Đăng bởi Vanachi vào 17/04/2005 19:33, đã sửa 6 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 17/01/2021 22:08

Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về
Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè.

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh

Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...

- “Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà!”

Cháu cười híp mí,
Má đỏ bồ quân:
- “Thôi, chào đồng chí!”
Cháu đi xa dần...

Cháu đi đường cháu
Chú lên đường ra
Đến nay tháng sáu
Chợt nghe tin nhà.

         Ra thế
         Lượm ơi!

Một hôm nào đó
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao

Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề “Thượng khẩn”
Sợ chi hiểm nghèo?

Đường quê vắng vẻ
Lúa trổ đòng đòng
Ca-lô chú bé
Nhấp nhô trên đồng...

Bỗng loè chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi!

Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng...

Lượm ơi, còn không?

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh

Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...


1949

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 5 trang (41 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đi tìm “chú bé Lượm”

Trong bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu viết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh chú bé Lượm đã trở nên quen thuộc với độc giả cả nước qua những câu thơ: “Chú bé loắt choắt/ Cái xắc xinh xinh/ Cái chân thoăn thoắt/ cái đầu nghênh nghênh/ Ca lô đội lệch/ Mồm huýt sáo vang/ Như con chim chích/ Nhảy trên đường vàng.”

Lượm đã ngã xuống trong một lần đi làm liên lạc. Ở ngoài đời, cũng có một “chú bé” - liệt sĩ mang tên Lượm đi hoạt động cách mạng và hy sinh khi mới 14 tuổi. Đó chính là liệt sĩ Nguyễn Thanh, tên thường gọi là Nguyễn Văn Lượm. Mới đây, thông tin này lần đầu tiên được gia đình liệt sĩ Nguyễn Thanh chia sẻ với phóng viên An ninh thế giới.

Đi tìm một hình tượng

Thật tình cờ, qua anh Phùng Quang Trung ở Hải Dương - một người trẻ đang có những dự án phục dựng chân dung liệt sĩ ở các địa phương, chúng tôi biết được thông tin về nguyên mẫu chú bé Lượm trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Tố Hữu. Anh Trung chia sẻ rằng, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh năm 1991), thường trú tại phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, hiện đang làm việc tại thành phố Nha Trang, là cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Thanh (tên thường gọi là Nguyễn Văn Lượm) đã cung cấp thông tin về người bác của mình.

https://www.thivien.net/attachment/aqPWnUUlLpvCHb8eT1yK3A.1724209383.jpg
Liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm (1932-1947)

Từ những thông tin ban đầu đó, chúng tôi quyết tâm tìm hiểu về “chú bé Lượm” ngoài đời. Sau khi xác minh, cảm giác vỡ oà dâng lên khi chúng tôi biết “chú bé Lượm” có thật ngoài đời. Hiện tại, chính quyền địa phương phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận vẫn duy trì thực hiện chính sách đối với gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm kể từ sau khi ông Tuất làm các thủ tục báo cáo với địa phương năm 1977.

Gia đình chị Huyền hiện vẫn lưu giữ một số giấy tờ, tài liệu liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm. Trong đó có “Tờ nhận tự khai” ngày 12/4/1977 của ông Nguyễn Tuất (tên thường gọi là Be), là cha đẻ của liệt sĩ Lượm, là ông nội của chị Huyền. Ông Nguyễn Tuất sinh ngày 27/03/1909 tại Lai Trung, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Bình Trị Thiên (nay là Thừa Thiên - Huế). Ông là cha đẻ của liệt sĩ Nguyễn Thanh, sinh ngày 21/12/1932, tên thường gọi ở nhà là Nguyễn Văn Lượm.

Trong tờ tự khai, ông Tuất là hộ tống viên bưu điện, đã từng làm việc ở nhiều nơi như Bưu điện Quy Nhơn, Bưu điện Nha Trang, rồi chuyển đến Bưu điện Ninh Hoà, Bưu điện Phan Thiết. Từ năm 1927 đến năm 1943, ông làm việc tại Quy Nhơn và con trai Nguyễn Thanh được sinh ra ở đây. Năm 1943, ông chuyển vào làm việc tại Nha Trang nên đưa gia đình đi theo. Con trai của ông là Lượm cũng theo cha vào Nha Trang và tiếp tục học tại đây 2 năm. Hiện gia đình vẫn giữ “giấy căn cước” bằng song ngữ tiếng Pháp/ tiếng Việt năm 1943 của Nguyễn Thanh. Đây là giấy tờ để các thí sinh ứng thí các bằng cấp Pháp - Việt ở Trung Kỳ. Giấy này có dán ảnh Nguyễn Thanh lúc đó 11 tuổi.

Trong “Tờ nhận tự khai”, ông Tuất xác định rõ thời gian con trai ông thoát ly gia đình: “Năm 1945 đến 1946, con tôi (tức Nguyễn Văn Lượm - TG) hoạt động tại Nha Trang và thoát ly từ ngày ấy. Tôi không nhận được tin tức chi cả. Mãi đến ngày giải phóng về toàn diện thì em ruột tôi là Nguyễn Trọng Quảng cán bộ về hưu… mang bằng Tổ quốc ghi công ngày 5/5/1958 đề tên liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm về cho tôi.”

Trong thời gian chiến tranh, bằng Tổ quốc ghi công năm 1958 bị hư hại, nên đến năm 1977, ông Tuất đã viết “Tờ nhận tự khai” để xin sao y bản chính. Thời điểm đó ông Tuất đã về hưu và sống tại thị xã Phan Rang - Tháp Chàm. Bên dưới “Tờ nhận tự khai” của ông Tuất có xác nhận của một số cán bộ hoạt động cách mạng và xác nhận của UBND phường Phước Tiến, thị xã Nha Trang về nội dung ông Nguyễn Tuất có người con đẻ là Nguyễn Thanh, tên thường gọi là Nguyễn Văn Lượm đã hy sinh, được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Bằng Tổ quốc ghi công ghi rõ: Liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm - Đội viên du kích. Nguyên quán: Xã Quảng Ninh, Quảng Điền, Thừa Thiên, đã hy sinh cho Tổ quốc trong khi chiến đấu với địch tại Thừa Thiên ngày 15/4/1947. Như vậy, lúc hy sinh, “chú bé Lượm” mới 14 tuổi.

https://www.thivien.net/attachment/A5biQVlWePWix9sww_8fCA.1724209397.jpg
Căn cước bằng song ngữ tiếng Pháp và tiếng Việt năm 1943 của liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm

Do ông Tuất đã mất từ năm 1979, nên để xác minh về liệt sĩ Lượm, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân - người nắm chắc gia phả họ Nguyễn ở Huế. Nhà ông Xuân hiện ở thôn Lai Trung 3, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Xuân sinh năm 1937, nay đã 87 tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Trải tờ gia phả họ Nguyễn trên tấm phản, ông Xuân xác định rằng: “Liệt sĩ Lượm ngang hàng với tôi, bố tôi và bố liệt sĩ Lượm là anh em con chú con bác ruột. Tuy liệt sĩ Lượm hơn tôi 5 tuổi, nhưng theo họ hàng thì phải gọi tôi là anh họ.”

