Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

3
AI ĐƯỢC HỌC BỔNG?


TTCT - Theo quan điểm mới nhất của Bộ GD-ĐT, chương trình cấp học bổng khuyến khích học tập là một bộ phận của quá trình đào tạo, được cấp dựa trên năng lực, kết quả học tập, rèn luyện của SV chứ không phải là một chính sách xã hội.

Điều này được hiểu SV nào học khá, giỏi, xuất sắc thì được xét cấp học bổng khuyến khích học tập mà không kể đến việc

SV đó có thuộc diện chính sách, trợ cấp xã hội hay không. Nguyên tắc là đúng, nhưng phân tích vấn đề vẫn thấy còn nhiều điều băn khoăn.

Trong thực tế, một cách khái quát, xã hội có ba hạng người: giàu có (và khá giả) - trung bình - nghèo khó. Theo địa lý, có ba vùng, miền: thành phố - thị trấn - nông thôn (và miền núi). Cũng có một “chân lý” khá phổ biến: điều kiện vật chất đầy đủ là đòn bẩy chính yếu tạo thuận lợi cho nhiều điều trong cuộc sống.

Mặc dù vẫn có các thủ khoa con nhà nghèo, thuộc vùng nông thôn trong các kỳ tuyển sinh đại học, nhưng nhìn chung tỉ lệ số SV này - so với số SV con nhà giàu, khá giả, thành phố - được ngồi trong giảng đường đại học là không nhiều. Đơn giản, học sinh nghèo, vùng nông thôn không có điều kiện học tập tốt nên khó có kết quả tốt trong thi tuyển. Trước hết, thu nhập của hộ nông thôn thấp nên chi phí học tập cho con họ rất hạn chế, thậm chí có nơi phải “giật gấu vá vai” để đóng tiền trường cho con mỗi kỳ khai trường.

Trường lớp nông thôn thường gặp rất nhiều vấn đề như thiếu lớp, tạm bợ, hư hỏng nặng... Giáo viên nông thôn, công bằng mà nói không có nhiều thầy cô giỏi. Và tình trạng học chay, không có đủ dụng cụ hỗ trợ học tập khá phổ biến. Ngoài ra, học sinh nông thôn còn phải phụ giúp bố mẹ trong công việc đồng áng, mưu sinh của gia đình. Nhiều năm trong tình trạng học tập như thế khiến khả năng học tập của các em cùn lụt dần, nếu không có ý chí kiên cường rất khó có thể thi đậu đại học.

Sau khi đậu đại học, một núi vấn đề đổ xuống đầu tân SV và gia đình họ. Nếu ở đâu đó người ta làm tiệc mừng con thi đậu đại học thì không ít gia đình nông thôn thẫn thờ không biết lấy đâu ra tiền cho con lên thành phố nhập học. Rồi đôn đáo kiếm nhà trọ, đóng tiền ăn, tiền ở. Rồi chạy tìm công việc làm thêm để bù đắp khoản thiếu hụt mỗi tháng gia đình gửi cho... Và cả một khoảng dài bốn năm trước mắt không biết có theo nổi không? Trong điều kiện học đại học cũng “thê lương” chẳng khác gì thuở trung học, thậm chí còn khó khăn hơn vì phải xa nhà, qua được bậc đại học với mức học trung bình cũng đã là một “kỳ tích”.

Phân tích như thế để thấy rằng SV con nhà giàu, khá giả, ở thành phố do tình hình tài chính của gia đình khá hơn, môi trường sinh sống thuận lợi, điều kiện học tập tốt hơn nên thường có căn bản học lực vững chắc từ trước, tạo đà cho việc đạt được các kết quả học tập khá, giỏi, xuất sắc so với SV nông thôn cùng lớp, cùng trường. Và số này cũng chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều.
Vì thế, cơ may để SV nông thôn, nghèo được cấp học bổng khuyến khích học tập - theo quan điểm xét năng lực học tập - là vô cùng nhỏ nhoi. Hệ quả sẽ là SV con nhà giàu lại được Nhà nước “cho” thêm tiền để học, trong khi chưa chắc gia đình họ đã cần; còn SV con nhà nghèo, nông thôn đang “chiến đấu” - nhiều khi tuyệt vọng - với chi phí học tập, sinh hoạt hằng tháng lại rất khó “xơ múi” gì trong khoản phúc lợi quốc gia này. Đó là chưa nói đến những tiêu cực có thể xảy ra - từ những người giàu có, quyền lực - trong việc “chạy” học bổng.

