Xây đắp nền tảng nhân văn cho thế hệ tương lai
Trong một thời gian dài “lấy lòng mong muốn thay cho thực tế…bất chấp quy luật của lịch sử, muốn đốt cháy giai đoạn…thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn” (Phạm Văn Đồng), chúng ta đã sao nhãng, thậm chí là coi thường việc vun đắp cái nền tảng của quá trình “trồng người”, mà hệ lụy của nó là những suy thoái của giáo dục và đào tạo mà chúng ta đang phải gánh chịu hôm nay! Xin chỉ gợi ra đây một vấn đề: chỉ tập trung vào giáo dục lý tưởng mà lơ là
xây đắp cái nền tảng nhân văn trong định hình nhân cách cho thế hệ trẻ.
Giáo dục lý tưởng đương nhiên là cần thiết, song không nên cho rằng lý tưởng của Lý Tử Trọng của thế kỷ XX là cao hơn lý tưởng của Trần Quốc Toản thế kỷ XIII. Và lại càng phải thấy cho rõ phạm trù lý tưởng gắn liền với mục đích và ý nghĩa của cuộc sống con người. Tùy thuộc vào sự nhận thức về mục đích và ý nghĩa cuộc sống của từng người, từng nhóm xã hội mà có sự định hình lý tưởng.
Khi Trần Quốc Toản ghi trên lá cờ của mình sáu chữ “Phá cường địch, báo Hoàng ân” thì đó là sự thể hiện lý tưởng trung quân ái quốc của chàng tuổi trẻ quý tộc đời nhà Trần. Đừng nghĩ rằng lý tưởng “trung quân ái quốc” là thấp hơn lý tưởng “trung với nước, hiếu với dân”, mà không thấy mỗi giai đoạn lịch sử có những đòi hỏi mang tính đặc thù. Bởi lẽ, như Các Mác đã giải thích rất đúng: “mỗi thời kỳ lịch sử đều có những quy luật riêng của nó… Một khi cuộc sống đã vuợt qua một thời kỳ phát triển nhất định, đã từ giai đoạn này bước sang giai đoạn khác, thì nó cũng bắt đầu bị những quy luật khác chi phối."
Chính vì thế, lý tưởng phải được hình thành, củng cố và phát huy sức mạnh của nó trên
nền tảng của chủ nghĩa nhân văn. Thiếu cái nền tảng đó, lý tưởng sẽ thiếu mất tính bền vững và và chiều sâu nhân bản. Sẽ quá dài dòng để phải nhắc lại một thời mà chủ nghĩa nhân văn bị phê phán do chịu ảnh hưởng của giáo điều Maoít, chỉ coi trọng “giai cấp tính”, đặt vấn đề “nhân tính” trong cái lăng kính giai cấp để chịu sự chi phối của “giai cấp tính”.
Hệ lụy của nó thì chắc không phải kể ra đây nữa. Khi chỉ chuyên chú giáo dục lý tưởng theo lăng kính “ý thức hệ”, người ta dễ dàng bỏ qua những phẩm chất “người” trong quan hệ giữa người và người từ trong gia đình, cộng đồng xã hội nhỏ nhất, đến nhà trường, một cộng đồng lớn hơn của tuổi trẻ, và hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” cho đến cộng đồng lớn là xã hội. Người ta không thấy được rằng, nếu thiếu
một nền tảng nhân văn vững chắc được hun đúc từ tấm bé, lý trí cũng như tình cảm của con người dễ bị chao đảo, định hướng của hành vi do vậy cũng bị nhiễu loạn, bị xáo trộn.
Sự suy thoái đạo lý xã hội cần tìm nguyên nhân từ những điều vừa nói. Hơn nữa, nền tảng nhân văn đang được bồi đắp thêm trong bối cảnh của nền văn minh mới, nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI. Trong nền văn minh đó, “sự thay đổi vĩ đại nhất sẽ là sự thay đổi về tri thức-về hình thức và nội dung, về ý nghĩa của tri thức, về trách nhiệm của tri thức và về những đặc điểm của con người có giáo dục”.(1) Để có được “con người có giáo dục” với những đặc điểm mang tính thời đại ấy, nhiệm vụ của hệ thống giáo dục và đào tạo sẽ càng nặng nề thêm.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Tia sáng “Để có lớp trí thức xứng đáng”, giáo sư Hoàng Tụy đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập của một bộ phận không nhỏ những trí thức được đào tạo trong thời gian qua, do
“…thiếu căn bản về văn hóa phổ quát. Tư duy của họ chỉ phát triển theo một đường ray mà hễ ai trật ra là nguy hiểm. Cho nên trừ những người ý thức được điều đó, còn số khá đông thường chỉ là những chuyên viên kỹ thuật được trang bị một số vốn kiến thức kỹ thuật, chuyên môn hẹp nào đó, ở thời đó, và cũng rất mau lạc hậu, nhưng thiếu một nhãn quan rộng, thiếu một tầm nhìn ra ngoài ngành nghề hẹp của mình, cho nên bị hạn chế ngay trong việc phát triển chuyên môn, và càng bị hạn chế đứng trước những vấn đề xã hội, văn hóa không thuộc phạm vi chuyên môn hẹp của mình.
Hầu như mỗi người chỉ biết việc của mình, chỉ lo cho mình, it khả năng và cũng không thich thú hợp tác với bạn bè đồng nghiệp. Dễ bị lâm vào thế ếch ngồi đáy giếng, dễ mắc bệnh vĩ cuồng, không hòa nhập vào dòng chảy văn minh của thời đại, không chấp nhận luật chơi quốc tế, rồi ngày càng tụt hâu mà
vẫn tự ru ngủ mình, tự đánh lừa mình, và đánh lừa nhân dân mình với những thành tích không có thật. Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại”.Chỉ ra căn bệnh của một bộ phận trí thức đang thực hiện sứ mệnh giáo dục và đào tạo, nói rộng hơn, sứ mệnh trau giồi văn hóa, chuyển tải văn hóa cho thế hệ trẻ, cũng là để gióng lên tiếng chuông cảnh báo đối với những ai đang gánh trên vai mình sứ mệnh nặng nề đối với đất nước. Cần hiểu rằng, giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ở bậc đại học, nói như bà Drew G. Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard trong diễn từ nhậm chức ngày 12.10.2007 “cái học ở đại học” là “cái học đúc khuôn cho cả đời người, cái học chuyển đạt gia tài của ngàn năm trước, cái học tạo ra vóc dáng cho tương lai”.
Cam kết của đại học là vô thời hạn, thành tựu không tiên đoán được, không đo lường được, nỗ lực làm việc không phải để tăng sức cạnh tranh mà là để “định nghĩa cái gì đã làm chúng ta là người qua bao nhiêu thế kỷ“, cái gì giúp ta “hiểu ta là ai, từ đâu đến, đi về đâu và tại sao”. Đi tìm ý nghĩa như vậy là một hành trình bất tận, luôn luôn đặt lại vấn đề, luôn luôn gặp giải thích mới, không bao giờ bằng lòng với những khám phá đã có, câu trả lời này chỉ gợi lên câu hỏi tiếp theo. (2)
Cùng với sự thiếu hụt một văn hóa phổ quát do sự lạc hậu của hệ thống giáo dục, sự đứt gãy của văn hóa truyền thống đang tác động mạnh đến đời sống tinh thần của thế hệ trẻ. Đó là chất xúc tác làm cho một bộ phận đáng kể thanh thiếu niên đứng trước nguy cơ xuống cấp về đạo đức, xa rời các giá trị truyền thống của dân tộc. Nói đến tuổi trẻ là nói đến hoài bão, nói đến ước mơ và hành động, thế mà có một bộ phận không nhỏ những người trẻ tuổi, trong đó có những sinh viên, đang là lực lượng chủ lực sẽ bổ sung vào đội ngũ trí thức, lại thiếu những năng lực cần thiết để đương đầu với những biến động đầy phức tạp của xã hội hiện đại khi thiếu khả năng phê phán, yếu năng lực tư duy sáng tạo để tìm ra con đường giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Và nói đến tuổi trẻ, không thể không nói đến thanh thiếu niên nông thôn với cuộc sống của phần lớn làng quê, nơi kinh tế có phần nào cải thiện, nhưng lối sống chưa mấy đổi thay, đời sống văn hóa hiện nay hết sức nghèo nàn, lại đang hứng chịu những cặn bã của văn minh đô thị.
Vực dậy một nền văn hóa khó gấp bội phần vực dậy một nền kinh tế. Đừng quên rằng, văn hóa không phải là mỳ ăn liền, văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu. Việc ăn tươi nuốt sống những sản phẩm văn hóa không tương thích với môi trường sống và phong tục tập quán sẽ gây độc hại nhiều hơn là thêm dưỡng chất. Tuổi trẻ đang cần những dưỡng chất đến từ một nền văn hóa mà trong đó, những tinh hoa của truyền thống dân tộc được thăng hoa trong quá trình chọn lựa và tiếp thu những thành tựu của văn hóa và văn minh của thời đại nhằm tăng thêm sức đề kháng chống trả những cặn bả của nền văn minh mà người ta đã thải loại ra.
Để kết thúc bản tham luận đã quá dài, xin dừng lại với một thông điệp của M Gorky, nhà văn Xô viết từng một thời chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong các giáo trình văn học và lý luận văn học giảng dạy ở bậc đại học của ta. Trong Những ý tưởng không hợp thời đăng trên nhật báo Novaja Žizn (Đời Mới) những năm 1917-1918, Gorky đã cảnh báo:
“Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần." … Vì vậy mà: “Dân tộc này phải còn nỗ lực rất nhiều đế đạt đến ý thức về bản sắc và nhân phẩm của nó. Dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không bao giờ dứt của văn hóa, tinh thần nô lệ đã hằn sâu trong nó phải bị tẩy sạch đi ”. Cho nên, văn hào Xô Viết ấy đã quyết liệt mà rằng: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”Tôi tin rằng, thông điệp ấy không chỉ gửi riêng cho người Nga, và đối với chúng ta, những người đang có nhiều suy tư về
con người Việt Nam, đối tượng của giáo dục và đào tạo, nội dung của thông điệp đưa ra ngót một thế kỷ dường như vẫn còn nguyên tính thời sự!
Chú thích:
(1) Peter F. Drucker. “Post-Capitalist society " Harper Business 1993)
(2) Dẫn lại theo Cao Huy Thuần. Tạp chí Thời đại.
GS. TƯƠNG LAIMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)