第十景-順海歸帆

海不揚波夕照光,
圓城傑閣眺重洋。
席飄好接爭花蝶,
舟駛欣看擇木鷞。
錦纜飛虹拋漢表,
牙檣比櫛逐滄浪。
扣舷欸乃聲聲起,
都是時調幾勝章。

 

Đệ thập cảnh - Thuận hải quy phàm

Hải bất dương ba tịch chiếu quang,
Viên thành kiệt các diểu trùng dương.
Tịch phiêu hiếu tiếp tranh hoa điệp,
Chu sử hân khan trạch mộc sương.
Cẩm lãm phi hồng phao hán biểu,
Nha tường tỉ trất trục thương lang.
Khấu huyền Ai nãi thanh thanh khởi,
Đô thị thì điều kỷ thắng chương.

 

Dịch nghĩa

Biển lặng sóng dưới ánh nắng chiều,
Thành với tường hình tròn bao quanh có lầu gác uy nghi nhìn ra biển khơi.
Gió thổi buồm thuyền đi nhanh trông như những cánh bướm rộn rã nối tiếp tranh hoa,
Thuyền chạy trên biển nhanh như những con chim mừng rỡ khi tìm thấy cây để đậu.
Dây neo gấm (của thuyền ngự) như cầu vồng giăng ra giữa bầu trời,
Những cột buồm ngà san sát như răng lược trôi trên dòng nước.
Tiếng hò để chèo thuyền nổi lên theo nhịp gõ trên mạn thuyền,
Đều là những khúc hò hay ghi theo điệu đang thịnh hành.


Lời dẫn: “Thuận An chi Trấn Hải thành: Trĩ lập trùng viên, phủ giam đại hải. Thành lâu viễn diểu, thiên thuỷ trừng hàm. Tà huy vạn khoảnh vô ba lương phong từ phất, khoá lãng thiên sưu quải tịch tuân chử sấn lai. Diễn trận mông đồng hàm vĩ tiễn hồi ngư xuyến, tuần dương khả hạm đối đầu thoa chức phù phi. Phân hàng quy thị chi ngư chu, trục đội đăng thương chi tào vận.” 順安之鎮海城:峙立重垣,俯監大海。城樓遠眺,天水澄涵。斜暉萬頃無波涼風徐髴,跨浪千艘掛席遵渚趂來。演陣艨艟銜尾箭囘魚串,巡洋舸艦對頭梭織鳧飛。分行歸市之漁舟,逐隊登倉之曺運。 (Thành Trấn Hải ở cửa Thuận An: Lớp lớp trường thành, cúi nhìn biển cả. Lầu cao ngắm biển, trời nước mênh mông. Nắng chiều vạn dặm, sóng lặng gió mát thoảng lại, đẩy sóng ngàn thuyền, buồm dương hướng bến quay về. Quân thuyền diễn trận nối đuôi giống cá đàn, trờ về như tên bắn, chiến hạm tuần dương đối đầu như thoi đưa, rẽ sóng tựa le bay. Ghe đánh cá thành hàng về chợ, thuyền tải hàng theo đội về kho.)

Thuận An vừa là một địa danh lịch sử, vừa là một cảnh đẹp nổi tiếng của vùng Huế. Cửa biển Thuận An nằm cách kinh thành Huế 13km đường bộ và non 10km đường thuỷ về phía đông bắc. Cái tên xưa nhất của cửa biển này là Yêu Hải môn, tục gọi là cửa Eo. Đến năm 1813, dưới thời Gia Long, cửa biển này được đổi tên thành cửa Thuận An và sử sách triều Nguyễn gọi một cách chính thức là Thuận An hải khẩu. Đây là một vị trí chiến lược xung yếu về mặt quốc phòng và giao thông vận tải bằng đường biển của kinh đô. Cho nên, cũng vào năm 1813, triều đình đã cho xây dựng bên cạnh cửa biển một pháo đài rất lớn, đặt tên là Trấn Hải đài. Đến năm 1831 triều Minh Mạng đổi tên là Trấn Hải thành và cho chạm toàn cảnh Thuận An hải khẩu, trong đó có hình ảnh toà thành này vào Cửu Đỉnh.

