第十一景-香江曉泛

一派淵源護帝城,
清流趂早惹涼生。
波平春水籠煙色,
舟逐晨風動櫓聲。
天酒未乾濡岸樹,
山花猶戀結雲英。
幾囘何歇滄浪曲,
雙缺方昇瑞日明。

 

Đệ thập nhất cảnh - Hương giang hiểu phiếm

Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành,
Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh.
Ba bình xuân thuỷ lung yên sắc,
Chu trục thần phong động lỗ thanh.
Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ,
Sơn hoa do luyến kết vân anh.
Kỷ hồi hà yết Thương lang khúc,
Song khuyết phương thăng thuỵ nhật minh.

 

Dịch nghĩa

Một dòng nước sâu cuộn chảy bảo vệ kinh thành,
Trong sáng sớm (dùng thuyền) tiến theo dòng nước trong, cảm thấy hơi mát lạnh.
Dòng sông vào mùa xuân sóng lặng bao trùm khói mờ,
Vang tiếng chèo đẩy thuyền đi trong gió sớm.
Cây cối hai bên bờ sông còn đẫm ướt sương,
Hoa trên núi còn vương vấn với mây đẹp đẽ.
Đi không biết bao lâu rồi mà dòng nước trong vẫn chưa dứt,
Qua cửa sổ thuyền nhìn thấy mặt trời tốt lành sáng tỏ đang lên cao.


Lời dẫn: “Hương giang chi thuỷ: Bách xuyên hợp phái, vạn hác triều tông. Quyên quyên tứ tự thanh lưu phất từ phất tật, trạm trạm nhất nguyên minh thuỷ vi tịch vi triều. U mông đồng vị xuất sơn đầu, kết triện lũ khinh la giang diện. Bán sào đào lãng, trục đội tùng chu. Vương Duy diệu thủ nan công, Diên Thọ mạc hình chân thú.” 香江之水:百川合派,萬壑朝宗。涓涓四序清流弗徐弗疾,湛湛一源明水微汐微潮。於曚瞳未出山頭,結篆縷輕羅江面。半篙濤浪,逐隊松舟。王維妙手難工,延壽莫形真趣。 (Nước sông Hương: Trăm dòng hợp phái, vạn nhánh quy về. Bốn mùa lặng lẽ chẳng nhanh chẳng chậm, một dòng trong lưu chuyển, một dải mênh mông khi sớm khi chiều, mực nước chẳng đổi thay. Lúc đầu núi còn mờ ảo ánh dương quang, khi mặt sông đang trùng giăng màn sương sớm. Sóng triều dâng cao, đầy đội khinh thuyền. Tài hoạ như Vương Duy thật đâu tả nổi, anh hoa đến Diên Thọ cũng khó hình dung.)

Sông Hương cùng núi Ngự từ rất lâu đã được xem là biểu tượng của xứ Huế thơ mộng. Người Huế thường rất tự hào về dòng sông xinh đẹp này và xem nó là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tác nghệ thuật. Trước đây sông Hương có nhiều tên gọi. Theo Ô Châu cận lục thì sông có tên Linh giang. Về sau, sông còn có các tên gọi Lô Dung, Dinh, Kim Trà rồi mới đổi tên thành Hương giang. Sông không dài lắm, nếu tính toàn bộ chiều dài từ thượng nguồn đến cửa biển thì chỉ chừng 100km. Sông có hai nguồn lớn, đều phát nguyên từ dãy Trường Sơn. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nguồn Tả Trạch xuất phát từ Động Dài, chảy qua 55 ngọn thác lớn nhỏ rồi mới từ từ đổ về ngã ba Bằng Lãng. Nguồn Hữu Trạch thì từ phía đông núi Chấn Sơn, vượt qua một chặng đường ngắn hơn nhưng cũng có đến 14 ngọn thác rồi mới nhập vào ngã ba Bằng Lãng. Tại đây, lòng sông trở nên rộng rãi, nước chảy hiền hoà. Sông Hương cũng thường được tính từ đây về đến cửa Thuận An với chiều dài khoảng 30km.