Ông Xuân nhớ rằng: “Khi tôi còn nhỏ thì người em họ tên Lượm đã đi hoạt động cách mạng theo người chú ruột là Nguyễn Trọng Quảng. Sự việc sau đó em Lượm hy sinh như thế nào thì bác Tố Hữu là người nắm rõ và đã viết trong bài thơ “Lượm” - bài thơ quen thuộc với mọi người dân Việt Nam”.

“Chú bé Lượm” là ai?

Chúng tôi đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Hiền - là em gái của liệt sĩ Lượm, hiện đang sống tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Bà Hiền cho biết, ba của bà là ông Tuất làm bưu điện chuyển qua nhiều cơ quan. Khi về đến Phan Rang - Tháp Chàm làm việc thì định cư hẳn ở đây cho đến lúc mất. Bà nhớ lại: “Thời kì chiến tranh, tôi thấy khuya nào ba tôi cũng mở đài nghe một cách chăm chú. Mẹ tôi không hiểu sao ba tôi vẫn giữ thói quen nghe đài hàng đêm, liền nói: “Trên trời máy bay quần miết, ông nghe chi đài mà nghe hoài”. Ba tôi thủng thẳng: “Tôi có việc tôi phải nghe”. Bố tôi không nói rõ, nhưng sau này thì tôi hiểu bố tôi nghe đài vì muốn cập nhật tin tức từ các chiến trường. Thời điểm đó, con trai ông là Nguyễn Văn Lượm, em trai ông là Nguyễn Trọng Quảng đều đi hoạt động cách mạng nhưng bặt tin nên không biết sống chết ra sao. Vì thế mà ba tôi luôn mong ngóng.”

https://www.thivien.net/attachment/CsB0W23vPBaAtUT39ON5qQ.1724209407.jpg
Bằng Tổ quốc ghi công sao y bản chính của liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm

Đến tận năm 1975, sau giải phóng miền Nam, ông Tuất mới nhận được tin con. Và đó cũng là cái tin đau đớn nhất. Bà Hiền kể lại: “Năm 1975, giải phóng đất nước. Một bữa chú Nguyễn Trọng Quảng, em ruột bố tôi ghé qua Phan Rang - Tháp Chàm tìm đến nhà tôi. Chú Quảng mang bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lượm và nhiều giấy tờ của anh đưa cho bố tôi. Lúc đó bố tôi mới biết anh Lượm đã hy sinh. Ông lặng đi không nói được lời nào. Ông là người Huế, tính tình điềm đạm, ít nói, ít khi thổ lộ tình cảm. Ông đau xót lắm, nhưng ông nuốt nỗi đau vào trong.” Kể đến đây bà Hiền bật khóc xúc động khi nhớ đến hình ảnh người cha bao đêm thức nghe đài để ngóng tin con.

Bà Hiền chia sẻ: “Nhìn ảnh thì anh Lượm rất giống ba, trán cao, gương mặt thông minh. Anh Lượm là con duy nhất của ba tôi và người vợ đầu của ông ở Huế. Khi anh Lượm còn nhỏ, má của anh bị bệnh nặng nên đã vào chùa nương bóng cửa Phật và mất trong chùa. Ba tôi công tác ngành hộ tống viên bưu điện, theo yêu cầu công việc nên cứ di chuyển dần về phía nam, đến thị xã Phan Rang, Tháp Chàm thì làm việc và định cư ở đó. Anh Lượm ở với ba và đi hoạt động cách mạng sớm. Sau này, ba tôi gặp và gắn bó với má tôi là Nguyễn Thị Xinh, sinh năm 1918. Đến tận năm 1959, ba má tôi mới sinh tôi là con đầu.”

Bà Hiền cho biết, má Xinh của bà là cán bộ hoạt động cách mạng. Em trai của má cũng là liệt sĩ. “Má tính cẩn thận, giấy tờ của gia đình má cất kĩ trong tủ của gia đình, trong đó, có giấy tờ của anh Lượm. Bao nhiêu năm trôi qua, bà nội tôi và má tôi hay kể về anh Lượm cho các con cháu nghe. Hình thờ anh Lượm và những câu chuyện khiến mọi người trong gia đình đều thấy gần gũi. Bẵng đi rất lâu, sau khi ba má tôi mất đi, con cháu mở tủ tài liệu và những giấy tờ, thông tin về liệt sĩ Lượm lần đầu tiên được các cháu chia sẻ. Hiện tại, việc cúng giỗ liệt sĩ Lượm duy trì ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận tại nhà em trai của tôi là Nguyễn Thanh Sơn, là ba của cháu Nguyễn Thị Thanh Huyền”.

Liệt sĩ Nguyễn Thanh tức Nguyễn Văn Lượm có mối quan hệ họ hàng với nhà thơ Tố Hữu. Điều này đã được ông Nguyễn Xuân khẳng định. Vừa đối chiếu với gia phả của dòng họ Nguyễn tại Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, ông Xuân vừa giở cuốn sổ ghi chép về dòng họ để giải thích cho chúng tôi: “Theo gia phả thì nhà thơ Tố Hữu - tức Nguyễn Kim Thành là bác họ của liệt sĩ Lượm và cũng là chú họ của tôi. Chú Tuất, bố em Lượm và nhà thơ Tố Hữu là anh em con chú con bác”.

Ông Xuân kể: “Ngày còn nhỏ tuổi, có lần tôi hỏi chú Tố Hữu về em Lượm thì chú nói rằng Lượm đi làm liên lạc từ nhỏ, hy sinh do bị Pháp bắn chết. Nhân vật Lượm trong bài thơ của chú Tố Hữu chính là em Lượm nhà tôi đấy”. Hiện tại nhà ông Xuân tại Huế cách nhà tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu ở xã Quảng Thọ không xa.

https://www.thivien.net/attachment/bwKfRtXK82hltP26PIvpCg.1724209493.jpg
Ông Nguyễn Xuân - người nắm chắc gia phả họ Nguyễn ở Huế - là anh họ của liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm

Nhà thơ Tố Hữu lúc sinh thời đã xác định mối liên hệ giữa nguyên mẫu Lượm ngoài đời và hình tượng nhân vật Lượm trong bài thơ cùng tên của ông. Trong cuốn Nhớ lại một thời, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2000, nhà thơ Tố Hữu chia sẻ về nguyên mẫu Lượm trong bài thơ chính là cháu của ông ở ngoài đời:

Một đồng chí ở Thừa Thiên ra kể cho tôi nghe những tấm gương chiến đấu dũng cảm ở quê nhà và cho tôi biết tin về cháu Lượm. Nó là con của chú em họ của tôi. Từ Cách mạng tháng Tám, nó đã về với tôi ở Huế và cùng một số bạn nhỏ tự nguyện theo các chú bộ đội. Nó đi liên lạc cho đơn vị và trong khi đưa thư qua một cánh đồng, cháu bị trúng đạn, hi sinh khi mới 14 tuổi. Anh em trong đơn vị thương tiếc nó như con, em của mình. Thế là Lượm đã ngã xuống như Kim Đồng và bao bạn nhỏ dũng cảm khác. Tôi viết bài thơ Lượm, cảm thấy như còn đâu đây dáng điệu thật dễ thương và khuôn mặt còn trẻ con nhưng rất cứng cỏi của nó...

Theo lời người bạn kể, sau loạt đạn của quân thù, Lượm ngã xuống, vẫn nguyên vẻ ngây thơ của chú thiếu niên… Tự nhiên, tôi khẽ thốt lên: “Lượm ơi, còn không?” Không! Những anh hùng, dù nhỏ tuổi như cháu, không bao giờ chết. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta có rất nhiều dũng sĩ thiếu niên như cháu Lượm càng ngày càng nhiều không thể nào đếm xuể, không thể nào biết hết. Có lẽ đó cũng là một đặc trưng, một niềm tự hào lớn của dân tộc ta vốn có truyền thống lâu đời như Trần Quốc Toản ngày xưa vậy.
Hình ảnh chú bé liên lạc tên Lượm với tính cách hồn nhiên, vui tươi, vô cùng dũng cảm và lạc quan, yêu đời trong bài thơ Lượm vẫn đọng lại trong tâm trí độc giả cả nước nhiều thế hệ. Và càng xúc động hơn nữa khi biết được rằng, “chú bé” - liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm ngoài đời dũng cảm chiến đấu và ngã xuống ở tuổi thiếu niên để những người đang sống hôm nay được hưởng cuộc sống hoà bình. Sự hy sinh ấy đã hoá thành bất tử.


Huyền Châm (Báo Công an nhân dân online, ngày 29-7-2024)
tửu tận tình do tại
204.20
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận về bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thiếu nhi Việt Nam hăng hái làm theo lời dạy của Bác Hồ:

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,
Tuỳ theo sức của mình.
Nhiều bạn đã hi sinh tuổi thơ trong sáng cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do của dân tộc. Hình ảnh chú bé liên lạc hồn nhiên, dũng cảm trong bài thơ Lượm của Tố Hữu đã để lại trong em niềm cảm phục sâu sắc.

Lượm theo bộ đội làm liên lạc hồi đầu kháng chiến (cuối năm 1946). Lúc này, Pháp chưa đánh rộng ra. Quân ta đóng ở đồn Mang Cá một cứ điểm quan trọng của Huế. Trong một trận tấn công vào đồn giặc, Lượm hi sinh. Tác giả biết tin, vô cùng xúc động và đã sáng tác nên bài thơ này (1949).

Bằng cách kết hợp miêu tả với kể chuyện và biểu hiện cảm xúc, nhà thơ đã khắc hoạ sinh động hình ảnh chú bé Lượm hồn nhiên, vui tươi, hăng hái và dũng cảm.

Thể thơ bốn chữ cùng với nhiều từ láy có giá trị gợi hình và giàu âm điệu đã góp phần tạo nên thành công trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật.

Mở đầu bài thơ, tác giả dựng lại khung cảnh buổi gặp gỡ đáng nhớ giữa hai chú cháu:
Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về
Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè.
Cuộc gặp gỡ đáng nhớ bởi nó diễn ra trong thời gian, không gian đặc biệt: “Ngày Huế đổ máu”. Huế đổ máu, Huế chiến đấu ác liệt để ngăn chặn bàn chân xâm lược của giặc Pháp vì chúng muốn chiếm lại nước ta. Ngày ấy là ngày mọi người không thể nào quên. Hoàn cảnh điển hình đó càng tô đậm thêm tính cách của nhân vật Lượm.

Trang phục của Lượm giống như trang phục của các chiến sĩ vệ quốc bởi Lượm cũng là một chiến sĩ thực sự. Nhưng Lượm còn rất bé nên cái xắc đeo bên mình cùng chỉ xinh xinh. Chiếc mũ ca lô đội lệch bộc lộ vẻ tinh nghịch và hiếu động.

Lượm được nhà thơ miêu tả với tấm lòng yêu mến chân thành:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...
Dáng Lượm loắt choắt, đã nhỏ lại gầy nhưng nhanh nhẹn và tinh nghịch. Chân thì thoăn thoắt, rất nhanh và rất nhẹ. Đầu nghênh nghênh, lúc nghiêng bên này, lúc nghiêng bên kia. Nhịp thơ nhanh gợi lên hình ảnh chú bé vui tươi, nhí nhảnh, yêu đời.

Đặc điểm bên ngoài phần nào đã thể hiện tính cách bên trong của Lượm. Ca lô không chịu đội thẳng mà đội lệch. Miệng luôn huýt sáo vang. Lượm chẳng khác nào như con chim chích bé nhỏ nhảy trên đường vàng.

Lượm hồn nhiên kể chuyện:
Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà
Bấy giờ, cái gian khổ của kháng chiến trường kì chưa tới. Mọi người đang sống trong không khí phấn khởi hào hứng của độc lập, tự do sau Cách mạng tháng Tám. Cái vui của Lượm bắt đầu từ niềm vui của đất nước, của dân tộc. Lượm vui trong lòng, vui ngoài nét mặt, dáng điệu, cử chỉ, lời nói. Tưởng chừng cái xắc cũng vui lây, cũng nhún nhảy theo nhịp chân của chú bé. Đeo xắc là dấu hiệu của người làm cán bộ. Lượm thấy oai lắm, ra vẻ lắm nên tỏ ra rất tự hào.

Giống như các bạn cùng lứa tuổi, Lượm rất hiếu động. Đặc điểm này đã được hướng vào những công việc có ích cho kháng chiến. Hình ảnh Lượm lúc chia tay tác giả thật đẹp và đầy sức sống:
Cháu cười híp mí
Má đỏ bồ quân
Cả câu: “Thôi chào đồng chí!” cũng mang dấu ấn của niềm vui. Lượm chào chú bằng đồng chí, rất tinh nghịch, dí dỏm, mà cùng rất nghiêm túc, bởi Lượm đã tham gia kháng chiến.

Đoạn thơ dùng thể thơ bốn chữ, nhịp nhanh, cùng nhiều từ láy (loắt choắt, thoăn thoát, nghênh nghênh) góp phần thể hiện hình ảnh Lượm - một em bé liên lạc hồn nhiên, vui tươi) say mê tham gia công tác kháng chiến thật đáng mến, đáng yêu.

Câu chuyện của Lượm trong chuyến đi liên lạc cuối cùng được kể qua lời của người kể với những cảm xúc đau xót, tiếc thương, tự hào được biểu hiện trực tiếp và qua cả cách nhìn, cách miêu tả.

Khi nghe tin Lượm hi sinh, tác giả đau đớn thốt lên: “Ra thế Lượm ơi!...”

Kỉ niệm về cuộc gặp gỡ với chú bé liên lạc còn tươi nguyên trong lòng nhà thơ thì bỗng dưng có tin chẳng lành. Câu thơ bình thường bỗng nhiên bị ngắt làm đôi. Ám hiệu ngập ngừng và dấu chấm than thể hiện tâm trạng ngạc nhiên và xúc động đến bàng hoàng.

Tác giả hình dung ra tình huống hi sinh của Lượm thật cụ thể. Cũng như bao lần đi làm nhiệm vụ, Lượm dũng cảm, nhanh nhẹn, hăng hái và đầy quyết tâm, không nề nguy hiểm:
Một hôm nào đó
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao
Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề thượng khẩn
Sợ chi hiểm nghèo
Chiến trường đầy khói lửa nhưng Lượm vẫn xông pha làm nhiệm vụ. Bỗng loè chớp đỏ, Thôi rồi Lượm ơi! Kể lại, hình dung lại sự việc mà tưởng chừng như tác giả đang tận mắt chứng kiến cái giây phút đau đớn ấy nên không kiềm chế được, tự đáy lòng bật thốt lên tiếng kêu đau đớn. Câu thơ như tiếng nấc nghẹn ngào đầy xót thương và cảm phục của tác giả của chúng ta trước cái chết bất ngờ của người chiến sĩ nhỏ. Chú bé đã hi sinh anh dũng giữa tuổi thiếu niên hồn nhiên, tươi trẻ đầy hứa hẹn. Nhà thơ không dừng lâu ở nỗi đau xót mà ông cảm nhận rằng sự hi sinh của Lượm rất đỗi thiêng liêng, cao cả. Chú như một thiên thần bé nhỏ yên nghỉ trên cánh đồng quê hương. Lượm đã hoá thân vào đất mẹ:
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng...
Bao quanh Lượm là sự sống mơn mởn đang lên. Hương lúa thơm như mùi sữa mẹ. Sự hi sinh của Lượm vô cùng nhẹ nhàng, thanh thản. Câu thơ: Hồn bay giữa đồng khẳng định tinh thần bất tử của Lượm. Lượm đã chết cho quê hương xứ sở.

Câu thơ Lượm ơi, còn không? là một câu hỏi tu từ được tách ra thành một khổ thơ riêng có tác dụng nhấn mạnh, đặc tả nỗi đau đớn xót xa và niềm bâng khuâng, nhớ tiếc khôn nguôi của tác giả.

Hai khổ thơ cuối lặp lại như một điệp khúc khắc sâu hình ảnh đẹp đẽ của Lượm trong tâm hồn mọi người:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...
Lượm là bài thơ hay trong số những bài viết về tuổi nhỏ Việt Nam hồn nhiên, dũng cảm. Em thấy Lượm rất xứng đáng với những gương sáng của thanh thiếu niên thế hệ trước như Lý Tự Trọng, Kim Đồng; xứng đáng là đàn anh của những anh hùng dũng sĩ thiếu niên như Nguyễn Bá Ngọc, Kpa Klơng, Nguyễn Văn Hoà... thời đánh Mĩ.

2084.43
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận về bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu

Nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài Lượm vào năm 1949, in trong tập thơ Việt Bắc. Bài thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc hình ảnh Lượm, một em bé thiếu nhi hy sinh vì nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lượm là bài thơ tự sự - trữ tình kể về cuộc đời ngắn ngủi nhưng rất anh dũng của chú bé liên lạc, hồn nhiên, nhí nhảnh, yêu đời, dũng cảm đã ngã xuống để bảo vệ sự bình yên cho chính mảnh đất quê hương mình. Hình ảnh nhân vật Lượm xuyên suốt trong bài thơ.

Trong năm khổ thơ đầu, bằng cái nhìn trìu mến thân thương, tác giả đã miêu tả một chú bé rất đáng yêu:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.
Ca nô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
con chim chích
Nhảy trên đường vàng...
Nhắc đến Lượm, người đọc nhớ đến hai khổ thơ này, bởi đây là hai khổ thơ đầy ấn tượng về một chú bé liên lạc nhỏ nhắn, xinh xinh, nhanh nhẹn hồn nhiên, nhí nhảnh vui tươi. Những từ láy loát choắt, xinh xinh, thoăn thoát, nghênh nghênh được dùng rất gợi hình gợi cảm, cùng với thể thơ bốn chữ và nhịp thơ nhanh, tạo âm hưởng vui tươi, nhí nhảnh rất phù hợp với một chú bé như Lượm. Một hình ảnh so sánh đẹp như con chim chích - nhảy trên đường vàng... gợi lên trước mắt chúng ta một chú bé hồn nhiên yêu đời. Thật thú vị! Nhà thơ Lê Đức Thọ cũng có bài thơ Em bé liên lạc, ông cũng hình dung em như một con chim non vui tươi ở những câu kết:
Ngày mai trên quãng đường trắng
Có em bé lại dẫn đường bên anh.
Miệng cười chân bước nhanh nhanh,
Như con chim nhỏ trên cành vui tươi.
Có lẽ không còn hình ảnh nào có thể thay thế cho được hình ảnh con chim nhỏ và chỉ có hình ảnh này mới thể hiện được vẻ đẹp trẻ thơ của chú bé liên lạc. Bao trùm lên tất cả là cái tình của nhà thơ, cái nhìn trìu mến, thân thương của tác giả đối với chú bé. Phải yêu quý Lượm lắm thì mới miêu tả Lượm hay đến như vậy!

Người đọc yêu biết bao cái cười híp mí, má đỏ bồ quân của chú, nhưng càng yêu hơn niềm vui được tham gia kháng chiến của chú bé:
Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà!
Nhà thơ miêu tả Lượm vui như con chim sổ lồng. Cái ý đi làm liên lạc thích hơn ở nhà, đúng là niềm vui của con chim sổ lồng. Đó là niềm vui chung của cả thế hệ trẻ sau Cách mạng tháng Tám, chứ không riêng gì của chú bé Lượm.

Đáng yêu hơn là tiếng chào: “Thôi chào đồng chí” vừa tinh nghịch dí dỏm, lại vừa đứng đắn nghiêm trang, bởi em đã tham gia kháng chiến như mọi người, như chú của em vậy. Trong tiếng chào ấy ta thấy vang lên một niềm tự hào kiêu hãnh rất trẻ con, và rất đáng yêu của Lượm.

Ấn tượng của cuộc gặp gỡ vẫn còn giữ nguyên vẹn nét đẹp đẽ, vui tươi, ấm áp trong lòng tác giả, thì bỗng nhiên có tin Lượm hy sinh. Câu thơ bốn tiếng được ngắt làm hai dòng, bị gãy đôi như một tiếng nấc:
Ra thế
Lượm ơi!
Đó là nỗi sửng sốt, xúc động đến nghẹn ngào. Và nhà thơ hình dung ngay ra cảnh tượng chú bé hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ:
Một hôm nào đó
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao
Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư để “thượng khẩn”
Sợ chi hiểm nghèo?
Để rồi lại nghẹn ngào gọi em một lần nữa:
Bỗng loè chớp đỏ
Thôi rồi Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi!
Lượm đã hy sinh anh dũng như một chiến sĩ thực thụ, ở trên nhà thơ còn gọi em bằng cháu, và ở đây khi kể lại cảnh Lượm hy sinh. Tố Hữu đã gọi chú bằng những lời xưng hô trang trọng: Chú đồng chí nhỏ và có tới hai lần gọi như thế. Việc làm của em, sự hy sinh cao đẹp của em khiến em xứng đáng được nhà thơ gọi như thế. Phải chăng đó là lòng cảm phục của một cán bộ cách mạng đối với một em thiếu nhi anh hùng.

Nhưng rồi cuối cùng, tình cảm công dân ấy lại quay về tình chú - cháu. Nhà thơ lại gọi Lượm bằng tiếng cháu thân thương khi miêu tả cái chết đẹp đẽ cua em giữa đồng lúa quê hương:
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng...
Cánh đồng quê hương như vòng nôi, như vòng tay của mẹ, ấm êm dịu dàng đón em vào lòng. Em chết mà tay vẫn nắm chặt bông lúa, quê hương và hương lúa vẫn bao bọc quanh em như ru em vào giấc ngủ đẹp của tuổi thơ anh hùng. Em chết mà hồn bay giữa đồng, vừa thiêng liêng vừa gần gũi biết bao! Không yêu mến, xót thương, cảm phục Lượm thì không thể miêu tả một cái chết hồn nhiên và lãng mạn đến như thế! Đó là cái chết của những thiên thần nhỏ bé. Thiên thần nhỏ bé ấy đã bay đi để lại bao tiếc thương cho chúng ta, như Tố Hữu đã nghẹn ngào, đau xót gọi em lần thứ ba bằng một câu thơ day dứt: “Lượm ơi còn không?”

Câu thơ đứng riêng thành một khổ thơ, như một câu hỏi xoáy sâu vào lòng người đọc. Nếu không có cái tình với Lượm thì nhà thơ làm sao lại day dứt thế được!

Câu hỏi ngân vang ấy, tưởng chừng như không có câu trả lời, nhưng chính tác giả đã trả lời bằng hai khổ thơ cuối khép lại bài thơ:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng.
Hai khổ thơ cuối láy lại khổ thơ thứ hai và khổ thơ thứ ba như một điệp khúc để khẳng định Lượm vẫn còn sống mãi với quê hương đất nước, sống mãi trong lòng tác giả. Bài thơ hết nhưng ý thơ lại mở ra vẫn còn tiếp nối mãi trong lòng người đọc hình ảnh một chú bé liên lạc hồn nhiên mà dũng cảm, đáng yêu và đáng cảm phục. Lượm vẫn còn sống mãi trong lòng chúng ta như bài ca bất diệt về tuổi thơ trong sáng đã hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc.

Với thể thơ bốn chữ, một thể thơ dân gian truyền thống phù hợp với lối kể chuyện có nhịp kể nhanh. Với cách ngắt đôi câu thơ đột ngột, và nghệ thuật tách câu thơ thành một khổ thơ riêng rất độc đáo, kết hợp với cách sử dụng câu hỏi tu từ, câu cảm thán... Lượm thật sự là một bài thơ hay, cảm động về một tấm gương bé bỏng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

1564.10
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận về bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu

Lượm là bài thơ rất tiêu biểu cho thơ Tố Hữu trên nhiều phương diện, về mặt hình tượng, Lượm là một nhân vật nằm trong hệ thống những nhân vật trở đi trở lại nhiều lần trong các tác phẩm của ông, nhất là trong tập thơ Việt Bắc: những bà mẹ, người chị, anh bộ đội, đứa em,... nghĩa là hình ảnh một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Giọng kể, cách kể trung thực và sinh động trong một bài thơ bốn chữ với tiết tấu nhanh thích hợp với nhân vật được kể. Bố cục của bài thơ rõ ràng, mạch lạc: cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhà thơ và nhân vật, chuyến đi liên lạc cuối cùng, sự hi sinh dũng cảm của em, kết thúc là những cảm nghĩ của nhà thơ về “con người không chết” ấy.

Hình tượng nhân vật Lượm, trong năm khổ thơ đầu nếu chuyển từ thơ ca sang kí hoạ miêu tả chân dung, ta thấy đó là một người có thật, từ trang phục đến dáng đi, cử chỉ, lời nói. Nhưng giá trị của bức tranh không chỉ dừng lại ở những nét vẽ ngoại hình. Hoặc nói khác đi, từ những đường nét có thật của ngoại hình, vẻ đẹp bên trong của em được bộc lộ. Đó mới là điều tạo nên ấn tượng sâu sắc với nhà thơ:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Giọng thơ dĩ nhiên là theo lời kể, một cách kể nhịp nhàng, về trang phục và dáng đi, cả nét người, khuôn mặt. Những từ “cái” đặt ở đầu câu tạo nên một cấu trúc hệ thống, vừa lặp lại vừa rất đáng ngạc nhiên hay là cảm giác ngạc nhiên trong sự lặp lại. Thích hợp với hệ thống ấy, là một loạt những tính từ, động từ chỉ vật (đồ vật) và chỉ người hoàn toàn bằng từ láy. Có những từ láy gần âm và gần nghĩa (giữa “thoăn thoắt” và “loắt choắt”) bổ sung cho nhau tạo ấn tượng về sự nhỏ bé và nhanh nhẹn, nhưng cũng có những từ láy mà cả âm và nghĩa đều khác xa nhau: “xinh xinh” với “nghênh nghênh” chẳng hạn: “xinh xinh” là vẻ đẹp tươi tắn, hồn nhiên (hoà hợp giữa trang phục với dáng người thấp nhỏ), còn “nghênh nghênh” tạo dáng một trẻ em mới lớn cả sức vóc và ý chí, mong muốn sớm tự khẳng định mình. Tính đồng bộ về sự ăn nhập ngoại hình phải đến câu tiếp theo “Ca lô đội lệch”, và chỉ chờ có thế là một niềm vui oà ra, cất cánh:
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng
So sánh đã thay dần cho tả thực, một tính cách đã định hình. Nhà thơ không chỉ quan sát, nhìn ra mà là cảm thấy. Con đường mà em Lượm đang đi cứ lớn rộng dần ra, và là con đường rất đẹp (đường vàng). Hình ảnh con đường mang nhiều lớp nghĩa vừa chỉ hướng đi, vừa chỉ hướng dời. Đặt chân vào con đường ấy (con đường kháng chiến của toàn dân), em như bước vào ngày hội (“Mồm huýt sáo vang”). Nhịp thơ không chỉ thể hiện bước đi nhanh và ngắn như ở khổ hai mà dài hơn, xa hơn và thay cho “đi” là “nhảy”. Những điệp từ và từ láy không còn cũng vì lí do ấy. Sự lớn lên trong tâm hồn, trong tư tưởng ở em giống như một bước nhảy vọt trong khi về dáng dấp, hình hài vẫn là một đứa trẻ thơ. Chính sự không ăn khớp đến so le này đã tạo cho Lượm một vẻ đẹp riêng, vượt qua cái khác lạ hình thức bên ngoài (ngộ nghĩnh) có tính chất đơn lẻ, cá nhân mà vươn tới một vóc dáng tinh thần khác mang âm vang cái hào hùng có tính chất thời đại, có tính chất toàn dân. Chỉ có điều cái “khác thường” ấy thống nhất với cái bình thường. Đứa trẻ bình thường ấy đã rất hồn nhiên:
Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà!
Có lẽ niềm vui lớn nhất cần được chia sẻ lúc này là niềm vui của con cá tung tăng được từ suối, ra sông, ra biển. Lượm đã là con của đất nước “con của vạn nhà” chứ không chỉ hạn hẹp là con của một nhà. Thơ không phân tích lí giải mà đơn giản chỉ giãi bày thì đó cũng là một dấu hiệu về sự hồn nhiên, hợp với tuổi nhỏ. Cũng như tâm lí thích làm người lớn, tập làm người lớn là biểu hiện của cái háo hức bên trong không giấu được của mình:
Cháu cười híp mí
Má đỏ bồ quân
Thôi chào đồng chí!
Cháu đi xa dần...
Một từ “đồng chí” mà náo nức, xôn xao. Đó là ngôn ngữ mà cũng là tiếng reo vang khi người ta có thể giã từ tuổi thơ để bước vào đội ngũ. Một thế giới mới lạ mở ra, cho dù dấu vết của tuổi thơ còn đó (cười híp mí, má đỏ bồ quân). Với nhà thơ, những kỉ niệm ấy làm sao có thể dễ dàng quên, quên đi lớp thiếu niên của nước Việt Nam độc lập, quên đi đứa cháu thật đáng tự hào và cũng rất đáng yêu của mình như thế? Trong hành trang của nhà thơ, hình tượng bé Lượm là một sự cổ vũ lớn, có một vị trí không gì thay thế được.

Giá như Lượm không mất thì chưa chắc Tố Hữu đã có được bài thơ cảm động này. Thì ra, sự ác liệt của chiến tranh đã không loại trừ một ai kể cả những em nhỏ chưa kịp thành người lớn. Lượm tự nguyện bước vào cuộc đời chiến đấu và chấp nhận hi sinh, dũng cảm hi sinh. Hình ảnh ấy đã trở nên một thứ tượng đài bất tử. Đoạn thơ nói về cái chết anh dũng của em bắt dầu từ câu: “Ra thế - Lượm ơi!”.

Một câu thơ tưởng như đơn giản vậy thôi mà hội đủ ba tính chất: nhất quán, cao trào và đột biến. Nói nhất quán vì đây là một bài thơ kết hợp hai yếu tố trữ tinh và tự sự. Tự sự là mạch nối, còn mạch chìm là cảm xúc của nhà thơ. Nói cao trào vì đây là những nỗi niềm của nhà thơ dâng lên cực điểm. Còn nói đột biến vì dòng cảm xúc từ yêu thương, phấn khởi đã thành đột ngột, hụt hẫng, đau đớn, rụng rời. Câu thơ tự nó vỡ ra thành hai nhịp, tự nó cắt rời với những khoảng trống xót xa. “Ra thế” thuộc về câu chuyện chú bé hi sinh, còn “Lượm ơi!” là tiếng khóc thầm thì bật lên thành nức nở? “Ra thế” thuộc về khách quan, còn “Lượm ơi!” thuộc về chủ quan, về nỗi đau của trái tim nhà thơ như viên đạn bắn vào. Từ cảm xúc tức thời ấy mà câu chuyện trong cái kênh “tin nhà” kia được kể lại, tất nhiên là trong tưởng tượng mà nhà thơ có thể hình dung:
Một hôm nào đó
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao...
Chuyển thư từ, mệnh lệnh là nhiệm vụ hằng ngày của những em bé “liên lạc” như Lượm thì có gì phải kể? Nhưng mà không. Yếu tố tự sự của lời kể bỗng nhiên có ý nghĩa khi nó kết hợp làm một với yếu tố trữ tình, thông qua yếu tố trữ tình. Yếu tố trữ tình ở đây thể hiện trong việc sử dụng một thứ thời gian không xác định “Một hôm nào đó - Như bao hôm nào”. Có một cái gì thật mơ hồ, một phần có lẽ vì trong chiến tranh người ta không nhớ được thật cụ thể (ngày, giờ), một phần diễn tả đúng được tính cách vô tư của Lượm. Em có biết đâu đấy là ngày định mệnh của mình. Khổ thơ chuẩn bị cho cái chết của nhân vật ở đoạn sau. Cái chết đang đến gần mà Lượm không biết, nhưng người kể thì đâu có vô tâm. Chính với ý thức ấy mà nhà thơ thay đổi đại từ xưng gọi, những đại từ đơn: cháu, chú bé, Lượm... bằng một đại từ ghép: chú đồng chí nhỏ. Cách gọi tên trang trọng này tương ứng với hành động, với sự kiện hi sinh. Vị trí của người kể chuyện khi thì hoà nhập vào nhân vật được kể, khi thì tách ra với cự li cần có để đảm bảo tính khách quan của việc trần thuật:
Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vẽo
Thư đề “Thượng khẩn”
Sợ chi hiểm nghèo?
Đối mặt với cái chết mà Lượm không hề nghĩ đến nó mặc dù nó có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Vì yêu cầu của nhiệm vụ, Lượm đã vượt lên tất cả, đó là trường hợp tác giả đã hoá thân vào nhân vật cua mình. Còn khổ thơ sau đó, ông trở lại vị trí của người quan sát:
Đường quê vắng vẻ
Lúa trổ đòng đòng
Ca lô chú bé
Nhấp nhô trên đồng...
Tách nhà thơ ra khỏi nhân vật được kể trong thơ, nhưng thi sĩ đã tạo nên một sự hoà nhập mới giữa nhân vật trẻ thơ của mình với đồng quê, ruộng lúa, những gì thật gần gũi, thân thuộc với trẻ thơ. Chất biểu cảm trữ tình trong thơ tự sự toả ra theo một cách riêng từ phía ấy. Và chính nó làm cho người theo dõi lo lắng đến thắt lòng. Kẻ thù (đồng nghĩa với cái chết) thì tàn bạo, hiểm độc mà chú bé của chúng ta trong trẻo, thơ ngây như một tiên đồng. Cái hồn nhiên thần thánh ở nhân vật là ở chỗ: trước họng súng của kẻ thù, em vẫn không biết giấu mình, cứ lồ lộ, không hề quan tâm đến hiểm hoạ bao vây. Bởi vậy, khi cái chết ập đến, câu thơ như có gì vỡ ra thật đau đớn, nghẹn ngào. Giọng trần thuật không còn ở dạng thông thường. Thay thế cho nó là một tiếng kêu thảng thốt cất lên. Tâm trạng của nhà thơ qua câu: “Thôi rồi, Lượm ơi!” chẳng những như người bước hụt mà còn có gì như bâng khuâng nửa mê nửa tỉnh. Cảm giác không tin là có thật, vì bé Lượm, vì chú tiên đồng làm sao có thể chết?

Nhưng sự thực đau xót “Một dòng máu tươi” lại không thể không tin. Chỉ có điều kẻ thù cướp đi mạng sống mà không giết được cái thanh thản, hồn nhiên của một tâm hồn thơm mùi đồng quê gặt hái.

Đoạn thứ ba của bài bắt đầu bằng một câu thơ đặc biệt: “Lượm ơi, còn không?”. Đặc biệt vì lẽ thứ nhất: nó tách ra thành một dòng riêng, không ăn nhập với khổ nào. Và lẽ thứ hai: không tự sự, cũng không trữ tình, nó khái quát triết học về lẽ còn mất, trước một cao cả nhân sinh. Để sau đó, hai khổ tiếp theo như một luận chứng tâm hồn: Lượm không bao giờ mất đi trong niềm mến yêu, nhớ tiếc. Lượm vẫn sống trong lòng đồng chí, đồng bào. Cấu trúc trùng điệp (hai khổ kết lặp lại hai khổ đầu của bài thơ) như một âm vang bất tử. Nó vừa là câu hỏi, vừa là những hồi âm. Sự hô ứng trong bài thơ này dễ tạo nên ở người đọc sự tri âm, đồng điệu.

Về nghệ thuật bài thơ, Tố Hữu đã bắc được một cái cầu nối với bạn đọc nhỏ tuổi bằng thể thơ bốn chữ thật trong trẻo, hồn nhiên như bà kể cho cháu, mẹ kể cho con. Cách kể cũng không một chiều, đơn điệu. Tuy vẫn sử dụng cấu trúc đường thẳng, lấy trục thời gian làm điểm tựa nhưng khi trực tiếp (đoạn một), lúc gián tiếp (đoạn hai), kết hợp giữa miêu tả (đoạn một, đoạn hai) với độc thoại (đoạn ba). Tính sinh động của bài thơ còn thể hiện ở sự ngắt nhịp như những nốt lặng trên dòng chảy tâm tình. Những khổ thơ đặc biệt như “Ra thế - Lượm ơi!”, hoặc “Lượm ơi, còn không?” là những cơ hội giao tiếp (giữa nhà thơ với bạn đọc, giữa nhà thơ với nhân vật), cũng là cơ hội mà tác giả bộc lộ tâm tình. Một dụng ý không thể không nói là nhà thơ đặt nhân vật anh hùng nhỏ tuổi vào bối cảnh thiên nhiên, một thiên nhiên thuần phác, trẻ trung, ngọt ngào rất quen thuộc. Với Lượm, thiên nhiên ấy như một thứ khí trời, về với nó, cá được về với nước. Sự quấn quýt giữa Lượm với cánh đồng quê phảng phất một tình mẫu tử thân thiết lạ lùng, có một cái gì thật thanh khiết bản năng. Đó là nơi ra đi (đi chiến đấu), cũng là bờ bến trở về (lúc hi sinh):
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng...
Thiên nhiên ấy, với đầu óc còn thơ ngây của Lượm, nó chính là quê hương, và rộng hơn: nó là đất nước.

1084.31
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Soạn bài “Lượm”

I. Về tác giả

Nhà thơ Tố Hữu (tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành) sinh năm 1920 tại Thừa Thiên – Huế, mất năm 2002 tại Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, từ sáu, bảy tuổi Tố Hữu đã học và tập làm thơ. Ông giác ngộ cách mạng trong thời kì Mặt trận Dân chủ và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Ông bắt đầu đăng thơ trên báo từ những năm 1937-1938. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1942, Tố Hữu vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, ông lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám, Tố Hữu trở thành nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng trở thành nhà thơ lớn của nền văn học cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản: Từ ấy (thơ, 1946); Việt Bắc (thơ, 1954); Gió lộng (thơ, 1961); Ra trận (thơ, 1972); Máu và hoa (thơ, 1977); Một tiếng đờn (thơ, 1992); Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973); Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981); Nhớ lại một thời (hồi kí, 2000).

Nhà thơ đã được nhận: Giải Nhất giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam (1954 – 1955); Giải thưởng văn học ASEAN (1996); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I, năm 1996).

II. Kiến thức cơ bản

1. Bài thơ kể và tả về Lượm bằng lời của người chú. Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của hai chú cháu ở thành phố Huế trong “ngày Huế đổ máu”, sự hy sinh anh dũng của Lượm khi làm nhiệm vụ và hình ảnh sống mãi của Lượm.

Theo đó, có thể chia bài thơ thành ba phần.
– Từ đầu đến “cháu đi xa dần...”: cuộc gặp gỡ ở Huế.
– Tiếp đến “hồn bay giữa đồng...”: sự hy sinh anh dũng của Lượm khi làm nhiệm vụ liên lạc.
– Còn lại: Lượm sống mãi với non sông đất nước.

2. Hình ảnh Lượm được miêu tả từ khổ thơ thứ hai đến khổ thơ thứ năm. Về trang phục: cái xắc xinh xinh, ca lô đội lệch. Đó là trang phục cho các chiến sĩ liên lạc thời chống Pháp.

Lượm tự hào, bởi công việc của mình.
– Cử chỉ nhanh nhẹn: Cái chân thoăn thoắt, tinh nghịch, hồn nhiên Cháu cười híp mí, miệng huýt sáo vang.
– Lời nói tự nhiên, chân thật (Cháu đi liên lạc. Vui lắm chú à. Ở đồn Mang Cá. Thích hơn ở nhà).

Hình ảnh Lượm nhỏ nhắn, vui tươi, hồn nhiên, chân thành rất dễ yêu, dễ mến.
Các yếu tố nghệ thuật từ lý, so sánh, nhịp điệu đã góp phần khắc hoạ chính xác và sinh động hình ảnh Lượm, chú bé liên lạc.

3. Nhà thơ hình dung chuyến đi công tác cuối cùng của Lượm rất nguy hiểm, khó khăn: Mặt trận, đạn bay vèo vèo. Nhiệm vụ cấp bách, Lượm rất bình tĩnh vượt qua khó khăn.

Vụt qua mặt trận
Sợ chi hiểm nghèo?
Bọn giặc đã giết hại Lượm, đã bắn trúng em trên đồng quê vắng vẻ. Lượm đã ngã xuống như một thiên thần bé nhỏ:
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng
Hình ảnh Lượm thật dũng cảm khiến cho mọi người thương mến, cảm phục.

Trong đoạn thơ này có khổ thơ được cấu tạo đặc biệt gồm một câu thơ (thông thường nỗi khổ có bốn câu). Câu thơ này lại được ngắt làm hai dòng (Ra thế/Lượm ơi!...) Khổ thơ và câu đặc biệt này diễn tả lòng đau xót tiếc thương như dồn nén lại, như đứt đoạn ra trước tin hy sinh đột ngột của Lượm.

4. Trong bài thơ, người kể chuyện đã gọi Lượm bằng nhiều từ xưng hô khác nhau: Cháu, chú bé, Lượm, Chú đồng chí nhỏ, cháu, chú bé. Tác giả thay đổi cách gọi vì quan hệ của tác giả và Lượm vừa là chú cháu, lại vừa là đồng chí,vừa là của một nhà thơ với một chiến sĩ đã hy sinh. Trong đoạn thơ sau cùng, tác giả gọi Lượm là “Chú bé” vì lúc này Lượm không còn là người cháu riêng của tác giả. Lượm đã là của mọi người, mọi nhà,

Lượm đã thành một chiến sĩ nhỏ hy sinh vì quê hương, đất nước.

Sự đan xen các mối quan hệ như thế khiến cho tình cảm của tác giả thêm thắm thiết và sâu sắc, gắn bó. Bài thơ vì thế càng thêm cảm động.

5. Câu thơ “Lượm ơi còn không?” như một câu hỏi đầy đau xót về sự hy sinh của Lượm. Sau câu thơ ấy, tác giả lập lại hai khổ thơ đầu với hình ảnh Lượm hồn nhiên vui tươi. Sự lập lại có dụng ý khẳng định Lượm không chết, Lượm không mất. ở trên đã có khổ thơ nói về sự hoá thân của Lượm:
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng
Đến đây một lần nữa, tác giả khẳng định Lượm sống mãi trong lòng mọi người, sống mãi cùng non sông, đất nước.

III. Rèn luyện kỹ năng

1. Cách đọc

Bài thơ gồm mười lăm khổ (khổ thứ bảy gồm hai dòng thơ, khổ thứ 13 chỉ gồm một dòng thơ). Khi đọc bài thơ, cần lưu ý:
– Đoạn 1 đọc theo giọng kể (trung bình, chậm);
– Đoạn 2 và 3 đọc tiết tấu nhanh hơn khi đọc đoạn 1;
– Đoạn 4 đọc theo giọng đối thoại (tươi vui, thể hiện tính cách hồn nhiên);
– Hai câu đầu đoạn 5 giọng kể, câu thứ ba đọc giọng cao hơn, và câu cuối (“Cháu đi xa dần”) đọc chậm và ngừng nghỉ cách đoạn lâu hơn các đoạn trước;
– Ba câu đầu đoạn 6 đọc giọng kể, câu thứ tư đọc giọng trầm và chậm hơn, chuẩn bị tâm thế xúc động;
– Đoạn 7 gồm hai dòng thơ, mỗi dòng hai chữ, đọc chậm (nhịp 1/1), biểu lộ sự đau xót, cuối đoạn ngừng nghỉ lâu, thể hiện tình cảm lắng đọng;
– Đoạn 8, 9, 10 đọc giọng kể, thể hiện sự hồi tưởng – đặc biệt câu “Đạn bay vèo vèo” ngắt nhịp 2/1/1 mạnh và dứt khoát, câu “Nhấp nhô trên đồng” đọc chậm;
– Đoạn 11 câu đầu ngắt 1/1/2 và đọc nhấn mạnh ở chữ “loè”, câu thứ hai ngắt 2/2 đọc chậm, các câu còn lại đọc chậm kết hợp giọng hồi tưởng;
– Đoạn 12 tiếp tục đọc chậm, giọng bồi hồi miêu tả sự hi sinh anh dũng của Lượm, cuối câu thứ tư ngừng nghỉ lâu hơn các đoạn trước;
– Đoạn 13 (“Lượm ơi, còn không?”) ngắt 2/2 và đọc giọng trầm, tha thiết, cuối câu ngừng nghỉ lâu;
– Đoạn 14 đọc giọng tươi vui, tái hiện hình ảnh Lượm hồn nhiên, nhí nhảnh... với ý nghĩa khẳng định: Lượm hi sinh nhưng bất tử.

2. Viết một đoạn văn khoảng mười dòng miêu tả chuyến đi liên lạc cuối cùng và sự hi sinh của Lượm

Gợi ý: Khi viết cần chú ý miêu tả kĩ các chi tiết:
– Lượm chuẩn bị cho chuyến đi liên lạc cuối cùng như thế nào?
– Hành động, ý chí của Lượm khi gặp gian nguy thể hiện ra sao?
– Khi ngã xuống vì bị trúng đạn của kẻ thù, Lượm đã làm gì? Ý nghĩa của hành động ấy?
– Nhân vật Lượm để lại trong em niềm thán phục ra sao?

1994.36
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

...thắc mắc...

Mình đang thắc mắc là sau câu "Lượm ơi, còn không ?" như một câu hỏi đầy đau xót sau sự hy sinh của Lượm. Vì sao sau câu thơ ấy tác giả lặp lại hai khổ thơ ở đoạn đầu với hình ảnh Lượm hồn nhiên vui tươi?

1783.93
Trả lời
Ảnh đại diện

Lượm

Lượm trong Tuổi thơ dữ dội không phải Lượm của Tố Hữu.

Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
903.38
Trả lời
Ảnh đại diện

Nội dung bài thơ Lượm

Khổ thơ thứ 2 là "Chú bé loắt choắt" hay là "Cháu bé loắt choắt" vậy?
"Chú lên đường xa" hay là "Chú lên đường ra"?
Ai biết thông tin chính xác thì chỉ giáo nha! Thanks nhìu ^^

793.28
Trả lời
Ảnh đại diện

Nguyên tác

Khổ thứ hai là "Chú bé loắt choắt", khổ thứ sáu là "Chú lên đường ra" ạ :)
Nguồn: "Thơ Tố Hữu", NXB Giáo dục, 2003 và Sách giáo khoa :)

Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
763.64
Trả lời
Ảnh đại diện

Trả Lời

Chú bé loắt choắt,chú lên đường ra bạn ơi:)

203.25
Trả lời

Trang trong tổng số 5 trang (41 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối