Thơ » Việt Nam » Cận đại » Phạm Tất Đắc
Đăng bởi tôn tiền tử vào 12/12/2014 15:19
Hăm lăm triệu trẻ già trai gái,
Bốn nghìn năm con cái Hồng Bàng.
Cũng nhà cửa, cũng giang san,
Thế mà Nước mất nhà tan hỡi trời!
Nghĩ lắm lúc đương cười hoá khóc,
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang.
Vạch trời thét một tiếng vang,
Cho thân tan với giang san Nước nhà.
Đồng bào hỡi! - Con nhà Hồng Việt,
Có thân mà chẳng biết liệu đời.
Tháng ngày lần lữa đợi thời,
Ngẩn ngơ ỷ lại ở người, ai thương!
Nay sóng gió bốn phương dữ dội,
Có lẽ nào ngồi đợi mãi sao?
Đồng bào chút giọt máu đào,
Thương ôi! Tội nghiệp đời nào xót đây!
Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn!
Mà xót thương đến chốn Nhị, Nùng.
Xưa kia vẫn lắm anh hùng,
Dọc ngang trời đất vẫy vùng bể khơi.
Xưa cũng có lắm người hào kiệt,
Trong một tay nắm hết sơn hà.
Nghìn thu gương cũ không nhoà,
Mở mày mở mặt con nhà Lạc Long.
Non sông vẫn non sông gấm vóc,
Cỏ cây xưa vẫn mọc tốt tươi.
Người xem cũng dáng con người,
Cũng tai, cũng mắt ở đời khác chi.
Cảnh như thế tình thì như thế!
Sống làm chi, sống để làm chi?
Đời người đến thế còn gì,
Nước non đến thế, còn gì Nước non!
Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ,
Trông non sông lã chã dòng châu,
Một mình cảnh vắng đêm thâu,
Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san.
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt,
Tiếng cuốc kêu dậy mặt anh hùng.
Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng,
Mà chiêu Hồn cũ lại cùng non sông!
Hồn hỡi Hồn, con Hồng cháu Lạc!
Bấy lâu nay giặc giã chiến tranh,
Bấy lâu thịt nát xương tan,
Bấy lâu tím ruột thâm gan vì Hồn.
Hồn hỡi Hồn, kìa non Nước cũ,
Bấy nhiêu lâu mặt ủ mày chau.
Bấy lâu ngậm tủi nuốt sầu,
Bấy lâu hèn kém vì đâu hỡi Hồn.
Trông bốn bể bồn chồn dạ ngọc,
Ngẫm năm châu khôn khóc nên lời.
Đêm khuya cảnh vắng êm trời,
Khôn thiêng chăng hỡi! Hồn ơi Hồn về.
Hồn trở về đừng mê mẩn nữa,
Tính nết xưa phải sửa từ giờ.
Hồn về Hồn cố cho nhờ,
Anh em Hồng Lạc, cõi bờ Việt Nam.
Hãy trở về chớ vì rượu thịt,
Chớ tham nhà cao tít nhiều từng.
Kìa con chim ở trong rừng,
Kiếm mồi đâu có lạc chừng quên cây.
Hồn trở về đừng say sắc đẹp,
Mà nặng tình kẻ khép phòng thu.
Đường đường một đấng trượng phu,
Lẽ đâu Hồn chẳng đền bù non sông.
Hồn trở về chớ mong giàu có,
Mà ước ao xe nọ ngựa kia.
Nghênh ngang mũ áo râu ria;
Trăm nghìn năm vẫn còn bia miệng cười.
Hồn cố về cõi đời chớ chán,
Mà vội đem lòng nản việc trần.
Bát cơm tấm áo manh quần,
Hồn ăn Hồn mặc nợ nần thế gian.
Hồn trở về bấm gan mà chịu,
Cảnh biệt ly tình hiếu đôi đường.
Trượng phu trí ở bốn phương,
Lẽ đâu Hồn chịu vấn vương xó nhà.
Hồn trở về nguyệt hoa chi nữa,
Mà thoi đưa lần lữa tháng ngày.
