Trời mở thái bình thịnh trị muôn năm cho nước nhà, tất sinh hiền tài để giúp nước. Đó là vì sự hưng thịnh của trị đạo, giáo hoá có gốc ở sự thu dùng hiền tài. Có nhiều hiền tài hay không là do ở sự giáo dưỡng. Kinh Thi có câu: “Hiền sĩ tuấn kiệt, sinh ở nước vua”. Lại có câu: “Chu vương tuổi cao, lẽ nào không trồng người”. Như vậy, mở nền trị bình lâu dài, nếu không có nhiều nhân tài thì sao mà làm được?

Kính nghĩ thánh triều: Thái Tổ Cao hoàng đế từ lúc mới thay đổi mệnh trời, sáng lập triều đại đã lấy việc xây học hiệu, giáo dưỡng hiền tài làm việc trước tiên. Liệt thánh nối truyền trước hết lo mở khoa thi chọn kẻ sĩ, xếp đặt quan tước, quy mô thật rộng lớn.

Hoàng thượng trung hưng, mở rộng quy mô, luôn nghĩ cầu trị, sẵn lòng dùng Nho, đến nay đã 28 năm, mở khoa thi lớn cả thảy chín lần. Bèn đến tháng 3 năm Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1486), Bộ Lễ theo lệ cũ, vâng mệnh thánh minh, thi Hội các sĩ nhân trong nước, lựa chọn hạng ưu tú được 60 người.

Ngày mồng 7 tháng 4, Hoàng thượng ngự ở hiên điện, ra câu hỏi về đạo trị nước. Sau khi xem quyển thi, lại gọi các sĩ nhân hạng ưu vào cửa Nguyệt Quang, đích thân xét định thứ bậc. Lấy Trần Sùng Dĩnh đỗ đầu, Nguyễn Đức Huấn đỗ thứ hai, Thân Cảnh Vân đỗ thứ 3, đều ban cho hạng Tiến sĩ cập đệ; bọn Vũ Cảnh 30 người được ban Tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Trân 27 người được ban đồng Tiến sĩ xuất thân. Đó là sự tuyển chọn rất thận trọng vậy.

Ngày mồng 4 tháng 5, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, loa truyền gọi tên người thi đỗ, các quan mặc triều phục chúc mừng, rước bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa. Sĩ tử, dân chúng kéo nhau đến xem, đều bảo: đời thánh văn minh, nhân tài đông đảo, thật là cuộc gặp gỡ tốt đẹp của đời thịnh. Việc ban thưởng phẩm vật nghi thức y như điển cũ. Hoàng thượng cho rằng việc ban ân sủng chỉ vẻ vang nhất thời, còn họ tên phải khắc vào bia đá mới có thể truyền tới lâu dài. Bèn sai Bộ Công mài đá đề danh, lại sai thần là Nhân Trung viết bài ký ghi lại sự việc.

Thần trộm nghĩ: Nhân tài phồn thịnh vẫn quan hệ ở khí chất biến hoá của trời đất, nhưng chủ yếu vẫn do ở nền giáo hoá của bậc thánh nhân. Bởi vì khí chất trời đất biến hoá thì nguyên khí hội hợp rồi lan toả bàng bạc khắp nơi, cho nên mới có số nhiều đông đảo. Phải nhờ có giáo hoá của thánh nhân thì văn đức mới được tôi luyện hun đúc, tạo nên cảnh tốt đẹp đượm đà. Khổng Tử nói: “Khoảng đời Đường Ngu là thời thịnh”, đó là do khí chân nguyên hội hợp mà nên chăng? Kinh Thi nói: “Người xưa không biết chán, kẻ tài tuấn giỏi giang”, đó là sự hun đúc văn đức chăng?

Nay khí hoá thuần nhất rộng toả, trị giáo sáng tỏ đẹp cùng trời đất, sự hưng thịnh sánh ngang đời Ngu, Chu. Nhân tài đông đảo hơn thuở trước, kén được người giỏi nhiều gấp mấy ngày xưa, đủ sáng soi cho những thành tựu của nền giáo hoá, là biểu hiện tốt đẹp của nước nhà. Kẻ sĩ được đề danh vào bia đá này, thật may mắn biết bao! Cho nên phải đem lòng trung nghĩa tự hẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau, làm những việc hợp sở học để làm nên sự nghiệp to lớn quang minh, khiến thiên hạ đời sau phải nhón chân lên mà nhắc nhở thanh danh, mến mộ khí tiết. Ngõ hầu trên không phụ ơn triều đình dưỡng dục, dưới không phụ hoài bão thường ngày thì tấm đá khắc ra sẽ đời đời không mục vậy. Thảng hoặc có người ngoài có vẻ văn chương mà trong đức hạnh thiếu phần tu dưỡng, khiến cho cái mà người ta đọc được trên bia không giống như dư luận mà họ nghe biết, việc làm trái với sở học, làm huỷ hoại hạnh kiểm, điếm luỵ danh giáo thì là vết nhơ cho tấm đá này. Thế chẳng phải ý nguyện triều đình trông mong ở kẻ sĩ, cũng chẳng phải là cách kẻ sĩ dùng để tự đối đãi mình.

Ôi! Khi nhỏ đi học, khi lớn thực hành, đọc hết kinh sách để đem ra áp dụng hết mức, người ta đều có chí hướng ấy. Vậy thì từ nay về sau, kẻ sĩ sinh ở đời này, đọc bài văn này, nhìn tấm đá này phải nên suy nghĩ thế nào? Kính cẩn chép vào đá, ngõ hầu tỏ ý với tương lai.

Phụng trực đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ Tư chính Thượng khanh Thân Nhân Trung vâng sắc soạn.
Mậu lâm tá Lang trung thư giám Điển thư Nguyễn Cận vâng sắc viết chữ (chân).
Cẩn sự lang Kim quang môn Đãi chiếu Nguyễn Nhân Huệ vâng sắc viết chữ triện.
Bia dựng ngày 15 tháng 8 năm niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487).


Bản dịch do Viện Hán Nôm công bố.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.