Đúng lúc và đúng cách
SGTT.VN - Cho tới hôm nay, giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011 chưa được công bố. Bốn trong số các nhà văn nhà thơ (Sơn Tùng, Sơn Nam, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm), kẻ còn người mất với những tác phẩm đồ sộ, đã trực tiếp hoặc gia đình thay mặt, chính thức từ chối xét tặng và một nhạc sĩ (Phạm Tuyên) với nhiều ca khúc vượt thời gian cũng đã tuyên bố “không xin” giải thưởng. Dư luận xôn xao, có điều gì đó không bình thường? Chỉ bàn riêng trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật, liệu danh hiệu và giải thưởng có còn danh giá như nó vốn có?
Từ năm 1996, cùng với việc xét trao danh hiệu Ưu tú hoặc Nhân dân cho nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc, hai giải thưởng lớn nhất: giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh lần đầu tiên được trao, theo quy chế được soạn thảo trước đó vài năm. Cứ thế, giải thưởng Nhà nước hai năm xét một lần, giải thưởng Hồ Chí Minh năm năm xét một lần và trao giải vào dịp lễ Quốc khánh 2.9. Giải thưởng Hồ Chí Minh cao hơn một cấp so với giải thưởng Nhà nước về mặt giá trị tinh thần và giá trị vật chất. Mọi việc suôn sẻ đúng hẹn hai lần, đến lần trao thứ ba, năm 2005, giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm tác phẩm văn học – nghệ thuật phải lùi lại đến năm 2007. Lần đó, các tác giả Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt, kẻ còn người mất mới chính thức được vinh danh. Dù muộn nhưng cũng phần nào khích lệ công chúng và những người sáng tác bởi sự công minh của giải thưởng đối với các tác phẩm đã trải qua thử thách khắc nghiệt của thời gian cũng như sự lan toả của nó trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trừ lần trao danh hiệu nghệ sĩ và trao giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên năm 1996 (phần lớn những người được trao danh hiệu và giải thưởng đợt này đều đã mất), tất cả những đợt trao giải tiếp theo cho đến nay đều có nhiều chuyện lùm xùm, kiện cáo. Nhưng có lẽ chưa bao giờ chuyện kiện cáo lại trở nên ầm ĩ, nặng nề và rất khó coi đối với văn nghệ sĩ trong mắt công chúng như lần này. Người xứng đáng, tác phẩm giá trị không có tên; kẻ cơ hội, tác phẩm nhạt nhẽo lại đầy đủ hồ sơ để trao thưởng. Có trường hợp như ông nhà thơ, chủ tịch hội Nhà văn đồng thời là chủ tịch hội Văn học – nghệ thuật Việt Nam tự đưa hai tập thơ của mình vào danh sách xét giải thưởng Hồ Chí Minh. “Khó coi” nhất có lẽ vì ông là người thẩm định tác phẩm của mình, cũng là người ký đề nghị trao giải cho chính ông!
Sự lùm xùm đáng xấu hổ này có lẽ bắt đầu từ quy chế, nghị định, thông tư về việc xét trao danh hiệu và giải thưởng, dù ra đời từ năm 1990 nhưng vẫn mang nặng tính hành chính bao cấp. Một cá nhân nào đó muốn được tặng thưởng phải hội đủ các yếu tố: hội đồng cơ sở đề nghị trên cơ sở xem xét hồ sơ cá nhân và tác phẩm đăng ký trao giải. Vì xem xét hồ sơ cá nhân nên đôi khi, nhân thân của nghề sĩ bị hội đồng các cấp đem ra mổ xẻ một cách thiếu khách quan và đôi khi vô căn cứ mà không xem xét đến giá trị thực của tác phẩm mà họ mang đến cho xã hội. Cũng có những tiêu chí được quy đổi như: nghệ sĩ, nhà văn trong biên chế nhà nước liên tục 15 năm, hoặc có hai huy chương vàng trong các liên hoan phim hay hội diễn sân khấu. Thật hài hước, bởi ai cũng biết tình trạng “chia huy chương” cho các vùng miền, tỉnh thành, các cá nhân giữa nghệ sĩ quốc doanh và tư nhân trong các lần liên hoan phim quốc gia hay hội diễn sân khấu toàn quốc không phải là chuyện lạ, đôi khi đã trở thành bình thường!
Việc bắt buộc cá nhân khai nộp hồ sơ, đăng ký giải thưởng thực ra là một kiểu xin – cho, ban tặng làm nản lòng (nếu không muốn gọi đúng tên là sự sỉ nhục) một số khá đông những người nghệ sĩ thầm lặng sáng tạo, tự trọng. Vì vậy, họ luôn đứng bên lề, bởi với họ, việc sáng tác chỉ vì một tình yêu thôi thúc, một mong muốn thoả mãn nhu cầu bộc lộ từ bên trong, của riêng mình cho người đọc, cho khán thính giả.
Boris Parternak, văn hào lỗi lạc của Nga, khi ở trong nhà tù Siberi viết tiểu thuyết nổi tiếng Bác sĩ Zhivago không hề nghĩ viết để được nhận giải Nobel sau đó. Ông chỉ viết về một mối tình vĩnh cửu với thời gian qua trải nghiệm của chính ông mà thôi. Văn nghệ sĩ chân chính nào cũng vậy, họ không sáng tác để được giải thưởng, để được vinh danh. Chúng ta từng có nhiều nghệ sĩ, nhiều nhà văn nhà thơ với những tác phẩm có sức lan toả rộng lớn, tạo ra nhiều ảnh hưởng đối với xã hội dù họ chẳng bao giờ được đề cử một giải thưởng hay một danh hiệu nào. Giá như đừng tuân thủ cứng nhắc theo những quy định có vẻ không còn phù hợp, hội đồng Giải thưởng Quốc gia trao giải cho Trịnh Công Sơn, người mà bên cạnh những tình khúc bất hủ còn có những ca khúc phản chiến một thời; hay như nhà văn Trang Thế Hy với nhiều truyện ngắn thâm trầm về thân phận con người, một giọng văn sang trọng của miền Nam trong kháng chiến cũng như trong thời bình. Một lớp nhà văn trẻ hơn như: Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Bảo Ninh hoặc các hoạ sĩ Thái Bá Vân, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Quân... thì biết đâu, sức lan toả của giải thưởng sẽ xa hơn?
Từng có những biệt lệ, khi Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất trong cuộc thi Chopin, thì được phong tặng nghệ sĩ Nhân dân ngay. Trường hợp cố NSND Lê Dung hay việc phong tặng danh hiệu giáo sư cho nhà toán học Ngô Bảo Châu cho thấy chúng ta không cần thời gian hay huy chương theo quy chế hành chính gì cả. Sự vinh danh kịp thời không chỉ khuyến khích lớn với cá nhân người được tặng mà còn có sức thuyết phục lớn đối với xã hội.
Giải thưởng là rất quan trọng, là rất cần thiết để tôn vinh các giá trị sáng tạo của nghệ sĩ. Nhưng, điều cần hơn là cách xét và trao giải thưởng. Những gì phi lý và lỗi thời trong quy chế cần được thay đổi cho phù hợp. Đặc biệt nhất là cần một hội đồng thẩm định tường minh. Và nếu đã tường minh trong cách xét và trao giải thì việc các cá nhân rút tên khỏi danh sách không còn quan trọng nữa.
Đúng lúc và đúng cách trong mọi ứng xử đang là một yêu cầu bức bách của xã hội hiện nay.
Minh NguyễnMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)