Xưa nay những kẻ tỉnh say,
Lòng mê có nghĩ việc hay bao giờ!
Hồn Nước về chớ chờ sức yếu,
Hồn Nước hãy định liệu dọc ngang.
Hay Hồn bảo chẳng biết đàng,
Hay Hồn không muốn vội vàng làm ngay.
Hay Hồn sợ tai bay vạ gió,
Hồn Nước đành phải bỏ non sông!
Hoặc Hồn quen thói phục tòng,
Nên Hồn cam chịu làm dòng ngựa trâu.
Hoặc Hồn chỉ cháo rau no đói,
Mà Hồn chẳng mong khỏi cơ hàn.
Hoặc Hồn đã trải lầm than,
Mà Hồn đánh mất cái gan tung hoành?
Hoặc Hồn ở thị thành phố xá,
Hoặc Hồn núp túp lá lều tranh?
Hoặc Hồn trong chốn rừng xanh,
Hoặc Hồn lẩn quất ở quanh sơn hà?
Hoặc Hồn ở Nước nhà chật hẹp,
Hoặc Hồn đi ẩn núp Nước người?
Đêm khuya cảnh vắng im trời,
Khôn thiêng chăng hỡi, Hồn ơi Hồn về!...
Hồn Nước về đừng mê mẩn nữa,
Tính nết xưa phải sửa từ giờ.
Hồn về, Hồn cố cho nhờ,
Con dân Hồng Lạc cõi bờ Việt Nam.
Còn chi sung sướng vẻ vang,
Bằng đem da ngựa sa tràng bọc thây.
Hồn trở về làm ngay ý muốn,
Chớ rụt rè sớm muộn nào nên.
Lẽ thường thành bại đôi bên,
Chớ đo đắn quá mà quên việc mình.
Hồn trở về hy sinh quyền lợi,
Mà tận tâm đối với Nước non.
Dù cho thịt nát xương mòn,
Cái bầu nhiệt huyết vẫn còn như xưa.
Hồn Nước trở về đừng mơ ác mộng,
Để Hồn trở thành ra giống ngựa trâu.
Hồn về Hồn kíp đòi mau,
Tự do hành động mặc dầu dọc ngang.
Hồn trở về bền gan dốc trí,
Chớ có thèm cái vị cao lương.
Tháng ngày dưa muối rau tương,
Chớ tham rượu thịt mà nương nhờ người.
Hồn trở về xoay trời đất lại,
Hồn trở về tát hải đạp sơn!
Chớ nề gió kép mưa đơn!
Mà đem gan chọi với cơn phong trần!
Hồn Nước hỡi! Xa gần nghe thấy,
Thì vùng lên! Kíp dậy mà về.
Hoặc Hồn ở chốn thôn quê,
Hoặc là Hồn ở phủ kia lầu nầy?
Nước non cũ bấy nay khao khát,
Ngày nầy qua ngày khác lại qua,
Mấy phen lệ nhỏ máu sa,
Mấy phen xót xót xa xa lòng vàng.
Mong Hồn tỉnh Hồn càng không tỉnh;
Mong Hồn về, Hồn định không về.
Non sông Hồn bỏ lời thề,
Cho non sông chịu trăm bề lầm than.
Hồn hỡi Hồn! Giang san là thế,
Giống Lạc Hồng tôi kể Hồn hay:
Kể từ Hồn lạc đến nay,
Đêm đêm khóc khóc, ngày ngày than than.
Cũng có kẻ trên ngàn nhỏ máu,
Cũng có người nương náu phương xa.
Nhiều người bỏ cửa bỏ nhà,
Cũng người lo nghĩ tuyết pha mái đầu.
Cũng có kẻ làm thân trâu ngựa,
Cũng có người đầy tớ con đòi.
Cũng thằng buôn giống bán nòi,
Khôn thiêng chăng hỡi! Hồn coi cho tường...!
Có mồm nói, khôn đường mà nói,
Có chân tay, người trói chân tay,
Mập mờ không biết dở hay,
Ù ù cạc cạc, công nầy việc kia.
