Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Đây âm u đôi ánh lạt ban chiều
Len nhè nhẹ qua rào ô cửa nhỏ
Đây lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ
Đây sàn lim, manh ván ghép sầm u...

Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở kia vui sướng biết bao nhiêu!
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...

Ôi! Hôm nay sao nhựa sống tràn trề
Trong những tiếng nghe chừng quen thuộc quá!
Nghe gió xối trên cành cây ngọn lá
Nghe mênh mang sức khoẻ của trăm loài
Tôi mơ hồ nghe tất cả bên ngoài
Đang ríu rít giữa một trời rộng rãi
Đang hút mật của đời sây hoa trái
Hương tự do thơm ngát cả ngàn ngày...

Ôi! Bao nhiêu ảo tưởng của hồn ngây
Tôi phút bỗng như quên đời thê thảm
Ở ngoài kia... biết bao thân tù hãm
Đoạ đầy trong những hố thẳm không cùng
Tôi chiều nay giam cấm hận trong lòng
Chỉ là một giữa loài người đau khổ
Tôi chỉ một con chim bé nhỏ
Vứt trong lồng con giữa một lồng to

Chuyển đời quay theo tiếng gọi tự do
Tôi chỉ một giữa muôn người chiến đấu
Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu
Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ!

Tôi, hôm nay, dầu xa tạm ngọn cờ
Hồn tranh đấu vẫn còn thôi thúc não!
Nơi đày ải là Đắc Pao, Lao Bảo
Là Côn Lôn thế giới của ưu phiền?
Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin
Giữ trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn:
Tôi chưa chết, nghĩa là chưa hết hận
Nghĩa là chưa hết nhục của muôn đời
Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi
Còn trừ diệt cả một loài thú độc!

Có một tiếng còi xa trong gió rúc...


Xà lim số 1, lao Thừa Thiên
29 tháng 4-1939

Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Tâm tư trong tù

Tâm tư này tôi cảm nhận không chỉ là của một người trong tù, mà có thể là của một người đang trong cảnh tù túng trong tâm hồn, mong muốn được mở rộng lòng mình...

(^.^)(")
183.67
Trả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng bài thơ “Tâm tư trong tù” của Tố Hữu

Tố Hữu là một cái tên gọi thân quen đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một biểu tượng của thơ ca cách mạng. Dường như mỗi lời thơ tác giả viết ra đều tràn đầy nhuệ khí yêu nước, thấm nhuần tình cảm cách mạng. Với giọng thơ như vừa bồi hồi náo nức, vừa mạnh mẽ thiết tha, người đọc dã cảm nhận được cái tôi – cái tôi công dân, cái tôi chiến sĩ của một thanh niên cách mạng đồng thời cũng là cái tôi trữ tình mới mẻ, trẻ trung dạt dào và tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Tâm tư trong tù là một bài thơ như thế, mà có lẽ đoạn trích sau đây là đoạn hay nhất, xúc động nhất của cả bài thơ:

Cô đơn thay là cảnh thân tủi
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về…
“Tâm tư” ấy chính là tâm sự, tình cảm và tư tưởng của Tố Hữu trong những ngày đầu bị giam ở nhà lao Thừa Thiên (Huế). Nếu như ở một người bình thường thì tâm sự ấy có thể là lời nỉ non, cầu khổ hay chua chát; nhưng với Tố Hữu thì không. Đọc thi phẩm ta đã phải bất ngờ trước những cảm nhận tinh tế và một giọng thơ chân thành, tha thiết của tác giả:
Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu
Có thể dễ nhận thấy bao trùm lên khổ thơ là cả một tâm trạng “cô đơn”. Lần đầu tiên ở trong “cảnh thân tù” Tố Hữu như cảm thấy cô đơn, thèm khát cuộc sống rộn rã bên ngoài. Và dường như người thanh niên ấy đã hướng ra cuộc sống bên ngoài bằng đôi tai của mình để quên đi cảnh hiện tại. Với những cảm nhận tinh tế và chân thật nhà thơ đã nghe được nhịp đời đang “lăn náo nức”, cảm nhận được cuộc sống bên ngoài thật là “vui sướng biết bao”. Từng câu, từng chữ đầy nuối tiếc, thể hiện tột cùng sự khao khát tự do.

Sở dĩ Tố Hữu bị nỗi cô đơn bủa vây và phải hướng ra cuộc sống bên ngoài đế quên đi thực tại là vì: trước dó không lâu, tác giả còn là một học sinh, một người thanh niên:
Bâng khuâng đứng giữa dôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi
Rồi khi Tố Hữu được giác ngộ cách mạng, chọn cho mình một con đường đi đúng đắn, tác giả đã hăng hái hoạt động cách mạng với niềm vui dạt dào trong trái tim tuổi thanh xuân:
Vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo
Bốn phương trời và sau dấu muôn chân
Củng như tôi tất cả tuổi đương xuân
Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng
(Hy vọng, 1938)
Tâm hồn người chiến sĩ cách mạng trẻ - Tố Hữu - chính là “một vườn hoa lá. Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Cuộc đời phía trước của người chiến sĩ trẻ là mùa xuân bát ngát: “Bạn đời cà vui lắm cả trời hồng”. Và với sức sống mãnh liệt ở tuổi đời mười tám, đôi mươi:
Hai mươi tuổi tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa
Tố Hữu đang nhìn nhận cuộc đời bằng lăng kính màu hồng, đang hăm hở bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần cách mạng đầy nhiệt huyết. Vậy mà bỗng chốc đã bị giam giữa “bốn tường khắc khổ” bị cùm trói, nằm trong xà lim lạnh lẽo tối tám, ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài thì làm sao tác giả tránh khỏi cảm giác cô đơn. Và không chỉ cô đơn mà còn có cả những bực bội, u uất.

tửu tận tình do tại
64.33
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích diễn biến tâm tư của Tố Hữu qua bài thơ “Tâm tư trong tù”

Năm 1939, đang hoạt động sôi nỗi trong phong trào Thanh niên dân chủ, Tố Hữu bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam ở Huế. Bài thơ Tâm tư trong tù được Tố Hữu sáng tác trong nhà lao Thừa phủ. Ta hãy tìm hiểu tâm tư của người chiến sĩ Cách mạng trẻ tuổi đang hăm hở say mê hành động vì lí tưởng bỗng bị tù đày, sống cô đơn tách biệt với bên ngoài qua bài thơ Tâm tư trong tù.

Vào đầu bài thơ là một điệp khúc biểu lộ nỗi cô đơn của nhà thơ khi bị tách rời với cuộc sống bên ngoài:

Cô đơn thay là cảnh thân tù
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực,
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức,
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Đây là tâm trạng của một thanh niên mười chín tuổi mới giác ngộ lí tưởng, đang hăm hở hoạt động. Cho nên lần đầu tiên bị giam cầm, toàn bộ suy nghĩ và cảm xúc của nhà thơ đều hướng về cuộc sống bên ngoài, thể hiện sự khao khát tự do. Từ hiện thực hoàn cảnh nhà tù âm u, lạnh lẽo, khắc khổ, sầm u:
Đây âm u…………
………………………….
Đây lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ
Đây sàn lim manh ván ghép sầm u...
nhà thơ hình dung thế giới bên ngoài thật vui tươi, sung sướng:
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Càng rơi vào cảnh cô đơn, nhà thơ càng cảm thấy gắn bó với cuộc sống. Thấy ánh nắng chiều vàng len vào ô cửa nhỏ, nhà thơ lắng nghe (tai mở rộng) và cảm nhận (lòng sôi rạo rực):
………. đôi ánh lạt ban chiều,
Len nhẹ nhẹ qua rào ô cửa nhỏ,
…………………………………………
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức.
Thế giới bên ngoài nhà tù được tái hiện cụ thể, sinh động. Điệp từ “nghe” diễn tả sự dồn dập những âm thanh của cuộc đời thường, nhưng nhà thơ cảm thấy những thanh âm quen thuộc ấy thật đáng trân trọng, mến yêu:
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều,
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh.
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh,
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...
Trí tưởng tượng mở rộng, nỗi khao khát gắn bó với cuộc đời càng được nâng cao. Tâm hồn của người thanh niên tràn ngập những cảm hứng lãng mạn. Đoạn thơ thể hiện những cảm nhận tinh tế, trí tướng tượng phong phú của nhà thơ khi tô vẽ lên cuộc đời với mọi sắc thái tươi vui: sức khoẻ của trăm loài, một trời rộng rãi, đời sây hoa trái, hương tự do thơm ngát... Tâm tình này còn được giải bày trong một số bài thơ trong tù vào tháng 7 - 1939:
Vườn râm dậy tiếng ve ngân,
Bắp rây vàng hạt, đầy săn nắng đào.
Trời xanh càng rộng càng cao,
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không.
(Khi con tu hú)
Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi,
Đâu luồng tre mát thở yên vui,
Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn,
Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi.
(Nhớ đồng)
Nhưng ngay sau đó, nhà thơ tự biện luận rằng một người chiến sĩ Cách mạng thì không thể có những tình cảm uỷ mị mà phải nhận thức đúng vấn đề. Từ chuỗi liên tưởng về cuộc sống bên ngoài nhà tù sây hoa trái với hương tự do thơm ngát, nhà thơ chợt dừng lại và nhận ra rằng những suy tư trên chỉ là ảo tưởng:
Ôi! bao nhiêu ảo tưởng của hồn ngây.
Không thể đối chiếu cảnh sống trong tù với cuộc sống bên ngoài một cách đơn giản. Tù đày là mất tự do. Nhưng tự do cũng không hề có được đối với những người đang ở ngoài nhà tù:
Ở ngoài kia... biết bao thân tù hãm,
Đoạ đày trong những hố thắm không cùng!
Ở ngoài kia vẫn là nhà tù. Tác giả đã so sánh mình như con chim bị nhốt trong lồng con, còn cả dân tộc vẫn đang đắm chìm trong vòng nô lệ của thực dân như giữa một lồng to:
Tôi chiều nay giam cấm hận trong lòng
Chỉ là một giữa loài người đau khổ
Tôi chỉ một con chim bé nhỏ
Vứt trong lồng con giữa một lồng to
Nhà thơ tiếp tục biện luận, tự phê phán và tự hào với tư thế vững vàng của người chiến sĩ đang dấn thân trên con đường đầy lửa máu:
Chuyển đời quay theo tiếng gọi tự do
Tôi chỉ một giữa muôn người chiến đấu
Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu
Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ!
Sau khi nhận thức được chân lý đấu tranh, tâm hồn của người chiến sĩ trẻ tuổi trở nên thật trong sáng:
Tôi, hôm nay, dầu xa tạm ngọn cờ
Hồn tranh đấu vẫn còn thôi thúc não!
Đầy tin yêu lạc quan:
Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin
Giữ trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn.
Điệp từ “nghĩa là” dồn dập như hơi thở và nhịp đập trái tim sôi nổi của nhà thơ, thể hiện niềm say mê chiến đấu để trừ diệt kẻ thù của dân tộc, của giai cấp:
Tôi chưa chết, nghĩa là chưa hết hận
Nghĩa là chưa hết nhục của muôn đời
Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi
Còn trừ diệt cả một loài thú độc!
Kết thúc là một tiếng còi thôi thúc đấu tranh, thật phù hợp với suy nghĩ và cảm hứng của nhà thơ:
Có một tiếng còi xa trong gió rúc...
Tóm lại, bài Tâm tư trong tù thể hiện trung thực tâm tình của một người chiến sĩ Cách mạng trẻ tuổi: cô đơn, khao khát tự do, hoạt động bằng những tình cảm thiết tha và trong sáng. Qua đó, bài thơ thể hiện niềm say mê lí tưởng và nhiệt tình Cách mạng của người thanh niên cộng sản mang tính hồn nhiên, chân thật, đáng mến yêu.

tửu tận tình do tại
84.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích tâm trạng của Tố Hữu trong bài thơ “Tâm tư trong tù”

Gợi ý:

Tâm trạng gồm:
+ Tâm trạng người trẻ tuổi (nỗi cô đơn và niềm khao khát tự do) => cảm xúc bồng bột.
+ Tâm trạng người chiến sĩ (phấn chấn vì tự đấu tranh được với bản thân mình, lời thề giữ vững ý chí và quyết tâm chiến đấu) => nhận thức sâu sắc. Hướng dẫn:

Bài làm

Bài thơ Tâm tư trong tù được Tố Hữu sáng tác trong thời gian ông bị kẻ thù bắt giam tại xà lim hoàn toàn cách biệt với cuộc sống bên ngoài ở nhà lao Thừa Thiên. Đối với một thanh niên mới mười chín tuổi vừa được giác ngộ cách mạng, đang hăng say hoạt động giữa bạn bè đồng chí với bao niềm vui sướng tin yêu bồng bột, có phần lãng mạn thì việc bị bắt giam như thế là một bước ngoặt gây xáo động mạnh mẽ trong tâm hồn. Có lẽ vì thế mà Tâm tư trong tù đã thể hiện rất chân thật những cảm xúc, những nhận thức của một người trẻ tuổi, một người chiến sĩ lần đầu tiên bị giam hãm trong tù ngục, đó là nỗi cô đơn và niềm khao khát tự do, là tâm trạng phấn chấn vì tự đấu tranh được với mình, là lời thề giữ vững ý chí và quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng.

Ở phần đầu bài thơ, Tố Hữu đã thể hiện nổi bật cảm giác cô đơn của mình qua sự đối lập tương phản giữa hai cảnh đời, giữa hai thế giới. Trước hết, cảm giác cô đơn được xác nhận ngay trong điệp khúc: “Cô đơn thay là cảnh thân tù”. Tiếng kêu ấy vang lên khi nhà thơ cùng một lúc hướng giác quan về hai phía tai “nghe tiếng đời lăn náo nức” bên ngoài, và mắt nhìn cận cảnh trong bốn bức tường nhà giam chặt hẹp, tối tăm.

Đây âm u đôi ánh lạt ban chiều
Len nhẹ nhẹ qua rào ô cửa nhỏ
Đây lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ
Đây sàn lim manh ván ghép sầm u...
Cảnh trong tù được quan sát và miêu tả rất cụ thể: Vài tia nắng nhợt nhạt lúc hoàng hôn khiến cho không khí nhà giam thêm “âm u”, một ô của sổ vốn đã nhỏ bé nhưng lại được rào kín bằng những song sắt kiên cố đến mức ngay cả tia nắng chiều yếu ớt cũng phải “len nhẹ nhẹ mới vào được bên trong, bốn bức tường xám xịt càng làm tăng thêm vẻ ghê sợ của nơi đày đoạ con người, những mảnh ván đen đủi càng làm cho phòng giam thêm “sầm ù” (tối sầm, âm u). Tất cả chỉ có vậy, ảm đạm và nghiệt ngã đối với một người tuổi trẻ đang yêu đời, khao khát tự do. Điệp từ “dãy” tầng tầng lớp lớp giới thiệu những cảnh tù đày cụ thể và diễn tả tâm trạng khổ sở, day dứt của người trẻ tuổi.

Chính trong cảm giác cô đơn. Tố Hữu đã tập trung cao độ sự chú ý về thính giác để lắng nghe những âm thanh của thế giới bên ngoài đang vọng vào nhà giam:
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Nhà thơ nghe mà như nhìn thấy tất cả những hình ảnh sinh động đang diễn ra ở thế giới bên ngoài những con chim vui hót, những con dơi chiều đập cánh thật “vội vã’’, một con ngựa dừng chân bên giếng lạnh, ai đó đang đi xa đần trên đường. Điệp khúc “Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu” đã diễn tả rất thành công nỗi thèm khát cuộc sống tự do không giấu giếm của tác giả. Với người đang bị giam trong ngục, những âm thanh đó có sức gợi rất lớn, đặc biệt là gợi lên niềm khao khát được hoà mình vào cuộc sống tự do:
Ôi! Hôm nay sao nhựa sống tràn trề
Trong những tiếng nghe chừng quen thuộc quá!
Nghe gió xối trên cành cây ngọn lá
Nghe mênh mang sức khoẻ của trăm loài.
Cũng vì quá cô đơn và khao khát tự do nên nhà thơ đã tưởng tượng ra cái thế giới bên ngoài là một trời rộng rãi. đời xây hoa trái... “Hương tự do thơm ngát cà ngàn ngày...”, Nhưng rồi những giây phút mơ mộng và đầy ảo tưởng rồi cùng qua đi, nhà thơ đã bình tĩnh, tỉnh táo lại để suy xét về nhiều điều, về tự do. Tố Hữu thấy rõ dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến, cái thế giới bên ngoài kia cũng chẳng có tự do thực sự. Trái lại:
Ở ngoài kia... biết bao thân tù hăm
Đoạ đày trong những hố thẳm không cùng
Từ đó, nhà thơ cảm nhận sâu sắc rằng, cả xã hội đương thời cũng chỉ là một nhà tù khổng lồ, bao trùm vô số những nhà tù nhỏ khác, ở đây có một mối liên tương giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và dân tộc, bi kịch của nhà thơ chỉ là một trường hợp cụ thể của bi kịch mất nước của dân tộc ta mà thôi:
Tôi chiều nay giam cấm hận trong lòng
Chỉ là một giữa loài người đau khổ
Tôi chỉ một con chim non bé nhỏ
Vứt trong lồng con giữa một lồng to.
Lời thề giữ vững ý chí và quyết tâm chiến đấu:
Dự đoán về con đường tù đày
Khẳng định quan niệm sống chết
Khi đã nhận thức đúng đắn về thực trạng đen tối của xã hội đương thời, bài thơ đã có sự chuyển hướng trong mạch tâm tư của chủ thể trữ tình. Nhà thơ thấy được giữa cá nhân và cộng đồng dân tộc có chung thân phận, cũng có nghĩa là có chung trách nhiệm, bản thân nhà thơ là một tù nhân nhưng cũng là một người đứng cùng đội ngũ với những chiến sĩ ở ngoài nhà tù đang dũng cảm chiến đấu cho Tổ quốc độc lập tự do. Tuy thừa nhận tâm trạng cô đơn trong tù là không thể tránh khỏi (Cô đơn thay là cảnh thân tù) nhưng khi đã xác định tư thế người chiến sĩ, nhà thơ không còn cảm thấy cô đơn nữa mà cảm thấy phấn chấn, quyết tâm tiếp tục cuộc chiến đấu ngay trong nhà tù. Bằng cảm hứng tự hào, tác giả đã khắc hoạ hình ảnh người chiến sĩ trẻ tuổi hiên ngang, bất khuất trong các văn thơ rất hào hùng dưới đây:
Tôi chỉ một giữa muôn người chiến đấu
Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu
Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ!
Chính sự cảm nhận về mối quan hệ gắn bó hoà hợp giữa cuộc sống chung của cá nhân với vận mệnh chung của dân tộc đã tiếp một nguồn sức sống mới để nhà thơ thêm kiêu hãnh, tự hào về lí tưởng cao đẹp mà mình đã lựa chọn, thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách khó khăn. Một lần nữa trí tưởng tượng của Tố Hữu lại vượt lên trên thực tại lao tù nhưng không phải để đến với những ảo ảnh như ở đoạn thơ trên mà để dự đoán về những bước sắp tới trên con đường tù đày, từ đó thêm quyết tâm giữ vững lòng trung tình với cách mạng:
Nơi đây ai là Đắc Pao, Lao Bảo
Là Côn Lôn, thế giới của ưu phiền
Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin
Giữ trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn
Tố Hữu đã kết thúc bài thơ của mình với những câu thơ mang dáng điệu của những lời tuyên ngôn phát biểu về quan niệm sống, chết của người chiến sĩ cách mạng. Đối với họ, đã làm người thì không thể sống kiếp nô lệ nhục nhã, sống là phải đấu tranh cho tự do, là sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, nguy hiểm, hi sinh, còn sống là còn chiến đấu không ngừng:
Tôi chưa chết, nghĩa là chưa hết hận
Nghĩa là chưa hết nhục của muôn đời
Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi
Còn trừ diệt cả một loài thú độc
Với ý thơ này, ông Đặng Thai Mai có nhận xét: “Những câu thơ như thế chính là bản quyết tâm thư của một người chiến sĩ không hề do dự trước nhiệm vụ, không lùi bước trước bạo lực quân thù”.

Có thể thấy sự vận động từ cảm xúc đến nhận thức trong bài thơ này không hề tạo tính chất mâu thuẫn giữa hai yếu tố ấy. Trái lại, chúng hoàn toàn thống nhất và cùng góp phần biểu hiện đặc điểm hồn thơ Tố Hữu trên chặng đường cách mạng đầu tiên: đó là sự cố gắng không ngừng để vượt lên, để điều khiển, chế ngự những cảm xúc bồng bột của tuổi trẻ bằng sự soi sáng của nhận thức xã hội, của ý chí cách mạng.

tửu tận tình do tại
54.20
Chia sẻ trên FacebookTrả lời