Khởi đầu bằng một sự yên bình, sông Hương nhẹ nhàng, chậm rãi chảy qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi ra biển. Đoạn từ ngã ba Bằng Lãng về đến cửa Thuận An, sông Hương đổi hướng và uốn khúc liên tục. Ban đầu, sông chảy theo hướng đông, được chừng 2km đến chân núi Ngọc Trản thì ngoặt khúc 45 độ, chảy theo hướng bắc, đến ngã ba Long Hồ lại đổi về hướng đông nam. Tai Long Hồ, bên trái có một chi lưu của sông Hương là sông Bạch Yến. Ở dòng chính, sông Hương tiếp tục chảy đến chân đồi Hà Khê (trên có chùa Thiên Mụ) và từ đây, sông uốn lượn như ôm lấy cả kinh thành Huế ở mặt nam và mặt đông. Ngang cầu Lợi Tế (nay gọi là cầu Kim Long), sông Hương có một chi lưu nữa là sông Kẻ Vạn, vốn là một sông đào để bảo vệ cho mặt tây của kinh thành. Phía dưới một chút, bên tay phải có một chi lưu rất nổi tiếng, dài hơn 30km, đổ về tận đầm Cầu Hai. Đó là sông Lợi Nông, được đào từ năm Gia Long thứ 13 (1814). Dòng chính tiếp tục về đến ngang chợ Đông Ba thì có thêm hai chi lưu: sông Thiên Lộc (có Đập Đá chắn ngang), sông đào Đông Ba (một bộ phận của Hộ Thành Hà), còn bản thân nó thì lại phân đôi ôm lấy Cồn Hến. Chính vì vậy, ở quãng phân nhánh này, sông Hương tựa như một bàn tay 5 ngón dang xoè rộng.

Qua khỏi kinh thành Huế, sông Hương lại uốn khúc tiếp tục cuộc hành trình về biển cả. Đến ngã ba Sình, nó gặp sông Bồ. Cả hai dòng sông như ngừng lại, rồi hoà lẫn với nhau, tạo nên một khoảng nước trời mênh mang rất hữu tình. Hợp lưu trên chảy về gần biển lại gặp sông Ô Lâu từ phía bắc đổ về. Nơi hội tụ của ba dòng sông là một thắng cảnh nổi tiếng của Huế mà ai cũng biết đến với tên gọi phá Tam Giang.

Cách đây gần hai thế kỷ, khi xây dựng kinh thành Huế, sông Hương đã được chọn làm “Minh đường” đồng thời là chiếc bào tự nhiên che chắn cho toà thành ấy. Dòng sông quyến rũ này là nơi các vị vua Nguyễn thường dạo thuyền đi thưởng lãm các nơi và họ đã hết lời ca ngợi vẻ đẹp tuyệt mỹ của nó. Bài thơ này là một trong muôn vàn lời ngợi ca ấy. Năm Minh Mạng thứ 16, khi đúc Cửu Đỉnh, hình tượng sông Hương đã được chạm nổi vào Nhân Đỉnh.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Thiên Nhất Phương

Một dải sông sâu bọc đế thành
Dòng trong hây hẩy gió mai lành
Lặng yên sóng khói xuân lồng sắc
Xao tiếng chèo bơi gió giục nhanh
Cây bến láng lai đầm móc ướt
Hoa rừng lưu luyến quyện vân anh
Thuyền về khúc hát còn dang dở
Cửa khuyết trời đông đã sáng banh.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Thư Trung

Nguồn sâu một nhánh đỡ kinh thành,
Sáng bạch dòng trong chảy mát lành.
Lắng sóng nước thơm lồng sắc khói,
Rượt thuyền gió sớm quảy thuyền nhanh.
Rượu trời chưa cạn cây bờ ướt,
Hoa núi còn yêu nét vân anh.
Hết đặng bao giờ... Thương khúc ấy,
Lành thay vầng nhật đất thần kinh,

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
34.33
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung

Ôm lấy kinh đô nước uốn dòng,
Thả thuyền ban sớn nhẹ thong dong.
Dòng xuân sóng lặng trùm hơi khói,
Nhịp mái thuyền xuôi phủ gió rung.
Cây cối vấn vương sương vẫn đẫm,
Cổ hoa quyến luyến mây còn ngưng.
Bao lâu nào rõ dòng chưa dứt,
Đã thấy trời đông hửng ánh dương.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
44.75
Chia sẻ trên FacebookTrả lời