Trấn Hải thành là một toà thành luỹ được xây dựng rất kiên cố theo kiểu Vauban. Thành có hình tròn, xây bằng gạch vồ, chu vi 302m, cao 4,4m, dày 12m. Cứa chính quay mặt về hướng nam, nơi có phá Tam Giang. Trong thành có lầu Quan Hải, một số bệnh xá và kho quân nhu, đạn dược. Quanh mặt thành bố trí 99 ụ súng và ven ngoài chân thành đào hệ thống hào rộng 9m, sâu 2,4m để phòng thủ. Ngoài thành trồng hàng ngàn cây dừa để giữ cát, còn về phía bờ biển thì đóng cọc lim và kè đá để ngăn sóng lớn làm xói lở. Toà thành đã được củng cố và tu bổ nhiều lần dưới các thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Dưới thời vị vua thứ tư của triều Nguyễn, một loạt đồn bốt lớn nhỏ đã được xây dựng thêm ở các vị trí quan trọng lân cận trong vùng Thuận An để yểm trợ cho trọng điểm quân sự ấy.

Trong thế kỷ XIX, các vua nhà Nguyễn thường về đây, ngồi trên lầu Quan Hải để duyệt khán những cuộc tập trận của thuỷ quân. Có một lần, vào năm 1830, vua Minh Mạng sau khi quan sát một lượt các khu vực quanh thành đã nói rằng: “Mấy năm nay, cửa biển này mỗi ngày một sâu, hai hải cải bồi lên ôm lấy bên tả bên hữu, lại có pháo đài phòng giữ, thời phía ngoài dù có thuyền tàu hàng nghìn cũng không làm gì được, thật là thành bằng đồng và hào chứa nước sôi cho kinh sư vậy”. Ngoài tính xung yếu về quân sự, vùng Thuận An còn là một thắng cảnh của đất thần kinh. Vua Minh Mạng đã cho xây dựng hành cung Thuận An, gần thành Trấn Hải để các vua Nguyễn về đây nghỉ mát trong những ngày hè.

Năm 1836, chính vua Minh Mạng đã làm 4 bài thơ để ca ngợi Thuận An tứ cảnh. Còn vua Thiệu Trị, ngoài bài này còn làm 8 bài khác nữa để nêu bật cảnh đẹp của vùng này: Viên thành trấn thủ, Tuấn các quan lan, Cao lâu lưỡng đắc, Hành điện song thanh, Cáp châu biểu tấn, Giải chử nhàn đàm, Sa động bảo trướng, Da thụ thanh âm. Riêng vua Tự Đức đã làm khoảng 100 bài thơ về mảnh đất duyên hải này và xem đây là một kỳ quan của Huế. Mở đầu bài Thuận An bát thập vận (gồm 160 câu), ông viết:
Bất xuất môn đình ngoại,
An tri thiên địa khoan.
Thần kinh tiêu thắng trí,
Vạn vật thiết kỳ quan.

(Không ra khỏi chốn hoàng cung,
Làm sao thấy được mênh mông đất trời.
Thần kinh danh thắng đây rồi,
Kỳ quan một cảnh tuyệt vời hoá công.)
Tới nay, trải qua lắm bận vật đổi sao dời, hiện nay toà thành xưa vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Hơn nữa Thuận An còn là một trung tâm nghỉ mát, một bãi tắm lý tưởng của người dân xứ Huế và du khách bốn phương.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Thiên Nhất Phương

Rực ánh trời chiều sóng lặng yên
Tròn xây gác lớn biển xa nhìn
Thuyền dong mừng đón giành hoa bướm
Ghe chạy vui trông đỗ nhánh chim
Đuổi ngọn sóng xanh buồm sát cột
Giăng khơi vòng mống sợi neo lên
Nhịp đàn thánh thót từng âm hưởng
Lừng lẫy thời danh khúc điệu tiên.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung

Biển lặng sóng yên nắng nhạt vương,
Thành cao dõi mắt tận trùng dương.
Buồm căng, đàn bướm giành hoa giỡn,
Thuyền vút, bầy chim chọn chốn nương.
Như chiếc cầu vồng, neo gấm chuyển,
Tựa bàn răng lược, cột buồm giương.
Hò theo tiếng gõ, đều tay nhịp,
Hát những lời hay, khúc thịnh cường.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời