Hoa – Pháp 1937 (Tái bản theo bản in Imprimerie Trung Hoà 1937), Nhà sách Khai Trí , Sài  Gòn 1971
18.       Hoàng Hữu Các, Nhà tỉ phú bất hạnh, Nxb Lao động, 1996.
19.       Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa Học Xã Hội,1990.  
20.       Hoàng Thị Hồng Gấm (phiêm âm và chú thích), Nguyễn Thế Nghi - Tân biên truyền kỳ mạn lục - Tác phẩm Nôm thế kỷ XVI,  Nxb Văn hoá Dân tộc, 2000.
21.       Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập III, Nxb Giáo Dục, 1998.
22.       Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Hà Nội, 1931, Mặc Lâm tái bản, 1968.
23.       Hỏi về giá trị của cuốn Ngũ Thiên Tự, Diễn đàn Viện Việt học,Hán Việt, (viethoc.com).
24.       Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên (dịch và giới thiệu), Tự vị Annam -  Latinh (1772 – 1773), NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999.
25.       Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Tom I-II Sài Gòn 1895-1896, Nxb Trẻ, tái bản 1998.
26.       J.F.M Génibrel, Dictionnaire Annamite – Français, Deuxième édition, Tân Định, Saigon 1898, nguồn sách phổ biến từ books.google.com
27.       Kiều Thu Hoạch, Lý Văn Phức, Ngọc - Kiều Lê Tân truyện, Nxb Khoa Học Xã Hội, 1976.
28.       Lê Anh Minh, Lược khảo Huỳnh Đình Kinh, Nxb Văn hoá - Thông tin, 2003.
29.       Lê Văn Đặng (biên tập), Nhứt thiên tự (Hán-Nôm-Quốc ngữ), Ban Tu Thư Việt học xuất bản, 2002.
30.       Lê Văn Quán, Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb Khoa học Xã hội, 1981.
31.       Lê Xuân Mậu, Chuyện lai ghép từ Hán - Nôm, T/c Tài Hoa Trẻ, nguồn: http://www.cinet.gov.vn /Vanhoa/Vanhoc/vh-vietnam/tungu/hannom.htm
32.       Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb GD, H., 1997, trang 142–152. Nguồn từ: http://ngonngu.net/index.php?p=207
33.       Nam Cao, Chí Phèo (1941), Tuyển tập Nam Cao, tập 1. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1997
34.       Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ  huý Việt Nam qua các triều đại, Viện nghiên cứu Hán Nôm và  EFEO, Nxb Văn Hoá, 1997.
35.       Ngô Đức Thọ, Tây Dương Gia Tô  bí lục (Ghi chép những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương), Nxb Khoa học Xã hội, 1981.
36.       Nguồn tổng hợp về ca dao từ các  website:  http://e-cadao.com, http://cadao.org, http://vnthuquan.net,  http://www.cadaotucngu.com.
37.       Nguyễn Bỉnh, Ngũ thiên tự dịch Quốc ngữ, bản khắc in năm 1909, ký hiệu R.1554 (Nomfoundation.org).
38.       Nguyễn Đình Hoà, Vietnamese-English dictionary. Charles  E. Tuttle Co.: Pusblishers. Rutland, Vermont & Tokyo, Japan, 1966
39.       Nguyễn Hữu Vinh, Ðặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Ðặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Uyên Thi, Tự điển chữ Nôm trích dẫn, Viện Việt Học ấn hành, 2009.
40.       Nguyễn Khuê, Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1999.
41.       Nguyễn Ngọc San, Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb Đại Học Sư Phạm (tái bản) 2003
42.       Nguyễn Quang Hồng (chủ biên), Tự điển chữ Nôm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội  2006
43.       Nguyễn Tài Cẩn,  Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng – Từ  ghép – Đoản ngữ, Nxb ĐH&THCN, 1981.
44.       Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa học Xã hội, 1979.
45.       Nguyễn Thế, Phan Anh Dũng, Chinh phụ ngâm Hán Nôm hợp tuyển, Nxb Thuận Hoá, 2000.
46.       Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Cấu trúc ngữ nghĩa của vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt, nguồn: http://www.khoavanhoc- ngonngu.edu.vn
47.       Nguyễn Thị Trung Thành, Nhận xét về những từ ghép song tiết đẳng lập chỉ trạng thái tình cảm con người, Ngôn ngữ, số 15. 2001, nguồn:
      http://www.vienngonnguhoc...amp;do=Detail&nid=111
48.       Nguyễn Thuý Loan, Đặng Diệu Trang, Nguyễn Huy Hồng, Trần Hoàng, Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt, Nxb Văn hoá - Thông tin, 1997.
49.       Nguyễn Tường Bách, Lưới trời ai dệt? Tiểu luận về khoa học và triết học, Nxb Trẻ Tp. HCM, 2004.
50.       Nguyễn Văn Tố, Le Hoa tiên de Nguyễn Huy Tự trong Bulletin De La Société  D’seignement  Mutuel Du Tonkin- Tom XVI, N. 3-4 1936, Tân Dân 1937, nguồn tài liệu phổ biến của Thư viện Quốc gia Việt Nam http://dlib.nlv.gov.vn
51.       Nguyễn Văn Xuân, Chinh Phụ Ngâm Diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích, Nxb Văn Nghệ TP.HCM, tái bản, 2002.
52.       Nguyễn Văn Thọ, Vạn Vật Đồng Nhất Thể, Nxb Nhân Tử Văn, 2002,  nguồn: http://nhantu.net/TrietHoc/VVDNT/VVDNTphilo.htm
53.       Nhất Hạnh, Phép lạ của sự  tỉnh thức, Nxb An Tiêm 1976, nguồn thuvienhoasen.org
54.       Nhữ Thành (dịch), Sử  ký Tư Mã Thiên, Nxb Văn học, 1988.
55.       Nhức nhối về vấn đề chủ nghĩa xét lại giáo điều, Diễn đàn lịch sử, nguồn: http://lichsuvn.info /forum/showthread.php?t=8376
56.       P.J. Pigneaux, Dictionarium Anamitico - Latinum, (bản thảo viết tay) (1772-1773). Nguồn: bản pdf của NNT trong  Diễn đàn VVH (viethoc.com)
57.       Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên,  Hồng Đức quốc âm thi tập, (in lần  thứ hai có sửa chữa) Nxb Văn học, Hà Nội., 1982.
58.       Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục [trích trong Đông Dương tạp chí từ số 24 đến 49 (1913-1914)] Phong Trào Văn Hoá xuất bản. Saigon 1972
59.       Phan Khôi, Thần Chung 1929, Văn thư lưu trữ mở, nguồn:  vi.wikisource.org
60.       Tam thiên tự giải âm (ký hiệu R.468), Phú Văn Đường Tàng Bản, khắc in năm Tân Mão, 1831, (Nomfoundation.org)
61.       Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ (ký hiệu R.1667) Liễu Văn Đường Tàng Bản, khắc innăm 1915, (Nomfoundation.org)
62.       Thanh Nghị, Từ điển Việt Nam, Nxb Thời thế, 1958, nguồn sách phổ biếntừ: songhuong.com.vn.
63.       Thiều Chửu, Đuốc Tuệ, Hán Việt tự điển, H., 1942.
64.       Tô Hoài, Ba người khác, Nxb Đà Nẵng, 2006.
65.       Trần Đức Viên, Nông thôn miền  núi - Những nghiên cứu hướng tới phát triển lâu bền, Nxb Nông nghiệp, 2001.
66.       Trọng Toàn, Hương hoa đất nước, Nxb Trẻ, 1999.
67.       Tuệ Hạnh(dịch), Tăng Triệu và tánh không học Đông phương, 1973, nguồn thuvienhoasen.org
68.       Văn Tân (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa Học Xã Hội (in lần thứ 2), HN 1977
69.       Viện KHXH 1985-1993 (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1993.
70.       Viện Sử học (dịch và phiên âm), Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb  Khoa học Xã hội, 1976.
71.       VietVanBook, Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, 2010.
72.       Vũ Cao, Núi Đôi, Nxb Hà nội, 1990.
73.       Xuân Lan (biên soạn), Thiên tự (văn) giải âm ( Nhất thiên tự), nhà in Văn Minh tái bản lần thứ hai, Hải Phòng, Hà Nội, 1914 (sachxua.net).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGHĨA MỘT SỐ TỪ HÁN VIỆT


ÂN CẦN  
Nguyễn Lân giải thích ân (殷) có nghĩa là “chu đáo”, cần (勤) có nghĩa là “gắn bó”. Còn Thiều Chửu thì không giải thích rõ nghĩa của hai yếu tố này. Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng giải thích ân là “chu đáo, quan tâm đến”. Giải thích như Nguyễn Lân và các tác giả Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng là chưa được hoàn toàn chính xác. Ân trong Giáp cốt văn vẽ một người có bụng trướng và một bàn tay cầm kim châm để chữa bệnh. Nghĩa ban đầu của ân là “bệnh nặng”, về sau phái sinh thêm những nghĩa mới là “to lớn”, “sung túc” và từ các nghĩa đó phái sinh nghĩa “tình cảm nồng đậm” tức là “nhiệt tình”. Cần cũng có nhiều nghĩa trong đó có nghĩa là “chu đáo”. Chính vì nghĩa của ân và cần trong từ ân cần là như vậy nên Hiện đại Hán ngữ từ điển định nghĩa ân cần là “nhiệt tình và chu đáo”.

BỐ THÍ  
Thí (施) là một yếu tố dễ hiểu. Thí ở đây có nghĩa là “cho”. Bố (布) là một yếu tố khó hiểu. Trong cuốn Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng, bố thí chỉ được dẫn ra ở mục thí, còn ở mục bố không thấy dẫn ra từ bố thí, điều này chứng tỏ các tác giả chưa giải thích được nghĩa của bố trong từ bố thí. Tìm trong cuốn Hiện đại Hán ngữ từ điển và cuốn Thường dụng văn ngôn từ điển của Trung Quốc ở mục chữ bố cũng không thấy có nghĩa nào phù hợp với nghĩa của từ bố thí. Ở Việt Nam, Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh ở mục bố (布) có giải thích mấy nghĩa: “Vải - Tiền - Tuyên cáo ra - Chia bày ra”. Mấy nghĩa này cũng không có nghĩa nào thích hợp với nghĩa của bố thí. Phải tìm đến cuốn Hán ngữ đại từ điển và Hán ngữ nguyên lưu tự điển mới biết được nghĩa của bố trong từ bố thí. Bố ở đây có nghĩa là “cho”. Bố ban đầu có nghĩa là “vải”, về sau phái sinh ra một nghĩa khác là “tiền”. Tiền là thứ có thể dùng để cho. Vì vậy bố phái sinh thêm một nghĩa mới là “cho”. Đó là lai lịch nghĩa của bố trong từ bố thí.

ĐÔ HỘ  
Nguyễn Lân không chú nghĩa của đô (都) trong từ đô hộ. Trong Từ điển Hán - Việt của Thiều Chửu, các nghĩa ở mục chữ đô không có nghĩa nào ứng với nghĩa của đô trong đô hộ. Đào Duy Anh chú đô là “tóm cả”. Còn Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng thì chú đô là “thâu tóm”. Theo chúng tôi thì Bửu Kế chú đạt hơn cả: đô ở đây có nghĩa là “cầm đầu”. Nói “cầm đầu” thì hơi nôm na nhưng nó phù hợp với định nghĩa của Hán ngữ đại từ điển. Cuốn từ điển này giải thích đô có nghĩa là “thống lĩnh”, “thống soái”.

Hộ (护) trong đô hộ được Nguyễn Lân chú là “che chở”, Bửu Kế chú là “giúp đỡ”, có từ điển chú là “bảo vệ”. Những nghĩa này đều là nghĩa của hộ nhưng không ứng với nghĩa của hộ trong đô hộ. Hộ trong đô hộ có nghĩa là “cai quản tất cả”. Nghĩa này sát với một nghĩa trong Hán ngữ đại từ điển: hộ là “tổng lãnh, thống hạt”.

Đô hộ là “chức quan do phong kiến Trung Quốc thời xưa (đời nhà Đường) đặt ra để cai trị nước phụ thuộc”. Trong tiếng Việt từ đô hộ phái sinh thêm nghĩa động từ là “thống trị nước phụ thuộc”.

HỒN NHIÊN  
Hồn nhiênlà một từ dễ hiểu nhưng giải thích nghĩa của các yếu tố cấu tạo nên nó thì ý kiến của các tác giả còn khác nhau. Đối với yếu tố hồn (浑) Nguyễn Lân giải thích hồn là “không lộ ra”, Thiều Chửu giải thích hồnlà “hồn hậu, có ý kín đáo, không lộ”, còn Bửu Kế thì giải thích hồn là “tất cả”. Tra các từ điển tiếng Hán không thấy hồn có nghĩa là “không lộ ra” như ý kiến của Nguyễn Lân. Giải thích nghĩa của hồn là “hồn hậu” như Thiều Chửu thì cũng không sai nhưng chưa nói rõ được nghĩa của bản thân chữ hồn. Trong tiếng Hán, hồn cũng có nghĩa là “tất cả” (đúng hơn là “toàn”) như ý kiến của Bửu Kế nhưng nghĩa này là nghĩa của hồn trong từ hồn thân (浑身) có nghĩa là “toàn thân” chứ không phải nghĩa của hồn trong hồn nhiên tiếng Việt. Đối với yếu tố nhiên (然) Nguyễn Lân giải thích nhiên có nghĩa là “như thường”, còn Bửu Kế thì cho nhiên ở đây có nghĩa là “vậy”. Đúng là trong tiếng Hán cổ nhiên có nhiều nghĩa: “phải”, “thế”, “như thế”, v.v. nhưng những nghĩa này ngày nay đã mờ đi và giới ngôn ngữ học có một cách giải thích khác.

Để làm rõ nghĩa của các yếu tố cấu tạo từ hồn nhiên, ta phải hiểu nghĩa của từ hồn nhiên trong tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa: “hồn nhiên t  biểu hiện có bản tính gần với tự nhiên, có sự đơn giản, chân thật, trong trắng, nhiều khi ngây thơ trong tình cảm, trong sự suy nghĩ, trong tâm hồn”. Nghĩa này không có trong từ hồn nhiên của tiếng Hán hiện đại nhưng lại có trong tiếng Hán cổ đại. Trong Hán ngữ đại từ điển ở mục từ hồn nhiên, nghĩa (3) đã giải thích hồn nhiên là “có diện mạo chất phác, thuần khiết, chân thành”. Với nghĩa này hồn trong hồn nhiên có nghĩa là “tự nhiên, chất phác, chân thật, trong trắng”, còn nhiên được các nhà Hán ngữ học giải thích là một phụ tố đứng sau một yếu tố chỉ tính chất để cấu tạo một tính từ chỉ tính chất, trạng thái”.

HƯU TRÍ  
Các từ điển đều giải thích đúng nghĩa của hưu. Hưu (休) là “nghỉ không làm việc nữa”. Nhưng đối với tríthì ý kiến của các tác giả còn khác nhau, rất đáng thảo luận. Các tác giả Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng cho tríở đây có nghĩa là “sắp đặt”. Giải thích như thế là sai. Trong tiếng Hán có nhiều chữ trí. Chữ trí có nghĩa “sắp đặt” được viết là 置. Nhưng chữ trí này không phải là trí trong hưu trí. Chữ trí trong hưu trí phải viết là 致. Chữ trí này được Nguyễn Lân chú là “hết, đến cùng”. Còn Bửu Kế thì chú là “đến”. Chú như thế chưa được rõ nghĩa lắm. Ở Trung Quốc, thời phong kiến, quan lại về hưu thì gọi là trí sĩ (致士) hoặc trí sự (致事). Trí có nghĩa là “thôi”, sĩ là “làm quan”, sự là “công việc”. Như vậy, theo tôi trí trong từ hưu trí nên chú là “thôi chức vụ, công việc”.

NGHỆ AN  
Trong cuốn Từ điển Việt - Hán mới của Trung Quốc (Tăng Thuỵ Liên chủ biên), mục từ Nghệ An được viết là 义 ở phần phụ lục về địa danh Việt Nam. Viết chữ Nghệ như thế là sai. 义 âm Hán Việt đọc là nghĩa chứ không phải là nghệ. Nghệ ở đây chữ Hán phải viết là 乂. Trong Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh tác giả chú nghĩa chữ 乂là “Sửa trị - Người hiền tài” và có mục từ Nghệ An. “Sửa trị” đúng là một nghĩa của Nghệ, ngày nay gọi là “cai trị, cai quản”. Nhưng Nghệ còn một nghĩa nữa là “an lành, yên ổn”. An cũng có nghĩa là “an lành, ổn định”. Đây là một từ ghép đẳng lập có hai yếu tố đồng nghĩa. Trong tiếng Hán cổnghệ an là một tính từ được giải thích trong cuốn Hiện đại Hán ngữ từ điển là “thái bình vô sự” tức là “thái bình yên ổn”. Hiểu được ý nghĩa này mới thấy được cái hay, cái đẹp của địa danh này.

PHƯƠNG PHI
Nguyễn Lân ở mục từ phương phi (芳菲) không chú nghĩa các yếu tố phương và phi. Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng không có chữ 菲. Bùi Duy Dương trong bài “Từ láy trong Thiên Nam ngữ lục” (tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, s. 6 (14)-2011) cho rằng phương phi là một từ láy. Thực ra thì phương phi không phải là từ láy mà là một từ ghép đẳng lập gồm hai yếu tố nghĩa gần giống nhau. Phương (芳) có nghĩa là “thơm”, phi (菲) có nghĩa là “(hoa cỏ) thơm ngát và tốt tươi”. Phương phi trong tiếng Hán có nghĩa là “(hoa cỏ) thơm ngát, đẹp đẽ”. Trong tiếng Việt, phương phi biến nghĩa: “béo tốt, hồng hào, trông khoẻ và đẹp [thường nói về người đàn ông đã đứng tuổi]” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên).

TRUYỀN LÔ  
Truyền lô là một từ cũ. Trong bài Lều chõng ngày xưa (Tuổi Trẻ, 7-7-2012), Phạm Đức Thanh Dũng đã giải thích rõ nghĩa của từ truyền lô: “Truyền lô là thay mặt nhà vua xướng danh những người đỗ tiến sĩ...”. Lễ truyền lô khởi đầu từ khoa thi đình đầu tiên ở điện Thái Hoà rất long trọng... Quan truyền lô cầm danh sách tân tiến sĩ rồi lần lượt xướng danh theo thứ tự. Đọc xong giao cho bộ lễ tiếp nhận”. Truyền (传) có nghĩa là “chuyển”. Lô(胪) có nghĩa là “trình bày”.

TRỰC NHẬT  
Nhật (日) là một yếu tố dễ hiểu, có nghĩa là “ngày”. Trực (值) trong trực nhật nghĩa là gì thì ý kiến của các tác giả còn khác nhau. Nguyễn Lân cho trực ở đây có nghĩa là “đợi”. Nhưng đợi thì có liên quan gì với nghĩa của từ trực nhật đâu. Thiều Chửu ở mục chữ trị (值) trong tiếng Hán hiện đại đọc là zhí, trong tiếng Việt có hai cách đọc; đọc là trị trong trường hợp giá trị, đọc là trực trong trường hợp trực nhật, trực ban v.v.) ông giải thích trị trong trị nhật (tức trực nhật) có nghĩa là “đang”. Trị nhật là “đang ngày” tức là đang phải làm mọi việc ngày ấy vậy. Các từ điển tiếng Hán của Trung Quốc chẳng có cuốn nào giải nghĩa trực là “đang” cả. Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng giải thích trực trong từ trực nhật là “có mặt thường xuyên để giải quyết vấn đề”. Giải thích như thế là chưa nói được cái nét nghĩa cốt lõi của trực. Theo Hiện đại Hán ngữ từ điển thì trực ở đây có nghĩa là “luân lưu làm nhiệm vụ trong một thời gian nhất định”. Luân lưu (tức là luân phiên) là một nét nghĩa cốt lõi của trực. Không có chuyện luân phiên thì không phải là trực. Chẳng hạn một y tá năm ngày đến bệnh viện làm việc thì không phải là trực mà chỉ có ngày thứ bảy hoặc chủ nhật luân phiên nhau đến làm nhiệm vụ mới gọi là trực. Như vậy trực nhật nên định nghĩa ngắn gọn là “làm nhiệm vụ theo phiên trong một ngày”.

VÂN VI  
Nghĩa của các yếu tố vân (云) và vi (为) và nghĩa của từ vân vi chẳng có gì phải bàn cãi. Vân là “nói”, vi là “làm”. Vân vi là “đầu đuôi mọi lẽ, đầu đuôi sự tình” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên). Thí dụ: Giãi bày vân vi; suy nghĩ vân vi. Cụ Phan Bội Châu có câu thơ:

Trên trăng, dưới nước, giữa mình
Thôi thời với bóng tự tình vân vi

Vấn đề cần tìm hiểu là mối liên hệ giữa nghĩa yếu tố cấu tạo và nghĩa của từ. Trong tiếng Hán cổ đại vân vi có nghĩa đen là “nói và làm”. Mà nói và làm là hai hành động của sự tình. Hành động là một tiến trình, có sự thay đổi, tiến triển. Vì vậy trong tiếng Hán cổ đại vân vi phái sinh thêm một nghĩa mới là “biến hoá” (theo Hán ngữ đại từ điển). Đầu đuôi là “toàn bộ sự việc từ bắt đầu cho đến kết thúc”. Cũng tức là “sự biến hoá”. Nghĩa này trong tiếng Việt chính là mượn nghĩa thứ hai của từ vân vi trong tiếng Hán. Sự phái sinh nghĩa ở đây dựa trên cơ sở của phép ẩn dụ.

PGS. TS. LÊ XUÂN THẠI
------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.
[2] Thiều Chửu, Hán - Việt tự điển, NXB TP Hồ Chí Minh, TP HCM, 1997.
[3] Bửu Kế, Từ điển Hán Việt từ nguyên, NXB Thuận Hoá,Thuận Hoá, 1999.
[4] Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP HCM, 2001.
[5] Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Đà Nẵng, 2000.
[6] Cốc Diễn Khuê, Hán tự nguyên lưu tự điển, NXB Hoa Hạ, 2004.
[7] Lôi Hàng (chủ biên), Từ điển Việt - Hán hiện đại, NXB Nghiên cứu và giảng dạy Ngoại ngữ, 2004.
[8] Phòng biên tập từ điển, Sở nghiên cứu Ngôn ngữ, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Hiện đại Hán ngữ từ điển, bản thứ 5, Thương vụ ấn thư quán xuất bản, 2006.
[9]Tân hoa tự điển, Thương vụ ấn thư quán xuất bản,1996.
[10] Tạ Trúc Thanh (Chủ biên), Hán ngữ đại từ điển, NXB Hán ngữ đại từ điển, 1997.
[11] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Số 6 (20), 11-2012.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỪ KÉP HÁN VIỆT – VIỆT
ĐỒNG NGHĨA-[1]           

                                                           
Trong tiếng Việt từ xưa đến nay có một kiểu dùng từ rất đặc biệt và khác thường mà người Việt đã tạo ra và sử dụng, đó là những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa. Chúng là sự kết hợp của hai từ có nguồn gốc khác nhau, một là từ gốc Hán (đọc theo âm Hán Việt) và một là từ (gốc) Việt, nhưng về nghĩa chúnglại giống hoặc gần giống nhau. Thí dụ như: trụ cột, hương thơm, vụ việc, didời…Có thể hiện tượng này rất hiếm xảy ra trong các ngôn ngữ trên thế giới? Ngay trong tiếng Việt cũng còn có một số từ ghép Việt – Việt đồng nghĩa  còn lưu lại như xe cộ, bếp núc, chó má, trong đó gồm một từ Việt ghép cùng với một từ đồng nghĩa là từ Việt cổ nay không còn dùng, hiểu được nghĩa nữa (nhưng từ Việt cổ này (từ tố mất nghĩa) vẫn có thể hiểu được nghĩa qua phương ngữ hoặc các tiếng của dân tộc thiểu số gần gũi với người Việt như cộ, núc, má (xin xem chi tiết trong [41]) hoặc có khi chỉ là sự ghép đôi 2 tiếng địa phương khác nhau nhưng đồng nghĩa như to lớn, bông hoa, màn mùng… dù sao, đây không phải là một dạng từ kép đồng nghĩa có nguồn gốc từ hai dân tộc khác biệt  nhau về địa lý, văn hoá, ngôn ngữ như với loại từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa.

Các nhà nghiên cứu tiếng Việt vẫn chưa thống nhất tên gọi loại từ này nên đã gọi tên khác nhau tuỳ từng quan điểm: là từ ghép đẳng lập [7, 41] (vẫn được dùng trong giới ngữ học trong và ngoài nước), từ đôi Hán – Việt & Nôm [14], từ ghép láy nghĩa [43], hay là từ ghép song tiết đẳng lập [47],… Loại từ này đã gây ngạc nhiên, lúng túng cho các nhà nghiên cứu tiếng Việt (có khi còn bị chế giễu nữa như cách gọichữ đôi“ba rọi” [31], từ ghép” nói lắp” [7]). Cho đến nay, các nhà ngữ học Việt Nam hầu như mới chỉ phân loại, mô tả mà chưa tìm hiểu tường tận và giải thích thoả đáng về nguồn gốc của chúng.

Một trong những ý kiến đáng chú ý về từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa này là ý kiến của Lê Xuân Mậu trong bài viết “Chuyện lai ghép từ Hán-Nôm”, tác giả đã dẫn giải và biện hộ cho từ loại này như sau: “Nhiều người đã phát hiện hình thức lai ghép mà họ coi là “thừa” và “mách qué” vì chữ không ra chữ, nôm không ra nôm. Đó là những hình thức như in ấn, ca hát, lý lẽ. Thật ra ở hình thức lai ghép này có nhiều cái “lý” ngôn ngữ học rất đặc sắc. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng vì chú ý đến âm hưởng, đến nhạc tính khi đặt câu, dùng từ đã tạo ra “từ đôi” chỉ có một âm có nghĩa, âm kia thì không thêm một ý nào. Đó cũng là trường hợp “chắp một âm ta với một chữ nho, mà hai chữ cũng đồng một nghĩa như tuỳ theo, thờ phụng, thì giờ, danh tiếng... chữ đơn âm tiết dễ thoảng qua tri giác, chữ kép dễ gây chú ý hơn, giúp ta dễ hiểu câu hơn”.

Điều đó cũng giải thích việc thêm một âm nôm “dịch” luôn “chữ” đi trước để thành từ kép. Theo tôi, còn phải thêm rằng khi đặt hai âm “nôm” - “chữ” đồng nghĩa bên nhau để tạo thành một từ, người Việt cũng chỉ thực hiện một kiểu ghép đẳng lập: Ghép hai từ gần nghĩa để tạo ra một từ ghép có tính khái quát, tổng hợp. Lý lẽ, ca hát, in ấn không còn giữ nghĩa của các từ đơn tiết nôm, hán nữa...Cũng có khi tạo từ như thế người ta đã tạo ra một sắc thái nghĩa riêng... Hơn nữa đây có thể là do thói quen gắn “nôm” với “chữ” (khi có thể được) để bà con bình dân dễ hiểu.” [31]. Nhưng xem ra cách lý giải này của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Lê Xuân Mậu mới chỉ nhìn thấy những cành ngọn, là những yếu tố phụ (thuận tai, dễ nhớ, tạo sắc thái nghĩa mới) hơn nữa những yếu tố này cũng có thể dùng để giải thích cho những loại từ song âm khác (khuynh hướng song âm tiết phát triển dồi dào hơn đơn âm tiết), thí dụ: từ ghép Hán Việt - Hán Việt đồng nghĩa như oán hận, khảo sát, tranh đấu hay từ ghép Việt - Việt đồng nghĩa như dơ bẩn, đen tối, che chắn chứ chưa tìm ra được gốc rễ, nguyên nhân thực sự đã tạo ra những từ kép Hán Việt -  Việt đồng nghĩa.

Chúng tôi đã tìm hiểu, khảo sát loại từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  trong tiếng Việt qua các văn bản chữ Nôm và Quốc ngữ, các tự điển, tự vị xưa nay rồi so sánh, sắp xếp và phân loại theo từng thời kỳ lịch sử và chúng tôi đã tìm thấy được những sự trùng hợp không ngờ giữa những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  này với những dạng song ngữ Hán – Nôm có trong các sách học chữ Hán bằng văn vần như Tam thiên tự giải âm, Ngũ thiên tự, Thiên tự văn giải âm (Nhất thiên tự)...Làm sao có thể giải thích được hiện tượng này?  

Có rất nhiều chứng cứ cho thấy những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  chỉ xuất hiện sau khi các sách trên ra đời chứ trước đó chúng chưa xuất hiện, điều này chứng tỏ có một mối liên quan mật thiết với việc học chữ Hán từ xưa đến nay, trong quá trình học thuộc lòng chữ Hán thông qua âm Hán Việt và tiếng Việt, người Việt khi nói hay viết đã tự động dùng nguyên dạng song ngữ có sẵn để diễn đạt ý niệm mới nào đó. Đây chính là nguyên nhân sâu xa, quan trọng làm phát sinh, phát triển số lượng từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  trong tiếng Việt ngày càng nhiều hơn qua thời gian. Khi gọi là từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  chúng tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa “kép” để nêu bật kiểu cặp đôi của 2 từ đồng nghĩa Hán Việt và Việt đã hiện diện sẵn trong các bài học từ vựng song ngữ Hán – Việt hay các sách học chữ Hán giải âm được dân chúng khai thác và sử dụng chứ không dùng ý nghĩa “ghép” như một chủ ý kết hợp 2 từ đồng nghĩa không thông qua các dạng song ngữ sẵn có như trên và  để phân biệt, chúng tôi sẽ gọi những kiểu ghép này là từ ghép Hán Việt - Hán Việt đồng nghĩa  và từ ghép Việt - Việt đồng nghĩa.          

Trước khi đi sâu vào khảo sát, chúng ta nên phân biệt một số trường hợp tưởng như là những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa  nhưng thật ra lại là những từ ghép Hán Việt -  Hán Việt đồng nghĩa (kết hợp này vần thường thấy trong tiếng Hán như hận thù, tranh đấu, hoan hỉ), thí dụ như : gia thêm = gia thiêm,thẩm xét = thẩm sát, tích chứa = tích trữ...Những trường hợp trên (thiêm = thêm, sát = xét,  trữ = chứa) theo quan điểm ngữ âm lịch sử là do sự biến đổi ngữ âm từ âm Hán Việt sang âm Hán Việt được Việt hoá về âm đọc (đọc trại (chệch) âm, có khi đổi âm vì kỵ huý) hay kể cả những âm tiền (cổ) Hán Việt (có trước khi hình thành âm Hán Việt - trước thời Đường -) [10,30,40,41,43]  nên dễ nhận lầm là từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa.

Đôi khi xảy ra một số trường hợp thú vị như: di dời, mùi vị,  hoá ra sau khi nhận diện, các từ dời, mùi lại chính là âm cổ Hán Việt của chính  di, vị, như thế các từ kép này lại trở thành từ láy Hán Việt: di di, vị vị! Tuy nhiên chúng tôi vẫn thu thập, ghi nhận những từ kép thuộc loại này để vừa làm tiêu chuẩn khảo sát vì xét thấy người Việt xưa chưa có quan niệm gì về ngữ âm lịch sử nên khi dùng một từ để giải âm, giải thích chữ Hán thì có lẽ tiền nhân chỉ biết đó là tiếng Việt, quốc âm (không phải là âm Hán Việt) mà thôi và vừa để chứng minh cho ngay cả những từ ghép Hán Việt - Hán Việt đồng nghĩa  cũng phần nào xuất phát từ viêc học chữ Hán.

Còn một điểm nữa cũng cần lưu ý, đó là hiện tượng từ kép bị đảo lộn qua lại về trật tự các thành tố của từ. Trường hợp này vẫn thường xảy ra trong tiếng Việt với nhiều kiểu loại từ khác nhau, có thể là vì nhu cầu tâm lý muốn “Việt hoá về mặt ngữ pháp” các từ ghép gốc Hán như cáo tố > tố cáo, nhiệt náo > náo nhiệt, lợi quyền > quyền lợi...hay có khi chỉ vì thuận tai, thuận miệng khi nói năng hoặc vì nghệ thuật dùng từ khi viết văn, làm thơ, phú  như: trụ cột = cột trụ, hương quê = quê hương, hiến dâng = dâng hiến... nhưng về mặt ngữ pháp chúng vẫn có ý nghĩa, chức năng như nhau. Do vậy những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩamà chúng tôi đang khảo sát dù ở trật tự nào đi nữa, căn bản vẫn là những hình thức song ngữ Hán - Nôm, từ kép Hán Việt - Việt cho nên chúng tôi sẽ chọn lựa những từ kép có trật tự đảo lộn này để làm bằng chứng có giá trị tương đồng với từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa.

I. Từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa theo các thời kỳ lịch sử
A.  Thời kỳ từ thế kỷ XIII – XVI

Qua sự khảo sát chưa đầy đủ (chúng tôi chưa có đủ điều kiện để có thể thu thập toàn bộ chứng từ liên quan) các văn bản chữ Nôm và Quốc ngữ, ở giai đoạn thế kỷ XIII - XVI (cho đến nay, chỉ còn lưu truyền lại những tác phẩm viết bằng chữ Nôm ở thế kỷ XIII, trước đó chưa tìm thấy một văn bản chữ Nôm nào) trong tiếng Việt đã xuất hiện 2 từ kép Hán Việt -  Việt đồng nghĩa như trong 2 bài phú [21] của Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo có 1 từ kép:  thân mình (H6, c.25) và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca có 1 từ kép: thờ phụng (c.21); sang thế kỷ XV, trong Quốc âm thi tập [70] của Nguyễn Trãi thấy có 3 từ kép: tỏ tường (B79, c.3), nguyện xin (B107, c.7), khiêm nhường (B113, c.7);  trong Hồng Đức quốc âm thi tập [57]  có 2 từ kép: hương quê (Động đình thu nguyệt), sâm(1) họp (Hè ốc); tới thế kỷ XVI, trong Bạch Vân am thi tập [12] của Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy dùng 6 từ kép: đồng tiền (B5), ngu dại (B22), gửi thác (B152), hiềnlành và ngây si (B94), dối trá (B160); trong Tân biên truyền kỳ mạn lục [20] của Nguyễn Thế Nghi  có 3 từ kép: Dấu tích (Nam xương nữ tử truyện), xâmlấn (Lệ nương truyện), quái gở (Tản viên từ phán sự lục).

B. Thời kỳ thế kỷ XVII qua tự điển Việt-Bồ-La [4]
năm 1651 của Alexandro de Rhodes

Cốt xương = xương cốt        Sinh đẻ
Giảm bớt                             Tích vết = vết tích   
Hương thơm                        Thôn làng                
Kỳ hẹn (kỳ hạn)                   Trí khôn
Màu sắc                               Trụ cột                     
Tưởng nhớ                           Nhược bằng

      Riêng 2 từ kép can gián, kiện cáo tuy không thấy có trong Việt-Bồ-La nhưng đã có trong tập “Lịch sử nước Annam” [13]  viết tay năm 1659 của Bento Thiện.

(Lưu ý: Từ đây trở đi, chúng tôi sẽ viết những từ kép đang khảo sát đúng chính tả tiếng Việt hiện đại dù trong các tự điển, tự vị, văn bản chữ Nôm  xưa đã ghi lại theo lối ký âm thời chữ Quốc ngữ sơ kỳ hay theo âm đọc thời xưa)

Nhận xét chung: Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII, số lượng từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ nhưng ngày càng tăng lên theo thời gian. Ở giai doạn này không thấy trong thư tịch Việt Nam nói gì đến các sách học chữ Hán song ngữ Hán - Nôm giải âm (cũng có thể có nhưng đã bị thất truyền? sách Chỉ Nam ngọc âm viết theo thể lục bát có thể ra đời ở thời điểm này nhưng vì nó chú trọng vào sự giải thích dài lời nên không thấy giống với hình thức “giải âm” dễ ghi nhớ như Tam thiên tự: “Thiên trời, địa đất, cử cất, tồncòn...” nên không dùng để tham khảo được) nhưng qua bài hát đồng dao xưa liên quan đến việc học chữ Hán như:  

     “Cục ta cục tác,
Chữ kê là gà.
Giữ cửa giữ nhà,
Chữ khuyển là chó.
Bắt chuột bắt bọ,
Chữ miêu là mèo.
Ăn cám ăn bèo,
Chữ hợi là lợn.
Vừa cao vừa lớn,
Chữ tượng là voi.
Ăn trầu đỏ môi,
       Chữ Phật là Bụt.
        Ngồi cao tột bậc,
       Chữ vương là vua...[48]”    
     
Ta có thể phần nào xác định được nguyên nhân chính của sự xuất hiện từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa ở thời sơ kỳ (trước khi xuất hiện cách sách giải âm như Tam thiên tự) đó là: vai trò quan trọng của việc học chữ Hán với âm Hán Việt thông qua tiếng Việt  bằng cách học thuộc lòng các bài soạn tự vựng Hán – Việt căn bản do các thầy đồ làm ra, hay có thể từ các bài hát đồng dao dạy chữ Hán chủ yếu bằng truyền miệng đã làm phát sinh, phát triển những loại từ đặc biệt này trong tiếng Việt.

C. Thời kỳ sau Việt-Bồ-La  và trước tự điển Anamitico-Latinum của Pigneau de Béhaine [56] năm 1772-1773        

Có một số từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa đã  xuất hiện trong ca dao Việt Nam như: tống đưa, phân chia, tính toán,  sợ hãi,  sum vầy [36] mà tự điển Việt-Bồ-La không ghi nhận, nhưng tự vị Anamitico-Latinum của P.Béhaine lại có. Do ca dao được truyền miệng từ đời này sang đời kia nên rất khó xác định về thời điểm, cho nên chúng tôi tạm cho vào thời kỳ cuối thế kỷ XVII, nửa đầu thế kỷ XVIII. Cũng còn có một số từ kép như: Tụ họp  (tụ hiệp), luận bàn = bàn luận,cảm (cám) mến,  yến Tiệc = Tiệc yến chỉ có trong tự vị của P. Béhaine nhưng trước đó chưa tìm thấy trong các chứng từ hay truyền khẩu và chúng tôi cũng để vào thời kỳ này, dĩ nhiên những từ kép trên đây, chúng phải có trước rồi P. Béhaine mới có thể ghi nhận trong tự vị .    
     
Đặc biệt là trong Chinh phụ ngâm khúc [45]  tương truyền là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748) diễn âm có 2 từ kép tiễn đưa (c.14), cách ngăn (c.55) [dù từ Phan Huy Chiêm (1926) đến Học giả Hoàng Xuân Hãn (1953)[21], Nguyễn Văn Xuân (1972)[51]…đã từng khảo chứng, giành lại tác quyền diễn âm cho Phan Huy Ích nhưng vì đến tận ngày nay nỗ lực trên vẫn chưa được giới nghiên cứu Hán Nôm nhất trí, đồng thuận chứng tỏ còn nhiều khúc mắc chưa thông, nên chúng tôi vẫn tạm chấp nhận là của  Đoàn Thị Điểm] và trong truyện Nôm Hoa tiên [50] của Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) có 2  từ kép bụi trần (C.99) phô bày (C.995),theo Sài Phi Thư Trang trong bài viết “Bốn vấn đề văn bản học của Hoa tiên” tác giả đã nhìn nhận: “Theo kết quả nghiên cứu của nhiều người, thì Nguyễn Huy Tự đã viết tập truyện khoảng giữa thế kỷ XVIII, từ năm 1759 (năm ông tới Thăng Long) đến năm 1768 (năm ông được bổ nhiệm làm quan ở Sơn Tây” [2] những từ kép trên không thấy có trong tự vị của P. Béhaine và  theo chúng tôi chúng cũng thuộc vào thời kỳ nửa đầu thế kỷ XVIII và trước tự vị của P. Béhaine 1772-1773.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỪ KÉP HÁN VIỆT – VIỆT
ĐỒNG NGHĨA-[2]    


D. Thời kỳ xuất hiện sách Tam thiên tự giải âm, Ngũ thiên tự, Thiên văn tự giải âm từ nửa cuối thế kỷ XVIII cho đến cuối thế kỷ XIX             
Mỗi khi nhắc đến các loại sách học chữ Hán thời xưa, dĩ nhiên không thể không kể ra các sách tiêu biểu và trọng yếu, rất phổ biến cho người mới học chữ Hán và được tái bản nhiều lần bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ mãi cho đến cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đó là: Tam thiên tự giải âm, Ngũ thiên tự, Thiên tự văn giải âm (Nhất thiên tự), các sách khác như Nhật dụng thường đàm, Tự Ðức thánh chế tự học giải nghĩa ca, Ðại Nam quốc ngữ... không được phổ biến bằng do đó chúng tôi chỉ dùng những sách này để khảo sát và lấy làm những chứng cứ quan trọng liên quan đến từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa [các sách tham khảo chính: [15, 16, 29, 37, 60, 61, 73]. Trước hết, cần xem xét qua về thời điểm xuất hiện của các sách học chữ Hán giải âm:      
   
Về cuốn Tam thiên tự giải âm, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Hoàng Hồng Cẩm trong bài viết “Về cuốn Tam thiên tự do Ngô Thì Nhậm soạn” đã đưa ra dẫn chứng: “Theo Ngô gia thế phả thì năm 16 tuổi Ngô Thì Nhậm đã soạn sách dưới sự hướng dẫn của cha là Ngô Thì Sĩ” và đi đến nhận định: “Ngô Thì Nhậm đã soạn sách Tự học toản yếu (tức sách Tam thiên tự giải âm) trong thời điểm, chí ít cũng là từ lúc còn trẻ, khoảng năm 16 tuổi như thông tin trong Ngô gia văn phái; rồi lúc vào làm quan trong triều, ông lại có dịp tìm tòi, học hỏi thêm, cả thu nhặt tài liệu lẫn trao đổi trực tiếp với các đồng liêu tiền bối, sau đó mới phiên âm giải nghĩa để soạn thành sách. Số lượng chữ được Ngô Thì Nhậm biên soạn là ba nghìn chữ...

Theo Hoàng Lê nhất thống chí, thì khoảng năm Canh Tý, niên hiệu CảnhHưng 41 (1780), Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm được chúa Trịnh Sâm giao cho làm Tuỳ giảng cho Thế tử Trịnh Tông ở trong phủ Chúa. Như vậy, thì rất có thể, trong khoảng thời gian này, do phải soạn sách để giảng dạy cho Thế tử Tông, Ngô Thì Nhậm đã kết hợp biên soạn và hoàn thành việc đưa in sách Tự học toản yếu (tứcTam thiên tự giải âm) như đã nói trong bài tựa. Và nếu đúng, thì đây cũng chính là thời điểm cuối thế kỷ XVIII như cụ Trần Văn Giáp đã ghi theo truyền văn.“[3]. Như vậy theo nghiên cứu trên, Tam thiên tự đã được chính Ngô Thời Nhiệm (1746- 1803) soạn thảo lần đầu tiên vào năm ông mới 16 tuổi (1762). (Nếu đúng như vậy sách này đã ra đời trước  tự vị Anamitico-Latinum do P.Béhaine viết tay vào năm 1772-1773 khoảng 10 năm, một khoảng thời gian khá dài cho việc du nhập các kiểu song ngữ Hán Nôm giải âm từ Tam thiên tự vào tiếng Việt (chắc hẳn ở thời kỳ đầu Tam thiên tự đã được truyền tay, truyền khẩu trong giới học trò và phổ biến trong dân gian), điều này phù hợp với phát hiện của chúng tôi: Trong tự vị của P.Béhaine đã thấy ghi nhận khoảng 17 từ kép Hán Việt + Việt đồng nghĩa giống nguyên mẫu trong Tam thiên tự (xin xem phần sau) nhưng lại không hề thấy ở giai đoạn trước đó (thế kỷ XIII-XVII)   
     
Về sách Ngũ thiên tự, từ trước tới nay các nhà nghiên cứu Hán Nôm vẫn chưa xác định được tác giả và niên đại. Nói chung chỉ cho sách này ra đời sau Tam thiên tự, khoảng thế kỷ XIX. Nhưng theo Trần Doãn Cương quê tại xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà tĩnh là hậu duệ đời thứ 10 cụ Trần Doãn Tư đã cho biết: “Theo gia phả họ Trần Doãn tại làng Yên Tràng xã Kim Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh thì cụ Trần Doãn Tư là tác giả cuốn Ngũ Thiên Tự. Hiện phần mộ của cụ vẫn an táng tại xã Kim Lộc trên bia mộ vẫn ghi rõ. Ở sách “Lịch sử Hà Tĩnh” tập I, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cũng ghi: Cụ Trần Doãn Tư là tác giả cuốn Ngũ Thiên Tự... Ông Trần Doãn Tư chiêu mộ quan chống Tây Sơn, sau khi thất bại ông bị bắt giam 6 tháng, trong thời gian ở tù ông đã viết cuốn Ngũ Thiên Tự trình lên nhà vua rồi được tha bổng.” [23]. Như vậy, trong giới hạn tài liệu hiện có, ta có thể tạm tin rằng sách Ngũ thiên tự đã được Trần Doãn Tư biên soạn (hoặc biên tập lại) vào  khoảng sau khi nhà Tây Sơn (1788) xuất hiện và sau sách Tam thiên tự (1780).

Còn về sách Thiên tự văn giải âm thì vẫn chưa xác định được ai là tác giả và niên đại ra đời. Theo Kiều Thu Hoạch giới thiệu trong Lý Văn Phức, Ngọc - Kiều Lê Tân truyện [27] đã cho biết Lý Văn Phức (1785 - 1849) từng biên soạn Thiên tự văn diễn âm theo thể lục bát vào đời Nguyễn, Viện nghiên cứu Hán Nôm có lưu trữ, liệt kê sách Thiên tự văn giải âm ký hiệu AB.227, AB.91: in năm Thành Thái Canh Dần (1890) cũng theo thể lục bát, có lẽ đây là bản chữ Nôm sớm nhất còn lại, nhưng không biết có phải là cùng một sách hay không, dù sao thì Thiên tự văn giải âm chỉ xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX , sau sách Ngũ Thiên Tự.

1. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Tam thiên tự và Anamitico-Latinum của Pigneau de Béhaine (2)

Ca hát                                    Lý lẽ
Danh tiếng                            Mưu chước                        
Đoạn đứt = đứt đoạn            Nghi ngờ
Gia thêm  (gia thiêm)            Phức thơm = thơm phức     
Giái (giới) răn                      Tà vạy
Hoàn trả                               Thoát khỏi                         
Kính nể                                 Tư riêng   = riêng tư
Kỵ kiêng = kiêng kỵ             Xướng hát
Mê say = say mê    
       
2. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Tam thiên tự  và Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của [25]

Bạch trắng = trắng bạch                Hiếu thảo                         
Bao bọc                                            Hung dữ     
Dụ dỗ                                               Kỳ lạ = lạ kỳ                   
Dư thừa                                            Nhẫn  nhịn                        
Giả dối = dối giả                              Lao nhọc                                         
Giáng  xuống                                    Lão già                            
Lực sức = sức lực                            Tuỳ theo                               
Phát ra                                             Tụng kiện = kiện tụng    
Quy về                                              Ước mong
Thẩm xét (thẩm sát)                         Xác thật (xác thực)
Thiêu đốt    
                             
3. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Tam thiên tự  và Annamite - Français của Génibrel [26]

Chính ngay = ngay chính
Luyện rèn = rèn luyện
Phụ giúp
Tích chứa  (tích trữ)
Tinh ròng
Thì giờ       (thời giờ)

4. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Ngũ thiên tự  và  Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của  (3)

Binh lính
Đảng bè = bè đảng
Tiến dâng = dâng tiến
Thù hằn (thù hận) = hằn thù (hận thù)
5. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Ngũ thiên tự  và Annamite - Français của Génibrel
Giái (giới) ranh
Tạo dựng
Tiếp nối
6. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong Thiên tự văn giải âm (Nhất thiên tự) và  Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của

Ấu thơ = thơ ấu
Thối (thoái) lui

7. Những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa có trong thiên tự văngiải âm (Nhất thiên tự) và Annamite - Français của Génibrel (4)

Huyền nhiệm

E. Thời kỳ từ thế kỷ XX đến nay

Sau đây là những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa đã có mặt trong Tam thiên tự, Ngũ thiên tự, Thiên tự văn nhưng sau khi khảo sát các văn bản chữ Nôm, Quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, lại không hề thấy hiện diện (5), ngược lại chúng đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX  cho đến nay (6).

1. Trong Tam thiên tự

Nịnh hót                                    (Việt Nam phong tục 1913-1914) [58] (VNPT 1913-1914)
Vị ngôi = ngôi vị                       (Thần Chung 1929) [59]
       Bồi đắp                                      (Tự điển Việt – Hoa – Pháp 1937) [17] (TĐVHP1937)
       Băng giá                                    (TĐVHP 1937)                                                                  
       Cứu xét  (cứu sát)                      (TĐVHP 1937)
       Mộ mến = mến mộ                   (TĐVHP 1937)
       Bái lạy                                      (Việt Nam Văn Hoá Sử Cương 1938)[9] (VNVHSC1938)
       Ám mờ = mờ ám                      (VNVHSC1938)
       Vị mùi = mùi vị                       (Chí Phèo 1941) [33]
Cấp bực (bậc)                         Tự điển Việt – Pháp 1950 (TĐVP 1950) [11]
Phòng ngừa (phòng ngự)       (TĐVP 1950)
Thâm sâu                               (Từ điển Việt Nam 1958 [62] (TĐVN 1958)
Tuyển chọn                            (TĐVN 1958)
Chiếu soi                                (Tăng Triệu và tánh không học Đông phương 1973)[67]
 Khởi dậy                                (Phép lạ của sự tỉnh thức 1975) [53]
 Tu sửa                                    (Từ điển tiếng Việt 1977) [68] (TĐTV 1977)
 Đạc đo =  đo đạc                   (TĐTV 1977)
         Nghinh (nghênh) rước           (Tây Dương Gia Tô bí lục 1981) [35]
 Cổ xưa (Cổ sơ)                       (Từ điển tiếng Việt 1990) [19]  (TĐTV 1990)
 Ẩn giấu                                   (TĐTV 1990)
 Ký gửi                                    (TĐTV 1990)
 Khi dễ                                    (TĐTV 1990)
 Hùng mạnh                            (TĐTV 1990)
 Huyết máu = máu huyết       (TĐTV 1990)
 Tẩy rửa                                (Viện KHXH - bản dịch tiếng Việt Đại Việt sử ký toàn thư       1985-1993 -) [69]
 Song đôi                                 (Núi Đôi 1990) [72]
 Tĩnh lặng                                (Nhà tỉ phú bất hạnh 1996) [18]
 
 Di dời                                      (Sài Gòn Giải Phóng 1996) [6]
 Hoán đổi                                 (Thời báo Kinh Tế Việt Nam 1997) [6]
 Triệu vời                                  (Lược khảo Huỳnh Đình kinh 2001) [28]
 Cương cứng                             (Tự điển Việt Anh 2003) [5]  (TĐVA 2003)
 Ấn in  = in ấn                          (Báo Tuổi Trẻ 2003) [1]
 Khai mở                                  (Lưới trời ai dệt? 2004) [49]
 Manh mống                             (Diễn đàn Lịch sử VN 2009) [55]
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỪ KÉP HÁN VIỆT – VIỆT
ĐỒNG NGHĨA-[3]  


2. Trong Ngũ thiên tự

Sự việc                                      (VNPT 1913-1914)
Thấu rõ                                (Vietnamese-English dictionary 1966) (V-E D 1966) [38]
Vụ việc                                     (Công an Nhân dân 1992) [6]
      Huý kiêng = kiêng huý         (Nghiên cứu chữ huý Việt Nam qua các triều đại1996) [34]
Não óc = óc não                     (Vạn Vật Đồng Nhất Thể 2002) [52]
      Hiến dâng                              (TĐVA 2003)

3.Trong thiên tự văn giải âm (Nhất thiên tự):

Văn vẻ                                   (Việt Nam tự điển 1931) [22]
Nghinh (nghênh) đón            (V-E D 1966)
Chỉnh sửa                             (Giáo dục Thời đại 1996) [6]
Tống theo                             (Ba người khác 2006) [64]

II. Nhận định chung về từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa

Qua những khảo sát và dẫn chứng từ các văn bản chữ viết (Nôm, Quốc ngữ) và truyền khẩu theo từng thời kỳ lịch sử liên quan đến từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa, có khả năng chúng tôi đã tìm ra được nguyên nhân về sự phát sinh, tồn tại và phát triển của từ loại đặc biệt này:

Khởi đầu từ lịch sử dân tộc Việt Nam cổ đại với triều đại nhà Đinh (Đại Việt sử ký toàn thư đã đặt nhà Đinh mở đầu Bản kỷ) [69] đã thống nhất đất nước, giành lại độc lập sau 1000 năm lệ thuộc Trung Hoa về mọi mặt và dẫn đến sự hưng thịnh của triều đại Lý – Trần cũng chính là thời điểm của sự hình thành  và ổn định âm đọc Hán Việt của chữ Hán (khoảng Đường – Tống)[10,30,44] và sự truyền dạy chữ Hán như một tử ngữ - không còn nói và đọc chữ Hán theo âm Trường An (Bắc Kinh) của Trung Hoa nữa – các nhà Nho, thầy đồ Việt xưa đã giảng dạy chữ Hán với âm đọc Hán Việt và giải thích chữ Hán bằng Quốc âm (tiếng Việt) cho người học chữ Hán thông qua truyền miệng những tự vựng kiểu Hán – Việt, có thể lúc đầu để giúp học trò dễ nhớ dễ học, các thầy đồ đã sử dụng văn vần như kiểu đồng dao phổ biến ở lớp học và trong dân gian rồi từ khi chữ Nôm xuất hiện và phát triển mới bắt đầu xuất hiện những sách học song ngữ Hán – Nôm như Tam thiên tự giải âm, Ngũ Thiên tự, Thiên tự văn giải âm…

Sau khi người học chữ Hán đã học thuộc lòng, qua giao tiếp khi nói hay viết đã tự nhiên một cách vô thức du nhập nguyên mẫu song ngữ Hán – Việt hay Hán – Nôm từ các bài học tự vựng, đồng dao, sách học chữ Hán giải âm bằng văn vần vào trong tiếng Việt theo từng thời kỳ lịch sử. Mục đích chính là nhằm xác định, bổ sung thêm ý nghĩa cho người nghe, đọc dễ hiểu (với người biết và  không biết chữ Hán) cộng hưởng với quy luật phát triển ngữ âm ngày càng hướng về song tiết, đa âm tiết và nhu cầu nội tại thuộc tâm lý: thuận tai, dễ nhớ và kể cả thói quen khoe chữ, sính dùng chữ Hán. Nếu như ở các thời kỳ trước khi chữ Nôm hình thành vào thời Trần (theo lưu truyền và chứng cứ văn tự sớm nhất còn lại) chúng ta không có gì chắc chắn để chứng minh những từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa đã ra đời vào thời kỳ này do quá trình học chữ Hán ngoài sự đoán định dựa vào truyền khẩu (như qua đồng dao) ra thì sau khi chữ Nôm phát triển và đặc biệt là kể từ khi các sách học chữ Hán như Tam thiên tự xuất hiện sau đó là Ngũ thiên tự, Thiên tự văn… đã là những chứng cứ rất quan trọng để chứng minh một cách xác đáng:

Vào thời kỳ xuất hiện Tam thiên tự, có một số dạng song ngữ Hán – Nôm của Tam thiên tự trùng hợp với  những  từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa nhưng không thấy có trong các văn bản chữ Nôm, chữ Quốc ngữ trước và trong tự vị Anamitico-Latinum (1772-1773) của P.Béhaine mà lại thấy xuất hiện trong Đại Nam Quốc âm tự vị (1895-1896) của Huỳnh Tịnh Paulus Của và  tự điển Annamite - Français của J.F.M Génibrel (1898). Ngay ở thời hiện tại, số lượng khá nhiều các dạng song ngữ Hán – Nôm  giống với những từ kép đồng nghĩa Hán Việt - Việt có mặt trong các sách Tam thiên tự, Ngũ thiên tự, Thiên tự văn đã không hề xuất hiện trước khi chúng  ra đời  và cả trong  thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX nhưng lại hiện diện trong thế kỷ XX và hiện nay, chẳng hạn như những từ kép: duyệt xem, ẩn giấu, di dời, vụ việc, in ấn, kiêng huý, óc não…. Thực trạng này gắn liền với sự tái bản nhiều lần các sách trên bằng chữ Quốc ngữ, qua nhiều lần hiệu chỉnh, thay đổi, bổ sung: Tam thiên tự những năm 1915, 1959, 1969, 1999, 2008…Ngũ thiên tự những năm 1909, 1915, 1929, 1934-1935, 1939, 1940, 1997, 1999, 2004, 2007… Thiên tự văn (Nhất thiên tự) những năm 1909, 1914, 2002…

Đối với các thành kiến khinh chê, giễu cợt kiểu từ loại này, theo quan điểm của chúng tôi như vậy là cực đoan, hẹp hòi bởi vì nếu tìm hiểu sâu rộng hơn về từ Hán Việt, thực ra những từ Hán Việt trong phạm vi đang khảo sát, tuy có gốc tiếng Hán nhưng chỉ khi nào chúng được sử dụng trong viết văn, làm thơ bằng chữ Hán theo ngữ pháp Hán mới được gọi là chữ Hán thuần tuý còn khi ở trong tiếng Việt, những từ Hán Việt này đã được Việt hoá cả về âm đọc (âm Hán Việt và âm Hán Việt bị biến âm), ý nghĩa và chức năng ngữ pháp. Cho nên ở góc độ này, chúng ta vẫn có thể gọi những từ Hán Việt tuy có gốc Hán cũng là những từ ngữ nằm trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Do đó, kiểu từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa xét đến cùng cũng có vai trò tương đương với loại từ ghép Việt - Việt đồng nghĩa.

Từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa, dù được khen hay chê  nhưng không ai có thể phủ nhận được một sự thật: Từ xưa đến nay nhân dân ta đã sử dụng loại từ đặc biệt này và qua chứng cứ văn tự chỉ còn lại từ nhà Trần ta có thể tạm xác định sớm nhất vào khoảng từ thế kỷ XIII  cho đến ngày nay, những từ kép này đã được “nhập thể” vào tiếng nói hằng ngày lẫn trong ca dao và thơ văn chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, làm phong phú thêm tiếng Việt và tạo nên một bản sắc, một nét riêng của ngôn ngữ dân tộc Việt Nam.  

ĐINH VĂN TUẤN
Chú thích
Các nhà phiên Nôm vẫn đọc là sum họp nhưng như vậy là không đúng vì thời Hồng Đức chữ Hán sâm không thể là chữ huý của Trịnh Sâm để đọc biến âm là sum được.
Trong Tam thiên tự có một số dạng song ngữ Hán – Nôm bị trùng với các từ kép Hán Việt – Việt đồng nghĩa đã xuất hiện khoảng thời Trần đến thế kỷ XVII  nên chúng tôi sẽ không dùng để khảo sát ở thời kỳ này (thế kỷ XVIII cho đến cuối thế kỷ XIX).
Trong Ngũ thiên tự có một số dạng song ngữ Hán – Nôm  bị trùng với nhũng từ kép Hán Việt – Việt đồng nghĩa đã có trong thời kỳ từ thời Trần đến tự vị của Béhaine nên chúng tôi sẽ không dùng để khảo sát ở thời kỳ này (thế kỷ XIX).
Trong Thiên tự văn giải âm (Nhất thiên tự) có khá nhiều dạng song ngữ Hán – Nôm bị trùng với những từ kép Hán Việt – Việt đồng nghĩa đã  có trong khoảng thời kỳ từ thời Trần đến tự vị của Béhaine nên chúng tôi sẽ không dùng để khảo sát ở thời kỳ này (thế kỷ XIX).
Chúng tôi đã thử xem  trong Tự điển chữ Nôm, Nguyễn Quang Hồng (chủ biên),  Nxb Giáo Dục, Hà Nội  2006 và Tự điển chữ Nôm trích dẫn  do Viện Việt Học ấn hành 2009, nhưng đã không tìm ra  (Nhân đây xin  chân thành cảm ơn anh Nguyễn Doãn Vượng, đồng tác giả TĐCNTD  đã có hảo ý tặng sách cũng như cùng với anh Lân ở VVH tận tình giúp tài liệu Nhất Thiên Tự).
Những thời điểm xuất hiện của các từ kép Hán Việt – Việt đồng nghĩa được dẫn ra từ các sách báo tham khảo (kể cả trên các website)  trên chỉ tương đối vì do chúng tôi chưa đủ  điều kiện thu thập, khảo sát toàn bộ các tài liệu, chứng từ  trong thế kỷ XX, nên có thể có một số từ kép có khả năng xuất hiện sớm hơn thời điểm tìm thấy.
Tài liệu tham khảo
1.          Bố cáo thành lập và giải thể công ty (Mục Dịch vụ du lịch), Tuổi Trẻ online, thứ  năm 25/9/2003 (tuoitre.vn)
2.          Bốn vấn đề văn bản học của Hoa tiên, Sài Phi Thư Trang, T/c Hán Nôm số 1(10) năm 1991
3.          Về cuốn Tam thiên tự do Ngô Thì Nhậm soạn, Hoàng Hồng Cẩm, T/c Hán Nôm, Số 1 (80) 2007
4.          Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch  tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb Khoa học Xã hội, 1991.
5.          Bùi Phụng, Từ điển Việt – Anh, Nxb Thế giới, 2003.
6.          Chu Bích Thu (chủ biên), Từ điển từ mới tiếng Việt, Nxb Phương Đông, 2008.
7.          Đàm Trung Pháp (Điểm sách) “Vietnamese/ Tiếng Việt không son phấn”, nguồn từ http://www.viethoc.com/Ti...mesetiengvietkhongsonphan
8.          Đào Duy Anh, Giản yếu Hán Việt từ điển, Nxb Tiếng Dân, Huế 1932, (songhuong.com.vn).
9.          Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hoá Sử Cương, Quan Hải tùng thư xuất bản, Huế, 1938, Xuất bản Bốn phương, Viện giáo khoa - Hiên Tân Biên tái bản, Sài Gòn 1951.
10.       Đào Duy Anh, Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1975.
11.       Đào Văn Tập, Tự điển Việt – Pháp,  Nhà Sách Vĩnh Hảo, Sài Gòn, 1950
12.       Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Hồ Như Sơn, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, 1983.
13.       Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659, Tủ Sách Ra Khơi xuất bản, Sài Gòn 1972.
14.       Đỗ Thông Minh, Chữ ghép âm Hán Việt & Nôm (chữ Nôm dạng Gothic, chữ Hán-Việt dạng Time), nguồn: http://www.phiem-dam.com /1chuhan100.pdf
15.       Đoàn Trung Còn (biên soạn), Ngũ thiên tự, Nxb Thanh niên, tái bản 1999.
16.       Đoàn Trung Còn (biên soạn), Tam thiên tự, , nguồn: sachxua.net
17.       Gustave Hue,  Tự điển Việt – Hoa – Pháp 1937 (Tái bản theo bản in Imprimerie Trung Hoà 1937), Nhà sách Khai Trí , Sài  Gòn 1971
18.       Hoàng Hữu Các, Nhà tỉ phú bất hạnh, Nxb Lao động, 1996.
19.       Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa Học Xã Hội,1990.  
20.       Hoàng Thị Hồng Gấm (phiêm âm và chú thích), Nguyễn Thế Nghi - Tân biên truyền kỳ mạn lục - Tác phẩm Nôm thế kỷ XVI,  Nxb Văn hoá Dân tộc, 2000.
21.       Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập III, Nxb Giáo Dục, 1998.
22.       Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Hà Nội, 1931, Mặc Lâm tái bản, 1968.
23.       Hỏi về giá trị của cuốn Ngũ Thiên Tự, Diễn đàn Viện Việt học,Hán Việt, (viethoc.com).
24.       Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên (dịch và giới thiệu), Tự vị Annam -  Latinh (1772 – 1773), NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999.
25.       Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Tom I-II Sài Gòn 1895-1896, Nxb Trẻ, tái bản 1998.
26.       J.F.M Génibrel, Dictionnaire Annamite – Français, Deuxième édition, Tân Định, Saigon 1898, nguồn sách phổ biến từ books.google.com
27.       Kiều Thu Hoạch, Lý Văn Phức, Ngọc - Kiều Lê Tân truyện, Nxb Khoa Học Xã Hội, 1976.
28.       Lê Anh Minh, Lược khảo Huỳnh Đình Kinh, Nxb Văn hoá - Thông tin, 2003.
29.       Lê Văn Đặng (biên tập), Nhứt thiên tự (Hán-Nôm-Quốc ngữ), Ban Tu Thư Việt học xuất bản, 2002.
30.       Lê Văn Quán, Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb Khoa học Xã hội, 1981.
31.       Lê Xuân Mậu, Chuyện lai ghép từ Hán - Nôm, T/c Tài Hoa Trẻ, nguồn: http://www.cinet.gov.vn /Vanhoa/Vanhoc/vh-vietnam/tungu/hannom.htm
32.       Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb GD, H., 1997, trang 142–152. Nguồn từ: http://ngonngu.net/index.php?p=207
33.       Nam Cao, Chí Phèo (1941), Tuyển tập Nam Cao, tập 1. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1997
34.       Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ  huý Việt Nam qua các triều đại, Viện nghiên cứu Hán Nôm và  EFEO, Nxb Văn Hoá, 1997.
35.       Ngô Đức Thọ, Tây Dương Gia Tô  bí lục (Ghi chép những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương), Nxb Khoa học Xã hội, 1981.
36.       Nguồn tổng hợp về ca dao từ các  website:  http://e-cadao.com, http://cadao.org, http://vnthuquan.net,  http://www.cadaotucngu.com.
37.       Nguyễn Bỉnh, Ngũ thiên tự dịch Quốc ngữ, bản khắc in năm 1909, ký hiệu R.1554 (Nomfoundation.org).
38.       Nguyễn Đình Hoà, Vietnamese-English dictionary. Charles  E. Tuttle Co.: Pusblishers. Rutland, Vermont & Tokyo, Japan, 1966
39.       Nguyễn Hữu Vinh, Ðặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Ðặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Uyên Thi, Tự điển chữ Nôm trích dẫn, Viện Việt Học ấn hành, 2009.
40.       Nguyễn Khuê, Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1999.
41.       Nguyễn Ngọc San, Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb Đại Học Sư Phạm (tái bản) 2003
42.       Nguyễn Quang Hồng (chủ biên), Tự điển chữ Nôm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội  2006
43.       Nguyễn Tài Cẩn,  Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng – Từ  ghép – Đoản ngữ, Nxb ĐH&THCN, 1981.
44.       Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa học Xã hội, 1979.
45.       Nguyễn Thế, Phan Anh Dũng, Chinh phụ ngâm Hán Nôm hợp tuyển, Nxb Thuận Hoá, 2000.
46.       Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Cấu trúc ngữ nghĩa của vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt, nguồn: http://www.khoavanhoc- ngonngu.edu.vn
47.       Nguyễn Thị Trung Thành, Nhận xét về những từ ghép song tiết đẳng lập chỉ trạng thái tình cảm con người, Ngôn ngữ, số 15. 2001, nguồn:
      http://www.vienngonnguhoc...amp;do=Detail&nid=111
48.       Nguyễn Thuý Loan, Đặng Diệu Trang, Nguyễn Huy Hồng, Trần Hoàng, Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt, Nxb Văn hoá - Thông tin, 1997.
49.       Nguyễn Tường Bách, Lưới trời ai dệt? Tiểu luận về khoa học và triết học, Nxb Trẻ Tp. HCM, 2004.
50.       Nguyễn Văn Tố, Le Hoa tiên de Nguyễn Huy Tự trong Bulletin De La Société  D’seignement  Mutuel Du Tonkin- Tom XVI, N. 3-4 1936, Tân Dân 1937, nguồn tài liệu phổ biến của Thư viện Quốc gia Việt Nam http://dlib.nlv.gov.vn
51.       Nguyễn Văn Xuân, Chinh Phụ Ngâm Diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích, Nxb Văn Nghệ TP.HCM, tái bản, 2002.
52.       Nguyễn Văn Thọ, Vạn Vật Đồng Nhất Thể, Nxb Nhân Tử Văn, 2002,  nguồn: http://nhantu.net/TrietHoc/VVDNT/VVDNTphilo.htm
53.       Nhất Hạnh, Phép lạ của sự  tỉnh thức, Nxb An Tiêm 1976, nguồn thuvienhoasen.org
54.       Nhữ Thành (dịch), Sử  ký Tư Mã Thiên, Nxb Văn học, 1988.
55.       Nhức nhối về vấn đề chủ nghĩa xét lại giáo điều, Diễn đàn lịch sử, nguồn: http://lichsuvn.info /forum/showthread.php?t=8376
56.       P.J. Pigneaux, Dictionarium Anamitico - Latinum, (bản thảo viết tay) (1772-1773). Nguồn: bản pdf của NNT trong  Diễn đàn VVH (viethoc.com)
57.       Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên,  Hồng Đức quốc âm thi tập, (in lần  thứ hai có sửa chữa) Nxb Văn học, Hà Nội., 1982.
58.       Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục [trích trong Đông Dương tạp chí từ số 24 đến 49 (1913-1914)] Phong Trào Văn Hoá xuất bản. Saigon 1972
59.       Phan Khôi, Thần Chung 1929, Văn thư lưu trữ mở, nguồn:  vi.wikisource.org
60.       Tam thiên tự giải âm (ký hiệu R.468), Phú Văn Đường Tàng Bản, khắc in năm Tân Mão, 1831, (Nomfoundation.org)
61.       Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ (ký hiệu R.1667) Liễu Văn Đường Tàng Bản, khắc innăm 1915, (Nomfoundation.org)
62.       Thanh Nghị, Từ điển Việt Nam, Nxb Thời thế, 1958, nguồn sách phổ biếntừ: songhuong.com.vn.
63.       Thiều Chửu, Đuốc Tuệ, Hán Việt tự điển, H., 1942.
64.       Tô Hoài, Ba người khác, Nxb Đà Nẵng, 2006.
65.       Trần Đức Viên, Nông thôn miền  núi - Những nghiên cứu hướng tới phát triển lâu bền, Nxb Nông nghiệp, 2001.
66.       Trọng Toàn, Hương hoa đất nước, Nxb Trẻ, 1999.
67.       Tuệ Hạnh(dịch), Tăng Triệu và tánh không học Đông phương, 1973, nguồn thuvienhoasen.org
68.       Văn Tân (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa Học Xã Hội (in lần thứ 2), HN 1977
69.       Viện KHXH 1985-1993 (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1993.
70.       Viện Sử học (dịch và phiên âm), Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb  Khoa học Xã hội, 1976.
71.       VietVanBook, Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, 2010.
72.       Vũ Cao, Núi Đôi, Nxb Hà nội, 1990.
73.       Xuân Lan (biên soạn), Thiên tự (văn) giải âm ( Nhất thiên tự), nhà in Văn Minh tái bản lần thứ hai, Hải Phòng, Hà Nội, 1914 (sachxua.net).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CẨN TRỌNG KHI DÙNG TIẾNG VIỆT
ĐỂ “ĐẶT TÊN”
CHO DANH TỪ TRUNG QUỐC


Đây là lúc người Việt Nam chúng ta cần phải có lòng tự tôn dân tộc trong cách nói, cách viết theo chuẩn mực quốc tế để vạch mặt chỉ tên trước công luận quốc tế

Từ ngày 1/5/2014  đến nay, giàn khoan mang tên khai sinh “Haiyang Shiyou 981” mà truyền thông nước ta gọi là “Hải Dương 981”, có lúc còn viết tắt rất chủ quan là HD 981, còn theo tiếng Anh là CNOOC 981. Như vậy, giữa “Haiyang Shiyou 981”, “HD981” và “CNOOC 981” là những số hiệu, tên gọi hoàn toàn khác nhau. Vì sao có chuyện đó, và làm sao để quốc tế thấu rõ điều này?!      

Tiếng Việt với các danh từ nước ngoài!  

Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu tượng hình, tượng thanh, giàu cung bậc tình cảm. Đã từ lâu tên Nước, tên Thủ đô, thành phố, tỉnh lỵ, tên các địa danh núi, sông, biển, đảo cho đến tên người của Trung Quốc hiện đang được phiên âm theo một quy tắc riêng, một cách mỹ miều ưu ái đặc biệt làm cho người nước ngoài ngộ nhận, gây bất lợi cho phía Việt Nam trong quan hệ quốc tế và đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền .  
   
Cộng hoà nhân dân Trung Hoa 華/中华; phiên âm là Zhonghua. Tiếng Anh gọi là China, tiếng Nga gọi là Kytai, tiếng Nhật gọi là Chuka, tiếng Triều Tiên gọi là  Junghwa, Chunghwa , tiếng Indonesia gọi là Tionghua, còn Việt Nam gọi là “Trung Quốc”  .Thực tế với tên gọi “Trung Quốc” đã không phân biệt được Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa với chính thể tại Đài Loan là Trung Hoa Dân Quốc. Thủ đô là Beijing mà chúng ta lại cứ quen gọi là “Bắc Kinh”, thành phố như Shanghai thì gọi là “Thượng Hải”… tỉnh Guangxi thì gọi là “Quảng Tây”… rồi “Quảng Đông”… cứ như một tỉnh ở xứ “Quảng” miền Trung của Việt Nam ta vậy!

Đảo Hainan gọi là “Hải Nam”, đảo Taiwan gọi là “Đài Loan”, đảo Jinmenn gọi là “Kim Môn”, đảo Mazu Liedao gọi là “Mã Tổ”. Sông Chang Jiang gọi là “Trường Giang”  trùng với tên của một con sông ở Quảng Nam. Nếu họ trâng tráo bịa đặt thì họ nói sông đó là của họ thì sao!?  

Với cách gọi như thế, “người ta” trịch thượng cho mình là “kẻ cả” để coi thường rằng “Thấy người sang bắt quàng làm họ” thì làm sao!? Điều đáng nói là trong tranh chấp chủ quyền biên giới, biển đảo, họ đã lợi dụng cách gọi “Hữu nghị” một số địa danh thuộc chủ quyền của Việt Nam để vơ vào làm của mình hoặc đánh lừa công luận quốc tế.
        
Tiếng Việt trong các văn bản, sách vở đều gắn họ tên của nhiều nhân vật lịch sử, nhân vật chính khách… của họ đều được gắn với những họ tên mỹ miều có dấu, có họ tên chữ lót hẳn hoi. Ví dụ như: Tào Tháo, Lưu Bị, Hàn Phức, Trương Như, Tôn Quyền , Vương Nguyên Cơ… Hiện nay có  Hoa Xuân Oánh, Hồng Lỗi, Vương Quán Trung, Phó Oánh, La Viện, Bạc Lai Hy, Lưu Chí Quần, Từ Tài Hậu… đều là những cái tên rất Việt Nam. Vì những cái tên đó có họ, chữ lót… rất giống ta!
  
Về khảo cổ học Việt Nam, không có ràng buộc họ hàng với nước láng giềng vì nước ta lưng tựa vào Trường Sơn, nằm ven biển Đông với các lưu vực sông Hồng, Sông Mã, Sông Lam, Sông Gianh… Đều được đánh dấu có nền văn minh lúa nước của người Việt cổ - là một trong những chiếc nôi của loài người cách đây hàng ngàn năm.

Về nhân chủng học, người Việt Nam không có huyết thống hay sắc tộc với những nước láng giềng. Từ thể hình, gương mặt, mi mắt, giọng nói đều khác biệt…

Người Việt cổ có tiếng nói và chữ viết riêng biệt song đã mất đi ký tự, nên trong thời kì ngàn năm Bắc thuộc đã phải dùng ký tự Hán để phiên âm qua chữ Nôm cho tiếng Việt. Qua thời kỳ Pháp  - đã có chữ Quốc ngữ với các dấu huyền, sắc, hỏi, ngã, các chữ cái như ô, ơ, ê...

Tiếng Việt là thứ tiếng lâu đời của người Việt cổ tồn tại cho đế ngày nay khác với tiếng Hán hoàn toàn. Tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ thuần Việt của “Nam Quốc Sơn Hà” từ thời Vua Hùng dựng nước,  Hai Bà Trưng khởi binh chống lại quân Hán, tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt, Đại cáo bình Ngô, Hịch tướng sỹ, Tuyên ngôn Độc lập 1945 và nay đã trở thành ngôn ngữ chính thống của Việt Nam thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tiếng Việt vinh dự có tên trong danh mục dịch thuật trực tuyến translate.google của 80 nước, bình đẳng với tiếng UK, France, USA, Rossiya, Germania, Italia…  

Phát âm tên, họ người Trung Quốc khác với ta, song khi phiên âm thì chúng ta lại gắn họ tên chữ lót giống như người Việt chúng ta để dễ đọc, để dễ nhớ… Công bằng mà nói các nước có  ký tự tượng hình giống Trung Quốc như Taiwan ( ta gọi là Đài Loan ) , Japan (Nhật Bản), Korea (Triều Tiên)… nhưng khi phiên âm ra tiếng Việt lại khác nhau hoàn toàn. Ví dụ, về tên người Hàn Quốc thì Lee Young Ae, Kim Soo Hyun, Đài Loan  thì Song Hye Kyo, Nhật thì Keiko Matsuzaka… Tên thủ đô các nước đó là Tokyo… mà đâu có dấu.

Danh từ của các nước ASEAN và các nước Laos, Cambodia cũng được ta theo tập quán quốc tế như Kuala Lumpur, Singapore, Pnompenh, Vientiane… họ tên người cũng khác hẳn.      

Danh từ trong truyền thông nên theo thông lệ quốc tế!

Đã qua rồi thời kỳ chữ Quốc ngữ nước ta phải mượn Hán - Nôm để phiên âm qua tiếng Việt. Riêng về tên người và tên địa danh của ta là thuần Việt. Tên -  Họ của 64 dân tộc ở Việt Nam được bảo tồn lưu giữ, các địa danh trong nước đều được viết bằng tiếng Việt với những cái tên rất đẹp.

Quần đảo thiêng liêng thuộc máu thịt Tổ quốc mang tên rất đẹp Hoàng Sa có tên là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng với vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Quần đảo Hoàng Sa được chia làm hai nhóm đảo là nhóm đảo An Vĩnh và nhóm đảo Lưỡi Liềm. Có tài liệu chia quần đảo làm ba phần, trong đó ngoài hai nhóm trên thì còn có một nhóm nữa gọi là nhóm Linh Côn và các địa danh thuần Việt như bãi đá Bắc, bãi Ốc Tai Voi, đảo Tri Tôn, bãi Gò Nổi… mà không trộn lẫn được với Trung Quốc trong các tài liệu lịch sử của họ.  

Trong cuốn sách De la Cochinchine, Tableau (Taberd) viết: “Beaucoup plus loin de la côte, en face de Hué, est l’archipel des Paracels ou de Kat-vang, rempli d’écueils. Enfin, les redoutables bancs de Macclesfield se trouvent à l’est des Paracels”. (Xa hơn kể từ phía bờ biển, ở phía trước của Huế là Paracels hoặc Kat-vang, đầy đá ngầm. Cuối cùng, bãi ngầm Macclesfield đáng sợ nằm ở phía đông của Paracels).

Trên tất cả các bản đồ cổ do các nhước châu Âu xuất bản đề có chữ la-tinh “Bai kat vang”. Đó chính là Bãi cát vàng – tên của quần đảo Hàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Phiên âm đó đúng nghĩa, đúng tên gọi của chúng ta. Vì vậy, sử dụng tiếng Việt chuẩn xác trong quan hệ quốc tế cũng là điều rất quan trọng trong đấu tranh bằng biện pháp hoà bình và đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia, đặc biệt là biển đảo Tổ quốc.

“Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”, vì vậy cũng không vì tình hữu nghị mà bỏ qua tập quán quốc tê về ngôn ngữ giao tiếp trong cách xưng hô địa danh quốc gia. Tên núi tên sông tên đảo, tên người mang trọng trách thiêng liêng phân định rạch ròi chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, khi sử dụng ngôn từ trong các văn bản khởi kiện hành vi độc chiếm biển Đông ra các toà Quốc tế!

Vì vậy, không nên tuỳ tiện dùng tiếng Việt có dấu khi phiên âm các địa danh, tên người của nước ngoài. Dù bất cứ nước nào có thể gây bất lợi cho chúng ta trong đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền. Vì vậy, trong các văn bản quốc tế về ngoại giao, thương mại, kinh tế, an ninh – quốc phòng hay trong cách thể hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng như Vô tuyến truyền hình, đài phát thanh, báo chí, ấn phẩm đều nên có sự thống nhất cách thể hiện danh dự quốc thể. Không để ai lợi dụng tình “hữu nghị” trong để lợi dụng hoặc đánh lừa dư luận quốc tế.

Sự kiện giàn khoan “Haiyang Shiyou 981” mà truyền thông nước ta gọi là “Hải Dương 981” viết tắt là HD 981, còn theo tiếng Anh là CNOOC 981. Như vậy, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cùng việc công bố đường lưỡi bò 9 đoạn đang phơi bày toàn bộ dã tâm bành trướng, hung hăng, tàn ác bất chấp đạo lý dưới những chiêu bài “hoà bình hữu nghị”, đặc biệt là “16 chữ vàng” và quan hệ “4 tốt” của Trung Quốc.

Đây cũng là lúc người Việt Nam chúng ta cần phải có lòng tự tôn dân tộc trong cách nói, cách viết, dùng đúng tên theo chuẩn mực quốc tế để vạch mặt chỉ tên trước công luận quốc tế đồng thời cảnh giác với những âm mưu lợi dụng ngôn từ hòng xâm phạm chủ quyền của ta. Đó là cách để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng cũng là bảo vệ nền văn hoá Việt Nam!

Tiếng Việt mang giá trị văn hoá phi vật thể vô giá. Đây cũng là trách nhiệm làm trong sáng tiếng Việt và bảo vệ vốn ngôn ngữ độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ với giá trị cao quý của chúng ta!

TS Trần Đình Bá
Hội Khoa học kinh tế Việt Nam


Không chỉ có đường 9 đoạn, mới đây Trung Quốc còn trưng ra bản đồ dọc có đường 10 đoạn bao trọn biển Đông. Luận điệu này không chỉ bị các nước có liên quan phản đối, mà cộng động quốc tế cũng không đồng tình.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TIẾNG VIỆT
CÓ HỒN HƠN HÁN VIỆT


Nếu khéo dùng tiếng Việt để tả cảnh, tả tình thì có thể chỉ cần điểm một hai từ cũng bằng cả một bức tranh, một khúc nhạc.

Kiệt tác Tỳ bà hành của nhà thơ Bạch Cư Dị đã được đưa vào chương trình văn học thế giới bậc phổ thông trung học. Phải nói Tỳ bà hành là bài thơ Đường rất dài, có lẽ chỉ kém bài Trường Hận Ca cũng của Bạch Cư Dị mà thôi. Do nó dài nên không mấy người học thuộc lòng nhưng tôi vì quá thích lời dịch thơ của Phan Huy Vịnh mà lại nhớ từng câu từng chữ để thấy tiếng Việt là cả một khung trời bao la.

Trở lại với Tỳ bà hành, cả một đoạn dài của bài thơ chỉ để tả tiếng đàn mà lời lời ý ý như nước chảy, hoa trôi thì mới thấy hết cái tài của thi nhân Bạch Cư Dị. Nhưng Phan Huy Vịnh cũng rất tài tình khi vừa dịch sát ý, vừa toát được vẻ huyền diệu của tiếng đàn bài thơ. Và việc Phan Huy Vịnh dịch thành công cũng cho thấy không gian tiếng Việt vô cùng phong phú, khoáng đạt và bóng bẩy để có thể chuyển ngữ thành công kiệt tác của nhân loại.

Thậm chí, có những đoạn thì tôi mạo muội cho rằng bản dịch qua tiếng Việt của Phan Huy Vịnh khiến bài thơ còn có hồn hơn cả bản gốc tiếng Hán. Đơn cử như câu:

Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt
U yết tuyền lưu thuỷ hạ than

Hai câu này vốn để tả tiếng đàn của ca nương trong đêm khuya trên bến Tầm Dương:

Như chim oanh học nói thao thao trong khóm hoa
Như dòng suối ngập ngừng, đổ nước xuống ghềnh

Bản dịch của Phan Huy Vịnh viết là:
Trong hoa oanh ríu rít nhau
Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh

Cái diệu kỳ ở bản dịch chính nằm ở 2 chữ thuần Việt ríu rít và róc rách. Đã ríu rít rồi lại róc rách, hai từ tượng thanh nối nhau tiếng trước - tiếng sau, câu trên - câu dưới nghe rất vui tai. Đó là thứ mà có thể ta không tìm thấy trong bản thơ gốc. Chỉ 2 từ thuần Việt đó thôi mà mô tả được cả khung cảnh, được cả âm thanh. Nếu phải dùng một ngôn ngữ khác để truyền tải thì chúng ta sẽ mất bao nhiêu từ ngữ?

Phát âm vần R khi ngâm bài này lên thì lưỡi ta rung lên bần bật thật không khác gì dây đàn rung lên trong đêm vắng cả. 4 chữ R dồn dập trong 2 câu làm đầu lưỡi rung lên 4 lần để rồi sau đó nhận ra “tiếng buông xé lụa, lựa vào 4 dây”. Tôi nghĩ không thể hoàn hảo hơn được nữa. Nếu khéo dùng tiếng Việt để tả cảnh, tả tình thì có thể chỉ cần điểm một hai từ cũng bằng cả một bức tranh, cả một khúc nhạc. Kỳ diệu!

Anh Tú
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

QUY ÐỊNH VIẾT HOA - 2020


1-
Cách viết tên riêng Việt Nam.
Tên riêng Việt Nam bao gồm nhiều loại: tên người, biệt hiệu, bút danh, địa danh. Ðối với tất cả các loại tên riêng này, phải viết hoa tất cả các chữ cái mở đầu của các âm tiết trong tên gọi và giữa các âm tiết không gạch nối.
Ví dụ:
Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Ðồng, Tố Như, Tố Hữu, Hàn Nội, Ðồng Nai, Cần Thơ v.v...
2-
Cách viết tên cơ quan, tổ chức kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.
Loại tên gọi này, nếu đầy đủ nhất, bao gồm bốn bộ phận:
a) Bộ phận chỉ sự phân cấp về mặt quản lý hành chính của nhà nước. Bộ phận này là một từ đơn âm hay đa âm: viện, uỷ ban, sở, nhà máy, xí nghiệp, trường, ban v.v...
B) Bộ phận chỉ chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, tổ chức. Bộ phận này có thể là một từ hay là một tổ hợp nhiều từ: thương mại, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, sinh đẻ có kế hoạch v.v...
c) Bộ phận chỉ biệt hiệu của cơ quan, tổ chức: Sao vàng, Chiến thắng, Aïnh Bình Minh v.v...
d) Bộ phận chỉ nơi cơ quan trú đóng, phạm vi hoạt động của cơ quan. Bộ phận này bao giờ cũng là địa danh: Hà Nội, Ðồng Nai, Cửu Long, Huế v.v...
Ví dụ: Nhà máy cao su Sao Vàng Hà Nội.
Xí nghiệp cơ khí Chiến Thắng Cửu Long.
Nếu ở dạng không đầy đủ, loại tên gọi này chỉ có hai, ba bộ phận.
Ví dụ:
Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ quốc phòng, Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Cần Thơ, Trường đại học sư phạm Hà Nội, Ðoàn cải lương Aïnh Bình Minh v.v...
Ðối với loại tên gọi này, phải viết hoa chữ cái mở đầu của bộ phận (a), bộ (B) viết thường; bộ phận © và (d), nếu có, thì viết hoa theo cách viết hoa tên riêng Việt Nam như đã trình bày.
3-
Cách viết tên tác phẩm, văn bản.
Ðối với tên tác phẩm, văn bản, văn bản viết tay, chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của tên gọi và cả tên gọi phải đặt trong ngoặc kép.
Ví dụ:
Người mẹ cầm súng, Tắt đèn, Ðất nước đứng lên, Bến không chồng ...
Trong trường hợp tác phẩm do tên người, địa danh chuyển hoá tạo nên hay có chứa tên riêng, thì các tên riêng phải được viết hoa như quy định đã nêu.
Ví dụ:
Lão Hạc, Chí Phèo, Hòn Ðất, Rừng U Minh, Ðất Viên An ...
4-
Cách viết tên riêng nước ngoài.
Tên riêng nước ngoài (tên người, địa danh) du nhập vào tiếng Việt theo nhiều cách, dẫn đến nhiều cách viết khác nhau:
- Viết theo cách phiên âm Hán - Việt: Mạc Tư Khoa, Luân Ðôn, Hoa Thịnh Ðốn, Ba Lan, Anh, Ðức, Pháp, Nã Phá Luân, Mạnh Ðức Tư Cưu, Mã Khắc Tư ...
- Viết theo dạng nguyên ngữ hay chuyển tự sang mẫu chữ La Tinh: Victor Hugo, Shakespeare, Napoléon, New York, Paris, London, Washington, Maxim Gorky ...
- Phiên âm trực tiếp theo cách ghi âm tiếng Việt: Xêch-xpia, Vich-to-Huy-gô, Niu-oóc, Mê-hi-cô ...
Tình hình đó dẫn đến sự phức tạp, thiếu thống nhất trên sách báo hiện nay.
Theo quy định, có ba cách viết tên riêng nước ngoài:
a) Nếu chữ viết trong nguyên ngữ theo hệ chữ cái La Tinh, thì viết nguyên dạng.
Ví dụ:
New York, Paris, London, Washington, Victor Hugo, Shakespeare...
b) Nếu chữ viết trong nguyên ngữ không theo hệ La Tinh (như tiếng Nga, tiếng Thái, Ả Rập ...) thì viết theo hình thức La Tinh hoá chính thức.
Ví dụ:
Moskva, Maxim Gorky, Lev Tolstoy, Lomonozov, Majakoski ...
c) Một số địa danh và tên người nước ngoài được viết theo cách đọc Hán - Việt quen thuộc, đã dùng quen thì viết theo hình thức quen dùng này, không phiên âm trực tiếp hay viết nguyên dạng.
Ví dụ:
Anh, Nga, Pháp, Ðức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Ðiển, Thái Lan, Thích Ca, Liễu Thăng, Mao Trạch Ðông ...
5-
Cách viết tắt.
Hiện nay, trên sách báo, có hai cách viết tắt: viết tắt theo từ và viết tắt theo âm tiết.
Viết tắt theo từ là cách viết giữ lại chữ cái đầu tiên trong âm tiết thứ nhất của mỗi từ, các chữ cái còn lại bị lược bỏ.
Ví dụ:
Kiểm tra chất lượng sản phẩm ( KCS.
Cách viết tắt này lược bỏ nhiều chữ cái, khó phục hồi nguyên dạng khi đọc, nên không phổ biến.
Viết tắt theo âm tiết là cách viết giữ lại chữ cái thứ nhất của mỗi âm tiết, các chữ cái còn lại bị lược bỏ.
Ví dụ:
Uỷ ban nhân dân ( UBND; hội đồng nhân dân ( HÐND; đại học sư phạm ( ÐHSP v.v...
Ðây là cách viết tắt phổ biến hiện nay.
Khi viết tắt, cần lưu ý mấy điểm:
a) Phải dùng mẫu chữ in hoa, trừ chữ cái viết phụ.
Ví dụ:
TT (Tổng thống), Ttg (Thủ tướng), TBT (Tổng bí thư).
B) Sau chữ cái viết tắt không dùng dấu chấm, trừ trường hợp chữ viết tắt chỉ có một chữ cái hay chữ viết tắt họ tên người.
Ví dụ:
Ô. (Ông); Q. (Quyền); P. (Phó); N.C (Nam Cao); H.C.M (Hồ Chí Minh); M. Gorky.
c) Khi tên gọi xuất hiện lần đầu trong văn bản thì không được viết tắt, mà phải viết dạng đầy đủ và ghi chú chữ viết tắt trong ngoặc đơn. Từ lần xuất hiện thứ hai trở đi, ta mới viết tắt


.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] ... ›Trang sau »Trang cuối