Hồn hỡi Hồn! Đêm khuya canh vắng,
Hồn nghe có cay đắng hay không?
Tôi đây cùng giọt máu hồng,
Cũng xương cũng thịt con Rồng cháu Tiên.
Trông thấy cảnh mà điên mà dại,
Trông thấy tình mà dại mà điên
Mà sao không thể ngồi yên?
Sa câu gan ruột tôi biên mời Hồn.
Hồn nghe thấy nên chồn tấc dạ,
Hồn nghe xong nên khá mà về.
Chớ đừng tỉnh tỉnh mê mê,
Chớ đừng đo đắn trăm bề sâu nông.
Hồn trở về non sông Nước cũ,
Mà mau mau giết lũ tham tàn,
Mau mau giết lũ hại đàn,
Túi tham cướp hết bạc vàng của dân.
Hồn trở về cho dân tỉnh lại,
Không ngu ngu dại dại như xưa.
Không còn khó nhọc sớm trưa,
Không còn nắng nắng mưa mưa dãi dầu.
Hồn trở về mau mau Hồn hỡi!
Hồn trở về tôi đợi tôi mong.
Hồn về dạy dỗ con Rồng cháu Tiên.
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt.
Dân không còn Nước mất sao còn?
Hỡi Hồn Nước Nước non non!
Hồn về tôi sẵn lòng son giúp Hồn.
Tôi đây cũng không khôn cho lắm,
Nhưng cũng không dại lắm cho nhiều.
Tôi nay chỉ một lòng yêu,
Nên mong nên mỏi nên chiêu Hồn về.
Hồn hỡi Hồn! Hồn về Hồn hỡi!
Hồn hỡi Hồn! Hồn hỡi Hồn ơi!
Đêm khuya cảnh vắng êm trời.
Khôn thiêng chăng hỡi Hồn ơi Hồn về!
Bút viết xong tai nghe miệng đọc.
Miệng đọc xong giọt ngọc nhỏ sa.
Nhỏ sa nên chữ hoá nhoà,
Hoá nhoà nên mới in ra nghìn tờ.
In nghìn tờ mà đưa công chúng,
Công chúng xem mong bụng đổi dần.
Để rồi thúc kẻ xa gần,
Rằng mau nên trả nợ nần non sông!...
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 14/10/2017 21:54
Phạm Tất Đắc một con người mang trong mình ý thức sớm về việc cách mạng chủ nghĩa, sớm thấu nỗi lòng, chứng kiến nhiều đau khổ của người dân, căm thù bọn giặc Pháp xâm lược. Tuy ông mất khi tuổi đời còn rất trẻ dưới sự khắc nghiệt của bọn thực dân, nhưng khả năng của ông đã được công nhận rõ nhất qua thơ ca với sự thành công của tập thơ Chiêu hồn nước.
Tập thơ nhỏ gồm 198 câu song thất lục bát, với lời lẽ thống thiết, lúc lại sôi sục căm hờn dấy lên lòng yêu nước của người Việt qua các thời đại, đặc biệt trong cảnh đô hộ của người Pháp, chạm được vào tấm lòng của rất nhiều thế hệ thanh niên thời đó, được đón nhận rất nồng nhiệt.Trong trích đoạn này gồm có 34 câu thơ dường như mang được ý nghĩa bao hàm sâu sắc của cả tập thơ vang vọng, có độ ấn tượng không thua kém gì những khúc ca bi tráng của đất nước được cất lên.
Nhan đề của bài thơ dường như là một sự rất mới lạ ở thời kì này, sự mạnh mẽ, nhiệt huyết trong từng suy nghĩ,len lỏi vào mạch máu của người thanh niên trẻ tuổi này mới từ chính tâm hồn, con người ông. Chiêu hồn chính là gọi hồn đất nước. Trong thời kì lầm than, nô lệ, đất nước thiếu sự sống chỉ có một cách là gợi về lịch sử hào hùng của dân tộc để phần nào phục hồi lại lòng yêu nước trong nhân dân.
Cũng nhà cửa, cũng giang sanBài thơ được mở đầu khá ấn tượng với lời than nhuốm màu nô lệ của một đất nước vốn tự do, mạnh mẽ, dòng tự sự chân thật của tác giả theo cảm xúc tự nhiên khi nghĩ về đất nước khiến “Cười hoá khóc”. Nước mất thì đó là nghịch cảnh nỗi nhục nhã bi ai lớn nhất. Với một đất nước với bề dày lịch sử, có “giang sơn, nhà cửa” đã được Trời định mà dường như các thế hệ tiếp nối dễ để sơ hở cho những điều xấu xa nhất trong lịch sử thâm nhập quá dễ- Chế độ phong kiến hà khắc, Bọn thực dân tham lam, tàn ác làm cho đất nước đến mỗi nếp nhà đau đớn oằn mình chịu đựng. Là người trí thức sức trẻ ngùn ngụt với suy nghĩ mới, đau nỗi đau chung dân tộc tác giả phải thốt lên những lời mạnh mẽ xé lòng có thể thấy qua ngòi bút đẫm tình muốn bứt ra khỏi vòng nô lệ mà chiến đấu. Tâm sự điển hình ấy không chỉ của mỗi người thanh niên trẻ mà là của biết bao con người ở thời thế đó làm cho mỗi câu thơ thêm thúc giục vào những tâm hồn đang ngủ quên với lòng yêu nước.
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời!
Nghĩ lắm lúc đang cười hoá khóc
Muốn ra tay ngang dọc, dọc ngang
Vạch trời thét một tiếng vang
Cho thân tan với giang san nước nhà!
Đồng bào hỡi con nhà Đại ViệtSự khích lệ vào sự tự do là cái ta có thể thấy rõ nhất thức tỉnh về sự chần chừ trong thời điểm cứu nước, cứ lặng yên mặc cho bọn thực dân giày xéo, ở đây vẫn thấy được sức trẻ, suy nghĩ trẻ hoá giúp tình yêu nước không chỉ dừng lại ở lời nói mà sẵn sàng hy sinh, phải hành động để cứu nước. Sự khơi gợi về lòng tự tôn dân tộc, trở về với cội nguồn, truyền thống cao cả thiêng liêng chốn
Có thân mà chẳng biết liệu đời
Tháng ngày lần lữa đợi thời
Ngẩn ngơ ỷ lại ở người, ai thương?
Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn....Trong giọng thơ toàn bài có thể thấy có sự mỉa mai nhẹ từ phía tác giả nhưng hơn hết đó là sự đau lòng quá sâu của tác giả để thốt ra được những lời nói kích thích vào lòng tự trọng để mong mỗi người đọc hiểu mà thấm về hoàn cảnh của quốc gia đang có nguy cơ suy vong, nỗi đau nhục nhã đến bờ vực của cảm xúc để cùng đồng cảm với tác giả.
Cũng tai cũng mắt như đời khác chi
Cảnh như thế, tình thì như thế,Tác giả sử dụng thành thạo biện pháp tu từ, câu cảm thán, điệp ngữ “đến thế còn gì, sống mà chi...” làm tăng độ xoáy vào trong tâm hồn người đọc làm thấm thía hơn từng câu chữ.
Sống mà chi, sống để mà chi?
Đời người đến thế còn gì nước non!
Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ,Những vần thơ trên đã xứng đáng với kì vọng muốn cất lời trong một bài thơ sâu sắc để đời, khúc tráng ca mãi mãi trường tồn cùng thời gian. Phải hun đúc cho mình ngọn lửa sự tự do của đất nước. Lay động nhiều con người yêu nước, giục giã họ lên đường cho tự do góp một phần công sức nhỏ bé như tác giả không mong được công nhận chút nào để tiến hành cách mạng kể cả có đổ máu, có sự hy sinh nhưng đất nước được sống đó mới là ý nghĩa của “chí làm trai - sống cùng đại cuộc”.
Trông non sông lã chã giòng châu,
Một mình cảnh vắng đêm thâu,
Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san.