“Nhân bản”... giáo án
Nhiều giáo viên đang truyền cho nhau địa chỉ các trang mạng giáo dục cung cấp bài giảng điện tử miễn phí để tải về sử dụng, dù biết là chưa qua thẩm định bởi một hội đồng khoa học nào
Hiện không chỉ trong các trường phổ thông mà cả các trường CĐ, ĐH cũng đang diễn ra một thực trạng là không nhiều giáo viên (GV) chịu khó đầu tư soạn giáo án trước khi lên lớp như trước đây, thay vào đó là sao chép lẫn nhau các giáo án vi tính làm sẵn.
GV không còn đầu tư cho bài giảng của mình một cách khoa học và sáng tạo, nếu có thì cũng chỉ là hình thức để đối phó với các đợt kiểm tra.
“Cùng làm, cùng biết và cùng hiểu” Một GV cho biết ở trường THPT nơi anh đang dạy, các tổ bộ môn tự tổ chức soạn giáo án chung theo mẫu quy định, sau đó các GV chỉ việc sao chép và chỉnh sửa lại vài mục thông tin cá nhân để “hợp thức hóa” hồ sơ giảng dạy.
Trong các đợt học tập huấn thay sách giáo khoa, các chuyên viên của cấp trên cử về còn phân công cho các nhóm GV từng trường soạn giáo án và chia sẻ cho nhau theo kiểu “cùng làm, cùng biết và cùng hiểu”.
Kết thúc tập huấn, các GV được yêu cầu mang theo USB, thậm chí có nơi còn tập hợp vào CD để phát hành về từng trường hoặc bán công khai ở hiệu sách, tiệm photocopy...
Nhìn vào cách làm “sáng tạo” nói trên mà không khỏi giật mình. Vì trong thời gian 1-2 buổi tập huấn để tìm hiểu, học tập phương pháp và giới thiệu các chủ đề mới của một môn học thì các GV lại tranh thủ hoàn thành bộ giáo án mà lẽ ra họ phải làm trong cả một năm học?
Một minh chứng cho chuyện GV hờ hững với việc thiết kế bài giảng là việc Bộ GD-ĐT dành 8 tỉ đồng cho kỳ thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử e-Learning năm học 2009-2010”, dù đã phải lùi thời hạn nộp bài dự thi, dù phạm vi môn thi nâng lên con số 12 môn (kể cả hai môn giáo dục công dân, công nghệ và mỹ thuật), nhưng theo thông tin từ các sở GD-ĐT thì vẫn không mấy khả quan về số lượng giáo án thu được.
Sở dĩ không có nhiều GV mặn mà với cuộc thi nêu trên là do họ không được trang bị ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học hiện đại, nhiều phần mềm trình chiếu và thiết kế giảng dạy cơ bản như Powerpoint, Adobe Presenter, Math Type, Cabri 3D, Hot Potatoes... đối với họ còn rất xa lạ.
Nhiều bài giảng... tào lao Thêm một thực tế là rất nhiều GV đang truyền cho nhau những địa chỉ các trang mạng giáo dục cung cấp bài giảng điện tử miễn phí để tải về và sử dụng vào giảng dạy, dù biết là những sản phẩm này chưa qua thẩm định bởi một hội đồng khoa học nào.
Chúng tôi thử vào hai trong số các trang mạng có lượng giáo viên tải nhiều nhất là baigiang.bachkim... và giaovien... thì thấy tính chính xác và khoa học của nhiều bài giảng điện tử là rất đáng cảnh báo, thậm chí nhiều bài đáng được xếp vào hạng tào lao.
Cũng trên các trang mạng kiểu này, nhiều GV còn tải tài liệu xuống và cho đăng lại bài đó với tên khác nhằm tích lũy điểm thưởng để được tải bài, tạo nên một số lượng bài giảng trùng lặp về nội dung và hình thức.
Sở dĩ tồn tại những hiện tượng nói trên, theo phân tích của nhiều chuyên gia về giáo dục, chính là do cách hiểu sai lệch về sự kết hợp đa phương tiện trong dạy học hiện đại.
TRẦN TÍN NGHỊ (Báo Người Lao Động)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC:Dương Văn Ngọc08/12/2010 09:56:36
"Giáo án" là "Án nhà giáo"?! Các bạn phê bình GV chúng tôi qua chuyện "chép" giáo án, từ copy trên mạng, của đồng nghiệp,...để sử dụng! Chúng tôi chấp nhận lời phê ấy vì không thể nào làm khác được! Giáo án theo nghĩa đúng của nó là do chúng tôi soạn trước khi dạy, nội dung thì theo SGK và cách truyền tải thế nào thì do chúng tôi tự soạn để phù hợp với trình độ học sinh của lớp mình đang dạy! Nhưng thực tế thì nó đã trở thành cái "Án nhà giáo", GV tiểu học chúng tôi ngoài TD, MT, KT, Nhạc, Tin học là do GV bộ môn dạy , các môn "chính" còn lại thì chúng tôi phải dạy và soạn giáo án. Nhưng soạn để làm gì? Có GV nào lên lớp mà đọc giáo án đâu, Ban GH hay Phòng GD kiểm tra chỉ kiểm tra xem có đủ môn, đủ bài không...còn chất lượng, dù có soạn tốt cách mấy cũng chẳng ai thèm nói đến! Chưa kể ngoài giáo án, chúng tôi còn chồng chất đủ thứ hồ sơ khác : sổ ghi kết quả học tập, sổ chủ nhiệm, sổ họp tổ khối, sổ họp Hội đồng GD, sổ dự giờ, sổ liên lạc,... và đâu phải dạy thông thường trên lớp là đủ mà phải dạy CNTT mỗi tuần ít nhất 1 tiết (mỗi tiết soạn mất ít nhất 2 ngày), lồng ghép GDBV môi trường, an toàn giao thông,... Thử hỏi với vô số công việc như thế thì còn đâu thời gian mà ngồi nghiên cứu để soạn giáo án? Các trang Web giáo dục ấy không có tội, họ giúp chúng tôi tham khảo các bài do GV soạn để chúng tôi học tập,lấy tư liệu thêm cho bài soạn của mình. Cái chính đáng nói là ngành GD làm sao tạo cho chúng tôi bớt áp lực trong cái hổn độn hồ sơ, công việc chồng chất,... để chúng tôi có thời gian đầu tư cho giáo án chính mình khi lên lớp!
Đình Long08/12/2010 10:58:49
Tôi có vợ là giáo viên, Cứ mỗi kỳ kiểm tra giáo án là vợ tui lên trang bachkim tải về rồi in ra gửi kiểm tra. Vợ tui chẳng bao giờ xem trong giáo án đó để dạy mà chủ yếu đối phó với các Phòng các BGH trường thôi. Nhưng vợ tui vẫn là giáo viên giỏi của Trường, Quận và còn dạy bồi dưỡng hs giỏi. Năm nào cũng được tuyên dương.
BGH các trường đều biết việc này nhưng đều làm lơ bỏ qua vì biết GV quá nhiều việc. Họ chỉ quan tâm tới người mới dạy thôi. Tui nghĩ các Phòng, sở, trường nên bỏ qua việc kiểm tra Giáo án của các GV dạy lâu năm đi (chỉ kiem tra nguời mới vào nghề trong 5 năm đầu thôi) vì kiểm tra với GV cũ cũng bằng thừa (họ lên mạng down về hay lấy cái cũ in ra cũng vậy). Web tài liệu hay chứ vì mỗi khi vợ tui tìm hình, hay tài nguyên media đều lấy trên đó lấy (đỡ mất công đi scan và đi tìm chỗ khác). Sao lại chê nó.
lâm tài lộc08/12/2010 11:46:00
Tác giả bài này thì chuyên tìm tin về giáo dục để viết, thiết nghĩ nếu là một GV có lẽ tác giả sẽ biết hết nỗi nhọc nhằn của chúng tôi, hết giờ làm việc các ngành nghề khác còn có thể giải trí thoải mái với khoảng thời gian rộng, còn chúng tôi, vừa lo việc gia đình xong là phải soạn bài cho ngày mai, rồi thì chấm bài, chưa kể mùa này còn chuẩn bị điểm số sơ kết HK1, việc giáo án truyền tay nhau copy hay download từ các website khác thì cũng chẳng có gì đáng nói vì có chắc rằng lấy y nguyên của người khác hay chúng tôi xem và soạn lại theo cách của mình dạy, tác giả chớ nên đánh đồng như thế, còn việc các cuộc thi của Bộ GDĐT, tác giả có biết nếu múôn có 1 bài giảng cho 1tiết dạy 45phút chúng tôi phải mất khoảng thời gian bao lâu để soạn bài ấy không? các phần mềm trình chiếu và thiết kế bài giảng ấy thì có tập huấn hay gửi hướng dẫn đến chúng tôi đâu mà biết. Tóm lại viết một bài về giáo dục nên đứng trên phương diện của một người làm về giáo dục để nhìn nhận sự việc hợp lý hơn. Đừng tạo thêm cách nhìn không tốt từ xã hội vào giáo dục như vậy nữa.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)