Có người cho rằng còn có khoản vay ưu đãi dành cho SV nghèo đấy thôi. Nhưng vay thì phải trả dù có được ưu đãi cỡ nào. Nghĩa là SV nghèo luôn có nguy cơ mắc nợ hơn là nhận được trợ giúp trong chính sách hỗ trợ học tập hiện nay.

TRẦN QUANG THẮNG

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/640/2019/1/11/49897848528169911021161711528346957119488n-3read-only-15471725397161642448856.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

4
GIẢM TRỪ GIA CẢNH:
CHƯA HỢP LÝ VÀ CHƯA ĐỦ


TTCT - Những qui định liên quan đến vấn đề giảm trừ gia cảnh của dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) có nhiều điều chưa hợp lý và chưa đầy đủ. Cụ thể:
1.
Phương án 4-1,6 triệu đồng (mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và đối với người phụ thuộc/tháng) so với đà giá cả đang tăng một cách phi mã (và chắc chắn sẽ tăng mạnh trong tương lai), cùng với thời điểm Luật TTNCN có hiệu lực (năm 2009) là quá thấp - nhất là với khu vực thành thị. Chi phí để nuôi dưỡng, chăm sóc con cái và cha mẹ là rất lớn, càng nặng nề hơn khi gặp ốm đau, bệnh tật...

Chỉ riêng phần học phí phổ thông (ngoài công lập) cho con cái đã chiếm gần một nửa số tiền được giảm trừ; cha mẹ là những người già nên chuyện chữa trị bệnh tật, chăm sóc trong khi nằm bệnh (ở bệnh viện lẫn tại nhà) rất tốn công, tốn của, tốn thời gian...
2.
Hiểu gia cảnh theo dự thảo Luật TTNCN là gánh nặng nuôi cha mẹ và nuôi con vẫn chưa đủ. Cần mở rộng việc giảm trừ gia cảnh thêm các nhóm đối tượng như: người khuyết tật, người chưa có nhà ở, người mang bệnh mãn tính... Với người khuyết tật là vừa thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội, vừa tạo động lực để họ hoà nhập đời sống cộng đồng bằng cách hăng say làm việc, xoá bỏ tư tưởng “tàn phế”...

Ở các nước, khi người lao động lần đầu tiên mua nhà, xây nhà đều được giảm thuế thu nhập. Ở Việt Nam, vấn đề nhà ở cho người lao động có vẻ đang gặp khủng hoảng. Thực tế, một người lao động làm ăn lương thiện rất khó có được căn nhà hay căn hộ trong suốt đời mình. Nếu không có ưu đãi về thuế cho họ thì cuối đời họ sẽ ở đâu? Trong khi bảo hiểm xã hội khuyến cáo hơn chục căn bệnh cần phải nghỉ việc để chữa trị dài ngày, thì không ít người đang mang các căn bệnh đó vẫn phải vừa làm việc vừa trị bệnh mãn tính.

Họ tham công tiếc việc chăng? Không, họ buộc phải như thế vì nếu không làm việc thì làm gì có được tiêu chuẩn bảo hiểm y tế của công nhân viên, không được đăng ký điều trị ban đầu tại tuyến trên cho đúng chuyên khoa. Và nhất là không làm việc thì lấy đâu ra tiền trả cho phần “thêm” chi phí điều trị mà bảo hiểm y tế không chi trả hết. Mà phần này rất nặng “đô” đối với những bệnh mãn tính như tim mạch, thận, tiểu đường, ung thư..., có khi còn phải bán cả nhà để chữa bệnh! Không giảm trừ thì làm sao cứu được họ.

Công dân phải đóng thuế là việc bình thường của mọi quốc gia, nhưng phải căn cứ vào thực tiễn cuộc sống người dân mỗi nước mà qui định mức thuế phù hợp. Ở VN, mức thu nhập của đa số người dân còn thấp, chính sách an sinh xã hội chưa bảo đảm được cuộc sống tối thiểu cho họ, vì thế qui định mức thuế quá cao (do mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ thấp) chẳng khác nào đánh thẳng vào phần chi tiêu cho cuộc sống và phần tích luỹ của người dân. Điều này không chỉ vô tình cản trở người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà có khi còn khuyến khích việc trốn thuế.

TRẦN QUANG THẮNG

https://znews-photo.zadn.vn/w660/Uploaded/oplbsx2/2018_07_16/thumbartboardwithouttext15317512788521616248156.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

5
“KÊ” MÀ KHÔNG “KHAI”


TTCT - Trong cuộc “Đối thoại về phòng chống tham nhũng năm 2007” giữa Chính phủ và đại diện các nhà tài trợ quốc tế lớn, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã nói: “Càng công khai, minh bạch càng kiểm soát được tham nhũng”.

Đó cũng là khẳng định của Đảng, Nhà nước trước đây, hiện nay và cả trong tương lai đối với vấn đề hết sức nhạy cảm này. Tuy nhiên, để thực hiện thành công việc công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý nhà nước sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức và chắc chắn không dễ dàng gì.

Chỉ riêng việc công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cho đến nay vẫn bị “đắp mô”. Có người viện lẽ tài sản của mỗi người ít nhiều mang tính riêng tư và có quyền được tôn trọng. Điều này có thể đúng với người dân thường, nhưng với cán bộ công quyền khi đã tự nguyện tham gia guồng máy nhà nước thì phải chấp nhận từ bỏ một số quyền riêng tư. Cán bộ, công chức bắt buộc phải kê khai ngay khi mới bước chân vào cơ quan nhà nước và bắt buộc phải công khai bản kê khai này ở đơn vị, cơ quan mình làm việc; ai được dân bầu phải công khai với dân; vị nào được Quốc hội (QH), HĐND bầu phải công khai với QH, HĐND... Đó là điều hợp lý và cần thiết!

Một đại diện của nhà tài trợ đã nói rằng: “Luật pháp VN chưa có cơ chế đủ mạnh để xác minh tính trung thực của bản kê khai tài sản, thu nhập. Mà bản kê khai không xác minh được tính trung thực thì thực chất chỉ là... một tờ giấy”. Nhận xét này không phải không có một phần sự thật. Luật phòng chống tham nhũng qui định bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được quản lý theo qui định về quản lý hồ sơ cán bộ; việc tiết lộ thông tin của hồ sơ xác minh bị nghiêm cấm. Nghĩa là bản kê khai tài sản không khác gì một “bí mật quốc gia”, chỉ một số rất ít người có thẩm quyền được quyền tiếp cận.

Trong lần bầu cử QH khoá 12 qua, một vị lãnh đạo cấp cao của MTTQ VN đã than: “Đến MTTQ cũng không được biết bản kê khai tài sản của những người ứng cử thì làm sao có thể giới thiệu cho dân”. Như thế, chắc chắn người dân không bao giờ thấy được trắng đen của bản kê khai tài sản. Đã thế, luật còn buộc người dân trưng ra bằng chứng khi muốn tố cáo cán bộ, công chức kê khai gian dối. Điều này là vô cùng khó, vì làm sao biết được cán bộ, công chức đó đã kê khai như thế nào khi bản kê khai không được công khai?

TRẦN QUANG THẮNG

https://www.nxbtre.com.vn/Images/Book/NXBTreStoryFull_20372015_083719.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

6
CHẴNG LẼ CHỈ BIẾT
KHẮC PHỤC, CỨU TRỢ?



TTCT - “Tại sao lượng mưa trong mấy ngày xảy ra cơn lũ lớn vừa qua ít hơn cơn lũ lịch sử năm 1999, nhưng mực nước lại cao hơn đỉnh lũ năm 1999 gần 0,5m?“. Câu hỏi của Tuổi Trẻ Cuối Tuần làm nhức nhối lòng người. Và có lẽ ai cũng biết nguyên nhân vì đâu.

Những người có trách nhiệm cho biết việc lũ xuất hiện với tần suất dày và cường suất lũ lớn, lại chảy xiết dù lượng

mưa đo được không nhiều, đã diễn ra ít nhất suốt tám năm trở lại đây.
Đáng buồn là với sự xuất hiện ngày càng bất thường, dồn dập của thiên tai và lặp lại trong một thời gian dài, nhưng chúng ta lại không có một tiến bộ nào trong việc phòng chống ngoài phương án “xưa cũ” khắc phục và cứu trợ! Thực chất đó chỉ là công việc “giải quyết hậu quả”. Mà công việc này không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Hằng năm, VN thường xuyên đón nhận 7-10 cơn bão, đi kèm là lũ lụt, lốc xoáy... Và thật ngạc nhiên, phương tiện chạy lũ của người dân hiện nay vẫn rất “truyền thống”: bè được kết bằng cây chuối hoặc “phá cách” bằng những tấm xốp thay chuối. Tính mạng người dân vùng lũ không mong manh mới là lạ!

Chịu trách nhiệm về thiên tai có khá nhiều cơ quan chung lo: Bộ Tài nguyên - môi trường, Uỷ ban Phòng chống lụt bão, Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn...

Tuy đông nhưng các cơ quan này chỉ tập trung xử lý phần ngọn là cứu hộ, cứu nạn. Nếu có thì thêm việc phòng chống trước mắt mà mục đích cũng chỉ là hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Làm như thế không những hiệu quả phòng chống thiên tai đã thấp mà còn rất bị động.

Hậu quả của bão lũ thật thảm khốc. Hàng trăm người chết và bị thương. Hàng ngàn gia đình sống cảnh màn trời chiếu đất. Bao nhiêu công trình xây dựng bị sụp đổ, đường sá, cầu cống tan hoang. Rồi dịch bệnh sau lũ.

Và nguy nhất là bão lũ sẽ xua biết bao người dân vào cảnh trắng tay, đói nghèo. Uổng công trước đây Nhà nước đã đổ rất nhiều tiền của để giúp họ thoát nghèo. Và chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tăng trưởng của quốc gia.

Chiến lược là tầm nhìn xa, tính đến lâu dài. Nếu chỉ đơn thuần lo việc cứu hộ, cứu nạn và thả tiền, hàng cứu trợ trong từng trận bão lũ riêng lẻ thì đó không phải là chiến lược phòng chống thiên tai. Phải định được một kế sách để người dân có thể “sống chung” khi có bão lũ, để giảm thiệt hại cho họ đến mức thấp nhất có thể. Bởi nếu người dân thường xuyên bị tái nghèo vì thiên tai thì đất nước cũng khó lòng giàu lên được.

TRẦN QUANG THẮNG

https://i.ytimg.com/vi/5KE9FZcAl68/maxresdefault.jpg

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

7
BAO GIỜ MỚI HẾT CÚP ĐIỆN


TTCT - Đó là một câu hỏi khó, rất khó. Bởi ngay với những người “có tóc” cũng không dám hứa liều, nhất là trong bối cảnh thiếu điện triền miên, năm sau cao hơn năm trước của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để xảy ra (và kéo dài) tình trạng bi đát này, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không thể rũ bỏ trách nhiệm của mình được.

Chỉ riêng năm 2007, việc cúp điện luân phiên trên diện rộng đã xảy ra ba lần: cuối tháng ba, cuối tháng sáu và bắt đầu giữa tháng mười hai. Nguy cơ đợt cúp điện lần này có thể “vắt” qua những tháng đầu năm sau là quá rõ, bởi đây là mùa thiếu điện cao điểm hằng năm. Có khá nhiều nguyên nhân gây thiếu điện. Trong đó, nổi cộm hai nguyên nhân chính: thiếu nước ở các hồ thuỷ điện và không dự báo hết các nhu cầu về điện của đất nước.

EVN đã dự báo sai nhu cầu sử dụng điện nên giờ phải “chạy vắt giò lên cổ” mà cũng không kịp. Theo nguyên tắc, để đáp ứng đủ điện cho các nhu cầu của nền kinh tế thì sản lượng điện phải tăng gấp đôi so với tốc độ tăng GDP. Thực tế, trong giai đoạn 2001-2005, tốc độ nền kinh tế tăng trung bình 7,5%/năm nhưng sản lượng điện chỉ tăng ở mức 11-13%/năm (bằng 1,47-1,73 lần so với mức tăng GDP/năm).

Nhưng trong chiến lược phát triển của EVN đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, có vẻ vẫn “ngựa quen đường cũ” khi căn cứ vào xuất phát điểm tổng sản lượng điện 53 tỉ kWh năm 2005 và sẽ đạt khoảng 88-93 tỉ kWh vào năm 2010, tức tốc độ tăng sẽ chỉ là 10,75-11,90%/năm, trung bình 11,30%/năm; so với mục tiêu tăng GDP trung bình gần 8%/năm, hệ số này sẽ chỉ là 1,50 lần. Trong điều kiện đất nước hội nhập mạnh mẽ vào thế giới, nền kinh tế phát triển ngày càng cao, một dự báo tốc độ tăng sản lượng điện thiếu tầm như thế cho thấy nguy cơ cúp điện trong những năm tới là rất lớn.

Giá điện cứ đều đều tăng, điện ngày càng cúp “bạo”, trong khi đó EVN cứ mải lo những việc đâu đâu như “đẻ” ra EVN Telecom, xây dựng cơ ngơi hoành tráng... Đã thế mới đây EVN còn ngúng nguẩy cho rằng việc thiếu điện không phải là việc của... ngành điện!

TRẦN QUANG THẮNG

https://s3-ap-southeast-1.amazonaws.com/img.spiderum.com/sp-images/1e6c9ab0ec2111e8bf989b39df137468.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

8
XOÁ SỔ
TRƯỜNG CÔNG LẬP?


TTCT - Định hướng kinh tế thị trường của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đã có một khẳng định: trường công lập ở VN sẽ thu đủ học phí (“Công lập mà đóng học phí” - TTCT số 25, ngày l-7-2007). Xem như hệ thống phổ thông công lập ở nước ta sắp cáo chung; nếu còn thì chỉ còn trên danh nghĩa, chính xác là chỉ tồn tại trên cái bảng hiệu treo trước cổng trường.

Trên nguyên tắc, bất cứ chủ trương, chính sách nào của Nhà nước khi ban hành đều phải hướng đến mục đích tối thượng là “vì dân”, trong đó ưu tiên xem xét sự tác động, ảnh hưởng của nó đối với nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất trong cộng đồng xã hội. Nói gọn là phải nắm rõ mức độ có thể chịu đựng được của người lao động nghèo và cận nghèo khi ban hành chủ trương, chính sách mới. Xét trên quan điểm này, chủ trương tăng học phí trường công lên 2-3 lần của TP.HCM - mở đầu cho việc cả nước biến trường công lập thành tư thục - là không thoả đáng.

Ở nước ta, người nghèo vùng nông thôn nhiều đã đành, những người “làm bữa nào xào bữa ấy” ở các thành thị cũng đâu có hiếm. Nhưng việc cho con được cắp sách đến trường thì không bao giờ chịu nhịn. Đây là truyền thống quí báu của cả dân tộc. Khi học phí ngay ở trường công lập cũng bị đẩy lên quá cao (gấp 2-3 lần), vượt ngoài khả năng kiếm tiền của họ thì theo thói thường, phải ưu tiên cho việc nuôi cái miệng trước đã. Hệ quả rất rõ ràng: học trò bỏ học tăng nhanh, trẻ em vào đời sớm hơn nhưng lại thiếu một nền tảng kiến thức tối thiểu để đương đầu với cuộc đời khắc nghiệt.

Giáo dục không chỉ là niềm hi vọng và tương lai của mỗi gia đình mà còn là của cả một quốc gia, thậm chí là của toàn nhân loại. Thế nên, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều duy trì hệ thống giáo dục phổ thông công lập miễn phí; bởi đó không chỉ là để công dân họ được hưởng “phúc lợi xã hội” (vốn đương nhiên có từ việc đóng thuế) mà còn là bổn phận của nhà nước đối với tiền đồ đất nước mình.

Nhà nước ta là một nhà nước XHCN, dù có buộc “hợp tác” với các định chế tài chính quốc tế, các nhà tài trợ, phải nhất trí với “đồng thuận Washington”, phải giữ đúng cam kết với WTO... để cải cách, thì bao giờ Nhà nước cũng khẳng định chủ trương: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Chẳng lẽ định hướng được kinh tế thị trường mà đi xoá sổ hệ thống trường phổ thông công lập miễn phí hay sao?

TRẦN QUANG THẮNG

https://cdn.tuoitre.vn/2017/cover-1504190370201.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

9
KHÔNG CHẶN ĐƯỢC THUỐC LÁ LẬU
TĂNG THUẾ CŨNG VÔ ÍCH


TTCT - Năm 2006, Chính phủ quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá từ 25% và 45% lên mức chung là 55%. Quyết định này không những không làm giảm số người hút thuốc mà còn khiến thất thu thuế trong lĩnh vực thuốc lá, thậm chí còn làm thiệt hại nền kinh tế. Nguyên do chính là không ngăn chặn hiệu quả làn sóng buôn lậu thuốc lá nhập vào trong nước.

Số liệu thống kê cho thấy hiện mỗi tháng có 5-7 triệu bao thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia tràn vào nước ta, chưa kể đến lượng không nhỏ thuốc lá lậu vào những vùng biên giới phía Bắc. Đáng chú ý là lượng thuốc lá lậu tăng rất nhanh so với thời chưa tăng thuế.

Điều này được lý giải rằng khi thay đổi mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá (theo hướng tăng) khiến giá thuốc nội tăng, người hút đang phân vân chọn lựa giữa tiếp tục hút hay giảm hút thì thuốc lá lậu ngoại tràn vào với giá rất rẻ, thế là thay vì hút ít đi họ chuyển sang hút thuốc ngoại loại bình dân như Jet, Hero được nhập lậu.

Người ta chỉ giảm hoặc bỏ hút khi giá thuốc lá quá cao và không có loại thuốc rẻ hơn thay thế. Khi thuốc lá lậu rẻ hơn thuốc nội, tràn ngập khắp nơi thì thực chất người hút chỉ thay đổi nhãn hiệu thuốc lá chứ không giảm hút. Việc tăng thuế thuốc lá trong trường hợp này không có tác dụng làm giảm số người hút thuốc lá.

Tăng thuế nhưng không chặn được làn sóng thuốc lá lậu tràn vào thì chắc chắn không đạt được mục đích làm giảm bớt số người hút thuốc.

TRẦN QUANG THẮNG

https://pay.tuoitre.vn/assets/75b11f10/images/banner.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

10
NỢ LẮM
NGƯỜI LAO ĐỘNG THIỆT


TTCT - Theo Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn tồn tại ở không ít đơn vị sử dụng lao động. Năm 2006, số tiền nợ đóng BHXH là 1.058 tỉ đồng, nhưng chỉ mới chín tháng đầu năm 2007 số nợ đọng và chậm đóng BHXH đã tăng hơn gấp đôi: 2.156 tỉ đồng!

Con số lạnh lùng này có nghĩa là vô số người lao động - có thể lên đến hàng vạn - sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi chi trả BHXH (khi nghỉ việc) và khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế.

Chính phủ đã đưa ra khá nhiều qui định xử phạt trong lĩnh vực này, gần đây nhất là nghị định 135, được những người có trách nhiệm đánh giá là đã thể hiện tính kiên quyết, nghiêm minh của pháp luật, có tính khả thi cao trong xử phạt vi phạm. Nhưng tình hình thực tế có vẻ “vũ như cẩn”! Vì sao? Đơn giản, nếu xử theo nghị định 135 thì các chủ doanh nghiệp chỉ bị phạt cao nhất 20 triệu đồng, trong khi đó họ trốn được tiền tỉ! Đó là chưa nói đến việc cơ quan liên ngành chỉ được phép kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp mỗi năm một lần. Phạt nhẹ hều và “thoáng” như thế chắc chắn khó đủ sức răn đe các đơn vị vi phạm!

Để tăng cường hiệu lực quản lý trong lĩnh vực này, đầu năm 2007 Luật BHXH chính thức có hiệu lực. Nhưng một số qui định ở luật này có vẻ “lý tưởng” quá, hay chí ít là không thể thực hiện được trong một tương lai gần. Chẳng hạn, qui định “ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này”. Giả sử doanh nghiệp vi phạm không có tiền trong tài khoản thì sao? Hoặc, vừa được tin sắp bị kiểm tra họ đã rút sạch tiền thì phải nắm vào đâu? Cần biết rằng Luật BHXH vẫn chưa được thực thi vì đang chờ... nghị định hướng dẫn, rồi không chừng còn phải đợi thông tư, chỉ thị, văn bản liên quan... mới có thể bắt đầu được. Mà đến lúc đó phía ngân hàng không chịu thi hành thì phải làm sao?

Luật pháp chúng ta không thiếu, nhưng việc soạn luật và thực thi pháp luật có vẻ chưa chuyên nghiệp, chưa đi sát với thực tiễn cuộc sống.

TRẦN QUANG THẮNG

https://2.bp.blogspot.com/-0vDzcoxLKX8/V3a0PwoZjLI/AAAAAAAASOU/mA4d8r-omXM17ar_8-czM4Xk1WS8H1GwQCLcB/s640/Tuoitrcuoi.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

11
KHÔNG BIẾT
THÌ LÀM SAO KIỂM TRA?



TTCT - Trong bất cứ chế độ xã hội nào, năng lượng cung cấp cho hệ thống chính trị hoạt động đều bắt nguồn từ sự đóng góp của cải của toàn dân. Vì thế, ở đất nước ta mới có khái niệm “Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”.

Nhưng câu hỏi “Người dân ở đâu?” (Chọn lựa của xã hội - TTCT số 23, ngày 17-6-2007) đâu khác nào tiếng kêu thảng thốt dễ làm chùng lòng bao người.

Chẳng cứ gì trong việc này EVN đã phớt lờ “ông chủ dân” - những người đã miệt mài đóng góp, cả tiền lẫn máu, để họ có được cơ ngơi đàng hoàng, to đẹp như ngày hôm nay - mà trong quá khứ không ít lần, không ít việc khá nhiều “ông” khác từng “quên” hỏi ý dân, kể cả những ông dân rất to là Quốc hội.

Thật lạ lùng là các nhà quản lý cứ thì thầm với nhau, giấu giấu giếm giếm những việc chẳng có một tí gì gọi là “liên quan đến bí mật quốc gia”! Quyết định việc dân, việc nước mà cứ như là việc nội bộ của gia đình họ.

Nhà nước ta chủ trương tất cả là “của dân, do dân, vì dân”. Nhưng việc các ông lớn âm thầm biến tài sản của dân thành phần hùn của mình, lẳng lặng thành lập công ty mua bán điện duy nhất mà các ông là cổ đông nắm vận mệnh, tác động rất lớn đến quyền lợi toàn dân mà không thèm cho các đại diện dân biết một tí gì, liệu người dân sẽ nghĩ như thế nào về việc “nói không đi đôi với làm” này? Và người dân sẽ lấy gì để kiểm tra khi họ chẳng được nhà quản lý cho biết, cho bàn những việc liên quan sát sườn đến cuộc sống của chính họ?

TRẦN QUANG THẮNG

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/640/2018/6/18/biacuoi-2read-only-1529289760680189693514.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

https://1.bp.blogspot.com/-wuDY_T34PwY/XRojfutDv5I/AAAAAAACIdg/2X-rqGZpxNcA2-hyy_gVE4kUfQiugn-3gCLcBGAs/s640/0..gif

15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] ... ›Trang sau »Trang cuối